Góc nhìn khác về Nagasaki

NHẬT BẢN – Nói đến Nagasaki, nhiều người sẽ nghĩ đến bom nguyên tử, nhưng giờ đây là thành phố yên bình, với nhiều nét đẹp giản dị.

Nagasaki là thành phố lớn nhất của tỉnh Nagasaki, nằm trên đảo Kyushu – hòn đảo lớn thứ 3 trong 5 đảo chính ở Nhật Bản. Trong quá khứ, Nagasaki đóng vai trò kết nối nước Nhật với thế giới. Nhờ vậy, thành phố này mang một nét đẹp “lai” với khá nhiều nền văn hoá trên thế giới, đặc biệt là Hà Lan và Bồ Đào Nha.

Trên ảnh là bức tượng ghi lại một góc ký ức đau đớn của người Nhật về bom nguyên tử 77 năm trước. Còn ngày nay, đây là thành phố yên bình, với nhiều nét đẹp giản dị và cổ điển.

Nơi được check-in nhiều bậc nhất ở Nagasaki: Cầu mắt kính. Cây cầu này được một nhà sư Trung Quốc xây vào năm 1634 bắc qua sông Nakashima. Sở dĩ được gọi là “cầu mắt kính” vì hình ảnh phản chiếu của nó dưới dòng sông Nakashima tạo thành hình ảnh một cặp mắt kính.

Ở Nhật Bản có 3 khu China Town (phố Trung Quốc) và Nagasaki China Town Shinchi chính là nơi có lịch sử lâu đời nhất. Khu phố người Hoa này xuất hiện từ thế kỷ 17 và luôn sôi động cho đến ngày hôm nay. Nếu bạn muốn thử ẩm thực Trung Quốc mang đôi chút phong vị của người Nhật thì Nagasaki China Town Shinchi chính là địa chỉ nên ghé thăm khi tới Nagasaki.

Do ảnh hưởng bởi Covid-19 và chưa có nhiều khách du lịch nước ngoài, hiện nơi đây khá vắng lặng.

Nagasaki có tầm nhìn trên đỉnh núi thuộc dạng đẹp bậc nhất ở Nhật. Khi màn đêm buông xuống, các toà nhà đều sáng đèn. Phóng tầm mắt từ đỉnh núi xuống thành phố là một trải nghiệm nên thử nếu bạn lưu lại Nagasaki quá một ngày.

Kiến trúc ở Nagasaki là sự pha trộn giữa Nhật, Trung Quốc và một chút phương Tây. Ở đây có những con phố giống Hà Lan, có những góc đường mang chút âm hưởng Scotland hoặc Bồ Đào Nha, có cả những công viên mà người già tụ tập chơi cờ tướng như Trung Quốc.

Nagasaki được ví von là “thành phố của những con dốc” vì đơn giản nhà cửa được xây dựng trên các triền núi, triền đồi, địa hình quá nhiều dốc. Vì đặc thù địa hình nhiều dốc nên dân bản địa ở Nagasaki cũng ít dùng xe đạp hơn hẳn so với các thành phố khác ở Nhật Bản.

Một điểm khá biệt khá thú vị tạo nên đặc trưng của Nagasaki là sự phổ biến của tàu điện (tram). Trong khi các thành phố lớn ở Nhật sử dụng tàu điện ngầm thì ở Nagasaki, những chiếc tàu điện ngắn, rực rỡ sắc màu ngược xuôi các góc phố tạo nên chút hoài cổ.

Những ngôi nhà xếp tầng tầng, lớp lớp còn giúp Nagasaki có thêm danh xưng “Rio de Janeiro của Nhật Bản”.

Trong khi các thành phố lớn ở Nhật được bao quanh bởi các ngôi đền thần đạo thì ở Nagasaki, do ảnh hưởng từ văn hoá phương Tây nên khá nhiều người dân Nagasaki lại có thói quen đi nhà thờ.

Là một cảng lớn, Nagasaki có những góc view nhìn thẳng ra biển phù hợp cho nhu cầu “sống ảo” của du khách. Trong ảnh là hoàng hôn trên vịnh Nagasaki.

Nhật Bản đã mở cửa đón khách du lịch trở lại từ 10/6. Tuy nhiên, người nước ngoài nhập cảnh theo diện du lịch ngắn hạn được yêu cầu nhiều điều kiện, trong đó buộc phải thông qua một đại lý du lịch được nước sở tại cấp phép, thay vì được nhập cảnh tự do như trước.

Thạch Long / Vietnam Express

Siêu tập trung

Cuốn sách giúp bạn hiểu vì sao chúng ta dễ dàng bị xao lãng, đồng thời tìm hiểu cách thức để buộc cái đầu bướng bỉnh của mình tập trung trong thế giới đầy cám dỗ ngày nay. Nhờ khả năng chuyên tâm vào từng chuyện quan trọng tại mỗi thời điểm, chúng ta phát huy được nhiều nhất năng lực của mình.

