Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO làm lập luận của Putin sụp đổ

Sự mở rộng của liên minh không phải là nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến của Tổng thống Nga ở Ukraine.
Quyết định của Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO là một hành động thẳng thừng bác bỏ tầm nhìn chiến lược của Tổng thống Nga, Vladimir Putin. Hai quốc gia từng tự hào về lịch sử không liên kết quân sự lâu đời của mình đã nhận định rằng, rủi ro làm mất lòng nước láng giềng không quan trọng bằng sự trợ giúp an ninh bổ sung mà họ có được khi tham gia một liên minh chuyên chống lại sự xâm lược của Nga. Đó là kết quả trực tiếp của việc Nga xâm lược Ukraine, mà theo Putin là để ngăn chặn NATO mở rộng.

Nó cũng là một lời bác bỏ đối với những người lập luận rằng NATO có lỗi vì đã dẫn tới cuộc chiến. Putin không phải là người duy nhất cho rằng việc liên minh mở rộng sang Trung và Đông Âu sau Chiến tranh Lạnh là điều khiến người Nga không thể dung thứ. Nhiều học giả phương Tây đồng tình với lập luận đó. Tuy nhiên, sự lựa chọn của Phần Lan và Thụy Điển cho thấy họ có quan điểm ngược lại. Hai nước tìm cách tham gia NATO vì họ bị Nga đe dọa, chứ không phải để chống lại nước này.

Tin tức từ Phần Lan và Thụy Điển được công bố ngày 15/05, khi các ngoại trưởng của NATO đang nhóm họp để thảo luận về Ukraine và về chiến lược mới của liên minh, trong giai đoạn chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới. Bất chấp những than phiền từ Thổ Nhĩ Kỳ, việc gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển nhiều khả năng sẽ là chính thức. Khi tham gia, cả hai sẽ mang lại khả năng vũ trang đáng kể, đặc biệt là nếu có chiến tranh ở Bắc Cực, và, trong trường hợp của Phần Lan, là lực lượng pháo binh lớn nhất châu Âu. Những lực lượng này có thể nhanh chóng được tích hợp vào cấu trúc chỉ huy của NATO. Tư cách thành viên của hai nước cũng sẽ giúp chiều dài biên giới của liên minh với Nga tăng lên gấp đôi (xem bản đồ). Nó còn củng cố các nước thuộc khu vực phía bắc, đặc biệt là các quốc gia vùng Baltic, nơi sẽ dễ được tiếp tế hơn, và là những nước mà Thụy Điển và Phần Lan sẽ cam kết bảo vệ nếu họ trở thành thành viên NATO.

Chế độ của Putin đã đáp trả bằng cách cắt nguồn cung điện qua biên giới và đe dọa sử dụng hành động “quân sự-kỹ thuật”, bất kể điều đó có nghĩa là gì. Đương kim tổng thống Nga không phải là nhà lãnh đạo Nga đầu tiên phản đối việc mở rộng liên minh. Hồi thập niên 1990, Boris Yeltsin đã phàn nàn khi các thành viên cũ của Hiệp ước Warsaw nộp đơn xin gia nhập NATO. Trong những năm qua, điều này đã trở thành lý lẽ được Putin viện dẫn nhằm biện minh cho việc tập trung quân ở biên giới với Ukraine. Đó là một lập luận được thông cảm ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng thực chất đó là một lập luận rất mong manh.

Những người chỉ trích việc mở rộng NATO nói rằng liên minh đã phá vỡ cam kết mà James Baker, lúc đó là Ngoại trưởng Mỹ, đưa ra cho Nga vào tháng 2/1990, rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông. Họ nói thêm rằng việc làm đó cũng không khôn ngoan. NATO càng mở rộng, Nga càng cảm thấy bị đe dọa và buộc phải bảo vệ mình bằng cách kháng cự. Và họ chỉ ra rằng phương Tây có những phương án khác để tăng cường an ninh, ngoài NATO, chẳng hạn như Đối tác vì Hòa bình, với mục đích tăng cường quan hệ an ninh giữa liên minh và các nước không phải là thành viên.

Câu nói của Baker chỉ là một trò đánh lạc hướng. Khi ấy, ông đang nói về NATO ở Đông Đức và lời nói của ông đã không còn hiệu lực khi khối Hiệp ước Warsaw sụp đổ gần 18 tháng sau đó. NATO và Nga đã ký một thỏa thuận hợp tác vào năm 1997, trong đó không có bất kỳ hạn chế nào về vấn đề thành viên mới, dù việc mở rộng đã được thảo luận. Cộng hòa Séc, Hungary, và Ba Lan đã gia nhập NATO gần hai năm sau đó.

