Ngôi làng Pháp như trong cổ tích

Anh Phạm Hữu Tường, sống tại Köln, Đức đã có chuyến du ngoạn ngắn ngày đến Colmar, nơi luôn nằm trong danh sách ngôi làng đẹp nhất nước Pháp.

Chuyến du lịch tới Colmar nằm trong hành trình road trip châu Âu từ Đức của anh Tường và bạn vào những ngày cuối xuân đầu hè. Do đó, thời tiết khi anh đến Colmar mát mẻ, dễ chịu.

Ngôi làng nằm ở phía đông bắc đất nước, thuộc vùng Alsace, nơi nổi tiếng với những cánh đồng nho bạt ngàn. “Gọi Colmar là ngôi làng cổ tích, quả cũng không sai. Nơi đây toát lên nét đẹp yên bình với những ngôi nhà từ thời trung cổ, những con kênh uốn lượn, cùng những con đường lát đá duyên dáng”, anh Tường nói.

Bạn có thể rảo bộ quanh những con hẻm, hay lượn một vòng qua những con kênh trên những chiếc xuồng gỗ, băng qua các con phố nhỏ xinh, ngắm nhìn nhiều ngôi nhà đủ màu sắc.

“Khi thời tiết ấm dần và đúng vào những ngày hè, Colmar càng thêm rực rỡ, mọi góc phố được điểm tô bằng những dàn hoa sặc sỡ. Bất cứ góc phố nào, bạn cũng tìm thấy được sự bình yên dù khá nhiều du khách đến thăm”, nam du khách nói thêm.

“Tôi luôn chọn một góc nhỏ ở một góc phố nào đó trong những chuyến đi, lặng lẽ, nhâm nhi tách cà phê, dõi mắt nhìn theo dòng người qua lại. Chừng đó thôi cũng đủ cảm nhận được mọi thứ thật nhẹ nhàng”, Tường nói.

“Cửa sổ, cửa ra vào đều là điểm nhấn thu hút. Bất cứ thứ gì, từ những bông hoa, dụng cụ làm vườn… qua bàn tay khéo léo đầy sáng tạo của con người, bỗng chốc như có hồn, làm toát lên vẻ đáng yêu của Colmar”, anh Tường nói.

Kiến trúc của khu phố cổ gần giống với kiến ​​trúc của nước Đức láng giềng. Hoạt động giải trí ở đây gồm khám phá khu phố cổ và Bảo tàng Place de la Cathedrale.

Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm nhà thờ 1.000 năm tuổi Saint Martin theo phong cách Gothic. Bạn cũng không thể bỏ lỡ cơ hội đi du thuyền dọc theo con kênh ở Little Venice (Petite Venise) và ghé thăm khu chợ có mái che.

“Bình yên” là cảm giác chủ đạo mà anh Tường cảm nhận được khi ghé thăm nơi này.

Người hâm mộ phim hoạt hình Nhật Bản do Studio Ghibli thực hiện hẳn còn nhớ ngôi làng trong bộ phim Howl’s Moving Castle nhộn nhịp, đầy mầu sắc và đậm nét châu Âu cổ kính. Ý tưởng về bối cảnh phim đã được đạo diễn Hayao Miyazaki lấy cảm hứng từ Colmar sau khi ông ghé thăm một hội chợ Giáng sinh ở khu này.

Ngoài rượu vang, món ăn nổi tiếng ở ngôi làng là các loại bánh ngọt. Trong số này, Kugelhopf là loại đặc trưng nhất với nho khô và đường bột phủ bên trên. Ngoài ra, bạn cũng nên nếm thử tarte flambée – loại bánh trông giống pizza nhưng đế mỏng hơn, phủ phô mai, sốt kem, hành và thịt muối.

Phương Anh / Ảnh: TƯỜNG / VietnamE xpress

Tình dục qua bộ phim mới của Emma Thompson

Emma Thompson (Cornerstone Films)

Nếu bạn viết ra một danh sách các từ thông dụng để chọc tức những kẻ sùng bái trực tuyến một cách mê muội, bạn có thể tìm thấy tất cả chúng trong bộ phim mới “Good Luck to You, Leo Grande” rất thú vị với chủ đề tình dục. Bộ phim phát hành trên dịch vụ phim trực tuyến Hulu có sự tham gia của nữ diễn viên gạo cội Emma Thompson trong vai Nancy…

Trong phim, Emma Thompson đóng vai một giáo viên goá nghỉ hưu thuê một “lao động tình dục” (sex worker) trẻ hơn mình nhiều tuổi (Daryl McCormack đóng) cho một loạt các cuộc hẹn riêng tư. Nancy muốn tìm cảm giác khi ngủ với người không phải chồng (người đàn ông duy nhất bà quan hệ), nhưng quan trọng hơn là muốn tận hưởng tình dục “thực sự” lần đầu tiên trong đời, điều mà bà chưa bao giờ có trước đó.

Chỉ nội việc Good Luck to You, Leo Grande do phụ nữ viết kịch bản, đạo diễn cũng là nữ, đã đủ tạo ra sự tò mò! Sự trung thực của phim về phạm vi rộng của tình dục đã đối lập trực tiếp với cái gọi là “tình dục bình thường” trong những bộ phim trước đó về đề tài tình dục, đặc biệt là những trải nghiệm của phụ nữ. Thái độ của bộ phim đối với hoạt động mại dâm, khi cho rằng nghề này thực sự có thể cung cấp một dịch vụ có ít nhiều giá trị (hỗ trợ tình dục) cũng thể hiện quan điểm cấp tiến ngay với cả Hollywood.

Đạo diễn Sophie Hyde, diễn viên Thompson và nam diễn viên mới McCormack đã thể hiện tất cả những ý tưởng bằng lối diễn tinh tế của họ. Vai diễn trong Good Luck to You, Leo Grande là một trong những vai diễn xuất sắc nhất của Emma Thompson, người từng hai lần đoạt Oscar. Diễn viên 63 tuổi này từ lâu đã là một trong những tiếng nói hàng đầu trong phong trào cổ vũ công khai thảo luận về giới tính trong kỹ nghệ giải trí.

