Nhà phố 2 tầng cây xanh phủ khắp nơi, nội thất xịn như siêu biệt thự triệu đô

Nhà phố 2 tầng diện tích 300m2 nằm ở Long Thành (Đồng Nai) có màu xanh phủ khắp nơi, cho không gian tươi mát, thiết kế nội thất xịn và đẳng cấp như các công trình triệu đô.

Ngôi nhà 300m2 này ở Long Thành được thiết kế dựa trên nền tảng của tình yêu. Tình yêu thương của người mẹ dành cho con mình, luôn yêu chiều theo những mong muốn của con: Được sống trong một ngôi nhà không cần quá rộng rãi nhưng đủ ấm áp. 

Kiến trúc sư đã dồn hết tâm huyết của mình vào thiết kế tổ ấm này, những đường cong sử dụng rất nhiều trong sản phẩm. 

Bên cạnh đó, việc sử dụng tông màu trắng kết hợp với màu nâu gỗ trung hòa giữa những gam màu lạnh và ấm, tạo cảm giác vừa hiện đại, vừa ấm cúng cho căn nhà.

Kiến trúc sư thiết kế không gian mở giữa các khu vực trong nhà để tạo sự kết nối, bên cạnh đó là việc sử dụng những mảng xanh để tạo điểm nhấn. Chính điều này đã giúp ngôi nhà vừa có sự thẩm mỹ vừa có tính hòa hợp với thiên nhiên.

Mặt tiền gây cháng ngợp, ngoài sân vườn phía trước là nơi đậu xe, kiến trúc sư chừa một khoảng bên cạnh nhà làm nơi lấy gió trời, tạo mặt thoáng cho không gian bên trong. 
“Trong các thiết kế nhà, tôi không thích quá tham chi tiết, tham diện ích làm không gian ở mà luôn chừa ra những khoảng không cần thiết, cho nhà đẹp có sức sống, gần gũi thiên nhiên. Những kiểu kiến trúc cũ, nhà hộp tù túng, bí bách sẽ khiến các thành viên cảm thấy ngột ngạt, dù nhà rộng, nhiều phòng ốc”, kiến trúc sư Đỗ Nguyễn Anh Quý bày tỏ. 

Giếng trời đối lưu gió cho phòng khách và dùng làm tiểu cảnh đẹp mắt, khi cần vẫn có thể tránh được mưa, nắng. 

Một ngôi nhà đẹp không chỉ đáp ứng nhu cầu sống, còn là nơi tạo ra sự thư thái, cân bằng tinh thần cho gia chủ, đảm bảo yếu tố phong thủy qua cây xanh, gió trời, thiết kế khoa học…

Khu vực phòng ngủ 5 sao, sử dụng giường nỉ nhung êm ái và màu sắc xám nhạt cá tính. 

Sàn gỗ xương cá và cửa dùng tông đậm, nổi bật trên nền sơn trắng sáng. 

Phòng ngủ và phòng khách đều có tủ kệ kính trưng bày mỹ phẩm và đồ lưu niệm sang trọng. 

Các góc ngồi chơi từ trong nhà ra ngoài ban công, mang đến cảm giác thú vị mỗi ngày.

Phòng thờ mang nét hoài cổ, kê thêm bộ bàn gỗ nâu mộc mạc. 

Nội thất đẹp mê mẩn, mở ra cuộc sống bình yên, lưu giữ nhiều kỷ niệm cho mọi người. 

Khu bếp khiến chị em phụ nữ thích thú. 

“Yếu tố nghỉ dưỡng, hưởng thụ cuộc sống đan cài với yếu tố sinh hoạt thường nhật trong một ngôi nhà đẹp sẽ tạo cảm ứng cho từng thành viên, để mỗi khi trải qua những vấp váp hay có niềm vui, mọi người đều muốn trở về, cùng san sẻ với nhau”.

Quỳnh Nga / Vietnam Express

Điều chưa kể của các nhạc sĩ VNCH, sau ngày 30 tháng Tư ấy

Các nữ ca sỹ miền Nam xưa

Tháng Tư 1975 là cột mốc thay đổi rất nhiều thứ của người miền Nam Việt Nam. Đối với giới âm nhạc, đó cũng là một giai đoạn đầy biến động nhưng ít được ghi lại. Những biến động đó bao gồm ly tán, tuyệt vọng, cái chết và sự nhọc nhằn của kiếp người từ một chế độ này, bước sang một chế độ khác.

Rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ của miền Nam đã tìm đường di tản, vượt biên… với hy vọng rằng rồi mình sẽ lại được sống với nghiệp dĩ của mình ở đâu đó. Thật buồn, không phải ai ra đi cũng đã toại nguyện. Nhưng với nhiều người ở lại, cuộc đời đầy những bất ngờ sau đó, có thể còn buồn bã hơn nhiều.

