Những điểm đến ở Singapore dễ chụp ảnh đẹp

Old Hill – Street Police Station, cầu thang xoắn ốc Fort Canning, dãy nhà Peranakan… là những nơi chụp ảnh đẹp, được các blogger du lịch Việt gợi ý.

Cầu thang xoắn ốc bên trong công viên Fort Canning được xem là hiện tượng trên Instagram thời gian gần đây. Với góc chụp từ dưới lên, hình ảnh giống các bộ phim viễn tưởng. Tâm điểm là cây cổ thụ ở đỉnh hầm dung hoà với lớp gạch đá khô cứng, lạnh lẽo, tạo nên bức ảnh ấn tượng. Để chụp được một bức ảnh tại đây, bạn có thể phải xếp hàng tới 20 phút.

Địa chỉSố 51 Canning Rise. Ảnh: Trung Nghĩa

Old Hill Street Police Station (từng được gọi là Tòa nhà MICA) cao sáu tầng, trước đây là trụ sở của Lực lượng cảnh sát Singapore. Mở cửa năm 1934, đây là tòa nhà chính phủ lớn nhất nước thời điểm đó và được công bố là di tích quốc gia vào tháng 12/1998. Tòa nhà có 927 cửa sổ, được sơn bằng màu sắc sặc sỡ, là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.

Địa chỉ: 140 phố Hill. Ảnh: Đặng Thùy Dương

Dãy nhà Peranakan nằm trên trục đường chính Koon Seng Road của Joo Chiat là gợi ý tiếp theo để có những bức ảnh đẹp. Khu vực Joo Chiat được đặt theo tên của Chew Joo chiat, một địa chủ gốc Trung Quốc giàu có sống vào đầu thế kỷ 20. Khu phố nổi tiếng với các căn shophouse (nhà ở kiêm cửa hàng) cao hai tầng với màu sắc rực rỡ, nằm sát nhau và cùng kiến trúc. Mặt tiền đều được trang trí công phu, nhiều họa tiết với gạch men ốp tường.

Địa chỉ: Joo Chiat nằm ở phía đông đất nước, giữa Geylang Serai và đường Marine Parade. Ảnh: Đặng Thùy Dương

Nhà thờ hồi giáo Sultan Masjid được xây dựng vào năm 1824 cho Sultan Hussein Shah, vị vua Hồi giáo đầu tiên của Singapore. Stamford Raffles, người người coi là cha đẻ của Singapore hiện đại, đã tặng 3.000 USD để xây dựng tòa nhà một tầng với tầng mái đôi này.

Một trăm năm sau, nơi này xuống cấp nên đã được tu sửa lại vào năm 1932. Kiến trúc mà du khách nhìn thấy ngày nay được thiết kế bởi kiến trúc sư Denis Santry, đến từ công ty kiến trúc lâu đời nhất nước.

Địa chỉ: 3 phố Muscat, Kampong Gelam. Ảnh: Đặng Thùy Dương

Một trong những ngôi đền Hindu lâu đời nhất của Singapore là Sri Veeramakaliamman. Đây là nơi dành riêng cho nữ thần chuyên trị cái ác, Sri Veeramakaliamman (hay Kali). Địa danh đặc biệt ở trung tâm khu Tiểu Ấn này có những câu chuyện hấp dẫn để kể về Singapore thời thuộc địa mà du khách có thể khám phá.

Địa chỉ: 141 đường Serangoon. Ảnh: Đặng Thùy Dương

Chùa Răng Phật được xây dựng năm 2007, là điểm nhấn trong khu China Town. Chùa có kiến trúc lấy cảm hứng từ những ngôi chùa thời Đường (Trung Quốc). Ở đây, xá lợi Răng Phật được đặt trong bảo tháp nặng 3.500 kg và được làm từ 320 kg vàng.

Địa chỉ: 288 đường South Bridge. Ảnh: Trung Nghĩa

Nhà Tan Teng Niah là một trong những ngôi nhà nhiều màu sắc nhất ở Singapore, cho du khách cái nhìn chân thực về các tòa biệt thự cũ của ở Singapore. Tòa nhà hai tầng, được xây vào năm 1900.

Địa chỉ: 37 đường Kerbau. Ảnh: Đặng Thùy Dương

Và sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua Gardens by the Bay, biểu tượng nổi tiếng của Singapore được nhiều người Việt biết đến nhất.

Địa chỉ: 18 Marina Gardens Dr. Ảnh: Đặng Thùy Dương.

Phương Anh / Vietnam E xpress

Khách Tây mê mẩn món ăn cực “dị” ở Việt Nam: Không thể tin được, cảm giác thật lạ lùng!

Khách Tây mê mẩn món ăn cực "dị" ở Việt Nam: Không thể tin được, cảm giác thật lạ lùng!
Trứng vịt lộn được “xếp hạng cao” trong danh sách các món cần phải thử của nhiều khách nước ngoài khi tới Việt Nam.

Món phải thử của người “sành ăn”?

Trứng vịt lộn là trứng mà phôi của con vật đã được hình thành một phần. Đây được coi là một nguồn cung cấp protein dồi dào và được trẻ em Việt Nam sử dụng nhiều trong bữa sáng. Trứng vịt lộn thường được ăn với rau răm, lá húng quế và muối ớt chanh.