Điều quan trọng là cam kết mà Nga đưa ra vào năm 1994, khi Ukraine giao nộp kho vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình. Trong số các điều khoản thỏa thuận, Nga cam kết không sử dụng biện pháp cưỡng bức kinh tế hoặc quân sự đối với nước láng giềng. Rõ ràng, họ đã vi phạm lời hứa này vào năm 2014, khi chiếm Crimea và một phần của vùng Donbas, và một lần nữa vi phạm nó vào ngày 24/02 năm nay.

Thực tế, NATO có quyền được mở rộng, nếu đó là những gì nước nộp đơn mong muốn. Theo Hiệp ước Helsinki, được ký vào năm 1975, với sự tham gia của cả Liên Xô, các quốc gia được tự do lựa chọn liên minh của mình. Liệu có đáng ngạc nhiên, khi các thành viên cũ của khối Hiệp ước Warsaw, vốn đã phải chịu đựng sự thống trị của Liên Xô, đi tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn? Suốt nhiều năm, công luận ở Phần Lan và Thụy Điển đã chống lại việc tham gia NATO. Mọi chuyện đã thay đổi sau cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng 2. Việc các quốc gia có chủ quyền có quyền tự quyết định số phận của mình là một trong những điều đang bị đe dọa bởi cuộc chiến này.

Tuy nhiên, những người chỉ trích sự mở rộng đáp trả rằng NATO nên nói không với các nước Trung và Đông Âu. Sự mở rộng chắc chắn khiến Nga trở nên bất an. Dù NATO là một liên minh phòng thủ, nhưng chính phủ ở Moscow vẫn coi nó là một mối đe dọa. Khi Putin cố gắng đảm bảo an ninh cho mình, chẳng hạn bằng cách hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, NATO lại cho đó là sự hung hăng ngày càng lớn của Nga. Sự kiện đặc biệt có tính khiêu khích là hội nghị thượng đỉnh Bucharest của NATO năm 2008, nơi đã hứa hẹn tư cách thành viên cho Ukraine và Gruzia, những quốc gia mà Nga coi là quan trọng đối với an ninh của mình.

Những tình huống khó xử về an ninh như vậy rất phổ biến trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, và chắc chắn là chúng tồn tại giữa Nga và phương Tây. Nhưng việc đổ lỗi rằng phương Tây đã kích động chiến tranh là một kết luận không đáng tin. Một lý do đến từ trong chính nước Nga. Putin ngày càng lạm dụng chủ nghĩa dân tộc và Chính thống giáo để củng cố quyền lực của mình. Ông cần đến những kẻ thù nước ngoài để thuyết phục người dân của mình rằng họ và nền văn minh của họ đang bị đe dọa. Đánh chiếm lãnh thổ Gruzia vào năm 2008 và Ukraine vào năm 2014 cũng như hiện tại chính là một phần trong trò chơi đó.

Lý do thứ hai đến từ môi trường quốc tế. Nước Nga có một lịch sử lâu dài với tư cách là một cường quốc, và giống như hầu hết các đế quốc đang suy tàn khác, nước này nhận thấy viễn cảnh trở thành một quốc gia bình thường là điều khó lòng chấp nhận được. Dù NATO có mở rộng hay không, Nga vẫn sẽ kháng cự bằng vũ lực khi khu vực ảnh hưởng ở ngoại vi của nước này dần biến mất.

Có lựa chọn thay thế nào cho tư cách thành viên NATO không? Ở đây, lựa chọn của Phần Lan và Thụy Điển nói lên nhiều điều. Cả hai đều là thành viên lâu nay của Đối tác vì Hòa bình. Và rõ ràng, cả hai đều không cảm thấy rằng cơ chế này mang lại cho họ sự bảo vệ đầy đủ. Nếu một trong số họ bị tấn công, NATO sẽ không bị ràng buộc phải can thiệp. Vũ khí hạt nhân của Mỹ và Anh cũng sẽ không hỗ trợ cho họ, khác với các thành viên của liên minh.

Ngược lại, NATO hoạt động dựa trên nguyên tắc rằng cuộc tấn công vào một thành viên có thể được coi là cuộc tấn công vào toàn khối. Khả năng bảo vệ của nó là rất rõ ràng. Thay vì tạo ra một môi trường lành mạnh, việc từ chối kết nạp các nước Trung và Đông Âu vào NATO sẽ tạo ra một khoảng trống an ninh mà Nga có thể muốn lấp đầy. Nếu vậy, cuộc chiến ngày nay có thể đã không diễn ra ở Ukraine, mà là ở Latvia hoặc Ba Lan.

