10 khách sạn trong phố tốt nhất Việt Nam 2022

TP HCM là nơi có nhiều khách sạn trong phố tốt nhất Việt Nam, với năm đại diện, tiếp đến là Hà Nội, Đà Nẵng.

Tạp chí Travel+Leisure vừa công bố danh sách 10 khách sạn trong thành phố tốt nhất Việt Nam. Hạng mục này nằm trong khuôn khổ giải thưởng Asia’s Best Awards 2022, dựa trên bình chọn của độc giả khắp thế giới và ban tổ chức, từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay.

Đứng đầu danh sách là Sheraton Saigon Hotel & Towers, khách sạn được du khách yêu thích nhờ vị trí đắc địa. “Điều chúng tôi thích nhất là từ khách sạn, chúng tôi có thể đi khắp nơi trong thành phố với khoảng cách gần: quán bar, nhà hàng, điểm du lịch nổi tiếng”, một du khách chia sẻ. Giá phòng một đêm ở đây từ 148 USD (3,45 triệu đồng). Ảnh: Sheraton Saigon

Cái tên thứ hai là Capella Hanoi. Khách sạn chỉ cách nhà hát lớn và phố cổ một đoạn đi bộ, với 47 phòng. Mỗi căn phòng đều được thiết kế theo phong cách riêng, bài trí các kỷ vật tri ân các nghệ sĩ, nhà soạn nhạc, các buổi biểu diễn huyền thoại liên quan đến chủ đề Opera. Khách sạn nằm trên phố Lê Phụng Hiểu, quận Hoàn Kiếm này còn đứng vị trí thứ hai trong danh sách tốt nhất châu Á và thứ 18 trên toàn thế giới. Giá phòng một đêm ở đây từ 467 USD (hơn 10 triệu đồng). Ảnh: Capella Hanoi.

Park Hyatt Saigon có tầm nhìn ra Nhà hát lớn, cách đường Đồng Khởi 100 m. Từ khách sạn, du khách có thể đi bộ đến Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm, Dinh Độc Lập và cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 30 phút đi xe. Nơi đây có hồ bơi dài 20 m và các nhà hàng phục vụ ẩm thực địa phương cũng như đồ Italy, Pháp cùng quán bar, nơi phục vụ trà chiều… Ngoài được đánh giá cao trên Travel + Leisure, khách sạn còn nhận được bình chọn yêu thích từ các du khách dựa trên các đánh giá độc lập. Các cặp đôi cũng yêu thích địa điểm này, khi chấm 9,6 điểm. Giá phòng một đêm từ 361 USD (trên 8,4 triệu đồng). Ảnh: Booking

Sofitel Legend Metropole Hanoi là cái tên đã quá quen thuộc, chỉ cách nhà hát lớn Hà Nội 160 m, hồ Gươm chưa đầy 500 m. Nơi đây không chỉ đơn giản là cơ sở lưu trú, mà còn là một biểu tượng của Hà Nội. Giá thuê phòng mỗi đêm từ 223 USD (5,2 triệu đồng).

“Nhân viên thân thiện, khu vườn yên tĩnh tuyệt đẹp và đổ ăn ngon. Tôi thích việc đến đây nghỉ ngơi, và chỉ cần đi bộ vài bước chân là có thể ra đến phố cổ”, một du khách để lại bình luận. Ảnh: Booking

Sẽ không có gì quá ngạc nhiên khi InterContinental Saigon xuất hiện trong danh sách được du khách yêu thích nhất này.Một trong những nét độc đáo của khách sạn chính là các phòng đều có cửa sổ kính suốt từ trần đến sàn, phòng tắm lát đá cẩm thạch sang trọng. Giá phòng từ 173 USD (hơn 4 triệu đồng). Nhân viên thân thiện, có trách nhiệm là một trong những ý kiến được nhiều độc giả bình chọn để lại nhất khi nói về nơi này. Ảnh: Booking

Đứng thứ sáu trong danh sách là Hôtel des Arts Saigon – MGallery, khách sạn 5 sao nằm ở quận 3, TP HCM. “Vị trí tuyệt vời, sân thượng và hồ bơi đặc biệt, phòng được thiết kế đẹp với tầm nhìn thật huyền ảo. Chúng tôi đã có một kỷ niệm trăng mật ngọt ngào và khó quên”, một vị khách để lại bình luận. Giá phòng ở đây từ 125 USD (khoảng 2,9 triệu đồng). Ảnh: Booking

Nằm ngay trung tâm thành phố, tọa lạc tại vị trí thuận tiện của quận 1 là Reverie Saigon Hotel. Khách sạn cách Thương xá Tax, một trong những biểu tượng nổi tiếng của thành phố, 300 m và cách nhà hát lớn 400 m. Đây cũng là nơi được các cặp đôi đánh giá cao khi chấm 9,7 điểm/10. Giá phòng từ 272 USD (hơn 6,35 triệu đồng). “Dịch vụ ở đây luôn đặc biệt. Tôi vẫn luôn muốn ở nơi này mỗi khi đến TP HCM”, một vị khách để lại bình luận. Ảnh: Booking

InterContinental Hanoi Landmark72, khách sạn 5 sao nằm trong tòa nhà cao nhất thủ đô với 359 phòng, là cái tên thứ tám trong danh sách. Nơi đây chỉ cách sân bay khoảng 40 phút di chuyển, thuận tiện cho việc đi lại. Giá phòng từ 133 USD (3,1 triệu đồng) một đêm. “Mỗi lần lưu trú, tôi lại thấy nhân viên thân thiện và nhiệt tình hơn lần trước. Phòng ở sáng và đẹp” là bình luận của nhiều du khách để lại. Ảnh: Booking

InterContinental Hanoi Westlake nằm yên bình bên hồ Tây, một địa điểm được nhiều người yêu thích tại thủ đô Hà Nội. Nơi đây cách sân bay Nội Bài khoảng 25 km, cách các điểm tham quan như Nhà hát múa rối nước Thăng Long, bảo tàng Mỹ Thuật khoảng 4 km. Các phòng tại khách sạn đều ốp gỗ, có quầy minibar và ban công riêng nhìn ra hồ bơi, mặt hồ tây hoặc thành phố Hà Nội. Giá phòng một đêm từ 144 USD (gần 3,4 triệu đồng). “Tôi cảm thấy như ở nhà khi lưu trú tại đây. Nhân viên rất nhiệt tình, thân thiện và ấm áp”, một vị khách đến từ Singapore chia sẻ. Ảnh: Booking

Fusion Suites Da Nang là cái tên khép lại danh sách bình chọn 10 khách sạn nằm trong phố tốt nhất Việt Nam do du khách khắp thế giới bình chọn. Đây là khách sạn có tầm nhìn ra biển, nằm trong thành phố Đà Nẵng, nơi được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Giá phòng một đêm ở đây từ 89 USD (gần 2,1 triệu đồng).

