Hiệu ứng hang động thông gió cho nhà hướng Tây

KHÁNH HÒA – Gió được cuốn vào rãnh sâu ngăn đôi hai không gian kéo dài từ tầng trệt lên sân thượng, theo các ô cửa lùa vào các phòng.

Ngôi nhà mang tên Bi House nằm ở vùng ngoại ô thành phố Nha Trang với diện tích xây dựng 80 m2. Gia chủ là cặp vợ chồng trẻ, mong muốn xây dựng một ngôi nhà phá cách, khác với những thiết kế truyền thống.

Dù có khoảng sân vườn rộng bao quanh nhưng vì hướng Tây nên công trình rất nóng vào mùa hè.

Ngôi nhà nằm trong khu dân cư đông đúc, mật độ bê tông hóa dày đặc khiến không gian cây xanh tự nhiên dần bị thay thế bởi những công trình xây dựng. Khi thiết kế, kiến trúc sư đã cố gắng trả lại nhiều nhất diện tích cây xanh bằng cách bố trí những mảng xanh len lỏi khắp các không gian. Ngoài việc tạo ra một lớp lá chắn tự nhiên trước nhiệt độ, tiếng ồn và khói bụi, mảng cây xanh bao quanh còn mang đến cho ngôi nhà một diện mạo khác lạ khi nhìn từ bên ngoài.

Tầng trệt của Bi House có đầy đủ tiện nghi như sân vườn, bể bơi, phòng sinh hoạt chung được thiết kế dạng mở liền mạch. Mỗi một không gian đều có cửa kính cỡ lớn kết nối ra sân vườn và bể bơi của ngôi nhà.

Vị trí hai phòng ngủ ở tầng giữa được xem là nơi hấp thụ nhiều nhất nhiệt độ cao vào buổi chiều và khó khăn trong việc thông gió tự nhiên.

Giải pháp kiến trúc sư đưa ra là tạo một rãnh sâu chia đôi hai không gian. Rãnh sâu này kéo dài xuyên suốt từ tầng trệt lên đến sân thượng nhằm tạo khoảng trống thông gió cho căn hộ.

Hai phòng ngủ vì thế có thêm một khoảng thở và thông gió ở rãnh sâu. Khi không khí đi qua vị trí này, chênh lệch áp suất sẽ diễn ra. Theo hiệu ứng hang động, gió được cuốn và xoáy vào khu vực này rồi theo các ô cửa lùa vào các phòng.

Ngoài ra, từ trên tầng thượng, ở vị trí rãnh sâu các cây cúc tầng đang phát triển. Tương lai sẽ rủ dài xuống và tạo thành một mảng xanh như thác nước chắn nắng chiều và giảm nhiệt cho khu vực giữa nhà.

Một lớp tường thứ hai được kiến trúc sư thiết kế bao bọc phía ngoài ngôi nhà nhằm che chắn, giảm bớt bức xạ nhiệt theo hướng ngang.

Lõi tường này gần như một chiếc mặt nạ không chỉ che chắn nhiệt của nắng chiều mà còn chống ồn và bụi, đồng thời tạo ra một diện mạo độc đáo cho ngôi nhà.

Hai khoảng trống thông gió (giếng trời) được đặt tại vị trí phía sau và phía trên khu vực cầu thang giữa nhà giúp đối lưu không khí.

Dưới giếng trời còn trồng thêm cây khế, không chỉ tạo góc nhìn đẹp mà khiến các phòng trong nhà đều thông thoáng, mát mẻ.

Mỗi khi ánh nắng chiếu qua khung sắt hình hoa- trụ nâng đảm bảo an toàn cho giếng trời- tạo nên những hiệu ứng bóng đổ đẹp mắt.

Mảng xanh được bố trí xung quanh nhà. Không chỉ làm đẹp, những mảng xanh này còn có chức năng thông gió, chắn nắng…

Hai loại cây được sử dụng nhiều nhất tại Bi House là khế và lộc vừng, bởi đây là những loài thân gỗ dễ trồng, dễ chăm sóc.

Xuyên suốt các không gian, các ô kính được sử dụng linh hoạt ở nhiều vị trí khác nhau nhằm mang ánh sáng tự nhiên vào bên trong công trình cũng như hạn chế tối đa việc tiêu thụ điện năng.