‘Thác’ thông tin gửi đến bộ não mỗi giây

Sự chú ý là công cụ mạnh mẽ nhất mà chúng ta có để tạo nên cuộc sống tốt đẹp và hoàn thành được những việc cần làm.

Tôi thấy việc đọc sách – và nghiên cứu xem nó lấp đầy không gian chú ý của ta như thế nào – là một chủ đề rất hấp dẫn. Nếu bạn thực sự tập trung vào từng câu chữ trong trang sách này, không gian chú ý của bạn hầu như sẽ không còn chỗ cho bất kỳ cái gì khác.

Giống như không có đủ không gian chú ý cho cả việc nhắn tin lẫn lái xe, bạn không thể nhắn tin khi đang đọc – chỉ một trong hai việc trên thôi đã đòi hỏi sự tập trung khá lớn và vừa khít không gian chú ý của bạn rồi. May ra thì bạn có thể nhấm nháp một tách trà, cà phê khi đọc, nhưng rất có khả năng nó sẽ bị nguội ngắt mất thôi vì bạn mải đọc – hoặc bạn sẽ đánh đổ trà ra trang sách khi cố làm cả hai việc một lúc.

Ranh giới của sự chú ý

Sự chú ý của con người thường bị giới hạn bởi hai điểm quan trọng. Thứ nhất, đó là sự hạn chế về số lượng những thứ ta có thể tập trung vào. Giới hạn này nhỏ hơn bạn nghĩ. Nếu có thể thực sự tập trung vào nhiều công việc cùng lúc, ta sẽ làm được nhiều thứ hơn: nhớ được số điện thoại của người khác khi đang chơi đàn, vừa trò chuyện với người này lại vừa nghe người khác nói, vừa trả lời email vừa nghe điện thoại. Thực tế ta chỉ có thể làm tốt được một hoặc hai việc cùng lúc thôi.

Từng giây từng phút, môi trường xung quanh gửi cho bộ não ta cả một dạng thác thông tin. Hãy nghĩ tới những hình ảnh, âm thanh và thông tin đến với bạn ngay lúc này, và bạn sẽ thấy một lô một lốc những thứ có thể chú ý đến. Theo Timothy Wilson, giáo sư tâm lý học tại Đại học Virginia, cứ mỗi giây, bộ não của chúng ta nhận chừng 11 triệu tín hiệu (bit) thông tin dưới dạng cảm giác.

Nhưng bộ não có thể cùng lúc xử lý chu toàn và tập trung vào bao nhiêu trong số 11 triệu tín hiệu đó? Chỉ 40. Không phải 40 triệu, không phải 40 nghìn, mà 40 thôi.

Sách Siêu tập trung. Ảnh: S.G.B.

Sieu tap trung anh 1
Sách Siêu tập trung. Ảnh: S.G.B.

Khi lựa chọn tập trung vào một vấn đề gì đó, chúng ta từ từ xử lý luồng thông tin. Một cuộc trò chuyện đã chiếm phần lớn tín hiệu tập trung của ta, đó là lý do tại sao ta không thể cùng lúc nói chuyện với hai người riêng rẽ.

Theo nhà tâm lý nổi tiếng Mihaly Csikszentmihalyi, việc giải mã một cuộc trò chuyện thôi (để mà hiểu được) đã lấy hết hơn phân nửa sự tập trung của chúng ta rồi. Bởi lẽ, để luận giải câu chữ của một người, bạn phải hiểu được ý nghĩa đằng sau những gì người đó nói.

Trong lúc bạn đang trò chuyện, có hàng lô chỗ khác để những tín hiệu tập trung còn lại của bạn hướng đến: công việc của ngày mai, những ý nghĩ tình cờ trong đầu, ngọn đèn đằng sau người đang cùng trò chuyện, âm sắc của người đó, hay những gì bạn sẽ nói – nhưng rút ra ý nghĩa của những gì bạn đang nghe vẫn là phần chính trong sự tập trung.

Hạn chế thứ hai là sau khi đã tập trung vào một cái gì đó, chúng ta chỉ có thể nắm giữ một lượng nhỏ thông tin trong trí nhớ ngắn hạn của mình. Khả năng lưu giữ tạm thời thông tin trong đầu ta quả thực là siêu đẳng, bởi nó cho phép ta suy nghĩ về việc mình đang làm, bất kể đó là giải quyết vấn đề (thí dụ như nhớ các con số khi làm toán) hay lên kế hoạch cho tương lai (như phối hợp các bài tập gym một cách tốt nhất). Không có trí nhớ tạm thời này, chúng ta hẳn sẽ phản ứng một cách ngớ ngẩn với mọi thứ đang diễn ra xung quanh.

Cuộc sống của chúng ta được xây dựng trên thực tế là ta chỉ có thể nắm giữ nhiều nhất bảy mẩu thông tin riêng biệt trong trí nhớ ngắn hạn. Chẳng cần nhìn đâu xa để thấy được bằng chứng về cách chúng ta sắp xếp dữ liệu thành lớp lang trong đầu.

