Dù chỉ tồn tại được trong môi trường nước ngọt, điều đáng ngạc nhiên là nhiều loài tôm nòng nọc lại sinh trưởng ở những sa mạc khô cằn, nơi lượng mưa trung bình hàng năm rất thấp.
Tôm nòng nọc là tên gọi chung của các loài giáp xác thuộc chi Triops, họ Tôm nòng nọc (Triopsidae). Chúng được xem là hóa thạch sống vì đã không thay đổi đáng kể hình thái bên ngoài kể từ kỷ Tam Điệp (khoảng 200 đến 251 triệu năm trước).
Các loài giáp xác cổ nhất hành tinh này rất dễ nhận diện với phần đầu hao hao cua móng ngựa (con sam), còn đuôi dài nhiều đốt và có hai cái “râu” dài chĩa về phía sau.
Trong điều kiện nuôi nhốt, tôm nòng nọc phát triển đến chiều dài khoảng 6 cm. Dù vậy, trong tự nhiên chúng có thể đạt kích thước 11cm.
Trên đỉnh đầu tôm nòng nọc có một cặp mắt kép cùng “con mắt thứ ba”, khiến chúng mang tên gọi “triops” (nghĩa là “ba mắt” trong tiếng Hy Lạp cổ).
Dù chỉ tồn tại được trong môi trường nước ngọt, điều đáng ngạc nhiên là nhiều loài tôm nòng nọc lại sinh trưởng ở những sa mạc khô cằn, nơi lượng mưa trung bình hàng năm rất thấp.
Chúng làm được điều này nhờ một chiến lược sinh tồn đặc biệt. Theo đó, ấu trùng tôm sống trong vũng nước được tao ra từ những trận bão hiếm hoi ở sa mạc.
Khi các vũng nước khô đi, tôm trưởng thành sẽ chết, nhưng trứng của chúng có thể tồn tại trong môi trường khô hạn và nhiệt độ cao khoảng hơn 15 năm. Chỉ cần có một cơn mưa, trứng sẽ nở ngay.
24 giờ sau khi nởm, tôm nóng nọc đã giống như phiên bản thu nhỏ của con trưởng thành. Chúng sẽ trưởng thành hoàn toàn trong 2-3 tuần và kịp sinh sản trước khi nguồn nước hiếm hoi bốc hơi hết dưới ánh mặt trời.
Do năng lực tiềm sinh đáng nể của mình, trứng tôm nòng nọc đã được các công ty đóng gói thành các bộ “kit” để người yêu thích sinh vật cảnh mua về ươm nở và nuôi trong bể cảnh.
Khá dễ nuôi, tôm nòng nọc có thể ăn nhiều loại thức ăn khác nhau. Thông thường, chế độ ăn dành cho chúng khi nuôi nhốt là cà rốt, tôm viên và tôm khô.
Trong tự nhiên, chế độ ăm của tôm nòng nọc gồm cả động vật và thực vật. Chúng có thể được thả vào ruộng lúa như giải pháp sinh học nhằm tiêu diệt cỏ dại do đặc tính háu ăn của mình.
Là kẻ săn mồi tốc độ, tôm nòng nọc đặc biệt thích xơi ấu trùng muỗi. Vì vậy, chúng còn được coi là đồng minh của con người trong công cuộc tiêu diệt virus tây sông Nile – loài virus gây bệnh chủ yếu lây truyền qua muỗi Culex.
Hiện tại, các loài tôm nòng nọc có phạm vi phân bố rộng trên thế giới. Trong đó, các loài sinh sản hữu tính thống trị ở phía Nam bán cầu và loài trinh sản (sinh sản không cần con đực) thống trị phía Bắc.
Anh hùng đánh giặc Hung Nô, tổng công trình sư của Tử Cấm Thành, ông tổ pháo binh trong lịch sử Trung Quốc… đều là những nhân tài đến từ nước Việt.
Lý Ông Trọng giúp nhà Tần chống giặc Hung Nô
Lý Ông Trọng tên thật là Lý Thân, là một nhân vật truyền thuyết sống vào cuối đời Hùng Duệ Vương, đầu thời An Dương Vương, gốc làng Chèm, Từ Liêm, Hà Nội. Vào thời Hùng Vương thứ 18, Ông Trọng giữ một chức nhỏ ở huyện ấp, đời sau truyền rằng ông cao hai trượng ba thước. Với bản tính cương trực, trung hậu, thương dân nên có lần thấy một tên lính huyện ác ôn đánh đập dân phu dã man, ông đã nổi giận đánh chết tên lính đó và bị triều đình khép tội chết. Nhưng vua thấy ông là người có tài đức, khỏe mạnh nên không nỡ giết. Sau đó ông bỏ chức, đi cầu học phương xa.
Tử Cấm Thành.
Đến thời Thục An Dương Vương, ông là một tướng giỏi giúp vua và được cử đi sứ nước Tần.