Khach Tay me man mon an cuc 'di' o Viet Nam

Tờ Lonely Planet cũng đưa ra một gợi ý hết sức thú vị khác rằng, nếu bạn vẫn còn rụt rè chưa muốn ăn thử thì trứng cút lộn có thể là một món thay thế không tệ.

Loại trứng này nhỏ hơn nên dễ ăn hơn. Một cách chế biến rất phổ biến loại trứng này là xào với me – đây là một món ăn thường được mọi người lựa chọn như một món ăn vặt vào buổi chiều.

Trên trang Food&Wine, trong bài viết về 9 món ăn cần phải thử ở Việt Nam, tác giả nói rằng, khi tới Việt Nam, nhiều du khách đã không thể bỏ qua món trứng vịt lộn trong danh sách các món phải thử của mình.

“Hương vị món ăn này thực sự rất lạ. Nó có vị béo ngậy. Món ăn này có khó nuốt không? Phải thành thật, đối với tôi là có và tôi cần tới sự hỗ trợ của muối. Đây chắc hẳn không phải món dành cho tất cả mọi người, nhưng thực sự sẽ không hối tiếc khi được thưởng thức món ăn lạ này”.

Đây là món ăn được ưa chuộng ở không chỉ Việt Nam mà còn ở Philippines và Campuchia.

Mặc dù nó được xếp hạng cao trong danh sách các món ăn phải thử của mọi người sành ăn, nhưng nó cũng khiến không ít người phải e ngại.

Vị cân bằng hoàn hảo

Trang web du lịch có tên Atlas Obscura mô tả về việc bán trứng vịt lộn ở Việt Nam một cách rất phong phú: “Trên các đường phố Việt Nam, thật không khó để nhìn thấy hình ảnh những người bán hàng ngồi trên vỉa hè, trên những chiếc ghế nhựa thấp, bên cạnh có hộp giữ nhiệt, bên trong là cả hộp đầy trứng vịt lộn.

Một người ăn tới và lấy ghế ngồi, người bán hàng lấy nộm đu đủ vào một chiếc bát, tiếp đến là một bát muối tiêu và rau thơm. Cuối cùng, người bán hàng bê ra một quả trứng vịt lộn đặt trên một chiếc cốc nhỏ”.

Khach Tay me man mon an cuc 'di' o Viet Nam-Hinh-2

Người ăn thành thạo lấy một chiếc thìa, gõ nhẹ vào vỏ trứng cho đến khi vỡ, sau đó nhấc phần vỡ đó ra, để lộ ra phần trứng thơm ngon bên trong. Muối chấm, rau thơm và nộm ăn kèm trứng tạo ra một vị cân bằng hoàn hảo.

Trứng vịt lộn hay hột vịt lộn là một món ăn nhẹ và cách ăn mỗi nơi cũng khá khác nhau, trang web giới thiệu về món trứng quen thuộc đối với người Việt Nam và lạ đối với nhiều khách nước ngoài.

Ở miền Bắc, thực khách sẽ được phục vụ trứng bóc sẵn, đặt trong một chiếc bát với rau thơm. Tuy nhiên ở miền Nam, trứng thường được đặt trên một chiếc chén nhỏ.

Một cách ăn rất Việt Nam

Trong video của mình, anh so sánh cách ăn trứng vịt lộn của người Philippines và của Việt Nam: “Ở Philippines, trên trứng sẽ ghi số ngày mà phôi vịt được hình thành. Mọi người chọn quả trứng mà mình muốn rồi tự bóc và cứ thế ăn. Nhưng ở Việt Nam, thường người ta sẽ ăn với muối và đặc biệt luôn có rau răm.

Lúc ăn trứng tôi không chỉ cảm nhận được mỗi vị trứng, đó còn là mùi rau thơm, mùi gừng,… Việc sử dụng rất hợp lý các loại rau thơm nay thực sự là một cách ăn rất Việt Nam”.

Khach Tay me man mon an cuc 'di' o Viet Nam-Hinh-3

Một số hàng bán trứng vịt lộn ở Philippines sẽ ghi số ngày phôi vịt được hình thành ở bên ngoài vỏ trứng.

Bên cạnh trứng vịt lộn, trong ngày trải nghiệm ẩm thực của mình, Sonny còn khá bất ngờ với cách bán hàng ở Việt Nam.

“Người bán đi trên một chiếc xe đạp, chở cả sạp hàng. Họ vừa đi vừa bật loa, giọng đọc từ loa chính là toàn bộ menu của cả sạp hàng đó”. Sonny đã rất hứng thú và thử tất cả đồ ăn tại sạp hàng. Món trứng cút lộn lại chính là thứ khiến vlogger người Mỹ này bất ngờ nhất.

Anh chia sẻ, trước khi tới Việt Nam anh thậm chí còn không biết rằng thứ đồ ăn này tồn tại.“Không thể tin được! Nó giống như trứng vịt lộn, nhưng dễ bóc và dễ ăn hơn vì kích thước nhỏ”.

Khach Tay me man mon an cuc 'di' o Viet Nam-Hinh-4

Món cút lộn khiến khách du lịch bất ngờ

Bên cạnh món trứng luộc truyền thống, Sonny còn nếm thử món trứng vịt lộn xào me. Anh chia sẻ, cảm giác khi ăn rất lạ lùng. Nó chỉ như một món ăn khai vị, nhưng lại có vị đậm, vị cay, chua, ngọt có lạc ăn kèm,.. “Có rất nhiều mùi vị trong món ăn này, điều đó làm tôi khá bối rối”.

