Nhà bếp màu vàng sẽ là một sự thay đổi tuyệt vời, giúp bạn tràn đầy năng lượng ngay khi bước vào.
Những căn nhà bếp màu trắng là xu hướng chủ đạo trong những năm gần đây nhưng không có nghĩa là bạn không có lựa chọn khác.
Ví dụ, lựa chọn màu vàng để trang trí trong nhà bếp sẽ khiến chúng trở nên tươi sáng và bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng ngay khi bước vào. Điều này đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhất là khi nhà bếp của bạn thiếu ánh sáng tự nhiên.
Một số ý tưởng về nhà bếp màu vàng dưới đây thực sự có ích với bạn:
1. Nhà bếp kết hợp màu đỏ và vàng
Các backsplash ngói là nguồn cảm hứng cho việc phối hợp các bức tường bằng kính màu vàng cho nhà bếp ở Naples, Florida. Những gam màu đỏ làm nhà bếp trở nên sống động hơn.
2. Nhà bếp kiểu Mexico
Trong một nhà bếp phong cách New Mexico, việc sơn tùy chỉnh sắc vàng làm bối cảnh nhà bếp trở nên vô cùng ấn tượng với những đồ gốm được bài trí.
3. Nhà bếp ốp lát sôi động
Gạch màu vàng đậm sáng lên bếp của một gia đình tại Mexico. Điểm nhấn của nhà bếp này là chút gỗ, giúp tạo cảm giác mộc mạc hơn một chút.
4. Nhà bếp tường vàng
Những bức tường vàng và một chiếc bàn màu chanh tươi sáng khiến cuộc sống nhà bếp ở North Carolina này thêm rộn ràng. Sàn màu ghi sẫm được sơn với hoa văn hình học lớn càng làm nổi bật không gian nơi này.
Căn bếp của người Pháp được lấy cảm hứng từ các quầy đá cẩm thạch, ghế đẩu quầy rượu, mui xe vỏ sò và gạch màu vàng nhạt.
6. Nhà bếp sử dụng backsplash sơn sáng
Gỗ thông lát sàn và tủ tương phản hoàn hảo với backsplash màu vàng nhạt trong nhà bếp này.
7. Nhà bếp retro
Nhà bếp ấm cúng này tạo cảm giác retro với sơn màu vàng. Màu sắc hợp nhất cả hai phòng, làm chúng trở nên sống động.
8. Nhà bếp vàng Valance
Mặc dù căn bếp này có chất lượng vượt thời gian với những đường nét thiết kế khá cổ điển, song, nó lại có điểm nhấn là một vài màu sắc “vui nhộn” để không bị lu mờ bởi những đường viền sáng màu và lớp cửa kính trong suốt.
9. Nhà bếp màu vàng ghi
Màu ghi kết hợp với màu vàng tạo cho nhà bếp một màu sắc trung tính là ý tưởng vô cùng độc đáo, thú vị.
(Nguồn: Housebeautiful) /Theo TN / Phụ nữ Việt Nam
Về kinh nghiệm học văn để rồi sáng tác, đeo đuổi nghiệp văn, bài học mà ông thấm thía, tâm đắc nhất vẫn là phải nghiêm chỉnh học tiếng Việt: ‘Học để hiểu tiếng khó, thêm tiếng mới’.
Năm 1993, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977), Phóng viên đã hỏi chuyện về ông, qua con gái ông – nhà văn Lê Minh. Tôi hỏi: “Bút pháp của nhà văn Nguyễn Công Hoan có nét riêng biệt rất hiện đại mà sau này, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin cũng viết theo bút pháp ấy. Chị nghĩ sao về nhận xét này?”. Chị Lê Minh trả lời: “Tác phẩm của cha tôi đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Giới nghiên cứu nước ngoài đánh giá rất cao tài năng của ông. Tôi thấy họ so sánh Nguyễn Công Hoan với A.P. Chekhov”.
Một nhà văn được đánh giá ở tầm vóc như thế, thuở còn “mài đũng quần” ở Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu văn An – TP.Hà Nội), học chung với nhà thơ Tú Mỡ, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan… đã học văn thế nào?
Nhà văn Nguyễn Công Hoan (giữa) cùng ông Lê Tất Đắc và Đào Duy Kỳ trong kháng chiến chống Pháp.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977)
Quả thật, cha đẻ của nhân vật Kép Tư Bền hồi nhỏ cực kỳ… láu cá, tinh nghịch, hay tìm những trò tinh quái để lỡm bạn bè. Ông có một niềm say mê không cưỡng lại được là đọc sách, đọc báo, dù các ấn phẩm ấy dành cho người lớn.
Ngày nọ, thầy giáo ra đề bài luận – Tả một đêm trăng trên Hồ Tây, ông bèn mở Đông Dương tạp chí, chép lại nguyên si bài Đêm trăng thú chơi Hồ Tây của Phan Kế Bính. Đến câu: “… mấy đóa hoa nở muộm mà vẫn xanh tốt”, dù không hiểu “nở muộm” là gì, Nguyễn Công Hoan vẫn chép y chang. Lúc chấm bài xong, thầy giáo nhẹ nhàng bảo: “Đây là chữ muộn chứ không phải muộm, nhà in chép sai đấy, anh không nhận ra à?” Nhà văn tương lai của chúng ta tái mét mặt mày.
