Resort mới nằm ở bãi Trường, Phú Quốc được báo Hong Kong đánh giá là một trong những khu nghỉ dưỡng mới tốt nhất.
Mặc dù trải qua hai năm đại dịch, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn vẫn không ngừng phát triển và xây mới, tạo nên những tên tuổi đáng chú ý. Mục du lịch của báo Hong Kong South China Morning Post mới chọn ra 8 resort tốt nhất sẽ mở trong năm nay.
Regent Phú Quốc là khu nghỉ dưỡng cao cấp sẽ ra mắt vào quý hai. Nằm ở bờ biển thơ mộng của Bãi Trường, bên cạnh khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận, khu nghỉ chỉ cách sân bay Phú Quốc 15 phút di chuyển. Regent Phú Quốc có khoảng 500 căn suite và villa, sáu nhà hàng, quán bar, bể bơi… Kiến trúc của khu nghỉ có phong cách hiện đại tối giản nhưng vẫn mang nét Việt Nam. Ảnh phối cảnh khu nghỉ dưỡng
Ritz-Carlton Reserve ở Cửu Trại Câu, Tứ Xuyên, Trung Quốc được xây dựng từ 2017 và chuẩn bị đón khách cuối năm nay. Khu nghỉ có vị trí đắc địa trong khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng. Nằm ở độ cao 2.300 m so với mực nước biển và giáp với cao nguyên Tây Tạng, khu nghỉ hướng ra thung lũng Cửu Trại Câu với không gian của những khu rừng cổ thụ, hồ và thác nước tự nhiên. Kiến trúc và nội thất đều được thiết kế hài hòa với không gian thiên nhiên bao quanh. Nghỉ tại đây, du khách được trải nghiệm văn hóa và ẩm thực của các dân tộc bản địa. Ảnh phối cảnh khu nghỉ dưỡng
Raffles London trong tòa nhà OWO ở thủ đô nước Anh dự tính mở vào cuối năm nay. Tòa OWO có 1.100 phòng hoàn thiện năm 1906 này từng là trụ sở làm việc của chính phủ Anh trong Thế chiến thứ hai. Phim điệp viên James Bond cũng từng có nhiều cảnh quay tại đây.
Ngày nay nhiều phòng trong đó được chuyển thành khách sạn. Nhà thiết kế Thierry Despont đã biến đổi nơi này thành khu nghỉ có 120 phòng khách sạn, 85 căn ở dài hạn, một spa và 11 quán bar, nhà hàng. Các nghệ nhân đã khôi phục nội thất từ sàn lát khảm trai thủ công, tường ốp ván gỗ sồi, cầu thang lát đá cẩm thạch… Ảnh: Raffles
Khu bảo tồn thiên nhiên Nambiti, cách Johannesburg, thủ đô Nam Phi khoảng 4 tiếng đi ôtô. Tại đây có gần 50 loài động vật đang sinh sống và 10 khu nghỉ xây bằng gỗ dạng safari lodge đem đến những trải nghiệm riêng tư độc đáo. Homestead là một khu nghỉ mới gồm 12 căn suite, sẽ đón khách vào mùa xuân này ở Nambiti.
Tính bền vững là tiêu chí hàng đầu của khu nghỉ từ việc xây dựng cho đến thiết kế các hoạt động cho du khách. Mái nhà lợp từ cỏ thu hoạch ngay tại địa phương, bình chứa nước mưa dùng từ đồ tái sử dụng, sử dụng năng lượng mặt trời tạo nguồn điện chạy các thiết bị, khu nghỉ còn sử dụng xe điện để chở khách nhằm giảm phát thải CO2. Ảnh phối cảnh khu nghỉ dưỡng
Lanserhof Tegernsee ở đảo Sylt, ngoài khơi bờ biển Bắc gần biên giới Đức – Đan Mạch là địa chỉ thứ ba của Lanserhof tại Đức, sẽ mở cửa từ tháng 5. Nhìn từ xa khu nghỉ như một tập hợp những ngôi nhà cỏ khổng lồ. Ngoài các khu tập gym, spa, khu nghỉ còn trang bị đầy đủ máy móc để chuẩn đoán bệnh cũng như đội ngũ chuyên gia y tế nhằm chăm sóc sức khỏe cho khách. Vì thế không chỉ để nghỉ ngơi, nơi này còn là địa chỉ cho người muốn phục hồi sức khỏe giữa không gian của một hòn đảo xanh tươi. Ảnh: Lanserhof
Sau hai năm Covid-19 bị hạn chế du lịch, mùa đông 2022- 2023 sẽ là thời điểm bùng nổ của các khu nghỉ dưỡng tuyết. Six Sense Crans-Montana dự kiến mở trong năm nay tại ở Valais, cách Geneve, Thụy Sĩ, hai tiếng đi tàu. Một trong những điểm nổi bật nhất của khu nghỉ là spa rộng 2.040 m2 cung cấp các dịch vụ massage, trị liệu để chăm sóc từ cơ thể tới cảm xúc cho du khách. Khu nghỉ sử dụng tối đa các nguyên vật liệu tái chế và nguồn năng lượng có thể tái tạo. Ảnh: sixsenses
Khu nghỉ dưỡng Aman tại New York, Mỹ sẽ đón khách từ tháng 5. Khu nghỉ sang trọng nằm ngay giữa Manhattan sôi động. Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Jean Michel Gathy từng làm nhiều khu nghỉ Aman trước đó. 83 phòng nghỉ cùng 28 căn ở lâu dài, ba nhà hàng, một club nhạc jazz, một khu spa lớn nằm trọn trong tòa Crown 101 tuổi. Ảnh: Aman
Buahan, khu nghỉ đầu tiên của thương hiệu khách sạn và nghỉ dưỡng Banyan Tree ở Bali, Indonesia, sẽ đón khách mùa hè này. Nằm nép mình trong hẻm núi rậm rạp cây cối và bên cạnh dòng sông Ayung, khu nghỉ Buahan xây dựng theo phong cách “không tường rào, không cửa”. Vì thế ngăn cách du khách với không gian thiên nhiên bên ngoài chỉ là những bức mành, rèm.
