Nhà vườn 10.000 m2 làm từ vật liệu bỏ đi

HÒA BÌNH – Ngôi nhà vườn dựng từ nhà cổ của người Mường cùng với các loại vật liệu bỏ đi như gỗ, thanh ray tàu hỏa…là tâm huyết suốt 30 năm săn lùng của anh Kiên.

Ngôi nhà được xây trên mảnh đất của bố mẹ anh Lê Hồng Kiên, 47 tuổi, tại thôn Tân Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình năm 2020.

Khu vườn mang tên NaLa rộng 10.000 m2 bao gồm quần thể 10 khu nhà riêng biệt như khu nhà Phu thê được lấy cảm hứng từ người vợ, khu Ngọa Long Am dành cho cậu con trai, lầu Cô Tô dành cho cô con gái thứ hai, nhà sàn Phụ Mẫu dành cho bố mẹ, nhà cổ và khu Lương Sơn tụ nghĩa dành cho bạn bè anh em và họ hàng. Ngoài ra, còn có khu bungalow dành cho bạn bè của các con, khu nhà văn hoá, thư viện… Nếu lưu trú, có thể chứa được 40-60 người.

Dự định ban đầu của anh Kiên là thiết kế một nhà vườn để gia đình nghỉ dưỡng. Khi hoàn thành, thấy đẹp nên anh tự mày mò và thiết kế thi công thêm những khu còn lại.

Các công trình tại đây đều sử dụng vật liệu gỗ tái chế như gỗ của cây cọc hồ tiêu, gỗ thanh tà vẹt tàu hỏa hỏng, khung cột nhà cũ… cùng với gạch đất nung thủ công kèm thêm ngói, gạch, cửa… đều đã qua sử dụng.

“Gỗ cũ đã qua sử dụng có độ bền rất cao, hơn nữa vừa kinh tế, vừa tạo ra công trình nhuốm màu thời gian, mang hồn cốt truyền thống”, anh Kiên lý giải.

Trong mười khu nhà, nhà Phu Thê được anh Kiên hoàn thành đầu tiên, sau gần nửa năm xây dựng. Đây là ngôi nhà tường gạch xây bao quanh nhưng cột, kèo, cửa đều làm bằng gỗ tái chế.

Phía trước nhà Phu Thê có khoảng sân rộng, ẩn mình dưới bóng cây. Khu nhà có năm gian, vừa có chỗ nằm hóng gió, có hồ bán nguyệt và cả bồn tắm đá tự nhiên lộ thiên giữa những tán cây.

Nhà Phu Thê được kết hợp giữa nét cổ kính nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi hiện đại cho sinh hoạt.

Trong nhà có nhiều đồ cổ trang trí, đậm nét văn hóa truyền thống. Toàn bộ đồ vật được gia chủ tự tay sưu tầm và bày biện.

Trong nhà có một số chiếc ghế dài được anh Kiên tự đóng từ những thanh gỗ tà vẹt đường ray tàu hỏa bỏ đi.

Ở gian bếp, người đàn ông kinh doanh nghề xây dựng và gỗ mỹ nghệ khéo léo đặt vào một cột đá trăm năm tuổi sưu tầm được từ ngôi nhà cổ của vị Trấn tổng Trấn Quốc Oai xưa.

Phòng ngủ tiện nghi được gia chủ bài trí cùng những tác phẩm nghệ thuật như tranh sơn mài, tranh gốm sứ và những món đồ gỗ tinh xảo.

Chiếc giường trong phòng ngủ được đóng từ phần gỗ của con tàu biển lâu năm. Xác tàu được anh Kiên mua từ Hội An mang ra Hà Nội để chế tác.

Nhà phụ ba gian cho khách đến chơi ngủ lại. Kết nối giữa nhà Phu Thê năm gian và nhà phụ là vườn rau, hình ảnh quen thuộc với nhiều người sinh ra ở vùng quê Bắc Bộ.

Tại khu nhà Phu Thê, sân được lát từ loại gạch cổ nung trong lò thủ công. Đây là loại gạch thường dùng lát nền các sân đình ở miền Bắc trước kia. Anh Kiên đã mua lại những viên gạch này khi các công trình tháo dỡ để sửa sang, tu bổ.

Mọi khu nhà anh Kiên đều thiết kế đầy đủ công năng, có nhiều chỗ ngủ, có bồn tắm đá nguyên khối được mài nhẵn, nhà vệ sinh rộng rãi, có góc thiền, góc uống trà, chỗ nằm hóng gió…

Tuy hiện đại nhưng không làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của nhà cổ.

Nhà có ba thế hệ cùng sinh sống, bởi vậy có riêng từng khu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho mỗi thành viên trong gia đình.

Như khu nhà của hai con có thêm chỗ vui chơi, bể bơi hay nhiều góc chụp ảnh đẹp. Khu nhà hai vợ chồng anh Kiên ở lại tiện nghi và thoáng mát. Còn khu cho bố mẹ anh yên tĩnh, có không gian mát mẻ để người cao tuổi được thư giãn nghỉ ngơi.

Ngọa Long Am là không gian anh Kiên xây cho cậu con trai tuổi Thìn. Khu nhà được xây dựng bằng gỗ thông kết hợp hệ kính trải từ sàn lên trần giúp gia chủ tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên xung quanh: hồ nước, vườn bưởi, rặng tre.

Trong nhà, ông bố còn sắp xếp những góc thư giãn hướng ra ao cá nhỏ để con có không gian đọc sách, câu cá…

Cách Ngọa Long Am một hồ bơi là khu Lầu Cô Cô dành tặng con gái út. Ngôi nhà này vốn là nhà sàn truyền thống của người Mường, được mua và vận chuyển về từ Đà Bắc, Hòa Bình.

Khi mang về phục dựng lại, anh Kiên đã biến tầng một vốn là chỗ người Mường nuôi trâu bò thành không gian nấu nướng, quầy bar, sân chơi. Tầng hai là chỗ ngủ cũng như không gian sinh hoạt chung. Điều đặc biệt nữa của Lầu Cô Cô là không sử dụng bê tông cốt thép mà vẫn kiên cố, chắc chắn.

Theo chủ nhân, kết cấu ngôi nhà được áp dụng theo các phương pháp truyền thống, giúp nhà đứng vững mà không cần đến móng. Theo đó, hệ khung cột gỗ được liên kết với nhau bằng các mộng 100% làm thủ công, chính bản thân trọng lượng của ngôi nhà đã giúp nó đứng vững.

Bể bơi trong vườn sử dụng nguồn nước tự nhiên. Thành bể bơi được anh Kiên lát từ đá ong tái chế.