Một trong những nhạc sĩ ở lại trong nước sau 1975 là nhạc sĩ Hoài Linh. Ông là tác giả của vô số những bài bolero có lời lẽ đẹp và sâu sắc như Sầu tím thiệp hồng, Căn nhà màu tím, Xin tròn tuổi loạn… Vốn là Trung uý ở Nha Cảnh sát quốc gia, nhạc sĩ Hoài Linh cũng mang nhiều nỗi lo về chuyện chế độ mới sẽ thanh trừng mình. Ngay trong những ngày di tản, ông đã dự định cùng gia đình đưa nhau xuống tàu, thế nhưng quá tiếc nuối căn nhà kỷ niệm ở đường Trương Minh Giảng, nơi ông dành dụm qua nhiều năm mới có được, nên rồi ở lại.

Ngày thường, nhạc sĩ Hoài Linh sống rất khiêm tốn và nhã nhặn với mọi người, ít phô trương. Chính vì vậy mà trong hẻm nhà, nên ai cũng thương mến. Khi những nhóm công an đầu tiên vào Sài Gòn đi điều tra nhân thân của ông Hoài Linh, hàng xóm luôn nói đỡ cho ông, không ai khai chuyện ông là Trung uý Cảnh sát. Chính vì vậy mà ông Hoài Linh tránh được chuyện đi tù (hay nói theo kiểu Nhà nước Việt Nam là đi học tập cải tạo).

Nhưng đời cái may có cái rủi, khi những người bạn của mình sau khi tù cải tạo được ra đi với chương trình H.O, thì nhạc sĩ Hoài Linh có lúc cũng thấy tiếc – không phải cho mình, mà là cho con cái của mình.

Vốn là một nhạc sĩ thành danh, được trọng vọng, cũng như đang sung sức làm việc, bất ngờ bị đảo lộn mọi thứ, nhạc sĩ Hoài Linh mang một tâm trạng bất đắc chí cho đến tận lúc qua đời. Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoài Linh dành trọn tâm huyết của mình cho việc viết Thánh nhạc, phục vụ cho nhà thờ. Gia đình cho biết ông cũng từ bỏ ý định vượt biên khi thấy số người tuyệt mạng trên biển quá nhiều. Đó là giai đoạn khó khăn, khi việc gom bắt đi tù cải tạo đã qua, nhưng công an phát hiện đã bỏ sót thành phần “cộm cán” của chế độ nên ông cũng cảm thấy bất an, tù túng, nên đôi lần nghĩ đến chuyện vượt biên.

Gia đình của ông kể, một lần đón các em nhỏ đến nhà tập hát Thánh ca cho nhà thờ, nhạc sĩ Hoài Linh bị công an khu vực đến yêu cầu chấm dứt “tụ tập đông người”, ông buồn bực vô cùng nhưng cũng phải đành làm theo. Từ đó, ông hiểu mọi hoạt động của mình đều rơi là tầm ngắm theo dõi nên trở nên trầm uất. Đầu năm 1995, ông trở bệnh nặng. Thật là ngẫu nhiên nhưng cũng đầy ý nghĩa, ngày 30 Tháng Tư 1995, nhạc sĩ Hoài Linh lìa đời, để lại một sự thương tiếc cho nhiều người miền Nam. Dĩ nhiên, báo chí của chế độ mới không hề đưa một dòng tin nào.

Do không đi học tập, nên nhạc sĩ Hoài Linh bị nhiều người đồn đãi rằng có thể ông là Việt cộng nằm vùng, thế nhưng khi còn sống, nhạc sĩ Hoài Linh không bao giờ buồn đính chính. Một trường hợp khác tương tự là nhạc sĩ Anh Việt Thu. Dù nhạc sĩ Anh Việt Thu mất năm 1975, nhưng ông vẫn bị mang tiếng là Việt cộng nằm vùng do có một người em đi tập kết theo cộng sản ở miền Bắc, cũng như có bạn là nhà thơ Thiên Hà, là Việt cộng. Nhưng giờ thì điều đó có thể lý giải được: Sau năm 1975, rất nhiều bài hát của nhạc sĩ Anh Việt Thu cũng đã không được phép lưu hành. Thậm chí báo chí nhà nước cũng không có lần nào nhắc đến tên ông.

Tâm trạng trầm uất và chỉ cầu mong sống để làm việc, lo cho gia đình là khuynh hướng chung của rất nhiều nhạc sĩ miền Nam đã sống trong chế độ VNCH. Nhạc sĩ Thanh Sơn, Mặc Thế Nhân, Hoàng Trang… tìm cách quy ẩn. Còn những nhạc sĩ như Lê Hựu Hà, Y Vân… thì được tuyển dụng làm cho các đoàn ca nhạc mới. Dầu có miễn cưỡng nhưng đó lại là sinh lộ cuối cùng nên các ông đành nương theo mà sống.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Y Vân cũng rất buồn bã sau ngày 30 Tháng Tư, nhất là khi một người bạn thân đi vượt biển mất tích, về sau được tin là chết trên biển. Ông tâm sự với vợ con rằng giờ chỉ còn biết làm để gia đình không lâm vào cảnh đói khổ mà thôi. Và có lẽ cũng do làm việc lao lực ngày đêm, năm 1992, nhạc sĩ Y Vân qua đời. Suốt thời gian sau năm 1975, nhạc sĩ Y Vân sống bằng nghề chỉ huy ban nhạc và hòa âm cho các chương trình biểu diễn để kiếm sống.

