Bắc Giang và những điểm đến ít người biết

Đến Bắc Giang, du khách có thể thăm thành cổ Xương Giang, chùa Bổ Đà, bản Bắc Hoa hay lễ hội vật cầu nước làng Vân.

Trần Văn Tuấn, sinh năm 1989, sống tại xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng, đã chụp bộ ảnh quê hương Bắc Giang. Anh Tuấn chia sẻ Bắc Giang là mảnh đất di sản với địa hình đa dạng, phong cảnh hữu tình, những làng nghề truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể, những lễ hội độc đáo có một không hai. Nhiều người biết tới vải thiều Lục Ngạn ở Bắc Giang, nhưng vùng đất này còn những làn điệu dân ca quan họ cổ của vùng Kinh Bắc, hát then hay những đặc sản như rượu làng Vân, bánh đa Thổ Hà, bánh đa Kế, những ngôi chùa, di tích…

Bức ảnh “Mùa lúa chín” chụp tại miền núi xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam, có dãy Huyền Đinh, sông Lục Nam chảy qua.

Ẩn hiện dưới các tán cổ thụ là quần thể di tích chùa Bổ Đà. Ngôi chùa là một trong các đại danh lam cổ tự thuộc dòng thiền Lâm Tế. Khu di tích chùa Bổ Đà bao gồm chùa chính Tứ Ân Tự, am Tam Đức, chùa Cao, ao Miếu. Khuôn viên chùa còn có khu vườn tháp được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam, nơi yên nghỉ của hơn 2.000 vị tăng ni.

Bản Bắc Hoa, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Nùng, vẫn giữ được nét đặc trưng nhà trình tường, mái ngói âm dương từ xa xưa thuộc xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, cách TP Bắc Giang hơn 100 km. Đến Bắc Hoa, du khách sẽ được thưởng thức làn điệu dân ca Soong Hao, vị ngon của bánh vắt vai.

Tác phẩm “Vật cầu bùn làng Vân” đoạt giải nhất cuộc thi ảnh đẹp du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2019. Lễ hội Vật cầu nước làng Vân được tổ chức 4 năm một lần (hoặc 2 năm một lần do lệ làng họp) tại đền thờ Thánh Tam Giang, ở thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên.

Hội vật cầu được tổ chức như hội mừng chiến thắng, tôn vinh vị thần bảo hộ của làng trong truyền thuyết, và cầu cho mùa màng bội thu. Năm 2022, lễ hội thu hút hàng nghìn người đến cổ vũ. Lễ hội này được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 5, gắn với tín ngưỡng thờ thần Mặt trời.

Bắc Giang là một vùng đất di sản, ngoài các nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Bắc Bộ, nơi đây vẫn còn giữ được nhưng nét đẹp bình dị của những bụi tre làng, những ngôi nhà cổ kính, điển hình tại làng Sấu thuộc xã Liên Chung (xưa là Chung Sơn), huyện Tân Yên. Làng Sấu đậm chất nông thôn Bắc Bộ, ngôi làng hiện nay chưa bị tác động của đô thị hóa, du lịch hóa, đáng để du khách ghé thăm.

Toàn cảnh khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử vào lễ hội xuân 2022, với khu quảng trường chính diện. Bên cạnh giá trị lịch sử, Tây Yên Tử còn là vùng đất núi non hùng vĩ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp nên từ xa xưa, nơi đây đã được các vị vua thời Lý, Trần chọn là nơi dựng chùa, tu tâm, học đạo.

Khu du lịch này thuộc thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Đông có tổng diện tích 13,8 ha, có cụm chùa độc lập, gồm chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung và chùa Thượng (chùa Kim Quy), các điểm chùa có độ cao từ 145 m đến gần 1.000 m, kết nối với chùa Đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử. Du khách có thể đi cáp treo từ chùa Hạ lên chùa Thượng và đi bộ men theo đường núi để lên chùa Đồng.

Hồ Cấm Sơn, hồ nước ngọt tự nhiên lớn trải dài trên nhiều xã của huyện Lục Ngạn, Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn, rộng khoảng 2.600 ha. Đến hồ Cấm Sơn, du khách được hòa mình vào thiên nhiên, không khí trong lành và làn nước xanh trong. Hồ Cấm Sơn còn là nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác ca khúc Hồ trên núi nổi tiếng.

Với vị trí địa lý có tiềm năng lớn, khí hậu đặc trưng, ít thiên tai, Bắc Giang có đặc sản vải thiều. Hiện vải thiều được xem là niềm tự hào của Việt Nam, sản lượng vải năm 2022 ước đạt 180.000 tấn, “quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày”, làm nên thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước.

Lục Ngạn không chỉ có vải thiều trứ danh mà còn có đặc sản mì chũ tại HTX mì chũ Dậu Anh, thuộc xã Nam Dương. Dây chuyền sản xuất mì có nhiều công đoạn, trong đó phơi mì màu (ảnh), đa dạng với nhiều mẫu mã đẹp, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Mì chũ không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn xuất khẩu.

Cây gạo cạnh miếu Bà Cô Yên Dũng (thường gọi là cây gạo Lãng Sơn) thuộc thôn Tân Mỹ, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận là cây cổ thụ có giá trị lịch sử – văn hóa vào tháng 2/2021. Mỗi tháng 3, du khách, các nhiếp ảnh gia đặt chân đến đây sẽ được đắm chìm vào sắc đỏ của hoa gạo và khung cảnh nên thơ xung quanh. Cây gạo này đã tồn tại hơn 100 năm, cao 27,5 m, diện tích phủ tán 120 m2, đường kính thân cây 2,4 m.

Khu di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang lung linh về đêm thuộc phường Xương Giang, TP Bắc Giang. Công trình được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 2009, di tích quốc gia đặc biệt năm 2019.

Năm 2020, UBND tỉnh công nhận địa điểm Chiến thắng Xương Giang là điểm du lịch có ý nghĩa lớn đối với cả nước và mảnh đất Bắc Giang giàu truyền thống. Trung tâm quần thể di tích là công trình đền Xương Giang có diện tích 1,3 ha, được xây mới vào năm 2012 trên nền dấu tích thành cổ Xương Giang xưa. Thành cổ là nơi gắn liền với tên tuổi của chủ tướng Lê Lợi và quân sư Nguyễn Trãi cùng các vị tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy tham gia trận đánh Xương Giang chiến thắng năm 1427.

