Nhà bậc thang pha kiến trúc Nhật ở Vĩnh Phúc

Ngôi nhà mái gỗ với kiểu thiết kế khác lạ phù hợp với thời tiết nóng ẩm của miền Bắc.

Ngày càng nhiều người dân Hà Nội muốn có nơi nghỉ dưỡng ở ngoại ô để quây quần cùng người thân, bạn bè vào cuối tuần. Chủ đầu tư của ngôi nhà thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (cách Hà Nội khoảng 90 phút đi ôtô) cũng muốn có một không gian như vậy giữa thiên nhiên trong lành.

Vấn đề mà nhóm thiết kế phải giải quyết là làm thế nào để ngôi nhà thích ứng với khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm đặc trưng ở miền Bắc. KTS chủ trì Hiroomi Takemori cùng các cộng sự Phạm Gia Thắng, Trần Tuấn Hưng (Worklounge 03 Vietnam) và cố vấn Timothy Ian Middleton đã đưa ra ý tưởng Nhà bậc thang.

Các tầng được xây trượt về phía sau, tạo thành khoảng ban công vươn về trước theo hướng gió mát Đông Nam. Phần đua ra của tầng trên tạo thành mái hiên cho tầng dưới ở phía Tây Bắc, giúp giảm nhiệt độ cho cấu trúc bê tông cốt thép của tòa nhà.

Mỗi tầng đều có ban công và hệ cửa lớn để đón gió và có tầm nhìn ra hồ.

Các không gian và tiện ích của nhà đáp ứng công năng của nơi nghỉ cuối tuần với số người thay đổi, có khi lên đến hơn 10 người.

Mái và hệ cửa vận dụng kỹ thuật làm gỗ truyền thống nhằm đảm bảo tối đa khả năng thông gió tự nhiên và giảm bớt sự tác động của bức xạ mặt trời. Gia chủ có thể linh hoạt tạo ra các không gian đóng – mở liên thông tùy nhu cầu.

Tầng mái bằng gỗ được lắp ráp xen kẽ với ngói, có cửa sổ hút gió trên đỉnh. Cửa sổ này đóng vai trò là đường thông gió từ tầng 2, tầng 3 lên khu vực cao nhất của công trình.

Những khối gạch lỗ được sắp xếp ở mặt phía nam để giữ sự riêng tư cần thiết cũng như thông gió cho phòng.

Công trình có sự kết hợp giữa nét kiến trúc Nhật và bản địa Việt Nam với tông màu gỗ trầm, hệ cửa lùa lớn.

Trong nhà có những khoảng sáng tối xen kẽ, hài hòa với nhau tạo ra không gian tĩnh lặng.

Các chi tiết trong nhà đều làm từ nguyên vật liệu quen thuộc nhưng được chăm chút tỉ mỉ.

Ban Mai / Ảnh: Hiroyuki Oki/ Vietnam Express

Vũ Trọng Phụng, từ nhà văn đến “vua phóng sự”

Thật khó mà tưởng tượng nổi, một cuộc đời yểu mệnh như nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939), vẻn vẹn ở trên đời chỉ hai bảy năm ngắn ngủi, chín năm cầm bút, vậy mà ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ: 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 7 vở kịch, 1 vở dịch của Victor Hugo, hàng trăm bài báo và tranh luận phê bình văn học.   

Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939).
Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939).

Có đến hơn 80 năm rồi, nghĩa là cũng sắp tròm trèm cả một thế kỷ, vậy mà khi lần giở lại những tập phóng sự “Cạm bẫy người”, hay là “Kỹ nghệ lấy Tây” của “ông vua viết phóng sự” trên đất Bắc ngày xưa – Vũ Trọng Phụng, hỏi mấy ai, dẫu cho đến tận vài thập niên đầu của thế kỷ 21 này, có cái khả năng điền khuyết vào cái vị thế  “ngôi vương” huyền thoại ấy.