Bấy giờ nhà Tần hay có nạn giặc Hung Nô đánh phá phía Bắc. Tuy Tần Thủy Hoàng đã cho đắp Vạn Lý Trường Thành nhưng vẫn không yên. Nhân có tướng tài của nước Âu Lạc là Lý Ông Trọng sang sứ nên vua Tần ngỏ ý mời ông giúp Tần trừ giặc Hung Nô, phong ông làm Vạn Tín Hầu. Ông Trọng cầm quân ra giữ đất Lâm Thao (vùng Cam Túc, Trung Quốc hiện nay), hễ quân Hung Nô kéo đến bao nhiêu là bị đập tan bấy nhiêu. Giặc Hung Nô kinh sợ và từ đó không dám xâm phạm biên ải nhà Tần nữa. Vua Tần hết sức khâm phục, phong tước cao, thưởng hậu và gả cả công chúa cho Lý Ông Trọng, muốn lưu ông ở lại Tần lâu dài. Sau đó một thời gian, Lý Ông Trọng nhớ quê hương xin vua Tần cho về nước nghỉ ngơi.
Khi biết tin Lý Ông Trọng đã về nước, quân Hung Nô lại kéo sang đánh Tần. Vua Tần lại sai sứ sang Âu Lạc mời Ông Trọng. Ông Trọng không muốn đi nên vua Thục nói rằng ông đã mất. Vua Tần bất đắc dĩ phải đúc một pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng (bên trong rỗng, chứa được mấy chục người, có máy giật để cử động chân tay như thật) đặt ở cửa Kim Mã, kinh thành Hàm Dương. Giặc Hung Nô ngỡ là ông lại sang Tần nên không dám xâm phạm nước này. Từ đó người phương Bắc thường gọi những pho tượng lớn là “Ông Trọng”.
Tử Cấm Thành là tác phẩm của người Việt
Tử Cấm Thành Bắc Kinh ngày nay trở thành một biểu tượng văn hóa để người Trung Quốc tự hào với nhân loại. Ít ai biết rằng, tổng công trình sư của Tử Cấm Thành là một người Việt Nam.
Đó là ông Nguyễn An, sinh vào cuối thời Trần. Theo Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn thì Nguyễn An quê ở vùng Hà Đông ngày nay. Từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng, giỏi tính toán và có biệt tài về kiến trúc. Bởi vậy, mới chỉ 16 tuổi, Nguyễn An đã có mặt trong các hiệp thợ xây dựng các công trình cung điện của nhà Trần.
Năm 1406, nhà Minh mang quân sang đánh nhà Hồ bắt được cha con Hồ Quý Ly mang về Trung Quốc. Năm 1407, vua Minh xuống chiếu cho các tướng Minh ở nước ta bắt những người học vấn cao, thợ khéo, các thanh niên tráng kiện để mang về Trung Quốc phục vụ cho nước họ. Nguyễn An nằm trong số bị bắt này.
Sang Trung Quốc, Nguyễn An bị sung vào đội ngũ hoạn quan. Vào lúc này, nhà Minh đang cho xây dựng thành Bắc Kinh làm kinh đô. Nghe Nguyễn An có tài kiến trúc lại liêm khiết, vua Minh cho ông phụ trách việc xây Tử Cấm Thành. Các quan lại ở Bộ Công có ý không phục nhưng khi thấy Nguyễn An tính toán rành mạch, đầu nghĩ tay chỉ thành hình, họ cũng vui vẻ phục tùng.
Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn An, Tử Cấm Thành Bắc Kinh đã hoàn thành với một công trình đồ sộ gồm 800 cung và 8.886 phòng trên một diện tích 720.000 m2. Theo phát biểu của GS Trần Ngọc Thêm trên báo Sài Gòn Giải Phóng, công trình này mang những ảnh hưởng kiến trúc Việt Nam rõ rệt. Đó là nguyên tắc “tiền triều hậu thị” nghĩa là cung điện phía trước chợ búa phía sau. Trong khi các hoàng thành trước đó của Trung Quốc hình vuông thì Tử Cấm Thành hình chữ nhật. Nét nổi bật nhất là Tử Cấm Thành có 3 lớp trong khi các kinh thành trước chỉ có 1 hoặc 2 lớp. Theo giáo sư Thêm, đây là biểu hiện tư duy coi trọng số lẻ của người Việt và cũng là sự tương đồng với thành Cổ Loa của ta.
Công lao của Nguyễn An trong việc tổ chức xây dựng Tử Cấm Thành đến nay vẫn được ghi rõ trong các bộ sử cổ của Trung Quốc như Hoàng Minh thông kỷ, Anh Tông chính thống thực lục.
Ông tổ pháo binh ở Trung Quốc
Người Trung Quốc xưa nay được mệnh danh là cha đẻ của thuốc súng. Nhưng ít ai biết rằng chính người Việt Nam lại là thày dạy đúc súng pháo của người Trung Quốc. Người thày ấy không ai khác, chính là Hồ Nguyên Trừng. Ông là con trưởng của Hồ Quý Ly, có biệt tài về đúc súng, pháo. Sau khi nhà Hồ bị quân Minh tiêu diệt, cha con ông cùng các quan lại bộ thuộc bị bắt về Trung Quốc.
