QUẢNG NAM – Các khách sạn boutique này đều nằm ở trung tâm phố cổ, được đánh giá trên 9 điểm ở các web đặt phòng lớn như Agoda hay Booking.
Boutique hotel là dạng khách sạn quy mô không lớn, chỉ tối đa khoảng 100 phòng, phong cách thiết kế tính nghệ thuật cao. Mỗi phòng ở và các khu vực của khách sạn đều tiện nghi, sang trọng, thường kết hợp giữa cổ điển và thanh lịch. Không khí gần gũi, thân thiện chính là điểm nhấn để hút khách. Dịch vụ cũng là điểm cộng ở đây, luôn chú trọng chất lượng hơn số lượng.
La Siesta Hoi An Resort & Spa nằm cách chùa Cầu gần 1 km với 137 phòng. Khu nghỉ có 4 hồ bơi, trong đó hồ nước mặn rộng 400 m2 và hồ bơi nước ngọt rộng 120 m2. Ảnh: La Siesta Hoi An Resort & Spa
Thiết kế nội thất của khách sạn nhẹ nhàng, hài hòa và ít chi tiết, tạo sự thân thiện với khách nghỉ. Khu vực nhà hàng Red Bean phục vụ nhiều món ăn kiểu Á trong khi Nhà hàng The Temple cung cấp ẩm thực châu Âu. Ảnh: La Siesta Hoi An Resort & Spa
Tất cả các phòng đều có ban công riêng nhìn ra hồ bơi. Dịch vụ đi kèm có massage, phòng tập, đạp xe, xe buýt miễn phí tới biển An Bàng… Đây cũng là nơi lý tưởng để tổ chức các bữa tiệc cho nhóm nhỏ hay không gian đám cưới thân mật… Giá phòng đôi từ 1,8 triệu đồng một đêm. Ảnh: La Siesta Hoi An Resort & Spa
Little Riverside Hoi An Luxury Hotel & Spa nằm ven sông Thu Bồn, là một trong những nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất tại Hội An. Khách sạn có nhà hàng Traders Waterfront, nơi kết hợp ẩm thực phương Tây và món ăn truyền thống Việt Nam, nằm ngay bên bờ sông. Ảnh: Little Riverside Hoi An
Giá phòng đôi từ 2,5 triệu đồng một đêm. Nội thất các phòng ở được thiết kế tối giản, nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi. Ảnh: Little Riverside Hoi An
Little Riverside có bốn phòng massage và spa, với nhiều liệu pháp khác nhau từ kiểu truyền thống đến massage kiểu Thái và đặc biệt là kiểu Riverside Signature riêng của khu nghỉ dưỡng. Ảnh: Little Riverside Hoi An
Allegro Hoi An Luxury Hotel & Spa nằm cách chùa Cầu khoảng 600 m. Khách sạn có 94 phòng, với ban công riêng, nội thất gỗ tạo không gian ấm cúng. Các tiện nghi khác bao gồm spa, phòng tập thể dục, bể bơi ngoài trời, nhà hàng cao cấp, quầy bar tại sảnh và cạnh bể bơi, phòng hội nghị. Allegro Hoi An Luxury Hotel & Spa cũng cung cấp miễn phí xe đạp và dịch vụ đưa đón tới bãi biển An Bàng. Ảnh: Allegro Hoi An
Thiết kế của khách sạn được lấy cảm hứng từ nét cổ kính của khu phố cổ Hội An nên còn được ví như một Hội An thu nhỏ. Giá phòng từ 2,5 triệu đồng một đêm, có phòng gia đình dành cho 4 người. Ảnh: Allegro Hoi An
Ẩm thực là một trong những thế mạnh của Allegro Hoi An với nhà hàng Melody fine phục vụ các món ăn Việt truyền thống. Ngoài ra, lobby và pool bar trên sân thượng cũng sẽ giúp du khách nghỉ ngơi tối đa. Khách lưu trú còn được thư giãn với công nghệ spa bằng đá ozone giúp tác động sâu vào cơ thể, thải độc… Ảnh: Allegro Hoi An
