Sơn thủy hữu tình ở Na Hang

TUYÊN QUANG – Khi tia nắng cuối ngày khuất dần qua những ngọn núi đá vôi, mặt hồ Na Hang nơi xanh thẳm, nơi lóng lánh vàng.

Na Hang là khu du lịch nằm ở hai huyện Na Hang và Lâm Bình, Tuyên Quang. Nơi đây cách TP Tuyên Quang khoảng hơn 100 km, đường đi dễ. Là hợp lưu của sông Lô và sông Gâm, Na Hang có 8.000 ha mặt nước, xung quanh là núi đá vôi đồ sộ, rừng nguyên sinh xanh thẳm. Vì vậy nơi đây còn được mệnh danh là “Hạ Long giữa đại ngàn”

Ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ của Na Hang, nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải (thường gọi HaiLeCao) có chuyến thăm lại vùng đất này trong đầu tháng 4. Anh dành hai ngày để khám phá và thực hiện bộ ảnh cảnh sắc Na Hang.

Nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, sáng sớm cảnh sắc Na Hang luôn ngập trong sương mù, đặc biệt mùa đông từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Vì vậy nhiều du khách tới đây phải trầm trồ như lạc vào “bồng lai tiên cảnh”.

Những tia nắng đầu ngày xuất hiện, mặt nước phản chiếu núi non hùng vĩ. Du khách lúc này có thể bắt đầu hành trình từ bến thuyền Na Hang khám phá hồ, ngắm các đảo đá như núi Pắc Tạ hay núi đá Cọc Vài.

Mặt trời càng lên cao, nước chuyển dần sang màu xanh ngọc bích. “Dọc từ bến Lâm Bình suôi về xã Thuý Loa, có một cảm giãn thư thái rất yên bình, xung quanh bốn bể là núi non trùng điệp ôm ấp đôi bờ. Thuyền lướt đi trên mặt nước xanh biếc, phẳng lặng như gương, thật là sơn thủy hữu tình”, anh Hải mô tả.

Ở đây du khách cũng được gặp những người địa phương mưu sinh trên non nước Na Hang. Họ đánh bắt cá tôm, vận chuyển hành khách trên hồ. Lúc này du khách dường như được thoát khỏi mọi bộn bề, bon chen nơi phố thị.

Nhìn từ trên cao, Na Hang càng có nét tương đồng với vịnh Hạ Long. Mùa đẹp nhất để đến Na Hang là vào tháng 5 đến tháng 9 hàng năm vì tiết trời mát mẻ, nước dâng cao và luôn trong xanh. Những du khách yêu thích vẻ đẹp huyền ảo nên đến đây vào tháng 11 đến tháng 1 hàng năm.

Trên những hòn đảo nhỏ xanh tốt cây trái là nơi người dân dựng nhà, phía xa làm bè bắt cá tôm.

Buổi chiều khi mặt trời dần khuất sau những rặng núi, ánh nắng còn sót lại tạo nên những mảng màu xanh, vàng cam trên mặt hồ. “Đây chính là thiên đường cho nhiều nhiếp ảnh gia phong cảnh sáng tác. Vì diện tích lòng hồ rộng, cộng thêm núi non trùng điệp nhưng không quá cao để đón mặt trời mọc và lặn với những thời khắc ánh sáng vàng cho nhiếp ảnh”, tác giả chia sẻ.

Cuối chiều, những con đường dẫn du khách ra khỏi Na Hang sẽ băng qua những cánh đồng lúa xanh mởn, nếp nhà yên bình.

Phía xa, sương mù dần phủ kín những mái nhà hòa cùng khói lam chiều. Không chỉ bằng mắt, du khách còn trải nghiệm vẻ đẹp qua mọi giác quan, khi cái se lạnh phủ trên làn da, mùi thơm của những gian bếp sộc ấm khoang mũi.

Lan Hương / Ảnh: HaiLeCao

Cuộc đời Edmonia Lewis: Nữ nghệ sĩ thay đổi nghệ thuật nhân loại mãi mãi

Qua nhiều thế kỷ, nền nghệ thuật thế giới đã chứng kiến ​sự ra đời của ​nhiều nhà điêu khắc mang tính biểu tượng. Từ Michelangelo đến Picasso, Donatello đến Rodin, những nghệ sĩ này đã tạo ra một số tác phẩm cầu kỳ, phức tạp đáng kinh ngạc, chưa từng thấy. Một số tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất thế giới bao gồm bức tượng “David” của Michelangelo, “The Thinker” của Rodin, shoppingmode Nike của Samothrace và “Venus de Milo”. Ngoài vẻ đẹp không thể phủ nhận của những kiệt tác này, chúng còn được cho là đã đặt ra tiêu chuẩn cao cho những nghệ sĩ đến sau.

Một điểm chung của phần lớn nghệ sĩ lịch sử vĩ đại này là họ đều là đàn ông. Điều này không có nghĩa là chỉ có nam giới mới có thể trở thành những nghệ sĩ vĩ đại. Tuy nhiên, có vẻ như phải đến thời gian gần đây, chúng ta mới biết thêm về những nữ nghệ sĩ huyền thoại trong lịch sử.

Trong khi có rất nhiều nhà điêu khắc nữ tài năng trong suốt lịch sử, có một người đã phá vỡ những kỳ vọng khuôn mẫu về cả giới tính và chủng tộc vào thời điểm mà nước Mỹ đang có rất nhiều xung đột với chính mình. Tên cô ấy là Edmonia Lewis.

Những năm tháng đầu đời

 Hình ảnh nhà điêu khắc Edmonia Lewis trên tem thư.
Hình ảnh nhà điêu khắc Edmonia Lewis trên tem thư. (Ảnh: Grunge).

