Không hổ danh là những gương mặt vàng điện ảnh VTV, Bảo Thanh, Phương Oanh và Lã Thanh Huyền đều sở hữu những cơ ngơi có giá trị tiền tỷ thu hút sự chú ý của người hâm mộ.
Căn hộ cao cấp, villas biển của Bảo Thanh
Bảo Thanh là một trong những nữ diễn viên nổi bật của phim truyền hình Việt. Từng giành giải thưởng uy tín từ khi còn nhỏ với vai Bé Nụ trong Vào Nam ra Bắc. Đến 2013, Bảo Thanh mới thực sự bùng nổ với vai Đũi trong Trò đời.
Song tên tuổi của cô dần được khẳng định bằng vai diễn nàng dâu quốc dân Minh Vân trong ”bom tấn truyền hình” Sống chung với mẹ chồng. Vai diễn này dường như đưa cuộc đời Bảo Thanh sang trang mới, được công chúng quan tâm, thu về những hợp đồng quảng cáo khủng.
Từng chia sẻ trên trang cá nhân, vợ chồng nữ diễn viên đang sinh sống trong một căn hộ cao cấp gần 90 m2 tại Hà Nội có giá trị không hề nhỏ.
Khu vực ăn uống và phòng khách được kết nối trực tiếp giúp tiết kiệm không gian
Căn hộ gồm 3 phòng ngủ với phong cách thiết kế hiện đại, trang nhã. Tông màu được cô lựa chọn là sự kết hợp của xanh, trắng cùng vân đá. Bảo Thanh cho biết đây là căn nhà được 2 vợ chồng tích góp trong 9 năm để có được.
Phòng khách được bài trí nội thất sang trọng
Phòng ngủ có cửa sổ lớn giúp tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên
Bên cạnh căn hộ cao cấp ở Hà Nội, hồi năm 2018, Bảo Thanh cũng khoe sở hữu một căn villa nằm ở Cẩm Thanh, Hội An. Ngoài là nơi nghỉ dưỡng của gia đình, căn biệt thự này còn được vợ chồng nữ diễn viên cho khách lưu trú thuê lại.
Một góc trong căn hộ của vợ chồng Bảo Thanh ở Hội An
“Welcome to our villa this summer. Ước mơ mở cửa là chạy ào ngay ra biển của Tấm và Bin đã thành hiện thực.” là dòng trạng thái nữ diễn viên chia sẻ trên trang cá nhân đi kèm bức hình của căn hộ
Căn hộ hơn 100 m2 của Phương Oanh
Cũng là nữ diễn viên lên như nhiều gặp gió sau khi thủ vai Quỳnh trong bộ phim Quỳnh Búp Bê ngay sau đó là Phương Nam trong Hương vị tình thân, Phương Oanh dần khẳng định được tên tuổi của mình trong lòng người hâm mộ.
Với thành công có được, hiện cô đang sống trong một căn hộ có diện tích lên đến 100 m2 theo phong cách Indochine ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).
Căn hộ được bàn giao với 3 phòng ngủ nhưng nữ diễn viên cho đập bỏ một phòng ngủ để nới rộng không gian phòng khách. Với cuộc sống độc thân, cô chỉ sử dụng một phòng ngủ, phòng còn lại được dùng thay đồ.
Phòng khách, bếp, bàn ăn được liên kết trực tiếp với nhau giúp tối ưu không gian
Yêu thích nấu nướng, Phương Oanh chăm chút cho không gian nấu nướng với đảo bếp, tủ rượu và nhiều đồ gia dụng bếp hiện đại
Khu vực bàn ăn nhìn ra ban công, hưởng trọn ánh sáng tự nhiên. Trong khi đó, bàn thờ được ngăn cách với không gian bên ngoài bằng vách ngăn gỗ để đảm bảo sự tôn nghiêm
Khu vực ban công được cô trang trí nhiều chậu hoa trạng nguyên đỏ rực
Sau khi chia sẻ về hình ảnh của căn hộ, nhiều người bạn đã dành lời khen cho không gian sống của nữ diễn viên, trong đó có hoa hậu Ngọc Hân, diễn viên Thanh Hương, Huyền Lizzie…
Biệt thự ven hồ gần 50 tỷ của Lã Thanh Huyền
Lã Thanh Huyền là nữ diễn viên xinh đẹp trong các bộ phim truyền hình như Tình yêu và tham vọng, Zippo mù tạt và em… Mới đây nhất cô tham gia bộ phim Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ đang được lên sóng.
Không chỉ là nữ diễn viên xinh đẹp tài năng, ngoài đời diễn viên Lã Thanh Huyền có tổ ấm nhỏ vô cùng hạnh phúc và viên mãn. Bên cạnh đó, cô cũng sở hữu một không gian sống vạn người mê.
Năm 2020, nữ diễn viên từng chia sẻ trên trang cá nhân về không gian căn biệt thự ven hồ của gia đình. Được biết, căn biệt thự này có diện tích sàn 450 m2, 150 m2 sân vườn và view nhìn thẳng ra ngoài hồ. Gia đình nữ diễn viên đã mua căn hộ này với giá 2 triệu USD (45,9 tỷ đồng) và chuyển đến năm 2020 sau thời gian tu sửa khoảng 2 năm.
