Xem ‘cỗ máy giết người hàng loạt’ ở Ba Lan

Ghi chép từ Auschwitz, Ba Lan

Cổng trại tập trung Auschwitz

Những người quen ở Ba Lan nói với tôi, nếu yếu bóng vía, sợ ma, hoặc dễ xúc động thì đừng nên vào đây. Nhưng người bạn sống ở phố cổ Krakow, nơi cách Auschwitz gần một tiếng lái xe, khuyên tôi nên đi để biết thế nào là tội ác chiến tranh, trong bối cảnh nước Nga từng hãnh diện chiến thắng phát xít Đức, lại là kẻ đang gây chiến với quốc gia láng giềng Ukraine, làm chết hàng chục ngàn người vô tội.

Một góc Auschwitz

Những gì đã xảy ra tại Auschwitz…

Trại giam Auschwitz gồm ba khu trại: Auschwitz I (trại đầu tiên), Auschwitz II–Birkenau (tổ hợp trại tập trung và trại hủy diệt), Auschwitz III–Monowitz. Auschwitz I gồm 28 block nhà, là nơi tù nhân bị giam cầm, tra tấn, hoặc bị nhốt trong phòng có khí độc cho đến chết. Lượng tóc của các nạn nhân nặng lên đến bảy tấn, được đặt trong một khoang khổng lồ tại trại Auschwitz I. Các phòng khác chất đống vali, giày dép, quần áo, và cả một nhà là các vật dụng của tù nhân như chén, bát, ly…

Như các trại tập trung khác của Đức Quốc xã, trên cánh cổng vào Auschwitz I có câu khẩu hiệu Arbeit macht frei (“Lao động mang đến sự tự do”). Tù nhân bị đưa đến trại Auschwitz, được phân loại để… chết. Những người ốm đau, trong đó có cả trẻ em, được đưa vào phòng khí độc, ngay sau khi họ đặt chân đến trại Auschwitz trong vài giờ. Rất nhiều phụ nữ và trẻ em được nói là đi khử trùng hoặc khử chấy rận, nhưng ngay sau đó, họ bị nhốt trong tòa nhà có khí độc Zyklon B (Hydrogen Cyanide). Không ai sống sót.

Khách tham quan nghe giới thiệu trong một phòng trưng bày các hình ảnh của tù nhân

Tháng Tư 1940, Heinrich Himmler – Chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát SS, đồng thời cai quản cả cơ quan mật vụ Gestapo – ra lệnh thành lập Auschwitz và giao quyền giám sát trực tiếp cho Rudolf Hoss. Chỉ hai tháng sau, trại đã nhận những tù nhân đầu tiên: 728 tù chính trị Ba Lan. Tháng Mười 1941, khi Auschwitz nhận được chỉ thị phải biến nơi đó thành lò hỏa thiêu để hủy diệt hết dân Do Thái, lập tức một loạt các lò hỏa thiêu, tháp canh, và những hàng rào giây thép có mắc điện được xây dựng lên tại một nơi gần đó – Birkenau. Tháng Năm 1943, tên đồ tể mệnh danh là “bác sĩ” Josef Mengele được cử đến với “trọng trách” thực hiện hàng loạt các cuộc thử nghiệm trên cơ thể của trẻ em, những người lùn và các anh em sinh đôi. Chẳng bao lâu sau, Mengele – còn được gọi là “Thiên thần của cái chết” – trở thành kẻ nắm quyền sinh sát tất cả tù nhân ở nơi này.

Chỉ vài giờ sau khi được đưa đến trại, những người Do Thái từ Hungary (ảnh) chết ngay vì bị đưa vào lò khí độc
Giầy dép của tù nhân bị giết chết
Hành lý của tù nhân chất đầy một gian phòng, trên mỗi chiếc vali đều có tên chủ nhân

Tháng Bảy 1942, chuyến chở người Do Thái đầu tiên từ Hoà Lan đến, làm tăng vọt lên đến con số hàng ngàn người Do Thái bị bắt từ khắp các nước châu Âu – Pháp, Slovakia, Hy Lạp, Hungary… Không chỉ có người Do Thái, tù nhân ở Auschwitz còn thuộc nhiều thành phần khác nhau: Tù nhân chính trị Ba Lan, những kẻ đồng tính luyến ái, và cả bọn tội phạm hình sự. Không có bất kỳ một khe hở nào cho họ trốn thoát, nếu có chăng, là các ống khói (mà trước đây người ta cho rằng tù nhân đã thực hiện thành công những vụ đào tẩu, nhưng thật ra chuyện này chưa từng xảy ra).

Địa ngục trần gian

Hầu hết tù nhân đều bị cạo trọc đầu – kể cả nữ. Mỗi ngày tù nhân bị điểm danh hai lần và họ phải đứng cứng đờ như tượng gỗ cho đến khi nào việc này kết thúc – thông thường kéo dài đến hàng giờ. Rồi sau đó, tù nhân lếch thếch đi vòng quanh sân trại, qua những phân xưởng, hầm mỏ và công trường xây dựng. Họ kéo lê bước chân mệt mỏi – và mỉa mai làm sao – lại có một dàn nhạc cất tiếng khi họ đi ngang qua.

Chốt gác của lính Đức

Nếu giữa năm 1941, mỗi ngày có khoảng 600-700 tù nhân bị đưa vào phòng hơi ngạt, thì đến cuối năm, mỗi ngày có đến 2,000 mạng người bị giết bằng hình thức này. Lò thiêu xác hoạt động không ngưng nghỉ. Mỗi ngày, trong trại giam có bốn tiếng để điểm danh ngoài trời, bắt đầu từ 4:30 sáng. Trong lúc chờ để được điểm danh, tù nhân ngồi xổm, tay đặt lên đầu. Những người vi phạm như làm mất vật dụng, nút áo, rửa chén không sạch… sẽ bị trừng phạt bằng các hình thức đánh đập dã man. Sau khi điểm danh, đội lao động đi làm việc, mặc đồng phục sọc, không đồ lót, đi những đôi giày gỗ kích cỡ không phù hợp, và không được mang vớ. Ngày làm việc kéo dài 12 tiếng, kể cả ngày Chủ Nhật, tại các địa điểm thi công, khu khai thác sỏi, và bãi gỗ.

Block số 11, nơi những người vi phạm nhiều quy tắc bị trừng phạt dã man

Mỗi sáng, tù nhân được phát một cốc cafe; trưa – một bát soup toàn nước; và chiều –  một mẩu bánh mì. Những người được chọn để làm việc thì bị xâm một con số vào cánh tay trái, được phát đồng phục, bát và thìa. Hầu hết những người này chỉ sống được vài tuần hoặc nhiều lắm là vài tháng. Trong cộng đồng gồm toàn những người cùng cảnh ngộ, không phải luôn luôn tù nhân thương yêu nhau. Họ có thể dùng nhiều thủ đoạn để giết nhau trước khi bàn tay của SS đặt đến. Một phương cách dễ thực hiện nếu muốn ám hại kẻ khác là đánh cắp mũ của người đó – vì trong buổi điểm danh sáng, tù nhân nào không đội mũ thì xem như mạng sống của anh ta không tồn tại.

Mỗi căn phòng chật hẹp chứa từ 800-1,000 người. Tù nhân ngủ trên những chiếc giường gỗ xếp thành dãy dài, ba tầng. Theo lời kể của người hướng dẫn, người nằm tầng trên nếu bị tiêu chảy thì toàn bộ những người tầng dưới… hứng trọn. Các phòng tối nằm dưới tầng hầm, mỗi phòng chỉ có một cửa sổ rất nhỏ và một cánh cửa chắc. Tù nhân bị giam ở đây sẽ dần ngạt thở do tiêu thụ hết lượng oxygen trong phòng.

