Nhà như resort, có thể ngắm trăng sao buổi tối

ĐỒNG NAI – Dành trọn khu sinh hoạt chung để ngắm trăng sao, ngôi nhà ở TP Biên Hòa của gia đình có 5 thành viên, như một resort thu nhỏ.

Ngôi nhà ở thành phố Biên Hòa là tổ ấm của cặp vợ chồng có ba con nhỏ. Nằm trên mảnh đất 250 m2 nhưng diện tích xây dựng chỉ 80 m2, phần còn lại dành cho sân vườn.

Những cây lớn trong khu đất được giữ lại để làm mát và phủ xanh công trình.

Gia chủ thích sự mộc mạc và giản dị nên kiến trúc sư sử dụng vật liệu chính là gạch trần và bê tông cùng các vật liệu thô, nhằm tạo sự mạch lạc cho không gian và ánh sáng.

Gạch sử dụng trong công trình là gạch đinh đặc ruột, ngoài ý đồ thẩm mỹ còn có thể chống nóng và chống thấm.

Bên trong nhà, kiến trúc sư lấy màu xám của bê tông làm chủ đạo gợi nên nét thô mộc, hướng tới sự đơn giản nhưng mạnh mẽ nên công trình không sử dụng quá nhiều vật liệu màu sắc. Hơn nữa, gạch trần và bê tông theo thời gian sẽ có màu “trầm và cổ kính” hơn.

Màu sắc xanh mát của cây cối, kết hợp với màu gỗ ấm làm điểm nhấn thẩm mỹ cũng như giảm bớt sự buồn tẻ của bê tông trong công trình.

Khu vực sinh hoạt chung là nơi những thành viên trong gia đình cùng nhau đọc sách, trò chuyện. Vì chủ nhà muốn được ngắm trời mây, đặc biệt là trăng sao buổi tối và khi có mưa nên chuyên gia thiết kế đã sử dụng lớp kính cường lực trong suốt bao quanh phòng. Đi kèm lớp kính là hệ rèm che nắng, có thể kéo lại khi cần.

Nhà có vườn, bàn trà và hồ cá Koi bên ngoài, là nơi thư giãn cho gia đình mỗi khi rảnh rỗi.

Zip Housse được hoàn thiện năm 2021, gia chủ không tiết lộ chi phí.

Trang Vy / Thiết kế và xây dựng: Hinzstudio

Truyện ngắn Nguyễn công Hoan : Chiếc quan tài

Chiếc quan tài ấy đặt trên tấm phản, giữa một túp nhà xiêu.