Bước vào 16 villa du khách dễ tìm thấy các món đồ thủ công do chính người Bali làm ra, từ đồ mây tre đan, tủ gỗ chạm khắc tay cho đến các bồn tắm đồng. Bên cạnh nghỉ dưỡng tại chỗ, du khách có thể trekking thăm các gia đình ở làng Buahan, tham gia nghi lễ tế thần ở đền địa phương. Ảnh: Banyan Tree
Vào những năm 1990, nhà nghiên cứu văn học Nga, Andrey Makin đã vô cùng may mắn khi đến được nước Pháp. Hầu như không được biết đến ở quê hương của mình, nhưng với khả năng tiếng Pháp xuất sắc, ông đã viết một số cuốn sách nổi tiếng và trở thành Viện sỹ Viện Hàn lâm Pháp. Vào năm 2022, ở Pháp đã nẩy sinh yêu cầu xác định: Andrey Makin là ai, một bậc thầy về văn hóa chăng?…
Viện sỹ Andrey Makin
Cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay đã thực sự khiến Andrey Makin lo lắng về việc “Ukraine đang bị biến thành một cái vạc lửa”. Ông không coi mình là người có lập trường ủng hộ Điện Kremlin và lấy làm tiếc vì cách tiếp cận vội vã đối với một cuộc xung đột vốn đòi hỏi phải có sự phân biệt thật rõ ràng giữa mặt đúng, mặt sai, một sự phân biệt đứng ngoài ngoài mọi cuộc tranh cãi… Trong cuộc trò chuyện mới đây với báo Le Figaro, Andrey Makin đã bày tỏ quan điểm của mình.
* Le Figaro: Hai chữ “chiến tranh” gợi lên trong ông – một nhà văn gốc Nga – những cảm xúc gì?
– Viện sĩAndrey Makin: Tôi thậm chí không thể tưởng tượng được. Trước mắt tôi hiện ra khuôn mặt những người bạn Ukraine của tôi ở Moscow. Với họ, trước hết, tôi nhìn thấy những người bạn. Rồi tới khuôn mặt của con cháu họ, những người đã rơi vào cái vạc lửa này.
Tôi xót thương những người Ukraine bị chết dưới bom đạn, cũng như những người lính Nga trẻ tuổi đang tiến hành một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này. Số phận của những người bất hạnh – đối với tôi – quan trọng hơn nhiều số bộ phận của những vị nguyên thủ chóp bu… Như nhà văn Pháp Paul Valery đã nói: “Chiến tranh là một loại hành động xuẩn ngốc mà những người không quen biết nhau bỗng giết nhau vì vinh quang và lợi lộc của những kẻ biết nhau và không giết nhau”.
* Một số nhà báo gọi ông là nhà văn ủng hộ Putin. Sự thật là như vậy sao?
– Tôi có được “nhãn hiệu” này khoảng gần hai mươi năm nay, nhờ một nữ nhà báo từ France-Presse. Điều ấy xảy ra ngay sau sự ra đi của Boris Yeltsin, người mà các hoạt động của ông đã trở thành một thảm họa đối với nước Nga. Tôi giải thích với cô ấy rằng Yeltsin, trong tình trạng say rượu liên tục, thực sự gây nguy hiểm, vì ông ta là người chịu trách nhiệm về nút bấm hạt nhân. Và tôi bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai, nước Nga có thể sẽ trở nên lý trí và thực dụng hơn một chút. Nhưng cô ấy đã viết với dòng tiêu đề: “Makin bảo vệ chủ nghĩa thực dụng của Putin”. Vì đó là tin tức của AFP, nên nó đã được lan chuyền khắp nơi. Khi tôi vừa gia nhập Viện Hàn lâm, một tờ tuần báo hàng đầu, mà tôi sẽ không nêu tên ra đây vì sự tử tế của mình, bỗng đăng một bài với tiêu đề: “Makin là tay sai của Putin trong Viện Hàn lâm Pháp”… Đây là bằng chứng quá thuyết phục về thế giới dối trá mà chúng ta đang sống.
* Ông lên án hoạt động quân sự của Nga chứ…
– Sự phản đối của tôi đối với hoạt động ấy không nên trở thành một loại thần chú, một minh chứng về quyền công dân cho những trí thức không dám công khai ra mặt. Để nhắc lại điều hiển nhiên này, tôi hoàn toàn không muốn lên tiếng và cũng không ủng hộ cách tiếp cận vội vã với thảm kịch hiện nay, điều sẽ cản trở bất kỳ cuộc bàn thảo và hiểu biết nào.
Chúng ta có thể lên án quyết định của Vladimir Putin, phỉ báng Nga, nhưng điều này sẽ không giải quyết được gì và sẽ không giúp ích được gì cho người Ukraine.