Anh Trần Văn Tuấn, tác giả bộ ảnh, gặt hái được một số giải thưởng như Giải thưởng quốc gia cuộc thi Sony World Photography Awards năm 2020, triển lãm tại cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam năm 2019… Trong ảnh anh check-in mùa hoa ban nở tháng 3 tại xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, Bắc Giang.

“Tôi muốn ngày càng nhiều người xem biết đến nét đẹp phong cảnh, cuộc sống, văn hóa con người của vùng đất Bắc Giang, góp một phần nhỏ thúc đẩy du lịch Bắc Giang phát triển. Quê tôi còn rất nhiều địa điểm đẹp, những di tích lịch sử, miệt vườn trái cây lớn, những hồ nước sinh thái tự nhiên đang chờ mọi người khám phá”, anh Tuấn chia sẻ. Thời gian tới anh Tuấn cho biết sẽ tiếp tục khám phá và ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống của đất và người Bắc Giang và các tỉnh lân cận.

Huỳnh Phương / Ảnh: Trần Văn Tuấn

Sợi dây nhỏ – Truyện ngắn của Guy de Maupassant

Trên khắp các ngả đường quanh Goderville, nông dân và các bà vợ của họ đang đổ xô vào thị trấn, vì hôm nay có chợ phiên. Những người đàn ông bước đi bằng những bước chân lặng lẽ. Lưng họ còng xuống theo từng bước dài. Họ còng lưng do phải làm những việc nặng nhọc, do sức nặng của những chiếc cày luôn được vác trên vai trái, do phải vác lúa mì và vì thế phải dang hai chân ra để gồng lấy sức và do nhiều công việc đồng áng vất vả khác. Họ mặc áo choàng xanh, sáng lấp lánh, như được đánh vecni. Cổ áo và các ống tay áo có viền là những hình vẽ các sợi dây trắng nhỏ. Áo choàng của họ phồng lên như một quả bóng sắp bay đi khỏi các bộ phận trên cơ thể họ là đầu, hai tay và bàn chân.

Nhà văn Guy de Maupassant (Pháp)

Những người đàn ông cầm dây xỏ mũi bò đi trước. Các bà vợ của họ đi theo sau các con vật, đánh chúng bằng các nhành cây còn dính lá để giục chúng đi nhanh. Họ cắp các chiếc giỏ to trên cánh tay. Vài chú gà hoặc vịt thò đầu ra khỏi các chiếc giỏ. Những người phụ nữ bước đi bằng những bước ngắn nhưng nhanh hơn các ông chồng của họ. Dáng họ cao gầy, vai quàng chặt bằng khăn quàng lớn, phần áo trước ngực được gài bằng kim băng; họ còn đội mũ không vành và trùm khăn trắng trên đầu.

Một chiếc xe ngựa có ghế băng dài, do một con ngựa nhỏ kéo, trúc trắc chạy qua, làm ngả nghiêng hai người đàn ông đang ngồi cạnh nhau trên ghế và một người phụ nữ ngồi ở cuối xe. Bà này bám tay chặt vào thành xe để giảm xốc.

Có đám đông người và súc vật đang tập trung ở Goderville. Sừng bò, lông trên mũ có chóp của nông dân khá giả và mũ của những người nông dân khác nhấp nhô trong đám đông. Âm thanh the thé, chói tai ầm ì lưu chuyển. Thi thoảng, có tiếng thét to của một người nông dân lực lưỡng, đang vui và tiếng rống dài của một con bò đang bị cột vào tường. Mùi sữa, mùi phân, mùi cỏ, mùi mồ hôi chua lòm, khó chịu của người và súc vật bốc ra.

Ông Hauchecorne, người vùng Bréauté đang trên đường đi đến Goderville thì ông thấy trên đường có một sợi dây ngắn. Là một người khá bủn xỉn, ông nghĩ rằng nên nhặt sợi dây để có khi còn dùng đến. Ông nhăn mặt cúi xuống nhặt, vì ông bị thấp khớp. Khi ông cầm sợi dây lên ngắm nghía thì ông thấy ông Malandain là người sản xuất yên ngựa đang đứng ở cửa nhà ông ấy và nhìn thấy. Họ có mối thù dai dẳng với nhau lâu nay do xung khắc trong việc buôn bán gia súc. Ông Hauchecorne thấy xấu hổ vì bị kẻ thù bắt gặp mình đang nhặt một sợi dây nhỏ nằm trong bùn. Ông nhanh tay giấu sợi dây vào trong áo choàng, sau đó nhét nó vào túi quần rồi vờ tìm kiếm gì đó trên đường. Sau đó, ông đi về hướng chợ phiên, đầu ngẩng cao nhưng lưng hơi còng xuống vì bẽ mặt.

Ông mất hút trong đám đông đang ồn ào mặc cả. Những người nông dân sờ nắn các con bò, đi qua đi lại, không dám mua vì sợ bị lố giá. Họ trộm liếc người bán và gia súc để cố tìm ra nhược điểm của con vật và mưu mẹo của người bán.

Các bà vợ ngồi xuống và đặt các chiếc giỏ lớn cạnh chân rồi kéo các con gia cầm đã bị cột chân, mắt ngơ ngác, mào đỏ tươi ra. Họ thản nhiên với những lời mặc cả thế nhưng sau đó lại đột ngột với kêu khách mua vừa bỏ đi lại, đồng ý giảm giá:

– Tôi bán với giá đó, chị Anthine. Gà đây chị!

Dần dà, khu chợ phiên trở nên đông đúc. Vào giữa trưa, có tiếng chuông nhà thờ xa xa vang vọng vào các quán ăn.

Quán ăn của ông Jourdain đầy ắp thực khách. Trên sân trước quán cũng đầy các loại xe ngựa. Đó là xe độc mã, xe ngựa chở hàng, xe ngựa cỡ nhỏ, xe ngựa có băng ghế dài. Có chiếc rất xấu, có chiếc dính đầy bùn màu vàng, có chiếc bị biến dạng, bị vá víu, chúng chổng các càng xe lên trời, chúng như những cái mũi mọc trên mặt đất, như những cái mông đang ngổng lên.

