Lễ rước linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II

Linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II được rước trên quãng đường dài 2 km tới Đại sảnh Westminster, trước sự theo dõi của hàng nghìn người dân ở London.

Linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II ngày 14/9 được đặt trên cỗ linh xa 7 con ngựa kéo, rời khỏi Cung điện Buckingham ở thủ đô London, Anh.

Cứ mỗi phút, các binh sĩ bắn một quả đại bác từ công viên Park Hyde trong suốt quá trình rước linh cữu.

Đoàn rước đi qua tháp đồng hồ Big Ben. Trong buổi lễ, chuông đồng hồ Big Ben ngân lên mỗi phút một lần.

Đoàn quân nhạc chơi các tác phẩm của Beethoven, Mendelssohn và Chopin.

“Chúng tôi có thể cảm nhận được sức mạnh từ tiếng nhạc. Đám đông đều im lặng, cảnh tượng thật đẹp, thật xúc động”, Shirley Negal, 66 tuổi, người đã đi từ Kent đến London để chứng kiến lễ rước, nói.

Lễ rước kéo dài khoảng 40 phút trên quãng đường dài 2 km, từ Cung điện Buckingham qua đường The Mall và Whitehall để đến Đại sảnh Westminster.

Linh cữu được phủ lá cờ của quân vương. Vương miện được đặt ở bên trên cùng vòng hoa trắng.

4 người con của Nữ hoàng là Vua Charles III, Công chúa Anne, Hoàng tử Andrew và Hoàng tử Edward cùng hai cháu nội là Thái tử William và Harry đi bộ phía sau linh cữu Nữ hoàng.

Vua Charles III, con trai cả Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip, lặng lẽ đi phía sau linh cữu mẹ.

Ông lên ngôi sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời tại lâu đài Balmoral ở Scotland ngày 8/9, thọ 96 tuổi. Khi phát biểu tại lễ tấn phong cuối tuần trước, Vua Charles nhấn mạnh Nữ hoàng Elizabeth đã nêu tấm gương về tình yêu và phụng sự quên mình. Triều đại của bà “vô song về thời gian, sự cống hiến và tận tụy”.

Vương hậu Camilla (phía ngoài) và Công nương Kate ngồi trên xe ôtô di chuyển phía sau linh cữu.

Bà Sophia, vợ của Hoàng tử Edward và là con dâu út của Nữ hoàng Elizabeth II (phía trong), cùng Meghan ngồi trên ôtô phía sau linh cữu.

Hàng nghìn người dân tập trung dọc tuyến đường The Mall và Whitehall để bày tỏ lòng tiếc thương. Họ mang theo quốc kỳ và hoa.

“Chúng tôi đã mất một người đặc biệt. Bà đã phụng sự đất nước này kiên định và bất biến. Có thể gọi bà là nữ hoàng của các nữ hoàng”, Kenneth Taylor, 72 tuổi, nói.

Linh xa dừng trước lối vào Đại sảnh Westminster.

Linh cữu Nữ hoàng được đặt trên bệ cao tại Đại sảnh Westminster.

Đại sảnh Westminster mở cửa 24 giờ mỗi ngày trong thời gian linh cữu Nữ hoàng được quàn tại đây. Người dân được đến viếng từ 17h ngày 14/9 đến 6h30 ngày 19/9. Ước tính hàng trăm nghìn người sẽ đến bày tỏ lòng tiếc thương với Nữ hoàng.

Người dân không được phép mang hoa, nến hay thú bông vào Đại sảnh Westminster. Họ cần giữ im lặng và không chụp ảnh. Họ được yêu cầu xếp hàng dọc theo bờ sông Thames và được phát vòng tay có đánh số.

Thái tử William và Công nương Kate, Harry và Meghan trong lễ cầu nguyện tại Đại sảnh Westminster.

Harry không được mặc quân phục vì không còn đảm nhận nhiệm vụ hoàng gia, dù từng phục vụ trong quân ngũ.

Lễ rước linh cữu tại trung tâm London ngày 14/9. Video: AFP.

Trong hơn 7 thập kỷ, Nữ hoàng Elizabeth II đã dẫn dắt hoàng gia Anh và đất nước bước qua nhiều giai đoạn thăng trầm, sóng gió của lịch sử.

Truyền thông Anh ca ngợi bà là “biểu tượng ổn định” của đất nước suốt hơn 7 thập kỷ qua, khi hoàng gia và người dân cần một điểm tựa tinh thần giữa các biến cố.

Theo Vietnam E xpress

Nhà văn Nga Nikolai Gogol: Chân dung một người độc thân vĩ đại

Một cuộc đời ngắn ngủi, chỉ 43 năm sống trên cõi thế, liên tục đi du lịch, lúc “định cư” thì chủ yếu ở tại Italia. Không một lần kết hôn. Thực chất chẳng làm việc ở bất cứ đâu, toàn ngồi viết văn theo ý thích, tiền sinh kế chỉ là thu nhập từ một trang trại nhỏ ở Nga với 400 nhân khẩu… Thế nhưng, sau hai thế kỷ trôi qua, Nikolai Gogol vẫn là một tên tuổi sáng chói trong làng văn học Nga, Ukraina và thế giới.

Ông để lại sau mình hàng chục tác phẩm kiệt xuất và rất nhiều bí ẩn riêng tư nhưng mang tính thời đại.

Thực ra, ngay cả ngày sinh của Gogol cũng là điều bí ẩn đối với những người đồng thời với ông trong suốt một thời gian dài. Thoạt tiên mọi người cứ tưởng Gogol sinh ngày 19/3/1809, rồi lại tưởng sinh nhật của ông là ngày 20/3/1810. Và chỉ sau khi ông qua đời, từ giấy khai sinh của ông, người ta mới biết nhà văn sinh ngày 20/3/1809, tức là ngày 1/4 theo lịch mới.