Ở bên Trung Quốc, nhà Minh biết Trừng có tài chế tạo súng thần cơ mới trưng dụng ông, từ đó nước này mới có bước tiến lớn trên con đường sử dụng thuốc nổ vào chiến tranh. Theo Vân đài loại ngữcủa Lê Quý Đôn thì trong sử đời Minh có ghi nhận: “Trừng khéo chế súng, chế ra thần cơ cho triều đình, đến nay tế binh khí đều phải tế Trừng”. Trong sách Thông ký cũng nói: ”Lúc đầu Quốc Triều (chỉ nhà Minh) chỉ có năm quân doanh, ấy là Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu. Năm Vĩnh Lạc xưa (1403-1424) lấy 3000 quân kỵ rợ Hồ đặt dưới lá cờ rồng, lập ra tam thiên doanh. Sau khi nam phạt, học được phép chế thần công thì lập ra thần cơ doanh”.
Giáo sư Trần Quốc Vượng khi nghiên cứu lịch sử Trung Quốc cũng xác nhận trong Minh sử có ghi: “Đến đời vua Thành Tổ nhà Minh (1403-1424) đánh nước Giao chỉ học được phép đúc thần cơ sang pháo, lúc bấy giờ mới đặt ra đội súng thần cơ”. Như vậy, các tài liệu sử học của cả ta và Trung Quốc đều xác nhận rõ ràng, chỉ từ khi có Hồ Nguyên Trừng mới xuất hiện Thần cơ doanh là binh chủng pháo binh đầu tiên của quân đội Trung Quốc và cũng là binh chủng pháo binh đầu tiên của nhân loại. Rõ ràng cha ông chúng ta xưa đã đi trước người Trung Quốc trong kỹ nghệ chế tạo pháo.
Trạng nguyên triều Đường
Lịch sử quan hệ bang giao Việt Nam – Trung Quốc thời phong kiến có nhiều sứ giả Việt Nam vì giỏi ứng đối nên được hoàng đế Trung Hoa phong cho danh hiệu Trạng Nguyên. Tuy nhiên đó chỉ là một dạng danh hiệu danh dự. Nhưng từ thế kỷ 8, khi nước ta còn bị nhà Đường đô hộ, người Việt đã tỏ ra trí tuệ không kém gì dân Trung Quốc.
Năm 784, Khương Công Phụ, một người xuất thân bình dân ở đất Yên Định – Thanh Hóa (lúc đó là quận Nhật Nam dưới thời Đường) đã sang Trường An thi và đoạt danh hiệu Trạng Nguyên, đứng đầu hàng ngàn sĩ tử Trung Quốc.
Theo sách Chuyện thi cử và lập nghiệp của học trò xưa, Khương Công Phụ sinh ra trong một gia đình làm nghề bán thuốc bắc. Từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh nên được cha mẹ cho đi học với một ông thày người Trung Quốc vốn là một Nho sĩ đỗ đạt nhưng chán cảnh quan trường lánh sang nước ta ẩn dật. Nhờ được học thày giỏi nên tài năng của Công Phụ ngày càng phát triển.
Trong dịp khảo hạch ở quận, vua Đường chỉ cho sĩ tử An Nam được sang Trường An thi có 8 người nhưng Công Phụ đã vượt qua hết các kỳ khảo hạch và luôn đứng đầu số sĩ tử dự khảo hạch. Đến kỳ thi ở Trường An, ông đã đỗ Trạng Nguyên sau đó đã làm đến Gián nghị đại phu rồi Tể tướng của triều vua Đường Túc Tông.
Đánh giá về Công Phụ, học giả Trung Quốc đời sau vẫn còn nhiều ngưỡng mộ. Học giả La Sĩ Bằng nhận xét: “Thời Đường lấy văn thơ kén quan chức. Người An Nam muốn ra làm quan ắt phải theo lối đó. Công Phụ qua khoa cử làm quan đến chức cao quý như Tể phụ thì thơ văn chắc phải uyên thâm lỗi lạc… Chỉ có trong Toàn Đường Văn, quyển 446 có chép 2 thiên: Bạch Vân chiếu xuân hải và Đối cực trực gián sách. Qua hai thiên văn chương ấy, chúng ta đại khái thấy được bút văn, kiến thức của bậc văn tài”.
Trà đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cơ thể con người nhưng uống trà sai cách có thể gây hại cho cơ thể. (Minh họa: Getty Images)
Trà là thức uống phổ biến được người phương Đông sử dụng từ lâu đời, đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ cho con người, nhưng uống trà sai cách có thể tàn phá dạ dày, tăng nguy cơ bị ung thư.
Trà có lợi cho sức khoẻ
Uống trà thường xuyên, bao gồm cả trà xanh và các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà bạc hà,… có thể làm giảm lo lắng, giúp não bộ tập trung và tỉnh táo. (Minh họa: Getty Images)
Trong trà chứa polyphenol, caffeine, theanine và một số chất khác. Polyphenol là hợp chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe, giúp giảm viêm và giúp chống lại một số căn bệnh ung thư.
