Putin xù lông để che đậy thế yếu của mình?

Nước Nga đang bị bao vây. Kẻ thù của Nga đã tiến đến sát biên giới. Liên minh thù địch NATO hiện đang đe dọa kết nạp Ukraine – vốn là một phần về mặt lịch sử và tinh thần của Nga. Giờ đây tất cả phụ thuộc vào Vladimir Putin – với tư cách là người thừa kế của Peter Đại đế, Alexander Đệ Nhất và Joseph Stalin – trong việc lãnh đạo nước Nga từ Điện Kremlin chống lại các mối đe dọa trên.
Nói chung, đây là luận điệu mà chính phủ Nga đang tuyên truyền, tại thời điểm bắt đầu một tuần hội đàm quan trọng với phương Tây. Nga đã tăng cường binh lính ở biên giới với Ukraine, đe dọa xâm lược nước láng giềng phía tây, nhưng tuyên bố đây là một phản ứng phòng thủ trước sự bành trướng của NATO. Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Matxcơva, giải thích rằng đối với Putin “Ukraine là chốt chặn cuối cùng”.

Nhưng luận điệu của Điện Kremlin là không thuyết phục. Không có nguy cơ nào cho thấy NATO sẽ tấn công nước Nga. Lý do mà rất nhiều quốc gia muốn gia nhập NATO trong những năm 1990 là vì họ sợ sự xâm lược của Nga. Hiện không có triển vọng thực tế nào cho thấy Ukraine sẽ gia nhập NATO.

Do đó, bất kỳ nhượng bộ nào mà phương Tây có thể đưa ra trong các cuộc đàm phán tuần này – về triển khai quân hoặc mở rộng liên minh – cuối cùng cũng sẽ không giải quyết được vấn đề an ninh của Putin. Đó là bởi vì các mối đe dọa thực sự đối với nhà lãnh đạo Nga đến từ chính trong nước.

Vào thời điểm này năm ngoái, các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Nga để ủng hộ lãnh đạo đối lập Alexei Navalny. Các cuộc điều tra bằng video của ông đã làm nổi bật lối sống xa hoa của Putin và những thân hữu của ông. Điện Kremlin ngày càng tuyên bố kịch liệt rằng tất cả các đối thủ trong nước của họ đều là “điệp viên nước ngoài”. Trên thực tế, họ chủ yếu là những người Nga bình thường, những người không thích chính phủ và biết rằng các cuộc bầu cử gian lận không mang lại hy vọng thay đổi. Sau một nỗ lực thất bại nhằm sát hại Navalny, Điện Kremlin đã bỏ tù ông. Matxcơva phủ nhận có dính líu đến vụ mưu sát Navalny, nhưng so với NATO, ông vẫn là mối đe dọa lớn hơn đối với Putin.

Bằng cách thể hiện mình là hiện thân của chủ nghĩa dân tộc Nga, Putin đã đánh đồng các mối đe dọa đối với sự cai trị của chính mình với các mối đe dọa đối với quốc gia. Nhưng an ninh cá nhân của Putin và an ninh quốc gia của Nga không giống nhau.

Tuy nhiên, có một mối liên hệ giữa các vấn đề trong nước của Putin và sự gây hấn bên ngoài của ông. Một cuộc chiến có thể tạo ra một làn sóng ủng hộ dân tộc chủ nghĩa dành cho nhà lãnh đạo Nga. Sâu xa hơn, kiểu chính phủ duy nhất mà Putin có thể dung thứ ở các nước láng giềng là thứ chế độ chuyên quyền tham nhũng, tương tự như chế độ của chính Điện Kremlin. Một nền dân chủ thực sự sẽ đưa ra một mô hình thay thế có thể khuyến khích sự đối lập ở Nga. Một quốc gia tự do cũng có khả năng thoát khỏi sự bao bọc của Điện Kremlin và liên kết với phương Tây.

Vì lý do đó, Mỹ không có khả năng trong việc cung cấp cho Nga một “phạm vi ảnh hưởng” ổn định như Putin yêu cầu. Các chế độ chuyên quyền thối nát mà Điện Kremlin ưa thích ở khu vực ngoại vi nước này vốn dĩ đã không ổn định vì chúng khơi dậy sự phản kháng xã hội. Chính một cuộc nổi dậy của người dân đã lật đổ một chính phủ tham nhũng, thân Nga ở Ukraine hồi năm 2013-2014.

