Căn hộ đẹp hút mắt với phong cách Japandi, tối giản nhưng tiện nghi

Kiến trúc sư đã thổi vào căn hộ 70m2 một hơi thở tinh tế thông qua các đường nét bo cong, kết hợp điểm nhấn khác biệt. Tất cả tạo nên không gian sống ấn tượng cho gia chủ.

Căn hộ 70m2 ở TP.HCM được thiết kế đơn giản theo phong cách Japandi, nhẹ nhàng với 2 tone màu gỗ và trắng nhưng mang vẻ đẹp hút mắt.

Kiến trúc sư Nguyễn Trần Hiếu và Lý Nhựt Khanh đã thổi vào đó một hơi thở tinh tế thông qua các đường nét bo cong, kết hợp điểm nhấn khác biệt. Tất cả tạo nên không gian sống ấn tượng cho gia chủ. 

Hãy cùng VietNamNet tham quan căn hộ này:

Căn hộ dùng không gian mở để tạo cảm giác rộng rãi. Phòng khách và phòng bếp thông suốt, ngăn bằng bàn đảo nhỏ vừa có đủ sự riêng tư cần thiết nhưng không bị bí bách. 

Phòng làm việc ngăn với bên ngoài bằng vách kính hiệu ứng sóng mờ tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Hệ thống đèn ray trượt hắt sáng, tạo sự ấm cúng vào buổi tối. Phòng làm việc có thể tận dụng thành phòng ngủ phụ khi có khách ở xa đến chơi và nghỉ lại.  

Tủ bếp nhìn có vẻ đơn giản nhưng từng đường nét gây ấn tượng khó phai. Chất liệu gỗ thịt sơn hiệu ứng đặc biệt để nổi bật vân gỗ. Tủ bếp trên với các cánh dùng lưới đan mây mắt cáo kiểu truyền thống. 

Các không gian liên kết thông thoáng, tiện dụng. 

Căn hộ có ưu điểm là ban công chạy dài. Phần ban công ở phòng khách dùng làm góc chill, ngắm thành phố vào mỗi chiều mát mẻ. Phần ở khu bếp thiết kế thành khu giặt sấy, đặt cục nóng điều hòa và thoát mùi cho khu bếp. 

Phòng vệ sinh nhỏ nhưng vẫn bố trí một bồn tắm cho gia chủ thư giãn sau ngày làm việc căng thẳng. 

Phòng ngủ master dùng mảng tường thạch cao lượn sóng làm điểm nhấn. Hệ tủ kính mờ gắn đèn led sang trọng. 

Tủ giầy ở sảnh ra vào đựng được nhiều đồ nhờ làm cao kịch trần, hộc tủ ở ghế ngồi. Mỗi ngày trôi qua trong căn hộ này sẽ thật hạnh phúc, vui vẻ và ngọt ngào. 

Quỳnh Nga / VietnamNet

Bản tình ca cuộc sống

Tập truyện ngắn “Bản tình ca cuộc sống” của nhà văn đầy nghị lực Trần Trà My viết về những câu chuyện có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống với đủ cung bậc trầm bổng của cảm xúc, đem lại những góc nhìn nhân văn, ý nghĩa về cuộc đời.

Ăn phở

12h, quán phở vắng hoe, không một bóng người. Buổi trưa là thời điểm cái nắng gay gắt nhất trong ngày của TP.HCM.

Cô chủ quán liên hồi ngáp dài buồn ngủ. Cô vừa ngả người trên cái ghế nhựa, đang thiu thiu chợp mắt thì giật mình khi nghe tiếng gọi: “Cho tô phở tái đi”.

Cô chủ quán chợt tỉnh cơn buồn ngủ, nét mặt niềm nở và mừng rỡ đến mức quên sửa lại mái tóc bù xù của mình.

– Dạ vâng, anh trai ngồi vào bàn đi ạ!

