Gương phản chiếu ánh sáng, nới rộng không gian và tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách treo gương hiệu quả.
Sử dụng gương trong không gian nhỏ
Theo Beth Halpern Brown, nhà sáng lập kiêm thiết kế nội thất tại Beth Brown Interiors (Mỹ), gương là món đồ vô cùng thiết thực trong không gian có diện tích khiêm tốn. Nó không chỉ giúp đánh lừa thị giác về độ rộng của căn phòng, gương còn bổ sung ánh sáng cho những góc thiếu sáng.
Tạo điểm nhấn với gương thiết kế lạ
“Cá nhân tôi thích gắn những chiếc gương cổ điển vào tường hoặc tủ. Nếu phá cách một chút, chiếc gương sẽ khiến căn phòng nổi bật hơn và bạn sẽ không có cảm giác như đang ở trong phòng gym”, Brown nói.
Đừng ngại xếp gương chồng chéo
Một cách độc đáo khác để kích thích thị giác là xếp chồng các loại gương khác nhau trong cùng một không gian. Chẳng hạn, bạn có thể bổ sung thêm một chiếc gương nhỏ kiểu cách trên tấm gương lớn của phòng tắm. Không gian sẽ tăng thêm tính nghệ thuật, rất phù hợp với những gia chủ không thích sự đơn điệu.
Kiểm tra hình ảnh phản chiếu
Đừng chỉ treo gương như một cách điền vào chỗ trống trong căn phòng. Trước khi xác định vị trí treo, hãy chắc chắn rằng mình hài lòng với những gì gương phản chiếu. Nếu tấm gương được đặt đối diện với một góc lộn xộn, nó sẽ khiến bạn phải nhìn thấy sự bừa bộn gấp đôi.
Kết hợp nhu cầu trang trí và sử dụng thực tế
Ngoài tác dụng trang trí, gương tất nhiên là để soi. Do đó, bạn hãy cân nhắc đặt gương ở những nơi chúng sẽ được sử dụng, chẳng hạn như gần tủ quần áo để bạn có thể soi sau khi mặc đồ, hoặc ở lối vào để liếc nhanh diện mạo trước khi ra ngoài.
Sắp xếp bất đối xứng
Megan Dufresne, nhà thiết kế nội thất tại MC Design chia sẻ: “Tôi thích đặt những tấm gương nằm rải rác không đối xứng trên những bức tường cao ở lối vào hoặc trong những căn phòng”. Điều này đòi hỏi bạn phải can đảm phá vỡ các quy tắc, đổi lại thành quả sẽ là một không gian mới lạ và thu hút ánh nhìn ngay từ lần đầu.
Đặt gương gần cửa sổ
Với tác dụng phản chiếu ánh sáng của gương, nhà thiết kế nội thất Jennifer Burt của Mississippi Maximalism luôn khuyên mọi người chọn vị trí treo gương ở gần cửa sổ. Tác dụng gom ánh sáng vào nhà sẽ được phát huy rõ rệt nhất.
Tránh đặt gương đối diện giường ngủ
Bạn có thể đặt gương ở trong phòng ngủ tùy mục đích cá nhân, tuy nhiên tốt nhất không nên đặt đối diện giường. Theo Burt, tấm gương sẽ dễ gây ra sự mất tập trung ở một nơi đáng ra bạn phải hoàn toàn thư giãn.
Các nhà khoa học Mỹ đã gây ấn tượng mạnh khi chứng tỏ có thể đảo ngược quá trình lão hóa ở động vật thí nghiệm
Có thể nói lão hóa là quá trình một đi không trở lại, nhưng các nhà nghiên cứu Mỹ đã chứng tỏ được rằng ít nhất một số khía cạnh của tình trạng này có thể đảo ngược.
Trong báo cáo mới đăng trên chuyên san Cell, các chuyên gia của Đại học Harvard (Mỹ) đã sử dụng một hóa chất để trẻ hóa cơ ở chuột thí nghiệm. Kết quả cho thấy quá trình này tương đương với việc chuyển đổi bó cơ ở đối tượng 60 tuổi trở về với trạng thái 20 tuổi, nhưng sức mạnh cơ bắp vẫn chưa được cải thiện.
Giới khoa học đang tìm cách đảo ngược quá trình lão hóa của tế bào – (Ảnh: Getty)
Để làm được điều này, các chuyên gia đã khám phá một cơ chế hoàn toàn mới của quá trình lão hóa, và cứ thế đảo ngược lại toàn bộ tiến trình này. Cụ thể, họ tập trung vào một hóa chất gọi là NAD. Kết quả quan sát cho thấy hàm lượng của chất này sụt giảm một cách tự nhiên trong toàn bộ các tế bào khi đối tượng già đi theo thời gian. Cùng với sự biến mất dần của NAD, chức năng của ti thể, cỗ máy năng lượng nội tại của tế bào, cũng đình trệ hoạt động, dẫn đến giảm năng suất và tế bào bị lão hóa.