Cuộc hôn nhân của cha mẹ nhà văn được bắt đầu rất lạ lẫm. Ngay khi còn bé, Vasili Afanasevich, cha của Gogol đã thường tới nhà thờ ở tỉnh Kharkov, nơi có tượng Đức Mẹ rất đẹp.

Một lần, ông mơ thấy cảnh Đức Mẹ ngồi ở trên trời cao và chỉ vào đứa nhỏ ngồi dưới chân bà và nói: Đây sẽ là vợ con! Một thời gian sau, cậu bé mà sau này sẽ trở thành cha Gogol đã nhìn thấy trong cô bé con nhà hàng xóm mới bảy tháng tuổi đường nét của vị hôn thê tương lai mà cậu đã gặp trong mơ.

Từ đó trở đi, trong suốt 13 năm liền, Vasili Afanasevich không lúc nào rời mắt khỏi cô con gái con hàng xóm và sau một lần giấc mơ cũ lại hiện về, đã xin được kết hôn với nàng. Một năm sau đó, đám cưới tưng bừng đã được tổ chức. Và đứa con trai đầu lòng của họ là nhà văn vĩ đại tương lai.

Tiếp theo sau là hai cô con gái. Là con trai duy nhất trong nhà, lại mồ côi cha từ năm 15 tuổi, Nikosha (tên gọi thân mật của Gogol) thuở nhỏ được cả gia đình cưng chiều, đặc biệt là mẹ. Bà mẹ sùng bái cậu con trai quý hiếm đến mức đã mất rất nhiều lời để cố gắng thuyết phục mọi người rằng chính Nikosha đã phát minh ra đường ray xe hỏa! Gogol được thừa hưởng từ mẹ một tâm hồn tinh tế, một tinh thần mộ đạo và mối quan tâm sâu sắc tới linh cảm.

Cha ông truyền cho ông tính hay lo lắng quá. Không có gì lạ nếu nhà văn tương lai ngay từ nhỏ đã rất quan tâm tới những điều bí mật, huyền bí, những giấc mơ kỳ thú và đầy điềm báo, những dấu hiệu định mệnh, mà về sau sẽ xuất hiện dày đặc trong các tác phẩm của ông…

Gogol lớn lên đủ đầy trong khung cảnh thiên nhiên hào phóng sắc màu ở Ukraina và dường như không có gì hứa hẹn việc sau này sẽ trở thành nhà văn viết nên những tác phẩm đầy hiện thực cay đắng và u ám như “Chiếc áo choàng” hay “Những linh hồn chết”…

Thực ra ước mơ tuổi thơ của Gogol không phải là viết văn mà trở thành nghệ sĩ: nhà văn tương lai đã thích diễn kịch từ hồi còn học trung học… Năm 20 tuổi, Gogol tới kinh đô Peterburg với ý định xin vào Nhà hát Hoàng đế. Chàng trai đã phải diễn thử một số đoạn kịch trước vị chủ khảo khả kính Khrapovitsky. Phong cách phổ biến hồi đó của các diễn viên là phải diễn rất màu mè và khuếch trương.

Thế nhưng, Gogol đã không làm việc gì tương tự như thế mà đã diễn cực kỳ hiện thực, cẩn trọng và đã bị đánh trượt vỏ chuối vì “không có tài năng” như lời báo cáo của viên chủ khảo với Giám đốc Nhà hát Hoàng đế, Công tước Gagarin. Đó là cái vả đầu tiên của số phận. Còn cái vả thứ hai thì do chính ông tự vả vào mình.

Cảm nhận rất đúng rằng, sức mạnh của nhà hát phải ở trong chủ nghĩa hiện thực chứ không phải ở những sự hoa hoè hoa sói, Gogol lại bắt tay vào viết trường ca đầu tiên của mình “Hanz Kuchelgarten” theo phong cách màu mè và khuếch trương. Và cho in nó bằng tiền túi bỏ ra, dưới bút danh Alov, có ý tuyên bố đây sẽ là bình minh mới đỏ rực của một thiên tài (!).

Thế nhưng, tập trường ca này ngay lập tức đã bị phê phán tơi bời và kinh ngạc trước những lời chê trách, Gogol đã cho người hầu Yakim trung thành của mình đi khắp các hiệu sách mua tất cả những bản trường ca còn lại về nhà trọ đốt. Hình như niềm đam mê lửa và sự tự đốt mình của Gogol đã nảy sinh từ đó!

Nhưng cũng từ đó, công việc của Gogol lại trở nên tốt đẹp hơn. Tới các quầy sách và giở xem các tạp chí, Gogol bỗng nhận thấy nỗi đam mê của người Peterburg đối với những kỳ thú Ukraina, đặc biệt là những chuyện ma quỷ rùng rợn tới tức cười.

Thế là ông ngồi vào viết rất nhanh tập những truyện tưởng tượng mang đậm màu sắc Ukraina “Những buổi tối ở làng gần Dinkanka” rất xuất sắc. Cuốn sách này đã gây nên cả một làn sóng chú ý của độc giả và quan trọng nhất là được lọt vào mắt xanh của những “trưởng lão văn học” thời đó ở Saint Peterburg là Zhukovsky và Puskin.–PageBreak–

Trong số phận của Gogol, thi hào Puskin có vai trò gần như là một người cha đỡ đầu, còn Zhukovsky – thầy giáo của thái tử – đã trở thành người bắc “nhịp cầu duyên” nối giữa Gogol với Sa Hoàng.

Không có mối quan hệ đó với Sa Hoàng chắc chắn sân khấu Nga đã không bao giờ được nhìn thấy một vở diễn như “Quan thanh tra” vì sự xuất hiện của một tác phẩm sâu cay như thế chỉ có thể có được nếu Sa Hoàng gật đầu. Vở kịch “Quan thanh tra” lần đầu tiên được dựng vào tháng 5/1836.

