Nhờ vào sự sắp đặt có chủ đích, các không gian nhà đều trở nên gọn gàng nhưng vẫn phát huy đầy đủ chức năng.
Căn hộ với nội thất hiện đại, không gian bài trí sáng tạo mang lại sự hài hòa và nâng tầm chất lượng sống cho gia chủ.
Với diện tích chỉ 70 m2, căn hộ tọa lạc tại Brazil. Mặt trước của căn nhà khi vừa bước vào cửa chính là phần không gian nhà khách. Phía bên trái là tủ kệ đựng sách vừa dùng để trang trí vừa là nơi giải trí yêu thích của gia chủ.
Phòng khách được thiết kế đa năng với một rèm lớn có thể đóng mở phần ghế sofa biến khu vực này thành một phòng ngủ phụ khi cần dành cho khách mời khi muốn nghỉ lại, nhóm kiến trúc sư chia sẻ thêm.
Phần bếp được thiết kế gọn gàng, tất cả vật dụng bếp đề được cất vào các ngăn tủ phía trên. Một đảo bếp đặt giữa nhà vừa là nơi để chế biến thức ăn và cũng tận dụng là khu vực bàn ăn của gia chủ.
Cận cảnh khu vực đảo bếp và hành lang lối đi chung của căn hộ.
Gia chủ dành ra một phần diện tích để đặt một bàn ăn với sức chứa 6-8 chỗ ngồi. Nơi đây thường được dùng cho những bữa tiệc với bạn bè và người thân vào những dịp đặc biệt.
Ban công nhà thoáng sáng kéo dài theo chiều ngang của căn hộ, cung cấp một lượng ánh sáng và không khí cho cả gian nhà ăn, phòng bếp và nhà khách.
Cây xanh hiện diện khắp các không gian nhà làm giảm cảm giác ngột ngạt cho căn hộ.
Không gian phòng ngủ thiết kế tối giản, gia chủ không sử dụng đèn ngủ có chân mà thay vào đó là hệ thống đèn được lắp vào tường nhằm tiết kiệm diện tích cho căn phòng.
Theo Nhật Quang / Người đồng hành / Vietnam Express
Những câu chuyện trong Nghìn lẻ một đêm đã được lưu truyền từ rất lâu trong dân gian Ba Tư, một xứ sở rộng lớn, bao gồm cả Iran, Iraq, Trung Đông, Trung Á. Trong đó cũng có nhiều chuyện dân gian của bán đảo Arab, thậm chí có chuyện kể xảy ra ở Ấn Độ, Ai Cập…
Những câu chuyện trong Nghìn lẻ một đêm đã được lưu truyền từ rất lâu trong dân gian Ba Tư, một xứ sở rộng lớn, bao gồm cả Iran, Iraq, Trung Đông, Trung Á. Trong đó cũng có nhiều chuyện dân gian của bán đảo Arab, thậm chí có chuyện kể xảy ra ở Ấn Độ, Ai Cập… Phải đến đầu thế kỷ XVIII, nhà Đông Phương học Antoine Galland mới “dịch” ra tiếng Pháp và sách tái bản liên tục trong suốt thế kỷ đó. Nói là “dịch” cũng chưa đúng hẳn, ông dường như đã viết lại những câu chuyện dân gian theo tư duy tiểu thuyết. Các truyện dù ngắn dài đều được triển khai theo kiểu tiểu thuyết, diễn biến quanh co khó đoán trước, đường dây nhân vật khá phức tạp… rất khác với tư duy đơn giản của cổ tích dân gian thế giới.
Nghìn lẻ một đêm – Phan Quang dịch
Ngoài mấy truyện hay và nổi tiếng nhất như Alibaba và bốn mươi tên cướp, Aladdin và cây đèn thần, thì mấy truyện rất hay nữa là Người chợt tỉnh giấc mơ, Những chuyến vi hành của hoàng đế Harun al-Rashid.
Toàn bộ truyện thể hiện rõ tinh thần và không khí Hồi giáo ở xứ Ba Tư và bán đảo Arab thời xưa. Đầy chất Hồi giáo, từ văn hóa, chính trị, khoa học, phong tục tập quán, tên gọi, cho đến cả sự kỳ thị với các tôn giáo bị coi là dị giáo.
