Đại kế hoạch của Vladimir Putin đang dần sụp đổ

Một tổng thống Nga bị dồn vào đường cùng có thể trở nên tàn nhẫn và nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Vladimir Putin là một “thiên tài”, Donald Trump cười nói. Cựu tổng thống Mỹ phát biểu ngay trước thềm cuộc xâm lược Ukraine của Nga, và tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ người đàn ông “hiểu sâu biết rộng” ở Điện Kremlin.
Vậy thiên tài này đã đạt được những gì? Bốn ngày sau cuộc xâm lược và quân đội Nga vẫn không thể giành được chiến thắng nhanh chóng mà Putin trông đợi. Sự kháng cự của Ukraine mãnh liệt hơn nhiều so với dự đoán của nhà lãnh đạo Nga, quân đội thì liên tục chống trả, trong khi toàn dân nhanh chóng huy động lực lượng. Những người lính Nga bị quay phim lại đã phàn nàn rằng họ chỉ được thông báo tham gia một nhiệm vụ huấn luyện.

Phản ứng quốc tế cũng cứng rắn hơn, phối hợp hơn, và thống nhất hơn so với những gì Putin dự tính. Nga đang bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Hầu hết không phận châu Âu đã đóng cửa đối với các hãng hàng không Nga. Đồng thời, có một sự đảo ngược mang tính lịch sử trong chính sách đối ngoại và an ninh của Đức – khi Berlin cuối cùng cũng gửi vũ khí đến Ukraine, và cam kết chi hơn 2% GDP cho quốc phòng. Liên minh NATO cũng tìm thấy một mục tiêu mới cho mình. Nga đang trở thành kẻ xấu, ngay cả Trung Quốc cũng không công khai ủng hộ nước này tại Liên Hiệp Quốc – và đã chọn cách bỏ phiếu trắng.

Bên trong nước Nga, người dân hoảng loạn đổ xô đi rút tiền ngân hàng. Giá trị đồng rúp giảm mạnh, thị trường chứng khoán Nga lao dốc. Các cuộc biểu tình nhỏ lẻ phản đối chiến tranh nổ ra trên khắp đất nước, nhưng người biểu tình đã nhanh chóng bị bắt giữ. Những người nổi tiếng ở Nga, các nhà tài phiệt và thậm chí cả con cái của một số quan chức Nga đã lên án cuộc xung đột. Trước ống kính máy quay, các quan chức của Putin lộ rõ vẻ khó chịu khi phải thực hiện mệnh lệnh của ông. Các phương tiện truyền thông chính thức của Nga một mình cô độc giữ lấy lập trường phủ nhận mức độ của cuộc chiến, khi tiếp tục nhấn mạnh rằng đây chỉ là một ‘chiến dịch quân sự đặc biệt,’’ nhằm hỗ trợ các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk.

Trong khi đó, Ukraine lại đang nhận được sự ngưỡng mộ và công nhận của quốc tế, ở mức độ chưa từng có kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1991. Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine, từng được coi là một diễn viên hài thiếu hiểu biết, nay được quốc tế ca ngợi vì khả năng lãnh đạo đầy cảm hứng của mình. Hành động dũng cảm xuống đường tại Kyiv của ông là một sự tương phản rõ rệt với thói hèn nhát của Putin, kẻ quá sợ hãi virus, đến mức không cho phép các quan chức đứng gần mình. Những lời kêu gọi giúp Ukraine nhanh chóng trở thành thành viên EU đang ngày càng gia tăng.

Putin đạt được tất cả những điều này chỉ trong bốn ngày. Vâng, quả là thiên tài, thiên tài tuyệt đỉnh!

Nhưng một Putin bị bẽ mặt và bị dồn vào đường cùng có thể trở nên nguy hiểm và tàn nhẫn hơn bao giờ hết. Điều đó đã hiện rõ vào hôm Chủ nhật, khi nhà lãnh đạo Nga đặt các lực lượng hạt nhân của nước mình trong tình trạng báo động.

Dù không thể đạt được chiến thắng dễ dàng như dự đoán, Putin cũng khó mà chịu lùi bước. Niềm kiêu hãnh, tính hoang tưởng, và sự sống còn của bản thân có thể thúc đẩy ông sử dụng các chiến thuật ngày càng cực đoan và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Một quan chức cấp cao của phương Tây đã dự đoán với tôi, rằng “Putin sẽ chỉ dấn thân sâu hơn, và mọi chuyện sẽ trở nên cực kỳ tồi tệ.”

Các nhà phân tích an ninh phương Tây đã cảnh báo về việc Nga có thể sử dụng tên lửa nhiệt áp (thermobaric) ở Ukraine – loại bom “phóng lửa” mà Nga đã triển khai ở Chechnya và Syria, với khả năng gây ra thiệt hại lớn về nhân mạng. Đe dọa hạt nhân mà Putin đang triển khai, dù rõ ràng là nhằm mục đích hù dọa, cũng không thể bị ngó lơ hoàn toàn, nếu xét đến tình trạng hiện tại của ông ta.

Ít có khả năng Putin sẽ rút lui, vì thế cũng ít có cách nào hòa bình để thoát khỏi cuộc xung đột này. Một tia hy vọng le lói xuất hiện khi có thông báo rằng các nhà đàm phán Nga và Ukraine đã đồng ý gặp nhau tại biên giới Belarus. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Putin sẵn sàng nhượng bộ những yêu cầu tối đa của mình, liên quan đến việc chia cắt lãnh thổ Ukraine thêm nữa, và trên thực tế là chấm dứt hoàn toàn nền độc lập của đất nước. Việc người được đề cử dẫn đầu phái đoàn Nga là một cựu quan chức cấp thấp, nổi danh vì chủ nghĩa dân tộc cực đoan, không phải là một dấu hiệu đầy hứa hẹn.

Con đường duy nhất thực sự dẫn đến hòa bình có lẽ là, bằng cách nào đó, giới tinh hoa cầm quyền Nga phế truất được Putin. Các video mà nhà lãnh đạo cho phát hành, vốn cho thấy cách mà ông ta làm nhục các thành viên của lực lượng an ninh khi buộc họ phải tán thành các chính sách của mình, là nhằm thể hiện quyền lực tối cao của ông. Nhưng chúng cũng làm nổi bật những hoài nghi trong nhóm thân tín của chính ông.

Tuy nhiên, hệ thống hiện tại của Nga có tính tập thể kém hơn cả Liên Xô thời hậu Stalin. Các quan chức cấp cao của Liên Xô đã có thể ép Nikita Khrushchev rời nhiệm sở vào năm 1964. Nhưng Putin cai trị tựa như một Sa hoàng thời tiền Liên Xô. Thật khó mà hình dung nhóm nội bộ đối lập với ông trong chính phủ có thể huy động được sức mạnh.

Dù vậy, nếu chi phí về kinh tế và con người của cuộc chiến tăng lên, việc kiềm chế các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh của công chúng sẽ trở nên khó khăn hơn. Quân đội Nga ở Ukraine cũng có thể sa sút tinh thần nếu phải hứng chịu tổn thất nặng nề, và phải thi hành các chiến thuật tàn bạo chống lại dân thường. Sau cùng, một kết hợp giữa sự lo lắng của giới tinh hoa, sự thất bại của quân đội, và sự bất mãn của quần chúng có thể buộc nhà lãnh đạo Nga phải rời nhiệm sở. Nhưng – ngay lúc này đây – mối nguy mà Putin gây ra cho Ukraine, Nga, và thế giới vẫn ngày một gia tăng.

@ Nghiên cứu Quốc Tế / Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nguồn: Gideon Rachman, Vladimir Putin’s grand plan is unravellingFinancial Times, 28/02/2022.

Thái độ của người dân Nga đối với Chiến tranh Ukraine

Sự hung hăng của Putin đã khiến một quốc gia tự chống lại chính mình.

Đầu tháng 4, quan tài chứa thi thể của Vladimir Zhirinovsky, 75 tuổi – một nhà dân túy cực đoan, người từng là trụ cột quan trọng của nhà nước Nga suốt hai thập niên – đã được đưa đến Sảnh Cột (Hall of Columns) ở trung tâm Moscow để mọi người có thể đến viếng. Cách đây 69 năm, thi hài Stalin cũng được quàn tại đây, và vì thế dẫn đến cái chết của hàng loạt người Nga, những người đã bị giẫm đạp đến chết trong đám đông khổng lồ tụ tập để tiễn biệt nhà độc tài Liên Xô.
Đã không có đợt giẫm đạp nào ở đám tang Zhirinovsky, nhưng nó gợi lại một khoảnh khắc khác trong thời kỳ Liên Xô. Thi thể của ông đã được đưa đến Sảnh Cột trong một chiếc Aurus Lafet – dòng xe tang đen phiên bản siêu giới hạn, được sản xuất bởi Aurus Motors, nhà sản xuất xe hơi hạng sang mới nổi của Nga. Trong tiếng Nga, lafet có nghĩa là “xe tang”, và đối với những người Nga như tôi, những người đủ lớn tuổi để nhớ được giai đoạn đầu thập niên 1980, tên của chiếc xe gợi lên một câu chuyện đùa tăm tối: khi các nhà lãnh đạo cao tuổi của Liên Xô, Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, và Konstantin Chernenko liên tiếp qua đời, sự kiện đó đã được gọi là Cuộc đua của những chiếc xe tang (Race of the Lafets).

