Non nước, mây trời và làng chài tại một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, huyền ảo trong sương sớm và khi hoàng hôn buông xuống.
Vịnh Lan Hạ trong làn sương giăng lúc gần 6h sáng. Vịnh rộng hơn 7.000 ha, nằm bao quanh quần đảo Cát Bà và liền kề với vịnh Hạ Long. Bức ảnh nằm trong bộ ảnh Cảnh sắc vịnh Lan Hạ do tác giả Phạm Huy Trung (TP HCM), nhiếp ảnh gia của Socom Media thực hiện, trong thời gian du lịch tại thành phố hoa phượng đỏ vào đầu tháng 6/2020.
Những đảo đá vôi phủ đầy cây xanh và thảm thực vật bồng bềnh trong sương mây. Vùng vịnh Lan Hạ nước lặng, có khoảng 400 hòn đảo lớn nhỏ và hiện là thành viên của Hiệp hội Câu lạc bộ Các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW).
Một trong những điểm tham quan tại vịnh Lan Hạ là làng nổi Cái Bèo, nằm giữa thung lũng núi đá vôi. Đây là một trong những làng chài lớn nhất nước, với 300 hộ dân mưu sinh trên các “ngôi nhà nổi bằng phao”, chủ yếu nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Trong bình minh, làng chài Cái Bèo nép mình bên các khối núi đá vôi tạo thành bức tranh rực rỡ và hài hòa giữa thiên nhiên – con người.
Du khách đến Cái Bèo trải nghiệm cảnh sinh hoạt kiếm sống của người dân chài lưới và có cơ hội tìm hiểu về lịch sử của làng chài này.
Theo khảo cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Cái Bèo là di chỉ khảo cổ học có giá trị quan trọng nhất hiện nay ở vùng ven biển và hải đảo đông bắc nước ta. Người dân từng sinh sống nhờ vào đánh cá biển và bắt sò, hàu cách đây khoảng 7.000 năm.
Sau khi được MBBW đưa vào danh sách các vịnh biển đẹp nhất thế giới và được thông báo trên Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng vào tháng 1/2020, vịnh Lan Hạ trở nên nổi tiếng hơn và là điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn với du khách, các nghệ sĩ trong nước và quốc tế.
Gần đây trong tháng 5/2020, tài tử Leonardo DiCaprio, diễn viên chính trong bom tấn Titanic đăng video dài 58 giây trên Instagram, quay cảnh đẹp vịnh Lan Hạ từ trên cao và ví nơi đây là “thiên đường”. Bên cạnh đó, Leonardo còn lưu ý vùng vịnh nổi tiếng này đang bị đe dọa bởi nước thải nhựa, các hoạt động du lịch không bền vững và biến đổi khí hậu. Do vậy du khách tới đây cần chung tay bảo vệ và giảm bớt tác động đến môi trường.
Vịnh Lan Hạ mờ ảo lúc hoàng hôn, chụp lúc 18h16. Lúc này, bầu trời như được nhuộm sắc đỏ cam của những tia nắng cuối cùng và phản chiếu lên mặt nước, mang đến vẻ đẹp khác biệt.
Ca nô lướt sóng ngang qua một du thuyền trên vịnh Lan Hạ. Các dịch vụ trải nghiệm du lịch phổ biến tại vịnh là chơi canô, chèo thuyền kayak hay bơi, lặn ngắm san hô tại những vùng nước lặng trong vịnh.
Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Lan Hạ hiện lên vẻ đẹp tràn ngập sắc xanh của núi, biển và những dãy núi đá vôi liên tiếp, đan xen với những hang động huyền bí.
Trên tuyến du lịch vịnh Lan Hạ, các điểm dừng chân nên ghé tham quan là hang Luồn, làng chài Cái Bèo, làng chài Việt Hải, đảo Nam Cát, đảo Khỉ, bãi tắm Vạn Bội, hòn Rùa và hòn Chuông. Khi đêm xuống, du khách có thể thưởng thức hải sản, với các món trứ danh là sam biển nướng, tu hài nướng, cua rang muối hay tôm hùm chần rượu vang.
Nếu không lưu lạc qua xứ người, chắc chẳng bao giờ tôi có cơ hội trở thành cô em gái thân thiết của anh chị Hoàng Hải Thủy, để được biết một chuyện không thể nào ngờ. Một nhà văn nổi tiếng, đẹp trai, hào hoa phong nhã như anh Hoàng Hải Thủy lại là một người chồng ngoan và ‘cực kỳ’ yêu vợ. Ở tuổi ngoài 80, nỗi lo sợ lớn nhất của anh Hoàng Hải Thủy là chị bỏ đi trước anh và anh phải sống một mình. Có lẽ tại anh chị có một tình yêu đẹp quá. Tôi dám nói như vậy vì anh có tặng tôi một tập thơ của anh xuất bản năm 1995. Trong tập thơ đó tôi cảm nhận được tình yêu nồng thắm của anh chị.
Hoàng Hải Thủy và những tác phẩm của ông
Mở đầu tập thơ là hình ảnh chị Hoàng Hải Thủy với nụ cười Mona Lisa. Hình này chị chụp có lẽ cũng vào lúc tóc đã điểm sương, nhưng trông vẫn còn đẹp lắm. Trên tấm ảnh là giòng chữ Tặng Alice (tên chị) Washington DC cuối thu 94. Dưới ký tên Hoàng Hải Thủy rất bay bướm.
Trang tiếp theo là 4 câu thơ Alice 54
Mùa thu mây trắng xây thành Tình em mầu ấy có xanh da trời Hoa lòng em có về tươi Môi em có thắm nửa đời vì anh?
Bài thơ thứ nhì là bài Yêu Hoài Ngàn Năm anh làm ngày 15 tháng 10 năm 1977 trong phòng biệt giam Nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu
Yêu Hoài Ngàn Năm
Yêu nhau ngày tháng qua nhanh Ba mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau Từ xanh đến bạc mái đầu Tình Ta nước biển một mầu như xưa Yêu bao giờ, đến bao giờ Thời gian nào rộng cho vừa tình ta? Lòng em hoa vẫn tươi hoa Môi em thắm đến em già chưa phai Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em Mặt trời có lặn về đêm Sáng mai em dậy bên thềm lại soi Cuộc đời có khóc, có cười Có cay đắng, có ngọt bùi mới hay Thu về trời lại xanh mây Ðầy trời anh thấy những ngày ta yêu Càng yêu, yêu lại càng nhiều Nhớ em, anh nhắn một điều: yêu em.
Đọc xong bài này, tôi chắc ai cũng cảm nhận được tình anh Hoàng Hải Thủy trao cho chị Alice tràn đầy và chung thủy đến thế nào.
Những ngày ở tù tuy buồn khổ, cơ cực, tình yêu cũng vẫn tạo cho anh cảm hứng làm những vần thơ cho chị. Những câu thơ đọc lên nghe nát cả lòng
Nằm trong khám tối âm u Buồn nghe đêm lạnh sương mù sa mưa Bồi hồi tưởng mái nhà xưa Ngày đi đã nát, bây giờ ra sao? Thương em nhạt phấn, phai đào Ðêm đêm trở giấc chiêm bao một mình Ngủ đi em, mộng bình minh Mưa bao nhiêu giọt là tình bấy nhiêu
*
Nằm trong khám tối nghe mưa Ðêm nào cũng thấy đêm thừa trống canh Thương nhau nên ngủ không đành Nhớ nhau nhưng mộng không thành em ơi Anh nghe từng tiếng lệ rơi Biết em đang khóc nên trời đổ mưa…
Về văn nghiệp, mới 10 tuổi cậu bé Dương Trọng Hải (tên thật của anh Hoàng Hải Thủy) đã nuôi mộng trở thành văn sĩ. Ngay năm 10 tuổi anh đã mê đọc cuốn tiểu thuyết Giông Tố của Vũ Trọng Phụng và Trường Đời của Lê Văn Trương. Anh rất phục các ông văn sĩ, anh thấy các ông như những ông Trời con vì các ông có quyền tạo ra các nhân vật trong truyện, tạo ra cuộc sống đa dạng cũng như định mệnh của các nhân vật đó. Anh bắt đầu viết văn năm 18 tuổi. Một năm sau, 1952 anh tham dự cuộc thi truyện ngắn do Nhật báo Tiếng Dội tổ chức. Chưa cần biết có được trúng giải hay không, chỉ cần truyện được chọn đăng là đã được trả 200$. Số tiền khá hấp dẫn với chàng trai 19 tuổi. Không ngờ truyện ngắn dự thi ‘Người Con Gái Áo Xanh’ của anh lại được giải nhất. Tiền thưởng là 3.000$. Ông Trần Tấn Quốc chủ nhiệm nhật báo Tiếng Dội đãi 3 người trúng giải Nhất, Nhì, Ba đi ăn tiệc cao lâu rồi đưa mỗi người một ngân phiếu. Đi lãnh tấm ngân phiếu thứ nhất quá lớn trong đời ở Ngân hàng về, anh biếu ngay bố mẹ 500$, chia cho các em một phần. Tiền còn lại anh đi may cho mình bộ complet đầu tiên với giá 700$.
