HÀ NỘI – Folding House gây ấn tượng và thuận tiện cho gia chủ bởi sự chuyển tiếp linh hoạt trong không gian, tạo ra tầng bậc khác nhau, lấy cảm hứng từ nghệ thuật Origami Nhật Bản.
Ngôi nhà có tổng diện tích 260 m2 ở huyện Thanh Trì, vừa xây xong đầu năm 2022. Trước khi xây dựng, đây là một mảnh đất trống, xung quanh thoáng đãng với nhiều cây xanh và ao phía trước nhà. Tuy nhiên đây lại là nhược điểm khi hướng nắng Tây Nam không được che chắn, lại có khá nhiều bụi.
Ngoài những chức năng cơ bản, gia chủ mong muốn có một không gian sống đúng nghĩa nhằm tái tạo sức lao động và gắn kết các thành viên khi trở về. Không gian riêng được bố trí vừa đủ các chức năng cơ bản, còn lại dành diện tích tối đa phục vụ cho không gian chung và sân vườn. Ý tưởng của gia chủ là biến ngôi nhà phố thành một resort thu nhỏ có nhiều mặt thoáng và cảnh quan đa dạng.
Giải pháp kiến trúc sư đưa ra là xử lý phần mặt tiền với tường kín và khoảng lùi của sảnh, ban công kết hợp với rèm cây xanh nhằm hạn chế hướng nắng, bụi và tiếng ồn.
Phần thiết kế bên trong ngôi nhà được lấy cảm hứng từ những nếp gấp giấy từ nghệ thuật truyền thống Origami của Nhật Bản. Điểm dễ nhận ra nhất là những nếp gấp giấy linh hoạt được ứng dụng vào các bậc thang phá cách. Kiến trúc sư đã cho đảo vế thang và lệch tầng giữa các không gian trong nhà.
Việc xử lý lệch tầng và đảo vế thang cũng tăng thêm nhiều khoảng trống có tỷ lệ lớn nhỏ khác nhau cho không gian nội thất.
Cây xanh phát triển theo chiều thẳng đứng của khoảng thông tầng và dưới giếng trời. Ánh sáng và nguồn gió tự nhiên từ những khoảng trống này giúp cây cối trong nhà phát triển tốt tươi.
Bình thường nhà phố sẽ chỉ có một mặt thoáng phía trước, tuy nhiên Folding House có ba khoảng sân ở trước, sau và chính giữa ngôi nhà.
Mục đích chính của những khu vườn nhỏ là làm tăng bề mặt tiếp xúc tự nhiên, khắc phục nhược điểm lớn nhất của nhà phố. Điều này giúp toàn bộ không gian trong nhà đều đối lưu không khí và tăng ánh sáng tự nhiên, ngoài ra còn tạo các điểm nhìn cây xanh từ nhiều phía.
Hai mảng gạch đỏ chạy từ dưới lên trên có tác dụng tạo điểm nhấn, dẫn hướng cho cụm thông tầng và thang bộ.
Với nhà phố, hai mặt bên thường tiếp giáp với nhà bên cạnh nên tường chỉ là mảng đặc. Ở công trình này thì phía Tây chưa xây dựng, nên mảng tường gạch đỏ có hai lớp, giữa hai lớp được tách nhau một khoảng nhỏ để lưu thông không khí, giúp giảm một phần bức xạ từ bên ngoài vào.
Các không gian từ tầng một lên trên mái đều được tính toán để có cao độ phù hợp, giúp tăng khả năng tương tác và kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Mọi người cũng có thể dễ dàng quan sát toàn bộ ngôi nhà từ không gian lệch tầng.
Công trình sử dụng các vật liệu tự nhiên như đá ong, đá cubic, đá bazan… Tác dụng của các vật liệu tự nhiên là có bề mặt nhám, chống trơn trượt và hạn chế việc phản xạ ánh nắng. Nội thất theo thiên hướng tối giản và phục vụ chủ yếu cho nhu cầu cơ bản.
Tường ngoại thất sử dụng sơn hiệu ứng bê tông, giúp công trình mang màu sắc của thời gian, đồng thời hạn chế việc xuống cấp, bám bụi bẩn như sơn thường sau thời gian dài sử dụng.
Cây trồng chính trong nhà là bàng Đài Loan, vạn tuế, vạn niên thanh, phía ngoài có cúc tần rủ và chuối cảnh.
Ưu điểm của các loại cây này là chi phí rẻ và dễ chăm sóc, có thể sống tốt trong điều kiện không nhiều ánh sáng tự nhiên.
Ban công giống như một khu vườn nhỏ, nơi trẻ có thể tự tay chăm sóc cây. Đây cũng là nơi gia đình tổ chức những bữa tiệc ấm cúng cùng bạn bè.
Công trình hoàn thiện sau 7 tháng. Chi phí không được tiết lộ.
Trang Vy/Quản lý thi công: X11 Design Studio / Chủ trì thiết kế: Trần Tuấn Anh / Nhiếp ảnh: Hoàng Lê
Bí quyết sống thọ của người Nhật không đến từ những thứ cao sang, đắt đỏ mà lại từ những món ăn, thức uống ở nước ta có bán nhiều.
Ở Nhật, có 3 thức uống rất được người dân ưa chuộng vì chúng tốt cho sức khỏe, có tác dụng ổn định đường huyết. Điều đáng mừng là cả 3 loại nước này đều có ở Việt Nam rất nhiều.