Phần Lan và Thụy Điển đã đúng khi đi đến kết luận từ cuộc chiến bi thảm đang diễn ra ở Ukraine rằng: họ cần có thêm an ninh. Putin nguy hiểm và khó đoán không phải vì NATO, mà bởi cách ông đã lựa chọn để điều hành nước Nga. Đơn xin gia nhập của hai nước này sẽ nhanh chóng được chấp thuận. Giống như những lần mở rộng của NATO trong quá khứ, tư cách thành viên của họ sẽ giúp đảm bảo hòa bình cho châu Âu.

Kim Phụng / Nghiên cứu Quốc Tế

Ngôi nhà có mặt tiền như ‘dòng nước chảy’

ĐÀ NẴNG – Khe lấy gió ở mặt tiền hút khí vào bên trong, kết hợp với luồng khí của hai giếng trời giúp bản thân căn nhà tự điều hòa không khí.

Ngôi nhà có tên gọi Flow House (Nhà dòng chảy) được xây trên diện tích 225 m2, hoàn thiện đầu năm 2022 tại thành phố Đà Nẵng.

Mặt tiền nhà hướng thẳng về phía Tây, là hướng đón nắng lúc mặt trời lặn, nên hấp thụ nhiệt rất cao. Nhược điểm nữa của căn nhà là bề ngang hẹp, chỉ rộng 4,5 m.

Nhằm giảm bớt nhược điểm của hướng nhà, kiến trúc sư quyết định không làm ban công lộ thiên mà xây liền khối. Ngôi nhà thông gió với bên ngoài bằng những dải khe lấy gió chạy ngang.

Mặt tiền được thiết kế tối giản với mặt cong chạy dọc từ tầng cao nhất xuống cổng, tạo cảm giác như dòng chảy của nước. Theo kiến trúc sư, mặt cong vừa hạn chế diện tích vùng tiếp xúc với nắng, vừa tạo tính thẩm mỹ cao.

Vị trí đất có ưu điểm là có thêm một mét lộ giới kỹ thuật chạy dọc hông nhà. Tận dụng khoảng không này, bên hông nhà được trổ thêm cửa sổ lấy gió.

Hai giếng trời trong nhà vì thế được tiếp nhận hai luồng khí song song. Một là luồng khí giếng trời tự đối lưu với khoảng không bên hông nhà, hai là luồng khí từ khe lấy gió từ mặt tiền đi vào. Bởi vậy dù đóng cửa, ngôi nhà vẫn luôn thoáng đãng ở bên trong.

Hai giếng trời vừa là nơi thông khí cho ngôi nhà vừa tạo thẩm mỹ.

Luồng ánh sáng mặt trời chiếu vào từng đường cong, ngóc ngách… mang đến cho ngôi nhà sự mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

3 khu vườn nhỏ là điểm nhấn xanh trong nhà. Đây cũng là vị trí của giếng trời, ống thông gió chính cho công trình.

Gia chủ cho biết, khi đi ngang qua những khoảng vườn này, sẽ cảm nhận rõ các cơn gió đang luồn vào từng ngóc ngách.

Đường cong nhẹ như dòng chảy tiếp tục được nhắc lại tại hai bên hông nhà, gần vị trí giếng trời, vừa tạo tổng thể liền mạch về tính thẩm mỹ, vừa cản nắng hiệu quả.

Nhà có ba thế hệ sinh sống, bởi vậy ưu tiên thiết kế phòng ngủ cho người bà lớn tuổi tại tầng một, đỡ leo cầu thang nhiều, đồng thời tiện tương tác với không gian vườn sau nhà.

Từ tầng 2 là không gian cho vợ chồng và hai con nhỏ.

Phòng ngủ của các con và bố mẹ được kết nối với nhau bởi không gian sinh hoạt chung, là nơi học tập cũng như vui chơi của trẻ.

Thời gian hoàn thiện công trình là 4 tháng, vì có nhiều giai đoạn bị ngắt quãng do dịch bệnh. Tổng kinh phí là 1,6 tỷ đồng.

