7 kỳ quan kiến trúc bị thế giới lãng quên

Những công trình tuyệt đẹp và ấn tượng được xây dựng công phu này lại được rất ít người biết tới.

1. Tòa nhà quốc hội, Romania

Là công trình dân dụng lớn nhất, đắt nhất và nặng nhất thế giới, tòa nhà quốc hội ở Bucharest lại là một kỳ quan hiếm ai biết tới. Được xây dựng vào năm 1984, tòa nhà theo phong cách tân cổ điển này có 12 tầng (thêm 8 tầng hầm bên dưới), với 3.100 phòng và tổng diện tích lên tới 330.000 m2.

Bên trong tòa nhà quốc hội của Romania.
Bên trong tòa nhà quốc hội của Romania.

Chi phí xây dựng công trình này là 3,3 tỷ euro. Các tấm thảm ở tầng chính trải dọc những hành lang rộng được dệt bên trong tòa nhà lúc thi công. Việc dệt bên ngoài rồi đưa vào là bất khả thi do diện tích quá lớn.

2. Thánh đường Hồi giáo Djenne, Mali

Được xây dựng vào năm 1907, thánh đường Hồi giáo Djenne là công trình xây từ bùn đất lớn nhất thế giới. Toàn bộ công trình xây từ gạch đất phơi khô và vữa trộn từ bùn hoặc thạch cao. Đây được coi là một trong những công trình vĩ đại nhất của kiến trúc Sudano-Sahel và được công nhận là di sản thế giới bởi UNESCO vào năm 1988.

Công trình đồ sộ này được làm hoàn toàn từ bùn đất.

Ba tòa tháp của thánh đường được trang trí bằng các thân cọ. Mùa hè khắc nghiệt ở Bắc Phi khiến các kẽ nứt trong bùn rộng ra và làm công trình suy yếu. Trước khi mùa mưa tới, người dân địa phương tập trung lại và trát một lớp đất sét mới lên.

3. Pháo đài Derawar, Pakistan

40 tháp canh đồ sộ của Derawar sừng sững giữa sa mạc Cholistan cùng với hệ thống tường bao tạo nên tuyến phòng thủ dài 1.500 m và cao tới 30 m.

Việc tới pháo đài đồ sộ này không thuận tiện với các du khách.
Việc tới pháo đài đồ sộ này không thuận tiện với các du khách.

Nhiều người không biết đến công trình này, thậm chí phần lớn người Pakistan không hay biết sự tồn tại của nó. Điều đó không có gì lạ: để tới được pháo đài, du khách phải thuê người dẫn đường có xe dẫn động 4 bánh từ thành phố Bahawalpur băng qua sa mạc  Cholistan để tới pháo đài. Tại đây, du khách phải được sự cho phép của tiểu vương mới được vào trong.

4. Chand Baori, Ấn Độ

Chand Baori ở Rajasthan là một giếng nước sâu khoảng 30 m với các cầu thang đôi dẫn xuống đáy nước xanh biếc. Với 3.500 bậc thang, Chand Baori là một trong những giếng nước dạng này sâu và rộng nhất thế giới.

Công trình tuyệt đẹp này vừa có tính hữu dụng, vừa đầy tính nghệ thuật.
Công trình tuyệt đẹp này vừa có tính hữu dụng, vừa đầy tính nghệ thuật.

Được xây dựng bởi vua Chanda triều Nikumbha vào khoảng 800 – 900 năm sau Công Nguyên, thiết kế của Chand Baori vừa thực tế, vừa đầy chất nghệ thuật. Do kiến trúc của giếng, phần đáy mát hơn trên bề mặt rất nhiều, một điều tuyệt vời giữa không khí nóng bức của Rajasthan.

5. Stari Most, Bosnia-Herzegovina

Cây cầu lịch sử này được xây từ 456 khối đá vào năm 1566 bởi kiến trúc sư MimarHajrudin. Stari Most nằm ở thành phố Mostar và bắc ngang sông Neretva.

Cầu Stari Most
Cầu Stari Most bắc qua sông Neretva.

Với chiều rộng 4 m, chiều dài 30 m và chiều cao 24 m, đây là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất Bosnia-Herzegovina và cũng là một trong những ví dụ điển hình về kiến trúc Hồi giao ở vùng Balkan. Người dân nơi đây có truyền thống lao từ trên cầu xuống dòng nước lạnh giá của sông Neretva để thể hiện lòng can đảm và tài bơi lội của mình.

6. Trường Thành của Ấn Độ

Chắc hẳn ai cũng biết tới Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, nhưng ít người biết Ấn Độ cũng có một công trình tương tự.

Trường Thành của Ấn Độ, hay còn được gọi là Kumbhalgarh, nằm tại Rajasthan và là tường thành dài thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau công trình nổi tiếng của Trung Quốc. Một số đoạn tường thành dày tới 4,5 m, kéo dài 36 km với 7 cổng lớn.

Trường Thành của Ấn Độ là tường thành dài thứ hai trên thế giới.

Trường Thành của Ấn Độ là tường thành dài thứ hai trên thế giới.

RanaKumbha , một tiểu vương của Rajasthan, đã cho xây dựng tường thành vào năm 1443 để bảo vệ pháo đài của mình. Theo truyền thuyết, ông không thể hoàn tất công trình dù đã dùng đủ mọi cách. Cuối cùng, tiểu vương đã nhờ tới cố vấn tâm linh và được khuyên phải hiến tế. Một người đã tình nguyện hi sinh và ngày nay, cổng vào chính nằm trên nơi người đó ra đi và một ngôi đền được dựng tại nơi chôn đầu của anh ta.

Tường thành được mở rộng vào thế kỷ 19 và giờ bên trong có tới 360 đền miếu lớn nhỏ, nhưng đây vẫn là một kho báu kiến trúc ít người biết tới trên thế giới.

7. Thánh đường Hồi giáo Sheikh Lotfollah, Iran

Đây là một kiệt tác của kiến trúc Safavid nằm giữa quảng trường Naghsh-iJahan, thành phố Isfahan. Công trình duyên dáng và trang nhã này được xây dựng vào khoảng năm 1603-1619 dưới thời Shah Abbas I.

Trần nhà lộng lẫy của thánh đường.
Trần nhà lộng lẫy của thánh đường.

Điều đặc biệt là thánh đường này không có tháp hay sân trong, có thể đó là do Sheikh Lotfollah không phải một công trình công cộng mà chỉ có vai trò là nơi cầu nguyện của các cung phi.

Mái vòm được lát đá đổi màu theo thời điểm trong ngày, từ màu kem tới màu hồng. Bên trong thánh đường, du khách không khỏi choáng ngợp trước sự phức tạp của các tranh khảm trên tường cũng như trần nhà tuyệt đẹp. Ánh mặt trời lọt qua những cửa sổ trên cao tạo nên sự giao hòa ấn tượng giữa ánh sáng và bóng tối.

Theo Zing

Một vụ tự tử vì cà phê

Khi ngành cà phê nở rộ trong suốt thập niên 1870, những doanh nghiệp nhập khẩu nhiều cà phê đã thu được nguồn lợi khổng lồ, nhưng là với nguy cơ rủi ro cao.

Có một nghiệp đoàn của Mỹ, những nhà nhập khẩu nổi bật trên bức tranh cà phê, bao gồm ba công ty nổi tiếng được gọi là Bộ ba Tam hùng: B.G Arnold cùng Bowie Dash & Co tại New York, và O.G Kimball & Co tại Boston.

