5 khu nghỉ dưỡng cao cấp nhìn ra ruộng bậc thang

Tại các khu nghỉ dưỡng miền Bắc, du khách có thể ngắm ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín.

Le Champ Tu Le nằm ở bản Nước Nóng, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, Yên Bái. Khu nghỉ dưỡng nằm trong thung lũng Tú Lệ dưới chân đèo Khau Phạ, có tầm nhìn ra cánh đồng và ruộng bậc thang. Du khách tới đây có thể cảm nhận văn hoá của người dân tộc Thái, Mông, Dao, thưởng thức đặc sản xôi ngũ sắc, cốm Tú Lệ, tắm suối nước nóng để chăm sóc sức khoẻ. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng


Các phòng có tầm nhìn ra thung lũng, giúp du khách ngắm được ruộng bậc thang ngay từ trong phòng. Kiến trúc mang hơi thở nhà sàn vùng Tây Bắc, các vật dụng trang trí trong phòng cũng mang nhiều hoạ tiết thổ cẩm. Giá một đêm nghỉ tại đây từ 4 triệu đồng. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng


Laxsik Ecolodge ở bản Lao Chải – Tả Van, Sa Pa, Lào Cai. Bản này được khách du lịch truyền tai nhau là một trong những nơi ngắm lúa chín đẹp và dễ tiếp cận nhất ở Sa Pa. Khu nghỉ dưỡng ôm trọn tầm nhìn ra thung lũng Mường Hoa, bể bơi nằm ngay cạnh ruộng bậc thang, du khách vừa ngâm mình trong nước mát, vừa ngửi mùi lúa thoảng nhẹ hương thơm trong gió. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng


Các phòng nghỉ tại đây lợp mái gỗ Pơ Mu, hài hoà với thiên nhiên và cảnh quan. Một số phòng có bồn tắm gỗ nhìn ra thung lũng và ruộng bậc thang, giúp bạn vừa nghỉ ngơi trong phòng, vừa có thể thư giãn và ngắm cảnh. Một đêm nghỉ tại đây có giá từ từ 1,5 triệu đồng. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng


Từng có nhiều giải thưởng quốc tế, Topas Ecolodge ở Sa Pa, Lào Cai, nổi tiếng với nhà hàng và bể bơi nằm ngay trên ruộng bậc thang. Khu nghỉ từng được tạp chí danh giá thế giới National Geographic bình chọn là một trong 50 nơi nghỉ dưỡng độc đáo. Các villa theo phong cách Bắc Âu kết hợp với nhà sàn Việt, xây bằng đá granite trắng theo trường phái tối giản. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng


Ấn tượng nhất của khu nghỉ dưỡng là bể bơi vô cực nằm ngay trên một ruộng bậc thang, đồng thời cũng nhìn ra các ruộng bậc thang khác nằm ở các ngọn đồi xung quanh. Hồ bơi này cũng từng được xếp hạng độc đáo nhất thế giới bởi nền tảng đặt phòng Agoda. Một đêm nghỉ tại đây đang có giá khoảng 20 triệu đồng vào mùa cao điểm ngắm lúa. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng


Avana Retreat ở bản Pánh, xã Bao La, Mai Châu, Hoà Bình, nằm tách biệt giữa núi non, bao quanh bởi thung lũng, ruộng lúa, thác nước và suối. Tên của khu nghỉ dưỡng có nghĩa là “một loài hoa dại xinh đẹp”, được nuôi dưỡng bởi thiên nhiên. Khu nghỉ dưỡng có tổng cộng 36 villa, nằm rải rác trên sườn núi, lấy cảm hứng từ nhà sàn của người dân tộc. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng


Nơi đây có bể bơi vô cực nhìn ra thung lũng cũng có ruộng bậc thang. Khu nghỉ dưỡng còn thích hợp cho hẹn hò cặp đôi khi có bữa ăn tối riêng tư trên cầu gỗ bên thác nước. Một đêm nghỉ tại đây có giá từ 6 triệu đồng. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng


The Mong Village Resort & Spa ở phường Cầu Mây, Sa Pa, Lào Cai có đặc sản là tầm nhìn ra thung lũng Mường Hoa, có biển mây và ruộng bậc thang. Các phòng tại khu nghỉ dưỡng đều có ban công nhìn ra núi đồi hùng vĩ. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng


Bể bơi vô cực của khu nghỉ dưỡng có nước nóng, tầm nhìn bao quát ra thung lũng. Chán ngắm ruộng lúa từ bể bơi, du khách có thể đi bộ ra bản Ý Lình Hồ ngay gần resort, trải nghiệm văn hoá địa phương. Một đêm nghỉ tại đây có giá từ 2,8 triệu đồng. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng

Trung Nghĩa / Vietnam Express

Nhà văn Konstantin Paustovsky: Người bốn lần được đề cử giải Nobel

Nhà văn Nga – Xô Viết nổi tiếng Konstantin Paustovsky (1892-1968) là bậc thầy của thể loại văn học phong cảnh và văn xuôi tâm lý. Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt và được bạn đọc yêu mến, như: “Bông hồng vàng”, “Bình minh mưa”, “Chiếc nhẫn bằng thép”, “Vịnh mõm đen”, “Một mình với mùa thu”, “Câu chuyện phương bắc”…

K. Paustovsky từng là phóng viên quân sự, biên tập viên, giáo viên trường viết văn và ứng cử viên giải Nobel Văn học. Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của nhà văn (1892-2022), xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một vài nét về cuộc đời ông.

Làm đủ nghề để kiếm sống

Trong bút ký tự truyện “Vài suy nghĩ tản mạn”, ông viết rằng bố ông làm nhân viên thống kê đường sắt, còn mẹ ông là một phụ nữ độc đoán và nghiêm khắc. Theo Konstantin Paustovsky, bố ông là người mơ mộng bẩm sinh và không bao giờ ngồi yên một chỗ: sau Moskva, ông phục vụ ở Vilno, Pskov, rồi chuyển đến  Kiev, nơi Konstantin Paustovsky vào học trường trung học.

“Khi tôi học lớp sáu, gia đình chúng tôi tan vỡ. Từ đó tôi phải tự kiếm sống và học tập. Tôi sống lay lắt bằng công việc khá cực nhọc – cái gọi là gia sư. Vào năm cuối cùng của trung học, tôi viết truyện ngắn đầu tiên và đăng trên tạp chí văn học “Những ngọn lửa” ở Kiev. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là năm 1911. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi học hai năm tại Đại học Kiev, sau đó chuyển đến Đại học Moskva, và định cư ở đây”.

