Nhà vườn 10.000 m2 dùng toàn nội thất tái chế

HÒA BÌNHĐây là một quần thể nhà với 6 căn nhỏ diện tích khoảng 20 m2 và một căn lớn theo phong cách nhà sàn người Mường dành cho bạn bè, anh em, họ hàng đến chơi.

Khu nhà mang tên Viet Retreat được xây năm 2021, trên mảnh đất của bố mẹ anh Trần Việt Anh, 29 tuổi, tại xóm Cời, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Tổng thể khu nhà giống như một ngôi làng thu nhỏ, phía trước là ruộng lúa, xung quanh có nhiều cổ thụ.

Dự định ban đầu của gia đình là thiết kế một nhà vườn nghỉ dưỡng, thoát khỏi cuộc sống bí bách tại nội thành Hà Nội. Cả gia đình bốn người đều mong muốn có một không gian sống xanh và đậm chất nông thôn Bắc bộ xưa.

Trước khi thiết kế lại, ngôi nhà chỉ có một nhà sàn cùng khu vệ sinh, bếp đơn sơ. Do không được chăm sóc thường xuyên nên cây cối xung quanh rậm rạp và ẩm thấp.

Khi bắt tay cải tạo và xây mới, gia chủ yêu cầu kiến trúc sư nương theo thế đất và cây cối để xây dựng, không chặt phá, đốn hạ cây cối trong khu đất. Những cây to nằm ở vị trí xây dựng được thợ di chuyển sang vị trí khác.

Mô hình của khu nhà là gồm các căn nhỏ trong khuôn viên rộng rãi lấy cảm hứng từ khi Việt Anh du học ở Phần Lan.

https://ec33714c604ff25f67220b00632452fa.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html

Căn nhà nào cũng có thiết kế không gian mở, đầy đủ công năng hiện đại với phòng ngủ, khu vực uống trà, nhà vệ sinh riêng biệt. Nội thất bên trong hoàn toàn bằng gỗ tái chế từ đồ cũ, sưu tầm từ các căn nhà cổ ở miền Bắc.

Bố mẹ Việt Anh mong muốn với cách thiết kế này, hai con trai mỗi khi từ Hà Nội về, vẫn có không gian sinh hoạt độc lập và thoải mái.

Mỗi nhà được đặt tên theo tên cây ở cạnh nhà đó, ví dụ nhà tên Ngọc Lan vì bên cạnh có cây ngọc lan, nhà Mít nằm giữa hai cây mít, nhà Sấu đặt tên theo hai cây sấu 30 năm tuổi…

Các căn đều có sự khác biệt về thiết kế và nội thất. Nhà Sấu và nhà Mơ được xây theo phong cách nhà sàn cách điệu, tầng trên làm chỗ ngủ, tầng dưới là nơi sinh hoạt chung. Trong 6 căn nhà nhỏ, căn Ngọc Lan rộng nhất vì có thêm phòng xông hơi.

Nhà Ngọc Lan kết hợp nét đẹp xưa cũ nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi hiện đại cho sinh hoạt. Trong nhà có nhiều đồ cổ trang trí, đậm nét văn hóa truyền thống. Toàn bộ đồ vật được gia chủ tự tay sưu tầm và bày biện.

Chiếc chạn đựng bát đũa cũ được gia chủ tái sử dụng, sửa sang thành tủ quần áo, đặt cạnh giường ngủ. Các món đồ nội thất khác trong nhà cũng được tái chế từ các vật dụng khác nhau, như mâm gỗ cũ được tái chế thành gương nhà vệ sinh.

“Gỗ cũ đã qua sử dụng có độ bền cao, kinh tế, lại tạo ra công trình nhuốm màu thời gian, mang hồn cốt truyền thống”, Việt Anh lý giải. Trong nhà cũng bày biện nhiều đồ trang trí khác như cối đá trồng cây, con lăn lúa bằng đá làm hàng rào…

Lối vào nhà Bưởi băng qua một cây cầu gỗ. Giống nhà Mít, nhà Xoài… mái nhà Bưởi được lợp ngói âm dương đặt mua từ Hà Giang. Mùa hè, nhiệt độ trong nhà thấp hơn ngoài trời khá nhiều.