Vy Trang /Thiết kế: NAW Studio / Ảnh: Nguyễn Đình

Tác động của bia và cà phê lên não bộ con người

Tìm hiểu quá trình tác động lên não bộ khi chúng ta uống bia và cà phê để biết tác dụng của hai thức uống này…

Rất nhiều người chỉ trích việc uống bia và cà phê quá nhiều đều không tốt cho sức khỏe. Nhưng bạn có biết vì sao nhiều người lại nghiện hai thứ đồ uống “có hại” này không? Hãy cùng tìm hiểu qua infographic phân tích tác động của bia và cà phê lên não bộ con người dưới đây…

Tác động của bia và cà phê lên não bộ con người
Tác động của bia và cà phê lên não bộ con người
Tác động của bia và cà phê lên não bộ con người

Theo Trí thức Trẻ

Nhớ tác giả bài hát bất hủ Ai Về Sông Tương

Nhạc sĩ Văn Giảng

Bài Ai Về Sông Tương ký tên tác giả Thông Đạt là một trong hai bút danh khác của nhạc sĩ Văn Giảng. Bút danh còn lại là Nguyên Thông, dùng để viết các ca khúc Phật giáo, nổi tiếng với bài Từ Đàm Quê Hương Tôi, ngoài ra còn các tác phẩm khác nổi tiếng khác mà ít ai biết là của ông như Vô Thường, Mừng Đản Sanh, Hoa Cài Áo Lam, Ca Tỳ La Vệ…

Nhạc sĩ Văn Giảng, tên đủ là Ngô Văn Giảng, một trong những tài năng âm nhạc của người Việt thuộc nền văn hóa VNCH, thành danh và đóng góp không ít cho nền văn hóa mà ông phục vụ, với cả những dòng tác phẩm bình dân cho đến học thuật. Thậm chí sau năm 1975, khi tìm đến định cư ở Úc, ông cũng làm việc không ngừng, góp sức xây dựng văn hóa âm nhạc cho cộng đồng người Việt đang tập hợp ở đây. Ông qua đời ở thành phố Footscray, tiểu bang Victoria, Úc, ngày 9 Tháng Năm 2013, hưởng thọ 89 tuổi.

Văn Giảng sinh năm 1924, tại làng Bác Vọng Ðông, Thừa Thiên. Ông sinh ra trong một gia đình Phật Giáo thuần thành, song thân làm nghề thương mãi, và ông thú nhận học lực của ông không qua hết bậc trung học. Sau khi học ở trường tiểu học Paul Bert, rồi Phú Xuân, ông phải nghỉ học sớm để ở nhà giúp cha mẹ. Trong suốt thời ấu thơ, Ngô Văn Giảng chịu ảnh hưởng của nhạc cổ điển qua những ban nhạc tài tử dân giã của đất Thần Kinh. Không qua một trường lớp âm nhạc nào, nhưng ông đã trở thành một người chơi đàn guitar, hawaiian guitar và contrebass nổi tiếng ở Huế, là trưởng ban nhạc của Đài phát thanh Huế, từ lúc đài này mới thành lập (1949), và sau đó là Giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế (1963). Ông và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba là người khởi xướng phong trào sáng tác và sinh hoạt Phật nhạc tại miền Trung.

Ðài phát thanh Huế, dưới thời của Giám đốc Ngô Ganh, ban nhạc của Văn Giảng tuy là một ban nhạc nhỏ, nhưng quy tụ nhiều ca, nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Lê Quang Nhạc, Trần Văn Tín (về sau là Đại tá ngành quân nhạc), ca sĩ Minh Trang, Tôn Thất Niệm (nay là bác sĩ tại Nam California)… Năm 1963, Văn Giảng được bổ nhiệm làm Giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế.

Sau năm 1968, vì quá sợ các thành phần Việt cộng nằm vùng tại Huế, ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống và học thêm. Ông tốt nghiệp Anh văn ở Hội Việt Mỹ và trúng tuyển cuộc thi tuyển sinh viên nghiên cứu về âm nhạc ở ngoại quốc, được xuất dương du học tại trường Âm nhạc lớn của Hoa Kỳ ở Hawaii và Bloomington. Ở Hoa Kỳ, Văn Giảng đã tốt nghiệp với lời khen của Ban Giám khảo và được cấp thêm học bổng để nghiên cứu bậc cao học âm nhạc. Bộ Văn hóa VNCH mời ông vào giảng dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Trong thời gian này, ông gặp nhạc sĩ Châu Kỳ – mà theo nhạc sĩ Lê Dinh kể lại – là người bạn đã chỉ dẫn ông đi vào con đường làm giàu nhờ viết nhạc.