90% các chi tiết của công trình được làm thủ công. Từ khi bắt đầu làm cho đến khi hoàn thiện khu vườn NaLa, anh Kiên mất một năm rưỡi, chi phí chủ nhân không tiết lộ.

Trang Vy / Ảnh: Nhân vật cung cấp / Vietnam Express

Câu chuyện tình buồn của đệ nhất ân phi

Trong 8 năm trời là Đệ nhất Ân phi của Vua Khải Định bà Hồ Thị Chỉ vẫn không cảm thấy hạnh phúc vì khắc sâu trong tim bà vẫn là hình bóng của vị vua ái quốc Duy Tân.

Hai chị em, Hồ Thị Chi và Hồ Thị Hạnh

Thượng thư bộ Học Hồ Đắc Trung có 4 người con 2 trai, 2 gái. Trong đó, cô con gái áp út Hồ Thị Chỉ nổi tiếng là một giai nhân quốc sắc thiên hương, cầm kỳ thi họa đều thông tỏ lại sử dụng được 2 ngoại ngữ là Hán ngữ và Pháp ngữ khiến người đời đều ngưỡng mộ. Tuy tài sắc vẹn toàn lại sớm bén duyên với hoàng thất, cuộc đời của Hồ Thị Chỉ ngỡ như một bộ phim cổ trang hạnh phúc thế nhưng lại có kết cục buồn.
DUYÊN TÌNH VỚI DUY TÂN

Theo sử sách, vào khoảng năm 1913, khi vua Duy Tân 14 tuổi, tại vị được 6 năm, nhằm tránh việc nhà vua thiếu niên vướng vào chính trị như vua cha Thành Thái, người Pháp đã cho xây tòa “Thừa lương” ở Cửa Tùng (Quảng Trị). Mỗi độ hè về nhà vua sẽ tới đây nghỉ ngơi và tắm biển, đi theo đoàn tùy tùng của vua những lần ra Cửa Tùng có ông Hồ Đắc Trung, cùng 4 người con trong đó có Hồ Thị Chỉ và em gái bà là Hồ Thị Hạnh, để nhà vua có bạn trò chuyện và nô đùa. Khi ấy, Hồ Thị Chỉ mới 12 tuổi nhưng đã toát nên vẻ xinh xắn yểu điệu, lại có phong thái đoan trang dễ mến. Ngay từ phút đầu tiên gặp mặt, hai người đã có tình cảm với nhau.

Sư bà Diệu Không (tức Hồ Thị Hạnh, em ruột Hồ Thị Chỉ) viết trong hồi ký:

“Mỗi buổi sáng, mặt trời vừa mọc, vua cho đòi đám trẻ đến để cùng đi ra biển bơi lội. Thầy tôi căn dặn chúng tôi phải giữ lễ vua tôi, không được tự do cười nói như đối với người thường, nhưng nhà vua lại rất dung dị, gọi các anh tôi bằng anh, gọi tôi bằng em. Ngài ít nói chuyện với chị tôi. Mỗi khi vui đùa cùng hai anh tôi và tôi, ở những trò chơi con nít, vua chỉ nhìn chị tôi mà không mời chơi. Khi nào Ngài cũng tỏ ra vui vẻ, song vẫn nghiêm trang. Chúng tôi rất mến Ngài, nhưng vẫn không dám cười đùa nhiều, sợ thầy chúng tôi quở. Khi mùa hè gần hết, vua tôi chia tay, chị tôi khóc. Ngài nói nhỏ với tôi: Dỗ chị đi em, rồi sang năm chúng ta gặp lại”.

Năm sau gần đến hè, vì Hồ tiểu thư đã lớn nên mẹ bà không cho phép bà theo các anh ra chơi ở Cửa Tùng. Hồ Thị Chỉ thương nhớ nhà vua nên cứ nước mắt ngắn nước mắt dài, vậy mà vẫn không lay chuyển được quyết định của mẫu thân. Về phần mình, vua Duy Tân cũng rất buồn nhớ cô tiểu thư họ Hồ ngày nào… Do vậy, khi vua được hai bà Hoàng Thái Hậu cho phép nạp phi, ông đã chọn Hồ Thị Chỉ.

Sư bà Diệu Không kể: “Mãn hè một tháng, một hôm có thị vệ đến xin ảnh chị tôi đem vào nội (đình) cho hai Thái hậu xem mặt. Một tuần sau, hai Ngài cho đòi thầy mạ (mẹ) tôi vào chầu và sau đó, tôi thấy kiệu vua đệ ra nhà tôi một đôi bông tai và một đôi vòng vàng cho chị tôi, thầy mạ tôi quỳ lễ bái lãnh… Đó là lễ hỏi của vua dành cho chị tôi. Chị tôi cũng ra lạy tạ ân vua hạ cố”.

Thế nhưng, trớ trêu là cuối năm 1915, vua Duy Tân đã mời Thượng thư Hồ Đắc Trung gặp riêng và rút lại lời hỏi cưới Hồ Thị Chỉ mà không cho biết lý do. Đầu năm 1916, lễ nạp phi diễn ra, người ngồi kiệu hoa vào cung là tiểu thư Mai Thị Vàng, con gái ông Mai Khắc Đôn, thầy dạy chữ Hán cho vua Duy Tân.

Gia đình Thượng thư Hồ Đắc Trung, nhất là Hồ Thị Chỉ đã rất thất vọng và buồn chán. Đến tháng 5/1916, vua Duy Tân bị Pháp bắt vì tham gia vào cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quang Phục hội lãnh đạo, từ biến cố này mọi chuyện mới dần được sáng tỏ. Theo lời của nhà vua sau khi bị người Pháp bắt, sở dĩ ông thay đổi ý định kết hôn là vì không muốn gia đình Hồ Thị Chỉ phải chịu liên lụy. Ban đầu người Pháp cũng đặt Hồ Đắc Trung vào vòng nghi vấn có tham gia vào cuộc khởi nghĩa bất thành của Duy Tân. Nhưng nhờ lời khai của nhà vua mà gia đình của ông thoát khỏi vòng lao lý.