Sát bên các thực khách đã ngồi vào bàn là một cái ống khói lớn đang rực lửa, hắt sức nóng vào dãy lưng thẳng hàng của họ. Có ba que xiên lớn đang xiên gà, bồ câu và thịt lợn. Mùi thịt quay, mùi nước mỡ đầm đìa của các món chiên bốc lên từ lò nấu kích thích dạ dày, khẩu vị của khách.

Các nhà quí tộc nông dân ăn ở đó. Chủ quán là ông Jourdain, một tay lái ngựa ma mãnh. Mọi người ăn và uống cạn các chai rượu táo màu vàng. Người ta nói chuyện mua bán, chuyện mùa màng. Theo họ, thời tiết rất tốt cho cây cối nhưng có phần bất lợi cho lúa mì.

Bỗng có tiếng trống vang lên trên sân trước quán ăn. Mọi người đều đứng dậy, trừ vài kẻ bàng quan. Họ ùa ra cửa, đến các cửa sổ, miệng còn đầy thức ăn và trên tay là khăn ăn.

Sau hồi trống, ông mõ nhấn giọng the thé nói to:

– Xin thông báo cho cư dân ở Goderville và tất cả mọi người đi chợ biết là sáng nay, trên đường Benzeville, vào khoảng 9 – 10 giờ, có người đánh rơi một chiếc ví da màu đen, trong đó có 5 trăm franc và giấy tờ. Ai nhặt được xin trao cho ông thị trưởng hoặc ông Fortuné Houlbrèque ở Manneville và sẽ được hậu tạ 20 franc.

Nghe xong, mọi người về lại vị trí cũ nhưng vẫn còn nghe xa xa tiếng trống và tiếng ông mõ yếu dần. Người ta bàn tán về sự kiện, xem liệu ông Houlbrèque có thể tìm lại được chiếc ví hay không.

Bữa ăn kết thúc.

Khi mọi người đang uống càphê thì ông đội trưởng hiến binh xuất hiện ở ngưỡng cửa. Ông ta hỏi:

– Ông Hauchecorne, người vùng Bréauté có đây không?

Ông Hauchecorne đang ngồi ở đầu bàn bên kia đáp:

– Tôi đây!

Ông đội trưởng nói:

– Ông Hauchecorne, vui lòng đi theo tôi đến gặp ông thị trưởng. Ông ấy muốn hỏi chuyện ông.

Người nông dân ngạc nhiên và im lặng, cầm cốc rượu lên và uống cạn, rồi lom khom đứng dậy bước đi. Ông lom khom vì ông thấy khó khăn trong những bước chân đầu tiên sau mỗi lần nghỉ ngơi. Ông đi ra đường theo ông đội trưởng và lặp lại:

– Tôi đây, tôi đây!

Ông thị trưởng ngồi trên một chiếc ghế bành chờ ông. Viên chưởng khế ngồi bên phải ông ta. Ông này to lớn, vẻ trịnh trọng. Ông thị trưởng nói:

– Ông Hauchecorne, sáng nay người ta thấy ông nhặt được trên đường Beuzeville chiếc ví của ông Houlbrèque, người vùng Manneville.

Người nông dân nín lặng nhìn ông thị trưởng, nặng trĩu người vì bị nghi ngờ một cách vô cớ.

– Tôi nhặt được chiếc ví à?

– Đúng vậy!

– Nói danh dự, tôi không biết có chuyện này!

– Người ta thấy ông nhặt được.

– Người ta thấy tôi à? Ai thấy?

– Ông Malandain, người sản xuất yên ngựa.

Thế là người nông dân già sực nhớ ra, hiểu sự việc và đỏ mặt vì giận dữ.

– Hà! Lại là gã thô lậu đó! Tôi có nhặt một sợi dây, thưa ông thị trưởng.

Nói rồi ông lấy trong túi ra một sợi dây nhỏ.

Nhưng ông thị trưởng lắc đầu không tin.

– Đừng làm cho tôi thêm bực bội, ông Hauchecorne. Ông Malandain là người đáng trọng. Ông ấy đã thấy ông nhặt được chiếc ví.

Người nông dân giận dữ, đưa hai bàn tay ra và vỗ vào ngực để nói rằng mình vô tội, sau đó ông nói:

– Có Chúa, có các thánh xác nhận, thưa ông thị trưởng, tôi lấy hết linh hồn tôi để nói là tôi không có nhặt được chiếc ví nào cả.

Ông thị trưởng nói:

– Sau khi nhặt được chiếc ví, ông còn tìm kiếm trong bùn để xem còn có xu nào sót lại không.

Người đàn ông tử tế ngạt thở vì giận dữ. Ông hét lên:

– Nói vậy mà cũng nói! Nói vậy mà cũng nói…! Ông lấy sự giả dối để xuyên tạc kẻ trung thực! Nói vậy mà cũng nói!

Ông càng bảo vệ mình thì người ta càng không tin ông.

Ông đối mặt với ông Malandain. Ông này khẳng định lại lời của mình. Họ cãi vã nhau trong một giờ đồng hồ. Ông Hauchecorne cho phép người ta truy vấn mình nhưng họ không phát hiện ra điều gì.

Cuối cùng, ông thị trưởng thấy lúng túng nên cho phép họ về nhà, với lời cảnh báo là sẽ tham vấn tòa án và yêu cầu tòa ra lệnh bắt.

Tin tức về vụ việc lan rộng. Khi vừa ra khỏi tòa thị chính, người nông dân già bị người ta vây quanh và hỏi bằng những câu soi mói và mỉa mai. Nhưng ông không giận dữ. Ông kể cho thiên hạ nghe câu chuyện. Họ cười và không tin.

Ông bước đi, chận những người ông quen biết và tất cả những kẻ khác lại và kể cho họ nghe sự việc cùng thái độ của ông. Ông lộn túi ra để chứng minh cho người ta biết là ông vô tội.

Người ta nói:

– Hà hà, ông già ranh ma!