Laluna Hoi An Riverside Hotel & Spa nằm bên bờ sông Hoài, cách chùa Cầu khoảng 5 phút đi bộ. Ảnh: Laluna Hoi An
Khách sạn có 49 phòng với 6 hạng, có phòng cho gia đình, được thiết kế nội thất theo phong cách hiện đại và trang nhã. Giá phòng từ 1,4 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng một đêm. Ảnh: Laluna Hoi An
Ở Laluna Hoi An Riverside Hotel & Spa còn có nhiều hoạt động như gặp gỡ bạn bè, đối tác tại quầy River View Bar ven sông Hoài, thư giãn trong hồ bơi ngoài trời bên Pool Bar, liệu pháp spa truyền thống tại Laluna Spa hay luyện tập tại trung tâm thể hình. Ngoài ra còn có khóa học nấu ăn các món truyền thống Việt…
Ảnh: Laluna Hoi An / Tâm Anh tổng hợp / Vietnam Express
Borges gây dựng danh tiếng văn chương lúc đang trên đỉnh tình yêu với Norah Lange, khi mà anh cứ ngỡ rằng mục đích cao cả nhất của thơ ca là bộc lộ mối giao cảm giữa những người đang yêu. Khi bị khước từ, trong bài thơ “Chủ thuyết về đam mê trong tiếng em”, anh viết: “Làm sao quên được tiếng em, tiếng của sự đam mê/ Khi những tiếng “em yêu anh” đã đi vào quên lãng/ Những tiếng đã giam cầm ta trong cảnh ngục tù”…
Nhà văn Jorge Luis Borges (1899-1986)
Jorge Luis Borges (1899-1986) là văn hào nổi tiếng người Argentina theo trường phái siêu thực Nam Mỹ, từng được nhiều lần đề cử vào giải Nobel (tuy ông chưa bao giờ nhận giải).
Khi ông bước vào tuổi thanh niên, do lo lắng khi thấy con mình có những biểu hiện thiếu hụt giới tính cha ông đã đưa con vào nhà thổ. Việc này đã làm tổn thương nặng nề đến ông suốt cả cuộc đời trong quan hệ với phụ nữ. Thế nhưng ông cũng từng có một mối tình tuyệt đẹp nhưng tuyệt vọng với một nữ thi sĩ. Tên nàng là Norah Lange…
Đang là một nhà văn trẻ ở Buenos Aires vào thập niên 20 thế kỷ trước, Jorge Luis Borges đem lòng say mê nữ sĩ tuổi 17 Norah Lange. Và tình yêu bị hắt hủi đã thay đổi con đường sự nghiệp của nhà văn nổi tiếng này. Norah có sức hấp dẫn đặc biệt, màu tóc hung đỏ gợi đến nỗi đam mê, còn ánh mắt xanh vùng Bắc Âu lại tượng trưng cho sự trong trắng của thiên thần, và cô đã đem sự trộn lẫn này vào những vần thơ mơ mộng pha cả những dự cảm tính dục của mình. Sức hấp dẫn của Norah có nguồn gốc khá đặc biệt từ gia đình.
Bố cô là người Na Uy, mẹ sinh ra ở Argentina, nhưng lại mang trong mình dòng máu Na Uy của ông ngoại và Ai Len của bà ngoại. Bởi thế, Norah lớn lên trong một gia đình có văn hoá, đa ngôn ngữ và có tư tưởng tự do. Norah từ nhỏ đã rất nghịch ngợm với nhiều trò oái ăm. Trò yêu thích của cô bé là ăn mặc như những người chăn bò, trèo lên mái nhà, từ đó tuôn ra từng tràng các thứ tiếng nước ngoài khiến hàng xóm phải choáng váng và cười khanh khách khoái trá. Tuy vậy, cô vẫn để dành cho mình những nét nữ tính ẩn sâu trong con người, khiến cô càng hấp dẫn hơn.