1. Nước tía tô
Ở Nhật Bản, shiso là một loại thảo mộc vô cùng phổ biến với hương vị và mùi hương đặc biệt. Shiso chính là lá tía tô, chúng cũng được dùng trong các thức uống mùa hè của người Nhật để giải khát, giải nhiệt. Nước tía tô mang lại cảm giác ngon miệng trong những ngày nóng nực và giúp phục hồi sinh lực cực nhanh. Nó cũng có lợi cho tiêu hóa, chống lão hóa và nhiều hơn thế nữa.
Người Nhật cho rằng nước tía tô rất tốt do chúng có chứa axit rosmarinic và axid chlorogenic, có tác dụng ngăn chặn sự gia tăng của lượng đường trong máu, và sự hấp thụ của đường cũng như chất béo, đồng thời làm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng đái tháo đường.
2. Nước giấm táo
Giấm táo pha loãng là thức uống khá phổ biến mỗi sáng của người dân Nhật Bản. Tỉnh Okinawa của Nhật là nơi có tỉ lệ sống thọ cao nhất cả nước, tuổi thọ trung bình của người dân nơi đây là 81,2 tuổi, 86 tuổi đối với nữ và 75 tuổi đối với nam. Đáng nói, Okinawa cũng được coi là cội nguồn của giấm táo Nhật Bản.
Cội nguồn của giấm táo xuất phát từ Okinawa – tỉnh cực nam của Nhật Bản. Đến nay, các gia đình truyền thống tại Okinawa vẫn lưu truyền các công thức làm giấm táo đặc biệt. Có lẽ đây chính là lý do vì sao địa phương này được mệnh danh là nơi có tỉ lệ sống thọ bậc nhất thế giới.
Giấm táo là sản phẩm chứa nhiều dưỡng chất có lợi, sử dụng một cách hợp lý sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và phòng tránh nhiều bệnh nguy hiểm. Thật may mắn là ở Việt Nam sản phẩm này cũng có giá bán rất nhiều và rẻ. So với giấm trắng, lợi ích sức khỏe của giấm táo được coi là vượt trội hơn cả. Theo Healthline, một nghiên cứu ở những người mắc bệnh tiểu đường đã báo cáo rằng tiêu thụ 2 muỗng canh giấm táo trước khi đi ngủ làm giảm lượng đường trong máu lúc đói xuống 4% vào sáng hôm sau. Nhiều nghiên cứu khác ở người cho thấy giấm táo có thể cải thiện chức năng insulin và giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn. Giấm táo cũng rất có lợi trong việc giữ gìn vóc dáng. Nghiên cứu của các nhà khoa học người Iran cho thấy những người tiêu thụ giấm táo cùng với chế độ ăn ít calo giảm cân nhiều hơn những người chỉ theo chế độ ăn kiêng. Sau 12 tuần tiêu thụ 30ml giấm táo mỗi ngày, những người tham gia có chỉ số khối cơ thể thấp hơn và ít mỡ bụng hơn, cảm giác thèm ăn cũng ít hơn so với những người không dùng giấm. 3. Nước ấm Nước ấm là thức uống mà người Nhật tin dùng mỗi sáng . Khi vừa ngủ dậy, người Nhật không đánh răng ngay mà sẽ bắt đầu ngày mới bằng một cốc nước ấm 35-40 độ. Thậm chí, trong y học cổ truyền Nhật nước ấm còn được coi là thứ thức uống trị liệu đặc biệt. Uống nước ấm khi bụng đói vừa có tác dụng giảm cân, lại còn giúp làm sạch dạ dày và nuôi dưỡng hệ tiêu hóa. Sau khi uống nước, người Nhật mới bắt đầu đánh răng. Sau đó nghỉ ngơi ít nhất 45 phút rồi mới ăn sáng. Cách uống nước này đã được chứng minh giúp người dân Nhật giảm cân hiệu quả, đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe mạnh, luôn tràn đầy năng lượng. Đồng thời, việc uống nước ấm mỗi sáng cũng giúp người Nhật thải tống độc tố ra khỏi cơ thể, giúp loại bỏ mỡ thừa, ngừa mụn, và đồng thời sống thọ hơn.
Stephen King là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất nước Mỹ với 55 đầu sách được xuất bản và 350 triệu bản bán ra. Trong đó có cuốn sách từng chuyển thể thành bộ phim kinh dị được đánh giá là “gây ảnh hưởng nhất mọi thời đại”.
Tuy nhiên, khác với nhiều tác gia nổi tiếng khác, Stephen King không viết hồi kí về mình, cũng không xuất bản những cuốn tiểu sử kể về cuộc đời đầy màu sắc của bản thân mà lẳng lặng biến mình thành nhân vật chính trong nhiều cuốn tiểu thuyết, khắc họa những kí ức thời thơ ấu, những đau khổ trong cuộc đời, những lỗi lầm ông muốn rũ bỏ, những biến động trong xã hội Mỹ qua những nhân tố yêu ma quỷ quái không có thật và những tội ác quái gở.
Stephen King hấp dẫn người đọc bởi những nhân vật kinh dị nhưng được viết bằng những lo lắng chân thật của trái tim con người.
1. Stephen King sinh năm 1947 tại Portland Maine, Mỹ. Cha của ông bỏ rơi vợ con vào năm 1949, và King được nuôi lớn bởi người mẹ tần tảo. Cậu học sinh Stephen bắt đầu viết truyện ngắn và các bài báo châm biếm từ khi còn học trung học phổ thông, cho đến khi tốt nghiệp cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học Main năm 1970. Stephen trở thành giáo viên môn tiếng Anh, đúng nghề được đào tạo nhưng vẫn ôm giấc mộng văn chương.