Ông thấy phật lòng, bực tức, giận dữ vì người ta không tin ông và vì ông không biết làm gì, ngoài việc kể lại sự việc.

Đêm xuống, ông đi về nhà. Ông gặp trên đường ba người hàng xóm. Ông chỉ cho họ biết vị trí ông đã nhặt sợi dây. Trên suốt quãng đường dài, ông kể cho họ nghe vụ việc.

Cả đêm dài, ông thấy mệt mỏi.

Ngày hôm sau, vào khoảng 1 giờ chiều, đày tớ của ông Breton, điền chủ ở Ymauville, cầm chiếc ví và những gì có trong đó đem trả lại cho ông Houlbrèque.

Người đày tớ này nhặt được chiếc ví trên đường và không biết làm sao, ngoài việc đem về nhà và giao lại cho ông chủ.

Tin tức về việc này lan rộng. Ông Hauchecorne, cũng biết. Ông đi ra khỏi nhà và kể lại kết cục của sự việc. Ông thấy nhẹ nhõm.

– Đó, sao lại bắt tôi chịu? Đó là điều giả dối!, ông nói. Dè bỉu tôi là điều giả dối!

Ông kể lại sự việc cả ngày. Ông kể với những ai qua đường, với người đang uống nước ở các quán nước, với người vừa ra khỏi nhà thờ sau lễ chủ nhật. Ông còn chận cả những ai không quen lại để kể. Giờ ông thấy thanh thản vì những gì làm ông lúng túng đã được vạch trần. Thiên hạ cười cợt khi nghe câu chuyện. Họ có vẻ không tin. Họ bàn tán sau lưng ông.

Vào thứ ba, tuần sau đó, ông đến chợ phiên, chỉ để kể lại câu chuyện.

Ông Malandain đứng ở cửa và cười khi thấy ông đi qua. Vì sao vậy? Ông Hauchecorne gặp một ông tá điền vùng Criquetot và ông này không chờ ông nói hết câu, vỗ vào ngực ông và cười nói: “Ông là kẻ ma lanh thứ thiệt đó nhé!”. Nói rồi, ông ta quay gót.

Ông Hauchecorne đứng chết lặng. Tại sao ông ấy lại gọi ông là “kẻ ma lanh thứ thiệt”?

Khi đã ngồi xuống bàn trong quán ăn của ông Jourdain, ông suy nghĩ đến việc nên giải thích vụ việc như thế nào.

Một gã lái ngựa người vùng Montiville cười nói:

– Hà, hà, ông bạn già lão luyện! Tôi biết mà! Đó chỉ là sợi dây!

Ông Hauchecorne ấp úng nói:

– Người ta đã tìm ra chiếc ví rồi kìa!

Nhưng ông lái ngựa nói:

– Có kẻ nhặt và có kẻ đem bỏ lại chỗ cũ. Tôi rối trí, không nghe, không biết gì!

Người nông dân thấy nghẹt thở. Ông hiểu. Thiên hạ buộc tội ông cùng với kẻ đồng lõa đã đem chiếc ví đặt lại chỗ cũ.

Ông muốn phản bác. Cả bàn cười ông. Ông đứng dậy tuy ăn chưa hết bữa tối, giữa những tiếng cười mỉa mai.

Ông trở về nhà, thấy xấu hổ và giận dữ, thấy nghẹt thở vì bực dọc, vì ngượng ngùng. Ông bàng hoàng vì bị buộc tội là kẻ ranh ma, là kẻ có khả năng đã làm điều xấu xa nhưng lại khoác lác biện hộ mình vô tội. Ông không thể chứng minh là mình vô tội. Người ta ai cũng nghĩ ông ranh ma. Ông thấy tức ngực vì bị ngờ vực một cách vô lý.

Vậy là ông lại kể lại sự vụ, kể mỗi ngày, mỗi lần đều thêm lý do mới và càng lúc ông càng phản đối mạnh mẽ những lời buộc tội. Ông thề một cách trịnh trọng, như có thể. Khi còn một mình, ông nghĩ về các lý lẽ nên nói. Tâm trí ông bị câu chuyện sợi dây ám ảnh. Người ta cho rằng, ông đang làm cho vấn đề thêm rắc rối và sự biện hộ của ông đã đi quá xa.

– Đó, đó là lý lẽ của kẻ nói dối, người ta nói sau lưng ông.

Ông hiểu được những gì thiên hạ nói, máu ông sôi lên, mọi cố gắng của ông là vô ích.

Ông trở nên héo hon trông thấy.

Thiên hạ lấy chuyện “sợi dây”, giống như lấy chuyện lính tráng cãi vả nhau khi đi chiến dịch để mua vui. Tinh thần ông suy sụp.

Vào cuối tháng 12, ông ốm nằm liệt giường. Ông chết vào đầu tháng Giêng và trong cơn đau vì mê sảng, ông tái khẳng định:

– Tôi chỉ nhặt có một sợi dây… Một sợi dây thôi, ông thị trưởng ơi!

GUY DE MAUPASSANT / TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG dịch / Văn Vietnam

(Theo nguyên bản tiếng Pháp, trong French Short Stories, New York, 1967)

Vĩnh biệt người có ảnh hưởng lớn trên thế giới: Shinzo Abe (1954-2022)

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn chết khi đang phát biểu vận động tranh cử cho thành viên đảng Dân chủ Tự do hôm 8 Tháng Bảy, thọ 67 tuổi.

Ông Shinzo Abe sinh ra trong một gia đình có truyền thống về chính trị. Ông là cháu ngoại của cựu Thủ tướng Nhật Bản Kishi Nobusuke và là con trai của cựu Ngoại trưởng Abe Shintarō. Ông nội của ông Abe, ông Abe Kan, cũng từng phục vụ trong Hạ viện Nhật Bản. Ông là thủ tướng tại vị lâu nhất và có ảnh hưởng lớn trên thế giới.

Gia đình Abe năm 1956: Mẹ Yōko Abe, Shinzo Abe lúc hai tuổi (trái), cha Shintarō Abe và anh trai Hironobu. (ảnh: Wikipedia.org)

Năm 1977, Shinzo Abe tốt nghiệp Đại học Seikei ở Tokyo, Nhật Bản, chuyên ngành khoa học chính trị. Sau đó, ông qua Mỹ du học tại Đại học Nam California, ngành chính sách công trong ba học kỳ. Vào năm 1979, ông Abe bắt đầu làm việc cho Kobe Steel khi công ty này mở rộng hoạt động ở nước ngoài.

