Nhà trú bão hình boong tàu

QUẢNG NGÃI – Muốn có một nơi trú ẩn an toàn cho mẹ và người thân khi mùa mưa bão đến, KTS Phạm Thanh Truyền đã xây nhà trú bão liền kề bên ngôi nhà thờ của gia đình.

Hai năm trước, kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Truyền đã về quê xây ngôi nhà trú bão diện tích 150 m2 ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Anh Truyền cho hay, bản thân đã chứng kiến nhiều trận bão lớn tại quê hương, cuốn trôi nhiều tài sản, thậm chí gây sập nhà cửa nên muốn làm một nơi trú bão kiên cố, an toàn trước hết là cho mẹ, sau đó là cho anh chị em, hàng xóm.

Toàn bộ kết cấu công trình được xây bằng tường chịu lực dày 200 mm, sàn bê tông cốt thép hai lớp có tác dụng cách nhiệt, chống nóng.

Với kiến trúc đơn giản và tương phản với nhà thờ cổ của gia tộc bên cạnh, nhà trú bão phẳng phiu và bo tròn các góc cạnh, mô phỏng hình tượng một boong tàu vững chãi. Màu sắc chủ đạo là trắng với hình khối đơn giản nhằm tôn vinh kiến trúc nhà thờ kế bên.

Vì một phần mặt tiền được che khuất bởi nhà thờ trăm tuổi, đồng nghĩa với việc được cản bớt gió hướng Bắc-hướng gió mạnh nhất- khi mùa mưa bão tới, nên nhà trú bão ít phải chịu tác động xấu từ thời tiết cực đoan.

Với cách bố trí mặt bằng theo lối kiến trúc Đông Dương, hiên nhà được thiết kế rộng 3 m chạy xung quanh không gian lõi chính của ngôi nhà. Lõi công năng được nằm giữa, xung quanh có không gian đệm bao bọc khiến căn nhà luôn ấm về mùa đông, mát vào mùa hè, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài.

Phần hiên rộng còn có chức năng chứa người trú ẩn nếu như số lượng quá đông, phòng ngủ chính không đáp ứng đủ nhu cầu.

Hướng Tây của nhà nhìn thẳng ra cánh đồng rộng lớn, nhưng bị ảnh hưởng bởi nắng gắt vào buổi chiều. Vì vậy, ở hướng này, kiến trúc sư chỉ trổ một cửa sổ nhỏ hình tròn, vừa giúp người trong nhà vẫn có thể ngắm nhìn cánh đồng bên ngoài, vừa tránh tiếp xúc quá nhiều với nắng gắt.

Phía ngoài cửa sổ hướng Tây còn có thêm một lớp đệm cầu thang, kết hợp với tường dày 200 mm tránh cho lõi nhà chịu tác động trực tiếp của nắng nóng, nhất là mùa hè nắng gắt ở miền Trung.

Theo tính toán thì ngôi nhà có thể chịu được bão cấp 13, và sức chứa có thể lên đến 100 người trong nhiều ngày với đầy đủ tiện nghi.

Kiến trúc sư đã tính toán kỹ các hướng nắng bất lợi, các hướng gió chính của bão để gia cường, khắc chế những điều bất lợi xảy ra do thời tiết. Các chi tiết như cách vận hành cửa, chống gió hú hay hạn chế mưa tạt khi bão lớn cũng được đưa ra các giải pháp ngay từ khi thiết kế.

Theo đó, gió bão miền Trung thường thổi từ hướng Bắc về hướng Nam nên tất cả hệ cửa sổ ở hướng Bắc đều dùng cửa lùa, hạn chế va đập với tường và vật dụng xung quanh. Dù vậy nhược điểm của cửa lùa là có nhiều khe hở tạo tiếng rít, tiếng hú. Kiến trúc sư đã sử dụng những gioăng đệm cao su chèn chặt các khe hở, giúp cửa khít hơn.

Màu xanh dương của các cánh cửa bo cong trong nhà thể hiện rõ ý đồ “giống như trên boong tàu” của kiến trúc sư.

Phòng ngủ chung cũng được mô phỏng theo cấu trúc boong tàu, tối ưu không gian với 8 giường tầng và có thể ngủ được cùng lúc 16 người.

Xung quanh nhà được trồng nhiều cây xanh, vừa có tác dụng cải thiện vi khí hậu, giảm nhiệt độ không gian sống về mùa hè, đồng thời cũng giúp chắn gió và giảm áp lực gió trực tiếp lên ngôi nhà.

Phòng vệ sinh được chia làm hai khu, khu trong nhà và khu bên ngoài để đáp ứng số lượng lớn người đến trú bão.

Khu bên ngoài có 4 nhà vệ sinh với chất liệu thô, bằng xi măng quét chống thấm mà không lát gạch men, vừa kinh tế vừa chống trơn trượt. Mái nhà vệ sinh được làm bằng tấm polycarbonate đặc ruột lấy sáng tốt. Loại vật liệu này nhẹ, bền, chịu được thời tiết khắc nghiệt, ít nguy hiểm khi bão lớn.

Sàn sân thượng được làm hai lớp chống thấm từ lớp vữa tô.

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền, đã hai năm kể từ khi đưa vào sử dụng, nhà chống bão vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu hư tổn nào bởi tác động của thiên nhiên như nắng, gió, mưa dầm miền Trung. Điều này được thể hiện rõ qua các yếu tố tạo nên sự bền vững trong công trình. Không gian sống bên trong luôn mát mẻ, ôn hòa, ít bị tác động của nhiệt độ bên ngoài.

Nhà trú bão xây dựng trong 3 tháng với tổng chi phí 1,5 tỷ đồng.

Trang Vy / Ảnh: Nhân vật cung cấp / Vietnam Express

Lá thư 86 chữ Gia Cát Lượng gửi con trai gói trọn trí tuệ 1800 năm trước

Lá thư 86 chữ Gia Cát Lượng gửi con trai gói trọn trí tuệ 1800 năm trước
Đến nay, bài học thâm thúy ẩn sau bức thư của Gia Cát Lượng gửi cho con trai vẫn còn nguyên giá trị. Cha mẹ nào vận dụng được con cái ắt có tương lai rực rỡ.

Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long, được coi là một khai quốc công thần, nhà chính trị, ngoại giao kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Trong lịch sử, ông được ca ngợi là hình mẫu của những vị tướng tài đức vẹn toàn, là hiện thân của trí tuệ kiệt xuất.