Phía trước bồn tắm lộ thiên ở phòng ngủ Master có một lớp cửa nhôm kính với hệ ray trượt đặc biệt. Khi trượt ra hết gần như không có ngăn cách giữa không gian bên trong và bên ngoài. Khi cần có thể trượt đóng lại nhằm bảo đảm an ninh.

Sức hấp dẫn của bồn tắm lộ thiên chính là cảm giác rộng rãi, thoải mái, gần gũi thiên nhiên, đồng thời khiến gia chủ có cảm giác như đang ở trong resort.

Mái nhà được trồng cỏ Nhật giúp giảm bức xạ nhiệt theo hướng từ trên xuống.

Trước khi trồng cỏ, công trình được chống thấm qua 4 lớp gồm lớp bê tông hoàn thiện, lớp hoá chất chống thấm chuyên dụng và hai lớp module chuyên sử dụng để trồng cỏ trên mái mà không gây ngập nước cũng như thấm ngược.

Ngôi nhà hoàn thiện trong khoảng 6 tháng với chi phí 4,5 tỷ đồng.

Trang Vy / Vietnam Express
Đơn vị thiết kế: Pham Huu Son Architects / KTS chủ trì: Phạm Hữu Sơn
Nhiếp ảnh: Hiroyuki Oki / Ánh sáng: Galaxy Led

Vua Đồng Khánh và phần kho báu được giao lại

Kho báu kinh thành Huế sau ngày thất thủ kinh đô

Dựa theo những tư liệu chính thức của Pháp, tác giả sách đã lần theo dấu vết những kho báu dưới triều Nguyễn (sau ngày kinh đô thất thủ 5/7/1885): Phần được lực lượng nổi dậy chuyển đi cất giấu, phần bị người Pháp chuyển về nước, phần do vua chúa tích lũy hay tiêu pha…

Sáu tháng đã trôi qua, từ lúc vua Đồng Khánh lên ngôi cho đến khi [Tổng trú sứ] Paul Bert đặt chân đến xứ An Nam, nghĩa là thời điểm mà nhà vua sắp tiếp nhận phần kho báu của mình.

Sáu tháng với một tình thế thật kỳ lạ: tình thế dưới quyền lực quân sự của tướng De Courcy. Tiếp đó, với một vị vua ngoan ngoãn dễ bảo, Paul Bert và những người kế nhiệm nỗ lực đưa nước Việt Nam vào một cơ chế bảo hộ thực sự.

Paul Bert ngay tức khắc có một động thái quan trọng chỉ có thể làm hài lòng nhà vua: “ông trao lại cho nhà vua một phần kho báu của vương triều, vốn đã bị niêm phong sau cuộc tấn công vào ngày 5 tháng 7”. Như thế, theo với quyết định từ ba bộ có liên quan [trong chính phủ Pháp], vua [Đồng Khánh] nhận lại một nửa kho báu, nghĩa là một khối lượng vàng và bạc không phải nhỏ: hơn 1,3 tấn vàng và 14,6 tấn bạc.

Vua Đồng Khánh về sau sẽ viết cho Tổng thống Pháp: “Sau đó đến lượt ngài Paul Bert đến với chúng tôi, ngay khi đặt chân đến đây, ngài Tổng công sứ, nay ngài không còn nữa, đã bắt đầu bằng việc trao trả cho chúng tôi kho báu kho lẫm và của cải của chúng tôi”. Nhưng có nhiều chỉ dấu cho phép nghĩ rằng nhà vua trước đó đã sở hữu một lượng tiền của đáng kể xuất xứ từ kho báu, được trao cho nhà vua trước ngày 5 tháng 7.

Kho bau kinh thanh Hue anh 1
Hình ảnh vua Đồng Khánh trên bìa sách Le trésor de Huê – Une face cachée de la colonisation de I’Indochine.

Chúng ta cũng còn nhớ, con người lúc đó chỉ mới là hoàng tử Chánh Mông, trên đường chạy trốn đã làm rơi vãi những đồng tiền thưởng ngài mang theo. Rồi sau đó, khi đã lên ngôi, chúng ta chứng kiến đức vua ban phát một cách dễ dàng những đồng tiền vàng cho các quân nhân Pháp. Vào dịp Tết năm 1886, nhà vua không ngần ngại ban phát rộng rãi các đồng tiền thưởng cho sĩ quan, quân lính và giới dân sự phía Pháp.

