Ban công giật cấp đưa ánh sáng tràn vào nhà ống

TP HCM – Để khắc phục nhược điểm tối và bí của nhà ống, kiến trúc sư chọn giải pháp giật cấp các tầng lùi vào trong, khiến cả ba tầng đều tràn ngập ánh sáng.

Căn nhà nằm ở quận 2, có diện tích 90 m2, với ba thế hệ sinh sống. Công trình có không gian phía trước thoáng đãng nhưng nhược điểm là mặt tiền chỉ rộng 4,5 m.

Với diện tích đất như này, hầu hết các gia chủ sẽ xây hết diện tích để tối đa không gian sử dụng nhưng công trình sẽ trở thành nhà ống điển hình: dài, hẹp và thiếu sáng.

Các kiến trúc sư đã bàn với gia chủ, lựa chọn giải pháp các tầng giật cấp. Tầng trệt xây hết diện tích, tầng một và hai giật lùi vào trong khiến khu vực hứng nắng ngày càng rộng, dẫn ánh sáng vào sâu bên trong cho không gian các tầng phía dưới. Giải pháp này còn giúp các phòng phía trước mở rộng góc nhìn, căn nhà trở nên thanh thoát, không bị ngộp.

Tầng trên cùng giật lùi tạo ra khoảng không gian rộng rãi, thoáng mát, làm nơi giải trí, nghỉ ngơi cho tầng phía dưới.

Để người phụ nữ cao tuổi nhất trong nhà thuận tiện sinh hoạt, không phải leo trèo cầu thang, kiến trúc sư đã bố trí phòng ngủ của bà ngay tầng trệt.

Khu vực thờ cúng cũng không đưa lên vị trí cao nhất trong nhà mà bố trí sát phòng ngủ của bà, vẫn đảm bảo sự trang nghiêm và ấm cúng.

Biết bà thường thư giãn và sinh hoạt ở không gian bếp, kiến trúc sư ưu tiên vị trí khu vực này ở trung tâm ngôi nhà.

Nhưng chỉ riêng giải pháp ban công giật cấp là chưa đủ. Để trong lòng nhà sáng hơn, một giếng trời lớn thông suốt cả ba tầng, đưa ánh sáng xuống tận mặt bếp để khu vực này luôn khô ráo.

Giếng trời này cũng giúp các tầng phía trên được kết nối với nhau, nhờ đó các thành viên trong gia đình có thể nhìn thấy, giao tiếp dễ dàng.

Vì cậu con trai nhỏ thích leo trèo nên cầu thang được làm một vế để giải phóng không gian và tầm nhìn. Hành lang dài mở ra ô giếng trời trở thành chỗ vui chơi, chạy nhảy.

Lam gỗ được lắp ở phòng ngủ tầng 1, vừa đảm bảo thoáng mát cũng như sự riêng tư.

Thời gian thi công và hoàn thiện công trình là 8 tháng, tổng chi phí 2,8 tỷ đồng.

Vy Trang /Thiết kế: Story Architecture / Ảnh: Bùi Minh Quốc / Vietnam Express

Từ potemkin đến putin: một huyền thoại lâu đời đã tiết lộ những gì về cuộc xâm lược của nga ở ukraine

Ngày xửa ngày xưa, có một nữ hoàng đầy quyền lực, thường được gọi là Catherine Đại Đế, trị vì một đế quốc rộng lớn, và qua bao nhiêu năm tháng, đã chinh phục được thêm nhiều bờ cõi mới.

Catherine bổ nhiệm người tình của mình trông coi một trong những cõi miền đã xâm chiếm đó—nơi ngày nay mang tên là Ukraine. Thời gian trôi qua, chàng tường trình cho nàng biết là người dân ở xứ ấy sống trong sung túc và hạnh phúc. Song le, theo một truyền thuyết được kể từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, đó chỉ là một điều dối trá.

Trong câu chuyện đó, Catherine quyết định thực hiện một chuyến vi hành trên thuyền, xuôi theo dòng sông Dnieper để nàng được chứng kiến cuộc sống vui tươi, thịnh vượng của thần dân. Grigory, người tình của nàng, sợ rằng chuyện lừa dối của mình sẽ bị vạch trần, đồng thời chàng cũng muốn làm nàng vui lòng. Vì thế, theo câu chuyện, chàng ra lệnh cho thuộc hạ dựng lên những ngôi làng giả dọc theo bờ sông, sơn phết các mặt tiền mới tinh tươm.