Trà xanh có chứa catechin, là chất chống oxy hóa tự nhiên giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào và cung cấp các lợi ích sức khoẻ khác cho cơ thể. Những chất này có thể làm giảm sự hình thành các gốc tự do, bảo vệ các tế bào khỏi quá trình stress oxy hoá do các gốc tự do gây ra. Quá trình stress oxy hoá làm tăng nguy cơ mắc bệnh, do đó, uống trà có tác dụng nhất định trong việc phòng ngừa bệnh tật và giúp tăng tuổi thọ.
Caffeine trong trà là chất có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, giúp tinh thần sảng khoái. Theanine trong trà có tác dụng chống mệt mỏi.
Ngăn ngừa bệnh tật bằng trà
Chất như L-theanine chứa trong trà không chỉ giúp tinh thần tỉnh táo mà còn giúp tăng cường chức năng não bộ. Uống trà thường xuyên, bao gồm cả trà xanh và các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà bạc hà,… có thể làm giảm lo lắng, giúp não bộ tập trung và tỉnh táo.
Uống trà cũng giúp ngăn ngừa tình trạng suy giảm nhận thức và giảm nguy cơ mắc sa sút trí tuệ. Hiện nay, y học chưa có bất kỳ phương pháp nào có thể điều trị hiệu quả, dứt điểm bệnh sa sút trí tuệ và phòng ngừa bệnh Alzheimer (căn bệnh thoái hóa thần kinh và là nguyên nhân của chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi). Vì vậy, việc ngăn ngừa bệnh sa sút trí tuệ khởi phát là điều vô cùng quan trọng. Một nghiên cứu lớn với 365,682 người tham gia được công bố trên PLOS Medicine cho thấy rằng uống từ 1 – 4 ly trà mỗi ngày có thể giảm 8 – 11% nguy cơ mắc sa sút trí tuệ.
Uống trà quá nóng khiến thực quản bị tổn thương. (Minh họa: Getty Images)
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các tổn thương do quá trình stress oxy hóa có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, bao gồm cả ung thư. Tuy nhiên, chất chống oxy hóa flavonoid trong trà lại có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác động của quá trình này. Uống trà có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, như ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư da,…
Một nghiên cứu ở Mỹ trên 566 người tham gia, cho thấy những người thường xuyên uống trà đen có nguy cơ bị ung thư tế bào vảy (một loại ung thư da) thấp hơn 40% so với những người ít hoặc không uống trà. Một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Ung thư của Anh với sự tham gia của 8,900 phụ nữ cho thấy uống hai, ba tách mỗi ngày có thể giảm 15 – 26% nguy cơ bị bệnh ung thư vú và giảm tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gây ra từ 17 – 20%.
Một nghiên cứu do nhóm của Viện sĩ Cố Đông Phong, Viện sĩ tại Học viện Y học Bắc Kinh trực thuộc Viện Khoa học Y tế Trung Quốc thực hiện được công bố trên Tạp chí European Journal of Preventive Cardiology cho thấy uống trà ít nhất ba lần một tuần có thể giúp kéo dài tuổi thọ, giảm tỷ lệ mắc xơ vữa động mạch và giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.
Một nghiên cứu khác tại Trung Quốc vào năm 2020 với 10,825 tình nguyện viên chỉ ra rằng uống trà mỗi ngày có thể làm giảm 23% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Còn ở Nhật Bản, những người uống trà xanh nhiều có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn khoảng 42% so với người không uống hoặc uống ít.
Nhưng….
Mặc dù uống trà đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cơ thể con người nhưng uống trà sai cách có thể gây hại cho cơ thể. Và cách để phòng ngừa là:
Đừng uống trà đặc.
Thường xuyên uống trà đặc có thể kích thích thành của dạ dày và gây tăng tiết acid. Theo thời gian, niêm mạc dạ dày có thể bị kích thích và tổn thương, gây viêm nhiễm, xung huyết, phù nề, thậm chí có thể gây viêm loét dạ dày. Một cuộc khảo sát cho thấy khoảng 70% bệnh nhân mắc viêm loét dạ dày thường thích uống trà đặc.
Uống trà khi no
Trong trà có chứa các ancaloit như caffeine, uống trà khi bụng đói dễ gây ra tình trạng say trà, gây ra một số triệu chứng như hồi hộp, chóng mặt, run rẩy, yếu tay chân,… Ngoài ra, uống trà khi bụng đói còn đặc biệt có hại cho dạ dày vì trong trà có chứa tanin, có thể làm tăng acid trong dạ dày, kích thích niêm mạc đường tiêu hóa, gây buồn nôn, đau dạ dày. Đối với những người mắc bệnh dạ dày, uống trà khi đói có thể sẽ làm cho tình trạng bệnh thêm nặng hơn. Do đó, mọi người không nên uống trà, đặc biệt là trà đặc, lúc đói bụng.