Tình yêu văn chương ở một đứa trẻ không hình thành ngẫu nhiên mà từ nếp nhà. Với Nguyễn Công Hoan, do bố là huấn đạo (dạy học), bác đỗ đại khoa, vì thế trong nhà ông có rất nhiều sách. Bà nội thuộc dòng dõi nhà nho nên ngay từ bé, từ lời ru, lời ăn tiếng nói của bà, Nguyễn Công Hoan đã thuộc nhiều câu trong Truyện Kiều, Nhị độ mai… dù không hiểu nghĩa.
“Cố nhiên là tôi đọc lại như vẹt, ngâm ngọng. Song do đó, niêm luật của thơ ca, nhạc điệu của ngôn ngữ được luyện vào óc tôi, được nhuần vào óc tôi từ ngày ấy” – ông cho biết.
Lúc ông học Trường Bưởi, Đông Dương tạp chí xuất bản thành khổ nhỏ, có phần văn chương, Trung Bắc tân văn có phần Từ phú thi ca và Đoản thiên tiểu thuyết thì trong thời gian nghỉ hè, không ngày nào ông không đọc những bài đã in trong báo đó.
Bút tích nhà văn Nguyễn Công Hoan
Không riêng gì thơ ca, những đoạn văn có vần điệu du dương, nhịp nhàng, ông cũng đọc đến thuộc lòng. Khi Nam phong tạp chí ra đời, phần Văn uyển là chuyên mục ông thích nhất. Từ chỗ thích đọc, khiếu văn chương còn thúc giục Nguyễn Công Hoan phải viết. Tương tự Nam Cao, Tô Hoài… ban đầu, Nguyễn Công Hoan cũng làm thơ, tất nhiên chịu ảnh hưởng sâu đậm của lớp người đi trước đã thành danh.
Lúc được làm quen với thi sĩ Tản Đà, đọc “Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có, cửa nhà thời không”, cái mộng dan díu với “nàng thơ” ở ông tắt ngúm vì thừa biết mình không thể sánh được với bậc đàn anh.
Năm 1920, vì chuyện xích mích trong gia đình, Nguyễn Công Hoan “phiêu lưu” lên Hải Phòng. Lúc này, Tản Đà vừa xuất bản Còn chơi và ra tạp chí Hữu Thanh. Đọc tập thơ này, ông nảy ra ý viết lại chuyến đi của chính mình. Quyết chí phiêu lưu ra đời, nhưng… không báo nào in.
Sau khi đi chán chê, trở về quê, tình cờ ông đọc được bản dịch Ba chàng ngự lâm pháo thủ của A. Dumas. Thấy truyện hay, văn vui, tình tiết sắp xếp rất “nhà nghề” nên ông lại có hứng sáng tác. Không viết như truyện Quyết chí phiêu lưu, lần này ông viết ngắn hơn.
May mắn, chúng được chọn in trong tập Truyện thế gian của Tản Đà tu thư cục. Còn lại một số truyện ngắn, ông tự in thành tập, mang tên Kiếp hồng nhan. Tác phẩm này, về sau được các nhà phê bình xem như một trong những viên gạch đầu tiên đắp nền móng cho nền văn xuôi hiện thực phê phán Việt Nam.
Qua năm 1922, ông thi vào Trường Nam Sư phạm. Năm thứ nhất ở nội trú, kỷ luật rất nghiêm, đến giờ phải lên giường ngủ, nhưng đèn vẫn không tắt. Nhờ vậy, ông bắt đầu viết truyện dài Phải gió. Bạn bè đọc thử, thích thú cười rúc rích, giám thị xộc tới tịch thu tác phẩm, đem mách hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng Pujarnisele vốn là nhà thơ nên thông cảm với “nhà tiểu thuyết”, dù không phạt nhưng giữ riệt bản thảo, thế là Phải gió mất tích.
Những sáng tác này, Nguyễn Công Hoan còn viết bằng thứ văn biền ngẫu, chịu ảnh hưởng lớn từ Tản Đà. Nhưng do lòng yêu mến Tản Đà, ông rút ra bài học: không nên viết lối văn du dương như thơ kiểu Tản Đà nữa, vì không còn hợp thời.
Tình cờ đọc truyện ngắn Sống chết mặc bay và nhất là Tiếu lâm An Nam của Phạm Duy Tốn (thân phụ nhạc sĩ Phạm Duy), ông ngạc nhiên vì thấy “từ cách dùng chữ cho đến lối đặt câu, sao mà nó lọt lỗ tai và vẫn còn mới thế. Lọt lỗ tai và mới, tức là văn ấy vẫn còn như văn chúng ta nói, nó không cũ tí nào”.
Ông “nghiệm ra rằng, văn chương mà viết đúng như tiếng nói và lối nói của dân tộc thì nó hay, nó đứng vững mãi. Bởi vì ngôn ngữ của dân tộc là một thứ trường cửu, ít thay đổi vì thời thế”.