Theo lời kể lại, mỗi lần Catherine đi ngang qua hết một ngôi làng, người ta lại hạ nhà cửa giả xuống, chất đầy xe tải, nhanh chóng chở về phía hạ lưu, rồi lại dựng lên, sẵn sàng để được duyệt qua lần nữa. Theo câu chuyện thì Catherine hết sức hài lòng với những thành tựu của người tình, Grigory Potemkin, nên nàng phong chức cho chàng làm Hoàng Tử xứ Taurus (tức Crimea ngày nay). Cho đến tận bây giờ, khắp nơi trên thế giới, người ta vẫn nhắc đến những nguồn tin hay mặt trận giả tạo dùng tên của chàng để gọi đó là những “ngôi làng Potemkin”.

clip_image002

Grigory Potemkin và Catherine Đại Đế

Hơn cả trăm năm nay, tên gọi đó đã trở thành cách lăng mạ đối với hầu như bất cứ chuyện gì bị cáo buộc là giả mạo như chương trình năng lượng xanh của Trung Quốc, những nỗ lực kiểm soát vũ khí của cựu Tổng thống Obama hay việc ứng phó coronavirus của cựu Tổng thống Trump.

Gần đây hơn, khi lực lượng phòng thủ Ukraine cầm cự với cuộc xâm lăng quân sự của Nga, nhiều học giả chế giễu rằng Vladimir Putin đã bị chính “đạo quân Potemkin” của mình lường gạt, trong đó những nhà lãnh đạo đã báo cáo tình hình chiến sự một cách sai lạc. Khi Putin tìm cách chống đỡ cho nền kinh tế Nga trước các trừng phạt của quốc tế, nhiều quan chức Hoa Kỳ đã nói đến “thị trường Potemkin” của Mạc Tư Khoa. Và Khi Nga ngỏ lời muốn chấm dứt chiến tranh để đổi lấy sự kiểm soát miền nam Ukraine, các nhà bình luận đã cười nhạo khái niệm “hoà bình Potemkin”.

Nhưng lịch sử và chính trị là một mớ bòng bong của âm mưu và dối trá, nhất là ở Nga, bởi vậy mới có việc sửa đổi câu chuyện như sau:

Không có làng mạc giả mạo nào cả. Potemkin không hề dàn dựng gì để lừa gạt Catherine Đệ Nhị. Thật ra, các nhà nghiên cứu cho rằng những thành tựu của ông ta ở Ukraine là có thật, còn những gì được lan truyền rộng rãi từ trước tới nay chỉ là sản phẩm của tưởng tượng—một sự bôi nhọ của những kẻ chống Nga vào thời đó, đã hằn sâu mãi mãi vào niềm tin và lời ăn tiếng nói của mọi người.

“Chính khái niệm ‘ngôi làng Potemkin’ đã là một ngôi làng Potemkin,” Simon Sebag Montefiore, tác giả cuốn “Catherine Đại Đế và Potemkin: Tình Yêu Quyền Lực & Đế Quốc Nga”, đã nói như thế. “Hoàn toàn giả tạo, một sự phỉ báng không chứa một mảy may sự thật nào.”

Truyền thuyết đó có thể là giả tạo, nhưng Sebag Montefiore và nhiều nhà sử học khác tin rằng cuộc chinh phạt Crimea và huyền thoại về Potemkin vẫn là trọng tâm của cuộc chiến ở Ukraine ngày nay. Nói một cách đơn giản, họ biện luận, hàng ngàn người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải bỏ nhà cửa ra đi trong một cuộc chiến tranh dựa vào sự thêu dệt lịch sử của Putin.

Marvin Kalb, giáo sư hưu trí tại Harvard và là cựu phóng viên viết cuốn “Trò Chơi Đế Quốc” sau cuộc xâm lăng của Nga vào Crimea năm 2014, đã gợi ý rằng cuộc tranh chấp đẫm máu đó là sản phẩm của sự thông tin thất thiệt, chẳng khác nào sự dối trá đã ám ảnh cuộc viễn chinh của Catherine trong suốt 235 năm. “Truyền thuyết đó có liên quan đến hiện tại ở chỗ là Putin đang tạo ra một ngôi làng Potemkin qua cách ông ta miêu tả cuộc chiến tranh này,” Kalb bình phẩm. “Và sự lừa dối là ngoài sức tưởng tượng.”

Chuyến vi hành thật qua ngôi làng của Potemkin

Việc Potemkin đưa Catherine đi một vòng qua các thành phố được trang hoàng rực rỡ để chào đón các vị khách hoàng gia là điều không ai chối cãi.

Nhưng lịch sử khẳng định một cách đồng nhất và rõ ràng là những phát triển ngoạn mục của vị hoàng tử là có thật. Các bằng chứng có thể tìm thấy trong văn khố ở Nga, những cuốn nhật ký hay những bức thư mà người viết là những người tham gia cuộc viễn chinh dài 4.000 dặm đó.

Catherine, người tạo ra hình ảnh của một vương quyền tỉnh thức, thư từ thường nhật với thần dân và những người kế thừa bằng văn phong gợi nhớ đến tác phẩm “Kiêu Hãnh và Định Kiến” (ND: tác giả Jane Austen).