16 năm sau, tác phẩm đầu tiên của “ông hoàng kinh dị” tương lai ra mắt vào năm 1967 với tên gọi “The Glass Floor”, được đăng tải trên tạp chí Startling Mystery Stories. Thời kỳ ấy, văn chương với ông không chỉ là giấc mộng mà là áo cơm. Để kiếm sống, nhà văn vừa phải đi dạy, vừa phải viết truyện tình cảm ba xu để đăng lên các tạp chí dành cho người trưởng thành như Playboy và Hustler. Cố gắng của Stephen King đã được đền đáp khi nhà xuất bản Signet mua bản quyền cuốn tiểu thuyết đầu tay “Carrie” của King với giá 400,000 USD. Cuốn tiểu thuyết kể về một cô gái lập dị bị bắt nạt ở trường học và bị hành hạ bởi người mẹ cuồng tín ở nhà đột nhiên phát hiện ra mình có siêu năng lực và quyết định trả thù tất cả những người đã làm mình đau khổ nhanh chóng được dựng thành phim năm 1976, thu về 33,8 triệu USD với mức vốn ít ỏi 1,8 triệu USD và trở thành một bộ phim kinh dị huyền thoại. Tính đến ngày hôm nay, Stephen King là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất nước Mỹ với 55 đầu sách được xuất bản và 350 triệu bản bán ra.
Nhà văn Mỹ chuyên viết truyện kinh dị Stephen King. Ảnh: VJCC
Sự nghiệp dài lâu và khả năng sáng tạo phi thường của Stephen King đã khiến nhiều độc giả tò mò về quá trình lên ý tưởng, phong cách làm việc và lý do sáng tác của ông. Bản thân King là một nhà văn có lối làm việc quy củ và chăm chỉ, đến mức kể cả khi ông không nghĩ được ra nhiều thứ để viết, ông vẫn cố gắng viết 2.000 chữ hằng ngày: “Tôi muốn viết 10 trang mỗi ngày, tức là khoảng 2.000 từ. Vậy là trong 3 tháng tôi sẽ viết được 180.000 từ, gọi là vừa đủ để thành một quyển sách. Có những ngày tôi có thể viết 10 trang một cách dễ dàng và đến buổi trưa là tôi đã có thể đứng dậy làm việc vặt, nhưng cũng có những ngày tôi ngồi đến tận 3 giờ chiều mà vẫn chưa hoàn thành định mức.” Hàng ngày, nhà văn sẽ thức dậy sớm, đi bộ 5km để thư giãn đầu óc, sau đó về nhà đọc lại trang sách cuối cùng mà ông viết hôm trước, rồi tiếp tục viết đến trưa và dành cả buổi chiều để biên tập. Sự nghiêm khắc này có thể lý giải cho khối lượng tác phẩm khổng lồ của ông hoàng kinh dị; ông tin rằng bản thảo đầu tiên của một quyển tiểu thuyết cần được hoàn thành trong 3 tháng, nếu không thì cả nhân vật lẫn cốt truyện sẽ trở nên nhạt nhẽo. Ở tuổi 73, nhà văn thú nhận rằng mình không thể viết nhiều và nhanh như thế nữa, nhưng ông khẳng định rằng đây chính là bí kíp thành công của mình.
2. Thế nhưng, đối với độc giả, điều khiến tác phẩm Stephen King nổi bật trong mắt họ chính là cách ông đưa chính con người và cuộc sống của mình vào trong những câu chuyện. Nhà văn không viết hồi kí về mình, cũng không xuất bản những cuốn tiểu sử kể về cuộc đời đầy màu sắc của bản thân mà lẳng lặng biến mình thành nhân vật chính trong nhiều cuốn tiểu thuyết, khắc họa những kí ức thời thơ ấu, những đau khổ trong cuộc đời, những lỗi lầm ông muốn chối bỏ, những biến động trong xã hội Mỹ qua yêu ma quỷ quái không có thật và những tội ác quái gở.
Tiểu thuyết đầu tiên của King, “Carrie” – kể về một cô gái có siêu năng lực.
“Salem’s Lot” – câu chuyện về đàn ma cà rồng thống trị một thị trấn nhỏ, bắt nguồn từ niềm yêu thích của tác giả dành cho những tiểu thuyết kinh dị mà cậu bé Stephen tìm thấy trong thùng đồ của cha mình, đặc biệt là các tác phẩm của bậc thầy H.P. Lovecraft, và cả những cuốn truyện rẻ tiền cùng những bộ phim kinh dị thế kỉ 20.
King từng thừa nhận hồi nhỏ ông rất thích bị dọa ma, và điều này đã định hình nhiều tác phẩm của ông trong giai đoạn đầu sáng tác. Trên thực tế, sở thích có phần kì dị này của nhà văn vẫn có ảnh hưởng lớn đến những tiểu thuyết trinh thám ông viết sau này, như “The Colorado Kid” (2005) và “Joyland” (2013), bằng chứng là cả hai đều cố tình đề cập đến những truyện trinh thám ba xu King từng đọc, được in bởi những nhà xuất bản nhỏ và bìa được vẽ giống như những cuốn sách xuất bản trong thập niên 1950. Nhiều nhà phê bình nhận định, King đã hấp thu và tái hiện cả một nền văn hoá ông từng trải nghiệm những năm tháng thiếu thời qua những tác phẩm này.
Stephen King cùng vợ và con.
