Ngăn ngừa ung thư bằng cách “bỏ đói” chúng, tự bạn có thể làm được!

Giống như con người cần ăn để sống, tế bào ung thư cũng cần ăn đường để sinh tồn. Tế bào ung thư thèm khát đường như đại hạn chờ mưa. Vậy làm thế nào để “bỏ đói” tế bào ung thư đến chết một cách hiệu quả?

Tự bạn cũng có thể ngăn ngừa ung thư bằng cách “bỏ đói” chúng. (Ảnh: Palto/ Shutterstock)
Khoảng 100 năm trước, nhà sinh lý học nổi tiếng người Đức là Otto Warburg đã phát hiện ra rằng các tế bào ung thư “nghiện” đường. 

Sự phát triển bình thường của tế bào phụ thuộc vào oxy. Nhưng các tế bào ung thư thì khác, chúng phát triển bằng cách hấp thụ một lượng lớn đường (glucose), ngay cả khi đang trong một môi trường đầy đủ oxy. Hiện tượng này xảy ra ở 80% các bệnh ung thư. 

Cách các tế bào ung thư sử dụng đường thay thế làm năng lượng được gọi là quá trình chuyển hóa glycolytic hay Hiệu ứng Warburg.

Tế bào ung thư tiêu thụ lượng đường gấp 100 lần so với các mô bình thường 
Tế bào ung thư chuyển hóa và phát triển nhanh hơn rất nhiều so với tế bào bình thường, và chúng tiêu thụ đường với tốc độ vượt quá khả năng tưởng tượng của chúng ta. Có thể nói, tế bào ung thư rất thèm khát đường. 

Trong một bài báo  được đăng trên tạp chí BMC Biology năm 2014, các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng nhiều tế bào ung thư đặc biệt chọn đường (glucose) làm thức ăn và chúng tiêu thụ glucose nhanh hơn các mô bình thường từ 50 đến 100 lần.

Các tế bào ung thư điên cuồng hấp thụ đường, tiêu thụ nó một cách nhanh chóng, để phát triển, sinh sôi và lây lan nhanh chóng. 

Đường có thể tạo ra carbohydrate, protein và chất béo, những chất này đối với tế bào giống như gạch, xi măng và vật liệu cách nhiệt để xây nhà. Ngoài ra, đường còn tạo ra DNA và RNA cho tế bào như bản thiết kế di truyền của chúng.

Ông Otto Warburg, nhà sinh lý học nổi tiếng người Đức, đã phát hiện ra rằng các tế bào ung thư nghiện đường. (Nguồn: Wellcome Collection/ Commons wikimedia)
Lấy cảm hứng từ Hiệu ứng Warburg, các nhà khoa học đã tiến thêm một bước nữa phát triển thêm một phương pháp mới để chẩn đoán ung thư – Chụp cắt lớp phát xạ positron (chụp PET). 

Nguyên tắc của nó là tiêm một chất phóng xạ (thường là fluorodeoxyglucose, còn được gọi là  glucose phóng xạ) vào người bệnh, đợi khoảng 1 giờ, glucose phóng xạ sẽ đi vào hệ thống trao đổi chất của cơ thể, sau đó sẽ tiến hành quét hình và hiển thị hình ảnh. Khi lượng glucose phóng xạ này tập trung ở một bộ phận nào của cơ thể, hình ảnh của bộ phận đó sẽ sáng lên.

 Ví dụ, một bệnh nhân được xét nghiệm kiểm tra ung thư tuyến tụy. Khi chụp PET, nếu tuyến tụy bình thường thì không phát sáng, nhưng khi một bộ phận của tuyến tụy của bệnh nhân sáng lên, thì ở đó có thể có ung thư.

Chế độ ăn nhiều đường làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư  
Ung thư không phải là một căn bệnh đơn nhất, nó là một loạt các bệnh di truyền hoặc chuyển hóa do rối loạn chức năng ty thể trong tế bào. Hơn nữa, các cơ quan hoặc bộ phận xuất hiện ung thư thường là nơi diễn ra quá trình trao đổi chất của cơ thể tương đối mạnh mẽ. 

Vì các tế bào ung thư thích chuyển hóa glycolytic làm nguồn năng lượng làm nguồn năng lượng cho mình, nên việc ăn một lượng lớn đường có thể khiến ung thư phát triển và lây lan nhanh hơn. Đây chính là lý do tại sao có nhiều bằng chứng dịch tễ học cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng phát triển ung thư, đặc biệt là ung thư vú, ruột kết, tuyến tiền liệt, gan và tuyến tụy. 

Ngày càng nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lượng đường ăn vào có liên quan trực tiếp đến việc tăng nguy cơ ung thư. 

Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã theo dõi 3.184 người Mỹ trong độ tuổi từ 26 đến 84 từ năm 1991 đến năm 2013 và phát hiện ra rằng uống nhiều nước hoa quả hơn có liên quan đến việc tăng 58% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, đồ uống có đường càng cao thì càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến béo phì lên 59% ở những đối tượng bị béo phì quá mức. 

 Một nghiên cứu thuần tập dịch tễ học trên 60.000 phụ nữ ở Thụy Điển cho thấy rằng những người có chế độ ăn uống thực phẩm có chỉ số đường huyết (glycemic) cao và lượng carbohydrate hấp thụ có nhiều khả năng bị ung thư vú. Ngoài ra, những phụ nữ trong nhóm dân số này ăn nhiều đường nhất (hơn 35 gam đường mía (đường sucrose) mỗi ngày, cùng với dùng bánh mì ngọt và bánh quy hơn 3 lần/tuần) có nguy cơ ung thư nội mạc tử cung tăng lên đáng kể. 

Một số nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ đã cùng nhau thực hiện một cuộc đánh giá có hệ thống đối với 37 nghiên cứu về đường và nguy cơ ung thư được công bố trên các tạp chí có thẩm quyền từ năm 1990 đến năm 2017, phát hiện ra rằng ăn nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ ung thư bằng cách thúc đẩy làm mất cân bằng giữa insulin – đường (glucose), stress oxy hóa, viêm, béo phì và gia tăng nguy cơ ung thư. Trong số đó, 2 nghiên cứu về gia tăng lượng đường bổ sung cho thấy rằng ăn nhiều đường sẽ làm tăng 60% đến 95% nguy cơ ung thư. 8 trong số 15 nghiên cứu về thực phẩm và đồ uống có đường cho thấy rằng, việc tiêu thụ nhiều đồ uống có đường hơn sẽ làm tăng nguy cơ ung thư từ 23% đến 200%.

Không chỉ vậy, nếu ăn quá nhiều đường có thể làm tăng tỷ lệ tử vong do ung thư. 

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Dinh dưỡng lâm sàng” (Clinical nutrition), các nhà nghiên cứu đã theo dõi 7.447 người được kiểm tra liên tục trong nhiều năm, để xem xét mối liên hệ giữa lượng đường của họ với tỷ lệ mắc bệnh ung thư, tỷ lệ tử vong do ung thư và tỷ lệ tử vong nói chung. Kết quả phát hiện ra rằng cứ tăng 5g đường lỏng mỗi ngày, tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng 8%. Ngoài ra, việc tiêu thụ đường đơn trong đồ uống và nước trái cây có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong do ung thư nói chung và tử vong do mọi nguyên nhân khác.

Ngày càng nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lượng đường ăn vào có liên quan trực tiếp đến việc tăng nguy cơ ung thư. (Ảnh: Shutterstock)
Liệu có thể ngừng ăn đường để bỏ đói tế bào ung thư?
Bạn có thể hỏi: Vì tế bào ung thư không thích đồ ăn không có đường, nếu chúng ta kiêng hoàn toàn chất đường (carbohydrate) và đường, thì có thể bỏ chúng chết đói không? 

Thật không may, đây không phải là đáp án chính xác. 

Vì cơ thể con người chúng ta vô cùng tinh mỹ và phức tạp. Nếu bạn chỉ đơn giản cắt bỏ đường và chất đường (carbohydrate) thì cơ thể sẽ nhanh chóng chuyển sang các chất khác để duy trì sự trao đổi chất và tồn tại. Những tế bào ung thư tinh ranh và quái ác lại càng như vậy. Hơn nữa, những người đang tiếp nhận các phương pháp điều trị ung thư nhất định cần dinh dưỡng đầy đủ, bao gồm cả chất đường (carbohydrate), để giúp cơ thể từng bước phục hồi lại.

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể bỏ đói tế bào ung thư thông qua các phương pháp điều trị đặc biệt để hấp thu đường và năng lượng. 

Tiến sĩ Sophia Lunt, phó giáo sư hóa sinh và sinh học phân tử tại Đại học tại tiểu Bang Michigan, trong một buổi nói chuyện tại TEDx Talk, đã giới thiệu với công chúng một hướng mới có kỳ vọng trong liệu pháp điều trị ung thư, đó là dùng tác động đến sự trao đổi chất của tế bào ung thư. 

Tiến sĩ Sophia Lunt đã thử thông qua việc ngăn chặn nhiều loại gen liên quan đến quá trình chuyển hóa của tế bào ung thư, đồng thời cắt đứt nhiều con đường hỗ trợ cho sự phát triển và trao đổi chất của chúng, để khiến chúng ngừng phát triển. Điều đáng mừng là trong quá trình này các tế bào bình thường vẫn tiếp tục phát triển. 