Vị vua trẻ mới 16 tuổi, chẳng những đã biết lo lắng cho vận nước mà còn sẵn sàng từ bỏ mối nhân duyên của mình để bảo vệ cho gia đinh của người thân yêu quả thật khiến người ta phải cảm phục! Tiểu thư họ Hồ từ đó càng thêm cảm mến tình cảm của Duy Tân và nguyện một đời sống chết vì vua. Thế nhưng, ở đời mấy ai học hết được chữ “ngờ”…

“NỢ” VỢ CHỒNG VỚI KHẢI ĐỊNH

“Năm 1917, Khải Định ngự giá lễ đặt viên đá đầu tiên xây trường Đồng Khánh. Vua thấy một nữ sinh xinh đẹp, khoan thai kính cẩn dâng lên ngài một chiếc kéo mới tinh đặt trên một cái khay phủ gấm điều. Hoàng thượng nhận chiếc kéo để cắt giải lụa hồng, buộc ngang cổng trường, trước khi tiến vào sân hành lễ. Thế rồi, cô thiếu nữ sau này được đưa vào nội cung làm hoàng phi”, sử sách chép.

Đối với gia đinh ông Hồ Đắc Trung, đây quả thật là một tin chẳng lành, bởi vì Hồ tiểu thư vốn rất nặng tình với cựu hoàng Duy Tân, sao có thể nhận làm vợ vua mới được. Bà Hồ Thị Chỉ từng vừa khóc vừa thưa với cha mẹ rằng: “Con xin nguyện ở với cha mẹ trọn đời không lấy ai nữa hết!”

Thế nhưng, lệnh vua quả là khó trái, sau nhiều lần thuyết phục, bà cũng đành chấp nhận lên xa giá về cung. Phần vì muốn cha mẹ không phạm phải tội khi quân mà mắc vạ, phân vì nghe lời cô em Hồ Thị Hạnh: “Thầy và anh Khải đều là văn nhơn, nay về làm ruộng sao được. Huống nữa còn 4 anh em đang học ở Hà Nội, vậy ai là người nuôi các anh nên tương lai? Nếu chị mà không biết hy sinh thì chị còn thua nàng Kiều đã bán mình chuộc cha. Còn Ngài (Duy Tân) đã vị quốc gia, vậy sao chị không vị gia đình như Ngài đã hy sinh vì nước?”

Trở thành Đệ Nhất Ân Phi của vua Khải Định, người ta thường thấy bà xuất hiện cùng chồng trong các buổi yên tiệc tiếp đãi quan chức người nước ngoài. Với vẻ ngoài nổi bật xinh đẹp và kiến thức uyên bác về cả văn hóa Phương Đông lẫn Phương Tây, bà nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các vị công xứ.“

Tuy được gả cho vua mà tình người con gái vẫn còn quyến luyến vua cũ không nguôi, còn thầy tôi làm quốc trượng… mà lòng vẫn buồn nên thường lui tới chùa Trúc Lâm để tâm sự với ḥòa thượng Giác Tiêu cho vơi bớt nỗi sầu thế sự”, sư bà Diệu Không cho biết.

MỚI NGOÀI 20 MÀ PHẬN GÁI ĐÃ LONG ĐONG

Sau khi vua Khải Định mất năm 1925, bà Ân phi không có con với nhà vua nên không còn được sống trong nội cung mà phải ở Cung An Định. Cũng từ đó bà dần trở nên phiền muộn rồi hóa bệnh trầm cảm, không thuốc gì chữa được. Các bác sĩ phương tây và ngự y nhiều lần chạy chữa đều bó tay, kể cả ông Hồ Đắc Di anh ruột bà vốn là một bác sĩ giỏi, tốt nghiệp ở Pháp về nước (sau này là hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Hà nội), rất thương em gái, cũng bất lực.

Năm 1985 bà qua đời và được an táng cùng cha mẹ tại TP Huế, gần chùa Hồng Ân do ni trưởng Diệu Không sáng lập và trụ trì.

Đời người như áng mây trôi, vốn là một tiểu thư khuê các vừa xinh đẹp vừa tài giỏi, nhưng những bước ngoặt trong một thời kỳ lịch sử biến động đã lấy đi của người con gái ấy một mối tình đẹp thời thiếu nữ và bẽ bàng khiến bà trở thành góa phụ dù mới ngoài 20.

Câu chuyện về cuộc đời Hồ Thị Chỉ khiến ta không khỏi thương cảm và luyến tiếc, để rồi khi nhìn lại cuộc đời mình, ta chợt nhận ra rằng: Cần đâu giàu sang phú quý, cần đâu quyền cao chức trọng. Chỉ cần một gia đình yên ấm bên cạnh người thân yêu, ấy đã là hạnh phúc nhất đời, thứ mà nhiều người vẫn còn phải ao ước…

(Nguồn : tramthienthu.blogspot.com)

Đại án Việt Á: ‘Quy mô kinh khủng, còn thế lực nào đằng sau?’

Tiêm vaccine chống Covid-19 cho trẻ em ở Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,Tiêm vaccine chống Covid-19 cho trẻ em ở Việt Nam

Một luật sư từ Hà Nội nói với BBC rằng đại án Việt Á có “quy mô kinh khủng” và Đảng Cộng sản cần làm rõ có “ông lớn nào” đứng đằng sau các sai phạm.

Vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đang dẫn đến kỷ luật hàng loạt trong Đảng Cộng sản Việt Nam, được xem là một trong các đại án gần đây.

Nói với BBC từ Hà Nội, một luật sư, ông Ngô Anh Tuấn (Đoàn luật sư Hà Nội), cho rằng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á có thể gọi là “án chỉ đạo”.

Các chỉ đạo từ cấp cao có thể tăng tính nghiêm trọng cho vụ án. Theo luật sư Ngô Anh Tuấn, dù luật pháp không có khái niệm này thì ở Việt Nam, chỉ đạo này “thậm chí có giá trị rất lớn”.

Vào tháng Giêng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, yêu cầu đưa vụ án tại Công ty Việt Á ra xét xử sơ thẩm trong năm 2022.

Khi người đứng đầu Đảng Cộng sản đã lên tiếng về một vụ án cụ thể, tiến độ điều tra chắc chắn sẽ được đẩy nhanh.

Tuy nhiên, vụ án tại Công ty Việt Á rất lớn, khi Bộ Công an và các cơ quan chức năng liên quan đang phải điều tra, làm rõ tại 62/63 tỉnh thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan giám sát kỷ luật của Đảng cũng nói rằng vụ án tại Công ty Việt Á “hết sức phức tạp”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, vào cuối tháng Tư, nói việc điều tra phấn đấu kết thúc trong quý hai, tức là khoảng tháng Sáu.

Theo luật sư Ngô Anh Tuấn, tình trạng chạy án trong các vụ án chỉ đạo “không nhiều nhưng trong các vụ án kiểu này cũng có nguy cơ xảy ra oan sai”, vì sự chỉ đạo khiến áp lực điều tra lớn.