Ngoài các căn nhà, gia chủ còn bố trí một khu trưng bày nông cụ sản xuất sưu tầm, nhằm lưu giữ những kỷ niệm về một thời khó khăn. Nhà trưng bày này được xây dựng theo phong cách nhà gỗ của đồng bằng Bắc bộ.

Những vật dụng như máy ép mía bằng gỗ, máy xay bột, cối xay lúa… gia chủ sưu tầm được đều gắn liền với nông thôn Việt Nam thời xưa.

Loại gỗ được sử dụng nhiều nhất trong nhà là cọc tiêu được dùng trồng tiêu nhiều năm, trải qua thời gian và mối mọt chỉ còn phần lõi. Gia chủ sử dụng gỗ này cho nhiều mục đích, từ cột đèn, hàng rào, cầu gỗ cho tới nội thất trong nhà.

Nhà có hai thế hệ cùng sinh sống nên có nhiều tiện ích đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho mỗi thành viên như bể bơi, bàn bi-a, ao thả cá. Bên cạnh đó khu nhà vẫn có không gian yên tĩnh, mát mẻ để người cao tuổi được thư giãn, nghỉ ngơi.

Ngôi nhà xây dựng và hoàn thiện trong một năm với tổng chi phí là 8 tỷ đồng.

Trang Vy / Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bài ca về gánh hàng rong

 Câu chuyện mở ra từ một thanh niên bán hàng rong trên đường phố Istanbul. Đêm đêm, đòn gánh trên vai, hai đầu là hai thúng hàng nặng, anh đi qua các đường phố đô thị, tiếng rao “boza” như từ thời xa vắng vọng về. Nhiều người mua boza vì thích tiếng rao của anh, thậm chí tiếng rao còn làm cho những người hoài cổ xúc động. Boza là một thức uống lên men từ ngũ cốc, vừa chua vừa ngọt, có lịch sử hàng nghìn năm ở vùng Trung Á và một phần Đông Âu. Nhưng trong những trang viết của Orhan Pamuk, boza với người Thổ Nhĩ Kỳ là quốc hồn quốc túy, là lịch sử, là hoài niệm. Theo thời gian, có lúc boza đã mai một, trở thành đồ uống bình dân khi người ta ngả theo thức uống thời thượng đóng lon đóng chai, bán trong những tủ kính tự động trên đường. Nhưng boza không biến mất, nó vẫn còn trong những gánh hàng rong giữa đêm đông vang vọng trong các ngõ ngách.

Ấn tượng đầu tiên, đây là cuốn sách mà nhà văn đoạt giải Nobel dành để tôn vinh thức uống dân tộc: boza.

Bìa tập truyện Xa lạ trong tôi, tiểu thuyết của Orhan Pamuk, Thiên Nga dịch.

Ấn tượng thứ hai, cuốn tiểu thuyết tôn vinh nghề bán hàng rong. Người đọc đi theo bước chân của anh chàng Mevlut mà giật mình vì đã từng thờ ơ trước những tiếng rao đêm trên đường phố quê hương mình. Không chỉ là đôi quang gánh và tiếng rao, mà đằng sau đó là một cuộc đời nhiều uẩn khúc nhiều sắc thái. Mevlut rời làng quê theo cha lên đô thị Istanbul từ khi còn bé, chỉ có một nghề là gánh boza đi bán rong. Từ nhỏ đi theo giúp cha cho đến khi thôi học, chính anh lại mang đòn gánh trên vai mà tự đi bán. Lấy vợ, vẫn đi bán. Có con, vẫn bán. Có khi đổi sang bán cả sữa chua rồi một số thứ hàng khác, có khi được bạn bè giúp mở quán, chuyển sang đi thu tiền điện, quản lý một hội trường, nhưng sau giờ làm việc, ban đêm anh lại quang gánh trên vai. Bán hàng rong, với anh đã thành một thú vui, một cơn nghiện, thậm chí là lẽ sống. Khi sướng vui hạnh phúc, anh đi bán. Khi cô quạnh vẩn vơ, anh lại đi bán. “Mevlut không bao giờ thấy buồn chán khi ban đêm đi bán boza, ngay cả khi con đường vắng nhất không một cửa sổ nào mở và không ai mua boza. Khi anh bước, trí tưởng tượng của anh hoạt động, nhắc Mevlut nhớ rằng trên đời này còn một thế giới khác bên trong thế giới này, giấu đằng sau bức tường thánh đường, nhà gỗ đổ nát, nghĩa trang” (trang 409).