Hãy nhớ lại câu chuyện hậu trường đã làm cho thảm họa này có thể xảy ra. Cuộc chiến của quân đội Ukraine tại Donbass kéo dài 8 năm, hậu quả là 13 nghìn người chết và số người bị thương cũng tương tự, kể cả trẻ em. Tôi lấy làm tiếc về sự im lặng của giới chính trị và truyền thông xung quanh vấn đề này, sự thờ ơ với những người đã chết, mà mọi tội lỗi duy nhất của những ai bị thiệt mạng là do họ nói tiếng Nga. Nhưng khi tôi nói điều này, không có nghĩa là tôi biện minh cho bất kỳ hành động nào của Vladimir Putin. Và nếu ai đó nhắc đến vai trò của Hoa Kỳ, hiện diện trong tất cả các hành lang quyền lực của Ukraine, kể cả trước và trong thời điểm diễn ra “cuộc cách mạng Maidan”, thì điều này cũng không hoàn toàn nhắm biện minh cho người thủ lĩnh của nước Nga hiện nay.
Cuối cùng, chúng ta không được quên những tiền lệ được đặt ra bởi vụ đánh bom Belgrade và sự tàn phá Serbia của các lực lượng NATO vào năm 1999 mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nga coi các sự kiện này như một sự sỉ nhục và giữ mãi chúng trong ký ức. Cuộc chiến ở Kosovo đã đọng lại trong hoài niệm của người dân Nga và nhà lãnh đạo nước này một thời gian khá dài. Khi Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga đang gặp nguy hiểm, đây không phải là “cái cớ”. Dù đúng hay sai, người Nga đều cảm thấy bị bao vây, và điều này gắn liền với lịch sử, cũng như với các hoạt động quân sự của phương Tây ở Afghanistan, Iraq và Libya…
Cuộc nói chuyện giữa Putin và tổng thống Kazakhstan đã tóm gọn tất cả. Nhà lãnh đạo Kazakhstan từng cố gắng thuyết phục Putin tin rằng việc triển khai các căn cứ của Mỹ trên lãnh thổ Kazakhstan sẽ không gây ra mối đe dọa nào cho Nga. Vì vậy, hãy đồng ý không coi Hoa Kỳ là một mối đe dọa. Putin đã đáp lại với một nụ cười buồn: “Đó chính xác là những gì người Mỹ đã cố gắng thuyết phục Saddam Hussein!”.
Một lần nữa tôi nhắc lại, không có cách nào hợp thức hóa được các vụ bắn phá và ném bom, nhưng điều quan trọng không phải là những gì tôi nghĩ, cũng không phải là tất cả chúng ta nghĩ. Ở châu Âu, tất cả chúng ta đều là những người theo chủ nghĩa hòa bình về vấn đề này. Nhưng bạn phải hiểu những gì Putin đang nghĩ, và đặc biệt là những gì người Nga đang nghĩ, hoặc ít nhất ra là một phần lớn trong số họ đang nghĩ.
* Ông có nghĩ rằng hành động của Putin là hệ quả chính sách của phương Tây? Chả lẽ Tổng thống Nga không có ý định thực hiện một hành động gì đó đáp trả những chính sách đó hay sao?
– Tôi đã nhìn thấy Vladimir Putin vào năm 2001, ngay sau cuộc bầu cử đầu tiên của ông ấy. Đó là một con người hoàn toàn khác so với bây giờ. Ông ta có một giọng nói rụt rè, không tự tin lắm. Khi đó, ông ta đang tìm kiếm sự hiểu biết ở các quốc gia dân chủ. Tôi hoàn toàn không tin rằng vào thời điểm đó ông ta đã đang ấp ủ một kế hoạch mang màu sắc của chủ nghĩa đế quốc, như ngày hôm nay người ta khẳng định. Tôi thấy ông ta là một chính trị gia thực dụng hơn là một nhà tư tưởng. Vào thời điểm đó, chính phủ Nga đã tìm cách đạt được chỗ đứng trong thế giới phương Tây. Và thật ngu ngốc khi nghĩ rằng người Nga quá hoài niệm đối với Gulag và Bộ Chính trị. Họ có thể khao khát an ninh kinh tế, không có thất nghiệp. Và họ cũng khao khát sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
Tại Đại học Tổng hợp Moscow, không một ai tạo ra sự khác biệt giữa sinh viên Nga và Ukraine, cũng như đối với sinh viên các nước cộng hòa khác thuộc Liên Xô cũ… “Tuần trăng mật” tiếp tục diễn ra giữa Nga và Châu Âu, giữa Putin và Châu Âu khá lâu. Năm 2001, Putin là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đề nghị hỗ trợ George W. Bush sau vụ tấn công 11/9. Nhờ vào các căn cứ của mình ở Trung Á, Nga đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Mỹ trong khu vực. Nhưng vào năm 2002, Mỹ đã rút khỏi hiệp ước ABM yêu cầu hạn chế việc triển khai các lá chắn chống tên lửa. Nga phản đối quyết định này, theo quan điểm của Nga, hành động của Mỹ chỉ có thể làm tăng cường việc chạy đua vũ trang.
Và vào năm 2003, người Mỹ đã tuyên bố tổ chức lại các lực lượng vũ trang của họ nhằm vào Đông Âu. Putin bắt đầu chán nản kể từ năm 2004, khi các nước xã hội chủ nghĩa xưa kia gia nhập NATO cùng với việc gia nhập Liên minh châu Âu. Hóa ra như thế này: để trở thành một người châu Âu, bạn cần phải trở thành một người chống Nga. Thật là xấu hổ! Putin hiểu rằng châu Âu đã bị Mỹ nô dịch. Sau đó, vào năm 2007, bước ngoặt thực sự đã đến khi Putin có bài phát biểu tại Munich, trong đó ông cáo buộc người Mỹ duy trì các cấu trúc NATO lỗi thời và nỗ lực tạo nên một thế giới đơn cực. Ấy vậy mà, vào năm 2021, khi lên nắm quyền, Joe Biden không nói gì hơn ngoài việc khẳng định: “Nước Mỹ sẽ thống trị thế giới một lần nữa”.