Một người đàn bà, quần áo nâu bạc, ngồi phệt ở bên, úp mặt vào cánh tay khoanh cạnh ván thiên, thỉnh thoảng hé vuông vải nhỏ mới, ghé ra ngoài xỉ mũi xuống nước. Gần đó, một thằng bé con, chỉ mặc một manh áo rách, thò cái gậy tre vừa đẵn, nghịch với những tăm bọt sủi trên mặt lượt bùn.
Bỗng bốn người đóng khố, lực lưỡng, đẩy chiếc mảng chuối áp đến hè, rồi cùng nhau vào, khỏa chân để rửa, nói mấy câu, và đứng lên phản, bắt tay vào cỗ ván.
Họ còng lưng, ưỡn ngực, để khênh cho thăng bằng. Song, họ không thấy nhọc nhằn, vì chiếc áo quan ấy nhẹ quá. Nó bằng gỗ tạp, lỗ chỗ những vết mọt đen, mỏng vừa một đốt ngón tay. Họ chép miệng, phàn nàn với nhau, thương hại anh Cu xấu số, khổ cho đến lúc chết, chết ngay vào độ trời làm vỡ đường.
Mảng chuối chở chiếc quan tài lềnh bềnh theo tay bốn người đẩy ra cổng. Chị Cu trùm khăn lên mặt, khóc thảm thiết. Cứ cả quần áo thế, chị lội bì bõm, đi sau chồng.
Giá không có mảnh vải trắng che mặt, đố người lạ nào bảo chị là người nhà người chết. Và giá không có tiếng khóc, đố ai đoán là ngoài đường có đám ma. Thằng Cu thì chẳng biết gì. Nó thấy người ta ghé lưng, bảo nó ôm cổ để cõng. Nó ngơ ngác làm theo, hình như thích chí vì được đi lội.
Bốn người đẩy mảng, dò từng bước. Đi dưới nước đã chậm, thế mà đường lại trơn. Những bọt nước tóe bắn lên, làm tắt cả hương. Mấy cây nến cắm trên khúc chuối, bị gió, không sao cháy được. Người ta đã nhiều lần thắp lại cả hương lẫn nến, nhưng vẫn tắt như thường.
Xung quanh, làn nước đỏ mênh mông, từ sáng đến bây giờ, mỗi lúc lên một cao. Chị Cu gào mãi nên rát cổ. Chị phải thôi khóc. Và cố bấm đầu ngón chân xuống đất, cho khỏi ngã.
Mực nước chỗ thấp thì đến bẹn, chỗ cao thì đến thắt lưng hoặc đến ngực. Cả làng chỉ còn có mỗi một nơi cao nhất, là khu giữa vườn nhà ông Lý, may quá, chưa bị ngập. Cho nên ngay từ khi anh Cu ngáp cái sau cùng, chị Cu phải kiếm cơi trầu lên xin với chủ đất, để nhờ chỗ chôn chồng. Ông Lý thương hại, vui lòng nhận lời, lại khuyên chị nên đưa ngay anh Cu “ra đồng” kẻo chỉ một giờ nữa, vườn ông cũng tràn nốt. Thật thế, cả làng, hiện nay chỉ có khu vườn ấy là hở. Còn thì từ ngoài đồng cho đến khắp các xóm, chỗ nào cũng những nước là nước. Nói đúng ra, giữa đồng cũng còn vài ba cái gò là còn nổi lên. Nhưng những đường ra đấy, từ khi mới có tin vỡ đê, tuần đã chặt tre rấp ngang lối, vít kín cả lại rồi. Chỉ còn một lỗ con con chui khe luỹ, người ta vẫn đánh trâu qua để thả cho nó bơi đến các gò, đứng nắng và ăn bèo Nhật Bản, thì lối ấy nhỏ quá. Vả trừ trâu ra, ai dám bơi qua những nơi ruộng sâu đến một con sào.
Chiếc mảng lênh bênh độ một lát, thì quàng vào ngõ xóm Trung. Tuy đường hẹp, nhưng lối đi cao dần. Nước đến thắt lưng, sau đến bẹn, rồi sau đến đầu gối. Rồi sau cùng, mảng chuối chịt lại, mắc cạn, không đi được nữa.
Người ta ghé tay bê áo quan. Chị Cu vác vồ cuốc lên vai, đi theo. Nước rẽ qua những cẳng chân đen thủi, kêu rào rào, tóe bọt trắng sang hai bên.
Chị Cu giục mọi người mau tay lên, vì chị lo ngại quá.
Quả nhiên, mới từ nãy đến giờ, nước đã láng gần khắp vườn nhà ông Lý. Chỗ đất vừa đào cách đây độ một giờ đã có những dòng nước ngòng ngoèo bò theo nơi thấp, và rỉ vào, ngập đến lưng huyệt.
Bốn người rảo cẳng, rồi đặt quan tài xuống. Họ nhảy vào hố, hai tay bốc nước, thoăn thoắt tát ra. Nhưng vô ích. Nước ra bao nhiêu, lại vào bấy nhiêu. Mà nước vào lại mạnh hơn nước ra. Tát cũng không kịp.
Bốn người thất vọng, bảo nhau khênh bốn góc cỗ ván. Hai người tiến, hai người lui, rồi cùng đứng ngay ngắn ở hai đầu huyệt. Họ cúi lưng, đưa thấp dần dần tay xuống. Chiếc quan tài hạ từ từ. Cảnh đau đớn làm chị Cu đứt từng khúc ruột. Chị muốn khóc cho hết nước mắt, gào cho hết hơi, để được chôn theo chồng. Nhưng bỗng chiếc quan tài đứng sững lại, không xuống được nữa. Nước ở dưới đội nổi lên. Tiếng khóc im bặt.
Bọn người nhìn nhau lo sợ. Lúng túng. Làm thế nào? Bàn tán hồi lâu, hai người nhảy xuống, đứng ở hai đầu áo quan để lấy sức nặng, thì nó mới chìm được. Nhưng nước vào huyệt đã nhiều, nên khi người ta vừa nhảy xuống, nước ở dưới dềnh lên, tràn qua ván thiên. Quan tài như chiếc thuyền đáy phẳng, nó bập bềnh. Hai người mất thăng bằng, ngã khuỵu, thụt cẳng xuống huyệt.
Cách ấy không được. ỳ ộp, mỗi người nói ra một kế. Chỉ làm sao thắng nổi có mỗi một tí nước, mới chôn được dễ dàng. Chị Cu tưởng tượng đến chồng bị ngâm sũng, chị thút thít, kể lể, thương con người đến chết còn vất vả.
Chẳng mấy chốc, chiếc quan tài vì nhẹ, lại tự nhô lên đến gần mặt đất. Cả huyệt đầy những nước mất rồi. Bây giờ mới là lúc khó khăn. Họ vẫn luẩn quẩn bàn bạc.
Sau hết, ba người phải lấy lưỡi cuốc, hếch kẽ ván cho nước ồ vào thực nhiều và cùng nhau đứng về một đầu cho sức nặng đủ dận được xuống đất. Một người lấy vồ chêm vào thành huyệt, ghì chặt lấy. Một người cuốc đất, và chị Cu khuân vội vàng, vứt xuống hố. Thấy thây chồng đầu cao đầu thấp, chị đau đớn lắm. Nhưng biết làm thế nào?
Họ lèn đất vào thành huyết và áo quan, rồi quẳng những tảng to lên trên. Cho đất đủ sức dìm một đầu quan tài, họ lại đứng sang đầu bên kia. Và cũng làm như trước. Họ thở ì ạch, khó nhọc như một cuộc vật lộn. Khi cỗ ván đã bị chèn chặt hai đầu, họ bèn rủ nhau lên, để hết sức đào đất cho nhanh chóng mà quẳng xuống. Nhưng họ vừa bước chân khỏi, cỗ áo quan đã bềnh lên theo. Song, được cái nó không nổi cao quá. Biết rằng sức phấn đấu có công hiệu, họ huỳnh huỵch làm một lúc nữa thật mau. Chiếc quan tài lần này chịu nằm gí xuống tận đáy huyệt.
Bây giờ họ đã đỡ vất vả. Chỉ còn việc đắp đất lên cho thành nấm mà thôi. ấy thế mà khi ngôi mả đắp vừa xong, nước đã láng vào khắp vườn, không còn hở một chỗ nào nữa.
Những con giun đất màu đen to bằng ngón tay út nổi lềnh bềnh, dập dềnh theo đà sóng, trôi với đám bọt rác.
+ +
Một giờ, lại một giờ. Mực nước lên cao dần, cao trông thấy.
Xung quanh mả anh Cu, có những lá tre khô bám vào. Rồi có bèo Nhật Bản. Rồi có cả bọt rác nữa. Thứ này bám vào chốc lát, rồi bị sóng lôi đi. Thứ kia ôm lấy nhau, nhảy nhót, chạm óc ách vào nấm đất mới đắp. Nước dập dờn liếm mãi vào khe những mảng đất, làm cho nó mủn ra. Rồi nó lở thành những cục con con, lả tả rơi từng tý một.
Độ nửa ngày, nước tràn qua mặt mả.
Gió hiu hiu. Bụi tre cót két như nghiến răng. Những lá vàng rào rào bay xuống, chạy trên mặt nước như thuyền buồm thuận chiều. Lúc nào sóng cũng dập dờn làm ải đất mả đắp dối. Hòn to không mấy chốc thành hòn nhỏ. Hòn nhỏ không mấy chốc bị cuốn đi. Nấm mồ bị vẹt dần. Rồi nó không cao hơn mặt vườn nữa. Rồi chẳng bao lâu, tự nhiên, ở dưới, nhô lên một tầng đất mới.
Tầng đất này cũng mỗi lúc một tý, bị sóng đánh, bị ải, và bị cuốn đi. Rồi hết lượt này đến lượt khác, đất ở dưới cứ nhô lên và cứ bị cuốn đi từng hòn nhỏ cho đến hết. Rồi sau hết, ục một tiếng, cả chiếc quan tài tự nhiên nổi bềnh lên. Nó nghiêng đi, hất tảng đất cuối cùng trên mặt ván trơn bùn như mỡ. Tảng đất rơi tõm xuống nước. Cỗ áo quan tròng trành, rồi đứng yên trên huyệt như chiếc thuyền bị cạn.
Chiếc quan tài nổi theo mực nước lên cao dần. Sóng bập bềnh cứ vỗ mãi vào thành nó như cố đẩy nó đi. Rồi sau, nó không bị vướng gì nữa. Nó quay đầu, lừ lừ theo chiều gió và chiều nước, lênh đênh, lúc trôi ngang, lúc trôi dọc.
Độ nửa ngày, chiếc quan tài đã tự đến góc vườn, cạnh bờ lạch. Đến đây, nước phía ngoài chảy xiết, hút nó bạt ngang vào rặng tre. Nó mắc ở đó. Rồi một bè ngổ bám cạnh nó. Rồi một cụm bèo bám cạnh nó. Rồi cả một mảng vừa ngổ, vừa dừa, vừa bèo. Cả tảng bị nước đẩy ra lạch, nhưng không nổi.
Chiều gió đổi làm nhích dần mọi vật, mỗi lúc một tý. Nhưng cỗ ván gặp cành giong tự nhiên, rúc đầu vào bụi. Rồi lái ngang, hẩy mảng bèo ra cho nó chui qua khe rặng tre và theo dòng lạch trôi nhanh như mũi tên. Rồi một mình chiếc quan tài cựa quậy, như cũng muốn tìm lối ra chỗ rộng. Nhưng nó nặng nề, nên hết xoay dọc lại xoay ngang. Nó tiến rất chậm chạp, vì thỉnh thoảng có gióng tre cản lại.
Nắng gay gắt làm cho khô đất bết trên mặt cỗ ván và cong vênh một phần nắp lên. Cả người nằm trong, trương phềnh ra, cũng hình như không chịu được chỗ quá chật hẹp.
Chiếc quan tài như con thuyền không chủ, bập bềnh, lách theo lũy tre. Lúc nó dừng lại. Lúc nó nhích đi. Lúc nó giúi nghiêng, lại bạt vào bụi. Rồi sau hết, nó tới một chỗ có khe rộng. Tự nhiên, nó lao một cái, thích hai cạnh vào tre hai bên, rồi đâm thẳng ra giữa lạch chảy xiết. Đến đây, nó quay mấy vòng, rồi lừ lừ, nó trôi dọc theo dòng nước…