Các máy nghiền xác tù nhân

Một câu chuyện trốn thoát

Những tù nhân đầu tiên đến trại Auschwitz được cấp mã số, đóng lên miếng vải hoặc may vào quần áo tù. Nhưng nhiều tù nhân thay quần áo của họ với người đã chết, nên vào mùa Thu 1941, tù nhân được xăm hình lên ngực để nhận diện. Block 11 tại Auschwitz I là nơi những người vi phạm nhiều quy tắc bị trừng phạt. Một số tù nhân bị phạt cả đêm trong stehbunker (phòng đứng). Những xà lim này có diện tích khoảng 1.5m², chứa bốn người; họ không phải làm gì ngoài việc đứng. Các tù nhân bị kết án tử hình vì cố gắng chạy trốn và bị giam trong những phòng tối và bỏ mặc cho đến chết.

Ở tầng hầm của trại Auschwitz, còn có các cối xay thịt, dùng để nghiền tù nhân. Sau hơn nửa thế kỷ, mùi ám khí cảm giác vẫn còn thoang thoảng. Người hướng dẫn yêu cầu khách tham quan đi từng người một, yên lặng như một cách để tưởng niệm những tù nhân vô tội.

Hành lang treo đầy hình ảnh của tù nhân có đủ tên tuổi, ngày chết
Phòng treo hình ảnh những bà mẹ và con cái của họ bị chết trong phòng khí độc

Đã có rất nhiều vụ trốn thoát được tổ chức nhưng hình như không có lần nào thành công. Trong đó, cuộc đào tẩu của vợ chồng Mala Zimetbaum và Edward Galinski (Ba Lan) là vụ nổi tiếng nhất, trở thành huyền thoại được lan truyền trong đám tù nhân. Cô Zimetbaun – chỉ mới 20 tuổi (năm 1944) – là người thông thạo nhiều thứ tiếng, nên được bọn Quốc Xã dùng làm thông dịch viên. Lợi dụng sự thuận tiện của công việc, cô chuyển những thông tin, chỉ thị cho phong trào kháng Đức trong trại. Cô còn liều lĩnh tráo thẻ căn cước của những phụ nữ đã chết để thế mạng cho những phụ nữ sẽ bị vào phòng hơi ngạt.

Zimetbaun gặp và yêu một tù nhân chính trị – anh E. Galinski. Họ bàn kế hoạch đào tẩu bằng cách mua chuộc một tên SS cung cấp cho họ quân phục. Galinski còn đánh cắp được một giấy ra trại trong phòng bảo vệ. Ngày 24 Tháng Sáu 1944, Galinski – trong bộ quân phục SS – dắt một nữ tù nhân (cô Zimetbaun) bước ra cổng trại Auschwitz. Thoát!…

Nhưng chỉ hai tuần sau, bọn SS truy tìm được hai người – đang ở phía Nam Ba Lan. Án treo cổ được ấn định vào ngày 15 Tháng Chín 1944. Galinski bị xử trước. Anh vuột vòng giây treo ra khỏi cổ mình, đá tung cái ghế làm giàn giá phía dưới, và hét to: “Nước Ba Lan muôn năm!”… Riêng Zimetbaun thì được xếp đứng trước một nhóm nữ tù nhân để nghe bọn Quốc xã luận tội. Nhưng bọn cảnh vệ chưa kịp thực hiện việc treo cổ cô, Zimetbaun đã rút một con dao cạo giấu trong người và cắt mạch máu ở cổ tay, vung máu bắn tung tóe vào đám lính thi hành án.

Phòng chứa các bình khí độc

Ngày cáo chung của Auschwitz

Ngày 20 Tháng Tám 1944, hơn 120 pháo đài bay từ căn cứ không quân Mỹ ở Foggia (Ý) bay vần vũ trên bầu trời Auschwitz, oanh tạc các phân xưởng của Upper Silesia và mục tiêu chính là nhà máy I.G. Farben (còn được biết dưới cái tên quen thuộc là “Buna”). Lực lượng đồng minh vẫn e ngại không tấn công trực tiếp xuống trại Auschwitz vì sợ ảnh hưởng tính mạng của tù nhân.

Tiếng bom nổ và đà tấn công mạnh mẽ của lực lượng đồng minh đã đến tai những tù nhân trong trại. Họ lập tức bàn các phương án chống lại bọn SS đồng thời phá trại. Những ai làm việc trong các phân xưởng sản xuất vũ khí – hầu hết là nữ – tìm cách tuồn thuốc súng ra bên ngoài. Một kế hoạch được bàn thảo: Đầu tiên là tấn công vào các phòng hơi ngạt, giết đám lính bảo vệ, rồi cắt những hàng rào vây xung quanh Auschwitz và Birkenau. Nhưng trước khi hành động được thực hiện thì ngày 7 Tháng Mười 1944, bọn SS ra lệnh buộc 300 tù nhân “chuyển trại” – có nghĩa họ sẽ bị giết. Những tù nhân này quyết định chiến đấu chống lại bọn SS cho đến phút cuối. Tuy nhiên, cuộc kháng cự chỉ giết được ba tên SS và cái giá phải trả quá đắt: 451 tù nhân đã bị bắn hoặc tống vào lò hỏa thiêu.

Giá treo cổ
Xăm số tù nhân

Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, những chuyến chở tù nhân đến Auschwitz ngưng hẳn. Lò hỏa thiêu trở nên lạnh tanh. Bọn Đức Quốc Xã chuẩn bị thu dọn vết tích diệt chủng. Nhiều đội tù nhân được lệnh phải lau chùi sạch ống khói lò hỏa thiêu bị cặn khói của mỡ nạn nhân bám dày đến hơn 500 cm! Lệnh chuyển số tù nhân còn lại về Berlin được yêu cầu thi hành gấp. Ngày 18 Tháng Một 1945, từng hàng dài tù nhân (tất cả khoảng 58,000 người) được dẫn ra khỏi cổng trại, hướng về phía Tây. Đó là chuyến đi cuối cùng của họ – không phải về cõi chết nữa mà trở lại cuộc sống tự do, vì mọi người được giải thoát không lâu sau đó: 27 Tháng Một 1945.

Những bó hoa tươi được đặt trang trọng tại chỗ mà cách đây hơn nửa thế kỷ là những xác chết chất đầy

Khi Auschwitz được giải phóng, trong trại còn lại đầy tàn tích đậm nét diệt chủng: Hơn một triệu bộ quần áo, bảy tấn tóc; hàng đống giày, mắt kính, đồ nấu ăn và nhiều thứ linh tinh khác. Tất cả những thứ vừa kể được tìm thấy tại chỉ sáu kho trong tổng cộng 35 kho trữ. Những kho còn lại đã bị bọn lính Đức đốt trước khi chúng rút đi. Trong thời gian không phải quá dài – 58 tháng – tính từ ngày được thành lập cho đến khi sụp đổ, trại Auschwitz là mồ chôn của bao nhiêu nạn nhân? Theo số liệu của Liên Xô vào Tháng Năm 1945 thì có bốn triệu người chết ở đây, nhưng giới sử học phương Tây cho rằng con số chính xác hơn là từ 1.1 triệu đến 1.5 triệu nạn nhân.

________

Bài và ảnh: Đoan Trang /Saigon Nhỏ

Tình báo Mỹ nói Putin đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài tại Ukraine

Vladimir Putin
Chụp lại hình ảnh,Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu ông Putin cảm nhận có “sự đe dọa hiện hữu” đối với Nga, Tình báo Quốc gia Mỹ nhận định.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài tại Ukraine, thậm chí một chiến thắng tại miền đông không có khả năng chấm dứt cuộc xung đột, cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (NI) cảnh báo.

Lời cảnh báo được Mỹ đưa ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh ác liệt vẫn diễn ra ở miền đông Ukraine, nơi Nga đang cố gắng giành thêm quyền kiểm soát.

Moscow đã tái bố trí lại quân đội với mục tiêu chiếm lấy vùng Donbas sau khi Ukraine kháng cự thành công trước các nỗ lực của Nga nhằm chiếm lấy thủ đô Kyiv.