Thật bất tiện cho Điện Kremlin khi họ đã phải điều động quân đội đến giúp trấn áp tình hình bất ổn ở nước láng giềng Kazakhstan – ngay trước thềm cuộc đàm phán Mỹ – Nga. Kazakhstan là một quốc gia có thu nhập trung bình vào khoảng 570 USD một tháng, nhưng gia đình của Nursultan Nazarbayev, người đã cai trị nước này từ năm 1991 đến năm 2019, đã mua các bất động sản ở nước ngoài trị giá ít nhất 785 triệu USD.

Tình trạng hỗn loạn ở Kazakhstan có thể liên quan đến đấu đá nội bộ trong giới cầm quyền. Nhưng những loại vấn đề này tồn tại cố hữu bên trong các các chế độ chuyên quyền thối nát. Nếu của cải được được chia chác trong một hệ thống phân chia chiến lợi phẩm, thì bất kỳ dấu hiệu nào về sự thay đổi lãnh đạo đều tạo ra sự bất ổn. Tình thế tiến thoái lưỡng nan đó có lẽ cũng quen thuộc với Putin.

Kazakhstan không phải là nơi duy nhất trong khu vực cận biên của Nga đang rơi vào tình trạng hỗn loạn. Kể từ sau cuộc bầu cử bị đánh cắp ở Belarus vào năm 2020, Alexander Lukashenko, nhà lãnh đạo độc tài của nước này, đã thẳng tay đàn áp phe đối lập trong nước. Điện Kremlin hiện phải hỗ trợ chính phủ Kazakhstan và Belarus, trong khi đe dọa xâm lược Ukraine.

Những vấn đề này đáng được ghi nhớ, trong bối cảnh thảo luận về sức mạnh vị thế của Nga sẽ được đưa vào các cuộc đàm phán trong tuần này. Trên thực tế, nước Nga hiện đại đang tiến gần một cách nguy hiểm đến việc lặp lại hoàn cảnh của thời kỳ Liên Xô – vốn luôn buộc các nước láng giềng “thân thiện” với mình bằng cách xâm lược hoặc đe dọa họ.

Một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng thắng lợi có thể tạo ra sự ủng hộ tạm thời cho Putin. Nhưng xâm lược Ukraine vào năm 2022 cuối cùng sẽ không đảm bảo cho sự sống sót của chế độ Putin, tưng tự như việc xâm lược Tiệp Khắc năm 1968 không đảm bảo cho sự tồn vong của Liên Xô. Thật vậy, về lâu dài, một cuộc tấn công vào Ukraine sẽ thực sự làm trầm trọng thêm tình thế lưỡng nan an ninh của Nga và làm suy yếu vị thế trong nước của Putin. Nếu chiến tranh kéo dài, thương vong của Nga sẽ tăng lên. Một cuộc xung đột cũng sẽ làm tiêu hao nền kinh tế và gia tăng sự cô lập của đất nước.

Một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine cũng sẽ mang lại cho NATO một ý thức mới về mục đích chung và có thể thúc đẩy sự mở rộng của một liên minh mà Nga đang phản đối. Phần Lan và Thụy Điển đang tranh luận về việc gia nhập NATO, vì họ lo lắng trước các luận điệu và hành vi ngày càng mang tính đe dọa của Matxcơva.

Ngay cả khi Nga có thể dựng lên một chế độ bù nhìn thân Nga ở Kiev, ký ức về hành động gây hấn của Matxcơva sẽ là một động lực lịch sử cho chủ nghĩa dân tộc Ukraine, củng cố sự chia rẽ về mặt tình cảm giữa Nga và Ukraine, điều mà Putin coi là một điều không thể chấp nhận. Nói chung, đó sẽ là một chiến thắng kỳ lạ, lợi bất cập hại đối với Điện Kremlin.

Phan Nguyên biên dịch / Nghiên cứu Quốc tế

Nguồn: Gideon Rachman, “Putin’s threats disguise a weakening position”, Financial Times, 10/01/2022.