Sưu tầm Online

Điều làm nên hương vị cho tách cà phê bạn đang uống

Mùi thơm và vị đậm đà của một tách cà phê được tạo nên bởi nhiều yếu tố. Chúng đòi hỏi tâm huyết của con người từ trang trại tới quầy pha chế.

Cà phê đã trở thành thức uống yêu thích của nhiều người. Tùy thuộc vào sở thích và điều kiện cho phép, mỗi người lại có những cách riêng để thưởng thức loại đồ uống hấp dẫn này. Bên trong mỗi tách cà phê có rất nhiều câu chuyện thú vị, chúng được kể một cách tường tận và lý thú qua cuốn sách Thế giới cà phê đỉnh cao.

Câu chuyện từ trang trại

Mỗi ngày, có tới hàng tỷ ly cà phê được tiêu thụ trên toàn thế giới. Thứ chất lỏng màu nâu sánh, với hương thơm quyến rũ này giúp chúng ta xua tan cảm giác mệt mỏi, nhanh chóng lấy lại sự hứng khởi để bắt đầu một ngày mới.

Khi bận rộn, chúng ta chỉ có vài phút để thưởng thức một tách cà phê. Thế nhưng, để có những hạt cà phê đạt chuẩn, người nông dân đã phải miệt mài làm việc suốt chín tháng trời. Hai tác giả Jeremy Torz và Steven Macatonia đã bắt đầu kể câu chuyện về cà phê từ những trang trại xa xôi.

Cuốn sách Thế giới cà phê đỉnh cao của hai tác giả Jeremy Torz và Steven Macatonia. Ảnh: N.N.

The gioi ca phe dinh cao anh 1
Cuốn sách Thế giới cà phê đỉnh cao của hai tác giả Jeremy Torz và Steven Macatonia. Ảnh: N.N.

Người Bồ Đào Nha có câu: “Ở đâu có nắng ấm quanh năm, ở đó có cây cà phê”. Loại cây này ưa thích khí hậu ấm áp của vùng nhiệt đới. Cây cà phê có mặt ở châu Á, châu Phi và một phần của Nam Mỹ. Nó thích hợp với nhiều loại thổ nhưỡng, nhưng nơi đâu là mảnh đất lý tưởng để loại cây tuyệt vời này phát triển?

Vùng núi, nơi có độ cao 1200-2000 m so với mặt nước biển, cùng khí hậu mát mẻ quanh năm là nơi phù hợp nhất để cây cà phê phát triển. Chất lượng của những hạt cà phê được trồng ở vùng núi, cao hơn hẳn cà phê được trồng ở vùng trung du có cùng điều kiện chăm sóc. Nhược điểm của vùng núi cao là địa hình đồi dốc, khiến việc chăm sóc và thu hoạch cà phê gặp nhiều khó khăn.

Thế nên, cà phê trồng trên núi cao có giá thành đắt đỏ hơn cũng là điều dễ hiểu. Ngày nay, có hơn 30 giống cà phê được trồng phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi giống cà phê lại có khả năng chống chịu sâu bệnh khác nhau. Bởi vậy, trong các trang trại trồng cà phê, người ta thường trồng xen nhiều giống cà phê, bằng cách này, sẽ giảm thiểu được tổn thất do sâu bọ và dịch bệnh.

Quá trình thu hoạch quả cà phê chín thường diễn ra trong vòng hai tuần. Cà phê là một thứ quả khá đỏng đảnh, chúng thường chín không đều. Nếu lẫn hạt của những quả cà phê còn xanh, mẻ cà phê rang của bạn sẽ có vị chát và không đạt được độ ngon như mong muốn. Những quả cà phê chín mọng, căng bóng, trông hấp dẫn như trái cherry mới đạt chuẩn để thu hoạch.

Sau đó, những quả cà phê bóng bẩy ấy sẽ trải qua quá trình sơ chế nghiêm ngặt để cho ra đời những hạt cà phê thành phẩm đủ tiêu chuẩn, khi này trong hạt cà phê chỉ còn 12% nước. Do có nhiều giống cà phê cùng được trồng trong một trang trại, nên mẻ hạt cà phê bạn thu được sau khi sơ chế là sự pha trộn giữa các giống cà phê, người ta gọi đó là cà phê đa dòng. Nếu muốn thưởng thức một tách cà phê đơn dòng, bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

Chế biến cà phê là một nghệ thuật

Bạn cho rằng điều gì làm nên hương vị của một tách cà phê? Mùi thơm, vị đậm đà của thức uống màu nâu sánh mà bạn thưởng thức hàng ngày đều do giống cà phê quyết định sao? Phần lớn cà phê mà chúng ta thưởng thức đều là cà phê đa dòng, nên đặc tính sinh học của từng giống cà phê không còn là yếu tố chính để quyết định hương vị.

Kỹ thuật rang mới là thứ làm nên sự hấp dẫn của những hạt cà phê. Quá trình rang cà phê với máy rang công nghiệp thường kéo dài khoảng 15 phút. Để điều chỉnh các yếu tố như: hương thơm, độ đậm, vị đắng và độ axit của hạt cà phê, người ta sẽ thay đổi thời gian và lượng nhiệt sao cho phù hợp.

