Nhà ống làm thông tầng xuyên mái

ĐỒNG NAI – Khoảng thông tầng từ lầu một tới mái giúp toàn bộ công trình được đối lưu không khí và đủ ánh sáng tự nhiên.

Căn nhà gồm một trệt, một lửng, hai lầu, diện tích 70 m2 (5 x 14 m) được xây dựng tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Nhà nằm trong khu quy hoạch nên ngoại thất không được thay đổi kèm theo những hạn chế về chỉ giới xây dựng cũng như chiều cao.

Trong khi đó, chủ nhà là người yêu thích thiên nhiên, mong muốn có không gian sống chan hòa tự nhiên. Nhóm thiết kế quyết định bố trí lại không gian trong nhà, thay đổi vị trí thang, bố trí thêm nhiều khoảng thông tầng, cây xanh cũng như sử dụng vật liệu thô mộc để thỏa mãn gia chủ.

Thay cho bức tường nặng nề, kiến trúc sư đã bố trí một kệ sắt đặt giữa nhà làm nơi trưng bày chậu cây xanh trang trí, vừa như một vách ngăn giữa cổng vào và khu sinh hoạt chung.

Cầu thang khung sắt bậc gỗ thay thế cho thang bê tông giúp không gian nhẹ nhàng và thân thiện hơn.

Ngay giữa tầng trệt, kiến trúc sư đặt một hồ cá và cầu gỗ vắt qua giúp cho không gian sống trở nên sống động và gần gũi với thiên nhiên hơn.

Toàn bộ tầng lửng dành cho không gian sinh hoạt chung của gia đình bốn thành viên.

Khu vực này còn được tô điểm bởi cây xanh trồng dưới giếng trời, kèm ánh sáng rọi vào từ tường kính. Việc sử dụng nội thất hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên cũng tạo nên sự mộc mạc, thân thiện.

Điểm đặc biệt của ngôi nhà là khoảng thông tầng xuyên mái từ khu vệ sinh của phòng ngủ master tại lầu một.

Ít nhà phố nào chấp nhận đánh đổi nhiều không gian như vậy cho một khu vệ sinh nhưng hiệu quả đem lại là tăng nguồn sáng đáng kể cho phòng ngủ master. Thông tầng giúp điều hòa luồng không khí và chiếu sáng tự nhiên cho toàn bộ công trình.

Nhà vệ sinh trong phòng ngủ master được thiết kế mở với nhiều cây xanh và ánh sáng tự nhiên mang dáng dấp của một resort. Do tận dụng được ánh sáng và gió nên khu vực này luôn khô ráo.

Gạch kính được sử dụng tại nhà vệ sinh nhằm lấy sáng cũng như tạo điểm nhấn trang trí. Vật liệu này tuy có cấu tạo rỗng nhưng đứng ở bên ngoài không thể nhìn thấy gì bên trong.

Phòng ngủ master ngăn cách với khu vực vệ sinh thông qua tấm kính lớn. Ánh sáng từ khoảng thông tầng dễ dàng tiếp cận không gian này qua vách kính.

Tiếp xúc với thiên nhiên bên ngoài và thông tầng bên trong, các phòng trong nhà đều đối lưu không khí tốt.

Ngôi nhà hoàn thiện năm 2022. Tổng chi phí 2,8 tỷ đồng.

Trang Vy /Thiết kế:Chi.Arch / Thi công: Công ty Chính Nam / Ảnh: Thanh Pham / Vietnam Express

“Đố kỵ”: Một bí ẩn mang tên con người

Sẽ ra sao nếu Dostoevksy cùng Charlie Chaplin và James Joyce hòa nhập làm một? Câu trả lời có lẽ là họ sẽ trở thành Yuri Olesha, nhà văn Nga vĩ đại, “người cuối cùng của thế kỷ [mười chín]” – như ông tự gọi mình.

Olesha từng tấn công Joyce thế này: “Người nghệ sĩ phải nói với con người rằng “Vâng, vâng, vâng”, nhưng Joyce lại nói “Không, không, không”, “Mọi thứ trên Trái đất này đều tồi tệ”. Và vì thế, dù ông ấy thiên tài cỡ nào, tôi cũng không cần ông ấy.” Olesha chỉ trích cách Joyce gọi phô mai là xác của sữa. “Hãy nhìn đi, các đồng chí, kinh khủng làm sao. Nhà văn Tây phương ấy nhìn thấy cái chết của sữa. Ông ta bảo rằng sữa có thể chết.” Với Olesha, đó là cách viết hay, và có lẽ cũng đúng, nhưng ta không cần đến sự đúng đắn ấy. Cái ta cần là một chân lý biện chứng đẹp đẽ, rằng sữa từ bầu ngực của người mẹ chảy sang con, sữa là bất tử.