Vốn là một người lãng mạn ưa hành động, Borges càng thấy gần gũi hơn với Norah khi biết bố cô là một nhà thám hiểm lừng danh đã mất khi cô còn bé. Bên cạnh đó, nhà Langes có họ hàng với nhà văn hàng đầu người Na Uy Alexander Kiellend, bởi vậy cũng như Borges, Norah có thể tự hào về dòng dõi văn chương của gia đình mình. Hai gia đình còn có quan hệ họ hàng với nhau, cô của Norah lấy chú của Borges, mà theo truyền thống vùng nói tiếng Tây Ban Nha, điều đó làm hai người trở thành anh em họ.
Trong tháng mười năm 1924, khi đã xuất bản tập thơ đầu tay, Norah thường mời Borges và vài người bạn khác đến dự dạ tiệc thứ bảy hàng tuần tại nhà. Họ đọc thơ cho nhau nghe, bàn luận chuyện văn chương, nhảy tăng gô tự chơi trên đàn piano. Những buổi chiều tối này trở thành điểm nhấn trong lịch trình hàng tuần của Norah, cô viết: “Buổi tiệc bừng sáng nhờ sự hiện diện của Georgie và bạn bè anh”. Còn đối với Borges và nhóm bạn văn, nơi này cũng trở thành chốn đi lại yêu thích.
Borges coi Norah là nguồn cảm hứng truyền năng lượng cho anh sáng tác. Đến giữa năm 1926, quan hệ giữa hai người đã đến mức rất thân thiết. Một trong những bài thơ của Norah Lange mô tả cuộc hẹn hò đầy cảm xúc và tính dục: cô đến gặp người yêu như giọt sương ban mai đọng xuống bông hồng mới nở; trái tim cô đập dồn khi nghĩ đến những niềm hứng khởi đang đợi cô trên làn môi anh; cô tưởng tượng ra anh trong cô, tinh khiết như vầng trăng giữa đêm khuya tĩnh lặng.
Theo một chuyên gia, cảnh yêu đương này đã ảnh hưởng rất lớn đến ý tưởng sáng tác của Borges. Tháng Sáu năm 1926, anh ra mắt tiểu luận “Tuyên ngôn của đức tin văn học”, trong đó Borges coi sự giao cảm giữa tác giả và độc giả là một thái độ tin tưởng lẫn nhau dựa trên “lòng tin của độc giả và sự trung thực của tác giả”. “Viết văn là bản tuyên ngôn hoàn chỉnh về chính mình, về nhân vật, về cuộc tìm kiếm của con người”, và tương ứng với đó, độc giả “khát khao được thấy tâm hồn, số phận, khí chất”, nỗi khát khao mạnh đến nỗi nếu không tìm thấy trong tác phẩm thì nó sẽ quay sang “tìm kiếm trong cuộc đời tác giả”.
Theo Borges, viết văn đồng thời vừa là sáng tạo, vừa là khám phá, trong đó tác giả mở rộng lòng mình cho một quyền năng bí ẩn giúp anh ta phát hiện ra tinh cốt của bản ngã và quan hệ của nó với thế giới bên ngoài. Borges càng đi sâu vào vấn đề này thì sự hiện diện của Lange càng rõ: chính cô tạo nên hứng khởi cho cái tuyên ngôn thi pháp ấy; cô là người mà anh hy vọng mang đến sự hài hoà cho cái mớ lộn xộn, mâu thuẫn nhau trong chủ thuyết về cái tôi của anh.
Tháng Mười một năm đó Borges đưa Lange đi dự tiệc mừng một nhà văn nổi tiếng ra mắt thành công cuốn tiểu thuyết mới. Trong bức ảnh chụp hôm đó, Norah Lange có khuôn mặt tươi tắn, mơ màng, mắt ngước nhìn lên; bên cạnh là Borges với nụ cười nửa miệng của một ông chủ thoả mãn. Lúc này Norah đã có chút tên tuổi, được Borges bảo trợ, nhưng ngoài nhóm của anh ra, cô rất ít tiếp xúc với giới nghệ sỹ ở đây.