Loại cà phê được trồng ở vùng núi cao có tỉ trọng lớn hơn, nên thời gian và nhiệt độ trong quá trình rang sẽ khác với cà phê có tỉ trọng thấp được trồng ở vùng trung du.

Nếu rượu vang được ví như “bài thơ trong chai” thì cà phê xứng đáng được gọi là “bản giao hưởng đựng trong tách”. Cũng giống như rượu vang hay trà, cà phê là một thứ đồ uống khá đỏng đảnh. Muốn có một ly cà phê ngon, bạn phải lựa chọn nguồn nước thích hợp để pha cà phê.

Trong sách có nhiều hình minh họa và cách thức pha chế các loại cà phê khác nhau. Ảnh: N.N.

The gioi ca phe dinh cao anh 2
Trong sách có nhiều hình minh họa và cách thức pha chế các loại cà phê khác nhau. Ảnh: N.N.

Những loại nước cứng, chứa nhiều kim loại sẽ ảnh hưởng đến hương vị của cà phê.Theo các chuyên gia về cà phê, nước suối đóng chai là lựa chọn phù hợp để pha cà phê tại nhà. Muốn túi cà phê của bạn giữ trọn hương vị, hãy hạn chế để nó tiếp xúc với không khí, bởi chúng là kẻ thù vô hình của cà phê. Hãy thưởng thức cà phê trong vòng hai tuần kể từ khi mở hộp, sau khoảng thời gian đó, bột cà phê bắt đầu biến chất.

Nhiều người lầm tưởng rằng Espresso là tên của một loại cà phê, nhưng thực ra nó chỉ là tên của một cách pha cà phê mà thôi. Với cách pha này, nước nóng sẽ được chảy qua một dụng cụ nén cà phê ở áp suất cao, sau đó cho ra đời những giọt cà phê nâu sánh đậm đà. Từ những ly cà phê được pha theo “kiểu Espresso” người ta có thể biến tấu ra nhiều cách thưởng thức cà phê khác nhau khi pha thêm các nguyên liệu như: sữa, bọt sữa, kem tươi, đường…

Thế giới cà phê đỉnh cao là một cuốn cẩm nang hữu ích cho những người yêu cà phê. Không chỉ cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức thú vị về quy trình sản xuất cà phê, hai tác giả Jeremy Torz và Steven Macatonia còn mang đến nhiều công thức pha cà phê độc đáo, đầy công phu, để bạn có thể thưởng thức một ly cà phê chuẩn vị như nhà hàng năm sao ngay trong phòng khách nhà mình.

Thụy Anh /Zing

Những tiểu thuyết viễn tưởng đặc sắc trong thế kỷ XXI

Trong thập niên 2000, tiểu thuyết viễn tưởng đã phát triển mạnh, trở nên đa dạng hơn, phản ánh chính xã hội đương đại. Dưới đây là 10 tác phẩm nổi bật của thể loại này.

Bản chất của viễn tưởng là điều không có thực, không thể hoặc gần như không thể xảy ra, một điều phi thường đến mức có thể nhấc bổng người ta khỏi thực tại. Ngoài những thứ phi thực, thế giới viễn tưởng cũng cung cấp những chi tiết dễ nhận diện, những cảm xúc hợp lý, làm ta sẵn sàng phớt lờ lòng hoài nghi.

Các nhà văn từ Tolkien tới Pratchett đã cho thấy truyện viễn tưởng sẽ trở nên đáng tin hơn khi những mô típ và cốt truyện phi thực được truyền tải bằng giọng kể tựa như kể truyện cổ tích, truyền thuyết và thần thoại. Điều đó đã gắn kết văn học viễn tưởng với nền văn hóa châu Âu, với những thần thoại quen thuộc như thần thoại Hy Lạp – La Mã, Bắc Âu…

Tuy nhiên, vào thế kỷ XXI, một làn sóng viễn tưởng mới thách thức sự thống trị của văn hóa châu Âu. Các nhà văn da màu và các nhà văn đến từ nền văn hóa khác nhau sử dụng những câu chuyện thần kỳ để mô tả trải nghiệm cá nhân và quan điểm khó truyền đạt trong những câu chuyện hiện thực.

Một trong những tác dụng của viễn tưởng là nó buộc ta phải xem xét lại các phạm trù thực tế, những chuẩn mực được cho là bình thường. Độc giả dần thấy những chuẩn mực ấy ràng buộc với văn hóa như thế nào. Các câu chuyện ngoài châu Âu vạch ra những ranh giới khác, tái thiết lập quan điểm về những gì “có thể” và gắn nghĩa cho điều “không thể”, đa dạng hóa thế giới viễn tưởng và nền văn hóa trong thực tế.

nhung tac pham vien tuong noi bat anh 1
Ảnh cắt từ video The End of Eating Everything của Wangechi Mutu, chiếu tại triển lãm In the Black Fantastic, phòng trưng bày Hayward, London, cho tới ngày 18/9. Ảnh: Guy Bell/Rex/Shutterstock.
The new moon’s arms (Tạm dịch: Vòng tay trăng non, 2007)

Nhà văn người Caribe, Nalo Hopkinson, nổi tiếng với thế giới khoa học viễn tưởng, nhưng cô cũng khéo léo không kém khi tiếp cận những tưởng tượng gần gũi hơn.

Cuốn sách kỳ diệu này kể câu chuyện của một phụ nữ ngoài 50 và hồi ức tuổi thơ của bà. Tại ngưỡng mãn kinh, bà phải chịu thêm nỗi đau mất cha. Với những biến động tâm sinh lý, bà bỗng có lại khả năng triệu hồi những thứ thất lạc, trong đó, có một cậu bé dạt vào bờ biển ngoài nhà bà.

Cuốn tiểu thuyết khiến người đọc đắm chìm trong trải nghiệm giác quan các chức năng xã hội trên một hòn đảo biệt lập. Hopkinson hướng ngòi bút tập trung vào những biến đổi của một phụ nữ trung niên. Cuốn sách thách thức những kỳ vọng về nhân vật chính của một câu chuyện viễn tưởng.

Who fears death (Tạm dịch: Kẻ sợ chết, 2010)

Tác giả Nnedi Okorafor. Ảnh: Mark Peterman

nhung tac pham vien tuong noi bat anh 2
Tác giả Nnedi Okorafor. Ảnh: Mark Peterman

Như nhiều tác phẩm khác của Nnedi Okorafor, Who fears death dựa trên những trải nghiệm của bà với tư cách là một người nhập cư Nigeria, lắng nghe những câu chuyện từ đại gia đình của mình ở châu Phi.