Sài Gòn là nơi phát hiện tài năng ca khúc đời thường của nhạc sĩ Văn Giảng. Và từ đó, ông cũng bắt đầu sáng tác những tình khúc “hái ra tiền”. Ký bản quyền cho hãng dĩa xuất bản Asia, Sóng Nhạc… Văn Giảng đủ tiền mua một căn nhà khang trang mặt tiền trên đường Thoại Ngọc Hầu, mà theo lời ông tả là sự sung túc ở đất Sài Gòn đến nhanh chóng khiến ông cũng phải ngẩn ngơ. Những bản nhạc của Văn Giảng như Hoa Cài Mái Tóc, Tình Em Biển Rộng Sông Dài, Ðôi Mắt Huyền… được ấn hành hàng chục ngàn bản, phổ biến rộng rãi trên thị trường, điều mà trước đây, khi còn là giáo sư âm nhạc ở Huế, Văn Giảng không hề nghĩ đến.

Chuyện sáng tác Ai Về Sông Tương của nhạc sĩ Văn Giảng cũng là một đoạn sử nhạc thú vị. Bài hát được viết năm 1949, đã “top hit”, được thính giả yêu cầu nhiều nhất của Đài phát thanh Pháp Á trong hai năm 1949-1950 dưới một cái tên gây tò mò khắp nơi, là Thông Ðạt. Cái tên mới nghe lần đầu trong giới nhạc sĩ. Bản nhạc đó trở thành một trong những ca khúc bất tử của dòng nhạc tự do tại miền Nam và ra đến hải ngoại hôm nay.

Nguyên do của cái tên Thông Đạt, được nhạc sĩ Lê Dinh, một người cùng thời chia sẻ lại, là có dính líu đến một người bạn của ông Văn Giảng, là ông chủ của một nhà xuất bản âm nhạc ở Huế, là ông Tăng Duyệt. Trong những thập niên 1940-1950, ở Huế ai ai cũng biết ông Tăng Duyệt, Giám đốc nhà Xuất bản Tinh Hoa Huế (khác nhà xuất bản Tinh Hoa miền Nam ở Sài Gòn do nhạc sĩ Lê Mộng Bảo làm giám đốc) in ấn và phát hành một số nhạc phẩm ít ỏi của thời đó.

Văn Giảng chơi thân với ông Tăng Duyệt vì một số hành khúc của ông đều do nhà xuất bản Tinh Hoa Huế của ông Tăng Duyệt ấn hành. Một hôm trong lúc vui miệng, ông Tăng Duyệt có ngụ ý thách thức rằng Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi còn về những bài tình ca không phải sở trường của Văn Giảng.

Nghe vậy, nhạc sĩ Văn Giảng về nhà, âm thầm lấy giấy bút viết bài Ai Về Sông Tương, không ghi tên tác giả là Văn Giảng như mọi khi mà đề tên tác giả là Thông Đạt, một bút hiệu mới toanh trong làng tân nhạc Việt Nam thời đó. Bản Ai Về Sông Tương được tác giả Thông Đạt gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Ca khúc này bùng phát khắp nơi với sự hâm mộ của công chúng, và tò mò của giới sáng tác thời đó: Thông Đạt là ai vậy?

Điều thú vị là sau nhiều lần được nghe bài Ai Về Sông Tương và quá hâm mộ, ông Tăng Duyệt nhờ nhạc sĩ Văn Giảng dò hỏi trong giới nhạc, xem có biết Thông Đạt không để ký mua các tác phẩm mới. Nhạc sĩ Văn Giảng cười thầm trong bụng, cũng hứa là sẽ hỏi thăm dùm. Bất ngờ ngày nọ, Văn Giảng thấy ông Tăng Duyệt lái xe đến nhà, nắm tay ngưỡng mộ. Hóa ra hai người bạn là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ vô tình nhìn thấy bản thảo viết tay Ai Về Sông Tương của Văn Giảng trên bàn làm việc, phát hiện và lén nói cho ông Tăng Duyệt biết. Vừa nghe xong, ông Tăng Duyệt đã giật mình, chạy đi tìm Văn Giảng ngay.

Có người lý giải rằng Thông Đạt là tên mà nhạc sĩ Văn Giảng muốn ngầm chứng minh khả năng của ông là cái gì cũng có thể là được. Thế nhưng thật ra, đó là tên ghép pháp danh của ông là Nguyên Thông và vợ là Tâm Đạt.