Nhà văn Konstantin Paustovsky (1892 – 1968).

Thế chiến thứ nhất bùng nổ khiến việc học hành của Konstantin Paustovsky trở nên dang dở – ông bỏ học đi làm nhân viên bán vé tàu điện, sau đó làm y tá trên một đoàn tàu cứu thương. Mùa thu năm 1915, ông chuyển đến một đơn vị y tế dã chiến, tại đây ông đọc báo và biết tin hai người anh trai của mình đã hy sinh trên các mặt trận khác nhau trong cùng một ngày. Sau khi biết tin này, Konstantin Paustovsky trở về với mẹ và chị gái ở Moskva.

Nhưng ông không dừng lại lâu – đầu tiên ông vào làm việc tại nhà máy luyện kim ở Ekaterinoslav (nay là Dnipro), sau đó chuyển sang nhà máy ở Yuzovka (nay là Donetsk), rồi từ đó đến nhà máy hơi nước ở Taganrog. Mùa thu năm 1916, ông rời nhà máy hơi nước để đến một hợp tác xã đánh cá trên biển Azov. Chính lúc bấy giờ, theo hồi ức của nhà văn, ông bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình – “Những người lãng mạn”. Sau này ông luôn luôn nói rằng biển đã giúp ông trở thành nhà văn.

Trong thời gian xảy ra cuộc Cách mạng Tháng Hai và Tháng Mười năm 1917, Konstantin Paustovsky làm việc tại một tờ báo ở Moskva. Kể từ đó, ông chỉ làm báo và viết văn. Trong những giai đoạn khác nhau, ông từng làm biên tập viên của tờ “ROST”, “Sự thật” các tạp chí “30 ngày”, “Những thành tựu của chúng ta”, còn trong “Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”, ông là phóng viên của TASS, sau đó ông tập trung hoàn toàn vào sáng tác văn học, giảng dạy ở Trường Viết văn.

Con người ưa xê dịch

Nhà văn yêu thích của Konstantin Paustovsky là Aleksandr Grin, còn môn học yêu thích ở trường phổ thông của ông là địa lý. Hồi nhỏ, ông mơ ước về những đất nước xa xôi, nhưng chỉ hàng chục năm sau, ông mới có thể thực hiện được ước mơ của mình. Thời trẻ, Paustovsky lang thang hết nơi này đến nơi khác để tìm việc làm, sau đó ông đi công tác, nhưng ở tuổi trưởng thành, sau 50, rốt cuộc, ông mới có thể đi du lịch vì sở thích. Sau khi đi vòng quanh nước Nga, Ukraina, Ba Lan, Gruzia, Azerbaizhan, Armenia và Iran, ông đến châu Âu: Bulgaria, Czech, Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Hà Lan, Thụy Điển, Ý, Pháp, Anh. Và ở tuổi 73, ông đã sống một năm trên đảo Capri, nước Ý, nơi ông điều trị bệnh hen suyễn.

“Xê dịch là điều tuyệt vời nhất trên thế gian” – ông viết trong tiểu thuyết “Những người lãng mạn” – Càng đi nhiều, bạn càng chóng trưởng thành, và những gì bạn nhìn thấy thậm chí hiện ra ở ngoại hình của bạn. Trong hàng ngàn người, tôi phát hiện ra ngay những người đi nhiều. Những chuyến xê dịch giúp thanh lọc, kết nối những cuộc gặp gỡ, những thế kỷ, những cuốn sách và tình yêu…”.

Cuộc sống riêng tư nhiều lận đận

Trong thời gian làm việc tại đơn vị dã chiến, Konstantin Paustovsky gặp nữ y tá Ekaterina Zagorskaya. Ở Crimea, các cư dân của làng Tatar gọi bà theo tiếng Ả Rập là Khatidzhe – và Konstantin Paustovsky cũng gọi bà như vậy. Năm 1916, họ kết hôn và 9 năm sau, họ có một cậu con trai, được đặt tên là Vadim để tưởng nhớ người anh trai của nhà văn đã hy sinh trong chiến tranh.

Sau 20 năm chung sống, ở tuổi 44, Konstantin Paustovsky ly hôn: Ekaterina phát hiện ra chồng ngoại tình và bỏ đi. Valeria Valishevskaya-Navashina, người gây ra điều đó, trở thành vợ hai của nhà văn. Lúc bấy giờ, Valeria đã hai lần ly hôn và có hai con trai, một người sống với mẹ. Konstantin Paustovsky nhận cậu bé vào gia đình mình. Cuộc hôn nhân thứ hai kéo dài 14 năm, cho đến khi Paustovsky gặp nữ diễn viên Nhà hát mang tên Meyerhold Tatyana Evteyeva-Arbuzova. Tatyana cũng đã từng có một đời chồng, nhưng điều này không gây trở ngại: năm 1950, Paustovsky ngỏ lời cầu hôn bà. Cùng năm, con trai Aleksey của họ chào đời.

Paustovsky rất yêu người vợ cuối cùng của mình và thú nhận rằng trên đời không có tình yêu nào như vậy. Trong di chúc của mình, ông đề nghị mua một ngôi nhà nhỏ bên bờ biển cho “Mẹ Tanya” bằng tiền nhuận bút của ông, và viết cho bà: “Trái tim vàng của anh ơi, anh không thể mang lại cho em một cuộc đời hạnh phúc mà em xứng đáng được hưởng… Nhưng Chúa đã ban cho anh hạnh phúc được gặp em, điều này được biện minh bởi cuộc sống và công việc của anh… Nhờ em mà anh có được hạnh phúc nơi trần thế. Và anh đã tin vào phép màu… Cầu Chúa ban phước lành cho em, Tanyusha!”.