Nhưng quá trình này vô cùng phức tạp. Tiến sĩ Sophia Lunt giới thiệu cho khán giả một biểu đồ giống như mê cung về cơ chế trao đổi chất của tế bào ung thư. Cô cho biết biểu đồ này đã được đơn giản hóa. 

Tiến sĩ Sophia Lunt cho rằng, trước tiên cần xác định các con đường chuyển hóa chính của tế bào ung thư, sau đó tìm ra vai trò cụ thể của từng con đường chuyển hóa, cuối cùng là hình thành phương pháp điều trị cá nhân hóa theo gen, chế độ ăn uống và môi trường sống của từng bệnh nhân cụ thể.

Có thể nói, kiểm soát quá trình chuyển hóa của tế bào ung thư là một hướng điều trị ung thư mới được mong đợi trong tương lai. 

Tiến sĩ Sophia Lunt nói trong bài phát biểu của mình rằng có nhiều loại ung thư nhưng chúng đều có một điểm chung, đó chính là chúng cần ăn. Phương pháp điều trị mà cô đưa ra chính là bỏ đói tế bào ung thư.

Kiểm soát đường là một cách tuyệt vời để ngăn ngừa ung thư
Quay trở lại với chế độ ăn kiêng, mặc dù chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn đường và chất đường (carbohydrate) ra khỏi chế độ ăn uống của mình, nhưng chúng ta có thể ngăn ngừa ung thư bằng cách tiêu thụ đường một cách hợp lý.

 1.Kiểm soát tỷ lệ đường trong chế độ ăn uống
Chất đường (carbohydrate) là một thuật ngữ chung cho các đường đơn, đường đôi (disaccharide) và nhiều loại đường khác (chẳng hạn như tinh bột). Khi ăn tinh bột, nó được phân giải thành đường (glucose).

Cơ thể cần chất đường (carbohydrate), nhưng một chế độ ăn nhiều đường và carbohydrate có thể gây nguy hiểm cho cả người khỏe mạnh và bệnh nhân ung thư.

Để giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư, bạn có thể sử dụng “phương pháp đĩa thức ăn” để kiểm soát tỷ lệ carbohydrate trong mỗi bữa ăn. 

Phương pháp đĩa thức ăn: Sử dụng một bàn thức ăn để đại diện cho một bữa ăn điển hình, giữ lượng carbohydrate ở mức 1/4 đĩa, protein là 1/4 và rau (cố gắng chọn chỉ số đường huyết thấp) là 1/2. Ở giữa đĩa có thể là một số thực phẩm giàu chất béo chất lượng cao, chẳng hạn như quả bơ.

Để giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư, bạn có thể sử dụng “phương pháp đĩa thức ăn” để kiểm soát tỷ lệ chất đường (carbohydrate) trong mỗi bữa ăn. (Ảnh: The Epoch Times)

  1. Chọn chất đường (carbohydrate) phức hợp
    Ccarbohydrate phức hợp gồm chất xơ và tinh bột trong chế độ ăn mà cơ thể không dễ tiêu hóa một cách nhanh chóng, chẳng hạn như đậu, ngũ cốc nguyên hạt, khoai môn và khoai lang. Chúng được chuyển hóa dần dần thành đường trong cơ thể, đồng thời chúng cũng vô cùng phong phú và đa dạng về chất dinh dưỡng.

Mặt khác, carbohydrate tinh chế có tỷ lệ chất xơ, vitamin, khoáng chất và protein giảm do quá trình xử lý sâu. Khi ăn vào cơ thể, nó sẽ nhanh chóng bị phân hủy thành một lượng lớn đường glucose. Carbohydrate tinh chế điển hình bao gồm mì ống tinh chế, bánh mì trắng, các loại mì chế biến và các loại bánh nướng như bánh ngọt và bánh quy. 

Chất đường (carbohydrate) phức hợp là chất xơ và tinh bột không dễ được cơ thể tiêu hóa nhanh chóng. (Ảnh: Tatjana Baibakova/ Shutterstock)

  1. Nên ăn ít carbohydrate tinh chế hơn
    Bạn có thể thay thế một nửa lượng gạo trắng bằng gạo lứt hoặc gạo nhiều hạt, thay thế bánh mì trắng bằng bánh mì nguyên cám, hoặc thỉnh thoảng ăn ngô hấp, khoai lang, bí ngô, khoai môn và các loại thực phẩm chủ yếu khác. 
  2. Hạn chế ăn đường, đặc biệt là đường tinh luyện
    Tốt hơn là nên chọn trái cây có chỉ số đường huyết thấp thay vì uống nước trái cây. Ngoài ra, cũng cần tránh thức ăn có nhiều đường. Nếu bạn muốn thêm đường vào thức ăn của mình, bạn có thể thay thế đường trắng bằng các chất thay thế đường tự nhiên như đường cỏ ngọt hoặc đường của quả la hán… Nhưng đừng sử dụng chất làm ngọt nhân tạo thay thế đường, vì chúng có thể tiêu diệt vi khuẩn tốt trong đường ruột và gây hại cho sức khỏe của bạn. 

Trong nấu ăn, nên sử dụng các loại thảo mộc và hương liệu làm giảm lượng đường trong máu, chẳng hạn như lá cỏ ca ri, hành tây, tỏi, hẹ, tỏi tây, quế, lá nguyệt quế và đinh hương.

Thanh Phong/ Theo Epoch Times / Trí thứ VN

Những gia đình Hoàng gia giàu nhất thế giới năm 2022

Nữ hoàng Elizabeth hiện là nhân vật hoàng gia nổi tiếng nhất thế giới, nhưng Hoàng gia Anh Quốc chỉ có thể đứng cuối cùng trong danh sách những gia đình hoàng tộc giàu có nhất toàn cầu trong năm 2022.

Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth là một trong những sự kiện được theo dõi nhiều nhất. Cộng với những lùm xùm về đời tư của của Hoàng tử Harry, Hoàng gia Anh Quốc là gia đình hoàng tộc nổi tiếng nhất trên thế giới.

Tuy vậy, liệu khối tài sản của gia đình Nữ hoàng Elizabeth c thể so bì được với những hoàng tộc khác trên thế giới hay không, như Hoàng gia Qatar đã chi rất nhiều tiền để có thể tổ chức World Cup vào cuối năm nay.

Dưới đây là danh sách 5 gia đình hoàng tộc giàu có nhất trên thế giới:

5. Hoàng gia Anh Quốc: 88 tỷ USD

Theo Forbes, là một trong những vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử, Nữ hoàng Elizabeth II có khối tài sản cá nhân rơi vào khoảng 470 triệu USD. Tổng số tài sản ròng của toàn bộ thành viên Hoàng gia Anh Quốc là 88 tỷ USD.

Nữ hoàng Elizabeth và gia đình sở hữu khối tài sản 88 tỷ USD. Ảnh: scmp

Phần lớn thu nhập của Hoàng gia Anh tới từ khoản phí hàng năm Sovereign Grant (Trợ cấp Hoàng gia) do chính phủ Anh chi trả. Ngoài ra, Hoàng gia Anh còn kiếm được hàng triệu bảng mỗi năm từ những bất động sản sở hữu bởi gia đình Nữ hoàng như Lâu đài Balmoral tại Scotland và khu phức hợp Sandringham tại miền Đông nước Anh. Không những vậy, tài sản của Hoàng gia Anh còn bao gồm những cổ vật có giá trị cao, những quà tặng từ các lãnh đạo trên toàn thế giới.

Tổng tài sản 88 tỷ USD cũng giúp Hoàng gia Anh vượt qua Hoàng gia Thái Lan và Brunei để lọt vào danh sách 5 gia đình hoàng tộc giàu có nhất.

4. Hoàng gia Abu Dhabi – UAE: 150 tỷ USD

Kể từ năm 1793, Hoàng gia Abu Dhabi là gia đình quản lý Bảy Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Nhờ việc khai thác và buôn bán giàu mỏ kể từ năm 1970, gia đình này có khối tài sản ròng ước tính là 150 tỷ USD.

Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan và gia đình sở hữu 150 tỷ USD. Ảnh: scmp

Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan – người đứng đầu UAE kể từ năm 2004 sở hữu một mảnh đất ở thủ đô London (Anh) có giá tới 7,1 tỷ Bảng. Theo Guardian, chỉ riêng tiền thuê từ mảnh đất này thôi đã mang lại cho ngài Sheikh 200 triệu USD mỗi năm. Ngoài ra, Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan cũng là chủ tịch Quỹ đầu tư Abu Dhabi có trị giá gần 700 triệu USD.

3. Hoàng gia Qatar: 335 tỷ USD

Vào cuối năm nay 2022, Qatar được dự báo sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch quốc tế tới để theo dõi World Cup 2022 – sự kiện mà quốc gia này đã chi rất rất nhiều tiền để có thể đăng cai.

Tuy vậy, số tiền bỏ ra không là gì so với tài sản của Hoàng gia Qatar do gia đình Thani lãnh đạo. Gia đình này nắm giữ cổ phần ở tại nhiều bất động sản nổi tiếng trên toàn cầu như: tòa nhà chọc trời London’s Shard, Làng Olympic và tòa nhà Empire State.

Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani và gia đình sở hữu khối tài sản 335 tỷ USD. Ảnh: scmp

Người đứng đầu Hoàng gia Qatar – Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani có tài sản cá nhân ước tính khoảng 2 tỷ USD. Ngoài ra, những khoản đầu tư vào Hãng hàng không British Airways, Ngân hàng Barclays và công ty ô tô Volkswagen đã nâng tổng số tài sản của Hoàng gia Qatar lên con số 335 tỷ USD.

2. Hoàng gia Kuwait: 360 tỷ USD

Xếp thứ 2 trong danh sách này là một cái tên gây bất ngờ, bởi Hoàng gia Kuwait kín tiếng hơn hẳn các gia đình hoàng tộc khác trên thế giới.

Hoàng gia Kuwait xếp thứ hai với tổng tài sản 360 tỷ USD. Ảnh: scmp

Gia đình Sabah đã cầm quyền tại Kuwait kể từ năm 1752 và được biết đến nhiều nhất bởi các khoản đầu tư vào các công ty sản xuất chip bán dẫn tại Mỹ. Vào năm 1991, tổng tài sản của Hoàng gia Kuwait là 90 tỷ USD, nhưng ở năm 2022, số cổ phiếu và cổ phần mà họ đầu tư đã tăng giá chóng mặt. Điều này giúp cho Sheikh Nawaf Al-Ahmad Al-Sabah và gia đình sở hữu khối tài sản trị giá 360 tỷ USD.

1. Hoàng gia Ả Rập Xê Út: 1.400 tỷ USD

Gia đình Saud đã cai trị Ả Rập Xê Út kể từ năm 1744 và thậm chí còn đặt tên quốc gia này theo gia đình họ (Saudi Arabia). Nhà vua Salman – người trị vì kể từ năm 2015 được cho là có tài sản cá nhân trị giá 18 tỷ USD, biến ông trở thành thành viên Hoàng gia giàu nhất thế giới.

Nhà Vua Salman và Thái tử Mohammed bin Salman sở hữu tới 1400 tỷ USD. Ảnh: scmp

Xếp ngay sau ông là Hoàng tử Alwaleed bin Talal, người có tài sản rơi vào khoảng 16 tỷ USD. Hoàng tử cũng là người đóng góp 1.9 tỷ USD cho thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk.

Nếu tính tổng số tài sản của toàn bộ thành viên trong Hoàng gia Ả Rập Xê Út, tổng giá trị lên tới 1.400 tỷ USD – cao hơn cả GDP của Tây Ban Nha hay Australia. Không những vậy, tổng số tài sản của 9 gia đình hoàng tộc giàu nhất thế giới (xếp sau Ả Rập Xê Út) cũng chỉ rơi vào khoảng 2.400 tỷ USD, tức gia đình Saud giàu có một cách khó có thể tưởng tượng.

Việt Dũng (Theo SCMP) / Nghiên cứu Quốc Tế

Cựu điệp viên KGB: Khi mù quáng Putin có thể làm những điều tồi tệ nhất

Cựu điệp viên KGB Sergei Yirnov biết rõ về Vladimir Putin. Tổng thống Nga ngày càng bị cô lập ở trong Điện Kremlin, nhưng ông ta lại sống trong một thế giới song song đầy nguy hiểm. Tuy nhiên người hiểu rõ về Putin này lại lo lắng nhất về một tính cách khác của vị tổng thống.

Chuyện xảy ra vào buổi tối ngày Nga xâm lược Ukraine. Trên truyền hình Pháp, một cựu điệp viên Nga khiến khán giả hoảng hốt khi ông nói Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ngay lập tức ông bị mạng xã hội tấn công tới tấp và nhiều chuyên gia cho rằng ông là một kẻ tán thành chiến tranh. Ba ngày sau đó, Vladimir Putin tuyên bố đặt kho vũ khí hạt nhân của mình vào tình trạng báo động. Kể từ đó người ta mới bắt đầu chú ý lắng nghe Sergei Jirnov.

Hỏi: Ông có tin rằng nước Nga sẽ thua trong cuộc chiến ở Ukraine không?

Đáp: Mặc dù tôi mong như vậy, nhưng lúc này không có gì là chắc chắn cả. Putin có thể thắng một số trận và cuối cùng chiếm được toàn bộ Donbass, chiếm một số thành phố lớn để trấn giữ miền đông Ukraine, kết nối Donbass và Bán đảo Crimea được sáp nhập từ năm 2014. Tuy nhiên, ông ta sẽ không bao giờ thành công và chinh phục được toàn bộ đất nước, ít nhất là không thể bằng vũ khí thông thường. Nếu đánh giá một cách lạc quan, tôi cho rằng, về chiến lược, Putin đã thua trong cuộc chiến tranh này, một cuộc chiến mà ông ta muốn ăn tươi nuốt sống Ukraine nội trong một tuần! Bằng cách tấn công một quốc gia lâu nay là một trong những đồng minh của Nga, hoàn toàn không có lý do, ông ta đã kích động một cuộc chiến toàn diện chống lại 45 triệu người dân quyết tâm bảo vệ đất nước và bảo vệ phong cách sống của họ với lòng dũng cảm đáng kinh ngạc. Putin đã tính toán sai về mọi mặt, về người Ukraine, về Zelensky, về “những người nói tiếng Nga”, về châu Âu, về NATO và về phản ứng của cộng đồng quốc tế. Và nhất là về trung hạn và dài hạn, nước Nga phải chịu hậu quả về sai lầm chiến lược này.

Hỏi: Các tổng thống như Emmanuel Macron đang kiên quyết duy trì đối thoại với Moscow. Theo ông như vậy có đúng không? Liệu người ta có thể làm Putin tỉnh ngộ được không?

Đáp: Để đánh giá thái độ này không dễ đâu. Các thủ tướng Ba Lan và Estonia đã chỉ trích mạnh mẽ Macron về hành vi này. Các thủ tướng này là những nhà lãnh đạo của các quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ ​​ách thống trị của nước Nga Xô-viết, và giờ đây họ lo sợ Putin sẽ nhắm vào mục tiêu tiếp theo nếu ông ta được phép làm như vậy. Logic của họ rất đơn giản và cực đoan: đối với họ, Putin rõ ràng là một tên tội phạm chiến tranh. Và lịch sử đã dạy chúng ta không bao giờ được liên minh với ma quỷ!

Hỏi: Joe Biden cổ vũ chúng ta cầm vũ khí nhưng bản thân ông ta lại tránh xa chiến trường.

Đáp: Thực tế là, khi bạn đang ở trên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân, sẽ rất vô trách nhiệm nếu bạn không thương lượng với bất kỳ kẻ nào có thể kích nổ quả bom đó. Trong cuốn sách của mình, tôi mô tả các mức cảnh báo hạt nhân khác nhau, mà các chuyên gia gọi là Defcon 3, Defcon 2, Defcon 1. Người ta càng cần phải nói chuyện với ông ta vì người Mỹ và người Nga không có mức độ cảnh báo như nhau, điều này chưa bao giờ được đề cập một cách chính xác nhất. Tôi cũng xin lưu ý năm 1983, một người sĩ quan cấp bậc bình thường nhưng đã phát hiện ra thông tin về việc Mỹ phóng tên lửa thực chất chỉ là một vụ báo động nhầm. Tất cả những điều này càng quan trọng hơn vì bản thân kẻ độc tài lại ở trong pháo đài của y ở Điện Kremlin.

Hỏi: Ông có còn nhớ cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Vladimir Putin không?

Đáp: Rất nhớ là đằng khác. Hồi đó là tháng 8 năm 1980, nhân dịp Thế vận hội Moscow, Putin là một đội trưởng trẻ tuổi được KGB cử từ Leningrad đến Moscow để tăng cường lực lượng an ninh. Anh ta chất vấn tôi về một cuộc điện thoại mà tôi tiến hành khá lâu và đáng ngờ với một khách du lịch người Pháp. Tôi cảm thấy anh ta đang tận hưởng quyền lực của mình, anh ta đã được trao một chiếc thẻ đỏ của KGB. Tôi lạ gì cái đó. Cho đến một hôm tôi kể với anh ta tôi có một bản “Quần đảo ngục tù” của Solzhenitsyn, nhờ một bạn cùng học cho mượn. Người đó lại là cháu của Leonid Brezhnev, lúc đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô!

Hỏi: Ông có cùng làm việc với Putin trong KGB?

Đáp: Cả hai chúng tôi đều thuộc Ủy ban An ninh Nhà nước, cánh tay phải của Đảng Cộng sản. Cùng năm đó, chúng tôi được gọi vào Học viện Andropov, đây là ngôi trường đào tạo các điệp viên ưu tú. Tôi được nhận vào Ban “S”, phụ trách “những người bất hợp pháp”. Đây là ban được kính nể nhất của KGB. Trong khi đó, Putin bị xếp vào loại không phù hợp cho hoạt động gián điệp vì ông “không thể đánh giá đúng hậu quả của các quyết định của mình”, điều được coi là quá nguy hiểm cho cả ông ta lẫn cơ quan mật vụ. Do đó người ta đã lập tức điều động Putin trở về Leningrad.

