Năm khu nghỉ dưỡng muốn đến phải đi thuyền

Những khu nghỉ ở Khánh Hoà, Quảng Ninh, Cần Thơ… này nằm tách biệt trên đảo, du khách được chở bằng thuyền để tới nơi.

L’alya Ninh Van Bay ở vịnh Ninh Vân, Khánh Hoà, có nền là khu villa An Lâm. Khu nghỉ là tân binh giữa vịnh Ninh Vân vốn có nhiều resort cao cấp. Tại đây có bãi biển riêng, nhiều tảng đá granite khổng lồ và nhiều trải nghiệm thiên về chăm sóc sức khoẻ như thực đơn lành mạnh, spa có đa dạng phong cách trị liệu. Để tới đây, du khách phải ngồi thuyền từ bến Ninh Vân, di chuyển mất khoảng 20 phút. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng

Điểm nhấn của khu nghỉ là bể bơi vô cực nhìn thẳng ra biển, xung quanh là nhiều tảng đá, tạo khung cảnh hoang sơ. L’alya cũng là một trong số ít khu nghỉ bên biển có hướng tây, có thể nhìn được cảnh hoàng hôn rõ và đẹp. Một đêm nghỉ tại đây có giá từ khoảng 7,5 triệu đồng, sau tháng 8 là tháng cuối cùng trong mùa cao điểm du lịch hè. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng

Đặc trưng của các khu nghỉ tại vịnh Ninh Vân là phải đi thuyền mới tới được. An Lam Retreats Ninh Van Bay cũng vậy. Nhìn từ xa, có thể thấy nhà hàng nổi trên biển là công trình đặc trưng nhất của khu nghỉ dưỡng. Chất liệu từ tre, mở các cánh như một bông sen nở rộ, tổng thể hài hoà với cảnh vật chung của hòn đảo. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng

Với chủ đề là nơi nghỉ dưỡng cho các cặp đôi, khu nghỉ không khuyến khích khách có trẻ em, trừ mùa du lịch hè và các ngày lễ, Tết. Ba căn villa lớn nhất nhìn ra biển có kiến trúc độc đáo, mang dấu ấn của Việt Nam và các khu nghỉ dưỡng cao cấp vùng nhiệt đới trên thế giới. Một đêm nghỉ tại resort này có giá từ khoảng 11,5 triệu đồng. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng

Muốn có trải nghiệm sông nước miệt vườn đúng nghĩa song vẫn sang chảnh, bạn nên ghé thăm Azerai Can Tho. Khu nghỉ dưỡng nằm trên Cồn Ấu, một hòn đảo biệt lập trên sông Hậu tại đồng bằng sông Cửu Long nên đón khách bằng thuyền. Đảo được xem là lá phổi xanh của Cần Thơ, giữ nguyên nhiều cây sim cả trăm năm tuổi. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng

Tới một hòn đảo tách biệt thành phố, du khách được cảm nhận sự mát mẻ. Bạn có thể đặt tour cano để ngắm nhìn cảnh sông nước, hoặc đặt tiệc picnic được chuẩn bị riêng, tầm nhìn ra sông Hậu, khung cảnh đặc trưng của vùng đông bằng sông Cửu Long. Một đêm nghỉ tại đây có giá từ khoảng 6 triệu đồng. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng

Nằm ngay gần TP HCM là An Lâm Retreats Saigon River. Khu nghỉ dưỡng ở tỉnh Bình Dương này chỉ cách trung tâm TP HCM 25 phút di chuyển bằng thuyền. Khi được đưa tới đây, du khách có thể ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn. Nhờ vị trí thuận lợi, nhiều sao Việt chọn nghỉ dưỡng tại đây cho kỳ nghỉ ngắn ngày. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng

Gần thành phố nhưng khu nghỉ vẫn tách biệt, nhiều cây xanh nên giống như một khu rừng nhiệt đới thu nhỏ. Một đêm ở tại đây đang có giá từ 5,5 triệu đồng. Trong quá trình nghỉ dưỡng, khách lưu trú được tư vấn về tình trạng sức khỏe từ chuyên gia trị liệu và ẩm thực. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng

Vinpearl Resort & Spa Hạ Long nằm tách biệt trên đảo Rều là một hòn đảo nhân tạo. Khu nghỉ cách trung tâm Bãi Cháy của thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) 10 phút đi bằng cano, gần các điểm du lịch hút khách như công viên Sun World Hạ Long, đảo Tuần Châu… Ảnh: Khu nghỉ dưỡng

Bể bơi của khu nghỉ dưỡng có diện tích lớn. Du khách tắm tại đây có thể nhìn thẳng ra vịnh Hạ Long. Do nằm trên đảo riêng, tầm nhìn không bị che khuất. Một đêm nghỉ tại đây có giá từ 3,2 triệu đồng. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng / Trung Nghĩa / Vietnam Express

Trạng Tỏi Nguyễn Đăng: “Tứ nguyên” duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam

Làng Đại Toán, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh vào thời nhà Lê nổi tiếng là làng trồng tỏi. Đây là ngôi làng xuất sinh ra vị Trạng Tỏi Nguyễn Đăng, cũng là “Tứ nguyên” duy nhất trong lịch sử khoa bảng Đại Việt.