Tướng Prudhomme “thời gian sau khi được thông báo, đã nhận được các huy hiệu huân chương [nghĩa là các đồng tiền thưởng] được mang đến cho tướng quân với đầy đủ nghi lễ nghi thức hoành tráng. [Quà tặng] Gồm những đồng tiền thưởng bằng vàng với các mẫu khác nhau, với đề nghị phân phát ngay cho quan quân để mang vào phô trương trong buổi duyệt quân vào buổi chiều”.

Vua rất hào phóng, đích thân tặng cho tướng [Prudhomme] một đồng tiền thưởng bằng vàng: theo mô tả của thiếu tá Jullien thì đó là đồng 1 lạng (khoảng 38,5g) loại vạn thế vĩnh lại (sic), “một vạn thế hệ vẫn trường tồn niềm tin”, cộng thêm “một thanh kiếm tuyệt đẹp, giá ước chừng khoảng hai nghìn quan Pháp” và “một bộ áo quần dành cho quan lại cũng giá trị như vậy”.

Vua Đồng Khánh, được đặt lên ngôi báu và có lại được kho báu, giờ đây hy vọng có thể có được một sự tự chủ nào đó từ ông Tổng công sứ Pháp. Nhưng điều nhà vua không biết đó là Paul Bert thực sự muốn đưa đường dẫn lối cho cái chưa chính thức là “Đông Dương” [thuộc Pháp], mà nay cũng chẳng còn hoàn toàn là đế chế An Nam, sẽ trở thành một hình thái hệ thống [người Pháp] cai trị hành chính trực tiếp: cần phải hiểu “hành chính trực tiếp” đó là một sự lãnh đạo không còn bàn cãi của phía Pháp và sự thi hành của các công chức địa phương chỉ biết vâng lời.

Ý kiến này được triển khai rõ ràng trong vấn đề quyền lực tại Bắc Kỳ, một vấn đề có liên quan với vấn đề tài chính của triều đình Huế. Do những nhu cầu chi tiêu của triều đình, và nhất là về phần nhà vua, vấn đề tài chính ngày càng trở nên quan trọng hơn nữa. Nhà vua “cho hóa giá” những quyền hạn tại Bắc Kỳ cho quan kinh lược, nghĩa là cho tổng công sứ: mỗi năm nhà vua được nhận 380.000 xâu tiền (tương đương 285.000 quan Pháp) cộng thêm 380.000 đấu gạo (mesures de riz sic) lấy từ việc thu thuế tại Bắc Kỳ. Nhưng một lời hứa như vậy chỉ có giá trị với những người đã đưa ra lời hứa.

Bihourd, người kế nhiệm Paul Bert, sẽ nói rõ: theo điều 11 hòa ước Patenôtre ký năm 1884, việc thu và sử dụng tiền thuế tại Bắc Kỳ là thuộc thẩm quyền các tổng công sứ và chỉ một phần dôi ra còn lại mới được trao cho triều đình Huế. Do vậy, không thể nói trước về số tiền sẽ rót cho triều đình Huế. Người ta trao đổi với nhà vua, nếu thu được tiền thuế lên đến 10 triệu xâu tiền, thì sẽ rót lại cho nhà vua 1,5 triệu.

Triều đình Huế tìm cách thương lượng và phái ông Nguyễn Hữu Độ đàm phán để yêu cầu được nhận 4 triệu xâu tiền. Đương nhiên Bihourd từ chối một số tiền như vậy và đề ra một biện pháp khác: trong chừng mực có thể, bố trí vào trong bộ máy hành chính trung ương và địa phương của vùng Bắc Kỳ những quan lại công chức xuất thân ở Bắc Kỳ, như thế để làm giảm hơn nữa ảnh hưởng của triều đình Huế.

Về phía triều đình, điều này có nghĩa là thu nhập lương bổng của các quan đại thần, các hoàng tử, hoàng thân quốc thích hoàng tộc và của ngay chính nhà vua sẽ bị giảm trừ đi rất nhiều. Và thực vậy, Richaud, Toàn quyền Đông Dương [9/1888 – 5/1889] mới nhậm chức, vào yết kiến vua Đồng Khánh ngày 27 tháng 9 năm 1888, đã không thể không đưa ra lời nhận xét: “Chúng ta đã không còn ở vào thời của vua Tự Đức. Cái triều đình An Nam này, vừa trải qua bao chuyện không may dị thường, nay thực sự đã mất đi hào quang, mất đi cảnh bày biện nghi thức tráng lệ xa hoa”.

