Bỏ phố về quê, cặp vợ chồng xây nhà gỗ trong vườn bưởi: Khung cảnh khiến tất cả trầm trồ

Sau nhiều năm sống trong phố, gia đình chị Vân quyết định rời về quê. Đặc biệt ngôi nhà mà hai vợ chồng chị xây dựng nằm trong vườn bưởi 20 năm tuổi tại làng Thủy Biều (Huế).

Mảnh đất Thủy Biều được sông Hương bao bọc, lượng phù sa bồi đắp hàng năm khiến đất đai màu mỡ thích hợp để trồng bưởi thanh trà. Đây cũng là lý do mà chị Vân (SN 1979) lựa chọn xây dựng tổ ấm trong vườn bưởi để tận hưởng bầu không khí trong lành của làng quê.

Bỏ công việc ổn định ở thành phố để về quê sinh sống

Sở hữu một căn nhà nhỏ yên bình, hòa giữa thiên nhiên xanh mát là ước mơ từ lâu của chị Vân. Trước khi quyết định “về hưu sớm”, chị Vân đã có nhiều năm lăn lộn ở thành phố Đà Nẵng, ngày ngày đi làm, tất bật giữa phố thị với dòng người và xe cộ chật chội.

Cuộc sống mỗi ngày chỉ xoay quanh công việc được “lập trình” sẵn, tuy ổn định nhưng chị Vân không muốn mỗi sáng mở mắt ra là phải dán mắt vào màn hình máy tính, giấy tờ và biết bao bộn bề suy nghĩ. Sau này, công việc có một số thay đổi nhỏ đã khiến chị luôn cảm thấy ngột ngạt. Chị tự đặt câu hỏi “bản thân thực sự mong muốn điều gì?” và bắt đầu đi tìm câu trả lời cho chính mình.

Năm 2020, chị Vân lên kế hoạch quay trở về Huế, tìm địa điểm thích hợp thực hiện ước mơ. Nhờ sự hỗ trợ của chồng cùng những người bạn đồng hành, ngôi nhà của gia đình chị Vân đã hoàn thiện và nép vào một góc trong vườn bưởi xanh mướt.

Chị Vân mong muốn rằng, đây sẽ là ngôi nhà bình yên cho gia đình 3 thế hệ của chị cùng nhau sinh sống. Ở đây, những đứa trẻ có thể hít thở không khí trong lành, còn bà ngoại sẽ được an hưởng tuổi già bình yên.

Bỏ phố về quê, cặp vợ chồng xây nhà gỗ trong vườn bưởi: Khung cảnh khiến tất cả trầm trồ - Ảnh 1.

Ngôi nhà trong vườn bưởi khiến nhiều người không khỏi thích thú.

Đưa cả gia đình từ thành phố Đà Nẵng về sống tại một vùng ngoại ô ở Huế là quyết định không hề dễ dàng. Để thay đổi địa điểm sống, bản thân chị Vân phải chấm dứt công việc đã gắn bó hơn 20 năm. Với chị, mỗi ngày thức dậy được “sáng uống trà, chăm cây, hái bưởi, nuôi cá” là một sự lựa chọn, chứ không phải là sự trốn chạy.

Nói về nơi ở mới, chị Vân hào hứng chia sẻ: “Mình yêu mảnh đất và người dân nơi đây, thế nên khi quyết tâm về quê sống thì trong đầu mình đã hiện ra làng Thủy Biều, nơi những nếp nhà nhỏ có khu vườn bưởi thanh trà đang sai trái trĩu cành lủng lẳng…”.

Chị Vân bộc bạch thêm, chị không cảm thấy cô đơn khi ở đây bởi Huế là quê hương của chị và mọi quyết định hay suy nghĩ của chị đều được chồng ủng hộ. Chồng cũng không ép buộc chị phải tiếp tục làm những công việc khô khan, nhàm chán. Cuộc sống của gia đình chị giờ trở nên an yên một cách lạ thường, khi mỗi sáng thức giấc đã nhìn thấy ánh nắng chiếu qua ô cửa sổ, lắng nghe từng chuyển động rì rào của gió cùng tán cây rồi còn được ngắm nhìn đàn cá tung tăng bơi lội…

Bỏ phố về quê, cặp vợ chồng xây nhà gỗ trong vườn bưởi: Khung cảnh khiến tất cả trầm trồ - Ảnh 2.

Cuộc sống của gia đình chị Vân ở Thủy Biều trở nên vô cùng an yên.

Ngôi nhà nhỏ trong vườn bưởi

Vợ chồng chị Vân đặt tên cho ngôi nhà mới là Hachi Lily; Hachi được ghép từ tên 2 con của chị còn Lily trong cụm Water Lily (hoa súng), loài hoa được trồng trong ao nước trước hiên nhà.

“Vườn bưởi này thật sự là ‘nhân duyên’’của mình, khi quyết định đến xem khu đất này, mình không hề nghĩ ngợi nhiều, vừa nhìn là đã ưng ý ngay, chủ khu vườn cũng quyết định bán cho hai vợ chồng mình mặc dù đã từng có hàng trăm khách về xem đất”, chị Vân chia sẻ thêm.

Hachi Lily House với diện tích 115m2 được thiết kế với phong cách hiện đại, bố cục gồm 2 phòng ngủ, 2 phòng vệ sinh, khu nhà chính để cả gia đình sinh hoạt nấu nướng với căn bếp nhỏ, mặt tiền chính hướng ra ao nước trồng hoa súng và cá.