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà cũng không khác gì. Những năm ông đi trình diễn trên sân khấu, rất nhiều khán giả gửi giấy lên yêu cầu các bài hát thời ban nhạc Phượng Hoàng của ông. Thế nhưng Lê Hựu Hà đành từ chối khéo, sau đó quay vào trong với ánh mắt buồn thăm thẳm: Nhiều bài hát của ông cho đến năm 2003, tức năm ông qua đời, vẫn chưa được những người Cộng sản cho phép lưu hành trở lại.

Những lúc không đi diễn, cậu ấm của nhóm Phượng Hoàng xưa tập tành buôn bán, rồi mở một cửa hàng cho thuê băng video phim lậu ở trên đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), Quận 3. Khách đến thuê băng, khi chưa biết đó là nhạc sĩ Lê Hựu Hà, đều lấy làm thú vị với một người cho mướn băng đĩa, mà lại rất uyên bác và lịch sự.

Nhiều nhạc sĩ không thích nghi được đời sống của chế độ mới nên cũng qua đời trong nghèo khổ như nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, Trúc Phương, Thanh Bình, Châu Kỳ… Nhiều năm bị bạc đãi ở các phòng văn hoá kiểm duyệt theo chính sách thanh lọc văn hoá của chế độ cũ, hầu hết những nhạc sĩ của miền Nam Việt Nam còn bị báo chí Nhà nước ghẻ lạnh vì tuân theo các chính sách tuyên truyền của ban Tuyên giáo.

Khá nhiều nhạc sĩ trước 30 Tháng Tư là sĩ quan phòng tâm lý chiến, là quân nhân VNCH, nên chuyện đi tù cải tạo và bị đày ải là điều dễ hiểu. Những ngày tháng trong trại tù cải tạo Hà Tây, nhạc sĩ V.T.A cũng là một nạn nhân vì đói, vì bị hành hạ nên đã khuất phục, trở thành tai mắt của cán bộ quản giáo và bị anh em trong trại tức giận.

Mãi sau do quá ăn năn, ông đã xin được rửa tội đi tu theo đạo Công giáo ngay trong trại tù. Đó là lý do mà nhiều năm sau khi xuất cảnh sang Mỹ, nhạc sĩ V.T.A mới quay lại với âm nhạc. Có người nói rằng ông dùng bài hát nói về cuộc đời như đá vàng trải qua và thấu hiểu, như một lời tâm tình đầy đau đớn cho cuộc sống mà ông đã có.

Nói về kết thúc trong trại tù, không thể không kể đến nhạc sĩ Minh Kỳ. Vốn là Đại uý Cảnh sát, nhạc sĩ Minh Kỳ cũng bị dồn vào trại cải tạo ở Biên Hoà. Theo lời những người ở cùng trại kể lại, bốn tháng sau ngày 30 Tháng Tư, khi đang ngồi ăn trong trại, cả nhóm sĩ quan của ông bị ai đó ném lựu đạn vào giữa, khiến thương vong mười mấy người. Nhạc sĩ Minh Kỳ hấp hối, đẫm máu, chỉ có lời với anh em trong trại là nhắn giùm với gia đình rằng ông đã chết, rồi sau đó xuôi tay. Không rõ mộ của ông sau này có cải táng hay không, vì khi chôn cất sơ sài, cán bộ quản giáo chỉ để bảng ghi tên người chết là Vĩnh Mỹ, tức tên thật của ông, chứ không hề biết đó là một nhạc sĩ tài hoa hàng đầu của dòng bolero nước Việt.

30 Tháng Tư 1975 là một cột mốc của nhiều điều mà có lẽ nhiều thập niên nữa người Việt mới biết tường tận sự thật. Và có lẽ cũng nhiều năm nữa, những trang sử nhạc còn phải ghi chú thêm những điều chưa kể hết, mà vốn nỗi muộn phiền gần nửa thế kỷ vẫn phủ tối cả quê hương.

Y Nguyên / (Nguồn : saigonnhonews.com)

Quốc ngữ và nỗ lực ‘thoát Hán’ của các vua nhà Nguyễn

Vua Thành Thái
Chụp lại hình ảnh,Tranh trên trang Le Petit Journal vẽ Vua Thành Thái (mặc hoàng bào) và Toàn quyền Paul Doumer duyệt binh ở Hà Nội năm 1902.

