‘Sơn thủy hữu tình’ ở Na Hang

TUYÊN QUANG – Khi tia nắng cuối ngày khuất dần qua những ngọn núi đá vôi, mặt hồ Na Hang nơi xanh thẳm, nơi lóng lánh vàng.

Na Hang là khu du lịch nằm ở hai huyện Na Hang và Lâm Bình, Tuyên Quang. Nơi đây cách TP Tuyên Quang khoảng hơn 100 km, đường đi dễ. Là hợp lưu của sông Lô và sông Gâm, Na Hang có 8.000 ha mặt nước, xung quanh là núi đá vôi đồ sộ, rừng nguyên sinh xanh thẳm. Vì vậy nơi đây còn được mệnh danh là “Hạ Long giữa đại ngàn”

Ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ của Na Hang, nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải (thường gọi HaiLeCao) có chuyến thăm lại vùng đất này trong đầu tháng 4. Anh dành hai ngày để khám phá và thực hiện bộ ảnh cảnh sắc Na Hang.

Nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, sáng sớm cảnh sắc Na Hang luôn ngập trong sương mù, đặc biệt mùa đông từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Vì vậy nhiều du khách tới đây phải trầm trồ như lạc vào “bồng lai tiên cảnh”.

Những tia nắng đầu ngày xuất hiện, mặt nước phản chiếu núi non hùng vĩ. Du khách lúc này có thể bắt đầu hành trình từ bến thuyền Na Hang khám phá hồ, ngắm các đảo đá như núi Pắc Tạ hay núi đá Cọc Vài.

Mặt trời càng lên cao, nước chuyển dần sang màu xanh ngọc bích. “Dọc từ bến Lâm Bình suôi về xã Thuý Loa, có một cảm giãn thư thái rất yên bình, xung quanh bốn bể là núi non trùng điệp ôm ấp đôi bờ. Thuyền lướt đi trên mặt nước xanh biếc, phẳng lặng như gương, thật là sơn thủy hữu tình”, anh Hải mô tả.

Ở đây du khách cũng được gặp những người địa phương mưu sinh trên non nước Na Hang. Họ đánh bắt cá tôm, vận chuyển hành khách trên hồ. Lúc này du khách dường như được thoát khỏi mọi bộn bề, bon chen nơi phố thị.

Nhìn từ trên cao, Na Hang càng có nét tương đồng với vịnh Hạ Long. Mùa đẹp nhất để đến Na Hang là vào tháng 5 đến tháng 9 hàng năm vì tiết trời mát mẻ, nước dâng cao và luôn trong xanh. Những du khách yêu thích vẻ đẹp huyền ảo nên đến đây vào tháng 11 đến tháng 1 hàng năm.

Trên những hòn đảo nhỏ xanh tốt cây trái là nơi người dân dựng nhà, phía xa làm bè bắt cá tôm.

Buổi chiều khi mặt trời dần khuất sau những rặng núi, ánh nắng còn sót lại tạo nên những mảng màu xanh, vàng cam trên mặt hồ. “Đây chính là thiên đường cho nhiều nhiếp ảnh gia phong cảnh sáng tác. Vì diện tích lòng hồ rộng, cộng thêm núi non trùng điệp nhưng không quá cao để đón mặt trời mọc và lặn với những thời khắc ánh sáng vàng cho nhiếp ảnh”, tác giả chia sẻ.

Cuối chiều, những con đường dẫn du khách ra khỏi Na Hang sẽ băng qua những cánh đồng lúa xanh mởn, nếp nhà yên bình.

Phía xa, sương mù dần phủ kín những mái nhà hòa cùng khói lam chiều. Không chỉ bằng mắt, du khách còn trải nghiệm vẻ đẹp qua mọi giác quan, khi cái se lạnh phủ trên làn da, mùi thơm của những gian bếp sộc ấm khoang mũi.

Lan Hương / Ảnh: HaiLeCao

4 bí quyết giúp cải thiện trí nhớ, duy trì tư duy thông minh bất chấp tuổi tác

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao bản thân lại nhanh quên đến vậy? Khi tuổi tác ngày càng cao thì lãng quên tạm thời càng xảy ra thường xuyên hơn.

Tiến sĩ Grant Shields trong lúc đang giảng dạy tại hội thảo cho 24 sinh viên đã gặp một tình huống đáng buồn. Ông ấy đã quên mất tên trợ giảng của mình.