Sa Hoàng sau khi nhận bản in vở kịch này đã tặng lại cho Gogol một cái nhẫn kim cương. Sa Hoàng còn đích thân xem vở diễn này tại nhà hát Aleksandrinsky, cười nghiêng cười ngả và cuối buổi diễn, đã thốt lên: “Tất cả đều bị giễu, nhất là trẫm!”. Gogol đã qua mặt được Sa Hoàng như thế đấy…

Thế nhưng, các nhà phê bình lại không mấy hào phóng lời khen khiến nhà văn cảm thấy choáng. Trạng thái tâm lý của ông trở nên tồi tệ đến mức tới tháng 6/1836, ông đã quyết định ra nước ngoài để “giải khuây”…

Gogol đã tới Saint Peterburg với tư cách một thanh niên tỉnh lẻ, ăn vận theo mốt quê Poltava, đầu đội mũ lông vịt, đi nhẹ như chim nhưng trong công việc đã tỏ rõ bản lĩnh của cỗ máy bất khả chiến bại trên con đường tiến tới cứu cánh.

Ngay cả Puskin cũng có lần phải buột miệng nói rằng, “cần cảnh giác với chàng trai Tiểu Nga này”, người đã xin được ở thi nhân mấy cốt truyện cực quý giá (trong đó có cốt truyện của “Quan thanh tra” và “Những linh hồn chết”) và đã xếp việc hoàn hảo cho tất cả những chị em gái không chồng của mình và chỉ trong vòng dăm bảy năm – tới tuổi 27 – đã đạt được cực đỉnh vinh quang rồi ra nước ngoài cư trú. Sự thành đạt nhanh chóng và vững bền của Gogol cho tới nay vẫn là mẫu mực đối với tất cả những thanh niên tỉnh lẻ lên lập nghiệp ở chốn phồn hoa đô hội.

Thế nhưng, tuổi trưởng thành của Gogol bị u ám bởi những vấn đề mang tính tinh thần. Trước hết, đó là chuyện phụ nữ. Do hàng loạt nguyên nhân Gogol đã nâng phụ nữ lên quá cao trên số phận của mình và mọi nỗ lực chuyển họ xuống đúng chỗ của họ đều trở thành bi kịch. Những người phụ nữ ông yêu vì sao đấy đều chỉ thấy trong ông một hình ảnh văn nhân kỳ dị, không của cõi đời này…

Và rốt cuộc Gogol không chỉ không một lần cưới vợ mà xét trên mọi phương diện, vẫn là trai tân cho tới khi chết, mặc dầu về tính cách, ông là một người rất nặng nợ nhục cảm. Thành ra suốt đời ông phải vật vã với “cây thánh giá đồng tân”.

Có thể Freud tìm được dấu vết nào đó của một lần “diện kiến” bất thành với các nàng Kiều của Gogol. Trong bất luận trường hợp nào, bà mẹ rất cưng chiều con trai của nhà văn, khi nhận được lá thư của Gogol báo tin ông đã phải lòng một nữ thánh và đang đi tới thành phố miền Bắc nước Đức Lubek, đã nghĩ ngay rằng, có lẽ Nikosha của bà đã bị mắc phải căn bệnh hiểm nghèo tế nhị nên phải sang Đức chữa trị…

Rời khỏi nước Nga trên đỉnh cao danh vọng văn chương, lang thang khắp cả châu Âu, cuối cùng, năm 1839, Gogol đã “dừng bước giang hồ” tại thành Rome và chọn một căn hộ trong ngôi nhà trên phố Sistina làm nơi cư trú.

Hiện nay tại ngôi nhà này có tấm biển kỷ niệm: “Nơi đây nhà văn Gogol, tác giả của “Những linh hồn chết” đã sống”… Gogol đã viết “Những linh hồn chết” ở Rome – cuốn tiểu thuyết này được coi là một bộ sách vĩ đại nhất của nhân loại, ngang với “Don Kihote” của Miguel Cervantes…

Chính nhờ nhìn về Tổ quốc từ khoảng cách xa xôi đã giúp Gogol thấy được nước Nga bằng cái nhìn hơi lạ lẫm của viễn khách, tạo cho văn xuôi của ông một vẻ tinh quái đầy thiện cảm. Ông là người đầu tiên đã đưa văn học Nga hội nhập với văn học thế giới.

Thiên tài của Gogol đã tạo cho văn học Nga một nguồn sáng chói lòa nhưng cuộc đời ông có nhiều sự u uẩn. Ngay từ khi còn sống Gogol đã được gọi là thầy tu và người hài hước. Trong các tác phẩm của ông hòa quyện cả hiện thực với vô số những điều giả tưởng, cả cái đẹp lẫn cái sa đọa, cả cái đau lẫn cái tức cười…

Rất nhiều nhà nghiên cứu đau đầu nhưng cho tới hôm nay vẫn không tìm ra được lời đáp rành rẽ cho các câu hỏi: Tại sao Gogol lại không bao giờ lấy vợ? Tại sao ông lại đốt đi tập hai của “Những linh hồn chết” và liệu ông có đốt nó thực không? Và điều gì đã tàn hại nhà văn thiên tài này?

Những năm cuối đời, Gogol bị ám ảnh bởi một căn bệnh kỳ lạ và ông đã mất vào ngày 21/2/1852. Ông được mai táng ở nghĩa địa tu viện Thánh Danilov ở Moskva. Năm 1931, khu vực này bị đóng cửa và người ta phải chuyển hài cốt của nhà văn về nghĩa địa Novodevichie.