Suýt đoạt giải Nobel Văn học

Konstantin Paustovsky được đề cử giải Nobel Văn học bốn lần: vào các năm 1965, 1966, 1967 và 1968, nhưng ông chưa bao giờ trở thành người đoạt giải. Trong cuốn “Từ điển văn học Nga thế kỷ XX” viết “Konstantin Paustovsky không được trao giải Nobel Văn học vì lý do chính trị”. Năm 2017, các nhà nghiên cứu văn học nhận được một tài liệu của Ủy ban Nobel viết rằng việc đề cử Konstantin Paustovsky đã bị từ chối: “Ủy ban quan tâm tới đề nghị trao giải cho một nhà văn Nga, nhưng vì những lý do tự nhiên đành tạm gác lại”. Theo Wolfgang Kasack, vào thời điểm đó, chính quyền Liên Xô dọa trừng phạt kinh tế đối với Thụy Điển và nhấn mạnh rằng thay vì Konstantin Paustovsky, hãy trao giải cho “nhà văn lớn của Liên Xô Mikhail Sholokhov”.

Mặc dù Konstantin Paustovsky nhiều lần viết rằng sự trưởng thành của ông với tư cách là một nhà văn và một con người diễn ra dưới chế độ Xô Viết, và ông đã “phục vụ công cuộc xây dựng một xã hội mới, thực sự xã hội chủ nghĩa”, nhà văn vẫn không xin vào đảng, không viết một chữ nào về Stalin và không ký một bức thư vu khống nào.

Gặp gỡ ngôi sao điện ảnh Marlene Dietrich

Năm 1964, trong khuôn khổ chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới, Marlene Dietrich đến biểu diễn tại Liên Xô. Bà là nữ diễn viên yêu thích của Konstantin Paustovsky, vì vậy ông không thể bỏ lỡ cơ hội. Và mặc dù lúc bấy giờ, nhà văn đang nằm viện để phục hồi sức khỏe sau một cơn nhồi máu cơ tim, các bác sĩ vẫn cho phép ông đến xem biểu diễn cùng với vợ và bác sĩ gia đình.

Điều thú vị là Marlene Dietrich cũng hâm mộ tác phẩm của Konstantin Paustovsky. Khi các nhà báo hỏi bà muốn gặp ai, bà nhắc tên Konstantin Paustovsky và kể về ấn tượng của mình khi đọc truyện ngắn “Bức điện”. Nữ diễn viên biết nhà văn đang nằm viện nên không hy vọng được gặp ông. Tuy nhiên, trước khi bước lên sân khấu, nữ phiên dịch thông báo với bà rằng Konstantin Paustovsky đang có mặt trong khán phòng.

Sau buổi biểu diễn, Konstantin Paustovsky bước lên sân khấu. Marlene Dietrich nhớ lại: “Quá bất ngờ trước sự hiện diện của nhà văn, tôi không thể thốt ra một từ tiếng Nga nào, tôi không tìm được cách nào khác để bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với ông, ngoài việc quỳ xuống trước mặt ông”. Để kỷ niệm về cuộc gặp gỡ này, Marlene đã tặng nhà văn một bức ảnh có chữ ký của mình, còn Konstantin Paustovsky tặng bà tuyển tập truyện ngắn “Những mối tình đã mất” với dòng chữ: “Chị Marlene Dietrich quý mến, nếu tôi viết được một truyện ngắn nữa như “Bức điện”, thì tôi sẽ xin phép dành tặng chị”.

Nhưng mong ước ấy đã không trở thành hiện thực. Những năm sau đó, nhà văn thường xuyên chống chọi với bệnh tật và cố gắng giúp đỡ bạn bè của mình ở mức có thể. Ông lên tiếng bênh vực nhà văn Solzhenitsyn, cứu đạo diễn sân khấu Yury Lyubimov khỏi bị sa thải và ký một lá thư phản đối việc phục hồi danh dự cho Stalin. Konstantin Paustovsky trút hơi thở cuối cùng năm 1968.

Mười năm sau, năm 1978, nhà thiên văn học Nga Nikolay Chernykh phát hiện ra tiểu hành tinh số 5269. Ông đặt tên cho nó là Konstantin Paustovsky, để vinh danh nhà văn trên dải Thiên hà.

TRẦN ĐÌNH / Theo báo Nga / Văn VN

Việt Nam: Sau nhân viên y tế nay đến cán bộ, công chức ‘xin thôi việc’

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà – ảnh minh họa

Bộ Nội vụ Việt Nam đang thu thập thông tin từ cả 63 tỉnh thành về ‘làn sóng’ thôi việc nhà nước.

Các báo Việt Nam trong tháng 8 năm nay đưa tin Bộ Nội vụ nước này “mỗi ngày đều nhận được 1-2 báo cáo của các tỉnh, thành gửi về” liên quan đến số cán bộ, viên chức, công chức tự nguyện xin thôi việc.

“Tình trạng nhiều địa phương báo cáo về việc cán bộ công chức, viên chức xin thôi việc đang cho thấy nhiều lo ngại,” tờ Đại Đoàn Kết cho hay.

Tin nổi bật nhất là “làn sóng bỏ việc” ở đô thị 11 triệu dân, TP HCM.

“Trong văn bản gửi Bộ Nội vụ báo cáo tình hình cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022, cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng là 6.177 người.”

“Viên chức thôi việc nhiều nhất là trong khối giáo dục với 2.436 trường hợp, y tế là 2.145 trường hợp; trong khi các lĩnh vực sự nghiệp khác chỉ có 920 trường hợp”.

Có ba nguyên nhân chính là chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến và áp lực công việc, theo nguồn tin này.

Trang VTCNews hôm 18/08 có bài giải thích hiện tượng này, nêu một ví dụ công chức đã thôi việc với ý kiến rằng “hai lý do cơ bản nhất là lương không đủ sống, môi trường không phù hợp hoặc thấy mình không được coi trọng”.

 Tuy thế, bài viết kết luận:

“Thôi việc trong Nhà nước ra ngoài làm, nhìn ở khía cạnh nào đó, cũng là sự vận hành phù hợp với cơ chế thị trường, vì ai cũng muốn hướng tới công việc và môi trường làm việc tốt hơn, không “an phận thủ thường” như trước nữa.”

Trang truyền hình Quốc hội Việt Nam còn có riêng một phóng sự nêu khá đầy đủ các về nguyên nhân bỏ việc, với đa số viên chức được hỏi nói đến thu nhập thấp.

ĐANG THỪA HAY ĐANG THIẾU CÁN BỘ, CÔNG CHỨC?

Theo báo Lao Động (07/2022), Bộ Chính trị của Đảng CSVN quyết định tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 là 2,234 triệu.

Tuy nhiên bài báo không nói cụ thể con số này có gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hay không. Một số trang web khác khi nhắc đến con số công chức, viên chức đã ghi rằng tổng số biên chế công chức Việt Nam “không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã”.