Từ đó sự nghiệp văn chương của anh bắt đầu khởi sắc. Những truyện dài đăng trên các báo của anh rất hấp dẫn người đọc. Lần lượt các truyện dài đăng báo của anh như: Như truyện Thần Tiên, Tìm em nơi thiên đường, Định mệnh đã an bài, v.v. .. được các nhà xuất bản mua bản quyền xuất bản nhiều lần.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của anh là cuốn tiểu thuyết phóng tác Kiều Giang. Anh đã lấy tên cô con gái cưng, bé Kiều Giang lúc đó mới được 6 tháng để đặt tên cho tác phẩm này.
Nói tới nhà văn Hoàng Hải Thủy là ai cũng nghĩ ngay tới tác phẩm Kiều Giang. Điều này đã cho anh cảm hứng sáng tác bài thơ làm trong Sà lim Khu B, trại giam Phan Đăng Lưu năm 1978. Có những câu đọc muốn ứa nước mắt.
Người bạn tù hỏi qua song cửa Phải anh là Hoàng Hải Thủy Anh viết truyện Kiều Giang? Kiều Giang …! Ôi tên con, tên ngọc, tên vàng Làm bố vỡ tim và hồn nức nở Khi đặt tên con đâu ngờ có thuở Nghe tên con giữa chốn lao tù Những đêm dài ngục tối âm u Bố thấy mắt con sáng bừng rực rỡ Bố yêu con trong từng hơi thở Trong trái tim hồng, trong giòng máu đỏ Kiều Giang ơi, tiếng kêu thương nhớ Con có run da thịt đêm nay? Bố cho con trọn máu xương này.
Anh chị có 3 người con, 2 trai 1 gái. Hoài Nguyên và Kiều Giang ở Texas và Ohio. Hải Triều còn ở Việt Nam. Tôi hỏi tại sao anh chị lại chọn Virginia để định cư. Anh cho biết anh rất thân với anh Anh Ngọc (ca sĩ rất nổi tiếng của VN ngày xưa). Hồi anh còn ở VN, anh Anh Ngọc có gửi về cho anh một tấm ảnh anh chị Anh Ngọc ngồi trên một thảm cỏ xanh mướt, đằng sau là cả một rừng lá vàng. Anh Hoàng Hải Thủy mê ngay phong cảnh quá đẹp đó, nên khi có giấy tờ được sang Mỹ, anh chị quyết định chọn nơi có thảm cỏ xanh và rừng lá vàng tuyệt đẹp để định cư. Đó là tiểu bang Virginia, một tiểu bang có cái tên thật tình tứ “Virginia is for lovers”.
Thêm nữa, anh chị chọn Virginia vì ở Virginia có mấy người bạn thân và có bà Khúc Minh Thơ người hết lòng giúp đỡ cho những cựu tù nhân chính trị ở VN qua Hoa Kỳ tị nạn. Thời gian đầu anh chị hay tham dự những buổi họp văn nghệ. Từ 10 năm nay, vì tuổi tác anh chị không tham dự những hội hè đình đám nữa. Những ngày gần đây sức khoẻ chị suy yếu, chị bị ngã mấy lần, anh luôn luôn lo lắng chị sẽ bỏ anh đi trước. Anh tâm sự anh không thể sống thiếu chị. Tôi trêu anh, tại chị nấu ăn ngon và cưng anh quá. Chị Hoàng Hải Thủy làm chả giò rất ngon. Nhắc đến chả giò tôi lại nhớ đến một kỷ niệm rất cảm động với anh chị. Một hôm tình cờ gặp anh chị ở chợ Việt Nam bên Virginia. Chị em tôi mừng rỡ ôm chầm lấy nhau vì lâu quá hai chị em mới có dịp gặp gỡ. Chúng tôi ở cách xa nhau. Tôi ở Maryland, anh chị ở Virginia. Đang nói chuyện với tôi bỗng chị quay qua anh nói: “ Anh chịu khó lái xe về nhà lấy gói chả giò em để trên ngăn đá mang ra đây biếu cô Thủy. Em ở đây nói chuyện với cô ấy. Lâu quá chị em mới gặp nhau.”
Tôi cản thế nào cũng không được, anh đi thật nhanh ra xe để về nhà lấy chả giò cho tôi. Anh chị thương tôi như vậy đó và tôi cũng rất quí mến anh chị. Chị rất dễ thương nên được lòng nhiều bà hàng xóm
Một hôm tôi tới thăm anh chị nhằm lúc anh đi đón chị ở nhà thương vừa về tới. Tôi thấy một bình hoa hồng thật đẹp của bà ở gần đã để sẵn ở cửa để mừng đón chị về. Vào trong nhà lại thấy bao nhiêu là bánh trái. Anh nói của các bà hàng xóm thấy chị đau nên mang tặng. Có mấy ai được mọi người quí mến như anh chị đâu.
Tôi rất mừng thấy anh còn khoẻ mạnh dù tuổi đã cao. Ngoài 80 mà anh vẫn còn phong độ, sáng suốt. Vẫn lái xe đưa chị đi chợ và viết bài cho các báo. Điều hạnh phúc nhất là tình yêu của anh chị sau 62 năm vẫn còn thắm thiết như những ngày đầu.
Ngày đó gia đình chị đi Vũng Tầu nghĩ mát, thuê nguyên cả một cái Villa thật rộng. Anh họ của chị là bạn thân của anh, rủ anh cùng ra Vũng Tầu chơi.
Biển xanh, nắng vàng và những đêm trăng thơ mộng của Vũng Tàu đã cho cặp trai tài gái sắc có cơ hội gần gũi và nẩy sinh tình cảm chan chứa với nhau.
Kết quả anh tỏ tình và xin cưới chị. Anh kể: “Tối hôm trước vừa tỏ tình với chị thì ngay sáng hôm sau khi ra phố uống café, mua tờ báo đọc, thấy họ in trên trang nhất giòng chữ thật to Hiệp Định Genève vừa ký ngày hôm qua. Hết chiến tranh và chia đôi đất nước.Ngày anh chị quyết định kết hợp lại là ngày đất nước chia đôi thành hai miền Nam Bắc. Ngày đó không chỉ là ngày đặc biệt khiến anh chị nhớ mãi, mà cũng là ngày mà mọi người dân Việt không thể nào quên.”