Chẳng có gì là bất công khi nêu lên câu hỏi là làm thế nào mà người đàn bà này, một công chúa người Đức, lại trở thành một nữ đại đế Nga. Câu trả lời: một đám cưới. Catherine kết hôn với Peter Đệ Tam, người được lịch sử vẽ ra như một vị hoàng đế tai ương, không biết gì về lãnh đạo, cũng như là một kẻ không có chút tình yêu gì với người phối ngẫu.

Vì thế, vào năm 1762, Catherine âm mưu với một số người trong hoàng gia và tướng tá trong quân đội để dàn dựng một cuộc đảo chánh. Mất cảnh giác, Peter đành thoái vị và bị giết sau đó không lâu.

Potemkin, một trong những kẻ tiếp tay cho Catherine, trở thành tình nhân của bà, rồi nhanh chóng leo lên chức nguyên soái và được phong chức phó vương trị vì một nửa lãnh thổ của đế quốc Nga.

Vào thời điểm các thực dân Hoa Kỳ đang tranh đấu giành độc lập từ nước Anh, Potemkin dẫn đầu nước Nga đi chinh phạt các vùng thảo nguyên và bán đảo Crimea, đánh bại các vua chúa của đế quốc Ottoman và các sắc tộc Tatar. Ông đã thành công trong việc thúc ép Catherine sát nhập lãnh thổ mà ngày nay là miền nam Ukraine, viết cho bà như sau: “Nàng hãy tin ta đi, chiếm được vùng đất này, nàng sẽ hưởng vinh hoa muôn đời mà không có vương quyền nào ở Nga từng có được”.

Được Catherine hậu thuẫn, Potemkin mau chóng phát triển vùng đất mà ông đặt tên là Novorossiya (Nước Nga Mới). Người Hy Lạp, Tư-lạp-phu, Ba Lan, Do Thái, Ý, cùng nhiều giống dân khác, được du nhập để cày xới, trồng trọt, đóng tàu bè hay dựng thành luỹ. Một số thành phố lần lượt mọc lên, bao gồm Mariupol, Dnipro và Odessa—hiện thời là những nơi tiêu biểu cho cuộc xâm lăng quân sự của Nga, cũng là nơi các tội ác chiến tranh đang bị cáo buộc.

Cho đến năm 1787, Potemkin đã sẵn sàng giới thiệu thuộc địa mới của nước Nga đến vị nữ đại đế. Còn Catherine cũng chào đón cơ hội này để khảo sát vùng đất mới chinh phục, đồng thời phô trương quyền lực của chính mình.

clip_image004

Bản đồ Nước Nga Mới trong đế quốc Nga – 1897
Catherine Đại Đế Thăm Vùng Crime

Thoạt tiên, nữ đại đế và đoàn tuỳ tùng đi đường bộ trong băng tuyết giá lạnh từ St. Petersburg đến Kyiv.

Trong cuốn “Catherine Đại Đế: Tình Yêu, Dục Tính Và Quyền Lực”, nhà viết tiểu sử Virginia Rounding miêu tả một đoàn 14 chiếc xe to lớn và 124 xe tuyết kéo. Riêng xe của nữ hoàng có 30 con chiến mã kéo, có phòng ngủ, phòng làm việc và phòng đọc sách.

Khi đoàn xe đi ngang qua các thành phố, người dân đổ xô ra mục kích. Trong những đợt dừng lại để nghỉ qua đêm, Catherine truyền làm yến tiệc linh đình, có cả khiêu vũ và trình diễn pháo hoa.

Ba tuần sau, đoàn xe đến Kyiv để Potemkin nhập với đoàn lữ hành. Catherine hội họp triều đình và mở thêm tiệc tùng trong hai tháng ròng.

Khi băng đã tan trên dòng sông Dnieper và mực nước dâng cao, theo lời Rounding kể lại, đoàn người lũ lượt bước xuống “7 chiếc tàu mạ vàng chen màu đỏ thắm”, chiếc nào cũng có riêng một dàn nhạc. Đoàn tàu được một chiếc thuyền hộ tống dùng làm nơi ăn uống, cùng 30 chiếc thuyền khác và 3.000 quân lính. Có cả một “con sâu đang trườn đi”, dài 77 mét—một chiếc thuyền thực nghiệm với 120 tay chèo.

“Thành phố, làng mạc, nhà dân, có khi cả những túp lều mộc mạc, thảy đều được trang hoàng đầy hoa, sơn phết đủ màu, cùng những chiếc cổng chào mừng chiến thắng, mọi thứ đều rực rỡ đến nỗi người ta không tin vào đôi mắt của chính mình,” Louis Philippe, công tước vùng Segur, một trong các vị khách trong những ngày ấy, đã viết như thế.