Trên Diễn đàn BBC nhà báo Nguyễn Giang đưa ra một cách nhìn khá mới lạ để ghi công và đánh giá những nhân vật lịch sử đã đóng góp cho việc truyền bá chữ Quốc ngữ.

“Các vị truyền giáo có công tạo ra bộ mẫu chữ, nhưng việc này không có gì quá độc đáo hay quá khó khăn và giả sử nếu không có họ thì việc đó cũng có thể làm được sau này.”

Ý kiến cũng nói rằng Trung Hoa, Thái Lan, Ấn Độ, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác đều đã có những văn tự bằng tiếng La Tinh nhưng chưa bao giờ trở thành chữ quốc ngữ của họ.

Cũng theo nhà báo Nguyễn Giang, Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ xóa hàng rào cản tâm lý quá lạc hậu để giới sỹ phu yên tâm dùng chữ Quốc ngữ.

Và rằng chính nỗ lực tiên phong quảng bá quốc ngữ là của trí thức miền Nam và nhờ chính sách tiến bộ, khoa học của chính quyền Pháp tại Đông Dương tạo đà cho chữ Quốc ngữ lan tỏa.

Nhưng tôi nghĩ cũng lạ tại sao ba nước Việt, Miên và Lào có chung hoàn cảnh, đều là thuộc địa của Pháp mà Miên và Lào lại không sử dụng La Tinh làm chữ quốc ngữ.

Ở đây cần xem cả đến công lao các vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, dù họ không thực sự nắm quyền thời Pháp thuộc.

Sắc lệnh của Vua Thành Thái

Theo sử gia Liam Kelley (2016) vào đầu thế kỷ XX cả người Pháp lẫn những nhà cách mạng đều không đủ quyền lực để chữ Quốc ngữ có thể lan ra sâu rộng xuống đến tận làng quê.

Qua nghiên cứu những nguồn tài liệu trong giai đoạn này, sử gia Liam Kelley kết luận chính nhà Nguyễn mới đi đầu trong công cuộc cải cách giáo dục.

Trong bài “Emperor Thành Thái’s Educational Revolution”, Liam Kelley (2016) đã công bố sắc lệnh của vua Thành Thái được lưu trữ trong Đại Nam Hội Điển Sử Lệ Tục Biên.

Bài viết được Nguyễn Hồng Phúc lược dịch có đoạn như sau:

“Hoàng đế Thành Thái đã tuyên bố trong một sắc lệnh rằng vào năm trị vì thứ 18 của ông (năm 1906), cha mẹ có thể quyết định việc cho con theo học một trường ấu học Hán văn hoặc một chương trình giảng dạy Nam âm (Quốc ngữ).

Với những người học theo chương trình Hán văn, sẽ có một cuốn sách giáo khoa được soạn ra nhằm giới thiệu những từ chữ Hán theo cấp độ khó dần. Nó cũng bao gồm một danh mục các Hán tự kèm theo phiên âm và định nghĩa bằng quốc ngữ được dùng trong tài liệu.

Trường thi
Chụp lại hình ảnh,Tranh vẽ trường thi Hán học ở Bắc Kỳ – hình của Chris Hellier/Corbis

…Trong khi, một cuốn sách giáo khoa bằng quốc ngữ khác sẽ được soạn ra để dạy những người theo chương trình học ‘Nam âm’ nhằm giới thiệu cho họ những thông tin cơ bản về xứ Đông Dương, thiết chế cai trị của nó, những phong tục tập quán…

Thêm vào đó, cũng có thêm một cuốn sách nữa được dịch từ Hán văn sang Nam âm nhằm cung cấp những loại thông tin mà học viên đang luyện thi khoa cử cần biết. Bản dịch này được soạn ra cho những người không muốn thi khoa cử, nhưng nó vẫn được đưa vào chương trình để cho họ biết thêm về những gì mà những người đang luyện thi khoa cử phải học…”

Sắc lệnh này vô cùng quan trọng vì khi nhà vua ra lệnh sử dụng chữ Quốc ngữ là nhà vua đã công khai ý định muốn thấy tầng lớp quan lại và sỹ phu phải thoát khỏi ảnh hưởng Trung Hoa trong giáo dục, văn hóa, và nhất là tư tưởng.

Vừa thoát Trung vừa chống Pháp

Xin nhắc lại về cuộc đời vị vua trẻ tuổi.

Sinh năm 1879, vua Thành Thái lên ngôi năm 1889, khi mới 10 tuổi, và đến năm 1907 bị Pháp ép thoái vị.

Ngài bị quản thúc ở Vũng Tàu rồi đến năm 1916 bị đày sang đảo Réunion.

Vua là người cầu tiến, học tiếng Pháp, có hiểu biết khá toàn diện, cắt tóc ngắn, mặc Âu phục, phong cách của người theo tân học.