‘Khách sạn’ ẩn trong ngôi nhà ống Quảng Ninh

QUẢNG NINH – Vẻ ngoài bình thường của căn nhà trong ngõ đã giấu đi không gian sang trọng, xanh mát ở bên trong.

Ngôi nhà 2,5 tầng có tổng diện tích sàn 295 m2, được xây dựng trên miếng đất 6,2 x19 m, trong một con ngõ tại Cẩm Phả, Quảng Ninh. Đây là tổ ấm của một chàng trai trẻ sắp kết hôn.

Tận dụng lợi thế nhà hai mặt tiền (lối vào chính hướng Bắc và cửa sau hướng Nam mở ra một cánh đồng), kiến trúc sư Lê Đức Hòa và các đồng nghiệp thiết kế hệ cửa kính lớn, đóng mở linh hoạt giúp đón nắng, đón gió, lấy sáng vào trong nhà.

Để tạo cảm giác thông thoáng, không gian tầng một hạn chế tối đa các vách ngăn. Các khu tiếp khách, ăn uống và bếp liên thông kéo dài theo chiều dọc miếng đất.

Điểm nhấn trong không gian là khu vực giữa nhà rộng gần 20m2, bao gồm hệ cầu thang nối từ tầng một lên tầng ba, khoảng thông tầng thẳng từ mái nhà xuống sàn nhà và một khu vực hành lang ở tầng hai – cũng là sàn nhà lát sỏi nơi tầng một.

Hệ cầu thang sắt kết hợp bậc gỗ cùng lan can kính trong suốt, không tay vịn giúp ánh sáng dễ dàng lan truyền trong nhà. Chi phí cho riêng cầu thang rơi vào khoảng 230 triệu.

Ngay dưới chân cầu thang là một thảm sỏi rộng 7,5 m2 được trải trên nền bê tông và phủ kính cường lực dày 15mm. Kế đó là một khu tiểu cảnh rộng 6m2 với cây hạnh phúc cao 2,5m, tượng trưng cho tình cảm của đôi vợ chồng trẻ sắp cưới.

Khu tiểu cảnh nằm trọn trong khoảng thông tầng rộng 6m2. Do ánh sáng lấy thẳng từ mái xuống sàn tầng một, các bồn cây xung quanh khoảng thông tầng luôn xanh tốt. Khoảng thông tầng cũng giúp các phòng ngủ trên tầng hai dễ dàng nhìn xuống tầng một.

Khoảng thông tầng giữa nhà cộng với hai cửa mở rộng hai đầu nhà giúp mọi ngóc ngách trong nhà đều được thông gió và đón ánh sáng tự nhiên.

Ba phòng ngủ đặt hết trên tầng hai. Hai tủ quần áo trong phòng ngủ chính cũng như đa số các hệ tủ khác trong nhà đều được thiết kế âm tường và kịch trần để có cảm giác chúng như được “giấu” đi.

Cửa kính mở rộng nối liền với ban công bên ngoài làm tăng độ rộng thoáng cho phòng ngủ chính. Người dân địa phương vẫn thường xây nhà theo các mẫu có sẵn, ít khi làm thiết kế riêng. Vì thế, khi ngôi nhà hoàn thiện vào năm 2019 đã khiến cả chủ nhà và khách đến chơi đều cảm thấy thú vị.

Bài: Thái Bình

Ảnh: Văn phòng 349 Design

Cụ bà cao tuổi bậc nhất Việt Nam, có 114 con cháu vẫn ‘lén’ đi… buôn

Đã 108 tuổi, nhưng cụ Họa vẫn phăm phăm đi lại, hoạt động như thủa mười tám đôi mươi. Cụ bà còn giấu con cháu đội chuối, cắp rổ na, ổi… ra đầu dốc chợ bán.

Về xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, hỏi thăm nhà bà Trần Thị Họa (SN 1914), ai cũng thuộc vanh vách lối vào nhà cụ bà cao tuổi nhất địa phương. Được địa phương ghi nhận tuổi đã ngoại bách niên nhưng cụ Họa không hề có biểu hiện sức khỏe yếu, gối mỏi chân chồn. Ngược lại, hàng ngày cụ vẫn đi lại thoăn thoắt. Hình ảnh cụ bà tóc trắng như mây hay cắp rổ quả vườn nhà (na, ổi, roi)…  ra đầu dốc chợ bán đã thành quen thuộc với người dân nơi đây.