Nhưng mặc cho điều này, lực lượng quân đội Nga vẫn trong thế bế tắc, Tình báo Quốc gia Mỹ nhận định.

Bà Avril Haines, Giám đốc cơ quan này nói trong một phiên điều trần của Ủy ban Thượng viện Mỹ hôm thứ Ba 10/05 rằng ông Putin vẫn đang có kế hoạch “đạt được các mục tiêu ngoài Donbas”, nhưng ông ta “cũng đối mặt với sự chệch hướng giữa những tham vọng và năng lực quân sự hiện tại của Nga”.

Bà Avril Haines cho biết thêm rằng Tổng thống Nga “có lẽ” đang dựa vào khả năng rằng sự hậu thuẫn của Mỹ và EU trong vấn đề Ukraine sẽ yếu dần khi lạm phát, thiếu thực phẩm và giá cả năng lượng trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga có thể chuyển sang sử dụng “các cách thức quyết liệt hơn” khi cuộc chiến tranh tiếp diễn – mặc dù Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu ông Putin cảm nhận có “sự đe dọa hiện hữu” đối với Nga.

Scott Berrier, Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ nói trong cùng phiên điều trần là Nga và Ukraine đang hơi “ở trong tình trạng không phân định thắng thua”.

Trong các cuộc giao tranh mới nhất thì Ukraine tuyên bố đã chiếm lại 4 nơi ở Kharkiv, đông bắc Ukraine.

Cherkasy Tyshky, Ruski Tyshky, Rubizhne và Bayrak hiện đã được Ukraine chiếm lại từ tay quân đội Nga, quân đội nước này cho biết.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Ukraine đang dần đẩy lùi quân đội Nga khỏi Kharkiv, một vùng đã bị ném bom kể từ khi cuộc chiến tranh bùng phát.

Nhưng ông Zelensky nói với người dân rằng “không nên tạo nên áp lực về mặt nhuệ khí một cách thái quá khi có thể đạt được chiến thắng hằng tuần và thậm chí là hằng ngày”.

Avril Haines và Scott Berrier
Chụp lại hình ảnh,Bà Avril Haines và ông Scott Berrier trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ

Trong các diễn biến khác tại Ukraine thì tại thành phố Izyum, thi thể của 44 dân thường đã bị phát hiện dưới đống đổ nát của một tòa nhà khi cuộc giao tranh giành quyền kiểm soát khu vực vẫn đang diễn ra.

Trước đó vào tháng 3, một tòa nhà cao 5 tầng đã bị đổ sập khi cư dân trú dưới hầm tránh bom, tuy nhiên lực lượng cứu hộ chỉ mới có thể tiếp cận được tòa nhà này gần đây.

Nằm ở miền đông nam Kharkiv, Izyum được biết đến là cửa ngõ tiến vào vùng Donbas. Thành phố này được bao bọc bởi các khu rừng và sông ngòi, khiến nơi này trở thành một pháo đài tự nhiên.

Cuộc chiến cuối cùng tại thành phố Mariupol vẫn đang diễn ra tại nhà máy thép Azovstal hơi hàng trăm chiến binh Ukraine vẫn đang kháng cự bên dưới các boong-ke và địa đạo, nơi đang bị Nga vây hãm.

Việc chiếm được Mariupol là mục tiêu quân sự chính của Moscow vì điều này sẽ giúp Nga kiểm soát được một trong những cảng biển lớn nhất của Ukraine và dễ dàng chiếm được khu vực rộng lớn hơn.

Trong khi đó tại thành phố cảng Odesa thì tối hôm qua một số tòa nhà đã bị trúng tên lửa, 1 người đã bị chết và 5 người khác bị thương, theo quân đội Ukraine.

Theo BBC

Nhà ống “mở”, gió trời luồn lách mát lịm của đôi vợ chồng trẻ

Nhà ống không gian mở có diện tích 16mx5m là thành quả của cặp vợ chồng trẻ trước tuổi 30. Không gian đáp ứng nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi và trải nghiệm cuộc sống xanh của gia chủ.

Kiến trúc sư Đỗ Nguyễn Anh Quý chia sẻ, hiện nay rất nhiều bạn trẻ đã sở hữu ngôi nhà trước tuổi 30. Anh từng đọc rất nhiều bình luận thắc mắc rằng: “Làm sao để có nhà trước tuổi 30?”. Câu hỏi này được anh trả lời thông qua câu chuyện về ngôi nhà của cặp vợ chồng trẻ dưới đây.

Căn nhà ống có diện tích 16mx5m, vì còn rất trẻ nên phong cách gia chủ hướng tới là hiện đại. Điều đặc biệt ở ngôi nhà này đó là nhà ống nhưng hai vợ chồng vẫn muốn tận hưởng không gian khoáng đạt.

Mặt tiền nhà độc đáo, nổi bật hơn so với các công trình bên cạnh. 

Gia chủ yêu thiên nhiên nên muốn đặt một góc xanh trong nhà, mong muốn vừa có những phút giây giải trí, vừa được hòa mình với thiên nhiên. Kiến trúc sư Anh Quý đã tận dụng tối đa ánh sáng từ giếng trời để không gian trong ngôi nhà có thêm độ “mở”.

Ngôi nhà là ước mơ của cả 2 ngay từ khi bước vào đời lập nghiệp. Để đạt được ước mơ ấy, điều đầu tiên 2 người đặt ra một dấu mốc cụ thể: Phải có nhà trước tuổi 30. Tiếp đến từ dấu mốc ấy, họ tính toán về chi phí để sở hữu ngôi nhà đó và chia nhỏ các phần kế hoạch ra từng bước cụ thể. 

Ví dụ như để kiếm được đủ số tiền làm nhà theo mơ ước, mỗi tháng họ phải kiếm được bao nhiêu, để dành bao nhiêu…. Từ sự quyết tâm, cộng với tình yêu thương dành cho nhau, họ đã đạt được ước mơ trước thời hạn.

“Vậy nên, việc có ngôi nhà đẹp trước tuổi 30 không khó, chỉ cần chúng ta quyết tâm, chắc chắn, sẽ làm được”, kiến trúc sư Anh Quý nói. 

Sảnh tiếp đón kết hợp làm chỗ đậu xe, hai bên trồng cây xanh đáp ứng nhu cầu sống xanh của gia chủ. 

Các khu vực trong nhà có vùng đệm cây xanh cho nhà lọc bụi, trong lành. 

Phòng khách nằm ở tầng 2, sử dụng hệ cửa kính sang trọng, trần uốn cong mang đến ấn tượng sâu sắc. Khu vực này còn có ban công rộng mở đón ánh sáng và gió trời cả ngày. 

Cầu thang dẫn lên tầng 2 bằng gỗ và sắt. Theo phân chia công năng, phòng bếp và ăn, chỗ để xe dưới tầng 1, tầng 2 là phòng khách, tầng 3 làm nơi thư giãn, nghỉ ngơi. 

Do nửa diện tích tầng 1 làm bếp nên không gian nấu nướng, ăn uống khá rộng. 

Thiên đường nghỉ dưỡng nằm trên tầng thượng. 

Màu xanh phủ quanh lối đi và một góc vườn cho gia chủ góc ngồi chill, sống ảo hay tụ tập bạn bè đều thú vị. 

Phòng thay đồ, trang điểm riêng biệt.

Không gian ngủ yên tĩnh, có giếng trời mát lịm trong ngôi nhà đẹp.

Quỳnh Nga / Vietnam.Net

Mai Thảo viết về “kẻ lạ trần gian” Bùi Giáng

TRÍCH BÚT KÝ CỦA MAI THẢO

Du sỹ Tâm Nhiên đứng bên trái nhà thơ Bùi Giáng, sau một ngày lang thang qua mấy nẻo đường phố chợ ở Gò Vấp, Sài Gòn, một chiều tháng Sáu 1993

Nhiều buổi chiều Sài Gòn, tôi chẳng còn có thể nhớ đích xác vào những năm nào, đâu như năm 1962, đâu như năm 1965, tôi thường được mời tới những họp mặt ăn nhậu trên căn lầu ngăn nắp, thoáng mát của thầy Thanh Tuệ ở đường Lý Thái Tổ.