Vua thường xuyên tiếp xúc với sỹ phu và dân chúng, đồng thời trọng dụng nhiều nhân tài, thanh liêm, đức độ với hy vọng khôi phục và canh tân đất nước.

Sắc lệnh cho dạy Quốc ngữ chính là văn bản ủng hộ Phong Trào Duy Tân (1906) và Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) thúc đẩy việc theo tân học và dùng chữ quốc ngữ.

Cắt tóc ngắn trở thành một dấu hiệu của người theo tân học.

Nhiều thanh niên lúc ấy sắm cho mình một cái kéo, đi tuyên truyền, vận động cắt tóc và vận động canh tân.

Đến khi Vua bị người Pháp ép thoái vị năm 1907 hình ảnh một vị vua yêu nước, chống Pháp, cắt tóc ngắn nhanh chóng lan tỏa xuống đến tầng lớp nông dân.

Tháng 3 năm 1908, bắt đầu từ tỉnh Quảng Nam, nông dân đầu cắt tóc ngắn lũ lượt kéo đến các phủ huyện đòi giảm sưu giảm thuế.

Tất cả đều hớt tóc ngắn đi thành đoàn, phong trào mở rộng vào Nam đến Bình Định, Phú Yên và ra Bắc đến Nghệ An, Hà Tĩnh.

Pháp và triều Nguyễn gọi cuộc biến động này là Giặc cắt tóc, ở Bình Định gọi là Giặc đồng bào, sau được đổi lại là cuộc Dân biến Trung kỳ.

Đây là cuộc đấu tranh bất bạo động đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và đoàn biểu tình lấy biểu tượng là Vua Thành Thái một vị vua yêu nước, theo tân học nhưng chống Pháp.

Như vậy ngay từ đầu thế kỷ thứ 20, người Việt đã công khai thực hành phương pháp đấu tranh bất bạo động với biểu tượng vua Thành Thái, có tổ chức, có chiến thuật, có mục tiêu và có chiến lược một cách rất rõ ràng.

Cuộc đấu tranh bất bạo động bị Pháp đàn áp dã man. Nhiều người tổ chức và tham dự bị bắt, phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục bị dập tắt.

Các vị vua tiếp tục cải cách
Vua Khải Định năm 1922
Chụp lại hình ảnh,Hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn, Khải Định trong cuốn ‘The Peoples of All Nations, Their Life Today and the Story of Their Past, tập I’ do JA Hammerton biên soạn và xuất bản ở London năm 1922

Năm 1907 vua Duy Tân tiếp nối việc cải cách giáo dục bằng cách cho thành lập Bộ Học nhằm cai quản việc học hành và thi cử.

Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục là một nhà giáo dục cổ vũ thực học, thực tài, bỏ đi kiểu học từ chương, xa rời thực tế và chủ trương phát triển nền giáo dục “không học vì bằng cấp” mà phải học lấy thực tài để ra giúp dân, giúp nước.

Đáng tiếc ông lại hết sức bài bác chữ Quốc ngữ, nhưng không phải vì thế mà chữ Quốc ngữ bị đưa ra khỏi nền giáo dục.

Theo Trần Gia Phụng từ năm 1909, chương trình thi Hương bắt buộc thí sinh phải làm các đề thi luận văn bằng cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ.

Ngày 26 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ (tức ngày 28/12/1918) vua Khải Định ra đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử kiểu Hán học.

Năm 1919 là năm cuối mở khoa thi Hương ở Huế, từ đó chữ Quốc ngữ thành chữ viết chính thức của người Việt Nam.

Vai trò của các ông giáo trường làng

Bên cạnh các trường công do triều đình và người Pháp lập ra là một hệ thống trường tư do các thầy đồ sau chuyển thành thầy giáo làng giảng dạy.

Mỗi làng có khi lên đến vài ba trường, hoặc dạy ở nhà thầy, hoặc ở nhà người giàu có nuôi thầy cho con ăn học và cho con các nhà lân cận trong làng theo học.

Thầy đồ đa số là những người có học, có người đỗ tú tài, có người là quan hồi hưu mở lớp dạy học.

Thầy đồ hoàn toàn tự do không chịu sự giám sát của triều đình.

Mặc dầu được tự do mở lớp giảng dạy giới thầy đồ vẫn giữ lòng trung với các vua nhà Nguyễn và với sách Thánh hiền.

Các thầy đồ quyết liệt chống lại các chính sách giáo dục của nhà cầm quyền Pháp với quan niệm chữ Quốc ngữ là sản phẩm của ngoại bang và là công cụ của các nhà truyền giáo.

Với họ, chữ Hán giáo dục về luân lí, về lịch sử, là chữ Thánh hiền còn Quốc ngữ chỉ để đọc báo, đọc Kinh Thánh, những sản phẩm của quân xâm lược, biết đọc chẳng ích lợi gì.