“Cứ nói cấp trên chỉ đạo mà hành xử một cách bất chấp là không được”, ông Tuấn bày tỏ.

“Đây là vấn đề tương đối nhạy cảm, tuy nhiên, là đối với những vụ án có màu sắc chính trị, tôn giáo thôi. Đối với những vụ án kinh tế, nguy cơ oan sai, bỏ lọt bằng chứng thấp hơn vì những hành vi diễn ra, không chỉ cơ quan điều tra thấy, cả xã hội nhìn thấy. Việc chứng minh mức độ thiệt hại thì không quá khó.”

Đảng Cộng sản nói Đảng quyết tâm chống tham nhũng
Chụp lại hình ảnh,Đảng Cộng sản nói Đảng quyết tâm chống tham nhũng
Vụ án có quy mô “kinh khủng”

Nói với BBC qua điện thoại, luật sư Ngô Anh Tuấn, từ Hà Nội, đánh giá đây là một vụ án “có quy mô kinh khủng”.

Vụ việc tại Công ty Việt Á, theo nhìn nhận của luật sư Tuấn, liên quan đến nhiều tội khác nhau như: Vi phạm quy định về đấu thầu, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, Đưa và nhận hối lộ.

Ban đầu, cuối tháng 12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03-Bộ Công an) khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á và hàng loạt các bị can.

Năm tháng sau khi khởi tố vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố hơn 40 người, trong đó có nhiều lãnh đạo CDC các tỉnh, thành phố.

Thực tế, Bộ Công an đã giao cho Công an các tỉnh chịu trách nhiệm điều tra vụ nâng khống bộ xét nghiệm của Việt Á tại địa phương mình.

SEA Games 31 vừa diễn ra tại Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,SEA Games 31 vừa diễn ra tại Việt Nam

Hôm 25/5, công an đã bắt tạm giam ông Trần Đắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh và ông Nguyễn Văn Lơ, nguyên Giám đốc CDC tỉnh do liên quan đến vụ Việt Á.

Ông Ngô Anh Tuấn dự đoán khi điều tra hết 62 tỉnh thành thì “có thể đại đa số các tỉnh đều dính”.

Việc làm ăn với Việt Á dường như có barem chung là mua kit xét nghiệm với giá cao rồi sau đó nhận hoa hồng.

Theo thông tin ban đầu được báo chí nhà nước công bố tới nay, ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang, và thuộc cấp của mình đã nhận hoa hồng lên tới 44 tỉ đồng từ Công ty Việt Á.

Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương, bị bắt giữ với cáo buộc nhận hối lộ hơn 27 tỉ đồng của Công ty Việt Á.

Luật sư Ngô Anh Tuấn nói: “Cần phải sờ tới cấp cao hơn mới giải quyết căn nguyên của vấn đề. Sau rủi ro của người dân, thiên tai, địch hoạ, tổn thất, bao nhiêu cán bộ đi tù. Việc này diễn ra rất nhiều lần rồi và chúng ta thấy chưa giải quyết được rốt ráo, không có tính răn đe.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trọng tâm là chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống
Chụp lại hình ảnh,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trọng tâm là chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống
Còn ông lớn nào đứng sau?

Theo luật sư Ngô Anh Tuấn, hành vi đưa, nhận hối lộ tại các dự án đấu thầu liên quan nhà nước đã “diễn ra phổ biến từ lâu”.

Nhưng ông cho rằng tiêu cực trên quy mô lớn như vụ Việt Á lại “không có nhiều, với quy trình, thủ đoạn tinh vi, có tính toán khôn ngoan trong thời gian rất ngắn”.

Một câu hỏi lớn đặt ra trong quá trình điều tra vụ Việt Á là còn ai đứng sau toàn bộ vụ việc.

Luật sư Ngô Anh Tuấn đặt câu hỏi: “Nếu một người rất bình thường thì liệu họ có đủ sức làm một vụ kinh khủng như thế hay không?”

“Cần làm rõ hơn, biết đâu Việt Á chỉ là phương tiện của những thế lực to hơn,” luật sư Tuấn nói.

Vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ xảy ra tại Công ty Việt Á được khởi tố hồi tháng 12/2021.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á).

Hàng loạt lãnh đạo CDC các tỉnh, thành phố cũng bị khởi tố, bắt tạm giam. Nhiều trong số đó từng khẳng định với báo chí Việt Nam là họ không hề nhận hối lộ từ Việt Á.

Danh sách các tỉnh, thành phố có lãnh đạo CDC và lãnh đạo ngành y tế bị khởi tố, kỷ luật đến thời điểm này gồm: Hải Dương, Nam Định, Cà Mau, Nghệ An, Bắc Giang, Thừa – Thiên Huế, Bình Phước, Hà Giang.

Ủy ban Kiểm tra Trung ước cũng đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật nguyên Bộ trưởng Khoa học công nghệ Chu Ngọc Anh, và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Cơ quan điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án và bắt giam Thượng tá Hồ Anh Sơn và Đại tá Nguyễn Văn Hiệu ở Học viện Quân y để điều tra sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á. Nhiều lãnh đạo Học viện Quân y cũng bị Ủy ban kiểm tra Trung ương cáo buộc chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh thành với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó, 800 tỷ đồng được dành để chi hoa hồng.