Nhân vật chính của cuốn sách là Onyesonwu, sinh ra từ một vụ hiếp dâm. Cô bé kế thừa sức mạnh từ hai nguồn huyết thống nhưng không thể hòa nhập vào một xã hội nào.

Đây không phải câu chuyện thông thường về một nhân vật “anh hùng được chọn”. Thế giới Africanfuturism mà tác giả Okorafor kiến tạo trong trang sách này được độc giả đón nhận và được nhiều nhà văn châu Phi thế hệ mới mô phỏng lại.

Redwood and Wildfire (Tạm dịch: Rừng đỏ và Lửa hoang, 2011)

Biên kịch và học giả Andrea Hairston đã khai thác văn hóa dân gian của người Mỹ bản địa và người Mỹ gốc Phi viết câu chuyện cuộc phiêu lưu chống lại nạn phân biệt chủng tộc từ miền Nam Jim Crow tới Chicago.

Phép màu sân khấu trong ngòi bút gợi cảm chống lại bạo lực và đàn áp. Cuốn sách đã chiến thắng Giải thưởng Otherwise (giải thưởng thường niên cho tác phẩm khoa học viễn tưởng tập trung khai thác vấn đề về giới) và Giải Carl Brandon Kindred (giải thưởng danh giá dành cho văn học tiếng Anh xuất bản trong năm, đề cập đến vấn đề sắc tộc).

Alif the Unseen (Tạm dịch: Alif Vô Thị, 2012)

Tác giả G Willow Wilson là một nhà báo ở Cairo từng công tác thực địa tại cuộc nổi dậy mùa xuân Ả Rập đầu thập niên 2010. Tác phẩm đoạt giải World Fantasy này kết hợp khoa học máy tính và chủ nghĩa thần bí Ả Rập, kể câu chuyện sáng rực về tình yêu, sự chênh lệch kinh tế, cuộc phiêu lưu và sức mạnh của phép ẩn dụ.

Trong cuốn sách, Wilson thậm chí còn tự giễu nhại mình trong hình ảnh nhân vật phụ – một phụ nữ người Mỹ theo đạo Hồi, mù tịt về những ma phép quanh mình.

A stranger in Olondria (Tạm dịch: Người lạ ở Olondria, 2013)

Sofia Samatar viết nên những áng văn tuyệt đẹp về chuyến du hành vào một thế giới thứ cấp phức tạp, với những hồn ma, xung đột văn hóa và tầm ảnh hưởng của ngôn ngữ viết tới nền văn hóa truyền miệng. Ngoài ra, tiểu thuyết này còn có dàn nhân vật thú vị và những cuộc phiêu lưu hấp dẫn.

Thế giới tưởng tượng của tiểu thuyết phản ánh sự chìm đắm giữa nhiều nền văn hóa của chính tác giả Samatar – con gái của một người nhập cư Somali và một học giả văn học Ả Rập từng giảng dạy ở Sudan và Ai Cập.

The fifth season (Tạm dịch: Mùa thứ năm, 2015)

Nhà văn NK Jemisin đã thắng mọi giải thưởng (hoàn toàn xứng đáng) cho các tiểu thuyết trong bộ ba viễn tưởng Broken Earth. The fifth season chính là tập đầu tiên của bộ sách.

Câu chuyện đặt bối cảnh ở một tương lai xa, trong một hành tinh khác với Trái Đất của chúng ta, nhưng độc giả có thể thấy rõ mối liên hệ với thực tại. Với những chủ đề như biến đổi khí hậu, môi trường suy thoái, bất bình đẳng sắc tộc và gánh nặng lịch sử, NK Jemisin đã táo bạo sử dụng ngôi kể thứ 2, với một nhân vật phức tạp, đáng ngưỡng mộ nhưng không phải lúc nào cũng dễ gần, khiến cho cuốn sách trở nên lớn hơn cả tổng thể chủ đề được khai thác.

The house of shattered wings (Tạm dịch: Căn nhà gãy cánh, 2015)
nhung tac pham vien tuong noi bat anh 3
Nhà văn Aliette de Bodard. Ảnh: Chloe Vollmer-Lo

Với những khai phá, xen kẽ giữa khoa học viễn tưởng phép thuật giả tưởng, Aliette de Bodard đã giành được những giải thưởng ấn tượng (như Giải Nebula, Giải Locus, và Giải của British Science Fiction Association). Cuốn tiểu thuyết tiên phong cho trào lưu truyện viễn tưởng phong cách gothic.

The house of shattered wings kể câu chuyện của các thiên thần sa ngã và một cuộc chiến đánh sập nửa thành phố Paris, gây ra sự ô nhiễm ma thuật. Sự ô nhiễm này ngấm sâu vào sông Seine, nơi một cộng đồng người An Nam và những con rồng trú ẩn. Tác phẩm phản ánh chính trị đa chủng tộc và thực trạng đa văn hóa của các thành phố châu Âu đương đại.

Black Sun (Tạm dịch: Mặt Trời đen, 2020)

Rebecca Roanhorse thu hút sự chú ý của độc giả thể loại viễn tưởng vào năm 2017 với những tác phẩm truyện ngắn mang tính châm biếm.

Sau đó, cô ra mắt tác phẩm khoa học viễn tưởng đan xen với truyền thuyết Diné đặt trong bối cảnh hậu khải huyền. Black Sun khai phá thể loại viễn tưởng sử thi, đặt giữa những xung đột đảng phái và tôn giáo căng thẳng ở lục địa Meridien.

The water dancer (Tạm dịch: Vũ công dưới nước, 2020)

Trước tác phẩm này, Ta-Nehisi Coates là cây bút chuyên viết sách phi hư cấu. Nhưng Coates cho thấy tài năng của mình khi khéo léo viết nên những trang văn hư cấu tuyệt đẹp. The water dancer lấy bối cảnh trước cuộc nội chiến. Tiểu thuyết theo chân cậu bé Hiram Walker sinh ra trong xiềng xích. Khi mẹ cậu bị bán đi, Hiram bị tước đoạt toàn bộ ký ức về bà, cậu bỗng có được một sức mạnh bí ẩn. Nhiều năm sau, khi Hiram suýt chết đuổi, chính sức mạnh ấy đã cứu cậu. Trải nghiệm cận kề cái chết đã thúc đẩy Hiram tới một kế hoạch táo bạo: trốn khỏi cái nơi mà anh vẫn nghĩ là nhà.

Đây là câu chuyện kịch tính về sự tàn bạo đã gây ra cho nhiều thế hệ con người và cuộc chiến giành lấy sự sống. The water dancer được đánh giá là một tác phẩm siêu việt, hấp dẫn và giàu tính nhân văn.