Trong truyện Thiên tình sử của Camaralzamanhoàng tử đảo Những đứa con của Khaledan với Baddure, công chúa Trung Quốc bộc lộ rất rõ sự kỳ thị đối với Hỏa giáo, tôn giáo bản địa Ba Tư có trước Hồi giáo khoảng 1.500 năm. Hoàng tử Camaralzaman đến một thành phố gặp một người làm vườn theo đạo Hồi và được người này cho ẩn náu trong thành, gồm đa số là người thờ các “tà thần”. Tà thần hóa ra là những người thờ thần lửa, tức là Hỏa giáo.
Phần cuối truyện Bede hoàng tử nước Ba Tư và Jauha công chúa con vua Thủy tề cũng có một câu: “Nữ hoàng phù thủy, mẹ của mụ và tất cả những kẻ tôn thờ thần lửa đều bị tiêu diệt trong nháy mắt” – Hỏa giáo bị coi như trò gắn với phép thuật phù thủy. Nhưng trên thực tế, Hỏa giáo là một tôn giáo lâu đời bậc nhất của nhân loại, triết lý ôn hòa. Tôn giáo này ra đời ở xứ Ba Tư xưa, nhưng trong lịch sử bị kỳ thị, hiện tại chỉ còn một cộng đồng rất nhỏ ở Iran và một cộng đồng đông đảo hơn di cư sang Mumbai, Ấn Độ.
Như vậy, ta đã thấy là chuyện không chỉ xảy ra trên bán đảo Arab. Thế thì tại sao hơn ba thế kỷ qua, người Pháp và cả thế giới hình như đã nhầm lẫn mà coi Nghìn lẻ một đêm là của người Arab?
Bản tiếng Pháp của Antoine Galland là Les mille et une nuits (Một nghìn lẻ một đêm). Nhưng ngay sau đó sách được dịch ra tiếng Anh với cái tên The Arabian Nights’Entertainment (Chuyện giải trí trong những đêm Arab). Từ cái tên sách này mà qua nhiều đời, người phương Tây gắn những câu chuyện trong đó với “những đêm Arab”, mặc nhiên coi là chuyện xảy ra ở bán đảo Arab và do người Arab viết. Phải nói thêm: trừ một thiểu số người phương Tây làm nghiên cứu rất xuất sắc, còn với đa số dân Âu-Mỹ nói chung thì Arab hay Ba Tư cũng “xêm xêm”, trong khi đó là hai sắc dân khác biệt. Đã có rất nhiều dị bản Nghìn lẻ một đêm lấy tên là Đêm Arab, nhiều bộ phim, vở kịch, nhạc kịch cũng mang tên Đêm Arab.
Nhưng phần lớn chuyện lại xảy ra ở Baghdad (Iraq ngày nay) và được gọi là xứ Ba Tư. Xứ Ba Tư xưa (Persia) bao gồm Iran, Iraq, tràn sang Trung Đông và cả Trung Á. Nhưng ngày nay người ta chỉ biết Iran là xứ Ba Tư cổ. Vị hoàng đế Shahryar, mà trong sách gán cho là người ngồi nghe nàng Scheherazade kể chuyện, lại đóng đô ở Baghdad, Iraq ngày nay. Tức là câu chuyện lấy làm khung cho toàn bộ Nghìn lẻ một đêm xảy ra ở xứ Ba Tư cổ đại, không phải bán đảo Arab. Trong sách cũng nhiều lần xuất hiện một nhân vật có thật ngoài đời – hoàng đế Harun al-Rashid – trong lịch sử, ông là vị hoàng đế Ba Tư có nhiều canh tân nhưng cũng có tiếng là tàn bạo.
Iran và bán đảo Arab xưa nay là hai thế lực xung khắc ở trong vùng. Tên sách tiếng Anh Arabian Nights về sau nhiều bản dịch được đổi thành One Thousand and One Nights (Một nghìn lẻ một đêm), tức là trả về cho sách sự chính xác về nội dung và cả sự tế nhị. Bởi vì trong lịch sử, hai khối Ba Tư và Arab là địch thủ truyền đời, cả hai đều muốn giành ngôi vị đứng đầu khu vực. Vì vậy khi nhắc đến Nghìn lẻ một đêm trên đất Arab chẳng hạn, không nên quy cho nó là tác phẩm của xứ Arab mà chỉ nên nói là trong sách có nhiều chuyện xảy ra trên bán đảo Arab. Cũng thế, trên đất Iran thì chỉ nên nói là nhiều chuyện ở Nghìn lẻ một đêm xảy ra trên đất Ba Tư xưa.
Người tỉnh táo về quan hệ quốc tế thì khi phát biểu đều tránh gán Nghìn lẻ một đêm cho riêng Ba Tư, càng không trao cuốn sách cho Arab như nhiều người hiện nay vẫn nhầm lẫn.