Theo BBC

Mối quan hệ mật thiết giữa cánh tả Mỹ và chủ nghĩa Marx

(Ảnh chụp màn hình cuốn sách ‘Chủ nghĩa Marx của Mỹ” của Mark R. Levin)
Nhà bình luận chính trị bảo thủ nổi tiếng người Mỹ Mark R. Levin đã xuất bản cuốn sách “Chủ nghĩa Marx của Mỹ” vào năm 2021.
Tiếc rằng nó đã bị bỏ lại trong bóng tối, vì nhiều người cho rằng chủ nghĩa McCarthy của Mỹ là tác hại chính, nhìn vào thế giới ngày nay, những biến thể của chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Marx mới đã trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong chính trị thế giới: Trung Quốc là chủ nghĩa tư bản cộng sản (chủ nghĩa Marx cơ bản + chủ nghĩa tư bản nhà nước), Mỹ Latinh là cánh tả cộng sinh theo đuổi chủ nghĩa Marx và chống chủ nghĩa thực dân, châu Âu là người kế thừa Trường phái Frankfurt – thành trì của Cánh tả Mới, và chống thực dân và chống bá quyền ở châu Phi thậm chí còn mang tính chất Mác xít hơn. Cuối cùng chỉ còn lại một nước Mỹ Đảng Dân chủ Mỹ mang đậm màu sắc xã hội chủ nghĩa, điều này cũng được New York Times công nhận. “Chủ nghĩa Marx của Mỹ” không chỉ cung cấp một lời giải mã chính trị cho những người Mỹ đang trong trạng thái lo lắng, mà còn gỡ bỏ đám mây cho những người trên thế giới cho rằng hiến pháp Mỹ có một cơ chế sửa lỗi tốt.
Mark Levin đã tổng kết chính xác các giá trị Mỹ của chính phủ Dân chủ trong cuốn “Chủ nghĩa Marx của Mỹ“, giá trị quan này chính là LGBTQI (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, người đang trong quá trình tìm hiểu về nhận dạng giới tính của bản thân, liên giới tính) + CRT (Lý thuyết Chủng tộc Phê phán) + biến đổi khí hậu – năng lượng xanh + Văn hóa xóa sổ (cancel culture) + cần sa (sử dụng ma túy). Có người cho rằng đây là một giá trị quan tiến bộ, hơi xa với chủ nghĩa Marx, nhưng xét về nguồn gốc, Mark Levin hoàn toàn không phải nói chuyện giật gân.
1-Nền chính trị bản sắc do Đảng Dân chủ Mỹ xây dựng bắt nguồn từ “lý thuyết đấu tranh giai cấp” của chủ nghĩa Marx, và điểm chung là tìm ra hoặc tạo ra một nhóm nạn nhân.
Tư tưởng chủ trương căn bản của chủ nghĩa Marx nhấn mạnh lý luận về đấu tranh giai cấp, phân chia con người thành các giai cấp theo địa vị kinh tế và chính trị của họ, đồng thời xác định mâu thuẫn cơ bản của xã hội loài người là mâu thuẫn không thể hòa giải giữa giai cấp bóc lột (người tước đoạt) và giai cấp bị bóc lột (người bị tước đoạt). Những kẻ thống trị và người giàu thuộc về giai cấp bóc lột và là thủ phạm; phần còn lại là những người lao động chân tay và thể lực như công nhân, nông dân và thợ thủ công lao động chân tay, thuộc những người bị tước đoạt và là nạn nhân. Đánh thức ý thức nạn nhân của những người bị tước đoạt và tiêu diệt những người tước đoạt chính là cuộc cách mạng vô sản mà Marx gọi là “tước đoạt kẻ tước đoạt”, một hình thức cao nhất của đấu tranh giai cấp.
Lý thuyết Chủng tộc Phê phán (CRT) được xây dựng và quảng bá bởi những người cánh tả Mỹ và đại diện chính trị của họ – Đảng Dân chủ, dùng áp bức chủng tộc để thay thế sự áp bức giai cấp của chủ nghĩa Marx. Khi kể về sự áp bức nô lệ da đen trong lịch sử, họ đã thành công biến đổi món nợ đạo đức của người da trắng thành món nợ hiện thực. Làm cho tất cả những người da trắng có liên quan hoặc không liên quan đến Mỹ cảm thấy tội lỗi. Yêu sách cực đoan nhất là để chính phủ liên bang trả khoản bồi thường khổng lồ cho mọi người da đen và cho người da đen nhiều đặc quyền pháp lý khác nhau, bao gồm quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với các loại hoạt động đánh đập, đập phá, cướp bóc.
Loại chính trị bản sắc này không chỉ gây hại cho các nhóm sắc tộc khác trên đất Mỹ, mà còn gây hại cho người da đen và xã hội Mỹ về lâu dài. Nhiều người da đen nghĩ rằng họ có đặc quyền hợp pháp và phạm tội một cách liều lĩnh; các thành phố do Đảng Dân chủ điều hành, chẳng hạn như New York và San Francisco với nhiều cư dân da đen hơn, đã trở thành thành phố tội phạm và đang suy yếu từng ngày.
2- Cách mạng bạo lực của Marx (tên gọi của Marx là sự phê phán vũ khí), chủ trương sử dụng vũ lực để đập tan thế giới cũ và tạo ra thế giới mới. Cánh tả Mỹ đặc biệt sử dụng bạo lực như một thủ đoạn để đưa ra yêu cầu.
Đoạn kinh điển cuối cùng của Tuyên ngôn Cộng sản là: “Mục tiêu của họ (ám chỉ giai cấp vô sản) chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ tất cả các chế độ xã hội hiện có. Để cho các giai cấp thống trị run sợ trước cuộc cách mạng cộng sản. Những gì mà giai cấp vô sản mất trong cuộc cách mạng này chỉ là xiềng xích. Những thứ mà họ sẽ nhận được là toàn bộ thế giới.”
BLM (Black Lives Matter – Phong trào Người da đen đáng sống) và Antifa mà Đảng Dân chủ ủng hộ thích sử dụng hành động bạo lực nhất, và họ gọi đó là yêu cầu chính trị. Vào ngày 24/6/2020, Hawk Newsome, lãnh đạo của khu vực Đô thị New York của BLM tại Mỹ, đã công khai tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với FOX rằng: “Chúa Giê-su là nhà cách mạng cấp tiến người da đen nổi tiếng nhất trong lịch sử”, “Tôi chỉ muốn thông qua mọi cách cần thiết để giải phóng người da đen và chủ quyền của người da đen”, nếu Mỹ “không cho chúng tôi những gì chúng tôi muốn, vậy thì chúng tôi sẽ phá hủy hệ thống này”. Chỉ trong vài câu đã biểu đạt một cách rõ ràng nhất việc dùng lòng nhiệt thành với chủ nghĩa Marx mà xuyên tạc lịch sử, hình thành cảm giác bị áp bức của nạn nhân, từ đó cho phép làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được mục đích. Trong khoảng thời gian từ ngày 26/5 đến ngày 22/8/2020, đã có hơn 10.600 cuộc biểu tình trên khắp Mỹ, trong đó có 7.750 cuộc biểu tình có liên quan đến phong trào BLM. Trong số 7.750 cuộc biểu tình, gần 570 cuộc biểu tình bạo lực, chiếm 7% tổng số cuộc biểu tình, đã diễn ra ở gần 220 địa điểm trên khắp nước Mỹ. Các cuộc biểu tình này là nhắm vào tài sản sở hữu cá nhân. Ví dụ, vào ngày 27/6, một nhóm BLM lớn đã hô vang “Eat The Rich!” (Ăn những người giàu), “Abolish Capitalism Now!” (Xóa sổ chủ nghĩa tư bản), và tấn công Beverly Hills, một khu vực giàu có ở Los Angeles.
3-Marx nhấn mạnh chế độ công hữu “chính quyền kiểm soát mọi tài nguyên“, chỉ trích quyền tài sản tư hữu thiêng liêng không thể xâm phạm. Cánh tả Mỹ đang nỗ lực xóa bỏ luật tư bản rằng tài sản tư nhân là bất khả xâm phạm, và chính quyền Dân chủ của Biden đang nỗ lực xây dựng sự kiểm soát mạnh mẽ của chính phủ đối với nền kinh tế.
Các cuộc biểu tình BLM bắt đầu từ tháng 5/2020 đã chứng kiến ​​rất nhiều vụ cướp bóc. Không chỉ các phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ tích cực che đậy và ‘mỹ hóa’ (làm đẹp) hành vi này, mà còn có nữ nhà văn Vicky Ostwell biện minh cho hành vi cướp bóc của BLM. Nữ nhà văn ở Philadelphia, đã xuất bản đúng thời điểm đó cuốn sách “In Defense Of Looting’, In Defense of Looting: A Riotous History of Uncivil Action (Bảo vệ chiến lợi phẩm: Lịch sử của bạo loạn không văn minh), các kênh truyền thông cánh tả Mỹ như NPR, The New Yorker, và The Atlantic đều nhiệt tình quảng bá và giới thiệu cuốn sách này. Tác giả cuốn sách cho rằng cướp bóc là một công cụ mạnh mẽ cho việc thực hiện sự thay đổi thực sự và lâu dài của xã hội, và lập luận của bà có thể được tóm tắt như sau:
1) Tịch thu tài sản trên quy mô lớn
Trong thời gian trộm cắp hàng loạt trong thời kỳ bất ổn hoặc bạo loạn, hành vi xông vào cửa hàng cướp bóc trên quy mô lớn, là một chiến thuật mạnh mẽ đang được những người phản kháng sử dụng, mục đích là để đặt câu hỏi về sự công bằng của “pháp trị” cũng như phân phối tài sản và của cải trong các xã hội bất bình đẳng.
2) Cướp bóc chỉ là một chiến thuật của những người phản kháng.
Nó thường là một cuộc tấn công vào các doanh nghiệp, không gian thương mại hoặc các tòa nhà chính phủ, để chia sẻ miễn phí những những thứ vốn nên được tiến hành thương mại hóa và được kiểm soát.
3) Chỗ hay của cướp bóc là cho phép người ta có được thứ họ cần ngay lập tức và miễn phí mà không cần phải dựa vào công việc hay tiền lương. Là một hình thức hành động chính trị, đây là sức mạnh chiến thuật cơ bản nhất của hành vi cướp bóc.
4) Trộm cướp tấn công vào cách phân phối vật phẩm và quan niệm về tài sản: để ai đó có mái nhà che đầu hoặc có vé ăn, họ phải làm việc cho ông chủ,  kiểu có công việc mới có được chi phí sinh hoạt là biểu hiện của sự bất công xã hội. Hơn nữa, nguyên nhân của việc dùng phương thức này để tổ chức thế giới, rõ ràng là vì lợi ích của các chủ sở hữu tư bản (vốn). Cướp giật đánh vào trọng tâm của mối quan hệ tài sản này, đồng thời chứng minh rằng không có cảnh sát cũng không có sự áp bức của chính phủ, thì chúng ta có thể có được mọi thứ miễn phí.
Thật trùng hợp, một nhóm có tên là Campus Reform (Cải cách trường học) đang khảo sát cách nhìn nhận của mọi người về nạn trộm cướp. Các thành viên của tổ chức lần đầu tiên đến Chicago để phỏng vấn người da đen, những người được phỏng vấn đều tin rằng việc đến trung tâm mua sắm để lấy một thứ gì đó là chính đáng và đó là việc theo đuổi công bằng xã hội. Campus Reform sau đó đã đến Đại học George Washington ở Washington DC. để hỏi sinh viên đại học xem họ nghĩ gì về nạn cướp bóc và bạo loạn. Thật không may, các sinh viên đại học nói rằng có “lý do chính đáng” cho bạo loạn, cướp bóc, bởi vì “những người nắm quyền ăn cắp nhiều thứ hơn” và cướp bóc chỉ là một phương thức biểu đạt của người không có quyền lực.
Không một phương tiện truyền thông chính thống nào lên tiếng chỉ trích quan điểm trên.
4-Chủ nghĩa Marx ghét trật tự tự nhiên của xã hội loài người và chủ trương cải tạo tự nhiên, Engels cho rằng gia đình là sản phẩm của chế độ tư hữu và tất yếu sẽ lụi tàn trong xã hội tương lai.
‘Đại nhảy vọt‘ của Mao Trạch Đông, khiến hơn 30 triệu người chết đói, chính là đấu với trời, đấu với đất và cải tạo tự nhiên, là một thử nghiệm trước để bước vào xã hội chủ nghĩa cộng sản. Lý thuyết biến đổi khí hậu của Đảng Dân chủ – Cánh tả Mỹ (vốn nói là khí hậu nóng lên, nhưng phát hiện rằng nó dễ bị chứng minh là giả nên đã sửa đổi thành “biến đổi khí hậu“) và các chính sách năng lượng xanh; ủng hộ việc thông qua chuyển giới để thay đổi giới tính tự nhiên, thậm chí chủ trương đàn ông có thể mang thai, đây chính là thực tiễn của thay đổi tự nhiên. Đây là một bước tiến xa hơn so với việc “khiến núi cao cúi đầu, nước sông nhường đường” của Mao Trạch Đông.
Những người tin theo chủ nghĩa Marx chưa bao giờ thiếu quyết tâm và năng lực hành động để cải tạo thế giới và hủy diệt thế giới. Không giống như phiên bản 1.0 của chủ nghĩa cộng sản do Liên Xô lãnh đạo, đó là một cuộc cách mạng cộng sản diễn ra bên ngoài thế giới tư bản. Đảng Dân chủ lên nắm quyền, cuộc cách mạng cộng sản Mỹ bùng nổ trở lại, câu chuyện ‘Trại súc vật‘ lặp lại, và điều này xảy ra ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản ở Mỹ, quả là một sự trớ trêu lớn cho nhân loại.