Ông vua phóng sự, là tôi gọi theo cách nói của một số nhà báo, nhà văn tiền bối cùng thời với nhà văn Vũ Trọng Phụng, như: Vũ Bằng, Nguyên Hồng, Tam Lang, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân… Người ta còn nhớ vào những buổi đầu khởi xướng từng trang phóng sự đăng thường kỳ (feuilleton) trên các nhật báo thời ấy còn có Tam Lang – Vũ Đình Chí với “Tôi kéo xe”, hoặc là Hoàng Đạo với “Trước vành móng ngựa”… Thế nhưng khi đọc Tam Lang trong bài viết: “Vài kỷ niệm về Vũ Trọng Phụng” (Tao đàn, số 1 – December – 1939): “Đọc những thiên phóng sự ấy tôi nhận thấy rằng Vũ Trọng Phụng, về mặt phóng sự – một lối văn tôi (tức Tam Lang – Vũ Đình Chí) khởi xướng đầu tiên, đã bỏ tôi xa lắm”, có đọc rõ từng lời như thế mới hiểu cái lý do ngôi vua phóng sự Vũ Trọng Phụng trong lòng những bạn văn của ông cũng như của công chúng là có thật. Ấy là chưa kể, chưa trích thêm bao lời tâm tình hoặc là những nhận xét của các nhà văn, nhà thơ khác như: Ngô Tất Tố, Trương Tửu, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư… Họ không chỉ viết về Vũ Trọng Phụng là một nhà báo hàng đầu trong lĩnh vực viết phóng sự mới mẻ của thời bấy giờ, mà còn là một nhà văn đã sớm tạo dựng riêng cho mình một vị thế sáng chói trên văn đàn: “Nghệ thuật tả chân phải nhận ông (Vũ Trọng Phụng) là một thần tử tiên phong và can đảm” (Địa vị Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt Nam cận đại – Trương Tửu).

Dường như cả cuộc đời ngắn ngủi của Vũ Trọng Phụng, cái nghèo khó đến tơi tả và văn tài của ông cứ liền nhau một mạch. Mồ côi cha từ thuở ấu thơ, ông đã phải sớm rời khỏi năm tháng hoa niên hồn nhiên tuổi ăn tuổi học, để lăn lóc đổ mồ hôi đổi lấy chén cơm. Ông va chạm trong cái thế giới bi đát diễn ra từng ngày, từng giờ một thực trạng xã hội nhố nhăng, lừa đảo, xu nịnh. Nơi này kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, cá lớn nuốt cá bé, nơi kia trụy lạc, xa hoa và tội ác… Thế rồi từ cái thế giới nhuộm đầy bóng tối ấy, vụt lóe sáng trên bầu trời đất Bắc một tài năng văn học làm dậy tiếng trên văn đàn. Chả phải tài năng ấy mang đến cho Hà Nội thanh lịch thêm những áng văn hay những trứ tác mỹ miều lãng mạn kiểu Tự Lực văn đoàn, mà trời ạ, đó là: “Giông tố, Số đỏVỡ đê, Trúng số độc đắc… (tiểu thuyết), và những thiên phóng sự làm dậy sóng dư luận đương thời: “Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Lục xì, Cơm thầy cơm cô…”. Tất cả đấy là những cái nhếch mép, cái cười trào lộng, khinh bạc, đả phá vào cái thành trì phong tục hũ nút, chóng vội choàng lên mình sự hào nhoáng trưởng giả, cơ hội, lai căng, tha hóa… Tài năng ở đây là chữ nghĩa nhà văn không ảo não như của Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), không nỉ non như Giọt lệ thu (Tương Phố), hay êm đẹp mộng mơ như Khối tình lớn, Khối tình con (Tản Đà)…, mà chữ nghĩa ấy sắc hơn dao, nhọn hơn kim, đọc văn ông dễ cất lên tiếng cười mà  nước mắt chảy cay xè…

Nói Vũ Trọng Phụng là nhà báo, nhà văn tiên phong và can đảm là nói chỗ khác người và vượt trội người khác ở chỗ ấy. Văn tả chân hay hiện thực của ông không phải là bản sao chép thế giới (xã hội), mà tính chất trào lộng, châm biếm là motif thẩm mỹ dẫn dắt niềm ưu tư của tác giả đi xa hơn, để cái nhãn quan nghệ sĩ trào lộng nhìn vào hiện thực xã hội u tối, đổ vỡ, đau thương mà tạo ra từng âm vang, chua chát, khiêu khích, reo cười tung tẩy đấy mà “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” cũng đấy.

Vâng, văn phóng sự của ông vua phóng sự hơn 80 năm rồi mà còn tươi rói như thế này đây:

“Cái gường của một me Tây cũng như cái dùi khui của một ông cảnh sát, cũng như cái búa của bác thợ rèn, cũng như cái cổ của một ông nghị viên Việt Nam. Trong Kỹ nghệ lấy Tây, thợ chỉ làm việc trên gường (Kỹ nghệ lấy Tây, Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, trang 568).