Khi đó, người ta mới phát hiện ra rằng, xương sọ của Gogol đã không còn trong quan tài nữa. Có thông tin rằng, xương sọ của Gogol đã được lấy về để ở Viện bảo tàng Bakhrushin ở Moskva từ năm 1909…

Theo AN NINH THẾ GIỚI

20 cách để sống lâu và trọn vẹn hơn, theo các nghiên cứu

20 phương pháp dễ thực hiện và hoàn toàn miễn phí đã được kiểm chứng này sẽ giúp bạn có một cuộc sống lâu dài và trọn vẹn.

Ca hát vui vẻ là phương pháp xếp vị trí hàng đầu để có được một cuộc sống tích cực và lâu dài. (Ảnh: BAZA Production/ Shutterstock)

  1. Ca hát
    Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Lão khoa Hoa Kỳ, chức năng tim của các ca sĩ opera hoạt động tích cực hơn so với người bình thường nói chung. Ca hát có thể khiến người ta sống lâu hơn, đây là phương pháp xếp vị trí hàng đầu.
  2. Chạy bộ
    Theo tờ New York Times đưa tin, từ một nghiên cứu lớn tại Hoa Kỳ, những người chạy bộ mỗi ngày trung bình sống lâu hơn 3 năm so với những người không có thói quen chạy bộ. Thậm chí là chạy 5 phút mỗi ngày cũng có thể đạt được một sức khỏe tốt. 
  3. Tránh ngồi lâu
    Ngồi lâu không tốt cho sức khỏe, đặc biệt người trung niên và người già càng nên hạn chế. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa Anh cho biết, ngồi lâu hơn 3 tiếng mỗi ngày có thể làm giảm tuổi thọ lên đến 2 năm.
  4. Ăn nghệ

Nghệ là một chất chống oxy hóa mạnh giúp chống lại nhiều bệnh tật. (Ảnh: Shutterstock)
Củ nghệ có giá trị dinh dưỡng cao, nghiên cứu đã chỉ ra rằng nghệ là một chất chống oxy hóa mạnh giúp chống lại nhiều bệnh tật.

  1. Giảm lượng calo
    Theo một nghiên cứu của Đại học Gothenburg, Thụy Điển, giảm lượng calo nạp vào cơ thể không chỉ giúp trì hoãn quá trình lão hóa mà còn giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh của người cao tuổi như tiểu đường và ung thư.
  2. Ăn rau xanh
    Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng rau xanh rất giàu carotene và lutein, ăn nhiều có thể ngăn ngừa bệnh loãng xương.
  3. Ôm
    Theo một bài báo trên trang tin tức Huffington Post, những cái ôm có thể làm giảm huyết áp và có lợi cho sức khỏe tim mạch.
  4. Ăn súp lơ
    Các nhà khoa học Mỹ chỉ ra rằng, ngoài tác dụng ngăn ngừa ung thư, súp lơ còn có thể giúp phổi sạch vi khuẩn có hại.
  5. Một giấc ngủ chất lượng 
    Giấc ngủ và sức khỏe có quan hệ mật thiết với nhau. Một nghiên cứu của Đại học Chicago cho thấy, nếu chất lượng giấc ngủ của một người không tốt sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Một lời khuyên cho bạn là, thường xuyên thực hiện các việc tích cực, đọc sách hoặc thiền định đều có thể giúp bạn có giấc ngủ ngon vào mỗi tối.

  1. Giảm lo âu
    Các nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh và các tổ chức khác ở Vương quốc Anh đã phân tích dữ liệu sức khỏe của 70.000 người. Kết quả cho thấy, những người bị lo âu nhẹ cũng có thể chết vì bệnh tim và có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 29% so với dân số chung.
  2. Ăn ít đường
    Theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên Tạp chí Nội khoa của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch của con người sẽ tăng lên đáng kể tương ứng lượng đường mà họ tiêu thụ.
  3. Giữ bình tĩnh
    Một nghiên cứu của đại học Harvard cho thấy, trong vòng 2 giờ kể từ khi cơn tức giận bộc phát, nguy cơ đau tim tăng gần 5 lần, và nguy cơ đột quỵ tăng hơn 3 lần.
  4. Uống trà

Uống trà có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, đột quỵ và trì hoãn quá trình lão hóa. (Ảnh: Deenida/Shutterstock)
Một nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts cho thấy, uống trà có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, đột quỵ và trì hoãn quá trình lão hóa.

  1. Ăn táo
    Dân gian nói rằng “ăn một quả táo mỗi ngày giúp bệnh tật tránh xa”, có thể thấy táo là loại quả thực sự rất tốt cho sức khỏe.
  2. Xem TV ít hơn
    Các nhà nghiên cứu Australia đã chỉ ra rằng xem TV thêm một giờ mỗi ngày có thể làm tăng 18% tỷ lệ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy hãy hạn chế việc xem TV bạn nhé!
  3. Khiêu vũ
    Các nhà khoa học từ Đại học Stirling phát hiện ra rằng khiêu vũ có thể tăng tốc độ lưu thông máu, tăng lượng máu cung cấp cho não của người già, đặc biệt giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer.
  4. Ăn tỏi
    Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hoạt chất trong tỏi có thể ngăn ngừa xơ vữa động mạch và tắc nghẽn động mạch vành. Bên cạnh đó, tỏi còn giúp giảm lượng cholesterol, giảm cục máu đông, điều chỉnh lượng đường trong máu và ngăn ngừa các chứng bệnh khác.
  5. Ăn các loại hạt
    Các học giả Úc đã chỉ ra rằng những người ăn các loại hạt mỗi ngày có thể giảm 29% nguy cơ mắc bệnh tim và 11% nguy cơ mắc ung thư, từ đó có thể giảm tỷ lệ tử vong một cách hiệu quả.
  6. Chăm sóc răng

Chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng để tránh các bệnh về nướu. (Ảnh minh họa từ Shutter Stock)
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển, viêm nướu có thể dẫn đến xơ cứng động mạch và gây ra các bệnh tim mạch. Vì vậy việc chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng là vô cùng quan trọng.