Người Pháp có chiếm đóng một số khu vực lãnh thổ vương triều và rồi nắm giữ quyền hành chính của đất nước, phần lớn quan quân triều đình Huế, về sâu xa, chẳng lấy chuyện đó mà phản đối, chừng nào người Pháp vẫn rót đủ tiền bạc cho triều đình để duy trì thang bậc vương triều và cung cách sống vương giả.

Nhưng, có thế nào đi nữa, một sự sụt giảm thu nhập không thể là hệ quả của chính sách phục tùng của vương triều. Do đó, trong nội bộ triều đình giờ đây, đã có tiếng ra tiếng vào tỉ tê những từ như là “thỏa hiệp nhu nhược” (complaisance) và “lãng quên quyền lợi quốc gia” (oubli des intérêts nationaux sic).

Theo Zing

Ngôi làng “bác học” 1000 năm tuổi tại Việt Nam khiến CNN trầm trồ

Ngôi làng 1000 năm tuổi nằm bên sông Hồng đang thu hút sự chú ý của bạn bè quốc tế và cả giới trẻ thủ đô.

Hà Nội luôn nổi tiếng bởi sự cổ kính – một nét tinh hoa khiến giới mộ điệu thế giới không ít lần ngợi ca. Để làm nên vẻ đẹp này, chắc chắn không thể không kể đến những chứng nhân lịch sử, những dấu tích thời gian của những ngôi làng cổ tại đây.

Nằm ở ngoại ô thủ đô Hà Nội, thường không xuất hiện trong danh sách các điểm đến của khách du lịch, ngôi làng khoa bảng có tuổi đời ngàn năm hầu như không thay đổi qua nhiều thế kỷ“, báo CNN miêu tả về ngôi làng Đông Ngạc – một ngôi làng nằm ven sông Hồng cách trung tâm thủ đô khoảng 10km.

Ngôi làng “bác học” 1000 năm tuổi tại Việt Nam khiến CNN trầm trồ - Ảnh 1.

Một trong nhiều ngôi nhà còn giữ được vẻ cổ kính của làng quê cổ. Hình ảnh: Mai Lân

Tinh thần hiếu học

Làng Đông Ngạc có tên nôm là Kẻ Vẽ. Từ xưa, làng đã nổi tiếng trong câu ca của người Kinh kỳ: “Đất kẻ Giàn, quan kẻ Vẽ”.

Nguồn gốc của câu nói này là bởi làng Vẽ nhiều quan, từ đời Trần đến đời Nguyễn, trong khoảng 500 năm, làng Đông Ngạc đã sản sinh ra 22 tiến sĩ, bảng nhãn, phó bảng và trên 400 cử nhân, tú tài. Mà theo quy đình của triều đình phong kiến, làng nào có 10 người trở lên đỗ Tiến sĩ thì được coi là làng khoa bảng.

Ngôi làng “bác học” 1000 năm tuổi tại Việt Nam khiến CNN trầm trồ - Ảnh 2.

Làng Đông Ngạc xuất hiện trên báo CNN. Hình ảnh: CNN Travel

Điều đặc biệt, các dòng họ trong làng Đông Ngạc ví như dòng họ Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng, Lê… đều có người đỗ đại khoa, ít là một người, nhiều nhất là 9 người.

Theo ghi chép: “Người đỗ Tiến sĩ khai khoa cho làng là cụ Phan Phu Tiên – Lưỡng triều Tiến sĩ (tức là Tiến sĩ của hai Triều: Triều Trần và triều hậu Lê). Nổi bật nhất trong làng là dòng họ Phạm có tới 9 Tiến sĩ, tiếp đến là họ Nguyễn có 6, họ Phan có 5, họ Hoàng có 4, họ Đỗ và họ Lê có 1 Tiến sĩ”.

Ngôi làng “bác học” 1000 năm tuổi tại Việt Nam khiến CNN trầm trồ - Ảnh 3.
Ngôi làng “bác học” 1000 năm tuổi tại Việt Nam khiến CNN trầm trồ - Ảnh 4.
Ngôi làng “bác học” 1000 năm tuổi tại Việt Nam khiến CNN trầm trồ - Ảnh 5.