Cây cầu gỗ nhỏ bắc qua ao kết nối với hàng hiên nhà, đi dọc vào cửa chính. Bước vào phòng khách, các thành viên trong nhà đã ngửi thấy mùi gỗ nhẹ nhàng cùng hương hoa bưởi khiến cho mọi mệt nhọc đều tan biến.

Bỏ phố về quê, cặp vợ chồng xây nhà gỗ trong vườn bưởi: Khung cảnh khiến tất cả trầm trồ - Ảnh 3.
Bỏ phố về quê, cặp vợ chồng xây nhà gỗ trong vườn bưởi: Khung cảnh khiến tất cả trầm trồ - Ảnh 4.

Căn phòng với mùi gỗ nhẹ nhàng cùng hương hoa bưởi đánh tan mọi mệt mỏi.

Vật liệu chính để xây dựng là gỗ tái sử dụng, đất nung và đá tự nhiên. Gác lửng được lấy ánh sáng chủ yếu từ ô thông gió bên hông nhà và khe sáng trên mái.

Từ bên ngoài nhìn vào sẽ thấy ngôi nhà nép mình vào một góc trong vườn bưởi, Hachi Lily House hiện lên thật bình dị, chẳng hề hào nhoáng mỹ lệ, đây là góc nhỏ mà tâm hồn được chữa lành sống chậm lại.

Bỏ phố về quê, cặp vợ chồng xây nhà gỗ trong vườn bưởi: Khung cảnh khiến tất cả trầm trồ - Ảnh 5.
Bỏ phố về quê, cặp vợ chồng xây nhà gỗ trong vườn bưởi: Khung cảnh khiến tất cả trầm trồ - Ảnh 6.
Bỏ phố về quê, cặp vợ chồng xây nhà gỗ trong vườn bưởi: Khung cảnh khiến tất cả trầm trồ - Ảnh 7.
Bỏ phố về quê, cặp vợ chồng xây nhà gỗ trong vườn bưởi: Khung cảnh khiến tất cả trầm trồ - Ảnh 8.

1 số hình ảnh bên ngoài ngôi nhà.

Theo Phùng Hà / Trí thức trẻ

Cõi “chành ra ba góc, da còn thiếu” của Hồ Xuân Hương

Thân em như quả mít trên cây/ Da nó xù xì, múi nó dầy/ Quân tử có thương thì đóng cọc/ Xin đừng mân mó, nhựa ra tay…

Một cuộc triển lãm mỹ thuật có tên “Cõi Hồ Xuân Hương” được tổ chức tại Hà Nội những ngày cuối Tháng Bảy 2022, trong đó có một số bức bị Hội Mỹ thuật Việt Nam yêu cầu gỡ với lý do quá dung tục và bôi bác…

Đó là 25 tác phẩm của hai họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Nghiêm Nhan, được trưng bày trong cuộc triển lãm dự kiến từ ngày 20 đến 29 Tháng Bảy 2022. Tuy nhiên chỉ ba ngày sau khi ra mắt và gặp phản ứng gay gắt, một số bức tranh bị Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam gỡ khỏi triển lãm; và cuối cùng hai họa sĩ trên quyết định đóng triển lãm. Hai họa sĩ này đã mất hai năm chuẩn bị, dự định mang bộ tranh đi Nghệ An triển lãm nhân sự kiện 200 năm ngày mất Hồ Xuân Hương.

Trước khi cuộc triển lãm được khai mạc, ông Nguyễn Nghiêm Nhan nói với báo chí rằng ông muốn tạo hình một Hồ Xuân Hương bay bổng, một “Hồ Xuân Hương bay lượn trên sóng Tây Hồ” hay “Hồ Xuân Hương với bồng bềnh sen Tây Hồ” “đan xen giữa không gian thực và mơ”. Ông Nguyễn Nghiêm Nhan nói rằng, qua những bức tranh của mình về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, ông muốn diễn tả cõi mơ của Hồ Xuân Hương, là nỗi lòng tự sự của nữ sĩ, là sự cô đơn rỗng lòng, là ôm ấp hoài niệm bốn mùa đi qua, là cá tính mạnh mẽ – vì 200 năm sau ngày bà Hồ Xuân Hương mất, cá tính ấy của bà vẫn còn “thấp thoáng đâu đây” với những nữ sĩ ngày nay… Trong khi đó, tranh của Nguyễn Quốc Thắng được giới thiệu là lấy cảm hứng từ thơ của Hồ Xuân Hương, “thể hiện hình ảnh nữ sĩ khao khát tình yêu”.

Một số bức tranh trong cuộc triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương” được cho là quá dung tục (ảnh: VietnamNet)

Với nhiều ý kiến đánh giá, hình ảnh bà Hồ Xuân Hương trong tranh của hai họa sĩ trên là quá dung tục. Một số bức nét vẽ như bôi màu, nguệch ngoạc không có giá trị thẩm mỹ. Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nói rằng thơ của Hồ Xuân Hương vừa tục vừa thanh, nhưng khi chuyển sang ngôn ngữ tạo hình của hội họa thì cần cẩn trọng. “Bùi Xuân Phái cũng vẽ Hồ Xuân Hương táo bạo những cách tạo hình của bậc thầy làm duyên thêm cho Hồ Xuân Hương, tạo nên cảm xúc rất thanh thoát” – ông Lương Xuân Đoàn nói.