Điều đó không chỉ thể hiện qua tài năng ‘liệu sự như thần’ trên chiến trường trận mạc mà còn qua những dòng tâm thư ông viết cho con trai mình. Bức thứ ngắn nhưng vô cùng thâm thúy, gói trọn trí tuệ từ hơn 1.800 năm trước khiến người đời sau phải nghiền ngẫm:

“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức.

Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.

Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học.

Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học.

Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính.

Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời.

Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn”.

Chỉ với 86 chữ, lá thư Gia Cát Lượng viết cho con trai gửi gắm 10 bài học sâu sắc, giúp khai mở sức mạnh, ảnh hưởng tới vận mệnh cả đời người.

Bài học 1: Tĩnh giúp tu thân, tâm

“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân.”

Gia Cát Lượng khuyên răn con trai: Tĩnh giúp tinh thần sáng suốt, mới có thể tu dưỡng thân, tâm. Tâm không tĩnh thì khó có thể khai phá bản thân, đưa ra những hướng đi tốt nhất. 

Điều kiện quan trọng hàng đầu của học tập chính là môi trường yên tĩnh. Cuộc đời này không có chuyện một bước thành tiên, tất cả thành quả đều được hình thành trong sự tích lũy dần dần. Lúc này, sự tĩnh lặng đặc biệt quan trọng. Bởi sự nóng vội hay một phút bồng bột sẽ khiến con người không nhìn rõ phương hướng và trái tim mình, từ đó dễ đi sai đường, không tìm thấy hướng đi đúng đăn cho cuộc đời.

Con người trong cuộc sống hiện đại, xã hội xoay vần, thế cuộc thay đổi lại càng phải hiểu rõ sức mạnh của sự tĩnh tâm.

Bài học 2: Sống tiết kiệm là đang dưỡng đức.

“Kiệm dùng dưỡng đức”

Gia Cát Lượng khuyên con phải sống tiết kiệm để tu dưỡng đức hạnh cho bản thân. Sống trên đời cần phải tiết kiệm, chớ xem trọng danh vọng và tiền tài. Sử dụng tiền bạc có nguyên tắc không chỉ giúp con người thoát khỏi những khoản chi phù phiếm, vô bổ mà còn tránh được cảnh nợ nần, trở thành nô lệ của vật chất. Bên cạnh đó còn giúp mọi người hiểu được nhu cầu nào trong cuộc sống là quan trọng hơn và cần được ưu tiên. 

Bài học 3: Sống đạm bạc khiến trí tuệ sáng suốt, nội tâm yên tĩnh sẽ suy nghĩ được xa hơn

“Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.”

Gia Cát Lượng răn dạy con trai rằng làm người không nên chạy theo danh lợi trước mắt, phải có hoài bão rõ ràng, bình tâm và chăm chú vào việc mình làm. Nếu tâm đầy dục vọng thì cuộc sống sẽ bon chen, sóng gió. Còn khi lòng trong sạch, tâm sẽ bình an, khi đó mới có thể cẩn thận lập kế hoạch cho tương lai.

[PNVN] Lá thư 86 chữ Gia Cát Lượng gửi con trai gói trọn trí tuệ 1800 năm trước, hiểu thấu giúp cải vận - Ảnh 1.

Bài học 4: Học cần tâm tĩnh

“Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học.”

Gia Cát Lượng không tin vào thuyết thiên tài và cho rằng tài năng của một người là kết quả của sự siêng năng học tập. Đây cũng là cách duy nhất để mọi người có thể có tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng việc học không phải là một việc dễ dàng và khuyên con trai khi học cần có một môi trường yên tĩnh và một trạng thái tinh thần tập trung thì mới phát huy hết được tài năng của mình. Ở cảnh giới tâm hồn tĩnh lặng, chuуên chú, thì hiệu quả đạt được sẽ tăng lên gấp bội.

Bài 5: Sức mạnh của tham vọng

“Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học.”

Gia Cát Lượng dạy con trai nếu không học thì không thể phát triển tài năng, nếu không có hoài bão rõ ràng thì không thể đạt được thành công. Do đó, muốn bản thân phát triển, gia tăng năng lực thì không chỉ học kiến thức ở trường lớp mà cần phải rèn luyện ý chí kiên trì.

javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(201020);}else{parent.admSspPageRg.draw(201020);}

Trong quá trình học, sự quyết tâm và kiên trì rất quan trọng, bởi nếu không có ý chí, bạn sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Bởi vì nếu thiếu ý chí, bạn rất có thể bỏ dở giữa đường. Đạo lý này thật sự có bao nhiêu người đã học được?

Bài học 6: Sức mạnh của tốc độ

“Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông”

Mọi việc trong cuộc sống muốn thành toàn thì cần phải nắm chắc tốc độ. Ông khuyên rằng, không nên cứ trì hoãn một việc nào đó mà cần nắm chắc việc cần làm.Thời đại hiện nay là thời đại của công nghệ máy tính, mọi thứ đều hướng đến sự hiệu quả. Trí tuệ của 1.800 năm trước vẫn còn hữu dụng.

Đi trước một bước, không chỉ đạt được lý tưởng của mình mà bạn còn có nhiều thời gian để sửa sai và hoàn thiện bản thân hơn.

Bài học 7: Sức mạnh của tính cách

“Nóng nảy sao tu thành tâm tính.”

Theo Gia Cát Lượng, con người nếu quá nóng nảy thì sẽ không thể tu dưỡng nhân cách. Một người càng nôn nóng thì càng dễ mù quáng, lầm đường lạc lối và càng dễ đánh mất chính mình. Ông hiểu rõ trong cuộc đời cần phải cân bằng rất nhiều thứ, phải “tinh thông”, cũng phải “tu tâm dưỡng tính” nên đã răn dạy con mình nhiều lúc phải biết sống chậm lại và nhìn nhận thật kỹ trái tim mình. Cũng như một nhà tâm lý học nói rằng tư tưởng quyết định hành vi, hành vi quyết định thói quen, thói quen quyết định tính cách, tính cách quyết định vận mệnh của con người.

[PNVN] Lá thư 86 chữ Gia Cát Lượng gửi con trai gói trọn trí tuệ 1800 năm trước, hiểu thấu giúp cải vận - Ảnh 2.