Tại buổi tiệc, Borges giới thiệu Norah với sếp, đồng thời là kình địch của anh, nhà thơ Oliverio Girondo. Sau đó Norah tình cờ ngồi cạnh ông ta. Giọng nói trầm như từ “lòng đất vọng lên” của ông gây ấn tượng với Norah. Ông nhìn cô uống ly rượu vang rồi nói: “dòng máu nóng sẽ chảy giữa hai ta”. Sau bữa tiệc Girondo nhảy với Norah và đưa cô về nhà. Norah hoàn toàn bị người đàn ông mới quen này khuất phục: “Oliverio là người đầy sinh lực, nồng nàn. Tôi yêu anh ấy ngay từ ngày hôm đó”.
Girondo không đẹp trai, nhưng học rộng, đi nhiều, biết nhiều: học trường tư ở Anh và Pháp, chu du khắp thiên hạ, đang có nhà ở Paris. Thích quảng bá mình là người chống đối lại những tập tục cổ hủ của xã hội Argentina, nhưng thực tế ông là hậu duệ của một dòng họ chủ đất gốc xứ Basque, có quan hệ họ hàng với hai dòng họ lớn nhất ở Nam Mỹ.
Mất Norah vào tay người đàn ông khác đối với Borges đã là cơn đại hoạn nạn, nhưng khi người đàn ông đó là Girondo thì lại càng khủng khiếp hơn
Mất Norah vào tay người đàn ông khác đối với Borges đã là cơn đại hoạn nạn, nhưng khi người đàn ông đó là Girondo thì lại càng khủng khiếp hơn. Mối ác cảm với Girondo bắt nguồn từ những bất đồng về trào lưu thơ cách tân, nhưng cũng còn do sự khác biệt về tính cách: trong khi Borges là người ôn hoà, hơi lạnh lùng, thì Girondo là người có sức mạnh tàn phá, thích khoa trương. Khác biệt giai cấp cũng đóng vai trò quan trọng: Borges thuộc tầng lớp thị dân trung lưu, còn Girondo là đại diện cho giai tầng thượng lưu.
Thứ bảy tuần đó, Norah mời Girondo đến nhà cô và giới thiệu với mẹ cô. Hai người thấy thoải mái bên nhau đến mức chơi cờ suốt ngày. Lange và Girondo bắt đầu gặp nhau hàng ngày. Nhưng khoảng một tháng sau Girondo rời Buenos Aires sang Paris, bỏ lại Norah đau khổ vô hạn. Hầu như ngày nào cô cũng viết thư gửi ông, và quyết định chuyển thể những bức thư đó vào cuốn tiểu thuyết “Giọng đời”. “Tôi đau khổ đến nỗi tóc rụng gần hết, buộc phải đội tóc giả mất một thời gian. Cuối năm 1927 Norah quyết định sang Na Uy một năm với chị gái của mình. Trước khi cô lên đường, cuốn “Giọng đời” đã được xuất bản.
Việc Norah cự tuyệt tình cảm của Borges làm đảo lộn cuộc đời anh. Tháng Ba năm 1927, khi Girondo dứt khoát chối bỏ quan hệ với Norah, anh đã cầu hôn với cô. Nhưng dường như Girondo càng làm Norah đau khổ thì cô càng nhận rõ mình không thể yêu Borges. Tháng Tư năm đó, Norah khước từ tình yêu của Borges một cách nghiệt ngã: cô gửi Tạp chí Martin Fierro bài bình luận về hai tuyển tập thơ đầu tay của anh với tựa đề “Vài suy nghĩ về Jorge Luis Borges, người khó mà thành thi sĩ được”.
Qua đây Norah muốn ngăn cách mình khỏi thi ca của người đỡ đầu về tinh thần đối với cô suốt ba năm qua. Chỉ hai tuần sau, Borges mới đáp lại bằng một bài tiểu luận ngắn về “Xo nê số 21 gửi Lisi” của Quevedo, một trong những bài thơ tình hay nhất bằng tiếng Tây Ban Nha. Trong bài thơ, Quevedo tuyên bố, cả tâm hồn, cả huyết quản, cả xương cốt của mình đều đã trải qua ngọn lửa tình yêu, khi chết đi chúng sẽ mất hình hài, nhưng sẽ không mất tình yêu: “Rồi sẽ thành tro tàn, nhưng tro tàn vẫn cảm/ rồi sẽ thành cát bụi, nhưng cát bụi vẫn yêu em”.