Cái anh chàng đẹp trai có gương mặt trẻ thơ, chân thực, nghiện bán hàng rong ấy là một hình tượng đầy mỹ cảm khiến người đọc trân trọng hơn một cái nghề bị coi là làm mất mỹ quan trong những đô thị hiện đại.

Mevlut là đường dây đi suốt cuốn tiểu thuyết. Nhưng ở đó còn một tuyến khác: ba chị em gái. Cô chị cả lấy Korkut, anh họ của chàng Mevlut. Cô hai lấy Mevlut bán hàng rong. Cô ba lấy Ferhat, bạn thân của Mevlut.

Chuyện cưới xin của họ không hề đơn giản. Chàng Mevlut trong đám cưới của anh họ Korkut đã để mắt đến em gái của cô dâu. Trong ba năm tiếp đó chàng viết hàng chục bức thư tình gửi cho cô. Ban đầu chữ nghĩa còn kém, chàng phải nhờ anh bạn Ferhat viết hộ, về sau đã có đà, cứ thế mà tự viết những lời có cánh. Rồi khi đôi bên đều mặn nồng mà không dám chắc bố cô dâu ưng thuận, chàng lập kế hoạch bắt cóc cô dâu từ làng quê đưa lên Istanbul.

Một vụ bắt cóc cô dâu nữa: anh bạn Ferhat ngấm ngầm liên lạc với cô ba, cô gái xinh đẹp nhất trong ba chị em, rồi cô ba bỏ trốn cùng anh ta. Anh chàng Ferhat này khi còn là học sinh đã rủ Mevlut bí mật đi dán truyền đơn biểu ngữ cho cánh tả. Thể chế chính trị không ổn định, thậm chí xảy ra nhiều cuộc đảo chính, hoặc can thiệp của quân đội, khiến người dân cũng phe phái nọ kia. Ferhat về sau lấy vợ, có được một cái nghề hái ra tiền nhưng vẫn tiếp tục tư tưởng cánh tả, và từ nhân vật này, tác giả bình luận rằng rất nhiều người thời trẻ là cánh tả rồi khi cưới vợ, họ thành tư bản. Họ thường vênh váo còn hơn người cánh tả trung kiên.

Câu chuyện còn mở rộng ra một người anh họ khác của Mevlut là Süleyman. Anh ta mê cô ba, tưởng như có thể cưới được cô đến nơi, thì bất ngờ cô bỏ trốn theo Ferhat. Anh chàng Süleyman này chính là người từng chuyển giúp những bức thư tình của Mevlut đến cô hai, rồi chính anh ta lại lan truyền mối nghi ngờ rằng Mevlut mê cô ba nhưng thư tình bị chuyển cho cô hai, rồi vì nhầm lẫn mà cưới cô hai. “Nghi án” này làm cho các nhân vật liên quan vật vã cho đến hết cuốn sách.

Cốt truyện như kính vạn hoa, còn nhiều éo le, mở ra nhiều lối, nhiều biến cố, nhiều sắc thái… và còn rất nhiều chỗ cho người đọc khám phá. Orhan Pamuk tham vọng viết ra một thiên sử thi về thành Istanbul nửa Á nửa Âu với bề dày văn hóa. Đoạt giải Nobel văn chương năm 2006, ông là nhà văn mà nhắc đến, người ta nghĩ đến Istanbul. Những cuốn tiểu thuyết như Tuyết; Tên tôi là Đỏ khiến nhiều người mơ một lần đến Istanbul và Thổ Nhĩ Kỳ. Ai đã từng dọc ngang khắp thành Istanbul thì khi đọc Xa lạ trong tôi, một lần nữa như được phiêu lưu cùng chàng bán rong Mevlut qua những ngõ ngách những đường phố hòa trộn Á – Âu, hòa trộn xưa và nay. Không hẳn là sử thi, nhưng cuốn tiểu thuyết đã làm được một điều: khiến người ta yêu hơn thành phố quê hương của Orhan Pamuk, yêu hơn thức uống bình dân trong đêm đông lạnh, trân trọng hơn những người bán hàng rong chất phác mà trong họ luôn đầy ắp những mộng mơ bình dị.