Những năm tháng thuở ấu thơ của Edmonia Lewis phần nào đó luôn được che đậy trong bí ẩn. Ngày sinh của cô không ai nhớ rõ ràng chính xác, vì Edmonia tuyên bố đã sinh vào những năm khác nhau trong cuộc đời của mình. Một số nghiên cứu cho rằng cô đã sinh ra ở Upstate New York vào năm 1844, mặc dù ngày và tháng chính xác vẫn chưa được tiết lộ. Edmonia mang hai dòng máu vì cha cô là người Mỹ gốc Phi và mẹ cô là người Mỹ bản địa thuộc bộ tộc Ojibwa. Edmonia được cho là mồ côi từ khi còn nhỏ và đã được bộ tộc của mẹ nuôi dưỡng.

Khi trưởng thành, Edmonia theo học tại trường Cao đẳng Oberlin, và chính khi ở đó, tài năng nghệ thuật và điêu khắc của cô đã trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian của cô ở Oberlin không phải là trải nghiệm tuyệt vời nhất, vì nó gần như phải trả giá bằng mạng sống của cô. Theo Tạp chí Smithsonian, năm 1862, Lewis bị một đám đông người da trắng tấn công khi cô bị buộc tội đầu độc 2 bạn học của mình. Cô đã bị đánh đập nặng nề, nhưng đã bình phục và cuối cùng được tuyên trắng án tại phiên tòa xét xử.

Chân dung Edmonia Lewis những ngày còn trẻ.
Chân dung Edmonia Lewis những ngày còn trẻ. (Ảnh: Grunge).

Từ Boston đến Rome

Sau những khó khăn đầu đời, Edmonia chuyển đến Boston, nơi cô quen biết với nhà điêu khắc Edward Brackett và người theo chủ nghĩa bãi nô huyền thoại William Lloyd Garrison. Chính ở đó, cô bắt đầu thực sự bước chân vào thế giới nghệ thuật thương mại.

Không giống như những nhà điêu khắc khác thời bấy giờ, Edmonia Lewis không được đào tạo một cách bài bản. Một phần là do bản thân cô là phụ nữ và là người Mỹ gốc Phi. Trong khoảng thời gian này ở Mỹ, các nhà điêu khắc nói chung phần lớn là nam giới và da trắng. Họ chủ yếu là những người được phép tham gia các lớp học về các chủ đề như giải phẫu học. Do đó, Edmonia đã bắt đầu làm việc, và có nhà điêu khắc Edward Brackett thuộc trường Đại học Tufts làm người thầy chỉ tay.

 Trưởng Đại học Tufts ở Mỹ.
Trưởng Đại học Tufts ở Mỹ. (Ảnh: Grunge).

Sau khi có được một chút sức hút tại Mỹ, Edmonia quyết định chuyển đến sống và làm việc tại Rome, Italy. Khi đến Rome vào năm 1866, cô kết thân với một nữ điêu khắc gia người Mỹ khác tên là Harriet Hosmer, người đã ủng hộ Edmonia trước tham vọng của cô. Thời điểm đó, cô đã tạo ra một số tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất sự nghiệp của mình.

 Edmonia quyết định chuyển đến sống và làm việc tại Rome, Italy.
Edmonia quyết định chuyển đến sống và làm việc tại Rome, Italy. (Ảnh: Grunge).

Chủ đề và nguồn cảm hứng

Mỗi nghệ sĩ cần một chủ đề cũng như một nguồn cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật. Tác phẩm đầu tiên của Edmonia xoay quanh chân dung điêu khắc của những người theo chủ nghĩa bãi nô nổi tiếng và những người ủng hộ. Theo Tạp chí Smithsonian, cô bắt đầu bán huy chương làm bằng thạch cao và đất sét có hình ảnh của Wendell Phillips, William Lloyd Garrison và John Brown.

Thành công thực sự về tài chính và thương mại đầu tiên mà Edmonia đạt được là vào năm 1864. Cô đã tạo ra bức tượng bán thân của Đại tá Robert Shaw, người phụ trách Trung đoàn bộ binh số 54 Massachusetts trong Nội chiến.

 Bức tượng điêu khắc đầu tiên của Edmonia Lewis, Đại tá Robert Shaw.
Bức tượng điêu khắc đầu tiên của Edmonia Lewis, Đại tá Robert Shaw. (Ảnh: Grunge).

Việc bán bức tượng bán thân là điều cho phép cô có đủ tiền để chuyển đến châu Âu. Trong sự nghiệp của mình, các tác phẩm của Edmonia thường là những bức chân dung và hình ảnh của các nhân vật nổi tiếng, hoặc theo một cách nào đó được lấy cảm hứng từ di sản của cô là một phụ nữ Mỹ gốc Phi và người Mỹ bản địa.

Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất

Trong sự nghiệp của mình, Edmonia đã tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Bức tượng bán thân đầu tiên của cô về Đại tá Robert Shaw đã giúp danh tiếng được phổ biến hơn, và khi cô chuyển đến Rome, tài năng của Edmonia mới thực sự tỏa sáng. Theo Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, vào năm 1867, cô đã đúc nên một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp, với tên gọi là “Mãi mãi tự do”. Tác phẩm điêu khắc đã đánh dấu sự phê chuẩn của Tu chính án thứ 13 đối với Hiến pháp Mỹ, bãi bỏ chế độ nô lệ ở quốc gia này.

Bức tượng điêu khắc “Hagar” của Edmonia Lewis.
Bức tượng điêu khắc “Hagar” của Edmonia Lewis. (Ảnh: Grunge).

Theo Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian, Edmonia đã tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp khác, bao gồm “Người tạo mũi tên cũ và con gái của ông”, “Hagar trong hoang dã” và “Hiawatha” tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.

Tuy nhiên, có lẽ tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của cô chính là “Cái chết của Cleopatra”. Tác phẩm này cao hơn 1,5 mét và nặng khoảng 1.400 kg. Được chạm khắc từ đá cẩm thạch trắng, tác phẩm điêu khắc đã mô tả khoảnh khắc cái chết của Cleopatra do chính tay Edmonia khắc. Cô đã chuyển tác phẩm của mình trở lại Mỹ để trưng bày trong Triển lãm Centennial năm 1876. Mặc dù bức tượng đã vấp phải những đánh giá hơi trái chiều do “tính chất đồ họa” của chủ đề, nhưng nó đã được dành một vị trí trong Đài tưởng niệm, dành riêng cho các nghệ sĩ Mỹ.

Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của Edmonia - “Cái chết của Cleopatra”.
Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của Edmonia – “Cái chết của Cleopatra”. (Ảnh: Grunge).

Thế hệ sau và di sản để lại

Mặc dù Edmonia Lewis được công nhận là một trong những nhà điêu khắc chuyên nghiệp da đen đầu tiên trong lịch sử, nhưng nhiều chi tiết về cuộc đời của Edmonia vẫn chưa được biết đến. Nửa sau cuộc đời cô dường như đã sinh sống ở Châu Âu, tiếp tục dành thời gian tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sắc sảo khác. Theo  ThoughtCo, cô đã hoàn thành tác phẩm điêu khắc cuối cùng của mình vào năm 1883 và được cho là đã được Fredrick Douglass đến thăm khi cô sống ở Rome.

Mặc dù Edmonia đã tạo ra một số tác phẩm điêu khắc tuyệt vời, nhưng rất tiếc, nhiều tác phẩm trong số đó đã bị thất lạc theo thời gian. Một số tác phẩm còn sót lại của cô, chẳng hạn như “Cái chết của Cleopatra”, “Hagar” và “Mãi mãi tự do” đã tìm thấy ngôi nhà của chúng ở những nơi như Viện Smithsonian và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.

 Bức tượng điêu khắc “Mãi mãi tự do” của Edmonia Lewis.
Bức tượng điêu khắc “Mãi mãi tự do” của Edmonia Lewis. (Ảnh: Grunge).

Cũng giống như hồ sơ lịch sử về phần còn lại của cuộc đời Edmonia, các chi tiết xung quanh cái chết của cô còn rất mờ nhạt, vì ngày mất của cô được ghi nhận ở những năm khác nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, Edmonia đã qua đời vào ngày 17/9/1907. Theo New York Post, cô ban đầu được chôn cất trong một ngôi mộ không được đánh dấu và cuối cùng được khai quật vào năm 2012, tại Nghĩa trang Công giáo Thánh Mary ở thủ đô London, Anh. Edmonia bây giờ đã có một bia đá thích hợp, tưởng nhớ các nhà điêu khắc.

Theo Đại Đoàn Kết

Bài phát biểu gây bão của Chủ tịch ĐH Harvard: Muốn thành công, đừng quên 3 điều này

Thế giới sẽ không vì bạn tốt nghiệp Harvard mà đối xử tốt với bạn.

Ngày 30/8, Đại học Harvard đã tổ chức lễ khai giảng chào đón 1.649 tân sinh viên Khóa 2026. Chủ tịch Đại học Harvard – ông Lawrence Bacow đã có bài phát biểu tại lễ khai mạc. Những chia sẻ của ông nhận được rất nhiều sự đồng tình. Cụ thể, bài phát biểu như sau:

Đánh giá người khác dựa trên ấn tượng đầu tiên là không nên

Chào lớp 2026. Thật vinh dự khi được phát biểu tại sự kiện chào mừng các bạn chính thức gia nhập cộng đồng Harvard.

Vào thời điểm này cách đây 53 năm, tôi tạm biệt bạn bè và gia đình ở Michigan, đến Thành phố Cambridge, bang Massachusetts để theo học đại học. Nhưng không phải đến Harvard, mà là MIT bên cạnh.

Tất cả dường như mới là ngày hôm qua.

Tôi chắc rằng những ký ức về tuần học đầu tiên sẽ theo bạn đến suốt đời. Bạn sẽ nhớ về những người bạn cùng lớp đã gặp, những người đầu tiên đã kết bạn, buổi học đầu tiên, chiếc bánh hamburger đầu tiên trong căng tin. Tất cả mọi thứ!

Bài phát biểu gây bão của Chủ tịch ĐH Harvard: Muốn thành công, đừng quên 3 điều này - Ảnh 1.

Chủ tịch Harvard – ông Lawrence Bacow.

Người khiến tôi ấn tượng nhất là người bạn cùng phòng năm nhất của tôi, Alan – một vận động viên bóng chuyền đến từ New Jersey.

Anh ấy cao, còn tôi thấp.

Anh ấy cởi mở, còn tôi thì quy tắc hơn.

Anh ấy mang một dàn âm thanh đến ký túc xá và thích vừa học vừa nghe nhạc. Còn tôi thích học trong môi trường yên tĩnh.

Anh ấy thích nghe nhạc rock, còn tôi yêu những bài hát đồng quê.

Anh ấy bị ám ảnh bởi tất cả các đội thể thao ở New York. Tôi thì ghét họ.

Về mặt chính trị anh ấy khá bảo thủ, còn tôi thì ngược lại.

Tôi bắt đầu cảm thấy cả hai sẽ không bao giờ hòa hợp được. Nhưng, như bạn có thể đoán – tôi đã sai rất nhiều! Bên dưới vẻ ngoài có vẻ thẳng thừng, ồn ào và bướng bỉnh đó, Alan hóa ra lại là một trong những người bạn học tốt bụng và thú vị nhất mà tôi từng gặp ở trường đại học. Anh ấy đọc thông viết thạo, học tốt và dành nhiều thời gian dạy kèm cho tôi các môn Vật lý, Hóa học và Giải tích ở năm nhất.

Mặc dù quan điểm chính trị không đồng nhất nhưng Alan luôn hoan nghênh các cuộc tranh luận mang tính xây dựng của cả hai. Và Alan trở thành bạn thân nhất của tôi. Chúng tôi tiếp tục sống cùng nhau, tiếp tục học cao học.

Vào ngày đầu tiên tôi học tại Trường Luật Harvard, Alan đã sắp xếp cho tôi gặp bạn cùng phòng của bạn gái anh ấy – người đang ngồi đây hôm nay. Cho phép tôi giới thiệu vợ tôi – Adele! Đám cưới của Alan và bạn cùng phòng của Adele, Debbie diễn ra một tuần trước đám cưới của chúng tôi. Hai người họ cũng đến dự đám cưới của chúng tôi dù đang trong thời gian tuần trăng mật.