Bài 8: Thời gian sẽ làm hao mòn mọi thứ

“Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi.”

Gia Cát Lượng nhận ra rằng thời gian trôi nhanh, ý chí kiên cường của con người cũng sẽ hao mòn. Cuộc đời thật ngắn ngủi và chẳng ai trong chúng ta có thể đoán được thời gian của mình đã trôi về đâu. Cứ tưởng rằng sau hôm nay sẽ có ngày mai, ngày mai sẽ có ngày kia, nhưng đôi khi nếu bỏ lỡ một giây phút thì sẽ đánh mất cả đời. Nếu không biết trân trọng, có những thứ sẽ trôi qua trong hối tiếc. Vì vậy hãy tận dụng thời gian và cố gắng sống trọn vẹn từng giây phút.

Bài học 9: Sức mạnh của việc lên kế hoạch cuộc đời

“Thân đã già nua, chưa hiểu sự đời.”

Đời người rồi cũng có ngày sẽ như lá khô rơi rụng, không thể thu giữ, chỉ có nỗi bi thương còn đọng lại. Gia Cát Lượng nhận ra rằng thời gian như bóng câu qua cửa sổ, khi già nua, lỗi thời, không theo kịp sự thay đổi của thời cuộc, mới đau thương than vãn bỏ lỡ tháng ngày, hối hận, muốn làm lại cũng không kịp nữa. Do đó, ông căn dặn con trai cần phải biết lập kế hoạch cho cuộc đời mình, nên nghĩ từ cái lớn, nhưng bắt tay vào làm từ cái nhỏ. Con đường phía trước còn rất dài, cần lên kế hoạch trước để có thể đi một cách suôn sẻ hơn.

Bài 10: Sức mạnh của việc sắp xếp hợp lý

“Thân đã già nua, chưa hiểu sự đời.”

Bức thư trên do Gia Cát Lượng viết cho con trai chỉ sử dụng 86 chữ nhưng nội hàm giáo dục lại bác đại tinh thâm. Bởi vậy không phải lúc nào dài dòng văn tự cũng tốt, đôi lúc càng đơn giản thì càng nói rõ được nội hàm. Đấy cũng là cái uyên thâm trong bậc hiền tài ngày xưa.

( Theo Sohu) / Ánh Lê / Phụ Nữ Việt Nam

Điều ít biết về kế hoạch tang lễ thứ hai của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và các “chiến dịch” liên quan

Điều ít biết về kế hoạch tang lễ thứ hai của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và các "chiến dịch" liên quan
Chiến dịch Cầu London là kế hoạch tang lễ phổ biến nhất của Nữ hoàng Anh. Tuy nhiên còn một bản kế hoạch không phải ai cũng biết, dành cho trường hợp bà qua đời tại Scotland.

Chiến dịch Cầu London là kế hoạch tang lễ phổ biến nhất của Nữ hoàng Anh. Tuy nhiên còn một bản kế hoạch không phải ai cũng biết, dành cho trường hợp bà qua đời tại Scotland.

Ngày 8/9 vừa qua, nhân dân Anh và đông đảo người dân khắp thế giới đón nhận một tin tức chấn động khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II – biểu tượng của nước Anh và Khối Thịnh vượng chung suốt 7 thập kỷ đã băng hà tại điền trang của gia đình, lâu đài Balmoral.

Nằm tại Scotland, lâu đài Balmoral là địa điểm nghỉ hè ưa thích của Nữ hoàng bên các thành viên gia đình, bà thường dành thời gian nghỉ hè tại đây mỗi năm từ tháng 8, tháng 9 đến đầu tháng 10.

Mùa hè cuối cùng này, bà cũng đã tận hưởng những giờ phút ấm áp bên gia đình, con cháu. Kể cả đến những giờ phút cuối đời, dù phải phá bỏ truyền thống 70 năm tiếp kiến tân Thủ tướng tại Điện Buckingham, bà vẫn hoàn thành trọn vẹn nghĩa vụ mình đã cống hiến cả đời.

Điều ít biết về kế hoạch tang lễ thứ hai của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và các chiến dịch liên quan - Ảnh 1.

Nữ hoàng tiếp kiến tân Thủ tướng Liz Truss hôm 6/9.

Tuy nhiên, trong khi truyền thông tập trung vào Chiến dịch Cầu London – mật danh của kế hoạch tang lễ kéo dài 10 ngày của Nữ hoàng, không phải ai cũng biết rằng có một “kế hoạch B” nữa cũng sẽ được thực hiện song song trong trường hợp Nữ hoàng băng hà tại Scotland.

“Kế hoạch B” khi Nữ hoàng băng hà tại Scotland

Chiến dịch Cầu London nguyên gốc vốn dành cho trường hợp Nữ hoàng băng hà tại Anh. Bản kế hoạch này miêu tả chi tiết 10 ngày sau sự ra đi của bà, miêu tả tỉ mỉ về cách tiến hành các nghi lễ và cả sự lên ngôi của tân vương. Do Nữ hoàng dành vài tháng mỗi năm tại Balmoral, các nhà lập kế hoạch cũng đã dự trù cả phương án này với mật danh “Chiến dịch Kỳ lân” với một số điều chỉnh nhỏ vào giai đoạn đầu của quốc tang.

Điều ít biết về kế hoạch tang lễ thứ hai của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và các chiến dịch liên quan - Ảnh 2.

Nữ hoàng duyệt đội danh dự Scotland.

Chiến dịch Kỳ lân được hé lộ vào năm 2019 khi vài phút trao đổi của các lãnh đạo Quốc hội Scotland được đăng tải lên một diễn đàn dành cho các thành viên cấp cao của cơ quan này. Tên của nó được đặt theo quốc thú của Scotland – con kỳ lân trong truyền thuyết.

Ngoài Chiến dịch Kỳ lân, một số kế hoạch tỉ mỉ khác cũng được soạn sẵn, chẳng hạn như “Chiến dịch Overstudy” khi vị quân chủ băng hà ở nước ngoài.

Theo Chiến dịch Kỳ lân, ngày đầu tiên sau khi Nữ hoàng qua đời (Thứ Sáu, 9/9), linh cữu của bà sẽ được mang từ Balmoral tới thành phố lân cận Alberdeen, sau đó tiếp tục được mang lên Tàu hỏa Hoàng gia đi dọc bờ biển phía Đông của Scotland đến Thủ đô Edinburgh.