Đại bác được bắn mừng mỗi lần tiểu hạm đội này ghé đến một thành phố, nhưng, theo như một vị khách khác cùng chuyến ghi lại, chẳng cần phải thông báo gì trước cả: “Dọc theo hai bờ sông, đám đông những người hiếu kỳ càng lúc càng kéo đến nhiều thêm, từ bốn phương tám hướng khắp cả đế quốc Nga, để được tận mắt thấy đoàn lữ hành đang đi đến đâu.”

Cuốn sách lịch sử của Rounding cũng có viết: “Tất cả làng mạc, nhà cửa mà họ đi qua đều được trang trí đầy hoa và cổng chào chiến thắng (có lẽ điều này làm nảy sinh ra truyền thuyết là Potemkin đã dựng lên những ngôi làng giả.)”

clip_image006

Catherine Đại Đế và vương thuyền trên dòng Volga

Theo nhiều nguồn ghi lại, Catherine—trong chuyến đi đó đã 60 tuổi—vẫn thường sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh, nhưng trong đám nhân tình trẻ tuổi của bà, Potemkin là người được nữ đại đế đặc biệt sủng ái, và cũng là nhân vật quan trọng nhất đối với việc cầm quyền của bà. Sebag Montefiore miêu tả đôi nhân tình như “một cặp nam nữ làm chính trị thành công nhất trong lịch sử thế giới”. Những bức thư tình của họ, ông viết thêm, đã cho thấy một chuyện tình đầy nhục cảm lẫn “những bài học về quyền lực”.

Cuộc hành trình kết thúc tại Vịnh Sevastopol ở Hắc Hải, nơi Potemkin phô trương hạm đội Hải Quân Nga mới toanh của mình và viết tên nữ đại đế bằng pháo hoa trên nền trời.

Tên gọi “Potemkin” đã trở thành tuyên truyền như thế nào

Nhưng không phải người Nga nào cũng yêu thích điều này cả.

Theo Sebag Montefiore, các địch thủ trong triều đình Nga ở St. Petersburg—”kể cả Paul, người con uất ức, nửa điên nửa tỉnh, bị hất hủi của Catherine”—đã thêu dệt nên truyền thuyết về các ngôi làng để hãm hại Potemkin.

Chiến dịch bôi nhọ của họ lại được sự tiếp tay của những kẻ thù (gồm nước Anh và nước Phổ) muốn chống lại sự bành trướng của Nga về phía tây, đưa câu chuyện làng Potemkin ra khắp thế giới.

Trong tác phẩm về tiểu sử của Catherine, nhà sử học Robert K. Massie viết rằng chuyến đi đó vẫn còn được một số người coi như “cuộc hành trình ngoạn mục nhất của một nữ hoàng đang cầm quyền—đồng thời cũng là thắng lợi to lớn nhất của Potemkin đối với công chúng.” Vì lẽ đó, ông nhận định, Potemkin đã trở thành “người đàn ông quyền lực nhất nước Nga.”

Massie ghi nhận rằng những ai nghi ngờ hay chế giễu cuộc hành trình đó đều không có mặt trong chuyến đi. Hơn nữa, không những riêng Catherine mà “vài người ngoại quốc có cặp mắt tinh tường và khôn ngoan”, gồm có hoàng đế nước Áo, một vị hoàng tử và đại sứ nước Pháp, đều công nhận các thành tựu của Potemkin.

Massie kết luận, “Trong hơn một thế kỷ qua, chưa có ai đưa ra được bằng chứng nào là ba người này nói và viết những điều không có thật về cuộc hành trình đó.”

Tuy vậy, ngày nay cái tên Potemkin, nếu được công nhận là thế, đã trở thành đồng nghĩa với hai chữ tuyên truyền. Và điều này đưa chúng ta trở lại với Putin.

Phiên bản của Putin về lịch sử

Tổng thống Nga đã dùng lịch sử để biện minh cho cuộc chiến tranh.

Ông ta khăng khăng cho rằng ít nhất miền nam Ukraine cũng là “Novorossiya”—lãnh thổ do Potemkin chiếm được và Catherine Đệ Nhị sát nhập với nước Nga, và như thế đúng là phần đất này thuộc về đế quốc của ông ta ngày nay.

Các nhà nghiên cứu có thể bác bỏ lý lẽ của Putin, ngay cả khi họ cũng đồng ý rằng quá khứ giúp chúng ta nhận thức rõ ràng về những gì đang xảy ra cho các thành phố và người dân ở Ukraine.

Andryi Zayarnyuk, giáo sư ngành di sản văn hoá xã hội Đông Âu tại Đại Học Winnipeg, nói rằng loạt bài công kích của Putin đã gây kinh ngạc ở chỗ chúng trộn lẫn những sai lầm về thực tế với cách diễn giải về chính trị. Chẳng hạn như những luận điệu rằng Ukraine lúc nào cũng có chung ngôn ngữ và văn hoá với Nga đã bị sự thật vạch trần là những người Hy Lạp, La Mã và Mông Cổ đã cai quản Crimea trước khi Potemkin đặt chân đến đó.