Lấy cảm hứng từ việc “nằm ngửa” (thảng bình) của thanh niên Trung Quốc Đại Lục, John Mac Ghlionn mô tả về việc thanh niên Mỹ ngày nay cũng chọn cách sống này. Ghlionn là một nhà nghiên cứu và là nhà bình luận, có các tác phẩm được đăng trên những trang như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US và nhiều kênh truyền thông khác. Ông cũng cộng tác với The American Conservative.
(Ảnh ghép minh họa: Shutterstock) Phong trào “nằm ngửa” của thanh niên Trung Quốc Ghlionn nói rằng từ kinh nghiệm của bản thân, ông cho rằng Trung Quốc không phải là một quốc gia thú vị để sống. Bị giám sát liên tục 24/7, người dân cảm thấy họ là nạn nhân của một hệ thống tín dụng xã hội tồi tệ.
“Dân nằm ngửa” gần đây rất phổ biến tại Đại Lục. Họ làm tự do và các công việc được trả lương theo ngày. Điều này đã hình thành nên một mô hình xã hội mới. Tác giả cuốn “Nằm ngửa là chính nghĩa” nói rằng anh ấy không có việc làm ổn định trong 2 năm qua, và phải duy trì trạng thái “tự do” bằng cách làm những công việc lặt vặt và giảm chi phí sinh hoạt. Điều này đã khơi dậy sự cộng hưởng và đồng tình của nhiều bạn trẻ. Sau đó, họ đưa ra thuyết “Nằm ngửa học” để ám chỉ những người trẻ tuổi không mua nhà, hay xe hơi, không kết hôn, không sinh con, không chi tiêu và chỉ duy trì mức sống tối thiểu.
Theo Tiến sĩ Tạ Điền, giảng sư tại Trường Kinh doanh Aiken, Đại học Nam Carolina, “nằm ngửa” tại Trung Quốc là khi người ta thấy mình vẫn không thể thay đổi cuộc sống sau khi đã chăm chỉ làm việc và vắt kiệt sức. Tâm lực kiệt quệ đến mức họ dứt khoát không nỗ lực nữa, mà chỉ duy trì một cuộc sống với những mong muốn thấp nhất. Trên thực tế, đây là một lời buộc tội về sự phân cực giữa người giàu và người nghèo dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và là sự châm biếm về việc tuyên truyền thoát nghèo của Đảng này.
Do vậy, phong trào “nằm ngửa” của người Trung Quốc kỳ thực là một sự phản kháng “tích cực” nhằm chống lại ĐCSTQ một cách bất bạo động. Điều này không giống với phong trào này của thanh niên Mỹ.
Phong trào “nằm ngửa” của người trẻ Mỹ Theo Alison Schrager, một thành viên cấp cao tại Viện Manhattan và là một biên tập viên cộng tác tại City Journal, “nằm ngửa” của thanh niên Mỹ không phải là điềm báo tốt cho nền kinh tế Hoa Kỳ và dĩ nhiên là Schrager đã đúng. Những người thuộc thế hệ Millennial hay còn gọi là gen Y (được sinh ra từ năm 1980 đến 1995) và gen Z (được sinh ra từ sau thế hệ Y đến năm 2010) đang rời khỏi hàng ngũ lực lượng lao động với số lượng kỷ lục. Vì sao? Theo Schrager, đó là bởi vì “trợ cấp thất nghiệp cao và các khoản chi kích thích [tiêu dùng]”. Hơn nữa, bởi vì Mỹ về cơ bản đã đóng cửa 18 tháng qua, nhiều người đột nhiên nhận ra họ có một “khoản tiền lớn trong tài khoản”. Schrager viết, rốt cuộc, họ không có nơi nào để tiêu hết số tiền “từ trên trời rơi xuống” này.
Cũng không hẳn là không có nơi nào để tiêu. Theo một cuộc thăm dò của Yahoo-Harris, các “nhà đầu tư trẻ” đang đặt hy vọng vào các canh bạc vì 11% những người thuộc thế hệ gen Z đã sử dụng các khoản trợ cấp kích thích tiêu dùng của họ để mua tiền điện tử. Đồng thời, 15% thế hệ Millennial, tức là những người trong độ tuổi từ 25 đến 40, đã đầu tư vào tiền điện tử. Đây liệu có phải là sử dụng tiền “miễn phí” một cách khôn ngoan?