Đấy là một thực trạng xã hội thời ông sống. Một cách so sánh vừa trào phúng, khôi hài nhưng lại châm chích đến rưng rưng nỗi niềm từng thân phận trong đêm dài nhược tiểu. Càng rưng rưng hơn nữa là số phận một nhà báo, nhà văn như ông, cày xới trên trang giấy miệt mài suốt ngày đêm, hết tiểu thuyết đến phóng sự, xong truyện ngắn quay sang viết phê bình, rồi viết kịch, dịch thuật. Ông vắt não tủy máu xương lao động “lực điền” trên tấm hình hài gầy gò đi qua từng ngày như thế mà không đủ nuôi sống gia đình. Cái nghèo khổ trêu ngươi nhà văn mỗi ngày, hay như quan niệm của Freud về bản năng hoạt động qua sự trỗi dậy sinh thành khoái lạc. Không! Vũ Trọng Phụng không Freud, không Sartre, cũng chả nên so sánh tác giả Số đỏ với Balzac làm gì. Ông là đứa con của hoàn cảnh cụ thể, cuộc đời cụ thể. Bẩm sinh tài năng Vũ Trọng Phụng, đương nhiên rồi. Nhưng giả dụ như ông sinh ra đời trong một hoàn cảnh khác, ví như “tối rượu sâm banh sáng sữa bò” chẳng hạn, thì có khi lịch sử văn học và báo chí nước nhà lại trống vắng những “Giông tố, Số đỏ…”, hay là những “Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây…”. Thế nên mới hay ra, cái độc đáo của một nhà văn, nhà báo kiểu như Vũ Trọng Phụng, chính là mẫu người sinh ra để thể hiện hết những ưu tư về định mệnh của mình. Niềm ưu tư triền miên ấy lót chỗ cho nhà văn nằm thao thức trên căn gác hẹp chật chội ở phố Hàng Bạc, để rồi mỗi khi chớp lấy một ý tưởng, tấm thân gầy gò kia lại cắm cúi trên bàn viết mà sinh thành tác phẩm. Nếu như không vì căn bệnh phổi quái ác kia đốn ngã nhà văn đang giữa tuổi thanh xuân, thì khó lòng mà dự đoán hết cái sức vóc tài năng và tâm huyết của ông sẽ còn viết ra bao nhiêu tác phẩm nữa.

Nhưng, mượn lời của các nhà văn nhà báo tiền bối, trong một sáng mùa thu Hà Nội cách nay non thế kỷ đã quây quần lại với nhau để đưa tiễn nhà văn Vũ Trọng Phụng về cõi vĩnh hằng, rằng cuộc đời mệnh yểu của ông chỉ 27 năm thôi, nhưng tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, những “Số đỏ, Giông tố, Kỹ nghệ lấy Tây, Cạm bẫy người…” rồi sẽ trăm năm, sẽ mãi mãi!

Vâng, thời gian đang nói với hậu thế về sự bất tử đó. Cụ thể hơn, ví như “Kỹ nghệ lấy Tây” thời của Vũ Trọng Phụng có khác gì thời “kỹ nghệ lấy Mỹ” trong chiến tranh, hay như đang thời cực kỳ hiện đại bây giờ là … “kỹ nghệ lấy Đại Hàn, kỹ nghệ lấy Đài Loan” có khác gì nhau!

NGUYỄN NHÃ TIÊN /QNO

Cô gái gốc Việt với sứ mệnh mang cà phê quê nhà sang tận Mỹ: Quyết đòi công bằng cho nông dân Việt Nam trên con đường vươn ra thế giới

Cà phê là thức uống phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới. Hương vị có thể có sự khác biệt nhưng tinh thần chung vẫn là thứ đồ uống “khó cưỡng lại được” đối với nhiều người.

Người Việt ở Mỹ nặng lòng với cà phê

Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn nhất nhì thế giới, điều đó hẳn ai cũng biết. Ở nước Mỹ xa xôi, người dân thưởng thức ly cà phê thơm ngon do bàn tay nông dân Việt Nam trồng được.

Nhưng mấy ai biết, thứ họ nhâm nhi mỗi buổi sáng ấy có nguồn gốc từ đâu. Và đó là lý do để thương hiệu cà phê Nguyen Coffee Supply ra đời. Thương hiệu này thuộc về một cô gái gốc Việt tên Sarah Nguyễn (sinh ra và lớn lên ở Boston, bang Massachusetts, Mỹ).

Cô gái gốc Việt với sứ mệnh mang cà phê quê nhà sang tận Mỹ: Quyết đòi công bằng cho nông dân Việt Nam trên con đường vươn ra thế giới - Ảnh 1.

Chân dung cô gái gốc Việt có niềm đam mê với cà phê nơi quê nhà.

Bằng tất cả tình yêu thương, tự quý trọng nông sản Việt Nam, cô gái ấy đã làm ra một điều không tưởng ở nơi phồn hoa, xô bồ như thành phố New York (Mỹ). Sarah Nguyễn đã đưa hạt cà phê được trồng ở Đà Lạt, Việt Nam đến tận Mỹ và rồi lại tìm cách để rang chúng đúng theo sở thích của khách hàng.

Để rồi, tất cả mọi khó khăn, nỗ lực được đổi lại bằng sự tin yêu, đánh giá cao của cả giới “sành” cà phê hay những người dễ tính.