Borges gây dựng danh tiếng văn chương lúc đang trên đỉnh tình yêu với Norah Lange, khi mà anh cứ ngỡ rằng mục đích cao cả nhất của thơ ca là bộc lộ mối giao cảm giữa những người đang yêu. Khi bị khước từ, trong bài thơ “Chủ thuyết về đam mê trong tiếng em”, anh viết: “Làm sao quên được tiếng em, tiếng của sự đam mê/ Khi những tiếng “em yêu anh” đã đi vào quên lãng/ Những tiếng đã giam cầm ta trong cảnh ngục tù”. Mặc dù có hơi hướng đầu hàng, nhưng thi sĩ vẫn nhìn về phía trước, nơi mà anh hy vọng sẽ lấy lại được tình yêu.
Tolstoy là nhà văn hay viết về cái chết, ông không chỉ viết về nó từ con mắt của người còn sống, mà còn cả từ con mắt của người chết.
ÁM ẢNH BỞI NHỮNG CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI THÂN…
Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy sinh ngày 28 tháng 8 (tức ngày 9 tháng 9 theo lịch hiện nay) năm 1828 tại điền trang Yasnaya Polyana thuộc tỉnh Tula. Yasnaya Polyana là nơi Tolstoy khởi đầu sự sống của mình, là nơi khơi nguồn sáng tạo nghệ thuật, là nơi chứng kiến những tìm tòi, những biến chuyển trong nghệ thuật cũng như trong những tư tưởng triết lý, đạo đức của ông, và đó cũng là nơi mà vào đêm 28/10/1910 ông đã chạy trốn, từ bỏ tất cả: gia đình, tài sản… để đi trên con tàu vô định đến cái chết khi đã ở tuổi 82 và tên tuổi đã nổi tiếng trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu Tolstoy đã đưa ra nhiều suy đoán về cuộc chạy trốn khỏi Yasnaya Polyana của nhà văn. Một số người cho rằng, đó là do ông không thể chịu đựng nổi cuộc sống chung với người vợ đã gắn bó với ông trong 48 năm. Một số khác cho rằng, ông muốn rời bỏ thế giới như những tội đồ trong quá khứ. Lại có người nghĩ rằng, nhà văn cảm thấy cái chết của mình đến gần và muốn chạy trốn, dấu mình để chết như một vài loài cầm thú vẫn làm. (Theo Martine de Courcel. Tolstoy: The Ultimate Reconciliation, New York, 1988, tr.3-4).
Ý nghĩ về cái chết ám ảnh Tolstoy suốt cuộc đời. Ngay từ thuở ấu thơ, cái chết của người mẹ, sau đó là của người cha đã để lại dấu ấn không nhỏ đối với sự hình thành tính cách của nhà văn.
Chẳng hạn, khi nói về mẹ mình, nhà văn từng viết: “Tôi hoàn toàn không nhớ mẹ tôi. Bà mất khi tôi mới một tuổi rưỡi. Thật tình cờ đến kỳ lạ là không còn giữ lại được một tấm hình nào của bà, thành ra tôi không thể tưởng tượng ra bà như một thể xác hiện hữu. Tôi có phần mừng vui vì điều đó, bởi trong trí tưởng tượng của tôi, bà chỉ là một hình ảnh tinh thần, và tất cả những gì tôi biết về bà đều rất đẹp đẽ, và tôi nghĩ rằng, đó không phải chỉ vì mọi người khi nói với tôi về mẹ đều cố chỉ nói những điều tốt đẹp, mà thực sự ở bà có rất nhiều điều tốt đẹp. Hơn nữa, không chỉ mẹ tôi, mà tất cả những người xung quanh tôi, từ cha tôi cho đến những anh đánh xe, đều hết sức tốt đẹp trong mắt tôi. Có lẽ, tình cảm yêu thương trong trắng nơi tôi, như ánh sáng, đã giúp tôi nhìn thấy ở mọi người những phẩm chất tốt đẹp nhất của họ. Và việc tất cả mọi con người đó đối với tôi đều hết sức tốt đẹp là một sự thật lớn hơn rất nhiều so với khi tôi chỉ nhìn thấy những khiếm khuyết nơi họ” (Tolstoy L.N., Hồi ức, Nguồn: http://tolstoy-nasledie.rsl.ru/ru/additionalmenu/tolstoy).