Những góc cổ kính trong đình làng Vẽ. Hình ảnh: Mai Lân

Chính vì vậy, làng Vẽ đứng thứ 3 trong cả nước thời phong kiến về đỗ Tiến sĩ sau làng Mộ Trạch ở Hải Dương (36 Tiến sĩ) và làng Kim Đôi ở Bắc Ninh (25 Tiến sĩ). Cũng chính từ đó, trong làng có không ít các giai thoại liên quan đến sự học, ví như có giai thoại kể về những chiếc cổng làng còn có tên Đống Ếch vì học trò chăm học đến nỗi tiếng đọc sách trong làng râm ran như tiếng ếch kêu.

Ngôi làng “bác học” 1000 năm tuổi tại Việt Nam khiến CNN trầm trồ - Ảnh 6.

Một góc Trường Tiểu học Đông Ngạc hơn 100 tuổi. Hình ảnh: Internet

Một giai thoại khác mà dân làng vẫn thường hay kể về tấm gương điển hình chăm học là cụ Phạm Quang Trạch. Ngày ngày cụ ra vườn, vịn tay đi vòng quanh các cây cau đọc sách khiến tất cả các thân cây cau nhẵn bóng đều mòn hết cả.

Mặc dù ngôi làng bé nhỏ có chưa đến 1.000 dân, Đông Ngạc có số lượng lớn học giả thành đạt, bao gồm rất nhiều tiến sĩ. Cựu Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và sĩ phu yêu nước Hoàng Tăng Bí từ đầu thế kỷ 20 cũng xuất thân từ ngôi làng này” – CNN ca ngợi về truyền thống ham học của ngôi làng cổ.

Địa điểm check-in mới thu hút giới trẻ

Ngoài những dấu tích của lịch sử và tinh thần ham học, ngày nay Đông Ngạc đang trở thành địa điểm check-in có 1-0-2 của giới trẻ Hà Nội. Bức tường gạch đỏ rêu phong, mái ngói đã bạc màu thời gian, ngôi đình cổ linh thiêng, chợ dân sinh nhộn nhịp những âm thanh đồng quê là những điều mà người trẻ thủ đô tìm đến.

Ngôi làng “bác học” 1000 năm tuổi tại Việt Nam khiến CNN trầm trồ - Ảnh 7.

Đường làng được tận dụng làm nơi chụp ảnh cưới. Hình ảnh: Facebook Linh Phan

Nằm rải rác khắp ngôi làng là gần 100 ngôi nhà cổ có niên đại từ đầu những năm 1600. Những con ngõ nhỏ hẹp nhuốm màu sương gió khiến ta như sống lại quá khứ giữa sự chen chúc ồn ào của đời sống thị thành.

Màu gỗ lim sẫm với những mái hiên được chạm khắc tinh xảo nằm bên dưới những mái ngói đất nung tạo thành khung cảnh đẹp nao lòng trong mỗi bức ảnh của giới trẻ. Không chỉ là địa điểm check-in mới nổi, làng cổ Đông Ngạc còn nổi tiếng với những món ăn “ngon-bổ-rẻ”, hứa hẹn không khiến du khách đến đây thất vọng.

Ngôi làng “bác học” 1000 năm tuổi tại Việt Nam khiến CNN trầm trồ - Ảnh 8.

Những góc check-in đẹp nao lòng của làng Đông Ngạc. Hình ảnh: Facebook Ngọc Bích Hoàng

Có lẽ cũng nhờ tình yêu của dân làng mà ngôi làng vẫn còn giữ được vẻ nguyên vẹn cổ kính mà không bị mất đi trong quá trình hiện đại hóa của xã hội. Để rồi ngôi làng khoa bảng vẫn im lìm nằm đó, vừa là chứng tích của quá khứ vừa là động lực cố gắng của con cháu đời sau được sinh ra tại đây.

Hơn nữa, kể từ sau đại dịch Covid-19 và khoảng thời gian dài giãn cách xã hội, nhiều gia đình và các bạn trẻ lựa chọn hình thức “Staycation” (hay còn được gọi là du lịch tại chỗ). Làng cổ Đông Ngạc chắc chắn sẽ nằm trong danh sách nên đến của nhiều gia đình tại Hà Nội

Theo Diệu Thúy/ Tổ Quốc

Sự tàn ác của chủ nghĩa ngoại lệ

Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm

Cuốn sách truyền tải thông điệp: “Chìa khóa của một cuộc sống tốt đẹp không phải là quan tâm nhiều hơn, mà là quan tâm ít đi, chỉ quan tâm tới điều gì là thật, gần gũi và thực sự quan trọng”.