Nếu bài viết kết thúc ở đây thì tuyệt quá, nhưng… ở đời có lúc chữ NHƯNG đến thật bất ngờ, mang tất cả niềm đau không ai chờ đợi. Cuộc sống của anh chị đang thật êm đềm, hạnh phúc,bỗng đứt đoạn chia lìa… Những lần tôi đến thăm, trong căn phòng khách nhỏ bé ấm cúng, anh chị ngồi tiếp tôi. Gương mặt anh lúc nào cũng rạng rỡ, ánh mắt reo vui nhìn chị nói chuyện thao thao bất tuyệt, thỉnh thoảng chị lại cười thật to, hai anh em tôi cũng cười góp vì chị nói chuyện rất có duyên. Chị kể đủ thứ chuyện, những ngày ở với cộng sản, anh đi tù, tụi cán bộ đến làm khó dễ chị, chị đã không sợ lại còn trả lời chúng những câu thật chua cay. Qua những mẩu chuyện chị kể, tôi rất phục chị, chị quả thật là người đàn bà can đảm, giỏi giang. Chị lo cho anh từng li từng tí, hèn gì anh cứ tâm sự với tôi anh không thể sống thiếu chị và cứ lo sợ chị sẽ ra đi trước anh. Nỗi lo sợ đó đã thành sự thật, chị đã bỏ anh đi thật rồi.Chị mất ngày 27 tháng 12 năm 2018.
Chị ra đi quá bất ngờ. Ngày Lễ Noel Kiều Giang về thăm bố mẹ, chị theo Kiều Giang đi mua sắm, đi chơi, chị rất khỏe và còn đòi đi uốn tóc, sửa soạn cho đẹp để ăn Tết. Đi cả ngày Kiều Giang sợ mẹ mệt, nói mẹ đi nằm nghỉ. Chị vào phòng nằm một lát rồi lại ra phòng khách ngồi nói chuyện. Đang nói chuyện chị than mệt, ngồi ngả đầu ra phía sau, nhịp tim hơi yếu. Đưa chị vào nhà thương, BS nói nhịp tim quá yếu, BS cố gắng cứu chữa nhưng không được. Chị đã trốn anh ra đi thật nhanh chóng, nhẹ nhàng.
Hôm đến viếng chị ở nhà quàn, nhìn anh ngồi trên xe lăn, khuôn mặt thất thần tôi không cầm được nước mắt. Tôi nắm tay anh chia buồn, hai anh em cùng khóc. Tôi biết anh đau buồn lắm, tôi rất lo, từ nay không có chị , không biết anh sẽ ra sao.
Nhớ Tết năm ngoái đến thăm anh chị, trên đường lái xe về, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh thật hạnh phúc. Căn phòng khách nhỏ ấm cúng với những bông cúc đại đóa vàng tươi, chiếc bánh chưng dán chữ mầu đỏ thắm phía ngoài, chờ đợi được bóc cho bữa cơm ngày Tết. Hộp mứt sen Bảo Hiên Rồng vàng trông thật hấp dẫn. Hai mái đầu bạc kề cận ngồi nhâm nhi mứt sen bên tách trà thơm bốc khói. Tết năm nay anh một mình một bóng, ai pha trà ngồi đối ẩm với anh đây?
Anh Hoàng Hải Thủy ơi, em nói vậy thôi chứ anh đừng nghĩ mình cô đơn và buồn nhé. Em biết lúc nào hồn chị cũng quanh quẩn bên anh. Chị chỉ tạm biệt anh đi trước thôi mà, chị sẽ chờ ngày tái ngộ với anh vì làm sao chị quên được lời anh dặn dò: “Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai. Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em.”
Từ ngày chị ra đi,anh sống âm thầm như một cái bóng. Lần nào tôi đến thăm, anh cũng chỉ nói một câu “anh chỉ muốn chết’. Tôi không ngờ tinh thần anh lại yếu như vậy. Hình như chị đã mang tất cả sức sống của anh đi theo chị rồi. Nhớ ngày nào, hình ảnh một anh Hoàng Hải Thuỷ tươi cười, mắt sáng long lanh, ngồi ngắm chị nói chuyện thao thao bất tuyệt với tôi một cách sung sướng, thỉnh thoảng anh mới chen vào một câu để phụ hoạ cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn của chị, hoặc chọc phá chị, để anh em tôi có cớ cười vui thoải mái. Bây giờ, trông anh buồn như một tầu lá úa.
Nhớ lần tôi đến thăm anh chị năm 2017, mang giấy mời Ra mắt Tác phẩm HOA TƯƠNG TƯ của tôi, anh cầm tờ thiệp mời trong tay nhìn tôi nói “lâu rồi anh chị không đi tiệc tùng, họp mặt gì nữa.Chân chị yếu lắm không ngồi lâu được, mà anh không muốn đi một mình. Cô thông cảm nhé “ Tôi đang định trả lời: Dạ, em hiểu, thì chị đã cao giọng ra lệnh: Anh phải đi chứ, không đi cô Thuỷ buồn. Rồi chị quay sang tôi: “ lâu lắm rồi anh không đi đâu nữa hết, anh chị ở ẩn rồi cô ơi, nhưng ra mắt sách của cô thì chắc chắn anh sẽ đi, cô yên tâm nhé”. Anh ngồi im re, hình như chị là “phát ngôn viên”của anh.Thấy anh không nói gì, tôi cũng không hy vọng là anh sẽ có mặt trong buổi RMS của tôi, vì thường các ông không cãi lại lời của các bà vợ, vì nể hay vì biết cãi cũng thua. Các ông mặc kệ vợ nói gì tha hồ, nhưng rồi đường ta ta cứ đi, giống như ông chồng của tôi vậy. Nhưng anh Hoàng Hải Thuỷ thì khác, “ Vợ muốn là Trời muốn”. Ngày RMS của tôi, anh xuất hiện cùng anh Đào Trường Phúc, trông anh vẫn chải chuốt, hào hoa phong nhã như thuở nào. Không những chỉ anh đến tham dự, mà chị còn làm cho tôi bao nhiêu là chả giò thật ngon và một hũ đồ chua to tổ bố để đãi khách.
Tình cảm anh chị dành cho tôi tràn đầy, ấm áp… như chiếc áo len tôi đang mặc do chính tay chị đan cho tôi. Chị rất khéo tay, cơm nước, may vá thêu thùa đều giỏi, lại là người rất tình cảm, chu đáo và yêu anh vô cùng. Chị đúng là người vợ toàn hảo, hỏi sao anh không thể nào nguôi nỗi nhớ, niềm đau?
Tin anh ra đi thật bất ngờ với mọi người, riêng tôi đã linh cảm từ những ngày đầu có dịch “cô vít”.
Anh sống rất khép kín, ít chịu giao tiếp với thế giới bên ngoài .Con cái ở xa hết.Người thân mà anh chấp nhận liên lạc đếm trên đầu ngón tay. Cuộc sống anh từ ngày chị ra đi đã rất cô đơn. Bây giờ với nạn dịch bệnh, còn ai thăm viếng ? anh lại càng cô đơn và buồn hơn nữa. Ý nghĩ “chỉ muốn chết” vẫn nằm trong tâm khảm anh từ lâu, chắc lại còn mãnh liệt hơn nhiều.
Anh ra đi, để lại đau buồn cho những người thân ở lại, nhưng với riêng anh, tôi biết là một ước muốn khôn nguôi. Anh đã đến được nơi anh hằng mong đợi, xum họp với nàng ALICE, người yêu muôn thuở của anh.
Năm mươi năm sau ‘cuộc đảo chính’ Chiến tranh Lạnh của Nixon, người Mỹ đang đối mặt với một trật tự toàn cầu mới.
Chúng ta không thường xuyên được gặp những người có số tuổi đạt đến ba chữ số. Henry Kissinger, người sẽ bước sang tuổi 99 vào tháng này, hiện đã già hơn bất kỳ chính khách nào còn sống trên thế giới. Tại Lễ hội FTWeekend ở Washington vào thứ Bảy tuần trước, chiến lược gia Chiến tranh Lạnh đã nhận xét rằng nhân loại “hiện đang sống trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới.” Xét đến việc ông đã sống được 40% lịch sử nền cộng hòa Mỹ, Kissinger có quyền đưa ra nhận định đó – bất kể người ta nghĩ thế nào về hồ sơ đầy tranh cãi của ông.
Thế nhưng William Burns, 66 tuổi, giám đốc CIA, mới là người mang đến tin tức chính của lễ hội. Burns nói rằng Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc, “đang lo lắng trước những tổn hại về danh tiếng có thể xảy đến với Trung Quốc khi họ ủng hộ sự tàn bạo trong hành động xâm lược của Nga đối với người Ukraine”.