Môi trường sống của nhà văn và cuộc sống cá nhân của ông bắt đầu tìm đường len lỏi vào các tác phẩm từ cuối thập niên 1970, khi Stephen King bắt đầu nghiện chất kích thích. Đầu tiên, ông nghiện rượu sau khi trở nên thành công và phải chịu sức ép khủng khiếp từ các nhà xuất bản, độc giả và cả chính bản thân mình. Nhà văn nhận ra mình là một “con sâu rượu” sau khi hoàn thành tác phẩm “The Shining” kể về một nhà biên kịch tên Jack Torrence nghiện rượu, hoá điên vì những hồn ma bóng quế trong ngôi biệt thự chìm dưới tuyết và rắp tâm hạ sát vợ con mình. Với Stephen King, Jack trong “The Shining” chính là ông, chứng nghiện rượu và cơn cuồng sát của nhân vật cũng chính là ác quỷ trong ông. Xuyên suốt sự nghiệp của mình, nhà văn đã nhiều lần viết về chính bản thân nhưng “The Shining” chính là nỗ lực chân thật nhất của ông để “trừ tà” con quỷ rượu chè.
Tuy “The Shining” trở thành một quyển sách cực kì thành công và được chuyển thể thành một trong những bộ phim kinh dị gây ảnh hưởng nhất mọi thời đại, nỗ lực “trừ tà” của ông hoàng kinh dị đã thất bại thảm hại, thậm chí ông còn nghiện thêm nhiều chất kích thích khác, bao gồm cả cocaine. Cho dù 10 năm sau, ông đã cai nghiện nhưng ma tuý bắt đầu xuất hiện đầy rẫy trong các tác phẩm của nhà văn. Đã rất nhiều lần King thú nhận bản thân đã không nhận thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề và ông đã để ma tuý điều khiển tác phẩm của mình: “Một phần trong tôi vẫn viết truyện, nhưng đồng thời cũng nhận ra rằng tôi là một con nghiện, và tôi bắt đầu kêu cứu bằng cách duy nhất tôi biết: qua những câu chuyện kể và những con quái vật tôi sáng tạo ra”.
Những tác phẩm của ông ở giai đoạn này đều khắc họa rất rõ những khó khăn của tác giả. Đầu tiên, cuốn “The Tommyknockers” kể về một nhóm người ngoài hành tinh ban cho con người sự thông tuệ tuyệt đối và nguồn năng lượng dồi dào, nhưng con người sẽ phải trả giá bằng chính linh hồn mình – giống hệt như khi sử dụng ma túy. “Cujo” kể về một con chó khổng lồ cố sức ăn thịt hai mẹ con kẹt trong xe ô tô – biểu trưng cho chứng nghiện ngập của King và những tổn thương ông gây ra cho vợ con. “Misery” – tác phẩm đã đưa sự nghiệp của Kinh lên đỉnh cao mới – kể về nữ y tá Annie Wilkes bắt cóc một nhà văn mà ả hâm mộ đến mức bệnh hoạn và ép ông viết lại tiểu thuyết theo ý ả. Với King, tác phẩm này là một cú chuyển mình trong cả phong cách viết lẫn quá trình cai nghiện của ông: “Tôi nghĩ, “Misery” là một tác phẩm về cocain. Annie Wilkes là cocain và cô ả là người hâm mộ số một của tôi.”
3. King đã cai nhiện thành công vào năm 1987, ngay sau khi “Misery” được xuất bản và từ đó trở đi, các nhân vật của ông cũng thay đổi và họ đại diện cho hành trình hồi phục của ông: nhân vật chính trong “Doctor Sleep” là một con nghiện rượu đang dần cai, còn nhân vật chính trong “Revival” là một tên nghiện heroin. Rõ ràng là tác phẩm của King chịu ảnh hưởng của bối cảnh và trải nghiệm trong đời ông, và những con quỷ dữ ông viết về không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của ông mà còn là những bóng ma ám ảnh con tim ông. Những lần xuất hiện đáng chú ý khác của ông trong những quyển sách của mình bao gồm nhà văn Ben Mears trong “Salem’s Lot”, tác giả truyện kinh dị Bill Denborough trong “IT”, nhà văn Mike Noonan trong “Bag of Bones”, và Scott Landon trong “Lisey’s Story”.
Tuy nhiên, nhà văn tài hoa không chỉ viết về những trải nghiệm cá nhân của ông mà còn về xã hội Mỹ ông đang sống. Qua nhiều thập kỉ, xã hội Mỹ đã trải qua nhiều đổi thay, nhưng tác phẩm của ông vẫn bắt kịp với mọi biến động và luôn thật tươi mới với người đọc. Với những độc giả nước ngoài, các trang văn của King đại diện cho chính nước Mỹ xa xôi và có thể quyết định mức độ thấu cảm của họ dành cho xứ cờ hoa. Stephen King có khả năng thấu hiểu người dân Mỹ, và nhà phê bình Walter Mosely đã khen ngợi tài năng này của King khi trao cho ông giải thưởng Tác phẩm Quốc gia năm 2003: “King có sự hiểu biết tự nhiên như một thứ bản năng về nỗi sợ trong tâm khảm tầng lớp lao động ở Mỹ.” Tony Magistrale đã đưa ra một nhận định rất chính xác về nhà văn và các tác phẩm của ông: “Sách của King hấp dẫn người đọc bằng ma cà rồng và yêu quái, nhưng trái tim của các tác phẩm của ông chính là nỗi lo lắng rất chân thật trong đời sống người dân Mỹ.”