Làng Đại Toán có 4 thôn đều trồng tỏi nên được gọi là Tỏi Mão, Tỏi Thuỷ, Tỏi Đồng, Tỏi Mai. Ngoài làm tỏi, người làng còn đan dó bị bằng cói.

Theo người làng truyền lại thì trong làng có cậu bé Nguyễn Đăng sinh năm 1576, vì nhà nghèo khó nên phải suốt ngày gánh dó đi bán ở các chợ vùng quê. Trên đường gánh dó, đến đâu nghe tiếng trẻ đọc chữ là cậu bé lại tìm cách đến gần đứng ngoài học lỏm. Một thầy đồ thương tình nhận cậu bé vào học.

Tranh vẽ cảnh trường thi xưa. (Le Petit Journal, 28/7/1895)

Dù thầy nhận học không lấy tiền nhưng Nguyễn Đăng cũng không có tiền mua giấy bút. Thế là thầy bảo mang theo tấm ván để tập viết. Nguyễn Đăng không hiểu tấm ván là gì, liền mang tấm ván thượng mà người ta vứt bỏ ở bãi tha ma. Đám học trò thấy Nguyễn Đăng mang tấm ván đó đến thì cười ồ chế nhạo. Nhưng thầy đồ chỉ tấm ván thượng nói rằng các trò đừng coi thường Nguyễn Đăng, sau này cậu bé sẽ làm thượng quan đó.

“Tứ nguyên” duy nhất trong lịch sử khoa bảng

Năm 26 tuổi, Nguyễn Đăng tham dự khoa thi năm 1602. Kỳ thi Hương Nguyễn Đăng đỗ đầu tức Giải nguyên, bước vào thi Hội lại đỗ đầu tức Hội nguyên, vào đến thi Đình ông cũng lại đỗ đầu tức Hoàng Giáp Đình Nguyên (khoa thi này không lấy Trạng nguyên).

Vì trong cả 3 kỳ thi Nguyễn Đăng đều đỗ đầu, vượt hơn hẳn các sĩ tử khác, nên trở thành “Tam nguyên”. Tuy nhiên khoa thi này vua Lê Kính Tông lại ra thêm kỳ thi ứng chế.

Trước đây việc thi thêm chỉ xảy ra nếu có 2 bài thi văn sách trở lên đều hay như nhau, không biết ai đỗ đầu. Nhưng riêng khoa thi này vua Lê Kính Tông cho thêm kỳ thi ứng chế cho các sĩ tử vào đến thi Đình, và một lần nữa Nguyễn Đăng lại được chấm cao nhất.

Vậy là Nguyễn Đăng được Vua ban tặng danh hiệu “Tứ nguyên”. Mặc dù “Tứ nguyên” này là danh hiệu có một không hai trong lịch sử khoa bảng, nhưng dân chúng lại thích gọi Nguyễn Đăng là Trạng Tỏi, tức ông Trạng ở làng trồng tỏi.

Đi sứ nhà Minh

Nguyễn Đăng là vị quan mẫn tiệp, được vua Lê Kính Tông và Lê Thần Tông mến phục và trọng dụng. Ông được bổ nhiệm làm Hộ bộ Hữu thị lang, tước Phúc Nam hầu.

Năm 1613, Nguyễn Đăng được cử đi sứ sang nhà Minh, thời gian 10 năm.

Khi đi sứ đến năm thứ 3, một lần Hoàng đế nhà Minh mở tiệc lớn nhân ngày đại khánh, có mời cả Sứ thần các nước. Hoàng đế nói các Sứ thần làm một bài thơ phú về chùa Phi Lai, vốn là một danh lam thắng cảnh lúc đó, hạn 5 ngày phải xong.

Mới hơn 2 ngày Nguyễn Đăng đã làm xong và trình lên bài “Phú chùa Phi Lai” (Phi Lai tự phú) và là người nộp đầu tiên. Sau 5 ngày thì hàng trăm bài thơ và phú cũng được trình lên Hoàng đế. Hoàng đế cùng các quan thấy rằng bài của Nguyễn Đăng là hay nhất, không bài nào sánh kịp.

Biết ở trong nước Nguyễn Đăng đỗ đầu tất cả kỳ thi và là “Tứ nguyên”. Mặc dù Nguyễn Đăng không phải là Trạng nguyên nhưng Hoàng đế nhà Minh đã phong cho ông là “lưỡng quốc Trạng nguyên”, đồng thời mở tiệc chiêu đãi.

Trong bữa tiệc, Hoàng đế thử tài “lưỡng quốc Trạng nguyên” bằng cách ra một vế đối là “Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư phụ mẫu”.

Đề mà Hoàng đế ra, 3 chữ “thập” (十), “khẩu” (口), “tâm” (心) ghép lại thành chữ “tư” (思) nghĩa là nhớ. Nguyễn Đăng cũng đối ngay lại là “Thốn thân ngôn tạ, tạ thiên, tạ địa, tạ quân vương”, vế đối lại chuẩn từ cách ghép chữ đến hàm ý bên trong. Trong đó 3 chữ “thốn” (寸), “thân” (身), “ngôn” (言) ghép lại thành chữ “tạ” (謝).