Người dịch thực sự nỗ lực khi xử lý một cuốn sách đa sắc như một thiên sử thi. Chỉ có thỉnh thoảng làm cho người đọc bị vấp vì sử dụng phương ngữ hơi quá độ. Người đọc cũng vấp khi chữ “thánh Allah” lặp đi lặp lại hàng chục lần trong suốt 600 trang sách. Allah, theo quan niệm đạo Hồi là Thượng đế, Chúa Trời, ông trời. Allah không phải là thần thánh.

Một chữ nữa, tiếng Anh có thể chỉ dùng một động từ, nhưng chuyển sang tiếng Việt nó có thể là cưới, cưới xin, kết hôn, lấy chồng, lấy vợ… Tùy theo văn cảnh mà sử dụng. “Bà cưới người đàn ông đầu tiên hỏi cưới bà” (trang 274). Người đàn ông “hỏi cưới bà” thì đúng, nhưng bà không “cưới” mà là “lấy” người đàn ông ấy. Người con gái mà cưới chồng thì tức là phải các thêm tiền mới lập gia đình được. Chữ “cưới chồng” này cũng lặp lại nhiều lần trong cuốn sách.

HỒ ANH THÁI / VĂN VN

Sau Đức, đến lượt Tây Ban Nha ngừng cấp visa cho hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam

Ngày 1/8, Đại sứ quán Tây Ban Nha thông báo ngừng cấp visa cho hộ chiếu phổ thông Việt Nam theo mẫu mới màu xanh tím than, do không có thông tin nơi sinh. Trước đó, Tổng lãnh sự quán Đức cũng có động thái tương tự.

Thông báo từ Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam. (Ảnh: Chụp màn hình)
Khối Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu đã bãi bỏ các hình thức kiểm soát biên giới, cho phép đi lại tự do giữa các nước thành viên. Người mang thị thực Schengen được phép lưu trú tại các nước trong khối tối đa 90 ngày trong mỗi chu kỳ nửa năm.

Các cơ quan chức năng Tây Ban Nha đang phối hợp cùng các quốc gia thành viên khác trong khối Schengen phân tích kỹ thuật liên quan đến mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam, cơ quan này cho hay.

Đại sứ quán Tây Ban Nha cho biết cho đến khi các cơ quan trung ương có thẩm quyền trong khối Schengen đưa ra được quyết định về việc có tiếp nhận mẫu hộ chiếu mới mang bìa màu xanh tím than của Việt Nam hay không, họ không thể tiếp nhận đơn xin thị thực Schengen đối với mẫu hộ chiếu này.

Các đơn xin thị thực Schengen với hộ chiếu còn hạn trước đây của Việt Nam (bìa xanh lá) có thể hiện nơi sinh vẫn được Đại sứ quán tiếp nhận và xử lý bình thường.

Những người có ý định nhập cảnh vào các nước thành viên trong khối Schengen nên liên lạc với cơ quan đại diện của các nước đó để xác nhận thông tin liên quan, tránh gặp khó khăn khi làm thủ tục nhập cảnh tại biên giới giữa các quốc gia trong khối Schengen, theo khuyến nghị từ Đại sứ quán Tây Ban Nha.

Quyết định được Tây Ban Nha đưa ra gần 1 tuần sau khi Tổng lãnh sứ quán Đức thông báo ngừng cấp visa cho hộ chiếu phổ thông Việt Nam mẫu mới với lý do tương tự. Cơ quan này cho hay rằng thông tin về nơi sinh của người mang hộ chiếu mẫu mới chỉ có thể được xác định thông qua số định danh cá nhân có 12 chữ số và đối chiếu với danh sách dài 7 trang. Chính điều này đã gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, xác minh, nên không thể cấp visa cho người mang hộ chiếu phổ thông Việt Nam theo mẫu mới.

Phan Anh / Trí thức VN

Starlink: Tại sao Elon Musk phóng lên không gian hàng nghìn vệ tinh?

Tỷ phú Elon Musk là người giàu có hàng đầu thế giới
Chụp lại hình ảnh,Tỷ phú Elon Musk là người giàu có hàng đầu thế giới

Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã phóng hàng nghìn vệ tinh lên quỹ đạo. Nhiều người nói rằng họ đã nhìn thấy chúng trên bầu trời.