Mỗi lần họp mặt với Thanh Tuệ, hồi đó là giám đốc của nhà xuất bản An Tiêm và còn là nhà sư trẻ tươi tắn chưa cởi áo hồi tục, thường vì một cuốn sách. Một cuốn sách mới, vừa in xong chưa ráo mực. Và trước khi gởi sách vào nắng mưa đời, họp mặt An Tiêm với thân hữu là một tiệc rượu lạc thành cho sách.

Những họp mặt vì sách và do sách đó thường có tôi, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, đôi khi Nguyễn Ðình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sỹ, và đương nhiên nhân vật chủ chốt là tác giả sách là Bùi Giáng. Tôi chỉ kể tới Bùi Giáng, bởi suốt thời kỳ đó, có thể nói, thầy Thanh Tuệ vì một tấm lòng liên tài đặc biệt, chỉ mê thích thơ văn Bùi Giáng, chỉ in Bùi Giáng, dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản trưóc mọi tác giả khác.

Và giai đoạn có thể đặt tên là giai đoạn Bùi Giáng này, An Tiêm đã in đêm in ngày, in mệt nghỉ, vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu sung mãn nhất của Bùi Giáng. Cõi văn cõi thơ Bùi Giáng bấy giờ ào ạt vỡ bờ, bát ngát trường giang, mênh mông châu thổ… Bùi Giáng bấy giờ mỗi tuần viết cả ngàn trang khiến chúng tôi bàng hoàng khiếp đảm, ngôn ngữ và tư duy của Bùi Giáng hiển lộng tới không bến không bờ, vô cùng vô tận, và tài năng ông cũng vậy. Bùi Giáng chất ngất một trời chữ nghĩa, Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương.

Vậy mà mỗi lần gặp thi sĩ hồi đó, cảm tưởng bao giờ cũng giữ được là đã gặp một Bùi Giáng rất nhàn rỗi, rất rong chơi. Bước chân vào nhà Thanh Tuệ chúng tôi đã thấy Bùi Giáng ngồi trước đó, tươi cười, ung dung, trong cái phong thái của một người nhàn nhã nhất thế giới, chẳng có một dấu vết nào của một người viết đang gió táp mưa rơi trên ngàn ngàn trang sách. Có như Bùi Giáng trước sau vẫn đang chập chờn với đời như một cánh bướm, lững thững với đời như một áng mây. Có như Bùi Giáng, cái áo vải cũ, râu tóc để mặc, điếu thuốc trên tay, chén trà trước mặt, vẫn chỉ ngồi chơi thảnh thơi ngày ngày với An Tiêm như thế.

Sau này, sống với Bùi Giáng nhiều hơn, tôi cũng chỉ thấy Bùi Giáng như hồi đầu thấy ở An Tiêm. Trong một phiêu hốt, một ung dung chưa từng thấy. Có như, trọn một đời cái đầu của thi sĩ không một chút nào dành cho suy nghĩ, bàn tay thi sĩ không một phút nào dành cho cây bút. Có như trang giấy trắng, mặt bàn viết là những vật thể xa lạ chẳng bao giờ ông biết tới. Vắn tắt là Bùi Giáng chẳng làm gì hết, chẳng ai một lần nhìn thấy Bùi Giáng đang làm gì hết. Mà hoàn toàn phiêu bông, hoàn toàn rong chơi.

Vậy mà cái sức viết hồi đó đến như Bùi Giáng là tột đỉnh, là không tiền khoáng hậu. Vậy mà cái lực viết đến như Bùi Giáng và thấy Bùi Giáng là ngàn người không một, là phi phàm, là vô địch rồi. Một lần, tôi đem cái điều khó hiểu này ra hỏi một người cũng làm thơ thật nhiều, cũng làm thơ rất đều tay là Thanh Tâm Tuyền. Tác giả Liên Ðêm Mặt Trời Tìm Thấy lắc đầu cười:

Chịu không giải thích được. Chỉ biết Bùi Giáng khác. Với tôi. Với hết thảy. Là cái chỉ có một. Với tôi là từng bài thơ. Nói đến từng bài thơ Bùi Giáng, bài thơ này bài thơ kia của Bùi Giáng lại là chuyện tức cười lắm lắm. Bùi Giáng là cái hiện tượng dị thường của một suối thơ ăm ắp không ngừng. Ðọc thơ Bùi Giáng cũng phải đọc như thế. Ðứng trên đơn vị từng bài. Bùi Giáng đặt tựa cho từng bài là ngắt thơ ra, ngắt chơi ra vậy thôi. Nói đến mấy ngàn bài thơ Bùi Giáng là đúng. Mà nói thơ Bùi Giáng chỉ có một bài, vô tận vô cùng là đúng hơn. Ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ ra thơ, làm thơ. Ta cứ tạm hiểu cái trạng thái thơ kỳ lạ khác thường ở Bùi Giáng là như vậy.

Sự ngược nghịch giữa cái rong chơi một đời của Bùi Giáng với cái lực thơ, cái số thơ, cái lượng thơ khủng khiếp làm ra, tôi đem hỏi thêm nhà xuất bản hằng ngày sống cùng Bùi Giáng, rồi đến chính thi sỹ cũng không được sáng tỏ gì hơn ngoài suy diễn có tính chất phỏng đoán của Thanh Tâm Tuyền. Thầy Thanh Tuệ cũng chỉ lắc đầu cười:

Tôi cũng lấy làm kỳ. Anh lang thang suốt ngày, chẳng thấy lúc nào ngồi viết hết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn ra sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Ðêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Nói có máy, có giấy, nói buổi sáng buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm, bảy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc. Ðiều kỳ lạ là không riêng một thể loại mà thể loại trước tác nào anh cũng có ngay sách, dễ dàng và nhanh mau vô tả. Từ thơ đến văn. Từ một cuốn tiểu luận về Camus đến một cuốn tiểu luận về Nguyễn Du. Từ dịch thuật tiểu thuyết đến phê bình triết học. Tất cả như đùa như chơi vậy.

Nhà An Tiêm suốt mấy mùa sách, hầu như không thở được nữa trước cái viết tràn bờ của Bùi Giáng, điều này ai cũng biết. Rồi tôi rủ Bùi Giáng tới quán. Ðãi ông uống rượu. Vặn hỏi chính thi sỹ. Ðể cũng chỉ được Bùi Giáng cười cười thích thú trước tìm hiểu có vẻ ngớ ngẩn của tôi. Ông không chịu giải thích, chừng như ông không có gì giải thích. Sự thành hình tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái chớp mắt đã là của nó. Cười cười, ông đốt điếu thuốc, cầm lấy ly rượu: “Vui thôi mà”.

Ừ vui, ba chữ “vui thôi mà” là câu trả lời mơ hồ, nghịch ngợm duy nhất của Bùi Giáng, trước mọi tìm hiểu của lực thơ và số lượng thơ không thể tưởng tượng được ở nơi ông. Cõi thơ vô bờ của ông trăm phương nghìn ngã mênh mông và chính ông là hiện tượng thân của mênh mông nghìn ngã trăm phương ấy. Bùi Giáng nói vui thôi mà. Quả vậy, thơ ông vui cực kỳ. Con châu chấu, con chuồn chuồn. Con chuồn chuồn, con châu chấu. Rừng Marilyn. Biển Brigitte Bardot. Ngành Novak. Ðóa John Keats. Ngành Mật niệm. Ðóa U Linh. Hồng Lĩnh Hạc Lâm. Quỳnh Lai Thi Xứ. Thơ đốt pháo bông, ngôn ngữ triệu triệu, như chữ thần diệu:

Người nằm ngủ thấy gì
Thấy rất nhiều nắng lạ

Giấc ngủ đầy nắng, đầy nắng lạ. Bùi Giáng nói vui thôi mà. Thơ ông vui thật. Từ cánh tay áo rộng, thơ bay. Từ trí tuệ gió lộng, thơ phất. Nghìn thu cổ lục. Ngày Hy Nga. Ðêm bé chị. Mọi trên ngàn. Sóng Hồng Hoang. Thềm dục vọng. Thơ ghé thăm đá, thăm bàn ghế, thăm bún bò, thăm lá:

Ghé thăm trái mận ban đầu
Bình minh bắt gặp nguyên màu ban mai

Tiếng thơ sáng rỡ, chói lọi, kỳ ảo. Cánh rừng ngôn ngữ ấy suối reo, chim hót, hoa nở, cây ào ào sóng vỗ, sóng từng từng xanh cây, beo gấu rỡn nghịch, con chuồn chuồn hóa thân, con châu chấu suy tưởng, những môi nhỏ hằng ngày, gì cũng là thơ, thảy đều biến dạng. Thơ Bùi Giáng vui thật. Một vĩ đại vui. Hãy đọc thơ ấy, như cùng ông đi vào một trận vui lồng lộng. Ðừng cần tìm hiểu. Ðừng cần giải thích. Hãy đọc lại Mưa Nguồn, Bài Ca Quần Ðảo:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau…

Sẽ thấy cái vẫy tay chào lấp lánh của thi sỹ. Cái sự “vui thôi mà” trước sau ông chỉ nói vậy. Ba chữ này tôi ao ước được thấy khắc vào mộ chí ông khi ông mất đi, ông và giữa con đường vui, không dưới không trên, không đầu không cuối gì hết. Giữa mùa Xuân phía trước và miên trường phía sau. Thơ là người. Ngoài đời Bùi Giáng cũng thật vui…

Thời kỳ Thanh Tuệ chấm dứt, nhà xuất bản An Tiêm tạm ngừng hoạt động, Bùi Giáng gặp lại Thanh Nam, Viên Linh, Vũ Khắc Khoan và tôi ở toà soạn tuần báo Nghệ Thuật và những kỷ niệm chúng tôi có với thi sỹ thời gian này vẫn là những kỷ niệm vui. Lúc này, thần thái ông ấy không còn được rạng rỡ như mấy năm về trước. Cuộc phiêu bồng qua đời sống của ông kỳ dị và tận cùng hơn. Mái tóc ông đổi màu. Mấy chiếc răng cửa bị gãy, nụ cười trẻ thơ vừa móm mém. Cặp mắt sâu hóm xa khuất dần với mọi hình hài thực tế.

Những con đường trên đó ông đi, cái túi vải thơ nào, những ngã tư ông ngừng lại, tách thoát với nhân thế, tất cả ở Bùi Giáng phơi hiện dần dần một hủy hoại khô khốc… Ấy là tôi chỉ biết nhìn thấy ông một cách “hình hài” như vậy, nhưng “vui thôi mà” thì vẫn là rất vui. Ông vào tòa soạn, ngồi xuống ghế, nhìn mọi người, cười trẻ thơ, thường nói khát quá và xin một chai bia uống. Ông uống từng ngụm nhỏ, nói thích chai bia lớn vì uống được nhiều hơn, châm thuốc hút, những ngón tay vụng về lóng ngóng.

Uống cạn chai bia, cái túi vải đeo lên và bỏ đi. Ðó là cái đến cái đi êm ả của Bùi Giáng. Nhiều lần không thế. Ông ra tắm ở cái máy nước trước tòa soạn. Thản nhiên trước người qua kẻ lại, quần áo lướt thướt đi qua đường, một đám con nít tròn mắt đi theo. Một lần khác, chúng tôi đi ra ngoài một lát trở về, thấy ông nằm ngủ ngon lành trên hai cái bàn viết kê liền lại. Giấc ngủ dài, quên đời, quên hết, mặc hết, phải đánh thức dậy.
Những lần đó, ông ngồi bất động, thầm thì “vui thôi mà” rồi lặng lẽ bỏ đi, cái bóng dáng gãy đổ, gầy guộc trong chiều xuống.

Chính là trong cái tình trạng suy nhược đã trầm trọng quá chừng và tiều tụy quá thể này của Bùi Giáng mà chúng tôi bắt đầu cảm thấy quan tâm thực sự đến thi sỹ. Ðến sức khỏe ông, ngày mỗi cạn kiệt. Ðến cách sống ông ngày mỗi tiều tụy. Ðến tâm thức ông, ngày càng bất định. Cuộc vui của Bùi Giáng tuyệt vời nhưng chẳng thể phiêu bồng mãi mãi. Phải làm một cái gì về ông. Ðể ghi nhận lại. Về thế nào là cái tiếng thơ trác tuyệt của Bùi Giáng, cõi ngôn ngữ đạt tới hoang đường kỳ ảo của Bùi Giáng. Trong khi còn gần ông. Trước khi ông chẳng gần, chẳng chịu sống cùng ai nữa.

Số đặc biệt về thiên tài thi ca Bùi Giáng phải chờ đến hơn một năm sau, tờ Nghệ Thuật đình bản, tôi sang trông coi tờ Văn, chung với Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện được.
Cũng nhờ số Văn này mà tôi mới nhìn thấy và hiểu được sự không hiểu của tôi nói ở trên là sự ngược nghịch giữa Bùi Giáng tháng ngày rong chơi với Bùi Giáng một tuần lễ cả ngàn câu thơ, cả ngàn trang sách. Số Văn ấy, phần nhận định nhờ Thanh Tâm Tuyền, Ninh Chữ, Tuệ Sỹ, Trần Tuấn Kiệt… viết. Bài phỏng vấn Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện. Phần giới thiệu những bài thơ mới nhất là tôi.

Chưa biết kiếm tìm Bùi Giáng ở đâu, thi sỹ bất ngờ ghé thăm tòa soạn. Ông ấy chỉ còn là da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sỹ, cái túi vải còn thêm cây gậy. Kéo ông ra trước báo quán chụp chung tấm hình làm kỷ niệm rồi tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật. Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống, và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ. Ông không chép lại thơ đã làm. Ông làm thơ tại chỗ. Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng viết, thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả. Như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút từ đầu ngón thôi.

Làm thơ ứng khẩu, làm thơ tại chỗ, nhiều người cũng làm được. Nhưng là thơ thù tạc, và chỉ năm bảy câu một bài thôi. Bùi Giáng khác. Chai bia còn sủi bọt, ông ngồi viết không ngừng, tự dạng nắn nót chỉnh đốn, chỉ một thôi đã xong hơn hai mươi bài thơ.
Chúng tôi cầm lên coi, thấy bài thơ nào cũng khác lạ, cũng thật hay, cũng đích thực là từng hạt ngọc của cái thơ thượng thừa Bùi Giáng. Lần đó, tôi đã hiểu tại sao Bùi Giáng cứ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi. Ðúng là ngủ ra thơ, thở ra thơ, uống la-de, hút thuốc lá ra thơ. Mà thơ không ai sánh bằng, thơ không ai đuổi kịp. Ông uống cạn chai la-de, lập lại ba tiếng bất hủ “vui thôi mà” rồi đứng lên từ biệt.

Mấy tháng cuối cùng trước biến cố 1975, tôi không thấy Bùi Giáng trong đời sống tôi nữa. Chỉ thỉnh thoảng nghe thấy ông vẫn lang thang đây đó, một quán này, một bãi hoang kia, ngủ bất cứ ở đâu, dưới trời sao, ở một gầm cầu, dưới một mái hiên… Có lúc thấy nói ông đeo một xâu chuỗi toàn giày dép và quần áo phụ nữ quanh cổ như một vòng gai quái dị, đám con nít reo hò chỉ trỏ người điên, người điên. Có khi nghe thấy, ông ẩn lánh ở ngôi chùa vùng ngoại vi thành phố, ăn chay niệm Phật cả ngày không nói.

Ở tình trạng này, anh em chúng tôi, những bạn bè một thời thân thiết với Bùi Giáng, từng đã chén thù chén tạc với Bùi Giáng bao lần trên căn gác đường Lý Thái Tổ của nhà xuất bản An Tiêm. Nhận sách tặng của Bùi Giáng, ở với ông và trời thơ trác tuyệt của ông, chúng tôi biết chúng tôi chẳng làm gì cho Bùi Giáng được nữa. Chẳng phải bỏ ông. Ông cũng không bỏ. Chỉ là ông đã đi khỏi, đi xa, vào một trời đất khác. Hai câu thơ hay tuyệt hay vào tập cho tập Mưa Nguồn:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau

Ðã mang một ý nghĩa khác. Lời chào như một xa cách vĩnh viễn. Một bỏ đi. Một vĩnh viễn. Cái kho tàng chữ nghĩa phong phú vô tận, ở đó Bùi Giáng vừa tạo dựng nên cái thế giới ảo huyền của mình vừa phá hủy tan tành cái thế giới ấy. Kho tàng ấy thi sỹ không thèm sử dụng nữa, và chúng tôi chẳng còn con đường nào tới được với ông.
Bùi Giáng đã đem lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng cõi ngôn ngữ ảo diệu, vô tiền khoáng hậu.

Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận.
Ðọc lại Mưa Nguồn, đọc lại Ngàn Thu Rớt Hột, Bài Ca Quần Ðảo, tôi còn muốn bật cười với thơ Bùi Giáng. Vui thôi mà. Ðúng vậy, vui thôi, có khác gì đâu. Mất Bùi Giáng, thơ ta lại trở về với cái hữu hạn đời đời của thơ. Nhiều người bảo ông chỉ là một thằng điên.  Tôi chỉ muốn nghĩ thầm cho tôi là nếu có thêm được ít người điên như Bùi Giáng, thi ca ta, văn học ta còn được lạ lùng, được kỳ ảo biết bao nhiêu…

Mỗi lần về Sài Gòn, người đầu tiên mà du sỹ đến thăm là thi sỹ Bùi Giáng. Không nhớ biết bao nhiêu lần rồi, chở thi sỹ đi rong rêu qua khắp chốn nẻo thị thành, ghé chỗ này chỗ nọ… Bùi Giáng ngồi phía sau, thường hay bảo ghé tạt vô quán tạp hoá bên lề đường, mỗi người nốc cốc rượu đế (2000đ) rồi tiếp tục đi… Đến trưa, vào quán cơm gọi hai dĩa. Vừa ăn vừa đọc thơ cà rỡn, bông đùa… Mới ăn nửa chừng thì thi sỹ đứng dậy, bước tới quầy trả tiền trước. Rồi vụt ra đường nhảy múa điệu Alexis Zorba… Chờ nhà thơ vào lại lâu quá, tôi ra lấy xe đi mất, nhẹ nhàng không lời tạm biệt…

Vài ngày sau, lại chạy xe tới chỗ anh tạm trú, sau chùa Già Lam, chở cuồng sỹ rong rêu tiếp… Rút kinh nghiệm lần trước, anh cúi xuống rút một chiếc dép có quai sau của tôi, lấy sợi dây cột lại, đeo vào cổ, tống tên trước ngực anh… Thế là, đành phải tập tành nhảy múa theo cuồng sỹ, đi với anh cho tận khuya hoang… Đến lúc đó, anh khề khà đọc thơ, đưa lại chiếc dép mới ra về… Phải chăng, thi sỹ Bùi Giáng có ẩn ý sâu xa rằng, muốn lên đường quy hồi Cố Quận thì phải đi một chiếc dép như Bồ Đề Đạt Ma? Một chiếc dép nhất thừa băng qua, vượt lên trên nhị thừa, tam thừa, tứ ngũ lục thất bát thừa… giữa cuộc tồn sinh đầy hỗn độn này?

Theo Sagon Nhỏ

Cá tính liên quan suy giảm trí nhớ

Một nghiên cứu mới cho thấy tính cách cá nhân có thể giúp bảo vệ khả năng nhận thức hoặc làm già đi bộ não của bạn.

Ảnh: BSIP/UIG Via Getty Images

Cá tính có vai trò trong não hóa não bộ

Một nghiên cứu mới cho thấy một số đặc điểm cá tính là yếu tố then chốt báo hiệu một người có thể phát triển chứng suy giảm nhận thức sau này. Theo một nghiên cứu được công bố Ngày 11 Tháng Tư trên Journal of Personality and Social Psychology, việc sống có lương tâm và hướng ngoại hơn sẽ giúp kéo dài thời gian suy giảm nhận thức; ngược lại mức độ rối loạn thần kinh cao hơn sẽ làm tăng nguy cơ bị suy giảm nhận thức.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tomiko Yoneda, nghiên cứu sinh tâm lý học tại Đại học Victoria ở Canada, giải thích: “Các đặc điểm cá tính của một người – phản ánh các kiểu suy nghĩ và hành vi tương đối lâu dài của người đó – có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự tham gia vào các hành vi và kiểu suy nghĩ lành mạnh và không lành mạnh trong suốt cuộc đời”. Bà lưu ý: “Việc tích lũy kinh nghiệm suốt đời có vai trò trong việc dễ mắc các bệnh hoặc rối loạn cụ thể, chẳng hạn như suy giảm nhận thức nhẹ, hoặc góp phần vào sự khác biệt của cá nhân về khả năng chịu đựng những thay đổi thần kinh liên quan đến tuổi tác”.

Tiến sĩ Richard Isaacson, Giám đốc Phòng tầm soát Alzheimer thuộc Trung tâm Sức khỏe Não tại Đại học Y Schmidt thuộc Đại học Florida Atlantic, bổ sung:

“Mối liên quan này được thấy trong thực tế lâm sàng, nhưng thật khó để biết cái nào sinh ra cái nào, gà hay trứng? Những đặc điểm cá tính cụ thể làm tăng nguy cơ là do tính cách tồn tại trong suốt cuộc đời khiến một người phát triển suy giảm nhận thức hoặc bệnh Alzheimer, hoặc tác động sinh học trực tiếp dẫn đến các bệnh lý sớm. Suy nhược thần kinh là một đặc điểm cá tính xuất hiện trong tâm trí và các phân tích tổng hợp trong quá khứ cũng chứng minh điều này. Lo lắng có liên quan đến khối lượng não nhỏ hơn. Không rõ liệu căng thẳng/viêm thần kinh có thúc đẩy quá trình suy nhược không? Vì không có dấu ấn sinh học của quá trình nên rất khó trả lời”.

Những đặc điểm tích cực của cá tính

Nghiên cứu đã phân tích cá tính của gần 2,000 người tham gia Dự án Trí nhớ và Lão hóa nhanh (Rush Memory and Aging Project), một nghiên cứu về những người lớn tuổi ở khu vực thành phố Chicago bắt đầu vào năm 1997. Nghiên cứu đã xem xét vai trò của ba đặc điểm cá tính chính – sự tận tuỵ với tha nhân, hướng ngoại và rối loạn thần kinh – trong cách con người vượt qua sự suy giảm nhận thức trong cuộc sống sau này.

Rối loạn thần kinh là một đặc điểm cá tính liên quan đến việc một người đối phó với căng thẳng như thế nào. Những người rối loạn thần kinh tiếp cận cuộc sống trong trạng thái lo lắng, tức giận và thường quá quan trọng hóa và buông thả trước cả những thất vọng nhỏ. Yoneda nói: “Những người tận tuỵ với tha nhân có xu hướng kỷ luật tự thân cao, sống có tổ chức và có mục đích, trong khi những người nhiệt tình với cuộc sống thường quyết đoán và hướng ngoại. Trong quá trình nghiên cứu, những người đạt điểm số cao về sự tận tuỵ và điểm số thấp về rối loạn thần kinh ít có nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ. Cứ thêm sáu điểm trên thang đo mức độ tận tuỵ sẽ kéo giảm được 22% nguy cơ nhận thức bị chuyển từ bình thường sang suy giảm nhận thức nhẹ”.