* Chúng tôi có cảm giác rằng, theo cách nhìn nhận của ông thì cả phương Tây và cả Nga đều đúng. Chả lẽ trong những biến cố hiện nay, ông không thấy ai là kẻ đi xâm chiếm sao?
– Tôi không bênh vực ai cả! Nhưng tôi lấy làm tiếc khi tuyên truyền của châu Âu đối lập với tuyên truyền của Nga. Ngược lại thế, ngay từ bây giờ châu Âu nên thể hiện sự khác biệt của mình, khi đưa ra một nền báo chí đa chiều, mở ra các cuộc tranh luận. Khi tôi còn là một đứa trẻ ở nước Nga Xô Viết, trong số các tờ báo, hình như duy chỉ có tờ Sự thật là tồn tại, tôi đã mơ về một nước Pháp với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nơi các ý kiến khác nhau được đăng trên các tờ báo khác nhau. Cuộc chiến đã giáng một đòn khủng khiếp vào quyền tự do ngôn luận: ở Nga – điều này không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng ở phương Tây lại cũng y chang. Họ nói rằng “thương vong đầu tiên của chiến tranh luôn là sự thật”. Điều đó đúng, nhưng tôi muốn điều này không xảy ra ở Châu Âu, ở Pháp.
Theo tôi, việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula Von Der Leyen, đóng cửa kênh RT France là một sai lầm mà chắc chắn dư luận sẽ cho đó là một hoạt động kiểm duyệt. Làm sao không phẫn nộ trước việc chuyến lưu diễn của Nhà hát Bolshoi tại Nhà hát Opera Hoàng gia ở London bị hủy bỏ, cũng như các bài giảng công khai về Dostoevsky tại Đại học Milan bị ngưng lại? Làm thế nào chúng ta có thể khẳng định rằng chúng ta đang bảo vệ nền dân chủ bằng cách kiểm duyệt các kênh truyền hình, hoạt động của các nghệ sĩ, nội dung của các cuốn sách? Bằng các biện pháp vừa kể trên, chính người châu Âu sẽ nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc của Nga và kết cục là ngược lại với những gì họ mong đợi.
Nên làm khác đi. Cần phải mở cửa với Nga, cụ thể là thông qua những người Nga sống ở châu Âu và thân châu Âu. Như Dostoevsky đã nói rất đúng: “Mọi viên đá ở châu Âu này đều thân yêu đối với chúng ta”.
* Nhưng không đáng coi là độc hại sao, khi Putin nói về “sự phân biệt hóa”? …
– Tiểu đoàn Azov (một tổ chức khủng bố bị cấm ở Liên bang Nga) đơn vị đã tái chiếm thành phố Mariupol từ tay quân ly khai vào năm 2014 và kể từ đó được đưa vào quân đội chính quy Ukraine, đã tuyên bố tư tưởng tân Quốc xã của mình. Các đội viên đội mũ bảo hiểm, đeo huy hiệu có biểu tượng của S.S và cây thánh giá có hình chữ Vạn. Tất nhiên, sự hiện diện của họ vẫn còn chuyện bên lề, nhà nước Ukraine không phải là Đức Quốc xã và không tôn thờ Stepan Bandera vô điều kiện. Nhưng các nhà báo phương Tây lẽ ra phải điều tra nghiêm túc về ảnh hưởng này, và châu Âu lẽ ra nên lên án sự hiện diện các biểu tượng của Đức Quốc xã trên lãnh thổ của mình. Cần phải hiểu rằng điều ấy nhắc nhớ người Nga về Chiến tranh thế giới thứ hai và về các tên phát xít Ukraine ủng hộ Hitler. Và điều này khiến người Nga tin vào những lời tuyên truyền của Điện Kremlin.
* Ngoài những tranh cãi về nguyên nhân và trách nhiệm của từng bên tham chiến, ông nghĩ gì về phản ứng của châu Âu?
– Bruno Le Maire bị phê phán khi ông này nói về một cuộc chiến tranh tổng lực, nhưng ông ta có công là đã nói ra sự thật và công khai gọi những kẻ gửi vũ khí và lính đánh thuê tới Ucraine với ý định phá hoại nền kinh tế Nga. Trên thực tế, đó là việc phá hủy nước Nga và làm bần cùng hóa người dân ở nước này. Cần phải nói trắng ra rằng: phương Tây đang chống lại Nga.
Tuy nhiên, nếu có thể kể tới một thời điểm tích cực tạo ra khả năng dân chủ hóa nước Nga, thì đó là sự phá hủy cấu trúc đầu sỏ, vốn đã là một khối u thực sự được bắt đầu từ những năm 1990. Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu trục xuất những tên đầu sỏ dã thú, tịch thu hàng tỷ rúp đánh cắp được và gửi tại London. Và thay vì đóng băng chúng như hiện nay, hãy phân phát chúng cho những người nghèo ở châu Âu và Nga.
* Còn những điều gì khác cần phải làm?
– Để ngăn chặn cuộc chiến đang xẩy ra, để tạo cho Ukraine một tương lai tốt đẹp, như trước đây, người ta vẫn tin rằng cần phải tấn công. Nhưng đôi khi cần phải làm ngược lại – rút lui! Cần phải nói: “Chúng tôi đã sai!”. Năm 1992, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, chúng tôi thấy mình đang ở ngã ba đường. Chúng tôi đã rẽ sai đường. Khi đó tôi thực sự nghĩ rằng sẽ không còn khối nữa, NATO sẽ tan rã vì Mỹ không còn kẻ thù, rằng chúng ta sẽ tạo ra một lục địa hòa bình vĩ đại… Nhưng ngay khi đó tôi lại cũng cảm thấy ngay tình hình sắp sôi réo, bởi vì đã xuất hiện những sự căng thẳng mới, ở Caucasus, ở Armenia, ở Nagorno-Karabakh… Và tôi đã viết một bức thư cho Tổng thống Pháp François Mitterrand.