Hồi 2016, một số báo Việt Nam trích chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách thì “con số này lên tới 11 triệu người” ở Việt Nam.

Sang năm 2017, báo Việt Nam tiếp tục viết, “11 triệu người hưởng lương từ ngân sách, bao gồm cả các đối tượng chính sách cho thấy gánh nặng chi lương là rất lớn. Việc giảm chi cho bộ máy đã từng bước được thực hiện song kết quả còn khá khiêm tốn”.

Người dân VN
Chụp lại hình ảnh,Công chức không phải là nhóm nghề nghiệp duy nhất bị tác động bởi lạm phát và bão giá tại VN, mà người lao động bình thường, dân tự do còn gặp khó khăn hơn về kinh tế

Hiện tượng nhân viên khu vực công bỏ việc xảy ra sau dịch Covid không phải là chuyện đặc thù của Việt Nam, mà có cả ở Anh, EU và các nước khác.

Công chức không phải là nhóm nghề nghiệp duy nhất bị tác động bởi lạm phát và bão giá tại Việt Nam, mà người lao động bình thường, dân tự do còn gặp khó khăn hơn về kinh tế.

Tháng 6 vừa qua, chính phủ VN có tổ chức cầu truyền hình trực tuyến với hàng nghìn công nhân phía Bắc để lắng nghe nguyện vọng của họ, chủ yếu về tiền lương.

Một số chính sách về thu nhập của công nhân đã được ban hành nhằm giúp họ chống đỡ với bão giá, nhưng các nhà quan sát cho là vẫn chưa đủ.

Theo BBC

Một Trung Quốc đã thấm mệt (Phần 2) – Giấc mơ Trung Hoa

Nguyễn Thọ: Xin được giới thiệu với độc giả bài viết đồ sộ về Trung Quốc của tác giả Nguyễn Tuấn, một doanh nhân đã nhiều năm lăn lộn ở Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan… Bài được chia thành hai phần để độc giả tiện theo dõi.

Tiếp theo Phần 1

Khi ông Tập trở thành lãnh tụ vào 2012 với ông Vương là quân sư, TQ bước vào một giai đoạn mới. Xã hội TQ đã là một xã hội tiêu thụ, chủ nghĩa cá nhân đã thấm sâu vào giới trẻ, nhiều thập kỷ của tích lũy tư bản hoang dã đã xói mòn niềm tin giữa người và người. Bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn.

Ông Tập và quân sư không thể nằm yên nhẫn nhục như ông Đặng vì nếu không sẽ muộn. Ông Tập và Vương phải cứu ĐCS TQ trước lúc những đổi thay của xã hội có khả năng vượt tầm kiểm soát. Đạp phanh cho sự xâm nhập của chủ nghĩa cá nhân kiểu Mỹ thông qua toàn cầu hoá trở thành cấp bách.

Việc đầu tiên ông Tập làm là chính sách “Đả hổ diệt ruồi”, một cách để loại trừ đối thủ chính trị và giảm bớt nạn tham nhũng trầm kha. Nhiều quan tham từ cao tới thấp xộ khám. Nhiều cựu ủy viên bộ chính trị hay trung ương từng hét ra lửa nhận tù chung thân. Nhiều cán bộ tầm trung ra pháp trường. Người Hoa có dịp hả hê nhìn những kẻ ngã ngựa.

Tin tưởng với lý thuyết của mình, giấc mơ Trung Hoa được nhắc đi nhắc lại và ông Tập chính thức đối đầu Mỹ khi đưa ra chính sách 2025 sẽ đuổi kịp Mỹ và 2050 TQ sẽ trở thành một nước tiên tiến. Theo lịch trình, chủ nghĩa Khổng Tử cũng như Marx được tôn sùng hoá. Trong một xã hội mà Quân Sư Phụ rạch ròi thì chủ nghĩa tự do cá nhân phải xuống hạng thứ yếu. Trên bảo dưới phải nghe, thiên tử giữ mệnh trời cai quản thiên hạ là lý thuyết của bao triều đại của nền văn minh Trung Hoa.

Có thể thấy được cái gì ông Tập và ông Vương đã làm để TQ không đi vào những con đường của Mỹ.

– Sờ gáy những đại công ty đang ngấp nghé chia xẻ cạnh tranh ảnh hưởng tới xã hội với đảng cầm quyền. Khi Jack Ma, chủ tịch tập đoàn Alibaba lên tiếng phê bình các ngân hàng nhà nước yếu kém thì sau đó không những phải về vườn mà của cải sau mấy tháng chỉ còn một nữa. Jack Ma vừa rồi viết một bức thư thống thiết xin dành phần đời còn lại của mình giúp đỡ cho nền giáo dục ở nông thôn. Baidu và Tencent cũng khạc ra mấy chục tỉ đô làm từ thiện và phủ phục cho chính phủ quản lý. Các CEO đều tự nguyện xuống lương và những người sáng lập các đại công ty dù còn trẻ vẫn về hưu. Về vấn đề lương bổng, CEO ở TQ nhận lương từ 10-20 lần lương trung bình người làm trong công ty mà còn bị xuống lương. Trong khi ở Mỹ lương CEO lớn hơn lương trung bình từ 200-700 lần và còn tiếp tục cao hơn. Qua đó ông Tập lấy lòng nhiều người lao động bình thường.

– Các thần tượng điện ảnh, âm nhạc lần lượt bị hạ bệ, ra đi không dấu vết. Tự do tôn sùng thần tượng xem như chấm hết. Âm nhạc điện ảnh tập trung xây dựng anh hùng “hảo hán”, lính bác Mao đánh lính Nhật Mỹ chạy toé khói. Lịch sử được viết lại. Ai kiếm soát được quá khứ thì kiểm soát tương lai, ai kiếm soát hiện tại thì kiếm soát quá khứ. Ông Tập kiểm soát được hết cả hai. Từ nay Hồng quân là lực lượng giải phóng TQ từ quân phiệt Nhật chứ chẳng phải Quốc Dân Đảng vốn là lực lượng hy sinh và có công nhiều nhất trong chiến tranh Trung Nhật.

– Internet vốn đem lại một khối lượng khổng lồ tin tức cho giới trẻ giờ bị tường lửa càng nặng nề. TQ xem như bế quan tỏa cảng. Chỉ còn CNN truy cập được nhưng cũng có lúc chập chờn. Tin nào không có lợi là bị cắt xén ngay.