Cũng bởi việc này mà Hoàng đế cho Nguyễn Đăng được trở về nước trước hạn 7 năm.

Trước khi Nguyễn Đăng về nước, Hoàng đế nhà Minh cho làm loại độc bình bằng sứ có hoa văn trang trí thật đẹp và viết bài “Phi Lai tự phú” của ông lên xung quanh lọ độc bình, để làm kỷ niệm tặng ông mang về nước.

Sau khi nghỉ hưu, Trạng Tỏi Nguyễn Đăng về làng Hán Đà thuộc tổng Quảng Lãm huyện Quế Võ, trấn Bắc Ninh (nay là thôn Hán Đà, xã Hán Quảng, huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh) mở trường dạy học cho đến khi mất, thọ 81 tuổi. Người dân lập đền thờ ngay trên nền ngôi trường để tưởng nhớ đến ông.

TRẦN HƯNG / Theo Tri Thức VN

Ông Tập Cận Bình có thể là “hoàng đế cuối cùng” của ĐCSTQ

Có nhận định chính sách ngoại giao “sói chiến” và những đánh giá sai lầm nghiêm trọng tình hình quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng xảy ra dưới thời ông Tập Cận Bình, đặc biệt vấn đề khủng hoảng eo biển Đài Loan trước thềm nghị sự Bắc Đới Hà, có thể sẽ khiến ông Tập trở thành vị “hoàng đế cuối cùng” của ĐCSTQ.

Ông Tập Cận Bình tại Vladivostok, Nga năm 2018. (Nguồn: Alexander Khitrov/ Shutterstock)
Sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, quân đội ĐCSTQ đã rầm rộ tập trận bắn đạn thật quy mô lớn răn đe, đồng thời họ cũng thay đổi trong chính sách đối với Đài Loan, gây ra một cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan mới, làm trầm trọng thêm căng thẳng xuyên eo biển, cùng đó là quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục chạm đáy. Giới quan sát cho rằng chính sách ngoại giao “sói chiến” của ĐCSTQ và việc đánh giá sai lầm nghiêm trọng của họ đối với tình hình quốc tế đã đẩy chế độ của ông Tập Cận Bình vào tình thế khó khăn, bất ổn, cũng khiến khả năng duy trì quyền lực của ông tại Đại hội 20 trở nên khó đoán.

Việc quân đội ĐCSTQ tiếp tục tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Đài Loan không chỉ gây phản đối mạnh từ phía Nhật Bản, mà Mỹ và các thành viên khác của G7 cũng đồng loạt lên tiếng, đề nghị nhà cầm quyền Trung Quốc kiềm chế, tránh để hoạt động quân sự này gây nguy hại cho hòa bình và ổn định của khu vực, làm leo thang căng thẳng.

Trước đó, chính quyền Bắc Kinh đã phát động một cuộc tấn công dư luận dữ dội nhằm vào chuyến công du của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập và nhà bình luận của Thời báo Hoàn cầu thuộc nhà nước Trung Quốc đã đề xuất cử máy bay quân sự “bay kèm” máy bay của bà Pelosi, thậm chí còn “hiến kế” bắn rơi máy bay của bà Pelosi và đánh chìm tàu ​​sân bay Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên thì nói rằng nếu bà Pelosi thăm Đài Loan, quân đội ĐCSTQ sẽ “không ngồi yên khoanh tay đứng nhìn”.

Nhà văn mạng internet Lô Địch (Lu Di) cho biết trong bài của cô bàn về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, những người như ông Hồ Tích Tiến và Triệu Lập Kiên là “xã hội đen cấp cao nhân danh người của nhà cầm quyền để làm hại nhà cầm quyền”, vì “dù Tập Cận Bình ngu ngốc đến đâu cũng có lẽ không ngờ nghệch đến thế, khi đang ở thời điểm quan trọng để tìm kiếm quyền lực nhiệm kỳ 3 thì làm sao ông ta có thể phát động chiến tranh? Lời giải thích hợp lý duy nhất là những người này là “thế lực chống Tập” cố tình bê ông Tập lên bếp để nướng rồi thích thú ngồi xem”.

Một nhà văn mạng khác là Hạng Đông Lương (Xiang Dongliang) gần đây đã đăng một bài blog chỉ trích chính sách ngoại giao “sói chiến” của ĐCSTQ rằng, “Về cơ bản, nhiệm vụ ngoại giao là ngăn chiến tranh, bất cứ nước nào cũng không có lý do gì để lập bộ ngoại giao kích động chiến tranh, việc nghênh chiến khi bất khả kháng là vấn đề của Bộ Quốc phòng”.