* Nội dung của bức thư đó là gì?
– Tôi không biết Tổng thống François Mitterrand có nhận được bức thư ấy hay không, nhưng tôi đã nói với ông ta về việc xây dựng một châu Âu không liên quan chút nào đến con quái vật quan liêu do Madame Von der Leyen trình bày ngày hôm nay. Tôi mơ ước về một châu Âu tôn trọng bản sắc, giống như Mitteleuropa của Zweig và của Rilke. Về một châu Âu mạnh mẽ và linh hoạt hơn, có thể mở rộng thêm vòng tay với Ukraine, các nước Baltic và, tại sao không – với cả Belarus. Nhưng đó sẽ phải là một châu Âu không có vũ khí, không có các khối quân sự, một châu Âu bao gồm các thánh địa của thế giới. Hai người bảo lãnh cho “công trình kiến trúc” này có thể là Pháp và Nga, hai cường quốc hạt nhân nằm ở hai đầu châu Âu, được Liên Hợp Quốc giao nhiệm vụ bảo vệ lục địa này theo luật định.
* Điều này thực tế đến mức nào?
– Phân tử – Europe không phải là điều không tưởng, nó đã tồn tại. Tôi muốn tin vào điều đó và kiên định với ý tưởng này. Vài năm trước, tôi đã gặp Jacques Chirac và sau đó là Dominique de Villepin, người đã chia sẻ tầm nhìn về châu Âu từ Paris đến St.Petersburg. Nhưng người Mỹ đã quyết định theo cách của họ. Điều này dường như có nghĩa là sự kết thúc của NATO, sự kết thúc của quá trình quân sự hóa châu Âu, với sự hỗ trợ của Nga và sự giàu có của nó sẽ khiến châu Âu trở nên quá hùng mạnh và độc lập. Tôi vẫn hy vọng rằng vị tổng thống mới sẽ tiếp thu ý tưởng này.
Châu Âu đó hiện là con tàu Titanic đang chìm, nhưng chúng ta đang cố gắng tự cứu. Tình trạng này thật bi thảm, hỗn loạn đến mức cần phải đề xuất một giải pháp triệt để, có nghĩa là quay trở lại thời kỳ phân đôi của năm 1992 và thừa nhận rằng không cần thiết phải tiếp tục chạy đua vũ trang, hãy đi theo con đường dân chủ và hòa bình, con đường ấy có thể bao gồm cả nước Nga. Điều này sẽ chấm dứt các xu hướng cực đoan ở Nga. Điều này cũng sẽ cho phép tránh được một sự sụp đổ kinh tế và chính trị ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh. Đây có thể sẽ là một lối thoát xứng đáng cho tất cả mọi người và giúp xây dựng một châu Âu hòa bình, trí thức và văn hóa.
Lục địa của chúng ta là một kho tàng sống cần được bảo vệ. Than ôi, chúng ta thích quan điểm hoàn toàn trái ngược: cấm Dostoevsky và tiến hành chiến tranh. Một cách hành xử như vậy sẽ tất yếu đi tới sự hủy diệt, bởi vì sẽ không có ai là người chiến thắng cả.
TÔ HOÀNG chuyển ngữ bản tiếng Nga
Bài đăng trên báo Le Figaro – Pháp / Báo Văn Nghệ số 13/2022
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự khai mạc Hội nghị
Hội nghị Trung ương 5 khoá 13 của đảng cộng sản Việt Nam sẽ nhóm họp vào ngày 4-5-2022 và dự kiến sẽ bế mạc sáng 10-5-2022. Thông tin cho hay, hội nghị lần này ngoài việc “lập trình” và định hướng các nội dung cho kỳ họp thứ 3 quốc hội khoá 15 diễn ra từ ngày 23-5 đến 17-6-2022, thì nội dung còn lại chỉ tập trung vào xây dựng tổ chức đảng, chỉnh đốn đảng và kỷ luật đảng. Ngoài ra, Bộ Chính trị trình đề nghị trung ương bàn và thông qua việc thành lập Ban phòng chống tham nhũng và tiêu cực cấp tỉnh.
Đúng như nhiều đồn đoán, ông Nguyễn Phú Trọng không có ý định chuyển giao quyền lực để rút lui khỏi chính trường lúc này. Ba lý do mà phe ông Trọng loan ra: Một là thời điểm chưa “chín muồi”, hai là chưa có được sự đồng thuận cao trong đảng cho nhân sự kế vị, ba là dân chúng mong ông Trọng ngồi hết nhiệm kỳ để “đốt lò”.
Sau cú đột quỵ ở Kiên Giang hồi tháng 4-2019, ngày 6-4-2022, ông Nguyễn Phú Trọng “vi hành” đoạn đường dài hơn…150km để thăm tỉnh Quảng Ninh. Có lẽ ông Trọng muốn minh chứng cho đồng đảng thấy được sức khoẻ của ông vẫn ổn, không vấn đề gì.
Thật ra, nguyên nhân lớn nhất buộc ông Trọng ở tuổi 78 phải ngồi lại là, do nội bộ đảng ở thượng tầng đang lục đục, các phe nhóm chính trị tranh quyền không nhượng. Trước thềm hội nghị 5, trong hai ngày 28 và 29-4-2022 khi Vương Đình Huệ thăm Trà Vinh, Vĩnh Long, thì Phạm Minh Chính cũng làm việc ở Sóc Trăng. Hình như cả hai nhân vật ứng viên sáng giá kế vị chiếc ghế Tổng Bí thư đang tranh thủ lấy lòng các đồng chí Nam Bộ.