Cảnh trong ‘Good Luck to You, Leo Grande

Nhiều năm trước, bà không đồng ý với ý kiến rằng mọi việc đang tốt hơn đối với các diễn viên nữ trong phim: “Tôi không nghĩ có bất kỳ sự cải thiện đáng kể nào đối với phụ nữ (trong việc khai thác hình ảnh giới nữ trên màn ảnh)”. Thông điệp của hầu hết vai nữ đều cho rằng phụ nữ nên thường xuyên kiểm soát vẻ đẹp cơ thể (và rằng phải nên luôn e ngại về tình dục và nên xấu hổ trước ham muốn bản thân) đã được lồng khéo léo vào các đối thoại của Nancy. Thompson thể hiện sự nghi ngờ về vẻ đẹp và khát vọng bản thân một cách hài hước, xen lẫn cùng nỗi buồn sâu sắc trong cuộc chiến nội tâm giữa việc muốn mở rộng “hiểu biết” tình dục và niềm tin hàng thập niên rằng làm như vậy là đáng xấu hổ, đặc biệt đối với những phụ nữ lớn tuổi.

Trước Good Luck to You, Leo Grande, Hollywood không có những phim với hình ảnh phụ nữ trên 60 tuổi ngồi thảo luận và miêu tả về ham muốn của họ. Bộ phim duy nhất gần gũi nhất với việc xem hoạt động mại dâm như một nghề nhân đạo đã ra đời cách đây cả thập kỷ. Đó là phim The Sessions của Ben Lewin, trong đó nữ diễn viên Helen Hunt đóng vai một chuyên gia liệu pháp tâm lý tình dục quan hệ với một người đàn ông khuyết tật nặng (John Hawkes) muốn được trải nghiệm tình dục lần đầu trong đời.

Good Luck to You, Leo Grande không phủ nhận thực tế mặt trái của hoạt động mại dâm, đặc biệt đối với phụ nữ, nhưng gợi ra cuộc tranh luận về một suy nghĩ phổ biến là bất kỳ ai tham gia vào lĩnh vực này đều phải bị lên án. Ý tưởng mua sự thân thiết và trả tiền mại dâm của những người cần sự kết nối, tình bạn và hỗ trợ tinh thần là có thật. Khán giả có thể cảm nhận được thông điệp này của bộ phim. Một trong những đoạn độc thoại cảm động nhất trông rất giống một vở kịch trên sân khấu là khi Leo kể cho Nancy nghe một số khách hàng quen thuộc của anh ta, trong đó có một người chỉ muốn nắm tay và xem TV và một người khác bị khuyết tật, chỉ thích nói chuyện chăn gối và tắm chung.

Trong một bài viết trên tạp chí Vogue gần đây, Thompson cho biết khía cạnh nhân bản của bộ phim đã thu hút bà và bà quyết định tham gia phim. Bà nói: “Hỗ trợ tình dục! Rất tốt, nhưng tại sao nó không có trên Dịch vụ Y tế Quốc gia? Tình dục là tự nhiên, bình thường, thú vị, tốt cho tất cả chúng ta, và như Leo nói trong phim, có một số người không thể tiếp cận được vì các lý do khác nhau. Có nên xem bế tắc tình dục là một vấn đề sức khỏe cộng đồng? Nhân vật của McCormack hiểu anh ta có thể làm cho nhiều người thoải mái hơn, cải thiện cuộc sống của họ, thậm chí còn giải thoát họ khỏi đau khổ. Nói tóm lại, Leo dạy cho Nancy về tính nhân bản của mại dâm”.

Bộ phim đưa ra một thông điệp trái ngược với quan điểm hiện tại của thời đại chúng ta, khi nơi quyền tự chủ và quyền lực của phụ nữ đang bị đe doạ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với người dẫn chương trình Stephen Colbert, Thompson nói: “Good Luck to You, Leo Grande không phải là một chuyện tình lãng mạn kiểu cũ. Phim nói về một người phụ nữ lớn tuổi thử tự làm chủ cuộc sống tình dục của mình nhưng không nhất thiết phải gắn với yêu đương và lãng mạn”.

Lương Thái Sỹ / Saigon Nhỏ

Nhật ký của một binh sĩ Bắc Việt vô danh khi vào chiếm Sài Gòn

Phần nhật ký không đề rõ tên người viết, xuất hiện trong những ngày nhắc lại biến cố 30 Tháng Tư. Đọc qua có thể thấy đó là một người miền Nam đi theo Cộng sản, tập kết và trở thành cánh quân đầu xâm nhập vào Sài Gòn. Những gì anh kể là phần lịch sử còn đóng kín, mà một ngày nào đó, rồi sẽ mở ra cùng những điều rất khác với sự tuyên truyền của chế độ CSVN hôm nay.

Những trang trống: Nhật ký của tôi bỏ trống ba ngày: 28, 29 và 30 tháng Tư năm 1975.

Sáu giờ chiều ngày 28-4 nhóm tác chiến của chúng tôi tách ra khỏi các đơn vị khác, áp sát quốc lộ 4 rồi thay trang phục của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và bỏ khăn bịt mặt. Tôi nhét khẩu K63 vào ba lô của mình, để vào trong một chiếc ba lô khác của quân đội Sài Gòn, cầm thêm một khẩu AR15. Chúng tôi lao thật nhanh lên quốc lộ 4 rồi từ từ đi về phía Sài Gòn. Tôi ngạc nhiên về bề rộng của quốc lộ 4. Khi nhìn thấy những tòa nhà cao tầng ở phía Sài Gòn, tôi nghĩ ngay “mình đang đánh lại một nền văn minh cao hơn”.