Điều ít biết về kế hoạch tang lễ thứ hai của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và các chiến dịch liên quan - Ảnh 3.

Người dân đặt hoa viếng tại lâu đài Balmoral.

Những đoàn người thương tiếc được cho là sẽ tiễn đưa Nữ hoàng dọc tuyến đường sắt, trong khi các đơn vị cận vệ Hoàng gia Scotland sẽ lập hàng rào danh dự tại các nhà ga.

Khi đến Edinburgh, linh cữu của Nữ hoàng sẽ được quàn tại một tư gia Hoàng gia, một lâu đài từ thời trung cổ tên Holyroodhouse trong 1 ngày.

Sau đó, nghi lễ rước linh cữu sẽ diễn ra từ Holyroodhouse dọc theo dãy phố lịch sử Royal Mile đến Nhà thờ cổ St Giles, gần lâu đài Edinburgh. Tại đây, các thành viên Hoàng gia sẽ có một buổi lễ tưởng niệm.

Điều ít biết về kế hoạch tang lễ thứ hai của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và các chiến dịch liên quan - Ảnh 4.

Điện Holyroodhouse và Nhà thờ St Giles là các địa danh dành riêng cho người dân Scotland đến tưởng niệm và tri ân vị quân chủ.

Lễ tưởng niệm tại Nhà thờ St Giles sẽ diễn ra 1 ngày, và hôm sau đó linh cữu của bà sẽ tiếp tục được đưa trên chuyến hành trình về phía Nam đến London trên Tàu hỏa Hoàng gia. Con tàu sẽ đi từ Nhà ga Waverley ở Edinburgh về ga St Pancras ở London.

Một khi linh cữu Nữ hoàng đi qua biên giới Scotland và Anh, Chiến dịch Kỳ lân sẽ kết thúc và phần còn lại của Chiến dịch Cầu London sẽ bắt đầu.

Điều ít biết về kế hoạch tang lễ thứ hai của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và các chiến dịch liên quan - Ảnh 5.

Lộ trình di chuyển theo kế hoạch với điểm đầu trên phía Bắc ở Aberdeen và phía Nam tại London.

Nữ hoàng đã dành phần lớn các mùa hè trong đời của mình trên khu đất cao nguyên của Hoàng gia ở Aberdeenshire, khi các thành viên trong gia đình theo truyền thống ở đó từ tháng 7 đến tháng 9 và tháng 10. Balmoral, giống như Sandringham, là nơi ở riêng của Nữ hoàng chứ không phải là dinh thự của hoàng gia thuộc về vương miện.

Điều ít biết về kế hoạch tang lễ thứ hai của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và các chiến dịch liên quan - Ảnh 6.

Nữ hoàng thường di chuyển bằng tàu hỏa giữa London và Sandringham.

Nhiều năm ký ức Hoàng gia đã được hình thành ở đó, bao gồm nhiều bữa tiệc nướng gia đình, nơi Công tước xứ Edinburgh nấu ăn và Nữ hoàng giặt giũ. Vào tháng 9 hàng năm, họ sẽ mời các Thủ tướng tại vị tới cùng nghỉ tại đây.

Sau khi Philip và Công chúa Elizabeth kết hôn vào năm 1947, họ đã dành một phần tuần trăng mật tại Birkhall – một nhà nghỉ săn bắn trên khu đất Balmoral được Hoàng tế Albert mua cho Nữ hoàng Victoria vào năm 1852, và lưu truyền qua nhiều thế hệ Hoàng gia.

Các kế hoạch được đặt mật danh đáng chú ý khác

Chiến dịch Overstudy

Chiến dịch Overstudy là bản kế hoạch chi tiết dành cho trường hợp Nữ hoàng băng hà tại nước ngoài. Trong trường hợp này, bà sẽ được phi đội Hoàng gia số 32 thuộc Không quân Anh đón trên một chiếc máy bay C17 về doanh trại Brize Norton hoặc Norholt gần London.

Lần cuối Nữ hoàng công du nước ngoài là vào năm 2015 đến một trong số những quốc gia ưa thích nhất của bà, đảo quốc Malta. Đó là một chuyến đi tham dự cuộc họp các nhà lãnh đạo của Khối Thịnh vượng chung.

Điều ít biết về kế hoạch tang lễ thứ hai của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và các chiến dịch liên quan - Ảnh 7.

Malta là địa điểm ưa thích của Nữ hoàng, gắn với nhiều kỷ niệm cùng Hoàng tế. Trong hình, cặp đôi Hoàng gia đang đến thăm đảo quốc này nhân kỷ niệm 60 năm ngày cưới.

Điều ít biết về kế hoạch tang lễ thứ hai của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và các chiến dịch liên quan - Ảnh 8.

Địa điểm này vô cùng đặc biệt vì bà từng cùng chồng, Hoàng tế Philip, dành 2 năm sinh sống tại đó khi mới cưới. Hoàng tế Philip từng phục vụ cho Hải quân Anh tại nước này, do đó cặp đôi Hoàng gia đã có nhiều kỷ niệm vui vẻ, hạnh phúc tại đây. Họ thường đi xem phim, tới rạp hát và đi dạo khắp nơi một cách dễ dàng.

Sau khi lên ngôi, Nữ hoàng có tổng cộng 6 lần tới thăm Malta. Từ sau chuyến đi năm 2015, bà nhường lại các nhiệm vụ công du Hoàng gia tại nước ngoài cho con cháu, đặc biệt là vợ chồng cựu Thái tử Charles và vợ chồng William.

Trong 70 năm trị vì, bà đã tới thăm 117 quốc gia và vùng lãnh thổ, với quãng đường tương đương 42 lần vòng quanh Trái đất, theo Express.

Chiến dịch Quả cầu Vàng

Đây là mật danh cho kế hoạch lên ngôi của Vua Charles III, gồm nhiều hoạt động tôn giáo tại Tu viện Westminster trong nhiều tháng, với sự đồng hành của Vương hậu Camilla. Các nghi lễ được cử hành theo truyền thống Anh giáo nhưng được cho là cũng sẽ phù hợp với người dân các tín ngưỡng khác tại Anh.

Điều ít biết về kế hoạch tang lễ thứ hai của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và các chiến dịch liên quan - Ảnh 9.