Các vệ tinh này là một phần của dự án Starlink, nhằm cung cấp dịch vụ internet tốc độ cao từ không gian đến các vùng xa xôi trên Trái Đất.

Starlink cung cấp dịch vụ internet thông qua một mạng lưới vệ tinh khổng lồ.

Nó nhắm đến những người sống ở vùng hẻo lánh không có internet tốc độ cao.

“Có rất nhiều người ở Vương quốc Anh thuộc đối tượng này, nhưng có nhiều nơi khác hơn trên khắp thế giới, ở những nơi như Châu Phi,” Tiến sĩ Lucinda King, Giám đốc Dự án Không gian tại Đại học Portsmouth nói.

Các vệ tinh của Starlink đã được đưa vào quỹ đạo tầm thấp xung quanh Trái Đất để làm cho tốc độ kết nối giữa vệ tinh và mặt đất nhanh nhất có thể.

Cần có nhiều vệ tinh tầm thấp để có thể phủ sóng toàn cầu.

Tuy nhiên, cần có nhiều vệ tinh tầm thấp để có thể phủ sóng toàn cầu.

Starlink đã đưa khoảng 3.000 vệ tinh như vây vào vũ trụ kể từ năm 2018. Cuối cùng hệ thống này có thể sử dụng 10.000 hoặc 12.000 vệ tinh, Chris Hall, trưởng biên tập của trang web công nghệ Pocket Lint cho biết.

“Sử dụng vệ tinh giải quyết vấn đề kết nối internet đến các địa điểm xa xôi trên sa mạc và núi,” ông nói.

“Nó bỏ qua sự cần thiết phải xây dựng một lượng lớn cơ sở hạ tầng, như cáp và cột, để tiếp cận những khu vực đó.”

So với các nhà cung cấp internet tiêu chuẩn, Starlink không hề rẻ.

Nó tính phí khách hàng 99 USD mỗi tháng. Đĩa và bộ định tuyến cần thiết để kết nối với vệ tinh có giá 549 USD.

Tuy nhiên, 96% hộ gia đình ở Anh đã có Internet tốc độ cao, 90% hộ gia đình ở EU và Mỹ cũng vậy.

“Hầu hết các phần của thế giới phát triển đều đã được kết nối tốt. Họ đang dựa vào một thị phần nhỏ của thị trường để có doanh thu,” Giáo sư Sa’id Mosteshar, Giám đốc Viện Luật và Chính sách Không gian của Đại học London cho biết.

Công ty cho biết họ có 400.000 người đăng ký dùng tại 36 quốc gia mà họ hiện đang phủ sóng – chủ yếu ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Úc. Và con số này bao gồm cả hộ gia đình và doanh nghiệp.

Năm tới, Starlink có kế hoạch mở rộng phạm vi phủ sóng của mình hơn nữa trên khắp Châu Phi và Nam Mỹ, cũng như sang Châu Á – những khu vực trên thế giới nơi phạm vi phủ sóng của internet bị lác đác hơn.

“Giá của Starlink có thể quá cao đối với nhiều hộ gia đình ở Châu Phi. Nhưng nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối các trường học và bệnh viện ở các vùng hẻo lánh ở đó,” Chris Hall nói.

Khi các lực lượng của Nga tiến vào Ukraine, họ đã khóa các dịch vụ internet của Ukraine và cố gắng chặn các trang mạng xã hội.

Elon Musk đã đưa Starlink vào Ukraine ngay sau khi cuộc xâm lược bắt đầu. Khoảng 15.000 đĩa bắt sóng và bộ định tuyến của Starlink đã được chuyển đến nước này.

“Starlink đã giữ cho mọi thứ diễn ra suôn sẻ, chẳng hạn như các dịch vụ công cộng và chính phủ. Người Nga đã không tìm ra cách vô hiệu hóa nó,” Chris Hall nói.

Starlink cũng đã được sử dụng trên chiến trường.

“Các lực lượng Ukraine đang sử dụng Starlink để liên lạc – chẳng hạn như giữa sở chỉ huy và quân đội trên chiến trường,” Tiến sĩ Marina Miron, nhà nghiên cứu nghiên cứu quốc phòng tại King’s College London, cho biết.