“Tôi cảm thấy xấu hổ! Tôi dường như còn nghe thấy tiếng cười của các bạn sinh viên khi mình nói sai tên. Ước gì trí nhớ của tôi vẫn tốt như xưa”, tiến sĩ Grant Shields chia sẻ.

Các chuyên gia về trí nhớ con người cho biết, những khoảnh khắc lãng quên tạm thời ngày càng xảy ra nhiều hơn. Đột nhiên, bạn có thể cảm thấy khó khăn để nhớ lại những điều đơn giản như tên của bạn bè, đồng nghiệp mà một thời gian không gặp hay những sự việc xảy ra trong quá khứ.

Bỏ túi 4 bí quyết giúp cải thiện trí nhớ, duy trì tư duy thông minh bất chấp tuổi tác - Ảnh 1.

Sara C. Mednick, một nhà khoa học thần kinh, giáo sư khoa học nhận thức tại Đại học California, Irvine, cho biết: “Bộ não của con người giống như máy tính với rất nhiều chương trình chạy đồng thời. Điều này làm giảm hiệu suất xử lý thông tin của não bộ”.

Tiến sĩ Grant Shields sau khi nghiên cứu đã khẳng định, những người thường xuyên gặp phải căng thẳng trong cuộc sống sẽ bị suy giảm trí nhớ nhiều hơn. Căng thẳng ảnh hưởng đến khả năng tập trung và giấc ngủ, đồng thời giảm hiệu quả của não bộ.

Tình huống sẽ xấu hơn nếu như sự căng thẳng kéo dài. Điều này làm tổn thương não bộ, gây ra nhiều vấn đề hơn cả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.

Đại dịch cũng có thể là nguyên nhân khiến trí nhớ con người giảm sút. Làm thế nào mà mỗi ngày, chúng ta đều có thể tiếp nhận một lượng thông tin quá lớn với những sự kiện hoàn toàn khác nhau.

Michelle Triant, 39 tuổi, đổ lỗi cho 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid khi không thể nhớ nổi tên bộ phận cơ thể mình. Đứa con gái 4 tuổi đã hỏi cô rằng, làm thế nào mà em bé có thể ở trong bụng mẹ?

Triant cảm thấy đây là thời điểm để giải thích cho con gái hiểu nhưng không thể nhớ được từ cần nói ở đây là “tử cung”. Trong khoảnh khắc đó, cô ấy không nhớ được chính xác tên gọi của nó là gì.

Bỏ túi 4 bí quyết giúp cải thiện trí nhớ, duy trì tư duy thông minh bất chấp tuổi tác - Ảnh 2.

Trí nhớ giảm dần theo tuổi tác nhưng không có một nghiên cứu chính xác khẳng định đến độ tuổi nào nó sẽ suy giảm. Mỗi người sẽ có sự già đi về mặt nhận thức với tốc độ khác nhau.

Tiến sĩ Reagh cho biết rằng, một số nghiên cứu chỉ ra khả năng tốt nhất để ghi nhớ là ở độ tuổi 20 và sau đó sẽ giảm dần. Tuy nhiên, những nghiên cứu khác cho rằng trí nhớ sẽ giảm mạnh nhất vào khoảng 60 tuổi.

Dưới đây là 4 lời khuyên của chuyên gia giúp bạn cải thiện trí nhớ:

1. Đừng gây sức ép cho bộ nhớ

Buộc bản thân nhớ lại đôi khi gây nhiều tác hại cho não bộ.

Jennifer Kilkus, một nhà tâm lý học sức khỏe lâm sàng và trợ lý giáo sư tâm thần học tại Trường Y Yale cho biết: Nếu như ép buộc bản thân quá mức, điều bạn nhận lại chỉ là sự thất vọng. Hãy sống chậm, hít thở sâu và thử lại sau khi đã bình tĩnh.

2. Đừng nhớ nhiều thứ một lúc

Sẽ rất khó khăn nếu như phải ghi nhớ mọi thứ rõ ràng khi bạn đang làm 2 việc cùng một lúc. Đôi khi hãy thử cất điện thoại đi để có không gian thoải mái và tránh quá tải thông tin. Hãy thử làm mọi việc từng chút một và tập trung nhất có thể.