Nhân vụ này, nhiều người đã tìm lại bộ ảnh của họa sĩ Bùi Xuân Phái ký họa Hồ Xuân Hương. Họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai ông Bùi Xuân Phái, nói: “Bộ tranh nude cuối đời của cha tôi cũng tương tự bộ tranh nude cuối đời của danh họa Picasso, đã gây bất ngờ cho giới hội họa. Điều quan trọng là chúng ta phải phân biệt được cái đẹp, cái hay của tranh nude nghệ thuật và loại tranh khỏa thân kiểu phàm tục. Nó cũng giống nhiều người thấy bất ngờ, choáng váng khi gặp trong một số đền đài Ấn Độ”. Bộ tranh Hồ Xuân Hương được danh họa Bùi Xuân Phái vẽ theo ý thơ của nữ sĩ, được thực hiện trong giai đoạn 1982-1986.

Hồ Xuân Hương (1772-1822) được mệnh danh “Bà chúa thơ Nôm”. Sáng tác của bà gắn liền phong cách đố tục giảng thanh, với những ẩn dụ cực kỳ táo bạo về tình dục. Cho đến nay, lai lịch của Bà chúa thơ Nôm vẫn chưa được rõ. Các tài liệu nghiên cứu cho biết, bà sống ở giai đoạn cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Bà được hậu thế biết đến qua quyển Giai nhân di mặc (佳人遺墨) của học giả Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến ấn hành tại Hà Nội năm 1916.

Giới nghiên cứu cho rằng bà Hồ Xuân Hương sinh năm 1772. Nhà nghiên cứu Hán Nôm nổi tiếng John Balaban cho rằng bà sinh tại phường Khán Xuân (nay thuộc khu vực Bách Thảo Viên Hà Nội). Theo Giai nhân di mặc, Hồ Xuân Hương là ái nữ của Sinh đồ Hồ Phi Diễn ở hương Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An. Còn theo ông Trần Thanh Mại, thân phụ của Hồ Xuân Hương là ông Hồ Sĩ Danh, cũng là người Quỳnh Đôi. Bà Hồ Xuân Hương được cho là mất vào năm 1872. Tháng Mười Một 2021, UNESCO công nhận Hồ Xuân Hương là danh nhân văn hóa thế giới.

Văn bản được nhận diện cổ nhất có chép thơ Hồ Xuân Hương là Quốc văn tùng ký (國文話記) do Hải Châu Tử Nguyễn Văn San (1808-1883) soạn năm Minh Mệnh thứ 14 (1834). Hầu hết di cảo của Hồ Xuân Hương được gom trong cuốn Xuân Hương thi tập (春香詩集) do nhà Phúc Văn Đường tàng bản ấn hành tại Hà Nội năm 1930.

Một số ký họa Hồ Xuân Hương của Bùi Xuân Phái (kienthuc)

Cuộc đời tình ái của bà Hồ Xuân Hương được thuật lại với vô số giai thoại hư hư thực thực. Theo Giai nhân di mặc, khi còn trẻ, bà bị ép gả làm lẽ cho một hào phú có biệt hiệu là Tổng Cóc. Sách viết: “Tổng Cóc (vốn là cường hào) đã dốt nát lại có tính ăn chơi bạt mạng, sau mỗi lần đánh bạc thua nhẵn túi, gia sản khánh kiệt đã tiếc của mà chết. Xuân Hương bèn làm bài thơ nổi tiếng Khóc Tổng Cóc với lời lẽ trào phúng”.

Tuy được chồng chiều chuộng nhưng Hồ Xuân Hương mâu thuẫn với vợ cả cũng như với gia đình Tổng Cóc nên sau đó bà bỏ ra đi và sau này trở thành vợ lẽ của quan tri phủ Vĩnh Tường – ông Phạm Viết Ngạn. Các giai thoại mờ mờ ảo ảo còn cho rằng bà quen biết nhiều văn nhân tài tử và cặp kè với những nhân vật nổi tiếng cùng thời chẳng hạn Nguyễn Hầu, Trần Hầu, Trần Quang Tĩnh, Tốn Phong, Thạch Đình, Cự Đình… và thậm chí cả Nguyễn Du.

Thơ của bà rất… “sốc” – nói theo ngôn ngữ ngày nay. Ví dụ, vịnh cái quạt, bà viết: “chành ra ba góc, da còn thiếu/ khép lại đôi bên, thịt vẫn thừa”;

Khi tả cái đèo, bà viết: “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc/ Hòn đá xanh rì lún phún rêu”, “Hiền nhân quân tử ai là chẳng/ Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo” (Đèo Ba Dội).

Trong bài Quả mít, bà miêu tả: “Thân em như quả mít trên cây/ Da nó xù xì, múi nó dầy/ Quân tử có thương thì đóng cọc/ Xin đừng mân mó, nhựa ra tay”.

Trong bài Thiếu nữ ngủ ngày, bà viết: “Mùa hè hây hẩy gió nồm đông/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng/ Lược trúc biếng cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long/ Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên nước chửa thông/ Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở, ở không xong”.

Mỹ Anh / Saigon Nhỏ

Xét xử quá khứ

Poster The Man Standing Next, phim nói về giai đoạn Tổng thống Park Chung-hee

Tôi rất ít xem tivi, trừ mỗi khi có giải bóng đá khu vực Đông Nam Á. Nhưng rồi một dạo tự nhiên không muốn làm bất cứ việc gì, bèn cùng vợ mở Netflix xem phim Hàn Quốc. Thứ phim vẫn bị coi như là nước “siro” này hóa ra cũng có khối điều để phải suy ngẫm ngày này sang ngày khác. Đầu tiên, nói thẳng ra, kể cả chưa có gì ghê gớm, nhưng nếu không có TỰ DO, nếu luôn theo định hướng chính trị, thì không bao giờ làm được như vậy.