“Tín hiệu của nó không thể bị phá nhiễu như các tín hiệu vô tuyến thông thường, và chỉ mất 15 phút để lắp đặt đĩa bắt sóng và bộ định tuyến.”

Tuy thế, giữa tháng 7 năm nay, thành phố Dnipro, miền trung Ukraine, bị Nga dùng tên lửa hành trình oanh kích. Đây là nơi có nhà máy Yuzhmash, chuyên chế tạo vệ tinh và một trong số vệ tinh ở đó được công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk phóng vào vũ trụ.

Ngoài Starlink, các đối thủ như OneWeb và Viasat – là các hãng bán dịch vụ internet vệ tinh – đang đưa hàng nghìn vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.

Thực trạng này sẽ dẫn đến các vấn đề, Mosteshar nói.

“Nó làm cho không gian ngày càng trở nên kém an toàn hơn khi va chạm,” ông nói.

“Các vệ tinh có thể va vào các tàu khác và tạo ra các mảnh vỡ vụn và những thứ này có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn khi bay ở tốc độ cao.”

Gần đây đã có một số vụ suýt và chạm liên quan đến vệ tinh Starlink, bao gồm cả các vụ gần va vào trạm vũ trụ của Trung Quốc.

“Nếu có quá nhiều mảnh vỡ, nó có thể khiến quỹ đạo Trái Đất thấp không thể sử dụng được trong tương lai,” Tiến sĩ King của Đại học Portsmouth cho biết.

“Và chúng ta có thể không thoát ra khỏi quỹ đạo Trái Đất thấp đến những quỹ đạo cao hơn, nơi đặt các vệ tinh hoa tiêu và vệ tinh viễn thông của chúng ta.”

Các vệ tinh của Starlink cũng đang tạo ra nhiều vấn đề cho các nhà thiên văn học.
Chụp lại hình ảnh,Các vệ tinh của Starlink cũng đang tạo ra nhiều vấn đề cho các nhà thiên văn học

Các vệ tinh của Starlink cũng đang tạo ra nhiều vấn đề cho các nhà thiên văn học.

Vào lúc bình minh và hoàng hôn, chúng có thể được nhìn thấy bằng mắt thường vì ánh nắng mặt trời phản chiếu trên cánh của các vệ tinh này.

Điều này có thể gây ra các vệt trên hình ảnh kính thiên văn, che khuất tầm nhìn của các ngôi sao và hành tinh.

“Các nhà thiên văn học đã sớm nhận ra những vấn đề này. Họ là những người đầu tiên phàn nàn,” Giáo sư Mosteshar nói.

Theo BBC

Kremlin và trò đại bịp: “Nga hóa” những khu vực chiếm đóng

Tại Kherson, người dân Ukraine đang được cấp passport Nga (ảnh: Stringer/Anadolu Agency via Getty Images)

Tại các khu vực mới bị Nga chiếm đóng ở Ukraine, các lãnh đạo địa phương do Nga dựng lên yêu cầu cư dân phải chấp nhận sự cai trị của Nga. Họ tổ chức các cuộc trưng cầu giả mạo để chính thức hóa quyền cai trị “hợp pháp” của Vladimir Putin và rằng đó là “lãnh thổ của Nga”.

Chuẩn bị cho trò bịp lớn vào Tháng Chín

“Chính quyền mới” đã phát hộ chiếu Nga, số điện thoại di động, hộp giải mã tín hiệu xem truyền hình Nga, thay thế tiền Ukraine bằng đồng rúp, định tuyến lại internet đi qua các máy chủ của Nga và bắt giữ hàng trăm người chống “sự đồng hóa”. Bằng nhiều chiêu trò khác nhau, chính quyền tại các lãnh thổ chiếm đóng đang sử dụng sự sợ hãi và dối trá để buộc người Ukraine phải sống giống như người Nga. “Chúng ta là một dân tộc” – một panô màu xanh-trắng-đỏ viết – “Chúng ta đang ở với nước Nga”.