Một người đàn ông khoảng gần 40 tuổi, mặc chiếc áo sơ mi màu trắng ngà bỏ trong quần, tay xách theo một cái cặp đen, mặt hơi đỏ và có nét mệt mỏi, vừa bước vào quán tìm chỗ ngồi thoáng mát vừa đưa tay áo lau đi những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên mặt.

Ngồi phịch xuống ghế, người đàn ông mở vội chiếc cúc áo trên cổ ra như để trút bỏ phần nào cái nóng nực và cơn mệt mỏi trong người.

Tiếng dao băm thịt, đập đập cọng hành lá khiến người khách chăm chú nhìn cô chủ quán. Bất chợt ông giật mình khi văng vẳng bên tai giọng đanh thép của bà vợ: “Ông làm gì thì làm, chiều nay không mang lương về thì đừng hòng vác xác về cái nhà này”.

Lương! Nỗi khổ nhất của người đàn ông là đến tháng mà không đem lương về đưa cho vợ, đồng nghĩa với việc những ngày sau đó nhà sẽ không có một bữa cơm ngon lành và cái tai của người đàn ông sẽ mệt mỏi với đủ lời càu nhàu của vợ.

“Phở của anh trai đây”. Cô chủ quán nhẹ nhàng đặt tô phở xuống bàn kèm theo một nụ cười niềm nở. “Anh ăn từ từ kẻo nóng nhé!”. Giọng nói dịu nhẹ khiến ông khách thầm nghĩ trong đầu: “Ừ, thì vẫn là phụ nữ nhưng sao bà vợ mình ở nhà lại có giọng nói thét ra lửa, còn cô chủ quán thì nói theo kiểu nhả ra hoa ra ngọc”.

Tô phở tái vẫn nghi ngút khói. Mùi của hành lá, ngò gai, hành tây hòa quyện thêm chút vị tiêu cay cay, ngắt thêm nhúm húng quế, cho thêm một ít giá trụng và vắt thêm miếng chanh là đã có ngay một tô phở cực ngon khỏa lấp cơn đói đang cồn cào trong bụng, vì một nhẽ sáng giờ trong bụng người đàn ông chỉ có vài chai bia lúc nãy đi tiếp khách.

Ăn chừng lưng nửa tô thì mồ hôi tuôn ra như tắm. Ông khách bèn gọi thêm cốc chanh đá. Uống thêm vị chua vào cho nhả bớt hơi men để chiều còn đến cơ quan họp. Chưa đầy ba phút sau, ly nước đá chanh pha đã được mang ra. Lần này cô chủ quán lại nở nụ cười tươi hơn: “Dạ nước chanh của anh đây ạ!”.

Ông khách đáp bằng cái gật đầu, cười nhẹ như một lời cảm ơn thái độ phục vụ nhiệt tình của cô chủ quán, rồi lại tiếp tục tập trung vào tô phở nóng hổi.

– Khăn lạnh, anh lau mồ hôi cho mát nhé.

– Ông khách giật mình khi cô chủ quán đem ra cái khăn lạnh.

– Ồ, cảm ơn cô. Giá mà vợ tôi ở nhà cũng dịu dàng bằng nửa như cô thì phúc cho tôi quá nhỉ?

Cô chủ quán vừa lau cái bàn bên cạnh, vừa tươi cười đáp:

– Anh à, thật ra phở là phở vì phở không vướng bận gánh nặng gia đình, còn cơm là sự thường nhật mỗi ngày, là một phần của gia đình nên cơm chẳng thể nào hồn nhiên để tỏ ra dịu dàng, vì một nhẽ cơm luôn lo lắng xem hôm nay bữa cơm sẽ có những món gì trên bàn, ngày mai lấy tiền đâu đóng học phí cho con…

Ngừng một lúc cô chủ quán lại thở dài nói tiếp:

– Nhất là trong thời kỳ bão giá này anh ạ!