Khủng hoảng eo biển Đài Loan có thể liên quan đến thế cuộc tại Bắc Đới Hà
Mặt khác, kể từ ngày 1/8 cả 7 Ủy viên Ban Thường vụ ĐCSTQ đã “ẩn thân” hơn 10 ngày, nổi lên những đồn đoàn xung quanh Hội nghị Bắc Đới Hà. Dự kiến Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay sẽ quyết định bố trí nhân sự cấp cao của Đại hội 20 ĐCSTQ, đồng thời cũng sẽ tập trung vào các vấn đề như tình hình eo biển Đài Loan và quan hệ Mỹ – Trung. Dĩ nhiên vấn đề liệu ông Tập Cận Bình có thể tại nhiệm ở Đại hội 20 không vẫn là tâm điểm chú ý xoay quanh những sự kiện đó.

Đài VOA Mỹ dẫn lời nhà bất đồng chính kiến ​​người Trung Quốc ở Mỹ là Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) cho biết trong một cuộc phỏng vấn, rằng việc ông Tập Cận Bình nhiều lần đánh giá sai tình hình đã làm cho giới dư luận viên lớn và nhỏ của ĐCSTQ suy sụp tinh thần, cho thấy xu hướng sụp đổ của thể chế đương nhiệm. Còn cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan này gặp ngay thời điểm Hội nghị Bắc Đới Hà, rất bất lợi cho khả năng tại nhiệm “phá thông lệ 2 nhiệm kỳ” của ông Tập Cận Bình.

Ông Ngụy Kinh Sinh nói: “Đây là cơ hội tốt cho phe chống lại Tập Cận Bình. Tôi đoán họ sẽ bắt đầu tấn công tại cuộc họp ở Bắc Đới Hà. Sau đó uy thế của Tập Cận Bình có thể bị suy yếu rất nhiều khi vào Đại hội 20, khiến hy vọng duy trì quyền lực bị giảm đi đáng kể. Do liên tục có những đánh giá sai lầm nên khả năng ông ấy tái nhiệm tại Đại hội 20 đã không còn cao”.

Học giả Phùng Tôn Nghĩa (Feng Chongyi) chuyên về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney ở Úc, nói rằng màn trình diễn của quân đội ĐCSTQ tại eo biển Đài Loan không hơn gì màn diễn “đầu voi đuôi chuột”, nhưng nổi rõ tham vọng trong việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Tuy nhiên, việc ngăn chặn các kênh điều hướng thương mại quốc tế, cũng như muốn thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, là vấn đề hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với các nước như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Úc… bất kể xét về lợi ích kinh tế hay trật tự quốc tế.

Ông nói, “Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Úc đều chỉ rõ vấn đề căng thẳng trong quan hệ eo biển Đài Loan là vì trạng thái ‘tuốt kiếm gương cung’ của ĐCSTQ. Họ đều tin rằng việc duy trì hiện trạng là nhu cầu cơ bản của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên ĐCSTQ hiện đang công khai lên tiếng về động thái thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, đây là một cú sốc lớn đối với họ, việc chiếm Đài Loan bằng vũ lực là điều cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận”.

Đài VOA Mỹ dẫn lời một số nhà quan sát cho rằng hiện tại ông Tập Cận Bình đang thúc đẩy “2 vụ đánh cược” lớn: Kiên trì chính sách ‘Zero-COVID’ trong nước, và vấn đề leo thang tại eo biển Đài Loan.

Nhà bất đồng chính kiến Ngụy Kinh Sinh chỉ ra năng lực văn hóa của ông Tập Cận Bình hạn chế, đã trọng dụng đội ngũ ngoại giao không đủ tốt, khiến tình hình ĐCSTQ còn tệ hại hơn dưới thời người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, qua đó ông cũng dự đoán rằng ông Tập có thể là “hoàng đế” cuối cùng của ĐCSTQ.

Hạ Trân, Vision Times / trí thức VN

Góc khuất của thiên tài văn chương

“Hồi ký” của Peter Fabjan mô tả người đàn ông bị dằn vặt giữa “yêu thương và ghẻ lạnh”.

Đối với tiểu thuyết gia và nhà viết kịch vĩ đại người Áo Thomas Bernhard, cuộc sống là một dạng sáng tác. Nhưng người anh cùng cha khác mẹ của Bernhard, Peter Fabjan, lại viết về một khía cạnh khác của ông trong cuốn sách A Life Alongside Thomas Bernhard: A Report. Cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Đức vào tháng 1 vừa qua.

Goc khuat nha van anh 1
Ảnh Thomas Bernhard được chụp khoảng năm 1957, 1958. Ảnh: Helmut Baar/Getty Images.
Một nghệ sĩ đích thực

Peter nhận định rằng: “Cuộc sống của tôi là bên cạnh một bóng ma”.

Nằm trong top 10 cuốn sách bán chạy nhất ở Áo, và được tờ Die Welt (tạm dịch Thế giới) của Đức đánh giá là tác phẩm nên đọc.

Nhà phê bình Marc Reichwein viết trong Welt am Sonntag (tạm dịch Thế giới vào chủ nhật) rằng: “Đằng sau những câu nói của Fabjan, người ta cảm thấy ‘những vết thương ám ảnh suốt cuộc đời của hai anh em'”.

Bernhard hào phóng, có kỷ luật và dồi dào ý tưởng như một nghệ sĩ đích thực. Thế nhưng, ở đời sống thực, mặc dù được vây quanh bởi người thân và bạn bè, ông vẫn luôn dễ bị tổn thương, dằn vặt giữa “tình cảm và sự ghẻ lạnh”.