Đứng đầu là B.G Arnold, được xưng tụng là “Napoleon trong ngành cà phê” và là một gương mặt điển hình đại diện cho một trường phái mới của giới cà phê nhân, mà một người trong giới đã miêu tả ông ta là “sinh ra để buôn bán, sinh ra đã là một chiến binh và là một phù thủy kinh doanh, một nhà buôn giàu kinh nghiệm về chính trị, thời tiết và địa lý”.

Theo một người sống cùng thời, trong 10 năm, Arnold “đã cai trị thị trường cà phê nước này, chuyên quyền tuyệt đối như bất cứ một vị vương tôn kế vị ngôi vua nào cai trị vương quốc của ông ta”.

Hãng R.G Dun đã đánh giá rủi ro tín dụng trong kinh doanh trong suốt thời đại hoàng kim của B.G Arnold, và những báo cáo của đại diện hãng này về công ty của Arnold, đang tiến dẫn đến kết thúc thảm bại vào năm 1880, đã kể một câu chuyện của riêng họ:

Ngày 6/1/1872: Người ta nói rằng doanh nghiệp này đã kiếm được một triệu trong năm qua, đã độc quyền buôn bán cà phê… Việc kinh doanh của họ chủ yếu là đầu cơ.

Ngày 5/6/1875: Giá trị công ty ước tính ít nhất là 1,5 triệu đôla. Rốt cuộc, họ kiếm được một số tiền lớn nhờ những phi vụ cà phê. Đôi khi thị trường bất lợi với họ nhưng sau đó nó vực dậy được và lấy lại còn nhiều hơn mất đi.

Thế rồi, vào năm 1878, mọi người thấy đã rõ ràng rằng São Paulo, Brazil, sẽ làm cả thị trường cà phê ngập lụt. Bộ ba Tam hùng vật vã duy trì quyền kiểm soát trên thị trường, nhưng thủy triều đã rút. Hai năm sau đại diện bên Dun viết:

Ngày 20/10/1880: Cho đến lúc này, người ta đã biết công ty này thua lỗ nặng nề, nhưng họ không bị chao đảo nhiều lắm.

Trong nhiều năm, nghiệp đoàn của B.G Arnold, Bowie Dash và O.G Kimball đã tự ra giá cà phê Java. Khi cà phê nhân Brazil lại bắt đầu ồ ạt quét qua thị trường, Bộ ba Tam hùng ngày càng khó có thể nắm giữ quá nhiều lượng hàng trữ sẵn để đưa ra giá hời. Trong khi tính đến thời điểm ấy, họ đã chuyên môn hóa vào chất lượng cà phê Java, thì bây giờ họ bắt đầu mua nhân cà phê Brazil với nỗ lực tuyệt vọng đẩy giá lên cao.

Vào tháng 10, một công ty nhập khẩu đã thất bại nhưng người ta cho là do nó đã mở rộng quá đà. Vào ngày 25/10, một công ty nhập khẩu trà đã bị phá sản. Front Street (tên tắt cho địa hạt cà phê này) lo lắng thấp thỏm trước một cơn cuồng phong tiếp theo.

tu tu vi ca phe anh 1
Tranh: Getty Images.

Thứ bảy ngày 4/9/1880, O.G Kimball chết ở Boston. Chỉ mới 42 tuổi, như người ta biết, ông ta không có vấn đề bệnh tật gì.

Vào tối thứ bảy định mệnh ấy, ông ta đi đánh bài, theo như một người bạn, ông ta đã “cực kỳ cố gắng để trông có vẻ như hoan hỉ một cách bất thường”. Ông ta thôi chơi trước cả bà vợ vào lúc 10 giờ. Một tiếng sau, bà ta phát hiện ra chồng đã chết trên giường ngủ.

Tin này đã đánh một cú nặng nề vào thị trường cà phê New York vào sáng thứ hai. Một phóng viên New York Times đã viết vào ngày 8/12:

“Việc cái chết ấy trên thực tế làm công ty của ông ta tan rã đã khiến cho những chủ nợ phải nuốt nghẹn một cách khá tức tưởi khi biết chính xác tình trạng những sự vụ kinh doanh của ông ta. Nó cũng khiến cho uy tín của B.G Arnold & Co mai một”. Báo chí ngày hôm đó đưa tin ông ta chết vì “sung huyết phổi”, nhưng lại còn thêm rằng “cái chết này đến nhanh chóng bởi ông ta đã quá lo lắng vì chuyện làm ăn thua lỗ trong mấy tháng gần đây”.

Tin đồn cho rằng đây là một vụ tự tử đã bay khắp các ngõ ngách – mặc dù bạn bè Kimball đã phủ nhận việc này. Dù thế nào thì cái chết của ông ta cũng đặt dấu chấm hết cho hai ông bạn cùng cánh trong nhóm Tam hùng.

Vào ngày 8/2, tờ Journal of Commerce ở New York đã phủ nhận nghi vấn B.G Arnold & Co đóng cửa. Tác giả bài báo đó viết:

“Ban đầu chẳng ai đoái hoài gì đến thông tin này, vì hãng ấy đã luôn có tiếng nhất về tình trạng tài chính ổn định, và họ kinh doanh trên quy mô lớn. Nhưng đến giữa ngày, thì tuyên bố chính thức được đưa ra”.

Về sau, người ta mới phát hiện ra rằng công ty này đã bỏ lại khoản nợ trên hai triệu đôla. Tương tự, tờ New York Times đã viết: “Hôm qua, những người trong giới kinh doanh đủ các thành phần đều bất ngờ và sốc với tuyên bố B.G Arnold & Co, hãng buôn cà phê lớn nhất nước Mỹ… đã sụp đổ”.

Ngày tiếp theo, ngày 9/12, không ai có thể bán được một nhân cà phê nào. “Chẳng ai hứng thú làm ăn, ai ai cũng xét nét người hàng xóm của mình”, Abram Wakeman, người buôn bán cà phê kỳ cựu ôn lại.

Hai ngày sau, Bowie Dash & Co đình chỉ các giao dịch, với những khoản nợ 1,4 triệu đôla. Thất thoát vì cà phê có thể tính đến gần 7 tỷ đôla vào năm 1880, thêm 3 tỷ nữa bốc hơi vào năm sau.

“Lịch sử của ngành kinh doanh cà phê ở Mỹ trong 12 tháng năm 1880 ghi một kỷ lục thua lỗ và thảm họa như chưa từng có”, Francis Thurber nhận xét.

Theo Zing / Sách hay Mark Pendergrast / NXB Lao Động

7 đặc điểm của người dễ thất bại trong cuộc sống

Người dễ thất bại thường bao biện, hay đổ lỗi cho người khác, giao tiếp thiếu tự tin, dễ dàng bỏ cuộc và không chủ động trong mọi việc.

7 đặc điểm của người dễ thất bại trong cuộc sống

Luôn bao biện:Theo Business Insider, khi làm sai, viêc giải thích cho lỗi lầm của mình là điều đúng đắn trong công việc. Nhưng điều này lặp đi lặp lại, việc thường xuyên phải bào chữa cho sự thất bại của mình khiến bạn có nguy cơ trở thành kẻ thất bại.