Thế nhưng, ông đã bắt đầu tiểu thuyết Đố kỵ theo đúng cách mà Joyce đã bắt đầu Ulysses. Nếu như Buck Mulligan của Joyce bước xuống cầu thang với chiếc bát đựng bọt xà bông cùng tấm gương và dao cạo râu thì Andrei Babichev của Olesha cũng xuất hiện đầu tiên khi đang làm vệ sinh buổi sáng, vừa làm vừa hát “ta ra…ta ra”. Và rõ ràng lời buộc tội Joyce của Olesha không chính xác, bởi Ulysses đã kết thúc bằng lời độc thoại nội tâm của Molly Bloom rằng “rồi anh hỏi tôi có đồng ý nói vâng không bông hoa miền núi của tôi và đầu tiên tôi vòng tay quanh anh vâng và kéo anh xuống để anh cảm nhận được ngực tôi mùi nước hoa vâng và trái tim anh sẽ trở nên cuồng dại và vâng tôi nói vâng tôi sẽ vâng.” Còn chính Đố kỵ của Olesha mới kết thúc trong sự hoài nghi tột bực khi Kavalerov nhân vật kể chuyện dù đã nhận ra mình suy vi tới nhường nào, và mình lười biếng và gian dối biết bao, và mặc dù anh đã hiểu tất cả, nhưng rốt cuộc một lần nữa, anh lại thấy mình bước vào sự vô nghĩa, trầm cảm cùng cái hầm tăm tối nơi xuất phát điểm của anh. Ai mới là kẻ sa sút ở đây?

Tiểu thuyết “Đố kỵ” của Yuri Karlovich Olesha (dịch giả Đào Minh Hiệp) do NXB Hội Nhà văn phối hợp với Phanbook xuất bản. nguồn: Netabook

Nước Nga luôn sản sinh ra những nhà văn lớn kiêm bậc thầy tâm lý học, có Dostoevsky, có Nabokov, những cái tên mà độc giả Việt Nam đã quen thuộc, và giờ đây, ta được giới thiệu thêm Yuri Olesha. Nhân vật Kavalerov của ông thiếu tín nhiệm chẳng thua gì Humbert Humbert trong Lolita, còn mối bất hòa của anh ta với thế giới cũng trầm trọng không kém tay công chức mà bên trong “lúc nhúc những yếu tố tương phản nhau” ở Bút ký dưới hầm. Anh ta, sau một trận say xỉn vật vã, được Andrei Babichev, một giám đốc công ty công nghiệp thực phẩm, hình mẫu cho một công dân xuất sắc của xã hội, chìa tay cứu giúp, đưa về nhà sống chung và giao cho một công việc hèn mọn nhưng sạch sẽ. Thay vì cảm thấy biết ơn Andrei Babichev, Kavalerov ghê tởm anh ta, thậm chí muốn ám sát anh ta.

Yuri Olesha đã đặt một ống kính văn chương ở tư thế rất kỳ quặc, kiểu như cách một con bọ hung tức tối nhìn mọi thứ quanh nó. Mọi thứ hiện ra đều bị bẻ cong méo mó, cay nghiệt, tím tái, bị o ép trong cái nỗi sợ rằng bất cứ lúc nào, mình cũng có thể bị những thế lực khác đập cho bẹp rúm. Con bọ hung đó vừa bị thiêu đốt bởi mong muốn được trở thành ngôi sao được thế giới trọng vọng, vừa ngùn ngụt lòng ghen ghét đố kỵ muốn phá hủy cái trật tự thế giới không thừa nhận nó. Nó muốn hòa nhập với thế giới đến mức nó căm ghét thế giới.

Thế nhưng, khi đọc kỹ hơn, ta sẽ cảm thấy có một điều gì không đúng đắn lắm ở Kavalerov. Anh ta hiện ra là một kẻ thất bại toàn tập thì rõ rồi, nhưng anh ta hình như còn là một thi nhân. Nếu không phải là một thi nhân, một nghệ sĩ, làm sao anh ta có thể mô tả thế giới phập phồng sống động đến thế: anh ta thấy mọi món đồ nội thất đều bắt nạt mình, anh ta so sánh máy bay như một con cá nặng nề, những tán lá như một thiên thần, tàu điện như một con dao cắt vào bánh gato – anh ta nhìn ra những mối quan hệ kỳ dị giữa vạn vật, trí tưởng tượng của anh ta thuộc lòng mọi đường tắt xuyên qua những logic vuông vắn thông thường, và đây là những khả năng chỉ có thể có ở một nhà thơ đại tài. Vậy thì điều đó có ý nghĩa gì?