Các kết quả thí nghiệm cho thấy nỗ lực nâng cao hàm lượng NAD trong các tế bào, bằng cách bổ sung hóa chất giúp chuyển hóa thành NAD một cách tự nhiên, có thể đảo ngược quá trình hủy hoại tế bào theo thời gian. Theo đó, một tuần bổ sung “thuốc trẻ hóa” cho chuột 2 tuổi có thể giúp cơ bắp của chúng quay về tình trạng hoạt động như lúc 6 tháng tuổi về mặt chức năng ti thể, loại bỏ chất thải độc hại trong cơ, ngăn chặn viêm nhiễm và kháng insulin. Tiến sĩ Ana Gomes của Đại học Harvard tự tin cho biết sẽ sớm tìm ra cách khôi phục sức mạnh của cơ nếu kéo dài quá trình điều trị.
Hiện nhóm chuyên gia vẫn tiếp tục cuộc nghiên cứu, với giai đoạn thử nghiệm lâm sàng dự kiến vào năm 2015. Tuy nhiên, cách tiếp cận trên vẫn chưa phải là liệu pháp điều trị tối ưu cho toàn bộ quá trình lão hóa. NAD chỉ là một khía cạnh của một vấn đề lớn, trong khi các yếu tố khác góp phần vào tình trạng già đi của tế bào vẫn chưa được giải quyết, chẳng hạn như tình trạng ngắn đi của các telomere (đoạn cuối của nhiễm sắc thể) hoặc tổn hại đối với ADN, vốn chưa thể được đảo ngược. Dù vậy, giới khoa học đánh giá rất cao kết quả nghiên cứu trên, và cho rằng cần tìm hiểu thêm các cơ chế trước điều chế thuốc giúp phần nào xóa bỏ ảnh hưởng của thời gian đối với các cơ thể sinh vật.
Có người ví von, nếu siêng đọc sách, không có nghĩa là bạn sẽ trở nên giàu có, nhưng những người nằm trong giới siêu giàu thường đọc rất nhiều sách. Thomas Corley là một triệu phú, chuyên gia tài chính, đồng thời là tác giả của cuốn sách bán chạy Rich Habits: The Daily Success Habits of Wealthy Individuals (Thói quen hàng ngày dẫn đến thành công của người giàu) làm một cuộc phỏng vấn 233 người siêu giàu (177 người trong số đó là triệu phú) với thu nhập ròng hàng năm đạt ít nhất $160,000 và tài sản ròng đạt từ $3.2 triệu trở lên. Từ nghiên cứu này, ông phát hiện ra một số điều thú vị trong thói quen đọc sách của người giàu:
– 85% người giàu đọc từ hai đến ba cuốn sách về giáo dục và lập mục tiêu hàng tháng.
– 63% người giàu nghe các cuốn sách phát thanh để học tập trong lúc lái xe đến nơi làm việc.
– 88% người giàu dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để đọc sách nâng cao hiểu biết và tích lũy kiến thức.
– 58% đọc sách về tiểu sử của những người thành công nổi tiếng.
– 51% đọc sách lịch sử.
Trong khi đó, chỉ có 11% người giàu đọc sách với mục đích giải trí. Các tỉ phú như Warren Buffett, Bill Gates hay Mark Zuckerberg dành phần lớn thời gian mỗi ngày để đọc sách mở rộng hiểu biết. Thomas cho rằng người giàu xứng đáng được giàu có bởi họ luôn đặt ưu tiên vào những thứ mang lại thành công. Và một phần của những thứ mang lại thành công chính là đọc sách để nâng cao kiến thức.
Nếu bạn chỉ đọc sách vì mục đích giải trí, bạn sẽ là một trong 99% người bình thường của thế giới. Ngược lại, nếu bạn đọc sách để học tập và tích lũy kiến thức, bạn đang trên đường gia nhập vào danh sách 1% những người giàu nhất thế giới.
Nhà đầu tư Warren Buffett ước tính rằng 80% thời gian ngày làm việc của ông được dành cho việc đọc và suy ngẫm. Ông nổi tiếng với câu nói: “Tôi thường ngồi trong văn phòng và đọc hầu như tất cả mọi thứ”.
Trong những ngày đầu tiên khởi nghiệp, Buffett đọc 600 – 1,000 trang sách mỗi ngày. Với ông, đọc tối thiểu 500 trang sách mỗi ngày là cách tiếp nhận kiến thức. Nó cứ tăng dần lên như một thứ lãi suất kép. Lời khuyên của Buffett dành cho mọi người: “Dù cho bạn ở giai đoạn nào của cuộc đời, không ngừng học hỏi và bạn sẽ thành công”.
Bill Gates: Đọc sách có quy tắc và luôn tuân thủ.