Thật sự thì mấy ngày trước đó tôi không hề nghĩ ngợi hay dự kiến điều gì. Với tôi, mọi suy nghĩ hay dự kiến lúc đó đều không thực tế. Ra trận thì sống chết hoàn toàn chỉ là may rủi. Tôi sống theo kiểu trai thời loạn, đến đâu hay đến đó thôi. Nhưng khi đi ngang xa cảng Phú Lâm, nhìn nhà cửa và nghe những người dân hai bên đường nói chuyện thì tôi bắt đầu suy nghĩ. Thái độ và giọng nói của họ nghe thật hiền lành thân thương. Họ đang vô cùng sợ hãi. Tôi nhớ đến những người miền Bắc XHCN, tính cách và lối sống của họ ở những nơi mà tôi đã sống qua 18 năm. Tôi nghĩ “mình đang là kẻ cõng rắn cắn gà nhà”.

Đêm hôm đó chúng tôi ngủ nhờ trong một nhà dân bên đường Kinh Dương Vương.

Sáng 29-4 tôi tách khỏi nhóm tác chiến, đi lang thang trên những con đường ở quận 6. Buổi trưa tôi ngồi nhậu với một nhóm tàn quân, im lặng nghe họ giãi bày tâm sự. Càng nghe những người dân và những người lính Việt Nam Cộng Hòa nói chuyện với nhau tôi càng buồn, càng cay đắng. Tối hôm đó tôi ngồi ngủ dựa lưng vào vách tường một căn nhà gần bùng binh Phú Lâm vì nghĩ rằng mình không có tư cách gì để bước vào xin ngủ nhờ ở bất cứ một gia đình nào.

Sáng hôm sau (30-4) tôi đi theo đường Hồng Bàng, ngang qua trường Đại học Y khoa, tiến về phía trung tâm Sài Gòn. Mọi con đường đều vắng người. Khi tôi đến ngã ba Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) và Lý Thái Tổ thì bỗng nhiên có những tiếng hô lớn “đầu hàng rồi, đầu hàng rồi…” và người dân bắt đầu đổ ra đường, nhảy nhót như điên, la hét vang trời.

Tôi lách qua họ tiếp tục đi về phía trung tâm. Có người chồm tới áp sát mặt vào mặt tôi la lên: “Ném súng và thay đồ rồi trốn ngay đi!”. Tôi mặc kệ họ, cứ lặng lẽ đi tiếp. Đến đường Lê Văn Duyệt, rẽ qua Hồng Thập Tự thì bên này đường Lê Văn Duyệt dân chúng đông nghẹt, còn bên kia (khu vực Tao Đàn và dinh Độc Lập) vẫn chưa có ai dám bén mảng vào.

Tôi vứt khẩu AR 15, tháo ba lô trên vai xuống, mở sẵn nắp rồi xách bằng tay trái để nếu cần thì rút khẩu K63 ra cho nhanh rồi bắt đầu đi trên con đường Hồng Thập Tự vắng ngắt không một bóng người.

Tôi đi lặng lẽ trong nỗi cay đắng càng lúc càng dâng trào. Khi đến trước cửa Bộ Tài Chánh, nhìn qua bên kia đường thấy hàng rào bằng gang đúc của dinh Độc Lập thì hình ảnh của thời thơ ấu của tôi hiện lên ngay trước mắt. Hồi đó mẹ tôi đã từng dẫn tôi đến đây. Lúc đó mẹ tôi và tôi ăn mặc lịch sự, sang trọng. Những người đi bộ xung quanh đây cũng đều ăn mặc lịch sự, sang trọng. Tại sao số phận lại bắt buộc tôi sau hai mười năm ra đi rồi trở về nơi đây với vũ khí trong tay, đi trên con đường vắng ngắt, giữa tiếng súng nổ vang trời?

Trong đời tôi không có ngày nào buồn bằng ngày hôm ấy: Ngày 30 tháng Tư năm 1975. Không một người nào chứng kiến cảnh trạng bên hông dinh Độc Lập giống như tôi nhìn thấy trong ngày hôm ấy. Và vào thời điểm đó, tôi dám chắc rằng, cả dân tộc này, có người vui mừng có người sợ hãi, chứ không có một người nào cảm thấy cay đắng như tôi.

Thôi. Nghĩ về ngày 30-4 một lần này nữa thôi. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua rồi.

__________

Sau khi bài viết này được đăng, chúng tôi đã biết được chính xác tên người bộ đội, tác giả bài viết này. Với thông tin của nhà báo Quỳnh Anh (người từng tham gia cuộc thi Ký ức Tháng Tư của SGN tổ chức năm 2021 và giành giải khuyến khích với bài Những chiếc đầu đen ám ảnh hơn nửa thế kỷ), chúng tôi được biết nhân vật bộ đội viết bài này là ông Trương Công Dũng. Cô Quỳnh Anh từng tiếp xúc trực tiếp với nhân vật này. Ông Dũng hiện sống tại Sài Gòn và thường xuyên viết trên trang cá nhân rất nhiều bài lên án chế độ cộng sản. Bài viết mà SGN đăng lại ở trên đã được ông Dũng đăng trên trang cá nhân vào năm 2021. Những ngày gần đây, bài viết này được chia sẻ nhiều, đều không dẫn nguồn và SGN cũng dẫn lại từ đó. SGN xin thưa lại cho rõ và thành thật xin lỗi ông Trương Công Dũng cũng như độc giả.

SGN, 30/4/2022

Ca sĩ Khánh Ly nói gì về bộ phim cuộc đời Trịnh Công Sơn?

Diễn viên vai Trịnh Công Sơn và Dao Ánh.

Sau khoảng một tuần công chiếu, bộ phim Em Và Trịnh đã nhận được rất nhiều lời phê bình. Bên cạnh những lời khen ngợi về hình ảnh đẹp, âm nhạc quen thuộc, những hình ảnh ký ức Sài Gòn được phục chế, thì diễn xuất của diễn viên và nội dung kịch bản là điều bị tranh cãi rất nhiều.

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người từ chối không đi xem bộ phim của Trịnh Công Sơn, vì họ tin rằng hệ thống kiểm duyệt của nhà nước vẫn chằng chịt, nên sẽ chỉ có thể phô diễn một Trịnh Công Sơn theo ý của nhà cầm quyền mà thôi.