Hãy đọc một trong những đoạn hay nhất mà Olesha đã viết khi Kavalerov được Babichev giao cho mang một thanh giò lụa giá 35 xu tới chỗ chủ một kho hàng. Kavalerov không thể hiểu nổi tại sao một thanh giò tầm thường lại trở thành thành tựu chói lọi đưa Babichev thành một vĩ nhân: “Vậy mà niềm vinh quang trong cái thế giới mới này lại xuất phát từ bàn tay của người thợ làm giò chả để làm ra loại giò chả chất lượng mới. Tôi không hiểu về sự vinh quang đó, rằng nó có ý nghĩa như thế nào? Các sự tích, các tượng đài kỷ niệm và lịch sử không nói gì với tôi về niềm vinh quang như thế.”

Kavalerov đương nhiên không thể hiểu. Anh là một thi nhân. Một thi nhân thì không thể hiểu được thực tế, càng không thể hiểu được thứ nghệ thuật “giò chả” nần nẫn, tròn lẳn, ố vàng những hạt mỡ đang được tuyên truyền rộng khắp, thanh giò đó là ẩn dụ cho thứ điển phạm mới, đỉnh cao mới của nghệ thuật, một “Mona Lisa” của chủ nghĩa Hiện thực Xã hội sắp cập bến. Kavalerov khác với Humbert Humbert ở điểm này. Humbert Humbert là người kể chuyện không đáng tin. Kavalerov bề ngoài cũng bệnh hoạn và không đáng tin, nhưng sự không đáng tin này là một động tác đánh lừa. Cách anh ta nhìn bữa nhậu của tay chủ kho hàng cùng Babichev như một bức tranh vẽ yến tiệc của Tiepolo, một họa sư thế kỷ 18, là cú nốc-ao với nghệ thuật – chiếc xúc xích quyến rũ một cách bí hiểm trong tranh của Tiepolo đại diện cho nghệ thuật như con đường vượt thoát đã bị kéo thẳng xuống mặt đất thành một mớ thịt nạc sáng bóng đại diện cho thứ nghệ thuật vì nhân dân, muôn năm lao động, cổ động sản xuất, một thứ nghệ thuật thiết thực, đúng đắn, không dành cho những quý bà phè phỡn.

Kavalerov phải có vẻ điên rồ thì anh ta mới có thể nói ra sự thật – một sự thật tưởng như luyên thuyên, lệch lạc và không hề đáng tin. Cũng như Olesha phải vờ như sỉ nhục anh ta đến tận cùng nếu muốn để Đố kỵ tồn tại.

Thật phi thường cái cách mà Olesha lèo lái để qua được ải kiểm duyệt gắt gao thời bấy giờ. Một mặt, Olesha lên những diễn đàn lớn tiếng chỉ trích Joyce, một mặt khác, ông chua xót thừa nhận mình không thể viết được nữa vì nếu ông mà viết rằng thời tiết thật xấu, thì người ta sẽ lên án rằng thời tiết như thế là tốt cho cây bông, rồi ông ngợi ca Joyce trong nhật ký riêng tư rằng “Araby là một trong những truyện ngắn hay nhất của văn chương”, và không nghi ngờ gì chuyện ông đã coi Ulysses như một nguồn cảm hứng sáng tác cho mình. Chính ông có lẽ cũng đố kỵ với vị đồng nghiệp người Ireland, rằng Joyce có được tự do để viết ra một thứ văn chương cổ xúy sự tầm thường của con người, quay lén con người trong những giờ phút trần trụi nhất như khi họ ngồi trên bồn cầu vệ sinh mà đi ngoài, nhưng chính trong sự tầm thường ấy ta thấy sự mặc khải, còn ông, phải làm bộ như hùa theo đường lối sáng tác phục vụ cái “chân-thiện-mỹ” bị đóng gói tiêu chuẩn kỹ thuật như một chiếc máy nạo khoai tây.

Cuối cùng, câu hỏi mà ta phải đặt ra là, liệu thế giới nào tốt hơn – thế giới của tất cả những con người như Andrei Babichev, thành đạt, suôn sẻ, hăng say làm việc, luôn làm tròn bổn phận với xã hội, luôn đứng ngoài ánh sáng; hay thế giới của những kẻ sa ngã như Kavalerov, những kẻ biết thương xót và biết căm ghét, những kẻ đi đến tận cùng mọi xúc cảm đẹp nhất như tình yêu nhưng cũng đi đến tận cùng mọi cảm xúc đen tối nhất như đố kỵ và căm giận? Có thật rằng thế giới bằng phẳng sáng sủa của Babichev thì tốt hơn? Có tốt hơn khi con người đốt bỏ căn hầm lắt léo trong tâm tưởng, có tốt hơn khi con người từ bỏ những hỉ nộ ái ố rất người? Hay là, khi từ bỏ sự tầm thường ấy, thì con người cũng đánh mất luôn sự thần thánh của mình, đánh mất bí ẩn sâu thăm thẳm không thể hiểu được, mãi mãi không thể hiểu được, để như chiếc xúc xích của Tiepolo, con người chỉ còn là một mớ thịt nạc bóng loáng và hoàn hảo?