Bộ “hồi kí” khổng lồ kéo dài hàng chục năm xuyên suốt rất nhiều tác phẩm của King đã có một cái kết đẹp. Ông xuất hiện trong phần “Susannah’s Story” của bộ truyện “The Dark Tower” và lần này, ông đã không còn giấu mình dưới những cái tên giả, che đậy nỗi đau bằng những con yêu quái, mà thay vào đó đã ra mặt trong tác phẩm dưới tên thật của mình, Stephen King. Trong cuốn truyện này, ông không phải là một nhà văn nghiện ngập, mà là vị thần sáng tạo đầy quyền năng, người khai sinh ra vũ trụ và tất cả các nhân vật trong truyện. Quan trọng nhất, Stephen King trong “The Dark Tower” đã không còn đau khổ, dằn vặt, bị xô đi đẩy lại bởi cuộc đời mà đã nắm trong tay trọn vẹn quyền chủ động quyết định tất cả.
Tập Cận Bình xuất hiện trên màn hình lớn trong sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giờ đây thường được mô tả, không hề cường điệu, là “người đàn ông quyền lực nhất thế giới”, nhưng rất ít bí mật về ông được chính quyền Trung Quốc tiết lộ. Báo The Atlantic hôm 21/8 đăng bài viết về những bí mật của Tập Cận Bình, của tác giả Richard McGregor – thành viên cấp cao tại Viện Lowy của Úc. Bài báo chỉ ra một số điểm khác biệt, mà đã tạo nên những bí mật của người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), so với các nhà lãnh đạo tư bản của phương Tây. Ví dụ, ông Tập không sử dụng Twitter và ông cũng chưa bao giờ tổ chức họp báo. Tập Cận Bình là người đứng đầu ĐCS cầm quyền của Trung Quốc – một bộ máy chính trị khổng lồ, rộng lớn với 96,7 triệu đảng viên – nhưng ông không có thư ký báo chí. Văn phòng của ông ta cũng không thông báo trước các chuyến đi trong nước của ông.
Điều được các phương tiện truyền thông chính thức coi là các bài phát biểu quan trọng thường không được công bố cho đến nhiều tháng sau khi ông Tập phát biểu trên các diễn đàn kín. Thậm chí sau đó, các bài phát biểu được xuất bản có thể là chỉ là bản chỉnh sửa của các tài liệu đã được lưu hành nội bộ, hoặc đôi khi bị rò rỉ.
Cuối năm 2017, sau 5 năm nắm quyền, ông đã quyết định chọn người kế vị. Nhưng đến năm sau đó, ông Tập đã bãi bỏ các giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ chủ tịch nước, khiến ông kể như trở thành nhà lãnh đạo lâu dài.
Tác giả bài báo cho rằng không một cuốn sách trong nước hay nước ngoài nào nói về ông có thể giải thích rõ ràng việc ĐCSTQ chọn ông Tập là người được đề cử kế nhiệm Hồ Cẩm Đào vào năm 2007.
Có phải vì ông Tập được coi là độc lập với các phe phái cạnh tranh chính của đảng? Nguồn gốc gia đình cách mạng có giúp xoay chuyển lá phiếu ủng hộ ông ấy không? Hội đồng lão thành cách mạng của đảng có ủng hộ ông ấy không? Ai là người thành lập hội đồng lão thành? Trên thực tế, họ có bao giờ gặp nhau không?
Kiểm duyệt thông tin và truyền thông
Dưới thời ông Tập, cuộc chiến về lịch sử đã đạt đến một cấp độ khác, vừa phục vụ cho sự nghiệp của ông vừa để đảm bảo rằng đảng có thể ra lệnh cho bất kỳ phiên bản sự kiện nào mà họ cần để phù hợp với chính sách hiện hành, theo Richard McGregor.
Bài báo chỉ ra rằng các hạn chế chính thức đối với nghiên cứu cũng ngày càng chặt chẽ hơn. Trong hơn một thập niên qua, Trung Quốc đã hạn chế quyền truy cập vào các kho lưu trữ của mình. Trong năm 2013, Bộ Ngoại giao đã đặt khoảng 90% tài liệu thu thập của họ ngoài quyền truy cập. Những kho lưu trữ đó hiện đã bị đóng cửa hoàn toàn với công chúng.
Việc thắt chặt quyền truy cập vào các nguồn, chính thức và không chính thức, song song với việc đưa ra một tội danh hình sự mới là “chủ nghĩa hư vô lịch sử” (historical nihilism), có thể được sử dụng để trấn áp bất kỳ tài liệu nào về lịch sử mà đảng không thích.
Năm 2021, cơ quan quản lý internet của Trung Quốc thông báo rằng họ đã xóa 2 triệu bài đăng có nội dung thảo luận “có hại” về lịch sử trên mạng xã hội như Weibo và WeChat.
Nó được coi là nhằm nâng đỡ ông Tập, xóa bỏ nguồn tin xấu về ông trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng diễn ra vào cuối năm 2021.
Truyền thông chính thức Trung Quốc cũng phải chịu sự chi phối của “ranh giới đỏ”; các nhà báo phải tuyệt đối “yêu Đảng, bảo vệ Đảng, phục vụ Đảng” và tuân thủ nguyên tắc “định hướng dư luận” nếu họ muốn được nhận các giải thưởng báo chí, bài báo trên The Atlantic thông tin thêm.
Chụp lại hình ảnh,Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021
Ảnh hưởng tới thế giới?
Là “người đàn ông quyền lực nhất thế giới” và đang trên đà chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba đột phá, thì việc bưng bít triệt để của Bắc Kinh có thể gây ra những hậu quả cho thế giới, Richard McGregor nhận xét.