  1. Cười
    Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã thông qua các cuộc khảo sát và nhận định rằng, tiếng cười có thể giúp giảm huyết áp. Dù gặp phải hoàn cảnh nào, bạn cũng nên nhắc nhở bản thân rằng hãy suy nghĩ tích cực và thường xuyên cười mỗi ngày nhé!

Á Tĩnh/ Vision Times

Những toan tính lợi ích trong cuộc gặp của ông Tập và ông Putin sắp tới

Tại sao hai lãnh đạo Tập Cận Bình và Vladimir Putin lại nóng lòng muốn gặp nhau trong thời điểm trước thềm Đại 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga cắt nguồn khí đốt tự nhiên cho châu Âu? Liệu Trung Quốc và Nga đang chuẩn bị sẵn sàng để đảo ngược tình thế chiến sự ở Đài Loan và Ukraine? Dưới đây là phân tích của nhà bình luận gốc Hoa, ông Đường Hạo của Kênh Ngã Tư Thế Giới.

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: plavevski / Shutterstock)
Gần đây, Nga đã công khai cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu, đồng thời tuyên bố rằng nếu các nước phương Tây không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga thì nguồn cung khí đốt tự nhiên sẽ không được phục hồi. Tại sao ông Putin lại chọn thời gian này để hành động? Ông ấy có tính toán gì? Ngoài ra, phía Nga cũng thông báo hai lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp song mặt phương tại Uzbekistan vào tuần tới. Tại sao ông Tập lại muốn gặp ông Putin trước thềm Đại hội 20 ĐCSTQ? Hai nhà lãnh đạo này đang có tính toán gì? Liệu cuộc chiến Ukraine và tình hình eo biển Đài Loan có thay đổi sau cuộc gặp Tập-Putin này?

Lợi ích đối với ông Putin
Lợi ích 1:  Qua cuộc gặp Tập-Putin lần này, ông Putin có thể tuyên bố với các nước châu Âu và Mỹ rằng các biện pháp trừng phạt và cô lập Nga của phương Tây đã thất bại, vì vẫn còn các đồng minh như ĐCSTQ và Ấn Độ đứng sau ủng hộ Nga.

Trong khi các nước phương Tây tẩy chay dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, thì vào thời điểm này Trung Quốc và Ấn Độ lại làm ngược lại khi ráo riết mua hàng hóa từ Nga, khiến nền kinh tế thương mại của Nga có thể duy trì.

Theo thống kê, vào tháng Sáu mỗi ngày ĐCSTQ đã nhập khẩu 2 triệu thùng dầu từ Nga; vào tháng Bảy xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang Trung Quốc cũng tăng gần gấp 3 lần so với các năm trước. Chỉ tính riêng trong quý II năm nay, thu nhập ngoại hối của Nga từ Trung Quốc và Ấn Độ đã lên tới 24 tỷ USD.

Không chỉ vậy, gần đây Nga đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự ở Viễn Đông, và cuộc tập trận này cũng có cả Ấn Độ và ĐCSTQ cử quân đội tham gia. Dù Ấn Độ lâu nay vẫn thân Mỹ và có xung đột không nhỏ với ĐCSTQ, nhưng tình hình cho thấy họ dường như không muốn làm “mếch lòng” Nga. Đây quả thực là một mối nguy tiềm ẩn đối với phương Tây, vì nếu nền kinh tế Nga cứ duy trì ổn định thì cuộc chiến ở Ukraine sẽ còn kéo dài.

Lợi ích 2: Cuộc chiến năng lượng và vấn đề kinh tế có thể buộc phương Tây phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Hơn nữa, cuộc gặp cũng là lời cảnh báo của ông Putin đối với phương Tây rằng đã phát động “chiến tranh năng lượng”. Nếu phương Tây không lùi bước thì sẽ gặp phải mùa đông tồi tệ nhất và khủng hoảng kinh tế do giá cả tăng cao.

Bởi vì mặc dù Nga đã cắt giảm khí đốt đối với châu Âu, nhưng khí đốt tự nhiên và dầu của nước này vẫn có thể được bán cho Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác. Vậy nên, Nga không quá lo ngại về việc không có thị trường. Ông Putin cũng vừa tuyên bố rằng trong tương lai, các giao dịch khí đốt tự nhiên giữa Trung Quốc và Nga sẽ được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ và rúp thay vì USD. Điều đó cho thấy ĐCSTQ đang giúp Nga thoát khỏi các lệnh trừng phạt tài chính từ Mỹ, ngay cả khi Nga không dựa vào USD thì họ vẫn có thể kinh doanh quốc tế và tồn tại.

Tóm lại, Nga muốn chứng minh với phương Tây rằng họ có thể tồn tại mà không có thị trường châu Âu. Tuy nhiên, nếu châu Âu không có khí đốt tự nhiên của Nga thì không những không đủ sưởi ấm và cuộc sống sẽ khó khăn, mà thậm chí giá năng lượng leo thang sẽ kéo theo giá cả các mặt hàng khác leo thang, làm nghiêm trọng hơn tình hình lạm phát, khiến cho nền kinh tế châu Âu suy thoái nghiêm trọng hơn.

Lợi ích 3: Buộc phương Tây nhượng bộ trong cuộc chiến Ukraine.

Vì vậy, ông Putin sẽ lợi dụng mùa đông năm nay để dùng năng lượng gây sức ép, buộc các nước phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt, thậm chí có thể yêu cầu phương Tây nhượng bộ trong cuộc chiến Ukraine và đáp ứng yêu cầu của Nga để chấm dứt chiến tranh.