Không học hỏi từ những sai lầm: Ray Dalio, người sáng lập của Bridgewater Associates, nói rằng thành công của anh phần lớn là nhờ vào khả năng học hỏi từ những rủi ro: “Mỗi sai lầm có thể phản ánh điều gì đó mà tôi đã làm sai, vì vậy, nếu có thể tìm ra đó là gì, tôi có thể học cách để thành công hơn”. Sai lầm là một phần của việc học. Những người sợ mắc lỗi không thể học hỏi. Những người không thể học những điều mới sẽ không đạt được nhiều thành tựu ngoài những gì họ đang có và có thể làm được.

Dễ dàng bỏ cuộc: Thành công cần có sự cam kết và kiên trì. Nếu luôn từ bỏ các dự án để tìm kiếm điều tốt nhất tiếp theo, bạn đang tự tạo cho mình sự thất vọng. Những người không thành công cũng thường chần chừ, hay trì hoãn và lãng phí thời gian khi làm việc nào đó. Câu nói thường xuyên của họ là “Điều đó không thể/rất khó thực hiện được”.

Hay tranh cãi về điều nhỏ nhặt: Người nhỏ mọn là người có đầu óc nhỏ nhen. Họ quá cố chấp với những điều vô nghĩa tầm thường hay để ý đến hành động của đồng nghiệp và thường tranh cãi về vấn đề nhỏ nhặt.

Kéo người khác xuống: Khả năng cạnh tranh không phải là đặc điểm xấu. Mọi người đều muốn được công nhận và giành chiến thắng. Bạn chỉ cần đảm bảo tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện bản thân thay vì nói xấu và gây hại đồng nghiệp. Những người khó thành công cũng thường xuyên đổ lỗi cho người khác về những thất bại của chính mình. Họ không muốn tự chịu trách nhiệm về vấn đề của chính họ.

Không chủ động: Theo Huff Post, nếu muốn thành công và đạt được thành tựu, bạn không nên chỉ giải quyết những việc được yêu cầu. Đề xuất loại bỏ ý tưởng lỗi thời, chủ động đưa ra ý tưởng mới sẽ giúp bạn được chú ý và vượt xa sự mong đợi của người khác về bạn.

Giao tiếp kém: Giao tiếp tốt cần phải thực hành và nó rất quan trọng để thành công. Ngôn ngữ cơ thể của người dễ thất bại cũng thể hiện sự thiếu tự tin của họ. Không tự tin giao tiếp bằng mắt, tư thế đứng khom lưng và bồn chồn là một vài thói quen xấu về ngôn ngữ cơ thể mà những người không thành công thường mắc phải.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Mirror: Quan chức thân cận ông Putin bí mật liên lạc với phương Tây muốn chấm dứt chiến tranh

Trang Mirror của Anh ngày 14/8 vừa qua đưa tin, một quan chức cấp cao “nặng ký” của Điện Kremlin đã bí mật liên lạc với các nước phương Tây nhằm tìm kiếm chấm dứt chiến tranh.

Ảnh: Presidential Executive Office of Russia/Wikipedia
Theo nguồn tin từ Mirror, một báo cáo được lan truyền trong giới tình báo của các nước phương Tây chỉ ra một quan chức cấp cao trong Điện Kremlin đã bí mật liên lạc với CIA Mỹ hoặc các nhà ngoại giao phương Tây, đề nghị quan tâm đến đàm phán và hy vọng kết thúc chiến tranh với Ukraine. Quan chức cấp cao đó cho rằng Điện Kremlin đang hoảng loạn và rất muốn chiến tranh kết thúc.

Quan chức cấp cao thân cận với ông Tổng thống Nga Putin được cho là đã bị sốc trước các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây và suy thoái kinh tế Nga do chiến tranh gây ra. Một số nhân vật của Điện Kremlin sợ rằng ngày càng có nhiều rủi ro đáng lo ngại, chẳng hạn như vụ hỏa lực giữa Ukraine và Nga xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu, khiến nhà máy điện hạt nhân này liên tục bị pháo kích. Về vấn đề này, Thị trưởng Dmytro Orlov của thành phố Enerhodar miền đông nam Ukraine thừa nhận rằng “nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân đang tăng lên từng ngày”.

Thông tin trích dẫn các nguồn tin cho biết, quan chức cấp cao này là một “trụ cột của chính quyền Nga” (pillar of the regime in Russia), ông ta đã có các cuộc tiếp xúc riêng với các nước phương Tây mà ông Putin không hề hay biết. Quan chức cấp cao này cũng tiết lộ rằng ông Putin đã nhiều lần “làm sạch” khu vực xung quanh, đồng thời sa thải nhiều chỉ huy và gián điệp cấp cao, trong khi đó một số người mất tích bí ẩn hoặc đột ngột đổ bệnh.

Theo Mirror, tình báo phương Tây được cho là cũng đã chú ý nghiêm túc xem xét vấn đề này. Một nhà ngoại giao Ukraine nói với Mirror rằng vấn đề các quan chức cấp cao Nga bắt đầu chủ động thể hiện thiện chí là không bất ngờ, điều này cũng đã từng thấy vào cuối Thế chiến thứ II, do các quan chức lo lắng về tương lai của họ và bắt đầu thực hiện các biện pháp tự bảo vệ. Ông tin rằng nhiều người thuộc giới tinh hoa ở Điện Kremlin đã rất quen thuộc với cuộc sống ở phương Tây, con cái của họ cũng đang học tập ở các nước châu Âu và Mỹ.

Quân đội Nga tăng cường tấn công phía đông và nổ súng “phòng thủ” ở phía nam
Theo CNN, ngày 15/8 quan chức quân đội Ukraine đã đưa ra thông báo cho biết thành phố Chuhuiv phía nam Kharkiv đang phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo. Ông Oleh Synyehubov đứng đầu quản lý quân sự khu vực Kharkiv cho biết, ít nhất 10 tên lửa đã được bắn từ thành phố Belgorod của Nga làm một khu dân cư cũng bị trúng tên lửa.

Cơ quan quân sự tỉnh Sumy ở cực bắc Ukraine cho biết, các đợt pháo kích của quân đội Nga vào khu vực huyện Seredyna-Buda tiếp tục gia tăng. Phía Ukraine giải thích rằng về tổng thể quân đội Nga đã tập trung tấn công dữ dội ở hầu hết Donetsk, nhưng chỉ đạt được lợi ích lãnh thổ không đáng kể.

Về các cuộc giao tranh ở phía nam, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết, quân Nga một mặt pháo kích vào các vị trí của Ukraine phía sau chiến tuyến ở khu Mykolaiv, mặt khác họ lại tấn công tên lửa vào Nikopol và Marhanets.

Nhưng Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho rằng gần như toàn bộ hỏa lực của Nga ở phía nam là “mang tính phòng thủ” vì họ đang cố gắng ngăn chặn Ukraine tiến tới thành phố cảng Kherson ở phía nam.

Vương Quân, Vision Times /Trí thức VN

Putin, Tập Cận Bình: Stalin Thời Hiện Đại ?