Điều đáng nói là bộ phim này có rất nhiều chi tiết liên quan về những người còn sống, nhưng không hiểu sao đạo diễn cũng như diễn viên lại không dành nhiều thời gian tham khảo với những người có liên quan, cụ thể trong trường hợp đó là nhân vật Khánh Ly.

Trên các bài báo quảng cáo về bộ phim này, đạo diễn cũng như những người thực hiện nói rằng họ rất quan tâm để tạo dựng nhân vật Trịnh Công Sơn cũng như xây dựng nhân vật nữ thay cho hình ảnh của ca sĩ Khánh Ly. Theo mô tả, đây là những chọn lựa hết sức công phu và khó khăn.

Ca sĩ Khánh Ly kể diễn viên Bùi Lan Hương – ca sĩ hóa thân bà trong phim – từng gửi email, gọi điện thoại xin bà tư vấn về vai diễn. Bà Khánh Ly nói trong cuộc gọi kéo dài khoảng ba phút, Bùi Lan Hương hỏi ăn mặc sao cho ra chất của bà. “Thời trẻ, tôi giản dị, lại còn nghèo. Tôi không có tiền mua quần áo, đôi guốc bít mũi đã cũ, xộc xệch, cũng không trang điểm, đeo trang sức. Sau đó, tôi cũng không thấy ai hỏi thêm ý kiến của mình”, Khánh Ly cho biết.

Câu chuyện này khiến nhiều người ngạc nhiên bởi rõ ràng về mặt tổ chức phục trang, và miêu tả nhân vật, có vẻ như đạo diễn đã phó thác cho diễn viên, chứ không có sự tổ chức chi tiết nào khác. Mọi thứ được tập trung để miêu tả nhân vật Trịnh Công Sơn, nhưng dường như chế độ kiểm duyệt đã khiến những góc cạnh thú vị có thể trình bày được cuộc đời và vai trò của họ Trịnh trong lịch sử của VNCH chỉ rõ nét hình ảnh của một thanh niên yêu đương lăng nhăng và… nhảm.

Diễn viên trong vai Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.

“Mới lò mò đi theo Diễm như mấy thằng stalk trong phim kinh dị, xong thấy Dao Ánh phát là quên luôn nhỏ chị vừa tồn tại trên đời. Lên Đà Lạt nhớ nhung thư từ cho Ánh được chút thì theo Khánh Ly tới bến, còn viết cả vào thư khoe Ánh là anh mới quen con nhỏ này. Lúc về già cặp Michiko thì cũng hôn hít tưng bừng xong nghe tin Ánh về thăm là sáng lác mắt, báo hại cô dâu bỏ của chạy lấy người trong ngày cưới” – Trương Thiên Cơ, một người bình luận phim tự do ghi lại cảm xúc trên Facebook, “Tất cả cứ trôi qua đều đều, ải ải, hết thời lượng thì kết phim. Mà nó còn gây cho ta cảm giác Trịnh sống chỉ để đuổi theo gái”.

Trong cuộc họp báo vào trung tuần Tháng Sáu công bố kế hoạch lưu diễn xuyên Việt kỷ niệm 60 năm ca hát, khi được phóng viên hỏi có đi xem qua phim Trịnh chưa, bà Khánh Ly cười và nói: “Tại sao tôi phải đi xem một bộ phim hư cấu về một con người mà tôi đã biết? Còn đáng ngạc nhiên hơn trong đó hư cấu cả tôi”. Dù bà Khánh Ly nói, rồi cười nhã nhặn trong cuộc họp báo, nhưng chi tiết này để lộ cho thấy việc sơ suất của những người làm bộ phim này khi họ không nghĩ đến chuyện gửi cho bà một tấm vé mời để được xem về chính mình trong phim.

Sai lầm của bộ phim Em và Trịnh được nhiều người mô tả cho thấy rằng đây là một bộ phim giải trí đơn thuần, nhưng đạo diễn ham muốn diễn đạt như là bức chân dung điện ảnh về cuộc đời một nhân vật nổi tiếng đang được chế độ bơm đẩy, khiến nhiều chi tiết phải gồng gánh những phần lịch sử không thể làm rõ trong chế độ kiểm duyệt.

Ngân sách làm bộ phim lên đến 50 tỷ (khoảng $2.1 triệu). Thăm dò từ những người theo dõi việc ra mắt bộ phim cũng cho thấy hầu hết là tò mò để xem một Trịnh Công Sơn được diễn đạt trên phim như thế nào, nhưng không có quá nhiều hi vọng về một bộ phim hay. Cũng có nhiều người trẻ xem phim để được thấy một Sài Gòn cũ trước năm 1975 là như thế nào.

Thế nhưng những chi tiết không đúng về lịch sử cũng như mập mờ tạo ra những nghi vấn về cái chết của nhân vật Ngô Kha – vốn vẫn chưa có lời kết trong lịch sử về cái chết của ông ta tại Huế, là điều đáng trách của những người viết kịch bản. “Khi bạn kiếm ăn bằng cách khai thác di sản Việt Nam Cộng Hoà, nếu bạn không dám, không thể nói đúng về chế độ này, thì ở mức đạo đức tối thiểu, bạn cũng đừng nói xấu. Nếu vi phạm nguyên tắc đạo đức tối thiểu này, bạn chỉ là rác rưởi”, nhà văn Trà Đoá, sống ở Sài Gòn, nói về bộ phim qua những tình tiết được coi là không đúng với lịch sử.