Hỏi: Putin ngày nay với thời đó có khác nhau lắm không?

Đáp: Có và không. Một mặt, Đảng Cộng sản Liên Xô dường như là một di sản quan trọng đối với ông ta, ông ta rất ngưỡng mộ Stalin. Mặt khác, ông ấy tuyên bố muốn xây dựng lại đế chế Nga vĩ đại, một đế chế vừa bị gulag của Stalin và KGB phá hủy, mà ông ta gần ba chục năm thuộc về cái đảng đó. Trên thực tế, Putin ngày càng trở nên cực đoan hơn. Như tôi cũng đã đề cập trong cuốn sách của mình, người ta chỉ cần nghĩ đến tất cả các nhà báo đã bị giết, khoảng ba mươi người, hoặc làn sóng tự sát đáng ngạc nhiên của các nhà tài phiệt đã mạnh mồm lên tiếng chỉ trích Putin. Tôi cũng đề cập đến những tai nạn xảy ra với những người thân tín nhất của ông ấy trong bộ máy nhà nước. Trong đó có người từng là vệ sỹ mà sau này trở thành Bộ trưởng Bộ các Tình trạng Khẩn cấp Yevgeny Sinichev. Con người trung thành này đã rơi xuống vách đá trên thác nước gần Norilsk cùng với hai người thân hồi tháng 9/2021. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng loạt phim đen tối này sẽ sớm kết thúc.

Hỏi: Putin có hoàn toàn bị cô lâp ở trong điện Kremlin không?

Đáp: Hơn bao giờ hết. Và thậm chí còn hơn thế kể từ khi ly hôn với bà vợ Lyudmila hồi năm 2013. Ông ta không còn có khả năng tiếp nhận những lời phê bình dù là nhỏ nhất. Đó là lý do tại sao ông ấy công khai làm bẽ mặt Sergey Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài quan trọng nhất, SVR. Putin để cho ông ta tại vị cho đến một ngày ông ấy… Thậm chí ngay cả những người thân tín nhất của Putin, như Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hay tham mưu trưởng, Tướng Valery Gerasimov, cũng hoàn toàn bất ngờ khi nghe thông báo của Putin qua truyền hình rằng ông ta muốn đưa lực lượng vũ khí hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động. Cần lưu ý rằng chính hai ông tướng này sẽ là những người phải xác nhận lệnh khởi động vũ khí hạt nhân nếu Putin một ngày nào đó ra lệnh cho họ.

Hỏi: Ông ta có làm ông lo lắng? Ông có nghĩ ông ta điên không?

Đáp: Putin đã từng bước tự cô lập mình và tạo ra một thế giới ảo song song. Cá nhân tôi tin chắc rằng giờ đây bản thân ông ấy cũng tin vào những điều dối trá mà ông ấy đã nói về Đức Quốc xã ở Ukraine và rằng quân đội Nga luôn giành chiến thắng trong mọi trận chiến. Tuy nhiên, điều mà Putin thực sự lo lắng, mà đây mới là vấn đề chính, là về di sản mà ông ta để lại trong lịch sử. Kể từ ngày 21 tháng 2, mọi quyết định mà ông ấy đưa ra đều tệ hơn quyết định trước đó, và logic này chỉ có thể dẫn ông ta đến thảm họa. Điều này đúng với nước Nga và cả với thế giới. Và cái đó làm người ta phải lo sợ. Trong trạng thái mù quáng của mình, ông ta có thể làm những điều tồi tệ nhất. Đây là điều mà những nhà huấn luyện ông ta tại KGB lo ngại nhất về Putin. Và họ đã đúng.

Hỏi: Có phải chúng ta đang chứng kiến ​​sự trở lại của chiến tranh lạnh?

Đáp: Trên thực tế, đây không phải là sự trở lại của chiến tranh lạnh mà thực chất là sự hình thành một sự hỗn loạn trong trật tự toàn cầu. Chính Putin là một ví dụ về điều này: ông ấy thấy Đức Quốc xã ở khắp mọi nơi, ông ta nói tiếng Đức và hoạt động ở Berlin! Gần đây, ông ta đã bớt hiếu chiến hơn trong các tuyên bố của mình, nhưng vẫn đe dọa một cuộc tấn công hạt nhân. Cũng có thể đây là một chiến thuật. Ông ta muốn đưa nước Nga vào hàng ngũ các quốc gia trên thế giới nhưng đồng thời lại gây áp lực mạnh mẽ lên phần còn lại của thế giới. Giai đoạn bất ổn mà chúng ta đang trải qua là do các điều kiện dẫn đến sự sụp đổ Liên Xô gây ra. Người dân vui mừng về điều đó, nhưng quân đội, các cơ quan mật vụ và ngành công nghiệp quân sự hùng mạnh hoàn toàn không hài lòng một chút nào về điều này. Những cơ quan, tổ chức lobby này bị mất ngân sách, nhân lực và cả những hợp đồng của mình. Trong bối cảnh đó, NATO vẫn tồn tại, đây là điều thật sự đáng ngạc nhiên. Hơn nữa Liên minh này còn phát triển và kết nạp thêm các quốc gia mới làm thành viên. Trên thực tế, với lý lịch là một cựu điệp viên KGB, Putin thực sự là một nỗi ám ảnh đối với thế giới tự do. Vì thế thật ngạc nhiên khi một số nước như Phần Lan, Thụy Điển, bất chấp sự hù dọa của Putin, vẫn xin gia nhập NATO càng sớm càng tốt. Điều này đối với Putin là một sự khiêu khích khó có thể chấp nhận.

Hỏi: Ông đã tốt nghiệp Học viện Andropov ở Moscow, nơi đào tạo những điệp viên xuất sắc nhất của Liên Xô và Nga. Nhưng ông cũng đã tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia của Pháp. Ông đã đến với nước Pháp như thế nào?

Đáp: Tôi học tiếng Pháp năm 1978 tại Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow theo chỉ thị của Đảng Cộng sản. Đó rất có thể là nhiệm vụ tốt nhất trong cuộc đời tôi. Tôi không chỉ được học tiếng Pháp, tôi còn học cách yêu nước Pháp. Tôi luôn cảm thấy thoải mái ở Pháp như ở quê nhà. Trên thực tế thậm chí còn thoải mái hơn vì tôi tự do hơn. Trong một thời gian dài, tôi đã quảng bá về mảnh đất khai sáng này trên truyền hình Nga. Tôi đến đây với nhiệm vụ tiếp cận giới thượng lưu Pháp và cuối cùng tôi phải xin tị nạn để được bảo vệ ở đất nước này. Tôi thừa nhận đó là một số phận thực sự kỳ lạ.

Hỏi: Hiện ông có được công nhận là người đào tẩu vì lý do chính trị không?

Đáp: Đúng vậy, tôi được công nhận tư cách này hồi tháng 12 năm 2004, nhưng truy ngược lại từ tháng 6 năm 2001. Nhờ quy chế quốc tế này, theo Công ước Geneva năm 1951, tôi được hưởng chế độ bảo vệ tốt hơn so với việc chỉ được hưởng quốc tịch Pháp. Nhưng đối với tất cả những nghề hoạt động ngầm thì ánh sáng luôn là yếu tố bảo vệ tốt nhất.

Nguồn: Ehemaliger KGB-Agent Sergej Jirnow: „Strategisch hat Putin diesen Krieg bereits verloren!“, WELT, 03/06/2022.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài / Nghiên cứu Quốc Tế

Tashkent – vẻ đẹp tiềm ẩn của Uzbekistan

Tashkent quyến rũ du khách với ga tàu điện ngầm từng bị cấm chụp ảnh suốt 40 năm, các nhà thờ Hồi giáo, món cơm rang trên chảo khổng lồ…

Tashkent là thủ đô của quốc gia Trung Á Uzbekistan, nơi tổ chức giải bóng đá U23 châu Á có sự tham gia của Việt Nam. Dân số tính đến hết năm 2021 là 2,5 triệu người, chủ yếu là người theo đạo Hồi.
Tashkent là thành phố cùng với các điểm du lịch nổi tiếng như Samarkand và Bukhara từng gắn liền với Con đường Tơ lụa huyền thoại. Không quá nổi tiếng, nhưng Tashkent vẫn giữ được vẻ quyến rũ với các ga tàu điện ngầm, nhà thờ Hồi giáo khổng lồ…
Trong ảnh là khoảnh khắc bầu trời chuyển màu tím phía trên Thánh đường Abdulla Murodxo’jayev lúc hoàng hôn. Ảnh: Andy Mann


Tashkent có khí hậu Địa Trung Hải, mùa đông lạnh giá thường có tuyết và mùa hè có thể rất nóng.
Xưa kia, Tashkent được các thương nhân trên Con đường Tơ lụa gọi là “thành phố đá” hay “thành phố ngọc lam” do mặt hàng nổi tiếng nhất ở đây là đá quý. Trong ảnh là tháp truyền hình Tashkent, một trong những biểu tượng của thành phố. Ảnh: Podrobno


Tashkent có nhiều nhà thờ Hồi giáo và madrasas (trường trung học Hồi giáo). Thư viện tại quảng trường Khast Imam được xem là nơi có một trong những bản kinh Koran lâu đời nhất thế giới. Ảnh: Alamy