HIỀN TRANG / Báo Tia Sáng

Dân số Trung Quốc “tăng trưởng âm” sớm hơn dự đoán có nghĩa gì?

Tỷ lệ gia tăng dân số ở Trung Quốc Đại Lục liên tục giảm trong 2 năm qua. Các học giả trong và ngoài Trung Quốc dự đoán, tốc độ tăng dân số âm của Trung Quốc sẽ là bước ngoặt lịch sử hàng trăm năm, đồng thời là bước ngoặt về địa chính trị và kinh tế thế giới. 

Tỷ lệ gia tăng dân số ở Trung Quốc Đại Lục liên tục giảm trong 2 năm qua. Các học giả trong và ngoài Trung Quốc dự đoán, tốc độ tăng dân số âm của Trung Quốc sẽ là bước ngoặt lịch sử hàng trăm năm, đồng thời là bước ngoặt về địa chính trị và kinh tế thế giới. 

(Ảnh: Fotokon/Shutterstock)
Dân số nhiều tỉnh ở Trung Quốc tăng trưởng âm
Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, năm 2021 Trung Quốc Đại Lục có 10,62 triệu ca sinh và 10,14 triệu người qua đời, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,034%, mức suy giảm lớn nhất trong 57 năm. Trước đó, dân số sinh ra năm 2020 của Trung Quốc là 12 triệu, năm 2019 là 14,65 triệu.

Đồng thời, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên của nhiều tỉnh tăng trưởng âm như Hắc Long Giang, Cát Lâm, Trùng Khánh, Nội Mông. Ở tỉnh Giang Tô, một khu vực kinh tế phát triển, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên lần đầu tiên chuyển từ dương sang âm, ở mức -1,12‰.

Bà Dương Kha (Yang Ge), phó nghiên cứu viên tại Viện Dân số và Kinh tế Lao động thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng xét về xu hướng, sự gia tăng dân số âm là không thể tránh khỏi.

Trang tin The Paper tại Đại Lục đưa tin, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản giảm là một yếu tố quan trọng dẫn đến giảm số lượng sinh. Từ năm 2016 đến năm 2020, số phụ nữ từ 20 đến 34 tuổi trong thời kỳ sinh sản giảm bình quân 3,4 triệu người/ năm, năm 2021 giảm 4,73 triệu người.

Bà Dương Kha cho biết, dịch bệnh cũng có tác động nhất định đến việc sắp xếp hôn nhân và sinh con của một số người. Trên toàn cầu, tác động của đại dịch đối với tỉ lệ sinh sản nói chung là tiêu cực. Dịch bệnh đã mang đến sự bấp bênh và rủi ro, khiến một số người lựa chọn hoãn hoặc từ bỏ kế hoạch sinh con của mình.

Truyền thông Đại Lục “Tin tức Kinh tế Thế kỷ 21″(21st Century Business Herald) đưa tin, ông Trịnh Bỉnh Văn (Zheng Bingwen), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An sinh Xã hội Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng vào năm 2021, dân số 65 tuổi của Trung Quốc sẽ chiếm hơn 14%, có nghĩa là Trung Quốc đã chính thức bước vào giai đoạn dân số già hóa trong năm nay, dự kiến đến năm 2035 sẽ là giai đoạn dân số siêu già hóa.

Ông Trịnh Bỉnh Văn cũng nói rằng dân số già của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự gia tăng hơn nữa “tỷ lệ chăm sóc“. Tỷ lệ này vào năm 2020 là 17%, dự kiến ​​sẽ tăng lên 25% vào năm 2030, và sẽ vượt quá 43% vào năm 2050, con số này đã vượt qua của hầu hết các nước phát triển. Đến lúc đó, tốc độ già hóa của Trung Quốc là rất nghiêm trọng, trong G7 chỉ có Tây Ban Nha, Đức và Nhật Bản là có tỷ lệ dân số già hóa nghiêm trọng hơn Trung Quốc.

Khi phân tích tác động của già hóa dân số đến tỷ lệ tiết kiệm, ông nói rằng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008, tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc đã giảm xuống và hiện đã giảm khoảng 7 hoặc 8 điểm phần trăm. Sự sụt giảm tỷ lệ tiết kiệm được phản ánh trong việc giảm dần tỷ trọng thu nhập khả dụng, nợ của hộ gia đình tăng cao, chủ yếu ở 3 khía cạnh: vay mua nhà, vay mua ô tô và thẻ tín dụng. Nhiều tổ chức quốc tế dự đoán rằng tỷ lệ nợ hộ gia đình của Trung Quốc là “rất cao”.