Hoàng Lê, một nữ khán giả xem phim, người đã sống qua những năm tháng của Sài Gòn cũ, chỉ ra vài chi tiết bất hợp lý trong phim:

“Ngoài lỗi kiến thức dẫn đến dàn dựng sai như cảnh quân cảnh lái xe Jeep chặn bắt Trịnh Công Sơn đang chở bạn gái bằng xe đạp ngoài đường để đưa về thẩm vấn vì sao sáng tác nhạc ca ngợi hoà bình, còn có cảnh khi còn ở B’lao (Bảo Lộc), chưa về biểu diễn tại Sài Gòn, khi nghe nói nữ ca sĩ Joan Baez của Mỹ đã ví cặp Khánh Ly – Trịnh Công Sơn với cặp Joan Baez – Bob Dylan, Khánh Ly-Bùi Lan Hương đã nói với Trịnh Công Sơn: “Mình đẹp đôi hơn chứ!” Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh không biết rằng Joan Baez đã gọi Trịnh Công Sơn là “Bob Dylan của Việt Nam” (Bob Dylan of Vietnam) vào năm 1970, khi phong trào phản chiến ở Mỹ đang lên cao sau Tết Mậu Thân, còn Trịnh Công Sơn lên B’lao dạy học vào năm 1964 sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn và anh gặp ca sĩ Khánh Ly ở Đà Lạt vào năm 1965”.

Phan Cao Hoài Nam, một nhà bình luận điện ảnh, viết trên blog: “Khi Trịnh lên B’lao dạy học, ta không thấy anh trò chuyện với học trò, với người dân, có suy nghĩ gì về thời cuộc. Tất cả bị biến thành các cảnh MV rất bực bội. Trong những mối tình, Trịnh chỉ chạy trốn và thụ động với những dòng thư hiện lên sến súa và sáo rỗng, với tần suất dày đặc vô cùng thiếu tinh tế”.

Một cảnh mô tả biểu tình chống chiến tranh của nhân vật Ngô Kha ở Huế.

Có thể nói bộ phim Em và Trịnh bị giằng xé giữa việc phục vụ giới trẻ với những tình tiết âm nhạc giải trí, và cũng muốn lôi kéo luôn những khán giả muốn biết về một mảng đời có những câu chuyện tình của họ Trịnh. Bên cạnh đó, lại pha trộn cả những hình ảnh chính trị thiên tả của ông ta, như một món quà để lọt cửa kiểm duyệt.  Tất cả điều này khiến bộ phim trở thành một nồi lẩu vụng về và biến các tuyến diễn viên trở nên nông cạn trong diễn xuất, vì không biết mình phải trình bày nhân vật được phân vai theo hướng nào. Từ Sài Gòn, nhà báo Huỳnh Duy Lộc nói một cách điềm đạm: “Mình cho đây là một phim chưa hay, không có tầm. Mình tin là mai sau lịch sử sẽ đặt nó đúng vị trí”.

Khi được hỏi diễn viên Bùi Lan Hương trong vai Khánh Ly có vẻ trau chuốt và điệu đà, liệu có mô tả đúng cuộc đời của bà không, bà Khánh Ly không bình luận gì mà chỉ kể lại một kỷ niệm khi đi hát với Trịnh Công Sơn, bà tập trung trình diễn đến mức bỏ cả guốc dép, đứng chân trần. Nữ ca sĩ 77 tuổi này kết thúc phần nhận định của bà về bộ phim Em và Trịnh bằng nụ cười “Có thể họ là người yêu Trịnh Công Sơn, nhưng yêu theo một kiểu khác, một kiểu nào đó.”

*****

Phần “nguồn gốc, xuất xứ” của âm nhạc Trịnh trong bộ phim, theo cách nào đó, mang danh nghĩa “điểm tin” hơn là cho khán giả thấy được “bức chân dung hoàn chỉnh” của những đứa con tinh thần. Đành rằng, không phải tất cả ca khúc đều cần diễn giải, song việc chọn một, hai ca khúc tiêu biểu để làm “ra tấm ra món”, bộ phim cũng không làm tốt, tạo nên một khiếm khuyết hụt hẫng trong lòng khán giả đang muốn tìm thêm tư liệu thông qua bộ phim.

Với phần người tình, cũng đã có những lỗi lặp lại như phần “cuộc đời các ca khúc”. Những chuyển hướng gấp gáp từ mối tình đơn phương với Bích Diễm qua cô em gái Dao Ánh, có thể làm khán giả phân vân về sự chân tình trong con tim của Trịnh Công Sơn.

Thêm một điểm đáng tiếc là sự thế vai của diễn viên Phạm Quỳnh Anh cho Hoàng Hà ở nhân vật Dao Ánh thời trung niên, vô tình làm hỏng những ấn tượng tuyệt vời mà Dao Ánh thời trẻ tạo ra trước đó. Chỉ xuất hiện vài phân đoạn ngắn, không hiểu sao ê-kíp không hóa trang cho Hoàng Hà trở nên già dặn một chút. Nếu nhà sản xuất chọn giải pháp này, Dao Ánh chắc chắn là nhân vật khó quên nhất.

Mong muốn tìm ra giải pháp giúp thu hồi vốn nhanh nhất với số tiền sản xuất lên đến 50 tỷ đồng (theo thông tin của nhà sản xuất), khiến cho có đến hai bản phim được đưa ra rạp để có cơ may gia tăng doanh thu, phủ sóng suất chiếu.

Tuy nhiên, bước đi hoàn toàn sai lầm này đã khiến nhà phát hành phải rút phim Trịnh Công Sơn ra khỏi rạp chỉ sau một tuần trình chiếu. Bản phim Trịnh Công Sơn đơn giản là phiên bản tinh gọn của Em và Trịnh. Vừa tạo ra sự đắn đo không đáng ở khán giả khi chẳng biết nên xem phim nào, vừa không tạo ra sự khác biệt đáng kể giữa hai bộ phim.

(Nguyễn Phong Việt, ZingNews, ngày 17-6-2022)

_________

Em và Trịnh giống như một MV ca nhạc bị cắt ghép nham nhở, thất bại trong mọi mục tiêu mà nó hướng đến. Chẳng hề mang đến câu chuyện lãng mạn và cũng không miêu tả được chân dung hay âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Thậm chí phim còn giống đang bêu xấu vị nhạc sĩ tài danh này. Mọi khâu của bộ phim đều ở dưới mức trung bình, từ đạo diễn đến dựng phim, cả âm nhạc, nhưng tệ nhất và chịu trách nhiệm lớn nhất là kịch bản”, tác giả Phan Cao Hoài Nam mở đầu bài viết của mình khi đánh giá tác phẩm Em và Trịnh.