Phải chăng đang có một cuộc đua của những chiếc xe tang mới xuất hiện trong vòng tròn thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin? Điều chắc chắn là có rất nhiều nhân vật của Điện Kremlin sẽ bước vào cùng độ tuổi với những người đồng cấp trong những năm cuối của Liên Xô: Putin sẽ 70 tuổi vào tháng 10 này; Alexander Bortnikov, người đứng đầu FSB, và Nikolai Patrushev, thư ký hội đồng an ninh, đều đã 70 tuổi. Sergei Lavrov, Ngoại trưởng, thì đã 72 tuổi. Tương tự như việc Bộ chính trị cao niên của Brezhnev quyết định xâm lược Afghanistan, theo đó phá hủy những gì còn sót lại của nền tảng đạo đức của đế chế Liên Xô, quyết định phát động chiến tranh ở Ukraine của những vị bô lão này đã nhanh chóng trở thành một thảm họa cho nước Nga – đặc biệt là cho giới trẻ của nước này.

Hiện tại, dư luận Nga đang đứng về phía chế độ, và chế độ có thể tiếp tục tự huyễn hoặc mình, hệt như khi họ huyễn hoặc người dân, rằng họ có thể biến nước Nga thành một quốc gia bất hảo với khả năng tự cung tự cấp, tự cô lập, và xu hướng bành trướng, dựa trên ý tưởng về sự vượt trội của Nga so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, “chiến dịch quân sự đặc biệt,” theo cách gọi mà Putin liên tục nhấn mạnh, dường như chắc chắn sẽ làm suy yếu tất cả các nền tảng chính trị, kinh tế, và đạo đức của Nga.

Một cuộc chiến với chính mình

Chế độ Putin dường như đang đối xử với người dân Nga bằng một thái độ gần giống như với người dân Ukraine. Để minh chứng cho điều này, người ta chỉ cần nhìn vào áp lực từ các cơ quan công quyền và cảnh sát lên bất kỳ ai ở Nga dám suy nghĩ khác đi, việc đóng cửa hoặc thanh trừng hầu hết các cơ quan truyền thông và tổ chức nghiên cứu độc lập, và cuộc đàn áp bất kỳ ai phản đối, hay chỉ đơn giản là không đồng ý với ‘tinh thần cuồng loạn thể hiện lòng yêu nước.’ Người Ukraine được mô tả như một khối dân vô diện, đồng nhất, những người buộc phải khuất phục trước Điện Kremlin bằng các biện pháp phi phát xít hóa, một quá trình mà trong thực tế có nghĩa là “phi Ukraine hóa”, điều mà bộ máy tuyên truyền của Putin giờ đây đã công khai thừa nhận. Nhưng người Nga cũng bị các nhà lãnh đạo của họ coi là một đám đông thiếu suy nghĩ, những người phải mù quáng đi theo lãnh tụ của mình. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với các cáo buộc hành chính hoặc hình sự và sự tẩy chay của xã hội. Những người lính Nga – một nhóm không chỉ gồm những quân nhân nhiệt thành, mà còn gồm hàng chục nghìn lính nghĩa vụ rất trẻ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc – đã trở thành bia đỡ đạn, bị đưa vào chỗ chết mà không hề được chuẩn bị. Những ý tưởng vô nghĩa của Putin đang phải trả giá bằng mạng sống của các thanh thiếu niên Nga.

Trong một số bài phát biểu trong những tuần gần đây, Putin đã tuyên bố công khai về “bọn phản bội quốc gia” và về “đạo quân thứ năm” được cho là đã phá hoại sự thống nhất quốc gia. Để loại bỏ tận gốc những kẻ xấu này, ông kêu gọi một sự “tự thanh lọc xã hội.” Người Nga đã nhanh chóng chú ý đến lời kêu gọi ấy: sau bài phát biểu, đã có một làn sóng tố cáo, với việc học sinh lên án giáo viên của họ – và ngược lại – cũng như việc đồng nghiệp tố cáo lẫn nhau. Tổng thống Nga cũng khuyến khích những hành động man rợ chống lại những người chỉ trích ông. Alexei Venediktov, biên tập viên của Echo of Moscow (Tiếng vọng Moscow), đài phát thanh độc lập đã bị chính phủ của Putin đóng cửa ngay sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, đã phải nhìn thấy cảnh một cái đầu lợn treo bên ngoài cửa nhà mình, cùng với những hình vẽ bậy bài Do Thái. Trên một chuyến tàu rời Moscow, một người đàn ông đã tấn công Dmitry Muratov, tổng biên tập tờ Novaya Gazeta đồng thời là người nhận giải Nobel Hòa bình năm ngoái, bằng cách ném sơn đỏ trộn lẫn với acetone độc hại lên người ông.

Putin đã chia rẽ đất nước. Cả nhóm phản đối lẫn nhóm ủng hộ nhà lãnh đạo Nga đều trở nên cực đoan hơn. Tất nhiên, hầu hết những người phản đối chiến tranh là những người chỉ trích Putin và những người trẻ tuổi. Một số binh sĩ đã từ chối chiến đấu ở Ukraine, và một số gia đình có thân nhân là lính thiệt mạng đã nổi giận với Putin. Nhiều người trẻ đã dũng cảm xuống đường để phản đối chiến tranh, bất chấp việc đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ ngay lập tức, cùng viễn cảnh mất việc làm hoặc bị đuổi khỏi trường đại học. Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn người Nga đã tập hợp lại xung quanh Putin, ngay cả khi, theo thông tin từ một cuộc thăm dò độc lập được tiến hành vào năm ngoái, hầu hết người Nga đều sợ chiến tranh và không tin điều đó có thể thực sự xảy ra. Ngày nay, công chúng, hoặc ít nhất là đông đảo dân thường Nga, có vẻ là đang có tâm trạng ủng hộ cuộc chiến.

Tất nhiên, rất khó để đo lường ý kiến trong một hệ thống chỉ có một nhà lãnh đạo, và nơi trên thực tế đã không còn bất kỳ phương tiện truyền thông tự do nào nữa. Nhưng rõ ràng là người Nga cảm thấy bị bao vây, và thường thì, họ cũng cảm thấy chán nản như chính Putin. Hãy xem xét dữ liệu từ cuộc thăm dò gần đây nhất của Trung tâm Levada độc lập. Trái ngược với những gì các nhà phê bình khẳng định, những người được hỏi đã không từ chối trả lời câu hỏi nhiều hơn so với các cuộc khảo sát trước đây, và bản thân nghiên cứu này đã được tiến hành, như thường lệ, bằng các cuộc phỏng vấn trực tiếp thay vì phỏng vấn qua điện thoại. Kết quả rất rõ ràng: 81% người được hỏi cho biết họ ủng hộ “chiến dịch đặc biệt”, với 53% “chắc chắn” ủng hộ, và 28% “khá” ủng hộ. Cũng cần lưu ý một con số khác: liên quan đến chiến dịch đặc biệt, đa số nhỏ – 51% – những người được hỏi nói rằng họ cảm thấy “tự hào về nước Nga.” Những người không thấy tự hào – nhiều trong số này là những người trẻ tuổi – mô tả cảm xúc của mình là “lo lắng, sợ hãi, kinh hoàng,” hoặc đơn giản hơn, là “sốc”.

Đồng thời, cũng theo Levada, mức độ ủng hộ Putin, đã vọt lên 83% vào tháng 3, tăng 12% so với cùng kỳ tháng trước. Sự gia tăng mức độ ủng hộ của công chúng là tương tự như những gì xảy ra sau sự kiện sáp nhập Crimea vào năm 2014; nhưng hồi đó, bầu không khí hòa dịu hơn, và những người phản đối hành động của Putin không phải đối mặt với sự sỉ nhục từ các đồng nghiệp. (Tuy nhiên, trong một bài phát biểu vào thời điểm đó, Putin cũng gán cho bất kỳ ai dám chống lại các chính sách của mình tên gọi “kẻ phản bội quốc gia”). Hơn nữa, trái ngược với các hành động của Nga ở Ukraine hiện nay, việc sáp nhập đã được thực hiện mà không có đổ máu, và nhiều người coi việc “thống nhất” Crimea với Nga, như cách gọi của Điện Kremlin, là nhằm khôi phục và nâng cao sự vĩ đại của nước Nga.

Ngày nay, phản ứng chủ yếu của những người Nga bình thường đối với cuộc chiến là sự hung hăng. Nó được củng cố bởi những gì dường như là một nỗ lực trong tiềm thức để ngăn chặn bất kỳ tin xấu nào, và theo đó cũng ngăn chặn bất kỳ ý nghĩ nào rằng đất nước có thể đã sai. Nỗi sợ hãi nhà chức trách không chỉ ngăn cản người dân phản đối một cuộc chiến tranh man rợ; nó cũng khiến họ không thể thừa nhận với bản thân mình rằng nước Nga của Putin đã phạm phải một tội lỗi khủng khiếp. Thật đáng sợ khi đứng về phía cái ác. Thật đáng sợ khi phải nhìn những bức ảnh và đoạn phim tàn bạo xuất phát từ Ukraine – được truyền đi bằng một mạng riêng để vượt qua mạng Internet bị kiểm soát của Điện Kremlin – cũng như khi khám phá ra sự thật nguy hiểm đến mức nào. Và vì thế, đối với nhiều người, sẽ dễ dàng hơn nếu lựa chọn thấm nhuần nội dung tuyên truyền chính thức và tin rằng mình đứng về phía cái thiện: người Ukraine sẽ tấn công chúng tôi; chúng tôi chỉ đang tấn công phòng ngừa; chúng tôi đang giải phóng một dân tộc huynh đệ khỏi chế độ Quốc xã do phương Tây hậu thuẫn; tất cả các báo cáo về những hành động tàn bạo mà quân đội chúng tôi làm đều là giả mạo. Như một phụ nữ trong nhóm phỏng vấn của Trung tâm Levada nói, “Nếu tôi xem BBC, có lẽ tôi sẽ nghĩ khác, nhưng tôi sẽ không bao giờ xem BBC, bởi vì đối với tôi, những gì tôi đang xem là đủ rồi.”