Tất cả chúng ta, trong hầu hết khía cạnh, nhìn chung đều chỉ là những kẻ tầm thường. Nhưng chính sự cực đoan mới thu hút sự chú ý của toàn xã hội.

Hầu như việc chúng ta làm đều chỉ đạt ở mức trung bình. Cho dù bạn có xuất sắc ở một lĩnh vực nào đó, thì bạn vẫn chỉ tàm tạm hay dưới cả mức tàm tạm ở những lĩnh vực khác. Đấy là tính tự nhiên của cuộc sống.

Để trở nên thật sự vĩ đại ở một khía cạnh nào, bạn buộc phải dành ra hàng tấn thời gian và năng lượng cho nó. Bởi vì tất cả chúng ta đều chịu sự hạn chế về mặt thời gian và năng lượng, chỉ một số rất ít trong số chúng ta mới thực sự xuất chúng trong hơn một lĩnh vực, chứ đừng nói là tất cả mọi việc.

Vì vậy, ta có thể nói rằng không có khả năng một cá nhân sẽ thể hiện xuất sắc trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, hay là trong nhiều lĩnh vực của cuộc đời họ. Những doanh nhân đại tài thường dở tệ trong việc xoay sở với cuộc sống cá nhân họ. Các vận động viên đỉnh cao thường nông cạn và ngu ngốc như một cục đá được mổ não vậy. Rất nhiều ngôi sao nổi tiếng có thể cũng mơ hồ về cuộc đời mình chẳng khác gì những người hâm mộ luôn “bám” họ khắp mọi nơi.

Tất cả chúng ta, trong hầu hết mọi khía cạnh, nhìn chung đều chỉ là những kẻ tầm thường. Nhưng chính sự cực đoan mới thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Chúng ta đều biết rõ điều này, nhưng ta hiếm khi nghĩ hay nói về nó, và hiển nhiên ta chẳng bao giờ thảo luận xem tại sao điều này có thể lại là một vấn đề.

Việc tiếp cận Internet, Google, Facebook, YouTube, và sở hữu chiếc TV với hơn 500 kênh truyền hình thật là tuyệt cú mèo. Nhưng khả năng chú ý của ta thì có hạn. Ta chẳng thể nào mà xử lý những con sóng thủy triều thông tin cứ luôn lao vào mình. Do đó, thứ duy nhất có thể thu hút sự chú ý của ta là những mẩu thông tin cực kỳ đặc biệt – chiếm 99,999%.

Mọi ngày, mỗi ngày, chúng ta bị nhấn chìm trong những điều thật sự phi thường. Những điều tốt nhất trong những thứ tốt nhất. Những điều dở nhất trong số những thứ dở nhất. Kỳ tích khoa học vĩ đại nhất. Những câu chuyện cười hài hước nhất. Những tin tức đáng quan ngại nhất. Những sự đe dọa đáng sợ nhất. Liên tù tì bất tận…

Cuộc sống ngày nay của chúng ta được lấp đầy với những thông tin từ những thái cực của “đường cong chuông”, của kinh nghiệm loài người, bởi vì trong ngành kinh doanh truyền thông thì những thứ ấy mới thu hút sự chú ý và sự chú ý mới mang tới tiền bạc. Đó mới là vấn đề! Phần lớn những thứ khác trong cuộc đời đều nằm tẻ ngắt ở mức chung chung. Phần lớn mọi thứ trong đời sống đều không đặc biệt, thực ra là khá tầm thường.

Cơn lũ thông tin cực đoan này đã tạo điều kiện cho ta tin rằng, sự khác thường mới chính là sự bình thường mới. Và bởi vì tất cả chúng ta đều khá tầm thường trong hầu hết mọi lúc, sự tràn ngập thông tin bất thường khiến ta cảm thấy khá là bất an và tuyệt vọng, bởi vì rõ ràng là chúng ta không đủ tốt đẹp, theo một nghĩa nào đó. Vì thế mà ta càng cần phải cân bằng tâm lý thông qua việc tự cho mình đặc quyền và những thói quen gây nghiện. Chúng ta đối phó theo cách duy nhất mà ta biết: Thông qua việc tự đề cao mình, hay đề cao những người khác.