Nhưng khi sắc lệnh cho dạy Quốc ngữ của vua Thành Thái được ban ra thì chính các thầy đồ đã thay đổi đã tự học chữ Quốc ngữ để truyền dạy lại cho học sinh.

Ba lớp Đồng ấu học trước khi học sinh vào tiểu học đều do các thầy giáo trường làng dạy hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ.

Vua Khải Định năm 1922
Chụp lại hình ảnh,Triều đình Huế đã có nhiều nỗ lực tự cải cách để hiện đại hóa quốc gia dù không có quyền lực chính trị

Nhờ thế chữ Quốc ngữ trở thành phổ thông đại chúng.

Những bộ sách giáo khoa như Sử ký địa dư giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, Quốc văn giáo khoa thư, được học giả Trần Trọng Kim và các cộng sự biên soạn để dạy lớp ấu học trường làng.

Bộ sách giáo khoa ‘Việt Nam Sử lược’ được học giả Trần Trọng Kim soạn để dạy các lớp cao hơn và đã hoàn toàn chỉ cho những người đã biết Quốc ngữ.

Lên lớp nhì và lớp nhất ở trường chính phủ, mỗi tuần chỉ dạy chữ quốc ngữ một giờ rưỡi và bậc trung học chỉ dạy ba giờ.

Thời gian còn lại học sinh được dạy bằng tiếng Pháp và hầu hết do người Pháp dạy.

Từ đó ta thấy căn bản tiếng Việt, sử địa, luân lý, văn hóa về Việt Nam của học sinh hầu như đều thu nhận được từ các thầy giáo trường làng.

Vua Bảo Đại là người Tây Học

Tốt nghiệp trường Khoa học Chính trị Paris về nước, vua Bảo Đại bắt tay ngay vào việc cải cách đất nước, mong từng bước khôi phục lại chủ quyền quốc gia.

Ngày 10/12 năm 1932, vua Bảo Đại cho công bố đạo dụ nước ta theo chế độ Quân chủ Lập hiến, nhà vua sẽ trực tiếp điều khiển nội các và cho cải cách hành chính, giáo dục và tư pháp.

Một nội các mới đã được thành lập gồm những người trẻ theo tân học như Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Đệ…

Bảo Đại
Chụp lại hình ảnh,Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy khi học ở Pháp. Sau ông lên ngôi lấy hiệu là Bảo Đại và là Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn

Bộ Học được đổi tên thành Bộ Giáo dục và giao cho Phạm Quỳnh từng là chủ nhiệm báo Nam Phong một người luôn tha thiết với chữ Quốc ngữ điều hành.

Các cuộc cải cách của vua Bảo Đại đều bị người Pháp cản trở, riêng cải cách về giáo dục nhờ Phạm Quỳnh được người Pháp tin nên ít bị cản trở.

Chữ Quốc ngữ được tăng giờ dạy ở các trường công.

Nhờ thế sau khi Nhật đảo chánh Pháp, trao trả độc lập cho Việt Nam, chỉ trong vòng 5 tháng chính phủ Trần Trọng Kim đã thực hiện thành công cuộc cải cách lấy chữ Quốc ngữ làm ngôn ngữ chính trong giáo dục.

Bộ trưởng Giáo dục Hoàng Xuân Hãn có công lao lớn khi soạn cả sách toán và kỹ thuật bằng tiếng Việt Quốc ngữ để dạy ngay trong niên học 1945-46 tại miền Bắc và miền Trung.

Từ 1948 đến 1955, chính phủ Quốc gia Việt Nam tiếp tục lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ giảng dạy đến hết bậc trung học.

Bắt đầu từ chuyển biến tư tưởng thời Thành Thái

Học tiếng Pháp, theo tân học thoát khỏi tư tưởng Trung Hoa nên vua Thành Thái đã hiểu rõ những khái niệm về tự do, dân chủ, quốc gia, dân tộc, quân chủ, cộng hòa… hiểu từ sách Pháp không phải từ sách Trung Hoa.

Thay đổi quan trọng nhất của nhà vua là về mặt tư tưởng, về ý thức đất nước không còn của nhà vua nữa mà là của quốc gia của dân tộc.

Quốc gia là một thực thể độc lập có chủ quyền thoát khỏi tư tưởng thuộc địa hay chư hầu Trung Hoa.

Khái niệm ‘quốc gia’ bắt đầu được sử dụng đối nghịch với ‘thuộc địa’, ‘chư hầu’.

Mặc dù không có quyền lực trong tay các vua triều Nguyễn đã thực hiện thành công cải cách từ giáo dục, văn hóa, đến chính trị đưa đất nước thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa.

Bài học các vua triều Nguyễn đã thực hiện là nếu muốn cải cách giáo dục phải bắt đầu bằng thay đổi tư tưởng cho chính mình.

Vì thế, theo tôi, nhu cầu thiết yếu của đất nước ngày nay không phải là cải cách tủn mủn về phát âm, ký tự Quốc ngữ mà phải vừa thoát khỏi một ý thức hệ duy nhất, vừa thoát Trung để khôi phục các nền tảng cơ bản cho Việt Nam.