Hội chứng Moscow

Putin đang bị dồn vào chân tường, nhưng cả đất nước của ông cũng vậy. Người Nga nói chung đang trải qua một phiên bản của Hội chứng Stockholm, đồng cảm với kẻ bắt giữ họ nhiều hơn là với những nạn nhân khác của hắn. Trong khi đó, các chính trị gia – những người được cho là bị ràng buộc với Điện Kremlin – đang bị chia rẽ về bước đi tiếp theo. Một số người, chẳng hạn như trưởng đoàn đàm phán của Putin, Vladimir Medinsky, và người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói rằng họ ủng hộ một thỏa thuận hòa bình. Những người khác, như nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, chủ trương “nhìn thấu đáo đến cùng” – nhưng đến cùng là như thế nào? – và coi bất kỳ cuộc thương lượng nào cũng là một hình thức phản bội. Sự đa dạng về quan điểm này cũng được phản ánh trong xã hội nói chung: đối với một số người, chiến thắng có nghĩa là một thỏa thuận hòa bình mang lại cho Nga một vùng lãnh thổ mới đáng kể; đối với những người khác, chiến thắng đòi hỏi phải dốc hết sức lực và chinh phục toàn bộ Ukraine, tất nhiên, nó có nghĩa là một cuộc chiến vĩnh viễn.

Những người ủng hộ Putin, say sưa với những gì họ coi là lòng yêu nước, đã tấn công bất cứ ai dám chỉ trích cuộc chiến, và tuyên bố không thể hiểu tại sao một số người lại phản đối chiến tranh: 32% số người được hỏi trong một cuộc thăm dò khác của Levada cho biết họ tin rằng những người biểu tình đã được trả tiền để làm vậy. Bởi còn cách nào khác để giải thích việc hàng nghìn người xuống đường phản đối ‘giải phóng Ukraine khỏi tay phát xít’? Bất chấp việc họ không thể giải thích hàng ngàn người này đã được ai trả tiền, và trả bằng cách nào, để họ chấp nhận mạo hiểm tự do và sinh kế mà phản đối cuộc thảm sát. Nhưng những khẳng định phi logic như vậy không phải điều gì mới: trong thời gian gần đây, một bộ phận trong nhóm chủ đạo cứng rắn của Nga thường sử dụng lập luận này để nói về những người biểu tình chính trị.

Đối với người Nga, thuật ngữ “chủ nghĩa phát xít” từ lâu đã trở thành một cái nhãn tiện lợi cho hầu hết mọi điều xấu xa. Thời Xô-viết, người ta thường nói rằng “những kẻ phát xít” và “những kẻ phục thù” đã “ngóc đầu dậy” ở nhiều nơi trên thế giới, từ Mỹ đến Đức. Đôi khi, một thuật ngữ thậm chí còn khắc nghiệt hơn, “Quốc xã,” đã được sử dụng. Không hề có ý châm biếm, tuyên truyền của Liên Xô đã lần đầu sử dụng thuật ngữ này để miêu tả Israel: sau Chiến tranh Sáu ngày vào năm 1967, khi Liên Xô cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, người Israel đã bị gọi là bọn Quốc xã. Đối với Putin, bóng ma Đức Quốc xã đã cung cấp một cách tuyên truyền cho cả nước, để khẳng định rằng Ukraine không có quyền tồn tại. Putin cần lịch sử của Thế chiến II để chính danh hóa chế độ của mình, nhưng người Nga vẫn chưa nhận ra rằng, khi làm như vậy, ông ta cũng đã phá hủy nền tảng của nhà nước hậu Xô-viết. Mọi thứ đều được xây dựng dựa trên việc đè bẹp chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, cách người Nga gọi Thế chiến II. Tuy nhiên, trong con mắt của người Ukraine – và phần lớn phần còn lại của thế giới – chính người Nga mới là người đang hành xử như những kẻ phát xít. Người Nga khó có thể sử dụng kinh nghiệm chống lại Hitler của đất nước họ để biện minh cho chủ nghĩa quân phiệt tàn bạo của chính họ. Ngược lại, họ đang trở thành người Đức sau Thế chiến II. Đây là những gì Putin đã làm: Nga không còn ở bên chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại; họ không còn ở lề phải của lịch sử nữa.

Phần lớn dân số Nga không nhận ra điều này. Và tất nhiên, năm nay, trong lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng (ngày 09/05) – một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Nga, kỷ niệm sự kết thúc của Thế chiến II – Putin chắc chắn sẽ đánh đồng chiến thắng của Liên Xô năm 1945 với chiến thắng của chính ông trước sức mạnh của lý trí. Đến ngày 09/05 này, Putin sẽ phải tìm ra từ ngữ để mô tả các thông số cụ thể của chiến thắng mới ở Ukraine. Và chúng phải đủ thuyết phục để làm cho chiến thắng trở nên giống với năm 1945. Nhưng nhiều người Nga dường như đã xem những gì Nga đang làm bây giờ tương đương với việc đánh bại Hitler: chữ Z, biểu tượng của chiến dịch đặc biệt, thường được mô tả bằng hình ảnh Ruy băng Thánh George, biểu tượng của chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết mọi người đều cảm thấy bị mắc kẹt: phương Tây trở nên thù địch với họ hơn bao giờ hết, nhưng ở Nga lại chẳng còn gì cho họ. Họ ủng hộ Putin với tư cách là chỉ huy tối cao của đội quân hùng mạnh của đất nước, nhưng trong thâm tâm, họ bắt đầu hiểu rằng tổng thống đã đưa họ đến nơi không thể trốn thoát. Đối với người Nga, đó là một cảm giác đã có từ rất lâu. Năm 1863, nhà tư tưởng cách mạng lỗi lạc Alexander Herzen đã chỉ ra căng thẳng này: “Vị thế của người Nga đang trở nên khó khăn không dứt ra được,” ông viết khi đang ở Ý. “Người Nga cảm thấy ngày càng xa lạ hơn ở phương Tây, trong khi lòng căm thù của họ đối với những gì đang xảy ra ở quê nhà ngày càng sâu sắc hơn.” Khi ấy, cũng như lúc này đây, sự thù hận là bí mật chứ không được công khai. Và người Nga không thể thừa nhận điều đó với chính họ.

Trốn chạy thực tế

Nhiều người Nga có lương tâm, có ý thức về bản thân, và có nghề nghiệp – và phương tiện để làm như vậy – đang tỏ ý phản đối và rời khỏi đất nước. Rất khó để thu thập con số chính xác, và trong phần lớn các trường hợp, những người ra nước ngoài nói rằng đó chỉ là tạm thời: họ đang ngồi ngoài cuộc chiến và chờ đợi sự thay đổi xuất hiện ở Nga, nhưng họ không có ý định bắt đầu cuộc sống mới vĩnh viễn ở một quốc gia khác. Thứ thúc đẩy họ không phải là nỗi sợ bị đàn áp, mà là việc thiếu niềm tin vào triển vọng của Nga và ghê tởm với những gì mà chế độ đã trở thành. Kết quả là, Nga đang bị chảy máu tầng lớp chuyên gia, những người từ lâu đã là trụ cột cho khát vọng về một nền kinh tế hiện đại, đa dạng hóa. Nếu điều này trở thành một xu hướng dài hạn, thì cuộc di cư về cơ bản sẽ gây hại cho nguồn nhân lực của đất nước. Và những người dân bị bỏ lại phía sau có thể thậm chí còn ít cởi mở hơn với các giá trị và tư tưởng tự do của phương Tây.

Đối mặt với thảm họa kinh tế đang rình rập, nhà nước Nga dường như đang hướng nỗ lực của mình vào những người Nga có thể ủng hộ chế độ, với điều kiện họ được cung cấp đầy đủ tiền bạc và các phần thưởng cơ bản khác để làm điều đó. Đây là những khối quần chúng mà lòng trung thành của họ phải được mua bằng trợ cấp xã hội và tiền lương trong các khu vực phụ thuộc vào nhà nước, những người phải liên tục được nghe những tuyên truyền ổn định để có thể giữ trật tự. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng ngày càng tăng của các lệnh trừng phạt, dự án này đã trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều và các nguồn lực để hỗ trợ nhóm này có thể bắt đầu cạn kiệt. Điều này sẽ đặc biệt đúng nếu Nga mất khả năng bán dầu mỏ và khí đốt.

Theo thời gian, những tác động tích tụ của chiến tranh có thể làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với Putin. Trong lúc chiến dịch quân sự và bộ máy tuyên truyền khổng lồ đi cùng với nó tiếp tục hoạt động hết công suất, sự gắn kết xã hội sẽ bắt đầu tan vỡ, và các lực lượng vốn có truyền thống duy trì nền kinh tế sẽ không còn hoạt động. Nhưng hiện tại, người Nga có vẻ hài lòng khi đẩy sự bất mãn của họ cho kẻ thù. Đối với câu hỏi, Ai là người đáng bị đổ lỗi?, họ trả lời: Mỹ và Châu Âu.

Putin đã đi vào ngõ cụt, và kết quả là Ukraine, cùng với phần còn lại của thế giới, đang phải gánh chịu hậu quả. Tuy nhiên, về lâu dài, đó cũng là một thảm họa đối với người dân Nga. Đất nước đã đóng góp rất nhiều cho nền văn hóa thế giới – nơi đã sản sinh ra rất nhiều tiểu thuyết gia và nhà tư tưởng vĩ đại, cũng như ba người đoạt giải Nobel Hòa bình – giờ đây sẽ gắn liền với Vladimir Putin suốt một thời gian dài. Phương Tây phải hiểu rằng, dù là điều hiểu nhiên, nhưng chế độ của Putin và nước Nga không phải là một. Và hiểu được này là cực kỳ quan trọng để xây dựng một nước Nga thời hậu Putin. Nếu không, nước này sẽ tiếp tục bị coi là một vùng đất thù địch, bị thế giới xa lánh. Tuy nhiên, sau cùng, người Nga sẽ tự chứng minh bằng hành động của mình rằng đất nước của họ còn nhiều điều lớn lao hơn Putin và những gì ông ta mang lại.