Đã 53 năm trôi qua, Alan và Debbie vẫn là những người bạn tốt nhất của chúng tôi. Họ đã ở nhà tôi ba ngày trong mùa hè này. Chúng ta cùng nhau trải qua những giai đoạn quan trọng của cuộc đời — sự ra đời của những đứa trẻ, xây dựng sự nghiệp và gia đình, những niềm vui và thất vọng trong cuộc sống, niềm vui của mọi thành công và nỗi buồn thất bại.

Về mặt chính trị, chúng tôi vẫn ít khi đồng tình với nhau, nhưng cả hai có những cuộc thảo luận bình tĩnh (và đôi khi là những cuộc tranh luận sôi nổi) và cuối cùng thường gạt các tranh chấp sang một bên. Nhưng chúng tôi luôn tôn trọng nhau và thường xuyên học hỏi lẫn nhau. Sau 53 năm, chúng tôi đã quen với nó.

Bài phát biểu gây bão của Chủ tịch ĐH Harvard: Muốn thành công, đừng quên 3 điều này - Ảnh 2.
Xin đừng nhắm mắt làm ngơ với “Alan của bạn” khi bạn đang học ở Harvard. Xin đừng vội đánh giá người khác dựa trên vẻ bề ngoài hoặc ấn tượng đầu tiên. Một trong những lý do Harvard thu nhận những sinh viên có sở thích đa dạng từ khắp nơi trên thế giới là chúng ta có thể tìm hiểu về sự khác biệt của mình.
Khi gặp gỡ bạn cùng phòng và bạn cùng lớp, hãy cố gắng trì hoãn việc phán xét và tăng tốc sự tìm hiểu. Đừng vội phán xét một ai vì những ấn tượng hời hợt, ít nhất là lúc ban đầu. Điều này không chỉ ở Harvard, mà trong suốt cuộc đời. Nếu bạn làm được điều này, bạn sẽ có được nhiều người bạn bất ngờ, những người có thể rất khác với bạn, nhưng sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của bạn.
Thế giới sẽ không vì bạn tốt nghiệp Harvard mà đối xử tốt với bạn
Tôi không thể phủ nhận rằng bạn có thể gặp những người bạn không thích ở Harvard.
Harvard là một mô hình thu nhỏ của cuộc sống thực, vì vậy mọi thứ phản cảm trong xã hội đều tồn tại ở một mức độ nào đó trong khuôn viên trường.
Harvard không hoàn hảo, nhưng sẽ cố gắng để trở nên tốt hơn. Trong khi chúng tôi cố gắng hết sức để biến Harvard trở thành một cộng đồng quan tâm, đồng cảm và chào đón, bạn nhất định sẽ có những trải nghiệm khó chịu.
Công việc của chúng tôi là chuẩn bị tốt cho bạn khi gia nhập xã hội sau tốt nghiệp. Thế giới sẽ không đối xử tốt với bạn vì là sinh viên tốt nghiệp Harvard.
Tại đây, chúng tôi chuẩn bị cho bạn tất cả những thứ cần để đối mặt với một thế giới đầy thách thức (và đôi khi gây khó chịu). Chúng tôi hy vọng rằng bạn sẽ có được những kỹ năng này tại Harvard để bạn có thể dành cả cuộc đời của mình cải thiện một thế giới còn lâu mới hoàn hảo.

Muốn thay đổi thế giới, trước tiên thay đổi bản thân
Qua trao đổi với một số bạn cùng lớp, tôi biết được rằng các bạn muốn thay đổi thế giới. Đó là một ý tưởng tuyệt vời và đó là một trong những lý do chúng tôi mời bạn theo học Harvard. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thay đổi thế giới, bạn cần phải nắm vững nghệ thuật thuyết phục người khác thay đổi suy nghĩ của họ. Tôi đảm bảo với bạn, nếu bạn cứng đầu, sẽ khó có thể khiến người khác làm theo điều tốt.
Phương châm của Harvard là “tìm kiếm sự thật”, nhưng điều này đã vượt qua phương châm và trở thành lý do tồn tại của ngôi trường này. Tuy nhiên, sự thật cần được liên tục kiểm tra và khám phá. Chỉ thông qua sự va chạm đầy đủ của các ý tưởng khác nhau, quá trình này mới có thể trở thành hiện thực. Vì vậy, việc tương tác với những người đưa ra ý tưởng của riêng họ thực sự rất quan trọng.
Hơn nữa, bạn phải sẵn sàng thay đổi suy nghĩ của mình – bị thuyết phục bởi những lập luận mạnh mẽ hơn và thông tin mới. Chỉ thông qua những trải nghiệm như thế này, bạn mới có khả năng thay đổi thế giới. Đây là một kỹ năng khác mà tôi muốn bạn có được khi học ở Harvard.
Và một điều nữa, hãy gọi điện cho bố mẹ thường xuyên, đừng chỉ nhắn tin. Vào ngày nhập học, tôi và Adele đã gặp gỡ nhiều gia đình mới. Chúng tôi cũng chứng kiến số vô số lời chia tay của các gia đình. Từ khi sinh ra, hầu hết các bạn đã là tâm điểm yêu thương của gia đình. Và khi bạn nhập học, điều đó đồng nghĩa với việc tổ ấm thiếu đi một thành viên.
Bạn sẽ có thêm nhiều người xung quanh như bạn bè, thầy cô, nhân viên trường học,… giúp đỡ để có một cuộc sống đại học suôn sẻ. Nhưng gia đình bạn thì đang trải qua nỗi buồn thiếu vắng thành viên. Họ cũng đang trải qua một bước ngoặt lớn mà chỉ bạn mới có thể giúp họ vượt qua.
Vậy nên hãy gọi điện cho bố mẹ thường xuyên. Tôi đảm bảo bố mẹ sẽ rất vui khi nhận được cuộc gọi của các bạn.
Lớp 2026, chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào các bạn. Tôi hy vọng Harvard có thể thực hiện tất cả những ước mơ của bạn — dù về mặt học tập, xã hội hay cá nhân. Tôi rất mong bạn được vinh dự tham gia tiệc Kỷ niệm 50 năm tốt nghiệp và nghe về những chương tuyệt vời trong cuộc đời bạn và vai trò của Harvard trong đó!
Tôi cầu chúc cho mọi học sinh ở đây gặp nhiều may mắn và điều ước của các bạn sẽ thành hiện thực.