A master of Djinn (Tạm dịch: Người cai quản Djinn, 2021)

Nhà sử học P Djèlí Clark đã phát triển từ nghiên cứu của mình về lịch sử nước Mỹ, viết nên cuốn sách giả tưởng kỳ diệu này với một dòng lịch sử khác, trong bối cảnh Cairo đầu thế kỷ XX.

Cuốn sách viết về một nữ thám tử đương đầu với những đối tượng siêu nhiên hùng mạnh. Câu chuyện tập trung vào những tương tác giữa các nhân vật hơn là cốt truyện. Thành phố Cairo trong các trang sách là nơi hội tụ, giao thoa giữa Đông và Tây, Nam và Bắc, quá khứ và hiện tại, khoa học và ma thuật, đan gài khéo léo vào những chi tiết về kiến trúc

Minh Hùng / Zing

Đằng sau lá bài Libya bất ngờ của Putin

Thị trường dầu mỏ toàn cầu đã cảm nhận được sức ép từ việc các mỏ dầu Libya ngưng hoạt động do tác động từ lính đánh thuê Nga.

Khi đặc nhiệm của Tập đoàn Wagner, Vladimir Andonov, mật danh “Vakha,” bị giết trong một trận chiến ở miền đông Ukraine vào đầu tháng 6, một binh sĩ Ukraine đã vô tình chấm dứt chuỗi tội ác chiến tranh kéo dài đến tận Libya. Wagner là một mạng lưới lính đánh thuê hoạt động dưới sự kiểm soát của một nhà thầu quân sự tư nhân Nga. Là một người tham gia trò chơi phiêu lưu quân sự gián tiếp của Điện Kremlin, từ Ukraine, đến Syria, đến vùng ngoại ô phía nam Tripoli, thủ đô của Libya, Andonov bị tình nghi có dính líu đến nhiều vụ giết người ngoài tư pháp (extrajudicial killings).

 bài Libya bất ngờ của Putin

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Robert Uniacke, “Libya Could Be Putin’s Trump Card,” Foreign Policy, 08/07/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Thị trường dầu mỏ toàn cầu đã cảm nhận được sức ép từ việc các mỏ dầu Libya ngưng hoạt động do tác động từ lính đánh thuê Nga.

Khi đặc nhiệm của Tập đoàn Wagner, Vladimir Andonov, mật danh “Vakha,” bị giết trong một trận chiến ở miền đông Ukraine vào đầu tháng 6, một binh sĩ Ukraine đã vô tình chấm dứt chuỗi tội ác chiến tranh kéo dài đến tận Libya. Wagner là một mạng lưới lính đánh thuê hoạt động dưới sự kiểm soát của một nhà thầu quân sự tư nhân Nga. Là một người tham gia trò chơi phiêu lưu quân sự gián tiếp của Điện Kremlin, từ Ukraine, đến Syria, đến vùng ngoại ô phía nam Tripoli, thủ đô của Libya, Andonov bị tình nghi có dính líu đến nhiều vụ giết người ngoài tư pháp (extrajudicial killings).

Kể từ khi lực lượng này chính thức tham chiến ở Tripoli vào tháng 09/2019, con số lính đánh thuê Wagner hiện diện ở đây đã tăng lên khoảng 2.000 người, gồm cả lính tác chiến người Nga và lính bổ trợ được tuyển dụng từ Syria. Việc Andonov được tìm thấy ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine, là bằng chứng ủng hộ các báo cáo gần đây, rằng Wagner đã rút bớt lực lượng tại Libya, đưa hàng trăm lính Wagner đến tham chiến trên các chiến trường Ukraine kể từ khi Nga xâm lược hồi tháng 2. Các báo cáo này xuất hiện trong bối cảnh Nga hạ cấp các chiến dịch của lính đánh thuê bán nhà nước (quasi-state) trên toàn cầu, để chuyển những người lính tác chiến như Andonov sang cuộc chiến khó khăn của họ với Ukraine.

Tuy nhiên, việc diễn giải những điều chuyển chiến thuật – ví dụ, quyết định đưa Andonov đến Libya và sau đó quay trở lại Ukraine – như một sự thay đổi quan trọng trong lập trường của Nga về Libya là đã hiểu sai tình hình. Lính Wagner vẫn đang cố thủ bên trong và xung quanh các căn cứ quân sự và cơ sở dầu khí quan trọng ở Libya, làm lính đánh thuê cho Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Khalifa Haftar. Họ là một phần quan trọng trong chiến dịch của Haftar nhằm giành quyền kiểm soát nhà nước Libya khỏi tay chính phủ tại Tripoli. Duy trì sự hiện diện của Wagner ở Libya phù hợp với quyết tâm rộng hơn của Nga: gây áp lực lên các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu nhằm đạt được nhiều kết quả chính trị khác nhau, bằng cách kiểm soát các nguồn năng lượng lân cận và gieo rắc bất ổn trên biên giới của họ.

Người Nga đã tự xây dựng cho mình một lực lượng đánh thuê giá rẻ, có thể dễ bề phủ nhận, những người vừa cần thiết cho sự tồn tại của một nhân vật chủ chốt của Libya, vừa giúp họ gia tăng quyền lực đáng kể ở cửa sau của NATO. Sau cùng, lá bài chiến lược này có thể quan trọng đối với Tổng thống Nga Putin hơn cả những gì ông đang phải trải qua ở Ukraine.

Với trữ lượng dầu mỏ dự đoán vào khoảng 48 tỷ thùng và khí đốt tự nhiên vào khoảng 1.500 tỷ mét khối, Libya là một gã khổng lồ năng lượng tiềm năng nằm ngay ở ngưỡng cửa của châu Âu. Nước này chiếm đến 39% tổng trữ lượng dầu của châu Phi. Năm 2020, họ đã bán 63% lượng hàng xuất khẩu của mình sang châu Âu (chủ yếu là Ý, Tây Ban Nha, và Đức), với sản lượng đạt hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Kể từ năm 2020, Wagner đã chuyển sang ngăn chặn sản lượng xuất khẩu của Libya, cũng như ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào trong tương lai của Liên minh châu Âu để hạn chế sự phụ thuộc năng lượng vào Nga bằng cách khai thác tiềm năng năng lượng của Libya.

Những nỗ lực của Wagner để giúp Haftar chiếm Tripoli, trung tâm chính trị của Libya, đã sụp đổ vào tháng 05/2020 sau sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ. Lính đánh thuê sau đó đã được tái triển khai đến một loạt các cơ sở dầu khí và các căn cứ quân sự gần đó ở cả trung và tây nam Libya. Nhân danh LNA, họ đã thiết lập hàng phòng thủ kiên cố để chống lại các cuộc tấn công từ các lực lượng phía tây Libya và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời củng cố khả năng trấn áp các cơ sở sản xuất và xuất khẩu chiến lược nhất của Libya.