  • Nguyễn Quang Duy / Gửi tới Diễn đàn BBC từ Melbourne, Úc

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy, Melbourne, Australia.

Nước Nga thay đổi ra sao sau 3 tháng chiến sự với Ukraine?

Khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhiều người Nga cảm thấy xung đột dường như ở rất xa lãnh thổ.

Nhưng chỉ sau đó vài ngày, “chiến sự” bắt đầu gõ cửa nước Nga, không phải bằng đạn cối hay tên lửa hành trình, mà bằng các lệnh trừng phạt chưa từng có mà phương Tây giáng xuống nước này.

Nhiều doanh nghiệp tháo chạy

Một trung tâm thương mại ở Moscow (Nga) trở nên vắng vẻ sau khi nhiều nhãn hàng phương Tây ngừng hoạt động. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, 3 tháng kể từ ngày xung đột với Ukraine bùng phát, nhiều người dân Nga đang phải vật lộn với những khó khăn về kinh tế. Các trung tâm mua sắm rộng lớn ở thủ đô Moscow trở nên vắng vẻ, với hàng loạt cửa hiệu, nhà hàng phương Tây ngừng hoạt động.

Thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng McDonald’s, từng là một hiện tượng văn hóa tại Nga khi mở cửa hàng đầu tiên vào năm 1990, giờ đây đã hoàn toàn rút khỏi quốc gia này để phản ứng với chiến dịch quân sự ở Ukraine

Hãng nội thất IKEA – hình ảnh thu nhỏ của các tiện nghi hiện đại với giá phải chăng, cũng đã đình chỉ hoạt động ở Nga, kéo theo hàng chục công ăn việc làm “bốc hơi” chỉ trong thời gian ngắn.

Nhiều công ty công nghiệp lớn khác từ phương Tây, gồm các “gã khồng lồ” dầu khí như BP, Shell, hay nhà sản xuất ô tô Renault của Pháp, đều quyết tâm “dứt áo ra đi”, bất chấp phải gánh chịu nhiều thiệt hại do đã đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Nga.

Cửa hàng McDonald’s tại Moscow (Nga) đã ngừng hoạt động. Ảnh: AP

Còn với người dân Nga, việc di chuyển ra nước ngoài giờ đây trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước, khi 27 quốc gia của Liên minh châu Âu (EU), cùng với Mỹ, Anh và Canada đều cấm hoàn toàn các chuyến bay đến và đi từ Nga. Thủ đô Tallinn của Estonia, vốn chỉ mất 1 tiếng rưỡi đi máy bay từ Moscow, đột nhiên bị kéo dài tới ít nhất 12 giờ và phải trải qua một chặng quá cảnh ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Ngay cả việc “du lịch” gián tiếp qua Internet và mạng xã hội ở Nga cũng là một thách thức, khi Chính phủ Moscow hồi tháng 3 đã cấm truy cập Facebook và Instagram, đồng thời chặn quyền truy cập vào các trang web truyền thông nước ngoài.

Hậu quả chưa bộc lộ hết

Trong những ngày đầu khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, đồng Rúp chỉ mất một nửa giá trị, thậm chí đã tăng lên mức cao hơn cả trước thời điểm 24/2 nhờ những nỗ lực của Chính phủ Nga.

Nhưng theo Chris Weafer – một nhà phân tích kinh tế Nga kỳ cựu tại công ty tư vấn chiến lược kinh doanh Macro-Advisory, xét về mặt kinh tế, thì “đó là một câu chuyện hoàn toàn khác”.

“Chúng tôi nhận thấy sự suy thoái của nền kinh tế Nga hiện nay trên một loạt lĩnh vực. Các công ty nước này đang cảnh báo rằng họ sắp hết phụ tùng thay thế còn tồn kho. Nhiều công ty chỉ cho phép người lao động làm việc bán thời gian, trong khi những công ty khác có nguy cơ bị đóng cửa hoàn toàn”, ông Weafer nói với AP. “Vì vậy, thật sự có một nỗi lo sợ rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Nga sẽ gia tăng trong những tháng hè, trong khi mức độ tiêu dùng cùng các doanh số bán lẻ và đầu tư sẽ giảm mạnh”.

Sạp hàng của thương hiệu đồ thể thao Adidas mới đóng cửa tại một trung tâm thương mại ở St. Petersburg (Nga). Ảnh: AP

Theo báo Wall Street Journal, các lệnh trừng phạt có khả năng đẩy nền kinh tế Nga vào suy thoái sâu, gây thêm sức ép cho doanh nghiệp trong nước. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính, tổng sản phẩm quốc nội Nga sẽ giảm 8,5% trong năm nay, mức sâu nhất kể từ đầu những năm 1990.