3. Giúp bộ não bình tĩnh trở lại

Não bộ chính là chìa khóa để lưu giữ bất cứ điều gì bạn cần. Việc khiến cho não bộ thả lỏng và cân bằng giúp cho việc mã hóa và tìm kiếm thông tin diễn ra nhanh hơn.

Tác giả cuốn sách “The Power of the Downstate” – tiến sĩ Mednick đưa ra một vài hành động bạn nên làm. Theo đó, tập thiền, tập yoga hàng ngày hoặc chỉ đơn giản là hít thở sâu ít nhất 10 phút mỗi ngày cũng có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho não bộ.

Đi bộ cũng là một trong những hoạt động giúp cải thiện hiệu suất ghi nhớ. Bên cạnh đó, nói chuyện với người thân, bạn bè hay người yêu cũng là cách giảm căng thẳng rất tốt.

Điều đặc biệt khi não bộ trong trạng thái cạn kiệt năng lượng, giấc ngủ sẽ là cách tốt nhất giúp bạn phục hồi. Tiến sĩ Mednick khẳng định rằng, giấc ngủ sẽ giúp loại bỏ những độc tố trong não bộ làm nghẽn quá trình xử lý thông tin, khiến cho tinh thần trở nên thoải mái hơn.

Bỏ túi 4 bí quyết giúp cải thiện trí nhớ, duy trì tư duy thông minh bất chấp tuổi tác - Ảnh 3.
4. Tập trung khi mọi người nói chuyện

Hãy chú ý nhiều hơn khi người khác nói chuyện với bạn.

Jeanine Turner, giáo sư nghệ thuật giao tiếp tại Đại học Georgetown, cho biết làm như vậy sẽ giúp bạn nhớ rõ hơn những gì muốn nói trong cuộc trò chuyện. Với cách này, não bộ sẽ không bị phân tâm và nhớ được những gì quan trọng trong cuộc trò chuyện đó.

Vì vậy, hãy đặt điện thoại xuống ngay bây giờ và tắt tivi khi cần. Những điều này thực sự là nguyên nhân khiến bạn phân tâm và đang “tự đầu độc” chính não bộ của mình.

Nguồn: Wsj /Theo Như Quỳnh / Phụ nữ Việt Nam

Nhà văn Trần Đĩnh, người kể chuyện chính sự “động trời”, vừa qua đời

Nhà văn Trần Đĩnh

Giới văn chương không chịu sự kiểm soát của nhà nước đã công khai bày tỏ sự thương tiếc khi nghe tin nhà văn Trần Đĩnh từ trần ngày 12 Tháng Năm 2022 tại nhà riêng ở Sài Gòn, hưởng thọ 93 tuổi. Trên các trang cá nhân, nhiều người đã viết những dòng kính trọng bày tỏ đối với một nhà báo, nhà văn suốt đời lận đận vì sự thật. Không thấy có dòng nào đưa tin về sự ra đi của ông trên báo chí nhà nước.

Tác phẩm gây sốc dư luận của nhà văn Trần Đĩnh là bộ sách Đèn Cù. Trong một lần trò chuyện tại Sài Gòn, ông cho biết đã ôm ấp ý tưởng viết bộ ký lịch sử này, và thực hiện trong hơn 10 năm. Năm 1991, ông tạo những phác thảo đầu tiên và đến năm 2014, khi dàn khoan HD981 của Trung Cộng xuất hiện ở vùng biển chủ quyền kinh tế thuộc Việt Nam, ông quyết định gửi sách qua Mỹ (nhà xuất bản Người Việt Books). Tức thì cuốn sách gây rúng động với những câu chuyện kể đời làm báo của ông, và những điều mắt thấy tai nghe liên quan đến nhiều nhân vật quan trọng của Đảng Lao Động và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giải thích việc gửi ra nước ngoài in sách, ông Trần Đĩnh nói”: “Tôi muốn nói rõ một điểm: Tôi gửi in ở ngoài vì ở trong nước không ai in và phát hành cho tôi, không phải tại vì sách có nhiều bí mật. Hai lý do khác nhau”.