Trang bìa Le Point đăng ảnh Stalin với phụ chú « Những bóng ma, và các bí mật cuối cùng ». Hồ sơ của tuần báo cho biết bạo chúa từng làm mấy chục triệu dân Ukraina chết đói cũng là nguồn cảm hứng cho Vladimir Putin và Tập Cận Bình.
Những bí mật cuối cùng của Stalin
Sau cái chết của nhà độc tài ở Datcha Blijnaia, người ta phát hiện ba tài liệu cất dưới một tờ báo, nằm sâu trong ngăn kéo. Trong đó có một lá thư của thống chế Tito, khuyến cáo Stalin không nên gởi sang những kẻ sát nhân nữa, nếu không ông sẽ điều đến Matxcơva một sát thủ và anh ta sẽ không trượt mục tiêu. Stalin đã học được bài học phải tôn trọng vị thống chế không sợ trời không sợ đất này ! Lá thư thứ hai là của Bukharin, đồng minh nhưng sau này trở thành đối thủ, gọi Stalin bằng « Koba », biệt danh từ thời đi cướp ngân hàng.
Cuối cùng là lá thư của Lênin đề ngày 05/03/1922, yêu cầu Stalin phải xin lỗi vợ ông là Nadejda Krupskaia vì đã có những phát ngôn thô lỗ gây tổn thương cho bà. « Đồng chí Stalin thân mến, tôi đề nghị đồng chí chọn lựa : hoặc rút lại những gì đã nói và xin lỗi, hoặc chúng ta cắt đứt mọi liên hệ ». Để tránh bị thất sủng trước vị thủ lãnh Cách mạng, Stalin đành phải xin lỗi, nhận lấy sự nhục nhã. Lênin vẫn loại một Koba « quá thô bạo » ra khỏi di chúc, nhưng khi Lênin qua đời, Stalin câu kết với một số khuôn mặt nặng ký khác để giành được ngôi vị cao nhất.
Stalin trở thành Stalin không phải từ năm 1913, khi ông lấy bút hiệu này để viết cho Pravda – stal (thép) ghép với vần cuối của tên Lênin. Nhưng đó là năm 1919, khi ông ta bẳt đầu dìm những ngôi làng trong lửa máu để khủng bố nông dân, bắt hàng trăm sĩ quan Sa hoàng…Vị bạo chúa đã cho viết lại lịch sử. Chẳng hạn năm 1904, lúc còn là một trong những thủ lãnh bôn-sê-vích Gruzia, Stalin đã phải viết tự kiểm trước các lãnh đạo Matxcơva, tờ kiểm điểm này được in 70 bản. Cuối thập niên 20, Stalin đã tung người đi khắp vùng Kapkaz để thủ tiêu bằng chứng. Năm 1906, Stalin bị Okhrana (mật vụ Sa hoàng) bắt rồi thả ra vì thấy chỉ là loại « cắc ké ». Khi lên cầm quyền, Stalin cố gắng làm biến mất những sự kiện bất lợi cho tên tuổi của mình, bản tiểu sử được tô vẽ lại kể từ thập niên 30.
Bỏ đói dân tộc Ukraina, đày đọa nhiều triệu con người
Nhà sử học Jean Lopez thuật lại, năm 1901 Stalin 23 tuổi, vô gia cư, sống ngoài vòng pháp luật, nghèo đến nỗi không có được một chiếc áo măng-tô, chọn lựa làm cách mạng, kiếm tiền bằng mọi cách, nhiều lần vào tù ra khám. Hai tính cách giúp ông ta sống sót : luôn nghi ngờ như một con chó sói, trên cái nền hoang tưởng. Thế giới bên ngoài Liên Xô đều đáng ngờ đối với ông ta.
Liên Xô nhiều lần tấn công các nước láng giềng. Theo Jean Lopez, sở dĩ Stalin tấn công Phần Lan, bên cạnh ý định chiếm đất, ông ta cũng cho rằng đi « giải phóng », muốn biến Phần Lan thành một nước cộng hòa xô-viết. Tương tự với Ba Lan, ba nước Baltic, Rumani. « Phòng bệnh hơn chữa bệnh » : cơ quan tình báo NKVD từ năm 1935 bắt đầu trục xuất người Phần Lan, Latvia, Estonia ra khỏi khu vực xung quanh Leningrad, rồi thanh lọc vùng biên giới với Ba Lan. Một triệu rưỡi người bị bắt trong đó 800.000 người bị hành quyết. Stalin bắt đi đày toàn bộ cộng đồng người Triều Tiên sống ở Vladivostok và Birobidjan, chỉ vì Nhật Bản chiếm bán đảo Triều Tiên, nên dân tộc bị trị này trở thành khả nghi.
Về « Holodomor » (diệt chủng người Ukraina bằng đói kém), ước tính gần 5 triệu người Ukraina đã bị chết vì đói. Stalin đặt ra những chỉ tiêu không tưởng và buộc phải giao nộp nông sản, không cho những nông dân đói khổ ra thành phố kiếm cái ăn nhưng xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc để ngoại tệ dùng cho công nghiệp hóa.
Cuối năm 1932 khi bí thư Kharkov là Rodion Terekhov than phiền về nạn đói, Stalin nói rằng « Đồng chí nên rời ghế, sang làm việc cho Hội Nhà văn, viết truyện cổ tích và những kẻ ngu ngốc sẽ đọc các truyện mà đồng chí viết ». Cũng như nhiều đồng nghiệp Ukraina, Terekhov sau đó mất chức ! Nhà sử học Nicolas Werth cho biết, những người hấp hối được cho lên tàu hàng chở đến vùng quê cách thành phố 50 km để không ai thấy người chết đói. Cũng tại Kharkov xảy ra nhiều vụ ăn thịt người, mỗi đêm gần 250 xác chết được thu nhặt, gan của họ bị đem làm patê bán ngoài chợ. Khi gặp đại tá Mỹ Robins năm 1933, Stalin nói rằng có vài nông dân chết đói nhưng là những kẻ lười biếng hoặc bị đánh cắp lúa mì.
Putin : Stalin thời hiện đại ?
Phải chăng Putin là Stalin ngày nay ? Le Point đặt câu hỏi. Sang năm, Vladimir Putin sẽ phá kỷ lục của Stalin – là người đứng đầu Liên Xô suốt 24 năm. Từ khi vừa lên ngôi, Vladimir Putin đã lợi dụng lịch sử vào mục đích chính trị, và trong số những « vĩ nhân » đã làm nên « bản sắc quốc gia » tất nhiên có Stalin.
Sách giáo khoa lớp 12 chỉ có hơn một chục dòng viết về gu-lắc, và nạn đói lịch sử trong thập niên 30 lại càng ít hơn. Ngược lại, gần 100 trang được dành cho chiến thắng của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại do tổng tư lệnh Stalin lãnh đạo. Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi hơn phân nửa thanh niên Nga từ 18 đến 24 tuổi chưa bao giờ nghe nói đến nạn đàn áp thời Stalin ; 70 % người Nga cho rằng Stalin có vai trò tích cực trong lịch sử đất nước (trong những năm 2000 tỉ lệ này chưa đầy 45 %).
Thoạt nhìn thì điểm giống nhau giữa Putin và Stalin trước hết là nạn tôn sùng lãnh tụ. Nhưng khác xa với sự sùng bái « nhà lý luận mác-xít lỗi lạc », những món hàng kỷ niệm in hình ảnh Putin để ngực trần, cỡi ngựa hoặc chạy mô-tô…mang nét thô lậu hơn. Cũng như chủ tịch Đuma nói rằng tài sản thực sự của nước Nga không phải là dầu khí mà là Putin… Một điểm tương đồng khác là có cùng cung cách mafia nơi cơ quan an ninh ; Putin cũng khủng bố, lăng nhục cấp dưới. Điểm giống nhau thứ ba giữa hai chế độ : ám ảnh bị phương Tây bao vây.
Tuy nhiên Putin không phải là một Stalin mới. Stalin, người tự nhận là truyền nhân của Lênin đã đưa ra một « tầm nhìn mác-xít » nhất định ; còn Putin dựa trên « kiềng ba chân » gồm Chính thống giáo, toàn trị cộng với dân tộc chủ nghĩa, trong đó quyền lực độc tài đứng trên tất cả. Có một khoảng cách rất lớn giữa Putin và « đường lối của Đảng » mà Stalin là hiện thân, tuy nhiên hai nhân vật này có cùng một thái độ ngạo mạn – như mọi bạo chúa ở đỉnh cao quyền hành.
Tập Cận Bình, bản sao « made in China » của Stalin?
Tại châu Á, có một bản sao « made in China » : Tập Cận Bình rút ra bài học từ Stalin, là đảng nắm trọn quyền lực và kiểm soát toàn dân. Liên Xô bị thua trong chiến tranh lạnh vì quay lưng với chủ trương của Stalin, nên Trung Quốc phải coi đó là kinh nghiệm để có thể đối đầu với Hoa Kỳ – đó là lý luận của ông Tập.
Tự coi mình ngang hàng với Mao, Tập Cận Bình cũng ngưỡng mộ Stalin như người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sau khi Mao chết, quan điểm phổ biến ở Hoa lục là chế độ Liên Xô sụp đổ do không thích ứng được với thời thế. Nhưng ngay từ khi lên ngôi, Tập Cận Bình áp đặt một cách nhìn khác. « Nghị quyết lịch sử » năm ngoái nhấn mạnh đến vai trò thống trị của đảng và khống chế người dân để chống lại « âm mưu » của phương Tây.
Cũng như Stalin, Tập dùng cách thanh trừng để loại những người chống đối và củng cố quyền hành trong đảng. Ông ta cũng thích được sùng bái, bắt giam hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ trong các trại « cải tạo » như Statin từng đày ải người Tatar ở Crimée, tung ra cuộc đàn áp ý thức hệ nặng nề nhất kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Tập Cận Bình thẳng tay đập tan đòi hỏi dân chủ của người Hồng Kông, thiết lập hệ thống kiểm soát xã hội chưa từng thấy trong lịch sử. Tại Trung Quốc hiện nay cũng như Liên Xô hồi xưa, đảng không bị cạnh tranh về ý thức hệ, không có phe ly khai, ngay cả xã hội dân sự cũng chỉ là con ngựa thành Troie. Văn hóa nghệ thuật chỉ có thể tồn tại nếu phục vụ cho mục tiêu của đảng, nhồi sọ quần chúng.
Tuy vậy Tập Cận Bình không phải là Stalin, tham vọng quốc tế không có cùng tính chất. Stalin vận động cho cách mạng cộng sản thế giới, làm các nước lần lượt rơi vào vòng ảnh hưởng xô-viết ; còn Tập, như những gì người ta biết, chưa tích cực lật đổ chế độ nào bên ngoài. Bắc Kinh quảng bá mô hình các đại tập đoàn quốc doanh cộng với kiểm soát xã hội để thay thế cho dân chủ tự do, tạo điều kiện cho giai cấp trung lưu, và các nhà độc tài có thể ngủ yên. Sợi dậy liên kết giữa Stalin và Tập Cận Bình là niềm tin về một cuộc chiến đấu quyết liệt chống lại chủ nghĩa tự do phương Tây, và chủ nghĩa cộng sản sẽ ca khúc khải hoàn.
Nguồn RFI