Những người theo dõi tỉ phú giàu nhất nhì thế giới Bill Gates đều biết rằng ông không chỉ đam mê kinh doanh mà còn rất yêu sách.
Gates coi việc đọc sách là thói quen không thể bỏ mỗi ngày và đặt ra những quy tắc riêng cho mình. Nhà sáng lập Microsoft đưa ra bốn quy tắc nhanh và hiệu quả khi đọc sách, được tóm tắt ngắn gọn như sau:
Sử dụng lề để ghi chép
Hoàn thành mọi thứ bạn bắt đầu
Chọn một phiên bản mà bạn cảm thấy thoải mái khi đọc sách in hoặc sách điện tử
Chỉ định một giờ để đọc.
Bill Gates chia sẻ, ông không bao giờ bỏ dở một cuốn sách và tự đặt ra một quy tắc: không đọc một cuốn sách nếu không chắc chắn mình sẽ đọc hết. Và thói quen đầu tiên của Gates khi cầm một cuốn sách là ghi chú vào phần lề của trang sách. Ông cho biết: “Khi tôi đọc một cuốn sách phi hư cấu, tôi sẽ gặp rất nhiều kiến thức, cả mới và cũ. Đối với tôi, ghi chép giúp bảo đảm rằng tôi thực sự suy nghĩ nghiêm túc về chúng. Đôi khi tôi không đồng ý với những quan điểm trong sách và khi đó phần ghi chép sẽ rất dài”.
Bill Gates đọc sách có quy tắc và luôn tuân thủ. (ảnh: Getty Images)
Elon Musk: Đọc sách luôn được ưu tiên.
Elon Musk luôn khẳng định sức ảnh hưởng của những cuốn sách đối với bản thân. Không chỉ cung cấp kiến thức, sách còn dạy cho ông cách ứng xử, cách nhìn nhận với thế giới để có được vị trí như hôm nay.
Elon Musk từng khiến rất nhiều người ngạc nhiên khi chia sẻ bản thân tự học cách chế tạo thuốc nổ, làm ra tên lửa nhờ vào việc chăm chỉ… đọc sách. Thậm chí ông còn nghĩ ra được cách để cải thiện giúp giảm chi phí khi sản xuất ra tên lửa.
Đối với Elon Musk, việc đọc sách luôn được ưu tiên dựa theo một mục tiêu nhất định mà bản thân đề ra. Nhưng khi đã tìm hiểu được thứ mình muốn trong sách vở thì sự đam mê khám phá vẫn khiến ông tiếp tục tìm hiểu và đọc thêm nhiều sách hơn chứ không chỉ dừng lại ở mục tiêu “đọc cho biết” như dự định ban đầu. Theo chia sẻ trong một bài phỏng vấn, thời trẻ, đã có lúc Elon Musk dành tới 10 tiếng mỗi ngày để đọc các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.
Mark Zuckerberg: “Cai nghiện” truyền thông bằng cách đọc sách.
Vào năm 2015, Mark Zuckerberg, người sáng lập ra Facebook, lập fanpage “A Year of Books” nhằm kêu gọi cả thế giới đọc ít nhất một quyển sách mỗi hai tuần. CEO Facebook từng chia sẻ: “Tôi đọc sách chủ yếu để hiểu những nền văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử và kỹ thuật khác nhau của các nước. Sách giúp chúng ta khám phá một chủ đề và chìm đắm trong chúng một cách sâu sắc hơn các loại hình truyền thông khác ngày nay. Tôi mong muốn có thể cai nghiện truyền thông bằng cách đọc sách”.
Mark Zuckerberg: “Cai nghiện” truyền thông bằng cách đọc sách. (ảnh: Getty Images)
Tony Robbins: Sách đã cứu rỗi cuộc đời tôi.
Robbins lớn lên trong một gia đình không mấy hạnh phúc, ông có một người mẹ nát rượu, một ông bố hà khắc, và Robbins chia sẻ rằng chính những cuốn sách là thứ đã cứu rỗi cuộc đời ông, mang lại thành công cho sự nghiệp của tác giả, diễn giả hàng đầu thế giới này.
Việc đọc sách không chỉ giúp cung cấp tri thức mà còn thắp nên ngọn lửa đam mê trong Tony Robbins. “Tôi từng đọc rất nhiều và rất nhanh, khoảng 700 cuốn sách trong vòng bảy năm với đủ mọi lĩnh vực, từ tâm lý học, triết học… Tất cả mọi thứ có thể giúp thay đổi cuộc sống của tôi.”
Tony Robbins: “Sách đã cứu rỗi cuộc đời tôi.” (ảnh: Getty Images)
Trong cuộc sống hiện đại, có rất nhiều người dành phần lớn thời gian của mình cho vui chơi, giải trí mà phớt lờ đi việc đọc sách. Bạn thấy đấy, sách không phải là những kiến thức lý thuyết khô khan. Nó giúp rất nhiều người thành công xây dựng nên sự nghiệp và ngay cả khi đạt được nhiều thành tựu đáng nể, họ vẫn không ngừng đọc sách. Còn bạn thì sao?