Nhạc sĩ Văn Giảng và vợ lúc thiếu thời

Sau này, một trong những lý do nhạc sĩ Văn Giảng rời Huế, vào sống ở Sài Gòn, là bởi ông chứng kiến cuộc thảm sát 1968, một trong những người bạn thân của ông là ông Tăng Duyệt cũng bị giết chết. Lý do ông Duyệt bị hành hình, một phần là đã in ấn và phát hành nhiều ca khúc ca ngợi tinh thần quân đội VNCH, trong đó có nhiều bài sáng tác của Văn Giảng. Buồn chán, Văn Giảng dời vào Sài Gòn, hy vọng để bớt đau buồn tìm thấy một nguồn sinh khí mới.

Nguyên nhân mà ít ai nghĩ Thông Đạt là một bút danh của Văn Giảng, bởi sự nghiệp khởi đầu của ông, hầu hết là hùng ca như Thúc Quân (1949), Lục Quân Việt Nam (1950), Đêm Mê Linh (1951), Quân Hành Ca (1951), Qua Đèo (1952), Nhảy Lửa (1953)… Một trong những bài hát hùng ca do nhạc sĩ Văn Giảng viết ra, những ai đã sống dưới hai đời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa miền Nam đều nghe thấy, đó là Lục Quân Hành Khúc.

Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang
Đi đi đi, lời thề nguyền, tung gươm thiêng, thi gan trai
Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi…

Cuộc đời của nhạc sĩ Văn Giảng ở Thành Đô miền Nam là một bước ngoặt mới. Văn Giảng được Bộ Văn Hóa Giáo Dục đề cử làm Trưởng Phòng Học Vụ Nha Mỹ Thuật, đảm trách học vấn của các trường Âm nhạc Sài Gòn, Huế và các trường Cao đẳng Mỹ thuật. Năm 1970, ông được huy chương vàng giải Văn học Nghệ thuật của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (âm nhạc loại A) với sáng tác phẩm Ngũ Tấu Khúc (Quintet for Flute and Strings). Cùng năm này, ông được chỉ định làm Giám đốc Nghệ thuật điều hành Đoàn Văn nghệ Việt Nam gồm 100 nghệ sĩ tân cổ nhạc và vũ, ban vũ do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách, ban vũ cổ truyền đại nội Huế do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba điều khiển, để tham dự Hội chợ Quốc tế Expo 70 tại Osaka (Nhật Bản).

Sau năm 1975, như mọi trí thức và tài năng văn hóa nghệ thuật của VNCH, ông rơi vào bế tắc và trầm cảm nặng. Theo lời kể, ông luôn tìm hỏi cách và nơi vượt biển, sau khi chứng kiến quá nhiều người – kể cả thầy giáo, nghệ sĩ… thậm chí công chức đã về hưu cũng bị đưa đi tù “cải tạo” mà không biết nơi giam nhốt ở đâu, sống chết ra sao.

Năm 1978, Văn Giảng từ Cần Thơ vượt biển với người con trai đầu lòng đến Indonesia. Khi đến đảo Natuna, hồ sơ của ông được ưu tiên do từng du học tại Hawaii, ông đủ điều kiện định cư tại Mỹ, nhưng vì muốn sớm bảo lãnh cho vợ và sáu đứa con còn lại, ông bằng lòng chọn Úc làm quê hương thứ hai. Ðến Melbourne, Văn Giảng sinh sống bằng nghề dạy nhạc tại tư gia về các môn sáng tác hòa âm cũng như sử dụng các nhạc khí như guitar, hawaiian guitar và contrebass cho người Việt mới đến định cư cũng như cho các sinh viên Úc. Suốt trong hơn 30 năm sống ở Úc, Văn Giảng vẫn tiếp tục soạn nhiều sách dạy nhạc, sử dụng nhạc cụ bằng cả hai thứ tiếng Việt, Anh, giới thiệu âm nhạc Việt Nam.

Văn Giảng, là một trong những nhạc sĩ tài hoa đáng kính của Việt Nam. Ông chọn sống và ra đi chỉ vì được tự do viết, hát với âm nhạc của mình muốn. Sự ra đi của ông cũng là một trong những sự mất mát đáng tiếc của di sản văn hóa Việt Nam tự do một thời.

Theo di nguyện, nhạc sĩ Văn Giảng muốn được hỏa táng và thả tro xuống biển, như mong được có lúc xuôi dòng theo về lại cố hương. Ký giả Hoài Nam của Đài SBS từng viết về di nguyện của ông “Có lẽ ông hy vọng sóng nước Thái Bình Dương sẽ đưa tro cốt của ông về biển Đông, rồi ngược dòng sông Hồng đưa ông về quê xưa Nam Định. Biết đâu rồi đây tro cốt của nhạc sĩ Văn Giảng cũng sẽ trôi dạt về cửa Thuận An, và sau cùng tới cố đô Huế bên dòng sông Hương – con sông mà ngày xưa nhạc sĩ đã đổi tên thành “sông Tương” trong tình khúc để đời của mình – và cũng là ca khúc Việt Nam mà cho tới nay vẫn còn được nhiều người tìm nghe lại”.