Cuộc di cư khổng lồ của tầng lớp trí thức Nga

Cuộc di cư sẽ có những tác động đáng kể đối với nước Nga và với chính những người lưu vong.

Vào một đêm thứ Bảy ấm áp và mát mẻ, khoảng vài chục người Nga – hầu hết đang trong độ tuổi 20 và 30 – đã cùng nhau chen chúc trong một căn hộ nhỏ kiểu Liên Xô ở Vakke, khu nhà giàu thuộc Tbilisi, thủ đô của Gruzia, và giờ đây, là ngôi nhà mới của họ. Trong khi hàng nghìn đồng hương khác đang thưởng thức đồ ăn và rượu của Gruzia trong các quán cà phê đường phố và quán bar nói tiếng Nga, thì những người này quây quần bên chiếc máy chiếu, tổ chức một sự kiện mà họ gọi là “hội nghị tại gia”.

Những dịp hội họp của cộng đồng lưu vong thường khiến người ta cảm thấy chán nản. Nhưng sự kiện này lại toát ra năng lượng trí tuệ. Chương trình được chuẩn bị kỹ càng, người tham dự hành xử đúng mực, và gần như chẳng ai uống rượu. Trong suốt hai giờ, 12 diễn giả đã nói về mục tiêu của họ trong quá khứ và hiện tại. Các đề tài trải dài từ “bệnh lý tuyên truyền” và dọn dẹp đường phố Tbilisi, đến tái chế, xe hơi không người lái, và giúp đỡ những người gặp chấn thương tâm lý. Người ta cũng phục vụ các món ăn nhẹ tự làm tại nhà, có cả những chiếc bánh chay, không chứa gluten (giá 5 lari – 1,85 USD – một chiếc). Về cả hình thức lẫn nội dung, hội nghị tại gia này là hình dung về một đất nước mà những người tham dự mong muốn được sinh sống, một đất nước khác xa với nơi họ từng gọi là quê hương.

Không ai biết chính xác có bao nhiêu người đã rời khỏi Nga kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Con số ước tính dao động từ 150.000 đến 300.000. Khoảng 50.000 người được cho là đã đến định cư ở Gruzia, một dòng người nhập cư đủ lớn và đột ngột để đẩy giá thuê nhà địa phương lên cao. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở những con số, mà còn ở chính những người lưu vong này. Giống như nhóm người đã chen chúc trong căn hộ Vakke, cộng đồng người Nga hải ngoại phần lớn là người trẻ, được giáo dục tốt, có ý thức về chính trị, năng động, hoạt ngôn, và tháo vát – nói cách khác, họ là tầng lớp tinh hoa trí thức của Nga. Những người lưu vong đã mang theo thói quen của họ, mạng lưới quan hệ của họ, khả năng tự tổ chức và các giá trị của họ. Điều đó sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến đất nước họ đã bỏ lại sau lưng, và cả những đất nước mà họ đến sinh sống.

Gruzia – một thuộc địa cũ của Nga, sau trở thành nước cộng hòa thuộc Liên Xô – cũng từng bị Nga xâm lược, gần đây nhất là vào năm 2008. Ngày nay, khoảng 20% lãnh thổ của Gruzia nằm trong tay nhóm ly khai do Nga hậu thuẫn. Giờ đây, nước này trở thành nơi ẩn náu của các nhà hoạt động và nhà báo. Nhiều người trong số họ còn quá trẻ để có thể nhớ được cuộc chiến chống lại Gruzia của Putin. Nhưng họ vẫn chia sẻ tình cảm được thể hiện trong những bức vẽ graffiti rải rác khắp Tbilisi: “Fuck Putin’s Russia” (Nước Nga của Putin thật khốn nạn). Họ dùng phần lớn năng lượng và động lực của mình để xoa dịu tác động của cuộc chiến chống lại Ukraine của Putin.