Chris Weafer cho rằng, dù đồng Rúp hiện còn tương đối mạnh, nhưng việc tăng giá của nó cũng gây ra nhiều vấn đề đối với ngân sách nhà nước Nga.

“Nga vẫn nhận được doanh thu một cách hiệu quả bằng ngoại tệ từ các nhà xuất khẩu và các khoản thanh toán của họ bằng đồng Rúp. Vì vậy, đồng Rúp càng mạnh thì họ càng chi ít tiền hơn”, ông nói. “Tuy nhiên, điều đó cũng làm suy yếu sức cạnh tranh từ các nhà xuất khẩu Nga, khi hàng hóa của họ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường thế giới”.

Xung đột càng kéo dài thì càng nhiều công ty có thể rút khỏi Nga, song theo ông Weafer, những công ty chỉ đình chỉ hoạt động ở Nga vẫn có thể nối lại việc kinh doanh nếu Moscow đạt được thỏa thuận ngừng bắn và mang lại hòa bình cho Ukraine. Dù vậy, khả năng điều này xảy ra thật sự rất thấp.

Người phụ nữ đứng trước lối vào một điểm trao đổi ngoại tệ ở St. Petersburg (Nga). Ảnh: AP

“Nếu dạo quanh các trung tâm mua sắm ở Moscow, bạn có thể thấy nhiều cửa hàng thời trang, các tập đoàn kinh doanh phương Tây chỉ đơn giản mới hạ cửa chớp xuống. Kệ hàng của họ vẫn đầy, đèn vẫn sáng, chỉ là chúng không mở cửa”, ông tiết lộ. “Thực tế là họ vẫn chưa thật sự rời đi, mà chỉ đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, những công ty này sẽ sớm phải giải quyết tình trạng lấp lửng mà các cơ sở kinh doanh của họ ở Nga đang mắc phải. “Giờ đây, chúng ta đang tiến đến giai đoạn mà các công ty bắt đầu cạn kiệt thời gian, thậm chí cả sự kiên nhẫn”, ông nói.

Việt Anh /Vietnam.net

Ông Putin: Lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga mạnh hơn

 Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, các lệnh trừng phạt khiến Nga gặp một số khó khăn, nhưng lại khiến nước này trở nên mạnh hơn trong một số lĩnh vực.
Ông Putin: Lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga mạnh hơn - 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Tass).

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Á-Âu hôm 25/3, Tổng thống Putin thừa nhận, các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã gây ra hàng loạt vấn đề phức tạp cho Nga, nhưng đồng thời khiến Nga trở nên mạnh hơn trong nhiều lĩnh vực.

Theo ông Putin, các doanh nghiệp phải đối mặt với các vấn đề trong các lĩnh vực hậu cần và vận tải. “Tuy nhiên, mọi thứ đang được thiết lập lại. Không phải là Nga không có tổn thất. Tuy nhiên, kết quả là chúng tôi thực sự đang trở nên mạnh mẽ hơn ở một số lĩnh vực”, ông Putin nói.

Tổng thống Nga tuyên bố nước này đang đạt được những năng lực mới và bắt đầu tập trung các nguồn lực kinh tế, tài chính vào các lĩnh vực mang tính đột phá.

Kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine 3 tháng trước, Nga đã bị phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, ông Putin nói rằng, các quốc gia muốn gây tổn hại cho Nga bằng các lệnh trừng phạt đang gây thiệt hại cho chính họ.

Ông Putin cáo buộc các nước đối thủ của Nga đang “hành xử như là cảnh sát toàn cầu” và những quốc gia phương Tây đang cố gắng trừng phạt kinh tế nước khác đang “đánh giá quá cao sức mạnh của họ”.

“Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới muốn và sẽ theo đuổi chính sách độc lập. Không một lực lượng cảnh sát thế giới nào có thể ngừng quá trình tự nhiên quy mô toàn cầu này. Không có ai đủ mạnh để làm vậy. Họ (các nước phương Tây) đang đối mặt với thách thức trong chính quốc gia của họ và tôi hy vọng họ nhận ra rằng chính sách này hoàn toàn không có triển vọng”.

Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới sau vài tháng qua khi phương Tây muốn gây áp lực cho Moscow để chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong hơn 90 ngày qua, thị trường toàn cầu – vốn đã đối mặt với khủng hoảng vì dịch Covid-19 và sự đứt gãy chuỗi cung ứng – đã trở nên bất ổn hơn nữa. Nhiều quốc gia phương Tây đã đối mặt với mức lạm phát cao chưa từng có trong hàng thập niên khi giá năng lượng và lương thực tăng phi mã.

Ông Putin khẳng định rằng, Nga không có ý định cô lập nền kinh tế nước này với phần còn lại của thế giới và đã đối phó với lệnh trừng phạt bằng việc thay thế các sản phẩm nhập khẩu quan trọng bằng các sản phẩm sản xuất trong nước.

Theo Tass