Đến năm 1932, với tập truyện dài Những cảnh khốn nạn, tên tuổi của ông đã được bạn đọc tìm đọc. Năm 1935, tập truyện ngắn Kép Từ Bền đã đưa Nguyễn Công Hoan thành cây bút sáng giá, tầm cỡ cùng các đồng nghiệp đương thời như Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, Nhất Linh, Ngô Tất Tố…Không chỉ học từ câu văn, Nguyễn Công Hoan còn học cả cách viết. Ngày kia, người bạn thân là Tương Huyền (anh ruột nhà văn Tam Lang) cho ông mượn tập truyện ngắn của Guy de Maupassant, Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo… để ông tham khảo về cách bố cục, dựng truyện… Với cách học và thực hành qua các truyện ngắn hiện thực phê phán lần lượt đăng trên báo chí thời ấy, Nguyễn Công Hoan ngày một tiến bộ.
Về kinh nghiệm học văn để rồi sáng tác, đeo đuổi nghiệp văn, bài học mà ông thấm thía, tâm đắc nhất vẫn là phải nghiêm chỉnh học tiếng Việt: “Học để hiểu tiếng khó, thêm tiếng mới. Đọc bài nào mà người viết không “hay chữ”, tôi cứ thấy như “ăn phở không người lái”. Học ở ngôn ngữ dân tộc, học ở văn học dân gian… Nghề của ta là nghề dùng tiếng để viết. Anh không giàu tiếng, thì đố ngòi bút của anh tung hoành được”.
Chuyến đi Mỹ đầu tiên của ông Phạm Minh Chính, thủ tướng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), đang thu hút sự chú ý của công luận cả trong và ngoài nước, đặc biệt là bài diễn văn của ông ở Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington. Ông Chính nói gì và nên hiểu ông thế nào?
Tuy mục đích chính của chuyến đi là tham dự hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ nhưng ông Chính cũng nhân cơ hội này để tiếp xúc với các nhà lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ và sắm vai diễn giả chính trong cuộc thảo luận tại CSIS trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc.
Các lãnh đạo Trường Harvard đón Thủ tướng Phạm Minh Chính
Có người cho rằng, sự kiện ông Chính được mời làm diễn giả chính (keynoter) tại một “think-tank” hàng đầu về chính sách đối ngoại như CSIS là thể hiện sự trọng thị mà học giới Hoa Kỳ dành cho ông. Không ai khác trong các nguyên thủ quốc gia ASEAN dự hội nghị ở Washington có “vinh dự” như ông Chính! Thực ra việc các nhà lãnh đạo Việt Nam được mời phát biểu tại các trung tâm nghiên cứu của Mỹ không mới, những người trước đây như Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư; Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng nay là chủ tịch nước, đã làm như vậy.
Trước khi các ông này sang Hoa Kỳ, Việt Nam thường chi ra rất nhiều tiền để một vài “think-tank” tổ chức các sự kiện (event) trong đó nhà lãnh đạo Việt Nam sắm vai diễn giả chính. Mục đích của việc này là để phổ biến lập trường, quan điểm của đảng CSVN tới giới nghiên cứu, truyền thông và công chúng Mỹ, từ đó tác động tới chính giới và các nhà hoạch định chính sách ở Washington. Không riêng Việt Nam mà hầu như tất cả các nước khác đều có hoạt động “vận động hành lang” (lobby) như vậy.
Vấn đề là nhà lãnh đạo Việt Nam nói gì và có thuyết phục được công chúng Hoa Kỳ hay không.
Lời hoa mỹ ngược với cách hành xử
“Từ then chốt” (key words) trong bài diễn văn dài 5,600 chữ của ông Chính là “chân thành, tin cậy và trách nhiệm” – cụm từ này được nhắc đi nhắc lại tới 17 lần. Ông cho rằng sở dĩ thế giới hỗn loạn như hiện nay là do thiếu các phẩm chất tinh thần đó. “Chính thiếu vắng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực. Thiếu sự chân thành, tin cậy là nhân tố cản trở nghiêm trọng đến hợp tác song phương giữa các quốc gia cũng như hợp tác đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu.” Từ nguyên nhân này, ông cho giải pháp nằm ở xây dựng, củng cố lòng tin và sự chân thành giữa các quốc gia. “Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia.”
Thật là một quan điểm kỳ cục! Xung đột, sở dĩ có và luôn luôn có, là do sự va chạm về quyền lợi kinh tế – chính trị giữa các quốc gia và chỉ có thể giải quyết bằng sự tương nhượng, tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhận định của ông Chính về thế giới chẳng những không đúng về căn bản mà còn xa rời học thuyết Marxism mà đảng của ông tôn thờ, theo đó vật chất quyết định ý thức, xung đột trong thế giới khách quan là do mâu thuẫn của các thế lực vật chất, mâu thuẫn giai cấp là động lực của phát triển…
Nhưng thôi, nói chuyện triết học với những quan chức như ông Chính là vô ích. Điều đáng chú ý là những lời hoa mỹ trong bài diễn văn trước cử tọa Hoa Kỳ của ông trái ngược hẳn với chính sách, cách hành xử của đảng và chính phủ Việt Nam cả trong đối nội và đối ngoại. Về đối nội, đảng CSVN cầm quyền chưa bao giờ chân thành với người dân, làm suy giảm lòng tin của dân và thiếu trách nhiệm với vận mệnh của đất nước. Có vô số ví dụ thực tiễn chứng minh cho điều đó; vụ cướp đất Thủ Thiêm ở miền Nam và Đồng Tâm ở miền Bắc, cắt nhượng lãnh thổ cho Trung Quốc là những trường hợp tiêu biểu.