Ông Abe (ngoài cùng bên phải) chụp cùng các bạn ở câu lạc bộ bắn cung tại trường Đại học Seikei.

Ông Abe bắt đầu làm việc tại Công ty Thép Kobe vào năm 1979. Sau đó, ông bắt đầu đảm nhận các vị trí trong chính quyền khi làm việc tại Bộ Ngoại giao và đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản từ năm 1982.

Ông Abe kết hôn với bà Akie Matsuzaki, vào năm 1987. Bà Akie là con gái của Chủ tịch công ty Morinaga, một nhà sản xuất chocolate hàng đầu Nhật Bản. Ông và vợ không sinh con.

Ông Abe kết hôn với bà Akie Matsuzaki, vào năm 1987. Bà Akie là con gái của chủ tịch công ty Morinaga, một nhà sản xuất chocolate hàng đầu Nhật Bản. (ảnh: Getty Images).

Năm 2005, ông Abe được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản dưới thời của Thủ tướng Junichiro Koizumi.

Shinzo Abe (giữa), Quyền Tổng thư ký, Thành viên Đảng Dân chủ Tự do của Hạ viện thăm Đền Yasukuni, nơi tưởng nhớ những người chết trong chiến tranh, vào ngày 15 Tháng Tám, năm 2005 ở Tokyo, dịp kỷ niệm 60 năm ngày Nhật đầu hàng trong Thế Chiến Thứ Hai. (ảnh: Koichi Kamoshida / Getty Images)
Ông Shinzo chào đón đám đông trong bữa tiệc ngắm hoa anh đào hàng năm tại công viên Shinjuku-Gyoen ngày 14 Tháng Tư, 2007 ở Tokyo, Nhật Bản. (ảnh: Frank Robichon-Pool / Getty Images)

Sau đó một năm, ông trở thành Thủ tướng Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Abe đột ngột từ chức vào năm 2007 vì lý do sức khỏe khi ông bị mắc chứng viêm đại tràng.

Shinzo Abe phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hạ viện vào ngày 26 Tháng Giêng, 2007 tại Tokyo, Nhật Bản, nêu rõ lập trường của ông là cải cách chế độ thời hậu chiến, bao gồm việc sửa đổi Hiến pháp và đặt nặng hơn các vấn đề giáo dục. (ảnh: Junko Kimura / Getty Images).

Năm 2012, ông Abe trở lại chính trường, ra tranh cử và tái thắng cử. Kể từ đó ông luôn là nhân vật nổi bật trong nền chính trị Nhật Bản và thắng nhiệm kỳ Thủ tướng thứ ba vào năm 2014, thứ tư vào năm 2017.

Thủ tướng Abe Shinzo trong lễ nhậm chức chính thức được chủ trì bởi Thiên hoàng Akihito (ảnh: Wikipedia.org).

Cố Thủ tướng Abe Shinzo được nhớ đến với chính sách kinh tế “Abenomics” mang tên ông. Thông qua việc cải cách thể chế và nới lỏng chính tiền tệ chưa từng có tiền lệ, “Abenomics” giúp Nhật Bản vượt qua được chu kỳ giảm phát, vốn được coi là mối đe dọa lớn đến nền kinh tế nước này. Đại dịch COVID-19 đưa nước Nhật trở lại với đà suy thoái, gần như xóa sạch mọi thành quả của ông Abe, khi ông rời nhiệm sở.

Trong suốt nhiệm kỳ tám năm, ông Abe được ghi nhận là người “mang lại sự ổn định cho chính trường Nhật Bản và tăng cường hiện diện của Tokyo trên trường quốc tế”, giáo sư Tomoaki Iwai của Đại học Nihon nhận xét về ông Abe vào Tháng Tám, 2020.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima vào ngày 27 Tháng Năm, 2016 tại Hiroshima, Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ thăm chính thức Hiroshima, nơi quả bom nguyên tử được thả vào cuối Thế chiến II, ngày 6 Tháng Tám, 1945. (ảnh: Atsushi Tomura / Getty Images)

Cố Thủ tướng Abe khá gần gũi với cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã bày tỏ đau buồn và gọi ông Abe là “một người bạn đích thực” khi biết tin về vụ tấn công nhằm vào ông Abe ngày 8 Tháng Bảy.

Trong khi đó, quan hệ Tokyo-Bắc Kinh trở nên căng thẳng sau khi Nhật quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Abe tăng cường hợp tác với các quốc gia ở châu Á để đối phó với Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong tranh chấp trên biển.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ hai, từ phải) tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào ngày 26 Tháng Năm, 2017 tại Ý. (ảnh: Guido Bergmann / Bundesregierung qua Getty Images)
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) tháp tùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 25 đến 27 Tháng Mười, 2018. (ảnh: Lintao Zhang / Getty Images).

Tới năm 2020, ông một lần nữa tuyên bố từ chức cũng vì lý do mắc chứng viêm đại tràng. Ông Abe khi đó cho biết, ông đã kiểm soát được căn bệnh mãn tính này trong tám năm nhưng vào Tháng Sáu, 2020, ông phải thường xuyên kiểm tra y tế do bệnh này, nên ông quyết định rời nhiệm sở và tập trung vào điều trị bệnh.

Ông Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp báo tại Dinh Thủ Tướng ngày 28 Tháng Tám, 2020 ở Tokyo, Nhật Bản, tuyên bố từ chức do lo ngại về sức khỏe. (ảnh: Franck Robichon – Pool / Getty Images)

Dù đã rời khỏi chính trường, ông Abe vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động của đảng LDP. Ông bị bắn chết khi đang phát biểu vận động tranh cử cho thành viên đảng Dân chủ Tự do Kentaro Asah ở thành phố Nara vào ngày 8 Tháng Bảy, hưởng thọ 67 tuổi.