Kỷ nguyên “tăng trưởng dân số âm” của Trung Quốc đang tiến nhanh chóng
Vào năm 2022, dân số Trung Quốc Đại Lục có thể bước vào kỷ nguyên “tăng trưởng âm”. Ông Trịnh Bỉnh Văn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An sinh Xã hội Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết cùng tốc độ già hóa dân số ngày càng sâu, ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc cũng rất rõ ràng. Năm nay, dân số có thể tăng trưởng âm, sớm hơn mức tăng dân số âm mà Liên Hợp Quốc dự đoán 10 năm, đây là một chỉ số quan trọng.

Ông Trương Trí Uy (Zhang Zhiwei), nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Những thách thức về nhân khẩu học là điều được biết rõ, nhưng dân số đang già đi nhanh hơn đáng kể so với dự kiến.” Ông ước tính tổng dân số Trung Quốc có khả năng đã đạt đỉnh vào năm 2021.

“Sách xanh về Dân số và Lao động” do Viện Kinh tế Dân số và Lao động thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc phát hành vào đầu năm 2019, đã chỉ ra rằng dân số Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất trong 10 năm, tức là vào năm 2029, và sau đó sẽ có sự tăng trưởng âm.

“Triển vọng dân số thế giới năm 2019” của Liên Hợp Quốc dự đoán rằng tỷ suất sinh của Trung Quốc sẽ là 1,70 vào năm 2021 và 1,75 vào năm 2030, và dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm vào năm 2032. Tỷ suất sinh chung là tỷ số giữa dân số sinh ra và bình quân số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trong cùng thời kỳ.

Cục Điều tra Dân số Mỹ vào năm 2021 dự đoán rằng tỷ suất sinh của Trung Quốc sẽ là 1,50 vào năm 2021 và 1,52 vào năm 2030 và dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm vào năm 2031.

“Kế hoạch Phát triển Dân số Quốc gia (2016-2030)” của Trung Quốc dự đoán rằng tỷ suất sinh sẽ ổn định ở mức 1,8 trong năm 2020-2030 và dân số sẽ chỉ bắt đầu tăng trưởng âm vào năm 2031.

Trong những dự báo này, tốc độ tăng trưởng dân số âm ở Trung Quốc muộn hơn nhiều so với năm 2022.

Ông Dịch Phúc Hiện (Yi Fuxian), một nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin (Mỹ), đã có thời gian dài nghiên cứu các vấn đề dân số của Trung Quốc và đã xuất bản cuốn sách “Tổ trống [không] của nước lớn” (Đại quốc không sào). Ông nói với BBC Tiếng Trung rằng nếu dân số Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng âm vào năm 2022, trước nhiều năm so với dự báo của các cơ quan chức năng Trung Quốc, Liên Hợp Quốc và Cục Điều tra Dân số Mỹ, điều đó có nghĩa là các chính sách của Trung Quốc như chính sách xã hội, kinh tế, quốc phòng, chính sách đối ngoại, v.v, đều xây dựng trên cơ sở dữ liệu dân số sai. Điều này cũng có nghĩa là các chính sách của Mỹ và các nước khác đối với Trung Quốc cũng dựa trên dữ liệu dân số sai.

Ông Dịch Phúc Hiền cho rằng tốc độ tăng dân số âm của Trung Quốc sẽ là bước ngoặt lịch sử hàng trăm năm, đồng thời là bước ngoặt về địa chính trị và kinh tế thế giới.

Theo ông Julian Evans-Pritchard, một chuyên gia về các vấn đề kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, “Trung Quốc có khả năng không thể thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong tương lai gần.”

 Dương Thiên Tư, Vision Times / Trí thức VN

Bàn về tính hưởng thụ của con người

Càng dung dưỡng tính hưởng thụ, nó càng thấy thiếu. Ăn, nó muốn càng lúc càng ngon. Mặc, nó muốn càng lúc càng đẹp…

Bàn về tính hưởng thụ của con người

Mạnh Tử nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Tuân Tử lại bảo ngược lại: “Nhân chi sơ tính bản ác”. Phương Tây thì không khăng khăng như hai ông này.

Họ cho rằng đứa bé sơ sinh chỉ là một thực thể ẩn chứa những gì liên quan, ảnh hưởng đến con người sau này như là thể chất, trí não, nhân cách, năng khiếu bẩm sinh… mà thôi.

Nhưng những diễn tiến xã hội và các tranh luận đạo đức lại thường dẫn đến một lý giải rằng đằng sau cái “nhân chi sơ” đó lại là tính hưởng thụ. Con người sinh ra đã có ngay tính hưởng thụ. Vậy tính hưởng thụ là thiện hay ác?