Về đối ngoại, Việt Nam cũng chơi trò lá mặt lá trái. Ông Chính nói rất hùng hồn rằng Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, chọn lẽ phải. “Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.”
Thế nhưng ai cũng thấy Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc, càng đi theo hướng độc tài, chuyên chế, xa rời các giá trị phổ quát của nhân loại về dân chủ, nhân quyền. Cuộc chiến xâm lược của Nga vào nước Ukraine độc lập, có chủ quyền là một phép thử và nó cho thấy Hà Nội đã chọn đứng về phía xâm lược, bỏ phiếu trắng tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, từ chối lên án hành vi xâm lược của Nga. Việc Việt Nam hỗ trợ nhân đạo nửa triệu đô la cho Ukraine được ông Chính nhắc tới như một đóng góp của Việt Nam vào tiến trình hòa giải giữa các quốc gia, nhưng không xóa đi được ấn tượng rằng Việt Nam là một trong vài quốc gia ủng hộ cuộc xâm lược.
Nói một cách khách quan và công bằng, Việt Nam chưa công khai đứng hẳn vào phe độc tài, chuyên chế phần vì có những mâu thuẫn về quyền lợi với Trung Quốc, phần để lợi dụng cơ hội kinh tế từ các quốc gia có xã hội mở như Hoa Kỳ và Nhật. Chính sách đối ngoại “cây tre” của Việt Nam thực chất là “gió chiều nào nghiêng chiều ấy,” “đu dây” giữa các cường quốc để bảo vệ lợi ích thiển cận là chế độ đảng trị của đảng CSVN.
Nỗi ám ảnh mất đảng, mất chế độ
Nỗi ám ảnh về sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản (và vai trò thúc đẩy của Hoa Kỳ) cũng lộ rõ trong bài diễn văn của ông Chính. Ông đã năm lần nhắc đi nhắc lại yêu cầu “tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” và coi đó là một yêu cầu quan trọng trong việc đối xử giữa các quốc gia. “Mỗi quốc gia cần hành xử một cách có trách nhiệm, thể hiện trước hết ở việc tuân thủ những cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng thể chế chính trị mà mỗi nước đã lựa chọn và được nhân dân ủng hộ, đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế tuỳ theo khả năng của mình.” Nên để ý, Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đặt yêu cầu tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không đề cập tới thể chế chính trị – là thứ có thể thay đổi theo ý nguyện của dân chúng.
Nỗi ám ảnh đó nổi bật lên từ năm 2013, khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức “đối tác toàn diện” thì một trong những điều kiện mà Việt Nam đặt ra là Hoa Kỳ phải tôn trọng thể chế chính trị của họ, bằng văn bản hẳn hoi. Tổng Thống Barack Obama khi ấy đã chấp nhận và tuyên bố Hoa Kỳ “không làm việc để thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam.”
Năm 2015, khi ông Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ, hai bên cũng đã ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh tôn trọng “thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.” Tổng Thống Donald Trump trước đây, cũng như Tổng Thống Joe Biden hiện nay đều không tỏ ý muốn lật đổ chế độ đảng trị ở Hà Nội.
Trong cuộc gặp ngắn ngủi với ông Phạm Minh Chính ở Tòa Bạch Ốc tối 12 Tháng Năm, Tổng Thống Joe Biden được Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời rằng ông đồng tình với ông Chính về tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị giữa các quốc gia, không sử dụng vũ lực, giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp, xung đột dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Nhưng dẫu vậy, cho đến nay, nỗi lo sợ bị lật đổ vẫn ám ảnh phe bảo thủ trong đảng CSVN – tập trung ở các ngành an ninh, tuyên giáo và quân đội – và một bộ phận dân chúng có quyền lợi gắn bó với sự cai trị của đảng. Những người này lo sợ một cuộc “diễn biến hòa bình” – ám chỉ phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền được cho là có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ – sẽ làm xói mòn hoặc thậm chí làm sụp đổ đảng CSVN. Phe bảo thủ vẫn luôn tìm cách ngăn cản xu hướng phát triển quan hệ Việt-Mỹ, ngăn cản Hà Nội làm đối tác với Mỹ trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ông Chính liên tục đề cập yêu cầu “tôn trọng thể chế chính trị” phải chăng là nhắm trấn an thành phần bảo thủ này?
Hợp tác nhưng chỉ một bên có lợi
Trong bài diễn văn ở CSIS, ông Chính đã thẳng thắn công nhận“quan hệ hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển vượt bậc sau gần ba thập niên bình thường hoá quan hệ,” và “Hoa Kỳ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng.” Ông đánh giá “Mối quan hệ [Việt-Mỹ] đã ‘đơm hoa kết trái’ với nỗ lực của hai bên,” tuy ai cũng thấy nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ chủ yếu đến từ phía Hoa Kỳ, đảng CSVN cho đến nay vẫn chưa “chân thành, tin cậy” thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ.