Đừng uống trà khi bụng đói. (Minh họa: Getty Images)
Không nên uống trà quá nóng
Các màng nhầy trong khoang miệng và thực quản rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nhiệt độ cao nhất mà thực quản có thể chịu đựng được là 60°C. Nhiệt độ trên 65°C sẽ gây bỏng thực quản, khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế cũng đã liệt kê các loại đồ uống nóng trên 65°C là tác nhân gây ung thư loại 2A, bao gồm cả nước đun sôi, trà, cà phê và súp vượt quá nhiệt độ này.
Nói tóm lại, uống trà là tốt, vì trà đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ. Vấn đề là bạn cần tránh các thói quen gây tác hại khi uống trà.
Putin đã đưa đất nước của mình trở lại với chủ nghĩa đế quốc, chế độ chuyên chế, và sự cô lập của thời kỳ Xô-viết.
“Xin chúc mừng/chia buồn, cậu đã nằm trong danh sách trừng phạt của Nga,” một đồng nghiệp đã gửi tin nhắn như vậy. Và đó là cách tôi phát hiện ra rằng mình đã có tên trong danh sách kẻ thù của Điện Kremlin, những người bị cấm nhập cảnh vào Nga.
Nhận thức rằng tôi có lẽ sẽ không còn có thể đến thăm đất nước này khiến tôi hồi tưởng lại chuyến đi đầu tiên của mình tới đó vào năm 1987. Cảm giác như nước Nga đã quay lại quá khứ của mình – trở về với chế độ chuyên chế, với cuộc xâm lược và sự cô lập đã định hình nên thời kỳ Xô-viết.
Năm 1987, Liên bang Xô-viết đã bước vào những ngày hấp hối – dù lúc đó chẳng ai nhận ra điều này. Khi ấy, tôi đến Moscow để đưa tin về các cuộc đàm phán vũ khí giữa Mỹ và Liên Xô. Câu chuyện lớn đối với cánh phóng viên địa phương là việc những nhà hàng tư nhân đầu tiên đã bắt đầu mở cửa. Mọi thứ đang thay đổi, và điều đó được phản ánh trong phong cách ‘tưởng như đùa’ của Gennadi Gerasimov, phát ngôn viên của Liên Xô lúc bấy giờ.
Đó chính là tính cách nổi bật của Gerasimov, và sau này ông cũng đã sử dụng một câu nói đùa để tuyên bố về sự kết thúc của chủ nghĩa đế quốc Xô Viết. Học thuyết Brezhnev là tên gọi của quyền xâm lược các nước láng giềng mà Moscow tự ban cho mình, để đảm bảo rằng các nước này luôn nằm trong quỹ đạo của Điện Kremlin. Khi được hỏi vào năm 1989, liệu rằng học thuyết ấy có còn được áp dụng hay không, Gerasimov đáp: nó đã được thay thế bằng “Học thuyết Sinatra” – từ lúc này trở đi, ai cũng có thể làm theo ý mình.
Bước phát triển ấy đã khiến chàng trai trẻ Vladimir Putin, người khi đó là một điệp viên KGB đóng tại Đông Đức, phải kinh hoàng. Sau này, ông cay đắng nhớ lại rằng khi chứng kiến chế độ cộng sản Đông Đức sụp đổ, ông đã yêu cầu hỗ trợ quân sự, nhưng chỉ được trả lời rằng “Moscow im lặng rồi.”
Giai đoạn tôi bắt đầu đến Nga thường xuyên hơn – từ khoảng năm 2004 trở đi – cũng là lúc Putin chính thức lên nắm quyền. Nhìn bề ngoài, nước Nga đã thay đổi đến mức không thể nhận ra. Khách sạn Quốc gia, nằm gần Điện Kremlin – một ‘bãi rác kiểu Liên Xô’ khi tôi ở đó vào năm 1987 – giờ đã trở nên quá hào nhoáng và xa hoa. Bức tượng của Felix Dzerzhinsky, người sáng lập lực lượng mật vụ Liên Xô, đã được dời khỏi trung tâm Moscow và chuyển đến một công viên tưởng niệm xập xệ.
Sự chuyển đổi từ chế độ chuyên chế sang chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa được biểu trưng bằng sự thay đổi trong vận mệnh của gia đình Solzhenitsyn. Aleksandr Solzhenitsyn từng đoạt giải Nobel cho cuốn tiểu thuyết viết về những trại cải tạo của Liên Xô, và sau đó đã bị buộc phải sống lưu vong. Con trai của ông, Yermolai, hiện là một nhà tư vấn của Tập đoàn McKinsey, đặt trụ sở tại Moscow.
Nhưng chính việc có quá nhiều thay đổi so với thời kỳ cộng sản đã khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua những điều vẫn được giữ nguyên. Ẩn đằng sau bề ngoài theo kiểu chủ nghĩa tiêu dùng phương Tây, chế độ chuyên chế, bạo lực, và chủ nghĩa đế quốc vẫn là những nền tảng trong đường lối cai trị của Putin.