Cái chết của những người anh trai khi Tolstoy còn trẻ, đặc biệt là người anh Nikolai (nguyên mẫu cho nhân vật chính trong tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Thời thơ ấu) cũng có những tác động rất lớn. Ngày 13/10/1860, một tháng sau cái chết của anh trai, nhà văn đã viết trong nhật ký: “… sự kiện này đã bứt tôi ra khỏi cuộc sống một cách kỳ lạ… Cái chết của Nikolenka – đó là ấn tượng mạnh nhất trong đời tôi” (Toàn tập tác phẩm, tập 48, trang 29- 30).
ĐẾN NHỮNG TÁC PHẨM VIẾT VỀ CÁI CHẾT
Tolstoy là nhà văn hay viết về cái chết, ông không chỉ viết về nó từ con mắt của người còn sống, mà còn cả từ con mắt của người chết. Có thể nói, không gì khó khăn và mạo hiểm hơn đối với nhà văn khi phải đặt mình vào vị trí của người đang sắp đi vào cõi chết và mô tả những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời người đó. Tolstoy đã làm điều đó trong Chiến tranh và hòa bình, trong Anna Karenina, trong Cái chết của Ivan Ilich,… Andrey trong Chiến tranh và hòa bình cảm thấy cái chết từ ngoài xô vào hai cánh cửa mà chàng không thể nào chống giữ nổi. Ivan Ilich trong Cái chết của Ivan Ilich thấy mình bị kéo vào một hố đen, còn với Anna, khi đã lao vào tàu, “nàng muốn đứng dậy và nhảy lùi về sau, nhưng một khối đồ sộ và rắn chắc đã đập vào đầu và xô nàng nằm ngửa ra”.
Các nhân vật đều chống cự với cái chết, mệt mỏi, đau đớn, hay sợ hãi, song khi cái chết đã thực sự đến, thì dường như luôn là sự giải thoát, sự thức tỉnh – thức tỉnh ở một thế giới khác. Andrey cảm thấy thoát khỏi sức mạnh từ trước trói buộc chàng, và một cảm giác lâng lâng từ đây không rời chàng nữa. Với Ivan Ilich, cơn đau và nỗi sợ chết giày vò ông suốt thời gian bệnh tật đã biến mất, “thay thế cho cái chết là ánh sáng”. Anna tuy không phải đối mặt với cái chết trong thời gian dài như Andrey và Ivan Ilich, cái chết của nàng chỉ là khoảnh khắc, nhưng trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, nàng cũng đã thấy “luồng ánh sáng đã soi cho nàng thấy rõ cuốn sách cuộc đời với bao nhiêu lo âu, phản phúc và đau khổ, lúc này càng bừng lên chói lọi hơn, rọi chiếu vào mọi vật bấy lâu nay vẫn chìm trong bóng tối…”.
Không một ai đang sống có thể kiểm chứng được những gì Tolstoy mô tả có đúng sự thực không, nhưng những trang viết về cái chết nơi Tolstoy luôn hấp dẫn và gây xúc động, khiến người đọc cảm giác đó chính là sự thực. Và cái ánh sáng của sự giải thoát, sự thức tỉnh ở những giây phút cuối cùng làm người ta tin rằng chết chưa phải là hết. Và dĩ nhiên, thông qua cái chết “thực thể” là những kiếm tìm của nhà văn về bản chất của tồn tại, mà sự sống và cái chết là hai mặt làm nên tồn tại đó.