Theo Tổ Quốc

16/07/1918: Gia đình Romanov bị hành quyết

Vào ngày này năm 1918, tại Yekaterinburg, Nga, Sa hoàng Nicholas II và gia đình đã bị những người Bolshevik hành quyết, kết thúc triều đại Romanov kéo dài ba thế kỷ.
Đăng quang vào năm 1896, Nicholas không được đào tạo trở thành người cai trị và cũng không mong muốn lên ngôi. Điều đó chẳng giúp ích gì cho chế độ chuyên chế mà ông tìm cách duy trì giữa một dân tộc đang khao khát thay đổi. Kết quả thảm khốc của Chiến tranh Nga-Nhật đã mở đường cho Cách mạng Nga năm 1905, cuộc cách mạng chỉ kết thúc sau khi Nicholas phê chuẩn thành lập một nghị viện mang tính đại diện – tức Duma – và hứa sẽ cải cách hiến pháp.
Tuy nhiên, Sa hoàng đã sớm rút lại những nhượng bộ này, và liên tục giải tán Duma mỗi khi cơ quan này phản đối ông, góp phần vào sự ủng hộ ngày càng tăng của công chúng đối với những người Bolshevik và các nhóm cách mạng khác. Năm 1914, Nicholas đẩy đất nước của mình vào một cuộc chiến tốn kém khác – Thế chiến I – trong đó người Nga đã thiếu sự chuẩn bị cần thiết để giành chiến thắng. Làn sóng bất mãn ngày càng gia tăng khi lương thực trở nên khan hiếm, binh lính trở nên mệt mỏi vì chiến sự, và những thất bại tàn khốc dưới tay Đức chứng tỏ sự kém hiệu quả của nước Nga dưới thời Nicholas.
Tháng 03/1917, cách mạng đã nổ ra trên các đường phố của Petrograd (nay là St. Petersburg) và Nicholas buộc phải thoái vị vào cuối tháng đó. Tháng 11 cùng năm, những người Bolshevik xã hội chủ nghĩa cấp tiến, do Vladimir Lenin lãnh đạo, đã giành chính quyền Nga từ tay chính phủ lâm thời, đi đến quyết định hòa hoãn với Liên minh Trung tâm và chuẩn bị thành lập nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới. Nội chiến nổ ra ở Nga vào tháng 06/1918, và sang tháng 7, lính Bạch Vệ chống Bolshevik đã tiến vào Yekaterinburg, nơi Nicholas và gia đình đang sinh sống, trong một chiến dịch chống lại lực lượng Bolshevik. Chính quyền địa phương nhận lệnh không cho phép giải cứu gia đình Romanov, và sau một cuộc họp bí mật của Xô-viết Yekaterinburg, bản án tử hình đã được tuyên cho gia đình hoàng gia.
Đêm muộn ngày 16/07, Nicholas, Alexandra, 5 người con và 4 người hầu của họ được lệnh phải nhanh chóng mặc quần áo, và đi xuống hầm của ngôi nhà mà họ đang bị giam giữ. Trong căn hầm đó, gia đình hoàng gia và những người hầu được yêu cầu xếp thành hai hàng để chụp một bức ảnh, lấy lý do để dập tắt tin đồn rằng họ đã trốn thoát. Đột nhiên, khoảng một chục người đàn ông có vũ trang xông vào phòng, xả súng bắn thẳng vào gia đình hoàng gia. Những người vẫn còn thở khi khói súng tan sau đó cũng bị đâm chết.
Hài cốt của Nicholas, Alexandra, và ba người con của họ được khai quật trong một khu rừng gần Yekaterinburg vào năm 1991, và được xác định danh tính hai năm sau đó bằng cách sử dụng xét nghiệm DNA. Thái tử Alexei và một người con gái của nhà Romanov vẫn chưa được tìm thấy, làm dấy lên truyền thuyết dai dẳng rằng Anastasia, con gái út của Romanov, đã sống sót sau vụ hành quyết gia đình mình. Trong số những cô “Anastasia” xuất hiện ở châu Âu vào thập niên sau Cách mạng Nga, Anna Anderson, người đã qua đời tại Mỹ năm 1984, là người có vai diễn thuyết phục nhất. Tuy nhiên, vào năm 1994, các nhà khoa học đã sử dụng DNA để chứng minh rằng Anna Anderson không phải là con gái của Sa hoàng, mà là một phụ nữ Ba Lan tên là Franziska Schanzkowska.

===================================

Tro tàn của dòng họ Romanov

Hình: Gia hình hoàng gia Nga cùng các sĩ quan bên ngoài Cung điện Catherine. Nguồn: NYT.

Ngày 17/07/1918, khi lực lượng Bạch Vệ tiến về khu vực do Hồng Quân kiểm soát ở quanh Yekaterinburg, Siberia, 12 lính Bolshevik được vũ trang đã đưa một nhóm 11 người đang bị lưu đày xuống tầng hầm trong căn biệt thự của một thương gia, nơi từng được gọi là Nhà Ipatiev, nay là “Nhà Mục đích Đặc biệt” (House of Special Purpose). Người nhỏ tuổi nhất trong nhóm này, cậu bé ốm yếu 13 tuổi tên là Aleksei, được bế trên tay cha cậu, người đàn ông mà cả gia đình quen gọi là Nicky, còn với tôi, và hàng triệu người Liên Xô khác, là “bạo chúa khát máu” Nicholas II.