Thủ đoạn “trưng cầu dân ý” là “phiên bản thế kỷ 21” khác của cuộc chiến tranh xâm lược do Vladimir Putin chủ xướng. Các lãnh đạo hành chính do Nga bổ nhiệm ở các thị trấn, làng mạc và thành phố chiếm đóng như Kherson ở miền Nam Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu sớm nhất là vào Tháng Chín để Kremlin chứng minh “việc sáp nhập vào Nga, trở thành một phần của Nga là ‘khát vọng’ rộng rãi” – The New York Times cho biết.

Tại Zaporizhzhia Oblast, người dân được Nga “hỗ trợ nhân đạo” (ảnh: Stringer/Anadolu Agency via Getty Images)

Các chính quyền bù nhìn đang tuyển những kẻ thân Nga cho các “ủy ban bầu cử” và quảng bá về những “lợi ích” khi trở thành công dân Nga, ví dụ được bảo vệ bởi vũ khí hạt nhân của Nga. Tại một số nơi, phiếu đã được in. Dù chính phủ Ukraine và phương Tây khẳng định “bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào cũng hoàn toàn bất hợp pháp”, nhưng kết quả của trò bịp cũng sẽ mang lại những hậu quả đáng ngại. Giới phân tích xem trưng cầu dân ý chỉ là “khúc dạo đầu” để Putin có lý do tuyên bố chính thức các khu vực chiếm đóng là lãnh thổ của Nga, “thể theo nguyện vọng của người dân”. Hệ quả là những nỗ lực tương lai của Kyiv để đánh đuổi quân xâm lược, chiếm lại những lãnh thổ bị mất sẽ tốn kém hơn nhiều.

Việc Nga quyết tâm sáp nhập một phần lãnh thổ của Ukraine được xem là cuộc mở rộng lãnh thổ bằng vũ lực lớn nhất châu Âu kể từ Đại chiến Thế giới lần thứ hai, ảnh hưởng đến một khu vực lớn gấp nhiều lần bán đảo Crimea bị Putin chiếm năm 2014. Viễn cảnh về một cuộc thôn tính nghiêm trọng này đang tác động đến thời gian biểu phản công của quân đội Ukraine, buộc Kyiv phải mạo hiểm hơn, thay vì chờ đợi có nhiều vũ khí tầm xa của phương Tây để tăng cơ hội chiến thắng.

Vladimir Konstantinov, phát ngôn viên “Quốc hội” Crimea do Nga dựng lên, nhận xét trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Thực hiện cuộc trưng cầu dân ý không khó chút nào. Chỉ là trao quyền giám hộ, phát triển cuộc sống và bảo vệ cho người khác”! Ông Konstantinov, một chính trị gia thân Nga lâu năm ở Crimea từng ngồi cạnh Putin tại Điện Kremlin khi Tổng thống Nga ký văn bản sáp nhập bán đảo, cũng là người giúp tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea với 97% số phiếu ủng hộ sáp nhập Nga (cộng đồng quốc tế bác bỏ rộng rãi là giả tạo).

Chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”!

Kherson là một trong bốn khu vực đã được lên kế hoạch trưng cần dân ý. Ba khu vực còn lại là Zaporizhzhia ở phía Nam và Luhansk, Donetsk ở phía Đông. Trong khi Kremlin tuyên bố người dân trong khu vực sẽ “tự quyết định tương lai của họ”, tháng trước, Putin khẳng định việc sáp nhập hoàn toàn các khu vực; đồng thời so sánh cuộc chiến ở Ukraine với cuộc chiến chinh phục của Peter Đại đế vào thế kỷ 18.

Thực tế, cuộc vận động nói “yes” tại các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng ngày càng lộ rõ. Chẳng hạn, chính quyền do Nga chỉ định ở Zaporizhzhia và Kherson vừa thông báo họ đang thành lập “ủy ban bầu cử” để chuẩn bị trưng cầu dân ý vào ngày 11 Tháng Chín. Thông báo mời người dân đăng ký tham gia ủy ban bầu cử bằng bản sao hộ chiếu, bằng cấp và hai bức ảnh nhỏ. Chiến dịch tuyên truyền được tăng cường tại cả ba khu vực lẫn trong nước Nga.