Phải sau năm lần gọi điện thoại, thì cuộc nói chuyện với ông Trey Gamen, chủ công ty SoulShine Industries ở Edna, Texas, mới có thể diễn ra vào sáng Thứ Bảy, 4 Tháng Sáu. Đó cũng là lúc lễ an táng cho 19 em học sinh nạn nhân vụ thảm sát súng ở trường tiểu học Robb, Uvalde, Texas đã hoàn tất.
Ông Gamen, với sự giúp đỡ của con trai ông, Billy Gamen, 25 tuổi, cùng khoảng mười hoạ sĩ khác đã làm việc liên tục trong 20 giờ để hoàn thành 19 quan tài – “ngôi nhà mới” cho những nạn nhân của vụ xả súng. Ông Gamen đến nhà, gặp gỡ, nói chuyện với từng gia đình để hiểu thật rõ tính cách, màu sắc yêu thích, ai là nhân vật người hùng mà bọn trẻ say mê để thiết kế một “ngôi nhà” theo đúng như thế. Ông đã đặt những chiếc quan tài theo đúng kích cỡ của từng người – 18 đứa trẻ và một giáo viên, từ công ty Cherokee Casket Company ở Griffin, Georgia. Bubba Hoffman, bạn của ông Gamen, thuê một công ty vận chuyển chở 19 chiếc quan tài đến Texas trong vòng 24 giờ. Tất cả hoàn toàn miễn phí.
“Được trở về ngôi nhà trang trí theo sở thích của mình luôn là một điều gì đó rất đặc biệt và quan trọng với tôi. Cảm xúc này đã theo tôi từ ngày đầu tiên SoulShine Industries ra đời” – ông Trey Gamen nói với Saigon Nhỏ.
Trey Gamen vốn là một hoạ sĩ. Ông đến với công việc thiết kế cỗ áo quan rất tình cờ, đó là sau cái chết của một người bạn. Còn chiếc quan tài đặc biệt đầu tiên ông làm cho một đứa trẻ có hình ảnh của Spiderman. Cậu bé năm tuổi này sau đó được thiêu cùng với cỗ quan tài có hình ảnh thần tượng yêu thích của mình. “Tôi đã không thể nhớ suốt 11 năm sau đó, tôi đã thiết kế bao nhiêu, chỉ biết là rất nhiều,” ông nói.
Cho dù SoulShine Industries đã ra đời 11 năm, và đây cũng không phải lần đầu tiên ông làm quan tài cho một đứa trẻ hoặc những nạn nhân của thảm sát súng, nhưng điều khó khăn nhất cho công việc lần này, ông nói là “nghĩ đến khoảng thời gian 19 đứa trẻ phải trải qua trong lớp học đó.”
“Lẽ ra họ không chết. Tôi không phủ nhận (vẽ những chiếc quan tài) là rất khó khăn để làm việc này. Chúng tôi rất xúc động” – ông Gamen nói với Saigon Nhỏ qua điện thoại, từ Edna, Texas. Cảm xúc của ông khi làm những chiếc quan tài lần này không khác với vụ thảm sát súng năm 2017 tại một nhà thờ ở Sutherland Springs, Texas làm 26 người đã chết.
“Lần đó, tôi cũng tặng (áo quan) cho những gia đình nạn nhân,” ông Gamen nói.
Khi những chiếc quan tài của nạn nhân trường tiểu học Robb được chuyển đến SoulShine Industries, ông và các nhân viên tỉ mỉ vẽ lên từng cái một. Đó là một “ngôi nhà” có màu xanh, vàng, đỏ đặc thù của nhân vật Superman huyền thoại – thần tượng anh hùng của nhiều đứa trẻ. Hay đó là “ngôi nhà” có “mái” là hình ảnh của chú khủng long màu xanh lá cây đáng yêu. Hoặc, “trendy” nữa là “ngôi nhà” được sơn trắng với những điểm nhấn màu hồng và logo của TikTok.
“Chúng tôi làm việc liên tục, chỉ ngủ khoảng sáu tiếng trong suốt ba ngày rưỡi, chính xác là vậy. Khi chiếc quan tài cuối cùng hoàn tất, tôi ngồi thừ một lúc, không phải vì mệt, mà tôi nghĩ đến bọn trẻ. Mọi người ở xưởng lúc đó cùng bật khóc,” ông Gamen kể lại.
Không phủ nhận, ông Gamen và toàn thể nhân viên của SoulShine Industries đã đặt trái tim của họ vào từng nét vẽ, từng nét chạm khắc lên 19 chiếc quan tài. Đó là việc cuối cùng mà mọi người, dù không quen biết với các nạn nhân, có thể làm cho họ. Ông cũng khẳng định, “Chúa đã mang chúng tôi – những người có cùng suy nghĩ đến với nhau. Nếu không có họ, tôi không thể thực hiện được điều này cho gia đình nạn nhân.”