Cụ bà trăm tuổi vẫn “vượt tường” đi chơi 

Ông Trần Hữu Thủy (SN 1964), người con út của cụ Họa cho biết, cụ có 7 người con. Người con lớn nhất năm nay 81 tuổi. Tất cả các con của cụ đều đã lên ông, lên bà. Tính ra, cụ Họa hiện có tổng 114 cháu và chắt, trong đó, cháu nội lớn nhất của cụ sinh năm 1970, nay cũng đã ngoài 50 tuổi.

Cụ bà cao tuổi bậc nhất Việt Nam, có 114 con cháu vẫn lén đi... buôn - 1
Cụ Trần Thị Họa năm nay 108 tuổi có 114 con cháu và chắt vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh.

Dù rất đông con cháu nhưng cụ Họa lại sống một mình trong ngôi nhà 3 gian lợp ngói được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Bầu bạn với cụ Họa là con chó mực ngoan ngoãn.

Ông Thủy cho biết: “Dù tôi ở ngay bên cạnh nhưng để mẹ sống một mình chúng tôi cũng lo lắm. Tuy nhiên, nhiều lần anh em chúng tôi đưa mẹ về ở cùng nhưng chỉ được một lúc, không để ý là mẹ lại tự chạy về nhà rồi. Có lẽ vì mẹ không muốn phiền con cháu khi sức khỏe còn tốt và tự sinh hoạt được”.

Dù tuổi đã cao nhưng cụ Họa vẫn rất mạnh khỏe, minh mẫn. Trong vườn nhà, cụ vẫn tự hạ chuối, hái bưởi, chọc roi mang ra chợ bán. Nhiều lúc con, cháu can gián nhưng cụ vẫn “bơ”. Vài hôm lại thấy cụ bà xách nải chuối, đội rổ na, roi, ổi ra đầu dốc chợ bán.

“Con cháu, gia đình chúng tôi không yêu cầu mẹ làm những công việc ấy nhưng cũng vẫn để bà xăm xắn vườn tược để vận động, càng khỏe người hơn. Còn việc đi chợ thì ai cũng lo, sợ mẹ lớn tuổi rồi, đi lại ngoài đường không an toàn. Nhưng có cản thì mẹ cũng không nghe đâu, nói gì mẹ cũng lén đi. Trong vườn, đến mùa nào mẹ mang quả nấy đi bán, khi thì nải chuối, khi quả na, trái bưởi… Nhiều người gặp mẹ tôi bán, còn trả tiền cao hơn giá trị thực để động viên, mừng tuổi cụ”, ông Thủy cho hay.

Cụ bà cao tuổi bậc nhất Việt Nam, có 114 con cháu vẫn lén đi... buôn - 2
Thi thoảng cụ Họa vẫn ra vườn thăm buồng chuối, hoa quả, canh thời điểm chín để thu hoạch, mang đi bán.

Ngoài việc cụ “cuốc” bộ cả cây số đi bán hoa quả, còn có chuyện thật mà ông Thủy kể xong chẳng ai dám tin. Cách đây khoảng vài năm, sức khỏe của cụ Họa còn tốt hơn bây giờ. Nhiều hôm, con cháu đi vắng hoặc dậy muộn, chưa kịp mở khóa cổng, cụ dậy sớm hơn nên “vượt tường” đi chơi.

Cụ bà cao tuổi bậc nhất Việt Nam, có 114 con cháu vẫn lén đi... buôn - 3
Ông Trần Hữu Thủy người con út của cụ Họa tự hào khoe mẹ.

Ông Thủy vui vẻ kể lại: “Mấy năm trước, khi còn khỏe hơn bây giờ, để giữ mẹ ngủ trong nhà, buổi tối tôi thường khóa cổng. Nhưng sáng ra, mẹ tôi dậy sớm lắm, có những hôm tôi ngủ dậy muộn, mẹ toàn trèo cổng ra ngoài, ra quán ăn sáng, đi chơi. Cổng nhà tôi làm khá cao mà cụ vẫn trèo lên rồi đu vòng qua trụ, sau đó trèo sang bờ tường bên kia rồi tụt xuống”.