Andrei Kolesnikov là nghiên cứu viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.

Nguồn: Andrei Kolesnikov, “Russians at War,” Foreign Affairs, 18/04/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Ngôi nhà tối giản có mặt tiền dùng gạch đảo ngược

ĐỒNG NAI / Để tăng tính kín đáo nhưng vẫn thông thoáng cho ngôi nhà, gạch 4 lỗ thay vì đặt ngang lại được xoay dọc, ‘thò’ mặt lỗ ra ngoài đường.

Ngôi nhà có tên Peaceful house nằm gần khu công nghiệp Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai, rộng 173 m2, hoàn thiện đầu năm 2022.

Do chủ nhà mỗi ngày đi làm tiếp xúc nhiều với môi trường nhà máy, tiếng ồn và khói bụi nên mong muốn có được không gian sống thư giãn và bình yên.

Ngôi nhà được xây dựng trên khu đất vuông vức, hai bên là vườn rau của gia đình, nên ba mặt đều thoáng.

Yêu cầu của chủ nhà với kiến trúc sư là với chi phí xây dựng không quá cao nhưng đáp ứng đủ nhu cầu gia đình 5 người như: thông gió và chiếu sáng tự nhiên, hạn chế dùng thiết bị điện, không gian yên tĩnh và hướng nội.

Để hài hòa với cảnh quan xung quanh, khối nhà được thiết kế không quá cao, chiều cao tăng dần từ trước ra sau theo hướng mái dốc.

Khu vực mặt tiền dùng gạch ống 4 lỗ vuông thông thường, nhưng được xoay dọc để thông gió. Lỗ gạch này có kích thước phù hợp, tránh người ngoài nhìn vào bên trong, hạn chế tiếng ồn nhưng gió vẫn được lưu thông, giá lại khá rẻ

Chi tiết gạch đảo ngược tiếp tục được sử dụng ở vùng tiếp giáp nhà với đất trống hai bên hông, nhằm đối lưu gió.

Công trình có hai khoảng sân trước và sau, kết hợp khoảng thông tầng lớn giữa nhà, cả ba tổng hợp thành hệ thống thông gió và lấy sáng.

Từ bên ngoài, ngôi nhà khá kín đáo, nhưng bước vào trong, không gian mở rộng hoàn toàn.

Nhà gồm 4 phòng ngủ, 3 toilet. Tầng trệt gồm khu sinh hoạt chung, phòng ngủ của cha mẹ, tầng trên là phòng của các con, tất cả được kết nối với nhau bằng khoảng thông tầng giữa nhà.

Nhờ khoảng thông tầng, các thành viên trong gia đình có thể dễ dàng giao tiếp với nhau dù đang ở các tầng khác nhau.

Chủ nhà yêu thích sự tối giản và nhẹ nhàng, nên màu trắng được kiến trúc sư lựa chọn làm gam màu chủ đạo, kết hợp với màu gỗ sồi.

Cây xanh được bố trí ở sân trước sau, chiếu nghỉ cầu thang, hành lang chung và khu nhà xe… tạo cảm giác tươi mát ở mọi góc nhìn.

Thời gian thi công công trình là 4,5 tháng, tổng chi phí 1,6 tỷ đồng.

Vy Trang /Thiết kế: 90odesign / Ảnh: Quang Tran

Con người điêu trá 

Nhà văn sĩ T.L. một hôm kể lể với tôi:

– Một đời tôi, tôi chỉ yêu có một người. Trong hai năm giời tôi cùng người ấy ăn ở với nhau, tình yêu thật là thiết tha, đằm thắm, tôi được sung sướng đến cực điểm.

Tôi phải thú thực rằng sở dĩ tôi có cái danh dự ngày nay là nhờ nàng cả, vì, được gần gụi nàng thì cầm tới bút, tôi mới mong được thấy cảm hứng chứa chan. Mới gặp nàng lần đầu, tôi đã tưởng tượng ngay rằng nàng vẫn là người yêu của tôi tự bao giờ ấy! Dung nhan diễm lệ và đức tính của nàng thực làm thỏa lòng tôi quá, khiến tôi đến phải mê tơi.

Con người ấy không bao giờ bỏ tôi, chẳng phải hạng ăn xổi ở thì, đã… đã từ trần trên giường tôi nằm, trong cánh tay tôi ôm ấp, thực đến lúc chết mà vẫn yêu tôi, rõ thảm!…

Ấy thế mà mỗi khi chợt nghĩ đến nàng thì tôi giận lắm! Nếu lúc nào tôi cố lục tìm trong trí nhớ, cố tưởng tượng cho thấy trong óc cái hình dung yểu điệu, thướt tha của con người ấy, cái đường ngôi lệch, lời nói dịu dàng thỏ thẻ, cặp mắt rất say sưa, nếu lúc nào tôi lại được thấy trong trí tưởng tượng con người nõn nà nghiêng nước nghiêng thành đã cũng tôi ăn ở non vợ chồng mà già nhân ngãi ấy thì chỉ cốt để tôi được chau mày, chau mặt mà thét lớn rằng: “Tao ghét mày!…”. Con người điêu trá

Tên nàng, nàng bảo: Bích Nga. ở nhà một bà bạn mà chúng tôi được cái hân hạnh gặp nhau, người ta gọi nàng là bà tham Ngọc, bà tham Ngọc đã góa chồng, chồng bà, một ông tham tá công chánh, đã dắt vợ đi khắp thâm sơn cùng cốc ở cõi Đông Dương, rồi vì nước độc đã bỏ mặc vợ mình bơ vơ trên cõi thế.

Mà hình như nàng cũng đã đi lắm nơi xa thì phải. Khi trò chuyện, có lúc thốt nhiên nàng nói “… một buổi chiều, ở cổ viện Đế Thiên, Đế Thích…” hay “… sáng sớm tinh sương hôm ấy trên bờ sông Cửu uốn khúc tại kinh thành Luang Prabang…”. Ngoài ra, không có sự gì tỏ rằng con người ấy đã đi nay đây mai đó, trong vẻ người, giọng nói, không một nét nào chứng thực được cái vội vàng, hấp tấp những lúc khuya sớm, đi, về. Nàng vốn là gái Huế. Cứ trông lối y phục thanh tao, dáng người bệ vệ ấy thì không ai dám bảo nàng đã là vợ một người luôn luôn nay đó, mai đây. Con người điêu trá

Khi tôi hiểu rằng tôi đã quên ăn bỏ ngủ vì nàng thì điều trước nhất của tôi là muốn xin cưới ngay nàng làm vợ. Tôi nhờ bà bạn gái kia đem lời cầu hôn khẩn khoản nói giúp tôi nhưng, thất vọng thay! Nàng kêu là nàng đã giập tắt lửa lòng, không đời nào còn mong tái giá.

Thế là tôi phải tìm đường gìn giữ, sao cho khỏi gặp mặt nàng. Nhưng nào có được? Lòng yêu chuộng xưa kia đã khiến tôi vì nàng mà quên ăn, bỏ ngủ thì sự thất vọng ngày nay làm tôi chẳng còn khối óc làm lụng được một việc gì, nên, lẩn thẩn, tôi nghĩ cách… đi xa.

Tôi đang sửa soạn hành trang, lòng buồn tê tái, đứng trông mấy chiếc hòm và chiếc va ly há rộng miệng ra nuốt những áo quần với đồ lặt vặt của kẻ đi xa thì chợt cánh cửa hé mở từ từ; để lộ ra vẻ mặt âu sầu của bà tham Ngọc.

Phải, chính Bích Nga đứng đó, thỏ thẻ nói rằng:

-… Nghe như ông định thu xếp vào Sài Gòn làm ăn thì phải…

– Vâng! Tôi chưa kịp lại biệt chào bà.

Thấy tôi chỉ nói đủng đỉnh, lạnh lùng, Bích Nga bấy giờ vừa run vừa hỏi:

– Mình… (phải, nàng gọi ngay tôi là mình!), mình định đi thật đấy ư? Tôi vẫn biết, khổ lòng lắm, mình ạ. Mình vì yêu tôi nên phải tìm cách xa tôi, còn tôi, tôi cũng xin thú thực rằng đối với lòng yêu chân thật của mình, tôi rất lấy làm cảm động. Nhưng, khốn nỗi, tôi, tôi không phải… góa chồng!!! Con người điêu trá

Thế là đến tận bây giờ, cái tiểu sử đau đớn của nàng tôi mới được nàng kể rõ cho nghe.