Tuấn Khanh / Saigon Nhỏ

McDonald’s chính thức hạ “vòm vàng” ở Nga

Một tiệm McDonald’s tại Moscow (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

Hôm nay 16 Tháng Năm 2022 là một ngày “lịch sử” đối với McDonald’s: Tập đoàn thức ăn nhanh khổng lồ này chính thức dẹp tiệm ở thị trường Nga, kết thúc sự hiện diện hơn ba thập niên tại đất nước này.

Tháng Ba 2022, McDonald’s đã tạm đóng cửa 847 nhà hàng của họ trong khi vẫn trả lương cho 62,000 nhân viên. Tuy nhiên, giờ đây, McDonald’s quyết định rút chân hẳn khỏi Nga vì thị trường này không còn “phù hợp với các giá trị của McDonald’s”. “Chúng tôi có cam kết với cộng đồng toàn cầu và phải luôn kiên định với các giá trị của mình,” Giám đốc điều hành Chris Kempczinski cho biết trong một tuyên bố. McDonald’s tìm kiếm một nhà đầu tư địa phương để bán lại toàn bộ nhà hàng của họ ở Nga và nhà đầu tư mới không được không sử dụng tên, logo, thương hiệu hoặc thực đơn McDonald’s. Cùng lúc, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS loan rằng các nhà hàng McDonald’s sẽ mở cửa trở lại với một cái tên khác vào tháng tới. Nga và Ukraine chiếm khoảng 9% doanh thu McDonald’s vào năm ngoái. Trong báo cáo thu nhập gần đây nhất, McDonald’s cho biết việc đóng cửa các nhà hàng ở Nga đã khiến họ thiệt hại $127 triệu trong quý trước.

McDonald’s đã trở thành biểu tượng chính sách mở cửa và đổi mới của Liên Xô sau Chiến tranh Lạnh. Quyết định tháo “vòm vàng” của McDonald’s thật sự là một sự kiện đáng chú ý và mang tính biểu tượng hệt như cách McDonald’s xuất hiện tại Moscow với cửa hàng đầu tiên được khai trương vào ngày 31 Tháng Một 1990. Darra Goldstein, một chuyên gia về Nga tại Đại học Williams, nhận xét rằng việc đến Moscow không chỉ đơn thuần là Big Macs và khoai tây chiên. Đó là ví dụ nổi bật nhất về nỗ lực của Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbechev trong việc mở cửa một đất nước đổ nát với nền kinh tế bao cấp đang trong tình trạng suy sụp trầm trọng. Sự xuất hiện của McDonald’s chẳng khác gì một vết nứt trong Bức màn sắt. Nó đánh dấu những thay đổi đang diễn ra tại đất nước này vào thời điểm đó. Khoảng hai năm sau, Liên Xô sụp đổ.

Neil Saunders, Giám đốc điều hành của GlobalData, nhận định rằng việc McDonald’s ra đi tượng trưng cho cho chủ nghĩa biệt lập mới ở Nga và nước này phải thay đổi rất nhiều cách họ xây dựng kinh tế bằng nội lực.

Xuân Huy / Saigon Nhỏ

Người Nga không tin họ có thể thất bại ở Ukraine

Nhân viên y tế Ukraine chuyển thi thể của binh sĩ Nga tử trận ở các chiến trường Ukraine lên chứa ở những toa tàu hỏa đông lạnh gần Kyiv hôm 13 tháng Năm trong lúc yêu cầu chính phủ Nga nhận họ về. Ảnh Dogukan Keskinkilic/Anadolu Agency via Getty Images.

Tổn thất về quân sự của Nga gia tăng từng ngày, nền kinh tế chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và quân đội NATO có thể sẽ sớm đặt căn cứ dọc theo biên giới của Nga; nhưng đối với nhiều người Nga, thất bại trong cuộc chiến ở Ukraine vẫn là điều không tưởng.

Phần lớn người dân Nga, nhất là các thế hệ già và tầng lớp lao động, tin vào lời tuyên truyền của nhà nước. Truyền thông của nhà nước lấp đầy màn hình ti vi của họ hình ảnh những đoàn xe tăng Nga, dường như không thể nào ngăn cản nổi, đang tiến qua các vùng nông thôn Ukraine. Các chương trình phân tích-bình luận (talk-show) độc hại đang tô vẽ cuộc xung đột như một chương mới trong cuộc chiến của đất nước họ chống lại chủ nghĩa phát xít.