Khi Nữ hoàng lên ngôi năm 1953, nước Anh tổ chức một buổi đăng cơ rất linh đình vì đó là cơ hội để khôi phục tinh thần cho người dân sau chiến tranh.

Tuy nhiên, hiện tại, nghi lễ lên ngôi và đăng cơ của Thái tử Charles được cho là sẽ giản lược hơn nhiều để phù hợp với tình hình hiện tại.

Theo Daily Mail, lễ đăng cơ được cho là sẽ diễn ra sớm nhất vào mùa xuân năm sau, nhưng sẽ sớm hơn khoảng thời gian 16 tháng Nữ hoàng phải đợi năm xưa. Và nó có thể sẽ ngắn hơn và ít tốn kém hơn đáng kể so với trước đây, bắt đầu tinh thần mới của triều đại Vua Charles III.

Người ta ước tính rằng lễ đăng cơ năm 1953 trị giá 1,57 triệu bảng – tương đương 46 triệu bảng ngày nay.

Điều ít biết về kế hoạch tang lễ thứ hai của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và các chiến dịch liên quan - Ảnh 10.

Nhà vua trong lần đầu ra mắt công chúng.

Nhà vua đã nói rõ rằng ông ủng hộ một chế độ quân chủ gọn gàng hơn, hiện đại hơn và lễ đăng quang của ông sẽ phản ánh điều đó, các nguồn tin cho biết. Với việc đất nước đang đối mặt với suy thoái và áp lực mới đối với hầu bao của công chúng, mong muốn của ông về một nghi lễ tinh gọn triệt để có thể sẽ được nhiều người hoan nghênh.

Tuy nhiên, việc lập kế hoạch sẽ rất tỉ mỉ, xem xét từng chi tiết. Lễ đăng cơ mang đậm ý nghĩa tôn giáo – một nghi lễ trang trọng và thiêng liêng, nơi vị tân vương được xức dầu và tuyên thệ trước Chúa và đất nước của mình.

Chiến dịch Triều cường

Kế hoạch này bao gồm các chuyến đi đầu tiên của Vua Charles III với tư cách là tân vương đến các vùng Liên hiệp Anh gồm, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, sẽ diễn ra trước tang lễ Nữ hoàng. Có các tên mã riêng trong Triều cường cho mỗi chuyến thăm: Chiến dịch Chim bói cá ở Scotland, Chiến dịch Rồng ở Wales và Chiến dịch Cỏ ba lá ở Bắc Ireland – đều là các loài vật mang tính biểu tượng của mỗi vùng.

Điều ít biết về kế hoạch tang lễ thứ hai của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và các chiến dịch liên quan - Ảnh 11.

Triều cường là hiện tượng xảy ra vào trăng non và trăng tròn, khi Mặt trăng, Mặt trời và Trái đất tạo thành một đường thẳng (sóc vọng), khiến lực thủy triều mạnh nhất trong tháng. Một đợt triều cường đặc biệt cao còn được gọi là “thủy triều vua”.

Nguồn: Tổng hợp / Theo Thạch Anh / Phụ nữ Việt Nam

Nữ hoàng Elizabeth: Người tận tụy với nghĩa vụ của Hoàng gia Anh

Đối với hàng triệu người đón xem lễ đăng quang của Nữ hoàng Anh vào ngày 2 tháng 6 năm 1953 — lần đầu tiên một lễ đăng quang như vậy được phát trên truyền hình — phần xúc động nhất nằm ở cuối buổi lễ. Đó là khi chiếc vương miện hoàng gia, nạm 2.868 viên kim cương và nặng hơn một kg, được đặt lên mái tóc đen mỏng của Elizabeth Windsor và đưa bà trở thành Nữ hoàng Elizabeth II

Nhưng đối với Nữ hoàng, theo lời của một số ít nhân vật thân thiết, phần áp lực nhất của buổi lễ diễn ra trước nghi thức trao vương miện, và không được phát trên truyền hình. Như các đời vua trước từ thời Trung cổ, Elizabeth phải cởi bỏ y phục ngoài để thực hiện nghi thức xức dầu thánh: một biểu trưng cho thấy vương quyền không chỉ đến từ dòng máu Hanover, mà còn từ Chúa. Đó là lời nhắc nhở rằng bà có một nghĩa vụ linh thiêng và vĩnh cữu. Và Nữ hoàng chưa bao giờ quên điều đó.

Dáng người nhỏ nhắn, luôn mang chiếc túi xách lớn cùng sở thích mặc áo khoác màu pastel, Nữ hoàng đã đi khắp nước Anh và thế giới. Bà trở thành chủ đề nói đùa vì cách chào hỏi của mình (“Bạn có phải đi xa không?”), vì bộ găng tay và mũ đặc trưng, và vì lối sử dụng từ ngữ ngắn gọn nhưng đầy quý tộc. Những đặc điểm này làm người ta nghĩ bà cần được bảo vệ, nhưng rồi, từ cái nhìn chằm chằm và những lời dí dỏm, uyên bác trong các bài phát biểu, bà hiện lên vô cùng mạnh mẽ. Báo chí Anh phẫn nộ khi các lãnh đạo nước ngoài chạm vào người Nữ hoàng. Michelle Obama thậm chí còn vuốt lưng bà, nhưng bà bình tĩnh bỏ qua. Sau hàng nghìn tương tác giữa con người với con người — nhận hoa, chào đám đông, xem các điệu múa bộ lạc, khai trương tòa nhà, hạ thủy tàu chiến — chế độ quân chủ ngày càng bắt rễ trong tình cảm công chúng, ở Anh và trong Khối Thịnh Vượng chung, theo một cách đáng ngạc nhiên trong thế kỷ 20.

Nhưng không ai thực sự hiểu người phụ nữ đứng sau tất cả những điều đó. Chắc chắn đã có một Elizabeth vô tư và hồn nhiên hơn nhiều trước khi cha bà đột ngột lên ngôi vua vào năm 1938, và khi vào một buổi sáng tháng 2 ảm đạm năm 1952, bà nhận ra mình đã là nữ hoàng. Nhưng có thể là không? Ngay từ khi còn bé, bà đã có một vẻ ngoài mẫu mực, một cô con gái lớn có trách nhiệm vừa chăm vườn vừa trông em. Và trong thời kỳ chiến tranh, khi còn rất trẻ, bà đã gia nhập Lực lượng Bổ trợ Địa phương (ATS) và làm công việc lái xe tải; chiếc áo đồng phục hoàn toàn vừa vặn với bà. Ngay cả chiếc váy cưới năm 1947 cho cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc với Hoàng thân Philip của Hy Lạp cũng được làm từ phiếu mua quần áo quyên góp. Sau khi lên ngôi không lâu, bà đã gửi một công thức viết tay món bánh nướng nhân bơ sữa cho tổng thống Mỹ Eisenhower. Bà có lẽ đã thực sự mặc một chiếc tạp dề và thử làm chúng.