Thực là một cuốn tiểu thuyết trường thiên về tình yêu, tình phụ. Chồng nàng rượu chè be bét, thường đánh đập nàng, ba năm nay rồi, hai người đã bỏ lửng nhau. Nàng bồ côi cha mẹ từ thuở ngây thơ nên được một ông chú thương yêu lắm lắm. Ông chú ấy hiện giờ làm quan tại Huế, nhưng vì đã ép duyên nàng nên nàng cũng giận từ độ ra ngoài Hà Nội này, nàng chẳng hề có lấy một chữ gửi thăm. Chị ruột nàng lấy kế ông phủ Vĩnh Tường mà cậu nàng thì hiện giờ là một ông giáo, người đã cao niên, dạy học trong một trường công ở ngay Hà Nội. Vì xưa kia trong nhà có chuyện hiềm khích nên dù nàng là cháu mà nàng cũng chẳng hề đến cửa bao giờ. Còn Bích Nga, buồn vì thân thế, mấy năm nay đã ăn ở ra con người liêu tịch, cố lấy cái vỏ ngoài điểm trang lòe loẹt để giấu kín một trái tim đau khổ bên trong. Con người điêu trá

Nhưng nàng tuy bơ vơ một mình mà chẳng phải luỵ ai, vốn có tài về nghệ thuật nữ công nên vẫn sống một cách thảnh thơi, phú quý. Hiện giờ, mấy cô tiểu thư nhà mấy ông quan lớn đang cầu nàng đến dạy cho thêu thùa, bánh trái và cả ca hát, địch đàn.

Thiên lệ sử ấy, nàng kể tôi nghe rất là cảm động, dẫu rằng trong khi trò chuyện, nàng thường nói đi nói lại mãi chẳng nên lời, một cái kém hèn của bọn phụ nữ ngây thơ.

Chúng tôi bèn thuê một căn nhà rất đẹp, rất xinh ở con đường Hàng Cỏ. Cứ chiều chiều, chúng tôi cùng nhau sánh vai ra ban công hóng mát, nhìn hai rặng cây lá xanh tươi tốt, con đường vắng vẻ, vỉa hè cỏ mọc um tùm mà tưởng tượng như mình ở cảnh Bồng Lai.

Trong một năm tròn, tôi cứ muốn được luôn luôn quấn quýt lấy Bích Nga để ngắm nàng tha thướt ra vào, để nghe nàng ngây thơ cười nói, mặc quách cả những anh em, nếu nàng không giục tôi mau mau trở về toà soạn. Nàng luôn luôn nhắc tôi chớ hững hờ với cây viết để nàng cũng đem ngón nữ công, đàn địch ra dạy bọn tiểu thư vẫn hết lòng mong đợi nàng kia. Suốt ngày, chúng tôi phải cách xa nhau, gặp nhau chỉ chờ đến chiều, đến tối. Con người điêu trá

Từ tòa báo trở về căn nhà chúng tôi nương náu, mỗi bước chân đi đối với tôi là trút được một ít nặng nề, vô vị của đời, tới nhà phải đợi nàng thì nóng lòng sốt ruột quá chừng, nhưng nếu thấy nàng đã tựa cửa chờ mình thì sung sướng bằng mở cờ trong bụng. Thỉnh thoảng nàng lại mua về một cụm hoa tươi. Cũng có khi tôi ép nàng nhận một vài cái quà quý giá nhưng nàng đều nhất nhất chối từ. Nàng kêu giàu có hơn tôi nhiều, vả lại, cứ suy lối ăn mặc toàn lượt là, gấm vóc của nàng, cứ tính những đồ xa xỉ nàng thường dùng như phấn, sáp, nước hoa thì đủ hiểu là bọn học trò kia trọng đãi nàng lắm lắm. Cho nên tôi rất lấy làm cảm kích tấm lòng quảng đại của nàng, nó chẳng như “trái tim” vẩn đục của bọn bom xu1. Nàng yêu tôi mà chẳng phải luỵ tôi, con người tự lập, khẳng khái ấy đã lắm khi khiến tôi đem cái nghèo của mình ra đọ với ái tình mà tự thấy âm thầm hổ thẹn.

Kể ra thì nghề nàng cũng chẳng có gì là vất vả. Con người điêu trá

Bọn học sinh kia, con quan, con các nhà tư bản, toàn là những công nương phong phú, yêu vì tài, trọng vì nết, coi nàng như một đóa hoa. Một lần nàng phô với tôi một đôi vòng vàng một chiếc “nhẫn đồng hồ” lấp lánh kim cương, kêu là của học trò tặng làm kỷ niệm.

Chúng tôi chẳng hề xa nhau nửa bước, ngoài cái thời giờ bận việc hàng ngày. Duy chỉ chủ nhật nào là nàng cũng xin phép tôi lên phủ Vĩnh Tường thăm bà chị và chơi với cháu, mỗi tuần lễ chỉ ngày chủ nhật mà thôi.

Thì cứ sáng sớm tôi ra ga lấy vé cho nàng bước lên xe lửa, cầm mù xoa vẫy theo ngơ ngẩn rồi đến chiều lại ra ga để đón nàng về. Lắm khi, tôi hẹn đón nàng ở một vài ga khác, như Yên Viên, Xuân Kiều, Đông Khê chẳng hạn, rồi những cảnh quê xinh đẹp, êm đềm, chúng tôi cùng nhau thăm thú, lúc thì vào một quán hàng ăn bún riêu cua, bánh đúc, lúc thì trên những con đường vắng vẻ chúng tôi cười cười, nói nói, ném mắt đuổi theo con chích chòe tha mồi vào tổ, vừa đi vừa gặm mỗi người một chiếc bánh đa. Con người điêu trá

Nàng kể lại tôi nghe cảnh gia đình rất vui vẻ, êm đềm của bà phủ Vĩnh, vừa trên xe bước xuống, con bé cháu đã lon ton chạy lại đón đi, quan anh thường thường say “khướt cù đèn” nhưng mỗi khi diễu cợt, làm hề thì đố ai nín cười được đấy, bà chị tuy cấm cẳn, xấu ăn xấu nói nhưng nói sau quên trước, cũng chẳng “bụng dạ” gì.

Nghe lời nói có duyên một cách lạ lùng, tôi tuy mỉm cười, nhưng thực đau đớn, âm thầm trong dạ. Phải, tôi đau đớn lắm vì thấy cái đời hoa trôi bèo dạt của nàng, chẳng hề được hưởng hạnh phúc chân chính của gia đình như những ai ai.

Sung sướng quá, không bao giờ tôi đem lòng nghi ngờ nàng cả. Nhưng điều nàng nói tự nhiên đến thế, thực thà đến thế, ngây thơ đến thế, bảo ai mà chẳng phải tin?

Nhưng nàng phải cái tật cứ nói rườm lời khi kể chuyện lại những nhà mà nàng lui tới, những nhà của học trò nàng thì hình như nàng cố bày đặt cho ra những sự không đâu. Tôi đây, tôi là người đem tấm chân ái tình ra thương yêu, kính mến nàng, muốn trong cặp mắt nàng chỉ có riêng một mình tôi thì nàng lại cứ để trí vào những sự không đâu ra đâu sất cả!…

Nhưng đối với những người còn xanh mái tóc mà đã trải qua đủ mùi đau khổ như nàng, mà cuộc đời từ lúc bé tới giờ chỉ là một thiên lệ sử, thì cái tật mọn ấy, tôi cũng vẫn bỏ qua đi cho.

Chỉ độc một lần là tôi ngờ vực, hơi hơi ngờ vực. Con người điêu trá

Tối chủ nhật ấy, nàng lên phủ Vĩnh mà chẳng thấy về.

Tôi thất vọng quá!… Làm thế nào đây? Đáp ngay tàu lên phủ Vĩnh tìm nàng chăng? Nếu thế thì cuộc tình duyên kín đáo kia lộ mất. ấy thế mà sau một đêm trằn trọc, tôi quyết định ra ga đáp tàu lên phủ Vĩnh thì Bích Nga đẩy cửa, mặt mày xám ngắt, bước vào. Bà phủ, chị nàng, mệt nặng!…

Nàng nói thế nào tôi cũng cho là lọt tai tất cả, cũng chẳng để ý rằng hễ tôi hơi hỏi qua đến lẽ gì một tí là nàng liến thoắng đáp lại một thôi. Việc cần nàng chẳng nói ngay, cứ luẩn quẩn vào những điều tỉ mỉ: những là thuê xe ra ga phải thằng phu kéo chậm, lúc trả tiền lại còn kỳ kèo lôi thôi, em bảo thế này, nó cãi lẽ thế nọ, lấy vé nhiều người chen quá, suýt nữa bị kẻ cắp xẻo mất túi, lúng túng… nhỡ tầu!

Rồi, tuần lễ ấy, nàng lại lên phủ Vĩnh ở luôn 4, 5 ngày mới về, kêu chị mình, nhờ có mình săn sóc, thuốc thang chỉ ít lâu thì bình phục.

Khốn thay, chưa được bao lâu thì lại đến lượt nàng cũng ốm. Đốc tờ mời lại, bảo người yêu tôi mắc chứng đau phổi, bấy lâu ngấm ngầm, nay mới phát ra. Không còn thuốc nào chữa khỏi!

Bấy giờ tôi đau khổ quá, đã đến phát điên lên mất, vì nàng sắp phải từ trần. Rồi tôi nghĩ ra rằng đã đến lúc này thì bao nhiêu họ hàng, thân thích của nàng, mặc lòng xưa kia giận dữ với nàng, nay tôi cũng gọi đến. Cả gia tộc rất danh giá ấy tôi phải lo sao gọi cho đủ mặt để trong khi hấp hối, nàng được cùng những người thân yêu thứ tội, và ngộ có dặn lại gì chăng.

Thế là chẳng kịp ngỏ ý với người yêu, tôi vội viết ngay hai lá thư, một cho bà phủ Vĩnh Tường, một cho ông quan tai to tại Huế. Rồi hôm sau, tôi chỉnh tề khăn áo, tìm đến nhà ông cụ giáo, cậu ruột Bích Nga.

Tôi cũng không còn nhớ lúc đến nhà ông cụ ấy vào độ mấy giờ. Hình như ông cụ đang vào bữa cơm trưa, hay cơm chiều thì phải. Thấy dáng điệu tôi vội vàng, hấp tấp, ông cụ vội quăng đũa, bát, tiếp ngay.