Các đối thủ chính trị của chế độ vẫn bị đàn áp và đôi khi còn bị sát hại. Boris Nemtsov, một nhà tự do hàng đầu mà tôi từng gặp ở cả Moscow và London, đã bị sát hại cách Điện Kremlin chỉ vài mét vào năm 2015. Nga xâm lược nước láng giềng Gruzia vào năm 2008, tấn công Ukraine vào năm 2014, rồi sáp nhập Crimea. Những hành động đó đã thể hiện rõ ràng: Putin và các cộng sự của ông chưa bao giờ thực sự chấp nhận sự độc lập của các quốc gia từng là một phần của Liên bang Xô-viết. Các quốc gia như Ba Lan, từng thuộc khối Liên Xô rộng lớn, lo ngại rằng bản năng đế quốc Nga vẫn còn tồn tại trong họ.
Fyodor Lukyanov, một học giả thân cận với nhà lãnh đạo Nga, từng nói với tôi rằng trên hết, Putin bị thúc đẩy bởi nỗi sợ rằng nước Nga, lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, có thể mất đi vị thế cường quốc. Với nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới (tính theo tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa), quyền lực còn sót lại của Điện Kremlin là dựa trên sức mạnh quân sự và vũ khí hạt nhân của đất nước.
Tôi đã được chứng kiến sự yêu thích của giới tinh hoa Nga đối với chiến tranh vào năm 2014, trong một cuộc trò chuyện tại Quốc hội Nga với Vyacheslav Nikonov, một thành viên của Duma và là cháu trai của Vyacheslav Molotov, người từng là Ngoại trưởng của Stalin. Khi chúng tôi thảo luận về mối quan hệ của Nga với các nước thuộc khối BRIC, trong đó có Brazil, Nikonov nói với tôi rằng có một vấn đề lớn với Brazil trong tư cách là đồng minh: “Họ không hiểu chiến tranh. Họ chỉ có duy nhất một cuộc chiến trong lịch sử của mình.” “Và đó là với Paraguay,” ông nói với vẻ khinh thường. Theo Nikonov, việc Putin sáp nhập Crimea vẫn là hành động có chừng mực, còn “Molotov sẽ xâm lược Ukraine và chiếm lấy nó chỉ trong một tuần.”
Thực tế thì Putin cũng chia sẻ sự kiêu ngạo và hiếu chiến đối với Ukraine. Nó đã khiến ông đánh giá thấp một cách nguy hiểm sự phản kháng mà lính Nga sẽ gặp phải khi họ tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện trong năm 2022 này.
Trong thời đại Putin, cũng như thời Liên Xô, chủ nghĩa đế quốc ở nước ngoài đi đôi với áp bức trong nước. Thật ra, suốt nhiều năm, nước Nga dưới thời Putin đã có nhiều không gian cho bất đồng chính kiến hơn thời Liên Xô. Tôi đã chứng kiến các cuộc biểu tình lớn chống Putin trên đường phố Moscow vào năm 2012 và 2019. Nhưng cuối cùng thì Putin vẫn sử dụng vỏ bọc chiến dịch quân sự đặc biệt của mình ở Ukraine để hủy hoại bất kỳ phe đối lập chính trị nào trong nước. Hàng nghìn người đã bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình phản chiến và phong trào đối lập, dẫn đầu bởi Alexei Navalny mà nay đã bị bỏ tù, đang bị tiêu diệt.
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga cũng đã đẩy đất nước này trở lại tình trạng bị cô lập quốc tế còn mạnh hơn cả những gì Liên Xô từng trải qua. Tôi đã bay từ London đến Moscow trên một chuyến bay thẳng vào năm 1987. Ngày nay, những chuyến bay đó đã không còn nữa. Và tôi không lạc quan rằng mình sẽ thấy chúng sớm được khôi phục trở lại.
Biên dịch:Nguyễn Thị Kim Phụng / Nghiên cứu Quốc Tế
Phần lớn dân số, ở cuối thang đo thu nhập/tài sản, trên thực tế bị loại bỏ khỏi hệ thống chính trị, ý kiến và thái độ của họ bị những người đại diện chính thức của họ bỏ qua, trong khi một nhóm nhỏ ở đầu lại có ảnh hưởng áp đảo…
Noam Chomsky là Giáo sư Danh dự (Institute Professor Emeritus) tại Khoa Ngôn ngữ học và Triết học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts. Dưới đây là Lời giới thiệu cuốn sách của ông, Who Rules the World? (Metropolitan Books, xuất bản ngày 10/5/2016).
Biện dịch: Nguyễn Huy Hoàng.
Câu hỏi mà nhan đề cuốn sách này đưa ra không thể có một câu trả lời đơn giản và rõ ràng. Thế giới này quá đa dạng, quá phức tạp, để có thể có một câu trả lời như vậy. Nhưng không khó để nhận ra những khác biệt sắc nét trong khả năng định hình các vấn đề quốc tế, và để xác định các tác nhân nổi bật và có ảnh hưởng hơn.
Trong số các nhà nước, kể từ sau Thế chiến II Hoa Kỳ là nước đứng đầu, và vẫn là nước đừng đầu. Nó chủ yếu vẫn đặt ra những vấn đề cho dòng tranh luận toàn cầu, từ những mối quan tâm như Israel-Palestine, Iran, Mỹ Latin, “cuộc chiến chống khủng bố,” tổ chức kinh tế quốc tế, các quyền và công lý, và các vấn đề tương tự đến những vấn đề sống còn của nền văn minh (chiến tranh hạt nhân và sự hủy hoại môi trường).