Tác giả đặt ra một loạt câu hỏi giả thuyết, chẳng hạn, ông Tập sẽ đưa ra quyết định xâm lược Đài Loan như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội bị đẩy lùi? Bộ chính trị có thể bỏ phiếu bãi bỏ ông Tập không? Ông Tập có cảm thấy áp lực từ dư luận để chiếm hòn đảo không?…
Ông Tập từng nhiều lần phát biểu với quyết tâm cao sẽ thống nhất Đài Loan về với Trung Quốc.
“Không ai được đánh giá thấp quyết tâm kiên cường, ý chí kiên định và khả năng mạnh mẽ của nhân dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Phải hoàn thành nhiệm vụ lịch sử thống nhất hoàn toàn Tổ quốc, nhất định sẽ hoàn thành,” ông Tập phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào tháng 10/2021.
Phát biểu này của ông nhẹ nhàng hơn một chút so với hồi tháng Bảy. Khi đó, trong bài phát biểu quan trọng cuối cùng của ông đề cập đến Đài Loan,ông thề sẽ “đập tan” bất kỳ nỗ lực nào nhằm giành độc lập chính thức cho Đài Loan. Năm 2019, ông trực tiếp đe dọa sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này vào tầm kiểm soát của Bắc Kinh.
Ngày nay, hầu như bất cứ điều gì Trung Quốc làm đều ảnh hưởng đến toàn cầu; tuy nhiên, các cuộc tranh luận nội bộ và quy trình ra quyết định của họ gần như bị che giấu hoàn toàn, vẫn theo bài báo.
Richard McGregor cho rằng sự kín tiếng của Trung Quốc về nhà lãnh đạo Tập Cận Bình của họ “khiến Trung Quốc khó dự đoán hơn và thế giới trở nên nguy hiểm hơn”.
Quyền lực Tập Cận Bình
Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 8 tới 11/11/2021, ĐCS TQ đã thông qua một “nghị quyết lịch sử”, củng cố địa vị của Chủ tịch, Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong lịch sử chính trị đất nước.
Hội nghị thông qua “Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng”.
Thông cáo của Đảng nói: “Đồng chí Tập Cận Bình đã suy nghĩ sâu xa và phán đoán khoa học đối với một loạt lý luận quan trọng và vấn đề thực tiễn liên quan tới phát triển sự nghiệp của Đảng và nhà nước trong thời đại mới, đề xuất một loạt quan điểm mới, tư tưởng mới, chiến lược mới về quản lý đất nước mang tính sáng tạo gốc về những đề tài quan trọng của thời đại như kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc như thế nào trong thời đại mới.”
“Đảng xác lập vị thế hạt nhân của đồng chí Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng và toàn Đảng, xác lập vị thế chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới,” thông cáo cho hay.
Kể từ khi thành lập đảng cộng sản, đây mới là lần thứ ba Trung Quốc có Nghị quyết đặc biệt đến vậy. Lần đầu tiên là được Mao Trạch Đông thông qua năm 1945 và nghị quyết thứ hai được Đặng Tiểu Bình thông qua năm 1981.
Giới quan sát phương Tây cho rằng Nghị quyết công bố ngày 11/11/2021 nhằm xác lập ông Tập ngang hàng với người sáng lập đảng Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Tiến sĩ Chong Ja Ian từ Đại học Quốc gia Singapore cho rằng: “Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân chưa bao giờ có nhiều quyền lực như ông Tập.”
Adam Ni, biên tập viên của China Neican, một bản tin về các vấn đề thời sự của Trung Quốc, cho biết: “Ông Tập đang cố gắng hóa thân thành anh hùng trong sử thi về hành trình dân tộc của Trung Quốc.”
“Bằng cách thúc đẩy thông qua một nghị quyết lịch sử đặt mình vào trung tâm của câu chuyện lớn về Đảng và Trung Quốc hiện đại, ông Tập đang thể hiện quyền lực của mình. Nhưng nghị quyết cũng là một công cụ giúp ông giữ quyền lực,” ông Adam Ni nói.
“Tất cả chỉ là dối trá!”, một lính dù Nga đã công khai lên án lời biện minh của Kremlin để phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Chết cho những lý do mơ hồ
Hai tuần trước, Pavel Filatyev đã liều lĩnh lên tiếng phản đối cuộc xâm lược của Putin trong một bản tường trình “kể tất cả sự thật” dài 141 trang đăng trên tài khoản mạng xã hội VKontakte của anh và sau đó nhanh chóng đào thoát khỏi Nga. Đây là thành viên “phản chiến” đầu tiên của quân đội Nga dám công khai chỉ trích cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Trong buổi phỏng vấn mới đây dành cho Matthew Chance của CNN, Filatyev nói:
“Các đồng đội của tôi hiện rất mệt mỏi, ăn không đủ no và vỡ mộng. Cuộc chiến của Điện Kremlin đang phá hủy cuộc sống hòa bình của nhiều người. Chúng tôi biết mình bị lôi kéo vào một cuộc xung đột không có lý do chính đáng, với nhiệm vụ đơn giản là tận diệt các đô thị mà không giải phóng bất kỳ ai. Sự thật này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tinh thần binh lính. Chúng tôi có cảm giác mình không làm bất cứ điều gì tốt. Nhiều người lính không hiểu tại sao họ phải chiến đấu. Chính phủ cố gắng giải thích, nhưng toàn là dối trá”.