Tại Hoa Kỳ, những người chọn “nằm ngửa” nên nhận ra rằng người Mỹ “chưa bao giờ làm việc ít như vậy”, Schrager viết, một tuyên bố được hỗ trợ bởi một nghiên cứu khá thú vị. Kể từ năm 2003, đàn ông Mỹ có thêm trung bình 28 giờ giải trí mỗi tháng, phụ nữ thì có 24 giờ.
Với nhiều thời gian rảnh rỗi như vậy, vì sao thế hệ Millennial và thế hệ gen Z lại chọn “nằm ngửa”? Có phải vì họ lười biếng và vô ơn? Ghlionn nói không hẳn là như vậy. Họ là bị mất phương hướng, nhiều người trong số họ cực kỳ lạc lối.
Là người thuộc ngành tâm lý học, Ghlionn tin rằng vấn đề có nguồn gốc sâu xa hơn nhiều. Tình trạng “nhảy việc” và từ chối làm việc đã vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại cho tương lai của nước Mỹ. Tại đây có tồn tại một tình trạng mất kết nối với những văn hóa truyền thống căn bản mà không thể thông qua lập pháp để tiêu trừ được.
Ghlionn nói rằng mặc dù không thích thuật ngữ này, nhưng ông vẫn là một người thuộc thế hệ Millennial. Tiếp nữa, các luận điểm được đưa ra dưới đây không nhằm mục đích mô tả tất cả những người thuộc thế hệ gen Z hay Millennial. Chúng chỉ nhằm vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về những khó khăn mà nước Mỹ và người dân phải đối mặt. Việc từ chối đi làm thực sự là một triệu chứng sâu xa hơn của một xã hội suy đồi.
Ghlionn cho rằng quyết định “nằm ngửa” của thanh niên Mỹ liên quan nhiều đến lòng tự luyến và quyền lợi hơn là sự lười biếng. Thế hệ Millennial được cho là cực kỳ tự luyến. Thế hệ gen Z thậm chí còn bị nặng hơn.
Theo nhà tâm lý học Karyl McBride, quyền lợi này được định nghĩa là “những kỳ vọng vô lý rằng bản thân phải được đối xử đặc biệt hoặc [xã hội phải] chủ động phù hợp với kỳ vọng của họ”. McBride viết, trong thế giới của những người tự luyến, họ phải luôn là người đứng đầu. Điều này được gọi là quyền tự luyến.
McBride cảnh báo rằng những người có quyền tự luyến thường thiếu khả năng “cảm thông đối với người khác”. Do đó, họ bị chi phối bởi ham muốn bốc đồng và điên cuồng, hoặc như Freud đã nói, họ mệt mỏi vì cái gọi là thân phận hay địa vị của mình. Khi một người tự luyến nói, những người khác phải lắng nghe, tất cả phải phục tùng. Họ tự cho mình là đặc biệt, thậm chí là xuất chúng, vì vậy họ phải được đối xử như người của hoàng gia.
Những người như vậy cảm thấy cực kỳ khó khăn để thiết lập hoặc duy trì giao tiếp tốt với người khác. Trong “thời đại selfie” này thì [nhu cầu] cá nhân được đặt lên hàng đầu, rồi sau đó mới tới cộng đồng. Theo một nghiên cứu liên quan trên “Scientific American”, trong hơn 30 năm qua, mức độ tự luyến của sinh viên Mỹ tăng hơn 30%. 30 năm tiếp theo, tình hình dự kiến sẽ xấu đi 30% nữa.
Ghlionn nói trong xã hội nguyên tử hóa và con người ngày càng ít coi trọng mối quan hệ một vợ một chồng chung thủy lâu dài, những thanh niên Mỹ có xu hướng cuộn vào trong. Các giá trị truyền thống không còn hấp dẫn họ, thay vào đó là chủ nghĩa hư vô. Xã hội ngày càng trở nên ích kỷ.
Ở Hoa Kỳ, việc duy trì một công việc, nghe thì thấy dễ dàng, nhưng thực hiện lại rất khó khăn. Theo Gallup, 85% người Mỹ không thích công việc của mình. Ghlionn cho rằng là một người Mỹ, phải kiên trì được như sự kiên trì của nhân vật thần thoại Hy Lạp Sisyphus, ít nhất đây là cách mà những người Mỹ các thế hệ trước đã từng như vậy. So với các thế hệ trước đó, các nhân sự trẻ ngày nay dường như ít kiên cường hơn, ít có khả năng thích nghi với hoàn cảnh mới và vượt qua khó khăn để tiến lên. Đối với họ, sự kiên trì quá ngắn ngủi. Ít cam kết hơn với hôn nhân, với cộng đồng, tôn giáo, hàng triệu người Mỹ cũng mất dần cam kết với ý tưởng về việc đi làm. Theo Ghlionn, đây là một xu hướng rất đáng lo ngại mà chưa có biện pháp hữu hiệu nào.