Một ví dụ, chính phủ Hoa Kỳ đã nhiều lần đề nghị Việt Nam nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên mức “đối tác chiến lược” – tức là cao hơn một bậc so với đối tác toàn diện – một điều mà Hà Nội chưa chấp nhận một phần vì sợ gây phản ứng bất lợi từ Bắc Kinh, phần khác vì sự phản đối của thành phần bảo thủ, cứng rắn trong đảng CSVN và chính phủ Việt Nam. Theo nhiều nhà phân tích, quan hệ Việt-Mỹ thực chất đã ở mức “đối tác chiến lược toàn diện,” không kém quan hệ của Việt Nam với Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ, nếu không nói là sâu sắc hơn ở tất cả các phương diện, từ kinh tế, văn hóa giáo dục đến an ninh quốc phòng.
Dẫu vậy, ông Chính vẫn khăng khăng tuyên bố: “Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ trên cơ sở chân thành, tiếp tục củng cố lòng tin, tăng cường trách nhiệm của cả hai bên, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.” Rồi ông yêu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ “nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, đưa quan hệ đối tác toàn diện phát triển ổn định, lâu dài, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chống biến đổi khí hậu… và trong giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực.” Ông bày tỏ mong muốn của Việt Nam được Hoa Kỳ tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ và hợp tác trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng.
Nói như thế, nhưng thực tế cái bóng của Trung Quốc vẫn trùm lên mọi quyết định hợp tác của đảng CSVN và chính phủ Việt Nam, đặc biệt là trong quan hệ với Hoa Kỳ. Ví dụ trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam rất cần sự hậu thuẫn của Mỹ để đối phó với những hành vi chèn ép của Trung Quốc nhưng tới nay, mỗi khi tàu chiến Mỹ vào Biển Đông để thực hiện quyền tự do hàng hải và thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc thì Bộ Ngoại Giao Việt Nam lại lên tiếng “không phản đối nhưng cũng không hoan nghênh.” Ngay cả khi Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố phúc trình bản phúc trình dài 47 trang bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông thì phản ứng của Việt Nam chỉ là “ghi nhận” mà không hoan nghênh hay tán thành như các nước khác trong khu vực!
Cách nói của ông Chính có thể hiểu là, Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ ở những việc có lợi cho chế độ và không làm Bắc Kinh tức giận, còn những gì có lợi cho dân cho nước nhưng không phù hợp với quan điểm của thành phần bảo thủ trong đảng CSVN thì thái độ của Hà Nội sẽ thay đổi.
Cách đối xử thận trọng của Hoa Kỳ
Chính vì thế, Hoa Kỳ đang có cách đối xử khác. Ở mặt công khai, Hoa Kỳ đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, cử các quan chức cao cấp nhất tới Hà Nội, tặng tàu tuần tra giúp Việt Nam bảo vệ vùng biển, tặng vaccine và thiết bị y tế giúp chống dịch COVID-19. Nhưng trong những phòng họp khép cửa, Washington vẫn tiếp tục thảo luận với Việt Nam những vấn đề khúc mắc trong quan hệ giữa hai nước như dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, chênh lệch cán cân thương mại, thao túng tỷ giá tiền tệ v.v…
Chính quyền Biden đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tỷ giá tiền tệ để giành lợi thế về thương mại, dẫn tới thặng dư của Việt Nam trong buôn bán với Mỹ lên tới $90 tỷ trong năm ngoái, nhưng trong các cuộc gặp giữa ông Chính với bà Janet Yellen, bộ trưởng Tài Chính, và bà Gina Raimondo, bộ trưởng Thương Mại, hôm 11 Tháng Năm, những vấn đề này chắc chắn sẽ được đề cập dù cho đến nay, phía Mỹ vẫn thận trọng không tiết lộ nội dung các cuộc làm việc.
Tương tự như vậy, bà Wendy Sherman, thứ trưởng Ngoại Giao, đã có buổi làm việc với ông Hà Kim Ngọc, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam, cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Nhân quyền là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa hai nước, hai bên thường có nhiều bất đồng dù đã có hơn 25 cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền. Thứ Trưởng Sherman được biết đã hối thúc Hà Nội tuân thủ các cam kết quốc tế về quyền con người, đặt nhân quyền là một trong những ưu tiên trong quan hệ đối ngoại với Việt Nam, theo ông Ned Price, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Cái khó là Việt Nam không bao giờ “thành thật” – từ then chốt trong bài diễn văn của ông Chính – trong các tuyên bố về nhân quyền. Hà Nội luôn luôn khẳng định ở Việt Nam không có ai bị bắt vì phát biểu chính kiến, không có ai là tù nhân chính trị – nhưng thực tế Hà Nội không dung thứ cho bất kỳ ai có tiếng nói khác với đảng và luôn có sẵn một “kho” tù nhân lương tâm để đem ra mặc cả khi cần thiết. Sự kiện hai tù nhân chính trị Hồ Đức Hòa (án 13 năm) và cựu tù nhân Trần Thị Thúy (án tám năm) – cùng bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” – được trả tự do và đi tị nạn ở Mỹ ngày 11 Tháng Năm, cùng thời điểm chuyến thăm của ông Phạm Minh Chính là một ví dụ.
Ông Phạm Minh Chính gửi tới công chúng Hoa Kỳ thông điệp “chân thành, tin cậy và trách nhiệm” như là giải pháp cho các vấn đề của thế giới, là nền tảng của quan hệ Việt-Mỹ nhưng cách hành xử của chính phủ của ông dường như ngược lại với phương châm đó. “Đừng nghe Cộng Sản nói…” lời dặn của cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu xem ra vẫn rất thấm thía.