Ông khách liền gật gật tiếp vào:

– Ừ, nhà nước tăng lương cho công nhân viên chức, nhưng nửa tháng rồi cơ quan tôi vẫn chưa phát lương nên hai tuần nay tôi không được yên thân với vợ, giữa trưa nắng phải ra đây ăn phở.

Nói một hồi ông chợt trầm tư nghĩ về một điều gì đó.

– Nghĩ mà nực cười khi nhà nước bảo tăng lương để bù trượt giá. Thế nhưng lương tăng một thì giá cả đã tăng mười. Bù với chả trượt. Chẳng thấm vào đâu cả!

Ông khách nhìn xa xăm và nói tiếp:

– Nhiều lúc cầm đồng lương đưa cho vợ mà không khỏi ngậm ngùi. Chỉ chừng đó lương mà nào chợ búa cơm nước, gas, điện, xăng rồi học hành con cái, ốm đau bệnh tật. Thử hỏi lấy đâu ra khoản dự phòng dành dụm khi nhà có phương này việc nọ.

Cô chủ quán bật cười bảo:

– Anh thông cảm, những người đưa ra quyết định họ đâu có sống bằng lương nên cứ nghĩ tăng lương như vậy là thỏa đáng cho đời sống công nhân viên chức, chứ ai ngờ chỉ như là muối bỏ biển mà thôi.

Nghe xong cả ông khách và cô chủ quán đều nhìn nhau cười, nụ cười méo mó để cho nó giải phóng đi hết những bức bối trong lòng. Liếc nhìn đồng hồ đã gần một giờ rưỡi, ông khách liền gọi tính tiền để chuẩn bị đến cơ quan làm việc.

– Dạ, của anh vị chi hết bốn mươi hai nghìn. Tô phở ba mươi, ly nước chanh mười và khăn lạnh hai nghìn.

Ông khách mở ví ra, trong ví chỉ còn mỗi một tờ mười nghìn và một tờ năm chục. Đưa tờ năm chục nghìn cho cô chủ quán thối tiền, ông khách thầm nghĩ trong bụng:

“Chiều nay nếu vẫn chưa có lương thì tối giả vờ về muộn rồi ăn tạm ổ bánh mì hay cái bánh bao. Sáng mai nếu vợ không chừa cơm nguội thì lại vác cái bụng rỗng đi làm thôi. Hừ, ăn xong tô phở suýt không đủ tiền trả, trong khi mang danh là một viên chức gần hai mươi năm”.

Ông khách lủi thủi đi ra khỏi quán phở bình dân, bắt đầu buổi chiều làm việc với niềm hy vọng chiều nay được nhận lương mới.

Theo Zing

Việt Nam lọt top những quốc gia lý tưởng cho ‘du lịch nghỉ hưu’

Theo tạp chí du lịch danh tiếng của Mỹ, Travel and Leisure, Việt Nam là một trong những quốc gia lý tưởng cho người về hưu do có chi phí sinh hoạt rẻ và các trải nghiệm du lịch phong phú.

Việt Nam

Travel and Leisure đánh giá Việt Nam là một nơi rất hợp lý để nghỉ hưu, đặc biệt là đối với những người ưa thích mạo hiểm, yêu những bãi biển đẹp, phong cảnh, ẩm thực, lịch sử và văn hóa bản địa đặc sắc.

Tổng chi phí sinh hoạt ở Việt Nam thấp hơn khoảng 49% và giá thuê thấp hơn khoảng 75% so với Mỹ, tùy thuộc vào các địa phương cụ thể. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có cộng đồng người nước ngoài lớn nhất sinh sống ở Việt Nam, theo International Living, chi phí sinh hoạt thấp hơn 62% và nhà ở thấp hơn khoảng 83% so với New York.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao có giá cả rất phải chăng ở cả hệ thống y tế công và tư nhân. Hầu hết người nước ngoài đều có bảo hiểm y tế quốc tế nên họ lựa chọn các bệnh viện tư nhân để tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bản thân.