Theo Thanh Hương / Trí thức Trẻ

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, một tài hoa Hà Nội

Vẫn biết “sinh, lão, bệnh, tử”, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đã ở tuổi 102, vòng đời tất yếu, nhưng tin người nhạc sĩ tài hoa xa rời cõi tạm vẫn làm tôi buồn thương vô bờ.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ thời trẻ.  

Tối hôm đó (18/8/2022) nghệ sĩ flute Nguyễn Diệu Hồng con dâu thứ của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ nói chuyện với tôi qua mạng, rằng, chị có linh cảm về về sự ra đi của bố, chị băn khoăn không tiện nói ra nhưng tôi hiểu ngay là chị muốn những ngày này tôi đến với gia đình chị… vì chị tin là nhạc sĩ vẫn nhớ tôi, có thể có điều gì muốn nói. Do đang ốm nên tôi hẹn Diệu Hồng hai ngày nữa sẽ xuống, nhưng chỉ nửa giờ sau chị thông báo rằng: “Bố em đi rồi chị ạ!”.

Tôi gọi điện báo cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nơi nhạc sĩ ủy quyền quản lý tác phẩm. Xong. Ngồi thần ra. Hình ảnh người nhạc sĩ tài hoa, người đàn ông Hà Nội đẹp trai, một người chồng chung thủy và câu chuyện tình đẹp như cổ tích, một người cha gương mẫu, một người cụ, người ông thương yêu con cái, cháu chắt hết mực… hiện ra trong tôi.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ sinh ra tại chính ngôi nhà ông sống đến lúc cuối đời cùng con cháu, số 22 phố Charron cũ (tức phố Mai Hắc Đế, Hà Nội bây giờ), trong một gia đình công nhân, nghề in. Dù công nhân, nhưng ông rất hào hoa phong nhã, ăn nói nhẹ nhàng, cử chỉ thanh lịch rất đặc trưng tính cách người Hà Nội một thuở.

Nguyễn Thiện Tơ yêu âm nhạc từ năm 10 tuổi, hồi 12 tuổi ông đã tìm đến với nhạc sĩ Trần Đình Khuê để học guitare Hawaii (Hạ uy cầm). Vốn thông minh lại tài hoa chỉ ba tháng ông đã được biểu diễn cùng thầy trên Đài Phát thanh Philippine. Sau đó ông học tiếp với người Pháp, guitare I-pha-nhon (Tây Ban Nha) và bắt đầu biểu diễn ở các phòng trà và những chương trình từ thiện với hai nhạc cụ này.

Nguyễn Thiện Tơ là người sáng lập nhóm Myosotis (Hoa Lưu Ly) cùng với Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh… nhưng trong cuộc đời mình hầu như ông là một nhạc sĩ độc lập, không hoạt động với nhóm nhạc nào. Ông sống bằng dạy (guitare và sáo…), biểu diễn guitare, mandoline, sáo… ở các CLB, quán bar. Những nhạc sĩ rất nổi tiếng sau này như Đoàn Chuẩn, Dzoãn Mẫn, Đỗ Liên, Hoàng Giác, Tạ Tấn, Hoàng Dương, Nguyễn Văn Quỳ… thuở ban đầu đều học đàn từ Nguyễn Thiện Tơ. Sau khi biểu diễn lần đầu tiên ở đêm nhạc tại rạp Majestic (rạp Tháng 8 ngày nay) vào năm 1936, ngoài dạy học Nguyễn Thiện Tơ trở thành một nhạc công chuyên nghiệp.

Năm 1938, khi mới 17 tuổi, Nguyễn Thiện Tơ sáng tác bản nhạc đầu tay “Giáo đường im bóng” viết về cô gái người Công giáo, tên là Hà Tiên.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và vợ – bà Hà Tiên, năm 2011. Ảnh: Hoàng Thu Phố.  

Tôi nhớ câu chuyện ông kể, không chỉ một lần, mà lần nào đến chơi, câu chuyện cũng được nhắc lại, khi có bà Hà Tiên bên cạnh cũng như khi bà đi vắng đâu đó, rằng: Trong kỳ nghỉ hè năm 1938, hồi ông còn là học sinh trường Thăng Long,  ông được mời tham gia biểu diễn đàn guitare ở Nam Định trong một buổi từ thiện. Bà Hà Tiên cũng đến hát. Bà là người Công giáo, thường hát trong ca đoàn nhà thờ. Sau buổi dạ hội, ông mới biết điều đó, nghĩ mình là kẻ ngoại đạo nên đã viết “Giáo đường im bóng”.

Bà Hà Tiên là nguyên mẫu: “Dáng xinh xinh bao tiên kiều, quỳ ngâm thánh kinh ban chiều”. Đó là mối tình đầu tiên và cũng là duy nhất của hai người. (Bản nhạc này đã được ấn hành năm 1941, trong tập lời các bài ca do các tác giả Jeannine Lệ Thủy, Phi Tâm Yến và Trần Hồi biên soạn).

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ viết nhiều nhất vào cuối thập niên 1940 cho đến thập niên 1950, trải dài từ các bài hát chủ đề lãng mạn theo các điệu khiêu vũ (“Qua bến năm xưa”, “Tiếng trúc bên song”, “Nhắn gió chiều”, “Trên đường về”) đến chủ đề quê hương (“Tiếng hát biên thùy” – lời Hoàng Giác, “Chiều quê”) và kể cả cổ vũ đời sống mới sau hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954 (“Mùa xuân kiến thiết”, “Nhắn con”, “Con thuyền tự do” – lời Trịnh Kính).