– Thưa cụ, ở đời này, cũng có lúc mà những chuyện hờn giận trong gia đình phải vứt bỏ đi, mà tha thứ cho nhau mới phải…

Bộ mặt bình tĩnh đáng kính ấy bỗng quay lại nhìn tôi một cách ngạc nhiên. Con người điêu trá

Tôi – lố thật! – Tôi vẫn cứng cỏi thêm rằng:

– Thưa cụ, cô cháu ruột cụ đã đến lúc hấp hối rồi, bây giờ chỉ còn chờ có cụ…

– Cháu ruột tôi, ông bảo?… Thì nào tôi có đứa cháu gái nào đâu?

– Thôi đi, con xin cụ, cụ đừng cố chấp thế. Tội nghiệp lắm. Cháu ruột cụ, người sắp qua đời là bà tham Ngọc, thuở trẻ cụ vẫn gọi là: cháu Bích Nga.

– Thôi, dễ ông lầm nhà rồi! Cô Bích Nga hay bà tham Ngọc là ai, nào tôi có biết!!!…

Rồi ông cụ từ từ đẩy tôi ra khỏi cửa, chắc rằng trong bụng cho tôi là một thằng hoá dại. Cái mặt một thằng đã mất trí khôn, bấy giờ hẳn giống mặt tôi thì phải. Cơ sự xảy ra đến thế này thì thực bất ngờ quá đỗi, hay là Bích Nga lừa dối tôi chăng?

Nhưng sao lại phải bày đặt ra đến thế?

Bất thình lình, óc tôi chợt nảy ra một ý: đến hỏi vị tiểu thư Bích Nga vẫn bảo là cô học trò giỏi nhất về cả thêu thùa, bánh trái, ca hát, địch đàn.

Giựt chuông xong, tôi hỏi tên bồi ra mở cửa.

– Bà tham Ngọc?

– Không phải đây!… Con người điêu trá

– Vẫn biết thế rồi, nhưng bà ấy vẫn lại đây dạy con gái cụ lớn học tập nữ công…

– Cụ lớn nhà tôi làm gì có cô nào? Lạ thật! Không biết ông định hỏi việc gì mà… lại thế!

Rồi nó đẩy sầm cánh cửa vào mũi tôi một cách bất bình. Thì ra tôi đánh thức nó dậy lúc ấy đúng một giờ đêm.

Tôi tất tả ra về, không còn định đi đâu hỏi nữa. Chắc rồi ai cũng đáp mình đến thế chứ gì? Bước chân vào nhà, tôi thấy dưới đất vứt một phong thư, thư trả lời của bà phủ Vĩnh. Tay bóc thư mà lòng đã biết trước, ông phủ Vĩnh rất lấy làm lạ vì bà vợ ông chẳng hề có cô em gái gọi là Bích Nga hay bà tham Ngọc bao giờ!

Thì ra trong hai năm giời ăn ở với nhau, mỗi lời nói của người yêu quý của tôi là một lời bịa đặt. Trăm nghìn mối ghen mới đua nhau dày vò tôi lúc ấy, tôi cũng chẳng biết mình định làm gì, đẩy cửa bước đến gần giường bệnh, mắt nhìn chòng chọc, muốn chỉ dùng đôi mắt căm hờn, đau đớn để hỏi bệnh nhân.

Bao nhiêu điều xưa nay làm khổ tôi mãi, trước mặt người yêu bấy giờ tôi mới đem trút xuống:

– Này cô, những ngày chủ nhật, cô làm gì mà lên phủ Vĩnh Tường?… Những buổi tôi ngồi cặm cụi trong toà báo thì cô đi nhảy những đâu? Những đêm vừa rồi, cô ngủ những đâu… mà ngủ với ai??? Ô hay! Mau lên, trả lời đi cho tôi biết chứ! Con người điêu trá

Rồi tôi cúi mặt xuống nhìn, nhìn bộ mặt vẫn còn đẹp đẽ, say sưa ấy, cố ép nàng phải đáp. Nhưng nàng vẫn thản nhiên, tỉnh trí, chẳng hề hé cặp môi son.

Tức quá đi mất, tôi lại vỗ ngực, bứt tóc, rít lên rằng:

– Mày có đi dạy học ai đâu? Mày tuy thêu thùa giỏi thật, nhưng nữ công, nữ hạnh gì mày? Tao đã đi hỏi khắp nơi rồi, không một ai biết mày là người ở đâu sất cả! Vậy thì những đồ trang sức kia ở đâu mà đến, tiền bạc mày ăn tiêu phung phá, mày lấy đâu ra?

Nàng chỉ nhìn tôi một cách rất đỗi đau đớn, buồn rầu, ấy thế! Giá tôi cứ để nàng được tĩnh tâm mà nhắm mắt có lẽ phải hơn.

Khốn nỗi! Tôi rất yêu nàng, yêu quá đi mất. Lửa ghen vẫn mạnh hơn lòng xót, nên tôi chẳng nhịn được lời.

– Mày đã lừa dối tao trong hai năm giời, trong hai năm giời tao ăn ở với mày, ngày nào mày cũng lừa tao, lúc nào mày cũng dối tao. Đời tao có những chuyện gì là mày biết tất mà đời mày thì thật là tối tăm, bí mật, tao chẳng được biết một tí ti gì… Cả đến tên mày là gì, tao cũng không biết nốt!… Phải, tên mày tao cũng không được biết vì Bích Nga hay bà tham Ngọc là chuyện mày bịa đặt, có phải không? Giời ôi! Người đâu có người man trá, lọc lừa! Trong hai năm nay nó dan díu với tôi mà bây giờ nó chết trong cánh tay tôi, tôi cũng không biết tên nó là gì, thảm chửa?! Này mày là ai? Hở? Mày ở đâu mà đến dan díu với tao? Đời tao chỉ có thế đấy thôi, mày quyến rũ tao để định làm cái trò gì? Nào! Ơ hay! Nói đi, nói mau lên cho tao biết chứ???… Con người điêu trá

Công toi cả! Đáng lẽ đáp những lời tôi dày vò, đay nghiến, nàng chỉ khẽ quay mặt vào tường, hình như sợ để tôi nhìn mãi cặp mắt nàng còn mở thì đoạn đời bí mật của con người ấy tôi khám phá ra chăng.

Ấy thế là con người đáng ghét mà cũng đáng thương ấy chết, chết mà còn để lộ tiếng là con người gian dối, con người đã cùng tôi hai năm dan díu ấy, mà đến bây giờ tôi cũng không được rõ gốc tích và tên tuổi là gì!…

Février 1932 / Vũ Trọng Phụng

IQ và EQ là gì? Cái nào quan trọng hơn?

Cái nào quan trọng hơn giúp tạo nên thành công trong cuộc sống – thông minh theo sách vở IQ hay thông minh kiểu “đường phố” EQ? Câu hỏi này là trọng tâm tranh luận quan trọng nhằm làm nổi bật tầm quan trọng của thông minh nhận thức (IQ) và thông minh cảm xúc (EQ). Cái gọi là “thông minh sách vở” cho rằng chính IQ là yếu tố thiết yếu giúp xác định mức độ thành công của một người trong cuộc sống. Những người ủng hộ cái gọi là “thông minh đường phố” lại cho rằng chính EQ mới là cái quan trọng hơn. Vậy, ai đúng?

IQ và EQ là gì? Cái nào quan trọng hơn?

Nguồn: https://www.verywellmind.com/iq-or-eq-which-one-is-more-important-2795287

Tìm hiểu cuộc tranh luận giữa IQ và EQ?

Trong cuốn “Emotional Intelligence” xuất bản năm 1996, nhà văn – nhà tâm lý học Daniel Goleman cho rằng trong thực tế, EQ (hay gọi đầy đủ là chỉ số thông minh cảm xúc) quan trọng hơn IQ. Tại sao? Một số nhà tâm lý học tin rằng chỉ số đo lường trí thông minh chuẩn (tức điểm IQ) quá hẹp và không bao gồm hết sự rộng lớn của trí thông minh con người.

Ví dụ, nhà tâm lý học Howard Gardner cho rằng trí thông minh không chỉ đơn giản là một năng lực chung chung đơn lẻ. Thay vào đó, ông cho rằng có nhiều loại trí thông minh khác nhau và mỗi người có thể có thế mạnh trong một số các lĩnh vực này.

Thay vì tập trung vào một dạng trí thông minh chung chung, đơn lẻ, thường được gọi là yếu tố G thì một vài chuyên gia tin rằng khả năng hiểu và thể hiện được cảm xúc có thể đóng một vai trò tương đương, nếu không muốn nói là quan trọng hơn trong cuộc sống mỗi người.

Đâu là điểm khác biệt giữa IQ và EQ?

IQ và EQ được đo lường và kiểm tra như thế nào? Hãy bắt đầu đi vào định nghĩa của hai khái niệm này để hiểu được ý nghĩa và sự khác biệt giữa chúng. IQ, hay chỉ số thông minh, là một chỉ số rút ra từ một bài kiểm tra trí thông minh tiêu chuẩn. Trong bài kiểm tra IQ nguyên bản, điểm được tính bằng cách chia số tuổi trí lực của người được kiểm tra cho số tuổi thời gian và rồi nhân số đó với 100. Vậy một đứa trẻ có tuổi trí lực là 15 và tuổi thời gian là 10 sẽ có điểm số IQ là 150. Ngày nay, điểm từ hầu hết các bài kiểm tra IQ đều được tính bằng cách so sánh điểm của người kiểm tra với những người khác trong cùng nhóm tuổi.

IQ thể hiện các khả năng bao gồm:

– Xử lý thị giác và không gian.
– Kiến thức về thế giới.
– Dòng tư duy.
– Trí nhớ làm việc và trí nhớ ngắn hạn.
– Tư duy định lượng.