Cuộc đời của nhà văn Trần Đĩnh, người cầm bút hơn 70 năm, bắt đầu với công việc ký giả cho tờ Sự Thật – một tờ báo chủ đích tuyên truyền do Trường Chinh làm Tổng biên tập. Nhà văn Trần Đĩnh sinh năm 1930. Năm 16 tuổi, ông tham gia Việt Minh theo lời kêu gọi yêu nước, chống Pháp. Do làm việc trong một cơ quan báo chí cao nhất của Đảng, ông có cơ hội gặp gỡ hầu hết khuôn mặt của chế độ, từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, tới Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Đỗ Mười… và những quan hệ này – như theo ông tâm tình trên BBC – đã giúp ông sớm nhận ra khuôn mặt thật của giới lãnh đạo cộng sản.

Trần Đĩnh thuộc lớp đảng viên tiên phong gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1948. Ông là người được tin cậy để được trao nhiệm vụ chấp bút tiểu sử Hồ Chí Minh, chấp bút những tự truyện của nhiều nhân vật như Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm, Nguyễn Đức Thuận… nên những gì ông kể trong bản văn Đèn Cù là có thể tin cậy được.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam đưa vấn đề chọn lựa tư tưởng Mao để chống xét lại, tức là chống lại chủ trương sống chung hoà bình do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev đưa ra, theo Trần Đĩnh, ông đã ủng hộ lập trường của Khruschev và chống tư tưởng Mao, nên bị ghép vào tội “chống đảng”. Mặc dù không bị bắt như anh ruột ông là Trần Châu, hay như những người khác như Hoàng Minh Chính, Vũ Thư Hiên, hoặc phải sống lưu vong như Nguyễn Minh Cần…, nhưng ông bị đày đi cải tạo lao động. Sau đó ông được xét làm báo trở lại nhưng với điều kiện: Không được ký tên Trần Đĩnh, chỉ viết về nông nghiệp, và không được viết anh hùng, chiến sĩ thi đua và cấp ủy cao. Cuối cùng là không được ở gần thanh niên, bởi sẽ gây tiêm nhiễm tư tưởng phản động cho thế hệ trẻ. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 Trần Đĩnh bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bộ sách 600 trang của ông Trần Đĩnh đã tiết lộ nhiều chuyện “động trời”, trong đó, một trong những chuyện được nhiều người Việt trong và ngoài nước đọc qua, đã bàn tán không ngớt là chuyện Hồ Chí Minh và Trường Chinh cải trang đến tham dự buổi đấu tố cụ bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long): “Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt.” (trang 84).

Đã có lần trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi là những điều ông kể có chứng cứ không, ông Trần Đĩnh đã bật cười nói “Nó là cuộc đời tôi, diễn ra chung quanh tôi. Rất nhiều người cùng thời với tôi chứng kiến nay đã chết, họ đã mang những chứng cứ đó xuồng mồ, nên tôi phải viết lại”. Câu trả lời thú vị nhất của ông là khi được hỏi ông viết cuốn hồi ký với nhiều chi tiết gây sốc với mục đích gì, ông nói: “Đèn Cù là tiếng kêu đau của tôi”. Ông mô tả rằng người ta làm và sống với những điều tự nhiên, như đau thì phải kêu, và thấy sự thật, phải kể lại. “Đến lúc tôi phải viết xuống vì không thể để ai bịa đặt hay muốn nói như thế nào cũng được”, nhà văn Trần Đĩnh nói.

Lúc sinh thời, trong thời gian sống và làm việc tự do ở Sài Gòn, nhà văn Trần Đĩnh còn là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học, như Linh Sơn của Cao Hành Kiện, Ngầm của Murakami Haruki. Sau khi Đèn Cù trở thành một cú chấn động trong đời sống của người đọc sách, người quan tâm chính trị, báo chí nước ngoài có gọi điện thăm hỏi rằng ông có bị khó dễ gì vì bộ sách này hay không, ông trả lời “Tôi đã đến tuổi không còn thấy điều gì làm khó được mình”.

Tuấn Khanh / Saigon Nhỏ

Tình báo Anh: Nga đang rút quân khỏi Ukraine sau ‘những thất bại nặng nề’

Tình báo Bộ Quốc phòng Anh Quốc hôm thứ Năm (12/5) tuyên bố rằng Nga hiện đang rút một số binh sĩ khỏi Ukraine sau khi hứng chịu “những thất bại nặng nề” trong những ngày gần đây.