Khi hỏi ông, liệu có sự khác biệt gì trong cảm xúc khi thiết kể những chiếc quan tài có đặc biệt này với những lần khác hay không, ông trả lời: “không khác biệt lắm vì không bao giờ dễ dàng khi thực hiện nó.” Điều duy nhất khác với 11 năm qua, đó là “chúng tôi có một hệ thống giúp đỡ nhau để công việc được hoàn thành nhanh chóng.”
“Trước đây, chỉ có thể đơn giản là sơn lên nó. Bây giờ có thể in hình ảnh của các đứa trẻ vào trong hoặc lên trên. Đối với gia đình của họ, điều này rất đặc biệt,” ông Gamen nói. –
Đúng như tên của công ty – SoulShine, ông Gamen nói ông muốn “linh hồn của những đứa trẻ được toả sáng, hạnh phúc ở một nơi không có gia đình, người thân.” Ông Trey Gamen và SoulShine Industries đã làm cho những chiếc quan tài không còn là những chiếc hộp lạnh lùng, khô khốc. Mà đó thật sự là những ngôi nhà mới, như người ta hay nói “nhà, là nơi để trở về.” Nói cách khác, ông không muốn bọn trẻ cô độc trong cuộc hành trình không mong đợi này. Kalynh Ngô / Saigon Nhỏ
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói, việc dự báo khi nào cuộc chiến chấm dứt là rất khó nhưng theo dự báo lạc quan của ông thì nó có thể ngừng vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin CNN, ông Reznikov tuyên bố như vậy tại diễn đàn GLOBSEC-2022 tại Bratislava ở Slovakia. Quan chức này nói, các lực lượng phòng thủ của Ukraine vẫn cần vũ khí hạng nặng, chủ yếu là hệ thống phóng đa tên lửa (MLRS) cũng như các loại pháo, xe tăng, hệ thống chống hạm, hệ thống không người lái, tên lửa và hệ thống phòng không.
“Chúng tôi cần chúng thật nhanh và với số lượng tương xứng với quy mô của các mối đe dọa. Ukraine rơi vào cuộc chiến mà không có sự hỗ trợ đầy đủ từ thế giới dân chủ. Tình thế hiện đang thay đổi, nhưng chậm. Chúng tôi biết ơn sự đóng góp của của mỗi quốc gia đang sát cánh với Ukraine”.
Quan chức này nói thêm: “Ở vùng Kherson, quân Nga đã xây dựng được một hệ thống phòng thủ vững chắc. Mục tiêu của Ukraine là ngăn chặn kịch bản của Nga thành hiện thực và giải phóng lãnh thổ của chúng tôi càng sớm càng tốt”.
Tổng thống Pháp phát biểu bất ngờ về Nga
Tổng thống Pháp. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, khi trả lời phỏng vấn một tờ báo địa phương, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Chúng ta không nên làm Nga bẽ mặt để khi các cuộc giao tranh chấm dứt, chúng ta vẫn có thể mở ra một một đường rút thông qua các biện pháp ngoại giao”. Nhà lãnh đạo Pháp nói thêm, ông tin rằng Paris sẽ đóng vai trò trung gian chấm dứt xung đột.
Tổng thống Macron đã tìm cách duy trì đối thoại với Tổng thống Nga Putin kể từ khi Moscow tấn công Ukraine hồi cuối tháng 2. Lập trường của ông Macron liên tục bị một số đối tác ở phía đông và Baltic ở châu Âu chỉ trích vì họ coi đó là nỗ lực làm suy yếu sức ép buộc Tổng thống Nga ngồi vào bàn đàm phán.
Người đứng đầu nước Pháp thường xuyên nói chuyện với Tổng thống Nga kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra. Đây được coi là một phần nỗ lực nhằm đạt được ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán đáng tin cậy giữa Kiev và Moscow.
Tổng thống Macron nói: “Tôi nghĩ, tôi đã nói với ông Putin rằng ông ấy đang mắc một sai lầm lịch sử và cơ bản đối với người dân Nga, với chính ông ấy và với lịch sử”.
Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Pháp đã bị Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba chỉ trích. Ông Kuleba nói: “Những lời kêu gọi tránh làm cho Nga bị bẽ mặt chỉ có thể làm bẽ mặt Pháp và những nước kêu gọi điều đó. Tất cả chúng ta nên tập trung vào việc làm thế nào để đưa Nga vào đúng vị trí của họ”.
Theo đánh giá tình báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Anh, các hoạt động trên không của Nga tại đông Ukraine vẫn cao và đã góp phần vào những thắng lợi về mặt chiến thuật của Nga trong thời gian gần đây, nhưng không đạt được tác động đáng kể đến cuộc xung đột. Quân đội Ukraine cũng cho hay, các lực lượng Nga chỉ đạt được tiến bộ nhỏ, đặc biệt là ở Donetsk.