“Hầu hết nhân viên y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đều có thể giao tiếp với bệnh nhân người nước ngoài bằng tiếng Anh”, tổ chức International Living cho biết.

Mexico

Nằm ngay phía nam biên giới Mỹ với thời tiết ấm áp, bờ biển dài, nhiều địa điểm để sinh sống cùng những thành phố xinh đẹp, Mexico là điểm đến phổ biến cho những người về hưu cũng như đi nghỉ dưỡng.

Chi phí sinh hoạt ở Mexico nhìn chung là thấp và các thành phố trên khắp cả nước đều có sẵn những điều kiện thuận lợi để nghỉ ngơi an dưỡng.

Ở Cancun, một khu du lịch nằm trên bờ biển Caribe, chi phí sinh hoạt thấp hơn 61% và giá thuê thấp nhà hơn 85% so với New York của Mỹ. Tại San Miguel de Allende, một thành phố quyến rũ ở sâu bên trong Mexico, chi phí sinh hoạt thấp hơn 57% và giá thuê nhà thấp hơn 76% so với các thành phố lớn khác ở “xứ cờ hoa”.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe luôn sẵn sàng để phục vụ người dân thông qua các chương trình bảo hiểm của chính phủ dành cho người dân có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, hệ thống các bệnh viện và bác sĩ chuyên khoa thuộc khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cao với chi phí chấp nhận được. Vì vậy, người về hưu có nhiều lựa chọn cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe tùy theo nhu cầu và điều kiện của mình.

Ecuador

Với hàng km bờ biển Thái Bình Dương, một ngọn núi lửa đang hoạt động, vẻ đẹp tự nhiên và một số cộng đồng người nước ngoài, Ecuador, cửa ngõ vào Galápagos, thu hút những người nghỉ hưu từ Mỹ và các quốc gia khác. Ecuador sử dụng đồng đô la Mỹ làm đơn vị tiền tệ của mình, và nhiều người dân ở các thành phố lớn nói tiếng Anh, được coi là một lợi thế lớn.

Tổng chi phí sinh hoạt ở Ecuador thấp hơn 49% so với Mỹ. Tại thành phố Cuenca, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và là điểm đến nổi tiếng dành cho người nước ngoài, chi phí sinh hoạt rẻ hơn 62% so với New York với giá thuê nhà thấp hơn khoảng 88%. Nằm ở vùng cao nguyên của Ecuador, Cuenca được hưởng khí hậu ôn hòa, giúp người dân tiết kiệm chi phí cho cả hệ thống sưởi và điều hòa không khí.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao được cung cấp với chi phí thấp hơn ở Mỹ và tất cả người dân cũng như du khách đều được đảm bảo các dịch vụ. Những người nước ngoài về hưu có thể tham gia hệ thống chính phủ với mức phí khoảng 100 đô la Mỹ hàng tháng để được hưởng bảo hiểm đầy đủ hoặc họ có thể cung cấp bằng chứng về bảo hiểm tư nhân. 

Costa Rica

Quốc gia Trung Mỹ này trải dài từ Thái Bình Dương đến Caribe, với rừng rậm, rừng nhiệt đới, các thành phố hiện đại và nhiều bãi biển đẹp. Khí hậu, môi trường và chi phí sinh hoạt nhìn chung có sự khác nhau giữa các vùng, nhưng chi phí sinh hoạt nói chung vẫn thấp hơn khoảng 38% so với Mỹ và giá nhà ở thấp hơn trung bình 72%, dựa trên dữ liệu tháng 6 năm 2022.

Tại thành phố San Jose, thủ đô của đất nước nằm trong vùng thung lũng trung tâm, chi phí sinh hoạt thấp hơn 55% so với New York và giá thuê thấp hơn 82%. Người về hưu có thể chọn sống trong thành phố hoặc ở các vùng ngoại ô miền núi. Nhưng dù ở đâu, họ cũng có thể tiếp cận các tiện nghi do San Jose cung cấp như một điểm đến du lịch nổi tiếng. 

Người dân có thể lựa chọn dịch vụ chăm sóc y tế công do chính phủ chi trả hoặc tự trả tiền để sử dụng dịch vụ y tế tư nhân.

Bồ Đào Nha

Bồ Đào Nha là một trong những điểm đến phổ biến nhất cho cả người về hưu và cả du khách ở mọi lứa tuổi từ khắp nơi trên thế giới, những người yêu thích cảnh đẹp, các thành phố ven biển, rượu vang, đồ ăn và thời tiết ôn hòa. Chi phí sinh hoạt thấp hơn khoảng 37% so với ở Mỹ và giá nhà ở phải chăng hơn khoảng 54%. Ngay tại thủ đô Lisbon cũng có chi phí sinh hoạt thấp hơn khoảng 53% và tiền thuê nhà thấp hơn khoảng 70% so với Mỹ.

Du khách cư trú hợp pháp có thể đăng ký với Dịch vụ Y tế Quốc gia để được vào khám bệnh tại các bệnh viện và trung tâm y tế công. Đối với những người có điều kiện kinh tế thì họ thường đăng ký để sử dụng dịch vụ y tế tư nhân.

Ngoài những quốc gia kể trên, danh sách của Travel and Leisure còn đề xuất thêm Panama, Montenegro và Comlombia là những quốc gia phù hợp có chi phí sinh hoạt thấp, cuộc sống thoải mái, bao gồm các yếu tố như thời tiết, vị trí địa lý, dịch vụ chăm sóc sức khỏe…

Đỗ An (Theo Travel and Leisure)

Tại sao Apple khó rời bỏ Trung Quốc?

Tại sao Apple khó rời bỏ Trung Quốc?
TRUNG QUỐC CÓ MỘT HỆ SINH THÁI CUNG ỨNG MÀ APPLE KHÓ KIẾM ĐƯỢC Ở NƠI KHÁC.

Theo hãng tin CNN, Trung Quốc và Apple có một mối quan hệ cực kỳ khăng khít. Quốc gia đông dân nhất thế giới không chỉ có nhiều nhà máy sản xuất cho Apple mà còn là thị trường lớn đóng góp cho doanh số nhà táo khuyết.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến một số nhà máy sản xuất cho Apple tại Trung Quốc bị gián đoạn và CEO Tim Cook đã phải cảnh báo vào tháng 4 rằng tình hình này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý III/2022. Thậm chí, với việc tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc còn phức tạp, nhiều chuyên gia đánh giá nỗi đau của Apple sẽ còn kéo dài lâu hơn nữa.

 Tại sao Apple khó rời bỏ Trung Quốc?  - Ảnh 1.

Đúng như dự đoán, doanh thu của Apple trong quý II/2022 đạt 83 tỷ USD, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 36% cùng kỳ năm 2021 và 8% của quý I/2022.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Apple lo lắng về Trung Quốc. Trước khi đại dịch bùng phát 1 năm, nhà táo khuyết đã cảnh báo giảm tốc doanh số iPhone do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Thậm chí Apple cũng đã phải đối mặt với các lời cáo buộc về môi trường lao động tại các nhà máy hợp đồng của họ tại Trung Quốc.

Với những lý do trên, nhiều chuyên gia nhận định Apple có khả năng sẽ tìm đường sống sót bằng cách dịch chuyển khỏi Trung Quốc nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng của họ.

“Không nghi ngờ gì nữa, nhiều hãng công nghệ đang muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Họ không thể mạo hiểm với những rủi ro đức gãy chuỗi cung ứng liên tục như trên được, đồng thời các thương hiệu cũng muốn được kiểm soát tốt hơn với khả năng phục vụ khách hàng của mình. Dẫu vậy, việc dịch chuyển khỏi một thị trường lớn như Trung Quốc là điều không dễ dàng bởi chúng tốn thời gian và cần nhiều vốn đầu tư”, CEO Lisa Anderson của LMA Consulting Group nhận định.

Sức mạnh… điện năng

Hãng tin CNN nhận định mối “lương duyên” giữa Apple và Trung Quốc có sự tham dự vô tình của CEO Tim Cook. Vị giám đốc này gia nhập Apple vào năm 1998, chỉ vài năm trước khi Apple bắt đầu sản xuất tại Trung Quốc.

Tim Cook tại thời điểm đó là người giúp đỡ xây dựng, quản lý chuỗi cung ứng dưới vai trò COO cho Apple trước khi trở thành CEO vào năm 2011. Đích thân CEO Cook đã có chuyến thăm Trung Quốc vài lần và khẳng định tầm quan trọng của thị trường này với Apple.

 Tại sao Apple khó rời bỏ Trung Quốc?  - Ảnh 2.

Nguồn: BP Statistical Review of World Energy 2020.

Tuy nhiên, tờ Wall Street Apple (WSJ) nhận định Apple vẫn sẽ có phương án dự phòng khi nguồn tin riêng của họ cho biết vào đầu năm nay, nhà táo khuyết đang dự định tăng cường sản xuất tại Việt Nam và Ấn Độ.

“Chuỗi cung ứng của chúng tôi mang tính toàn cầu hóa nên có thể sản xuất ở bất cứ đâu. Chúng tôi vẫn đang xem xét việc tối ưu hóa, học hỏi và thay đổi liên tục mỗi ngày”, CEO Tim Cook nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, hãng tin CNN nhận định không dễ gì mà Apple có thể từ bỏ Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã mất nhiều năm phát triển công nghiệp, công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực trình độ cao và cả một hệ sinh thái chuỗi cung ứng cho các thương hiệu như Apple. Điều này khó có thể lặp lại dễ dàng ở những quốc gia khác.

Ví dụ như nguồn cung điện, báo cáo năng lương toàn cầu năm 2020 của BP Statistic Review cho thấy Trung Quốc chiếm đến 27,8% tổng sản lượng điện của thế giới, cao hơn cả Mỹ (6,3%), Ấn Độ (5,8%).

Trong một bài phỏng vấn năm 2015, chính CEO Tim Cook đã phải thừa nhận hệ sinh thái cung ứng tại Trung Quốc là vô cùng dồi dào, giúp giảm chi phí sản xuất so với Mỹ.

Theo chuyên gia Bryan Ma của hãng IDC, dù áp lực dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đang gia tăng nhưng để thực hiện không hề dễ bởi hệ thống sinh thái cung ứng dồi dào tại đây khó lòng có thể xuất hiện ở nơi khác.

“Tôi chắc chắn các công ty có lựa chọn để dịch chuyển khỏi Trung Quốc nhưng nếu cả chuỗi cung ứng không thể đi theo họ thì bài toán xây dựng nhà máy ở nơi khác là một thách thức quá lớn”, chuyên gia Ma nhấn mạnh.

Thị trường lớn

Theo CNN, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Apple ngoài Mỹ đang là rào cản lớn nhất hiện nay khiến nhà táo khuyết khó rời bỏ nền kinh tế này.

Hiện Apple chiếm đến 18% thị phần smartphone của Trung Quốc trong khi quốc gia 1,4 tỷ người đóng góp ¼ doanh số toàn cầu cho nhà táo. Nói cách khác, Trung Quốc là động lực tăng trưởng chủ chốt cho Apple.

“Apple có quá nhiều lý do để không thể rời bỏ Trung Quốc”, chuyên gia Gad Allon của trường đại học Pennsylvania cho biết.

Thậm chí trong một động thái cực kỳ hiếm hoi, Apple gần đây đã giảm giá 600 Nhân dân tệ, tương đương 89 USD cho mẫu iPhone mới nhất trong thời gian có hạn vì lo ngại suy giảm nhu cầu ở Trung Quốc.

Chuyên gia Allon nhận định dù chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày một đắt đỏ đi kèm những rủi ro gián đoạn nhưng Apple giờ đây không có nhiều lựa chọn.