CUỐI CÙNG LÀ CÁI CHẾT CỦA CHÍNH NHÀ VĂN
Tolstoy từ lâu đã chuẩn bị cho cái chết của mình. Những ngày tháng cuối đời, Tolstoy luôn bị ám ảnh bởi ý muốn từ bỏ gia đình. Những mâu thuẫn giữa ông và vợ, bà Sophia Andreevna, trở nên căng thẳng. 4 giờ sáng ngày 28/10 (tức ngày 10/11) năm 1910, ông bí mật rời Yasnaya Polyana để lên tàu ra đi, sau khi để lại cho Sophia bức thư: “… Chuyến đi của anh sẽ làm em đau khổ. Anh xin lỗi vì điều đó… Anh không thể làm khác được … Ngoài tất cả những chuyện khác ra, anh không thể sống lâu thêm trong cảnh xa hoa này. Anh đang và sẽ làm những gì mà những ông già ở tuổi anh thường làm: từ bỏ thế giới này để sống những ngày cuối đời trong yên bình và cô đơn…” (Tolstoy L.N. Toàn tập tác phẩm, tập 84, Thư gửi cho vợ S.A.Tolstaya, Ngày 28/10/1910, Nguồn: http://az.lib.ru/t/tolstoj_lew_nikolaewich/text_1330.shtml).
Đi cùng với đại văn hào là cô con gái út Alexandra và người bác sĩ riêng Dushan Makovitsky. Không một kế hoạch cụ thể về mục đích của chuyến đi. Trên toa tàu hạng ba, những hành khách bình dân nhận ra nhà văn (như sau đó trong bức điện tín Tolstoy đọc cho con gái để gửi về cho người thư ký riêng là V.G.Chertkov viết: “những người nông dân nhận ra… tôi sợ công chúng…”), dù vậy, ông vẫn vui vẻ trò chuyện với họ.
Nhà văn quyết định ghé tu viện Shamordino, nơi có người em gái Maria của ông, lúc này đã 80 tuổi, làm nữ tu. Cảnh quan tĩnh lặng, yên bình của tu viện cuốn hút nhà văn, nhưng ông chỉ dừng lại đây không lâu, rồi tiếp tục hành trình.
Tuy nhiên, việc ngồi trên tàu nhiều giờ, trong gió lạnh đã tác động đến phổi của Tolstoy. Tolstoy từng là người hết sức khoẻ mạnh, có thể làm được cả những công việc tay chân nặng nề, nhưng không có nghĩa bệnh tật không quấy rầy ông (và mặc dù nhà văn không chỉ một lần trong thư từ và các tác phẩm của mình tỏ thái độ ghét các bác sĩ, nhưng người ta tính trong suốt cuộc đời, ông đã được khoảng 74 bác sĩ chăm sóc). Tuổi 82, ông không tránh khỏi những bệnh của tuổi già ở tim mạch, gan, dạ dày, mật, khớp,… và điều mà các bác sĩ đặc biệt lo ngại nơi ông là bệnh phổi. Trong gia đình ông đã có tiền sử bệnh lao phổi (ông sinh được 13 người con nhưng chỉ giữ được 6, trong số 7 người con bị chết, một số chết vì phổi. Đó cũng là căn bệnh chiếm 30-40% tỉ lệ tử vong vào đầu thế kỷ XX).
Năm 1901-1902, Tolstoy đã bị viêm phổi nặng nhưng vượt qua được, và lần này căn bệnh lại tấn công ông đang lúc trên đường đi. Ngày thứ ba kể từ lúc rời khỏi nhà, người ta phải đưa ông xuống tàu, vào ga xép Astapovo cách Tula khoảng 100 km. Tình trạng của nhà văn lúc đó rất xấu, thân nhiệt cao, có lúc ông đã ngất đi, nhưng rồi lại tỉnh táo lại. Trong bức điện đầu tiên gửi từ Astapovo, cho Chertkov, ông vẫn còn chưa nguôi ý định tiếp tục hành trình: “Tôi cảm thấy khoẻ hơn, sẽ tiếp tục đi”, nhưng trong bức điện của cô con gái Alexandra lại viết: “Hôm qua đã xuống Astapovo, nhiệt độ cao, nửa mê nửa tỉnh, sáng nay nhiệt độ bình thường, bị lạnh trở lại, không thể có chuyện đi tiếp được, cha muốn ông đến đây” (Theo Chertkov V.G. Những ngày cuối cùng của Tolstoy, Nguồn: http://www.linguadex.com/tolstoy/).