Vé vào cửa hội nghị Vakke có giá 20 lari. Cùng với tiền bán bánh, số tiền này đã được chuyển đến Emigration for Action (Di cư để hành động), một tổ chức từ thiện chuyên cung cấp thuốc men cho người tị nạn Ukraine. Ekaterina Kiltau, một trong những người sáng lập tổ chức, là diễn giả cuối cùng của sự kiện. “Chúng ta đã đến Gruzia, và có được đặc quyền làm và nói những gì mình muốn, gọi cuộc chiến này là chiến tranh [từ ‘chiến tranh’ bị cấm ở Nga] và giúp đỡ người dân Ukraine,” cô nói với khán giả.

Các dự án tình nguyện khác như “Helping to Leave” (Hỗ trợ Di cư) và “Motskhaleba” (có nghĩa là “lòng thương xót” trong tiếng Gruzia) đã phát triển từ các nhóm chat trên mạng xã hội. Hiện tại, họ có đến hàng trăm tình nguyện viên, tập trung giúp hàng nghìn người tị nạn Ukraine thoát khỏi chiến tranh. Larisa Melnikova, một trong những người đồng sáng lập Motskhaleba, là một chuyên viên thiết kế kỹ thuật số kiêm cố vấn kinh doanh, từng làm việc cho chi nhánh tại Nga của Tập đoàn Tư vấn Boston, một công ty đa quốc gia của Mỹ. Giờ đây, cô chuyển kỹ năng của mình sang lập trình bot để giúp các tình nguyện viên xử lý những yêu cầu xin trợ giúp. “Tôi biết rằng nếu không làm gì, tôi sẽ còn thấy đau đớn hơn nữa,” cô nói. “Tôi chưa bao giờ bỏ phiếu cho Putin, nhưng tôi đã nộp thuế ở Nga, và tôi phải chịu trách nhiệm về hành động của nước mình.”

Trở lại Nga, các nhà hoạt động dân sự như Kiltau và Melnikova đã giúp giám sát các cuộc bầu cử, tình nguyện hỗ trợ các ứng viên độc lập, và làm việc cho OVD-Info, một tổ chức nhân quyền hỗ trợ các nạn nhân bị nhà nước Nga đàn áp. Nếu chọn ở lại Nga và công khai phản đối chiến tranh, rất có thể họ sẽ phải ngồi tù. Đó chính xác là những gì đã xảy ra với Alexei Gorinov, thành viên hội đồng thành phố Moscow vừa lãnh án bảy năm tù vì chỉ trích chiến tranh, đồng thời dám bác bỏ ý tưởng tổ chức một cuộc thi vẽ cho trẻ em khi chiến tranh đang diễn ra. “Những người như vậy là anh hùng, nhưng tôi cảm thấy mình sẽ hữu ích hơn khi ở đây,” Kiltau chia sẻ.

Làm tình nguyện viên ở Gruzia, cô nói, không chỉ là để giúp đỡ người Ukraine, mà còn là để giữ gìn danh dự và sự tỉnh táo của chính cô. “Đau đớn, xấu hổ, và muốn chịu trách nhiệm” là ba cảm xúc mà Kiltau liên tục cảm nhận. Nỗi đau của cô đã càng thêm chồng chất: quê nhà của cô là Rubtsovsk – một thị trấn nhỏ ở Siberia, từng bị bao quanh bởi 5 trại lao động gulag – giờ đây trở thành một trong những điểm chính tiếp nhận bưu phẩm mà lính Nga gửi về nhà sau khi cướp bóc tài sản của người dân Ukraine.

Tiếng vọng của lịch sử

Giống như hầu hết những người Nga đang lưu vong ở Tbilisi, những người tụ tập trong “hội nghị tại gia” Vakke đã rời khỏi nước Nga trong vòng hai tuần đầu tiên của cuộc chiến. Họ ra đi vì sợ hãi, và vì cảm thấy ngột ngạt bởi cuộc sống dưới một chế độ không cho phép bất đồng chính kiến. Đối với họ, quyết định ra đi xuất hiện một cách tự phát và đầy xúc động, nhưng nó cũng là một phần trong “chiến dịch đặc biệt” của Điện Kremlin. Bằng cách tung tin đồn về những đợt bắt giữ hoặc nhập ngũ sắp xảy ra, đồng thời cử côn đồ đến quấy rối các nhà hoạt động và nhà báo, chính phủ đã đuổi những người công khai phản đối chiến tranh ra khỏi đất nước.

Một số người đã được thuyên chuyển bởi các công ty nơi họ làm việc. Số khác thì tự nguyện rời đi. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy khoảng một phần tư những người lưu vong đã đến định cư ở Gruzia. Một số lượng người lưu vong tương tự đã đến Istanbul, và 15% đến Armenia. (Những nơi này không yêu cầu thị thực đối với công dân Nga.) Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 3, có gần một nửa số người lưu vong làm việc trong lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin; 16% là quản lý cấp cao; 16% làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa. Chỉ 1,5% người lưu vong đã từng ủng hộ Đảng Nước Nga Thống nhất của Putin.

Những người lưu vong ngày nay không phải là những người Nga đầu tiên bỏ ra nước ngoài khi phải đối mặt với những kẻ thống trị đàn áp. Một trăm năm trước, trong thời kỳ cách mạng Nga, nhiều quý tộc, binh lính Bạch Vệ chống cộng sản, và các thành viên của giới trí thức đã chạy trốn khỏi phe Bolshevik, những người đã đẩy nước Nga vào nội chiến sau khi họ lên nắm chính quyền. Giống như các hậu duệ một thế kỷ sau, họ đã đến Tiflis và Constantinople (ngày nay là Tbilisi và Istanbul).

Dù nước Nga ngày nay không xảy ra nội chiến, nhưng cuộc xâm lược Ukraine của nó đã khiến các gia đình bị rạn nứt. Quan điểm khác biệt đã khiến anh chia rẽ với em, con cái chia rẽ với cha mẹ. (Những quan hệ rạn nứt này là chủ đề của một bộ phim tài liệu của Andrei Loshak, một nhà làm phim người Nga, người cũng đã chuyển đến Gruzia). Gần đây, có một sự căng thẳng – dù khó có thể nhận ra, nhưng vẫn có thật – gia tăng giữa những người rời bỏ nước Nga và những người ở lại, bất kể thái độ của họ đối với cuộc chiến có tương đồng đến đâu. Đằng sau vẻ ngoài điềm tĩnh và giàu nghị lực, những người lưu vong mang trong mình nỗi đau của những mảnh đời tan nát, một đất nước vỡ vụn, và những ngôi nhà bị bỏ lại trong vội vã.

Ảnh hưởng của làn sóng di cư mới nhất đối với tương lai của nước Nga có thể sẽ lớn hơn nhiều so với những gì số liệu cho thấy. Andrei Zorin, một nhà sử học văn hóa tại Đại học Oxford, chỉ ra rằng việc mất đi giới tinh hoa ‘phương Tây hóa’ sau cách mạng Bolshevik năm 1917 đã được cải thiện một phần nhờ sự trỗi dậy của những đứa trẻ thông minh, xuất thân từ tầng lớp nông dân Nga, những đứa trẻ ham học và đã được chính quyền Cộng sản mới sẵn sàng giúp đỡ.