Ngay cả trong những người Nga có học vấn cao hơn và trẻ hơn, nỗi bất an về kinh tế và những thất bại quân sự vẫn chưa kết tinh thành một ý thức về thảm họa quốc gia, theo nhiều cư dân ở thủ đô Moscow và tỉnh Siberia của Nga. Họ nói với The New York Times trong điều kiện ẩn danh vì sắc lệnh của Putin đòi xử lý hình sự mọi lời chỉ trích, hoặc sử dụng từ “chiến tranh”, để mô tả những việc mà quân Nga đang làm ở Ukraine.

Các quan chức phương Tây và Ukraine nói hàng nghìn binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. Nhưng các tin tức, báo cáo về số thương vong của quân đội Nga đã bị nhà nước kiểm duyệt gắt gao; họ đặc biệt bưng bít thông tin trong các gia đình thuộc tầng lớp lao động để loại trừ khả năng những thảm kịch của các địa phương hợp thành một nỗi đau thương quốc gia.

Theo những người được phỏng vấn, khả năng của chính phủ Nga trong việc bảo vệ người dân khỏi tác động tồi tệ nhất của các biện pháp trừng phạt kinh tế ngày càng hà khắc là một lý do chính khác khiến sự bất an mơ hồ của người dân không lan tỏa thành nỗi hoảng loạn hay các cuộc biểu tình kéo dài.

Giá cả đang tăng đều đặn, nhưng bất chấp sự rút đi khỏi Nga của nhiều công ty phương Tây, các hàng hóa căn bản vẫn được cung cấp rộng rãi. Các biện pháp kiểm soát tiền tệ do chính phủ đưa ra đã đẩy giá đồng rúp lên một cách giả tạo, tạo ra cảm giác ổn định ngay cả khi Nga đang đối mặt với sự cô lập về kinh tế.

Một chủ doanh nghiệp nhỏ ở thành phố Novosibirsk thuộc tỉnh Siberia cho biết, chiến tranh càng kéo dài, đồng rúp càng mạnh lên, đề cập đến các biện pháp khẩn cấp mà ngân hàng trung ương Nga thực hiện nhằm nâng đỡ giá trị đồng rúp bằng cách tăng lãi suất tiết kiệm và khiến cho việc tìm mua ngoại tệ trở nên cực kỳ khó khăn.

Phần lớn không phận của châu Âu đã đóng cửa đối với máy bay Nga và các ngân hàng Nga đã bị ngắt kết nối với các hệ thống thanh toán của phương Tây. Nhưng sau thời gian gián đoạn ban đầu, những người Nga giàu có đã tìm ra cách tiếp tục đi nghỉ ở các điểm đến nổi tiếng ở Pháp và Ý, làm tăng thêm cảm giác bình thường trong người dân Nga.

Và ngay cả một số người Nga lúc đầu phản đối cuộc xâm lược nay cũng nói rằng đất nước của họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến đấu cho đến khi chiến thắng, ngay cả khi điều đó làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Nhiều người Nga tin rằng cuộc chiến đã không còn là hành vi chống lại Ukraine mà đã biến thành một cuộc xung đột ủy nhiệm với Hoa Kỳ và NATO, những thế lực mà theo họ là đang khai thác cuộc xung đột để tiêu diệt quốc gia của họ.

Được phương Tây khuyến khích và hỗ trợ, sau các cuộc phản công thành công, các quan chức Ukraine đang kêu gọi đuổi các lực lượng Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ của Ukraine – bao gồm cả bán đảo Crimea mà Moscow sáp nhập vào năm 2014 và hầu hết người dân Nga coi là một phần lãnh thổ không thể thiếu của đất nước họ. Đồng thời, NATO cũng sẵn sàng mở rộng tới sát biên giới Nga sau quyết định của Phần Lan và Thụy Điển về việc xin gia nhập liên minh quân sự này.

Những điều đó đã giúp cho guồng máy tuyên truyền của Kremlin bắt đầu miêu tả cuộc xâm lược vô cớ của Nga vào Ukraine thành một cuộc chiến phòng thủ vì sự tồn vong của nhà nước Nga, một chủ đề đầy cảm xúc trong một quốc gia luôn tự hào về việc cùng nhau đẩy lùi những kẻ xâm lược nước ngoài trong nhiều thế kỷ.

Bình Phương / Saigon nhỏ