Tuy nhiên, bất chấp việc Vladimir Putin đe dọa dùng đến vũ khí hạt nhân, Burns nói rằng Mỹ vẫn tiếp tục coi Trung Quốc, chứ không phải Nga, là đối thủ chính của mình. “[Putin] thể hiện theo một cách rất đáng lo ngại rằng các cường quốc đang suy yếu có thể làm loạn, chí ít cũng bằng với các cường quốc đang trỗi dậy,” ông nói. Nhưng Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn.
Một trong những lợi ích của lịch sử là nó cho phép bạn hình dung ngày hôm nay dưới một góc nhìn khác. Như câu nói của người Liên Xô: “Tương lai là tất định. Quá khứ mới là vô định.” Tuy nhiên, hiện tại của ngày hôm nay là điều mà người ta có thể định hình.
50 năm trước, Kissinger và Tổng thống của ông, Richard Nixon, đã thay đổi cục diện Chiến tranh Lạnh bằng cách mở cửa với Trung Quốc của Mao Trạch Đông. Bằng cách gia tăng sự chia rẽ giữa quốc gia cộng sản lớn nhất thế giới và quốc gia cộng sản hùng mạnh nhất thế giới, chuyến thăm Trung Quốc của Nixon được cho là nước đi hay nhất của Mỹ trên bàn cờ Chiến tranh Lạnh. Đã từng có thời người Mỹ và người Trung Quốc cùng nhau vui vẻ nâng ly, sau khi Nixon và Mao ký Thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 – vốn đã được Kissinger bí mật lên kế hoạch bằng chuyến đi ẩn danh tới Bắc Kinh, qua ngả Pakistan. Nhưng ngày kỷ niệm 50 năm của sự kiện này đã trôi qua trong im lặng hồi tháng 2 năm nay. Nhà Trắng của Joe Biden đã phớt lờ đề nghị tổ chức lễ kỷ niệm chung của Trung Quốc.
Lịch sử giờ đã quay ngoắt 180 độ. Năm 1972, Nixon dễ dàng gạt bỏ những lời chỉ trích từ cánh hữu khi thực hiện một thỏa thuận với Mao ngay giữa bối cảnh Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc. Bộ máy chính sách đối ngoại của Mỹ, theo bản năng, đã tận dụng được bước đi này, khiến Liên Xô bị cô lập và suy yếu hơn. Vô đạo đức nhưng hiệu quả. Tất nhiên, ví dụ tương tự thường được nhắc đến là liên minh Mỹ-Anh với Liên Xô của Stalin nhằm đánh bại chủ nghĩa Quốc xã.
Ngược lại, Washington ngày nay gần như nhất trí về một chính sách đối ngoại xem Trung Quốc và Nga là anh em sinh đôi, dù bây giờ Nga đã trở thành ‘cậu em’ yếu hơn. Tổng thống Biden xem chính trường toàn cầu là cuộc cạnh tranh giữa chuyên chế và dân chủ. Kissinger rõ ràng không đồng ý, dù ông luôn cẩn thận không bao giờ lên tiếng công khai về những vấn đề quan trọng. Vị chính trị gia đáng kính không chỉ trả lời bằng loại ngôn từ bí ẩn kiểu Yoda, mà tư thế khom lưng của ông cũng gợi nhớ về nhà hiền triết trong Chiến tranh giữa các vì sao. Sự khác biệt trong ý thức hệ không nên là vấn đề chính của cuộc đối đầu, ông nói, “trừ khi chúng ta sẵn sàng biến việc thay đổi chế độ trở thành mục tiêu chính trong chính sách của chúng ta.”
Vậy còn CIA nghĩ gì? Câu hỏi này thường có liên quan vì Burns – nhà ngoại giao chuyên nghiệp đầu tiên trở thành người đứng đầu cơ quan tình báo chính của Mỹ trong 80 năm tổ chức này tồn tại – luôn được đánh giá cao không kém bất kỳ ai trong chính quyền Mỹ. Một trong những người hâm mộ ông lâu dài nhất chính là Biden. Tuy nhiên, Burns đã được nhất trí bổ nhiệm bởi một Thượng viện Mỹ phân cực, một điều hiếm hoi tựa như việc nhìn thấy vật thể bay không xác định ở Washington ngày nay. Một số nhà ngoại giao nước ngoài gọi ông là “Ngoại trưởng thứ hai.”
Tháng 11 năm ngoái, khi lực lượng Nga tập trung đông đảo ở biên giới Ukraine, Biden đã cử Burns đến nói chuyện với Putin ở Moscow. Đây lại là một lần đầu tiên khác. Những người đứng đầu cơ quan tình báo thường không được tuyển dụng để gặp gỡ những người đứng đầu các quốc gia có vũ khí hạt nhân. Dù đúng là Putin từng đứng đầu FSB, trước đây được gọi là KGB, nhưng hai người không phải đồng cấp.
Tuy nhiên, Burns là một giám đốc tình báo khác thường. Trải qua nhiều năm ở D.C., tôi chưa hề bắt gặp một nhân vật của công chúng nào mà không ai có thể nói xấu. Lần gần nhất tôi gặp ông là tại buổi ra mắt bộ phim James Bond cuối cùng của Daniel Craig, do Đại sứ quán Anh tổ chức vào tháng 10 – một bộ phim tưởng như còn kéo dài hơn cả Chiến tranh Lạnh, với những cuộc đối thoại chắc chắn tệ hơn nhiều. Burns đã vui vẻ tạo dáng chụp một bức ảnh iPhone bên cạnh một khung hình của Bond sắp hết thời.
Việc lắng nghe Giám đốc CIA bình luận theo thời gian thực về một cuộc chiến gần như là chiến tranh ủy nhiệm giữa hai cường quốc vũ trang hạt nhân lớn là một trải nghiệm siêu thực (Nga có số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược nhiều như Mỹ; riêng về khoản này, Trung Quốc đứng thứ ba, với khoảng cách rất xa). Là một cựu đại sứ Mỹ nói tiếng Nga tại Moscow, Burns hiểu Putin rất rõ. “Tôi đã đối phó và theo dõi Tổng thống Putin trong nhiều năm, và điều tôi thấy, đặc biệt là trong thập niên vừa qua, là ông ấy giống như một mồi lửa của buồn phiền, tham vọng, và bất an – tất cả được cuộn tròn lại cùng nhau,” Burns nói. “Mức độ chấp nhận rủi ro của ông ấy đã tăng lên trong những năm qua, khi quyền lực của ông ngày càng mạnh hơn, và vòng tròn cố vấn của ông ngày càng thu hẹp lại.”
Một phần vì Mỹ tích cực sử dụng “tình báo phủ đầu” – giải mật có chọn lọc các kế hoạch quân sự của Putin – nên Nga đã buộc phải bắt đầu lại từ đầu. Đối với Ukraine, và những người ủng hộ NATO của họ, triển vọng quân sự hiện tại đang lạc quan hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi cuộc xâm lược nổ ra ngày 24/02. Cuộc tấn công chớp nhoáng nhắm vào Kyiv của Putin đã bị hủy bỏ trong tháng 4, sau khi vấp phải sự kháng cự quyết liệt của người Ukraine, và còn vì lý do thương vong nặng nề. Các vấn đề về tiếp tế và tinh thần đã tạo ra vụ tắc đường dài nhất trên thế giới – đoàn xe tăng và xe bọc thép dài 65 km của Nga cuối cùng đã buộc phải lùi lại.
Nguyên nhân khiến Putin bị sỉ nhục đến từ việc Ukraine có nguồn thông tin tình báo phương Tây về các kế hoạch chiến đấu của Nga rất tốt. Theo Burns, thông tin tình báo phủ đầu cũng cướp đi những luận điệu mà Putin dùng cho cuộc xâm lược. “Tôi nghĩ rằng rất hữu ích khi tước khỏi tay Putin điều mà sau nhiều năm quan sát tôi biết rằng ông ấy đã thành thạo, đó là tạo ra những câu chuyện giả dối để mở đường cho những chiến dịch treo cờ giả (false-flag operations)” ông nói.