Sự thẳng thắn của Philip trước công chúng cho thấy bà có lẽ cũng có ý kiến ​​chính trị và không quá kiệm lời trong cuộc sống riêng tư. Dĩ nhiên bà không thể hiện chúng. 15 thủ tướng phục vụ trong thời gian bà nắm quyền đều được Nữ hoàng đón nhận một cách bình tĩnh. Bà được cho là khá thích nhà lãnh đạo có khiếu hài hước của Công đảng, Harold Wilson, và cả Margaret Thatcher, mặc dù một số cử chỉ trước công chúng không cho thấy điều đó. Quả thật, không ai bên ngoài vòng thân cận của bà biết chắc điều đó. Lần gần nhất bà đưa ra một tuyên bố chính trị là vào năm 2014, khi Scotland xem xét việc tách khỏi vương quốc; trên đường đến nhà thờ ở lâu đài Balmoral, bà đã cảnh báo người dân Scotland phải cẩn thận.

Bà từng công khai thừa nhận nỗi buồn vào năm 1992, khi Charles và Diana chia tay nhau, và lâu đài Windsor, nơi bà yêu thích, bị hỏa hoạn làm hư hại nặng: bà gọi nó là “năm hạn” của mình. Một năm không kém phần thách thức là 2019, được đánh dấu bởi vụ bê bối tình dục xuyên Đại Tây Dương của Hoàng tử Andrew và việc hoàng gia bị cuốn vào câu chuyện Brexit, khi bà được khuyên nên cho phép Boris Johnson đình chỉ Nghị viện, một hành động sau đó bị xác định là vi hiến. Nữ hoàng không nói gì, nhưng nhiều người nói bà rất tức giận vì Hoàng gia bị kéo vào chính trị. Trong nhiều chục năm trước đó, bà luôn giữ một quan điểm cẩn trọng, và chỉ tham gia đọc, với ít biểu đạt cảm xúc nhất có thể, danh sách các luật mới được đề xuất tại mỗi kỳ khai mạc Nghị viện.

Thay vì nắm giữ bất kỳ quyền lực thực tế nào, công việc của bà dần trở thành làm chỗ dựa tinh thần cho người dân. Khi Covid-19 xuất hiện, bà cổ vũ đất nước bằng các bài nhạc của Vera Lynn, một ca sĩ rất được yêu thích trong Thế chiến 2; và khi Philip, “sức mạnh và chỗ dựa” của bà, qua đời vào năm ngoái, bà tiếp tục các nhiệm vụ hoàng gia mà hầu như không hề nghỉ ngơi. Nó khác hoàn toàn với cách “lưu đày nội tâm” sau tấm mạng che mặt màu đen suốt nhiều năm của người tiền nhiệm vĩ đại của bà, Nữ hoàng Victoria. Ngay giữa đại dịch Covid, bà biết người dân cần mình.

Để thư giãn, ngay từ đầu, luôn có các cuộc đua ngựa. Niềm vui sướng nhất của Nữ hoàng là khi ngựa của bà chiến thắng. Chú ngựa Horseflesh là tình yêu lớn của bà; trong khi những cuốn sách về ngựa được cho là chiếm phần lớn thời gian đọc của bà, và bà thường xuyên được nhìn thấy cưỡi ngựa một mình dưới mưa tại các lâu đài ở thôn quê, trong trang phục khăn trùm đầu và áo khoác da.

Việc nắm quyền lâu như thế, đặc biệt khi bản thân người kế vị bà cũng già đi nhanh chóng, đôi khi trở nên không quá thuyết phục. Nhưng càng ngày nó càng trở thành câu chuyện về cách quản lý khôn ngoan. Trở thành người đứng đầu “Doanh nghiệp” (biệt danh của Hoàng gia) có thể không phù hợp với Charles, đặc biệt với phong cách mơ mộng và phá cách của ông; có lẽ nó sẽ an toàn hơn trong tay người khác. Quan niệm về chế độ quân chủ như một doanh nghiệp gia đình, đánh giá lời lỗ và không ngừng nuôi dưỡng thương hiệu, trước đây là điều không tưởng. Nhưng Nữ hoàng không nghĩ vậy.

Đặc biệt trong những năm cuối đời, khuôn mặt Nữ hoàng càng hiện lên lòng quyết tâm phải tiếp tục, đơn giản vì bà đã thề trước Chúa sẽ không bao giờ làm khác. Trước khi đăng quang, bà làm quen với sức nặng của chiếc vương miện bằng cách đội nó vào mỗi bữa sáng; và theo một nghĩa nào đó, bà không bao giờ cởi nó ra nữa. Vào một ngày tháng 6 năm 1953, bà được giao nghĩa vụ thiêng liêng phải giữ cho đất nước, vốn đã trở nên đa dạng, phù phiếm, và bất kính hơn bao giờ hết trong những thập niên sau đó, được thống nhất. Nữ hoàng đã làm chính xác điều đó trong những năm trị vì của mình.

Nguồn: “Elizabeth II never laid down the heavy weight of the crown.” The Economist,

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Những đất nước nhanh nhạy nhất thế giới trong đại dịch

Getty Images

Đại dịch diễn ra, xung đột toàn cầu và bất trắc nói chung đã khiến tâm điểm đổ dồn vào việc mỗi nước cần phải nhanh nhẹn và dễ thích nghi hơn trong những năm gần đây. 

Bằng cách thực hiện các chính sách và giải pháp linh hoạt dựa trên thông tin mới, các chính phủ có thể phục vụ người dân và du khách hiệu quả hơn trong một thế giới thay đổi nhanh chóng.

Để nắm bắt khả năng thích ứng và ứng phó trở ngại, trong năm nay Báo cáo US News & World đưa ra chỉ số nhanh nhẹn mới nằm trong bảng xếp hạng các nước tốt nhất hàng năm, với danh sách các nước hàng đầu theo khả năng thích ứng, năng động, hiện đại, tiến bộ hay đáp ứng.