Dùng răng giả 40 năm, thích ăn rau, trứng và nghiện bò húc

Sống đã hơn một thế kỷ, con đàn cháu đống, rất nhiều người cho rằng cụ Họa phải có chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập thường xuyên, bài bản thì mới bách niên mà vẫn minh mẫn, khỏe mạnh vậy. Nhưng sự thật, theo con cái của cụ bà cao tuổi bậc nhất Việt Nam hiện tại, cụ không có chế độ gì riêng, đặc biệt. Cụ sinh hoạt cùng gia đình, bình thường như bao người làng. Cụ thích ăn rau và trứng. Đặc biệt, bà cụ cực “kết” nước ngọt, nhất là “bò húc”, mỗi ngày, cụ Họa có thể uống một vài lon.

Cụ bà cao tuổi bậc nhất Việt Nam, có 114 con cháu vẫn lén đi... buôn - 4
Hàng ngày, cụ Họa vẫn sang nhà hàng xóm, ra xưởng may của con cháu chơi, giúp những việc lặt vặt.

Ông Thủy cho biết: “Khoảng 5 năm trở lại đây, mẹ tôi thích uống nước ngọt, đặc biệt là “bò húc”, mỗi ngày mẹ uống 1 – 2 lon. Chúng tôi cũng biết là uống nước ngọt nhiều không tốt nhưng đây là sở thích của mẹ nên cũng chỉ nhắc, “canh” để bà không uống quá nhiều”.

Ông Thủy kể, hồi còn trẻ, có sức khỏe, bà đội trên đầu cả thúng hoa quả, trầu cau, đi bộ chục cây số mang bán ở thành phố Nam Định hoặc bắt tàu mang vào tận Thanh Hóa, Nghệ An và mấy tỉnh lân cận bán kiếm tiền.

Cả đời cụ Họa chỉ đúng một lần nằm viện cách đây khoảng 10 năm (khi đã gần 100 tuổi), do trèo lên cây ổi để đốn cành, không may cụ bị ngã, đập xuống nền gạch, vỡ xương gót chân. Lúc đấy, các con cháu vội vã đưa cụ đi viện, không khỏi lo lắng, sợ tai nạn đó là cái mốc làm thay đổi sức khỏe bà. Nhưng không ngờ, nằm bó bột đúng 10 ngày xong là cụ Họa khỏi.

Ngoài lần đó ra, người nhà chưa bao giờ phải chăm mẹ, chăm bà vì ốm nặng hay phải nhập viện.

Hàm răng đến nay đã rụng cả, phải dùng răng giả gần 40 năm nay nhưng răng cụ Họa trông vẫn như răng thật. Cụ cũng chưa bao giờ phàn nàn về việc này.

Cụ bà cao tuổi bậc nhất Việt Nam, có 114 con cháu vẫn lén đi... buôn - 5
Cụ Trần Thị Họa và người con út của mình.

Ông Thủy hào hứng khoe: “Mẹ tôi rất minh mẫn, nói chuyện thông tuệ lắm, hỏi gì đáp nấy, nhớ rành mạch cả đàn con cháu. Một hai năm gần đây, mẹ chỉ hơi lãng tai. Hàng ngày, mẹ vẫn sang nhà hàng xóm, ra xưởng may của chúng tôi chơi, giúp những việc lặt vặt. Ở tuổi này, mẹ tôi vẫn đi lại phăm phăm, thẳng lưng, không phải dùng đến gậy để chống. Cả gia đình đều mong bà luôn mạnh khỏe, vui vầy bên con cháu”.

Người con trai út kể thêm, năm ngoài ông vừa chở mẹ đi làm căn cước công dân mới. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy bà cụ đã cao tuổi vậy mà vẫn còn minh mẫn như thế.

Sức khỏe của mẹ rất tốt, chưa bao giờ phiền hà con cháu. Mẹ tôi cũng chưa bao giờ giận ai, bà lúc nào cũng cười và luôn sống vui vẻ, hòa đồng” – ông Thủy nói.