Tất nhiên điều này khá khó, vì ai tấn công Nga mạnh nhất? Chính quyền Tổng thống Biden. Ông Biden không chỉ cho rằng Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ, mà còn chỉ trích ông Putin không thể tiếp tục cầm quyền, đồng thời viện trợ hàng chục tỷ USD vật tư và vũ khí cho Ukraine. Hơn nữa, Mỹ sẽ sớm có bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, nếu Mỹ nhượng bộ Nga thì không chỉ tác động đến cuộc bầu cử của Đảng Dân chủ mà còn có thể tác động đến việc ông Biden tái đắc cử vào năm 2024.

Vì vậy, Mỹ khó có thể dễ dàng nhượng bộ trong cuộc chiến Ukraine, nhưng Nga chắc chắn sẽ dùng mùa đông hiếm hoi này để phản công gây sức ép đối với các nước Âu Mỹ.

Tuy nhiên, các nước châu Âu cũng không ngồi yên. Ví dụ như gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua rằng việc sử dụng khí đốt tự nhiên ở các nước sẽ giảm 15% trong mùa đông này, để cùng nhau khắc phục khó khăn, cũng thông báo trữ lượng khí đốt của họ vượt mức 80%.

Chỉ là, nếu ai xem xét kỹ số liệu trữ lượng của các nước, sẽ thấy rằng các nước Tây Âu và Ba Lan có tỷ lệ lưu trữ tương đối cao. Tuy nhiên, nhiều nước Đông Âu như Hungary, Bulgaria… chỉ có được mức trữ lượng khí đốt tự nhiên khoảng 50-60%, như vậy hơi nguy hiểm.

Ngoài ra, phải kể mùa hè năm nay đợt nắng nóng gay gắt ở châu Âu cũng tiêu thụ rất nhiều khí đốt tự nhiên, do máy điều hòa nhiệt độ ở nhiều nơi sử dụng khí đốt tự nhiên để làm mát, nhằm làm giảm lượng khí thải carbon. Vậy rốt cuộc việc Nga cắt khí đốt tự nhiên lần này sẽ ảnh hưởng đối với châu Âu đến mức độ nào? Có lẽ phải đến khi đó mới rõ!

Lợi ích của ông Tập Cận Bình
Nhìn từ quan điểm của lãnh đạo Trung Quốc, cuộc gặp Tập-Putin lần này sẽ mang lại những lợi ích gì cho ông ấy?

Lợi ích 1: Trở lại sân khấu quốc tế để tạo uy thế duy trì quyền lực tại Đại hội 20.

Trước hết, nếu ông Tập Cận Bình thực sự gặp ông Putin, điều đó cho thấy ông ta cảm thấy rất tin tưởng vào khả năng tái nhiệm tại Đại hội 20 mới tự tin ra nước ngoài. Cuộc gặp gỡ Tập-Putin này sẽ trở thành buổi biểu diễn công khai đầu tiên của ông Tập trở lại sân khấu quốc tế, cũng tuyên truyền cho người dân Trung Quốc về “hình ảnh quốc tế” của Tập Cận Bình để củng cố uy thế tại Đại hội 20.

Lợi ích 2: Chống lại cô lập từ Âu Mỹ và hàn gắn quan hệ Trung-Nga.

Cuộc gặp với ông Putin vào thời điểm này vừa dịp ông ta phát động cuộc chiến tranh năng lượng chống lại châu Âu. Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình đang hợp tác cùng ông Putin trong việc tuyên truyền chiến lược: một là sẵn sàng cho thấy có thể chống lại sự cô lập và trừng phạt của các nước Âu Mỹ; hai là như cho thấy việc sửa chữa những khó chịu đã xảy ra trước đây vì cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng ông Putin luôn hy vọng ĐCSTQ sẽ cung cấp viện trợ chiến tranh cho Nga, nhưng ĐCSTQ lo lắng về việc bị Mỹ trừng phạt và bị nhiều nước hạn chế quan hệ nên đã luôn né tránh. Điều này khiến cho có những lúc hai bên căng thẳng với nhau. Vì vậy, lần này ông Tập Cận Bình tái hiện diện trực tiếp trên sân khấu thế giới và nhà lãnh đạo đầu tiên gặp là Putin, cho thấy ĐCSTQ đang mong muốn hàn gắn quan hệ với Nga, tránh một kẻ thù lớn khác ở miền bắc Trung Quốc trong tương lai.

Lợi ích 3: Gây áp lực ngoại giao để buộc châu Âu và Mỹ đàm phán thỏa hiệp.

Ông Tập công khai gặp ông Putin vào thời điểm này, thực chất là cố tình làm “bàn đạp ngoại giao”, muốn nhắn với các nước Âu Mỹ rằng: Trong trường hợp phương Tây cần một “cầu nối” nói chuyện với ông Putin thì ông Tập có thể vào vai, dĩ nhiên khi “nhờ vả” thì sẽ phải có những nhượng bộ.

Còn nhớ, sau khi chiến tranh Ukraine bùng nổ, Mỹ đã nhiều lần yêu cầu ĐCSTQ can thiệp để ngăn Nga xuất quân xâm lược nhưng phía ĐCSTQ đều “làm ngơ”. Giờ đây, các nước châu Âu đã bị ông Putin cắt khí đốt trong khi họ không thể dễ dàng có thể nhượng bộ Nga, vậy phải làm sao? Chỉ có cách tìm bên có quan hệ tốt với ông Putin để đàm phán và thương lượng riêng?