Sebag Montefiore cho rằng Catherine và Potemkin vô cùng kiêu hãnh về cuộc chinh phục của họ, nhưng chắc sẽ không đồng ý với Putin rằng cây cỏ ở Crimean vốn là của Nga.

“Chắc họ sẽ căm ghét chủ nghĩa quốc gia cực đoan của ông ta,” tác giả này bày tỏ. “Tất cả những điều này cho thấy lịch sử có thể là một thứ vũ khí nguy hiểm.”

Từ Catherine đến Stalin đến Putin

Sebag Montefiore nói rằng huyền thoại giả trá về Potemkin vẫn còn đó vì nó gói ghém một nhược điểm của những người cầm quyền ở nước Nga.

“Ai cũng nói dối với họ,” ông bảo. “Sự so sánh hay nhất là việc Stalin từ chối nguồn tin tình báo rằng vào đầu năm 1941, Hitler chuẩn bị xâm lược Nga; cũng vậy, Putin chỉ chấp nhận những tin tình báo nào về Ukraine thích hợp với những định kiến và ảo tưởng của ông ta.”

Vào đầu tháng này (4/2022), trong một bài viết có nhan đề “Sự Kiêu Ngạo Và Đơn Độc Đã Đưa Putin Đến Chỗ Đánh Giá Sai Lầm về Ukraine”, tờ Washington Post tường trình về việc tình báo Mỹ cho rằng tổng thống Nga đã bị những ông nghị gật trong nội bộ của ông ta lừa dối. Kết quả là ông đã tin rằng phần lớn Ukraine sẽ buông vũ khí và đón chào đoàn quân Nga. Vả chăng, nếu có nơi nào chống cự thì quân đội thượng đẳng của mẫu quốc sẽ mau chóng dập tắt.

clip_image008

Từ đế quốc Nga đến đế quốc Liên Xô đến đế quốc Nga

Nhưng thay vào đó, Ukraine đã kháng cự mạnh mẽ, buộc Nga phải rút khỏi Kyiv. Tổng thống Volodymir Zelenskyy đã tranh thủ được sự đồng cảm và hậu thuẫn trong cuộc chiến tranh quan hệ công chúng toàn cầu.

Những thất bại ban đầu đã khiến cựu ngoại trưởng Nga, Andrei Kozyrev, gởi ra những mẩu tin trên Twitter, cho rằng những phán đoán sai lầm của Putin bắt nguồn từ những kẻ thuộc hạ bất lương vốn ràng buộc chặt chẽ với một chế độ đạo tặc.

“Điện Cẩm Linh bỏ ra 20 năm qua để hiện đại hoá quân đội của họ,” Koryzev viết. “Phần lớn ngân sách cho việc đó đã bị đánh cắp để tiêu tốn vào những chiếc du thuyền khổng lồ ở Cyprus. Nhưng nếu là một cố vấn quân sự thì không ai có thể tường trình điều đó với tổng thống. Vì vậy, thay vào đó, ai cũng báo cáo láo với ông ta. Đó chính là quân đội của Potemkin.”

Theo đa số các nguồn tin, Putin, vốn là cựu nhân viên tình báo KGB, đã thành công trong việc nhốt nước Nga trong một cái bong bóng thông tin, thay thế cho Bức Màn Sắt của một thời đã qua.

Các nguồn thông tin độc lập đã bị đóng cửa. Phần lớn mạng lưới toàn cầu bị chặn lại, không thể vào được.

Tuyên bố của Putin rằng các lực lượng Nga đang tiến hành “một chiến dịch quân sự đặc biệt” được kèm theo bằng một điều luật hình sự cấm tất cả những miêu tả nào đề cập đến bạo lực đang diễn ra ở Ukraine như là một “cuộc chiến tranh”.

Trong lúc đó, Sebag Montefiori nói, Putin đã tự đặt mình vào trong một cái hộp—không thể nào chiếm được Kyiv, nhưng cũng không thể thoái lui vì đã đầu tư quá nhiều vào đó. Theo ông ta, phương cách cuối cùng để giữ thể diện là thôn tính miền nam Ukraine—vùng thảo nguyên cằn cỗi một thời do Catherine sát nhập cách đây hơn 230 năm. Trong thời điểm đó, nếu không là thời điểm hiện tại, thông điệp của người cầm đầu nước Nga thật rõ ràng: “Nếu chàng muốn giữ được ta mãi mãi,” Catherine viết trong thư cho Potemkin, “thì chàng hãy biểu lộ hết tình bạn cũng như tình yêu, và vượt lên trên mọi thứ, chàng hãy yêu ta và nói sự thật với ta”.