Những yếu tố này quan trọng hơn bao giờ hết đối với lữ khách, vốn đang bắt đầu đi ra thế giới trở lại lần đầu tiên sau hai năm. 

Như chúng ta đã  thấy ở loạt biến thể Covid-19 mới, tình hình trên thực địa có thể thay đổi nhanh chóng và du khách có thể thấy an ninh hơn khi đến các nước có thành tích mạnh mẽ trong điều chỉnh chính sách thích hợp và nhanh chóng.

Chúng tôi đã nói chuyện với người dân và chuyên gia chính sách ở những nước được xếp hạng cao nhất để tìm hiểu điều gì tạo nên quốc gia nhanh nhẹn và du khách nên mong đợi những gì khi đến các quốc gia đó.

Hoa Kỳ

Getty Images

Được xếp hạng đầu về chỉ số này, nước Mỹ có lẽ đã không bắt buộc phong tỏa ở cấp độ liên bang như nhiều quốc gia phương Tây khác, nhưng nền kinh tế thị trường của họ giúp họ có khả năng thích ứng vốn thúc đẩy đổi mới nhanh chóng khi đối mặt khủng hoảng Covid-19.

“Hãy nhìn dịch vụ giao hàng và nhà hàng có thể thay đổi cách kinh doanh nhanh thế nào khi họ giao đồ ăn đến nhà,” John Rose, cư dân California và là giám đốc rủi ro và an ninh của công ty du lịch Altour, cho biết. “Không có nhiều quy định không cần thiết đòi hỏi các nhà hàng không được giao đồ ăn hoặc không được hoạt động với chỉ vài nhân viên.”

Rose nói ngành thực phẩm chỉ là hình ảnh thu nhỏ về sự linh hoạt của đất nước nói chung, do các doanh nghiệp khác có thể nhanh chóng thích nghi với bối cảnh đại dịch, cho dù là sản xuất khẩu trang hay dung dịch sát khuẩn, hay tạo ra công nghệ như họp qua truyền hình để mọi người làm việc tại nhà hiệu quả hơn.

Các bang khác nhau cũng có thể ban hành các chính sách hết sức khác tùy vào nhu cầu cụ thể, đem đến 50 cách ứng phó độc đáo với đại dịch. 

“California và Florida xử lý đại dịch khác nhau một trời một vực, với California áp dụng biện pháp phong tỏa cực đoan còn Florida quay lưng lại với tất cả hạn chế,” Rose nói. “Tuy nhiên, cả hai nền kinh tế đều đã làm rất tốt. Tất cả nhờ vào chính sách lãnh đạo mạnh mẽ.”

Ở cấp độ quốc gia, việc bắt buộc đeo khẩu trang trên máy bay và ở sân bay cho phép du khách tiếp tục đến Mỹ với sự tự tin, điều này giúp tạo điều kiện cho việc đi lại và lợi ích kinh tế trong suốt đại dịch. Chính phủ Mỹ vẫn yêu cầu khách quốc tế phải được tiêm chủng đầy đủ.

Du khách nên biết tỷ lệ chích ngừa trong dân rất khác nhau tùy theo bang và thậm chí hạt, với một số thành phố có tỷ lệ tiêm chủng và sự sẵn sàng đón du khách trở lại an toàn cao hơn. Rose khuyên nên kiểm tra ở cấp hạt thay vì ở cấp tiểu bang, để có thông tin chính xác nhất.

Úc

Getty Images

Úc, xếp thứ hai tổng thể trong chỉ số Nhanh nhẹn với điểm cao nhất về năng lực đáp ứng và thích ứng, có cách làm rất khác Mỹ. 

Nước này thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt để giữ số ca mắc của họ ở mức thấp so với thế giới. Tuy nhiên, trước làn sóng Covid sau này, họ nhanh chóng chuyển từ chiến lược loại bỏ sang mở cửa lại hoàn toàn, dựa trên tỷ lệ tiêm chủng gần 95% ở người từ 16 tuổi.

“Người Úc giờ đây cảm thấy kết nối lại với thế giới sau gần hai năm cô lập,” Kate Slater, nhà tư vấn chiến lược và cây bút du lịch ở Sydney, cho biết. Bà lưu ý quốc gia này thực hiện phản ứng ở cấp độ bang và vùng, đưa ra nhiều cách khác nhau để xử lý những thách thức đang diễn ra.

Ví dụ, New South Wales, bang lớn nhất với sân bay lớn nhất, đã loan báo hồi tháng 12/2021 rằng họ sẽ bỏ yêu cầu cách ly đối với khách quốc tế, vốn dẫn đến việc chính phủ liên bang phải đẩy nhanh việc mở lại biên giới quốc tế vào tháng 1/2022 cho du khách đã được chích ngừa. 

Du khách nên kiểm tra các yêu cầu nhập cảnh của bang và vùng, vì chúng có thể khác nhau và có thể thay đổi trong thời gian ngắn. 

Nước này cũng thông báo bỏ lệnh cấm du thuyền cập bến kể từ ngày 17/4/2022, mặc dù du khách vẫn được yêu cầu phải chích ngừa.

Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của Úc đã khuyến khích người dân đi du lịch trong nước, vốn dẫn đến sự bùng nổ các công việc mới ở các điểm đến ít khách hơn. 

“Chẳng hạn, ở vùng Cao nguyên Miền Nam của bang New South Wales, những trang viên lịch sử đã được chuyển đổi thành khách sạn trang nhã,” Slater nói. Cô khuyên nên chọn các khách sạn Osborn House, Berrima Vault House và Briars, và giới thiệu phòng trưng bày nghệ thuật mới trong vùng Ngununggula.

Hàn Quốc

Getty Images

Xếp thứ sáu tổng thể về chỉ số Nhanh nhẹn – và đạt điểm cao về khả năng năng động (liên tục thay đổi và tràn đầy năng lượng) và tiến bộ – Hàn Quốc nhận được lời khen vào đầu đại dịch vì giữ số ca mắc ở mức thấp, với việc xét nghiệm quyết liệt và cách ly người nhiễm. 

Tuy nhiên, với số ca nhiễm hồi tháng Ba ở mức kỷ lục, quốc gia này vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế, tin tưởng vào tỷ lệ tiêm chủng người dân và năng lực giải tỏa áp lực bệnh nhân.