Quay trở lại cội nguồn của nó, sợi dây treo cổ chủ nghĩa tư bản đã được tạo thành bởi hệ thống giáo dục Mỹ và các phương tiện truyền thông trong nhiều năm. Học giả bảo thủ Thomas Sowell (da đen) có cái nhìn rất sâu sắc về các vấn đề của chủng tộc mình. Nước Mỹ đang đối mặt với thảm họa của cuộc Cách mạng Cộng sản, vào ngày 13/7/2000, ông Sowell, người đã ngoài 90 tuổi, đã nói trong chương trình trò chuyện của Mark Levin rằng: “Đất nước chúng ta đã đến lúc không còn đường quay lại? Tôi chỉ hy vọng không nhìn thấy những kẻ man rợ thiêu rụi thành phố Rome trong những năm tôi còn sống.”
Phân tích ở trên cho thấy rằng nền hiến chính của Mỹ là bình cũ chứa “chủ nghĩa tiến bộ” phe cánh tả, thực tế nó là một biến thể của chủ nghĩa Marx, một thứ “rượu mới” biến chất, và đang có kế hoạch quảng bá nó ra thế giới thông qua một cuộc tái thiết lớn. Vào cuối tháng Năm, người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Klaus Schwab, nói với những người tham dự diễn đàn này ở Davos rằng “tương lai sẽ do chúng tôi xây dựng” – tương lai của nhân loại, sẽ nói rõ trong báo cáo của Chính phủ Mỹ được chính quyền Biden lần đầu tiên công bố công khai vào tháng 6/2022, kể từ khi nhậm chức: Chính quyền khóa này nỗ lực thúc đẩy quyền con người của giới LGBTQI + trên khắp thế giới. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố vào ngày 28/4 rằng: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ cùng tham gia với chúng tôi để hỗ trợ công việc không buông lơi và cao cả của những người bảo vệ nhân quyền LGBTQI +, điều này hoàn toàn khác với các giá trị quan được quảng bá trước đây là tự do dân chủ hiến chính.”
Hà Thanh Liên
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà kinh tế học gốc Hoa hiện đang sống tại Mỹ Hà Thanh Liên, được đăng trên Epoch Times.)