***
Hôm thứ Hai, Putin đã phủ nhận lo ngại về một cuộc tấn công mới và về việc mở rộng chiến tranh trong lúc ông phát biểu với dáng vẻ gần như cam chịu tại Quảng trường Đỏ. Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 09/05 hàng năm, ngày kỷ niệm vai trò của người Nga trong việc đánh bại Đức Quốc xã trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, được coi là thời điểm để Putin tiết lộ thêm điều mà Kissinger gọi là quan điểm “gần như thần bí” của Tổng thống Nga về lịch sử. Về cơ bản, Putin đã viết lại quá khứ để phục vụ cho câu chuyện của ông về “phi phát xít hóa” Ukraine, cũng như liên kết NATO với thế giới quan bị cho là phát xít của Kyiv. Những sửa đổi của Putin đã tách Mỹ và Anh khỏi chiến thắng trước chủ nghĩa Quốc xã năm 1945. Chúng cũng ngó lơ Hiệp ước Bất tương xâm Xô-Đức năm 1939, trong đó hai chế độ đã đồng ý phân chia Ba Lan và các khu vực khác ở Đông Âu. Liên Xô thực ra đã chiếm Ukraine từ 20 năm trước.
Burns phát biểu hai ngày trước cuộc duyệt binh ở Moscow. Nhưng ông tin chắc rằng cuối cùng Putin sẽ quay trở lại tấn công. Ông nói, cuộc chiến có lẽ đang bước vào giai đoạn tiêu hao, trong đó Nga sẽ tìm cách củng cố và mở rộng vùng đất họ chiếm được ở phía đông, trước khi tập hợp lại để thực hiện một cuộc tấn công khác vào Kyiv. “Tôi nghĩ rằng ngay bây giờ, ông ấy bị thuyết phục rằng nếu quyết tâm, ông vẫn có thể đạt được tiến bộ,” Burns nói.
Cho đến nay, thành tích của tình báo Mỹ vẫn rất tốt. Ngoại trừ khả năng quân sự kém cỏi của Nga, điều khiến mọi người phải ngạc nhiên, chính quyền Biden đã đoán đúng gần như mọi động thái của Putin trước khi ông ta thực hiện chúng. Tuy nhiên, xác định lằn ranh đỏ cuối cùng của Putin có lẽ lại là câu chuyện của phỏng đoán. Có vẻ như ngay cả Putin, người chưa cho thấy ông đã nâng cấp chất lượng tình báo của chính mình – vốn còn tệ hơn cả tình báo Ukraine – cũng không biết đâu là lằn ranh đỏ của mình.
Điều này đặt ra một câu hỏi lớn hơn, về việc liệu Biden có đang đẩy sự can dự của Mỹ đi quá xa hay không. Khi chiến tranh nổ ra, Tổng thống đã rất nỗ lực để hạ thấp vai trò của Mỹ trong việc cung cấp vũ khí và dữ liệu cho Ukraine. Lính Nga càng bộc lộ nhiều điểm yếu quân sự, và nhiều hành vi tàn ác càng bị vạch trần, thì Biden càng trở nên táo bạo. Vào tháng 4, ông đã gọi Putin là tội phạm chiến tranh. Ông cũng mô tả cuộc chiến của Nga với Ukraine là “tội ác diệt chủng.” Tuần trước, các quan chức giấu tên tiết lộ với New York Times rằng tình báo Mỹ đã xác định được danh tính 12 tướng Nga đã thiệt mạng trong chiến tranh. Một nguồn tin khác của Washington Post nói rằng cơ quan tình báo Mỹ đã hỗ trợ điều phối để giúp đánh chìm Moskva, soái hạm của Nga trên Biển Đen, một trong những đòn tấn công hải quân tàn khốc nhất trong nhiều thập niên.
Biden đã khó chịu khi chứng kiến loạt thông tin rò rỉ, vốn không được giải mật hay được ủy quyền. Nhưng thật khó để không có ấn tượng rằng giọng điệu của Washington đã chuyển từ thận trọng sang khoe khoang. Burns chắc chắn không mong muốn điều này. “Thật là vô trách nhiệm,” ông nói. “Việc mọi người nói quá nhiều, cho dù là tiết lộ tin mật ở nơi riêng tư, hay thảo luận công khai về các vấn đề tình báo, đều rất nguy hiểm.”
Điều này trở nên đặc biệt đúng khi đối thủ, vốn sở hữu vũ khí hạt nhân, đưa ra thật nhiều gợi ý về chuyện leo thang, vốn là điều mà Putin và các quan chức của ông đang làm. Dù Burns nói rằng tình báo Mỹ chưa phát hiện ra những dấu hiệu cụ thể cho thấy Putin đang triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng tình hình có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Luận điệu tận thế của Moscow hiện trái ngược hẳn với phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh – chí ít là kể từ Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 – khi cả Washington và Moscow đều nói về vũ khí hạt nhân bằng thứ ngôn ngữ mơ hồ.
Burns nói, “Tôi nghĩ điều cực kỳ quan trọng mà cả người Nga và người Mỹ cần nhớ là, ngày nay, chúng ta vẫn là siêu cường hạt nhân duy nhất trên thế giới. Chúng ta cùng nhau kiểm soát 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới, và ngay cả trong giai đoạn tồi tệ nhất của Chiến tranh Lạnh, các nhà lãnh đạo của Nga và Mỹ đều thể hiện nhận thức rằng chúng ta có những khả năng đặc biệt nhưng cũng có những trách nhiệm đặc biệt.”
***
Vậy tiếp theo là gì? Mục tiêu chính thức của Mỹ là muốn Nga bị đánh bại ở Ukraine. Còn mục tiêu không chính thức, mà Biden cũng chẳng buồn ngụy trang, là buộc Putin phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh của ông ta. Nói cách khác, Mỹ không muốn gì hơn là một sự thay đổi chế độ. Điều này cũng hoàn toàn đúng với Trung Quốc. Như Burns đã chia sẻ trong phỏng vấn với Financial Times, “Không một phút nào tôi không nghĩ rằng cuộc chiến Ukraine đã làm xói mòn quyết tâm giành quyền kiểm soát Đài Loan của Tập trong thời gian qua,” Trung Quốc của Tập Cận Bình vẫn là “thách thức địa chính trị lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt lâu dài với tư cách là một quốc gia.”
Giữa bối cảnh chiến tranh Ukraine, Biden dự kiến sẽ tới thăm Hàn Quốc và Nhật Bản vào tuần tới – chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Tổng thống kể từ khi ông đến Warsaw vào tháng 4. Tuần này, ông sẽ tiếp các nhà lãnh đạo của ASEAN, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, tại Washington. Mục tiêu của Mỹ là cô lập Trung Quốc và sau đó thực hiện một số hình thức để “phân tách” kinh tế, dù vẫn còn thiếu nhiều chi tiết rõ ràng về cách thức triển khai trong thực tế.
Ngày nay, tinh thần chống Trung Quốc ở Washington cũng lên cao như xu hướng phân chia lưỡng đảng. Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa gọi Trung Quốc là “đế chế ma quỷ mới.” Tháng trước, một nghị sĩ Đảng Cộng hòa đề xuất một dự luật mới, gọi là luật AXIS – Đánh giá sự Can thiệp và Lật đổ của Tập (Assessing Xi’s Interference and Subversion) – trong đó yêu cầu bộ ngoại giao Mỹ báo cáo về mức độ hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga trong cuộc chiến. Tất nhiên, tên của dự luật là sự gợi nhớ đến liên minh phát xít giữa Đức, Ý, và Nhật trong Thế chiến II.