Trong một bản cập nhật trên Twitter, Tình báo Bộ Quốc phòng Anh Quốc cho rằng: “Lực lượng vũ trang Ukraine đang tiếp tục phản công tại Kharkiv, [thành phố miền bắc của Ukraine], giành lại quyền kiểm soát nhiều thị trấn và làng mạc giáp biên giới Nga”.

“Mặc dù Nga thành công trong việc bao vây Kharkiv ở những giai đoạn đầu của cuộc chiến, nhưng nước này hiện được cho là đã đang rút một số đơn vị quân đội khỏi khu vực để tái tổ chức và bổ sung thêm quân sau khi hứng chịu những thất bại nặng nề”, Tình báo Bộ Quốc phòng Anh Quốc cho biết.

Cơ quan mật vụ của Anh Quốc nhấn mạnh thêm rằng: “Việc rút quân của Nga khỏi vùng Kharkiv là sự thừa nhận ngầm về việc Nga không có khả năng kiểm soát những thành phố quan trọng của Ukraine, những nơi người Nga đã từng dự đoán sẽ ít chịu phản kháng từ Ukraine”.

Tình báo Bộ Quốc phòng Anh Quốc cũng nói những binh sĩ Nga rút lui khỏi Kharkiv “có lẽ” sẽ được chuyển tới khu vực Sông Siverskyi Donets để thiết lập vùng phong tỏa nhằm “bảo vệ lực lượng chính của Nga ở sườn phía tây nước này và bảo vệ các tuyến đường hậu cần chính cho các hoạt động tại vùng lân cận Izyum”.

Các quan chức quân đội Nga chưa đưa ra bình luận công khai sau tuyên bố nêu trên của tình báo Anh Quốc.

Như Ngọc / Trí thức VN

Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO sẽ đưa đến sự thay đổi lớn về an ninh ở châu Âu

Nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương , đó có thể được xem là sự mở rộng NATO nhanh nhất từ trước đến nay và là một yếu tố quan trọng sẽ vẽ lại bản đồ an ninh châu Âu. Hôm thứ Năm (12/5), các nhà lãnh đạo Phần Lan tuyên bố, họ tin rằng Phần Lan nên gia nhập tổ chức quân sự lớn nhất thế giới vì cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Thụy Điển có thể sẽ sớm theo sau.

Embed from Getty Images

Nếu hai quốc gia này nộp đơn tham gia NATO, động thái này sẽ có ảnh hưởng to lớn đến an ninh Bắc Âu và xuyên Đại Tây Dương.

Không có gì nghi ngờ, việc này chắc chắn sẽ khiến Nga, nước láng giềng lớn của họ, tức giận. Nga vốn đổ lỗi cuộc chiến ở Ukraine ít nhất một phần là do NATO tiếp tục mở rộng đến gần biên giới của họ. Không rõ Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể trả đũa như thế nào nếu hai quốc này tham gia NATO. Hôm 12/5, Điện Kremlin chỉ trích, việc gia nhập này chắc chắn sẽ không cải thiện an ninh châu Âu.

Sau đây là cái nhìn tổng quan về ảnh hưởng an ninh của việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh NATO gồm 30 quốc gia. Các đối tác Bắc Âu này dự kiến sẽ công bố ý định tham gia NATO trong vài ngày tới.

Không trung lập như Thụy Sĩ, Phần Lan và Thụy Điển theo truyền thống tự cho mình là “không liên kết” về mặt quân sự.

Tuy nhiên, việc Nga xâm lược Ukraine và mong muốn rõ ràng của Tổng thống Putin trong việc thiết lập một “vùng ảnh hưởng” lấy Moscow làm trung tâm đã làm lung lay quan niệm an ninh cốt lõi của họ. Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Putin ra lệnh tấn công Ukraine vào ngày 24/2, dư luận công chúng ở hai quốc gia đã thay đổi đáng kể. 

Trong nhiều năm, tỷ lệ ủng hộ việc trở thành thành viên NATO ở Phần Lan chỉ dao động trong khoảng 20% đến 30%. Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ này đã vượt hơn 70%. Mặc dù Phần Lan và Thụy Điển đều là đối tác thân thiết nhất của NATO, nhưng cả hai vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga như một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của họ, đặc biệt là Phần Lan.

Giờ đây, cả hai quốc gia đều hy vọng nhận được sự hỗ trợ an ninh từ các quốc gia thuộc NATO, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong trường hợp bị Moscow trả đũa. Hôm 11/5, Anh đã cam kết sẽ hỗ trợ họ.