Vua cờ Kasparov: Thất bại quân sự sẽ là liều thuốc giải độc cho người Nga

Nhà cựu vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov là một trong những người chỉ trích Putin gay gắt nhất kể từ khi Putin nhậm chức. Trong cuộc phỏng vấn, ông giải thích lý do tại sao ông tin rằng cuối cùng Ukraine sẽ thắng trong cuộc chiến này và một nước Nga mới hậu Putin sẽ như thế nào.

Cách viết tiếng Nga của Harry là Garry. Garry Kasparov được đặt theo tên của cố Tổng thống Mỹ Harry Truman. Sự lựa chọn của cha mẹ ông không phải là không có rủi ro, vì ông sinh năm 1963, giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Kasparov được nuôi dưỡng trong hệ thống giáo dục cộng sản, học cờ vua tại trường dạy cờ của đại kiện tướng huyền thoại và là một người cộng sản trung thành Mikhail Botvinnik. Nhưng người đàn ông 59 tuổi này luôn bị cuốn hút vào những ý tưởng mà cái tên của ông đại diện. Ở Liên Xô, ông được coi là một người có tinh thần tự do và là người chỉ trích hệ thống.

Trong trận quyết đấu tay đôi huyền thoại của những năm 1980, ông đã đánh bại Anatoly Karpov, người được Điện Kremlin sủng ái nhất. Kasparov giành danh hiệu vô địch thế giới từ tay Karpov và đứng đầu bảng xếp hạng thế giới trong hai thập niên, cho đến khi ông giải nghệ vào năm 2005. Bước sang thiên niên kỷ mới, Kasparov trở thành đối thủ khó chịu của Vladimir Putin. Hôm thứ Sáu, Kasparov đã bị đưa vào danh sách “tác nhân nước ngoài” của Điện Kremlin cùng với Mikhail Khodorkovsky, người không đội trời chung với Putin.

Hỏi: Thưa ông Kasparow, liệu chúng ta có được chứng kiến sự cáo chung của chế độ Putin?

Đáp: Tôi nghĩ có thể lắm. Và tôi hy vọng như vậy. Bởi vì lần đầu tiên chúng ta nhận thấy chế độ này yếu kém. Qua lịch sử chúng ta biết các chế độ độc tài không thể tồn tại sau thất bại. Nếu Ukraine thắng, mà cuộc chiến này có khả năng kết thúc theo cách đó, thì điều đó có thể là một đòn địa chính trị quan trọng đối với Putin. Thất bại ở chiến trường cộng với các lệnh trừng phạt kinh tế có thể là một hỗn hợp chất nổ đối với Putin. Ông ta sẽ không còn đủ tiền để chi trả cho quân đội, cảnh sát và bộ máy tuyên truyền. Đó sẽ là dấu chấm hết cho ông ấy.

Hỏi: Một khi ông đã lạc quan như vậy, theo ông điều gì sẽ xẩy ra sau Putin?

Đáp: Rất tiếc, nhưng tôi không có câu trả lời cho câu hỏi này. Nhưng tôi khẳng định rằng chiến thắng của Ukraine và việc giải phóng Crimea cũng sẽ giúp Nga có cơ hội trở lại bình thường. Tất nhiên, không có gì đảm bảo cho điều này, bởi vì nó không chỉ liên quan đến Putin, mà còn liên quan đến cội nguồn của Liên Xô, về bản chất đế quốc của Nga. Chúng ta đang nói về một quốc gia cần chuyển mình từ khái niệm đế quốc bành trướng hàng thế kỷ qua thành một quốc gia-dân tộc. Một nước Nga không có Chechnya, Dagestan hay Tatarstan, điều đó vẫn ổn đối với tôi. Đó là về một khái niệm hoàn toàn mới, về sự khởi đầu của một khởi đầu mới đối với nước Nga. Sự trở lại cội nguồn châu Âu và chấm dứt mọi thứ liên quan đến Hãn Quốc Kim Trướng của người Tarta (Tarta Golden Horde). Nga cũng có một truyền thống lâu đời gắn với các thành phố phía bắc gần với châu Âu, ví dụ như Veliky Novgorod hoặc Pskov. Nga phải bỏ lại gánh nặng lịch sử của mình. Tôi nghĩ đây là cách duy nhất để tiến lên phía trước. Điều đó có khả thi không? Tôi không biết. Nhưng điều đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chính trị của phương Tây. Và trên hết, liệu người Mỹ và châu Âu có chuẩn bị để duy trì các lệnh trừng phạt hay không. Ba điều kiện liên quan sẽ phải được đáp ứng để đảm bảo sự thay đổi: Các lệnh trừng phạt chống lại Nga không được dỡ bỏ trước khi Ukraine được giải phóng. Nga phải đền bù cho sự tàn phá ở Ukraine. Cuối cùng, những tên tội phạm chiến tranh phải được đưa ra trước công lý. Nếu các điều kiện này được đáp ứng, một khởi đầu mới có thể sẽ đến.