Một buổi triển lãm cá nhân với các tác phẩm lớn tái hiện sự kiện Điện Biên Phủ qua các nhân vật người lính và tướng, do họa sĩ Mai Duy Minh chuẩn bị trong 10 năm, vừa bị yêu cầu tạm dừng ngay trước giờ mở cửa. Tác phẩm chính – trường họa “Điện Biên Phủ” bị đặt câu hỏi về hình ảnh người lính ở trung tâm bức vẽ, khi “lá cờ bị rách quá” và “anh bộ đội không đẹp, không đúng về giải phẫu”, theo thông tin từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL).
Bức tranh “Điện Biên Phủ” với nội dung hình ảnh bị hạn chế, không được thực hiện triển lãm. (Tranh: Mai Duy Minh) Sáng 8/5, họa sĩ Mai Duy Minh thông báo triển lãm cá nhân tranh Điện Biên Phủ của ông bị dừng ngay trước giờ khai mạc. Ông viết trên Facebook cá nhân: “Cuộc triển lãm tranh về đề tài Điện Biên Phủ của tôi đã bị Sở VH-TT Hà Nội ra văn bản tạm dừng trước lúc khai mạc chiều hôm qua (7/5), để lập hội đồng thẩm tra lại và sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất. Tôi rất mong quý vị thông cảm và sẽ sớm có thông tin đến quý vị ngay sau khi nhận được quyết định bằng văn bản mới của Sở”.
Ngày 7/5 là ngày tròn 68 năm sư kiện Điện Biên Phủ (1954-2022). Quyết định tạm dừng triển lãm được Sở VH-TT Hà Nội đưa ra sau buổi làm việc với họa sĩ Minh, đại diện Cục Mỹ thuật – nhiếp ảnh và triển lãm và đại diện Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam (nơi cho thuê địa điểm triển lãm). Trước đó, Sở VH-TT Hà Nội là đơn vị đã cấp phép cho triển lãm này (Giấy phép số 133 ngày 14/4).
Phía báo Thanh Niên dẫn thông tin từ Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông, xác nhận có việc có văn bản của Cục Mỹ thuật-Nhiếp ảnh-Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) yêu cầu Sở VH-TT Hà Nội dừng triển lãm. “Trong văn bản đó có 2 ý thôi. Thứ nhất là rà soát lại nội dung triển lãm. Thứ hai là báo cáo lãnh đạo Bộ”, ông Đông nói, không tiết lộ nội dung cần rà soát là gì.
Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo – một thành viên của hội đồng duyệt triển lãm thuộc Sở VH-TT Hà Nội cho hay lý do khiến triển lãm phải tạm hoãn là do có những ý kiến cho rằng bức tranh chính của triển lãm Điện Biên Phủ “vẽ lá cờ bị rách quá và vẽ anh bộ đội không đẹp, không đúng về giải phẫu”, theo báo Tuổi Trẻ.
Đây là bức tranh sơn dầu có kích thước lớn, 190 x 490cm, vẽ trên toan liền khổ về chủ đề chiến đấu và chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo họa sĩ Minh, bức trường họa do ông thực hiện trong 10 năm (từ năm 2011-2021) với hàng ngàn phác thảo.
Buổi triển lãm còn có bức tranh chính thứ “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, được hoàn thành trong 4 năm, từ 2017 – 2021; 86 ký họa chì, bút bi, bút sắt và phác thảo chì, sơn dầu ở nhiều kích thước khác nhau mà họa sĩ đã thực hiện trong hành trình dài thực hiện dự án.
Khi lịch sử không chỉ có “đẹp” Trước việc một buổi triển lãm cá nhân quy mô lớn bị dừng trước “giờ G”, một số nghệ sĩ, họa sĩ, nhà nghiên cứu đã lên tiếng từ góc độ chuyên môn về bức vẽ chính của họa sĩ Minh trong triển lãm
Trên trang Facebook cá nhân, nghệ sĩ nhiếp ảnh gia nổi tiếng Lê Việt Khánh cho hay: “Nếu nói về hình họa giải phẫu thì anh Mai Duy Minh – tác giả trường họa Điện Biên Phủ – là một trong những sinh viên giỏi hình họa nhất trong thế hệ của tôi. Điều này được công nhận bởi tất cả thầy và trò trường Đại Học Mỹ thuật giai đoạn 1990-2000”.