Một vài người trong chúng ta làm điều này bằng cách tưởng tượng ra kế hoạch làm giàu thần tốc. Những người khác thì xoay sở bằng cách đi đến tận phía bên kia trái đất để cứu giúp những đứa trẻ châu Phi đói ăn. Những người khác nữa thì cố gắng trở thành học sinh xuất sắc và chiến thắng mọi giải thưởng. Một số kẻ xả súng vào trường học. Có những người lại cố làm chuyện ấy với bất kỳ thứ gì có thể nói và thở được.

Điều này trói buộc ta vào nền văn hóa tự cho mình đặc quyền đang ngày một lớn mạnh mà tôi đã nhắc đến ở trên. Thế hệ Y[1] thường bị buộc tội vì sự chuyển dịch văn hóa này, nhưng dường như đó là bởi vì họ là thế hệ sinh ra trong thời đại bùng nổ công nghệ và người ta có thể nhận thấy rõ điều này nhất ở thế hệ Y. Thực tế, khuynh hướng tự cho mình đặc quyền có mặt ở khắp mọi nơi. Và tôi tin rằng nó liên quan tới chủ nghĩa ngoại lệ được định hướng bởi cái truyền thông đại chúng kia.

Vấn đề ở chỗ, sự lan tỏa của công nghệ và marketing đa phương tiện đã làm rối loạn kỳ vọng của mọi người về bản thân mình. Sự tràn lan của những ngoại lệ khiến con người ta cảm thấy bản thân tồi tệ hơn, thấy mình cần phải nghiêm khắc hơn, quyết liệt hơn, tự tôn hơn để được ghi nhận, hoặc trở nên quan trọng.

Khi tôi còn trẻ, nguyên nhân khiến tôi có cảm giác bất an xoay quanh mối quan hệ thân mật bị làm tệ thêm bởi những dẫn dắt lố bịch về sự nam tính được lưu hành trong văn hóa đại chúng. Những câu chuyện tương tự vẫn còn được nhắc đi nhắc lại: Để là một anh chàng hay ho, bạn cần phải tiệc tùng như một thằng cha siêu sao nhạc rock; để được tôn trọng, bạn cần phải được đám phụ nữ hâm mộ; tình dục là thứ giá trị nhất mà một người đàn ông có thể đạt được, và nó đáng hy sinh mọi thứ (kể cả nhân cách) để có được.

Luồng chuyển động bất tận của những cơn sốt ảo trong cộng đồng mạng đè bẹp những cảm xúc sẵn có của chúng ta với cảm giác thiếu an toàn, bằng cách phơi bày bản thân trước những chuẩn mực phi thực tế mà ta không thể sống theo. Chúng ta không chỉ bị khuất phục trước những vấn đề không thể giải quyết, mà còn cảm thấy mình như những kẻ thất bại bởi một động tác tìm kiếm đơn giản trên Google thôi cũng cho ta thấy có đến hàng nghìn người không gặp phải những vấn đề như thế.

Công nghệ giúp giải quyết những vấn đề của nền kinh tế cũ bằng cách mang lại cho ta những vấn đề mới về tinh thần. Internet không chỉ là một nguồn mở về thông tin, nó còn là một nguồn mở về nỗi bất an, nghi ngờ bản thân, và cảm giác tủi hổ.

[1] Thế hệ Y (Generation Y/Millenials/iGen): là những người sinh từ năm 1981 đến 2000, đây là thế hệ tiếp nối thế hệ X (những người sinh từ năm 1965 đến 1980.) Họ nhạy bén và giỏi công nghệ. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điểm yếu của thế hệ này là thường thiếu kiên nhẫn, bốc đồng và sức chịu đựng khó khăn kém hơn những thế hệ trước.

Theo Zing

GDP toàn cầu đạt 104 nghìn tỷ USD: Phân bổ như thế nào?

GDP toàn cầu đạt 104 nghìn tỷ USD: Phân bổ như thế nào?
Mỹ vẫn là đầu tàu kinh tế trên toàn thế giới, với GDP là 25,3 nghìn tỷ USD, chiếm gần một phần tư nền kinh tế toàn cầu.