Viktor Bout trong phòng xử Tối Cao Pháp Viện Thái Lan ngày 28 Tháng Bảy 2008 (ảnh: Chumsak Kanoknan/ Getty Images)
Dẫn lại lời phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov, thông tấn xã TASS cho biết, trong cuộc gặp đầu tiên giữa ông Joe Biden với tư cách tổng thống Mỹ với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16-6-2021, vấn đề tù nhân Nga và Mỹ mà hai nước đang giam giữ có thể được mang ra thảo luận. Trong khi Nga đang giam cựu thủy quân lục chiến Mỹ Paul Whelan thì Mỹ đang giữ Viktor Bout. Nổi tiếng đến mức được Hollywood dựng thành phim (Lord of war, với thủ diễn Nicolas Cage), Viktor Bout là một tay buôn vũ khí khét tiếng một thời làm điên đảo giới tình báo phương Tây…
Trực thăng, cao xạ, xe quân giới, hỏa tiễn…, thứ gì cũng buôn được tuốt!
Trung tuần tháng 5-2006, khoảng 200.000 khẩu súng (99 tấn AK-47) được gửi từ một căn cứ quân sự Mỹ tại Bosnia sang cho lực lượng an ninh Iraq nhưng bốn máy bay vận chuyển lô hàng đặc biệt đã… biến mất. Ðằng sau vụ này là một cái tên chẳng xa lạ trong công nghiệp buôn lậu vũ khí toàn cầu: Viktor Bout. Theo Peter Landesman (New York Times), Viktor Bout – mệnh danh “lái buôn tử thần” – là ông trùm vũ khí mà Landesman đã mất nhiều thời gian mới có thể tiếp cận được đương sự tại khách sạn Renaissance (Moscow) vào tháng 8-2003. Tay buôn lậu vũ khí số một thế giới này là đối tượng săn lùng gay gắt của lực lượng an ninh Mỹ.
Hè 1999, trước loạt vụ xung đột phức tạp tại Tây và Trung Phi, Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) thực hiện chiến dịch theo dõi chính phủ lẫn các thủ lĩnh du kích tại một số điểm nóng như Congo, Liberia và Sierra Leone. Mỗi sáng, nhân viên NSA ghi âm các cú điện và cuối cùng dò ra được một cái tên: Viktor Bout. Liên lạc CIA, NSA được biết Viktor Bout là gương mặt cộm cán trong đường dây buôn lậu vũ khí toàn cầu. Sự việc được tường trình Chính phủ Mỹ. Tại Tòa Bạch Ốc, một chuyên gia không ảnh của CIA bày trên bàn loạt ảnh chụp nhiều khu rừng châu Phi trong thời gian từ 1996-1999, cho thấy cảnh dỡ hàng (vũ khí) từ các máy bay vận tải nhỏ của Nga.
CIA và tình báo Anh MI6 phục trong rừng châu Phi từng dò ra tông tích Bout đầu thập niên 1990, khi Bout chỉ huy các chuyến không vận đưa súng trường, đạn dược và đại liên trực thăng đến giao cho khách hàng; rồi chở đi kim cương. Nhận được tin từ CIA, chánh văn phòng đặc trách chống khủng bố của NSA, Richard C. Clarke, đề nghị tổ chức bắt.
Tuy nhiên, do Bout hoạt động ngoài phạm vi nước Mỹ nên ý kiến Richard C. Clarke bị khước từ. Sau đó, NSA gửi báo cáo Viktor Bout cho hệ thống an ninh của ít nhất bảy quốc gia và nhấn mạnh tính nghiêm trọng vụ việc lên cấp độ ngoại giao quốc tế ở bốn châu lục. Bỉ tung ra lệnh truy nã Bout năm 2000, không phải tội buôn lậu vũ khí mà là rửa tiền và buôn lậu kim cương. Tuy nhiên, Viktor Bout vẫn lọt lưới pháp luật, thoát khỏi cặp mắt báo chí, nhân viên điều tra Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng như nhiều tổ chức nhân quyền. Tháng 3-2002, CNN có lần “thộp” được Bout, thực hiện cuộc phỏng vấn chớp nhoáng nhưng không rõ lý do gì Bout bỏ ngang nửa chừng.
Cuộc đời Viktor Bout từng được dựng thành phim (Lord of war)
Viktor Bout bắt đầu làm ăn vào năm 1992 (mới 25 tuổi), khi mua ba máy bay vận tải nhẹ Antonov với giá 120.000 USD và tham gia dịch vụ cho thuê vận tải đường dài từ Moscow đến nhiều nơi thế giới. Một năm sau, Bout chuyển hoạt động sang Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), mở tuyến dịch vụ giữa châu Á, châu Phi và châu Âu.
Ðến trước năm 1996, Bout đã trở thành ông chủ công ty vận tải hàng không lớn nhất UAE với 160 máy bay và 1.000 nhân viên. Theo báo cáo LHQ, hãng Air Cess (đóng tại Liberia) của Bout đã tuồn hàng ngàn súng trường, lựu đạn cùng nhiều loại vũ khí khác vào các điểm xung đột châu Phi (Angola, Cameroon, Kenya, Liberia, Libya, Congo-Brazzaville, Rwanda, Sierra Leone…) qua ngả Bulgaria từ 1995-2000. Năm 2000, Bout thậm chí chuyển trực thăng, cao xạ và xe quân giới vào Liberia. Sự táo tợn của Bout còn thể hiện ở chỗ hắn thành lập chi nhánh Air Cess tại Miami (Florida) năm 1997, hoạt động đến tháng 9-2001 (bị đóng cửa sau vụ khủng bố Mỹ 11-9-2001).