Có lẽ ĐCSTQ đã xác định được cục diện này, nên ngay khi ông Putin phát động cuộc chiến tranh năng lượng thì đã đứng lên bắt tay ông ấy. Một mặt, họ muốn nhắn nhủ “là bạn tốt” với ông Putin, mặt khác là nhắn đến các nước phương Tây rằng ĐCSTQ là “trung gian tốt” cho phương Tây. Chiêu bài này giúp ĐCSTQ có cơ hội ở thế “ngư ông đắc lợi”.

Nếu các nước Âu Mỹ thực sự mong thảo luận riêng, và yêu cầu ĐCSTQ giúp xoa dịu hoặc giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt nguy hiểm cho châu Âu, thì họ nhất định sẽ nhân cơ hội này yêu cầu Âu Mỹ nhân nhượng theo điều kiện trao đổi. ĐCSTQ muốn những điều kiện tốt nào? Ông Đường Hạo nghĩ 3 điều rất có thể xảy ra:

Yêu cầu châu Âu và Mỹ nhượng bộ trong vấn đề Đài Loan, không can thiệp quân sự vào eo biển Đài Loan.
Yêu cầu Mỹ dỡ bỏ thuế quan thương mại.
Yêu cầu Mỹ hủy bỏ việc kiểm soát xuất khẩu công nghệ và thiết bị bán dẫn.
Vì vậy, đừng xem nhẹ cho rằng vấn đề Nga cắt khí đốt của châu Âu không liên quan gì đến châu Á. Thực tế, chuyến công du nước ngoài này của ông Tập Cận Bình là muốn lợi dụng cuộc khủng hoảng khí đốt sinh tử này, để chơi “quân bài ngoại giao”, lấy châu Âu làm đòn bẩy để đánh đổi lợi ích của ĐCSTQ ở Đông Á: một là để giảm bớt trở ngại cho ĐCSTQ tấn công eo biển Đài Loan; hai là để bù đắp cho nhiều đánh giá sai lầm về ngoại giao trong vài năm qua.

Lợi ích 4: Bán lại khí đốt tự nhiên của Nga vì lợi ích kinh tế và ngoại giao.

Cuối cùng, trong tình huống không hay nhất nếu ông Tập Cận Bình không kiếm chác được gì từ “quân bài ngoại giao” trong cuộc gặp ông Putin sắp tới, thì ít nhất ông ta cũng có thể bán lại khí đốt tự nhiên của Nga cho châu Âu để kiếm lợi ích kinh tế và ngoại giao.

Rõ ràng từ tháng Sáu năm nay, sản lượng khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu liên tục bị cắt giảm, nay đã bị cắt đứt hoàn toàn. Nhưng tại sao Nga giảm sản lượng mà châu Âu vẫn có thể công bố gần đây rằng họ đã đạt 80% trữ lượng khí đốt tự nhiên?

Ngoài việc châu Âu mua khí đốt tự nhiên từ các nước như Mỹ và Qatar, một điểm quan trọng khác là ĐCSTQ bán lại khí đốt tự nhiên giá rẻ mà họ mua từ Nga cho châu Âu. Theo Nikkei, chỉ riêng Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) đã bán sang châu Âu 45 lô khí đốt tự nhiên (khoảng 3 triệu tấn), tương đương 6% tổng lượng nhập khẩu của châu Âu trong nửa đầu năm nay.

Hơn nữa lợi nhuận của giao dịch này rất cao, có khi chỉ một giao dịch có thể tạo ra lợi nhuận 100 triệu USD. Do đó, đối với ĐCSTQ đó là một giao dịch bán lại được đảm bảo “lợi nhuận khủng” chắc chắn. Hơn nữa, trong khi châu Âu khan hiếm khí đốt lại được ĐCSTQ bán khí đốt tự nhiên cho thì có nghĩa là châu Âu mang món nợ ân tình. Điều này có thể giúp ĐCSTQ chia rẽ châu Âu và Mỹ, có thể khiến châu Âu hợp tác với ĐCSTQ và nhượng bộ ĐCSTQ về các vấn đề eo biển Đài Loan và Biển Đông trong tương lai.

Tóm lại, vấn đề ông Tập Cận Bình và ông Putin muốn gặp nhau trước thềm Đại hội 20 ĐCSTQ, vì cuộc gặp này là “ván bài ngoại giao” quan trọng cho cả hai bên.

Mộc Vệ /Trí thức VN
(Quan điểm bình luận trong bài là của riêng cá nhân ông Đường Hạo, được đăng trên Epoch Times.)

Viên Cung Di: “Zero COVID” và “Đại nhảy vọt” có cùng bản chất

Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ được tổ chức vào ngày 16/10, phong trào “zero COVID” trên toàn quốc vẫn đang diễn ra sôi nổi. Nhà đấu tranh cho dân chủ Hồng Kông, ông Viên Cung Di cho rằng chính sách “zero COVID” của ông Tập Cận Bình và “Đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông đều giống nhau về bản chất.

Chân dung ông Tập Cận Bình (trái) và ông Mao Trạch Đông. (Ảnh: Bitter Winter)
Theo báo cáo, hiện có 33 thành phố ở Trung Quốc với tổng 65 triệu người đang bị cấm cửa hoặc phong tỏa. Quan chức địa phương và “lãnh đạo cấp cao” đều biết đó là một “nhiệm vụ bất khả thi”, nhưng các nhà lãnh đạo vì giữ thể diện, các quan chức địa phương vì muốn lập công, đã bất chấp sự sống chết của người dân

Theo New York Times, “hàng chục triệu người Trung Quốc hiện đang bị nhốt ở nhà, trường học đóng cửa, hoạt động kinh doanh đình trệ và các thành phố đều ở trạng thái bất động.”

Tất cả các hoạt động xã hội đều bị dừng lại chỉ vì muốn diệt trừ loại virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Trong khi phần còn lại của thế giới đã đang cùng sống cùng với virus. Chiến dịch “zero COVID” của Trung Quốc ngày càng trở nên bất thường.