Trong bụng mẹ, cái bào thai khi mới quãng sáu bảy tháng gì đó đã biết lựa thế nằm cho êm, để đạt được điều đó nó quẫy đạp mẹ nó. Vừa sinh ra, đứa trẻ khó chịu vì phải tự thở, tự vận hành hệ tuần hoàn, được cô mụ phát đít, thông đường thở, đứa bé khóc thét. Được rồi, thở được rồi, sướng quá, nó hưởng thụ nhịp hô hấp khoan khoái. Lớn dần, mỗi khi đói bụng nó khóc, lạnh đít nó cũng khóc, ngứa ngáy nó khóc, thiếu hơi mẹ nó cũng khóc đòi… Và bằng cách đưa ra những phản ứng ấy, nó hầu như luôn đạt được điều mình muốn.

Lớn lên một chút, đứa trẻ ý thức về sự hưởng thụ chứ không còn hưởng thụ theo bản năng. Điều nó muốn mà không đạt được, nó không chỉ khóc suông mà bắt đầu suy nghĩ cách đòi cho hiệu quả. Thấy một đứa trẻ khác được chiều chuộng hơn, sướng hơn, nó biết ghét. Nó bắt đầu có tính ganh đua, đố kỵ. Dần dà lòng tham xuất hiện.

Tính hưởng thụ càng dung dưỡng nó, nó càng thấy thiếu. Ăn, nó muốn càng lúc càng ngon. Mặc, nó muốn càng lúc càng đẹp. Không có những bài học giáo dục phù hợp và kịp thời, xã hội ắt phải chuẩn bị để tiếp nhận một công dân tồi, một kẻ vị kỷ. Tính hưởng thụ đi quá sự thiết yếu của đời sống dẫn đến cái ác, biết dừng trong sự cho phép đó là thiện?

Tiền nhiều ắt sướng, tính hưởng thụ được phát triển tối đa. Điều này lý giải cho việc các quan tham không bao giờ tự dừng được. Tham nhũng một lần trót lọt, run muốn chết, nhưng vẫn cứ muốn thử lần nữa, rồi lần nữa. Phải chăng tính thích hưởng thụ luôn thắng mọi nỗi sợ hãi?

Xã hội không có nền tảng vững vàng về đạo đức, thiếu công tâm và dân chủ, không có biện pháp đủ mạnh để răn đe thì làm sao kiềm chế nổi lòng ham muốn hưởng thụ vô biên của con người? Thêm nữa, nếu thiếu giáo dục thì con người không tự hài lòng với mình về vật chất, họ sẽ tiến tới làm hài lòng mình bằng những hành vi vô đạo.

Biết kiềm chế tính hưởng thụ là nền tảng của đức hạnh. Bản chất của tính hưởng thụ là trung tính nhưng luôn có xu hướng chuyển từ thiện sang ác. Phần lớn sự xấu xa bỉ ổi của cá nhân, sự bất ổn tan vỡ của gia đình đều do tính hưởng thụ đi quá đà và thường khó nhận ra hoặc không muốn nhận ra, bởi con người luôn lấy nhu cầu cuộc sống để biện minh cho tính hưởng thụ quá trớn.

Có thể tạm chia tính hưởng thụ ra làm hai dạng: hưởng thụ tinh thần và hưởng thụ vật chất, tuy ranh giới giữa chúng khá mong manh. Ăn bữa cơm ngon, ở căn nhà sang trọng là hưởng thụ vật chất. Ngắm cái cây đẹp, nghe bài thơ hay, nghe lời nịnh nọt là hưởng thụ tinh thần. Ăn ngon nhưng muốn ăn trong nhà hàng có người phục dịch, ngắm cái cây đẹp trong rừng nhưng muốn đào trốc gốc đem về trồng (cách chơi cây cảnh quái lạ hiện nay), nghe bài thơ hay nhưng muốn nghe từ giọng ngâm mỹ nữ… Đó là sự kết hợp cực đoan giữa hưởng thụ tinh thần và hưởng thụ vật chất, thật đáng ghét và nguy hại biết bao.

Và như vậy, nếu “nhân chi sơ tính hưởng thụ”, hãy tinh tường dõi theo để nhìn thấy sớm cái gốc con người đang chuẩn bị phân nhánh thiện – ác mà uốn nắn, nhắc nhở, cảnh báo…

Theo PHÙNG HI / TUỔI TRẺ ONLINE

Cựu TT Poroschenko: Tuyệt đối không được tin Putin, nhưng cũng đừng sợ ông ta

Trước khi nổ ra chiến tranh, cựu Tổng thống Ukraine Poroshenko từng phát đơn kiện người kế nhiệm Zelensky vì tội phản quốc. Chính ông đã đàm phán Hiệp định Minsk với Putin. Trong cuộc phỏng vấn với WELT, ông nói về việc có thể đạt được thỏa thuận với Tổng thống Nga hay không.