Một trong những điều hút du khách nhất ở Tashkent là các ga tàu điện ngầm tráng lệ. Đây được coi là một trong những vẻ đẹp bí ẩn nhất của Uzbekistan khi bị cấm chụp ảnh trong vòng 40 năm cho đến tháng 7/2018.
Hệ thống tàu điện ngầm ở Tashkent là lâu đời nhất Trung Á, một kiệt tác bao gồm các cột tráng men, những trần nhà được trang trí họa tiết cầu kỳ, gây ngạc nhiên cho cả những du khách khó tính. Ảnh: LHM


Nhiếp ảnh gia Amos Chapple ấn tượng với sự giao thoa của các nền văn hóa trong cách trang trí ga tàu điện. “Các yếu tố Liên Xô xuất hiện cùng với các thiết kế Hồi giáo cổ đại. Các cạnh sắc nét, cứng cáp của Liên Xô, kết hợp với những đường nét uốn lượn, màu coban và ngọc lục bảo quyến rũ của phong cách Arab”, anh cho biết. Ảnh: Amos Chapple/RFE/RL


Các ga tàu điện được trang trí theo phong cách khác nhau, điển hình là ga có bức phù điêu một con chim hùng vĩ được quây bởi một vòm nhọn Arab, kỷ niệm Tashkent 2.200 tuổi. Tại ga Pakhtakor, đó là một bức tranh khảm có tông màu xanh làm nổi bật những sợi bông nở ra từ thân cây cam, ám chỉ một trong những ngành công nghiệp chính của nước này. Trong ảnh là bức điêu khắc Alisher Navoi, một trong những người bắt đầu truyền thống thơ ca của người Uzbekistan. Ảnh: Amos Chapple/RFE/RL


Ga Kosmonavtlar nổi tiếng nhất, tôn vinh những thành tựu khoa học của đất nước với chân dung của các phi hành gia nổi tiếng. Họ được điêu khắc với phong cách vừa hiện thực vừa cổ tích. Tại đây, phong cách Liên Xô hòa trộn các ảnh hưởng Hồi giáo, thể hiện thẩm mỹ độc đáo của người Uzbekistan. Ảnh: Danielle Villasana


Bên cạnh vẻ đẹp dưới lòng đất, Tashkent là một thành phố đáng để đi bộ khám phá xung quanh. Thành phố có nhiều khoảng xanh, bên cạnh những trung tâm mua sắm và nhà cao tầng hiện đại bên cạnh các công trình Hồi giáo cổ kính. CNN đánh giá Tashkent là điểm đến phải ghé thăm cho những người muốn trải nghiệm một điều gì đó khác biệt, pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Trong ảnh là thung lũng Nhà Văn, nơi diễn ra các sự kiện sáng tác, trình diễn thơ, giới thiệu sách và triển lãm. Ảnh: Unsplash


Chợ ẩm thực đường phố Chorsu là nơi các du khách thử những đặc sản của Uzbekistan. Đây cũng là một trong những tòa nhà có kiến trúc ấn tượng nhất Tashkent với mái vòm như một viên ngọc xanh lam khổng lồ. Ảnh: Wikimedia


Tại đây bán đủ thứ từ thịt đến phomai, một món rất đặc trưng và phổ biến tại quốc gia này. Đừng quên thử các loại rau củ muối địa phương và các loại hạt. Tại đây, bạn cũng có thể thưởng thức kim chi và những món ngon của Hàn Quốc do cư dân Hàn định cư và phát triển mạnh ở Tashkent. Ảnh: James Stacey/CNN


Một trong những món ăn đường phố được yêu thích nhất ở Tashkent là thịt xiên nướng. Ảnh: James Stacey/CNN


Đến Tashkent, đừng quên thưởng thức plov, món cơm đặc trưng của người Trung Á. Tại Tashkent có trung tâm Plov, được thiết kế như một nhà thi đấu thể thao khổng lồ, là nơi để thử món cơm thập cẩm mà người Uzbekistan ăn từ khi thức dậy cho đến bữa trưa. Cơm được trộn, rang trên những chiếc chảo đen khổng lồ, nấu từ thịt cừu, cơm, hành và cà rốt. Theo truyền thuyết, món này do đầu bếp của Alexander Đại đế sáng tạo ra. Ảnh: Marshmallow Travels
Hiện tại khách Việt muốn đến Uzbekistan khá đơn giản, chỉ cần đăng ký e-visa tại đây. Thủ tục cần hộ chiếu, ảnh và đặt phòng khách sạn nơi dự kiến lưu trú. Phí làm e-visa là 20 USD.

Trung Nghĩa tổng hợp / Vietnam Express

Những kỷ lục khó tin của Nữ hoàng Anh Elizabeth II

Nữ hoàng Elizabeth II không chỉ là người trị vì lâu nhất ở Anh, mà còn giữ kỷ lục là nguyên thủ quốc gia cao tuổi nhất trên thế giới.

Nữ hoàng Elizabeth II lên nắm quyền năm 1952, sau khi vua cha George VI qua đời. Tới nay, bà đã trị trì Vương quốc Anh trong 70 năm và gần 4 tháng, lâu hơn bất kỳ vị quân chủ nào khác trong lịch sử nước này.

Kỷ lục trước đó thuộc về Nữ hoàng Victoria, người đã trị vì trong 63 năm, 7 tháng và hai ngày trước khi qua đời năm 1901, hưởng thọ 81 tuổi.

Ở tuổi 96, Nữ hoàng Elizabeth II còn là vị quân chủ và nguyên thủ quốc gia cao tuổi nhất thế giới.

Trên thế giới chỉ có hai vị vua có thời gian trị vì lâu hơn bà. Vua Louis XIV của Pháp nắm quyền trong 72 năm, còn Vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan trị vì trong 70 năm 4 tháng, trước khi ông qua đời vào tháng 10/2016.

 Nữ hoàng Elizabeth II dự sự kiện bên ngoài Điện Buckingham ở London ngày 7/10/2021.
Nữ hoàng Elizabeth II dự sự kiện bên ngoài Điện Buckingham ở London ngày 7/10/2021. (Ảnh: Reuters).

Nữ hoàng Eliazbeth II còn giữ một kỷ lục khác về đi lại trên toàn cầu. Bà đã tới hơn 100 quốc gia trên thế giới kể từ năm 1952, cũng như thực hiện hơn 150 chuyến thăm đến các nước trong Khối Thịnh vượng chung.

Canada là điểm đến nhiều nhất trong sự nghiệp của Nữ hoàng, với 22 lần. Tại châu Âu, Pháp là quốc gia bà tới thăm nhiều nhất với 13 lần, đồng thời Nữ hoàng cũng thông thạo tiếng Pháp. Telegraph ước tính tổng chiều dài các chuyến đi của Nữ hoàng tương đương 42 lần vòng quanh thế giới.

Chuyến công du nước ngoài dài nhất của bà kéo dài 168 ngày từ tháng 11/1953 tới tháng 5/1954, tới tổng cộng 13 quốc gia. Đến tháng 11/2015, ở tuổi 89, bà mới dừng các chuyến công du nước ngoài.

Bà cũng được coi là một trong những người bận rộn nhất thế giới. Khi còn là công chúa 21 tuổi, bà đã cam kết cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp phục vụ Khối Thịnh vượng chung. Trên cương vị Nữ hoàng, bà đã thực hiện khoảng 21.000 cuộc gặp, thông qua 4.000 bộ luật và tiếp đón 112 chuyến thăm cấp nhà nước của các nguyên thủ nước ngoài.

Trong số những người bà từng tiếp đón có hoàng đế Haile Selassie của Ethiopia năm 1954, Nhật hoàng Hirohito năm 1971, tổng thống Ba Lan Lech Walesa năm 1991 và tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2011.

Cung điện Buckingham của bà đã tổ chức hơn 180 bữa tiệc, đón tiếp hơn 1,5 triệu người tham dự.

Trong lĩnh vực chính trị, bà cũng là người chứng kiến nhiều thay đổi nhất của chính phủ Anh, với 14 thủ tướng phục vụ dưới thời của bà. Người đầu tiên là thủ tướng Winston Churchill (từ năm 1952 đến 1955) và người gần đây nhất là Thủ tướng Boris Johnson, kể từ năm 2019.

Nữ hoàng cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp riêng với thủ tướng Anh tại Điện Buckingham hàng tuần.

Nữ hoàng Elizabeth II đã gặp 13 trong 14 tổng thống Mỹ gần đây nhất, ngoại trừ Lyndon B. Johnson. Lãnh đạo Nhà Trắng gần đây nhất mà bà tiếp đón là Tổng thống Joe Biden, người tới thăm năm 2021.

Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng thân Philip tại Hampshire năm 2007.
Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng thân Philip tại Hampshire năm 2007. (Ảnh: AFP).

Cuộc hôn nhân của bà kéo dài 73 năm, một kỷ lục đối với người đứng đầu hoàng gia Anh. Chồng bà là Hoàng thân Philip, người qua đời vào tháng 4 năm ngoái ở tuổi 99.

Năm 1996, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành người đầu tiên trong hoàng gia Anh tới thăm Trung Quốc. Bà cũng là người đầu tiên phát biểu tại Hạ viện Mỹ ở Washington.