Hơn nữa, cái giá phải trả cho “zero COVID” là rất lớn, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân, mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc.

Đài Á Châu Tự Do đưa tin, việc thực hiện “zero COVID” dường như đã buộc các công ty châu Âu và Mỹ đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Trung Quốc phải đánh giá lại triển vọng kinh tế của họ tại đây.

Dù vậy, ông Tập Cận Bình vẫn nhất quyết thực thi “zero COVID” bằng mọi giá, đồng thời thẳng tay đàn áp mọi tiếng nói nghi vấn chính sách này.

Cách đây vài ngày, đích thân ông Tập đã tuyên bố tại cuộc họp của Ban Thường vụ rằng: “Kiên quyết đấu tranh chống lại mọi lời nói và việc làm xuyên tạc, nghi ngờ và phủ nhận đường lối, chính sách chống dịch của nước ta.”

Trước đó, một học giả Hồng Kông đã phân tích rằng mặc dù “zero COVID” không được lòng dân, phá hủy nền kinh tế và xua đuổi các doanh nhân nước ngoài, nhưng chính sách này “do đích thân ông Tập Cận Bình chỉ đạo và triển khai”, được đánh đồng với vinh quang và quyền lực của ông Tập.

Vì vậy, ông ấy sẽ bám lấy “zero COVID” đến cùng trước khi tái đắc cử tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ. Đồng thời, ông Tập cũng sử dụng điều này để kiểm tra lòng trung thành của các quan chức ĐCSTQ.

Ông Viên Cung Di nói trên chương trình “Truyền thông Quảng” của nhà bình luận Hà Lương Mậu (Victor Ho), rằng tất cả các quan chức ĐCSTQ đều bán mạng để thực hiện “zero COVID”, hy vọng ông Tập Cận Bình có thể “cất nhắc” họ sau khi ông ấy tái đắc cử, hai bên đều phối hợp rất ăn ý.

Hình ảnh ông Viên Cung Di tham gia buổi diễn thuyết “Trời diệt Trung Cộng” do chi nhánh Los Angeles của Vision Times tổ chức vào tháng 8/2020. (Ảnh: Wallace / Vision Times)
Ông mô tả phong trào “zero COVID” và “Đại nhảy vọt” năm xưa giống nhau về bản chất: Các quan chức địa phương và “lãnh đạo cao nhất” đều biết này là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Đại nhảy vọt sẽ không tạo ra “mỗi mẫu vạn cân”, việc phong tỏa các thành phố sẽ không thể loại bỏ virus về 0 (zero COVID), nhưng họ vẫn phải khua chiêng gõ trống cổ vũ cho phong trào này.

Ông Viên Cung Di chỉ trích, đây là đặc điểm của ĐCSTQ. Lãnh đạo vì giữ thể diện, cán bộ địa phương làm vì muốn lập công, mà bất chấp sự sống chết của người dân. Ông cho rằng hiện nay ở Trung Quốc, những quan chức nịnh bợ đều ủng hộ “zero COVID”, nhưng hậu quả có thể khiến người dân vô tội bị chết đói.

Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy, việc thực thi chính sách Zero COVID hà khắc không khoan nhượng của Trung Quốc, đã khiến một số cư dân bị mắc kẹt trong các tòa nhà khi họ tìm nơi trú ẩn trong trận động đất hôm thứ Hai (5/9) ở Tứ Xuyên.

Trung Quốc: Quy tắc Zero-COVID ngăn cản người dân di tản trong trận động đất
Chính sách “zero COVID”, và các biện pháp phong tỏa nghiêm khắc của ĐCSTQ không chỉ buộc những người Trung Quốc có điều kiện phải tìm cách trốn chạy khỏi đất nước này, mà nhiều người nước ngoài đã sống ở Trung Quốc nhiều năm cũng phải tính đến việc đào thoát.

Ông Lý Hồng Trung, Bí thư Thành ủy Thiên Tân của ĐCSTQ, từng tuyên bố: “Trung thành không tuyệt đối chính là tuyệt đối không trung thành.” Ông Viên Cung Di chỉ ra rằng câu nói này hiện đang được phản ánh trong phong trào “zero COVID”.

Ông Hà Lương Mậu nói thêm trong chương trình, rằng việc ông Tập Cận Bình không nhượng bộ trước “zero COVID” hoàn toàn giống với việc Mao Trạch Đông kiên quyết thực hiện “Đại nhảy vọt”. Cả hai đều hoang tưởng và không chịu thừa nhận sai lầm.

Ông chỉ ra rằng “zero COVID” phản ánh đặc điểm của những người nắm quyền: thứ nhất, phi lý; thứ 2, phi khoa học; thứ 3, tham quyền lực và địa vị, thà để dân phải chịu khổ, cũng kiên quyết không chịu nhận sai. “ĐCSTQ khoe khoang ‘vì nhân dân phục vụ’, nhưng thực chất là nhân dân đang phục vụ những người cầm quyền.”

Ông Viên Cung Di nói rằng ở Hồng Kông, mọi người đều có lòng trắc ẩn, họ cảm thấy buồn khi nhìn thấy người khác đau khổ, nhưng ĐCSTQ không có sự cảm thông. Quan chức không quan tâm đến sự sống chết của người dân, và chỉ chịu trách nhiệm trước ông Tập Cận Bình. Họ hy vọng thể hiện lòng trung thành của mình, để có thêm quyền lực, thăng quan phát tài, một bước lên mây. Vì vậy chiến dịch “zero COVID” phải được thực hiện. Đây cũng là nhược điểm do hệ thống chuyên chế của ĐCSTQ gây ra.

Bình Minh (t/h) / Trí thức VN