Những cuộc “so găng” để hạ bệ lẫn nhau đã thành truyền thống trong đảng CSVN. Chỉ cần tung bằng chứng một trong ba yếu tố: Có vấn đề về lý lịch và lập trường, sai phạm trong đạo đức và lối sống, tham nhũng và bảo kê; thì lập tức một chính trị gia sẽ nhanh chóng trở thành tội đồ của đảng.
Hội nghị Trung ương 5 lần này, dự kiến là hai Uỷ viên BCH Trung ương Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long sẽ lên “thớt”, do dính vào đại án Việt Á. Nhẹ thì bị cách chức, nặng thì có thể bị đuổi ra khỏi Trung ương đảng khoá 13 như trường hợp Trần Văn Nam, bí thư tỉnh Bình Dương.
Quay lại thời điểm sôi động chính trường Việt Nam hiện nay, với hệ quả là sân sau của các đại ca bị xới tung lên để tìm vết tích, một số sự kiện đáng lưu ý:
Ngày 29-3 chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt, ngày 5-4-2022 ông chủ Đỗ Anh Dũng của tập đoàn Tân Hoàng Minh lại tra tay vào còng. Đế chế mà hai ông lớn trong thị trường bất động sản và khu du lịch nghỉ dưỡng gầy dựng bao nhiêu năm nay có bóng dáng của các lãnh đạo cấp cao.
Nguồn tin nội bộ cho rằng, cựu bộ trưởng Trịnh Đình Dũng và thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính là hai trong số nhiều chính khách dành ưu ái cho hai đại gia kể trên. Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị về phát triển thị trường vốn chiều 22-4-2022, ông Phạm Minh Chính nhắc đi nhắc lại nhiều lần, rằng: “Quan trọng là chúng ta không hình sự hoá các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế”.
Việc bắt hai đại gia có tầm ảnh hưởng lớn, cùng một số con em của họ, đã gây rúng động thị trường chứng khoán trong nước. Các “đại ca” đang toan tính giải cứu, nhưng phe “đốt lò” đã nhanh hơn một bước. Ngày 27-4-2022, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC; vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, nhằm tránh việc can thiệp, chạy án của các “ông trùm”.
Chưa hết, ngày 29-4-2022 Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án và ra lệnh bắt giam Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC, cùng một số quan chức y tế tỉnh Đồng Nai với tội danh “Vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người đàn bà thế lực “một tay che trời”, dính nhiều đến các vụ đưa và nhận hối lộ, câu kết với lãnh đạo các bộ ban ngành, các tỉnh thành để thông thầu, lập dự án “ma” rút ruột ngân sách nhà nước, lừa đảo và rửa tiền.
Đến đây, rất dễ thấy màu sắc “Cuộc chiến Ba – Tư”, giai đoạn 2011-2015. Khi mà phe Trương Tấn Sang “so găng” cùng phe Nguyễn Tấn Dũng. Gay cấn đến nỗi đệ tử ruột của Ba Dũng là trùm tài phiệt Nguyễn Đức Kiên, tức “bầu” Kiên, phải lãnh án 30 năm tù giam, người của Tư Sang là ĐBQH Đặng Hoàng Yến bị bãi nhiệm, rời khỏi nghị trường, ĐBQH đại gia Đặng Thành Tâm phải trốn ra nước ngoài chữa bệnh một thời gian…
Trở lại vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn, trước ngày khai mạc đại hội đảng khoá 13, để tránh bị bới móc và ảnh hưởng đến đại ca, Nhàn đã xuất cảnh ra nước ngoài cho đến tận hôm nay vẫn chưa về. Tuy nhiên, việc khởi tố và phát lệnh truy bắt Nhàn lúc này, chứng tỏ nhóm thế lực của phe bên kia trội hơn, rất nôn nóng muốn kết thúc nhanh ván cờ.
Nên nhớ, sức ép từ các ban đảng là rất lớn, đến nỗi bộ trưởng Bộ Công an (BCA) cũng không thể bao che được. Việc bắt giữ bầu “Kiên”, Dương Chí Dũng, dưới thời Trần Đại Quang nắm BCA và việc bắt thượng tá tình báo Vũ “nhôm” và đại tá Nguyễn Duy Linh (con trai của bố già Nguyễn Văn Hưởng) dưới thời Tô Lâm là minh chứng.
Trong một diễn biến khác, việc khởi tố bắt giam thứ trưởng Tô Anh Dũng và nhiều lãnh đạo chủ chốt của Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao, được xem là đòn đánh “vỗ mặt” Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh. Tô Anh Dũng có ba năm làm thư ký riêng cho Phạm Bình Minh và chính ông Minh là người đề bạt, quy hoạch Tô Anh Dũng vào ghế thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Phạm Bình Minh được đánh giá là gương mặt sáng giá, có thể ngồi ba khoá Uỷ viên Bộ chính trị và tranh chiếc vé “tứ trụ” khoá sau.
Về phần ông Nguyễn Phú Trọng, với việc giành được chức Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng từ tay Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 2 năm 2013, cùng với việc tái lập hai ban của đảng là Ban Nội chính và Ban Kinh tế Trung ương, quyền năng của ông Trọng gần như tuyệt đối. Thể chế độc tài đảng trị tập trung quyền lực quá lớn cho một người mà không có chế tài nào kiểm soát. Vì vậy, chiếc ghế tối thượng Tổng Bí thư luôn là đích nhắm của các phe phái.