Tuy nhiên, sức mạnh của nó cũng đã suy giảm sau khi đạt đỉnh lịch sử chưa từng có vào năm 1945. Và với sự suy giảm không thể tránh khỏi, quyền lực của Washington đang được chia sẻ ở một mức độ nhất định trong “chính phủ thế giới trên thực tế” của “những ông chủ của vũ trụ,” mượn lời của báo chí thương mại—tức là những cường quốc tư bản hàng đầu (các nước G7) cùng với các thể chế mà họ kiểm soát trong “thời đại đế quốc mới,” như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức thương mại toàn cầu.
“Những ông chủ của vũ trụ” dĩ nhiên không hề là đại diện của người dân các cường quốc thống trị. Ngay cả trong các nước dân chủ hơn, người dân cũng chỉ có tác động hạn chế đối với các quyết định chính sách. Ở Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu nổi tiếng đã đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng “giới tinh hoa kinh tế và các nhóm có tổ chức đại diện cho những lợi ích kinh doanh có tác động độc lập đáng kể đối với chính sách của chính phủ Hoa Kỳ, [trong khi] công dân da trắng trung bình và các nhóm lợi ích dựa trên quần chúng có rất ít hoặc không có ảnh hưởng độc lập”. Kết quả nghiên cứu của họ, các tác giả kết luận, “cung cấp sự hỗ trợ đáng kể cho các lý thuyết về Sự thống trị của giới tinh hoa kinh tế (Economic Elite Domination) và các lý thuyết về Chủ nghĩa đa nguyên thiên vị (Biased Pluralism), mà không phải cho các lý thuyết về Dân chủ bầu cử đa số (Majoritarian Electoral Democracy) hay Chủ nghĩa đa nguyên đa số (Majoritarian Pluralism)”.
Các nghiên cứu khác đã chứng minh rằng phần lớn dân số, ở cuối thang đo thu nhập/tài sản, trên thực tế bị loại bỏ khỏi hệ thống chính trị, ý kiến và thái độ của họ bị những người đại diện chính thức của họ bỏ qua, trong khi một nhóm nhỏ ở đầu lại có ảnh hưởng áp đảo; và trong một thời gian dài, kinh phí của chiến dịch là một yếu tố dự báo tương đối tốt về những lựa chọn chính sách.
Một hệ quả của điều này là cái gọi là sự thờ ơ: không buồn bỏ phiếu. Nó có một mối tương quan giai cấp đáng kể. Những lý do thích hợp đã được một trong những học giả hàng đầu về chính trị của bầu cử, Walter Dean Burnham, thảo luận cách đây 35 năm. Ông liên kết việc không bỏ phiếu với một “đặc thù so sánh quan trọng của hệ thống chính trị Hoa Kỳ: sự vắng mặt hoàn toàn của một đảng quần chúng xã hội chủ nghĩa hay lao động trong vai trò đối thủ cạnh tranh có tổ chức trong thị trường bầu cử,” điều mà ông cho rằng lý giải phần lớn “tỷ lệ không bỏ phiếu lệch giai cấp” cũng như hạ thấp các lựa chọn chính sách có thể được người dân nói chung hỗ trợ nhưng trái với lợi ích của giới chóp bu.
Những quan sát này vẫn đúng đến ngày nay. Trong một phân tích kỹ lưỡng về cuộc bầu cử 2014, Burnham và Thomas Ferguson cho thấy tỷ lệ bỏ phiếu “gợi lại những ngày đầu của thế kỷ 19,” khi quyền bỏ phiếu gần như bị giới hạn trong nhóm nam giới tự do có tài sản. Họ kết luận rằng “cả bằng chứng thăm dò trực tiếp và lẽ thông thường đều xác nhận rằng số lượng lớn người Mỹ hiện nay thận trọng với cả hai đảng chính trị lớn và ngày càng khó chịu về những triển vọng trong dài hạn. Nhiều người tin rằng một vài lợi ích lớn đang kiểm soát chính sách. Họ mong muốn sự hành động hiệu quả để đảo ngược suy thoái kinh tế dài hạn và bất bình đẳng kinh tế không kiểm soát, nhưng không gì trên quy mô cần thiết sẽ được cung cấp cho họ từ tay một trong hai đảng lớn được thúc đẩy bằng tiền bạc của Mỹ. Điều này chỉ có thể đẩy nhanh sự tan rã của hệ thống chính trị vốn thể hiện rõ trong cuộc bầu cử quốc hội 2014”.