Nghiên cứu nhấn mạnh: Một người 80 tuổi có điểm số tận tuỵ vì tha nhân cao sẽ sống thêm hai năm với nhận thức bình thường, không bị mất trí nhớ so với những người có điểm số thấp. Hướng ngoại và tham gia nhiều hơn vào hoạt động xã hội không chỉ giúp tăng thêm một năm sống “tỉnh táo” mà còn tăng cường khả năng phục hồi nhận thức sau khi được chẩn đoán suy giảm nhận thức nhẹ. Đó là một trong những lợi ích của cuộc sống tận tuỵ vì tha nhân và xã hội hóa.

Khi mức độ rối loạn thần kinh tăng, nguy cơ suy giảm nhận thức cũng tăng. Cứ thêm bảy điểm trên thang điểm, nguy cơ tăng 12%, tương đương với mất một năm nhận thức khoẻ mạnh. Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối quan hệ giữa cá tính và não bộ. Một nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng những người cởi mở hơn, sống tận tuỵ hơn và thần kinh cân bằng hơn có nhận thức tốt hơn trong các bài kiểm tra và ít bị suy giảm nhận thức hơn theo thời gian. Bệnh giảm trí nhớ nếu có cũng đến chậm hơn với họ.

Lương Thái Sỹ / Saigon Nhỏ

‘Kế hoạch táo bạo’ của tân Tổng thống Hàn Quốc

Tân tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố sẽ tái thiết Hàn Quốc trên nền tảng dân chủ tự do và kinh tế thị trường, đồng thời đề nghị khôi phục kinh tế Triều Tiên bằng một ‘kế hoạch táo bạo’ nếu nước này chấp nhận phi hạt nhân hóa.

“Lời kêu gọi của thế hệ chúng ta là xây dựng một quốc gia tán thành dân chủ tự do và đảm bảo một nền kinh tế thị trường phát triển mạnh, một quốc gia luôn hoàn thành trách nhiệm với tư cách là thành viên đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế và một quốc gia thực sự thuộc về nhân dân”, Tổng thống Yoon Suk Yeol phát biểu trong lễ tuyên thệ nhậm chức diễn ra trước tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc ở Seoul sáng hôm nay (10/5), theo hãng thông tấn Yonhap.

Tổng thống Yoon cho biết, ông luôn tâm niệm về “nhiệm vụ trọng đại của mình là xây dựng lại quốc gia vĩ đại này”. Ông cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác với các quốc gia khác để giải quyết những thách thức chung, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các quyền tự do chính trị và kinh tế để đảm bảo thành công ở những quốc gia này.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên thệ nhậm chức tại quốc hội ngày 10/5. Ảnh: Yonhap

Tổng thống Hàn Quốc cũng lưu ý, các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa không chỉ đối với an ninh Hàn Quốc mà còn với cả khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cánh cửa đối thoại sẽ vẫn rộng mở để hai nước có thể giải quyết mối đe dọa này một cách hòa bình.

“Nếu Triều Tiên thực sự bắt tay vào quá trình hoàn tất phi hạt nhân hóa, chúng ta sẽ sẵn sàng làm việc với cộng đồng quốc tế để đưa ra một kế hoạch táo bạo nhằm củng cố đáng kể nền kinh tế của Triều Tiên và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nước này”, ông Yoon tuyên bố trong bài phát biểu.

Lễ nhậm chức của tân Tổng thống Hàn Quốc có sự tham dự của hơn 41.000 người, trong đó có Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và Đệ nhị phu quân Mỹ Douglas Emhoff.

Tân Tổng thống Yoon Suk Yeol bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm của mình lúc nửa đêm 9/5 – rạng sáng 10/5, bằng việc tiếp nhận báo cáo về hoạt động quân sự và trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc trong một boongke dưới văn phòng tổng thống mới tại quận Yongsan ở Seoul. Đánh dấu sự khởi đầu của chính quyền mới, một lễ rung chuông đã được tổ chức vào lúc nửa đêm 9/5 tại trung tâm thủ đô Hàn Quốc. 20 đại diện được lựa chọn từ công chúng đã rung chuông 33 lần tại tháp chuông Bosingak. 

Ông Yoon Suk Yeol nhậm chức tổng thống Hàn Quốc trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với những thách thức kinh tế do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và tình hình chiến sự ở Ukraine. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa hai miền bán đảo Triều Tiên cũng đang có dấu hiệu gia tăng khi Bình Nhưỡng gần đây liên tục tiến hành nhiều vụ thử nghiệm vũ khí.

Tổng thống Yoon cũng phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hàn gắn mối quan hệ đang rạn nứt sâu sắc với Nhật Bản. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Yoon đã thể hiện ý chí xây dựng một mối quan hệ hướng tới tương lai với quốc gia láng giềng, bất chấp những mâu thuẫn trong lịch sử giữa hai nước.

Việt Anh / Vietnam

Vladimir Putin tìm lối thoát ra khỏi bãi lầy Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ mừng Ngày Chiến Thắng ở Moscow ngày 9 tháng Năm 2022. Ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xuất hiện trên lễ đài lễ kỷ niệm Ngày Chiến Thắng ở thủ đô Moscow lúc 10 giờ sáng thứ Hai ngày 9 tháng Năm, chủ tọa buổi diễu binh thường niên có sự tham dự của khoảng 11,000 người và vài trăm xe cơ giới quân sự tại Quảng Trường Đỏ.  Bài diễn văn của ông ta có dấu hiệu nhà lãnh đạo Nga đang tìm kiếm một lối thoát.

Ngày Chiến Thắng 9 tháng Năm hằng năm – kỷ niệm ngày Liên Xô chiến thắng phát-xít Đức, một ngày sau khi Đức Quốc Xã đầu hàng Đồng Minh – luôn là một đại lễ hoành tráng; nhưng buổi lễ sáng nay có quy mô nhỏ và tẻ nhạt hơn thường lệ. Các màn trình diễn trên không của không quân đã bị hủy bỏ do thời tiết mặc dù bầu trời Moscow sáng nay 9 tháng Năm khá quang đãng. 

Trước buổi lễ, giới quan sát chính trị dự đoán ông Putin sẽ chính thức tuyên chiến với Ukraine, thông báo tổng động viên xã hội Nga và leo thang chiến tranh, đe dọa phương Tây bằng vũ khí hạt nhân, thậm chí có thể bắt tù binh Ukraine diễu qua trước lễ đài trên Quảng trường Đỏ như kiểu đế quốc La Mã đối xử với tù binh ngày xưa. Nhưng những dự đoán đó đã không xảy ra. Trong bài diễn văn chỉ kéo dài 10 phút, ông Putin bày tỏ lòng tri ân hàng triệu người Nga đã hy sinh trong Thế chiến thứ Hai đồng thời đổ lỗi cho NATO và các quốc gia Tây Phương gây ra cuộc chiến ở Ukraine. Ông vẫn tỏ ra cứng đầu cứng cổ nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu hòa dịu khi thanh minh rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống Ukraine là một phản ứng phủ đầu nhằm ngăn chặn việc Ukraine xâm lược nước Nga, rằng Ukraine đang tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân – điều đã bị Ukraine, NATO và Hoa Kỳ nhanh chóng bác bỏ là “bịa đặt”.

Thái độ hòa dịu của Putin có thể là do ông ta nhận ra tình trạng sa lầy không lối thoát của chính ông. Chuyện tổng động viên để bổ sung binh sĩ cho chiến trường Ukraine chẳng hạn, là chuyện lợi bất cập hại. Lệnh động viên ban ra có nguy cơ làm suy yếu sự ủng hộ của dân chúng đối với chế độ mà không mang lại lợi ích quân sự nào. Việc huy động tân binh, huấn luyện, trang bị và tổ chức họ sẽ mất nhiều tháng và cực kỳ tốn kém. 