Ông Nguyễn Phú Trọng đang được đồng đảng và bộ hạ tung hô hơn cả ông Hồ Chí Minh, rằng “đầu bạc trắng hiên ngang”, “thế thiên hành đạo”, “bồ tát tái sinh”… cho nên quân cờ ông chọn, toan tính nước đi của ông ta bị ai cản đường, người đó sẽ trả giá. Từ nay cho đến Hội nghị Trung ương 8, lấy phiếu tín nhiệm của tổng cộng 23 ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sẽ có những cuộc thanh trừng “một mất một còn”.
Đại quan triều đình đánh nhau, đại gia “sân sau” vỡ mật, thót tim, còn dân chúng thì mãi khổ cực và mê muội. Ngày xưa, khi đất nước có “loạn sứ quân” thì xuất hiện anh hùng cái thế, ngày nay dân đen kêu thấu trời xanh, nhưng đa số sĩ phu, trí thức chỉ biết khoanh tay, cúi mặt, đi giữa “thiên đường mù”.
THEO MỘT THÔNG TIN KHÔNG KIỂM CHỨNG ĐƯỢC ĐANG LAN TRÀN TRÊN MẠNG INTERNET, TỔNG THỐNG PUTIN SẮP PHẢI VÀO BỆNH VIỆN GIẢI PHẪU KHỐI U UNG THƯ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thần sắc không được tốt khi tham dự thánh lễ Phục Sinh tại Nhà thờ Chính Thống Giáo Nga hôm 24 tháng Tư tại Moscow. Ảnh Contributor/Getty Images.
Theo một thông tin không kiểm chứng được đang lan tràn trên mạng Internet, Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp phải bàn giao việc điều hành cuộc chiến tranh Ukraine cho người khác để vào bệnh viện giải phẫu ung thư.
Báo DailyMail của Anh dẫn nguồn tin của một “tay trong ở Kremlin” (Kremlin insider) cho biết như vậy và khẳng định người sẽ thay mặt Putin điều hành cuộc chiến tranh “trong một thời gian” là ông trùm tình báo Nga Nikolai Patrushev. Thông tin này gây chấn động vào lúc cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đang chuyển sang một giai đoạn mới, khốc liệt hơn sau hơn hai tháng quân Nga bị thiệt hại nặng nề.
Ông Patrushev, 70 tuổi, hiện là chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, từng là chỉ huy Cục An ninh Liên bang (FSB), tức là cơ quan tình báo chiến lược của Nga mà tiền thân là tổ chức tình báo KGB khét tiếng. Patrushev cho đến nay là người có vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh xâm lược và người thuyết phục Putin tin rằng chính phủ Ukraine ở Kyiv là do những kẻ tân phát xít (neo-Nazi) lãnh đạo, theo tin của DailyMail hôm 30 tháng Tư 2022 và được nhiều trang mạng đăng lại.
Thông tin được DailyMail sử dụng chủ yếu dựa trên kênh Telegram có tên là General SVR mà DailyMail cho rằng đó có thể là tài khoản ẩn danh của một cựu quan chức cao cấp về quân sự của Điện Kremlin. Kênh “Tướng SVR” nói cách đây 18 tháng, ông Putin đã được chẩn đoán mắc ung thư vùng bụng và bệnh Parkinson.
“Tổng thống Nga Vladimir Putin mắc bệnh ung thư. Cuộc khám bệnh mới nhất đã xác định những vấn đề liên can tới bệnh nan y này”. Ông ta cũng mắc “chứng Parkinson và rối loạn tâm thần phân liệt” do có các triệu chứng tâm thần như ảo giác và điên khùng”, kênh SVR cho biết.
Dấu hiệu ông Putin mắc chứng Parkinson được thấy rõ khi ông phải bám chặt tay vào mép bàn khi họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hồi giữa tháng Tư.
SVR nói cuộc giải phẫu khối u ung thư của Putin đã được xếp lịch vào nửa cuối tháng Tư 2022 nhưng ông ta yêu cầu hoãn lại ít nhất sau ngày 9 tháng Năm – gọi là Ngày Chiến thắng, kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô trong Thế Chiến thứ Hai, hằng năm được tổ chức rầm rộ với duyệt binh và diễn hành trên Quảng trường Đỏ ở Moscow.
“Putin được khuyến cáo phải thực hiện giải phẫu; ngày giờ cụ thể thì đang được bàn bạc. Vụ giải phẫu dường như không khẩn cấp lắm nhưng không thể trì hoãn thêm được nữa,” SVR cho biết. “Các bác sĩ nhấn mạnh rằng ông ta cần được giải phẫu, nhưng chưa định được ngày giờ”, “cũng chưa biết chính xác ông ta sẽ phải điều trị bao lâu [sau cuộc giải phẫu] dù có thể đó chỉ là thời gian ngắn”, SVR cho biết thêm.
Điện Kremlin bác bỏ mạnh mẽ các thông tin cho rằng ông Putin có vấn đề sức khỏe, và luôn luôn miêu tả ông là người có sức khỏe tuyệt vời bất chấp trong những năm gần đây có những lúc ông Putin vắng mặt một cách khó hiểu.
Ông Putin “không đồng ý chuyển giao quyền lực” mà chỉ sẵn sàng bổ nhiệm một nhân vật “xử lý thường vụ” để điều hành nước Nga và cuộc chiến tranh Ukraine một cách tạm thời.
“Nếu như vậy, trong thời gian Putin được giải phẫu và hôn mê… khoảng hai hoặc ba ngày… quyền điều hành quốc gia sẽ được chuyển cho [Nikolai] Patrushev”. Một hành động như vậy sẽ gây ngạc nhiên cho giới chính trị bởi vì theo hiến pháp Nga, trong trường hợp tổng thống vắng mặt, quyền điều hành đất nước chỉ được giao cho thủ tướng, hiện thời là ông Mikhail Mishutin.