Năm 2020, trang Start Up (một chuyên trang về các doanh nhân trẻ mới khởi nghiệp) đã có cuộc phỏng vấn với Sarah Nguyễn. Từ đó, người ta có cái nhìn sâu sắc hơn về tâm tư của một cô gái gốc Việt yêu tha thiết hương vị quê nhà.

Sarah Nguyễn – Người Việt ở Mỹ khởi nghiệp thành công với hương vị quê nhà
Cô gái gốc Việt với sứ mệnh mang cà phê quê nhà sang tận Mỹ: Quyết đòi công bằng cho nông dân Việt Nam trên con đường vươn ra thế giới - Ảnh 2.

Dưới đây xin được trích dịch cuộc trò chuyện với Sarah Nguyễn:

Chào Sarah Nguyễn! Hãy cho chúng tôi biết về hành trình bạn sáng lập ra thương hiệu Nguyen Coffee Supply?

Tôi là một phụ nữ Mỹ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Boston, Massachusetts. Tôi học hai chuyên ngành Nghiên cứu người Mỹ gốc Á và Văn hóa & Nghệ thuật Thế giới tại Đại học California, Los Angeles (UCLA).

Là một người uống cà phê như bao người khác, tôi thuộc nhóm xuề xòa đến mức không có một chiếc cân đong đếm cà phê hay chút hiểu biết gì về nghệ thuật pha cà phê. Với tư cách là người tiêu dùng, tôi cảm thấy rằng ngành công nghiệp cà phê đã thúc đẩy một nền văn hóa tinh hoa bắt nguồn từ giới thượng lưu. Nhưng nó không gây ấn tượng với tôi.

Cô gái gốc Việt với sứ mệnh mang cà phê quê nhà sang tận Mỹ: Quyết đòi công bằng cho nông dân Việt Nam trên con đường vươn ra thế giới - Ảnh 3.

Tại Nguyen Coffee Supply, chúng tôi thúc đẩy văn hóa cà phê hòa nhập bắt nguồn từ việc cá nhân hóa, nơi trải nghiệm cà phê của mọi người đều có giá trị. Bạn thích cà phê bodega, tuyệt vời! Tôi thích sử dụng cân để đo lường cà phê, cũng được! Không có đúng hay sai ở đây, cũng chẳng có tốt hơn hay tệ hơn – chỉ đơn giản là chúng ta đều thấy cà phê ngon.

Đặc biệt hơn, tôi nhận thấy rằng không có doanh nghiệp nào cung cấp loại cà phê hạt rang sẵn thuộc hàng cao cấp của Việt Nam.

Là một người đã từng thưởng thức cà phê Việt Nam trong những lần về quê thăm gia đình, tôi biết cà phê Việt Nam ngon và tuyệt vời như thế nào. Tôi không thể tìm thấy hạt cà phê Việt Nam nào trong số 30 – 40 nhãn hiệu ở bất kỳ siêu thị nào trong thành phố New York. Đó là lúc tôi quyết định bắt đầu nhập khẩu cà phê và tự rang.

Với sứ mệnh chuyển đổi ngành cà phê thông qua sự đa dạng, hòa nhập và minh bạch, Nguyen Coffee Supply là nhà nhập khẩu và rang xay cà phê đặc sản của Việt Nam đầu tiên ở Mỹ, chuyên cung cấp cà phê robusta – một loại cà phê đậm và ngon với những lợi ích độc đáo. Trong đó, bao gồm các chỉ số ấn tượng như: gấp đôi caffeine, chất chống oxy hóa cũng cao hơn gấp 2 lần, lượng đường ít hơn 60% và chất béo ít hơn 60% so với cà phê arabica.

Chúng tôi đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong thị trường cà phê robusta. Kể từ khi bắt đầu thành lập Nguyen Coffee Supply, chúng tôi nhận thấy rằng 75% khách hàng thích cà phê robusta hơn là arabica.

Điều này không có nghĩa là hạt cà phê này tốt hơn hạt cà phê kia vì hạt cà phê không sống theo thứ bậc và chúng tôi không quảng bá văn hóa thứ bậc trong cà phê. Thay vào đó, nó chỉ ra thực tế rằng tất cả chúng ta đều xứng đáng có được sự đa dạng hơn, về dịch vụ, chất lượng sản phẩm.

Cô gái gốc Việt với sứ mệnh mang cà phê quê nhà sang tận Mỹ: Quyết đòi công bằng cho nông dân Việt Nam trên con đường vươn ra thế giới - Ảnh 4.