Người dân đến cầu nguyện tại địa điểm bên ngoài ga Yamato-Saidaiji, nơi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn ngày 8 Tháng Bảy, 2022 ở Nara, Nhật Bản. (ảnh: Yuichi Yamazaki / Getty Images)
(ảnh: Yuichi Yamazaki / Getty Images)

Di sản của Shinzo Abe – Thủ tướng Nhật nắm quyền lâu nhất

Tuần này Shinzo Abe sẽ trở thành thủ tướng phục vụ lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, với 2.886 ngày tại vị. Ông đã vượt qua Taro Katsura, người phục vụ ba nhiệm kỳ hồi đầu thế kỷ 20, một thời kỳ cách đây rất lâu. Nhưng để giành được kỷ lục về thời gian nắm quyền không bị gián đoạn lâu nhất, ông Abe, người đã có một thời gian ngắn làm thủ tướng vào năm 2006-7, gặp vấn đề sức khỏe yếu, trước khi trở lại nắm quyền vào năm 2012, sẽ phải chờ đến ngày 24 tháng 8 năm sau. Nhiều người, chứ không chỉ ông Abe, nhớ đến người mà ông sẽ phải vượt qua: Eisaku Sato chính là ông trẻ của ông Abe. Ông Abe cũng là con trai của một bộ trưởng ngoại giao và cháu trai của một thủ tướng đáng chú ý khác sau Thế chiến II, Nobusuke Kishi. Ở Nhật Bản, số phận ủng hộ một số gia đình hơn những gia đình khác.

Thời Sato nắm quyền, từ năm 1964 đến năm 1972, là thời kỳ hoàng kim. Sự cạnh tranh Đông-Tây là một điều cố hữu, có thể dự đoán được, và Nhật Bản đã được hưởng sự bảo vệ toàn diện do Mỹ chi trả. Nhật có thể tập trung vào mức tăng trưởng cao 10% một năm, được thúc đẩy bởi xuất khẩu sang phương Tây. Ngay cả Chiến tranh Việt Nam cũng tốt cho một nước Nhật theo chủ nghĩa hòa bình, tạo ra nhu cầu cho hàng hóa Nhật. Trong khi đó, một mức lạm phát vừa phải giữ cho các khoản nợ trong tầm kiểm soát.

Khi ông Abe lên nắm quyền năm 2012, ông được thừa hưởng một nước Nhật rất khác. Dân số đang lão hóa và suy  giảm. Thị trường chứng khoán đã giảm hai phần ba so với mức đỉnh. Tăng trưởng chậm và giảm phát đã làm suy yếu nền kinh tế, không chỉ vì nó làm hạn chế nguồn thu của chính phủ. Người Nhật sợ thế giới vượt qua họ. Ông Abe đã thay đổi tâm lý. Nhật Bản, ông tuyên bố, “đã quay trở lại”.

Cách “tiếp thị” của ông cũng rất trơn tru: “Chính sách Abenomics” – một chương trình cải cách cơ cấu không bao giờ làm đúng những gì nó tuyên bố sẽ làm. Nhưng ông Abe đã gặp may: ông lên nắm quyền khi kinh tế toàn cầu đang trên đà tăng trưởng. Ông thêm vào đó các khoan chi thâm hụt ngân sách. Chính sách tiền tệ dẫn đến sự sụt giảm mạnh về tỉ giá đồng yên, dẫn tới sự bùng nổ du lịch và một thị trường chứng khoán cao hơn. Giới trẻ Nhật ra khỏi trường đại học hiện đang tự tin về triển vọng việc làm – một lý do khiến Nhật Bản không phải là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề. Mặc dù thúc đẩy việc làm cho phụ nữ, giới nữ vẫn đang cố gắng để được tỏa sáng, không chỉ trong một chính phủ do nam giới thống trị của ông Abe. Trong khi đó, các khoản nợ khổng lồ của nhà nước và các khoản thanh toán phúc lợi cho người già được hỗ trợ bởi một lực lượng lao động ngày càng suy giảm. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng mà một ngày nào đó điều này có thể tạo ra sẽ là nhiệm vụ dành cho một thủ tướng tương lai.

Thế giới chú ý đến Nhật Bản một lần nữa trong năm nay vì một Nhật hoàng mới lên ngôi và một kỳ World Cup bóng bầu dục thành công; năm tới Thế vận hội Tokyo sẽ gây tiếng vang. Ông Abe, một người công du không mệt mỏi, đã thúc đẩy các thị trường mở ngay cả khi nước Mỹ quay vào trong. Cải thiện quan hệ với một số nền dân chủ châu Á khác, đặc biệt là Úc và Ấn Độ, là một biện pháp phòng hộ chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Mỹ khó lường. Tương tự là một nền tảng quốc phòng mạnh mẽ hơn, tiến tới các giới hạn đặt ra bởi hiến pháp hòa bình của Nhật.

Ông Abe, một người theo chủ nghĩa dân tộc, chưa bao giờ chấp nhận những ràng buộc do tội lỗi của Nhật trong Thế chiến II để lại. Giống như ông ngoại (vốn từng bị người Mỹ cầm tù vì nghi ngờ phạm tội ác chiến tranh) và ông trẻ của ông, ông xem sự bảo vệ của Mỹ là một điều cần thiết nhưng chỉ tạm thời. Trước mộ Kishi, năm 2012, ông Abe tuyên bố sẽ phục hồi nền độc lập thực thụ của Nhật Bản. Tuy nhiên, giấc mơ của ông về việc cắt bỏ các phần hòa bình trong hiến pháp sẽ gần như chắc chắn thất bại vì thiếu sự ủng hộ của dân chúng.

Mặc dù vậy, ông và các đồng minh theo quan điểm xét lại trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của mình đã thay đổi Nhật Bản theo hướng hữu khuynh, với một số hậu quả tiêu cực. Động thái này đã làm xuống cấp mối quan hệ với các nước láng giềng bao gồm Trung Quốc và, gây thiệt hại nhiều nhất là với Hàn Quốc. Ở trong nước, động thái này đã làm suy yếu tự do báo chí và thu hẹp không gian công cộng để nêu lên các vấn đề gây tranh cãi. Người Nhật lớn tuổi lo lắng về chủ nghĩa dân tộc của ông Abe hơn so với thanh niên, và ông đã hạ độ tuổi bầu cử hồi năm 2016.