EQ, mặt khác, lại là một chỉ số đo lường mức độ thông minh về cảm xúc của một người. Chỉ số này thể hiện khả năng nhận thức, kiểm soát, đánh giá và thể hiện cảm xúc. Hai nhà nghiên cứu John Mayer và Peter Salovey cũng như nhà văn Daniel Goleman đã đổ dồn sự tập trung của mình vào trí thông minh cảm xúc, biến nó trở thành một chủ đề “hot” cả trong kinh doanh quản lý và giáo dục.

EQ tập trung các khả năng như:

– Xác định cảm xúc.
– Đánh giá cảm xúc của người khác.
– Kiểm soát cảm xúc của chính bản thân.
– Nhận ra được cảm xúc của người khác.
– Sử dụng cảm xúc để hỗ trợ cho quá trình giao tiếp xã hội.
– Kết nối với người khác.

Kể từ những năm 1990, trí thông minh cảm xúc đã bắt đầu chuyến hành trình của mình từ một khái niệm có phần tối nghĩa đến một thuật ngữ được đông đảo mọi người công nhận. Ngày nay, bạn có thể tìm mua đồ chơi có ghi giúp tăng cường trí thông minh cảm xúc của trẻ hoặc cho trẻ tham gia các chương trình huấn luyện tập trung vào cảm xúc và tương tác xã hội, được thiết kế riêng để dạy cho trẻ các kỹ năng liên quan đến trí thông minh cảm xúc. Ở một số trường tại Hoa Kỳ, học tập về cảm xúc và tương tác xã hội thậm chí còn là cấu phần bắt buộc trong chương trình học.

IQ, EQ cái nào quan trọng hơn?

Đã từng có lúc, IQ được coi là chỉ số chính quyết định sự thành công. Người có điểm IQ cao được cho là kiểu gì cũng đạt được thành tựu và thành công lớn lao trong đời. Và các nhà nghiên cứu cũng tranh luận rằng liệu trí thông minh là sản phẩm của gen di truyền hay môi trường (cuộc tranh luận kinh điển về Bẩm sinh và Nuôi dưỡng.) Tuy nhiên, một số nhà phê bình bắt đầu nhận ra rằng có chỉ số thông minh cao chưa phải là nhân tố bảo đảm cho thành công, có lẽ phạm trù này là quá hẹp để bao hàm một phạm vi rộng lớn nhiều năng lực và tri thức của con người.

IQ vẫn được xem là một nhân tố quan trọng quyết định thành công, đặc biệt là khi nói đến những thành tựu học vấn. Những người có IQ cao nói chung là thường học hành giỏi giang, thường kiếm được nhiều tiền hơn và có xu hướng mạnh khỏe hơn. Nhưng ngày nay, đông đảo chuyên gia đều nhận ra rằng nó không phải là kim chỉ nam quyết định thành công trong cuộc sống. Thay vào đó, nó mà một phần trong một chuỗi tác động phức tạp bao gồm trí thông minh cảm xúc và vô vàn các thứ khác.

Khái niệm về trí thông minh cảm xúc đã có tác động mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả trong kinh doanh. Nhiều công ty giờ đây đã bắt buộc nhân viên phải tham gia các khóa đào tạo về thông minh cảm xúc và sử dụng bài kiểm tra EQ làm một phần trong quá trình tuyển dụng. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người có tiềm năng lãnh đạo mạnh mẽ thường thông minh hơn về cảm xúc, và rằng EQ cao là một phẩm chất quan trọng mà những nhà lãnh đạo kinh doanh và quản lý phải có.

Ví dụ, một công ty bảo hiểm phát hiện ra rằng EQ có thể đóng một vai trò sống còn trong thành công bán hàng. Những nhân viên bán hàng có thứ hạng thông minh cảm xúc thấp, trong các khía cạnh như sự thấu cảm, sáng kiến, và sự tự tin, bán được những hợp đồng có trị giá bảo hiểm ở mức $54,000. So với nhóm đó thì những người có thứ hạng chỉ số EQ cao bán được các hợp đồng có trị giá trung bình khoảng $114,000.

Năng lực cảm xúc cũng có thể ảnh hưởng lên những lựa chọn mua sắm của khách hàng. Nhà tâm lý học đã từng đoạt giải Nobel Daniel Kahnman đã phát hiện ra rằng con người ta thà giao dịch với người họ tin tưởng và yêu thích hơn là người họ không tin và thích, thậm chí ngay cả khi phải trả một cái giá cao hơn cho một sản phẩm cấp thấp hơn.

Thông minh cảm xúc EQ có thể học tập được?

Có lẽ bạn đang tự hỏi nếu trí thông minh cảm xúc quan trọng như vậy thì liệu ta có thể học để củng cố nó được không? Theo một nghiên cứu phân tích gộp tập trung vào kết quả của các chương trình học tập về cảm xúc và tương tác xã hội, câu trả lời chắc chắn là “có”. Nghiên cứu phát hiện ra xấp xỉ 50% trẻ tham gia vào các chương trình đào tạo cảm xúc và tương tác xã hội có điểm thành tích tốt hơn và gần 40% cho thấy điểm trung bình được cải thiện. Những chương trình này có có liên quan đến tỷ lệ bị đuổi học thấp, tỷ lệ có mặt gia tăng và giảm thiểu các vấn đề về vi phạm kỷ luật.

Một số chiến lược dạy trí thông minh cảm xúc bao gồm giáo dục tính cách, các hành vi mẫu tích cực, khuyến khích con người ta nghĩ về cảm xúc của người khác và tìm cách để thấu cảm hơn với mọi người.

Kết luận

Thành công trong cuộc sống là kết quả của rất nhiều yếu tố. Cả IQ và EQ chắc chắn đều gây ảnh hưởng lên thành công chung, cũng như từng khía cạnh của cuộc sống như sức khỏe, hạnh phúc và tình trạng khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Thay vì tập trung quá nhiều vào yếu tố nào có ảnh hưởng lớn hơn thì ta nên học cách trau dồi kỹ năng của mình trong nhiều lĩnh vực, chính điều đó sẽ mang lại lợi ích lớn lao nhất.

Ngoài việc tăng cường một số năng lực nhận thức nhất định như trí nhớ và sự tập trung tinh thần, bạn cũng có thể học những kỹ năng quản lý cảm xúc và tương tác xã hội mới, những kỹ năng này sẽ cực kỳ hữu ích cho bạn trong nhiều lĩnh vực của đời sống.

Theo PROMANAGEMENT / Red VN

Những người có trí tuệ cảm xúc cao đều có khả năng ‘làm chủ thiên hạ’: Áp dụng định luật 8-2

1.TRONG GIAO TIẾP, HÃY NGHE 8 PHẦN VÀ NÓI 2 PHẦN

Trong giao tiếp, lắng nghe có sức mạnh và quan trọng hơn là trò chuyện rất nhiều lần.

Carnegie từng nói: “Chỉ cần bạn là một người biết lắng nghe, thì số bạn mà bạn quen được trong hai tuần sẽ nhiều hơn gấp nhiều lần so với số bạn mà bạn quen trong hai năm bằng cách thu hút sự chú ý.”

Một lần Carnegie đến New York tham gia một bữa tiệc quan trọng. Ở đây ông gặp một nhà thực vật học nổi tiếng thế giới.

Suốt bữa tiệc, Carnegie chỉ giao tiếp vỏn vẹn vài câu với nhà thực vật học. Nhưng đến cuối bữa tiệc, nhà thực vật học lại hết lời khen ngợi Carnegie với người chủ trì bữa tiệc. Ông nói rằng Carnegie là một người “truyền lửa” cho bữa tiệc ngày hôm nay và là một “bậc thầy giao tiếp.”

Carnegie không hề trò chuyện nhiều với nhà thực vật học. Ông đơn thuần chỉ yên lặng lắng nghe, nhưng lại giành được sự tôn trọng của nhà thực vật học.

Thực ra, ý nghĩa thực sự của giao tiếp không phải là cố tìm cách giao lưu trò chuyện tương tác không ngừng, mà là dùng cả con tim để lắng nghe một cách chân thành.

Nếu bạn muốn đến gần với mọi người hơn, hãy lắng nghe nhiều hơn những câu chuyện của họ và hạn chế nói về bản thân mình.

Nghe tám phần nói hai phần, là một loại trí tuệ trong giao tiếp.

Những người có trí tuệ cảm xúc cao đều có khả năng ‘làm chủ thiên hạ’: Áp dụng định luật 8-2 - Ảnh 1.

2. KHI GẶP MẶT, 8 PHẦN GẬT ĐẦU 2 PHẦN LẮC

Khi gặp gỡ trò chuyện với ai, thay vì cật lực phủ nhận điều mà họ nói, bạn hãy gật đầu nhiều hơn.

Khi phải đối mặt với những lời phủ nhận chế giễu liên tiếp, nhiều người cười không có nghĩa là không để tâm, mà đơn giản chỉ vì họ không muốn trở mặt.

Có một câu nói rất hay: “Người ta chửi bạn một câu, bạn chửi lại người ta một câu đó gọi là cãi nhau. Khi có người khen bạn một câu, bạn khen lại người ta một câu, đây gọi là xã giao.”

Nếu bạn hắt nước lạnh vào người khác quá nhiều, khi cái lạnh chạm đến trái tim họ, họ sẽ không bao giờ đến gần bạn nữa.

Bất kể bạn kết giao với ai, nếu bạn trân trọng mối quan hệ đó, bạn cần phải khen ngợi, khẳng định tán đồng và động viên đối phương nhiều hơn.