Trường phái chính sách đối ngoại “hiện thực”, mà Kissinger đại diện, đã gây được ấn tượng mạnh trong thời gian gần đây, và điều đó là xứng đáng. Ý tưởng rằng Nga nên có khu vực ảnh hưởng của riêng mình, bao gồm Ukraine, và việc phản đối sự mở rộng của NATO, có vẻ như là những luận điệu trơ trẽn nếu xét mong muốn chiếm đất rõ ràng của người Nga. Không chỉ là vô đạo đức, mà đó còn là hành động tự hại mình. Nếu Putin thắng ở Ukraine, toàn bộ châu Âu sẽ rơi vào bất ổn. Nhưng mọi thứ có thể sẽ khác, một khi Nga buộc phải thừa nhận thất bại quân sự của mình, vốn có vẻ là điều cuối cùng sẽ diễn ra. Tại thời điểm đó, Mỹ sẽ rơi vào một tình huống chưa từng có, khi phải đối đầu với hai cường quốc quân sự toàn cầu trong một liên minh mang tính tình thế nhằm chống lại Mỹ.
Cuộc xâm lược của Putin đã tạo ra hai phản ứng khác biệt trên khắp thế giới. Phương Tây hiếm khi nào đoàn kết hơn lúc này. Đức đã phá bỏ lập trường tồn tại hàng thập niên của mình – xoa dịu Nga thông qua thương mại và đầu tư. Thay vì nói về việc “Phần Lan hóa” Ukraine, đảm bảo tính trung lập của nước này, giờ đây có vẻ như Phần Lan sẽ tham gia NATO. Thụy Điển cũng đang cân nhắc sẽ làm như vậy.
Tuy nhiên, ngoài phương Tây, thế giới đã phản ứng khác. Các nước lẽ ra thuộc phe dân chủ theo ranh giới phân chia toàn cầu của Biden, chẳng hạn như Ấn Độ và Mexico, đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc nhằm lên án hành vi xâm lược của Putin. Nhìn chung, những nước bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống để ủng hộ Nga đại diện cho hơn một nửa dân số thế giới. Nếu sau cùng chính quyền Biden buộc các nước thứ ba phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh phân tách kinh tế và công nghệ, thì không rõ phần lớn sẽ đi theo con đường nào. Ví dụ, các nước ASEAN có trao đổi thương mại với Trung Quốc gần gấp đôi so với Mỹ. Họ không muốn bị buộc phải lựa chọn. Nhưng nếu họ buộc phải chọn, thì câu trả lời có thể không phải là Washington.
Theo cách nói của Robert Kagan, Mỹ là một “quốc gia nguy hiểm” – đó là một cách nói khác rằng Mỹ đã sẵn sàng sử dụng vũ lực để xuất khẩu lý tưởng của mình. Tuy nhiên, lịch sử cho chúng ta biết rằng, Mỹ hoạt động hiệu quả nhất khi thực dụng, chẳng hạn như trong Chiến tranh Lạnh và Thế chiến II. Câu hỏi quan trọng thời hậu chiến đối với Mỹ sẽ là liệu họ có tìm cách thúc đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, hay sẽ tìm kiếm những cách thức ngoại giao sáng tạo để phá lỏng sự liên kết này.
Với cả hai cách tiếp cận, rủi ro đều rất lớn. Kissinger nói, “Hiện chúng ta đang phải đối mặt với những công nghệ mà sự trao đổi nhanh chóng … có thể tạo ra mức độ thảm họa thậm chí không thể tưởng tượng được.” Thế giới đang chứng kiến việc lịch sử của Nga có thể khó lường đến mức nào. Nhưng việc Putin lạm dụng quá khứ có thể trở nên không là gì so với sự bất định đang bao trùm tương lai của tất cả mọi người.
Edward Luce là biên tập viên về Mỹ của Financial Times
Bộ tứ nguyên thủ: Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi – Tokyo ngày 24 Tháng Năm 2022 (ảnh: Zhang Xiaoyou – Pool/Getty Images)
Bộ Tứ ngày càng mạnh
Cuối năm 2017, khi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ quyết định sẽ làm sống lại cuộc đối thoại không chính thức của họ sau một thập niên gián đoạn, Trung Quốc tự tin “cuộc tái hợp” sẽ sớm thất bại. Đầu năm 2018, vài tháng sau khi nhóm triệu tập cuộc họp cấp cao đầu tiên tại thủ đô Manila của Philippines, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mỉa mai về Đối thoại An ninh Tứ giác (Quadrilateral Security Dialogue) hay gọi tắt là “Bộ tứ” (Quad): “Có vẻ như không bao giờ họ thiếu các ý tưởng để gây sự chú ý!”. Vương kết luận: “Cũng giống như bọt biển ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, chúng có thể gây chú ý, nhưng sẽ nhanh chóng tan biến!”.
Hơn bốn năm sau, Quad không hề có dấu hiệu tan rã, mà vẫn phát triển rất tốt, cả động lượng, uy thế và ảnh hưởng. Được tập hợp xung quanh khẩu hiệu “Vì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, bốn nước đã tổ chức hai cuộc tập trận hải quân kể từ 2020 và các lãnh đạo đã hợp ba lần kể từ năm ngoái, kể cả hội nghị thượng đỉnh mặt đối mặt tại Toà Bạch Ốc. Ngày 24 Tháng Năm 2022 bốn lãnh đạo lại gặp mặt đối mặt tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản và được xem là điểm nhấn trong chuyến công du đầu tiên của Joe Biden tới châu Á trên cương vị Tổng thống để tăng cường liên minh và quan hệ đối tác để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Cuộc gặp cũng chứng kiến sự khinh thường ban đầu của Trung Quốc đã trở thành cảnh báo khi Bắc Kinh tố cáo Quad là “một phần trong nỗ lực của Washington nhằm bao vây Trung Quóc bằng các đồng minh chiến lược và quân sự”. Lo ngại của Trung Quốc tăng lên kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine khi sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với Moscow chỉ làm tổn hại thêm hình ảnh toàn cầu và khiến Trung Quốc bị cô lập hơn trên thế giới. Trong khi Biden đi khắp thế giới củng cố các mối quan hệ, người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình không rời Trung Quốc trong 25 tháng qua. Sự bùng nổ ngoại giao mới nhất của Biden, với các điểm dừng Hàn Quốc và Nhật Bản, khiến Bắc Kinh đặc biệt khó chịu.
Quan hệ Mỹ-Nhật tiếp tục được thắt chặt trước sự dòm ngó bực tức của Bắc Kinh (ảnh: David Mareuil/Anadolu Agency via Getty Images)
Mô hình hợp tác đa dạng
Tuy nhiên, các nhà quan sát nhấn mạnh Quad không phải là “NATO châu Á” và Quad cũng không có ý định trở thành một khối. Thay vào đó, tính linh hoạt của Quad như một diễn đàn không chính thức cho phép nhóm xây dựng nhiều quan hệ đối tác hơn và mở rộng các lĩnh vực hợp tác, gồm cả “Bộ khung hợp tác Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương” (Indo-Pacific Economic Frameword) mà Biden dự kiến khởi động ở Tokyo. Các chuyên gia cho rằng bộ khung này sẽ tạo động lực cho sự hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa các nước trong nhóm, chẳng hạn như về cơ sở hạ tầng và phục hồi chuỗi cung ứng. Bà Kristi Govella, Phó giám đốc Chương trình Châu Á tại Quỹ Marshall của Đức nhận định: “Quad đang cố gắng nhấn mạnh một chương trình nghị sự tích cực để cung cấp nhiều hơn những gì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần chứ không phải trở thành một thực thể chống Trung Quốc như NATO”.
Jean-Pierre Cabestan, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Baptist Hong Kong, khẳng định: “Quad không phải là một liên minh chính thức như NATO. Đó không phải NATO của châu Á. Cấu trúc an ninh của khu vực là một tập hợp các liên minh song phương do Mỹ lập ra sau Thế chiến thứ hai, với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Philippines. Vì vậy, nó không giống NATO ở Đông Á”. Việc Trung Quốc xem thường Quad trước đây dựa trên một tiền lệ. Năm 2007, khi Quad được đề xuất bởi Thủ tướng Nhật Bản lúc đó Shinzo Abe, nó chỉ tồn tại chưa đầy một năm do sự khác biệt về lợi ích và áp lực từ Bắc Kinh. Nhóm sụp đổ vào Tháng Một, 2008, sau khi Úc tuyên bố rút khỏi nhóm để theo đuổi quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, các tính toán địa chính trị và chiến lược trong khu vực đã thay đổi mạnh mẽ trong thập niên qua.