“Hàn Quốc là ‘câu chuyện thành công’ trong cuộc chiến trước đại dịch Covid-19 chủ yếu do những kinh nghiệm trước đây từ dịch SARS năm 2003 và MERS vào năm 2015,” Hyesong Ha, phó giáo sư tại Trường sau đại học về Chính sách Công, Đại học Nazarbayev, vốn nghiên cứu về các chính phủ nhanh nhạy nhất trong đại dịch, nói. 

“Nhờ kinh nghiệm và kiến thức thu được từ những thất bại chính sách trong quá khứ, chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng thực hiện xét nghiệm, truy vết và điều trị, đồng thời thành lập KCDC (Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc), cơ quan nhanh nhẹn với tính chuyên nghiệp, độc lập và thẩm quyền điều phối ứng phó khủng hoảng.”

Hạn chế đi lại là nội dung thách thức nhưng cần thiết trong chính sách của họ, theo Jenny Ly, cây bút du lịch tại Go Wanderly. Nhưng cô đã tận dụng lợi thế bằng cách đắm mình trong du lịch trong nước.

“Tôi tận dụng cơ hội để tìm những viên ngọc ẩn giấu mà hầu hết mọi người không biết,” cô nói. Một trong những nơi yêu thích nhất của cô là Làng tranh tường Ihwa ở Seoul, nơi những bức tranh sáng, đầy màu sắc tô điểm gần như mỗi bức tường. 

“Làng là thiên đường dưới hạ giới cho bất kỳ ai say mê nghệ thuật vì nó có nhiều tranh tường quyến rũ, bảo tàng nghệ thuật nhỏ và trung tâm nghệ thuật,” cô nói.

Mọi thứ ở Hàn Quốc trở nên dễ dàng hơn cho khách quốc tế kể từ ngày 1/4/2022, với việc du khách đã chích ngừa được miễn cách ly bảy ngày bắt buộc bằng cách đăng ký lịch sử chích ngừa trực tuyến.

Bỉ

Getty Images

Xếp thứ 16 về nhanh nhẹn tổng thể, thành tích tốt của Bỉ trong hạng mục khả năng thích ứng (xếp thứ tư) vượt xa toàn bộ các nước châu Âu còn lại. 

Dân Bỉ tự hào về khả năng thích ứng của họ, một nhu cầu văn hóa cần thiết sau khi bị người La Mã, Pháp, Hà Lan và Đức chiếm đóng trong lịch sử, và họ nhắc tới  xã hội đa ngôn ngữ của Bỉ cùng việc nước này được chọn làm nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu tại thủ đô Brussels.

“Bỉ là đất nước đối thoại và thỏa hiệp, điều tất yếu khi họ có nhiều ngôn ngữ khác nhau và cấu trúc chính trị rối rắm như thế,” cư dân Jurga Rubinovaite, người sáng lập blog du lịch gia đình Full Vali, cho biết. “Tìm kiếm thỏa hiệp và thích nghi với tình hình luôn thay đổi có trong huyết quản chúng tôi.”

Rubinovaite cảm thấy các chính trị gia rất giỏi lắng nghe lời khuyên, thừa nhận họ không biết hết mọi thứ và học hỏi từ sai lầm để điều chỉnh.

Không chỉ chính phủ mới giỏi thích nghi; Rubinovaite lưu ý các doanh nghiệp cũng nhanh chóng thay đổi, với nhà hàng cũng bán mang về và có xe đi bán lưu động, cửa hàng quần áo chuyển qua bán trực tuyến và bảo tàng mở tour ảo.

“Ngay cả các tu sỹ tại Tu viện Sint-Sixtus cũng bắt đầu bán bia Westvleteren nổi tiếng thế giới (rất khó mua) qua mạng trong đại dịch,” cô nói. 

Cô cũng chứng kiến bước nhảy vọt về số hóa, khi thanh toán bằng điện thoại di động và bằng thẻ thay thế tiền mặt, và sinh viên nhận được iPad và máy tính xách tay mới để học tập.

Gần như tất cả hạn chế chống dịch Covid ở Bỉ hiện đã được gỡ bỏ, dọn đường cho lễ hội Thảm Hoa Brussels và các lễ hội âm nhạc trở lại hai năm một lần. Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng gia Antwerp, nơi trưng bày các tác phẩm của Rubens và van Eyck, cuối cùng cũng sẽ mở cửa trở lại cho công chúng vào tháng 10 năm 2022, sau 10 năm chỉnh trang.

Brazil

Getty Images

Brazil là quốc gia Nam Mỹ có thứ hạng cao nhất trong chỉ số Nhanh nhạy (xếp thứ 23) cũng như khả năng năng động (xếp thứ năm). 

Mặc dù người dân thừa nhận rằng lúc đầu chính phủ đã vấp ngã trong phản ứng với đại dịch, nhưng hệ thống y tế đã chuyển động nhanh chóng và hiệu quả để tiêm chủng cho dân số đông, gồm tỷ lệ tiêm chủng gần 100% ở thành phố lớn nhất là São Paulo, khiến nó trở thành một trong những ‘thủ đô vaccine’ của thế giới.

Với ít nguồn lực hơn các nền kinh tế lớn, đất nước này không đủ sức chịu đựng phong tỏa kéo dài, vì vậy người dân có trách nhiệm đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. 

Nhưng nhiều người tin rằng việc không đóng nền kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi đại dịch. “Người dân Brazil xem mình là người sống sót và chúng tôi luôn tìm cách vượt qua khủng hoảng,” cư dân Natalie Deduck, đồng sáng lập công ty chương trình du lịch Love and Road, nói. “Trong tim mình, chúng tôi luôn hy vọng tương lai tốt đẹp hơn.” 

Những ngày đó cuối cùng cũng tới vì nhiều hạn chế như việc đeo khẩu trang bắt buộc đã được dỡ bỏ. Du khách vẫn phải trình xét nghiệm Covid âm tính, khai báo sức khỏe và chứng nhận chích ngừa. 

Deduck lưu ý Brazil không chỉ có các thành phố lớn và vùng Amazon, và du khách nên cân nhắc đi thăm miền nam Brazil và các thành phố biển như Florianópolis và Công viên Quốc gia Aparados da Serra, nơi có các khách sạn gia đình và trang trại cho ngủ lại.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.