Nói về tác phẩm chính – “Điện Biên Phủ”, ông Khánh cho biết đây “giống như một tác phẩm nghệ thuật đương đại hơn là một tác phẩm mỹ thuật đơn thuần”, vì “đã vẽ một bức tranh Đẹp từ những chất liệu hình ảnh có thể “không” đẹp!”. “Với con mắt chuyên môn mà đánh giá, thì kỹ thuật hội họa của anh Minh trong bức tranh này không có gì chê được cả” – ông Khánh nhận định.
Một trích đoạn bị đặt câu hỏi trong bức “Điện Biên Phủ” của Mai Duy Minh. (Hình ảnh dẫn qua Ace Lê/Facebook) Nói về hình ảnh người lính ở trung tâm của bức tranh đang gây tranh cãi, ông Khánh cho rằng đây “chính là một hình ảnh điển hình, cực kỳ điển hình của những người lính Việt Minh xuất thân từ tầng lớp nông dân, bần cố nông mà nay ta vẫn hay dùng từ “vàng vẩu” để ám chỉ”. “[…] Lá cờ thì không bàn. Trong chiến trận cờ phải rách, và không có định lượng nào quy định cờ phải rách bao nhiêu phần trăm mới đạt yêu cầu”.
“Một tác phẩm mất hơn 10 năm ấp ủ, với hàng ngàn bản phác thảo mới định hình được không phải thứ có thể đem ra làm trò đùa.” – vị nhiếp ảnh gia nhận định.
Từ TP.HCM, trao đổi với Trí Thức VN, họa sĩ Phạm Ngọc Dương nhận định họa sĩ Minh được đánh giá là một họa sĩ xuất sắc trong giới họa sĩ vẽ sơn dầu.
“Việc cơ quan chức năng cho dừng triển lãm có thể vì anh Minh đã nhìn ra góc độ chiến thắng đó là bi tráng, với hình ảnh người lính rất khổ sở. Nói về hiện thực chiến trường thì Minh đã tả thực vì chiến trường, chiến tranh nó rất ghê sợ, nó tàn bạo”, ông Dương nói.
Họa sĩ Dương cho hay tấm ảnh đen trắng ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ với hình ảnh một người lính đứng trên hầm de Castries phất cờ chỉ là hình ảnh tạo dựng, được cắt ra từ bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” do đạo diễn Liên Xô Roman Karmen quay sau ngày 7/5/1954.
Cho tới nay, bức ảnh này vẫn được đưa vào sách giáo khoa, phim ảnh truyền hình, pano, áp phích… trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, như là một bằng chứng và tư liệu lịch sử gốc về ngày 7/5/1954 tại hầm của tướng Pháp Christian de Castries ở Điện Biên Phủ. “Còn vào đúng thời điểm chiếm hầm của tướng Castries, chẳng có ai đứng trên đó phất cờ cả.” – theo ông Dương.
Bức tranh “Điện Biên Phủ” của họa sĩ Minh lại phác họa một hình ảnh khác hoàn toàn. Người lính không đứng trên hầm de Castries mà đứng ở một khu chiến trường, dưới chân là một người lính khác bị thương đang cầm một bức ảnh giơ lên. Đây cũng là hai trích đoạn bị đặt câu hỏi trong bức họa này.