Vị Sa hoàng bị lưu đày đã đi cùng với các cô con gái nhỏ, Anastasia, Maria, Tatyana và Olga; vợ ông, Alexandra; và người hầu của họ. Chỉ huy toán lính, Yakov Yurovsky, đọc nhanh những gì được viết trên một tờ giấy: “Cách mạng đang chết dần và các người cũng phải chết cùng nó.” Đêm cứ thế tràn ngập tiếng súng.

Thảm sát nhà Romanov

Đây không phải kết thúc, cũng chẳng phải khởi đầu, cho hoàn cảnh tuyệt vọng của nhà Romanov, triều đại đã cai trị nước Nga trong hơn 300 năm. Vài tuần trước đó, anh trai của Sa hoàng, Michael, người ủng hộ Nicholas thoái vị hồi tháng 03/1917, đã bị bắn chết tại một khu rừng Siberia. Một ngày sau, chị dâu của Nicky, Elizabeth, bề trên trong một dòng tu; em họ Sergei; và các cháu trai Ivan, Constantine, Vladimir và Igor đã bị đánh đập và ném xuống một giếng mỏ ngập nước tại Alapayevsk, gần Yekaterinburg. Từ dưới đáy giếng, sâu khoảng 18m, những người sống sót sau trận tàn sát đã làm bất an những người lính Bolshevik bằng cách hát những bài kinh Chính thống giáo, cho đến khi những tên lính kia ném lựu đạn vào họ. Nhưng kết quả khám nghiệm tử thi sau đó tiết lộ rằng một số thành viên nhà Romanov phải vài ngày sau mới chết.

Đợt hành quyết dòng họ Romanov cuối cùng diễn ra vào năm 1919, tại Pháo đài Thánh Peter và Paul ở Petrograd, nơi mà, sau nhiều tháng bị cầm tù, hai anh họ của Sa hoàng Nicholas, Dmitri và George, cùng chú Paul của ông, đã bị bắn ngay rìa của một ngôi mộ tập thể. Hàng loạt viên chức nước ngoài và những người Nga có tước vị cao quý đã phải nài xin chính phủ Bolshevik để được thả ra. Khi bác bỏ một đơn yêu cầu do nhà văn Maxim Gorky đệ trình thay mặt cho Thái công Nicholas Mikhailovich, Chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Hoàng gia Nga, Vladimir Lenin nói, “Cách mạng không cần các sử gia.”

Người ta ước tính rằng đến năm 1920, trong số 53 người nhà Romanov sống vào thời điểm Bolshevik lên nắm quyền vào tháng 10/1917, chỉ có 35 người còn sống. Họ là những người đã chạy trốn khỏi Nga bằng bất cứ phương tiện nào có thể, hoặc đi bộ, hoặc bằng thuyền. Khoảng một tá người nhà Romanov, bao gồm mẹ của Nicholas, Maria Feodorovna; chị gái Xenia và chồng là Alexandr, đã được di tản khỏi Crimea bằng các tàu chiến được gửi bởi người thân của họ từ hoàng gia Anh, George V. Tại châu Âu, họ hòa vào dòng dân nhập cư Nga đã trốn khỏi đất nước do sự khủng bố của Bolshevik. Không có quốc tịch, phần lớn bị mất quyền lực và bị chấn thương tâm lý nặng nề, người nhà Romanov đã phải học cách sống mà không có đất nước nơi họ đã nắm quyền cai trị suốt ba thế kỷ – đồng thời khóc thương cho những người bị bỏ lại phía sau.

Việc những người sống sót không thể chôn cất người thân đã qua đời càng khiến họ thêm đau đớn. Trong số tất cả những người nhà Romanov bị ám sát, chỉ có một người duy nhất được chôn cất – đó là anh họ của Nicholas, Dimitry. Thi thể của ông được một người hầu lấy cắp khỏi ngôi mộ tập thể và được chôn cất tại sân nhà riêng. Thi thể của những người bị hành quyết tại Alapayevsk được các lực lượng bảo hoàng thu lượm từ giếng mỏ, nhưng sau đó lại bị đưa đi xa hơn về phía đông, trở thành con tin của quân Bạch Vệ đang tháo lui. Những thi thể này sau đó được chôn tại nghĩa trang Nga ở Bắc Kinh, nơi đã bị phá hủy vào năm 1957. Một lớp nhựa đường giờ đây đã bao phủ mộ phần của họ.

Thi thể của gia đình hoàng gia vẫn không được tìm thấy, dù điều tra viên hình sự Nikolai Sokolov đã ra sức tìm kiếm trong thời gian chiếm đóng ngắn ngủi của quân Bạch Vệ tại Yekaterinburg. Theo một lời đồn dai dẳng nhưng không bao giờ được chứng minh, đầu của Sa hoàng và Hoàng hậu không được tìm thấy bởi chúng đã được đem đến cho Lenin như là bằng chứng của việc tiêu diệt gia đình Romanov.