Hãy bắt đầu bằng số hai – có vô số ví dụ trong văn hóa đại chúng cho thấy sức mạnh của sự ghép cặp này. Chúng ta dễ dàng nắm giữ hai thứ một lúc trong trí nhớ, không phải tự dưng mà sự kết hợp thành đôi có ở khắp nơi, Batman – Robin, Tom – Jerry…

Bộ ba cũng rất vừa vặn trong không gian chú ý, như Ba chú heo conBa chàng ngốc, “quá tam ba bận”, rồi một bài văn gồm ba phần – mở bài, thân bài và kết luận. Ta cũng ghép các ý tưởng theo bộ bốn (bốn phương, bốn mùa…), năm (ngũ hành, ngũ cố,…), sáu (lục dục), bảy (bảy ngày trong tuần, bảy kỳ quan…). Thậm chí nếu bạn để ý sẽ thấy số điện thoại cũng được chia thành từng nhóm ba và bốn chữ số để cho dễ nhớ. Các nhóm có số lượng thành phần nhiều hơn bảy ít gặp hơn nhiều.

Không gian chú ý

“Không gian chú ý” là thuật ngữ tôi dùng để nói về năng lực trí óc mà ta có thể sử dụng để tập trung vào và xử lý những chuyện tức thì. Không gian chú ý là cái ta nhận thức được ở bất kỳ lúc nào – nó như một tấm bảng, hay một tờ nháp trong não lưu giữ thông tin tạm thời đang được xử lý.

Không gian chú ý cho phép ta nắm giữ, xử lý và kết nối thông tin cùng lúc. Khi chọn chú ý đến thứ gì đó, thông tin về nó sẽ chiếm cứ trí nhớ ngắn hạn của ta và không gian chú ý đảm bảo nó luôn hiện diện sẵn sàng ở đó để ta có thể tiếp tục xử lý.

Sieu tap trung anh 2
Tập trung là một kỹ năng cần rèn luyện thường xuyên. Ảnh: Hrchannels.

Sự tập trung cùng không gian chú ý chịu trách nhiệm cho phần lớn những hoạt động có ý thức của chúng ta. Nếu coi bộ não như chiếc máy tính thì không gian chú ý chính là thanh RAM (Các nhà nghiên cứu gọi không gian này là “trí nhớ làm việc” và dung lượng của nó là “năng lực ghi nhớ làm việc”).

Chúng ta sẽ bàn sâu hơn về không gian chú ý trong cuốn sách này. Vì rằng không gian ấy khá nhỏ và chỉ nắm giữ được vài thông tin một lúc nên chuyện quản lý nó cho tốt là rất cần thiết. Thậm chí kể cả lúc ta mơ mơ màng màng, không tập trung vào thứ gì cụ thể thì không gian chú ý vẫn bị lấp đầy.

Khi được ta tập trung vào thì một cuộc trò chuyện cũng đòi hỏi toàn bộ không gian chú ý (ít ra là khi nó thú vị). Vừa xem tivi vừa nấu ăn sẽ dồn cả hai việc này vào không gian chú ý của chúng ta. Khi nhớ lại một ký ức hay sự kiện gì đó (như sinh nhật một người bạn hay tên một bài hát), thông tin từ trí nhớ dài hạn cũng sẽ đổ vào không gian chú ý. Nơi đó nắm giữ mọi thứ ta biết, nó là toàn bộ thế giới nhận thức của ta.

Sách hay / Zing

Cơn bão có thể nhấn chìm Facebook

Nhiều tín hiệu cho thấy quý vừa qua là những ngày tệ hại với tình hình kinh doanh của Meta, bao gồm các mạng xã hội Facebook và Instagram.

Theo Slate, báo cáo tài chính quý II/2022 sắp tới có thể sẽ là lần đầu tiên Meta chứng kiến doanh thu quý của mình sụt giảm. Điều này cho thấy mô hình kinh doanh của tập đoàn công nghệ đã bắt đầu suy yếu sau chuỗi ngày tăng trưởng bùng nổ.

Trước đó, doanh thu của Meta, công ty mẹ Facebook, Instagram và WhatsApp đều đặn tăng trưởng hơn 20% mỗi quý bất chấp những ồn ào xung quanh quanh thương hiệu này.

Cơn bão ập đến với Meta

Đến năm 2021, hàng loạt nhân tố kinh tế và các đối thủ cạnh tranh đã khiến mức tăng trưởng lợi nhuận của tập đoàn chững lại, thậm chí là lỗ nặng trong thời gian gần đây. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của tập đoàn đã giảm mạnh 45%. Thực tế này đã đặt dấu chấm hết cho chuỗi thành công của Meta.

“Meta đang đối diện với một cơn bão khổng lồ”, Mark Mahaney, Giám đốc cấp cao mảng nghiên cứu Internet tại Evercore ISI, nhận định.