“Thức tỉnh” từ Kherson
Filatyev, 33 tuổi, nói “tham nhũng và đàn áp” đang tràn lan ở quê nhà và cho biết đơn vị của anh đóng tại bán đảo Crimea được cử đến Ukraine để vào Kherson từ những ngày đầu cuộc xâm lược nhưng trang bị thiếu thốn và được nghe rất ít lời giải thích cho sứ mệnh. Theo Filatyev, cả binh sĩ và chỉ huy đều lúng túng không biết phải làm gì và họ “nhanh chóng vỡ mộng” khi đến được Kherson để chỉ gặp sự phản kháng của những người dân địa phương không muốn được giải phóng, thay vì hoa hồng như chờ đợi. Lý do biện minh cho cuộc xâm lược lập tức trở thành “lời nói dối”. Filatyev từng phục vụ trong Trung đoàn 56 của Nga và tham gia chiến dịch đánh chiếm thành phố Mykolaiv trước khi anh được rút về hậu cứ vì bị thương.
Anh nói với CNN: “Quân đội Nga thiếu các thiết bị cơ bản và các loại máy bay không người lái trong thời gian tôi còn ở chiến trường. Doanh trại của chúng tôi có tuổi đời hơn 100 năm và không có khả năng chứa tất cả binh lính đồn trú. Tất cả vũ khí sử dụng đều có từ thời Afghanistan! Vài ngày sau khi chúng tôi bao vây Kherson, nhiều đồng đội không có thức ăn, nước uống hay túi ngủ trong khi trời rất lạnh vào ban đêm nên không thể ngủ được. Chúng tôi phải tự tìm quần áo vải để giữ ấm”. Việc chiếm được thành phố Kherson là một thành công quân sự ban đầu có ý nghĩa đối với Nga nhưng Ukraine đang quyết tâm giành lại thành phố khi cuộc chiến hiện có xu hướng dịch chuyển về phía Nam.
Tự cứu mình trước bản án tử hình không tuyên bố
Filatyev cho biết Nga đang bị sa lầy trong một cuộc xung đột tàn khốc, tốn kém mà chưa biết bao giờ mới kết thúc. Anh bộc bạch: “Bây giờ khi đã ra khỏi vũng lầy và không còn cầm súng nữa, tôi càng hiểu quyết định xâm lược Ukraine là điều tồi tệ nhất, ngu ngốc nhất mà chính phủ của chúng tôi đã làm. Không biết họ đang dẫn nước Nga đi đâu. Bước tiếp theo là gì? Chiến tranh hạt nhân chăng? Khi nhìn vào những gì đang xảy ra với đất nước mình tôi vô cùng sợ hãi. Tất cả đều bị phá hủy, mục nát. Luật duy nhất còn hoạt động tốt là luật đàn áp”.
Trước khi trốn khỏi quê hương, Filatyev đã liều lĩnh trả lời một số cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông độc lập và nước ngoài. Anh biết rất rõ Điện Kremlin không thể tha thứ cho những nhận xét công khai của mình. “Họ sẽ bỏ tù hoặc bịt miệng tôi bằng cách làm cho tôi biến mất như rất nhiều trường hợp đã xảy ra trong quá khứ. Tôi không thấy có lối thoát nào khác ngoài sự ra đi. Cái chết gần như chắc chắn” – anh nói.
Nhà dân tộc chủ nghĩa người Nga đã trở thành một phát ngôn viên quốc tế của phe cực hữu.
Với bộ râu nổi bật và những luận điệu khác thường, Alexander Dugin vẫn luôn dễ dàng thu hút sự chú ý. Một số người thậm chí còn gọi nhà triết học cực hữu là “bộ não của Putin” hoặc “Rasputin của Putin.” Tuy nhiên, các nhà bình luận khác lại bác bỏ ý kiến cho rằng Dugin rất được Điện Kremlin coi trọng, với dẫn chứng là việc ông đã bị mất việc ở Đại học Quốc gia Moscow hồi năm 2014.
Dù vậy, rõ ràng vẫn có người cho rằng Dugin quan trọng. Cuối tuần trước, con gái của ông, Daria Dugina, một nhà báo theo chủ nghĩa dân tộc, đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe bên ngoài thủ đô Moscow. Nhiều người cho rằng chính Dugin mới là mục tiêu thực sự.
Bất kể quan hệ cá nhân giữa Putin và Dugin có là gì, thì quyết định xâm lược Ukraine của nhà lãnh đạo Nga cũng vẫn là sự hiện thực hóa những ý tưởng mà Dugin đã thúc đẩy từ đầu thập niên 1990. Trong cuốn sách Nền tảng của Địa chính trị (Foundations of Geopolitics) xuất bản năm 1997 – vốn là tài liệu đọc bắt buộc ở học viện tham mưu quân đội Nga – Dugin lập luận rằng “Ukraine với tư cách là một quốc gia không có ý nghĩa gì về địa chính trị.”
Trong một bài nói chuyện vào năm 2018 tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, khi được hỏi về ảnh hưởng của ông đối với Putin, Dugin tỏ ra dè dặt – nhưng ông có chỉ ra rằng mình đã kêu gọi Nga sáp nhập Crimea từ những năm 1990, “rất lâu trước Putin.”
Dugin có ảnh hưởng khá lớn ở Trung Quốc. Ông đã tận dụng việc được cho là thân cận với Putin – cùng kỹ năng ngôn ngữ (Dugin thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp) – để xây dựng cho mình một vai trò quốc tế đáng kể.
Tại Trung Quốc, Iran, và Thổ Nhĩ Kỳ, Dugin đã trở thành phát ngôn viên và điều phối viên cho những ai đang tìm cách tiêu diệt bá quyền toàn cầu của Mỹ. Trong khi đó, ở châu Âu và Mỹ, ông giữ liên lạc với lực lượng cực hữu, định vị mình như một đồng minh trong cuộc chiến chống lại “chủ nghĩa toàn cầu” (globalism).