“Đây là nơi đáng để bạn bỏ tiền ra lưu trú trong kỳ nghỉ. Thức dậy đón bình minh với tầm nhìn ra biển hoàn hảo từ chiếc giường thoải mái, căn phòng sạch đẹp là cách tuyệt vời để bạn đón ngày mới trong một chuyến đi”, du khách để lại bình luận khi nói về khách sạn. Ảnh: Booking

Anh Minh (Theo Travel+Leisure) / Vietnam Express

Molière – tượng đài suốt 400 năm của văn hóa Pháp

Nước Pháp đã bắt đầu một năm đầy các sự kiện nhằm kỷ niệm 400 năm của Molière, kịch tác giả nổi tiếng nhất của quốc gia này – và của cả thế giới – về nghệ thuật châm biếm và sân khấu.

Molière hiện vẫn là tượng đài của văn hóa Pháp giống như Shakespeare đối với văn hóa Anh. Và, khi người Pháp nói tiếng mẹ đẻ, nó được ví như “ngôn ngữ của Molière”.

Từ bỏ cảnh giàu sang để đến với sân khấu kịch

Molière sinh ở Paris, là con trai cả trong một gia đình làm thợ của triều đình rất lâu đời. Được rửa tội vào ngày 15/1/1622 và có thể được sinh ra trước đó 1-2 ngày, ông tên thật là Jean-Baptiste Poquelin. Cho đến nay người ta vẫn không biết nguồn gốc nghệ danh của ông (Molière dùng để chỉ một mỏ đá) cũng như ngày sinh của ông khi hiện chỉ còn giấy chứng nhận rửa tội được phát hiện vào năm 1820.

Lên 10 tuổi, ông mồ côi mẹ. Molière học ở Jesuit Clermont College (nay là Lycée Louis-le-Grand), chủ yếu bằng tiếng Latin, trong một môi trường học thuật nghiêm ngặt và lần đầu tiên được nếm trải cuộc sống trên sân khấu. Molière được thừa hưởng cuộc sống sung túc từ cha mình – vốn được nhà vua sủng ái – nhưng lại theo đuổi nghiệp diễn. Việc này đã gây ra cho cha ông nhiều rắc rối, trong đó có việc buộc phải tìm cách đưa con trai mình ra khỏi tù sau khi Nhà hát đầu tiên của Molière – Illustre Théâtre – lâm vào cảnh nợ nần.

Chân dung nhà soạn kịch Molière.

Molière bỏ trốn khỏi Paris năm 23 tuổi, cùng với một số người đi về biểu diễn ở tỉnh lẻ ở nước Pháp suốt 13 năm. Để cạnh tranh với những đoàn kịch của Italy, Molière bắt đầu sáng tác những vở kịch cho đoàn của mình, dựa vào những lúc thâm nhập vào từng ngóc ngách của nước Pháp trong đời thường. Năm 1655, ông viết vở kịch thơ đầu tiên L’étourdi (Gàn dở) và năm sau viết vở Le dépit amoureux (Bất hòa của tình yêu). Đến năm 1658 đoàn kịch của Molière trở thành đoàn kịch nổi tiếng nhất ở các tỉnh. Được sự ủng hộ của nhiều bá tước, trong số này có cả Quận công Philippe – em trai của vua Louis XIV – đoàn kịch của ông được mời biểu diễn ở Louvre và đã gây được tiếng vang. Sau đó đoàn kịch của Molière thường xuyên được biểu diễn ở nhà hát Bourbon.

Từ đây, Molière đoạn tuyệt với bi kịch và chỉ cho ra đời những vở hài kịch. Ông trực tiếp phanh phui thói xấu của xã hội thượng lưu Pháp, được đông đảo công chúng ủng hộ. Thành công đã giúp đưa Molière trở lại Paris và gây được thiện cảm với vị vua trẻ, Louis XIV, người sau đó trở thành nhà bảo trợ đắc lực khi nhà soạn kịch luôn phải đối mặt với những trận chiến liên tục từ giới quý tộc.

Con tem mang chân dung Molière được phát hành nhân kỷ niệm 400 năm ngày sinh nhà soạn kịch.

Bậc thầy của tiếng cười sâu cay

Molière đã viết rất nhiều vở kịch hay trước Cách mạng Pháp, vào thời điểm mà quyền lực của nhà vua và nhà thờ vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, trong các vở kịch của ông, vẫn thường xuyên được trình diễn cho đến ngày nay, nhà soạn kịch đã thách thức những nhân vật quyền lực như nhà thờ, quý tộc và thậm chí cả thần chết – nhưng luôn thông qua sức mạnh của tiếng cười.

Những câu nói trong các vở kịch của ông khiến khán giả cười suốt hàng thế kỷ, cho đến tận ngày nay, mà trong đó vở Tartuffe, ou l’Imposteur đã trở thành vụ scandal làm rung chuyển Versailles. Vở kịch kể về Tartuffe, một kẻ lừa đảo tự thể hiện mình là một người rất ngoan đạo, thâm nhập vào gia đình Orgon thông qua những lời tâng bốc và dối trá.

Tartuffe, ou l’Imposteur đã khiến Molière gặp nhiều rắc rối. Vở kịch này được công diễn 12/5/1664, tại Versailles. Vào thời điểm đó, nhà viết kịch đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, làm việc tại triều đình của vua Louis XIV. Tuy nhiên, việc xây dựng một kẻ lừa đảo gắn mác tôn giáo và sự phê phán quyền lực của Giáo hội đã khiến tác phẩm bị cấm trình diễn. Trong 5 năm sau đó, Molière đã đấu tranh để vở kịch của mình được trình diễn trở lại và cuối cùng ông đã thành công vào năm 1669 – sau khi có những thay đổi đáng kể đối với kịch bản. (Năm nay, Comedie Francaise lần đầu tiên trình diễn phiên bản không bị kiểm duyệt từ năm 1664).

Một lý do giải thích cho sự nổi tiếng lâu dài của Molière có thể là các tác phẩm của ông luôn đậm tính hài hước nhưng thâm thúy. Một ví dụ như vậy là Dom Juan ou le Festin de Pierre (Don Juan – 1665), được Moliere viết ngay sau khi Tartuffe bị cấm. Câu chuyện tập trung vào Don Juan, lấy nguyên mẫu từ một kẻ lăng nhăng ở châu Âu đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà văn. Trong vở kịch, Don Juan đang chạy trốn sau khi thuyết phục Donna Elvira phá bỏ lời thề tôn giáo của mình nhưng sau đó từ chối kết hôn với cô. Khi được yêu cầu đưa ra lời tuyên xưng đức tin, anh ta chỉ trả lời đơn giản “2 với 2 là 4”.

Don Juan của Molière không chỉ là một kẻ luôn mồi chài phụ nữ mà còn là một kẻ tự do trong suy nghĩ. Thay vì từ chối thú vui xác thịt anh ta lại từ chối giáo điều và các bí tích của giáo hội nhưng thích logic và khoa học. Với Molière, hài kịch là công việc kinh doanh nghiêm túc và là cách để phản ánh xã hội. Có lẽ không ngạc nhiên khi Don Juan cũng bị cấm diễn chỉ sau một vài buổi biểu diễn.