Tháng 4/2019, Sarah Nguyen đã khai trương gian hàng Cafe Phin bên trong tiệm ăn An Choi tại khu Lower East Side, thuộc Manhattan, New York. Gian hàng của cô chuyên phục vụ cà phê pha theo kiểu Việt Nam, sử dụng hạt cà phê kết hợp robusta và arabica.

Nguyen Coffee Supply đã làm gì để có được sự tin yêu của khách hàng?

Chúng tôi đổi mới bằng cách chọn làm điều mà không một xưởng rang xay thủ công cà phê nào muốn làm. Đó là tự rang hạt cà phê robusta mang từ Việt Nam sang.

Trong khi toàn bộ ngành công nghiệp cà phê đang tập trung vào một hướng: là hạt arabica từ Châu Phi và Nam Mỹ, chúng tôi lại đi theo một hướng khác. Đó là hạt robusta từ Việt Nam.

Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, điều đó đương nhiên có nghĩa là Việt Nam đóng góp vào trải nghiệm uống cà phê trên toàn thế giới. Nhưng thường thì mọi người không biết họ đang tiêu thụ cà phê trồng ở Việt Nam.

Chúng tôi tự hào về hạt robusta và tin rằng robusta là tương lai của cà phê đặc sản.

Chúng tôi cũng đang nỗ lực để tăng cơ hội kinh tế cho nông dân Việt Nam bằng cách hợp tác với họ để cải thiện sản xuất và chuyển đổi từ canh tác thương mại sang canh tác cao cấp.

Nông dân sẽ có mức thu nhập “công bằng hơn” thông qua mối quan hệ thương mại trực tiếp với chúng tôi. Bên cạnh đó, họ còn có niềm tin để duy trì được diện tích cà phê đang trồng trong nhiều năm tới. Đồng thời đảm bảo kinh doanh – tăng trưởng bền vững.

Cô gái gốc Việt với sứ mệnh mang cà phê quê nhà sang tận Mỹ: Quyết đòi công bằng cho nông dân Việt Nam trên con đường vươn ra thế giới - Ảnh 5.

Tôi nhận thấy rằng cộng đồng cà phê đặc sản luôn hướng tới sự minh bạch, nhưng giá trị này không được áp dụng cho nông dân trồng cà phê Việt Nam. Tôi thường thấy các quán cà phê quảng cáo “Cà phê đá Việt Nam” trên thực đơn của họ, nhưng họ hoàn toàn không sử dụng hạt cà phê Việt Nam.

Họ thường sử dụng loại cà phê nào đó từ châu Phi hoặc Nam Mỹ, thêm sữa đặc, sau đó gọi nó là “Cà phê đá Việt Nam”. Tôi thấy điều này thực sự không công bằng đối với những người nông dân Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của bạn như thế nào? Bạn đối phó ra sao?

Vào tháng 3 năm 2020, chúng tôi đã gần như mất toàn bộ doanh thu từ việc bán trực tiếp tại cửa hàng, khoảng 35%. Chúng tôi nhanh chóng chuyển sang tập trung nỗ lực vào thương mại điện tử. Đây là cách chúng tôi tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu.

Bạn đã phải đưa ra những lựa chọn khó khăn nào, và bài học rút ra là gì?

Quá nhiều sự lựa chọn khó khăn và bài học kinh nghiệm. Người ta thường nói rằng khi bạn lớn lên, các vấn đề cũng tăng theo bạn.

Một trong những bài học lớn nhất vài tháng qua là học cách tin tưởng, đặc biệt khi bước vào trải nghiệm mới hoặc mối quan hệ mới. Khi một mối quan hệ mới bắt đầu, chúng ta thường cảm thấy rằng sự tin tưởng có được nhờ thời gian và công việc.

Tôi đã học cách tin tưởng bản thân quyết định đúng trong việc kết hợp với đối tác XYZ nào đó. Điều quan trọng là phải nuôi dưỡng các mối quan hệ từ nền tảng NIỀM TIN ngay từ đầu.

Bạn có dự tính gì cho bản thân và Nguyen Coffee Supply trong tương lai?

Tôi đối phó với căng thẳng và lo lắng bằng cách thiết lập ranh giới, bảo vệ không gian tinh thần và cảm xúc của mình. Song song đó, tôi tìm cách tạo ra không gian cho bản thân để giải tỏa, thiền định, thư giãn, tiếp thêm sinh lực và tập trung.

Cô gái gốc Việt với sứ mệnh mang cà phê quê nhà sang tận Mỹ: Quyết đòi công bằng cho nông dân Việt Nam trên con đường vươn ra thế giới - Ảnh 6.

Sarah Nguyen tập yoga vào buổi sáng.

Khi công ty phát triển, tôi ngày càng bận rộn hơn. Tôi không thể tạo ra nhiều giờ hơn trong ngày, vì vậy tôi đã học cách thiết lập ranh giới và phân bổ thời gian của mình một cách khoa học. Điều này có nghĩa là cắt bỏ rất nhiều đầu việc trong ngày và điều chỉnh mọi thứ.