Trong loạt bài giảng tại Đại học Phúc Đán, Dugin lập luận rằng Nga và Trung Quốc phải cùng nhau xây dựng một “trật tự thế giới đa cực,” chấm dứt sự thống trị của Mỹ. Tại một cuộc họp vào tháng 4, các ngoại trưởng Nga và Trung Quốc đã tán thành ý tưởng này, Sergei Lavrov đảm bảo với Vương Nghị rằng hai quốc gia sẽ “cùng nhau … tiến tới một trật tự thế giới dân chủ đa cực, công bằng.”
Theo thế giới quan của Dugin, các quốc gia trong đất liền của lục địa Á-Âu, với trung tâm là Nga, đối lập một cách tự nhiên với thế giới các nước ven biển do Mỹ, và trước đó là Anh, dẫn đầu. Dugin đã ca ngợi nhà triết học Đức Quốc Xã Carl Schmitt vì đã “hiểu rõ ‘kẻ thù’ mà châu Âu, Nga, và châu Á đang phải đối mặt, đó là Mỹ … cùng với đồng minh quốc đảo, Anh.”
Những ý tưởng chống phương Tây và phi tự do này cũng đã được đón nhận bởi một nhóm khán giả nhất định ở Iran. Dugin là khách mời thường xuyên và đặc biệt nổi tiếng với các phần tử cứng rắn trong chế độ. Năm 2015, ông đã khiến chủ nhà Iran hài lòng khi nói với họ rằng Iran là “căn cứ chính của cuộc chiến chống lại sự hiện đại” (rõ ràng đó là một điều tốt). Dugin cũng thường xuyên đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, đôi khi với tư cách là khách mời của đảng cầm quyền AKP, và đã có những hoạt động chung với các lực lượng chống Mỹ trong chính phủ.
Còn tại châu Âu, Dugin và nhà bảo trợ của ông, chủ ngân hàng người Nga Konstantin Malofeev, đã vun đắp quan hệ với các đảng cực hữu như Đảng Tự do của Áo, Đảng Liên đoàn phương Bắc của Ý, và Đảng Đại hội Quốc gia của Pháp – duy trì sự liên kết thông qua các hội nghị, thuyết giảng, và họp mặt ở Nga và Tây Âu.
Ở Mỹ, những người ủng hộ tự nhiên của Dugin là thành viên phe cực hữu. Vào đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Dugin đã có một cuộc phỏng vấn với nhà lý thuyết âm mưu Alex Jones, bày tỏ hy vọng của mình đối với “Ông Trump, người mà tôi ủng hộ hết lòng.” Ông nói với Jones rằng các lực lượng ủng hộ Trump và ủng hộ Putin nên đoàn kết chống lại “kẻ thù chung của chúng ta, những người theo chủ nghĩa toàn cầu.”
Richard Spencer, một nhân vật cực hữu của Mỹ – người mà ngay sau chiến thắng bầu cử của Trump đã bị ghi lại cảnh hét lên câu “Chào mừng Trump” (“Hail Trump” – cách chào Hitler trước đây – NBT) và giơ tay chào kiểu nhà binh – cũng có liên quan đến nhà dân tộc chủ nghĩa Nga. Vợ của Spencer chính là người đã dịch tác phẩm của Dugin sang tiếng Anh.
Trong lần xuất hiện gần đây, cùng các học giả Trung Quốc và Pakistan, Dugin đảm bảo với khán giả của mình rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chứ không chấp nhận thất bại ở Ukraine. Bây giờ, câu hỏi đặt ra là liệu vụ đánh bom xe vào cuối tuần trước có dẫn đến việc Điện Kremlin triển khai những chính sách quyết liệt hơn nữa trong chiến tranh và trong chính trị nội bộ hay không.
Cơ quan tình báo Nga, FSB, vừa tuyên bố đã giải quyết xong vụ việc. Họ cáo buộc phía Ukraine đã thực hiện vụ ám sát và khẳng định kẻ sát nhân đã trốn thoát khỏi Nga và vượt biên sang Estonia. Những cáo buộc này có thể được sử dụng để biện minh cho việc Nga tăng cường không kích Kyiv, bao gồm cả việc nhắm vào các tòa nhà chính phủ và các quan chức cấp cao. Nếu Điện Kremlin quyết định đối đầu với Estonia – bằng cách yêu cầu dẫn độ nghi phạm trong vụ việc, đi kèm với những lời đe dọa– thì Nga sẽ phải trực tiếp đối đầu với một quốc gia NATO.
Chính phủ Ukraine đã nhanh chóng phủ nhận mọi liên quan đến vụ đánh bom. Nhưng điều đó sẽ không làm thay đổi suy nghĩ ở Moscow. Những tiếng nói theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, điển hình là những người như Dugin, từ lâu đã kêu gọi Nga theo đuổi các chiến thuật tàn nhẫn hơn nữa.
Dugin là người chuyên sử dụng những luận điệu bạo lực và kích động – được truyền tải trong các giảng đường và trường quay truyền hình, ở một khoảng cách an toàn so với bất kỳ cuộc giao tranh thực tế nào. Nhưng vào cuối tuần trước, tiền tuyến đã đến tận Moscow. Sau khi chịu đựng quá nhiều đau khổ, ít có người Ukraine nào lại thấy cảm thông với Dugin, một người vào năm 2014 đã kêu gọi người Nga “giết, giết, giết” người Ukraine. Còn số khác, đang ở cách xa cuộc xung đột, có thể khó mà tin được rằng có những kẻ đáng phải nhìn thấy cảnh con mình bị nổ tung ngay trước mắt họ.