Theo tác giả, bộ phim đầy rẫy “sạn”, có thể kể đến từ kịch bản phim ôm đồm, chi tiết rời rạc, thiếu sự kết nối. Diễn xuất của Avin Lu trong vai Trịnh Công Sơn quá mờ nhạt, không thể bật nổi lên chân dung của vị nhạc sĩ tài danh. Ngoài ra, nhiều đoạn tư liệu về chiến tranh đột ngột chèn vào mạch phim tạo cảm giác khiên cưỡng, không phù hợp.

(Hoàng Yến, ZingNews, ngày 15-6-2022)

20 điều người Mỹ tự hào về ngày Độc lập 4/7

Ngày 4/7 là Ngày Độc lập và Quốc khánh của Hoa Kỳ. Nhìn lại lịch sử, Hoa Kỳ là một quốc gia độc đáo về nhiều mặt, và đã tích lũy được nhiều thành tựu phi thường khác nhau trong quá trình lịch sử của mình.

Từ vị thế là siêu cường quân sự thế giới và là một trong những quốc gia giàu nhất hành tinh, đến việc có dân số đa dạng nhất, kiêm nhà xuất khẩu giải trí số một thế giới, Hoa Kỳ cũng là quốc gia có nhiều người siêu giàu nhất, với một số thành tựu thực sự đáng chú ý.

Từ vị thế là siêu cường quân sự thế giới và là một trong những quốc gia giàu nhất hành tinh, đến việc có dân số đa dạng nhất, kiêm nhà xuất khẩu giải trí số một thế giới, Hoa Kỳ cũng là quốc gia có nhiều người siêu giàu nhất, với một số thành tựu thực sự đáng chú ý.

Dưới đây là danh sách 20 thành tựu nổi bật và phi thường của Hoa Kỳ, được tổng hợp từ trang 247wallst.com.

  1. Lãnh thổ rộng lớn
    Hoa Kỳ là quốc gia lớn thứ 3 trên thế giới tính theo diện tích đất, gần bằng toàn bộ lục địa châu Âu.
  2. Có những vận động viên đẳng cấp thế giới
    Các vận động viên Mỹ giành được nhiều huy chương Olympic hơn bất kỳ vận động viên quốc gia nào khác.

Ngày 25/6/2022, trong nội dung 400m vượt rào nữ tại Giải vô địch điền kinh Hoa Kỳ 2022, nhà vô địch Olympic, cô Sydney McLaughlin, đã phá kỷ lục thế giới của chính mình là 51s46 tại Thế vận hội Tokyo với thời gian 51s41 kỷ lục. (Ảnh: Steph Chambers / Hình ảnh Getty)

  1. Khí hậu đa dạng
    Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có 5 đới khí hậu trên Trái đất: 1 nhiệt đới, 2 ôn đới, và 2 hàn đới.
  2. Các điểm du lịch quốc tế
    Hoa Kỳ là quốc gia được du khách quốc tế đến thăm nhiều thứ 3 sau Tây Ban Nha và Pháp.

Suối nước nóng Hoàng hôn ở Công viên Quốc gia Yellowstone. (Ảnh: Mark Ralston / AFP / Getty)

  1. Cung cấp đủ nước ngọt
    Nằm ở biên giới Mỹ – Canada, hồ Superior là hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, với diện tích 31.700 dặm vuông.
  2. Khám phá vũ trụ
    Những người duy nhất từng đi bộ trên bề mặt của mặt trăng là người Mỹ.

Bức ảnh chụp ngày 20/7/1969, các phi hành gia người Mỹ, Neil Armstrong (ảnh trong mũ bảo hiểm) và Buzz Aldrin (trong ảnh) lần đầu tiên đưa tàu vũ trụ “Apollo 11” lên mặt trăng. (Ảnh: Heritage Space / Heritage Images / Getty)

  1. Điểm đến của những người nhập cư
    Hoa Kỳ có gần 45 triệu người nhập cư, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
  2. Trung tâm Phát minh Toàn cầu
    Mỹ là trung tâm của những phát minh trên toàn cầu. Máy bay, máy tính, điện thoại di động, khoai tây chiên và bóng đèn chỉ là một vài ví dụ về sự độc đáo của người Mỹ.
  3. Nền kinh tế rất lớn
    Mặc dù dân số Hoa Kỳ chưa đến 5% dân số thế giới, nhưng sản lượng kinh tế toàn cầu của nước này lại chiếm khoảng 25%.
  4. Nhà sản xuất dầu lớn nhất
    Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong thập kỷ qua. Năm 2019, nước này đã sản xuất 18,23 triệu thùng dầu mỗi ngày, cao hơn nhiều so với sản lượng hàng ngày của Saudi Arabia (quốc gia vùng Trung Đông), nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới. Dầu mỏ gồm dầu thô, tất cả các chất lỏng dầu mỏ khác và nhiên liệu sinh học.

Khí tự nhiên được đốt cháy trong các hoạt động khoan dầu tại các mỏ dầu ở Permian Basin, bang Texas, Hoa Kỳ vào ngày 12/3/2022. (Ảnh: Joe Raedle / Getty)

  1. Có nhiều người đoạt giải Nobel
    Người Mỹ đã giành được nhiều giải Nobel hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Ngày 11/10/2021, 3 học giả người Mỹ – (từ trái sang phải trên màn hình) các nhà kinh tế học David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens cùng nhận giải Nobel Kinh tế năm 2021. (Ảnh: Claudio Bresciani / TT News Agency / AFP qua Getty Images)