Một trích đoạn bị đặt câu hỏi trong bức “Điện Biên Phủ” của Mai Duy Minh. (Hình ảnh dẫn qua Ace Lê/Facebook) “Họa sĩ Minh đã đi phỏng vấn rất nhiều người từng tham gia chiến tranh, biết được là trước khi chết người ta hay lôi kỷ vật ra, hoặc là gọi tên mẹ, những người lính trẻ chưa có vợ thì gọi tên mẹ, những người có vợ, có người yêu thì thường lôi ảnh của vợ, của người yêu ra để xem lần cuối cùng trước khi chết. Câu chuyện này rất nhiều người lính đã nói. Anh ấy đã tìm hiểu rất nhiều trước khi vẽ, quá trình chuẩn bị 10 năm mà, nghiên cứu rất kỹ thì mới vẽ nên. Tôi có mấy người bạn là người anh lớn, từng đi lính ở chiến trường Campuchia, từng vào sinh ra tử đã nói bức tranh ấy giống hệt cuộc đời của anh ấy, mà nó còn khốc liệt hơn”, ông Dương nói. Về lý do triển lãm bị dừng là vì hình ảnh người lính “không đúng về giải phẫu”, ông Dương cho hay: “Đưa ra lý do hình ảnh người lính sai về mặt giải phẫu, nói thật là… Có thể người ta không muốn hình ảnh người lính ốm đói. Thực ra, ngày xưa bản thân nhà thơ Tố Hữu đã có những câu thơ nói về cuộc sống của lính Điện Biên Phủ rất khổ sở (“Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”), thơ của Chính Hữu viết về những thời: “Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/Chân không giầy…”. Tức là sự thật thì là như vậy. Chứ ngày xưa lính mình từ năm 45 đi lên, sau 9 năm thì chẳng rách nát, khổ sở? Chẳng qua bây giờ họ muốn hình ảnh thật đẹp lên, còn nói ra như vậy thì làm sao mà chịu được”. Cũng như ông Khanh, ông Dương cho hay họa sĩ Minh là một người “cực kỳ giỏi về nghề, cực kỳ giỏi về giải phẫu”, “là một trong hai họa sĩ rất giỏi về vẽ tả thực ở Việt Nam”. Trên trang Facebook cá nhân, nhà nghiên cứu, giám tuyển Ace Lê chỉ ra rằng, việc kiểm duyệt vô hình trung sẽ tạo môi trường cho tác phẩm được lan tỏa rộng hơn vào công chúng. “Lịch sử minh họa, cái gì càng cấm người ta càng tò mò. Huống hồ, mục đích của nghệ thuật là khiến người xem đặt câu hỏi. Việc dúi đáp án vào tay khán giả, là nhiệm vụ của quảng cáo, của các chiến dịch tuyên truyền.” – ông viết. “Nói vậy để nói rằng, các tác phẩm quan trọng, dù bị kiểm duyệt hay không, vẫn sẽ lan tỏa bằng cách này hay cách khác, vẫn sẽ đi vào lịch sử bằng cách này hay cách khác. Và đời sống của tác phẩm đó sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ của cơ thể vật lý hai chiều trên mảnh giấy hay tấm toan, trở thành một phần không quên được trong ký ức tập thể của công chúng khi họ tương tác tư tưởng với nó.”, theo ông Lê. Theo ghi nhận vào chiều 9/5, người quan tâm đến buổi triển lãm, tới Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam trên đường Yết Kiêu (Hà Nội) bị bảo vệ ngăn cản không cho vào, không cho chụp hình. Vĩnh Long / Trí Thức VN.
Vladimir Putin trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng lần thứ 77 tại Quảng trường Đỏ, ngày 9 Tháng Năm 2022 (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)
Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine đã tiếp diễn sang tuần lễ thứ 11 và quân Nga vẫn chưa giành được một chiến thắng quân sự nào khả dĩ có thể đem ra khoe với dân chúng trong lễ kỷ niệm ngày chiến thắng phát-xít Đức được tổ chức rầm rộ hàng năm ở Moscow.
Theo tin tức truyền thông, vào thứ Hai 9 tháng Năm, Quảng trường Đỏ ở Moscow sẽ vang dội tiếng hò reo chào đón cuộc diễu binh Ngày Chiến thắng 9 tháng Năm. Đây là một cuộc trưng bày thường niên về sức mạnh quân sự của Nga được dàn dựng cẩn thận mà ít nơi nào trên thế giới sánh được.
Tuy nhiên, tại cuộc duyệt binh của Nga năm nay người ta ít chú ý tới các loại vũ khí tối tân nhất tượng trưng cho sức mạnh quân sự của Nga diễu hành qua trước mặt Tổng thống Vladimir V. Putin, mà tập trung nhiều hơn vào câu hỏi ông Putin dự định sử dụng sức mạnh quân sự đó như thế nào. Dù có ưu thế quân sự vượt trội so với Ukraine, Nga vẫn không đạt được các mục tiêu đề ra cho cuộc chiến tranh tàn khốc ở đó, nếu không nói là Nga đang chịu những tổn thất hết sức nặng nề trong hơn hai tháng chiến tranh.
Chưa bao giờ kể từ 1945, Ngày Chiến thắng của nước Nga lại chứa nhiều nỗi nhục như năm nay (ảnh: Contributor/Getty Images)
Bà Linda Thomas-Greenfield, trưởng phái bộ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, nói trên đài CNN và được AP dẫn lại: “Họ [người Nga] không có gì để ăn mừng. Họ đã không thành công trong ý đồ đánh bại Ukraine. Họ không thành công trong việc chia rẽ thế giới hoặc chia rẽ NATO. Và họ chỉ thành công trong việc tự cô lập họ trên trường quốc tế và trở thành một nhà nước bị xua đuổi (pariah state) trên toàn cầu”.