Nhưng ngày ấy, trai gái hai bên lương – giáo rất khó đến với nhau. Họ yêu nhau 6 năm mới được hai gia đình cho phép làm đám cưới. Đám cưới diễn ra trong nhà thờ Mỹ Dụ tại ngôi làng nhỏ ở Vinh. Nguyễn Thiện Tơ có thêm tên thánh Gioan Baotixia  từ đấy. Trước đó, cứ mỗi lần muốn nói gì với nhau, ông lại phải từ Mai Hắc Đế lên Bưu điện bờ hồ, “đánh dây thép” về Nam Định hoặc vào Vinh cho bà.

Nhạc sĩ Phạm Duy có lần kể rằng, không chỉ ông đã từng thầm yêu trộm nhớ bà Hà Tiên mà nhạc sĩ Lê Thương cũng yêu cô gái người Công giáo ấy. Những tình yêu đơn phương chỉ từ phía các nhạc sĩ, chứ bà Hà Tiên không biết gì đến tình cảm của họ. Chỉ nhạc phẩm “Nàng Hà Tiên” là người đời đoán ra mối tình thầm kín của nhạc sĩ Lê Thương mà thôi.

Nghe tin nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ mất tôi càng nhớ đến ngôi nhà nhỏ của ông mà tôi đã đến nhiều lần. Có hôm trời mưa, cái áo mưa ướt lướt thướt của tôi khiến cả nhà lúng túng. Phải thu xếp một lúc mới không làm cho căn phòng thêm ẩm ướt chật chội, chỉ có hai chiếc ghế cho tôi và người nhạc sĩ già ngồi. Căn phòng này ở tầng 1, chừng 20 mét vuông, là chỗ ở của người con trai thứ 2, anh Nguyễn Vũ Hà. Anh Hà cũng một thời sống bằng âm nhạc, chơi sáo flute ở Nhà hát Tuổi Trẻ và ở xưởng phim. Có nhà lớn hơn bên ngoài, nhưng anh ở đây để chăm bố mẹ, đồng thời mở một quầy hàng tạp phẩm nho nhỏ để có thêm đồng mua rau.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ có 8 người con, 5 trai, 3 gái, tất cả đều học nhạc hồi nhỏ, sau này sinh sống bằng âm nhạc, người ở ngay Hà Nội, người ở Đà Nẵng… Người nào cũng… chỉ giàu tinh thần, chỉ có anh Nguyễn Thiện Trí, trước là nghệ sĩ sáo, sau chuyển sang bên viễn thông là khá hơn cả.

Con trai thứ của ông là Nghệ sĩ Nguyễn Thiện Thắng, chồng của Nguyễn Diệu Hồng, có dạo làm nghề sửa chữa xe máy. Trừ những buổi tập ở dàn nhạc, còn tối đến hai vợ chồng chở nhau đi diễn ở Nhà hát Lớn. Nhưng sau đó Thắng lâm trọng bệnh, con trai bị tai nạn… gia đình nhỏ của Diệu Hồng đã khó lại càng thêm khó. Tôi nhớ nhất cái lần nói chuyện với vợ chồng Hồng – Thắng ở cái gác xép trong căn phòng đó mà nước mắt trào ra. Tài sản duy nhất của họ là cái cát xét chỉ đáng vài trăm ngàn đồng…

Nhưng cả đại gia đình ấy, từ ông Nguyễn Thiện Tơ cho đến các con cháu rất yêu nghề, rất gắn bó với âm nhạc, làm âm nhạc chuyên nghiệp, mỗi người một môn nhưng đoàn kết bên nhau và thương yêu nhau, cho dù ai cũng chỉ có cuộc sống đơn sơ.

Ngôi nhà số 22 ấy của gia tộc họ Nguyễn để lại. Một địa chỉ đã từng là nơi nhiều tên tuổi làng âm nhạc thời xưa ấy đến học đàn, trong đó có Đoàn Chuẩn với tiếng đàn guitar Hawaii, góp phần làm nên phong cách âm nhạc riêng của nhạc sĩ “Gửi gió cho mây ngàn bay” sau này.

Nhưng cách đây 60 năm, để duy trì cuộc sống cho một gia đình đông đúc với các con đang độ tuổi ăn học, người nhạc sĩ nghèo đã phải bán đi tầng trên, tầng trệt là vợ chồng anh Hà và vợ chồng người nhạc sĩ già, căn gác xép là của vợ chồng Nguyễn Thiện Thắng.

Diện tích nhỏ hẹp nhưng chứa đến mấy người mà tên tuổi của họ giới nghệ sĩ không ai không biết. Nghệ sĩ ưu tú, người chơi flute có tiếng ở Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam Nguyễn Diệu Hồng bây giờ, vốn là học sinh của thầy Nguyễn Thiện Tơ ở Trường Nhạc Việt Nam. Diệu Hồng và con gái Hồng Ánh đều là nghệ sĩ flute có tiếng, được mến mộ của Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia… Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ giờ đã có hơn 20 đứa chắt. Cháu Nguyễn Vũ Long, con anh Nguyễn Vũ Hà cũng là một nghệ sĩ saxophone và clarinet, từng là nghệ sĩ biểu diễn ở Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.

Năm 2013 bà Hà Tiên mất, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ khá hẫng hụt. Các con cháu luôn ở bên cạnh chăm sóc ông. Nhớ bà, ông đã viết bài hát “Mưa dầm”, chủ đề nhắc lại ý lời ca đã viết trong bài hát đầu tiên, ấy là câu “Hồn thánh thót mưa dầm, buồn tới âm thầm” (mà Phi Tâm Yến sửa lại trong bài “Giáo đường im bóng”, cho một đêm Noel năm 1938, có khung cảnh đặc trưng mùa đông miền Bắc).