Các đối thủ cạnh tranh với Nguyen Coffee Supply đều là những thương hiệu có tiếng, bao gồm Blue Bottle, La Colombe và Stumptown. Tôi tin rằng họ sẽ sớm đón đầu làn sóng Đông Nam Á và tung ra loại hạt cà phê đặc sản của Việt Nam khi họ nhìn thấy làn sóng mà chúng tôi đang thúc đẩy.

Cách chúng tôi tiếp tục cuộc chơi và dẫn đường cho phong trào cà phê Việt Nam là thông qua tính xác thực. Không một số tiền R&D (chi phí nghiên cứu và phát triển) hay đại sứ thương hiệu nào có thể tái tạo được những gì chúng tôi đang xây dựng tại Nguyen Coffee Supply, vốn bắt nguồn từ tính chân thực thực sự, tác động xã hội và cộng đồng.

Cô gái gốc Việt với sứ mệnh mang cà phê quê nhà sang tận Mỹ: Quyết đòi công bằng cho nông dân Việt Nam trên con đường vươn ra thế giới - Ảnh 7.

Cuối cùng, bạn mong ước điều gì?

Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam lớn nhất trên thế giới. Có rất nhiều thương hiệu cà phê kế thừa nổi tiếng, từ Lavazza đến Starbucks, nhưng chưa có một thương hiệu nào là đại diện cho văn hóa cà phê của đất nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới, Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta thay đổi điều đó.

Theo L.T / Nhịp sống Việt /Cafe.vn

Nước Nga, ông Putin và cuộc chiến bị đánh tráo khái niệm ở Ukraine

Russian President Vladimir Putin attends a military parade on May 9, 2014 in Sevastopol, Russia
Chụp lại hình ảnh,Đúng ngày 9/05 năm 2014, Tổng thống Vladimir Putin khai mạc lễ “mừng Crimea trở về đất mẹ Nga” tại quân cảng Sevastopol

Máu của ai cũng đều là máu đỏ, nhưng máu của những người lính Nga đổ xuống đất Ukraine của ngày hôm nay là kết quả tội ác của Putin.

Năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng chủ nghĩa phát-xít, tôi tự bỏ tiền thuê thiết kế một website diễn đàn trực tuyến về nước Nga. Thời điểm đó, xã hội Việt Nam đang mê chứng khoán, chẳng mấy ai để ý đến một nước Nga non trẻ vừa bước ra khỏi đống tro tàn Xô-Viết.

Là người yêu nước Nga, văn hóa Nga, con người Nga, tôi cảm thấy sự suy vi của nước Nga ngay trong tình cảm của người Việt, vốn trước đó cũng “vô điều kiện” và “vô bờ bến” như tôi, là một điều khó tưởng tượng nổi. Vì thế diễn đàn về nước Nga ra đời. Đó cũng là diễn đàn đầu tiên về nước Nga bằng tiếng Việt vào thời điểm đó.

Sau mười mấy năm gần như đi vào quên lãng, lễ chiến thắng năm đó được Nga tổ chức với quy mô rất lớn và trọng thể. Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ song song với diễu binh ở rất nhiều thành phố trên khắp nước Nga và các hoạt động tri ân cựu chiến binh. Điều đáng nói là trong lễ kỷ niệm, các lực lượng Đồng minh rất được coi trọng. Nữ ca sĩ người Pháp Mireille Mathieu đã hát ‘La Vie en Rose’ trên Quảng trường Đỏ vào tối hôm đó.

Mỗi năm một lần, kể cả những năm V. Putin hết hai nhiệm kỳ lui về làm thủ tướng tạm nhường ghế tổng thống cho D. Medvedev, nước Nga vẫn tổ chức những lễ chiến thắng thực sự tình cảm. Tôi đã chảy nước mắt khi chứng kiến các cháu thiếu nhi xếp hàng vòng quanh hai người lính già lụ khụ của một trung đoàn nào đó – họ chỉ còn hai người vào năm 2007, đồng thanh hàng trăm lần: “Xin cảm ơn, xin cảm ơn!”

A Soviet soldier pictured hoisting a flag over the Reichstag in 1945
Chụp lại hình ảnh,Hình ảnh nổi tiếng: Cờ Liên Xô được phất trên nóc nhà Quốc hội Reichstag, Berlin, đánh dấu sự sụp đổ của Đế chế III

Nếu nghe lại diễn từ của Putin trong suốt thời kỳ nắm quyền sẽ thấy từ năm 2010 trở đi, thái độ của ông ta ngày càng khác. Vai trò của các nước Đồng minh ngày càng giảm. Qua lời của Putin, nước Nga độc chiếm chiến thắng lịch sử của nhân loại.