“Ở cấp độ của Apple thì khó có thể tìm kiếm một thị trường đầy đủ nguồn cung ứng, nhân lực… thay thế được như Trung Quốc’, chuyên gia Allon đánh giá.

*Nguồn: CNN, SCMP, Reuters /Theo Tổ Quốc

XUNG ĐỘT NGA-UKRAINE

Kể từ khi chiến sự bùng phát ngày 24/2, các lực lượng Moscow đã kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở miền nam và đông Ukraine, kể cả khu vực Luhansk sau khi binh lính Ukraine rút khỏi thành phố Sievierodonetsk. Kiểm soát được thành phố Sievierodonetsk đồng nghĩa với việc loại bỏ một trong những rào cản cuối cùng cho sự kiểm soát của Nga đối với khu vực.
Nga cũng kiểm soát thành phố cảng Mariupol khi Kiev ra lệnh sơ tán toàn bộ binh sĩ còn bám trụ lại sau nhiều tuần giao tranh ác liệt giữa các lực lượng Nga và quân đội Ukraine bảo vệ nhà máy thép Azovstal. Điện Kremlin gọi cuộc sơ tán này là một cuộc đầu hàng hàng loạt.
Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Anh, khi Nga giành được quyền kiểm soát nhiều lãnh thổ Ukraine hơn, Điện Kremlin phải đối mặt với quyết định củng cố nắm giữ Donbass hoặc phòng thủ trước các cuộc phản kích ở Kherson, miền nam Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 20/7 thông báo, Moscow mở rộng mục tiêu quân sự ở Ukraine ra ngoài khu vực miền đông Donbass.


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cách chức hai quan chức hàng đầu, Trưởng công tố Iryna Venediktova và Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Ivan Bakanov, cũng như hơn 60 nhân viên từ mỗi cơ quan vì các cáo buộc “phản quốc và cộng tác với Nga”.
Lãnh đạo Kiev đình chỉ thêm 28 quan chức, với lí do “kết quả công việc không đạt yêu cầu”. Trong một thông điệp video ngày 18/7, ông cũng thông báo đang tiến hành một cuộc “kiểm tra nhân sự” đối với cơ quan an ninh Ukraine.

Các nước cam kết viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine, tính từ ngày 27/1 – 7/6, trong đó số liệu không bao gồm khoản bổ sung 1,2 tỷ USD của chính phủ Anh công bố dành cho Kiev ngày 30/6. Nguồn: Viện Kiel về kinh tế thế giới
Ngoài các viện trợ của Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh NATO khác dành cho Kiev, Mỹ đã phê duyệt hơn 7 tỷ USD viện trợ quân sự, nhân đạo và an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.
Gần đây nhất, Washington cam kết hỗ trợ an ninh thêm 2,2 tỷ USD. Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho phép rút thiết bị lần thứ 15 từ các kho dự trữ của họ để gửi cho quốc gia Đông Âu kể từ tháng 8/2021, bao gồm hơn 6.500 hệ thống chống tăng Javelin, 1.400 vũ khí phòng không Stinger và 16 khẩu lựu pháo, theo Lầu Năm Góc.
Cùng với gói viện trợ mới nhất, Lầu Năm Góc sẽ gửi thêm 4 hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), nâng tổng số bệ phóng tên lửa tầm xa được trao cho Ukraine lên 16 hệ thống.