Không có lực lượng đối lập nào đủ làm phiền ông Abe, vì vậy ông sẽ không khó vượt qua kỷ lục của Sato. Về lý thuyết, ông phải từ chức vào tháng 9 năm 2021: dù không có giới hạn số nhiệm kỳ làm thủ tướng, nhưng LDP có giới hạn chín năm đối với nhiệm kỳ chủ tịch đảng mà ông đang nắm giữ. Đã có nhiều đồn đoán cho rằng sau thành công của Thế vận hội, ông sẽ tuyên bố rởi bỏ vị trí thủ tướng vào mùa thu tới. Nhưng vẫn chưa rõ ai là người trong đảng LDP có thể kế nhiệm ông. Vì vậy, một khả năng khác xuất hiện: rằng ông Abe sẽ kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm vào năm tới trước khi Thế vận hội khai mạc.

Điều đó sẽ trao cho ông tư cách để phục vụ hết nhiệm kỳ chủ tịch đảng LDP của mình. Thậm chí đến lúc đó cũng sẽ không mất nhiều thời gian để viết lại điều lệ đảng để cho phép ông phục vụ lâu hơn. Và do đó, di sản nổi bật nhất của ông Abe có thể là tình trạng thiếu người kế vị ông.

Nguồn: Japan’s prime minister breaks a record”, The Economist, 21/11/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên / Nghiên cứu Quốc tế

Putin đã hoàn toàn hiểu sai về chiến tranh hiện đại

Matthew Schmidt là một chuyên gia về chính sách quân sự và an ninh, đồng thời là một người am hiểu về nước Nga. Ông giải thích tính cách của Putin có liên quan gì đến cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, và tại sao ông không tin vào một giải pháp hòa bình cũng như việc Putin sẽ thực hiện được kế hoạch của mình.

Trong nhiều thế kỷ qua, nước Nga luôn tìm kiếm vai trò của mình: giữa một bên là châu Âu với các giá trị tự do, là sự khai sáng và thế tục hóa, và một bên là cội nguồn của bản thân nó, các truyền thống Chính thống giáo của Nga và các tín ngưỡng bảo thủ. Điều này tác động như thế nào đến chính sách đối ngoại của Nga hiện nay và ảnh hưởng của nó đến các nước láng giềng của Nga?

Matthew Schmidt, phó giáo sư tại Đại học New Haven, là người đang nghiên cứu về những vấn đề này. Cạnh đó, ông cũng là một chuyên gia về chiến lược quân sự và làm công tác giảng dạy cho Quân đội Hoa Kỳ trong nhiều năm. Schmidt theo học ở Saint Petersburg trong những năm 1990, khi Putin bắt đầu nổi lên. Schmidt có những người bạn ở Ukraine, những người đã chiến đấu trong cuộc chiến năm 2014.

WELT: Thưa ông Schmidt, tại sao nước Nga lại đặt câu hỏi về chủ quyền của các nước khác? Tính cách của Putin có tác động như thế nào đến điều này?

Matthew Schmidt: Putin là một người thô thiển và ích kỷ. Nhưng đằng sau hành động của ông ta là một triết lý sâu sắc, nó đưa đường chỉ lối cho ông ta và giúp cho ông ta có một cơ sở lý luận sâu sắc hơn. Để hiểu chính sách đối ngoại của Nga cần phải hiểu ý tưởng về Chủ nghĩa Liên Slavơ (Pan-Slavism), hay Chủ nghĩa Á – Âu (Eurasism), đó là quan điểm cho rằng các dân tộc Slavơ gắn bó với nhau bởi có một nền văn hóa giống nhau, và các giá trị tương tự của họ liên kết họ với nhau – đồng thời có nhu cầu lịch sử để bảo tồn những giá trị đó. Điều này mang nhiều dấu ấn tôn giáo khá mạnh mẽ bởi vì Giáo hội Chính thống giáo Nga coi mình là người thừa kế của Đế chế Đông La Mã, và do đó đối với Cơ đốc giáo. Tất nhiên, giờ đây, người dân Bulgaria không nghĩ rằng họ nhất thiết phải thuộc về Moscow, nhưng nhiều người ở Điện Kremlin lại cảm nhận như vậy.

WELT: Ý tưởng này xuất phát từ đâu?

Schmidt: Ta phải quay trở lại thế kỷ 19, khi nổ ra các cuộc cách mạng quốc gia ở châu Âu, và kết quả là, các tác giả ở Nga, muộn hơn nhiều so với ở châu Âu, bắt đầu đặt câu hỏi về dân tộc Nga và ý nghĩa của khái niệm Slavơ. Một câu hỏi cơ bản ở Nga luôn là: chúng ta là Châu Âu hay Châu Á, Tây hay Đông? Và các tác giả đã trả lời: không là cái gì cả, Nga là một cái gì đó độc đáo nằm ở giữa. Ban đầu, nó không nhất thiết chống lại phương Tây. Khi Liên Xô tan vỡ, bản sắc Liên Xô trở thành lịch sử, những ý tưởng này lại được thổi bùng lên, nhưng lần này là chiêu bài dân tộc chủ nghĩa. Điện Kremlin dần dần kết hợp chúng, chẳng hạn như khi Putin tự mình công khai rửa tội theo Chính thống giáo. Và ngày nay, chúng ta đang ở thời điểm mà các nhà cầm quyền Nga rõ ràng là chống phương Tây, không chấp nhận đồng tính luyến ái và coi nền dân chủ tự do như một loại hình chính phủ không phù hợp với nền văn hóa Nga.

WELT: Ai suy nghĩ như vậy? Phải chăng chỉ có tầng lớp tinh hoa?

Schmidt: Đúng vậy, chủ yếu là tầng lớp tinh hoa. Đa số những người có quan hệ với Putin đều cực kỳ chống phương Tây. Điều này khác với giới tinh hoa văn học, những người trên hết nhấn mạnh đến sự tương đồng về văn hóa với châu Âu. Còn dân chúng nói chung thì đâu đó ở giữa: họ thích người châu Âu, thích người Mỹ và văn hóa Mỹ, nhưng có xu hướng tin vào những lời tuyên truyền rằng Nga đang bị phương Tây đe dọa.