Fabjan viết: “Nếu Beethoven sáng tác Bản giao hưởng thứ chín của mình trong tình trạng không còn nghe thấy gì nữa, Bernhard lại làm việc trong tình trạng mất ý thức hoàn toàn về bản thể của mình”.

Để có thể cảm nhận, Bernhard luôn cần một “bạn diễn” ăn ý; phản ứng của một người bạn diễn hợp gu với ông là cần thiết để thắp sáng tia lửa trong cuộc sống của chính Bernhard.

Nhưng một khi những người thân yêu của ông không đáp ứng những gì ông cần, Bernhard sẽ lạnh lùng gạt họ sang một bên mà như Fabjan mô tả hành vi của ông giống con “ma cà rồng” loại bỏ kẻ không còn giá trị.

Goc khuat nha van anh 2
Bản tiếng Việt cuốn Diệt vong của Thomas Bernhard, tác phẩm đoạt giải Hội Nhà văn Hà Nội năm 2018. Ảnh: T.Đ.
Mối quan hệ với anh em cùng cha khác mẹ

Là anh em cùng cha khác mẹ, mối quan hệ của Bernhard và Fabjan rất phức tạp. Viết về mình và chị gái Susi, Fabjan nhớ lại: “Chúng tôi không được phép tự do yêu ghét. Thay vào đó là sự bắt buộc và chúng tôi phải chứng minh điều đó trong suốt cuộc đời của mình”.

Tại các buổi ra mắt và các bữa tiệc văn học, Fabjan luôn đóng vai trò là “bạn diễn trầm lặng”. Sau đó, ông cũng đóng vai bác sĩ riêng của Bernhard, khi người anh cùng cha khác mẹ được chẩn đoán mắc bệnh u hạt vào năm 1978 và đối mặt với các vấn đề về sức khỏe đến hết đời.

Suốt những năm tháng đó, Fabjan đến thăm Bernhard thường xuyên như hình với bóng và ở bên cạnh khi ông lìa xa dương thế năm 1989.

Michael Hofmann, người dịch tác phẩm của Bernhard sang tiếng Anh, không ngạc nhiên trước những hồi ức của Fabjan.

“Rõ ràng là đối với Bernhard, những người khác là một thứ gì đó tựa như tài nguyên có thể sử dụng được. Ông ấy thường xuyên cần sự giúp đỡ của mọi người nhưng dường như rất ít khoan dung dành cho họ”, ông nói.

Người duy nhất thực sự gần gũi với Bernhard có lẽ là Hedwig Stavianicek, góa phụ giàu có, đồng thời là người bạn của ông. Bernhard mô tả bà như hiện thân của Lebensmensch, một từ do chính ông tự nghĩ ra, có nghĩa đương thời chỉ người quan trọng nhất trong cuộc đời.

Fabjan nhận xét rằng Stavianicek là trung tâm của cuộc đời Bernhard, nhưng mối quan hệ này “không có sự lãng mạn”; Bernhard “về cơ bản chỉ yêu bản thân mình”.

Cái chết của Stavianicek vào năm 1984 ít nhiều gây ảnh hưởng đến ông, khiến Bernhard như muốn biến mất khỏi thế giới khổ đau này.

Lần xuất hiện cuối cùng của Bernhard trước công chúng là ngày 4/11/1988, tại buổi ra mắt vở kịch gây tranh cãi nhất trong sự nghiệp của ông, Heldenplatz.

Đêm khai màn, tác phẩm phải đối mặt với sự phản đối từ các tờ báo lá cải và các nhóm cánh hữu, những người tuyên bố Bernhard đã bôi nhọ nước Áo.

Một ngày sau buổi ra mắt, Fabjan viết rằng Bernhard đã bị đột quỵ do chứng nhiễm trùng phổi nguy hiểm đến tính mạng. Ông qua đời 3 tháng sau đó, ngày 12/2/1989.

Trong khi đó, Ruth Franklin khẳng định trên tờ New Yorker vào năm 2006 rằng đó là cái chết do trợ tử, các cáo phó cùng thời và Fabjan đã xác nhận Bernhard bị đau tim.

“Giống như khi đến với thế giới này, tôi muốn rời xa nó”, Fabjan ghi lại lời Bernhard nói trong những ngày cuối cùng của mình.

Thomas Bernhard (1931-1989) là nhà thơ, nhà viết kịch và tiểu thuyết gia người Áo nổi tiếng. Ông được biết đến là tác gia Đức ngữ quan trọng nhất thời hậu chiến.

Những sáng tác của Bernhard được xem như thành tựu văn chương đỉnh cao kể từ sau Thế chiến II. Nổi tiếng là vậy, nhưng Bernhard có một tuổi thơ vô cùng cay đắng và gắn liền với bệnh tật. Cha ruột từ chối thừa nhận, ông nội và mẹ ông lần lượt qua đời khi ông chỉ là một cậu thanh niên.

Chính cái cảm giác bị bỏ rơi trong suốt những năm tháng tuổi trẻ và căn bệnh phổi nan y đã chi phối các tác phẩm của ông, bao trùm lên đó những triết lý đầy bi quan.