  1. Đa dạng sinh học
    Hoa Kỳ đứng trong top 10 thế giới về số lượng các loài động vật có vú, bò sát, cá và các loài thực vật có mạch.
  2. Rừng rậm bao la
    Với hơn 3,1 triệu dặm vuông đất rừng, Hoa Kỳ đứng thứ 4, sau Canada, Brazil và Nga.
  3. Khẳng khái, hào phóng
    Theo dữ liệu năm 2018 từ Tổ chức Trợ giúp Từ thiện (Charities Aid Foundation), một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế công bố về “Chỉ số Cho đi Thế giới” (xem xét các khoản đóng góp cho tổ chức từ thiện) hàng năm, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia hào phóng nhất trên thế giới, chỉ sau Úc, Indonesia và New Zealand.
  4. Nơi có nhà tuyển dụng lớn nhất thế giới
    Được thành lập tại bang Arkansas vào năm 1962, Walmart là nhà tuyển dụng khu vực tư nhân lớn nhất thế giới, với 2,2 triệu nhân sự.
  5. Giáo dục đại học mạnh mẽ
    Hoa Kỳ có hệ thống giáo dục đại học mạnh nhất trên thế giới, thu hút hơn 1 triệu sinh viên quốc tế mỗi năm, nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào.
  6. Các công ty Hoa Kỳ thống trị thế giới
    9 trong số 10 công ty lớn nhất thế giới tính theo giá trị vốn hóa thị trường có trụ sở tại Hoa Kỳ. Phần lớn (54 công ty) trong số 100 công ty hàng đầu theo vốn hóa thị trường là các công ty Hoa Kỳ.

Trụ sở Apple ở thung lũng Silicon. (Nguồn: Shutterstock)

  1. Cường quốc nông nghiệp
    Hoa Kỳ sản xuất nhiều ngô hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, với hơn 366 triệu tấn trong năm 2018-2019. Sản lượng ngô của Trung Quốc đứng sau Hoa Kỳ, với hơn 100 triệu tấn.
  2. Trung tâm thương mại
    Theo Forbes, 575 trong số 2.000 công ty lớn nhất thế giới được đặt tại Hoa Kỳ.
  3. Đất nước có nhiều tỷ phú nhất
    CNBC đưa tin, Hoa Kỳ có nhiều tỷ phú hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, với 705 người, nhiều hơn cả 4 quốc gia tiếp theo cộng lại. 7 trong số 10 người giàu nhất thế giới là người Mỹ.

Theo Hạ Vũ / Epoch Times / Tris thức VN

Việt Á và khủng hoảng y tế phơi bày suy thoái chính trị

Bình luận của TS. Phạm Quý Thọ

Việt Á và khủng hoảng y tế phơi bày suy thoái chính trị

Hình minh hoạ: Tấm biển cổ đống chống dịch COVID-19 như chống giặc ở TPHCM hôm 9/7/2021

 AFP

“Bất thường” y tế đang diễn ra liền ngay sau đại án Việt Á với hệ thống quan chức to nhỏ, trung ương và địa phương bị trừng phạt. Nó không những được coi là “giọt nước tràn ly” của khủng hoảng mà còn phơi bày diễn biến suy thoái chính trị, trục lợi mang tính hệ thống và tham nhũng lũng đoạn chế độ.

Khủng hoảng y tế

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và hàng loạt cán bộ y tế bỏ việc… là những biểu hiện của khủng hoảng y tế. Đến cuối tháng 6/2022 đã có 28/34 Sở Y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương và đơn vị  và hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển khỏi ngành trong cả nước. Các lãnh đạo Nhà nước đã phải dùng thuật ngữ “khủng hoảng y tế” để mô tả hiện trạng y tế hiện nay. Trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) vào chiều ngày 21/6/2022, ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu TP HCM cần sớm ngăn chặn khủng hoảng y tế. Hai ngày sau, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định rằng tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế và thiếu nhân lực chuyên môn y tế là vấn đề nghiêm trọng và khi chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành ngày 23/6 ông nhấn mạnh cần quyết liệt giải quyết tình hình.

Cảnh báo về khủng hoảng y tế được đưa ra gắn liền với phòng chống dịch với “quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị” trong giai đoạn thực hiện chiến lược Zero-COVID. Tháng 4/2021 trong chuyến thị sát kiểm tra công tác này tại Đà Nẵng, ông Chủ tịch nước, khi nhắc lại tinh thần “chống dịch như chống giặc” và kinh nghiệm thành công từ các đợt dịch trước, đã nhấn mạnh rằng hệ thống y tế Việt Nam phải luôn sẵn sàng trong mọi tình huống. “Nếu khủng hoảng ngành y tế sẽ dẫn đến khủng hoảng cả nền kinh tế.” Lời cảnh báo đã ứng nghiệm khi đợt dịch thứ tư vào nửa cuối năm này gây ra “khủng hoảng” ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và ảnh hưởng lan toả ra cả nước. Nay, trong bối cảnh diễn biến khủng hoảng y tế còn phức tạp các nhà quan sát lo ngại trường hợp “dịch chồng dịch” khi dịch sốt xuất huyết đang bùng phát nguy hiểm ở nhiều tỉnh phía Nam, đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, những tiếng kêu ai oán “Hãy cứu lấy blouse trắng”  đang được công luận quan tâm.

“Mánh trục lợi” làm suy thoái cả hệ thống

“Mánh trục lợi” của Việt Á đang làm suy thoái cả hệ thống. Đại án này không những chỉ là “giọt nước tràn ly” đẩy tình trạng y tế lên đỉnh điểm “bất thường” mà còn phơi bày và sự suy thoái chính trị, tham nhũng của hệ thống y tế đang diễn biến phức tạp và để lại hậu quả trước mắt và lâu dài.

“Tự đánh bóng” là “mánh làm ăn” của các doanh nghiệp trong thời buổi chuyển đổi thị trường. Họ cố gắng làm cho hình ảnh của mình đẹp hơn trước khách hàng không những chỉ bởi việc quảng bá dịch vụ, sản phẩm “hấp dẫn” và giới thiệu năng lực hơn cả thực tế… Hơn thế, các doanh nghiệp còn biết các con đường đến với “thiện cảm” của quan chức quyền lực khi dung dưỡng các mối quan hệ thân hữu để sử dụng trục lợi lâu dài. Việt Á là trường hợp điển hình.