Những người thân của Tolstoy đều đã biết tin nhà văn ốm nặng và lập tức đến Astapovo. Tuy nhiên, ngoài Alexandra, chỉ có con gái lớn Tatyana và con trai lớn Sergei là được gặp mặt cha. Tolstoy luôn quan tâm hỏi về tình hình tâm trạng và sức khoẻ của Sophia, nhưng không có ý muốn gặp bà, vì vậy các bác sĩ và con cái không cho bà vào với ông, cũng không cho nhà văn biết rằng, vợ ông cùng hai con trai nhỏ đang ở ngay gần ông, trong một toa xe trên sân ga.
Vật lộn với bệnh tật, với cái chết đang đến gần kề, Tolstoy vẫn không ngừng nghĩ đến những vấn đề của cuộc sống, đến những vấn đề tư tưởng, đạo đức mà ông trăn trở kiếm tìm. Ông yêu cầu Chertkov đọc báo, đọc thư từ, đọc những trang sách Những điều đã đọc (Krug chetenia – bộ những tác phẩm hay trích dẫn tác phẩm cổ kim của thế giới, mà Tolstoy đã tập hợp xuất bản vào cuối đời), ông quan tâm đến số tiền 500 rúp từ lợi nhuận bán bản dịch sang tiếng Anh tác phẩm Phục sinh để xây một trạm thu lúa cho nông dân ở Yasnaya Polyana; ông nghĩ đến những người nông dân nghèo khổ, đói khát và khôn nguôi cảm giác tội lỗi về cuộc sống sung túc của mình (Theo lời Chertkov, Tolstoy nhắc đến cái chết của người nông dân đã được ông mô tả trong tác phẩm Ba ngày ở trong làng và nói trong nước mắt: “Số tôi bị buộc phải chết với tội lỗi vẫn mang theo trong mình”, Chertkov V.G., Tài liệu đã dẫn).
Ngày cuối cùng, sức khỏe Tolstoy trở nên rất xấu. Ông khó thở, ho ra máu, phải dùng đến morphine. Sáu bác sĩ túc trực chăm sóc nhà văn (trong đó có hai bác sĩ từ Moskva tới), và mặc dù ở trong tình trạng tồi tệ, nhưng dường như Tolstoy vẫn không đánh mất sự sắc sảo, hóm hỉnh của mình khi bảo với mọi người: “Tôi chỉ khuyên các người ghi nhớ một điều: ngoài Lev Tolstoy còn có rất nhiều người trên thế gian này, vậy mà các người chỉ nhìn vào mỗi Lev mà thôi” (Theo nhà viết tiểu sử Tolstoy là N.N. Gusev, câu nói của Tolstoy được nhắc lại bởi những người chứng kiến không hoàn toàn giống nhau, câu này là theo lời kể của Alexandra- con gái nhà văn. Gusev N.N., Những lời cuối cùng của Tolstoy là như thế nào? Nguồn: http://feb-web.ru/feb/tolstoy/serial/tt1/tt1-077-.htm).
Lần tỉnh lại sau cùng, nhà văn cho gọi con trai lớn Sergei lại gần, nói những lời cuối: “Cha yêu chân lý… cha rất yêu chân lý”, rồi sau đó đi vào hôn mê. Các bác sĩ, những người thân quây quần bên chiếc giường nhỏ bé tranh sáng tranh tối, nằm trên đó là một cụ già râu tóc bạc phơ, khô rút lại nhỏ thó, nhưng đồng thời cũng là nhà văn, nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại. 6 giờ 5 phút sáng ngày 7 (tức 20) tháng 11 năm 1910, con người ấy đã ra đi.