Vào đầu tháng 7, Meta, công ty mẹ của Facebook, cắt giảm hàng trăm nhân sự. Ảnh: Getty Images.

Meta het thoi anh 1


Vào đầu tháng 7, Meta, công ty mẹ của Facebook, cắt giảm hàng trăm nhân sự. Ảnh: Getty Images.

Theo ông, cơn bão này đến từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tỷ lệ lạm phát tăng nhanh làm thị trường quảng cáo chậm tăng trưởng, chính sách tăng giá đồng USD làm hạn chế doanh thu toàn cầu.

Bên cạnh đó, gã khổng lồ công nghệ còn phải chịu sự cạnh tranh gắt gao từ nền tảng chia sẻ video mới nổi TikTok. Tuy Meta khẳng định sẽ tập trung phát triển Reels trên Instagram để cạnh tranh nhưng tính năng này còn mới, rất khó để thu lợi nhuận.

Tình hình chiến sự ở Ukraine và Nga cũng làm mảng kinh doanh của Meta ngừng hoạt động ở các quốc gia này. Cuối cùng, chính sách chặn theo dõi App Tracking Transparency (ATT) trên các sản phẩm của Apple đã khiến các đối tác quảng cáo của Meta gặp khó.

Theo Slate, trong một viễn cảnh tích cực hơn, lợi nhuận trong quý II của hãng công nghệ vẫn sẽ tăng nhưng không thấm vào đâu so với những chuỗi ngày đỉnh cao trước đó. Chuyên gia Mahaney ước tính vấn đề sụt giảm doanh thu trên thị trường toàn cầu sẽ làm mức tăng trưởng chung giảm khoảng 2-4%.

Tuy nhiên, tình hình này lại không mấy ảnh hưởng đến TikTok. “Tăng trưởng lợi nhuận đến từ quảng cáo của TikTok có thể đạt đến 3 con số so với cùng kỳ năm trước”, ông khẳng định.

Meta đã phát triển đến mức đỉnh cao và đang dần lụi tàn khi không thể cạnh tranh với những đối thủ khác. Ảnh: Financial Times.

Meta het thoi anh 2

Meta đã phát triển đến mức đỉnh cao và đang dần lụi tàn khi không thể cạnh tranh với những đối thủ khác. Ảnh: Financial Times.

Với Meta, lợi nhuận giảm đồng nghĩa với việc phải cắt giảm các dự án mà hãng đang ấp ủ trong suốt thời gian qua. Cụ thể, Mark Zuckerberg đã hoãn nhiều kế hoạch tuyển dụng, tăng khối lượng công việc và cắt giảm nhân sự do lo ngại suy thoái kinh tế.

“Đây có lẽ là một trong những lần sụt giảm tồi tệ nhất trong lịch sử của chúng ta”, CEO Meta nói trong một cuộc họp nội bộ vào cuối tháng 6. Trong lĩnh vực mạng xã hội đầy cạnh tranh, cắt giảm nhân sự đồng nghĩa với việc nhường đường cho những đối thủ khác.

Viễn cảnh lạc quan

Do đó, Slate nhận định viễn cảnh tốt nhất dành cho Meta lúc này là tăng 3% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cũng kỳ vọng doanh thu của hãng công nghệ sẽ đạt mức 28-30 tỷ USD trong quý II. Nếu con số này dừng ở mức 29 tỷ USD, doanh thu sẽ giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây, Snap, một trong những đối thủ cạnh tranh của Meta, đã công bố kết quả kinh doanh trong quý trước. Doanh thu và lợi nhuận của hãng đều thấp hơn dự tính. Sau khi tin tức này được công bố, giá cổ phiếu của Snap đã giảm mạnh 26%, kéo theo Meta giảm 4,68%. Điều này cho thấy những nền tảng mạng xã hội tập trung thu lợi từ quảng cáo đang gặp nhiều vấn đề hơn bao giờ hết.

Song, theo Slate, Meta vẫn có thể lạc quan về mảng kinh doanh của mình. Trên thực tế, hãng vẫn làm nên ăn ra với nguồn lợi tiềm năng đến từ tính năng Reels. Mặt khác, các nhà đầu tư cũng dần lạc quan hơn sau khi Apple công bố tính năng chặn theo dõi trên ứng dụng của mình.

“Người dùng dần quay lại thói quen tiêu tiền cho Facebook. Các thương hiệu đang dần điều chỉnh để làm quen với một bình thường mới”, Sara Livingston, Giám đốc tại công ty phân tích marketing Rockerbox, chia sẻ.

Hôm 22/7, Meta thông báo về thay đổi giao diện Facebook. Giờ đây, mạng xã hội sẽ chia phần Bảng tin của mình thành hai mục (tab) là Feeds và Home. Đây là nỗ lực đề xuất nhiều nội dung giải trí hơn tới người dùng, nhằm cạnh tranh với những nền tảng như TikTok. CEO Mark Zuckerberg gọi đây là “công cụ khám phá”, giúp cạnh tranh với các đối thủ về thời gian và sự chú ý của người dùng.