Cho tới khi trút hơi thở cuối cùng, mẹ của Sa hoàng vẫn mong chờ một lá thư từ “đứa con bất hạnh Nicky,” từ chối không chịu tin các tờ báo viết về cái chết của ông. Ngay sau khi đến Paris vào năm 1920, Sokolov, khi ấy cũng là một người lưu vong ở châu Âu, đã cố gắng trao cho người nhà Romanov một chiếc hộp chứa những gì ông cho là bằng chứng mà ông đã tập hợp từ Ganina Yama, một khu mỏ khác ở phía bắc Yekaterinburg, nơi có các thi thể của gia đình hoàng gia bị giết hại. Nhà Romanov đã không chấp nhận lời đề nghị này.

Việc thiếu bằng chứng đã tạo thuận lợi cho phe Bolshevik. Sau khi quyền lực được củng cố, họ đã cố gắng xóa mối liên hệ giữa mình với cuộc đổ máu vốn đã tạo nền tảng cho nhà nước họ đang xây dựng. Vào thập niên 1940, các cuốn sách liên quan đến “những hành động công lý cách mạng” chống lại nhà Romanov đã bị thu hồi. Thông tin cá nhân của chỉ huy vụ hành quyết Sa hoàng, Yurovsky, từng được trưng bày một cách kiêu hãnh trong Bảo tàng Cách mạng Moskva, nay cũng biến mất.

Chậm rãi nhưng chắc chắn, ký ức về dòng họ Romanov đã bị xóa khỏi tâm trí của người dân cả nước. Đến khi tôi lớn lên ở Liên Xô và bắt đầu học lịch sử ở trường vào đầu thập niên 1980, sách giáo khoa hầu như không đề cập đến tên của họ, mà thay vào đó là những thuật ngữ vô nghĩa như “sa hoàng,” “bạo chúa” và “chuyên quyền.”

Tìm kiếm sự thật

Một điểm tương đồng giữa lịch sử và tội phạm là ở đâu đó, sẽ có ai đó luôn đào bới để tìm sự thật. Không rõ chính xác điều gì đã thúc đẩy Geli Ryabov, một nhà làm phim có liên hệ với Bộ Nội vụ Liên Xô, bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình, với sự giúp đỡ của nhà địa chất địa phương, Aleksandr Avdonin, để tìm xác của Sa hoàng bị giết ở một nơi gọi là Pig’s Meadow, cách Ganina Yama một vài dặm. Cũng không biết tại sao sếp của Ryabov, Bộ trưởng Nội vụ Nikolai Shchelokov, người vô tình có liên hệ chặt chẽ với lãnh tụ Liên Xô Leonid Brezhnev, lại ủng hộ Ryabov.

Dù là tại sao thì vào năm 1979, Ryabov cũng đã gửi ba hộp sọ có vết đạn được ngâm trong lưu huỳnh đến Moskva. Tại đó, ông đã cố gắng thuyết phục các linh mục Chính thống giáo giúp chôn cất những gì ông tin là phần còn lại của gia đình Sa hoàng Nicholas, được những kẻ hành quyết đưa đến Pig’s Meadow từ Ganina Yama, sau khi dân làng phát hiện được địa điểm ban đầu. Khi các viên chức nhà thờ từ chối vì lo sợ những hậu quả từ nhà nước vô thần, Ryabov và Avdonin đã trao trả những gì họ tìm được về lại Pig’s Meadow, khắc một câu trong Phúc Âm trên một cây thánh giá được làm tạm bợ và chờ đợi thời điểm thích hợp hơn.

Năm 1989, nhà biên kịch người Nga Edvard Radzinsky cho xuất bản một bài báo bom tấn dựa trên cuốn hồi ký của Yurovsky, trong đó giải thích chi tiết việc hành quyết. Cả đất nước rung chuyển. Tháng 07/1991, sáu tháng trước khi Liên Xô tan rã, một ủy ban do Tổng thống Boris Yeltsin bổ nhiệm để tiến hành điều tra vụ hành quyết đã khai quật được phần còn lại của chín thi thể tại Pig Meadow. Bảy năm sau đó được dành cho nghiên cứu lưu trữ và phân tích pháp y của các chuyên gia Nga và quốc tế, bao gồm việc thu thập DNA và xét nghiệm di truyền các hậu duệ dòng họ Romanov, từ đó giúp xác nhận rằng những thi thể này thuộc về gia đình hoàng gia và những người hầu của họ.

Tám thập niên sau vụ giết hại, chín chiếc quan tài nhỏ với huy hiệu hoàng gia đã được đưa đến “cái nôi của cuộc cách mạng,” mà lúc đó đã lấy lại được cái tên ban đầu, St. Petersburg.

Một trong số 50 người nhà Romanov bay từ khắp nơi trên thế giới về dự lễ tang người thân của họ là ông láng giềng người Mỹ của tôi, Alexei Andreivich, chắt của Xenia và Sandro, những người đã trốn khỏi Crimea trên tàu chiến Anh. Từ Alexei, tôi đã biết được rằng tất cả chú bác, cháu gái và cháu trai của nhà Romanov bị ly tán bởi cuộc cách mạng đã đột nhiên nhận ra nhau trong hành lang khách sạn Astoria ở St. Petersburg.