WELT: Vậy theo ông thì sao, Nga có phải là một quốc gia Châu Âu?

Schmidt: Có chứ, chắc chắn là như vậy. Nga có cùng nền tảng triết học Hy Lạp-La Mã, là một quốc gia theo đạo Thiên chúa, và ngay cả dưới thời Đế chế Sa hoàng, cơ cấu chính quyền và hành chính vẫn là của châu Âu. Và Nga đã đưa loại hình nghệ thuật quan trọng nhất của châu Âu lên đến đỉnh cao: đó là tiểu thuyết. Tôi tin rằng, về lâu dài, khu vực châu Âu của xã hội Nga cũng sẽ là khu vực mạnh mẽ hơn. Có thể sẽ mất nhiều thập kỷ, có thể nhiều thế kỷ, nhưng đến một lúc nào đó, nước Nga sẽ có một cấu trúc dựa trên các quyền tự do và các giá trị tự do. Ngày nay, chúng ta đã thấy Nga không phải là Trung Quốc: có những cuộc biểu tình trên đường phố bên bờ vực chiến tranh, có những người đứng trước ống kính máy quay và nói : “Xin đừng nêu tên tôi, nhưng tôi không tham gia cuộc chiến này.” Ý tưởng về quyền tự do cá nhân, có thể quyết định vận mệnh chính trị của chính mình, đã ăn sâu vào một phần lớn xã hội và văn hóa Nga. Người ta cần cho nó thời gian để cho nó đâm hoa kết trái.

WELT: Mối quan hệ với các nước láng giềng sẽ như thế nào trong trường hợp này? Đó sẽ là một nước Nga rộng lớn, tự do, nhưng là một nước có thể bao gồm Ukraine và các nước Slavơ khác?

Schmidt: Không, bởi vì các giá trị tự do bao gồm việc tôn trọng sự độc lập và quyền tự quyết của một dân tộc. Mối quan hệ với Ukraine có đặc trưng bởi các giá trị được chia sẻ, giống như quan hệ giữa Mỹ và Canada. Ở đây có sự khác biệt, nhưng bạn sẽ không bao giờ cảm thấy bị đe dọa bởi vì cả hai đều có đầy đủ các giá trị để chia sẻ.

WELT: Hiện tại cả hai bên đều cảm thấy bị đe dọa – kể cả Putin, ông không chấp nhận một Ukraine thân phương Tây và đe dọa an ninh của Nga.

Schmidt: Theo tôi, thật sai lầm khi hiểu Putin theo nghĩa đen, và tôi khó chịu vì có nhiều người suy nghĩ như vậy. Tôi đã dạy cho các đơn vị quân đội Mỹ trong nhiều năm về lập kế hoạch tác chiến và chiến lược. Những gì Putin đang nói là sự hiểu sai hoàn toàn về chiến tranh hiện đại. Thứ nhất, NATO không có lợi ích, về mặt chính trị hoặc quân sự, trong việc tham gia vào một cuộc chiến có thể dẫn đến thảm họa. Và thứ hai, NATO có các lãnh thổ ở Baltic gần với Moscow như Ukraine. Lý do ông ta nêu ra không hợp lý đối với tôi. Câu hỏi đặt ra là, liệu bản thân ông có tin, hay đó chỉ là cái cớ để biện minh cho hành động của mình trước người dân Nga. Tôi không nghĩ rằng có một câu trả lời cho điều đó. Người ta có thể nói những điều mà chính bản thân họ cũng không tin, đồng thời tin những điều mà họ đủ khôn ngoan để biết rằng mình không nên tin.

WELT: Hiện tại có vẻ như giới lãnh đạo Nga và Mỹ đang ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Liệu người ta có thể hiểu nhau được không?

Schmidt: Thực tế là rất khó để nói chuyện được với nhau khi ở hai hệ thống giá trị khác nhau. Việc Ngoại trưởng Nga Lavrov phản ứng với văn bản từ chối đảm bảo an ninh đã thể hiện rất rõ ràng. Ông ta nói đại để: “Được thôi, các người không chỉ khước từ yêu cầu của chúng tôi mà còn không thèm ngó ngàng đến chúng. Qua đó các người đã cho thấy, những lo ngại về bảo đảm an ninh của chúng tôi trong con mắt các người là một trò cười. Đây là một sự vô lễ.” Nhưng người Mỹ khó có thể phản ứng khác đi, bởi nếu không, thì họ đã phản bội các giá trị phương Tây. Điều này làm cho các cuộc đàm phán tiếp theo trở nên khá khó khăn. Đó là lý do tại sao tôi rất bi quan về viễn cảnh của một giải pháp hòa bình.

WELT: Nga tuyên bố rút quân, nhưng lại cứ ì ra đó. Vậy giải thích điều này như thế nào?

Schmidt: Putin có cái mà theo ngôn ngữ quân sự, người ta gọi là nhịp độ hoạt động. Ông ta nắm thế chủ động và quyết định khi nào thì ra tay, và thế giới buộc phải chờ xem ông ta quyết định cái gì. Vấn đề là ở chỗ, ông ta có thể đợi, sáu tuần, sáu tháng, thậm chí sáu năm, trong lúc chờ đợi như vậy ông ta không nhất thiết phải làm bất cứ điều gì. Trong khi đó Ukraine ở thế bị động, luôn bị căng thẳng, và cuối cùng sẽ mất đi tiềm năng, không ai có thể chịu đựng được sự lo lắng kéo dài triền miên như vậy, và sau đó sẽ là thời cơ hoàn hảo để phát động một cuộc tấn công. Đây là một chiến thuật phổ biến. Tuy nhiên, với kế hoạch này Putin vẫn chuốc lấy thất bại. Ông ta có thể giành chiến thắng về mặt quân sự, nhưng Putin không đạt được mục tiêu níu kéo Ukraine về mặt xã hội đến với Moscow. Cuối cùng thì người Ukraine thậm chí còn xa lánh hơn nữa với ý tưởng của chủ nghĩa Á-Âu.

Nguồn: Ukraine-Krise: “Und dann wäre der perfekte Zeitpunkt, um zuzuschlagen” – WELT,

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài / Nghiên cứu Quốc Tế