Thúy Liên / Zing

Tòa nhà nào “bí ẩn” nhất giữa trung tâm Sài Gòn?

Trong nhiều dinh thự cổ còn sót lại ở Sài Gòn mà không bị đập phá (trong trường hợp này thì… không thể bị đập!), có một dinh thự nằm ngay trung tâm mà người Sài Gòn có thể đi ngang hàng ngày nhưng không biết bên trong như thế nào…

Đó là Tổng lãnh sự Cộng hòa Pháp, nằm tại số 27 Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1). Thời trước năm 1975, nó là Khu liên hiệp Norodom, có diện tích gần 30,000 m2, được bao quanh bởi bốn con đường: Đại lộ Thống Nhứt, Hồng Thập Tự, Hai Bà Trưng và Mạc Đỉnh Chi. Khi ấy, tòa nhà này có địa chỉ là số 4 Đại lộ Thống Nhứt… Đến năm 1967, khu đất của tòa nhà này được cắt gần 13,000 m2 để người Mỹ xây Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn.

Một góc trong khuôn viên Tổng lãnh sự Pháp ở Sài Gòn

Chúng tôi đã có dịp khám phá tòa nhà luôn kín cổng, cao tường này nhân ngày Di sản châu Âu, được tổ chức thường niên từ năm 1984, mang tên: Ngày hội mở cửa những di sản lịch sử (ý tưởng của Bộ Văn hóa Pháp). Với sự kiện này, tòa nhà chỉ mở cửa một lần, một ngày duy nhất trong năm.

Được xây dựng năm 1872  bởi các kỹ sư Hải Quân, do kiến trúc sư Alfred thiết kế, tòa nhà nằm trong khuôn viên rộng 15,000 m2, là công trình tiêu biểu của kiến trúc Đông Dương vào thế kỷ 19, cùng với các công trình xung quanh, như: Dinh Norodom (Dinh Độc Lập, 1868), Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (1863), Nhà thờ Đức Bà (1877-1880), Dinh Thượng Thơ (1860) và Thảo Cầm Viên (1869).

Ngoài giá trị kiến trúc của tòa nhà, nơi đây còn lưu trữ nhiều cổ vật, các tác phẩm nghệ thuật, tôn giáo của Việt Nam vào thế kỷ 19 hay vật dụng từ thời Napoleon III. Bao bọc dinh thự Tổng lãnh sự quán Pháp là khuôn viên vườn rộng lớn với sự đa dạng về hệ thực vật, trong đó đặt biệt ấn tượng là những cây sao, dầu cổ thụ có tuổi đời hơn 150 năm.

Theo thông tin từ Tổng lãnh sự quán Pháp, thời gian đầu tòa nhà được cai quản bởi thống đốc quân đội của thuộc địa, tiếp đó là bởi chỉ huy cấp cao của lực lượng vũ trang ở Đông Dương, rồi trở thành dinh thự của ngài Đại sứ Pháp thời Việt Nam Cộng hòa sau năm 1954.

Hành lang thoáng mát, nơi đặt nhiều cổ vật trang trí có xuất xứ từ thời Nguyễn
Tượng đồng cổ vật Đông Dương trưng bày trong phòng khách

Từ sau năm 1975, nơi này trở thành tòa Tổng lãnh sự Pháp. Trải qua hơn 150 năm với nhiều biến động xã hội, chính trị, đây vẫn luôn là khu đất được nước Pháp chọn là đại diện của mình tại Nam Việt Nam. Tư dinh đã được sửa chữa lớn vào năm 1959 và trùng tu vào những năm 1998-1999. Và nó được chọn để giới thiệu trong tác phẩm “Những kho tàng của di sản ngoại giao” của nước Pháp (Nhà xuất bản Perrin, 2000)…

Phòng khách, nơi ngài Tổng Lãnh sự tiếp các đoàn khách quan trọng, được bày biện theo phong cách cổ điển. Hầu hết tạo tác nghệ thuật tại đây đều là bản mô phỏng, không có nhiều giá trị, nhưng cách bài trí và không gian mở khiến phòng khách trông rất trang nhã. Trong căn phòng này, vật giá trị nhất là bức sơn mài Đám Rước của họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Gia Trí. Có nhiều thông tin cho biết, bức tranh này được một phụ nữ Pháp đã mua tặng Đại sứ quán Pháp (thời ấy) cách đây hơn 60 năm và là một bảo vật quốc gia của Việt Nam. Gần đây, những người Pháp tại Việt Nam đã quyên tiền để phục chế những hư hại của tranh nhưng phải bảo đảm việc không mang bức tranh ra ngoài, không được chụp chi tiết vì sợ bức họa bị làm giả.