Chuyện sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ có thể là hành động của kẻ điên, liều mình “đồng quy ư tận” (cùng chết), mà nước Nga, tuy bị bao vây, cấm vận nhưng chưa phải rơi vào tình thế quẫn bách giữa lằn ranh sinh tử để phải chọn giải pháp tuyệt vọng đó. Ông Putin vẫn nuôi mộng làm hoàng đế trọn đời, chưa muốn chết nên chuyện dùng vũ khí hạt nhân là nguy cơ khó xảy ra. 

Trả lời phỏng vấn báo Welt Am Sonntag (Thế giới Chủ nhật) của Đức hôm cuối tuần, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu ngày 24 tháng Hai, NATO không thấy có sự thay đổi nào trong chiến lược hạt nhân của Nga…  Và thông điệp của NATO rất rõ ràng: nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng, tất cả các bên đều là những kẻ thua cuộc”. Đó là một nhận định đáng tin cậy của một nhân vật có vai trò lớn trong cơ cấu an ninh châu Âu.  

Putin dường như cũng đã hiểu rõ cuộc chiến không diễn ra theo ý mình. Ông đã rút quân khỏi các vùng lân cận thủ đô Kyiv thay vì mạo hiểm để các lực lượng tinh nhuệ nhất của Nga bị tiêu diệt hoàn toàn. Ông đặt cược vào một chiến thắng hạn chế hơn ở khu vực Donbass miền đông Ukraine gần với biên giới Nga và có sẵn các lực lượng ly khai chống chính phủ Ukraine suốt tám năm qua, nhưng điều đó cũng không xảy ra. Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ hôm Chủ Nhật 9 tháng Năm ghi nhận: “Các lực lượng Nga đã không đạt được bất kỳ bước tiến đáng kể nào trên bất kỳ trục tiến công nào vào ngày 8 tháng Năm.” 

Khách quan mà nói, ở miền Đông, quân Nga đã chiếm được một số vùng lãnh thổ ven biển như tỉnh Kherson, thành phố Melitopol và thành phố đổ nát Mariupol – nơi lực lượng Ukraine vẫn cố thủ trong nhà máy thép khổng lồ Azovstal. Các lãnh thổ bị chiếm này đã cắt đứt đường ra biển Azov của Ukraine và mở một hành lang đường bộ nối bán đảo Crimea mà Nga chiếm được năm 2014 với lãnh thổ Nga. Nhưng Nga đã phải trả một cái giá đắt cho những thắng lợi ít ỏi. Ukraine thông báo đã có hơn 25,000 binh sĩ Nga thiệt mạng; con số đó chắc là được được phóng đại nhưng có lẽ không nhiều. Các báo cáo nguồn mở xác nhận Nga đã mất hơn 3,500 phương tiện (bao gồm hơn 600 xe tăng), 121 máy bay và 9 tàu chiến, bao gồm cả soái hạm Moskva của hạm đội Hắc Hải. Đây là những thiệt hại nặng nề nhất mà nước Nga phải gánh chịu kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Trong khi Nga yếu đi, Ukraine lại mạnh lên: Hiện nay nước này có nhiều xe tăng hơn thời điểm bắt đầu chiến tranh, đại pháo tốt hơn nhiều và nhiều hệ thống vũ khí đủ loại hơn rất nhiều. Tinh thần của người Nga rất kém, các sĩ quan được cho là không tuân theo mệnh lệnh trong khi tinh thần kháng chiến cứu nước của người Ukraine lên cao ngất. Giới quân sự đang bàn tới khả năng Ukraine phản công chiếm lại các vùng lãnh thổ bị mất vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu sau khi đã được phương Tây cam kết viện trợ nhiều loại vũ khí tân tiến và cả kinh tế-tài chính.

Chính phủ Ukraine cho đến nay vẫn để mở cơ hội đàm phán hòa bình với Moscow để nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nhiều lần nói ông sẵn sàng gặp trực tiếp và thương lượng với ông Vladimir Putin nhưng chưa có một cuộc gặp nào như vậy. Gần đây, ông Zelenskyy đưa ra tuyên bố chỉ chấp nhận đàm phán hòa bình sau khi quân Nga rút ra khỏi những vùng lãnh thổ chiếm đóng của Ukraine và tôn trọng biên giới trước năm 2014 đã được quốc tế công nhận. Cánh chim bồ câu hòa bình xem ra càng bay xa ngoài tầm tay.

Nền kinh tế Nga đã không sụp đổ dưới các lệnh trừng phạt, nhưng bị ảnh hưởng nghiêm trọng: Các chuyên gia dự báo kinh tế Nga sẽ co lại khoảng 10% trong năm nay và lạm phát có thể lên tới 23%. Thiệt hại sẽ tăng lên thêm nữa khi các dây chuyền sản xuất của Nga bị cắt khỏi nguồn linh kiện, phụ tùng nhập cảng từ phương Tây như vi mạch. Nếu kế hoạch của Liên minh châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí của Nga ngay trong năm 2022 được thực thi thì Nga sẽ mất bạn hàng lớn nhất và điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế dựa vào tài nguyên dầu mỏ của Nga. 

Thay vì chia rẽ và làm suy yếu phương Tây, cuộc chiến của Putin đã giúp phương Tây thống nhất và dẫn đến một đợt gia tăng hoạt động quân sự của NATO ở Đông Âu. Nếu Phần Lan và Thụy Điển tham gia liên minh Đại Tây Dương NATO – chuyện dường như sắp xảy ra, thì lãnh thổ của NATO sẽ áp sát biên giới Nga, các lực lượng NATO sẽ đóng quân ngay trước ngưỡng cửa của Nga. Kế hoạch của Putin đẩy NATO ra xa hơn nữa về phía Tây, về các vị trí năm 1992 khi Liên Xô sụp đổ hóa ra lại có tác dụng ngược. 

Trong tình thế bi đát như vậy, nhiều người tính tới khả năng ông Putin bị giới siloviki của Nga (lực lượng tinh nhuệ về an ninh và quân sự) loại bỏ để chấm dứt cuộc phiêu lưu quân sự đẫm máu ở Ukraine. Nhưng Putin đã nắm giữ quyền lực hơn 22 năm, và không có lý do gì để kỳ vọng rằng ông ta sẽ sớm bị lật đổ.

Nhà báo Max Boot của báo The Washington Post nhận định ông Putin hiện đang ở trong tình thế khó khăn chiến lược mà người Mỹ đã quá quen thuộc sau các sai lầm ở Afghanistan và Iraq, chỉ tồi tệ hơn nhiều lần. Moscow cũng đã gặp khó khăn như vậy sau mười năm chiếm đóng Afghanistan. Cựu tổng bí thư Mikhail Gorbachev đã rút ra khỏi Afghanistan và gần đây tổng thống Joe Biden đã làm như vậy. Triển vọng tốt nhất có lẽ là Putin có được sự dũng cảm chính trị cần thiết để đi đến một lựa chọn rút quân đau đớn như ông Gorbachev và ông Biden. 

Xem ra ông Putin không có nhiều lựa chọn. Tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận. Cả leo thang cuộc chiến và rút quân đều phải trả giá đắt.

Ông Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, vừa đăng tweet nhận định: trong diễn văn Ngày Chiến Thắng hôm nay tại Moscow có những dấu hiệu cho thấy ông Putin có vẻ như đang tìm một lối thoát. Ông Wallace cho rằng lối thoát của Putin là tập trung vào vùng Donbass để củng cố các “nước cộng hòa” ly khai thân Nga và giữ những vùng đất đã chiếm được của Ukraine. Người Ukraine  có để cho ông thoát ra lối đó hay không là chuyện chưa biết trước được.

Hiếu Chân / Saigon Nhỏ