Quad – tá lực đả lực
Dưới thời Tập, Trung Quốc đã từ bỏ câu khẩu hiệu tồn tại hàng thập niên của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình: “Ẩn mình chờ thời”. Thay vào đó, ban lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi một chính sách đối ngoại hung hăn hơn, sẵn sàng sử dụng cơ bắp kinh tế và sức mạnh quân sự để răn đe! Một năm sau khi ông Tập nhậm chức, Trung Quốc bắt đầu xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên khắp vùng Biển Đông tranh chấp và khoe cơ bắp với Nhật Bản; điều các tàu tuần duyên của Trung Quốc vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku đang tranh chấp (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) và đưa máy bay chiến đấu vào các vùng trời khu vực.
Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, Trung Quốc áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt thương mại chống Úc sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19. Dọc theo biên giới Himalaya đang tranh chấp với Ấn Độ, binh lính Trung Quốc và Ấn Độ bị lôi vào cuộc xung đột đẫm máu nhất trong bốn thập niên qua. Căng thẳng đã đẩy các quốc gia này tiến gần hơn đến quỹ đạo của Washington dưới thời Biden và sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc đã trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của họ.
“Động lực lớn nhất cho sự hồi sinh của Quad là sự quyết đoán và hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc – Yuki Tatsumi, đồng giám đốc Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson, nhận xét – Cách hành xử vô phép của Trung Quốc không chỉ ở Biển Đông, Biển Hoa Nam mà còn ở Ấn Độ Dương, suốt dọc khu vực đảo Thái Bình Dương đã giúp các nước Quad có nhận thức về Trung Quốc giống nhau hơn”. Khi Bắc Kinh ngày càng xa cách Mỹ và các đồng minh phương Tây, nó càng xích lại gần Moscow, nhưng quan hệ đối tác “không có giới hạn” đã làm khó cho Trung Quốc nhiều hơn sau khi Nga xâm lược vô cớ Ukraine, gây phẫn nộ toàn cầu.
“Sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với Moscow đã tái khẳng định hình ảnh Trung Quốc là kẻ phá bỏ trật tự quốc tế mà các nước trong khu vực đều được hưởng lợi” – Tatsumi nói. Dù Quad chưa bao giờ đề cập công khai đến Trung Quốc nhưng Tháng Chín năm ngoái, tại Washington, nhóm đã cam kết “thúc đẩy trật tự tự do, cởi mở, dựa trên quy tắc, luật pháp quốc tế và không bị ép buộc”, một ám chỉ hành vi hung hăng của Trung Quốc trong khu vực. Đáp lại, các nhà ngoại giao Trung Quốc nhiều lần chỉ trích Quad “phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực”. Tháng Ba qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) nói: “Việc xây dựng các vòng tròn hoặc nhóm nhỏ khép kín và độc quyền cũng nguy hiểm như chiến lược mở rộng về phía đông của NATO ở châu Âu. Nếu động thái này tiếp tục, không bị kiểm soát, nó sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, và cuối cùng đẩy châu Á – Thái Bình Dương vào vực thẳm!”.
Một cuộc tập trận của thủy quân lục chiến Mỹ với Lực lượng Phòng vệ Nhật tại trại Soumagahara, Gunma, Nhật (ảnh: Richard Atrero de Guzman/Anadolu Agency/Getty Images)
Thay đổi để tồn tại
Các chuyên gia cho rằng phản ứng nhanh chóng và phối hợp của NATO đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine có thể khiến Bắc Kinh cảnh giác. Trung Quốc xem nền dân chủ tự quản của Đài Loan là ly khai và không loại trừ sử dụng vũ lực để thống nhất. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đang ở mức cao nhất trong những thập niên gần đây, khi quân đội Trung Quốc gửi số máy bay chiến đấu kỷ lục áp sát hòn đảo, một sự phô trương sức mạnh quá mức. Trong cuộc họp vào Tháng Ba để nói về cuộc khủng hoảng Ukraine, Quad ra tuyên bố “Không cho phép dùng vũ lực thay đổi đơn phương hiện trạng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
Không như Nhật Bản và Úc, Ấn Độ không phải là đồng minh của Mỹ vì theo truyền thống Ấn theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết kể từ ngày độc lập. Trong những năm gần đây, Quad đã chuyển hướng từ tập trung vào các vấn đề an ninh đến bao gồm nhiều lĩnh vực hợp tác hơn, nhằm cố gắng giải quyết tốt hơn các nhu cầu của khu vực. Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên vào Tháng Ba năm ngoái, các lãnh đạo Quad cam kết cung cấp một tỷ liều vaccine Covid-19 cho châu Á vào cuối năm 2022. Quad cũng thành lập các nhóm làm việc về biến đổi khí hậu, đổi mới công nghệ và phục hồi chuỗi cung ứng.
Dưới mắt Bắc Kinh, những nỗ lực này là một thách thức trực tiếp. Trước mắt, Quad sẽ cần phải chứng minh sẽ thực hiện những lời hứa. Những nỗ lực trước đây của Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế với khu vực, chẳng hạn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, đã gặp khó khăn và Mỹ cần thuyết phục các đồng minh và đối tác tiềm năng rằng Mỹ sẽ tiếp tục cam kết với khu vực sau nhiệm kỳ của Biden.
Susannah Patton, nhà nghiên cứu tại Viện Lowy ở Sydney, nhận định: “Quad đã vượt quá kỳ vọng của nhiều nhà quan sát và trở thành phương tiện để các thành viên trình bày một tầm nhìn khác về khu vực và cảnh báo với Bắc Kinh là họ không phải muốn làm gì thì làm! Trong tương lai, sự phát triển của Quad phần lớn sẽ phụ thuộc vào hành vi của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục phá hoại các chuẩn mực an ninh, hợp tác khu vực và ép buộc các nước khác, Quad sẽ mạnh hơn nữa”.
Đối với người Ukraine, rõ ràng ngay từ đầu cuộc xâm lược của Nga, đây không phải là “hoạt động đặc biệt” để giải phóng vùng Donbas, như Vladimir Putin từng tuyên bố. Đó là cuộc chiến toàn diện.
Nhưng ở Nga, đó là tội hình sự nếu gọi như vậy.
Hàng chục người đã bị truy tố theo luật “tin tức giả”, như đã biết. Họ phải đối mặt với mức án lên tới 15 năm sau song sắt vì thách thức cách tường thuật chính thức về cuộc xâm lược của Nga hoặc chỉ trích quân đội.
Đó là sự gia tăng đáng kể về kiểm duyệt ở Nga, nơi Vladimir Putin đã dành hai thập niên cầm quyền để loại bỏ các đối thủ, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận và bịt miệng truyền thông độc lập: một sự phá bỏ nền dân chủ đang gây ra những hậu quả tàn khốc ở Ukraine.
Vladimir Kara-Murza cố gắng cảnh báo về sự nguy hiểm. Trong một bài phát biểu tại Mỹ vào tháng 3, nhà hoạt động đối lập Nga đã chỉ trích các nhà lãnh đạo phương Tây vì đã liên tục tìm cách “nối lại” quan hệ với ông Putin, cho phép các quốc gia của họ hoạt động như thiên đường của tiền bẩn và ngoảnh mặt quay đi ngay cả khi nước Nga ngày càng trở nên kém tự do hơn.
“Cả thế giới đều thấy những gì chế độ Putin đang làm đối với Ukraine,” ông Kara-Murza phát biểu trước Hạ viện bang Arizona, hai tuần sau cuộc chiến: “Vụ đánh bom các khu hộ sinh, bệnh viện và trường học. Tội ác chiến tranh. Đây là tội ác chiến tranh.”
Nhưng ở Nga, việc thốt ra những lời như vậy bây giờ cũng là một tội tội hình sự.