– Một dân tộc, một chữ viết, một tiếng nói. Người Ngô Duy Nhĩ, người Tạng, người Mông và ngay cả người Quảng Đông, Quảng Tây cũng phải dùng tiếng quan thoại. Từ nay tiếng nói thiểu số không còn được dạy trong nhà trường. Các nhóm thiểu số phải phục tùng đa số, tự chọn bị đồng hoá. Sự trừng phạt người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương để đồng hoá họ là một sự nhức nhối về nhân quyền cho thế giới. 91% cư dân TQ tự nhận họ là người Hán mặc dù có rất nhiều sắc dân lớn như người Thanh không có nhiều huyết thống với người Hán. Không thể nào có một Martin Luther King cho Trung Hoa. Nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba được giải Nobel hoà bình nhưng chết trong lãng quên.

– TQ khuyến khích sinh đẻ, luật phá thai được xiết chặt. Các thành phố phải dành 20% số nhà xây dựng cho những gia đình thu nhập thấp. Chu cấp cho trẻ em được nâng lên. Ông Tập cấm dạy thêm học thêm sau giờ học ở trường. Điều đó làm nhiều cha mẹ tiết kiệm một số tiền lớn, hy vọng họ chịu khó đẻ nhiều hơn. Trẻ em chỉ được chơi game dưới 3 tiếng một tuần. Mục đích: số dân phải tăng. Các trường đại học minh bạch hoá việc tuyển chọn sinh viên, không có chuyện lý lịch (cái này thì những trường hàng đầu của Mỹ chắc không ưa, một số sinh viên của Ivy league của Mỹ được nhận vì thành phần gia đình hơn là học lực)

– Xã hội TQ trở thành số hoá cao độ, hầu như sự dịch chuyển cũng như hoạt động mỗi cá nhân đều có thể kiểm soát chặt bởi nhà nước. Camera nhận diện đấy đường. Nhân đại dịch COVID, nhà nước qua công nghệ AI (trí khôn nhân tạo) càng xiết chặt hơn nữa luật lệ. Thông tin cá nhân không còn quan trọng trong mục đích chống dịch tập thể. Một người vì mọi người.

– Áp đặt luật Anh Ninh Quốc Gia ở Hồng Kông, đưa vào tù những sinh viên trẻ măng. Tự do cá nhân ở Hồng Kông xem như không còn được bảo vệ bởi hiến pháp Hồng Kông được Anh và TQ đồng ý khi trao trả Hồng Kông về cho lục địa.

– Các phong trào như LBGT, #Metoo, nữ quyền bị dẹp bỏ. Hệ thống mạng xã hội cho những phong trào này chấm dứt không lời từ giã. Vừa rồi bà Bành Soái một cây quần vợt nổi tiếng thế giới tố cáo bà bị ép tình bởi cựu phó thủ tướng TQ, bà biến mất một tháng và sau đó như không có gì xảy ra, trên mạng các tin liên quan dĩ nhiên cũng biến.

– Năm 79, quân đội TQ trầy trật không dạy cho Việt Nam được một bài học thì dưới thời ông Tập, quân đội được hiện đại hoá, hải quân sắp có hàng không mẫu hạm thứ 3. Chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa được khơi dậy đến tối đa. Từ giáo dục cho đến phim ảnh, người Hoa xấu xí của Lỗ Tấn không còn, ngược lại những chiến binh chó sói (wolf warrior) tài năng vô hạn là một biểu tượng mới của Trung Hoa. Chuyện gì xấu ở Mỹ cũng được báo chí mổ xẻ cho toàn dân biết. Chuyện TQ chống dịch COVID thành công được xem như là một ưu việt của xã hội khi tự do cá nhân được hy sinh cho quyền lợi tập thể. Chính sách zero COVID đang làm điêu đứng mọi người nhưng chẳng ai dám lên tiếng. Giới tinh hoa TQ đang ngậm miệng như thóc.

Việc hai ông Tập và Vương đưa chủ thuyết “Giấc Mộng Trung Hoa” như một lộ trình cho sự trỗi dậy trong những thập kỉ tới đã biến sự cạnh tranh Mỹ Trung trở thành một sự cạnh tranh về ý thức hệ (ideology). Như thế một cuộc chiến tranh lạnh đương nhiên phải xảy ra như sự đối đầu Mỹ Xô của thế kỉ 20.

Mỹ là một quốc gia với một chế độ chưa bao giờ hoàn hảo. Vương Hồ Ninh đã đúng khi chỉ ra những khuyết điểm có tính hệ thống của xã hội Mỹ, nhưng những giải pháp ông Tập và Vương đưa ra cho TQ có thể là một thí nghiệm chẳng mấy sáng sủa gì cho một phần năm nhân loại. Cạnh tranh ý thức hệ có thể dẫn tới chiến tranh khi trật tự toàn cầu bị đảo lộn, khi một siêu cường được quyết định bởi một người. Cứ nhìn Putin quyết định xâm lăng Ukraine thì thấy sự nguy hiểm của nhà nước toàn trị.

Người Hoa cũng như tất cả mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc. Trong thế kỉ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, Trung Hoa bị các cường quốc Tây Phương xâu xé, từ chiến tranh nha phiến tới thảm sát Nam Kinh, rồi những trận đói kinh hoàng trong Cách mạng văn hoá, bao số phận con người chấm dứt trong bi thảm. Trong bối cảnh đó nhiều người Hoa phải tha hương cầu thực. Ở Mỹ đạo luật kỳ thị Chinese Exclusion Act từ 1883 cho tới 1943 không cho di dân người Hoa ở Mỹ được các quyền công dân buộc họ phải sống trong những Chinatown để tồn tại. Chỉ 40 năm qua, TQ không có những biến động và với những chính sách cho phép quyền sở hữu, cả một tỷ người làm việc ngày đêm mới có cơ ngơi hôm nay. Công lao phải kể đến những cải cách triệt để của Đặng Tiểu Bình và cộng sự của ông ở những thành phố lớn và đặc khu. Người Hoa giàu lên thì tự do cá nhân cũng được rộng rãi hơn. Đọc những tiểu thuyết của Mạc Ngôn, nhà văn được giải Nobel văn học thì cũng biết giới lãnh đạo TQ có chấp nhận một số lời nghịch nhĩ. Nhưng tới thời ông Tập thì không còn.

Tham vọng của ông Tập đưa TQ lên hàng đầu thế giới dựa trên một mô hình ý thức hệ chứa đầy rủi ro.

Ông Tập và Vương đều là những người uyên thâm về lịch sử kinh tế. Sự sụp đổ của Liên Xô đơn giản là vì mô hình tập trung kinh tế của Liên Xô không thể sản xuất ra của cải dồi dào như mô hình Mỹ. Loại trừ sự khát vọng của cá nhân về quyền sở hữu dẫn đến chẳng ai còn hứng thú trong công việc, không làm giàu được thì làm chăm chỉ làm gì. Ông Đặng mở ra cánh cửa tiền bạc và khát vọng tư hữu, người Hoa nào không biết phi thương bất phú và câu chuyện mèo trắng mèo đen?

Ông Tập khuyến khích những đầu tư do nhà nước quản lý ai cũng biết hiệu quả thấp hơn nhiều so với đầu tư tư nhân. Việc ông đem những công ty tư nhân năng động nhất phải chịu sự bảo hộ của Đảng CS TQ sẽ làm mất đi tính năng động rất cần trong thương trường. Jack Ma bị trừng phạt chỉ vì phê phán vài câu và muốn cạnh tranh với hệ thống tài chính nhà nước. Sau đó tất cả các tình hoa kinh tế phải cùng hoà bản đồng ca suy tôn lãnh tụ. Cuối cùng mô hình TQ có làm ra được nhiều của cải hơn Mỹ hay không? Sự tăng trưởng về năng xuất cá nhân sẽ quyết định ai thắng ai trong cuộc đua tranh lần này.

Những tiến bộ kỹ thuật người Hoa tận dụng để thay đổi TQ như tàu cao tốc, e-pay, Internet, 5G, chip bán dẫn, pin mặt trời, điện thoại thông minh không có cái nào được phát minh ở TQ. TQ học được từ sự chuyển giao công nghệ từ Mỹ và Tây Âu trong cơn sốt toàn cầu hoá và sự tham lam của tư bản tài chính Tây Phương không nghĩ đến đường dài. Vốn thông minh, người Hoa sao chép và có thể làm tốt hơn ở nhiều điểm cũng như chẳng tôn trọng tác quyền trí tuệ và một nguồn nhân lực dồi dào giúp giá thành rẻ hơn. 40 năm nay TQ chỉ được một giải Nobel về Y học về thuốc chống sốt rét được nghiên cứu trong những năm 70. Vài chục năm nữa chưa chắc có giải khác vì cung cách đầu tư cho khoa học không phải để đi đến tận cùng của học thuật. Các đại học TQ không có độc lập về học thuật cũng như tài chính. Giáo sư do nhà nước bổ nhiệm và không lựa lời mà phát biểu thì mất nồi gạo như chơi. Với một môi trường như thế thì rất khó cho những đột phá tư duy.

Giới làm ăn TQ chờ Mỹ có gì thì sẽ kiếm một phiên bản sao chép. Có Uber thì có Didi, có Google thì có Baidu, có Amazon thì có Alibaba… Lúc Mỹ và Tây Phương hiểu ra và đối phó thì TQ ngấm đòn. Sự cấm vận về kỹ thuật cao của Mỹ gây rất nhiều trở ngại khó vượt qua. Thí dụ điển hình là hãng Huawei đang hùng hổ đòi lắp đặt hệ thống mạng 5G cho toàn thế giới và vượt Apple trong điện thoại thông minh. Hơn một năm sau khi Mỹ cấm bán chip cao cấp Huawei phải bán phần làm điện thoại cho hãng khác vì không có chip 5G và phần mạng 5G cũng mất bao khách hàng. Thương vụ của Huawei mất hơn 70 tỉ đô một năm. Trước lúc Mỹ cấm vận thì Huawei khẳng định lúc nào họ cũng có chip thay thế Made in China. Ông Tập và ông Vương không biết rằng để làm những cái chip đứng đầu thế giới, bao nhiêu sáng tạo từ những cá nhân người Mỹ và thế giới đã bỏ vào. Sự sáng tạo lúc nào cũng đi đôi với tự do cá nhân, phải làm khác, nghĩ khác, không vào đường mòn người khác đã đi và nhất quyết không có hô khẩu hiệu suy tôn lãnh tụ.

Tự do cá nhân là một phần của đời sống Mỹ, tạo ra bản sắc của xã hội Mỹ dù tích cực hay tiêu cực. Có thể sau những khủng hoảng này, người Mỹ mọi màu da có thể tìm được một khế ước để chung sống mà vẫn giữ được tự do cá nhân tương đối cho mình. Hệ thống giáo dục của Mỹ trong vài thế hệ tới sẽ góp phần xóa nhòa ranh giới về sự khác biệt chủng tộc, xây dựng một đồng thuận tương đối mà mỗi cá nhân có thể giữ được bản sắc riêng. Trong các trường đại học hàng đầu của Mỹ số sinh viên da màu đã xấp xỉ gần một nửa, bằng sinh viên da trắng. Giải pháp đó chẳng phải nhân bản hơn là sự áp đặt chuyên chính triệt tiêu tự do cá nhân như cách của Vương. Trong xã hội ông Tập, trăng Trung Hoa tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Trung Hoa tốt hơn đồng hồ Thuỵ sĩ. Không ai dám nói khác để bị đánh hội đồng. Người Hoa, qua những thăng trầm của lịch sử, biết cách giữ mình, họ ngoài mặt đồng tình với ông Tập mà chắc gì trong lòng đã ưa.

Huyền thoại về một “Mô hình tư bản mang bản sắc TQ chẳng bao giờ khủng hoảng” thật ra nằm trong sự tư hữu đất đai bởi nhà nước. Theo hiến pháp toàn bộ đất đai ở TQ thuộc về toàn dân do nhà nước quản lý. Mỗi năm chính phủ cho thuê đất để xây nhà có thể thu về hơn 1.500 tỉ đô, hơn 10% tổng sản lượng nội địa. Ngoài ra ngân hàng nhà nước và các công ty xây dựng nhà nước sở hữu một số nợ khổng lồ từ người mua nhà. Với thặng dư mậu dịch và nguồn nội tệ dồi dào, các nguy cơ khủng hoảng đều được giải quyết bởi các gói kích cầu khổng lồ. Những xa lộ ngang dọc TQ nhiều lúc vắng hoe hoặc những kiến trúc khủng đến từ những nguồn tiền đó.