Dennis Wagner  / Trần C. Trí chuyển ngữ / Da Màu

Chụp quang bức tranh tự họa ở bảo tàng Pháp, chuyên gia phát hiện bí mật giấu kỹ 160 năm

Họa sĩ táo bạo bậc nhất nước Pháp đã giấu kín một bí mật đằng sau bức tranh tự họa “Người đàn ông bị thương“.

Người đàn ông bị thương

Jean Désiré Gustave Courbet (1819 – 1877) là một họa sĩ người Pháp nổi tiếng, một nhân vật tiên phong của chủ nghĩa hiện thực. Ông sinh ra ở miền nam nước Pháp và đến Paris lập nghiệp với một quan điểm thẩm mỹ mới. Với Courbet “Hội họa cơ bản là một nghệ thuật cụ thể và hội họa phải dùng để thể hiện những vật có thật và hiện đang tồn tại”.

Cái tên của Gustave Courbet gắn liền với những tác phẩm táo báo, nổi bật nhất là bức tranh “Cội nguồn nhân gian” vẽ một người phụ nữ khỏa thân thể hiện rõ hình ảnh bộ phận sinh dục nữ đang được trưng bày tại bảo tàng Orsay, thành phố Paris nước Pháp.

 Chân dung họa sĩ Gustave Courbet.

Chân dung họa sĩ Gustave Courbet. (Hình ảnh: Wikipedia)

Cùng được trưng bày tại bảo tàng này còn có tác phẩm “The Wounded man” (tạm dịch: Người đàn ông bị thương) – một tác phẩm nổi bật của họa sĩ Courbet. Bức tranh sơn dầu có chiều dài 97,5 cm và chiều rộng 81,5 cm, là bức tranh tự họa của chính họa sĩ người Pháp.

Người đàn ông trong bức tranh mang một vẻ đẹp điển trai lãng tử đúng chuẩn châu Âu đang dựa vào gốc cây và nhắm mắt lại, như thể anh ta chỉ đang nghỉ ngơi một chút nhưng trên ngực lại đẫm máu. Bên trái là một thanh kiếm và thực tế thì anh đang ở trong một cuộc chiến khốc liệt.

 Bức tranh "Người đàn ông bị thương" của Gustave Courbet.
Bức tranh “Người đàn ông bị thương” của Gustave Courbet. (Hình ảnh: Baijiahao)

Anh bị thương nặng nên không thể di chuyển, chỉ có thể nằm yên dưới gốc cây. Hoàn cảnh bức tranh “mưa bom bão đạn” là thế nhưng người xem lại thấy bình yên đến lạ lùng, thậm chí có người còn bảo người đàn ông trong tranh trông như một thiên thần!

Bức tranh được vẽ sơn dầu một cách điêu luyện với màu sắc có phần ảm đạm u tối nhưng lại toát lên vẻ bí ẩn đến ma mị. Điều này đã kích thích trí tò mò của người xem sau này đặc biệt là các chuyên gia về hội họa.

Và rồi khi nghiên cứu bức tranh này của họa sĩ Gustave Courbet, các chuyên gia đã chụp X-quang và phát hiện ra một phiên bản khác ẩn giấu bên dưới lớp “vỏ bọc” vốn đã quá quen thuộc với du khách tại bảo tàng Orsay. Hóa ra tâm tư đằng sau của “Người đàn ông bị thương” đã bị vị họa sĩ giấu kín hơn 160 năm qua.

Bí mật của Gustave Courbet

Bức tranh “Người đàn ông bị thương” mà mọi người vẫn luôn nhìn thấy thực chất đã được vị họa sĩ người Pháp sửa đổi so với phiên bản đầu tiên. Trên thực tế, từ bức tranh phóng to sau khi chụp X-quang, chúng ta có thể thấy người đàn ông điển trai này đang ôm một cô gái xinh đẹp với nụ cười mỉm trên môi, hai người hẳn là đang đắm chìm trong tình yêu nồng nàn. 

Câu hỏi đặt ra của các chuyên gia là tại sao vị họa sĩ lại xóa bỏ đi hình ảnh người phụ nữ này?

Chi tiết người phụ nữ nằm trong lòng người đàn ông khi chụp X-quang.
Chi tiết người phụ nữ nằm trong lòng người đàn ông khi chụp X-quang. (Hình ảnh: Baijiahao)

Những ai yêu thích tranh của Gustave Courbet chắc hẳn đã nhiều lần nhìn thấy hình ảnh cô gái này xuất hiện trong những bức tranh khác của ông với dáng vẻ lả lướt yêu kiều.

Dựa trên những ghi chép về đời sống của họa sĩ người Pháp nổi tiếng này, mọi người sẽ thấy rằng ông yêu say đắm một người phụ nữ, và mối tình ngọt ngào của họ đều được họa sĩ thổi hồn vào tranh  vẽ mà nổi tiếng là bức “The happy lovers” (tạm dịch là Những người hạnh phúc trong tình yêu).