Cuộc tấn công của Nga trên khắp miền bắc Ukraine đã sụp đổ. Việc chiếm đóng kiểm soát các thị trấn và làng mạc ở khu vực Donbass phía đông, nơi Nga tập trung lực lượng, vẫn tiếp tục bấp bênh. Quân Nga đã chiếm được một số vùng lãnh thổ dọc theo bờ biển, nhưng phải trả giá bằng việc san bằng các thành phố như Mariupol và cái chết của vô số thường dân.
Đã có rất nhiều tin đồn về những gì ông Putin có thể thông báo liên quan đến cuộc chiến khi ông đọc diễn văn vào ngày lễ, từ việc tổng động viên thanh niên Nga – một tin đồn mà Kremlin đã bác bỏ – cho đến tuyên bố chiến thắng bằng cách trưng ra các vùng lãnh thổ dọc bờ biển nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh khốc liệt. Nếu như vậy, đây sẽ là một điểm khác biệt so với những buổi lễ kỷ niệm chiến thắng trong các năm gần đây, khi ông Putin tránh sử dụng lễ duyệt binh để thông báo các chính sách hoặc kế hoạch quân sự mà thay vào đó ông tập trung phát biểu ngắn gọn để tỏ lòng thành kính với hàng triệu người Nga đã hy sinh trong Thế chiến thứ Hai.
Ông Putin đã tìm cách biến cuộc duyệt binh thành biểu tượng cho nỗ lực phục hồi nước Nga như một cường quốc toàn cầu, đồng thời gắn việc tiếp tục nhiệm kỳ tổng thống của mình với sự đoàn kết dân tộc, sự hy sinh và quyền lực tập trung cần thiết để thực hiện mục tiêu lớn đó, như nước Nga đã đoàn kết để chiến thắng Đức Quốc xã những năm 1941-1945.
Lễ duyệt binh hào nhoáng không che đậy được nỗi đau thất bại tại chiến trường Ukraine (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)
Một số diễn biến khác của cuộc chiến Nga-Ukraine:
* Một báo cáo của tình báo quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Anh cho biết, kho hỏa tiễn được dẫn đường có độ chính xác, và kho bom của quân Nga đã cạn kiệt. Hiện quân Nga phải dựa nhiều hơn vào các loại vũ khí kém chính xác và dễ bị đánh chặn. Hậu quả của chuyện này là các cuộc tấn công bừa bãi “ít hoặc không quan tâm tới thương vong của thường dân.”
* Viện Nghiên cứu Chiến tranh – một think-tank của Mỹ, nhận định những cuộc phản công của quân Ukraine để chiếm lại các vùng lãnh thổ chung quanh Kharkiv – thành phố lớn thứ hai của Ukraine ở miền đông bắc, có thể buộc quân Nga phải tái bố trí vào khu vực này thay vì tăng viện cho các chiến dịch đang bị sa lầy ở miền Đông Ukraine.
* Trong cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào hôm nay Chủ Nhật 8 tháng Năm, các nhà lãnh đạo của Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết sẽ cấm nhập cảng hoặc loại bỏ dầu mỏ của Nga, nhằm tiếp tục làm xói mòn vị thế kinh tế của Nga khi nước này theo đuổi cuộc xâm lược Ukraine.
Nhóm G7 – gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Đức, Canada và Ý – đã cung cấp hoặc đã cam kết viện trợ cho Ukraine $24 tỷ trong năm 2022. “Trong những tuần lễ tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh sự hỗ trợ tập thể về tài chính ngắn hạn cho Ukraine”, tuyên bố của cuộc họp cho biết.
* Cả bà Jill Biden, đệ nhất phu nhân Mỹ và ông Justin Trudeau, thủ tướng Canada, đều có những chuyến thăm riêng biệt, không báo trước tới Ukraine. Ông Trudeau đã đến thăm thị trấn Irpin, ngoại ô Kyiv, nơi các quan chức địa phương đã đăng những bức ảnh về sự tàn phá mà quân Nga gây ra cho thành phố.
* Các quan chức địa phương cho biết, hàng chục người được cho là đã thiệt mạng sau khi Nga ném bom và bắn hỏa tiễn san bằng một trường học ở miền đông Ukraine hôm thứ Bảy.