Tám điểm gật đầu tán thưởng, hai điểm lắc đầu phê bình, biết đối nhân xử thế thì dẫu quen bao lâu cũng sẽ không nhàm chán.

3.TRONG CUỘC SỐNG, BAO DUNG 8 PHẦN, TỰ TRÁCH 2 PHẦN

Trong quá trình trưởng thành, chúng ta thường sống trong sự kỳ vọng của người khác, đồng thời cũng đánh giá quá cao bản thân mình.

Nhưng một khi những kỳ vọng sụp đổ, chúng ta sẽ vô thức rơi vào muộn phiền và tự trách bản thân. Và hầu hết những phiền não trong cuộc sống đều bắt nguồn từ điều này.

Chắc chắn không sai khi muốn nỗ lực làm tốt một việc gì đó, nhưng nếu vì không đạt được kết quả như mong đợi mà khiến bản thân rơi vào trạng thái tiêu cực thì bạn thực sự đang quá hà khắc với chính mình.

Trên đời này chẳng có thứ gì là trọn vẹn cả. Thất vọng và sai lầm đều luôn tồn tại song song nhau, hà tất cứ phải cố chấp níu giữ những muộn phiền. Thay vì cứ cố chấp giữ những đớn đau mệt mỏi trong lòng để dày vò bản thân, chi bằng hãy buông bỏ nó, cho bản thân thêm một cơ hội làm lại.

Cuộc sống cần có sự bao dung, hãy cứ thử dung hòa những lỗi lầm với chính mình. Đừng quá cưỡng cầu, bởi thứ gì gượng ép đều không hạnh phúc. Hãy cho mình tám phần khoan dung, biết đâu bạn lại có thể sống đơn giản và hạnh phúc hơn nhiều.

Hãy đối với bản thân, tám phần khoan dung và hai phần tự trách bạn nhé.

Những người có trí tuệ cảm xúc cao đều có khả năng ‘làm chủ thiên hạ’: Áp dụng định luật 8-2 - Ảnh 2.

4. ĐỐI NHÂN, 8 PHẦN THIỆN LƯƠNG, ĐỪNG QUÊN 2 PHẦN SẮC SẢO

Hồi đi học, Phương luôn nhớ đến chữ “lương thiện” mà cha mẹ đã dạy cho, nên cô giúp các bạn cùng phòng quét nhà, giặt quần áo và trải ga giường.

Phương đã trở thành người được chào đón nhất trong ký túc xá, nhưng đồng thời cũng trở thành bao cát cho mọi người trút giận.

Cho đến sau này, khi sự biết ơn biến thành phẫn nộ, bản thân Phương không khỏi thở dài: “Giờ tôi thực sự đã trở thành một kẻ rẻ tiền rồi”.

Điều mà Phương gặp phải, chúng ta ít nhiều cũng đã trải qua. Đối xử lương thiện với người khác là đúng. Nhưng tốt quá mức, không sắc sảo thì chỉ có thể tự mình chịu khổ.

Nếu một mối quan hệ được xây dựng dựa trên sự kiên nhẫn, thì chỉ cần một chút bất cẩn cũng đủ để tan vỡ.

Muốn mở rộng các mối quan hệ, hãy cố gắng thân thiện nhất có thể. Nhưng không được hạ thấp mình, chúng ta cần phải có lập trường. Nỗ lực hòa hợp không đồng nghĩa với việc đánh mất cái tôi nhẫn nhịn ấm ức chịu đựng một mình.

Tốt vừa phải, nhiệt tình vừa phải, trao cho người khác tám phần thiện lương, giữ lại hai phần sắc sảo để bảo vệ giới hạn của mình bạn nhé.

5. KẾT BẠN THÂN MẬT 8 PHẦN, GIỮ KHOẢNG CÁCH 2 PHẦN

Tình bạn giữa các quý ông nhạt như nước. Vì nhạt nên không chóng chán, bởi vậy mới có thể bền lâu.

Tôi luôn cảm thấy là bạn bè thân thiết thì không nên giữ khoảng cách, tốt nhất là không giấu giếm nhau điều gì

Nhưng sau này tôi mới thấy, dù là một người bạn tốt đến đâu, cũng nên giữ một khoảng cách thích hợp. Thân thiết quá dễ vô tình xâm phạm không gian riêng tư của người khác, dẫn đến xung đột.

Gần gũi thân mật tám phần thôi, chừa hai phần làm ranh giới. Thân mật gần gũi vừa đủ mới là cách dung hòa tốt nhất giữa những người bạn.

Đình Trọng / Trí thức trẻ

Đại tá về hưu cảnh báo trên truyền hình Nga ‘tình hình với Nga sẽ tồi tệ hơn’

Mikhail Khodarenok nói rằng Nga hoàn toàn bị cô lập về chính trị
Chụp lại hình ảnh,Mikhail Khodarenok nói rằng Nga hoàn toàn bị cô lập về chính trị

Các hãng tin truyền thông chính thống của Nga đưa ra một cái nhìn về cuộc chiến Ukraine không giống với bất kỳ cái nhìn nào từ bên ngoài đất nước.

Ngay từ đầu, họ thậm chí không gọi đó là một cuộc chiến. Nhưng đã có một cuộc trao đổi hiếm hoi được phát sóng trên truyền hình nhà nước Nga.

Đó là một tác phẩm truyền hình hiếm có.

Chương trình có thời lượng 60 phút, là chương trình trò chuyện hàng ngày phát sóng hai lần trên truyền hình nhà nước Nga: cuộc thảo luận tại studio nhằm thúc đẩy đường lối của Điện Kremlin về mọi thứ, kể cả về cái gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” của Tổng thống Putin ở Ukraine.

Điện Kremlin vẫn cho rằng cuộc tấn công của Nga đang diễn ra theo kế hoạch.

Nhưng vào tối thứ Hai, khách mời của studio là Mikhail Khodarenok, một nhà phân tích quân sự và là một đại tá về hưu, đã vẽ ra một bức tranh rất khác.

Ông cảnh báo rằng “tình hình [với phía Nga] rõ ràng sẽ trở nên tồi tệ hơn” khi Ukraine nhận được hỗ trợ quân sự bổ sung từ phương Tây và “quân đội Ukraine có thể trang bị vũ khí cho một triệu người”.

Nhắc đến những người lính Ukraine, ông phát biểu: “Mong muốn bảo vệ đất mẹ của họ rất thật. Chiến thắng cuối cùng trên chiến trường được xác định bởi nhuệ khí dâng cao của những người lính đang đổ máu cho lý tưởng mà họ sẵn sàng chiến đấu.”

“Vấn đề lớn nhất đối với tình hình quân sự và chính trị [của Nga],” ông tiếp tục, “là chúng ta đang bị cô lập hoàn toàn về chính trị và cả thế giới đang chống lại chúng ta, ngay cả khi chúng ta không muốn thừa nhận. Chúng ta cần giải quyết vấn đề này.”

“Tình hình không thể được coi là bình thường khi chống lại chúng ta là một liên minh của 42 quốc gia và khi các nguồn lực của chúng ta, quân sự-chính trị và quân sự-công nghệ, là có hạn.”

Những khách mời khác trong trường quay đều im lặng. Ngay cả người dẫn chương trình, Olga Skabeyeva, bình thường hay lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ Điện Kremlin, cũng tỏ ra khuất phục một cách kỳ lạ.

Theo nhiều cách, đó là trường hợp “tôi đã nói với bạn như vậy” từ ông Khodarenok. Viết trên Independent Military Review của Nga hồi tháng Hai, trước khi Moscow tấn công Ukraine, nhà phân tích quốc phòng này đã chỉ trích “những kẻ hiếu chiến quá khích và những kẻ điên rồ hấp tấp” khi cho rằng Nga sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Ukraine.

Kết luận của ông hồi đó là: “Một cuộc xung đột vũ trang với Ukraine không nằm trong lợi ích quốc gia của Nga”.

Biểu tượng về "hoạt động quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine mọc lên khắp Moscow
Chụp lại hình ảnh,Biểu tượng về “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine mọc lên khắp Moscow

Phê bình trên báo in là một chuyện. Nhưng trên tivi – với hàng triệu khán giả – thì đó hoàn toàn là một cấp độ khác. Điện Kremlin đã không kiểm soát được bối cảnh thông tin ở đây: đóng cửa các nguồn tin tức độc lập của Nga và đảm bảo rằng truyền hình – công cụ chính ở Nga để định hình dư luận – được đưa tin.

Thật hiếm khi được nghe những phân tích thực tế như vậy về các sự kiện trên tivi của Nga.

Thật hiếm có. Nhưng không phải là duy nhất. Trong những tuần gần đây, các quan điểm chỉ trích đã xuất hiện trên truyền hình ở Nga.

Tháng Ba, trong một chương trình trò chuyện trên truyền hình nổi tiếng khác, một nhà làm phim người Nga đã nói với người dẫn chương trình: “Cuộc chiến ở Ukraine vẽ nên một bức tranh đáng sợ, nó có ảnh hưởng rất nặng nề đối với xã hội của chúng ta.”

Vậy điều gì đã xảy ra trong chương trình kéo dài 60 phút? Đây có phải là một lời cảnh tỉnh tự phát, thiếu thận trọng và bất ngờ về Ukraine đã lọt qua lưới kiểm soát?

Hay đó là một sự bùng nổ được lên kế hoạch từ trước nhằm chuẩn bị cho công chúng Nga trước những tin tức tiêu cực về tiến trình của “chiến dịch quân sự đặc biệt”?

Thật khó để nói. Nhưng như họ nói trên truyền hình, hãy theo dõi tivi Nga để biết thêm thông tin.

  • Steve Rosenberg Biên tập viên BBC Tiếng Nga