Bức sơn mài Đám Rước của họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Trần nhà với các ô trang trí bằng gạch vốn đã bị bịt kín nhiều năm bằng la-phông, gần đây mới được tháo dỡ và giữ nguyên trạng. Chiếc cầu thang xoắn ốc bằng gang có mặt trong tòa nhà ngay từ khi xây dựng năm 1872. Với chất liệu và kiểu dáng như vậy, nhiều người cho rằng đây là chiếc thang của một trong những chiến hạm đã tấn công thành Gia Định (hiện chưa có tài liệu xác tín về việc này).

Tuy đã qua vài lần trùng tu, nhưng với tinh thần tôn tạo và gìn giữ, không gian kiến trúc, diện mạo của dinh thự vẫn giữ đúng theo nguyên bản và có rất ít sửa đổi so với thiết kế gốc. Tòa nhà Tổng lãnh sự có ba cửa ra vào bao quanh bởi các hành lang có mái che. Vì thời ấy không có máy điều hòa nên dọc các hành lang, người ta lắp nhiều cửa sổ để thoáng mát. Có tổng cộng 64 cửa sổ được lắp ở tòa nhà, để tòa nhà luôn lấy được ánh sáng và không khí lưu thông tự nhiên, giúp mang lại sự thoáng mát quanh năm ở xứ sở nhiệt đới có độ ẩm cao.

Tấm bia tưởng niệm tướng sĩ trận vong, được tạo tác năm 1941
Ba tấm bia biểu trưng các đạo Do Thái giáo, Công giáo, Hồi giáo cùng chung sống trong cộng đồng người Việt

Dọc hành lang mặt chính có một bàn đánh bài với những chiếc ghế sơn mài khảm cẩm thạch có hoa văn hình trái tim hoặc hình thoi theo bốn biểu tượng cơ, rô, chuồn, bích. Có chiếc thì chạm song hỷ, đào tiên. Một cầu thang lớn dẫn lên khu vực sinh hoạt gia đình của ngài Tổng lãnh sự. Vị trí của cầu thang được xếp đặt khéo léo giữa các cửa sổ hai tầng. Tại phần chiếu nghỉ có đặt một chiếc đồng hồ quả lắc vỏ gỗ kích thước lớn. Dọc hành lang đặt hai ô kính lưu giữ những vật dụng bằng bạc như bộ đồ ăn, bình đựng nước, ly thủy tinh.

Chữ viết tắt trên đồ bạc thể hiện các thời kỳ khác nhau mà chúng được chế tác. Chữ với vương miện trên đầu thể hiện cho Napoléon Đệ Tam, GG là Toàn Quyền, HC là Tổng Ủy và RF là Cộng hòa Pháp, CGF là viết tắt của Tổng lãnh sự quán Pháp. Phòng chính tổ chức các sự kiện khánh tiết của dinh Tổng lãnh sự.

Trần nhà được trùng tu mới nhất vào năm 2000. Bao quanh phòng khách là các cửa sổ hình vòm lắp kính. Bàn ghế trong phòng này có từ những năm 1950. Trên tường treo nhiều bức tranh nổi tiếng trong đó có bức Vườn Xuân tạo thành từ chín bức rời nhau của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993).

Bức Vườn Xuân

Không chỉ lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị từ thế kỷ 19 ở bên trong tòa nhà, dinh thự này còn có một công viên riêng rộng gần 1.5 ha, là địa điểm của một “hệ sinh thái” mini. Ngoài những cây cổ thụ có tuổi hơn trăm năm, còn nhiều loại khác mang đậm nét văn hóa Việt Nam như cọ, tre, mận, hoa lan, hoa sứ, hoa phượng… Ở khuôn viên, còn có khu bia tưởng niệm tướng sĩ trận vong, được tạo tác vào năm 1941 và ba tấm bia biểu trưng của các đạo Do Thái giáo, Công giáo, Hồi giáo cùng hiện diện, chung sống trong cộng đồng người Việt.

Là tài sản của nước Pháp, tòa nhà Tổng Lãnh sự Pháp như một khu vườn cổ tích tọa lạc ngay trung tâm Sài Gòn, rất đáng được chiêm ngưỡng như một di tích của đất Sài Gòn trăm năm…

Bài và ảnh: Nguyên Quốc / Saigon Nhỏ

Thói hiếu chiến đang giết chết sói lang Trung Quốc

Ảnh: Guang Niu/Getty Images

Hình ảnh ngày càng trở nên “nghèo nàn” của Trung Quốc trên toàn cầu những năm gần đây đang phá hoại các mục tiêu chiến lược mà nước này từng mất vài chục năm để thực hiện.

Ảnh: Feng Li/Getty Images

Bốn năm uy tín tuột dốc không phanh

Từ châu Âu, Bắc Mỹ đến Nam Địa cầu, lòng tin vào Bắc Kinh ngày càng nhanh chóng suy giảm. Trong bốn năm qua, hình ảnh Trung Quốc, vốn được đón nhận tích cực hoặc “tương đối ổn” ở nhiều quốc gia trên thế giới trong hai thập niên trước, đã xấu đi rất nhiều – theo ghi nhận của The Diplomat.