Việc cả hai trở thành thành viên NATO sẽ cho phép họ chính thức hóa công tác  quốc phòng và an ninh chung cùng với các quốc gia láng giềng trong khu vực vốn là thành viên NATO như Đan Mạch, Na Uy, và Iceland theo những cách mà Hiệp ước Hợp tác Quốc phòng Bắc Âu (NORDEFCO) của họ không có.

NORDEFCO, như đã biết, chỉ tập trung vào việc hợp tác, còn hoạt động trong NATO có nghĩa là đặt các lực lượng vũ trang dưới quyền chỉ huy chung.

Việc gia nhập NATO của hai quốc gia này sẽ thắt chặt vòng kiềm tỏa chiến lược của Bắc Âu đối với Biển Baltic, đây là điểm tiếp cận hàng hải của Nga với thành phố St. Petersburg và vùng đất tách biệt Kaliningrad.

Hơn nữa, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự phương Tây sẽ giúp việc lập kế hoạch quân sự tổng hợp của NATO trở nên đơn giản hơn, đồng thời giúp khu vực Bắc Âu  dễ dàng phòng thủ hơn.

Phần Lan và Thụy Điển hiện là các đối tác thân thiết nhất của NATO. Họ đóng góp vào các hoạt động và kiểm soát trên không của liên minh.

Quan trọng nhất, cả hai quốc gia này đều đáp ứng các tiêu chí thành viên của NATO, về nền dân chủ đang vận hành, quan hệ láng giềng tốt đẹp, biên giới rõ ràng và các lực lượng vũ trang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh NATO. Sau cuộc xâm lược của Nga, cả hai đã chính thức tăng cường trao đổi thông tin với NATO, đồng thời tham gia mọi cuộc họp về vấn đề chiến tranh.

Ngoài ra, cả hai đều đang hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình và đầu tư vào các thiết bị quân sự mới. Phần Lan đang mua hàng chục máy bay chiến đấu tối tân F-35 của Hoa Kỳ, trong khi Thụy Điển có những máy bay chiến đấu chất lượng hàng đầu, Gripen.

Phần Lan cho biết, họ đã đạt được mức hướng dẫn chi tiêu quốc phòng của NATO là 2% tổng sản phẩm quốc nội. Thụy Điển cũng đang tăng cường ngân sách quân sự và dự đoán sẽ đạt được mục tiêu này trước năm 2028. Năm ngoái, mức chi tiêu quân sự trung bình của NATO ước tính là 1,6%.

Tổng thống Putin đã yêu cầu NATO ngừng mở rộng về phía đông. Trong bài phát biểu hôm 9/5, tổng thống Nga đã đổ lỗi cho phương Tây về cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, dư luận công chúng ở Phần Lan và Thụy Điển cho rằng, chính Tổng thống Putin đã đẩy quốc gia của họ về phía NATO.

Nếu Phần Lan gia nhập NATO, họ sẽ khiến chiều dài biên giới của liên minh với Nga tăng thêm gấp đôi, do đó Moscow sẽ phải tăng cường phòng thủ thêm 830 dặm nữa.

Tổng thống Putin đã cảnh báo sẽ đáp trả về “quân sự, kỹ thuật” nếu Phần Lan gia nhập NATO. Tuy nhiên các sĩ quan quân đội phương Tây cho biết, nhiều binh sĩ ở vùng phía tây của Nga gần Phần Lan đã được điều đến Ukraine tham gia cuộc chiến, và những đơn vị này đã chịu thương vong nặng nề. 

Cho đến nay, Moscow chưa có hành động rõ ràng nào để ngăn cản Phần Lan và Thụy Điển gia này gia nhập NATO, ngoại trừ một vài sự cố khi các máy bay Nga xâm nhập không phận của họ. Hôm 12/5, Điện Kremlin cảnh báo, phản ứng của họ có thể phụ vào việc NATO di chuyển cơ sở hạ tầng hướng đến biên giới Nga gần như thế nào.

Một số thành viên NATO lo lắng rằng Moscow có thể triển khai vũ khí hạt nhân và nhiều tên lửa bội siêu thanh hơn đến vùng đất tách biệt Kaliningrad bên kia Biển Baltic nằm giữa Ba Lan và Litva.

Gia Huy (Theo AP) / Trí thức VN