Tháng 07/2020, Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Libya thông báo rằng lực lượng Wagner đã kiểm soát hoàn toàn mỏ dầu Sharara ở tây nam Libya, mỏ lớn nhất của đất nước, với sản lượng 300.000 thùng/ngày. Tập đoàn lính đánh thuê này đang tiếp tục gây thêm khó khăn khi triển khai quân tại nhiều cơ sở dầu khí khác, bao gồm khu phức hợp hóa dầu Ras Lanuf, mỏ dầu Zillah, cảng Es Sider, và cảng Zuetina, nơi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cho biết Wagner đã hạ cánh một máy bay quân sự, sử dụng đường băng của cơ sở cho mục đích quân sự, và chuyển vào các dãy nhà ở của công nhân. Song song với đó, Wagner đã giành được quyền kiểm soát trên thực tế đối với mạng lưới các căn cứ quân sự và không quân trải dài từ Qardabiya gần Sirte đến Brak gần Sabha, đưa các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-24 từ Nga vào, xây dựng các khu đồn trú và công sự rộng lớn ở những khu vực này (có thể nhìn thấy rõ ràng trong ảnh vệ tinh), và thiết lập hệ thống phòng không. Đến đầu năm 2021, Wagner đã nắm giữ vị trí quan trọng có thể can thiệp và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất dầu của Libya ở các mỏ phía tây nam và Lưỡi liềm Dầu (Oil Crescent). Điều này được thể hiện rõ ràng trong vụ chiếm mỏ dầu Sharara vào tháng 07/2020, khi lực lượng Wagner tiến vào khu vực để áp đặt ‘lệnh phong tỏa’ dầu của LNA.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã bày tỏ sự quan tâm muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Libya để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, nhưng sự hiện diện của Wagner đã biến Điện Kremlin thành chướng ngại vật cho mọi tính toán trong tương lai – hoặc chí ít họ cũng có một lá bài để thương lượng trong các cuộc đàm phán. Ngoài khả năng đe dọa sườn phía nam của NATO nhờ triển khai lực lượng đa nhánh – nhất là vì nhiều cơ sở dầu khí được trang bị đường băng và cơ sở hạ tầng thuận tiện cho mục đích quân sự – việc Wagner nắm trong tay dự trữ dầu thô ngọt, có hàm lượng lưu huỳnh thấp đắt giá của Libya đã mang lại cho Điện Kremlin lợi thế chiến lược để bắt ép các ‘khách hàng’ châu Âu. Và lợi thế này đến trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đã bị thắt chặt kể từ cuộc xâm lược vào Ukraine, và châu Âu đang lo lắng về cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt mùa đông sắp xảy ra.

Thị trường dầu mỏ toàn cầu đã cảm nhận được sức ép từ việc các mỏ dầu Libya ngưng hoạt động, khi lính Wagner của LNA tìm cách cản trở khả năng tiếp cận nguồn thu từ dầu của chính phủ Tripoli. Gần đây nhất, kể từ ngày 18/04, lực lượng liên kết với LNA đã buộc đóng cửa các mỏ dầu ở phía tây nam Sharara và El Feel, cũng như các bến cảng tại Zuetina và Marsa al-Brega, trước khi mở rộng đến các đường dẫn dầu Ras Lanuf, Es Sider và mỏ Sarir vào đầu tháng 6. Dựa trên ước tính từ các báo cáo, việc đóng cửa các mỏ này đã khiến sản lượng dầu của Libya sụt giảm, từ khoảng 1,2 triệu thùng/ngày xuống còn 300.000 đến 400.000 thùng/ngày. Dù việc ngừng hoạt động xuất phát từ khủng hoảng chính trị của Libya – tức cuộc đối đầu giữa Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibeh tại Tripoli và Thủ tướng Fathi Bashagha được LNA hậu thuẫn, hiện đang ở Sirte – nhưng có cơ sở để kết luận rằng việc lực lượng Wagner được triển khai xung quanh các cơ sở là bằng chứng cho thấy có sự chấp thuận ngầm khi cuộc phong tỏa kéo dài.

Không nghi ngờ gì nữa, thời gian đang đứng về phía Moscow. Đặc biệt là trong thị trường năng lượng hiện nay, việc sản lượng giảm gần một triệu thùng mỗi ngày sẽ càng làm gia tăng áp lực lên cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu, ngăn chặn một nguồn dầu mỏ và khí đốt thay thế cho các quốc gia đang cân nhắc chuyển hướng khỏi năng lượng của Nga. Ảnh hưởng chính trị của Nga đã hiện rõ trong cuộc đối đầu lần này: Moscow là thủ đô duy nhất chính thức công nhận chính phủ của Bashagha, và khi một bài viết của Bashagha chỉ trích cuộc xâm lược Ukraine xuất hiện trên tờ Times của Vương quốc Anh vào đầu tháng 5, ông đã buộc phải xuống nước và phủ nhận việc mình là tác giả.

Việc đóng cửa các mỏ dầu, ngay cả khi không có sự tham gia trực tiếp của Nga, vẫn sẽ là một lời cảnh tỉnh đối với các quốc gia thành viên NATO lo ngại về sức mạnh chính trị và kinh tế của Nga ở gần biên giới của mình. Hành động này nhấn mạnh rằng, trong những năm gần đây, Điện Kremlin đã nắm bắt cơ hội để trở thành một tác nhân quan trọng trong tiến trình chính trị của Libya. Đan xen vào cấu trúc an ninh LNA, Wagner đang giúp duy trì và đẩy nhanh các xu hướng gây tổn hại đến lợi ích của châu Âu.

Ngoài ra, còn có một điểm nữa được Wagner tận dụng. Đó là việc một số quốc gia châu Âu, chủ yếu là Pháp, coi LNA như một lực lượng giúp duy trì ổn định và một pháo đài chống lại hoạt động khủng bố. Quan điểm này làm xáo trộn khái niệm lợi ích tập thể của châu Âu và đặt ra câu hỏi ở các thủ đô như Paris về việc liệu vai trò của Wagner trong việc ngăn chặn hạt nhân hóa an ninh của Libya có lớn hơn những mối đe dọa mà tập đoàn này gây ra cho NATO hay không. Bằng cách này, việc triển khai lính Wagner ở Libya – một quốc gia nơi xung đột nội bộ đã làm sáng tỏ các lợi ích địa chính trị mâu thuẫn của các quốc gia châu Âu – cũng góp phần làm nổi bật sự chia rẽ giữa các thủ đô châu Âu. Nếu xung đột tại Libya leo thang, ngay cả khi các nước như Anh và Ý lựa chọn ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Wagner, thì bản chất chia rẽ giữa các quốc gia thành viên NATO xoay quanh vấn đề Libya có nghĩa là những nỗ lực ấy sẽ chỉ là chắp vá mà thôi.