Vương quốc Anh đang tổ chức Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì của bà, với các màn diễu hành hoành tráng và những bữa tiệc trên đường phố. Đây nhiều khả năng là Đại lễ Bạch kim đầu tiên và duy nhất của Anh, cũng có thể là lễ kỷ niệm lớn cuối cùng trong triều đại của Nữ hoàng.

Theo VN Express

Sức quyến rũ kỳ lạ của những thành phố đã mất trong huyền thoại

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,’Nụ cười Bayon’, có từ thế ký 12, vẫn tỏa sáng từ ngay giữa khu đền Angkor của Campuchia

Mặt trời chiều muộn phủ bóng dài trên hàng trăm mặt đá được khắc vào Đền Bayon khi tôi cố gắng đi sâu hơn vào thánh tích thế kỷ 12 ở ngay giữa khu đền Angkor trải rộng của Campuchia.

Những hình ảnh đê mê nổi lên từ những chiếc tháp và các bức tường, mỗi hình tượng có đôi môi đầy đặn uốn cong thành nụ cười nhức nhối.

‘THÀNH PHỐ TRONG MƠ’

Đó là ngày đầu tiên của tôi ở Angkor, và lúc đó tôi hầu như không biết gì về lịch sử của thành phố.

Nhưng bước lang thang từ đền này sau đền khác, tôi dễ dàng rơi vào cơn mơ màng giàu tưởng tượng.

Trong đầu tôi hình dung ra đông đảo tín đồ mang theo những lễ vật tươi sáng. Tiếng đục vang lên khi các nghệ nhân sáng tạo những kiệt tác tuyệt mỹ xung quanh tôi, trong khi các vị vua oai phong diễu hành qua những con đường rộng lớn trải dài với những bức tượng.

“Vì lý do tại sao một nơi nào đó không còn tồn tại, nó có thể được biến thành thành phố lý tưởng, thành phố trong mơ,” Aude de Tocqueville viết trong cuốn sách của bà hồi năm 2014 ‘Atlas các thành phố đã mất: Hướng dẫn du lịch đến các địa điểm bị bỏ hoang’. “Do đó, thành phố đã mất là thơ ca, thế giới mơ ước và là bối cảnh cho đam mê và bước đi lang thang của chúng tôi.”

Thật vậy, những nơi mất tích và bị bỏ hoang có sức hút mạnh mẽ đối với trí tưởng tượng. Chúng là chất gây nghiện cho những người đam mê xê dịch, khơi gợi một cảm giác phiêu lưu vốn nuôi dưỡng các cuộc thám hiểm vĩ đại và những câu chuyện to lớn.

Chúng ta thấy cuộc sống của mình phản ánh trên đá, hãy tưởng tượng những bộ phim ngôn tình mà chúng ta đã xem trong bối cảnh lãng mạn, đổ nát. Và nếu thảm họa treo lơ lửng trên nhiều thành phố mất tích, thậm chí thời gian trôi qua làm nó dịu đi.

“Trong có lẽ hàng ngàn năm, mọi người đã kể những câu chuyện phiêu lưu về những miền đất kịch tính ngoài biên giới chúng ta – những câu chuyện về nền văn minh cổ đại,” Annalee Newitz, tác giả của ‘Bốn thành phố đã mất: Lịch sử bí mật của Kỷ nguyên Đô thị’, nói.

Cuốn sách nhảy qua các lục địa và các thiên niên kỷ, trình bày về bốn địa điểm cổ xưa như những bài học đối tượng trong cuộc sống đô thị: Angkor của Campuchia; thành phố Cahokia người Mỹ bản địa; thành phố Pompei của La Mã; và Çatalhöyük thời Đồ Đá Mới ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

BIỆN MINH CHO CHỦ NGHĨA THỰC DÂN

Trong khi các mạch truyện về thành phố đã mất làm nên những câu chuyện du lịch cuốn hút, Newitz lập luận rằng chúng thường che khuất những câu chuyện thật sự đằng sau những nơi tráng lệ nhất của nhân loại.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Những cách diễn giải thời hiện đại thường che khuất đi những câu chuyện thực sự đằng sau các địa điểm huy hoàng nhất mà con người từng xây dựng được từ thời xa xưa

Điều đó đã xảy ra ở Angkor, nơi tôi dành những buổi chiều đầy nắng ở giữa đống đổ nát.

Newitz giải thích rằng thành phố này thực sự có người sinh sống khi nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot đặt chân đến vào năm 1860 – thực sự nó chưa bao giờ bị bỏ hoang phế hoàn toàn – nhưng du khách không thể tưởng tượng được tổ tiên của người Campuchia có khả năng tạo dựng công trình hùng vĩ như vậy.

“Ngay từ cái nhìn đầu tiên, người ta tràn đầy sự ngưỡng mộ sâu sắc, và không thể không hỏi điều gì đã tạo nên dân tộc hùng mạnh này, rất văn minh, rất khai sáng, tác giả của những công trình vĩ đại này?” Mouhot viết về khu thành quách trải rộng trong rừng này.

Ông suy đoán Angkor được người Hy Lạp hoặc Ai Cập cổ đại xây dựng. Tại Pháp, Newitz giải thích, chuyến thăm của ông được ca ngợi là ‘khám phá’.

“Những câu chuyện thành phố mất tích đã trở nên hết sức phổ biến trong thời hiện đại – bắt đầu từ thế kỷ 19 hoặc thế kỷ 18 – bởi vì chúng thật sự là cách tốt để che giấu chủ nghĩa thực dân.” Newitz nói. “Nó cho phép biện minh cho tất cả các cuộc xâm nhập thuộc địa. Họ sẽ nói rằng ‘đây không phải là nền văn minh tự thân nó phát huy được. Và bằng chứng chúng ta thấy từ đây là dân tộc này đã xa lìa một quá khứ vĩ đại, bí ẩn nào đó mà nay đã biến mất.”

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Sau khi núi lửa Mount Vesuvius phun trào, người dân Pompei đã tái thiết nơi ở mới tại địa điểm gần thành phố đã bị thiêu hủy

Tìm kiếm các thành phố và nền văn minh mất tích là nỗi ám ảnh đối với một số nhà thám hiểm và thực dân châu Âu.

Sự mê đắm của họ được thúc đẩy một phần bởi cuộc tìm kiếm thành phố đã mất nổi tiếng nhất trong lịch sử: quốc đảo Atlantis, lần đầu tiên xuất hiện trong ghi chép của Plato.

Atlantis hư cấu của ông đã có thời thịnh vượng trước khi sự suy đồi đạo đức khiến nó bị Thượng Đế trừng phạt.

Những người cùng thời của ông sẽ công nhận câu chuyện là một câu chuyện ngụ ngôn, nhà sử học cổ đại Greg Woolf, tác giả cuốn ‘Cuộc sống và Cái chết của Các thành phố Cổ xưa: Lịch sử Tự nhiên’, nói.

“Kề về một huyền thoại để minh họa sự thật to tát hơn là điều đã được hiểu rộng rãi,” Woolf nói. “Tôi không nghĩ có ai đó nghiêm túc tin rằng Atlantis có thật, nhưng đó là một huyền thoại tiện nghi.” Tuy nhiên, khi những trang viết của Plato về Atlantis được phát hành trong các bản dịch hiện đại, nó đã đến được với những độc giả cả tin hơn.

PHỦ NHẬN SỰ THẬT

“Mọi người đã đọc điều này cùng lúc với việc thành lập các thuộc địa ở Tân Thế giới,” nhà cổ điển học Edith Hall giải thích trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình History Extra Podcast của BBC.

Hiểu lầm tác phẩm của Plato, nhiều người đọc câu chuyện ngụ ngôn này theo nghĩa đen, Hall nói. “Nó đánh động tâm trí của họ. Mọi người đều nói Atlantis phải là ở Mỹ.”

Khi những người định cư châu u đó gặp các nền văn minh bản địa, Newitz viết, họ cố gắng để kết nối nó với một quá khứ bí ẩn, và thường bỏ qua những người dân rất thật vào thời đó.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Vào năm 1050 sau Công nguyên, người Mỹ bản địa đã xây dựng đô thị Cahokia, có diện tích lớn hơn Paris

Đó là những gì đã xảy ra ở Cahokia, một đô thị cổ nằm gần thành phố St Louis ngày nay của Mỹ.

Những gò đất cao ngất ở đó có thể sánh ngang với các kim tự tháp Ai Cập về chiều cao, và vào thời kỳ đỉnh cao của nó vào năm 1050 sau Công nguyên, thành phố Cahokia còn lớn hơn Paris. Những người mới đến từ châu u sẽ cảm thấy khó chấp nhận điều này.

“Du khách và nhà thám hiểm sẽ tự kể cho mình tất cả những câu chuyện điên rồ, giống như phải là những người Ai Cập cổ đại đã đến đây để xây dựng những thứ này,” Newitz cho biết.

Đó là huyền thoại để biện minh cho việc đánh cắp các vùng đất bản địa vốn được mô tả rộng rãi là ‘không có một bóng người’, họ giải thích.

Trong khi đó, cũng giống như ở Angkor, hậu duệ của những người đã xây nên Cahokia đã bị phủ nhận rằng họ không có khả năng xây những công trình như vậy.