Tại Sloviansk, hàng trăm người đã chạy trốn khi quân đội Ukraine cho biết các đơn vị của Nga đang tiến gần thành phố này để chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine hôm thứ Sáu cho biết Nga đang tập trung lực lượng lên tới 20 tiểu đoàn tác chiến trong khu vực.
Hãng tin CNN dẫn lời người đứng đầu chính quyền quân sự vùng Luhansk nói, quân đội Nga đã tung toàn bộ quân dự bị nhằm chiếm được thành phố Severodonetsk ở Luhansk.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) – gồm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ – tại điện Kremlin hôm 16 tháng Năm 2022. Ông Phu tin được cho là sẽ kéo dài cuộc chiến tranh ở Ukraine cho đến lúc phương Tây mệt mỏi, chán nản và bỏ cuộc. Ảnh Cộng tác viên/Getty Images.
Theo giới tinh hoa (elites) và doanh nhân Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng phương Tây sẽ là phía “chao đảo” trước trong cuộc chiến tranh tiêu hao.
Một trăm ngày chiến tranh đã trôi qua, Moscow chưa đạt được chiến thắng đáng kể nào và bị thiệt hại nặng nề cả về quân sự, kinh tế và uy tín quốc tế nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa tỏ ra nao núng, dường như ông ta tin rằng, kéo dài cuộc chiến tranh tiêu hao trường kỳ theo kiểu đưa sức ngựa chạy đường dài, cuối cùng Nga có thể đạt được mục tiêu.
Phương Tây lộ các điểm yếu
Kremlin đang tìm cách tăng thêm áp lực kinh tế để làm lung lạc ý chí của phương Tây trong cuộc chiến Ukraine. Cụ thể, Putin sẽ tiến hành cuộc chiến tiêu hao lâu dài tại Ukraine bên cạnh việc sử dụng các vũ khí kinh tế như phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine để xói mòn sự ủng hộ của người dân phương Tây đối với Kyiv. Kremlin xem các dấu hiệu do dự gần đây của một số chính phủ châu Âu như chỉ dẫn cho thấy phương Tây đang bị phân hoá, khi quyền lợi kinh tế được nhiều quốc gia thành viên đặt lên trên và không còn tập trung vào mục tiêu ban đầu: chống lại cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, trong tình hình chi phí năng lượng toàn cầu tăng cao do Mỹ và Liên Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt dầu hoả Moscow. Một tỷ phú Nga nói với điều kiện giấu tên vì sợ bị trả thù: “Putin tin rằng phương Tây sẽ sớm kiệt quệ. Dù ông ta không ngờ phản ứng ban đầu của phương Tây lại mạnh mẽ và thống nhất như thế, nhưng bây giờ sau khi định thần lại Putin đang cố gắng định hình lại tình thế và tin rằng nếu kéo dài cuôc chiến, ông ta sẽ giành chiến thắng”.
Nếu đúng như tỷ phú này nói, Tổng thống Nga chỉ còn mỗi một việc là…ngồi và chờ. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy khi người dân Mỹ đã chán cái gì đó rồi thì đảng cầm quyền chỉ còn cách tuân theo ý nguyện của họ, bắt đầu từ quốc hội. Các nhà lãnh đạo phương Tây cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các chu kỳ bầu cử, dễ bị cử tri lèo lái để giữ ghế hay thắng cử. Putin biết rõ điều này và ông ta tin rằng dư luận có thể lật ngược thế đứng của Mỹ và các quốc gia dân chủ phương Tây trong cuộc chiến Ukraine.
Phong trào phản chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam là một bằng chứng. Dù lần này Mỹ không đem quân vào Ukraine nhưng áp lực lạm phát, giá xăng dầu và đứt gẫy chuỗi cung ứng cũng nguy hiểm không kém. “Lệnh cấm vận một phần đáng kể xuất khẩu dầu đường biển của Nga sang châu Âu được EU công bố trong tuần này (được Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) ca ngợi là cách gây áp lực tối đa để Nga chấm dứt chiến tranh) sẽ ảnh hưởng không đáng kể trong ngắn hạn”, một quan chức Nga thân cận với giới ngoại giao Moscow nói cũng với điều kiện giấu tên vì sợ bị trả thù. “Quan điểm dứt khoát của Điện Kremlin là chúng ta không thể thua, cho dù phải trả giá nào!”.
Biện pháp cấm vận dầu mỏ Nga xuất cảng bằng đường biển mà EU mới ban hành được cho là rất ít tác dụng trong việc ngăn cản Nga tiến hành chiến tranh. Ảnh các nhà hoạt động của tổ chức Greenpeace biểu tình chống Nga trên biển Baltic, trước mũi một tàu chở dầu của Nga hôm 23 tháng Ba 2022. Ảnh Frank Molter /dpa/Getty Images.