Các nhân viên an ninh trang bị tận răng đang bảo vệ căn phòng nơi Petro Poroschenko – cựu tổng thống Ukraine, thủ lĩnh phe đối lập và là một trong những người giầu nhất Ukraine, tới dự họp. Trong cuộc bầu cử năm 2019, ông đã bị Volodymyr Zelensky đánh bại. Ông từng cho rằng đương kim tổng thống không thật sự kiên quyết chống lại mối đe dọa từ Nga và kiện ông ra tòa về tội phản bội tổ quốc. Sau ngày 24/2 mọi sự đã đổi khác. Poroschenko không muốn đề cập đến Zelensky nữa, theo ông điều quan trọng nhất lúc này là đoàn kết chống ngoại xâm.

Hỏi: Thưa ông Poroschenko, khi chiến tranh bùng nổ, cuộc chiến đấu kiên cường của Ukraine đã làm cho cả thế giới ngạc nhiên. Nhưng bây giờ người Nga đang có tiến triển tốt hơn, đặc biệt là ở mặt trận phía Đông.

Đáp: Đúng vậy, lực lượng vũ trang của chúng tôi đã làm cả thế giới ngạc nhiên. Tôi rất tự hào là Tổng tư lệnh sau năm 2014 và đã xây dựng các đơn vị quân đội này. Putin đã đánh giá thấp chúng tôi và thế giới đã đánh giá quá cao đội quân Nga, được cho là mạnh thứ hai trên thế giới. Ngay cả sự đoàn kết của chúng tôi cũng đã làm mọi người bất ngờ ngay từ những giờ phút đầu tiên của cuộc chiến. Tôi đã gặp Zelensky. Chúng tôi đã nhất trí gác tất cả các bất đồng về chính trị sang một bên cho đến ngày toàn thắng. Và điều ngạc nhiên thứ ba là sự thống nhất và đoàn kết của cả thế giới với Ukraine, đã xuất hiện một liên minh lớn chống Putin.

Hỏi: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố chỉ có người Ukraine mới có quyền quyết định khi nào họ giành được chiến thắng và khi nào cuộc chiến tranh này kết thúc. Điều kiện tối thiểu để đạt thời khắc đó là gì?

Đáp: Kể từ năm 2014, tôi đã đề ra một nguyên tắc: tuyệt đối không đề cập đến Ukraine nếu không có người Ukraine tham gia. Giờ những lời đó giống như những điều răn trong Kinh thánh. Hàng ngày Ukraine đang bị mất đi những thứ quý giá nhất mà đất nước chúng tôi có, đó là những chàng trai và cô gái Ukraine và cơ sở hạ tầng của đất nước chúng tôi. Ukraine đang phải trả một cái giá rất đắt cho mỗi ngày không có hòa bình. Nhưng làm thế nào để có được hòa bình? Chúng tôi cần có ba thứ: đó là vũ khí, vũ khí và nhiều vũ khí hơn nữa. Chúng tôi cần có pháo tầm xa, tên lửa phòng không, xe tăng, máy bay chiến đấu, và bất cứ thứ gì khác có thể giúp chúng tôi đánh đuổi bọn Nga ra khỏi đất nước. Và chúng tôi cần các biện pháp trừng phạt và cấm vận. Gói trừng phạt thứ bảy đặc biệt quan trọng: nó bao gồm phong tỏa hoàn toàn hoạt động xuất khẩu của Nga. Chỉ với những biện pháp như vậy chúng tôi mới có thể mở lại các cảng ở Biển Đen và cứu thế giới khỏi một nạn đói.

Hỏi: Ông có e ngại các nước phương Tây có thể gây sức ép buộc Ukraine phải đi đến thỏa thuận với Nga trước khi Ukraine đạt được các mục tiêu đó không?

Đáp: Điều đó đơn giản là không thể. Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là không thể thương lượng. Ví dụ, người Tây Ban Nha sẽ phản ứng như thế nào nếu họ phải từ bỏ quần đảo Balearic hoặc Canary để có được hòa bình? Hoàn toàn không có chuyện chúng tôi phải trả cái giá như vậy. Tại sao rất khó đạt được một thỏa hiệp với Putin? Bởi vì không có vùng xám, mà chỉ có màu đen và trắng. Và tôi biết rất rõ điều đó vì tôi có nhiều kinh nghiệm đàm phán với ông ta. Đơn giản là không thể đạt được thỏa thuận với ông ta vì điều mà Putin muốn là giết hết chúng tôi. Giống như ông ta đã làm ở Mariupol và Bucha. Chúng tôi không quan tâm đến lãnh thổ Nga hoặc tiền bạc của Nga. Bọn họ phải để chúng tôi yên ở châu Âu và phải rút quân ra khỏi đất nước chúng tôi. Putin muốn xóa sổ một đất nước có lịch sử hàng nghìn năm khỏi bản đồ thế giới. Đây là một sự điên rồ hoàn toàn.