Quân đội Nga đang kiểm soát và lập chính quyền bù nhìn thân Nga tại Kherson (Stringer/Anadolu Agency via Getty Images)

Trên chương trình tin tức hàng tuần của kênh truyền hình nhà nước Nga vào Chủ nhật tuần trước, người ta cũng nêu rõ “mọi thứ đang được thực hiện để bảo đảm Kherson sớm trở lại nguồn cội lịch sử của nó”. John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, xác nhận: “Nga đã bắt đầu tung ra phiên bản khác của kế hoạch thôn tính từng dùng cho Crimea. Nhưng thôn tính lãnh thổ bằng vũ lực là vi phạm hoàn toàn Hiến chương Liên Hợp Quốc và chúng tôi sẽ không cho phép nó diễn ra mà không bị trừng phạt”.

Tại Kyiv, chính phủ Ukraine khẳng định “bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào về việc sáp nhập với Nga hoặc thành lập một quốc gia thân Nga tại các khu vực bị chiếm đóng đều là bất hợp pháp, gian lận và chỉ để hợp pháp hóa chiếm đất”. Đối với thường dân Ukraine, việc nơi ở của họ bị Nga chiếm đóng luôn đi kèm với vô số khó khăn, gồm cả thiếu tiền mặt và thuốc men khiến Nga phải phân phát “viện trợ nhân đạo” để xoa dịu.

Đăng ký hộ chiếu Nga là bắt buộc để đăng ký xe có động cơ và một số loại hình kinh doanh nhất định. Trẻ sơ sinh và trẻ mồ côi được tự động trở thành công dân Nga. Cùng với nó là những chiến dịch trấn áp bất đồng chính kiến, ​​gồm bắt cóc, tra tấn và hành quyết các lãnh đạo chính trị. Hiện quân chiếm đóng Nga đã cắt quyền truy cập vào dịch vụ di động của Ukraine, hạn chế YouTube và ứng dụng nhắn tin phổ biến Viber.

Nga cũng đang thay đổi chương trình giảng dạy ở trường học sang chương trình của Nga để học sinh hấp thụ “thế giới quan” của Putin. Một ưu tiên hàng đầu là thu hút người dân địa phương xem truyền hình Nga. Các nhân viên phát thanh truyền hình nhà nước Nga ở Crimea được điều động đến Kherson để bắt đầu một chương trình tin tức có tên “Kherson và Zaporizhzhia 24”. Các hộp giải mã tín hiệu cho phép truy cập vào truyền hình Nga được phân phát miễn phí.

Việc tuyên truyền những vùng chiếm đóng nay thuộc về Nga được thực hiện ngay cả ở Moscow. Trong ảnh là tên của quảng trường nơi có Tòa đại sứ Anh đã được thay bằng bảng tên mới, ghi “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” – Moscow, ngày 8 Tháng Bảy 2022 (ảnh: Pelagiya Tihonova/Anadolu Agency via Getty Images)

Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng trước, Ihor Kolykhaiev, thị trưởng thành phố Kherson từ 2020, cho biết chiến thuật tuyên truyền của Nga, cùng với cảm giác bị Chính phủ Kyiv bỏ rơi, đang dần thay đổi nhận thức của một số cư dân còn ở lại, chủ yếu là những người hưu trí và có thu nhập thấp. “Tôi ước tính có 5-10% dân chúng đã thay đổi quan điểm vì tuyên truyền. Đây là một quá trình không thể đảo ngược và làm tôi thực sự lo lắng” – Kolykhaiev có lần nói với The New York Times. Nhiều ngày sau, trợ lý của ông thông báo triệu ông đã bị lực lượng chiếm đóng Nga bắt cóc.

Putin gọi Kherson và các vùng khác ở phía Đông Nam Ukraine là Novorossiya (Nước Nga Mới). Vài năm gần đây, tại khu vực Kherson, những hoài niệm về quá khứ Liên Xô và sự hoài nghi chính phủ thân phương Tây ở Kyiv vẫn tồn tại trong các thế hệ cũ, ngay cả khi khu vực này đã tạo dựng được một bản sắc Ukraine mới. Khi vừa bị chiếm đóng vào mùa xuân năm nay, cư dân Kherson đã liên tục tổ chức các cuộc biểu tình lớn thách thức quân đội Nga nhưng theo một cư dân 30 tuổi vẫn ở lại, những cuộc đối đầu công khai đã không còn dù dấu hiệu của sự phản kháng thỉnh thoảng lại xuất hiện.

Lê Tây Sơn/ Saigon Nhỏ