Chỉ 2 năm sau khi Tartuffe bị cấm, Molière đã viết vở hài kịch Le Misanthrope ou l’Atrabilaire amoureux (Người tình cuồng nhiệt – 1666) được Louis XIV trả tiền. Giống như Don Juan, nhân vật chính trong vở kịch này là một kẻ ngoại đạo – Alceste – thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng từ chối tham gia các nghi lễ của triều đình. Anh hướng tới sự trung thực, luôn nói sự thật và từ chối xu nịnh hay lừa dối người khác. Một mặt, Alceste là một kẻ lầm lạc, coi thường loài người, nhưng mặt khác, anh lại vô cùng tin tưởng vào tình yêu. Kiểu tương phản này là điều khiến các nhân vật của Molière trở nên mạnh mẽ, vì họ là hiện thân của hài kịch, bi kịch và có chiều sâu.

Cảnh trong vở “Le malade Imaginaire” (Người bệnh tưởng) đang được trình diễn tại Pháp.

Gục chết trên sân khấu

Molière thường xuyên phải đối mặt với những lời đe dọa, nhưng nhà soạn kịch không bao giờ để điều đó làm hỏng óc hài hước của mình. Giống như Shakespeare, Molière thể hiện sự hài hước bằng cách quan sát và nhấn mạnh sự điên rồ của con người. Ông cho thấy rằng việc cười nhạo những khiếm khuyết của chính mình cũng có thể giúp chúng ta chịu đựng những hành vi xấu của đồng loại.

Vở kịch cuối cùng của Molière – Le malade Imaginaire (Người bệnh tưởng) kể về một ông già tên Argan, người tưởng tượng ra tất cả bệnh tật của mình và đã bị một bác sĩ lừa đảo lợi dụng. Vở kịch này lần đầu tiên được trình diễn vào ngày 10/2/1673, với tác giả đóng vai chính – như thường thấy ở các vở kịch trước của ông. 7 ngày sau, ở buổi biểu diễn thứ 4, Molière đã bị một cơn ho và xuất huyết khi đóng vai người bệnh tưởng Argan (ông vốn đã mắc bệnh lao) và mất vài giờ sau đó.

“Không thể không nhìn thấy bóng của nhà viết kịch đang hấp hối thấp thoáng trong nhân vật Argan, người trong nỗi bất hạnh của chính mình đã chọn cách làm cho chúng ta nở nụ cười” – theo văn bản giới thiệu của Comedie Francaise, nơi đang dàn dựng vở kịch để trình diễn trong năm nay.

Molière qua đời không để lại dấu vết gì về cuộc sống cá nhân của mình: không có nhật ký, thư từ hay thậm chí ghi chú về công việc. 4 người con của ông đã đánh mất các bản thảo của ông. Dù vậy, di sản của Molière vẫn được vinh danh trong 400 năm sau, nhất là giữa sự u ám của bệnh dịch như hiện tại.


Nhiều hoạt động kỷ niệm 400 năm ngày sinh Molière

Nhiều lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức ở những nơi đánh dấu cuộc đời của Molière với tư cách là một diễn viên, giám đốc nhà hát và nhà viết kịch. Quan trọng nhất, một số vở kịch nổi tiếng nhất của ông sẽ được trình diễn tại Comedie-Francaise – nhà hát nhà nước duy nhất của Pháp có đoàn kịch riêng do Vua Louis XIV sáng lập vào năm 1680.

Thêm nữa, các vở kịch của ông sẽ được trình diễn tại Đài tưởng niệm Molière ở Paris cho đến tháng 7, bắt đầu từ hôm 15/1 với phiên bản gốc của Tartuffe, ou l’Imposteur – vở kịch được coi là đã tạo ra “hài kịch của cách cư xử” khi châm biếm những thói đạo đức giả của xã hội thượng lưu. Tiếp sau đó, các vở kịch L’Avare (Lão hà tiện) và Le Bourgeois Gentilhomme (Trưởng giả học làm sang) sẽ tiếp tục được trình diễn tại Comedie-Francaise.

Tại Pezenas, phía Tây Nam nước Pháp, sẽ có một bức tượng khác được khánh thành. Đây là nơi Molière đã ở lại nhiều lần trong những năm đầu sự nghiệp. Trong khi đó, trung tâm quốc gia về trang phục sân khấu của CNCS tại Moulin, miền Trung nước Pháp, sẽ mở một cuộc triển lãm “Molière in costume” vào cuối tháng Năm. Còn Nhà hát Opera Paris sẽ tổ chức lễ kỷ niệm với “Moliere in Music” từ tháng 9. Bên cạnh đó, con tem chính thức in hình Moliere được phát hành trên toàn nước Pháp.

VIỆT LÂM/ANTG (tổng hợp) / VanVN

ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC RỐT CUỘC MUỐN LÀM GÌ ?

TÓM TẮT CÁC KỲ TRƯỚC
Ở bên trong Trung Quốc, vì để duy trì quyền lực, ĐCSTQ đã hủy diệt văn hóa, nhồi nhét tư tưởng méo mó, đưa con người qua các cuộc vận động chém giết, rồi lại biến họ thành động vật kinh tế cho Đảng chăn dắt. Ở bên ngoài Trung Quốc, ĐCSTQ dùng quyền và tiền để khiến thế giới tự do trở thành kẻ đồng lõa với tội ác của nó. Tương lai nào cho Trung Quốc và cho thế giới đã là một câu hỏi mà mỗi người đều phải thật sự nghiêm túc đối diện.

Kỳ 1: Hủy diệt văn hóa truyền thống
Kỳ 2: Nhồi nhét văn hóa ĐCSTQ
Kỳ 3: Giành chính quyền để giết
Kỳ 4: Cái ác đỉnh điểm & Mục tiêu bất biến
Kỳ 5: Biến con người thành động vật kinh tế
Kỳ 6: Dùng tiền và quyền bịt miệng thế giới

LỜI KẾT: TƯƠNG LAI NÀO CHO TRUNG QUỐC VÀ CHO THẾ GIỚI

  1. Bức tranh đen tối của ĐCSTQ
    Nhìn về Trung Quốc ngày nay, sự phồn vinh bề ngoài không cách nào che đậy được sự mục ruỗng hủ bại bên trong. Nó hoàn toàn là một xã hội mà phần lớn con người coi tiền bạc là tối thượng, mọi người đều chạy theo lợi, chỉ vì tiền mà bất chấp cả nhân cách và nhân tính: bất chân, bất tín, bất thiện, vô đức, vô mỹ, vô lại…

Mang danh là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới, nhưng tâm lý chung của người dân Trung Quốc lúc nào cũng đầy dục vọng đói khát, sẵn sàng đấu tranh, giành giật. Gốc rễ của tính cách đói khát ấy là do các cuộc vận động như “Cải cách Ruộng đất”, “Đại nhảy vọt”, “Cách mạng Văn hóa”… đã khiến cho tâm lý bạo động của con người phát triển. Tính cách đó biểu hiện ra ở chỗ “chiếm hữu”, nếu không thể chiếm hữu nhiều hơn một chút thì sẽ cố sức phá hoại. Đối với cá thể mà nói, đặc trưng tâm lý thể hiện ra rõ như sự nóng giận, tham lam, keo kiệt, hèn nhát, tàn bạo, đố kỵ, v.v..