Theo Zing

Liệu Việt Nam có còn là một nước Cộng sản?

“Liệu Việt Nam có còn là một nước Cộng sản?” – Tôi đã hỏi như thế ở bất cứ nơi đâu, trong nhiều năm. Tôi hỏi cùng một câu hỏi đó từ các ngôi làng vùng sâu cho đến các thành phố lớn, câu trả lời là một điều rất quan trọng đối với tôi, bởi hàng triệu người Việt Nam đã chết, đã chiến đấu cho đất nước của họ và sau đó cố gắng hoàn thành giấc mơ về một quê hương xã hội chủ nghĩa.

Liệu Việt Nam có còn là một nước cộng sản?

Tác giả: Andre Vltchek, triết gia, nhà văn, nhà làm phim và nhà báo điều tra, chuyên gia Về châu Á và phương Đông.

Nguồn: “Vietnam is well, but that angers western imperialism”; New Age; 21/12/2016.

Biên dịch: Ngô Mạnh Hùng. Bản dịch đăng trên Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 541.

Cách đây 15 năm, khi sống ở Hà Nội, tôi đã thường xuyên đến quán bar trên sân thượng ở khách sạn Meritus để dùng đồ uống buổi tối, chỉ để cảm nhận làn gió nhẹ nhàng và nhìn thấy những chiếc tàu cổ xưa đang chạy trên hồ. Đôi khi mặt hồ có thể nhìn thấy rõ ràng, nhưng thông thường thì bị bao phủ bởi sương mù, như trong một bức tranh Việt Nam cổ.

Có những ngôi làng trên đường chân trời, bao gồm những ngôi nhà ống đơn giản, và tôi cũng có thể nhìn thấy một vài tòa nhà chọc trời ở trung tâm thành phố. Xa bên dưới, những tòa nhà nằm trên bờ hồ đầy màu sắc, cổ kính và đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Hà Nội rất u tịch và nghèo nàn, nhưng nó là một cái gì đó, mà người ta có thể yêu hoặc ghét, nhưng không ai có thể thờ ơ với nó bao giờ…

Đây cũng là thủ đô của một quốc gia xã hội chủ nghĩa, một đất nước tự hào đã đánh bại đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ. Đó là một biểu tượng của sự phản kháng, là dấu hiệu hy vọng cho nhiều nước nghèo đang đấu tranh, và cũng giống như Cuba, là một bằng chứng sống động cho thấy một quốc gia bất khuất với niềm tự hào của mình có thể đứng lên và chiến thắng trước những kẻ thù mạnh nhất và độc ác nhất.

Vào một thời điểm nào đó, Meritus đã đổi tên và chủ sở hữu của nó. Nó đã trở thành Sofitel và gần đây đã được chuyển đổi lần nữa, lần này là Pan Pacific. Những kết cấu trên tầng mái vẫn được giữ lại. Các tòa nhà chọc trời đã mọc lên khắp thành phố. Bây giờ chúng bao phủ gần như toàn bộ chân trời, đột nhiên Hà Nội có một đường chân trời siêu thực. Bạn nhìn vào khoảng không phía xa, và những gì bạn thấy cũng giống hệt như bất cứ nơi nào khác: Thượng Hải hoặc Dallas, Bangkok hoặc Johannesburg… nhưng đó mới chỉ là cái nhìn bề ngoài.

Những hình ảnh cộng sản nhiệt huyết còn sót lại, may mắn là vẫn còn một số ít còn lại – những hình ảnh khác đã bị đột biến, trở thành những bảng hiệu quảng cáo kỹ thuật số hiện đại – vẫn đang cần mẫn chiếu sáng bóng đêm, với sự liên tục thay đổi: hình ảnh Cụ Hồ, những Đội viên thiếu niên, công nhân và binh lính trong tư thế sẵn sàng bảo vệ đất nước của mình.

Liệu Việt Nam có còn là một nước Cộng sản?” – Tôi đã hỏi như thế ở bất cứ nơi đâu, trong nhiều năm. Tôi hỏi cùng một câu hỏi đó từ các ngôi làng vùng sâu cho đến các thành phố lớn, câu trả lời là một điều rất quan trọng đối với tôi, bởi hàng triệu người Việt Nam đã chết, đã chiến đấu cho đất nước của họ và sau đó cố gắng hoàn thành giấc mơ về một quê hương xã hội chủ nghĩa.

Câu trả lời tôi thường nhận được lại là sự lảng tránh. Vì lý do nào đó, con mắt của những người mà tôi hỏi dường như bị bỏ rơi vào khoảng không vô hình nào đó…

Điều gì đã xảy ra, Việt Nam?” – Tôi muốn hỏi, nhưng Việt Nam là một dải đất lớn và dài sau bờ biển, rất bí ẩn, nó không nói, nó không trả lời những câu hỏi hùng biện của tôi. Hầu hết mọi người đều tự do nói chuyện, họ có thể trả lời, nhưng vì lý do nào đó họ lại không làm điều đó.