Những bộ phim tôi xem, được dựng thời gian gần đây, ngoài sự quen thuộc là đội ngũ diễn viên đẹp, diễn xuất tốt, hình như giới trí thức, văn nghệ sỹ nói chung và các nhà làm phim Hàn Quốc nói riêng đang mở hẳn một chiến dịch “xét xử quá khứ”, nhằm xé tan màn đen tối của những trang sử ngụy tạo, được thao túng bởi tiền bạc và quyền lực bị tha hóa.

Chỉ qua phim ảnh thôi, đã thấy hầu như mọi lĩnh vực trong xã hội của quốc gia phát triển này đều bị đem ra mổ xẻ, thẳng tay bóc những khối ung nhọt, bị coi là mặt trái của tấm huân chương mang tên “Kỳ tích sông Hàn”.

Từ tổng thống, thủ tướng, các quan chức chính phủ, nghị sỹ, giới tài phiệt, nhà văn, nhà báo, luật sư, thầy giáo, thầy thuốc… đều bị đặt lên “thớt” không hề có bất cứ sự kiêng nể nào. Hiện thực phổ biến nhất được phơi bày là sự câu kết giữa quyền lực, giới tài phiệt và truyền thông bẩn nhằm thao túng dư luận, đổi trắng thay đen nhiều sự thật của đất nước.

Bọn chúng, những kẻ có quyền và có tiền tìm cách mua chuộc đám nhà văn, nhà báo, luật sư biến chất, để họ luôn tự nguyện làm đầu sai cho chúng. Chúng nhẫn tâm vu cáo hãm hại người khác, tạo ra những màn dạo đầu tanh tưởi để đám thực thi công lý hàng chợ tìm được “cảm giác thanh thản” khi ra tay tiêu diệt người công chính. Đổi lại, những kẻ bán mình nhận được những tấm séc, những khoản lợi nhuận ma, những vị trí công việc béo bở. Cứ thế lũ sâu mọt đốn mạt này không chỉ tha hồ cướp bóc, bức hại lương dân, bóp nghẹt công lý, mà còn thao túng cả lịch sử.

Nhưng vào một ngày, những người trẻ tuổi, với phẩm giá, tình yêu tự do và lòng dũng cảm đã vùng lên chống lại họ, chống lại những bậc cha anh mà họ phải kính trọng, phải mang ơn, phải nghe theo mọi dạy bảo như một mặc định của số phận.

Những người trẻ tuổi ấy là ai?

Chỉ có một câu trả lời: Họ là chủ nhân, là đại diện cho tương lai của đất nước Hàn Quốc trong thế kỷ 21. Họ là thế hệ lớn lên sau thời kỳ độc tài, ảnh hưởng văn hóa dân chủ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Họ làm mọi công việc. Họ không chỉ có học vấn, giỏi ngoại ngữ, giỏi công nghệ thông tin, mà còn luôn đề cao lòng trung thực và tinh thần phản biện chính trị, phản biện xã hội.

Họ nhìn thấy trong những thành tích kỳ diệu mà lớp cha anh tạo ra chứa theo nhiều khối ung nhọt, khuyết tật về đạo đức, những vi phạm nhân quyền, nữ quyền, đã bị thế hệ trước (vô tình hay cố ý) ỉm đi, che giấu, tìm cách bưng bít nhân danh phát triển, nhân danh ổn định, nhân danh truyền thống văn hóa, đề cao thói vâng lời.

Cơm áo luôn quan trọng, nhất là khi sự nghèo đói còn phổ biến. Nhưng để có một xã hội tử tế, đáng sống, thì phẩm giá bao giờ cũng thiêng liêng hơn nhiều lần, không thể đánh đổi. Và trong mọi cuộc đấu sứt đầu mẻ trán ấy, dù nhiều phen thất bại thê thảm, thì cuối cùng tuổi trẻ luôn thuộc về phe chiến thắng, công lý luôn chiến thắng, sự minh bạch luôn chiến thắng.

Đó không chỉ là giấc mơ của các nghệ sĩ chân chính. Nhưng nếu mới chỉ là giấc mơ, cũng đáng để cảm phục sự dũng cảm của họ.

Phải chăng Hàn Quốc phát triển mạnh, bền vững, là quốc gia vừa giàu có, hiện đại, nhưng vừa giữ được bản sắc văn hóa riêng vô cùng độc đáo cho đến tận ngày nay, là bởi họ biết đề cao tinh thần phê phán?

Không phải vô cớ mà tại nhà truyền thống trong khu Bảo tàng Quốc gia ở thủ đô Seoul, có một phòng “vinh danh” 12 vị tổng thống khiến bất cứ ai xem xong cũng phải vắt tay lên trán. Từ chỗ “nghèo đói” và được ví như cái thùng không đáy về mức độ tham nhũng, sau năm thập niên, Hàn Quốc trở thành nền kinh tế thứ 11 thế giới, với hình ảnh tràn ngập hành tinh. Một phần công lao thuộc về sự tài giỏi của các vị tổng thống được treo chân dung trong bảo tàng. Nhưng có tới một nửa trong số đó (gắn với những thời kỳ phát triển vũ bão của Hàn Quốc) phải đứng trước vành móng ngựa để nghe tuyên các bản án tù, từ mức hình phạt cao nhất. Số còn lại thì người bị ám sát, người bỏ trốn, người tự tử sau khi rời chính trường…

Chúng ta vẫn trầm trồ về biết bao điều kỳ lạ mà Hàn Quốc làm được. Nhưng liệu có bao nhiêu người trong chúng ta nghiêm túc suy ngẫm vì sao họ làm được những điều lớn lao ấy?

Tạ Duy Anh / Saigon Nhỏ

Bàn về quan tham trong lịch sử Việt Nam

Ở Trung Quốc có viên quan Hòa Thân đời Thanh nổi tiếng tham ô, vơ vét của cải nhiều hơn cả quốc khố. Trong lịch sử Việt Nam, viên quan vơ vét nhiều của cải nhất có lẽ là Trương Phúc Loan, còn lại các quan tham khác mức độ thế nào?

Sử sách nước ta từ thời Lý chưa đề cập cụ thể đến những gương mặt quan tham. Chép sử thời Lý Cao Tông, có lẽ do các sử quan thời Trần biên, có ghi “vua thì thích làm tiền, các quan phần nhiều bán quan chức, buôn hình ngục”, nhưng chưa ghi cụ thể vụ việc nào. Sang đến thời Trần, thời đại có sử gia Lê Văn Hưu soạn bộ sử đầu tiên “Đại Việt sử ký” mà phần nhiều còn được chép nối tiếp để lại đến ngày nay, các vụ án tham nhũng và chân dung tham quan mới được mô tả kỹ. Tham quan đời nào cũng vậy, phải có chức, có quyền. Nên cho dù là người có nhiều công lao nhưng bòn rút của công hay của dân, làm giàu cho bản thân thì thời nào cũng ghét.

Tiêu biểu như trường hợp Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, người được giao nhiệm vụ quan trọng là trấn giữ đảo Vân Đồn, vị trí tiền tiêu của đất nước, giáp ranh với Trung Quốc nên tập trung nhiều người buôn bán. Do thương nhân người Việt cũng ăn uống, may mặc theo kiểu khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo, đồ dùng theo tục người Bắc. Để mưu lợi cho mình, Trần Khánh Dư cho duyệt quân các trang, ra lệnh: “Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ (tức giặc Nguyên), không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi (tên một hương ở Hồng Lộ, chuyên nghề đan cật tre làm nón, cho nên lấy tên hương làm tên nón), ai trái tất phải phạt”.

Nhưng, thực ra vị tướng quân này đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, chở thuyền đến đậu trong cảng rồi. Lệnh vừa ra, ông sai người ngầm báo dân trong trang: “Hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu”. Do đấy, người trong trang nối gót tranh nhau mua nón. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép chi tiết về “thương vụ” này: “Ban đầu mua không tới 1 tiền, sau giá đắt, bán 1 chiếc nón giá 1 tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm”.

Vậy nên có người khách phương Bắc đã làm thơ mừng viên tướng trấn thủ, có câu: “Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh” (Vân Đồn gà chó thảy đều kinh) tuy có ý nói người ta sợ phục uy danh của Trần Khánh Dư, nhưng thực ra là châm biếm ngầm ông ta. Sử nhà Trần cũng ghi rõ, Khánh Dư tính tham lam, thô bỉ, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét. Khi được hỏi về việc bóc lột nhân dân, viên tướng này còn ngang nhiên nói rằng: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”. Vua Trần Nhân Tông tiếc ông ta có tài làm tướng nên không nỡ bỏ. Dù Trần Khánh Dư chưa từng bị xử lý về hành vi tham ô nhưng sự trạng của ông ghi trong sử sách cũng để lại vết nhơ không thể xóa.

Cũng ở đất Yên Quảng, đời Lê Thái Tông, có viên Tổng quản lộ An Bang là Nguyễn Tông Từ và Đồng tổng quản Lê Dao cũng nhân việc cai trị vùng biên ải, có sự thông thương với nước ngoài để tham ô, bị sử sách ghi lại. Nguyên là triều đình nhà Lê đã có lệnh cấm quan lại và dân chúng không được mua bán vụng trộm hàng hóa nước ngoài. Bấy giờ, có thuyền buôn Trảo Oa (tức Java, thuộc Indonesia ngày nay) đến trấn Vân Đồn, bọn Tông Từ giữ việc xét ghi số hàng hóa trong thuyền, trước đó đã báo nguyên số rồi, sau lại gian lận đổi làm bản khác, để bán trộm đi hơn 900 quan tiền. Nguyễn Tông Tư cùng với Lê Dao, mỗi người chiếm hơn 100 quan. Việc bị phát giác, nên cả hai đều bị trị tội. Tuy nhiên, luật pháp thời đó chỉ xử mỗi người bị biếm 3 tư (hạ 3 bậc tư cách trong hồ sơ quan chức), kèm hình phạt bãi chức.

Cũng thời Lê Thái Tông, hành vi của hai viên chánh sứ sang nhà Minh là Lê Vĩ, Nguyễn Truyền cũng bị sử quan phê phán. Nguyên là hai người trong chuyến đi sứ đã mua rất nhiều hàng phương Bắc, số lượng lên đến 30 gánh. Triều đình ghét họ làm thói buôn bán, định làm cho họ phải hổ thẹn trong lòng nên mới sai người thu lấy hết đem phơi bày ở sân điện, rồi sau mới trả lại. Việc này sau đó thành lệ thường.

Những vụ buôn bán vụng trộm với người nước ngoài còn được ghi chép nhiều ở thời Lê sơ, như vụ Tiền quân tổng quản Lê Thự bị tố cáo sai người nhà xuất cảnh mua bán vụng trộm với người nước ngoài. Dù bị tố cáo nhiều tội nhưng các tội khác, Lê Thụ đều được vua tha, duy việc buôn bán vụng trộm thu lời thì bị nhà vua bắt tịch thu 15 lạng vàng, 100 lạng bạc tiền lời này. Cũng vì việc đi sứ mà mua bán hàng hóa, mà Bồi thần (hàng quan Đại phu) Nguyễn Tông Trụ cũng bị Vua Lê Thái Tông đày ra châu gần, tất cả hàng hóa mua bán trong chuyến đó đều được đem chia cho các quan.

Đến năm 1435, những viên quan tham ô mới bắt đầu được Vua Lê Thái Tông xử lý chặt chẽ hơn. Đầu năm đó, nhà vua đã sai người đi hỏi ngầm khắp nước xem quan lại ở đâu tham ô, không giữ phép nước. Đến tháng 7 năm đó, căn cứ vào lời tâu, nhà vua cho bắt và xét hỏi những viên tham quan ô, gồm tuyên úy các phiên trấn, tướng hiệu 5 đạo, các viên tuyên phủ, chuyển vận, tuần sát các lộ, trấn, huyện, tổng cộng lên tới 53 người. Đây là lần đầu tiên một chiến dịch dẹp quan tham quy mô rộng rãi khắp cả nước được sử sách ghi chép.

Tháng 11 năm đó, Vua Lê Thái Tông tiếp tục cho chém viên Chuyển vận sứ (sau gọi là tri huyện) huyện Thủy Đường (Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày nay) là Nguyễn Liêm, do ông này nhận hối lộ của người 2 tấm lụa. Đại tư đồ Lê Sát căn cứ vào lệnh chỉ thời Lê Thái Tổ ghi nhận 1 quan tiền hối lộ thì tâu lên xử trảm, nên triều đình đem chém Nguyễn Liêm. Con của Nguyễn Liêm xin chịu chết thay cho cha cũng không được.

Tuy nhiên, không phải khi nào các viên quan tham ô cũng bị xử nghiêm như vậy. Như trường hợp khi Nguyễn Nhữ Soạn được bổ nhiệm làm Chính sự viện tham nghị, viên Thị ngự sử Đinh Cảnh An đã tâu Vua Lê Thái Tông rằng: “Nhữ Soạn là người tham ô, đã 3 lần phạm pháp, nay lại được làm quan tứ phẩm thì lấy gì để khuyên răn kẻ khác”. Tuy nhiên, lời can gián này không được vua nghe theo. Hoặc, trường hợp viên Nội mật viện sứ Lê Cảnh Xước nhận 20 lạng bạc hối lộ, chuyện bị phác giác, theo luật thì đáng tội chết. Vua thấy Cảnh Xước hầu kinh diên (tức nơi dạy vua học lúc còn trẻ) lâu ngày, nên đã xuống lệnh riêng cho người thầy cũ được bãi chức về làm dân.

Nếu ở Trung Quốc, viên đại thần Hòa Thân đời Thanh nổi tiếng tham nhũng, có tài sản gấp 15 lần ngân khố quốc gia thì ở Việt Nam thời chúa Nguyễn, quyền thần Trương Phúc Loan cũng tham lam chiếm dụng tới 8-9/10 số thuế thu được. Trong sách “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn ghi nhận sự vơ vét của Trương Phúc Loan rằng: “Vàng, bạc, châu, ngọc, lụa chất thành núi. Ruộng vườn, nhà cửa, tôi tớ, trâu ngựa của ông ta không đếm xuể. Có một năm vào mùa thu bị lụt lớn, hòm xiểng bị ngập, khi nước rút, ông đem vàng ra phơi nắng, lấp lánh cả một sân”.

Tuy nhiên, không có gì là tồn tại mãi mãi. Năm 1774, chúa Trịnh Sâm đánh Đàng trong, chỉ cần tuyên bố giúp chúa Nguyễn trừ quyền thần Trương Phúc Loan mà các tướng Nam Hà đã bắt Loan giao nộp. Của cải, nhà cửa của Loan bị binh lính và nhân dân cướp phá không còn gì.

Nếu luật thời Vua Lê Thái Tổ sẽ cho chém viên quan nào ăn hối lộ từ một quan tiền, thì luật thời Nguyễn, được ban hành từ đời Vua Gia Long cũng chặt chẽ như vậy. Như đời Vua Minh Mạng, Lý Hữu Diệm làm quan tại phủ Nội vụ, lấy trộm hơn một lạng vàng, bị phát hiện và Bộ Hình đưa ra xét xử. Theo luật Gia Long, tội ăn trộm quốc khố thì không phân biệt trộm nhiều hay ít đều bị chém đầu. Tuy nhiên, vì nhận thấy Lý Hữu Diệm làm quan có công lao nên Bộ Hình chỉ xử đi đày viễn xứ. Khi bản án được tâu lên, Vua Minh Mạng đã không đồng ý với đề nghị của Bộ Hình, mà yêu cầu phải xử theo đúng luật, lệnh đem ra chợ Đông Ba chém để nhiều người trông thấy mà tự sửa mình. Vua đưa ra chỉ dụ: “Lý Hữu Diệm phải giải ngay đến chợ Đông, chém đầu cho mọi người biết, phải truyền cho viên lại Nội vụ phủ cùng đến xem, hoặc giả mắt thấy lòng sợ mà tự khuyên răn nhau để khỏi mắc tội, há chẳng là một phương thuốc hay cho bọn người sao?”.

Trường hợp viên quan Nội phủ là Nguyễn Đức Tuyên ăn bớt nhựa thơm cũng vậy. Khi sự việc bị phát giác, Vua Minh Mạng liền ra chỉ dụ: “Đáng lẽ cho trói đem ra chợ Cửa Đông chém đầu nhưng lần này tạm chặt một bàn tay thủ phạm đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận và nhờ đó để làm cho mọi người đều biết tỉnh ngộ, răn chừa. Thế cũng là một cách trừng trị kẻ gian”.

Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), viên Tri phủ Hà Hoa (các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) là Phan Nhật Tỉnh làm quan tham nhũng, bị dân kiện. Tỉnh hạ mình nói khéo, dân lại thôi không kiện nữa. Quản trấn Nghệ An đem việc tâu lên và nói rằng: “Quan phủ huyện là gốc phong hóa, Tỉnh không giữ mình trong sạch, phải van lạy dân, còn có thể diện gì? Dân đã kiện đến quan trên, rồi lại muốn thôi, còn có phép tắc gì? Hai điều ấy thực có quan hệ đến phép quan tục dân”.

Nhận bản tâu, nhà vua phê bảo rằng: “Phan Nhật Tỉnh tham lam vô sỉ, lập tức cách chức nghiêm xét; còn kẻ tiểu dân hiếp chế quan trưởng, muốn kiện thì kiện, muốn thôi thì thôi, thói ấy không thể để lớn. Bọn ngươi xét lẽ rất sáng, thực đáng khen, cố gắng đi!”. Do đó, Phan Nhật Tỉnh phải tội đồ, người kiện thì phải phạt 80 trượng.

Theo LÊ TIÊN LONG / AN NINH THẾ GIỚI 

Tập Cận Bình đã gây hại cho kinh tế Trung Quốc như thế nào?

Những chính sách thiếu linh hoạt đang lấn lướt chủ nghĩa thực dụng tại Trung Quốc.
Hơn 20 năm qua, Bắc Kinh là nguồn tăng trưởng mạnh nhất và đáng tin cậy nhất đối với nền kinh tế thế giới, đóng góp một phần tư vào tăng trưởng GDP toàn cầu suốt giai đoạn ấy, và liên tục tăng quy mô trong 79 trên tổng số 80 quý. Trong phần lớn thời gian kể từ lúc Trung Quốc mở cửa sau khi Mao qua đời, Đảng Cộng sản đã chọn hướng tiếp cận thực dụng trong việc làm giàu cho quốc gia bằng cách kết hợp các cải cách thị trường với sự kiểm soát của nhà nước.
Tuy nhiên, giờ đây, nền kinh tế ấy đang bị đe dọa. Trước mắt là bởi chiến dịch zero-covid khiến nền kinh tế thụt lùi và có thể đưa đến tình trạng bấp bênh. Điều đó làm trầm trọng thêm một vấn đề lớn hơn, đó là cuộc đấu tranh tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình để tái tạo chủ nghĩa tư bản nhà nước. Nếu cứ tiếp tục như vậy, Trung Quốc sẽ phát triển chậm hơn, theo một cách khó đoán hơn, với nhiều hậu quả cho thế giới và chính nó.

Với những đợt bùng phát mới ở Bắc Kinh và Thiên Tân, viễn cảnh sạch bóng Covid vẫn còn xa Trung Quốc dù giãn cách tại Thượng Hải đã được nới lỏng gần 2 tháng qua. Hơn 200 triệu người đang sống dưới sự kiểm soát gắt gao, và nền kinh tế thì lao đao. Doanh số bán lẻ trong tháng 4 đã thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm trước, với lượng mua hàng KFC, xe hơi và Cartier đều không mấy khả quan. Mặc cho công nhân phải ở qua đêm tại nhà máy, sản lượng công nghiệp và xuất khẩu đã giảm xuống. Trong suốt cả năm, lần đầu tiên kể từ năm 1990 sau vụ thảm sát Thiên An Môn, Trung Quốc có thể phải vật lộn để tăng trưởng nhanh hơn Hoa Kỳ. Còn đối với Tập, đây là một thời điểm tồi tệ: sau Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm nay, ông được xác định sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 với tư cách chủ tịch nước, phá vỡ “quy tắc 2 nhiệm kỳ” gần đây của lãnh đạo Trung Quốc.

Thế nhưng ông Tập chính là người chịu trách nhiệm cho hai đòn giáng vào nền kinh tế. Đầu tiên là chính sách zero-covid suốt 28 tháng qua, xuất phát từ lo ngại của Đảng về việc mở cửa có thể dẫn đến làn sóng lây nhiễm và lấy đi mạng sống của hàng triệu người. Điều đó có thể đúng, nhưng Trung Quốc đã lãng phí khoảng thời gian quý giá: 100 triệu người trên 60 tuổi vẫn chưa được tiêm mũi 3. Trung Quốc từ chối nhập khẩu vắc xin mRNA, vốn hiệu quả hơn, thay vào đó là đẩy chiến dịch zero-covid sang năm tiếp theo. Trung Quốc cũng đã từ bỏ việc đăng cai tổ chức Asian Cup, một vòng chung kết bóng đá dự kiến diễn ra vào tháng 6/2023. Người ta đã nói về các chốt kiểm dịch thường trực và một đội quân trong tư thế sẵn sàng để ngoáy mũi “mãi mãi”. Omicron có khả năng lây nhiễm cao nên những đợt bùng phát và giãn cách xã hội mới là không thể tránh khỏi. Nhưng vì chính sách zero-covid được gắn liền với ông Tập, bất kỳ lời chỉ trích nào đối với chính sách đó đều bị coi là phá hoại.

Chính sự mù quáng ý thức hệ ấy là nguồn cơn của đòn giáng thứ hai – một chuỗi những sáng kiến kinh tế mà ông Tập gọi là “khái niệm phát triển mới” nhằm giải quyết “những thay đổi chưa từng thấy của thế kỷ”, chẳng hạn như sự phân tách Mỹ-Trung. Các mục tiêu đều hợp lý: giải quyết bất bình đẳng, tình trạng độc quyền và nợ, bảo đảm cho Trung Quốc thống trị các công nghệ mới, đồng thời củng cố nền kinh tế chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, Tập tin rằng Đảng phải nắm vai trò lãnh đạo trong mọi trường hợp, còn việc thực thi chính sách này lại mang tính trừng phạt và mắc nhiều sai sót. Hàng loạt khoản tiền phạt, những quy định mới và những cuộc thanh trừng đã khiến ngành công nghệ vốn năng động (đóng góp 8% GDP quốc gia) bị đình trệ. Một cuộc đàn áp dã man nhưng không triệt để khác được áp lên lĩnh vực bất động sản (chiếm hơn 1/5 GDP quốc gia) đã dẫn đến khủng hoảng nguồn vốn — một lý do khiến doanh số bán nhà trong tháng 4 giảm 47% so với một năm trước đó.

Chính phủ hi vọng việc thực hiện một chương trình kích thích kinh tế lớn sẽ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức 5,5% cho năm 2022 và làm dịu những lo lắng trước thềm đại hội. Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày 19/5 đã kêu gọi các quan chức “hành động một cách quyết đoán” để khôi phục tăng trưởng, ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất thế chấp, và Đảng đã trấn an các ông trùm công nghệ đang hoảng loạn. Bước tiếp theo có thể là một chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng lớn được tài trợ bằng trái phiếu chính phủ.

Nhưng những khoản nợ dâng cao và những khối bê tông sẽ không thể ngăn cản các đợt phong tỏa hà khắc hay giảm bớt rủi ro từ mô hình kinh tế của ông Tập, liên quan đến việc mở rộng phạm vi của thành tố kém năng suất nhất trong nền kinh tế Trung Quốc, đó là kinh tế nhà nước. Chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã đạt được những thành công đáng kể, chẳng hạn như xây dựng vị thế thống trị trên toàn cầu trong lĩnh vực pin công nghệ cao. Ông Tập hi vọng công nghệ và một nhóm các quỹ đầu tư nhà nước mới sẽ giúp việc ra quyết định nhanh chóng dễ dàng hơn. Nhưng đừng quên tất cả những thất bại ảm đạm, từ các ngành công nghiệp nặng cho đến vi mạch.

Mặc khác, các ưu đãi dành cho khu vực có năng suất cao nhất của nền kinh tế – khối tư nhân – đã bị thiệt hại. Thị trường tài chính đã chứng kiến điều đó với lượng lớn dòng tiền chảy ra. Chi phí vốn tăng: cổ phiếu Trung Quốc giao dịch với mức chiết khấu 45% so với cổ phiếu của Mỹ, một mức chênh lệch gần như kỷ lục. Tính toán của các nhà đầu tư và doanh nhân đang thay đổi. Nhiều người lo ngại rằng lợi nhuận tài chính cho các doanh nghiệp sẽ bị giới hạn bởi một Đảng chính trị luôn cảnh giác với sự giàu có và quyền lực của giới tư nhân. Các nhà đầu tư mạo hiểm nói rằng họ đã chuyển sang đặt cược vào những khoản trợ cấp lớn nhất, chứ không phải những ý tưởng tốt nhất. Lần đầu tiên sau 40 năm, cải cách tự do hóa không xuất hiện trong bất cứ lĩnh vực lớn nào của nền kinh tế. Nếu không có chúng, tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng.

Nền kinh tế mang đậm dấu ấn ý thức hệ của Tập tác động lớn đến thế giới. Dẫu rằng biện pháp kích thích có thể làm tăng nhu cầu, nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng phong tỏa tiếp diễn, đe dọa nền kinh tế toàn cầu vốn đang trên ngưỡng suy thoái. Trong kinh doanh, quy mô và sự tinh vi của thị trường Trung Quốc luôn hấp dẫn các công ty đa quốc gia, nhưng ngày càng có nhiều doanh nghiệp chọn tái cân bằng chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc – như Apple đang làm. Doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ thống trị một số ngành công nghiệp trong những năm 2030 sắp tới, nhưng phương Tây có khả năng trở nên thận trọng hơn đối với việc nhập khẩu các sản phẩm Trung Quốc. Về ngoại giao, một giới tư nhân ít tham vọng và ít độc lập hơn đồng nghĩa với việc hiện diện của Bắc Kinh ở nước ngoài sẽ do nhà nước dẫn dắt và mang tính chính trị nhiều hơn. Điều đó vừa gây hại lại vừa kém hiệu quả, như báo cáo đặc biệt của chúng tôi về Trung Quốc và châu Phi đã chỉ ra.

Cuộc sống sẽ thế nào bên trong một Trung Quốc biệt lập hơn? Trong khi người dân trút giận trên mạng về tình trạng phong tỏa và mất việc làm, điều này vẫn khó có thể chuyển thành bạo loạn nhờ sự giám sát, tuyên truyền và ủng hộ rộng rãi cho các mục tiêu của đảng. Một số nhà kỹ trị không đồng ý với sự chuyển hướng thiên tả hiện tại nhưng không đủ quyền lực và lòng dũng cảm để phản đối nó. Và trong chừng mực mà chúng ta có thể suy đoán được từ chiếc hộp đen của chính trị cấp cao ở Trung Quốc, ông Tập, năm nay 68 tuổi, đang không có đối thủ. Tuy nhiên, trước thềm Đại hội Đảng vốn sẽ chứng kiến Tập nắm giữ quyền lực của mình cho đến ít nhất năm 2027, những khiếm khuyết của chế độ độc nhân trị ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hiển hiện rõ ràng.

Nguồn: How Xi Jinping is damaging China’s economy”, 

Biên dịch: Phạm Thị Hồng Nhung / Nghiên cứu Quốc tế