Trong quá trình đấu tranh qua lại, cái ác trong mỗi con người đã bị phóng đại lên đến mức cực đại. Trường kỳ sống trong môi trường phải “vật lộn” với đạo đức, với lương tâm để chọn giữa “tố” hoặc “bị tố”, “giết” hoặc “bị giết”, con người ta quả thật đã bị ĐCSTQ bức đến chỗ tuyệt diệt cái “thiện” trong tâm. Thực chất, những người sống sót qua các cuộc tranh đấu cũng chỉ là những kẻ thất bại, là những nạn nhân, bởi vì thứ chiến thắng chính là Đảng tính, còn nhân tính và bản ngã thật sự của họ thì sớm đã bị chết rồi.

Ông Hồng Minh, một tác giả của nhiều bài viết trên mạng tiếng Trung nhận định:

“Khi lễ giáo thuần chính của Trung Quốc bị gọi là ‘lễ giáo phong kiến’ để đả kích, những thứ bị hủy hoại là tinh hoa của văn hóa dân tộc Trung Hoa và gốc rễ của xã hội… ĐCSTQ đã thay đổi tiêu chuẩn thiện ác của người Trung Quốc; khi sở thích trong sạch của người ta bị giai cấp vô sản cho là ‘tư tưởng giai cấp tư sản’ và khi ‘chân lấm tay bùn’ được coi là ‘sạch sẽ’, người Trung Quốc đã mất đi tiêu chuẩn phân biệt xấu và đẹp.”

“Mấy ngàn năm qua, Trung Quốc được coi là ‘đất nước của lễ nghi’, là hình mẫu của các nước xung quanh. Từ xưa đến nay, bao nhiêu dân tộc đã đến Trung Quốc để học tập. Ngày nay lễ tiết của người Nhật Bản, Hàn Quốc đều được người ta biết đến rộng rãi, nhưng rất ít người nghĩ rằng điều đó là truyền thừa từ văn hóa Trung Quốc.”

Thiện lương của con người đến từ thiên tính của họ, đến từ sự lắng đọng của văn hóa và huyết mạch của tổ tiên, đến từ gia đình và những lời nói việc làm mẫu mực chính thống của người khác. Mất đi văn hóa truyền thống đối với người Trung Quốc mà nói, chính là mất đi tiêu chuẩn đạo đức để làm người, mất đi tín niệm vào Thần, mất đi tiêu chuẩn để ước thúc các hành vi bại hoại, rời xa tiêu chuẩn làm người mà Thần đặt ra cho nhân loại. Do đó, phá hoại văn hóa truyền thống sẽ dẫn đến sự sa đọa đạo đức xã hội. Ngược lại, đạo đức sa đọa sẽ trực tiếp phản ánh vào văn hóa, làm cho văn hóa biến dị thêm một bước nữa. Hai yếu tố này một khi hình thành tuần hoàn ác tính rồi sẽ dẫn đến sự trượt dốc tổng thể về tiêu chuẩn đạo đức và phẩm hạnh. Những việc trước đây bị coi là vô đạo đức, thì hiện giờ cho là những chuyện hết sức bình thường. Con người sống trong văn hóa biến dị như vậy đã rất khó để cảm nhận được sự trượt dốc của tiêu chuẩn đạo đức.

Thêm vào đó, ĐCSTQ còn dùng mọi thủ đoạn để cưỡng chế tẩy não, nhồi nhét hình thái ý thức hệ cộng sản, đồng thời lấy vô Thần luận và triết học đấu tranh làm hạch tâm. Quá trình này họ gọi là “cải tạo tư tưởng”, khiến cho người ta không cách nào chủ động thoát ra được; đồng thời còn sử dụng các loại tra tấn tinh thần, cưỡng chế người ta làm theo. Đây thực chất là đang tiến hành phá hủy tâm linh của mỗi từng cá thể, làm bại hoại một cách có hệ thống lý niệm giá trị truyền thống vốn có của người Trung Quốc. Nó khiến người Trung Quốc ngày nay mang theo đầy bạo lực, oán hận, bất cứ lúc nào, bất cứ là trong trường hợp nào đều có thể bộc phát ra ngoài. Cường độ của nó rất lớn, phương thức biểu hiện rất ác độc, thậm chí còn khiến người trong cuộc cảm thấy kinh hoàng không lý giải nổi.

Rất nhiều người Trung Quốc hiện nay không biết gì về văn hóa truyền thống, cũng không hiểu gì về bản chất của ĐCSTQ. Họ không có văn hóa, không hiểu lịch sử, không màng đạo đức, không có quan niệm đúng sai, không tin có Thần, trong đầu họ chỉ có tiền bạc, quyền lực, dục vọng, khi nói với họ về Thần, họ sẽ cho rằng bạn quá cổ hủ. Dẫu rằng ở đâu đó, trong một hoàn cảnh nào đó, bạn vẫn có thể gặp những người Trung Quốc tốt, nhưng so với xu thế chung của xã hội thì đó là những trường hợp vô cùng hiếm hoi, dù chưa mất đi lương tâm nhưng cũng không dám vượt quá vòng tròn giới hạn mà ĐCSTQ vạch sẵn, không dám đụng chạm tới những tội ác mà ĐCSTQ gây ra, không dám giúp đỡ những gì mà ĐCSTQ muốn tiêu diệt.

Không khó để có thể nhìn thấy một cách toàn diện bức tranh xã hội Trung Quốc ngày nay: nhân tâm mục ruỗng, xã hội suy bại, đất nước đã không ra đất nước. Cái gọi là “xã hội hài hoà”, thực chất là xã hội cùng một giuộc với tà ác, khó mà phân tách ra được. Nỗ lực của dân gian trở về với truyền thống bị dẫn hướng sai một cách giảo hoạt, nhân tâm hướng thiện tự phát bị bóp chết một cách vô tình.

Dục vọng “giàu qua một đêm”, bầu không khí “giải trí đến chết”, tâm thái “nghiện quá rồi sẽ chết” mà ĐCSTQ tận sức tạo ra, khiến cho sự nóng nảy, ác độc, ích kỷ, lạnh nhạt trở thành bầu không khí chung của xã hội. Người có năng lực và suy xét lần lượt bỏ nước mà đi; những người không có lối thoát chỉ đành qua ngày đoạn tháng, trong sợ sệt bất an mà đợi đến ngày mai.

Không chỉ tà biến nhân tâm người Trung Quốc, cho đến nay, ĐCSTQ vẫn tiếp tục đẩy cái ác lên đến đỉnh điểm bởi tội ác diệt chủng, xây dựng hai ngành công nghiệp giết người là mổ cướp nội tạng sống và nhựa hóa thi thể, lấy nguồn từ các tù nhân lương tâm như nhóm Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, v.v..

Đồng thời đối với quốc ngoại, ĐCSTQ lại dùng tiền và quyền mua chuộc, bắt nạt, cưỡng ép các quốc gia khác phải im lặng trước tội ác chống lại loài người, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các tổ chức nhân quyền quốc tế, thậm chí biến họ thành đồng lõa, tiếp tay, làm giàu cho Đảng để bức hại nhiều hơn nữa.

BỨC TRANH TRUNG QUỐC CỦA ĐCSTQ

  1. ĐCSTQ – Giáo phái hại dân hại nước chưa từng có
    Mặc dù ĐCSTQ chưa bao giờ tự gọi mình là một tôn giáo nhưng nó có tất cả các đặc điểm của một tôn giáo. Khi mới bắt đầu thành lập, nó hô hào nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh suốt đời với mục đích để xây dựng một “thiên đường nhân gian”.

Các tôn giáo có nhà thờ, đền chùa, ĐCSTQ có các cấp Đảng uỷ; Các tôn giáo có lễ rửa tội hay nhập môn, ĐCSTQ có buổi lễ tuyên thệ trung thành vĩnh viễn với Đảng; Các tôn giáo có linh mục, sư sãi, ĐCSTQ có các cấp bí thư; Các tôn giáo có giáo nghĩa, ĐCSTQ có chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng Giang Trạch Dân và Hiến chương của Đảng; Các tôn giáo có kinh sách, ĐCSTQ có bài viết của các lãnh tụ Đảng; Các tôn giáo có các buổi giảng đạo, ĐCSTQ có các buổi học chính trị, các buổi họp và phát biểu của lãnh đạo; Các tôn giáo có Thánh ca, ĐCSTQ có các bài hát ca ngợi Đảng. Hơn thế nữa, ĐCSTQ phủ định, mạt sát tất cả tôn giáo, tất cả Thần linh, tự tôn các lãnh tụ của nó là những vị “Thần”, là “vĩ đại, quang vinh, chính xác”.

Điểm quan trọng nhất là, nếu như các chính giáo từ xưa đến nay đều giảng ra đạo lý hướng con người tới sự thiện lương, lấy sự giáo hóa đạo đức con người và cứu rỗi linh hồn người ta làm mục đích; thì ĐCSTQ làm điều hoàn toàn ngược lại. Những việc làm của ĐCSTQ từ khi cướp đoạt chính quyền xoay quanh đấu tranh giai cấp, cách mạng bạo lực chuyên tàn sát và khủng bố, kết hợp cùng tuyên truyền thù hận, đã cướp đi hàng chục triệu sinh mạng con người. Hơn thế nữa, nó lấy việc huỷ hoại đạo đức con người làm mục đích. Điều đó đã khiến nhân tâm bại hoại, ma tính đại phát, khiến người dân chỉ còn hình hài chứ bản chất đã không còn giống người. Có thể nói rằng cái gọi là “thiên đường nhân gian” của ĐCSTQ chính là địa ngục trần gian ngay giữa đời thường.

Những việc ĐCSTQ làm đã chứng minh rằng nó đích thị là một tà giáo. Nếu như các chính giáo đều do Thần, Phật, Chúa hạ thế truyền Pháp độ nhân, thì trái lại ĐCSTQ huỷ diệt nhân loại. Điều đó nói lên rằng đằng sau ĐCSTQ chính là ma quỷ. Loại ma quỷ này đã đứng đằng sau mọi thủ đoạn của ĐCSTQ để xúi giục con người lừa dối lẫn nhau, tranh đấu với nhau, độc ác đến cùng cực. Giả – Ác – Đấu đã bị ĐCSTQ phóng đại vô số lần.

Nhìn vào những gì ĐCSTQ làm ra, nhìn vào các cuộc vận động của ĐCSTQ, người ta sẽ không khỏi giật mình nhận ra một chữ: Hận. Chữ hận này không phải là thù hận. Thù hận là vì thù mới sinh ra hận, nhưng cái hận mà ĐCSTQ tiêm nhiễm và nuôi dưỡng là cái hận vô duyên vô cớ, hận ngút trời xanh, giống như là cái hận của Satan với Thiên Chúa, cái hận của ma quỷ đối với Phật Thích Ca. Vì hận ấy, ĐCSTQ không chỉ giết chóc người dân một cách tàn bạo qua các phong trào vận động, mà còn khiến đạo đức của con người bại hoại đến mức bị huỷ diệt triệt để, rơi vào vực sâu muôn kiếp không thể quay trở lại làm người.

Tục ngữ nói, theo thiện như leo lên, theo ác như tụt xuống. Những người đạo đức trượt dốc thuận nước đẩy thuyền, mỗi một lần đi theo dục vọng và thoả hiệp nhu nhược, đều sẽ khiến người ta trượt vào sự khống chế của ma quỷ, mãi cho đến một ngày khó tự vực lên được, thậm chí hãm vào hiểm cảnh mà vẫn không tự biết. Đây lẽ nào không phải là hoàn cảnh của rất nhiều người Trung Quốc nói riêng và người dân thế giới nói chung trong thời đại ngày nay sao?

  1. Tương lai nào cho người Trung Quốc và toàn nhân loại?
    Căn nhà dỡ bỏ rồi, có thể dựng lại. Gia đình bị phá hoại, có thể hàn gắn lại. Công ty bị phá sản rồi, có thể khởi nghiệp lại. Thời thanh xuân của một thế hệ người bị lãng phí rồi, có thể ký thác hy vọng vào thế hệ sau. Thậm chí quốc gia bị nước khác chinh phục rồi, thì chỉ cần văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử không tiêu vong, vẫn còn có một ngày quật khởi lại lần nữa. Nhưng khi lịch sử một dân tộc bị soán đổi, văn tự bị phá huỷ, ngôn ngữ bị nhiễm độc, văn hoá truyền thống bị phá hoại hết lần này lần khác, nhân tâm bị lăng nhục, uốn cong, biến dị hết lần này lần khác, mặt đất hoang vu, nguồn nước khô kiệt, người tốt bị giết hại, lương tri bị làm câm nín, thì cái dân tộc đó liệu còn có một ngày đứng dậy lần nữa hay không?

Các loại tín ngưỡng xưa nay đều nói về thời kỳ mạt kiếp của nhân loại, Phật giáo nói về thời kỳ mạt Pháp, Thiên Chúa giáo nói về ngày tận thế. Khi mà đạo đức con người trở nên tuột dốc, rời xa tín ngưỡng Thần, trong khi ma quỷ mặc sức hoành hành, thì kiếp nạn sẽ xảy ra.

Ngày nay, khi ĐCSTQ dùng quyền và tiền để áp chế và cướp đoạt từ những nước yếu hơn, khống chế và gây rối loạn Liên Hiệp Quốc, gây ảnh hưởng ngầm đối với các quốc gia phương Tây, thì có thể thấy rằng thứ ma quỷ đứng đằng sau ĐCSTQ đã vượt ra khỏi phạm vi của quốc gia và bao trùm toàn nhân loại. Sự xuống dốc của đạo đức do đó không chỉ ở trong phạm vi Trung Quốc Đại lục nữa, mà đã là kiếp nạn của tất cả mọi người trên trái đất.

Mỗi người dân thế giới thực sự cần giữ gìn bản tính thiện lương, giữ gìn quy phạm đạo đức và phẩm hạnh tư tưởng, đồng thời nhận thức được bản chất của ĐCSTQ và mục đích huỷ diệt mà nó hướng tới, có như vậy mới có thể có hành động thích đáng đối với những tội ác mà ĐCSTQ gây ra. Vạch trần mục đích cuối cùng của ĐCSTQ để cho nhiều người hơn nữa hiểu được bản chất của nó, chính là ước nguyện của loạt bài này.

Còn với người Trung Quốc mà nói, chỉ có khôi phục lại đạo đức toàn xã hội, tịnh hóa tâm linh, khôi phục truyền thống, xây dựng lại tín ngưỡng đối với Thần, người Trung Quốc mới có thể tránh được khống chế của ĐCSTQ và mở ra được cho mình một con đường dẫn tới tương lai tốt đẹp.

Hiện nay, tại Trung Quốc và khắp thế giới đã xuất hiện một làn sóng thoái xuất khỏi ĐCSTQ đối với những người đã gia nhập nó. Các nước phương Tây mà đi đầu là Mỹ cũng đang ngày càng nhìn rõ hơn bản chất của ĐCSTQ và thanh lý những ảnh hưởng của nó trên toàn thế giới. Kiếp nạn này của nhân loại thật sự vẫn còn nhìn thấy hy vọng!

Ban biên tập Trí Thức VN

Hồi ký của Jared Kushner kể gì?

ared Kushner tại Cánh Tây Tòa Bạch Ốc (ảnh: Mark Wilson/Getty Images)

Trong cuốn hồi ký sắp phát hành, Jared Kushner, con rể của cựu Tổng thống Donald Trump và là cựu cố vấn cấp cao của tổng thống đã kể lại vài chuyện liên quan cựu chánh văn phòng, tướng bốn sao John F. Kelly. Những gì được kể cho thấy bên trong Tòa Bạch Ốc thời Trump cũng diễn ra những cuộc giằng co nội bộ căng thẳng, đặc biệt sự tranh giành quyền lực cũng như ảnh hưởng giữa Kelly và vợ chồng Ivanka.

Cú xô dằn mạt Ivanka

Kushner tố cáo Kelly là “kẻ bắt nạt trong Toà Bạch Ốc” và từng xô Ivanka Trump, vợ anh ra khỏi lối đi sau khi ông ta tham dự một cuộc họp căng thẳng tại Phòng Bầu dục với tổng thống. Trong cuốn hồi ký có tựa Breaking History: A White House Memoir, Kushner nói anh và vợ biết Kelly là “kẻ thường xuyên chơi trò hai mặt” nhưng có một lần “để chiếc mặt xấu xí lộ ra hoàn toàn”.

Kushner viết: “Đó là ngày Kelly vừa bước ra khỏi một cuộc họp căng thẳng ở Phòng Bầu dục (Oval Room). Ivanka đang đi dọc hành lang chính ở Cánh Tây (West Wing) thì đi ngang ông ta. Không để ý đến tâm trạng nóng nảy của Kelly, cô ấy nói ‘Hello, chief!’. Ngay lập tức ông ta đẩy Ivanka ra khỏi lối đi và bước tiếp. Ivanka không bị thương và không làm to chuyện, nhưng trong cơn thịnh nộ, Kelly đã thể hiện đúng bản chất của ông ta”. Kushner kể thêm: “Khoảng một giờ sau, Kelly đến văn phòng Ivanka ở tầng hai Cánh Tây để có một lời xin lỗi nhẹ nhàng, và cô ấy chấp nhận”.

Đổng lý Văn phòng Tòa Bạch Ốc John Kelly và Jared Kushner (ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Trong một email phản hồi về những gì Kushner kể lại, Kelly nói: “Tôi không nhớ bất cứ điều gì giống như ông viết! Thật không thể tưởng tượng tôi từng xô ngã một phụ nữ! Không thể tưởng tượng! Chuyện đó không bao giờ xảy ra. Không có chuyện cố ý làm điều gì như thế. Ngoài ra, tôi không nhớ đã xin lỗi cô ấy vì điều mình không làm. Sự thật là thế”. Tuy nhiên, Kushner khẳng định Julie Radford, chánh văn phòng của Ivanka, đang làm việc với con gái Trump thì nghe Kelly gửi lời xin lỗi. “Đây là lần đầu tiên và duy nhất nhân viên của Ivanka thấy Kelly đến thăm nơi làm việc của họ” – Kushner nhấn mạnh.

Thông qua người phát ngôn, Ivanka xác nhận mô tả của chồng cô về vụ việc là chính xác. Radford cũng thừa nhận nhìn thấy ​​Kelly đến văn phòng của Ivanka và nghe ông nói lời xin lỗi. Tờ The Washington Post có được các đoạn trích trong cuốn hồi ký của Kushner sẽ được xuất bản vào ngày 23 Tháng Tám.

Kelly ban đầu tham gia chính quyền Trump với tư cách là Bộ trưởng Nội an, nhưng sau đó trở thành chánh văn phòng của Trump giữa năm đầu ông ngồi ghế tổng thống, thay thế Reince Priebus, chánh văn phòng đầu tiên. Là tướng Thủy quân lục chiến bốn sao về hưu, Kelly xem nhiệm vụ của mình là “mang lại trật tự và kỷ luật kiểu quân đội” cho “Cánh Tây đầy hỗn loạn và tự do” của Toà Bạch Ốc. Một số người trong quỹ đạo của Trump, gồm cả Kushner và Ivanka bắt đầu cảm thấy khó chịu trước các quy định nghiêm ngặt của Kelly, gồm cả việc yêu cầu gia đình tổng thống phải báo cho ông trước khi có hẹn công vụ với Trump.

Kelly thất vọng và bực bội trước sự thiếu hợp tác của cặp vợ chồng mà dường như quyết tâm phá vỡ quyền lực của ông ta và “đi cửa sau” với tổng thống. Trong cuốn hồi ký, Kushner phác hoạ Kelly là “một người thường chê bai Ivanka ở chốn riêng tư nhưng lại đánh lạc hướng cô ấy bằng những lời khen ngợi mà chỉ nhìn biểu cảm gương mặt thôi là đã biết không chân thành”.

Kushner giải thích: “Sau mỗi lời khen, vị tướng bốn sao sẽ gọi nhân viên của Ivanka đến văn phòng mắng mỏ và đe dọa họ về những vấn đề thủ tục khắt khe của hệ thống điều hành cứng nhắc do ông ta tạo ra. Kelly thường dẻ bỉu các sáng kiến ​​của Ivanka như gia đình nghỉ phép sinh con có lương và tín dụng thuế trẻ em (child tax credit) là ‘Ivanka’s pet projects’ (các dự án thú cưng của Ivanka)!”.

Jared Kushner, Ivanka Trump và John Kelly (ảnh: Michael Reynolds-Pool/Getty Images)

Sự cố “chiếc cặp hạt nhân” ở Bắc Kinh

Kushner kể lại một câu chuyện “nóng bỏng” khác ở Bắc Kinh vào năm 2017 (Axios đưa tin đầu tiên về vụ này) trong đó Kelly đã gây gỗ với các quan chức Trung Quốc sau khi một quan chức an ninh Trung Quốc không cho trợ lý quân sự của Trump vào cùng tổng thống trong cuộc họp, nêu lý do tay anh ta mang “nuclear football” (chiếc cặp da chứa các mã hạt nhân luôn đi cùng tổng thống Mỹ mọi lúc mọi nơi) chưa được kiểm tra.

Kushner viết: “Cố gắng của Trung Quốc nhằm can thiệp vào ‘nuclear football’ là một vi phạm miễn trừ ngoại giao nghiêm trọng”. Nhưng con rể tổng thông cũng mô tả Kelly là “người quá hung hăng đã sử dụng sự cố này để khẳng định quyền lực của mình đối với người Trung Quốc”. Kushner viết: “Kelly thoáng nhìn thấy vụ ẩu đả và lao về phía cửa ra vào, túm cổ một nhân viên an ninh Trung Quốc và ghìm chặt anh ta vào tường, hét lên ‘Người của ông thật thô lỗ! Người Trung Quốc thật thô lỗ! Thật khủng khiếp! Đây không phải là cách bạn đối xử với khách của mình!’, trước khi một quan chức thủ tục phía Trung Quốc bước vào, nhận ra sai lầm của nhân viên an ninh và có lời xin lỗi. Nhưng Kelly vẫn lao ra ngoài, tẩy chay cuộc họp và để lại chiếc ghế bên cạnh tổng thống”.

Kushner cho biết sau đó Kelly gặp các nhân viên tháp tùng còn lại của Toà Bạch Ốc trong phòng và kể về những gì vừa diễn ra, trước khi người đứng đầu bộ phận thủ tục Trung Quốc đích thân đến xin lỗi.

Trong một email gửi cho The Washington Post, Kelly xác nhận sự cố trên xảy ra khi các quan chức Trung Quốc cố gắng can thiệp vào chiếc cặp miễn trừ ngoại giao khi biết rằng họ không có quyền kiểm tra hoặc để chiếc cặp đi qua từ kế (magnetometer). Trong khi đó, Kushner viết: “Trong khoảnh khắc đó, cuối cùng tôi cũng hiểu rõ John Kelly. Đối với ông ta, tất cả chỉ là trò chơi để thiết lập sự thống trị và kiểm soát. Từ vị trí quyền lực của mình ông ấy khiến mọi người thấy mình nhỏ bé và không quan trọng. Sau đó, khi quyền lực đã thể hiện xong, ông ta sẽ quay sang quyến rũ bạn và “buông vũ khí”, khiến mọi người yên tâm là không có gì cả dù trong lòng vẫn không dám qua mặt sếp!”

Lương Thái Sỹ /Saigon Nhỏ

Niall Ferguson: “Châu Âu nghĩ Trump là người tệ nhất, nhưng Biden thậm chí còn tệ hơn”

Nhà sử học nổi tiếng thế giới Niall Ferguson cho biết lý do tại sao ông tin rằng Mỹ đã mắc sai lầm chiến thuật rất lớn ở Ukraine. Và tại sao, theo quan điểm của ông, Nga sẽ chỉ trở nên mạnh mẽ hơn.

Nhà sử học người Scotland Niall Ferguson là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất. Người đàn ông 58 tuổi này đã giảng dạy tại nhiều trường đại học ưu tú và hiện là giáo sư tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Ferguson là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất về chủ đề lịch sử và chính trị, gần đây nhất là cuốn “Doom” bàn về câu hỏi tại sao các nền văn hóa vĩ đại sống sót hay biến mất.

Hỏi: Thưa ông Ferguson, chúng ta đang đứng ở đâu sau 5 tháng diễn ra cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine?

Đáp: Chiến tranh càng kéo dài thì nó lại càng kéo dài hơn. Điều đó nghe có vẻ như một suy luận lỗi, nhưng nó có nghĩa là một cuộc chiến càng kéo dài thì nó càng khó kết thúc. Và nó càng trở nên khó hơn sau mỗi tuần. Thật không may, thời gian đang đứng về phía Putin. Tuyên bố này thoạt nghe cũng có vẻ lạ. Xét cho cùng, cuộc tấn công của Nga ban đầu đã diễn ra thảm hại, Nga bị tổn thất nặng nề còn Ukraine thì chiến đấu xuất sắc. Nhưng bất chấp thương vong của người Nga, chủ nghĩa anh hùng của người Ukraine và sự đồng cảm lớn dành cho Ukraine ở phương Tây, thì Ukraine càng bị tàn phá nặng nề, người Ukraine càng khó chiến thắng. Putin đã câu giờ để thay đổi chiến lược của mình, và thay vì chiếm Kyiv và toàn bộ Ukraine, ông lại tập trung vào Donbass. Và việc Nga chiếm được toàn bộ Donbass và đông nam Ukraine ngày càng có nhiều khả năng trở thành hiện thực. Nước Nga hiện đang tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao, mà không có ngừng bắn tạm thời. Điều đó có lợi cho Putin.

Hỏi: Nhưng phương Tây vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí, điều đó sẽ không giúp được gì cho Ukraine sao?

Đáp: Vấn đề quan trọng là tính nhất quán. Mỹ đã viện trợ cho Ukraine 50 tỷ USD. Liệu họ có viện trợ thêm 50 tỉ nữa trong nửa cuối năm nay không? Rồi năm sau? Putin biết rằng sự thống nhất của phương Tây về vấn đề quốc phòng của Ukraine sẽ có ngày hết hạn.

Hỏi: Và các lệnh trừng phạt của phương Tây có làm suy yếu nước Nga – một người khổng lồ về quân sự, nhưng lại là một kẻ lùn về kinh tế và xã hội – tuy không làm cho nước này bị hủy hoại?

Đáp: Tôi chưa bao giờ tin vào hiệu quả của các lệnh trừng phạt. Miễn là Nga có thể bán khí đốt và dầu, đồng rúp sẽ còn mạnh và Nga sẽ tiếp tục tồn tại.

Hỏi: Putin sẽ chinh phục Kyiv nhanh chóng hay không bao giờ?

Đáp: Có lẽ là không bao giờ.

Hỏi: Liệu các biện pháp trừng phạt của phương Tây có buộc Putin nhận ra rằng ông ta không thể chiến thắng và phải rút lui?

Đáp: Sẽ không xảy ra chuyện đó.

Hỏi: Liệu áp lực kinh tế và chính trị từ phương Tây có dẫn đến một cuộc đảo chính cung đình và lật đổ Putin?

Đáp: Không, điều đó cũng không xảy ra.

Hỏi: Liệu những thất bại có khiến Putin tuyệt vọng và sử dụng vũ khí hạt nhân?

Đáp: Có lẽ là không.

Hỏi: Liệu Trung Quốc có ngừng hỗ trợ Nga nếu nước này không chấp nhận hòa bình?

Đáp: Không, Trung Quốc sẽ không ngừng hỗ trợ Nga và Nga cũng sẽ không thúc đẩy hòa bình.

Hỏi: Liệu sự mệt mỏi chiến tranh ở phương Tây chúng ta có tăng lên và sự hỗ trợ cho Ukraine sẽ yếu đi?

Đáp: Vâng, điều đó đã bắt đầu diễn ra.

Hỏi: Nga không thể thua? Không gì có thể làm họ suy suyển?

Đáp: Chính quyền Joe Biden đã không làm gì để kết thúc cuộc chiến này sớm. Bởi vì ông ấy tin rằng điều này càng kéo dài thì càng có hại cho Nga và càng tốt cho phương Tây và Ukraine. Ngoài ra, Biden nghĩ rằng điều này sẽ ngăn cản Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Theo tôi đó là một sai lầm ngu ngốc. Cuộc chiến lẽ ra phải kết thúc khi Nga đang làm rất tệ còn Ukraine đang làm tốt.

Hỏi: Lập trường của ông rõ ràng đã thay đổi rất nhiều. Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, ông đã tuyên bố rằng nước Nga sẽ sụp đổ…

Đáp: Vâng, nhưng đó là sau ba tuần chiến tranh. Đó là thời điểm suy yếu lớn nhất của Nga sau cuộc tấn công thất bại vào Kyiv, thời điểm tốt nhất đối với Ukraine và cũng là thời điểm tốt nhất để phương Tây thúc đẩy chấm dứt chiến tranh. Nhưng Mỹ đã không làm như vậy. Trong khi đó, Joe Biden bay đến Warsaw, gọi Putin là tội phạm chiến tranh và kêu gọi lật đổ ông ta. Vào thời điểm đó, tôi kêu gọi bất cứ ai chịu lắng nghe hãy kêu gọi người Nga và người Ukraine đàm phán. Bây giờ thì quá trễ rồi. Nga ngày càng mạnh và Ukraine ngày càng yếu đi. Tôi bị sốc trước sự ngây thơ của chính quyền Biden và nhiều nhà bình luận Hoa Kỳ tin rằng Ukraine có thể giành chiến thắng. Làm thế nào họ có thể trục xuất người Nga ra khỏi Donbass và Crimea bằng con đường quân sự?

Hỏi: Putin đang chặn xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Giá cả leo thang và nạn đói đe dọa. Điều đó không giúp củng cố quyết tâm của phương Tây sao?

Đáp: Joe Biden đã loại trừ việc Hoa Kỳ và NATO can thiệp quân sự vào cuộc chiến này, và điều đó sẽ không thay đổi. Việc phong tỏa lương thực của Nga sẽ dẫn đến lạm phát ở phương Tây và có thể xảy ra nạn đói ở châu Phi. Lạm phát và nguy cơ xảy ra nạn đói sẽ chỉ làm tăng áp lực. Vào mùa thu, quyết tâm ủng hộ Ukraine của phương Tây sẽ suy yếu. Yêu cầu Ukraine nhượng bộ lãnh thổ và việc phân chia trên thực tế nước này sẽ bắt đầu.

Hỏi: Cuộc chiến này sẽ đã diễn ra như thế nào nếu Donald Trump đang nắm quyền ở Washington?

Đáp: Chúng ta biết rằng Joe Biden đã ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong những năm gần đây. Ông đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga và rút khỏi Afghanistan. Và ông tuyên bố rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan. Mức độ kém năng lực của chính phủ của ông ấy thật đáng kinh ngạc. Trump sẽ không làm những điều này. Thay vào đó, một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có thể sẽ đạt được dưới triều đại của ông. Joe Biden đã gây thiệt hại cho liên minh Mỹ-Âu và NATO nhiều hơn Trump.

Hỏi: Tại sao vậy?

Đáp: Chỉ ở châu Âu, bạn mới không hiểu điều đó bởi vì người ta nghĩ Trump là người tồi tệ nhất. Tuy nhiên, Biden còn tệ hơn nhiều.

Hỏi: Ở Châu Âu, một tuyên bố như vậy sẽ khiến nhiều người bị sốc.

Đáp: Tôi không phủ nhận rằng Trump đã và đang là một kẻ nói dối hay ông ấy đã từng và vẫn đang là một mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Tổng thống nào trong số những vị tổng thống này tốt hơn cho NATO? Về điểm này, người châu Âu đang mắc một sai lầm lớn.

Hỏi: Ông vui lòng giải thích điều đó chi tiết hơn một chút được không?

Đáp: Một trong hai tổng thống đó đã ra lệnh cho người Mỹ rút khỏi Afghanistan mà hầu như không hỏi ý kiến ​​các đồng minh. Đó không phải là Trump. Một trong số đó đã giảm bán vũ khí cho Ukraine trong năm 2021. Không phải Trump. Các lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2 đã bị đình chỉ vào năm ngoái. Và một lần nữa, đó không phải là Trump. Putin được thông báo rằng nếu xâm lược Ukraine, ông ta sẽ chỉ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt. Đó không phải là Trump. Khi Trump đắc cử, mọi người đều lo sợ ông ta sẽ hủy bỏ NATO. Ông ta có làm điều đó không? Không. Vị tổng thống nói NATO “chết não” là Emmanuel Macron, chứ không phải Trump. Trump đã chỉ trích Đức vì không chi tiêu đủ cho quốc phòng và phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Ông ấy có nhầm không?

Hỏi: Nhưng ông có nghĩ rằng hành động của Trump có thể đoán trước được trong cuộc chiến Ukraine không?

Đáp: Vào ngày 4 tháng 3, Trump đã nói chuyện với tay golf John Daly qua điện thoại. Lúc đó, ông nói trên đoạn băng được ghi âm: “Mọi người đều nói: ‘Ôi trời, gã Putin này có vũ khí hạt nhân’. Ý tôi là họ sợ anh ta. Bạn biết đấy, John, anh chàng này là bạn của tôi. Tôi đã có một mối quan hệ tuyệt vời với ông ấy. Tôi đã từng nói với ông ấy: ‘Vladimir, nếu anh làm vậy, chúng tôi sẽ tấn công ở Moscow. Chúng tôi sẽ ném bom Moscow. Ông ấy tin tôi có thể chỉ năm, mười phần trăm. Và như vậy là đủ. Ở thời của tôi, Putin không làm bất cứ điều gì như vậy. Nhưng mọi người đã cảnh báo chống lại nó. Và tại sao ông ấy không làm điều đó trong bốn năm của tôi? Bởi vì ông ấy biết mình không thể.” Theo tôi, nếu Trump tái đắc cử thì Putin có thể sẽ đã không xâm lược Ukraine.

Nguồn: „In Europa glaubt man, dass Trump der Schlimmste ist. Aber Biden ist noch viel schlimmer“WELT, Nghiên cứu Quốc Tế / Biên dịch: Phan Nguyên