Cụ bà cao tuổi bậc nhất Việt Nam, có 114 con cháu vẫn lén đi... buôn - 6
Tết năm 2022, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, nay là Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam ký giấy mừng thọ cụ Trần Thị Họa, ghi nhận cụ 108 tuổi.

Khi hỏi về lý do không ở với con cháu cho vui, cụ Họa vui vẻ giải thích: “Bà vẫn tự lo được mọi việc. Đến bữa cơm thì con cháu mang cơm đến cho bà ăn. Bà cũng không muốn phiền đứa nào, muốn tự nấu nướng nhưng con cháu trong nhà không đồng ý vì lo lắng bếp núc, dao thớt nguy hiểm, cũng đành. Sống từng này tuổi, bà chỉ mong con cháu trong nhà lúc nào cũng vui vẻ, đoàn kết, chăm lo cho nhau”.

Tết năm 2022, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, nay là Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam ký giấy mừng thọ cụ Trần Thị Họa, ghi nhận cụ 108 tuổi. Cụ Họa là người cao tuổi nhất xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc hiện nay.

Theo Dân trí

“Linh ứng” – Hành trình tâm linh của kẻ siêu vô thần…

 “Linh ứng” kể câu chuyện có thật về hành trình của gia đình nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi – người anh trai đã hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt…

Mở đầu hành trình tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Minh Khôi (anh trai tác giả) bằng phương pháp ngoại cảm, nhưng tác phẩm “Linh ứng” của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn không chỉ là câu chuyện tâm linh mà nó còn giàu chất văn học, và mang tính lịch sử về một thời kỳ hào hùng của dân tộc.

“Linh ứng” kể câu chuyện có thật về hành trình của gia đình nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi – người anh trai đã hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt, với những câu chuyện ly kỳ, bí ẩn đến mức nếu không được kể lại bởi người trong cuộc, hẳn chúng ta sẽ thấy hoài nghi.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn – con người giàu vốn sống với cuộc đời nhiều thăng trầm, từ “chàng trai phố cổ”, người công nhân mỏ rồi lang bạt tới miền Nam và bén rễ với mảnh đất này, va chạm với đủ mọi hình thái kinh tế, thể chế, khốn đốn của dư luận lại nhận tác phẩm của mình chính là “hành trình của kẻ siêu vô thần đến thế giới tâm linh”. Điều đó làm cho cuốn sách mang một màu sắc mới: không liêu trai chí dị, mà dần vén bức màn bí ẩn về thế giới tâm linh dưới ánh sáng của một con người luôn sống với niềm tin vào khoa học.

Linh ứng - Hành trình tâm linh của kẻ siêu vô thần... - 1

Giống như đa số những người khác, trước khi bước vào hành trình tìm mộ cho anh trai mình bằng phương pháp ngoại cảm, tác giả cũng mang tâm thế của người theo “chủ nghĩa duy vật”, xem đây như là “cứu cánh cuối cùng”. Trong cái ma trận thật – giả của thế giới tâm linh, tác giả cũng đã có những trải nghiệm không mấy tốt đẹp với các “nhà ngoại cảm rởm”. Nhưng cuối cùng chính sự linh thiêng của hương hồn các liệt sỹ đã dẫn lối cho người thân tìm kiếm được di cốt của họ.

Tâm linh không đồng nghĩa với mê tín dị đoan. Tâm linh ở đây chính là sự hòa hợp giữa đạo và đời, giữa vũ trụ bao la với nhiều điều bí ẩn và cuộc đời hữu hạn của con người. 

Không chỉ là hành trình tìm mộ liệt sĩ, “Linh ứng” còn là khúc tráng ca hào hùng của dân tộc

Ngoài việc thu hút người đọc bằng hành trình tìm mộ với những tình tiết ly kỳ và siêu thực, thì “Linh Ứng” còn là câu chuyện về cuộc đời của nhân vật anh Khôi – hiện thân của tuổi trẻ giàu lý tưởng, không ngại dấn thân, không ngừng cống hiến để viết nên một khúc tráng ca dân tộc.