Một tháng sau bài phát biểu của mình, ông Kara-Murza đã bị cảnh sát ở Moscow bắt và sau đó bị buộc tội “truyền bá thông tin sai lệch” về quân đội Nga. Ông ấy vẫn đang bị giam giữ. Điều luật mà ông bị cáo buộc vi phạm đã được thông qua vào tháng 3, ngay sau cuộc xâm lược.
Tuy nhiên, các công tố viên Ukraine đã ghi nhận hơn 11.000 người bị cáo buộc tội ác chiến tranh. Một người lính Nga đã thừa nhận trước tòa về việc bắn một thường dân. Và BBC đã thu thập bằng chứng của riêng mình, bao gồm cả đoạn phim CCTV về vụ bắn chết hai dân thường của lực lượng Nga.
Khi Nga xâm lược Ukraine, nhiều gia đình đã chạy trốn khỏi Kyiv để đến những ngôi làng gần đó, vì nghĩ rằng họ sẽ an toàn hơn khi ở xa thủ đô. Thay vào đó, họ dành hàng tuần trời thu mình trong những căn hầm lạnh lẽo khi binh lính chiếm đóng lái xe tăng vào sân của họ và đào chiến hào trong các luống rau của họ.
Sau khi người Nga rút đi, vào tháng 4, người già trong làng nói rằng thi thể của 13 cư dân đã được tìm thấy ở đây.
“Họ bị trói tay ra sau lưng và bị bắn vào đầu,” Anatoliy Kibukevych nói. Sau đó, ông ấy đặt tên cho tên từng nạn nhân.
Con đường chính – tuyến đường mà xe tăng Nga đi qua để chiếm Kyiv – được lót bằng đống đổ nát của những ngôi nhà: những đống gạch bị cháy xém. Những lời cầu xin viết bằng sơn với nội dung “Trẻ em!” hoặc “Người dân!” trên các cổng vườn đã bị đạn xuyên qua.
Chụp lại hình ảnh,Những lời cầu xin bằng sơn ở Andriivka: “Người dân sống ở đây” (trái) và “Người dân sống ở đây – có trẻ em”
“Sự thật là kẻ thù chính của chế độ,” Evgenia Kara-Murza, vợ của Vladimir, người đã phải sống ở Washington DC vì lý do an toàn, nói. “Đó là lý do tại sao tôi tin rằng chế độ này đang sử dụng luật này để nghiền nát tất cả những người bất đồng chính kiến ở Nga và hù dọa mọi người phải im lặng,”
“Tôi chắc chắn rằng Vladimir nhận ra rủi ro là rất cao. Những rủi ro chưa bao giờ là thấp đối với ông ấy”, bà nói, với lời nhắc nhở rằng người chồng là nhà hoạt động của bà đã bị đầu độc hai lần trong quá khứ và suýt chết.
Nhưng ông ấy vẫn tiếp tục quay trở lại Nga và lên tiếng.
“Ông ấy tin rằng sẽ có lúc bạn không thể sợ hãi nữa và cần phải cho người khác thấy rằng họ cũng không nên như vậy.”
Khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, Lilia Yapparova cảm thấy buộc phải viết về nó.
“Tôi không thể ngủ được, vì mọi người bắt đầu chết… và tôi cần phải ở đó”, cô ấy nói với tôi ở Kyiv, nơi cô là phóng viên Nga duy nhất ở các khu vực do Ukraine kiểm soát.
Hiện chỉ có ba người – tất cả đều là phụ nữ từ các hãng truyền thông độc lập. Đó là một đội ngũ nhỏ bé so với các phóng viên truyền hình nhà nước Nga, những người sải bước qua miền đông Ukraine trong trang phục quân sự, trên cánh tay áo của họ có những miếng vá chữ “Z” để biểu lộ ủng hộ binh lính Nga, nói về “quá trình biến đổi” và “giải phóng” các thành phố như Mariupol.
Cô Yapparova muốn phá bỏ bức tường tuyên truyền vững chắc đó.
“Điều duy nhất quan trọng đối với tôi ngay lúc này là chiến tranh chấm dứt và những người từ Nga có thể nhìn thấy điều gì đang thực sự diễn ra,” cô nói.
Meduza, trang tin tức mà cô Yapparova viết bài, đã bị cấm ở Nga, giống như hầu hết các hãng tin độc lập. Các nhà báo và phương tiện truyền thông đã bị dán nhãn là “đặc vụ nước ngoài” trong khi Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác bị chặn.
Trong khi đó, các kênh truyền hình nhà nước đều chuyển sang đưa tin tường tận về “hoạt động đặc biệt” của Nga.
“Hiện tại chúng tôi đã thua trong cuộc chiến với tuyên truyền,” cô Yapparova thừa nhận.
Và bây giờ cô ấy biết rằng mỗi chữ cô ấy viết từ Ukraine – những câu chuyện có thật về vụ bắn thường dân, những ngôi mộ tập thể, sự tàn phá khủng khiếp – đang khiến cô ấy có nguy cơ bị truy tố vì “tin giả”.
“Tôi đã sẵn sàng cho điều đó. Tôi không che mắt mình,” nữ nhà báo nói.
“Đôi khi nó thật đau đớn để viết ra vì tôi không thể che giấu sự thật, nhưng tôi sẽ phải ngồi tù vì điều đó không? Bất cứ điều gì có thể xảy ra.”
Đối với Michael Nacke, mối nguy hiểm là có thật.
Nhà báo trẻ đã rời nước Nga trước chiến tranh, thoát khỏi một môi trường ngày càng trở nên hà khắc.
Anh bây giờ là một người đàn ông bị truy nã vì đã nói sự thật.
“Tôi sử dụng từ ‘chiến tranh’ thay vì” hoạt động đặc biệt’,” anh nói về “tội hình sự” của mình như các nhà điều tra Nga đặt ra trong một tuyên bố dài 91 trang. “Không quan trọng là họ dùng luật nào để chống lại bạn, nó chỉ nhằm khiến bạn ngậm miệng.”
Việc truy tố dựa trên loạt video trên kênh YouTube của anh, trong đó anh ấy thảo luận xe tăng Nga bắn vào một nhà máy điện hạt nhân ở Zaporizhzhia như thế nào. Vụ việc bị lên án rộng rãi, kể cả tại một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Moscow tuyên bố các lực lượng Ukraine đã tự phóng hỏa, do đó tại Nga việc đưa bất kỳ tin gì khác là bất hợp pháp.
“Một điều mà tôi hiểu sau việc này là công việc tôi làm thực sự quan trọng,” Nacke nói về vụ án hình sự chống lại mình. “Tôi đã từng tự hỏi mình: ‘Liệu công việc của tôi có hiệu quả để ngăn chặn chiến tranh không?’ Bây giờ tôi thấy nó có ý nghĩa.”
Rủi ro và hậu quả của cuộc chiến này còn nặng nề hơn rất nhiều đối với người Ukraine.
“Chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều điều. Sợ hãi và kinh hoàng”, Alina Petrovna nói với tôi, khi con trai bà đóng tấm bạt che phủ lên các lỗ thủng trên mái nhà của họ do sóng xung kích của trận pháo kích dữ dội gây ra. Người phụ nữ lớn tuổi này đã phải sống 29 ngày trong hầm chứa rau sau khi quân đội Nga đánh chiếm làng của bà. Bà vô cùng sợ hãi.
Chụp lại hình ảnh,Một nhóm từ LHQ phỏng vấn cư dân tại Andriivka khi họ thu thập lời khai về tội ác chiến tranh bị cáo buộc
Có những lỗ thủng do đạn bắn để lại trên cánh cửa khi binh lính đến cướp bóc.
“Hãy để người dân Nga đến và chứng kiến những gì họ đã làm với chúng tôi!” Bà nói với những giọt nước mắt tràn đầy sự giận dữ. “Sợ hãi và kinh hoàng,” bà nhắc lại.
Nhưng hầu hết ở Nga sẽ không bao giờ nghe về những đau khổ như vậy. Bởi vì Vladimir Putin không chỉ phát động cuộc chiến với nước láng giềng của Nga mà còn tuyên chiến với sự thật.