Năm 2020, GDP của thế giới là 88 nghìn tỷ USD và lên đến 94 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Hiện tại, theo dự báo mới nhất, IMF dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt gần 104 nghìn tỷ USD theo giá trị danh nghĩa vào cuối năm 2022.

Mặc dù tăng trưởng tiếp tục có xu hướng đi lên nhưng sự phục hồi trong thời kỳ hậu đại dịch dường như không được như mong đợi. Do xung đột, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và lạm phát mà các dự báo kinh tế toàn cầu đang được điều chỉnh giảm xuống.

Tăng trưởng GDP hàng năm toàn cầu cho năm 2022 ban đầu được dự báo là 4,4% vào tháng 1, nhưng sau đó đã được điều chỉnh xuống 3,6%.

20 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Mỹ vẫn là đầu tàu kinh tế trên toàn thế giới, với GDP là 25,3 nghìn tỷ USD, chiếm gần một phần tư nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc xếp sau với 19,9 nghìn tỷ USD. Dưới đây là tổng quan về 20 quốc gia hàng đầu về GDP:

GDP toàn cầu đạt 104 nghìn tỷ USD: Phân bổ như thế nào? - Ảnh 1.

Quốc gia dẫn đầu ở châu Âu là Đức với 4,3 nghìn tỷ USD, Vương quốc Anh đứng ở vị trí thứ hai. Có một số thay đổi đáng kể khi có số liệu báo cáo mới nhất rằng Brazil hiện đã lọt vào top 10 sau khi vượt qua Hàn Quốc. Nga ở ngay đằng sau khi xếp vị trí thứ 11 với GDP là 1,8 nghìn tỷ USD.

Trong khi tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã chậm lại trong những năm gần đây, các dự báo vẫn chỉ ra rằng nước này sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2030, soán ngôi vị dẫn đầu kinh tế thế giới.

Một khu vực cũng dự kiến sẽ tăng trưởng trong tương lai gần là Trung Đông và Bắc Phi. Nhờ giá dầu tăng cao hơn mà Iraq và Ả Rập Xê-út nói riêng đang vươn lên nhanh chóng. Tăng trưởng GDP của khu vực dự kiến khoảng 5% vào năm 2022.

Việt Nam cũng đã lọt top 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới, hiện đang ở vị trí thứ 39 với GDP là 409 tỷ USD.

20 nền kinh tế nhỏ nhất thế giới

Một số nền kinh tế nhỏ nhất thế giới đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch, lạm phát và thiếu hụt nguồn cung lương thực do cuộc xung đột ở Ukraine.

Dưới đây là tổng quan về các quốc gia trên toàn thế giới có GDP thấp nhất vào năm 2022:

GDP toàn cầu đạt 104 nghìn tỷ USD: Phân bổ như thế nào? - Ảnh 2.

Nền kinh tế nhỏ nhất thế giới do IMF xếp hạng là Tuvalu với 66 triệu USD. Hầu hết các nước trong số 25 nước xếp hạng dưới cùng được coi là các nước có thu nhập thấp đến trung bình, các nước mới nổi hoặc đang phát triển. Theo Ngân hàng Thế giới, ở các nước đang phát triển, mức thu nhập bình quân đầu người vào năm 2022 sẽ thấp hơn khoảng 5% so với trước khi đại dịch xảy ra.

Một số quốc gia được dự báo sẽ tăng trưởng GDP âm trong năm nay, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Âu.

Lạm phát – lạm phát đình trệ – suy thoái

Trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã được điều chỉnh giảm xuống, tình hình thực tế có thể tồi tệ hơn. Các tổ chức như Ngân hàng Thế giới nói rằng rủi ro lạm phát đình trệ đang gia tăng. Lạm phát đình trệ – chưa từng xảy ra kể từ những năm 1970 – được định nghĩa là một nền kinh tế đang trải qua lạm phát gia tăng kết hợp với kinh tế trì trệ.

Hiện tại, lạm phát tiêu dùng toàn cầu đang được chốt ở mức 7%. Hàng tiêu dùng ngày càng trở nên khó mua và lãi suất đang tăng lên khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới cố gắng kiểm soát tình hình.

Các sự kiện mới đây ở Sri Lanka đã chứng minh, các quốc gia có thu nhập thấp đặc biệt có nguy cơ xảy ra biến động kinh tế.

Nguồn: Tổng hợp / Minh Phương / Tổ Quốc