KHỞI ĐẦU MỚI

Những câu chuyện về các thành phố đã mất cũng có thể che đậy những sự thật khác, Newitz viết, chẳng hạn như cách người cổ đại hồi sinh trở lại khi họ bỏ lại một nơi ở phía sau.

Thảm họa và sự sụp đổ thường được cho là sự chấm hết, nhưng ở Pompeii và Çatalhöyük, Newitz tìm thấy tia sáng của khởi đầu mới giữa những biến động xã hội.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Hơi nóng khủng khiếp từ núi lửa phụt ra đã biến Pompeii thành một khu nghĩa địa hồi năm 79 sau Công nguyên

Sau khi khí núi lửa quá nóng biến Pompeii thành nghĩa địa vào năm 79 sau Công nguyên, người Pompei đau thương ngay lập tức bắt đầu xây dựng lại cuộc sống mới ở Naples và Cumae gần đó.

Dẫn lại tác phẩm của nhà cổ điển học Steven Tuck, Newitz kể rằng nhiều người tị nạn mà các nhà sử học biết đến có tên gọi vốn đánh dấu họ là liberti, tức nô lệ được giải phóng.

Mặc các quy ước đặt tên La Mã thường bảo thủ, giữ một tên từ thế hệ này qua thế hệ khác, Tuck đã quan sát thấy một xu hướng thú vị trong các gia đình tị nạn Pompei. Bỏ đi tên cũ của họ, một số người đã chọn gọi tên con cái của họ theo những địa điểm mới mà họ đã đến, chẳng hạn như thị trấn cảng tấp nập Puteoli. Ở đó, một số gia đình mới đến đặt tên cho con trai của họ là Puteolanus.

Nó giống như chuyển đến London từ một trại tị nạn và gọi con bạn là ‘Londoner’ vậy, Tuck giải thích với tôi qua email. “Việc chuyển đi đã cho họ cơ hội này và họ đã nắm bắt.”

Và trong chính các thành phố đang suy tàn này, Newitz cho thấy những con người có quyền tự chủ sống động, không phải là người xưa bị trói buộc vào sự tùy tiện của lịch sử.

Đó là điều họ nhìn thấy trong tàn tích của Çatalhöyük, khu định cư thời đồ đá mới vốn cực thịnh vào 9.000 năm trước trên đồng bằng Konya ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Çatalhöyük là khu định cư Thời Đồ Đá Mới, rất thịnh vượng hồi 9.000 năm trước

Những ngôi nhà ở đó nằm sát rạt với nhau như các ô trong tổ ong, họ viết trong sách, với những lối đi hướng lên mái nhà và lối vào qua trần nhà.

Vào những buổi tối ấm áp, cư dân tụ tập trên mái nhà, cùng nhau nấu nướng và làm đồ thủ công. Nhưng bất chấp mọi chất men sáng tạo của cuộc sống thành phố, đó là sự đánh đổi. Theo thời gian, ở lại Çatalhöyük trở nên khó khăn hơn: khí hậu trở nên bất lợi hơn và căng thẳng xã hội tăng lên.

KÝ ỨC VẪN CÒN

Trong khi nhiều câu chuyện về thành phố mất tích nghe mơ hồ và huyền ảo, Newitz khắc họa việc từ bỏ những nơi như Çatalhöyük là kết quả của một quá trình có lý do chính đáng.

Theo thời gian, dân Çatalhöyük chỉ đơn giản là chọn quay trở lại những nơi thôn dã hơn, một quá trình quen thuộc với bất kỳ cư dân thành thị nào ngày nay, vốn kéo xuống một cách thèm thuồng danh sách rao bán nhà cửa gợi lên cuộc sống thôn dã.

“Chúng tôi sẽ đi tìm một nơi tốt hơn và thử lại, thử thí nghiệm mới, thử xây dựng khác đi, thử sống khác đi,” Newitz nói, gợi lại những cuộc nói chuyện có thể đã diễn ra xung quanh lò sưởi thời đồ đá mới. Các nhà rời đi từng nhà một, đến khi cuối cùng Çatalhöyük không còn ai.

Nhưng khi cư dân rời đi, mỗi người lấy đi những gì quan trọng nhất đối với họ. Nghệ thuật, ý tưởng và văn hóa vật chất tỏa ra khắp vùng đồng bằng Konya khi các gia đình xây dựng cuộc sống mới cách xa những khu dân cư đông đúc.

Mặc dù Cahokia và nhiều thành phố khác có thể bị bỏ hoang, nhưng theo nghĩa quan trọng, đối với chúng ta, chúng hoàn toàn không bị mất đi.

“Chúng ta vẫn còn tất cả những ký ức văn hóa về nhưng nơi chúng ta đã sống,” Newitz nói. “Đó là sự tiếp nối liên tục, xuyên suốt.”

  • Jen Rose Smith / BBC Travel

Nga bị phản kích ở miền nam Ukraine, Kiev đẩy nhanh nỗ lực gia nhập NATO

Bộ Chỉ huy chiến dịch miền nam Ukraine tuyên bố, các đơn vị của họ đang thực hiện “những vụ phản kích có hệ thống” vào quân Nga ở Kherson.

Trong tuyên bố ngày 3/6, Bộ Chỉ huy chiến dịch miền nam Ukraine cho biết thêm, Moscow đã sử dụng đường sắt để gửi thêm 27 xe chiến đấu bộ binh cho các lực lượng Nga đang tham chiến ở nước láng giềng và bốc dỡ chúng ở địa điểm cách Kherson khoảng 40km.

ban-do-chien-su-ukraine-hien-nay
Tình hình chiến sự Nga – Ukraine tính đến ngày 2/6. Vùng màu đỏ và sọc đỏ nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga hoặc các lực lượng ly khai Kiev thân Moscow. Vùng chấm xanh là nơi phía Ukraine tuyên bố đang phản kích quân Nga. Đồ họa: CNN

Nhà chức trách Ukraine nói, hai dân thường đã bị thương do “pháo kích dữ dội” của quân Nga ở Novovorontsovka, phía bắc Kherson.

Theo một báo cáo riêng rẽ từ chính quyền quân – dân sự Kherson, các lực lượng Nga “tiếp tục nỗ lực giữ vững vị trí” ở đây và không ngừng oanh tạc các khu vực giáp ranh với hai vùng Mykolaiv và Dnipropetrovsk lân cận.

Các cư dân ở Kherson và một số cộng đồng địa phương đang phải chống chịu trong tình trạng bị cắt đứt kết nối điện thoại và internet ngày thứ 4 liên tiếp. Hiện cũng có thông tin, các lực lượng Moscow ở Kherson đã thâu tóm dịch vụ hộ chiếu và đang cấp phát các hộ chiếu Nga cho cư dân tại đây.

Ở vùng Mykolaiv lân cận, Bộ Chỉ huy chiến dịch miền nam Ukraine thống kê, 2 người đã thiệt mạng và 2 người khác bị thương hôm 2/6 sau khi đạn pháo của Nga rơi trúng 2 tòa cao ốc và 4 ngôi nhà. Song, các nỗ lực của binh lính Nga nhằm tái chiếm những vị trí bị đánh bật quanh Mykolaiv đã không thành công, dù họ đã có 2 vụ không kích nhắm trúng các vị trí tập kết của các lực lượng Kiev.

Tại khu vực Kryvyi Rih, đông bắc Mykolaiv, binh lính Nga “đã tăng cường trinh sát đường không và cố gắng thực hiện các chiến dịch tấn công”, nhưng nỗ lực bị cản trở, buộc họ phải rút lui về vị trí cũ.

Nga kiểm soát hơn 90% tỉnh miền đông Ukraine

Trong bản cập nhật tình báo mới nhất, Bộ Quốc phòng Anh nói, Nga đang giành được thành công chiến thuật ở vùng Donbass, miền đông Ukraine và hiện nắm thế chủ động trước đối phương.

“Nga hiện kiểm soát hơn 90% Luhansk (một trong 2 tỉnh hợp thành vùng Donbass) và nhiều khả năng sẽ chiếm hoàn toàn khu vực này trong 2 tuần tới. Nga đã đạt được những thành công chiến thuật gần đây với tổn thất nguồn lực đáng kể và bằng cách tập trung lực lượng cũng như hỏa lực vào một phần của chiến dịch tổng thể. Nga đã không thể tạo ra tiến triển ở các mặt trận khác, tất cả đều đã chuyển sang thế phòng thủ”, trích đánh giá của tình báo quân sự Anh.

Xe tăng Nga tham chiến ở Ukraine. Ảnh: Reuters

So với kế hoạch ban đầu của Moscow, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng, phía Nga “chưa đạt được bất kỳ mục tiêu chiến lược nào”. Ngoài ra, để đạt được dạng thành công nào đó, “Nga sẽ phải tiếp tục đầu tư lớn về nhân lực và khí tài” cho cuộc chiến ở bên kia biên giới cũng như “có thể mất thêm rất nhiều thời gian nữa”.

Ukraine nỗ lực thúc đẩy quá trình xin gia nhập EU

Các quan chức Ukraine đang xúc tiến một nỗ lực ngoại giao phối hợp nhằm đưa nước này bắt đầu hành trình trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh một số nước Tây Âu không tán thành khả năng kết nạp nhanh chóng.