Sự nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ không bởi những tác phẩm đình đám, hay bởi số lượng các nhạc phẩm như những người cùng thời, mà danh tiếng của ông được nhắc đến bởi tiếng đàn, nghệ thuật biểu diễn và khả năng sư phạm. Ông là người đã đào tạo ra những người nổi tiếng, người có vai trò bệ đỡ cho những sáng tạo của giới ca nhạc hai thập niên giữa thế kỷ 20.

Xin tiễn biệt ông, một người tài hoa Hà Nội, một nhân cách đáng kính trong giới nghệ sĩ của nước nhà, một nhạc sĩ đã ghi dấu trong lòng công chúng yêu nhạc cả nước.

TRẦN THỊ TRƯỜNG / Theo báo Đại Đoàn Kết

Hai nữ thủ tướng Anh: Liz Truss và Margaret Thatcher

Truss
Chụp lại hình ảnh,Sinh năm 1975, Mary Elizabeth Truss sẽ làm thủ tướng Anh từ 06/09/2022

Vừa giờ trưa ngày 5/09/2022, bà Liz Truss (sinh năm 1975), chính thức được đảng Bảo thủ bầu chọn làm lãnh đạo, mở đường để bà lên ghế thủ tướng vào ngày 06.

Như thế, lần thứ ba trong lịch sử chính trị Anh, Vương quốc này có nữ thủ tướng, và đều từ đảng Bảo thủ.

Sau Margaret Thatcher, cầm quyền từ 1979 đến 1990, có bà Theresa May, người giữ chức ba năm, 2016-19, sau biến động Brexit, và nay đến Mary Elizabeth Truss.

Trong khi không ai so sánh hai người Theresa May và Liz Truss, gần như mọi đài báo Anh, gồm cả BBC News, đều thử ví Truss với Thatcher.

Có thể là vì Liz Truss muốn lấy cảm hứng nhiều cho bản thân từ Margaret Thatcher.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn lúc 9 giờ hôm Chủ Nhật vừa qua với Laura Kuensberger của kênh 1, truyền hình BBC News, đài nhà của chúng tôi còn chạy các hình minh họa bà Liz Truss “bắt chước” Bà Đầm Thép với cảnh  ngồi lên xe tăng, và các phát ngôn mạnh mẽ bảo vệ thế giới tự do.

Vì với thế giới thời Chiến tranh Lạnh, Margaret Thatcher nổi danh là dám đưa quân Anh vượt hàng nghìn cây số tới Nam Đại Tây Dương giành lại quần đảo Falklands (1982).

Những phát ngôn đáng nhớ của vị nữ thủ tướng Anh đầu tiên, gọi các lãnh đạo cao niên của Liên Xô là “những kẻ chỉ mạnh về quân sự, còn là bọn thất bại thảm hại về con người và kinh tế” có vẻ đang được phe chống Nga trong các đảng phái Anh nhắc lại.

Bản thân bà Liz Truss cũng phát biểu mạnh về cuộc chiến hiện nay của người Ukraine bảo vệ đất nước, chống lại quân đội xâm lăng của Putin.

Nhưng sự “giống nhau” của hai nhiệm kỳ thủ tướng còn thấy ở kỳ vọng, ở sự khó khăn.

Thatcher
Chụp lại hình ảnh,Margaret Thatcher làm thủ tướng Anh giai đoạn 1979-1990

Thời kỳ của Thatcher

Xin nhắc lại, khi bà Thatcher lên làm thủ tướng, nước Anh gặp khó tứ bề.

Bên trong, các nghiệp đoàn liên tiếp đình công, dịch vụ công tê liệt, tới mức các công viên ở trung tâm London thành bãi rác tạm.

Thất nghiệp ở Anh khi đó lên tới 20%, lạm phát chừng 15%, và kinh tế đình đống.

Cùng lúc, một vấn đề nửa trong, nửa ngoài là Bắc Ireland, đè nặng lên chính trường Anh. IRA liên tục đánh bom, giết chết cả ông Airey Neave, cựu thư ký riêng của bà Thatcher, cựu bộ trưởng chuyên trách Bắc Ireland, cả Lord Mountbatten, chú của Nữ hoàng Elizabeth II.

CH Ireland vẫn ghi trong Hiến pháp quyền đòi lại sáu hạt miền Bắc, hợp thành Bắc Ireland thuộc Anh.

Trên thế giới Liên Xô vừa đưa quân vào Afghanistan, vào Angola (thông qua Cuba), và Hoa Kỳ thời Jimmy Carter không chỉ không mặn mà với Anh Quốc, mà còn đang lấn bấn với hội chứng hậu chiến, sau cuộc rút bỏ khỏi Nam Việt Nam.

Trung Quốc không chỉ vừa đánh Việt Nam mà xoay sang “chào mừng Thatcher” bằng lá thư của Triệu Tử Dương đòi Anh trao trả toàn bộ chủ quyền Hong Kong.

Tóm lại, những ngày mùa đông 1979-80 là môi trường khắc nghiệt vô cùng cho Margaret Thatcher.

Henry Kissinger tuy thế đã viết: “Đảng Tory của những người như Winston Churchill đã dám trao quyền cho cô con gái một nhà bán rau (a grocer’s daughter)”.

Quả vậy, Margaret Thatcher không chỉ xuất thân nghèo mà còn thuộc tầng lớp xa lạ với các quý ông có tước quý tộc nắm vận mệnh Anh Quốc qua nhiều thế kỷ.

Nhưng bà đã làm được rất nhiều, cho Anh và cho thế giới.

Ở đây, về an ninh quốc nội, Thatcher đã mở lối đàm phán với chính phủ CH Ireland, và không để IRA khiêu khích, bất chấp các vụ đánh bom tàn khốc.

Hiệp định Anglo-Irish do bà ký với thủ tướng CH Ireland đã mở đường cho Thỏa thuận Ngày thứ Sáu tốt lành -Good Friday Agreement năm 1998.