Nhưng đất đai không phải vô tận, số người mua nhà cũng giảm dần vì dân số giảm đi. Số nhà tồn kho có thể ở hơn 70 triệu người. Huyền thoại không khủng hoảng cũng có thể chấm dứt. Số nợ của các chính phủ địa phương đã lên tới 45% tổng sản lượng nội địa. Có thể thấy vì sao các thành phố TQ bây giờ đều hoành tráng, tất cả đều từ nợ công địa phương. Các công ty TQ cũng nợ như chúa chổm hơn 160% tổng sản lượng nội địa. Sở dĩ chưa dẫn tới khủng hoảng vì đa số nợ thanh khoản bằng tiền nhân dân tệ. Sự chạy nợ của công ty địa ốc lớn nhất Evergrande cho thấy: Đất bắt đầu chuyển dưới chân.

Từ mấy tháng vừa rồi, ủy ban điều tra trung ương tuyên bố điều tra 5, 6 lãnh đạo cao cấp nhất của ngành bán dẫn (semiconductor). Sau khi bơm hàng trăm tỉ Mỹ kim để đưa ngành này trở nên đối thủ của Đài Loan và Mỹ, ông Tập phải cay đắng chấp nhận mấy con chip của TQ vẫn lẹt đẹt thua xa người anh em cứng đầu Đài Loan, còn lâu mới kịp chip của Qualcomm, Intel. Chính phủ TQ vừa rồi phải bỏ thêm hàng chục tỉ đô cứu tập đoàn chip Thanh Hoa, nhiều cái đầu sẽ rơi trong thời gian tới.

Sau 10 năm cai trị của ông Tập, thất nghiệp của những người trẻ ở TQ bây giờ rất cao. Đến 20% người tuổi từ 20-24 không có việc làm. Lạm phát phi mã nhất là các thành phố lớn. Tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 sẽ khoảng 5%, thấp nhất trong 40 năm. TQ nhập cảng đến 60% năng lượng và một lượng lớn lương thực. Với một GDP còn thua Mỹ, lượng khí thải nhà kính lại gần gấp đôi Mỹ. Điều đó nói lên sự bất tối ưu trong sản xuất.

Năm 2022, ông Tập sẽ chấp chính nhiệm kì thứ 3 trở thành lãnh tụ tối cao vĩnh viễn. Ông Vương với vị trí quân sư sẽ tiếp tục đường lối trấn áp tự do cá nhân, chuẩn bị tinh thần cho người Hoa vượt Mỹ.

Nhưng ở 2022, một nước Trung Hoa cũng đã thấm mệt!

Nguyễn Tuấn / Theo Tiếng Dân

Dân Trung Quốc cảm thấy mất mặt

Trong số 1 tỷ 400 triệu người Trung Hoa không chắc có trăm ngàn người biết tên Nancy Pelosi; trong số đó họa may chỉ mấy chục ngàn biết bà này là chủ tịch Hạ viện Mỹ. Số người biết bà có thể lên thay ông Joe Biden, sau bà phó tổng thống, chắc chỉ có một vài ngàn.

Bỗng dưng cả nước Tàu trong lục địa biết đến tên Nancy Pelosi. Chỉ nhờ guồng máy tuyên truyền, ngoại giao và quân sự làm ồn ào lên án “Phi Lạc Tây,” phiên âm tên Pelosi, đọc lối Hán Việt. Họ coi đây là một hành động khuyến khích Đài Loan độc lập, xâm phạm vào chủ quyền Trung Quốc.

Trước khi bà Pelosi bay tới Đài Bắc, ông Trịnh Lập Kiên (Zhao Lijian, 赵立坚), phát ngôn viên bộ ngoại giao nổi tiếng là “Sói Chiến đấu,” viết trên báo báo Nhân Dân rằng: “Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.” Gần ba triệu người vào mạng đọc bài này, theo báo The New York Times. Ông dọa rằng Quân đội Nhân dân “sẽ không ngồi yên!”

Ngày hôm sau, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin, 胡锡进), nguyên chủ bút tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo của đảng Cộng sản, đề nghị bắn rớt chiếc máy bay chở bà Pelosi đến Đài Loan. Ông kêu gọi 25 triệu người vẫn theo ông trên mạng Vi Báo (Weibo, giống như Twitter), nuôi căm thù những kẻ địch. “Chúng ta sẽ đánh trả mạnh mẽ bọn Mỹ và Đài Loan, chúng sẽ phải hối hận.”

https://c9e9bcfe8dd6e80edeeb82999eb19bd3.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html

Sau khi bà Pelosi đã tới Đài Loan rồi, mạng cá nhân của ông Hồ Tích Tiến trên Weibo bị tràn ngập vì nhiều người đã vào để chế nhạo. Có người, ký tên @KAGI_02, viết: “Nếu tôi là ông, tôi sẽ mắc cỡ từ nay không dám hó háy nói một lời nào nữa, cho đến ngày thống nhất được Đài Loan!”

Cùng ngày với ông Hồ Tích Tiến, bộ chỉ huy Quân khu miền Đông, trong đó bao gồm cả Đài Loan, đưa lên Weibo lời hứa hẹn sẽ “chôn vùi đám quân xâm lược!” Hàng triệu người bấm nút “thích” câu này, trong đám hơn 47 triệu người vào coi các video chiếu cảnh đạn bay, bom nổ.

Qua ngày thứ Năm 28/7, cơ quan thông tấn của Bắc Kinh thuật lời Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Joe Biden qua điện thoại, khuyên nước Mỹ không nên “đủa với lửa!”

Thế rồi, ngày 2 tháng Tám, bà Nancy Pelosi bay tới Đài Bắc, hạ cánh an toàn. Không bị bắn hỏa tiễn, không thấy chiến đấu cơ bay lên ép phải chuyển hướng. Phản ứng mạnh nhất của Trung Cộng là đưa không quân, hải quân tới vây quanh quanh hòn đảo suốt mấy ngày. Nhưng cuộc biểu dương sức mạnh chỉ diễn ra sau khi bà Pelosi đã bay đi rồi.

Dân trong lục địa cảm thấy mất mặt. Chính quyền Cộng sản mất mặt. Tập Cận Bình mất mặt. Cả nước mất mặt. Lâu nay dân Trung Hoa ít khi dám công khai chỉ trích nhà nước, trừ các quan chức địa phương. Nhưng lần này nhiều người đã lên tiếng, trên các mạng xã hội. Họ tấn công thẳng vào uy tín của chính quyền trong một thời gian, khi chưa bị kiểm duyệt đục mất.