Họ có lẫn lộn như tôi không? Tôi cảm thấy càng trong những câu trả lời có vẻ tích cực và lạc quan, lại càng ẩn giấu sự trốn tránh. Và tôi tiếp tục suy nghĩ, tại sao lại như thế?

Tôi không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ ngừng hỏi, bởi vì tôi cảm thấy rằng đó là điều quan trọng, cần thiết phải biết để hiểu.

*

Nghệ sĩ nổi tiếng George Burchett, con trai của nhà báo vĩ đại người Australia Wilfred Burchett, sinh ra ở Việt Nam và hiện nay đã nhiều năm sống cùng gia đình ở Hà Nội. Tình yêu của anh dành cho đất nước này là niềm đam mê vô điều kiện. Anh quan sát thấy nhiều thay đổi xảy ra xung quanh, và thấy hầu hết mọi người đều lạc quan: “Cuộc sống ở Việt Nam đang dần được cải thiện. Bạn có thể đi dạo quanh Hà Nội hoặc lái xe trên khắp vùng nông thôn, không có cái gì là sự tàn khốc hay cùng cực ở đây. Mọi người lạc quan. Cuộc sống đang được cải thiện”.

Burchett cũng giải thích rằng, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, đường lối do Bộ Chính trị đưa ra theo hướng chính trị phi phương Tây.

Một số người mà tôi nói chuyện, cũng như một số nhà phân tích, không nghi ngờ gì sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hưu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp dụng một chính sách thân thiện hơn đối với Trung Quốc, thay đổi hình thức chủ nghĩa xã hội riêng của mình (gọi là “Chủ nghĩa xã hội với các đặc điểm Việt Nam”). Tuy nhiên, sau gần hai tuần đi du lịch khắp miền Trung Việt Nam, tôi không thể phủ nhận rằng lực lượng thị trường đóng vai trò rất quan trọng, thường xuyên cố gắng đưa ra định hướng phát triển của đất nước.

Tôi thích những chiếc cần cẩu khổng lồ, các công trình xây dựng và tuabin”, tôi đùa khi đi qua Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, khi thấy ở tầng 2, một số tác phẩm vĩ đại của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam được trưng bày (ý nói những chiếc cần cẩu – ND).

Vâng, tôi cũng vậy”, một trong những người bạn của tôi trả lời một cách chế nhạo, “nhưng tất nhiên, rất nhiều những cần cẩu này đang xây dựng các trung tâm mua sắm và nhà chung cư sang trọng dành cho người giàu”.

*
Tôi đã trải qua gần 3 năm sống ở Việt Nam, khi đó vẫn còn nghèo, từ năm 2001 đến 2003. Quyết tâm của người dân để xây dựng một quốc gia phát triển hơn là rất đáng ngưỡng mộ.

Mỗi năm tôi trở lại, đi du lịch đến hầu như tất cả các góc của đất nước. Việt Nam chắc chắn đã thay đổi, nhưng theo nhiều cách nó vẫn giữ được tinh thần xã hội chủ nghĩa. Kế hoạch hóa tập trung mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đảm bảo cho sự phát triển của một nền kinh tế hỗn hợp, không bao giờ biến thành sự hỗn loạn và thị trường phi XHCN. Tinh thần của quốc gia và biểu tượng yêu nước là chủ nghĩa Marx, nhưng cũng mang nguồn gốc sâu xa của chủ nghĩa dân tộc.

Ngay cả khi các công ty mới của nước ngoài xây dựng dây chuyền lắp ráp của họ ở đây, chính phủ đã đảm bảo rằng sẽ không xảy ra điều kiện làm việc tuyệt vọng và đáng tiếc như những gì đã xảy ra ở Philippines, Indonesia hoặc Campuchia. Tôi đã đến thăm một số nhà máy may mặc ở miền Nam: tất cả đều sạch sẽ, thoáng khí, với đủ dịch vụ y tế, căn-tin và việc cơ giới hóa vận chuyển hàng hóa cho công nhân.

Ở nông thôn, điều kiện sống và làm việc cũng đã được cải thiện, nói chung là khá đáng kể.

Tuy nhiên, không giống như ở một số nước khác, tuyên truyền của phương Tây ở Việt Nam được tự do hoạt động thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Các blogger và truyền thông xã hội bắt đầu tấn công lãnh đạo Đảng Cộng sản và toàn bộ hệ thống chính trị – xã hội Việt Nam.

Chiến lược chung nhằm tạo sự mất ổn định (tương tự như phương thức nhắm đến Đông Âu trong Chiến tranh Lạnh, và nhắm đến Mỹ Latinh và Trung Quốc bây giờ) đã được áp dụng một cách ráo riết. Vô số các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức “nhân quyền” đã tham gia ngay lập tức. Nhiều trí thức địa phương tham gia vào hàng ngũ của các nhà hoạt động nước ngoài, một số người trong số họ đã nhận được “hỗ trợ” và “tài trợ” từ các cơ quan nước ngoài, các tổ chức văn hóa và thậm chí trực tiếp từ các chính phủ phương Tây.