Soviet soldiers hand out bread to civilians in Berlin 1945
Chụp lại hình ảnh,Quân Liên Xô trao súp và bánh mì cho thường dân Đức còn ở lại trong thành phố Berlin sau khi đập tan chế độ Hitler, tháng 5/1945

Những người Việt ‘yêu nước Nga vô điều kiện’

Một người bạn của tôi, người sống ở nước Nga mấy chục năm và “am hiểu nước Nga còn hơn người Nga” nói với tôi một câu: với người Nga bây giờ, ngoài những ngày đương nhiên như lễ năm mới (người Nga theo đạo Chính thống nên Giáng sinh không quan trọng bằng năm mới) và sinh nhật bản thân, họ chỉ còn có ngày Lễ Chiến thắng.

Tôi có một người quen cũng không biết nước Nga là gì nhưng yêu Liên Xô vô điều kiện (như tôi và nhiều người Việt Nam khác). Khi đến nước Nga vào tháng sáu, bạn ấy đăng ảnh lên Facebook và viết “Đến Moscow đúng ngày Quốc khánh Nga” – rất nhiều người Việt Nam tưởng như thế, không phải mình anh ấy. Từ năm 2002, kỳ nghỉ ngày 12 tháng 6 được tổ chức như là “Ngày nước Nga” là ngày tuyên bố chủ quyền của Liên bang Nga khỏi Liên Xô.

Tuy nhiên, với Putin, tất cả những ngày các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ dùng làm Quốc khánh, không khác gì sự ô nhục. Vì ông ta muốn phục hồi Liên Xô, hoặc ít nhất là không gian Xô-Viết cũ trong đó ảnh hưởng của Nga với các lân bang như một đế chế.

Vậy đó, ngay cả cái “Ngày nước Nga” cũng không là gì so với Lễ Chiến thắng. Bây giờ, ngày Lễ Chiến thắng là niềm tự hào duy nhất của người Nga khi mà họ không đóng góp gì cho văn minh nhân loại trong suốt “Kỷ nguyên Putin.” Nước Nga ngày càng phụ thuộc vào sản xuất nước ngoài, từ radio bỏ túi đến bật lửa gas, từ con chip máy tính đến phụ tùng ô tô… Tất cả… thậm chí khoảng năm 2010, chính tôi giúp một người Trung Quốc mua lại một xưởng sản xuất búp bê gỗ Matrioshka ở Nga để sản xuất và xuất khẩu đi khắp thế giới.

Lễ chiến thắng đã trở thành công cụ của Putin để thổi bùng lòng tự hào của người dân Nga. Khi hiện tại chẳng có gì đáng tự hào, họ đành gặm nhấm quá khứ, tự huyễn hoặc rằng ta cũng đã từng làm nên một kỳ tích. Nhưng để có kỳ tích đó, nhân loại đã mất đi hàng chục triệu sinh mạng. Riêng các dân tộc Xô-Viết, đã mất đi 27 triệu người, trong đó có rất nhiều người chết vì sai lầm của lãnh đạo Xô-Viết, chỉ huy Xô-Viết và cả chiến thuật quân sự Xô-Viết chuyên đánh nhau bằng sức người.

Sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn từ sau năm 2014 khi nước Nga của Putin cướp trắng trợn bán đảo Crimea của Ukraine. Trong Lễ Chiến thắng năm đó, tôi lại thấy người Nga tự hào vì “chiến thắng vĩ đại” này. Thậm chí rất nhiều người Việt Nam cũng hô khẩu hiệu coi đó là một chiến công lẫy lừng. Không sao, vì chính tôi cũng đã từng như thế. Nhưng từ năm đó, mỗi lần nghe Putin đọc diễn văn ở Lễ Chiến thắng, tôi lại thấy lạnh gáy.

Mỗi năm, người ta lại có thể đánh dấu sự thù địch tăng lên của Nga – Putin dành cho người hàng xóm Ukraine. Gọi cả đất nước, cả dân tộc là phát-xít, kết cục chỉ có thể là chiến tranh. Những ai đã ở cả Nga lẫn Ukraine rồi đều sẽ thấy có những giai đoạn, hai xã hội có tính tương đồng rất cao và chủ nghĩa cực hữu, “tân phát-xít” là vấn đề rất nổi cộm, nghiêm trọng. Ngay xã hội Nga cũng không hề thanh bình với các phong trào đầu trọc, rồi sự tồn tại của đảng “Quả táo” phát-xít đúng nghĩa. Nhưng qua những cái loa của Putin, chúng ta tưởng như họ đang chính nghĩa, còn hàng xóm của họ cả một đất nước đang bị phát-xít hóa.