Ngày hôm đó, trong một bài diễn văn được truyền hình từ Nhà Thờ Thánh Peter và Paul, Tổng thống Yeltsin kêu gọi cả nước cùng chuộc lỗi vì “tội lỗi tập thể” này. Alexei nói với tôi ý nghĩa của việc ông và người thân được chứng kiến những chiếc quan tài phủ cờ cuối cùng cũng được hạ xuống hầm mộ gia đình ở đó.

“Bất kể có thiếu vắng cảm giác gia đình hay không,” ông nói, “tất cả vẫn hợp lại thành một liên kết không thể phá vỡ.”

Những tranh cãi chưa hồi kết

Tuy nhiên, sự vắng mặt đáng chú ý trong đám tang năm 1998 là của các nhà lãnh đạo Nhà thờ Chính thống Nga. Các thầy phó tế, chứ không phải các giám mục, là người đã đọc lời cầu nguyện cho người chết. Lý do khiến nhà thờ giữ khoảng cách là bởi nghi ngờ về tính xác thực của những thi thể này. Cũng vì lý do đó, Maria Romanova, hậu duệ của Sa hoàng Alexander II, nay sống tại Tây Ban Nha, cũng quyết định không đến dự lễ. Tuyên bố của cô về người đứng đầu “Hoàng gia Nga” khiến nhiều thành viên trong gia đình Romanov phật ý.

Một trong số những lý do cho sự hoài nghi của nhà thờ là khác biệt rõ ràng về nơi tìm thấy hài cốt: Cuộc điều tra của Sokolov năm 1918 đã xác định khu giếng mỏ tại Ganina Yama là nơi chôn cất thi thể, tuy nhiên các xác chết cuối cùng lại được tìm thấy tại Pig’s Meadow. Ngoài ra, chỉ có 9 xác chết được tìm thấy, trong khi số người bị hành quyết là 11. Tính xác thực trong câu chuyện của Yurovsky cũng còn nhiều nghi vấn. Hầu hết các chuyên gia Nga và người nước ngoài trực tiếp tham gia vào quá trình này xem những nghi ngờ đó là không chính xác. Boris Nemtsov, chủ tịch Ủy ban Romanov trong giai đoạn cuối cùng, đã thuyết phục nhà thờ không can thiệp vào đám tang.

Năm 2001, phía nhà thờ cho xây dựng một tu viện ở Ganina Yama, không phải ở Pig’s Meadow. Nhưng tranh cãi không kết thúc ở đó. Năm 2007, một nhóm người Mỹ có tên là S.E.A.R.C.H, được thành lập bởi các hậu duệ sau cuộc điều tra của Sokolov, đã phát hiện ra hai thi thể trong một hố khác tại Pig’s Meadow. Mặc dù có nhiều bằng chứng pháp y và DNA, nhà thờ vẫn từ chối thừa nhận những phần còn lại này thuộc về các con của Nicholas là Aleksei và Maria. Suốt nhiều năm, các hộp chứa “tro cốt” và một vài mảnh xương – tất cả những gì còn lại của hai đứa trẻ – đã bị nằm phủ bụi trên kệ trong kho lưu trữ của nước Nga.

Năm 2015, dưới áp lực ngày càng tăng của gia đình Romanov, một ủy ban khác, lần này được Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev thành lập, cuối cùng đã phán quyết rằng những phần còn lại này là của gia đình hoàng gia. Nhưng đám tang, dự kiến vào tháng 10, đã không diễn ra. Thay vào đó, phần thi thể còn lại được bàn giao cho nhà thờ “để kiểm tra thêm.” Bản chất của việc kiểm tra cũng như thời hạn hoàn thành chưa bao giờ được tiết lộ. Phát biểu trước giới lãnh đạo nhà thờ vào năm 2016, nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga, Thượng phụ Kirill, tái khẳng định nghi ngờ của nhà thờ về hành động của Ủy ban Yeltsin-Nemtsov, và ca ngợi quyết định của Tổng thống Vladimir Putin khi khởi động một cuộc điều tra “đầy đủ.” Gia đình Romanov, vẫn luôn bị giữ trong bóng tối, nay lại tiếp tục chờ đợi lời giải thích từ Nga.

Nhưng thời gian không đứng yên. Geli Ryabov đã qua đời. Một số trưởng lão nhà Romanov cũng đã qua đời. Nemtsov thì bị ám sát tại Moskva vào năm 2015. Vậy là vụ án đẫm máu này của lịch sử Nga – từ lâu đã là đối tượng của thuyết âm mưu, bất chấp việc có nhiều nghiên cứu xác thực – đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Một thế kỷ sau Cách mạng Nga, con trai và con gái của Sa hoàng Nicholas vẫn chưa được chôn cất – ngay cả khi xác ướp kẻ thù lớn nhất của nhà Romanov, Lenin, vẫn tiếp tục thu hút du khách ở thủ đô. Lịch sử đôi khi quả thật hài hước!

Anastasia Edel là tác giả cuốn “Russia: Putin’s Playground” – cuốn cẩm nang về lịch sử và văn hoá nước Nga đương đại. Các tiểu mục do Nghiên cứu Quốc tế tự đặt. 