Hỏi: Xã hội Nga đã bị lây nhiễm những tư tưởng đế quốc bởi sự tuyên truyền của nhà nước trong nhiều năm. Làm thế nào để loại bỏ chất độc tuyên truyền này ra khỏi khối óc và trái tim của họ?

Đáp: Một thất bại quân sự thực sự là một đòn rất, rất, rất mạnh mẽ. Trên thực tế, đó là liều thuốc giải độc mà bạn đang hỏi. Người Nga bị nhiễm bệnh, nhưng họ hầu như chỉ chờ đợi điều gì đó xảy ra. Nhiều người trong số họ thậm chí không biết điều gì đang thực sự xảy ra. Moscow, Saint Petersburg và các thành phố lớn khác không tham gia vào cuộc chiến. Cư dân của các thành phố này không có mặt ở chiến trường. Những người chiến đấu là những cư dân của các vùng xa xôi, hẻo lánh. Họ bị đưa đến mặt trận từ rất xa để những người ở đô thị không cảm thấy điều đó. Đây cũng là lý do tại sao Putin không ra lệnh tổng động viên, vì điều đó có nghĩa là ông ta sẽ buộc thanh niên ở các thành phố lớn phải đầu quân. Công chúng Nga có thể vẫn chưa sẵn sàng cho điều này. Sẽ là một cú sốc khủng khiếp cho người dân ở các thành phố lớn khi biết rằng họ đã bị thất trận. Giống như mọi nhà độc tài khác, Putin cũng có huyền thoại của mình. Nó dựa trên việc bình định Chechnya và gần đây là sự chiếm đóng Crimea. Nhưng bây giờ có một sự vỡ mộng lớn và lan rộng đối với Crimea. Việc mất Crimea có thể gây ra một sự thay đổi, một sự sụp đổ. Chúng tôi không biết đế chế này sẽ sụp đổ như thế nào. Nhưng nó là sự lười biếng, tham nhũng. Quân đội Nga yếu và kém năng lực. Toàn bộ hệ thống chính trị xã hội cũng ở trong tình trạng như vậy.

Hỏi: Nhưng các quan chức, công chức vẫn tiếp tục phục vụ hệ thống này. Ai sẽ là người đảm đương công việc của một nước Nga mới?

Đáp: Có hàng triệu người Nga ở nước ngoài đang chờ đợi Nga mở cửa. Thật tuyệt vời khi họ trở lại và làm việc với một trạng thái hoàn toàn mới. Và chúng ta sẽ cần bao nhiêu công chức mới? Tôi nghĩ sẽ không khó để tìm ra 50.000 người có thể trở thành thẩm phán, công chức hoặc bộ trưởng. Nghịch lý là mặc dù rất nhiều người Nga có năng lực đã và đang rời khỏi đất nước, nhưng chính điều này lại mang đến niềm hy vọng.

Hỏi: Còn những trùm tài phiệt, những tên đầu sỏ? Chế độ cũng dựa vào bọn họ.

Đáp: Chúng ta phải hỏi các nhà tài phiệt họ nghĩ gì về những gì đang xảy ra. Một số người trong số họ rất gắn bó với chế độ. Tuy nhiên, những người khác tin rằng các vấn đề do chiến tranh gây ra cần được giải quyết bằng sự quyết tâm. Hầu hết trong số họ đều mất rất nhiều tiền bạc do các biện pháp trừng phạt. Tôi nghĩ rằng họ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự nguyện giao phần lớn tài sản của mình cho Ukraine. Nhưng họ vẫn là những người giàu có. Và tôi nghĩ rằng nhiều người trong số họ đã hiểu điều này từ ngày hôm nay. Hàng trăm tỷ đô la phải đổ vào Ukraine, và Nga phải trả giá cho cuộc chiến. Một nước Nga mới sẽ đòi hỏi một lời giải thích và một thái độ từ các nhà tài phiệt và từ toàn xã hội. Tôi làm việc với một nhóm những người nước ngoài có cùng chí hướng, những người muốn cho tất cả người Nga cơ hội xây dựng lại đất nước nếu họ bác bỏ chế độ với một tuyên bố đơn giản. Đó phải là điều kiện cho mọi người Nga. Mọi người đều phải lên án Putin. Ngay cả tôi cũng cảm thấy có phần tội lỗi vì đã không làm đủ để ngăn chặn Putin. Tôi đã chỉ trích ông ta trong nhiều thập niên, nhưng như thế là chưa đủ.

Hỏi: Và điều gì sẽ xảy ra nếu người Nga có cơ hội thứ hai?

Đáp: Người Nga phải đưa ra quyết định. Ngày nay họ đang có Triều Tiên nhưng chúng ta có thể tạo ra Hàn Quốc.

Hỏi: Ông mang trong người một nửa dòng máu Armenia, một nửa Do Thái, nhưng ông nói tiếng Nga và tự cho mình là người Nga. Ông sẽ đưa ra quyết định tương tự trong ngày hôm nay nếu ông có một sự lựa chọn?

Đáp: Đúng, vì nước Nga lớn hơn Putin. Bây giờ tôi hiểu những gì Thomas Mann hoặc Marlene Dietrich cảm thấy trong thời kỳ Đức Quốc xã. Họ là những người Đức lỗi lạc, nhưng họ không từ bỏ văn hóa Đức. Họ vẫn là người Đức. Tôi vẫn là người Nga, tiếng Nga là ngôn ngữ đầu đời của tôi. Người ta không thể từ bỏ nguồn gốc của mình, văn hóa của mình. Có thể mất nhiều năm, thậm chí có thể nhiều thế hệ, nước Nga mới có thể thay đổi, nhưng cuối cùng đất nước này sẽ trở thành một quốc gia đáng tin cậy đối với thế giới. Để những người như tôi có thể cảm thấy thoải mái khi sống trong nước Nga đó.

Hỏi: Ông có mơ thấy Tổng thống Garry Kasparov ngồi trong Điện Kremlin không?

Đáp: Không, tôi không mơ về điều đó. Tôi thấy mình ở một vai trò khác. Tôi muốn giúp Nga vượt qua cuộc khủng hoảng bi thảm này.

Nguồn: Garri Kasparow: „Der Verlust der Krim könnte einen Zusammenbruch auslösen“, WELT,

Nghiên cứu Quốc Tế / Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài