Hồ cá Koi trong không gian ‘xanh mát’ ở ngôi nhà ống rộng 350 m2

NGÔI NHÀ ĐƯỢC GIA CHỦ DÀNH RIÊNG MỘT KHOẢNG SÂN ĐỂ CẢI TẠO THÀNH THẢM CỎ MANG ĐẾN KHÔNG GIAN XANH MÁT CHO CÁC THÀNH VIÊN TRONG GIA ĐÌNH. TUY ĐƯỢC XÂY DỰNG MỚI HOÀN TOÀN SO VỚI NGUYÊN BẢN NHƯNG GIA CHỦ VẪN MUỐN LƯU GIỮ NHỮNG ĐƯỜNG NÉT CẤU TẠO CỔ KÍNH TỪ NHỮNG NĂM 1970.
Hồ cá Koi trong không gian xanh mát ở ngôi nhà ống rộng 350 m2 - Ảnh 1.

Công trình nằm ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, có diện tích sử dụng gần 350 m2, là nơi cư trú yên bình của gia đình có con nhỏ và nuôi thú cưng.

Hồ cá Koi trong không gian xanh mát ở ngôi nhà ống rộng 350 m2 - Ảnh 2.

Khoảng sân rộng phía trước nhà được gia chủ chăm chút và sử dụng làm nơi đọc sách, vui chơi cùng thú cưng và con cái trên bãi cỏ xanh. Cây cao rợp bóng mát xuống phần sân bên dưới.

Hồ cá Koi trong không gian xanh mát ở ngôi nhà ống rộng 350 m2 - Ảnh 3.

Phần sân còn lại được lát bê tông và phủ kính trong suốt phía trên để tạo không gian mở, vừa là sân sinh hoạt vừa là nơi đậu xe khi cần thiết.

Hồ cá Koi trong không gian xanh mát ở ngôi nhà ống rộng 350 m2 - Ảnh 4.

Hồ cá Koi với phần tiểu cảnh thác nước mang nét phong thủy đặc trưng của văn hóa Á Đông, nhóm kiến trúc sư chia sẻ thêm.

Hồ cá Koi trong không gian xanh mát ở ngôi nhà ống rộng 350 m2 - Ảnh 5.

Các cửa đi phụ của các phòng sinh hoạt chung như phòng khách, nhà bếp đều hướng ra phía bên hông nhà với nhiều cây xanh mang lại sự yên bình và mát mẻ.

Hồ cá Koi trong không gian xanh mát ở ngôi nhà ống rộng 350 m2 - Ảnh 6.

Nhà được xây dựng với đường nét kiến trúc hiện đại. Hệ thống đèn led, sàn nhà và cửa đều là những loại vật liệu cao cấp có độ bền cao theo thời gian.

Hồ cá Koi trong không gian xanh mát ở ngôi nhà ống rộng 350 m2 - Ảnh 7.

Phòng ngủ của gia chủ thiết kế rộng rãi hướng ra phía sân cỏ phía trước nhà với ban công rộng lớn.

Hồ cá Koi trong không gian xanh mát ở ngôi nhà ống rộng 350 m2 - Ảnh 8.

Với hệ thống đèn led thông minh, không gian phía trước nhà trở nên ấm áp và hài hòa vào ban đêm. Nơi đây thường diễn ra các buổi tiệc nướng BBQ mời bạn bè và người thân vào cuối tuần.

Hồ cá Koi trong không gian xanh mát ở ngôi nhà ống rộng 350 m2 - Ảnh 9.

Toàn cảnh không gian bên trong nhà nhìn từ phía ngoài sân.

Theo Nhật Quang / NDH

Những ước mơ thầm lặng

Ông cảm thấy căm ghét vợ mình! Họ đã chung sống với nhau được 15 năm. Suốt 15 năm ông đều nhìn thấy bà mỗi buổi sáng hàng ngày nhưng chỉ vào năm cuối cùng thì những thói quen của bà bắt đầu làm cho ông thấy bực mình ghê gớm. Đặc biệt một trong số đó là khi bà vươn đôi tay vào lúc vẫn còn đang ở trên giường rồi nói: “Xin chào mặt trời nhỏ! Hôm nay sẽ là một ngày tuyệt vời”. Đó dường như chỉ là câu nói bình thường, nhưng đôi cánh tay gầy guộc của bà, khuôn mặt còn ngái ngủ của bà gợi lên trong ông sự khó chịu. Bà đứng dậy, đi ngang qua cửa sổ và nhìn ra xa trong vài giây. Sau đó bà cởi bỏ chiếc váy ngủ và cứ thế đi vào nhà tắm. Trước đây, khi mới cưới ông đã ngưỡng mộ cơ thể của bà, sự tự do của bà gần giống với thói dung tục. Và mặc dù cho đến bây giờ thì cơ thể của bà vẫn còn tuyệt vời nhưng bộ dạng trần truồng đó khiến cho ông thấy tức giận. Thậm chí có một lần ông đã đẩy bà để làm nhanh quá trình “thức giấc”, nhưng khi đã sắp giáng quả đấm với cả sức mạnh của nó thì ông chỉ nói một cách thô bạo: “Nhanh lên, tôi ngán lắm rồi”.

Tranh minh họa – Ilbusca . (Nguồn: http://www.gettyimages.com)

Bà sống không vội vã, bà đã biết về mối tình ngoài luồng của ông, thậm chí còn biết cả cô gái mà chồng bà gặp gỡ đã gần 3 năm nay. Nhưng thời gian đã kéo dài những vết thương của lòng tự ái và chỉ để lại dấu vết buồn vô nghĩa. Bà đã tha thứ sự hung hãn cho chồng khi ông thiếu quan tâm và muốn được sống lại thời tuổi trẻ. Song bà không cho phép ai cản trở bà sống chậm rãi để hiểu từng phút. Vì thế bà quyết sống cho đến khi biết được mình mắc bệnh. Căn bệnh gặm nhấm bà qua từng tháng và sắp chế ngự bà. Mong muốn đầu tiên là nhu cầu cấp thiết được kể về bệnh tật với tất cả mọi người để giảm bớt gánh nặng của sự thật khi chia nhỏ nó thành từng mẩu chia sẻ với những người thân. Thế nhưng, bà đã trải qua những ngày tháng nặng nề nhất khi phải đối diện với ý thức về cái chết sắp tới, thế là bà quyết định dứt khoát sẽ im lặng về mọi chuyện. Cuộc sống của bà đã trôi đi và mỗi ngày trong bà lại nảy sinh sự thông thái của một người biết nhận thức. Bà tìm được sự cô tịch trong một thư viện nhỏ của làng, đường đi tới đó mất một tiếng rưỡi. Và mỗi ngày bà đều bước qua dãy hành lang nhỏ, giữa những kệ sách có nét chữ của người thủ thư cũ. “Những bí mật của cuộc sống và cái chết”, bà tìm thấy cuốn sách mà trong đó có thể thấy được mọi câu trả lời.

Ông đã đi đến nhà người tình. Ở đây mọi thứ đều rực rỡ, ấm áp, thân thiết. Họ gặp gỡ nhau đã được 3 năm và suốt thời gian đó ông đã yêu cô ta với một tình yêu khác thường. Ông ghen tuông, hạ nhục, tự hạ mình và có cảm giác như không thể thở được khi ở xa thân thể trẻ trung của cô. Hôm nay ông đã đến đây và một quyết định cương quyết đã nảy sinh trong ông: ly dị. Làm khổ cả 3 người mà làm gì, ông không yêu vợ, hơn thế là căm ghét. Còn ở đây thì ông sống theo cách mới, ông thấy hạnh phúc. Ông cố gắng nhớ lại những tình cảm đã từng trải qua với vợ ở thời điểm nào đó, nhưng không thể. Bỗng nhiên ông cảm thấy rằng bà đã làm cho ông phải tức giận bao nhiêu ngay từ ngày đầu tiên họ quen nhau. Ông lôi từ trong ví ra bức ảnh của vợ và để thể hiện sự quyết tâm ly dị của mình ông đã xé nó thành những mảnh nhỏ.

Ông đã ấn định cuộc gặp tại nhà hàng. Tại đó, nơi mà 6 tháng trước đã đánh dấu 15 năm cuộc hôn nhân của họ. Bà là người đến trước. Trước khi gặp mặt, ông đã rẽ qua nhà lục tìm một hồi lâu trong tủ những giấy tờ cần thiết cho việc ly hôn. Trong một tâm trạng có đôi chút lo lắng ông đã giật mạnh những thứ bên trong các ngăn kéo và vứt tung chúng khắp sàn nhà. Ở bên trong một chiếc ngăn kéo có một chiếc cặp màu xanh sẫm đã niêm phong mà trước đó ông chưa nhìn thấy. Ông liền ngồi xổm trên sàn và dứt mạnh chiếc băng dính ra. Ông hy vọng sẽ tìm thấy ở đó thứ gì đó có lợi, thậm chí là để thỏa hiệp. Nhưng thay vì điều đó thì ông đã phát hiện thấy vô số những bản xét nghiệm có đóng dấu giáp lai, những bảng kê, giấy chứng nhận. Trong tất cả những giấy tờ đó đều ghi họ tên của vợ. Điều phỏng đoán đã làm cho ông kinh ngạc như bị điện giật và một luồng tia lạnh chạy dọc theo sống lưng. Bà ấy đang bị bệnh! Ông lướt vào internet, vào trang website tên chẩn đoán và trên màn hình hiện rõ một dòng đáng sợ: “Từ 6 đến 18 tháng”. Ông liếc vào ngày tháng kể từ thời điểm xét nghiệm đã một năm rưỡi trôi qua. Điều gì đã xảy ra sau đó thì ông không nhớ nữa. Một câu duy nhất đã quay cuồng trong đầu là “từ 6 đến 18 tháng”.

Bà đã chờ đợi ông suốt 40 phút. Ông không trả lời điện thoại, bà thanh toán tiền rồi bước ra ngoài phố. Tiết trời mùa xuân đang tuyệt đẹp, mặt trời không chói lóa mà sưởi ấm cho tâm hồn. “Cuộc sống sao mà đẹp đến thế, trên trái đất cùng với mặt trời thì rừng mới đẹp làm sao!”. Lần đầu tiên sau bao nhiêu thời gian kể từ khi biết về bệnh tình của mình thì một cảm giác thương thân đang bao trùm lấy bà. Bà đủ sức để giữ bí mật đối với chồng, cha mẹ, bạn bè, một bí mật đáng sợ về bệnh tật của mình. Bà đã cố làm giảm nhẹ cho họ sự tồn tại, thậm chí phải trả giá bằng cuộc sống đang bị hủy hoại của mình. Hơn thế cuộc sống đó chỉ còn là một sự hoài niệm. Bà bước trên phố và nhìn thấy ánh mắt mọi người đang vui sướng ra sao vì mọi thứ còn đang ở phía trước, mùa đông rồi sẽ đến, còn bên bà là mùa xuân rồi sẽ không trở lại! Bà sẽ không còn được trải qua cảm giác tương tự như thế nữa. Sự tổn thương đã choán hết trong bà và vỡ ra bằng những dòng nước mắt bất tận.

Ông đi tới đi lui khắp phòng. Lần đầu tiên trong đời ông cảm thấy một cách sâu sắc, gần như là bằng thực thể về dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống. Ông hồi tưởng về người vợ thời trẻ, về thời gian mà họ mới quen nhau và tràn đầy hy vọng. Và tất cả mọi thứ còn ở phía trước: hạnh phúc, tuổi trẻ, cuộc sống… Vào những ngày cuối cùng này ông đã tất bật chăm sóc bà, ở bên bà suốt 24 giờ trong ngày và trải nghiệm niềm hạnh phúc chưa từng có. Ông sợ rằng bà sẽ ra đi, ông sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời mình chỉ mong sao giữ được bà. Và nếu như có ai đó nhắc ông về chuyện một tháng trước ông đã căm ghét vợ mình và mơ ước được ly dị thì ông sẽ nói: “Đó đâu phải là tôi”.

Ông thấy là bà đang vĩnh biệt cuộc đời một cách nặng nề ra sao, bà khóc suốt đêm khi nghĩ rằng ông đang ngủ. Ông hiểu là không có sự trừng phạt nào đáng sợ hơn là biết trước được thời hạn kết thúc của mình. Ông thấy rằng bà đã đấu tranh vì cuộc sống khi bám vào niềm hy vọng mơ hồ nhất.

Bà đã qua đời 2 tháng sau đó. Ông đã rải những bông hoa trên đường từ nhà đến nghĩa địa. Ông đã khóc như một đứa trẻ khi người ta đậy nắp quan tài, ông trở nên già hơn đến hàng nghìn tuổi… Ở nhà, dưới chiếc gối của bà, ông tìm thấy một mảnh giấy với điều ước nguyện mà bà đã viết trước thềm Năm Mới: “Được hạnh phúc với ông ấy cho đến ngày cuối đời mình”.

Người ta nói rằng tất cả những ước muốn được nghĩ ra trước thềm Năm Mới đều sẽ được thực hiện. Rõ ràng đó là sự thực, bởi vì cũng trong năm nay ông đã viết: “Trở thành người tự do”. Mỗi người trong số họ đều đã nhận được điều mà dường như mình đã từng mong ước. Ông cười lớn, tiếng cười cuồng loạn và xé tan mảnh giấy ước mơ ra thành từng mảnh nhỏ…

Dmitri Panin (Nga) /Hải Yến (dịch) / Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 18

Một ông thầy với 135 triệu học sinh

Các bài học toán từ xa của Sal Khan thoạt đầu chỉ dành cho anh em họ của mình nhưng nay đã trở thành một “hiện tượng toàn cầu”. Trường học ảo của anh đang cung cấp các bài hướng dẫn toán miễn phí cho hàng triệu học sinh trên khắp thế giới. Hiện Viện Khan (Khan Academy) do anh thành lập – tính đến Tháng Năm 2022 – đã có hơn 135 triệu người đăng ký từ 190 quốc gia và sử dụng 51 ngôn ngữ.

Câu chuyện bắt đầu từ Nadia

Sal Khan ở độ tuổi 20 và đang làm nhà phân tích quỹ đầu tư chứng khoán tại thành phố Boston thì cô em họ 12 tuổi Nadia sống tại New Orleans nhờ anh giúp môn toán. Cô bé đang gặp khó khăn và bị xếp vào nhóm kém toán nhất lớp. Nhận lời, anh dạy kèm qua điện thoại, và thật diệu kỳ, từ học sinh phải phụ đạo môn toán, Nadia tiến bộ ngoạn mục và trở thành học sinh giỏi toán nhất trường. Không lâu sau, Khan “thừa thắng xông lên”, mở rộng lớp học đại số và giải tích từ xa cho 15 anh em họ ở tiểu bang Louisiana.

Để thuận tiện cho công việc, anh thành lập một trang web và viết một số phần mềm giúp tạo ra các câu hỏi thực hành. Một người bạn thấy được tiềm năng của lớp học, đề nghị anh thử quay video và đưa chúng lên YouTube. “Thoạt đầu tôi nghĩ đây là ý tưởng… kinh khủng chỉ dành cho các cảnh kỳ thú như mèo chơi piano hay chó lướt ván trượt! Nhưng tôi quyết định, cứ thử xem sao. Một phần vì những người anh em họ của tôi nói với tôi họ thích gặp tôi qua các bài học trên YouTube hơn là gặp trực tiếp vì có thể học đi học lại mà không bị chê là chậm tiêu!”.

Salman Amin ‘Sal’ Khan trong một buổi hội thảo toàn cầu về giáo dục (ảnh: Visual China Group via Getty Images/Visual China Group via Getty Images)

Dần dần, những bài giảng dễ hiểu của Khan về các chủ đề toán học khó hấp dẫn đã được những người bên ngoài gia đình chú ý. Đến năm 2008, tức bốn năm sau ngày thử nghiệm với cô em Nadia, đã có hàng chục ngàn học sinh theo dõi các bài giảng trực tuyến của Khan mỗi tháng. Các bài học lan truyền mạnh mẽ hơn nữa sau khi tỷ phú Bill Gates tiết lộ tại một hội nghị là ông đã sử dụng video của Khan để dạy toán cho các con. Trước đó, Google đóng góp cho Khan $2 triệu để anh có thêm tiền phổ biến giấc mơ về một “nền giáo dục đẳng cấp nhưng miễn phí cho tất cả mọi người, không phân biệt xuất thân và địa lý”.

Hiện giáo viên toán học nổi tiếng nhất thế giới này có trụ sở chính trong một khu văn phòng cũ của công ty Google ở ​​Mountain View thuộc tiểu bang California. Viện Khan cung cấp hàng ngàn video hướng dẫn và bài tập toán miễn phí cho bất kỳ ai có kết nối internet. Lúc bắt đầu xảy ra đại dịch, khi các trường học trên khắp thế giới đóng cửa, thời lượng học trên trang web của Khan tăng gấp ba lần chỉ sau… một đêm, từ 30 triệu lên 85 triệu một ngày!

Khan trở thành một “siêu sao” của Thung lũng Silicon, một người tạo ra đột phá bằng cách đưa khẩu hiệu “Di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ” của Facebook vào giáo dục. Một số người giàu nhất thế giới đã đầu tư hàng triệu đôla vào công ty phi lợi nhuận Khan thành lập từ trong ngôi nhà cha mẹ với một chiếc máy tính xách tay và chiếc micro giá rẻ! Trong đó có các tên tuổi như Eric Schmidt, Elon Musk, Carlos Slim, Gates, người gọi anh là “kẻ tiên phong mà tác động đối với giáo dục là khôn lường!”. Khan vừa bước sang tuổi 45 tuổi, hiện sống khiêm tốn, cùng với vợ, Umaima, một bác sĩ, và ba đứa con trong một ngôi nhà bốn phòng ngủ ở vùng ngoại ô. Gia đình chỉ có hai chiếc xe Honda, không có Tesla, Ferrari, máy bay riêng, đầu bếp riêng. “Của cải ròng của tôi không tính bằng tiền tỷ trong… trí tưởng tượng, thậm chí hàng chục triệu cũng không có!” – anh nói.

Salman Khan, người tạo ra đột phá bằng cách đưa khẩu hiệu “Di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ” vào giáo dục kỷ nguyên số hóa (ảnh: Kim Kulish/Corbis via Getty Images)
Tuổi thơ nghèo khó
Lớn lên trong cảnh túng thiếu ở thị trấn Metairie thuộc tiểu bang Louisiana, Khan là con trai của một bà mẹ đơn thân gốc Ấn Độ phải làm việc lặt vặt trong nhiều cửa hàng tạp hóa để nuôi sống gia đình. Cha anh, một bác sĩ từ Bangladesh đến Mỹ học trường y, đã rời gia đình khi anh còn nhỏ. Khan chỉ gặp cha một lần năm 13 tuổi, một năm trước khi ông qua đời.
“Lớn lên, tôi sống trong hai thế giới khác nhau. Ở trường, bạn bè chủ yếu là người da trắng; hầu hết có mẹ đơn thân. Trong cộng đồng Nam Á, đó là một điều bất thường khi bạn có cha mẹ ly hôn và không biết cha mình là ai! Tôi sống dưới mức nghèo khổ trong hầu hết thời thơ ấu, không có bảo hiểm y tế và thường mua sắm tại các cửa hàng giảm giá. Khi nhìn thấy những đứa trẻ Ấn Độ và Bangladesh ở New Orleans có gia đình nghề nghiệp đầy đủ tôi muốn được như chúng”.

Chính toán học đã mở cho Khan con đường tiến đến giấc mơ này. Khan trở thành người đầu tiên trong trường trung học mà anh học vào được Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) danh giá, trước khi anh lấy bằng MBA của Trường Kinh doanh Harvard. Khan nhớ lại: “Điều tôi thích nhất về toán học là nó mang bản chất tinh khiết nhất của vũ trụ. Với hầu hết mọi thứ, như màu đỏ chẳng hạn, chỉ là cảm nhận. Thời gian và không gian chỉ là sự mô phỏng của tâm trí. Nhưng toán học vượt qua tất cả. Toán học mở đường cho những ý tưởng nẩy sinh từ sâu thẳm của tâm trí”.

Trường tư thục thực nghiệm Khan Lab nằm ở tầng trệt trụ sở chính của Viện Khan được Khan thành lập năm 2014 để thử nghiệm một phương pháp giáo dục hoàn toàn mới. Ví dụ, một bài học về khoa học dữ liệu, nơi các học sinh ngồi trên một chiếc bàn dài để cùng phân tích hành vi của cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Học sinh xoay quanh các ý tưởng về mô hình trên biểu đồ phân tán không giống bất kỳ lớp học thường thấy. Các trợ giảng cũng là học sinh, trong khi lớp học có độ tuổi hỗn hợp (từ 14 đến 18) và tất cả đều sử dụng máy tính xách tay.

Khan Academy (ảnh: Kim Kulish/Corbis via Getty Images)

Tại ngôi trường thực nghiệm đặc biệt này, học phí lên đến hơn $30,000 một năm và học sinh là con cái của các giám đốc điều hành và các triệu phú dotcom. Không có điểm số hay bài tập về nhà. Học sinh tiến bộ theo tốc độ của riêng mình và đi theo nhưng chương trình học mang tính cá nhân với các bài học trực tuyến của Viện Khan, được giáo viên hỗ trợ khi cần. Theo phương pháp “học sinh tự làm chủ”, học sinh phải chứng minh đã chắc chắn hiểu từng bài học trước khi bước sang bài mới. Những người sáng giá nhất sẽ hoàn thành khóa học nhanh, nhưng không có sự kỳ thị đối với người phải mất nhiều thời gian hơn để vượt qua một bài học.

Đi theo mô hình của Netflix, Amazon

Tại Khan Lab, học sinh được khuyến khích học hỏi từ thất bại, phát huy tính sáng tạo, tinh thần đồng đội và óc kinh doanh. Một số học sinh thành lập sớm doanh nghiệp của riêng mình nhờ cha mẹ chúng đủ giàu để chấp nhận rủi ro. Kết quả thật khả quan. Nhóm đầu tiên tốt nghiệp năm ngoái tiếp tục vào các trường đại học hàng đầu của nước Mỹ. Trong văn phòng Viện Khan ở tầng trên gần như không có người vì hầu hết vẫn làm việc tại nhà theo xu hướng chung của Thung lũng Silicon hiện nay.

Khan tạo ra một mô hình giáo dục hoàn toàn mới, sử dụng công nghệ để cá nhân hóa việc học cũng giống như công ty Netflix thay đổi cách chúng ta xem truyền hình, xem phim; và Amazon thay đổi cách chúng ta mua sắm. “Mô hình lớp học truyền thống, trong đó tất cả học sinh đều học cùng một thứ và cùng một lúc không còn phù hợp với nhu cầu đang thay đổi của thế giới hôm nay – anh nói – Về cơ bản, đó là giáo dục thụ động, trong khi thế giới ngày càng đòi hỏi việc tiếp nhận và xử lý thông tin phải tích cực hơn, linh hoạt hơn”. Nghe có vẻ không tưởng, nhưng Viện Khan chỉ là bước khởi đầu cho kế hoạch “định hình lại cách học” của Khan.

Sal Khan trong chương trình ‘The State of Digital Education’ do tạp chí Vanity Fair tổ chức (ảnh: Michael Kovac/Getty Images for Vanity Fair)

Trong thời gian đại dịch hoành hành, anh đã xây dựng một nền tảng dạy kèm “hàng ngang” (peer-to-peer tutoring platform) miễn phí, trong đó học sinh ở độ tuổi 13 có thể được công nhận đủ điều kiện để dạy kèm các học sinh khác ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Cho đến nay đã có 1,000 gia sư và 10,000 học viên đăng ký tham gia trang web Schoolhouse.world.

Có những câu chuyện cảm động về sự giúp đỡ. Ví dụ Sachin, 14 tuổi đến từ Fremont, California đã giúp đỡ ông Cal 52 tuổi, đến từ Ebenezer, Mississippi lấy bằng tốt nghiệp trung học (ông đã bỏ học lúc cùng độ tuổi với Sachin). Khi những câu hỏi được đặt ra về tương lai của các kỳ thi ở Mỹ, Vương quốc Anh…, các trường đại học bắt đầu công nhận “giấy chứng nhận gia sư” của Schoolhouse như một “bằng chứng về năng lực kèm cặp”. Khan nói: “Giấy chứng nhận gia sư sẽ trở thành chứng chỉ của tương lai. Tôi đã nói với các nhà tuyển dụng: Nếu tôi có thể cho bạn thấy một người trẻ tuổi thuộc số gia sư hàng đầu về thống kê, tại sao bạn không tuyển họ làm nhà phân tích cơ sở cho Goldman Sachs? Tại sao bạn không thuê họ làm nhà phân tích cho McKinsey, Google?”.

Sal Khan (thứ hai, trái sang) trong một hội thảo giáo dục do New York Times tổ chức (ảnh: Neilson Barnard/Getty Images for The New York Times)

Những giấc mơ tiếp theo

Giờ đây, Khan đang thực hiện giấc mơ ở giai đoạn tiếp theo: Hoàn thiện một “trường trung học ảo” toàn thời gian dành cho học sinh từ khắp nơi trên thế giới, không phân biệt. Trường tư thục Khan World, khai trương vào mùa Thu, sẽ tổ chức các buổi hội thảo hàng ngày, các buổi hướng dẫn theo phong cách Oxford hàng tuần và học trực tuyến được cá nhân hóa dựa trên giáo trình giảng dạy của Viện Khan.

Khan nói: “Chúng tôi sẽ bắt đầu với 200 sinh viên, nhưng không có lý do gì để không đẩy lên 200,000 trong tương lai gần. Khan World là mạng lưới an toàn cho bất kỳ ai. Nếu bạn bị thất bại tại một trường, bạn có thể đến đây”. Với sự hợp tác của Đại học Tiểu Bang Arizona (ASU), trường sẽ miễn phí cho học sinh sống ở tiểu bang Arizona, nhưng học sinh từ các vùng khác của Mỹ phải trả $10,000 một năm và học sinh quốc tế phải trả $12,000.

Sal Khan và vợ (ảnh: Steve Jennings/Getty Images for Breakthrough Prize)

Khan cho biết nhà trường có các chuyên gia cố vấn và xác nhận sự tiến bộ của học sinh thông qua hệ thống kiểm định của Schoolhouse. “Chúng tôi muốn mỗi học sinh phải thành thạo cơ bản toán học từ giải tích đến thống kê; từ hóa học, vật lý, sinh học đến kinh tế học. Học sinh sẽ làm bài tập và đọc những gì cần đọc, sẽ nhận được tài liệu thực hành khoa học và các mẫu để mổ xẻ. Sẽ sớm có phòng thí nghiệm thực tế ảo” – Khan nói.

Khan khẳng định các lớp học từ xa trong đại dịch vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng của công nghệ để cá nhân hóa giáo dục. “Học trực tuyến và học từ xa để tránh dịch là hai cách học khác nhau. Học trực tuyến không bị ràng buộc bởi thời gian và không gian nên rất hấp dẫn”. Đây không phải là tầm nhìn lý thuyết của Khan về đổi mới giáo dục thế hệ tương lai.

Các con của Khan, 13, 10 và 7 tuổi, đều đang học tại Khan Lab. Đứa lớn nhất gần hoàn thành khóa học giải tích và đang hợp tác với những học sinh 18 tuổi. Khan hiểu rằng cách nuôi dạy các con của anh rất khác với cách anh được nuôi dạy. “Vợ tôi lớn lên trong hoàn cảnh giống tôi, cũng với một bà mẹ đơn thân và không giàu có gì. Đi ra ngoài ăn tối là phép lạ đối với chúng tôi thời thơ ấu nhưng ‘không là gì cả’ đối với các con tôi. Không bao giờ có cha bên cạnh khi lớn lên nên tôi rất xem trọng thời gian gia đình quây quần bên nhau. Đây là lý do Khan Lab không bao giờ ra bài tập về nhà để học sinh có thể ăn tối ấm cúng bên gia đình” – anh nói.

Cho đến nay, Khan vẫn không thể tin chương trình dạy kèm nghiệp dư anh thử làm cho những người anh em họ đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Nhưng giống như nhiều doanh nhân khác ở Thung lũng Silicon, anh luôn là một người mơ mộng với những ý tưởng lớn.

Lương Thái Sỹ / Saigon Nhỏ

Thái độ của người dân Nga đối với Chiến tranh Ukraine

Nguồn: Andrei Kolesnikov, “Russians at War,” Foreign Affairs, 18/04/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Sự hung hăng của Putin đã khiến một quốc gia tự chống lại chính mình.

Đầu tháng 4, quan tài chứa thi thể của Vladimir Zhirinovsky, 75 tuổi – một nhà dân túy cực đoan, người từng là trụ cột quan trọng của nhà nước Nga suốt hai thập niên – đã được đưa đến Sảnh Cột (Hall of Columns) ở trung tâm Moscow để mọi người có thể đến viếng. Cách đây 69 năm, thi hài Stalin cũng được quàn tại đây, và vì thế dẫn đến cái chết của hàng loạt người Nga, những người đã bị giẫm đạp đến chết trong đám đông khổng lồ tụ tập để tiễn biệt nhà độc tài Liên Xô.

Đã không có đợt giẫm đạp nào ở đám tang Zhirinovsky, nhưng nó gợi lại một khoảnh khắc khác trong thời kỳ Liên Xô. Thi thể của ông đã được đưa đến Sảnh Cột trong một chiếc Aurus Lafet – dòng xe tang đen phiên bản siêu giới hạn, được sản xuất bởi Aurus Motors, nhà sản xuất xe hơi hạng sang mới nổi của Nga. Trong tiếng Nga, lafet có nghĩa là “xe tang”, và đối với những người Nga như tôi, những người đủ lớn tuổi để nhớ được giai đoạn đầu thập niên 1980, tên của chiếc xe gợi lên một câu chuyện đùa tăm tối: khi các nhà lãnh đạo cao tuổi của Liên Xô, Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, và Konstantin Chernenko liên tiếp qua đời, sự kiện đó đã được gọi là Cuộc đua của những chiếc xe tang (Race of the Lafets).

Phải chăng đang có một cuộc đua của những chiếc xe tang mới xuất hiện trong vòng tròn thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin? Điều chắc chắn là có rất nhiều nhân vật của Điện Kremlin sẽ bước vào cùng độ tuổi với những người đồng cấp trong những năm cuối của Liên Xô: Putin sẽ 70 tuổi vào tháng 10 này; Alexander Bortnikov, người đứng đầu FSB, và Nikolai Patrushev, thư ký hội đồng an ninh, đều đã 70 tuổi. Sergei Lavrov, Ngoại trưởng, thì đã 72 tuổi. Tương tự như việc Bộ chính trị cao niên của Brezhnev quyết định xâm lược Afghanistan, theo đó phá hủy những gì còn sót lại của nền tảng đạo đức của đế chế Liên Xô, quyết định phát động chiến tranh ở Ukraine của những vị bô lão này đã nhanh chóng trở thành một thảm họa cho nước Nga – đặc biệt là cho giới trẻ của nước này.

Hiện tại, dư luận Nga đang đứng về phía chế độ, và chế độ có thể tiếp tục tự huyễn hoặc mình, hệt như khi họ huyễn hoặc người dân, rằng họ có thể biến nước Nga thành một quốc gia bất hảo với khả năng tự cung tự cấp, tự cô lập, và xu hướng bành trướng, dựa trên ý tưởng về sự vượt trội của Nga so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, “chiến dịch quân sự đặc biệt,” theo cách gọi mà Putin liên tục nhấn mạnh, dường như chắc chắn sẽ làm suy yếu tất cả các nền tảng chính trị, kinh tế, và đạo đức của Nga.

MỘT CUỘC CHIẾN VỚI CHÍNH MÌNH

Chế độ Putin dường như đang đối xử với người dân Nga bằng một thái độ gần giống như với người dân Ukraine. Để minh chứng cho điều này, người ta chỉ cần nhìn vào áp lực từ các cơ quan công quyền và cảnh sát lên bất kỳ ai ở Nga dám suy nghĩ khác đi, việc đóng cửa hoặc thanh trừng hầu hết các cơ quan truyền thông và tổ chức nghiên cứu độc lập, và cuộc đàn áp bất kỳ ai phản đối, hay chỉ đơn giản là không đồng ý với ‘tinh thần cuồng loạn thể hiện lòng yêu nước.’ Người Ukraine được mô tả như một khối dân vô diện, đồng nhất, những người buộc phải khuất phục trước Điện Kremlin bằng các biện pháp phi phát xít hóa, một quá trình mà trong thực tế có nghĩa là “phi Ukraine hóa”, điều mà bộ máy tuyên truyền của Putin giờ đây đã công khai thừa nhận. Nhưng người Nga cũng bị các nhà lãnh đạo của họ coi là một đám đông thiếu suy nghĩ, những người phải mù quáng đi theo lãnh tụ của mình. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với các cáo buộc hành chính hoặc hình sự và sự tẩy chay của xã hội. Những người lính Nga – một nhóm không chỉ gồm những quân nhân nhiệt thành, mà còn gồm hàng chục nghìn lính nghĩa vụ rất trẻ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc – đã trở thành bia đỡ đạn, bị đưa vào chỗ chết mà không hề được chuẩn bị. Những ý tưởng vô nghĩa của Putin đang phải trả giá bằng mạng sống của các thanh thiếu niên Nga.

Trong một số bài phát biểu trong những tuần gần đây, Putin đã tuyên bố công khai về “bọn phản bội quốc gia” và về “đạo quân thứ năm” được cho là đã phá hoại sự thống nhất quốc gia. Để loại bỏ tận gốc những kẻ xấu này, ông kêu gọi một sự “tự thanh lọc xã hội.” Người Nga đã nhanh chóng chú ý đến lời kêu gọi ấy: sau bài phát biểu, đã có một làn sóng tố cáo, với việc học sinh lên án giáo viên của họ – và ngược lại – cũng như việc đồng nghiệp tố cáo lẫn nhau. Tổng thống Nga cũng khuyến khích những hành động man rợ chống lại những người chỉ trích ông. Alexei Venediktov, biên tập viên của Echo of Moscow (Tiếng vọng Moscow), đài phát thanh độc lập đã bị chính phủ của Putin đóng cửa ngay sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, đã phải nhìn thấy cảnh một cái đầu lợn treo bên ngoài cửa nhà mình, cùng với những hình vẽ bậy bài Do Thái. Trên một chuyến tàu rời Moscow, một người đàn ông đã tấn công Dmitry Muratov, tổng biên tập tờ Novaya Gazeta đồng thời là người nhận giải Nobel Hòa bình năm ngoái, bằng cách ném sơn đỏ trộn lẫn với acetone độc hại lên người ông.

Putin đã chia rẽ đất nước. Cả nhóm phản đối lẫn nhóm ủng hộ nhà lãnh đạo Nga đều trở nên cực đoan hơn. Tất nhiên, hầu hết những người phản đối chiến tranh là những người chỉ trích Putin và những người trẻ tuổi. Một số binh sĩ đã từ chối chiến đấu ở Ukraine, và một số gia đình có thân nhân là lính thiệt mạng đã nổi giận với Putin. Nhiều người trẻ đã dũng cảm xuống đường để phản đối chiến tranh, bất chấp việc đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ ngay lập tức, cùng viễn cảnh mất việc làm hoặc bị đuổi khỏi trường đại học. Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn người Nga đã tập hợp lại xung quanh Putin, ngay cả khi, theo thông tin từ một cuộc thăm dò độc lập được tiến hành vào năm ngoái, hầu hết người Nga đều sợ chiến tranh và không tin điều đó có thể thực sự xảy ra. Ngày nay, công chúng, hoặc ít nhất là đông đảo dân thường Nga, có vẻ là đang có tâm trạng ủng hộ cuộc chiến.

Tất nhiên, rất khó để đo lường ý kiến trong một hệ thống chỉ có một nhà lãnh đạo, và nơi trên thực tế đã không còn bất kỳ phương tiện truyền thông tự do nào nữa. Nhưng rõ ràng là người Nga cảm thấy bị bao vây, và thường thì, họ cũng cảm thấy chán nản như chính Putin. Hãy xem xét dữ liệu từ cuộc thăm dò gần đây nhất của Trung tâm Levada độc lập. Trái ngược với những gì các nhà phê bình khẳng định, những người được hỏi đã không từ chối trả lời câu hỏi nhiều hơn so với các cuộc khảo sát trước đây, và bản thân nghiên cứu này đã được tiến hành, như thường lệ, bằng các cuộc phỏng vấn trực tiếp thay vì phỏng vấn qua điện thoại. Kết quả rất rõ ràng: 81% người được hỏi cho biết họ ủng hộ “chiến dịch đặc biệt”, với 53% “chắc chắn” ủng hộ, và 28% “khá” ủng hộ. Cũng cần lưu ý một con số khác: liên quan đến chiến dịch đặc biệt, đa số nhỏ – 51% – những người được hỏi nói rằng họ cảm thấy “tự hào về nước Nga.” Những người không thấy tự hào – nhiều trong số này là những người trẻ tuổi – mô tả cảm xúc của mình là “lo lắng, sợ hãi, kinh hoàng,” hoặc đơn giản hơn, là “sốc”.

Đồng thời, cũng theo Levada, mức độ ủng hộ Putin, đã vọt lên 83% vào tháng 3, tăng 12% so với cùng kỳ tháng trước. Sự gia tăng mức độ ủng hộ của công chúng là tương tự như những gì xảy ra sau sự kiện sáp nhập Crimea vào năm 2014; nhưng hồi đó, bầu không khí hòa dịu hơn, và những người phản đối hành động của Putin không phải đối mặt với sự sỉ nhục từ các đồng nghiệp. (Tuy nhiên, trong một bài phát biểu vào thời điểm đó, Putin cũng gán cho bất kỳ ai dám chống lại các chính sách của mình tên gọi “kẻ phản bội quốc gia”). Hơn nữa, trái ngược với các hành động của Nga ở Ukraine hiện nay, việc sáp nhập đã được thực hiện mà không có đổ máu, và nhiều người coi việc “thống nhất” Crimea với Nga, như cách gọi của Điện Kremlin, là nhằm khôi phục và nâng cao sự vĩ đại của nước Nga.

Ngày nay, phản ứng chủ yếu của những người Nga bình thường đối với cuộc chiến là sự hung hăng. Nó được củng cố bởi những gì dường như là một nỗ lực trong tiềm thức để ngăn chặn bất kỳ tin xấu nào, và theo đó cũng ngăn chặn bất kỳ ý nghĩ nào rằng đất nước có thể đã sai. Nỗi sợ hãi nhà chức trách không chỉ ngăn cản người dân phản đối một cuộc chiến tranh man rợ; nó cũng khiến họ không thể thừa nhận với bản thân mình rằng nước Nga của Putin đã phạm phải một tội lỗi khủng khiếp. Thật đáng sợ khi đứng về phía cái ác. Thật đáng sợ khi phải nhìn những bức ảnh và đoạn phim tàn bạo xuất phát từ Ukraine – được truyền đi bằng một mạng riêng để vượt qua mạng Internet bị kiểm soát của Điện Kremlin – cũng như khi khám phá ra sự thật nguy hiểm đến mức nào. Và vì thế, đối với nhiều người, sẽ dễ dàng hơn nếu lựa chọn thấm nhuần nội dung tuyên truyền chính thức và tin rằng mình đứng về phía cái thiện: người Ukraine sẽ tấn công chúng tôi; chúng tôi chỉ đang tấn công phòng ngừa; chúng tôi đang giải phóng một dân tộc huynh đệ khỏi chế độ Quốc xã do phương Tây hậu thuẫn; tất cả các báo cáo về những hành động tàn bạo mà quân đội chúng tôi làm đều là giả mạo. Như một phụ nữ trong nhóm phỏng vấn của Trung tâm Levada nói, “Nếu tôi xem BBC, có lẽ tôi sẽ nghĩ khác, nhưng tôi sẽ không bao giờ xem BBC, bởi vì đối với tôi, những gì tôi đang xem là đủ rồi.”

HỘI CHỨNG MOSCOW

Putin đang bị dồn vào chân tường, nhưng cả đất nước của ông cũng vậy. Người Nga nói chung đang trải qua một phiên bản của Hội chứng Stockholm, đồng cảm với kẻ bắt giữ họ nhiều hơn là với những nạn nhân khác của hắn. Trong khi đó, các chính trị gia – những người được cho là bị ràng buộc với Điện Kremlin – đang bị chia rẽ về bước đi tiếp theo. Một số người, chẳng hạn như trưởng đoàn đàm phán của Putin, Vladimir Medinsky, và người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói rằng họ ủng hộ một thỏa thuận hòa bình. Những người khác, như nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, chủ trương “nhìn thấu đáo đến cùng” – nhưng đến cùng là như thế nào? – và coi bất kỳ cuộc thương lượng nào cũng là một hình thức phản bội. Sự đa dạng về quan điểm này cũng được phản ánh trong xã hội nói chung: đối với một số người, chiến thắng có nghĩa là một thỏa thuận hòa bình mang lại cho Nga một vùng lãnh thổ mới đáng kể; đối với những người khác, chiến thắng đòi hỏi phải dốc hết sức lực và chinh phục toàn bộ Ukraine, tất nhiên, nó có nghĩa là một cuộc chiến vĩnh viễn.

Những người ủng hộ Putin, say sưa với những gì họ coi là lòng yêu nước, đã tấn công bất cứ ai dám chỉ trích cuộc chiến, và tuyên bố không thể hiểu tại sao một số người lại phản đối chiến tranh: 32% số người được hỏi trong một cuộc thăm dò khác của Levada cho biết họ tin rằng những người biểu tình đã được trả tiền để làm vậy. Bởi còn cách nào khác để giải thích việc hàng nghìn người xuống đường phản đối ‘giải phóng Ukraine khỏi tay phát xít’? Bất chấp việc họ không thể giải thích hàng ngàn người này đã được ai trả tiền, và trả bằng cách nào, để họ chấp nhận mạo hiểm tự do và sinh kế mà phản đối cuộc thảm sát. Nhưng những khẳng định phi logic như vậy không phải điều gì mới: trong thời gian gần đây, một bộ phận trong nhóm chủ đạo cứng rắn của Nga thường sử dụng lập luận này để nói về những người biểu tình chính trị.

Đối với người Nga, thuật ngữ “chủ nghĩa phát xít” từ lâu đã trở thành một cái nhãn tiện lợi cho hầu hết mọi điều xấu xa. Thời Xô-viết, người ta thường nói rằng “những kẻ phát xít” và “những kẻ phục thù” đã “ngóc đầu dậy” ở nhiều nơi trên thế giới, từ Mỹ đến Đức. Đôi khi, một thuật ngữ thậm chí còn khắc nghiệt hơn, “Quốc xã,” đã được sử dụng. Không hề có ý châm biếm, tuyên truyền của Liên Xô đã lần đầu sử dụng thuật ngữ này để miêu tả Israel: sau Chiến tranh Sáu ngày vào năm 1967, khi Liên Xô cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, người Israel đã bị gọi là bọn Quốc xã. Đối với Putin, bóng ma Đức Quốc xã đã cung cấp một cách tuyên truyền cho cả nước, để khẳng định rằng Ukraine không có quyền tồn tại. Putin cần lịch sử của Thế chiến II để chính danh hóa chế độ của mình, nhưng người Nga vẫn chưa nhận ra rằng, khi làm như vậy, ông ta cũng đã phá hủy nền tảng của nhà nước hậu Xô-viết. Mọi thứ đều được xây dựng dựa trên việc đè bẹp chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, cách người Nga gọi Thế chiến II. Tuy nhiên, trong con mắt của người Ukraine – và phần lớn phần còn lại của thế giới – chính người Nga mới là người đang hành xử như những kẻ phát xít. Người Nga khó có thể sử dụng kinh nghiệm chống lại Hitler của đất nước họ để biện minh cho chủ nghĩa quân phiệt tàn bạo của chính họ. Ngược lại, họ đang trở thành người Đức sau Thế chiến II. Đây là những gì Putin đã làm: Nga không còn ở bên chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại; họ không còn ở lề phải của lịch sử nữa.

Phần lớn dân số Nga không nhận ra điều này. Và tất nhiên, năm nay, trong lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng (ngày 09/05) – một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Nga, kỷ niệm sự kết thúc của Thế chiến II – Putin chắc chắn sẽ đánh đồng chiến thắng của Liên Xô năm 1945 với chiến thắng của chính ông trước sức mạnh của lý trí. Đến ngày 09/05 này, Putin sẽ phải tìm ra từ ngữ để mô tả các thông số cụ thể của chiến thắng mới ở Ukraine. Và chúng phải đủ thuyết phục để làm cho chiến thắng trở nên giống với năm 1945. Nhưng nhiều người Nga dường như đã xem những gì Nga đang làm bây giờ tương đương với việc đánh bại Hitler: chữ Z, biểu tượng của chiến dịch đặc biệt, thường được mô tả bằng hình ảnh Ruy băng Thánh George, biểu tượng của chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết mọi người đều cảm thấy bị mắc kẹt: phương Tây trở nên thù địch với họ hơn bao giờ hết, nhưng ở Nga lại chẳng còn gì cho họ. Họ ủng hộ Putin với tư cách là chỉ huy tối cao của đội quân hùng mạnh của đất nước, nhưng trong thâm tâm, họ bắt đầu hiểu rằng tổng thống đã đưa họ đến nơi không thể trốn thoát. Đối với người Nga, đó là một cảm giác đã có từ rất lâu. Năm 1863, nhà tư tưởng cách mạng lỗi lạc Alexander Herzen đã chỉ ra căng thẳng này: “Vị thế của người Nga đang trở nên khó khăn không dứt ra được,” ông viết khi đang ở Ý. “Người Nga cảm thấy ngày càng xa lạ hơn ở phương Tây, trong khi lòng căm thù của họ đối với những gì đang xảy ra ở quê nhà ngày càng sâu sắc hơn.” Khi ấy, cũng như lúc này đây, sự thù hận là bí mật chứ không được công khai. Và người Nga không thể thừa nhận điều đó với chính họ.

TRỐN CHẠY THỰC TẾ

Nhiều người Nga có lương tâm, có ý thức về bản thân, và có nghề nghiệp – và phương tiện để làm như vậy – đang tỏ ý phản đối và rời khỏi đất nước. Rất khó để thu thập con số chính xác, và trong phần lớn các trường hợp, những người ra nước ngoài nói rằng đó chỉ là tạm thời: họ đang ngồi ngoài cuộc chiến và chờ đợi sự thay đổi xuất hiện ở Nga, nhưng họ không có ý định bắt đầu cuộc sống mới vĩnh viễn ở một quốc gia khác. Thứ thúc đẩy họ không phải là nỗi sợ bị đàn áp, mà là việc thiếu niềm tin vào triển vọng của Nga và ghê tởm với những gì mà chế độ đã trở thành. Kết quả là, Nga đang bị chảy máu tầng lớp chuyên gia, những người từ lâu đã là trụ cột cho khát vọng về một nền kinh tế hiện đại, đa dạng hóa. Nếu điều này trở thành một xu hướng dài hạn, thì cuộc di cư về cơ bản sẽ gây hại cho nguồn nhân lực của đất nước. Và những người dân bị bỏ lại phía sau có thể thậm chí còn ít cởi mở hơn với các giá trị và tư tưởng tự do của phương Tây.

Đối mặt với thảm họa kinh tế đang rình rập, nhà nước Nga dường như đang hướng nỗ lực của mình vào những người Nga có thể ủng hộ chế độ, với điều kiện họ được cung cấp đầy đủ tiền bạc và các phần thưởng cơ bản khác để làm điều đó. Đây là những khối quần chúng mà lòng trung thành của họ phải được mua bằng trợ cấp xã hội và tiền lương trong các khu vực phụ thuộc vào nhà nước, những người phải liên tục được nghe những tuyên truyền ổn định để có thể giữ trật tự. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng ngày càng tăng của các lệnh trừng phạt, dự án này đã trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều và các nguồn lực để hỗ trợ nhóm này có thể bắt đầu cạn kiệt. Điều này sẽ đặc biệt đúng nếu Nga mất khả năng bán dầu mỏ và khí đốt.

Theo thời gian, những tác động tích tụ của chiến tranh có thể làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với Putin. Trong lúc chiến dịch quân sự và bộ máy tuyên truyền khổng lồ đi cùng với nó tiếp tục hoạt động hết công suất, sự gắn kết xã hội sẽ bắt đầu tan vỡ, và các lực lượng vốn có truyền thống duy trì nền kinh tế sẽ không còn hoạt động. Nhưng hiện tại, người Nga có vẻ hài lòng khi đẩy sự bất mãn của họ cho kẻ thù. Đối với câu hỏi, Ai là người đáng bị đổ lỗi?, họ trả lời: Mỹ và Châu Âu.

Putin đã đi vào ngõ cụt, và kết quả là Ukraine, cùng với phần còn lại của thế giới, đang phải gánh chịu hậu quả. Tuy nhiên, về lâu dài, đó cũng là một thảm họa đối với người dân Nga. Đất nước đã đóng góp rất nhiều cho nền văn hóa thế giới – nơi đã sản sinh ra rất nhiều tiểu thuyết gia và nhà tư tưởng vĩ đại, cũng như ba người đoạt giải Nobel Hòa bình – giờ đây sẽ gắn liền với Vladimir Putin suốt một thời gian dài. Phương Tây phải hiểu rằng, dù là điều hiểu nhiên, nhưng chế độ của Putin và nước Nga không phải là một. Và hiểu được này là cực kỳ quan trọng để xây dựng một nước Nga thời hậu Putin. Nếu không, nước này sẽ tiếp tục bị coi là một vùng đất thù địch, bị thế giới xa lánh. Tuy nhiên, sau cùng, người Nga sẽ tự chứng minh bằng hành động của mình rằng đất nước của họ còn nhiều điều lớn lao hơn Putin và những gì ông ta mang lại.

Andrei Kolesnikov là nghiên cứu viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.

Nga-Ukraine: Alexander Dugin, thầy của Putin nói gì về tư tưởng Đại Nga?

Tác giả: Nguyễn Đức Đại Vượng (Tác giả hiện sống tại Hà Nội, VN)

“Hãy cứ để cho chiến tranh xảy ra, bởi vì kết quả cuộc chiến mới quyết định ai là kẻ thống trị”, Alexander Dugin, lý thuyết gia của ông Putin với tư tưởng Đại Nga.

Trong lịch sử nhân loại thì mọi đế chế, để thành hình, đều luôn phải được dẫn dắt bởi khát vọng bao trùm lên các vùng đất mà nó muốn chinh phục.

Lúc loài người đang còn mông muội, thì khát vọng đó thường là ý chí của cá nhân, ví dụ như dã tâm của một vị quân vương hay hoàng đế nào đó trong việc mở rộng lãnh thổ. Ở thời hiện đại thì ước muốn này lại được nâng đỡ bằng một hệ tư tưởng, nơi tổ hợp của các lập luận xuyên ngành và phức tạp.

Dạng lý thuyết này đóng vai trò như kim chỉ nam cho mục đích cuối cùng là ước vọng hình thành đế chế. Thiếu vắng nó, các hành động để cụ thể hoá việc trở thành đế chế sẽ có thể đi sai hướng, rời rạc, nặng tính tự phát và khó thành công.

Alexander Dugin, cha đẻ của lý thuyết Á-Âu (Eurasianism), tác giả của quyển sách “Eurasian Mission: An introdution to Neo-Eurasianism” (Sứ mệnh của chủ nghĩa Tân Âu-Á, 2014), với trọng tâm là Đại Nga, có thể nói là đã vạch ra một hệ tư tưởng vô cùng nguy hiểm đối với hoà bình của thế giới và cho chính nước Nga của ông ta.

Sa đoạ trong lý thuyết này, nước Nga chắc chắn sẽ trở thành phát xít mới.

Alexander Dugin không lên kế hoạch chiến tranh cụ thể, không ra các mệnh lệnh trút bom đạn vào các dân tộc khác, nhưng ông ta định hình suy nghĩ một cách có hệ thống về Đại Nga cho những người Nga đang cầm quyền.

Theo truyền thông phương Tây thì ông Putin xem lý thuyết của Dugin là cẩm nang gối đầu, tức ông này là lý thuyết gia/chiến lược gia của người đứng đầu nhà nước Nga.

Lý thuyết của Dugin vừa đứng độc lập, vừa là sự trộn lẫn giữa 3 luồng tư tưởng lớn mà nhân loại đã chứng kiến trong các thế kỷ 19, 20 và 21 là Tự do, Cộng sản và Phát xít.

Theo lập luận của ông này thì chủ nghĩa Tự do chất chứa trong mình nó đầy rẫy những mâu thuẫn nội tại nên đã suy yếu, và hai chủ nghĩa còn lại là Cộng sản và Phát xít thì nhân loại đã đi qua.

Vì vậy chỉ còn lại luồng tư tưởng thứ 4 của ông ta là Eurasianism, và nó sẽ trở thành hình mẫu cho các cường quốc khác trên thế giới đi theo.

Dugin cho rằng nước Nga là tâm điểm của vòng tròn Slav, trải từ châu Âu sang châu Á. Và rằng, mọi dân tộc Slav khác phải nằm trong vòng tròn này là tất yếu, chịu lực hút từ tâm điểm là Nga.

Và vì sự vĩ đại đó, nước Nga của ông ta không thể chỉ là những cường quốc như Pháp, Đức, Anh, Ý ở châu Âu, bất chấp việc các cường quốc này đã từng là những đế chế rộng lớn trong lịch sử, mà Nga phải là nơi tập hợp các tộc chủng Slav với không gian sống mênh mông, hoặc chí ít ra cũng phải đạt tầm vóc của Trung Quốc và Ấn Độ khi xét về quy mô.

Hiển nhiên rằng, một dã tâm khủng khiếp như vậy thì phải kéo theo các hành động tương xứng để cụ thể hoá nó.

Và như vậy thì các cuộc chiến tranh của Nga trong 2 thập kỷ gần đây tại Chechnya, Gruzia, Crimea, Donbass và giờ đây là Ukraine cũng đã nhận được lời giải đáp tương đối rõ về nguyên nhân sâu xa nhất của nó.

BỎ QUA LỊCH SỬ, CHỈ CHỌN ĐOẠN MÌNH THÍCH

Lý thuyết của Dugin lờ đi tất cả những gì mà lịch sử Nga đã trải qua để có thể du nhập được văn minh phương Tây, điều hoàn toàn nằm ngoài thế giới Slav, mà góp phần quan trọng làm nên một nước Nga kỳ vĩ về mặt lãnh thổ như ngày hôm nay.

Ông ta đã cố tình quên đi việc dưới thời Pierre Đại đế và nữ hoàng Catherine, thì cả thế kỷ người Nga đi học văn minh Tây Âu để thoát khỏi cảnh quý tộc uống rượu bằng bát, để mà sau khi học xong thì xây nên cung điện Peterhof được mệnh danh Versailles thứ 2 của thế giới, để hình thành ra hải quân…

Hình ảnh minh hoạ là như vậy. Không có 100 năm đi học văn minh ngoài thế giới Slav đó, làm sao có Đại Nga để ông ta đang tự hào mà vạch ra Eurasianism hôm nay. Nếu chỉ có duy nhất văn minh Slav, không tiếp thu được văn minh của Anh, Pháp, Phổ, Hà Lan… thì nước Nga của ông ta ngày hôm nay đang ở đâu khi các cơ hội để mở rộng lãnh thổ bằng cách tranh hùng với các đế chế như Ottoman, Thuỵ Điển, Ba Lan… đã trôi đi.

Nhưng, điều quan nhất mà ông ta đã bỏ quên trong lý thuyết Á-Âu của mình là kinh tế – yếu tố sẽ quyết định cuối cùng việc thành hay bại của tư tưởng Đại Nga mà ông ta theo đuổi. Với một nền tảng kinh tế yếu ớt như vậy, Đại Nga sẽ chỉ là ảo vọng và gây đau khổ cho chính nước Nga qua các cuộc chiến tranh với các dân tộc Slav khác để hiện thực tham vọng.

Kinh tế sẽ quyết định mọi thiết chế thượng tầng nằm phía phía trên của nó, kể cả các tham vọng chính trị về lãnh thổ.

Xây dựng một lý thuyết để chỉ đường cho tham vọng lớn như vậy, nhưng cha đẻ của nó lại đóng băng, và/hoặc vứt bỏ các yếu tố quan trọng bậc nhất trong quá trình phân tích, không sụp đổ thì mới là chuyện kỳ lạ.

Để dự đoán về số phận của lý thuyết Dugin, chúng ta thử xem qua một ví dụ dễ hiểu là lịch sử vệ quốc của Việt Nam: Đại Hán, dân số gấp cả chục lần Đại Nga, văn minh Trung Hoa rực rỡ hơn nhiều lần so với văn minh Slav ngay từ thuở xa xưa, vậy mà đô hộ Việt Nam cả 1.000 năm cũng không đồng hoá nổi. Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… và nhiều vị anh hùng dân tộc khác, tất cả đều đưa Đại Hán về đúng điểm xuất phát như trước khi đến Việt Nam.

“Nước Nga vĩ đại”, nhưng với Dugin và với những gì đã và đang diễn ra trong thực tế theo chỉ dẫn từ Eurasianism, làm người đọc buộc phải nhìn nhận lại câu này theo nghĩa: “Đó chỉ là sự vĩ đại nằm đơn thuần ở diện tích đất đai rộng lớn mà thôi”

Bài đã đăng trên trang cá nhân của tác giả và thể hiện quan điểm riêng của người viết.

Nguồn: BBC Tiếng Việt (14/03/2022)