Các nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ, đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn chống Nga. Trong động thái mới nhất, G7 đã cam kết cấm vận vàng Nga. Tiếp sau Mỹ, các đồng minh cũng tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu dầu mỏ từ xứ sở bạch dương.
Các lãnh đạo EU đã thực hiện cam kết cấm vàng và đồ trang sức của Nga, mặt hàng xuất khẩu quan trọng thứ 2 của nước này sau năng lượng, trong đợt trừng phạt thứ 7 chống Moscow. EU đã giáng đòn trừng phạt năng lượng Nga, cấm nhập khẩu than và nhắm mục tiêu vào nguồn doanh thu năng lượng. Xuất khẩu than cho EU mang lại nguồn thu lên tới khoảng 4,4 tỷ USD mỗi năm cho Nga.
Washington áp trừng phạt với Tổng thống Vladimir Putin, các quan chức trong chính phủ Nga, các chỉ huy quân đội và cả vợ cũ cũng như hai con gái đã trưởng thành của ông Putin, ngăn chặn họ tiếp cận với các hệ thống tài chính của Mỹ và đóng băng bất kỳ tài sản nào họ có thể nắm giữ ở xứ sở cờ hoa.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 4/2022 rằng “Ukraine thuộc về gia đình châu Âu”. Ảnh: Reuters
Tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) cuối tháng 6, lãnh đạo 27 nước thành viên nhất trí trao quy chế ứng cử viên gia nhập khối cho Ukraine, chỉ 4 tháng sau khi Kiev nộp đơn xin được kết nạp.
Quyết định được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel mô tả là “lịch sử” này sẽ cho phép Ukraine tiến thêm một bước trong tiến trình trở thành thành viên EU. Động thái cũng được coi là “tín hiệu rất mạnh mẽ gửi tới Nga”. Tuy nhiên, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune lưu ý, quá trình để Ukraine gia nhập EU sẽ rất dài, có thể tới 15 – 20 năm.

Kiev và Moscow ngày 22/7 đã ký các thỏa thuận riêng rẽ với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, cũng như ngũ cốc và phân bón của Nga đang bị mắc kẹt tại các cảng Biển Đen.
Việc vận chuyển các chuyến hàng ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác đã bị tạm dừng kể từ khi chiến sự bùng phát. Moscow đổ lỗi sự bế tắc do các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc quân đội Ukraine rải mìn quanh các cảng. Ngược lại, Kiev tố cáo quân đội Nga đã điều các chiến hạm phong tỏa các cảng Ukraine.
Sự cố đã ngăn Ukraine xuất khẩu 22 triệu tấn ngũ cốc, đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Quốc gia Đông Âu này là một trong những nước xuất khẩu lúa mì, ngô và dầu hướng dương lớn nhất thế giới.


Liên Hợp Quốc thống kê, ít nhất 12 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ đầu xung đột. Trong đó, hơn 5 triệu người đã sơ tán ra nước ngoài, 7 triệu người di tản đến các vùng khác của đất nước. Đến nay, hàng trăm nghìn người đã trở về quê hương, nhất là ở các thành phố như Kiev.
Trong một thông điệp đăng tải trên Facebook ngày 24/7, Bộ Y tế Ukraine thống kê, ít nhất 18 nhân viên y tế đã thiệt mạng, hơn 50 nhân viên y tế bị thương và gần 900 cơ sở y tế của nước này bị tàn phá. Theo trang Kyiv Independent, 183 cơ sở tôn giáo, các hệ thống cầu đường, vô số nhà cửa, công trình xây dựng của Ukraine đã bị hủy hoại hoàn toàn hoặc một phần trong 5 tháng chiến sự vừa qua.
Bộ Kinh tế Ukraine ước tính tổng thiệt hại về vật chất của nước này do xung đột vào khoảng 564 – 600 tỷ USD, tức là gấp 2,8 – 3 lần GDP của đất nước năm 2021. Phát biểu tại Hội nghị tái thiết Ukraine ở Thụy Sĩ ngày 4/7, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tuyên bố nước này cần 750 tỷ USD tái thiết.
Cả Ukraine và Nga đều không công khai quân số thương vong trong xung đột. Tình báo Anh và Mỹ nhận định, khoảng 15.000 lính Nga đã thiệt mạng và có thể gấp 3 số lính đó bị thương. Trong khi đó, Kiev ước tính gần 36.200 lính Nga đã thiệt mạng.
Tuấn Anh / Viêtnam Net