Viktor Bout khi được đưa ra tòa ở Bangkok, Thái Lan, 2008 (ảnh: Chumsak Kanoknan/ Getty Images)
Trùm của mọi ông trùm
Sinh ngày 13-1-1967 tại Dushanbe (Tajikistan), Viktor Bout không là loại tội phạm vô học. Từ nhỏ, Bout đã mê văn học cổ điển Nga. Ghi danh Học viện quân sự Xô Viết khoa ngôn ngữ nước ngoài (Moscow) và sau đó học tại một đại học quân sự Nga, Bout có thể nói thông thạo sáu ngoại ngữ. Sau khi tốt nghiệp, Viktor Bout phục vụ một sư đoàn không vận Nga cho đến năm 1991. Trong thời gian tại ngũ, Bout từng đến châu Phi (có tin đồn Bout là “đại tá KGB”, làm việc tại Angola vào thời điểm Liên Xô tan rã). Tuy nhiên, “Viktor Bout là sản phẩm của thời kỳ Boris Yeltsin, của tội phạm vô tổ chức, biết thích nghi với chế độ mới Vladimir Putin và dần trở thành tội phạm có đẳng cấp” – theo Jonathan M. Winer, viên chức cấp cao Bộ ngoại giao Mỹ thời Bill Clinton.
Khi Liên Xô tan rã, tình hình bát nháo xảy ra khắp nơi tại những nước thành viên cũ. Tại Ukraine, súng ống được bán tống bán tháo ra chợ đen. Và những tay cơ hội như Viktor Bout đã nhanh chóng tận dụng không khí tranh tối tranh sáng này. Từ 1992-1998, số vũ khí-đạn dược Ukraine trị giá 32 tỉ USD đã “biến mất”, trên đường buôn lậu toàn cầu, đến Somalia, Angola, Kenya, Pakistan, Afghanistan…
Theo báo cáo LHQ về tình trạng buôn lậu vũ khí toàn cầu, chính Viktor Bout là người vận chuyển mớ vũ khí Ukraine ra thị trường thế giới. Trong ấn bản ngày 7-1-2002, tuần báo Ðức Der Spiegel nói thêm, Vadim Rabinovich – công dân Israel gốc Ukraine – cũng từng móc nối cựu giám đốc tình báo Ukraine và con trai ông trong thương vụ bán 150-200 xe tăng T-55 và T-62 cho Taliban. Viktor Bout cũng là người tổ chức tải hàng. Cuối cùng, bản báo cáo Hội đồng bảo an LHQ công bố tháng 4-2001 từng ghi rằng Viktor Bout là đối tượng tình nghi cung cấp vũ khí cho lực lượng Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf tại Philippines.
Sa lưới
“Trước năm 2000, Viktor Bout trở thành một “thương hiệu” quen thuộc trong giới kinh doanh súng ống thế giới” – nhận xét của Alex Vines, điều tra viên thuộc tổ chức Giám sát nhân quyền. Không chỉ in dấu tay tại châu Phi và Nam Á, Viktor Bout dường như còn dính líu một phi vụ tuồn vũ khí “chất lượng cao” vào Mỹ. Cuối tháng 9-2001, hai tuần sau sự kiện khủng bố 11-9, một công ty tại Budapest (Hungary) xin cấp phép cho máy bay Ukraine giao hàng cho công ty Mỹ tại Macon (bang Georgia).
Viktor Bout đến Phi trường Westchester, New York; khi được dẫn độ về Mỹ từ Thái Lan, ngày 16 Tháng Mười Một 2010 (ảnh: U.S. Department of Justice via Getty Images)
Do chưa từng nghe công ty nào tên “ERI Trading and Investment Company” hoạt động tại nước mình, nhân viên hải quan Hungary tình nghi, bất ngờ kiểm tra máy bay và phát hiện… 300 tên lửa đất đối không Ukraine và 100 súng phóng tên lửa! Chuyến hàng tất nhiên bị tịch thu và người mua tại Mỹ bị bắt. Từ vụ trên, nhiều cơ quan tình báo phương Tây bắt đầu tăng cường theo dõi Viktor Bout.
Chiến dịch nghe trộm Bout được tiến hành mạnh khi NSA nắm được bằng chứng Viktor Bout bán máy bay cho Ariana Afghan Airlines (AAA) – hãng hàng không Afghanistan thuộc sự kiểm soát Taliban. Thời điểm đó, tình báo Mỹ giám sát các chuyến bay hàng ngày của AAA từ UAE đến cứ địa Kandahar (Afghanistan). Sau khi AAA bị LHQ cấm vận tháng 11-2000, công ty Flying Dolphin thuộc sở hữu Viktor Bout trở thành cầu hàng không giữa Dubai (UEA) và Kandahar, cho đến khi cũng bị LHQ đóng cửa tháng 1-2001. Cần nói thêm, ông chủ bình phong của Flying Dolphin – Abdullah bin Zayed al Saqr al Nahyan – là đại sứ UAE tại Mỹ từ 1989-1992.
Những ngày đầu nhiệm kỳ George W. Bush, cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice đã chỉ thị NSA tìm bằng chứng qui kết Viktor Bout dính líu Al-Qeada. Tháng 5-2002, vụ Viktor Bout càng được tập trung, khi Trung tâm liêm chính công cộng (Washington DC) tiếp cận tài liệu từ tình báo Bỉ cho biết Bout đã kiếm được 50 triệu USD từ các thương vụ cung cấp vũ khí cho Taliban cuối thập niên 1990. Tháng 2-2001, Mỹ gửi một phái đoàn sang Brussels, đề nghị Chính phủ Bỉ phối hợp bắt Viktor Bout. Tuy nhiên, khi nghe được tin trên, từ Sharjah (UAE), Viktor Bout đã nhanh chóng lên đường về Nga…
Cuối cùng, ngày 6-3-2008, Viktor Bout bị Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt tại Bangkok, theo lệnh truy nã của Interpol. Tháng 2-2009, Quốc hội Hoa Kỳ gửi thư cho Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder và Ngoại trưởng Hillary Clinton, nhấn mạnh việc dẫn độ Bout “là ưu tiên hàng đầu”. Ngày 16-11-2010, Bout được dẫn độ từ Thái Lan qua Mỹ, trước sự phản đối của Nga.
Viktor Bout bị kết án tại một tòa án ở Manhattan vào ngày 5-4-2012, với bản án 25 năm tù. Theo AFP, mẹ của Viktor Bout – bà Raisa – vừa gửi thư cho ông Biden lẫn Putin, nói rằng mình đã gần 85 tuổi và muốn thấy con được trả tự do “khi tôi vẫn còn sống”. Có tin rằng vụ Viktor Bout có thể được đưa ra để Nga-Mỹ “trao đổi tù binh” nhưng khả năng này là rất thấp.
Tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine cho biết, cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ đi tới một bước ngoặt vào tháng 8. Đầu năm nay, ông từng dự báo đúng thời điểm Nga tấn công nước này.
Tướng Kyrylo Budanov. Ảnh: Sky News
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin Sky News, quan chức này còn cho biết, cuộc chiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Cho tới giờ, đây là dự báo chính xác và lạc quan nhất của một quan chức cấp cao Ukraine.
Theo phóng viên Sky News, văn phòng của vị tướng này tối om và chứa đầy vật dụng chiến tranh và do thám, các túi cát chất đầy ở cửa sổ và súng máy chất đống trên sàn, một khẩu súng trường đặt trên bàn làm cái chặn giấy.
Tướng Budanov còn khá trẻ, mới chỉ 36 tuổi. Khi trả lời phỏng vấn, ông không lộ nhiều cảm xúc, chỉ cười một lần duy nhất khi nói bằng tiếng Anh câu: “Tôi lạc quan”.
Vị tướng này từng dự đoán trúng thời điểm Nga tấn công Ukraine trong khi các quan chức khác trong chính phủ Ukraine tỏ ra nghi ngờ. Hiện giờ, ông tự tin cho rằng tình hình sẽ diễn ra như dự báo của ông. “Bước ngoặt của cuộc chiến sẽ diễn ra vào nửa cuối của tháng 8. Hầu hết các hành động quân sự sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Kết quả là chúng ta sẽ tái tạo sức mạnh Ukraine trên mọi vùng lãnh thổ mà chúng ta đã mất, gồm cả Donbass và Crưm”.
Theo ông, chiến thuật của Nga không thay đổi bất chấp việc nước này chuyển hướng tấn công sang phía đông. Quan chức này cho hay, các lực lượng Nga đã bị đẩy lùi về biên giới quanh Kharkiv và các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào quân Nga đang cố vượt sông Siversky Donets đã gây tổn thất đáng kể cho quân Nga.
Về thời điểm kết thúc cuộc chiến, Tổng thống Ukraine Zelensky lại cho rằng “hiện nay không ai có thể dự đoán chiến tranh sẽ kéo dài bao lâu”, dù người Ukraine đang làm mọi việc có thể để đánh bật quân Nga. Trong bài phát biểu toàn quốc được phát đi hôm qua (13/5), ông Zelensky nói: “Điều đó không chỉ phụ thuộc vào người Ukraine mà còn phụ thuộc vào các đối tác của Ukraine, vào các quốc gia châu Âu, vào toàn bộ thế giới tự do”.
Người đứng đầu Ukraine cho biết thêm, hôm qua, Ukraine đã bắn rơi máy bay thứ 200 của Nga kể từ đầu cuộc chiến. Và rằng, Nga đã thiệt hại nặng về xe tăng, xe bọc thép, trực thăng và máy bay không người lái.
Ông Zelensky nói, Ukraine đang có các cuộc đàm phán rất khó khăn để sơ tán các binh sĩ bị thương, đang mắc kẹt trong nhà máy Azovstal. Ngoài ra, Ukraine đã giành lại nhiều làng mạc và thị trấn từ quân Nga. Tổng thống Zelensky nói, việc khôi phục điện, nước, điện thoại và các dịch vụ xã hội đang được tiến hành.