Sự suy giảm này không chỉ xảy ra tại các nền dân chủ hàng đầu như Hoa Kỳ và Nhật Bản, những nước thường có quan hệ trắc trở với Trung Quốc, mà còn xảy ra tại các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và Đông Âu. Trung Quốc có quan hệ tích cực với các quốc gia ở những khu vực này từ thập niên 1990 đến năm 2010. Nhưng nay, hình ảnh và quyền lực mềm của Bắc Kinh đã đi xuống đáy, bất chấp “Sáng kiến ​​Vành đai-Con đường” và việc chi hàng tỷ đôla cho các chiến dịch tuyên truyền; cũng như một loạt nỗ lực ngoại giao văn hóa, trong đó chương trình tham quan Trung Quốc, và học bổng cho sinh viên theo học tại các đại học Trung Quốc.

Mức độ tiêu cực của hình ảnh Trung Quốc trong thế giới hiện nay được đánh giá là “đáng kinh ngạc”. Một khảo sát năm 2021 của Viện nghiên cứu Pew ở 17 quốc gia, trong đó có Mỹ, đã kết luận:

“Quan điểm bất lợi về Trung Quốc đang bằng hoặc gần mức cao trong lịch sử. Đa số các nền kinh tế tiên tiến được khảo sát đều có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc”.

Việc vu khống Mỹ liên quan nguồn gốc coronavirus cũng như chiến dịch “zero-Covid” khiến hình ảnh Trung Quốc đối với thế giới càng trở nên tiêu cực (ảnh: Stringer/Getty Images)

Thói hiếu chiến đang giết chết con sói Trung Quốc

Hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng bắt nguồn từ sự kết hợp của ngoại giao và kinh tế kém, các nỗ lực vận dụng quyền lực mềm thất bại và mối quan hệ ngày càng tăng với Nga, cùng một số yếu tố khác.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chuyển từ ngoại giao “khiêm nhường” từ thời hậu Thiên An Môn của Đặng Tiểu Bình sang ngoại giao hung hăng và tráo trở. Cách tiếp cận ngoại giao kết hợp với việc sử dụng ngày càng nhiều chiến lược o ép kinh tế đối với các quốc gia và các công ty đa quốc gia trong và ngoài nước, đã khiến Trung Quốc bị nhìn như một nước lớn thiếu khôn ngoan.

Một số dấu hiệu về sự hung hăng đã xuất hiện từ năm 2012–13, nhưng chỉ đến thời Tập Cận Bình, chính sách ngoại giao hiếu chiến công khai mới nở rộ. Từ năm 2010, trong cuộc gặp các lãnh đạo Đông Nam Á tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Hà Nội, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đưa ra tín hiệu về cách tiếp cận mới mà Bắc Kinh thực hiện sau này.

Ngoại trưởng Vương Nghị – một “đại sói lang” (ảnh: Kim Min-Hee-Pool/Getty Images)

Phần mình, sau khi củng cố xong quyền lực trong nước, loại bỏ các đối thủ tiềm tàng và chấm dứt cái gọi là “chủ nghĩa độc tài đồng thuận” để chuyển sang “chế độ độc tài một người”; Tập Cận Bình chẳng hề che giấu ý đồ muốn Trung Quốc khôi phục vị thế một cường quốc thống trị khu vực và toàn cầu. Ông Tập công khai cổ vũ dân tộc chủ nghĩa. Với sự dẫn dắt của ông Tập, chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể sau “phát súng thăm dò” của họ Dương.

Dưới thời ông Tập, các nhà ngoại giao ủng hộ đường lối “ngoại giao hung hăng” đều thăng tiến nhanh chóng. Các bộ trưởng và đại sứ giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa và noi gương ông Tập bắt đầu phát tán ra nước ngoài những luận điệu khoa trương, thậm chí hăm dọa.

Năm 2018, như nhà báo Peter Martin ghi lại trong cuốn China’s Civilian Army: The Making of Wolf Warrior Diplomacy, tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở Papua New Guinea, bốn nhà ngoại giao Trung Quốc đã hung hãn xô lính bảo vệ để xộc vào tư dinh Ngoại trưởng Papua New Guinea để gây áp lực và buộc ông thay đổi thông cáo chung của hội nghị, vì trong nội dung có đề cập “các hành vi thương mại quốc tế không công bằng” (ám chỉ Trung Quốc). Họ thành công: Không có thông cáo chung nào được đưa ra!

Đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Ukraine

Trong suốt đại dịch Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine bây giờ, giới ngoại giao Trung Quốc tỏ ra táo tợn hơn khi dùng những ngôn từ “chợ búa” và “phi ngoại giao” để truyền bá sai lệch về nguồn gốc Covid-19, về phản ứng của Hoa Kỳ đối với đại dịch và nhiều chủ đề khác.