Thủ tướng Nga Mishutin, 56 tuổi, là một quan chức kỹ trị, không có mối quan hệ mật thiết với giới quân sự hoặc tình báo. Việc Putin chọn ông trùm tình báo Patrushev làm người “xử lý thường vụ” được cho là diễn ra sau cuộc đàm đạo “thân mật” kéo dài hai tiếng đồng hồ giữa hai người. “Chúng tôi biết Putin đã nói rõ ràng với Patrushev rằng ông ta coi Patrushev là người tin cậy duy nhất, người bạn duy nhất trong hệ thống quyền lực. Hơn thế nữa, tổng thống hứa rằng trong trường hợp sức khỏe của ông [Putin] diễn biến xấu, quyền quản lý thực sự của đất nước sẽ được tạm thời chuyển giao cho Patrushev,” nguồn tin nội bộ cho biết.
Tài khoản General SVR trước đây cũng cho biết ông Putin đã được điều trị bằng những loại thuốc mới của Phương Tây. “Theo thông tin của chúng tôi, một trong những loại thuốc mới mà các bác sĩ khuyên dùng đã gây tác dụng phụ lên cơ thể của ông ta, như gây choáng váng, mất sức… Các bác sĩ kê đơn thuốc này đã bị bãi chức và bị điều tra… Các loại thuốc, được nhập cảng từ một quốc gia không thân thiện, cũng đang bị điều tra,” nguồn tin cho biết thêm.
Các nhà báo điều tra của Nga trước đây cũng đã nghi ngờ ông Putin bị ung thư tuyến giáp và ông thường quy tụ chung quanh mình một đội bác sĩ hàng đầu.
NGOẠI TRƯỞNG NGA TUYÊN BỐ NƯỚC NÀY KHÔNG ĐẶT RA KHUNG THỜI GIAN PHẢI HOÀN THÀNH CHIẾN DỊCH QUÂN SỰ TẠI UKRAINE TRƯỚC NGÀY CHIẾN THẮNG (9/5).
Lực lượng thân Nga trên xe bọc thép tại Mariupol, Ukraine (Ảnh: Reuters).
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Italy hôm 1/5, khi được hỏi liệu ngày 9/5 có đánh dấu bước ngoặt trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine hay không, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định: “Hoạt động của các binh sĩ của chúng tôi không căn cứ vào một mốc thời gian cụ thể, bao gồm cả ngày Chiến thắng”.
“Chúng tôi sẽ long trọng kỷ niệm ngày 9/5 như cách chúng tôi vẫn làm”, ông Lavrov nhấn mạnh.
Trước đó, các nguồn tin tình báo của Ukraine nhận định, Nga muốn kết thúc chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 9/5, dịp kỷ niệm 77 năm ngày chiến thắng phát xít Đức hay còn gọi là Ngày Chiến Thắng.
Ngày Chiến Thắng là một trong những ngày lễ lớn ở Nga và thường diễn ra các lễ diễu binh trên khắp cả nước.
Theo ông Lavrov, tốc độ của chiến dịch quân sự tại Ukraine trước tiên phụ thuộc “vào sự cần thiết của việc phải giảm thiểu rủi ro cho dân thường và binh sĩ Nga”.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, chiến dịch này nhằm đảm bảo sự an toàn cho dân thường và đảm bảo không có mối đe dọa nào từ Ukraine đối với dân thường và Nga.
Ông Lavrov cũng cáo buộc các phương tiện truyền thông phương Tây bóp méo tuyên bố của ông về nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
“Tôi đã được hỏi về các mối đe dọa ngày càng tăng và nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang ở mức nào. Tôi đã nói rằng: Nga đã nỗ lực không mệt mỏi để đạt được các thỏa thuận nhằm đảm bảo không bên nào được phát động chiến tranh hạt nhân. Chính chúng tôi đã hối thúc các đồng nghiệp Mỹ một lần nữa thực hiện những gì mà các nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev và Ronald Reagan đã làm vào năm 1987, đó là thông qua một tuyên bố và xác nhận rằng không thể có bên chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và nó không bao giờ được nổ ra”, ông Lavrov lưu ý.
“Chúng tôi không thuyết phục được chính quyền Tổng thống Donald Trump làm điều này vì họ có lập trường riêng về vấn đề này. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chấp nhận đề xuất của chúng tôi. Một tuyên bố về việc không thể chấp thuận chiến tranh hạt nhân đã được thông qua tại cuộc họp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Geneva vào tháng 6/2021. Tôi muốn nhấn mạnh rằng điều đó đã được thực hiện theo sáng kiến của chúng tôi”, ông Lavrov nói thêm.
Phương Tây cáo buộc Nga “đe dọa hạt nhân” khi Ngoại trưởng Sergei Lavrov mới đây cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân hiện nay thật sự khá lớn và không nên coi nhẹ. Đáp lại, ông Lavrov nói rằng, phương Tây đang đưa ra những “luận điệu chiến tranh hạt nhân” chống lại Nga, đồng thời khẳng định Moscow không đe dọa chiến tranh hạt nhân với bất cứ ai.
Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine từ hôm 24/2 bằng việc điều hàng chục nghìn binh sĩ cùng khí tài tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự trên khắp Ukraine. Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ, mục tiêu của chiến dịch này là nhằm bảo vệ người dân ở Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine cũng như đảm bảo an ninh của Nga từ lãnh thổ Ukraine. Ông nhấn mạnh, chiến dịch là sự phản ứng trước các hành động của NATO ở Ukraine để chuẩn bị cho Kiev những kế hoạch gây hấn với Nga.