Những thành tựu to lớn của nhà nước đã bị truyền thông thu hẹp lại một cách có chủ đích, trong khi đó những chủ đề như tham nhũng và những tai ương xã hội lại bị nhấn mạnh quá mức. Toàn bộ vũ khí “văn hóa chống lại nền tảng” đã được thiết kế, sản xuất và tung ra. Đối với những người thành thị có học thức, việc ủng hộ Đảng Cộng sản và hệ thống chính trị đã trở nên biến mất, gần như họ không làm gì, gần như đáng hổ thẹn.

Việc tương tác với những khách du lịch nước ngoài thường không dẫn đến bất cứ điều gì tích cực. Tại thành phố cổ Hội An, tôi gặp một cô hầu bàn khách sạn, trước đây là một cô gái thôn quê, gần như ngay lập tức sau khi tôi ngồi xuống bàn, cô đã bắt đầu phát huy vốn tiếng Anh thông thạo của mình, để nói một hồi dài như mọi người mơ tưởng châu Âu khác, cô nói về những khó khăn khủng khiếp ở Việt Nam, mức học phí ở trong nước cao như thế nào (thật vô lý, không có học phí ở đây, mặc dù có một số “chi phí ngầm”), và tình trạng tuyệt vọng ở các bệnh viện địa phương như thế nào (dù trên thực tế, tình hình đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, như tôi đã nói với nhiều công dân Việt Nam). Sau đó cô ấy, theo một cách được đào tạo bài bản, đã đưa ra một câu hỏi, điều làm tôi hài lòng: “Mọi thứ, giáo dục và chăm sóc y tế ở đất nước của ông như thế nào?”.

Chúng tôi luôn ngưỡng vọng các quốc gia khác, đặc biệt là phương Tây”, người bạn lâu năm của tôi, một nhà quản lý người Việt Nam đã nhiều năm làm việc cho Liên hợp quốc, nói với tôi, “Chúng tôi hiếm khi hài lòng với những gì chúng tôi có, hoặc những gì của nhà nước. Luôn luôn phải có điều gì đó để phàn nàn”.

Nhận xét của bạn tôi là chính xác. Câu hỏi đặt ra ở đây: Ai là người thực sự sản xuất và quảng bá những quan điểm như thế? Làm việc trên khắp thế giới, tôi thực sự thấy điều này ngày càng trở nên “khuôn mẫu” và được “sản xuất hàng loạt” ở một số quốc gia. Nó được thiết kế và chế tạo ở phương Tây, sau đó được cấy ghép vào các nước xã hội chủ nghĩa, ở Trung và Nam Mỹ, ở Nam Phi, Trung Quốc, Nga và ngày càng nhiều ở Việt Nam.

Để đơn giản hóa mọi thứ, tôi gọi đó là cách tiếp cận: “truyền bá chủ nghĩa hư vô, bi quan, trầm cảm và hoài nghi”. Mục tiêu chính của nó là làm nảy sinh sự bất mãn, làm sai lệch tư tưởng của hệ thống xã hội chủ nghĩa, chia rẽ các quốc gia, làm suy yếu chủ nghĩa yêu nước và cuối cùng là cai trị các quốc gia đã tự đánh mất toàn bộ phẩm giá của mình.

Tôi đã mô tả những nỗ lực như vậy của phương Tây với các chi tiết đầy màu sắc, trong cuốn sách “Chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây” của tôi, dài 840 trang.

Trong rất nhiều dịp, tôi đã gặp những công dân Việt Nam đang ngày càng cọ xát với “thế giới bên ngoài” nhiều hơn, họ cũng như những người đã bán hết những miếng bánh của mình, nay nhận tài trợ và làm việc cho các công ty và tổ chức quốc tế.

Những người như vậy không được phép làm lãnh đạo, quản lý đất nước, họ nên được dứt khoát dừng lại!

Người Việt Nam đã đứng trên đỉnh cao thời đại trong nhiều thập kỷ. Họ đã chiến đấu và thách thức những kẻ thù hùng mạnh nhất trên trái đất – thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Họ đã xây dựng lại đất nước của mình từ đống tro tàn, đúng theo nghĩa đen. Trong quá trình đó, hàng triệu sinh mạng đã mất, nhưng cuối cùng quốc gia đã thống nhất, nó đã trở nên mạnh mẽ như thép, vượt lên tất cả những gì mà thế giới có thể hình dung, tưởng tượng.

Nếu bây giờ Việt Nam chấp nhận thất bại bởi truyền thông, hoạt động phá hoại và bởi chính sự vọng ngoại của mình, thì tất cả những hy sinh to lớn nói trên sẽ trở thành vô ích.

Trong những năm gần đây và cả nhiều thập kỷ trước, một số sai lầm nghiêm trọng đã xảy ra ở Việt Nam, nhưng đất nước vẫn đang tiến về phía trước, cuộc sống đang được cải thiện và có triển vọng tươi sáng. Phủ nhận nó sẽ là một minh chứng rõ ràng về sự vô minh, thiếu hiểu biết, hoặc là những ý định vô cùng thù địch. Điều đó phải bị loại bỏ, không bao giờ được tự đánh mất, không bao giờ được phép lãng quên và không bao giờ được khuất phục, ở bất cứ cấp độ nào!

Theo VĂN NGHỆ TP HCM