Kremlin chỉ ra rằng động thái của EU chỉ khiến giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh hơn nữa đồng thời cho biết Nga sẽ tìm cách chuyển hướng nguồn cung sang các thị trường châu Á, bất chấp EU và Anh cấm bảo hiểm các lô hàng của Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Post: “Phương Tây phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác khiến cuộc khủng hoảng ngày càng tăng, kể cả việc họ nói không đúng những gì đang diễn ra ở Ukraine và những gì Tổng thống Putin đang làm”. Nhận xét này cho thấy Điện Kremlin tin Nga có thể tồn tại lâu hơn phương Tây trong việc vượt qua tác động của trừng phạt kinh tế qua lại.
Sergei Guriev, cựu chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu nhận định: “Để gây khó cho phương Tây, Putin không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cuộc chiến với hy vọng việc phong tỏa ngũ cốc ở Ukraine sẽ dẫn đến bất ổn ở Trung Đông và gây ra một làn sóng người tị nạn mới tại châu Âu”.
Nắn gân nhau
Lập trường hiếu chiến của Điện Kremlin dường như phản ánh suy nghĩ của Nikolai Patrushev, người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga, từng phục vụ tại cơ quan tình báo KGB Leningrad (St. Petersburg) với Putin. Càng ngày Patrushev càng được xem là người có tư tưởng cứng rắn trong cuộc chiến ở Ukraine. Ông ta là một trong số ít cố vấn an ninh thân cận được “những người bên trong” (insiders) ở Moscow tin rằng có quyền tiếp cận với Putin bất cứ lúc nào.
Trong ba cuộc phỏng vấn chống phương Tây kịch liệt trên báo chí Nga kể từ cuộc xâm lược, Patrushev (trước đây vốn nhút nhát trước công chúng) mạnh miệng tuyên bố “châu Âu đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc với lạm phát gia tăng và mức sống sụt giảm ảnh hưởng đến tâm trạng của người dân”. Ông ta còn tiên đoán một cuộc khủng hoảng di cư mới sẽ tạo ra các mối đe dọa an ninh mới. “Thế giới đang dần rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có. Hàng chục triệu người ở châu Phi hoặc Trung Đông có nguy cơ chết đói vì (sai lầm) của phương Tây. Để tồn tại, họ sẽ trốn sang châu Âu. Tôi không chắc châu Âu sẽ sống sót sau cuộc khủng hoảng di cư này hay không,”– Patrushev đoan chắc với tờ báo nhà nước Nga Rossiyskaya Gazeta.
Trong một cuộc phỏng vấn tuần trước với tờ báo lá cải nổi tiếng Argumenty i Fakty, Patrushev nói: “Nga không vội vàng ấn định thời hạn (chấm dứt) chiến dịch quân sự ở Ukraine”. Tỷ phú Nga nói trên nhận định: “Quân đội Nga đang từng bước giành được thêm lãnh thổ ở khu vực Donbas miền đông Ukraine, nhưng thay vì mở một trận chiến quyết định và tức thì, Putin tin rằng thời gian đang đứng về phía mình và sẽ kéo dài nó ra vì ông ta là một kẻ rất kiên nhẫn, sẵn sàng chờ đợi từ sáu đến chín tháng. Một điều quan trọng nữa là Putin có thể kiểm soát xã hội Nga chặt chẽ hơn nhiều so với phương Tây kiểm soát xã hội của mình”.
EU phải mất nhiều tuần thương lượng căng thẳng và mặc cả về các điều khoản thì mới đưa ra được lệnh cấm vận dầu hoả không trọn vẹn chống lại Nga. Nhìn vào quá trình khó khăn này, các nhà kinh tế và quan chức Nga thấy ở lệnh cấm vận dầu hoả là dấu hiệu báo trước quyết tâm của phương Tây sẽ không còn, nhiều nước sẽ sớm chùn bước hoặc lúng túng, miễn cưỡng “đoàn kết”, và đây chính là lợi thế cho Nga. Putin tin rằng tâm tư của người dân Mỹ và phương Tây về việc tốn kém cho Ukraine bằng đồng tiền thuế của họ sẽ thay dổi. Các cuộc điện đàm (trong thế yếu) với Putin vào cuối tuần qua của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz về cách dỡ bỏ lệnh phong tỏa các cảng của Ukraine càng củng cố thêm quan điểm đó.
Một cựu quan chức chính phủ Mỹ nhận định: “Theo diễn giải của Điện Kremlin, mỗi khi các nhà lãnh đạo phương Tây chủ động gọi điện cho Putin và tìm cách đạt được một thỏa thuận, ông ta lại thấy mình đang ở thế thượng phong và có thêm đòn bẩy mới để tiếp tục cuộc chiến”. Điện Kremlin khẳng định việc cấm xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine là do Ukraine gài mìn ở Hắc Hải (Kyiv bác bỏ) trong khi Peskov cho rằng chính lệnh cấm vận của phương Tây đã ngăn các chuyến tàu chở ngũ cốc rời cảng.