Với lối kể chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại, tác giả đã khắc họa lên hình ảnh chàng trai Hà Nội tài hoa, một người lính dũng cảm, kiêu hùng và lãng mạn. Sinh ra trong giai đoạn đất nước khó khăn, chàng trai trẻ Nguyễn Minh Khôi đại diện cho một thế hệ thanh niên Việt Nam đi theo tiếng gọi cứu quốc. Dù được gia đình sắp đặt cho một tương lai tươi sáng hơn, nhưng chàng trai trẻ ấy lại chọn xung phong ra chiến trường, với lý tưởng “người ta chỉ sống có một lần, phải biết sống sao ra sống, để không phải hối hận”.

Bên cạnh nhân vật chính, người đọc cũng sẽ nhìn thấy phố cổ Hà Nội hiện lên như những thước phim sống động, hào hoa của những năm 1940 với những điều vừa quen, vừa lạ như bãi giữa sông Hồng, xóm chợ Đồng Xuân – Bắc Qua…. Trên tất cả là tình người gắn bó giữa những đứa trẻ, những gia đình sinh sống tại đây. Những đứa trẻ lớn lên cùng nhau, dù con đường họ lựa chọn khác nhau nhưng đã luôn sát cánh, hỗ trợ và tin tưởng nhau như Huy Lạc, Danh Hùng, Minh Khôi… Dù đến phút cuối, trên chiến trường, hoàn cảnh bắt buộc họ phải đứng trên hai chiến tuyến khác nhau, hướng nòng súng vào nhau nhưng đến khi hi sinh, họ vẫn ở bên cạnh, bảo bọc cho nhau.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng dư âm của nó vẫn còn. Cái giá phải trả cho hòa bình cũng đầy đau thương và nước mắt từ nhiều phía. Đó là người cha – chiến sĩ tình báo đã phải từ bỏ người vợ tào khang để kết hôn với một người bên kia chiến tuyến, mang nỗi hối hận vì không thể thành thật với gia đình cũng như người con trai đã chết của mình. Đó là người em dành 40 năm tìm mộ của người anh trai, và người đồng đội trở về với dư chấn của chiến tranh, sống nửa tỉnh nửa mê…

“Linh ứng” đề cập câu chuyện quá khứ nhưng lại mang hơi thở của thời đại, nói chuyện cõi âm nhưng vẫn ngồn ngộn hơi thở của cõi dương để khắc họa nên câu chuyện độc lập của dân tộc, và những người còn ở lại dù như thế nào cũng vẫn luôn nhớ về những người thân yêu, những chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc.

“Linh ứng” chính là cuốn sách giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu sâu sắc hơn về một giai đoạn hào hùng và bi tráng của dân tộc.

Nhà văn, đồng thời là nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn sinh năm 1945. Bắt đầu viết văn khi còn rất trẻ, lúc vừa gia nhập Thanh niên Xung phong, Nguyễn Mạnh Tuấn gần như đã dành cả sự nghiệp văn chương của mình để viết về những vấn đề xã hội. Ông là tác giả của các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, đã tạo tiếng vang lớn trên văn đàn và trong đời sống xã hội, như “Những khoảng cách còn lại” (1980), “Đứng trước biển” (1982), “Cù lao Tràm” (1984). Những tác phẩm của ông nâng số phận con người lên thành bối cảnh xã hội, với những phản ánh trung thực, kèm theo dự báo và kiến nghị.

Từ khoảng năm 2000 trở đi, ông dần chuyển sang lĩnh vực sân khấu và điện ảnh. Trong lĩnh vực này, tên tuổi Nguyễn Mạnh Tuấn cũng để lại dấu ấn với các kịch bản phim điện ảnh: “Biển sáng”, “Xa và gần”, “Cơn lốc đen”, “Lưới trời”, “Sinh mệnh”, “Lối rẽ trái trên đường mòn”, “Tử hình”… và gần đây nhất là “Hợp đồng bán mình” (2020). Đặc biệt, ông cũng đạt được nhiều giải thưởng danh giá trong ngành điện ảnh, như Cánh diều vàng, Giải thưởng truyền hình VTV…

Theo First News / Dân Trí. Com