Hỏi: Khi còn là tổng thống Ukraine, ông đã đàm phán với Putin về Hiệp định Minsk. Ông đã rút ra được những bài học gì từ các cuộc thương lượng đó?

Đáp: Điều thứ nhất: Bạn tuyệt đối không bao giờ được tin Putin! Ngay cả khi ông ta nói: “Không, không, chúng tôi sẽ không bao giờ tấn công Ukraine”, nhưng chúng vẫn cứ làm. Và khi Putin nói: “Thôi được, chúng tôi sẽ rút quân”, thì anh cũng chớ có tin ông ta. Sức mạnh, đó là thứ duy nhất mà ông ta hiểu. Ai muốn thương lượng với con người đó, phải có sức mạnh. Điều thứ hai mà tôi đã rút ra được là, không được tỏ ra sợ hãi trước Putin. Ai sợ sệt và tỏ ra yếu ớt thì sẽ thất bại.

Hỏi: Ông tiếp quản chính phủ Ukraine năm 2014, một vài tháng sau khi Crimea bị sáp nhập và bắt đầu cuộc chiến ở Donbass. Khi đó phương Tây có nhận thức được mối đe dọa do Putin gây ra nghiêm trọng như thế nào không?

Đáp: Người ta không thể nhìn các sự kiện của năm 2014 qua con mắt của năm 2022. Hồi đó, khái niệm chiến tranh khiến mọi người khiếp sợ. Tôi đã nói đến chiến tranh và được bảo rằng đó chỉ là một cuộc xung đột nội bộ ở miền đông Ukraine. Nhưng đó thực sự là một cuộc xâm lược. Tôi tự hào vì giờ đây người ta đã phải thừa nhận điều đó.

Hỏi: Vậy cuộc xâm lược của Putin đã dẫn đến sự đoàn kết, nhất trí của người dân Ukraine và cuối cùng dẫn đến việc Ukraine hội nhập với EU?

Đáp: Nếu bạn hỏi tôi có phải nhờ Putin mà Ukraine trở thành một quốc gia ứng cử viên gia nhập EU, hay 75 đến 80% người dân của chúng tôi ủng hộ việc gia nhập NATO, thì câu trả lời là không. Những thành tựu này trước hết là do chính người Ukraine gây dựng nên. Tuy nhiên, sự điên rồ của Putin đã mang lại cho chúng tôi sự đoàn kết toàn cầu và giúp chúng tôi trở lại đại gia đình châu Âu. Tuy nhiên, với một cái giá rất đắt. Đơn xin gia nhập EU đã phải trả bằng xương máu của hàng nghìn, hàng nghìn người Ukraine, những người đã hy sinh mạng sống của họ để thực hiện được bước đi này.

Hỏi: Ông có nghĩ sẽ có cơ hội cho một thỏa thuận để dỡ bỏ phong tỏa cảng Odessa, từ đó giúp cải thiện cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu?

Đáp: Tôi biết chính xác những gì cần phải làm. Cũng như với các du thuyền của các nhà tài phiệt Nga bị bắt giữ ở Barcelona, ​​cần tịch biên tất cả các tàu buôn chuyên chở hàng hóa xuất khẩu của Nga. 80% hàng xuất khẩu của Nga được vận chuyển bằng đường biển. Làm như thế sẽ cắt đứt nguồn cung tài chính cho nước Nga. Châu Âu chi trả hàng năm 250 tỉ đô la để nhập khẩu khí đốt và dầu. Thứ hai, NATO cho tàu chiến của mình hộ tống các tàu buôn hoạt động trong vùng biển Ukraine ra khỏi Odessa. Và thứ ba, nếu chúng tôi có tên lửa chống hạm ở Biển Đen, chúng tôi có thể sử dụng chúng để răn đe người Nga. Hãy nhớ những gì tôi đã nói với bạn trước đó: đừng bao giờ tin Putin, nhưng cũng đừng bao giờ sợ ông ta.

Bài phỏng vấn được đăng lần đầu trên tờ “El Pais”, do Bettina Schneider dịch từ tiếng Tây Ban Nha.

Nguồn: Ex-Präsident Poroschenko: „Trauen Sie Putin niemals, haben Sie aber auch nie Angst vor ihm“, WELT, 29/06/2022.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài / Nghiên cứu Quốc Tế