Về kinh tế, Thatcher đã mạnh tay cắt được lạm phát, giảm quyền lực của các nghiệp đoàn, tư nhân hóa khu vực công.

Và quan trọng hơn cả, chính sách tự do kinh tế của bà đã giải phóng các doanh nghiệp Anh khỏi ma trận của giấy tờ để họ có thể phát triển, có thể vươn ra thế giới.

Thời Thatcher, London trở thành trung tâm tài chính quốc tế và thương hiệu UK có giá trở lên trên thế giới. Tuy chống cộng sản về nguyên tắc, bà đã mềm dẻo đối thoại với Moscow, thăm Hungary, Ba Lan và trợ giúp hiệu quả cho Tổng thống Reagan thực hiện chính sách mới với khối Đông Âu.

Nước Anh thời Liz Truss

Còn ngày hôm nay, tuy tình hình khác thời Thatcher, nước Anh có các thách thức không kém phần nghiêm trọng.

Đầu tiên là kinh tế trong nước. Lạm phát phi mã – có dự báo dọa là sẽ lên tới 22% vào mùa Xuân 2023 – cộng với giá năng lượng cao ngất đang đẩy nhiều nhà dân vào một mùa đông lạnh lẽo, và nhiều doanh nghiệp vào bờ vực phá sản.

Trong tháng 9 này, xe lửa Anh dự kiến đã có lịch đình công ít nhất bốn lần, khiến những người đi tàu vào London như chúng tôi luôn phải rà xem ngày nào thì có đình công, để chuyển sang làm việc tại nhà.

Liz Truss muốn cắt thuế và tăng chi tiêu, nhất là chi tiêu công cho quốc phòng – một khẩu hiệu vừa tai các nhân vật của đảng Bảo thủ, lại rất đúng lúc là đẩy công nghiệp vũ khí lên, vừa kích cầu kinh tế, vừa giúp Ukraine chống Nga.

Thế nhưng, các ý kiến chuyên gia đều nói thế thì chưa đủ. Chi tiêu quốc phòng là cần thiết về lâu dài, mà cuộc chiến ở Ukraine sẽ phải ngã ngũ mùa đông năm nay, khi quân Ukraine và quân Nga đều “còn hơi sức chiến đấu”.

Một chiến trường phía đông mùa băng tuyết âm hàng chục độ C sẽ chỉ là cuộc chiến “đóng băng” theo nghĩa đen và nghĩa bóng.

Ukraine phải thắng mùa đông này và Anh Quốc, Hoa Kỳ, EU muốn chứng tỏ là sự trợ giúp cho Kyiv “có hiệu quả” cũng muốn Ukraine giành lại một phần đất đai mùa đông này, theo Michael Clarke, GS chuyên về quốc phòng ở King’s College London viết hôm 04/05.

Người ta cũng hối thúc Liz Truss có biện pháp gì nhanh hơn cứu các hộ gia đình gặp tờ hóa đơn giá khí đốt và điện tăng vọt.

Anh ra khỏi EU nhưng vẫn phải mua bán các loại năng lượng đó trên một thị trường chung của cả EU, nên cần biết nói chuyện với các nước bên kia eo biển English Channel. Các phát ngôn cứng rắn của bà Truss mấy tuần trước về EU chắc cần quên đi, càng nhanh càng tốt.

Giống như thời Thatcher, bà Truss cũng đã và đang cần giải quyết câu hỏi về Nghị định thư Bắc Ireland (N. Ireland Protocol) mà Boris Johnson để lại.

Về vấn đề này, tờ Sunday Times (04/09) nói cái tài của ông Johnson là ký được Brexit nhưng cùng với Ngoại trưởng Liz Truss, để lại rất nhiều điều không rõ ràng, tùy hai bên, Anh và EU diễn giải thế nào cũng được. Nay thì bà Truss không thể né tránh câu hỏi khó về quy chế thực sự cho Bắc Ireland.

Không biết ai gặp khó hơn ai

Cuối cùng, cần phải nói có những thách thức đối ngoại bà Truss nay đang đối mặt to lớn hơn nhiều so với bà Thatcher.

Khi Liên Xô tan rã, Anh vẫn trong EU và bà Thatcher có hai “người khổng lồ của châu ÂU” – Francois Mitterand và Helmut Kohl, hỗ trợ để giúp Chiến tranh Lạnh chấm dứt trên châu lục này không đổ máu. Tất nhiên, phải kể đến Ronald Reagan, Đức Giáo hoàng John Paul II và Mikhail Gorbachev nữa, những gương mặt của một thời kỳ vô cùng đặc biệt, nhiều nhân vật lớn, các vấn đề lớn hội tụ.

Còn bây giờ, nước Anh ở bên ngoài EU, và đảng Bảo thủ phải đối mặt với các đối thủ “khủng” hơn trước tùy theo góc nhìn: nước Nga nhiều vũ khí và Trung Quốc nhiều tiền.

Ngay trong đảng Bảo thủ, cuộc bỏ phiếu công bố trưa nay cho thấy sự tín nhiệm dành cho bà Truss không cao, và thấp hơn so với số phiếu bỏ cho các vị tiền nhiệm: Truss 57% phiếu thành viên đảng, so với 66,4% cho Boris Johnson năm  2019.

Trước đó, ông David Cameron từng được 67,6% năm 2005, và một người trượt chức thủ tướng, ông Duncan Smith, còn được số phiếu cao hơn bà: 60,7% năm 2001.

Tuy thế, cần nhắc lại là khi Margaret Thatcher lên nắm quyền, ít ai nghĩ bà giữ chức được lâu. Chính niềm tin mạnh mẽ vào các giá trị Anh khiến Thatcher vượt qua và để lại một di sản lớn.

Bởi vậy, chắc cũng cần cho Liz Truss cơ hội của người mới, để chứng tỏ mình.

Nước Anh những ngày tháng tới đang trông cậy vào sự lãnh đạo của một phụ nữ 47 tuổi. Chúc bà thành công!

Nguyễn Giang / Bbcvietnamese.com