Một bức tranh khác tên là "The happy lovers" của Gustave Courbet.
Một bức tranh khác tên là “The happy lovers” của Gustave Courbet. (Hình ảnh: Baijiahao)

Vậy nên lý do khiến ông xóa bỏ đi hình ảnh người phụ nữ để rồi chỉ còn mỗi người đàn ông cô đơn đang bị thương trong bức tranh có lẽ là do sự tan vỡ của một chuyện tình ngọt ngào. Phải chăng vết thương trên ngực của người đàn ông không chỉ là do chiến tranh mà còn ẩn dụ cho vết thương lòng của vị họa sĩ?

Tất nhiên lý do này chỉ là suy đoán của các chuyên gia bởi không ai có thể chắc chắn về mối quan hệ này! Nhưng chi tiết người phụ nữ trong vòng tay người đàn ông trong bức tranh nổi tiếng của danh họa Gustave Courbet thì chắc chắn là một khám phá vô cùng thú vị đối với người xem.

Theo Pháp luật & Bạn đọc

Ukraine: Putin thử thách sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương

Sự đoàn kết ủng hộ Ukraine của phương Tây bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt khi cuộc chiến gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế các nước, đẩy lạm phát lên cao và gây thêm khó khăn cho cuộc sống người dân. Trong ảnh Thủ lĩnh phe thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa, California) diễn trình tình trạng lạm phát để bác bỏ cách giải thích đổ lỗi cho Putin của Tổng thống Joe Biden; Washington DC, ngày 18 Tháng Ba 2022 (ảnh: Tom Williams/CQ-Roll Call, Inc via Getty Images)

Sự đoàn kết vô tiền khoáng hậu giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) trong việc hỗ trợ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Vladimir Putin có nguy cơ bị rạn nứt nếu cuộc chiến tranh kéo dài, gây ra những tổn hại to lớn về kinh tế, những ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống người dân các nước lớn ở hai bờ Đại Tây Dương.

Khi thực hiện cuộc chiến xâm lược Ukraine ngày 24 Tháng Hai vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn nhắm làm suy yếu các nước phương Tây, xói mòn sức mạnh của liên minh NATO. Đến nay có thể nói mục tiêu đó của Putin đã thất bại. Hoa Kỳ và EU đã nhanh chóng đồng tâm hiệp lực giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược, bảo vệ nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc là các nước không được sử dụng bạo lực quân sự để thay đổi các đường biên giới quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, dù nhỏ hay lớn. Đánh giá sai lầm về sự đoàn kết và quyết tâm của phương Tây là một trong những thất bại cay đắng nhất của Putin.

Nhưng sau hai tháng rưỡi chiến tranh, với tổn thất nặng nề của cả hai phía và triển vọng kết thúc cuộc chiến ngày càng xa vời, quan điểm của phương Tây đang bắt đầu có dấu hiệu thay đổi và có sự cách biệt giữa Hoa Kỳ và EU.

Hoa Kỳ coi cuộc chiến Nga-Ukraine là cuộc đối đầu giữa thiện và ác, giữa chính nghĩa và xâm lược; trong đó Mỹ dốc sức hỗ trợ Ukraine không chỉ để nước này tự vệ được mà còn làm suy yếu quân đội Nga, nước Nga đến mức Moscow sẽ không còn liều lĩnh thực hiện những hành động xâm lược tương tự trong tương lai. Ý tưởng đó của Hoa Kỳ đã được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói thẳng trong chuyến thăm bất ngờ của ông tới Kyiv và tại hội nghị bộ trưởng 40 nước trong và ngoài NATO diễn ra trong một căn cứ quân sự của NATO trên đất Đức mới đây. Một biểu hiện rõ trong ý chí của Hoa Kỳ là Hạ viện – cơ quan nắm hầu bao ngân sách của nước Mỹ- đã thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine $40 tỷ, cao hơn cả mức $33 tỷ mà Tổng thống Biden đề nghị.

Ngược lại, các cường quốc châu Âu không muốn cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài hoặc có nguy cơ leo thang. EU vẫn tiếp tục viện trợ mạnh cho Ukraine, vẫn chống Nga quyết liệt nhưng không muốn dồn Nga vào đường cùng, không muốn gây ra cho Putin một sự sỉ nhục nguy hiểm. Thay vì làm suy yếu nước Nga, châu Âu tập trung nhiều hơn vào việc bảo đảm ngừng bắn ở Ukraine và rút quân Nga, ít nhất là về các vị trí trước ngày 23 Tháng Hai, tức là trước khi chiến tranh bắt đầu. EU tin rằng điều quan trọng là phải duy trì đối thoại ngoại giao với Tổng thống Nga Putin.