Tất cả những diễn biến này, không có cách giải thích nào khác là con đường Putin vạch sẵn: chiến tranh để hủy diệt một nước Ukraine tự do.

Đánh tráo khái niệm

Ngày 24/2/2022, Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước láng giềng Ukraine, mà ông ta và bộ sậu gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt”. Thực chất, đây là một cuộc chiến tranh với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ đó. Nhanh chóng, cuộc chiến tranh của Putin đi vào ngõ cụt, nhưng người ta thấy khắp nơi hình ảnh xe tăng Nga lao vào những xóm làng Ukraine với lá cờ đỏ của Hồng quân Liên Xô, như một lực lượng giải phóng. Thực tế thì những gì người lính Nga đã làm ở trên đất nước Ukraine mới thể hiện rõ họ là lực lượng phát-xít, còn người Ukraine thì phải bảo vệ Tổ Quốc của mình.

Sự thật khủng khiếp là Putin đã đánh tráo tất cả các khái niệm. Người lính Hồng quân Liên Xô, không phải là người lính Nga bây giờ, nhưng ông ta đã gắn họ vào nhau, và đổi vai bắt những người lính Ukraine phải đóng vai phát-xít. Ngược lại những người Ukraine đang phải bảo vệ quê hương mới là những người đang chống phát-xít trong thế kỷ 21. Điều đáng nói là những lập luận rất dễ lừa người nhẹ dạ, nhất là với những người vốn quen với lý thuyết: phương Tây là diều hâu, là lái súng, là sen đầm quốc tế…

Tất nhiên, những gì các nước như Anh, Mỹ, Đức… đang giúp Ukraine ở thời điểm hiện ở thời điểm hiện tại tại không thể làm thay đổi vai trò của họ trong những cuộc chiến đã xảy ra trong quá khứ. Vốn là người chống chiến tranh tôi cũng không coi chúng là chính nghĩa bao giờ… Nhưng vì sự không rạch ròi của quá khứ với hiện tại, những người ủng hộ Putin sẽ dễ dàng gắn những lần các nước phương Tây can dự vào chiến tranh ở vùng Vịnh, ở Nam Tư, ở Afghanistan… để đảo ngược vị trí của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine lần này. Cuộc sống không đơn giản như thế, nó luôn luôn có sự phức tạp nhất là khi mọi quân bài, mọi người chơi cờ đã đổi vai, và đó cũng là sự nguy hiểm cái xảo trá của Putin.

Với tất cả những gì Putin đã làm trong hơn một thập kỷ qua, đỉnh cao là cuộc chiến tranh lần này, không phải ai khác chính ông ta là người có tội với thanh danh người lính Hồng quân, với máu xương của họ đã đổ xuống ướt đẫm tuyết trắng Moscow, Stalingrad đến từng viên gạch thành Kyiv, đổ xuống bên bờ sông Oder và cuối cùng là từng viên đá của thành phố Berlin.

Image shows celebrating
Chụp lại hình ảnh,Dân Kyiv vui mừng khi nghe tin Ukraine về nhất trong cuộc thi Eurovision
Nga
Chụp lại hình ảnh,Su-35S và Tu-95 của Nga trong ngày duyệt binh

Người ta cứ hỏi nhau tại sao với những hậu quả trên chiến trường như thế, Putin vẫn cố tổ chức lễ duyệt binh ngày chiến thắng. Bây giờ thì đã rõ – từ mười mấy năm qua, nó đã trở thành liều thuốc phiện cho dân chúng. Vẫn còn rất nhiều người Nga tin vào sứ mệnh giải phóng của họ, như bà nhạc sĩ già Pakhmutova vẫn khóc thương cho người dân Ukraine đang phải “rên xiết dưới ách phát-xít.”

Ngày Lễ Chiến thắng năm 2022, một Putin yếu ớt trên lễ đài đã bắt đầu khó ăn nói với người dân khi không còn bao lâu nữa người ta sẽ rõ về tất cả những thất bại của quân Nga trên chiến trường, người ta sẽ hiểu tại sao cả thế giới văn minh quay ra chống… “những người đi tiêu diệt phát-xít.”

Máu của ai cũng đều là màu đỏ, nhưng máu của những người lính Nga đổ xuống đất Ukraine của ngày hôm nay là kết quả của một tư tưởng tội ác – tội ác của Putin. Không ai được phép đồng nhất với những giọt máu của Hồng quân đã giải phóng đất Nga, Belarus, Ukraine và một phần châu Âu gần 80 năm trước.

  • Phúc Lai / Tác giả hiện sống tại Hà Nội, Việt Nam /BBC

Bài đã đăng trên Facebook cá nhân của tác giả, người từng học và sống tại Moscow.