Chiểu theo hồ sơ, Việt Á là công ty Cổ phần Công nghệ được thành lập vào năm 2007 với số vốn ban đầu là 80 triệu đồng. Cho đến năm 2017 công ty này chỉ thu nhập vài chục tỉ đồng và thường báo lỗ. Sau đó, doanh nghiệp này đã có sáu lần tăng vốn điều lệ, thậm chí lên đến 1.000 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, Công ty Việt Á chỉ mượn chỗ để đặt cái bảng hiệu trụ sở công ty trong nhiều năm. Nhưng từ 2018 Việt Á đã liên tục trúng nhiều gói thầu thiết bị y tế và nhiều đặc chủng loại sinh hoá phẩm cho nhiều bệnh viện công lớn ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành. Chỉ đến khi vụ việc ‘vỡ lở’ năm 2021 lúc cơ quan Công an khám xét và, “ngạc nhiên” thấy phòng sản xuất kit của công ty này chỉ rộng chừng hơn 10m² với 10 nhân sự, hệ thống thiết bị, máy móc chỉ là vài chiếc tủ cấp đông và vài chiếc máy tách chiết cũ…

Tuy nhiên, xin hãy đừng chỉ đổ lỗi cho Việt Á với thủ đoạn gian manh bằng lại quả “hoa hồng khủng” để thắng thầu các dự án tiêu tiền ngân sách nhà nước mà lảng tránh trách nhiệm của hệ thống quan chức đang mọt ruỗng. Sự cám dỗ “hoa hồng” khủng, sự “kín đáo” và độ tin cậy quan hệ thân hữu được nuôi dưỡng là lời giải thoả đáng cho câu hỏi vì sao một doanh nghiệp “tép riu” lại có thể khiến cả guồng máy “liên bộ” Y tế – Khoa học và Công nghệ sa vào “vòng xoáy trục lợi” và một hệ thống quan chức từ trung ương đến địa phương bị kỷ luật và lao lý. Họ đã nỗ lực có chủ ý và ‘phối hợp nhịp nhàng’ để “đánh bóng” cho doanh nghiệp. Từ một dự án giả tạo “khủng” cấp nhà nước về nghiên cứu và sản xuất bộ kít xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của Học viện Quân y “danh tiếng” đến việc công nhận cấp phép và tuyên truyền sai sự thật về tiêu chuẩn chất lượng trên trang web chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ việc thẩm định cho lưu hành ứng dụng của Bộ Y tế đến phê duyệt giá bán trong hệ thống y tế và, thậm chí là việc đề xuất của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã qua mặt cơ quan thi đua khen thưởng để được Chủ tịch tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3… Quy trình xét nghiệm sản phẩm y tế phức tạp như vậy từ nghiên cứu đến ứng dụng được “duyệt” dễ dàng không thể có cách biện minh khác hơn là tình trạng suy thoái chính trị mang tính hệ thống.

2020-04-29T000000Z_792207832_RC2KEG92U2OY_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-VIETNAM-FIGHT.JPG
Nhân viên Công ty Việt Á làm việc trong phòng thí nghiệm của Công ty ở Bình Dương hôm 31/7/2019. Reuters

Tham nhũng trở thành thứ “dầu bôi trơn”

Tham nhũng đã được cảnh báo như một hình thức “lũng đoạn” đe doạ sự tồn vong của chế độ. Việt Á trở thành đại án và phơi bày những biểu hiện và mức độ suy thoái chính trị trầm trọng. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng ngày 30/6 mới đây ông Tổng Bí thư Đảng ‘lo lắng’ về “tham nhũng trong các cơ quan phòng chống tham nhũng”. Ông Trưởng ban Nội chính nhận định rằng “nhiều án tham nhũng nghiêm trọng có bóng dáng cán bộ tiếp tay”, còn vị Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng “vụ Việt Á là điểm hình cho thấy cán bộ chưa biết sợ.”

Tuy nhiên, thực tế chuyển đổi thị trường đã chỉ ra tình hình trục lợi, tham nhũng đã dần nghiêm trọng, từ các hiện tượng đơn lẻ, tham nhũng vặt, rồi lan rộng trong cả hệ thống chính trị, và được ví như là “thứ “dầu bôi trơn” cho sự vận hành của guồng máy cai trị khiến công tác phòng chống của Đảng không đạt hiệu quả như mong muốn. Đảng đang “trả giá” đắt hơn trong mỗi “trận đánh cũng như cả chiến dịch khi khăng khăng rằng với sức mạnh quyền lực tập trung tuyệt đối sẽ giải quyết được tình hình và đang tăng cường nguồn lực cho công tác “đốt lò”. Không ai dám chắc sau “Việt Á” và “Cục Lãnh sự” sẽ không còn đại án …

Hàng chục nghìn quan chức to nhỏ, trong đó hơn 170 cán bộ cấp cao do Trung ương quản lý, đã bị loại khỏi hệ thống vì suy thoái, bộ máy hành chính bị “đóng băng”, ngừng trệ biểu hiện rõ rệt trong triển khai thực hiện chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, điển hình là đầu tư công các dự án đường cao tốc Bắc – Nam… Và, giờ đây là khủng hoảng y tế khiến các vị Đại biểu Quốc hội 15 trong nghị trường phiên thứ 3 đã phải lên tiếng về sự lan rộng của hiện tượng không dám chịu trách nhiệm, sợ sai” của cán bộ.

Công luận đang băn khoăn liệu “khủng hoảng y tế” hiện thời sẽ ảnh hưởng tiêu cực lan truyền thế nào đến hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Các giải pháp mà Chính phủ đưa ra có thể là “quyết liệt” nhưng nếu như chỉ phản ứng “tự vệ” trước “tham nhũng trong giá thuốc”  thì “hãy thử mở đường dây nóng về thiếu thuốc”, và sửa đổi quy định đấu thầu thuốc hay tăng cường kỷ luật nội bộ thì cũng chỉ có thể cắt “phần ngọn” của “khủng hoảng”, bởi lẽ guồng máy sản sinh ra quan tham đang là đặc trưng suy thoái của chế độ.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.