Trong một bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg hồi đầu tuần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói không nên để cho ý tưởng sỉ nhục đối phương cám dỗ, không nuôi ước vọng trả thù vì “ trong quá khứ, chúng tàn phá các con đường hòa bình.” “Chúng tôi không chiến tranh với Nga. Chúng tôi đang làm việc ở châu Âu để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, và vì sự trở lại hòa bình trên lục địa của chúng tôi,” ông Macron nói thêm.

Một phụ tá cao cấp của ông Macron nói với ký giả Roger Cohen của báo The New York Times rằng Pháp thất vọng với quan điểm của Mỹ là trang bị vũ khí cho Ukraine, duy trì các lệnh cấm vận Nga vô thời hạn. Quan chức ẩn danh này cho biết Pháp muốn thúc đẩy mạnh các cuộc đàm phán vì không có cách nào khác để đảm bảo an ninh Ukraine và an ninh chiến lược trên lục địa châu Âu. Ông này cũng cho rằng cuối cùng, mối quan hệ với ông Putin là khó tránh khỏi.

Trong cuộc gặp Tổng thống Biden ở Washington hôm Thứ Ba 10 Tháng Năm, Thủ tướng Ý Mario Draghi cũng nêu quan điểm tương tự. “Chúng tôi phải hỗ trợ Ukraine… Nhưng chúng ta cũng phải tìm kiếm hòa bình. Tất cả các bên phải nỗ lực để ngồi lại xung quanh một cái bàn, ngay cả Hoa Kỳ,” ông Draghi nói.

Nhìn chung, quan điểm của EU – hay đúng hơn là của các cường quốc ở xa biên giới với Ukraine như Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha – là việc bảo vệ Ukraine chống xâm lược không nên biến thành việc đánh cho tan nát nước Nga của ông Putin mà phải ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, các quan chức Hoa Kỳ dường như không nhìn thấy cơ hội ngoại giao nào ở thời điểm hiện tại. Bà Avril D. Haines, Giám đốc Tình báo quốc gia Hoa Kỳ, nói với Ủy ban Quân Vụ Thượng viện trong tuần này rằng ông Putin đang “chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và có ý định xâm chiếm các vùng lãnh thổ ngoài khu vực Donbass.” Putin rất có thể đánh giá rằng Nga có khả năng và sẵn sàng chịu đựng thách thức lớn hơn các đối thủ phương Tây. Và ông ấy có lẽ đang tin rằng quyết tâm của Hoa Kỳ và EU sẽ suy yếu khi tình trạng thiếu lương thực, lạm phát và giá năng lượng trở nên tồi tệ hơn,” bà Haines nói.

Các nhà phân tích bên ngoài chính quyền cũng nghĩ ông Putin đang tính toán rằng phương Tây sẽ mệt mỏi trước nước Nga nếu cuộc chiến kéo dài, phương Tây phải trả giá đắt cho việc hỗ trợ Ukraine với lạm phát cao, nguồn cung cấp năng lượng bị gián đoạn, ngân sách quốc gia bị thâm thủng còn dân chúng thì thất vọng và chán ngán.  

Bản thân ông Putin cũng phải chịu những áp lực như vậy do kinh tế Nga bị cấm vận ngặt nghèo, hàng hóa thiếu thốn, giá cả tăng đẩy lạm phát hiện lên tới 20% cùng những tổn thất về quân sự. Nhưng có thể ông Putin tin rằng, việc kích thích chủ nghĩa dân tộc Đại Nga lên cực độ như hiện nay, cùng với guồng máy đàn áp và việc độc quyền thông tin của nhà nước có thể giúp ông yên tâm kéo dài cuộc chiến tranh thêm nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa dù việc kéo dài chiến tranh có thể hút cạn nguồn lực của quân đội Nga, cả về nhân lực lẫn vũ khí.

Giống như trò chơi trẻ con thi đua xem ai nháy mắt trước, Nga và phương Tây đang đua nhau xem ai có đủ quyết tâm, nguồn lực và lòng kiên nhẫn để theo đuổi trò chơi chiến tranh. Với bản chất xã hội mở, đa nguyên và tự do, phương Tây có thể sẽ phải “nháy mắt” trước.

Bởi vậy, điều cần thiết là Mỹ và EU tạm gác những khác biệt về quan điểm, dồn lực để gia tăng trừng phạt kinh tế, bóp nghẹt ngân quỹ chiến tranh của Nga, kết thúc cuộc chiến tranh khi những điều kiện bảo đảm lợi ích cho Ukraine về độc lập, lãnh thổ được đáp ứng trên bàn đàm phán hoặc trên chiến trường. Để cho chiến tranh kéo dài là rơi vào chiếc bẫy mà ông Putin đã giăng ra. Ông Michael A. McFaul, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga nhận định: “Tôi lo ngại sự mệt mỏi của phương Tây. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo thế giới tự do cần phải làm nhiều hơn nữa ngay bây giờ để đẩy nhanh việc kết thúc cuộc chiến”.

Hiếu Chân / Saigon Nhỏ