Một người viết trên mạng Weibo, nói thẳng: “Mất mặt quá!” Và khuyên: “Nếu không đủ sức thì đừng dọa dùng vũ lực!” Trên Weibo, theo bài báo của Li Yuantrên New York Times ngày 4 tháng Tám, 2022, một người ký biệt danh @shizhendemaolulu, chế nhạo: “Khi Trung Quốc nói ‘cực lực lên án,’ hay ‘long trọng tuyên bố,’ những chữ này chắc chỉ dùng để nói với đám dân đen chúng tôi thôi!” Rồi, giống người Việt Nam hay nói: “Ác với dân! Hèn với giặc!” cũng viết thêm: “Khi cai trị dân thì cứng rắn, đối với nước ngoài thì hèn nhát!” Kết luận: “Hoàn toàn thất vọng!”

Bên cạnh nỗi tức giận là tâm trạng hổ thẹn. Có người xưng là đảng viên nói cảm thấy xấu hổ quá, sẽ xin ra khỏi đảng. Một cựu quân nhân, dùng biệt hiệu @xiongai, viết, “Tức quá ngủ không nổi!” và nói rằng từ nay ông sẽ không bao giờ kể kinh nghiệm cuộc đời chiến đấu của mình với ai nữa. Những lời tâm sự này xuất hiện trên Weibo rồi bị cắt.

Một trang mạng của bộ quốc phòng Trung Cộng đã trở thành mục tiêu cho độc giả tỏ thái độ bất mãn, dù họ vào chỉ được coi các video chiếu cảnh quân đội tập dượt. Li Yuan kể rằng có người so sánh “Quân đội Nhân dân” với đội tuyển bóng đá của nước Tàu. Từ năm 1957, đội tuyển quốc gia Trung Quốc chỉ đủ điều kiện tham dự giải Bóng tròn Thế giới (World Cup) đúng một lần, năm 2002. Sau ba trận không làm được bàn nào, thua Costa Rica 2 bàn, thua Brazil 4 bàn, thua Thổ Nhĩ Kỳ 3 bàn, đã bị loại ngay vòng đầu. Có độc giả ngỏ lời khuyên Giải phóng Quân đừng biểu dương chung quanh đảo Đài Loan nữa “để tiết kiệm xăng nhớt!” Một người góp ý kiến: “Đúng! Giá xăng dầu đang lên cao quá!”

Có ý kiến trên mạng dám nói thẳng: “Chính quyền không xứng đáng cai trị những người dân đã đợi bao nhiêu ngày giờ, chờ chứng kiến lịch sử diễn ra trước mắt mình.” Có người mỉa mai: “Đại Cường Quốc! Đúng là khôi hài!”

Những lời phê bình, than thở và nhạo báng của các công dân mạng cho thấy bộ máy tuyên truyền của Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn thất bại. Tập Cận Bình đã cổ vũ tự ái dân tộc của người Trung Hoa, gợi lại nỗi nhục của người Trung Quốc trong thế kỷ 19, tố cáo Mỹ bao vây Trung Quốc, để hướng mọi nỗi bất mãn về “kẻ thù” ở bên ngoài. Tập Cận Bình khoe Trung Quốc mạnh mẽ hùng cường, sẽ đứng đầu thế giới. Bây giờ dân Trung Quốc cảm thấy xấu hổ hơn.

Chương trình “Phục Hưng Quốc gia 2049” của Tập Cận Bình bao gồm cả việc thống nhất Đài Loan. Ông nói rằng mục tiêu đó “không thể trì hoãn vô thời hạn!” Nhưng đối với Tập Cận Bình mục tiêu quan trọng nhất là củng cố quyền lực của mình. Cuộc họp Trung ương Đảng trong tháng này chuẩn bị cho Đại hội Đảng vào tháng 11 năm nay sẽ đưa ông lên làm chủ tịch thêm 5 năm nữa và có thể kéo dài vô hạn định. Tập Cận Bình đang ở thế lưỡng nan; một mặt phải đóng vai “người hùng” trước mắt dân chúng, mặt khác phải tránh không gây một cuộc chiến tranh trước ngày họp đại hội. Nhất là một cuộc chiến không thể nào thắng!

Chiến tranh Ukraine là một bài học Tập phải suy ngẫm. Vladimir Putin tưởng rằng sẽ đánh chiếm được Ukraine ngay trong một tuần lễ; bây giờ đang sa lầy trong một cuộc chiến dai dẳng không biết bao giờ ngưng, mà càng kéo dài càng bất lợi.

Hai tuần sau khi Nancy Pelosi thăm Đài Loan, một phái đoàn dân biểu Mỹ, 4 Dân chủ, một Cộng Hòa lại mới theo chân bà qua thăm Đài Bắc. Trung Cộng lại dọa sẽ biểu diễn không quân, hải quân một lần nữa, rồi sẽ ngưng. Tập Cận Bình chấp nhận bị mất mặt. Dân chúng Trung Hoa cũng đành chấp nhận.

Báo New York Times kể chuyện một nhà văn Trung Quốc đi thăm Ba Lan mấy tháng mới về, ông viết trên mạng WeChat, bàn về kinh nghiệm Nga đang thất bại ở Ukraine. Ông bảo, mọi người nên mừng rằng đêm Thứ Ba vừa rồi (ngày Nancy Pelosi đến Đài Bắc) không xẩy ra chuyện gì hết. “Quý vị được tiếp tục sống bình thường, trả góp tiền nợ mua nhà, sáng mai tới sở đi làm, thử test coi bị Covid không, và tiếp tục sống… Hãy cầu nguyện mừng cho chính mình và những người thân của mình vẫn còn sống nguyên, thoát một cơn bão tố.”

Tập Cận Bình cũng đang cầu nguyện như vậy, để được bình yên leo lên ngôi hoàng đế. Các công dân mạng ở Trung Quốc cảm thấy nhục nhã và nổi giận là đúng. Nhưng rồi họ sẽ quên. Sống dưới ách cường quyền mãi cũng thành quen. Người Trung Hoa đã từng sống dưới chế độ hà khắc của người Mãn Châu từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20.

Ngô nhân Dụng / Theo Diễn đàn Thế kỷ