Nguồn: Anastasia Edel, “The Remains of the Romanovs”, The New York Times, 10/07/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trung Quốc: Tên chủ nợ cá mập ranh ma nhất thế giới

Trung Quốc đang siết chặt cổ Lào (trong ảnh là Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm quan hệ Trung Quốc-Lào tổ chức tại Bắc Kinh ngày 21 Tháng Tư 2021 (ảnh: Yue Yuewei/Xinhua/Getty Images)

Loạt bằng chứng mới đều cho thấy các ngân hàng Trung Quốc đã chi hơn gấp đôi số tiền phát triển cho các nước nghèo so với Mỹ và các nước giàu khác, nhưng phần lớn số tiền này không phải viện trợ không hoàn lại mà đến dưới hình thức cho vay nặng lãi ẩn chứa nguy cơ không trả được nợ. Với thủ đoạn tinh vi này, các “nhà hảo tâm Trung Quốc thật sự là “con cá mập cho vay” (loan shark), nói rõ hơn là “kẻ cho vay cắt cổ”.

Cái mồm ngoác rộng của con cá mập

Tổng số tiền Trung Quốc cho các nước ngoài vay đến nay đã gây sửng sốt và nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều chủ nợ khác. Cách đây không lâu Trung Quốc còn phải nhận viện trợ nước ngoài, thậm chí thuộc thế giới đang phát triển được nhận ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế. Nhưng bây giờ tình thế đã xoay chuyển. Với kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ gom được nhờ bóc lột sức lao động của người dân, trả lương không đúng với công việc, chính phủ Trung Quốc đã biết lợi dụng khoản tích lũy để “bắt tiền đẻ ra tiền” và gánh nặng đặt trên vai những nước lỡ “vay dễ” từ Trung Quốc.

Theo phòng nghiên cứu AidData thuộc trường Đại học William & Mary ở tiểu bang Virginia, trong 18 năm qua, Trung Quốc đã cấp vốn hoặc cho vay 13,427 dự án cơ sở hạ tầng với tổng trị giá $843 tỷ tại 165 quốc gia. Phần lớn số tiền này dành cho “sáng kiến” tham vọng “Vành đai và Con đường” (Belt and Road-BRI) của Tập Cận Bình. Từ năm 2013, Trung Quốc đã tận dụng cái gọi là “kinh nghiệm chuyên môn” về cơ sở hạ tầng và nguồn ngoại tệ dồi dào để hợp tác xây dựng các tuyến thương mại toàn cầu mới bằng tiền cho vay và các đóng góp khác. Biểu đồ của AidData cho thấy các khoản cho vay phát triển quốc tế của Trung Quốc đã vượt Mỹ.

Nhiều nhà quan sát tin rằng tiền vay hào phóng nhưng lãi suất cao của Trung Quốc dưới lớp áo “tài trợ phát triển” cho nhiều dự án đang đẩy một số quốc gia vào “bẫy nợ nần”, trong khi tiền vay bị thất thoát do quản lý kém và tham ô, lãng phí. Ngay cả các quan chức chính phủ Trung Quốc cũng bất ngờ về những gì AidData phát hiện trong bốn năm theo dõi tất cả khoản cho vay và chi tiêu toàn cầu của Trung Quốc ở bên ngoài quốc gia.

Những nước đang có các dự án “Vành đai và Con đường” với Trung Quốc (tỉ đôla – tính đến Tháng Chín 2021)
Những quốc gia dính vào bẫy nợ của Trung Quốc, tính theo tỉ trọng GDP – theo khảo sát mới nhất “Global Chinese Official Finance Dataset” của AidData công bố ngày 29 Tháng Chín 2021
Những quốc gia dính vào bẫy nợ của Trung Quốc, tính theo tỉ đôla – theo khảo sát mới nhất “Global Chinese Official Finance Dataset” của AidData công bố ngày 29 Tháng Chín 2021

Bài học từ Lào

Tuyến đường sắt ngoằn ngoèo Yumo nối Trung Quốc và Lào, quốc gia láng giềng, thường được xem là “điển hình về hoạt động cho vay nước ngoài của Trung Quốc”. Trong nhiều thập niên, các chính trị gia luôn nghi ngờ về sự cần thiết của con đường kết nối trực tiếp vùng Tây Nam Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á, trong khi các kỹ sư cảnh báo chi phí sẽ rất lớn vì đường ray sẽ phải chạy qua những đồi núi dốc, qua hàng chục cây cầu và đường hầm. Lào là một trong những quốc gia nghèo ở khu vực và ít dân nên không có khả năng chi trả, dù chỉ một phần nhỏ chi phí cho tuyến đường.

Hiểu mối lo này, các chủ ngân hàng của Trung Quốc nhảy ngay vào với sự hỗ trợ của một nhóm công ty nhà nước và một tập đoàn các chủ nợ quốc doanh. Kết quả là vào Tháng Mười Hai năm nay, tuyến đường sắt $5.9 tỷ sẽ bắt đầu đi vào hoạt động. Đổi lại, Lào đã phải vay $480 triệu của một ngân hàng Trung Quốc để tài trợ cho một phần nhỏ vốn sở hữu của mình và sẽ phải dùng lợi nhuận ít ỏi thu được từ các mỏ quặng kali, để trả nợ đáo hạn. Phần sở hữu lớn còn lại của tuyến đường thuộc về một tập đoàn đường sắt liên doanh do Trung Quốc chi phối với các điều khoản ngầm trong thoả thuận buộc chính phủ Lào phải chịu trách nhiệm cuối cùng về khoản nợ tuyến đường.