Những tháng gần đây, họ lại tích cực lan truyền những thông tin lệch lạc về cuộc chiến Ukraine để tạo ra hình ảnh có lợi cho Nga. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc luôn khẳng định: Nga mới là nạn nhân thực sự! Rõ ràng, họ đã được chỉ đạo bóp méo, dàn dựng để bảo vệ một thế lực độc tài lớn. Vai trò Trung Quốc trong việc tung những thông tin sai lệch trong cuộc chiến Ukraine là rất lớn.

Trung Quốc cũng ngày càng ranh ma trong việc dùng các biện pháp cưỡng bức kinh tế đối với các quốc gia chỉ trích những chính sách đối ngoại và đối nội của họ. Hàng chục quốc gia và công ty đa quốc gia đã trở thành nạn nhân chỉ vì có ý kiến về các vấn đề mà Bắc Kinh coi là “cấm kỵ” – như Đài Loan, Biển Đông, Hong Kong, Tân Cương. Úc là một ví dụ rõ nhất. Sau khi bị Úc đòi mở cuộc điều tra minh bạch về nguồn gốc COVID-19 và bị chính phủ của (cựu) Thủ tướng Scott Morrison chỉ trích vi phạm nhân quyền, Trung Quốc đã trả đũa bằng đánh thuế một loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc, gồm cả lúa mạch, gỗ, than.

Chủ nghĩa độc tài lên ngôi, sự cô lập với thế giới, sự tập trung độc đoán vào việc tái cấu trúc nền kinh tế và theo đuổi chính sách “zero-Covid” của Tập Cận Bình để chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ ba và nắm giữ quyền cai trị suốt đời…, nói chung, đang biến Trung Quốc thành một gương mặt phản diện cần phải xa lánh.

Tan nát quyền lực mềm

Ngoài các chương trình hỗ trợ du lịch đến Trung Quốc, học bổng cho sinh viên nước ngoài, các công cụ quyền lực mềm khác của Trung Quốc cũng đang thất bại, sau khi đạt được thành công tương đối trong ba thập niên 1990, 2000 và 2010. Trong suốt thời gian dài, Bắc Kinh cố hiện đại hóa các cơ quan tin tức lớn như Hệ thống Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Tân Hoa Xã, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI), China Daily… Lấy Đài truyền hình Al Jazeera của Trung Đông làm hình mẫu, hệ thống truyền thông nhà nước Trung Quốc ào ạt thuê nhà báo và phóng viên địa phương tên tuổi từ các hãng truyền thông lớn trên toàn cầu. Bắc Kinh cũng tăng cường sự hiện diện trên Facebook và các mạng xã hội khác.

Sự phát triển quân đội đi kèm với sự kiêu căng ngổ ngáo đã khiến Bắc Kinh trở thành nhân vật phản diện số một trên sân khấu chính trị thế giới (ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Đầu thập niên 2010, có vẻ CGTN sắp trở thành đối thủ đáng sợ của các kênh phương Tây như CNN, BBC (ít nhất là ở các khu vực CGTN tập trung nhiều nguồn lực). Tuy nhiên, ngoài Tân Hoa Xã, công cụ quyền lực mềm chính, hầu hết cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đều không đạt được lượng khán giả cao. Sarah Cook của Freedom House, người nghiên cứu sâu truyền thông Trung Quốc ở Hoa Kỳ, tin rằng số người xem thực tế của CGTN tại Mỹ còn thua xa kênh New Tang Dynasty TV, một đài tiếng Hoa độc lập. Một nghiên cứu toàn diện về CGTN-Español (phát bằng tiếng Tây Ban Nha) của Peilei Ye và Luis A. Albornoz cho thấy lượng khán giả còn thấp. Việc tự kiểm duyệt của CGTN về cuộc chiến Ukraine khiến người xem càng giảm.

Hình ảnh Trung Quốc và lá phiếu cử tri tại các nước dân chủ

Trong các nền dân chủ, từ Cộng hòa Czech, Philippines đến Ý, các chính trị gia không muốn chọc giận cử tri bằng cách xây dựng mối quan hệ chiến lược chặt chẽ với Trung Quốc. Làm thế là tự sát. Lấy ví dụ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người ngay từ đầu nhiệm kỳ đã cố xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh và giảm phụ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên, sự hiếu chiến của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền biển đảo; các thỏa thuận cơ sở hạ tầng lớn bị trì trệ vì Bắc Kinh không bỏ vốn như đã hứa, và sự căm ghét Trung Quốc ngày càng tăng trong công chúng, cuối cùng khiến Duterter phải chùn tay. Nhà phân tích nổi tiếng của Philippines Richard Heydarian cho biết:

“Số người Philippines thích hợp tác hơn là đối đầu Bắc Kinh đã tăng đáng kể từ 43% vào năm 2015 lên đến 67% trong năm 2017. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc đã dẫn đến sự đổi chiều trong dư luận”.

Dĩ nhiên không chỉ ở Philippines. Tại Mỹ chẳng hạn, đố ông nghị nào dám ra tranh cử bằng việc phất cờ ủng hộ Trung Quốc!

Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