Ở châu Âu, sự suy thoái của dân chủ cũng không ít ấn tượng hơn, khi việc ra quyết định về các vấn đề quan trọng được chuyển sang bộ máy quan liêu Brussels [Liên minh châu Âu] và những quyền lực tài chính mà nó chủ yếu là đại diện. Sự khinh miệt đối với dân chủ của họ bộc lộ trong phản ứng dã man hồi tháng 7 năm 2015 với chính ý tưởng rằng người dân Hy Lạp có thể có tiếng nói trong việc quyết định số phận xã hội của họ, bị phá vỡ bởi các chính sách thắt lưng buộc bụng tàn bạo của troika (ủy ban ba bên)—Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (đặc biệt là các nhân tố chính trị của IMF, chứ không phải những nhà kinh tế của nó, những người đã chỉ trích các chính sách phá hoại). Các chính sách thắt lưng buộc bụng được áp đặt với mục đích được tuyên bố là giảm nợ cho Hy Lạp. Nhưng trên thực tế chúng đã làm tăng nợ so với GDP, trong khi kết cấu xã hội Hy Lạp bị xé tan thành từng mảnh, và Hy Lạp đã phục vụ như một kênh truyền tải các gói cứu trợ tới những ngân hàng Pháp và Đức vốn tạo ra các các khoản vay rủi ro.
Có đôi chút ngạc nhiên ở đây. Chiến tranh giai cấp, thường là đơn phương, có lịch sử lâu dài và cay đắng. Vào buổi bình minh của thời đại tư bản nhà nước hiện đại, Adam Smith đã lên án “những ông chủ của nhân loại” trong thời của ông, “giới thương nhân và giới sản xuất” của Anh, “kiến trúc sư chính yếu” của chính sách, những người đảm bảo lợi ích của mình “được phục vụ đặc biệt nhất,” bất kể tác động “đau thương” đến đâu đối với những người khác (chủ yếu là những nạn nhân của “sự bất công man rợ” của họ ở nước ngoài, nhưng phần lớn cũng là người dân nước Anh). Thời đại tân tự do của thế hệ đã qua đã thêm tác động của riêng nó vào bức tranh cổ điển này, với những ông chủ bước ra từ hàng ngũ đứng đầu của các nền kinh tế ngày càng độc quyền hóa, các tổ chức tài chính khổng lồ và thường trục lợi, các công ty đa quốc gia được quyền lực nhà nước bảo vệ, và các nhân vật chính trị chủ yếu đại diện cho lợi ích của họ.
Trong khi đó, hiếm có ngày nào trôi qua mà không có báo cáo mới về những khám phá khoa học đáng lo ngại về tốc độ tàn phá môi trường. Không hề thoải mái khi đọc được rằng ở những vĩ độ trung bình của bán cầu Bắc, nhiệt độ trung bình đang tăng với tốc độ tương đương với việc di chuyển về phía Nam khoảng 10 mét mỗi ngày, một tốc độ “nhanh gấp khoảng 100 lần so với phần lớn sự biến đổi khí hậu mà chúng ta có thể quan sát được trong lịch sử địa chất”—và có lẽ nhanh gấp 1.000 lần, theo những nghiên cứu kỹ thuật khác.
Không ít ảm đạm hơn là mối đe dọa ngày càng tăng của chiến tranh hạt nhân. Cựu bộ trưởng quốc phòng đầy hiểu biết William Perry, không phải Cassandra, coi “khả năng xảy ra một tai họa hạt nhân ngày nay cao hơn” trong Chiến tranh Lạnh, khi thoát khỏi một thảm họa không thể hình dung nổi gần như là một phép lạ. Trong khi đó các cường quốc lại kiên trì theo đuổi những chương trình “phi an ninh quốc gia” của họ, mượn lời của nhà phân tích lâu năm Melvin Goodman của CIA. Perry cũng là một trong những chuyên gia kêu gọi Tổng thống Obama “phá hủy tên lửa hành trình mới,” một vũ khí hạt nhân có độ chính xác được cải thiện và hiệu năng thấp hơn vốn có thể khuyến khích “chiến tranh hạt nhân hạn chế,” nhanh chóng bị các động lực quen thuộc làm leo thang và dẫn đến thảm họa. Tệ hơn, tên lửa mới có cả hình thức hạt nhân và phi hạt nhân, do đó “một kẻ thù bị tấn công có thể nghĩ đến khả năng tồi tệ nhất và phản ứng thái quá, bắt đầu cuộc chiến tranh hạt nhân”. Nhưng có rất ít lý do để hy vọng những lời khuyên này sẽ được chú ý, khi kế hoạch tăng cường trị giá nghìn tỷ USD của Lầu Năm Góc vào hệ thống vũ khí hạt nhân vẫn tiến triển nhanh chóng, trong khi những quyền lực thấp hơn cũng tiến những bước của riêng mình đến Armageddon.
Những nhận xét trên đây đối với tôi dường như đã phác họa tương đối dàn diễn viên của các nhân vật chính. Các chương tiếp theo sẽ tìm cách khám phá những câu hỏi về ai cai trị thế giới này, họ tiến hành những nỗ lực của mình như thế nào, và chúng sẽ dẫn tới đâu—và làm thế nào “những quần thể dân số tiềm ẩn,” mượn cụm từ hữu ích của Thorstein Veblen, có thể hy vọng vượt qua được sức mạnh của thương mại và học thuyết chủ nghĩa dân tộc và trở nên, theo lời ông, “còn sống và phù hợp để sống”.