Chính các điều khoản ngầm không công bằng này đã khiến các chủ nợ quốc tế hạ bậc “tín nhiệm tín dụng” của Lào xuống mức… “rác” (junk), tức là chẳng có thể vay ai khác, ngoài… Trung Quốc! Tháng Chín, 2020, khi trên bờ vực phá sản, Lào đã phải bán một tài sản lớn cho Trung Quốc. Đó là một phần lưới điện với giá $600 triệu để xóa nợ từ các chủ nợ Trung Quốc. Nhưng tuyến đường sắt của Lào không phải là dự án rủi ro duy nhất được các ngân hàng nhà nước Trung Quốc tài trợ, vì theo AidData, Trung Quốc vẫn là nhà tài trợ chính cho nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Brad Parks nhận định: “Tính bình quân mỗi năm, các cam kết tài trợ phát triển của Trung Quốc lên tới $85 tỷ.

Mánh khóe láu cá

Tháng Năm 2019, trong lễ khai mạc Hội nghị Đối thoại các nền văn minh châu Á tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã cố trấn an các con nợ sau khi bị chỉ trích về ý đồ đằng sau các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước nghèo. Trong quá khứ, khi Trung Quốc còn nghèo, các nước phương Tây từng bị kết tội đưa các nước châu Phi vào cảnh nợ nần chồng chất. Rút kinh nghiệm, lần này Trung Quốc cũng làm như thế nhưng “ranh ma” hơn: Thay vì nhà nước đứng ra viện trợ hoặc cho vay tiền các dự án, hầu như tất cả số tiền đều được trao dưới dạng vay của các ngân hàng nhà nước hoặc tư nhân Trung Quốc và không hiển thị trong tài khoản nợ chính thức của chính phủ.

Các tổ chức chính phủ trung ương thường không có tên trong rất nhiều thương vụ do các ngân hàng Trung Quốc thực hiện. Những thỏa thuận tài trợ cho nước ngoài cũng nằm ngoài bảng cân đối kế toán của chính phủ và được giữ bí mật theo luật bảo mật để không cho bên ngoài biết chính xác nội dung của thỏa thuận được ký sau cánh cửa đóng kín. AidData cho biết số nợ không được báo cáo chính thức đã lên tới $385 tỷ! Nhiều khoản nợ phát triển cho nước ngoài bị buộc tuân thủ các hình thức thế chấp bất thường và chính phủ Trung Quốc không giữ vai trò pháp nhân khi xảy ra tranh tụng.

Một thủ đoạn khác là các khoản vay của Trung Quốc thường yêu cầu bên vay phải hứa trả bằng lợi nhuận ít ỏi từ việc bán tài nguyên thiên nhiên. Chẳng hạn, một thỏa thuận cho Venezuela vay đã yêu cầu nước này gửi thẳng số ngoại tệ kiếm được từ bán dầu vào tài khoản ngân hàng do Trung Quốc kiểm soát. Khi lãi đáo hạn nhưng không trả được, chủ nợ (Trung Quốc) có quyền rút ngay tiền mặt có sẵn trong tài khoản chung. Brad Parks giải thích: Với chiến lược ban phát bánh mì và bơ, Trung Quốc ngầm báo hiệu cho người vay rằng họ mới là ông chủ lớn, với lời cảnh báo: “Các ngài sẽ phải ưu tiên trả nợ cho chúng tôi trước những con nợ khác”.

Phương Tây vào cuộc nhưng quá chậm

Một câu hỏi đặt ra là “Trung Quốc có thông minh không, khi ứng xử ranh ma như thế?”. Anna Gelpern, giáo sư luật Đại học Georgetown, người từng có chân trong nhóm nghiên cứu của AidData hồi đầu năm nay về các hợp đồng cho vay phát triển của Trung Quốc, trả lời: “Chúng tôi có thể kết luận là Trung Quốc đã rất ‘cơ bắp’ và ‘tinh vi’ trong việc thương lượng hợp đồng cho vay với tôn chỉ: Hãy bảo vệ lợi ích của mình trước đã! Các quốc gia khó khăn sẽ có lúc phải dùng một tài sản vật chất có sẵn như rừng, khoáng sản và cảng biển để thanh toán nợ”.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ sớm phải đối mặt với cạnh tranh cho vay quốc tế. Tại một cuộc họp của nhóm G7, Mỹ và các đồng minh thông báo đã thông qua kế hoạch chi tiêu để cạnh tranh với ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, trong đó có cả các khoản tài trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng với tiêu chí: Bền vững về tài chính và môi trường. Nhưng theo nhiều nhà quan sát, kế hoạch có vẻ đã quá muộn!

David Dollar, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings và là cựu đại diện Bộ Tài chính Hoa Kỳ tại Trung Quốc, nhận định: “Tôi không tin các sáng kiến ​​của phương Tây sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược cho vay của Trung Quốc. Ngoài việc số tiền cho vay của G7 không lớn lắm để giải quyết hết các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, các nhà tài chính lớn phương Tây còn có thói quen làm việc rất quan liêu nên sẽ mất thời gian dài mới hoàn tất một thỏa thuận”.

Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