Bị Nga phong tỏa các cảng biển, Ukraine phải xuất khẩu ngũ cốc và lúa mì theo đường sông Danube qua lãnh thổ Romania ra biển Hắc Hải. Nhưng lượng tàu bè lớn trên tuyến đường này khiến việc vận chuyển thực hiện rất chậm, qua các con kênh Sulina và Constanta của Romania. Ảnh một phụ nữ đi tàu khách vẫy chào con tàu chở ngũ cốc của Ukraine đi qua vùng châu thổ sông Danube hôm 4 tháng Sáu 2022. Ảnh Andreea Campeanu/Getty Images
Ai sẽ bỏ cuộc trước?
Sergei Aleksashenko, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga hiện đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ, cho biết lệnh cấm xuất khẩu dầu hoả đường biển của EU có thể chỉ ảnh hưởng rất nhỏ nếu Nga chuyển toàn bộ lượng hàng vận chuyển bằng đường biển sang Ấn Độ và Trung Quốc. Khi đó thiệt hại của Nga do lệnh cấm này sẽ không nhiều như EU tiên đoán. “Tôi tin, khi các cố vấn kinh tế cho Putin biết thiệt hại ước tính từ lệnh cấm vận là bao nhiêu, ông ta sẽ lặng lẽ cười và vẫn giữ nguyên hướng đi của mình”, Aleksashenko nói. Edward Fishman, trợ giảng về các vấn đề quốc tế và công cộng tại Đại học Columbia, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định: “Lệnh cấm vận dầu hoả chỉ nên được coi là ‘bước đầu tiên’ trong nỗ lực cắt giảm nguồn thu ngoại tệ của Điện Kremlin nên đừng kỳ vọng quá nhiều vào nó!”. Chính vì vậy mà một số quan chức cấp cao đương nhiệm và cựu quan chức phương Tây đang thảo luận về các đề xuất đối với Hoa Kỳ và EU để thành lập một cartel và áp đặt trần giá đối với dầu hoả của Nga, ở mức $30 hoặc $40 mỗi thùng. “Cách này có thể hiệu quả hơn lệnh cấm của EU và giúp kéo giá dầu thế giới xuống. Lúc đó, Hoa Kỳ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ ai mua dầu của Nga với giá cao hơn giá trần”, Fishman nói.
Thủ tướng Ý Mario Draghi là người đưa ra ý tưởng đầu tiên về cartel dầu hoả tại cuộc họp với Tổng thống Biden. Uỷ ban châu Âu (EC) hiện đang xem xét đề xuất của Draghi về mức trần giá khí đốt tiềm năng.
Putin từng tuyên bố: “Chiến dịch kinh tế chớp nhoáng chống lại Nga đã thất bại”. Nhìn bề ngoài, nền kinh tế Nga đã được bảo vệ trước cú sốc ban đầu từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhờ dòng tiền gần $1 tỷ doanh thu mỗi ngày từ xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu trước khi EU cấm vận dầu Nga. Nhờ các biện pháp kiểm soát vốn và đơn đặt hàng mà các nhà xuất khẩu của Nga đã bán một nửa thu nhập bằng đồng nội tệ của họ cho nhà nước nên đồng rúp đã mạnh lên mức cao trước chiến tranh. Nhưng Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, cảnh báo “tác động đầy đủ của các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn chưa được cảm nhận”. Lệnh cấm nhập khẩu công nghệ cao chỉ mới bắt đầu có hiệu lực, trong khi tình trạng thiếu hụt một số hàng hóa vừa bắt đầu xuất hiện. Lạm phát có thể vượt quá 20% và Nga đang phải đối mặt với cuộc suy thoái sâu nhất trong 30 năm qua. Cố bảo vệ người dân chống lại lạm phát, ước tính đang ở mức 18%, Putin ra lệnh tăng lương hưu 10% và mức lương tối thiểu. “Với những rủi ro ngày càng tăng đối với tất cả các bên, đây sẽ là một cuộc chiến tiêu hao từ quan điểm kinh tế, chính trị và đạo đức. Mọi người đều đang chờ đợi mùa thu khi tác động của các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất”, một quan chức Nga nói.
Cựu quan chức chính phủ Mỹ nói trên kết luận: “Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra ước tính Kyiv cần $7 tỷ viện trợ mỗi tháng chỉ để duy trì hoạt động của đất nước, Putin dường như đang đặt cược vào việc phương Tây sẽ nản chí trước. Mục tiêu chinh phục Ukraine và cuối cùng cắm cờ Nga ở Kyiv của Putin sẽ không thay đổi”.