Cuối cùng, sự hiện diện của Wagner ở Libya dẫn đến bất ổn thụ động, dù thiếu vắng một cuộc xung đột công khai, và nó thể hiện tầm ảnh hưởng chiến lược của Điện Kremlin tại quốc gia này. Việc hai chính phủ song song xuất hiện một lần nữa vào tháng 3 đã tạo cơ hội cho Wagner tích cực gây bất ổn bằng việc hỗ trợ cho một cuộc tấn công của LNA, nhưng lính Wagner không cần phải trực tiếp chiến đấu thì mới gây ra bất ổn. Chỉ nội sự hiện diện của họ đã là một vấn đề bị chính trị hóa và gây phân cực, làm sâu sắc hơn chia rẽ đông-tây. Hai bên đều đồng thời yêu cầu lính đánh thuê của đối thủ phải rời đi theo khuôn khổ thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 10/2020, nhưng LNA đơn giản chỉ cần nhắc đến sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng lính đánh thuê Syria ở phía tây để dập tắt lập luận này. Trong khi đó, các báo cáo về những hành động tàn bạo của Wagner đối với dân thường trong chiến dịch Tripoli 2019-2020 – bao gồm cả việc đặt mìn sát thương và giết người ngoài tư pháp – càng đổ thêm dầu vào chảo lửa. Đồng thời, Moscow có thể âm thầm sử dụng các hoạt động triển khai tại Libya làm chỗ dựa để xây dựng sức mạnh ở châu Phi, khai thác các lỗ hổng an ninh do các đối thủ châu Âu và Mỹ để lại. Ví dụ, Nga đã sử dụng một căn cứ không quân tại Khadim, gần Benghazi, làm trung tâm hậu cần để trung chuyển nhân viên và thiết bị đến Mali.

Tất nhiên, cũng tồn tại nguy cơ leo thang liên tục, dẫn đến các hành động đối đầu trực tiếp, có thể nhắm vào các mỏ dầu hoặc các khu vực khác mang lợi ích chính trị hoặc kinh tế đối với các đối thủ của Điện Kremlin. Bản chất của mối quan hệ giữa Wagner và LNA là điểm gây tranh cãi chính giữa các nhà quan sát và phân tích: Trong khi một số người cho rằng Haftar đã nắm quyền kiểm soát lực lượng Wagner bằng cách hạn chế việc triển khai của họ, những người khác cho rằng LNA không kiểm soát các lực lượng Nga, dẫn chứng bằng việc Wagner đơn phương rút khỏi Tripoli sau khi Nga đạt được thỏa thuận phòng thủ với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020. Các cuộc trò chuyện với nhân chứng cho thấy quan điểm thứ hai mới là chính xác, lực lượng Wagner hoạt động gần như độc lập với chuỗi chỉ huy LNA.

Một ví dụ được nhiều nhân chứng nêu ra là vào đầu tháng 06/2020, khi pháo binh Wagner bắn vào Wadi Jarif – một thung lũng sông nhỏ ở phía tây Sirte – trong lúc lực lượng Tripoli tiến công dưới sự yểm trợ từ máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi hàng trăm gia đình phải bỏ trốn, một số người dân địa phương đã kiến nghị Ban Chỉ huy Sirte của LNA can thiệp, nhưng các sĩ quan của LNA đã bất lực trong việc ngăn chặn cuộc tấn công dữ dội. Sự kiện cho thấy tính độc lập chiến thuật của Wagner, và đã được chứng thực thêm bởi các báo cáo về việc nhân viên LNA phải xin phép để vào căn cứ của Wagner, và việc một số sĩ quan ủng hộ Haftar quan ngại rằng lực lượng Wagner sẽ không rời đi, ngay cả khi có yêu cầu từ LNA, theo các nguyên tắc của thỏa thuận ngừng bắn tháng 10/2020. Sự độc lập này đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá lập trường của người Nga ở Libya: Thay vì tỏ ra nhún nhường các đồng minh LNA, lính Wagner có quyền lực đáng kể để theo đuổi chương trình nghị sự địa chính trị của Moscow ở Libya.

Quyền tự chủ chiến thuật này cũng khiến cư dân địa phương phản đối sự hiện diện của Wagner. Các nhân chứng được phỏng vấn tại Sirte đều phản đối sự hiện diện của Wagner trong khu vực, đặc biệt là khi các công sự phòng thủ của tổ chức này khiến người dân địa phương không thể về nhà, và bạo lực do Wagner gây ra đã giết chết các thành viên trong gia đình họ, tất cả làm dấy lên sự phẫn nộ trong các bộ lạc địa phương trước sự hiện diện của một lực lượng nước ngoài trên vùng đất của tổ tiên họ. Không chỉ phá hoại mối quan hệ của LNA với cử tri bộ lạc địa phương trong cấu trúc xã hội mong manh của Sirte, động thái này còn đặt ra câu hỏi về việc khi nào sự thất vọng của cư dân địa phương có thể biến thành các hình thức phản kháng tích cực hơn, chống lại sự hiện diện của Wagner. Chẳng hạn, mạng xã hội Libya tràn ngập các tài khoản chống LNA, chia sẻ hình ảnh lính đánh thuê Wagner đang di chuyển trong cộng đồng của họ, một số thậm chí còn chia sẻ tọa độ chính xác của các tòa nhà và địa điểm được cho là có liên quan đến Wagner.

Bên cạnh việc chứng minh những thách thức mà lính Wagner phải đối mặt khi triển khai tại đây, các dấu hiệu phản kháng cục bộ còn cho thấy: Wagner đồng nghĩa với sự can thiệp của nước ngoài, vốn đã làm xói mòn chủ quyền của Libya kể từ năm 2011. Trong giai đoạn hiện nay, sự chia rẽ giữa các quốc gia NATO về chính sách Libya đã giúp thúc đẩy một cuộc xung đột mà người Nga đã khai thác hiệu quả để nâng cao lợi thế chiến lược của mình đối với NATO, mang lại cho Wagner sự kết hợp giữa độc lập chiến thuật và vai trò chính trị ở Libya, mang lại lợi ích cho Điện Kremlin. Trong lúc làm nhiệm vụ tại các căn cứ ở sa mạc Libya, các tay chân của Điện Kremlin như Andonov cũng đang tiếp tục làm tăng sức nóng lên châu Âu.

Robert Uniacke là nhà phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi tại Navanti Group.

Theo Nghiên cứu Quốc tế