Cùng với nhóm này, còn có nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác trong Liên bang Xô Viết – người Do Thái từ các thị trấn nhỏ, người Armenia, người Gruzia, và người từ các nước Baltic, nơi có trình độ biết chữ cao nhất. Giới trí thức mới được phục hồi – phụ thuộc vào, nhưng cũng thường chỉ trích Đảng Cộng sản – đóng vai trò nòng cốt đối với khả năng phát triển công nghệ, khoa học, và văn hóa của nhà nước. Trong thập niên 1980, họ đã hình thành cơ sở xã hội cho những cải cách tự do hóa của Mikhail Gorbachev.

Nhưng ngày nay mọi thứ đã khác. Từ chối hiện đại hóa để ủng hộ chủ nghĩa truyền thống, chủ nghĩa dân tộc đế quốc và chiến tranh, nhà nước Nga gọi những người Nga ‘châu Âu hóa’ là người thừa, xa lạ và nguy hiểm. Chế độ đạo tặc ngày nay đã bóp nghẹt tính di động của xã hội và thực sự ít có khả năng tiến bộ. Sự ra đi của tầng lớp trí thức ngày nay có thể chấm dứt xu hướng hiện đại hóa đã bắt đầu từ thế kỷ 18, Zorin nhận định.

Nhiều năm sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, giới tinh hoa hiện đại hóa và nhà nước Nga đã cố gắng chung sống dù không thực sự hòa hợp. Từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000, con cái của giới trí thức Liên Xô phủ nhận niềm tin của cha mẹ mình, chế nhạo bất cứ thứ gì gắn mác Liên Xô, và tung hô chủ nghĩa tư bản theo cách họ hiểu. Họ không đụng chạm đến nền tảng của nhà nước, nhưng họ đã làm cho nước Nga trở nên đáng sống và hấp dẫn hơn. Họ bắt đầu biến Moscow thành một thủ đô châu Âu thoải mái hơn, với các làn đường dành cho xe đạp và các phòng trưng bày nghệ thuật thời thượng, cùng một dịch vụ giao đồ ăn có tên Yandex.Lavka – một công ty con của Yandex, gã khổng lồ công nghệ Nga.

Ilya Oskolkov-Tsentsiper là một quản lý truyền thông ở độ tuổi 50, người đứng sau nhiều dự án đô thị thành công nhất của Nga, bao gồm Afisha, một trong những tạp chí giải trí đầu tiên của Moscow. Ngồi trong một quán cà phê ở Tel Aviv, ngôi nhà mới của mình, ông nói rằng bước chuyển đổi đó bắt đầu như một nỗ lực về mặt thẩm mỹ. “Chúng tôi đã tưởng tượng và mô tả Moscow không phải là một thành phố buồn bã và bị tội phạm hóa, với nhiều vấn đề xã hội và sự bất bình đẳng, mà là một thủ đô phóng túng của châu Âu. Dự án thành công đến mức chúng tôi bắt đầu tin rằng [sự chuyển đổi đó] là có thật,” ông nói.

Trong vòng 10 năm qua, làn sóng thay đổi ngày càng trở nên thực chất. Những người Nga trẻ hơn, nhiệt huyết hơn đã tạo ra các tổ chức văn hóa và khởi động các dự án tình nguyện độc lập với nhà nước. Họ giúp đỡ trẻ em tự kỷ, xây nhà cho người vô gia cư, thu âm các podcast về văn học Nga, và thỉnh thoảng xuất hiện trong các cuộc biểu tình. Một khảo sát về cộng đồng lưu vong được thực hiện vào tháng 3 cho thấy 90% quan tâm đến chính trị và 70% đã quyên góp tiền cho các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông thân thiện với phe đối lập.

“Chúng tôi tin rằng thói quen và cách hành xử trong xã hội của chúng tôi sẽ làm cho đất nước trở nên nhân đạo hơn, và những cố gắng nhỏ bé của chúng tôi sẽ có tác dụng,” Sofia Khananishvili, một sinh viên 23 tuổi vừa tốt nghiệp, từng dạy văn tại một trường học ở Moscow, nói. Những ngày này, cô làm việc trong một hiệu sách ở Tbilisi có tên là Dissident Books (Hiệu sách Bất đồng Chính kiến) do cô và những người bạn cùng mở. Trong số sách được bày bán có cuốn “Youth in the City: Cultures, Stages and Solidarities” (Thanh niên trong thành phố: Văn hóa, Các giai đoạn, và Sự đoàn kết)

Khananishvili và những người cùng thời với mình không bao giờ tham gia vào bộ máy nhà nước, nhưng họ đã cố gắng để cùng tồn tại với nó. “Chúng tôi không đụng đến họ và họ cũng không đụng đến chúng tôi,” một trong những người bạn của cô, một chuyên gia công nghệ thông tin cho biết. Họ sống trong khuôn khổ của đế chế, hưởng lợi từ nền kinh tế do dầu mỏ của Nga, nhưng đã cố gắng xây dựng một cuộc sống cá nhân tách biệt khỏi một nhà nước đang ngày càng trở nên quân phiệt và đàn áp.

Hiếm ai có thể minh họa câu chuyện về mối quan hệ giữa tầng lớp hiện đại hóa và nhà nước Nga tốt hơn Ilya Krasilshchik, một quản lý truyền thông, và bạn gái của anh, Sonia Arshinova. Ở tuổi 35, Krasilshchik đã từng là tổng biên tập trẻ nhất của tạp chí Afisha; và là người xuất bản Meduza, một trang tin trực tuyến độc lập có trụ sở tại Latvia; và gần đây nhất, là giám đốc tại Yandex.Lavka, dịch vụ giao đồ ăn. Anh đã bắt đầu nhận được cảnh báo về cuộc chiến từ nội bộ Yandex vào tháng 11. Một ngày sau khi chiến tranh nổ ra, anh gặp Arshinova trong một quán cà phê ở Moscow. “Mọi người đều nói về việc sơ tán, vội vã tìm kiếm các chuyến bay,” cô nhớ lại.

Arshinova, 26 tuổi, từng là giám đốc chương trình tại Strelka, viện thiết kế và kiến trúc hàng đầu của Moscow. (Quán bar trên sân thượng của nó từng là nơi tụ tập của nhiều người đẹp và các nhân vật có quan hệ rộng.) Khi cuộc chiến nhắm vào Ukraine nổ ra, cô đang chuẩn bị đưa các chuyên gia nước ngoài đến thuyết trình cho khán giả Nga về thiết kế đô thị. Các chuyên gia này đã không bao giờ đến Nga. Ngày hôm đó, cô hồi tưởng, “Bong bóng tan vỡ, và nước mắt đã rơi. Chúng tôi đang ở đằng sau chiến tuyến của kẻ thù, và kẻ thù chính là thành phố của chúng tôi, là đất nước của chúng tôi. Chúng tôi đã bị khuất phục.”

Vài tuần sau khi họ chuyển đến Tbilisi, chính quyền Nga đã mở một vụ án hình sự chống lại Krasilshchik. Một bài đăng trên Instagram về những hành động tàn bạo của Nga ở Bucha, một thành phố ở miền bắc Ukraine, là đủ khiến anh phải nhận cáo buộc “làm mất uy tín của các lực lượng vũ trang Nga.” Giờ thì, mỗi ngày, Krasilshchik đi vòng quanh Tbilisi trên chiếc scooter màu đỏ của mình, ghi âm podcast và điều hành một công ty khởi nghiệp mới, vừa hoạt động truyền thông vừa hỗ trợ di dân, có tên “Helpdesk Media.” Nó được phát triển từ tài khoản Instagram của anh, với 150.000 người theo dõi, và sở hữu giao diện thân thiện với người dùng của một dịch vụ Yandex.