Dù nhiều lãnh đạo EU, bao gồm cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã lên tiếng ủng hộ Kiev, nhưng các quan chức ở Berlin, Paris và một số thủ đô nước thành viên khác của liên minh đang đặt câu hỏi về việc liệu có nên bắt đầu quy trình chính thức tiếp nhận Ukraine hay không, trước khi một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU vào cuối tháng này dự kiến ​​sẽ quyết định vấn đề.

“Sẽ rất khó để nói không, nhưng sẽ còn khó hơn để nói đồng ý”, một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên tiết lộ về các cuộc đàm phán. Quyết định rốt cuộc có thể phụ thuộc vào những cuộc thảo luận riêng giữa các nhà lãnh đạo châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh, trong đó quan điểm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz được tin giữ vai trò rất quan trọng.

Tuấn Anh / Vietnam.Net

Ukraine và bóng ma Quốc xã

Khi cả hai bên đều cáo buộc kẻ thù là hậu duệ của Hitler, thỏa hiệp dần trở thành điều không tưởng.

Đã không có chiến thắng nào để Vladimir Putin có thể ăn mừng trong Ngày Chiến thắng. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Nga đang sa lầy trong một cuộc chiến tàn khốc, bất phân thắng bại, và ngày càng nhục nhã.

Trước khi có bài phát biểu quan trọng tại Quảng trường Đỏ, kỷ niệm chiến thắng trong Thế chiến II, Tổng thống Nga có ba lựa chọn – nhưng không có lựa chọn nào trong số đó là tốt cả. Ông có thể bắt đầu xuống thang trong cuộc chiến ở Ukraine, điều có nghĩa là thừa nhận rằng Nga đã không đạt được hầu hết các mục tiêu của mình. Ông có thể cố gắng thúc đẩy tinh thần quân đội và quốc gia, nhưng không thông báo về một thay đổi lớn trong chính sách. Hoặc ông có thể leo thang, bằng lời nói hoặc hành động – chẳng hạn như tuyên bố lệnh động viên quân sự, hoặc ám chỉ việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Lần này, Putin đã chọn phương án thứ hai – và điều đó cho thấy ông đang bế tắc đến mức nào. Ông không tìm được con đường nhanh chóng dẫn đến chiến thắng. Nhưng thất bại là điều không thể chấp nhận được.

Bằng cách một lần nữa dán nhãn cho chính phủ Ukraine là “tân Quốc xã,” Putin đã đẩy mình vào một góc tối luận điệu. Rốt cuộc thì, làm sao người ta có thể thỏa hiệp với chủ nghĩa phát xít? Nhưng Putin không phải là nhà lãnh đạo duy nhất khẳng định rằng mình đang tái chiến đấu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong bài phát biểu ngày 09/05 của riêng mình, Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine, cũng cáo buộc Nga đã lặp lại “những tội ác khủng khiếp của chế độ Hitler.”

Thế chiến II cũng ảnh hưởng lớn đến cách mà Mỹ và các đồng minh NATO nghĩ về cuộc xung đột ở Ukraine. Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, vừa cáo buộc Nga “bắt chước chủ nghĩa phát xít” trong thập niên 1930.

Một gói viện trợ khổng lồ trị giá hàng tỷ đô la cho Ukraine, vừa được Quốc hội Mỹ thông qua, có tên gọi là “Đạo luật Vay-Thuê nhằm Bảo vệ Nền dân chủ Ukraine” (Ukraine Democracy Defense Lend-Lease Act). Chắc chắn họ đang cố ý nhắc lại Đạo luật Vay-Thuê (Lend-Lease Act) của Mỹ năm 1941 – trong đó Mỹ chuyển giao vũ khí cho Anh để chống lại Đức Quốc xã.

Có một mối nguy hiểm rõ ràng trong một tình huống mà cả hai bên đã tự thuyết phục – ở một mức độ nào đó – rằng họ đang chiến đấu chống lại kẻ thù Quốc xã. Nó khiến một thỏa hiệp hoặc dàn xếp hòa bình trở nên khó khăn hơn nhiều. Người ta đã không cho Hitler một “lối thoát.”

Thế chiến II kết thúc với việc xe tăng Nga tiến vào Berlin, và Hitler chết trong boongke của chính mình. Nhưng Đức Quốc xã không có vũ khí hạt nhân. Thật khó để hình dung một cuộc đua về đích trong thời đại hạt nhân – bởi “đích” đó có thể là Ngày Tận thế.

Sự thật là, đằng sau những luận điệu về Quốc xã ấy, có một số dấu hiệu cho thấy tất cả các bên đều đã chấp nhận rằng một “chiến thắng toàn diện” là điều không thể. Điện Kremlin đã điều chỉnh các mục tiêu chiến tranh của mình. Mục tiêu ban đầu là chiếm Kyiv và lật đổ chính phủ Ukraine đã bị hủy bỏ – hay chí ít là, bị trì hoãn vô thời hạn. Người Nga thậm chí còn đang phải chật vật để đạt được mục tiêu chiến tranh sửa đổi, là chiếm Donetsk và Luhansk.

Đối mặt với tình huống này, Putin cuối cùng có thể quyết định chấm dứt xung đột – sau khi giành được một số cam kết “phi phát xít hóa” ở Ukraine trên danh nghĩa, và đảm bảo về sự trung lập của nước này. Zelensky đã tỏ ý rằng ông sẽ chấp nhận trung lập, để đổi lấy một số đảm bảo an ninh của phương Tây.

Tuy nhiên, như các quan chức cấp cao ở Washington nhìn nhận, vấn đề trọng tâm hiện nay là lãnh thổ. Putin vẫn chưa thể chấp nhận một thỏa thuận hòa bình mà trong đó Nga hoàn toàn chẳng thu được gì – đổi lại cho việc hàng nghìn binh sĩ bị thương hoặc thiệt mạng. Nhưng Zelensky không thể chấp nhận một dàn xếp hòa bình yêu cầu Ukraine phải nhượng thêm lãnh thổ, ngoài Crimea.

Trong lúc người Nga gặp khó khăn, liên minh phương Tây đang ngày càng bị cám dỗ để triển khai các mục tiêu chiến tranh mở rộng hơn. Đường lối chính thức của Mỹ tuyên bố các mục tiêu của nước này vẫn giữ nguyên kể từ ngày 24/02, thời điểm Nga bắt đầu xâm lược. Mục tiêu chính là giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga và duy trì sự tồn tại của Ukraine như một quốc gia độc lập.

Tuy nhiên, cũng xuất hiện những tiếng nói có ảnh hưởng tại Washington, London, và các thủ đô khác, chẳng hạn như Warsaw, những người hiện đang nhìn thấy cơ hội “đẩy Nga ra khỏi chính trường thế giới”, như lời một cựu quan chức Mỹ. Suy nghĩ đó được phản ánh trong phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào tháng trước, rằng Mỹ hiện đang tìm cách “làm suy yếu” Nga vĩnh viễn.

Làm cho Nga suy yếu vĩnh viễn rõ ràng sẽ là một chiến thắng lớn về địa chính trị đối với phương Tây. Nó sẽ làm giảm mối đe dọa an ninh đối với châu Âu, diệt trừ đồng minh quan trọng nhất của Trung Quốc, và tăng mức độ khả tín cho lời khẳng định của Tổng thống Joe Biden, rằng “nước Mỹ đã trở lại”.

Nhưng việc công khai áp dụng một chính sách “nước Nga yếu” cũng chứa đựng những rủi ro đáng kể. Nó làm tăng nguy cơ leo thang – bao gồm cả leo thang hạt nhân. Nó cũng có thể xác thực câu chuyện của Điện Kremlin, rằng cuộc chiến được thúc đẩy bởi lòng thù hận của NATO chống lại Nga, chứ không phải mong muốn xâm lược của Nga đối với Ukraine, từ đó có thể làm suy yếu sự ủng hộ quốc tế đối với các nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Nga.

Nhận thức rõ tất cả những điều này, Nhà Trắng đang cố gắng để truyền tải đúng thông điệp (message discipline) trong liên minh phương Tây. Sử dụng những luận điệu mạnh mẽ hơn không chỉ dẫn đến nguy cơ leo thang trên chiến trường, mà còn khiến cho việc đạt được dàn xếp hòa bình trở nên khó hơn rất nhiều.

Thực ra, bất chấp tất cả những câu chuyện về chủ nghĩa Quốc xã và vay-thuê, ví dụ tương đồng nhất [đối với chiến tranh Ukraine] chính là cuộc chiến Afghanistan – trong suốt hơn một thập niên, Mỹ và các đồng minh đã hỗ trợ người Afghanistan chống lại quân đội Liên Xô chiếm đóng nước họ [trong những năm 1980]. Một số quan chức phương Tây thậm chí còn gợi lại Chiến tranh Chiến hào 1914-1918, khi hai phe đối đầu dọc theo một chiến tuyến dài trong suốt nhiều năm.

Một kết luận ảm đạm là hồi kết của cuộc chiến này vẫn đang còn ở rất xa.

Nguồn: Gideon Rachman, “Ukraine and the shadow of the Nazis,” Financial Times, 09/05/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng / Nghiên cứu Quốc tế