Tuy nhiên, thay vì thức ăn nhanh, nó cung cấp lời khuyên cho những người cần trợ giúp về hậu cần, tâm lý, hoặc pháp lý. Nó cũng kể câu chuyện của những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh: người chết, người bị thương, người tị nạn, và người sống lưu vong. Krasilshchik giải thích: “Trọng tâm của chúng tôi là những đàn ông và phụ nữ đang sống trong thời chiến, những người đã bị cướp mất cuộc sống, bất kể họ là ai.”

Hầu hết những người đang sống lưu vong đều nhận ra rằng họ vừa may mắn, vừa có đặc ân khi được ra đi. Nhiều người coi tình cảnh hiện tại chỉ là tạm thời và đã tự trang trải cuộc sống bằng cách cho thuê căn hộ của họ ở Nga. (Tính đến tháng 5, dòng tiền từ Nga sang Gruzia đã tăng gấp 10 lần.)

Một vài trong số những người rời đi trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, và những người không phải đối mặt với nguy cơ bị bắt ngay lập tức, thậm chí đã trở lại Nga trong thời gian ngắn, để gặp cha mẹ của họ hoặc lo việc cá nhân. “Đó là thứ cảm giác kỳ lạ nhất. Bạn quay lại và mọi thứ vẫn hệt như trước – cùng một nha sĩ, cùng một cửa hiệu, cùng một nhà hàng – nhưng đồng thời, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi,” Lika Kremer, một nhà sản xuất podcast người Nga, cho biết. Vẻ ngoài hào nhoáng của một thành phố châu Âu vẫn còn đó. Nhưng bên trong đã rỗng tuếch.

Kremer nói rằng chính sự im lặng và việc không có bất kỳ dấu hiệu công khai nào của chiến tranh chính là điều không thể chịu đựng được. Khác với người tị nạn Ukraine, những người chọn trở về nhà ngay khi họ cho là mọi chuyện đã an toàn, nhiều người Nga lưu vong cảm thấy mình chẳng còn nhà để quay về, và phải vật lộn để xác định “nước Nga” thực sự có nghĩa là gì. Nhà sử học Ilya Venyavkin cho biết, “Chúng tôi có bản sắc, có liên hệ xã hội, nhưng không có quốc gia.”

Năm tới ở Moscow

Chiến tranh, và sự chia cắt vật lý khỏi nước Nga đã truyền cảm hứng cho ý tưởng về một dân tộc Nga khác, một dân tộc không phụ thuộc vào bản sắc đế quốc, thậm chí không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Andrei Babitsky, một nhà báo dành 10 giờ mỗi tuần để học đọc và viết bằng tiếng Gruzia, lập luận rằng bước đầu tiên đối với những người theo đuổi ý tưởng đó là loại bỏ sự kiêu ngạo của đế quốc. “Tôi chia sẻ sự kiêu ngạo này. Đến tận hôm nay … tôi vẫn không thể ngừng nghĩ về ngôn ngữ Nga và văn hóa Nga. Văn hóa của tôi. Tôi sẵn lòng cho đi toàn bộ văn hóa ấy vì một nền hòa bình thực sự, nhưng tôi vẫn không thể không nghĩ về việc ngôn ngữ của tôi sẽ tồn tại như thế nào, sau khi rất nhiều người đã bị giết chết nhân danh nó,” ông viết trong một bài bình luận gần đây.

Một số người lưu vong nói về việc tạo ra một nhà nước ảo, nơi các cấu trúc xã hội có thể được xây dựng độc lập với bất kỳ hình thức chính phủ hay vị trí địa lý nào. “Nước Nga không phải là về kinh độ và vĩ độ. Cộng đồng người Nga hải ngoại rất thông minh, năng động, và giàu cảm xúc, vì vậy họ chắc chắn sẽ tồn tại,” Fillip Dziadko, một nhà văn và nhà xuất bản, chia sẻ. “Và chúng tôi đã học cách sống mà không có nhà nước.”

Họ hy vọng rằng Internet, cùng với năng lượng của chính họ, sẽ cho phép họ duy trì sự hiện diện của mình trong cùng một không gian thông tin giống với những người đã chọn ở lại nước Nga. Chí ít thì trong hiện tại, vẫn còn lỗ hổng trong chế độ kiểm duyệt trực tuyến của Nga. YouTube vẫn hoạt động. Phần mềm VPN, loại phần mềm có thể che giấu các trang web mà người dùng đang xem, cho phép những người am hiểu công nghệ tiếp cận với thế giới bên ngoài. Các tổ chức truyền thông độc lập như Meduza và TV Rain đã dời đến Riga, thủ đô của Latvia, và chuyển sang hoạt động trực tuyến.

Shimon Levin, một giáo sĩ Do Thái gốc Israel, sinh ra và lớn lên ở Nga, trưởng thành cùng với văn học Nga và đã dành nhiều năm phục vụ cộng đồng Do Thái, nhận thấy sự tương đồng giữa cách nghĩ này và trải nghiệm của dân tộc Do Thái, những người đã cố gắng giữ cho một nền văn hóa riêng biệt tồn tại hàng nghìn năm. Lý do người Do Thái thành công trong việc giữ gìn bản sắc của họ, ông giải thích, nằm ở việc họ đặt tự do trí tuệ và sách vở, chứ không phải đất đai, làm trung tâm của ý thức dân tộc.

“Địa lý là một chỉ dấu quan trọng của bản sắc dân tộc, nhưng bản sắc có tính động, và chỉ có thể phát triển mạnh mẽ nếu nó được làm phong phú hơn bằng những ý nghĩa mới,” ông nói tiếp. “Nếu tầng lớp tinh hoa trí thức Nga có thể tìm ra cách phát triển bản sắc phi đế quốc của mình và tập trung xây dựng cách sống trong một thực tế mới, đồng thời xác định “nước Nga tuyệt vời của tương lai” [một thuật ngữ do nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny đặt ra] sẽ trông như thế nào, điều đó chí ít sẽ bù đắp phần nào cho việc mất đi quê hương của họ.”

Làn sóng di cư hiện nay có một khẩu hiệu là Poka Putin Zhiv (Chừng nào Putin còn sống.) Không ai biết làn sóng này sẽ kéo dài bao lâu, dù thời gian chắc chắn đứng về phía những người lưu vong. Bởi hầu hết trong số họ đều đang ở độ tuổi 20 và 30, còn Putin sẽ bước sang tuổi 70 vào cuối năm nay. Nhưng bất chấp sự lạc quan của những người này, việc họ quay trở lại Nga là điều không chắc chắn. Và liệu nước Nga sẽ trở nên như thế nào khi chiến tranh kết thúc là điều thậm chí còn ít chắc chắn hơn. “Cuộc di cư đang diễn ra của tầng lớp trí thức được phương Tây hóa có thể là làn sóng di cư cuối cùng của Nga,” Zorin rầu rĩ nói, “vì chẳng còn cách nào để tái tạo tầng lớp tinh hoa đó.” Dziadko, một cựu sinh viên, thì lại không muốn nghĩ quá nhiều về tương lai. “Chúng tôi không biết mình sẽ hạ cánh ở đâu,” cậu nói. “Bởi vì chúng tôi vẫn còn đang bay.”

Nguồn: “Much of Russia’s intellectual elite has fled the country,” The Economist,

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng / Nghiên cứu Quốc Tế