Phía bên ngoài căn biệt thự của gia đình diễn viên Lã Thanh Huyền
Theo chia sẻ của nữ diễn viên căn nhà này được vợ chồng cô chăm chút tỉ mỉ từ thiết kế, mua sắm nội thất đến trang trí…
Lã Thanh Huyền và ông xã đều tìm hiểu kỹ càng khi thiết kế và xây dựng căn nhà này
Ngay lối vào của biệt thự là là hồ cá
Không gian phía trong căn biệt thự được thiết kế theo phong cách hiện đại, sang trọng với tông màu trắng, đen kết hợp với vân đá.
Lã Thanh Huyền giới thiệu phòng khách của gia đình cô luôn được chăm chút và ngập tràn hoa tươi
Không gian bếp – nơi giữ lửa cho căn nhà cũng được Lã Thanh Huyền đầu tư khủng với đảo bếp, bàn ăn 10 người cùng nhiều đồ gia dụng bếp hiện đại.
Nữ diễn viên chia sẻ: “Tôi tìm thấy niềm vui khi vào bếp, và hạnh phúc khi thấy chồng con khen các món ăn ngon”
Phòng thay đồ có diện tích rộng
Một không gian để thư giãn trong căn hộ tiền tỷ của Lã Thanh Huyền
Như đã kể, nhạc sĩ Phạm Duy chọn cuộc sống mới ở tiểu bang Florida. Mọi thứ đều chán chường đối với ông và ông thấy mình luôn có cảm giác là người khách lạ. Ông không ngờ rằng ông gắn một phần đời khá dài (suốt 15 năm) của mình ở nơi này. Như một phần trong bài hát mà ông viết:
“Một ngày bảy lăm, con bỏ nước ra đi Hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ Giờ cha lưu đày ở ngay trên đất ta Và giờ con lưu đày ở đây trên xứ lạ!”
Nhạc sĩ Phạm Duy kể rằng những ngày đầu định cư, ông gửi gắm suy nghĩ và sự gắn bó của mình với bưu điện gần nhà, nơi ông hàng ngày nghĩ sẽ viết gì, hỏi gì… với những đứa con đang bị kẹt ở Việt Nam. Với bốn đứa con đi cùng sang Mỹ với ông, duy có Thái Hiền là tham gia văn nghệ. Thiếu vắng Duy Quang (lúc đó Duy Cường chưa tham gia văn nghệ), ông mất một phần nội lực quan trọng trong việc trình bày những ca khúc của mình.
Mãi đến năm 1979, Duy Quang mới hội ngộ cùng ông ở Mỹ, và tự mình thu bài hát Một Ngày 54, Một Ngày 75. Năm 2005, sau khi chính thức về Việt Nam, Phạm Duy kể với đôi mắt nheo, đầy hài hước: Khi nhân viên nhà nước đến “làm việc” với ông, họ kể rằng nhiều năm trước, câu hát “Giờ nơi nước mình, niềm đau thay nỗi vui. Sài Gòn đã chết rồi, phải mang tên xác người” chính là một trong những điều gây khó nhất cho ông, chứ không phải là tổng thể tập Ngục ca hay Tỵ nạn ca gì cả.
Rất nhiều người Việt ở Mỹ, như Phạm Duy lúc đó, ngày ngày trông chờ những lá thư hồi âm từ Việt Nam để biết quê mình và gia đình mình ra sao. Phạm Duy nói, ông sống thẩn thờ như người mất hồn, và mỗi khi gửi thư đi, chỉ ngóng xe phát thư ghé qua. “Chỉ có một người tình mà ngày ngày tôi mong đợi, đó là người đưa thư vào mỗi buổi sáng”, ông kể.
Tâm trạng buồn chán và cảm thấy mình chỉ là một người tạm dung trên đất Mỹ, được biết đến kèm theo sự thương hại, khiến nhạc sĩ Phạm Duy mất đi cả sự kiêu hãnh ngày thường. Cho nên, ông cũng không thấy vui thú gì khi người ta nhận ra mình, như có lần một giáo sư dạy nhạc của Trường trung học Fort Walton tại Florida tìm đến ông để xin được trình diễn bài Giọt Mưa Trên Lá. Bản chép lời Mỹ bài hát đó có tựa The Rain On The Leaves, từng được Phạm Duy trình bày vào năm 1966 trên chương trình truyền hình Rainbow Quest, hát lời Việt và Anh cùng với các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ là Pete Seeger, Steve Addiss và Bill Crofut.
Gia đình nhạc sĩ Phạm Duy
Suốt những ngày đầu ở Mỹ, Phạm Duy quên mình là một nhạc sĩ. Ông gần như cắt đứt với âm nhạc mà chỉ nghĩ đến việc đánh điện tín và viết thư cho các con. Tin tức lan đi từ những người vượt biển đến sau cho biết, đủ mọi giới đều bị bắt đi tù cải tạo, bị đuổi khỏi nhà, bị đưa đi lao động… làm cho ông và bà Thái Hằng sầu muộn không dứt. Thư từ lúc đó gửi từ Mỹ về Việt Nam hay ngược lại – nhanh thì một tháng, lâu thì hai tháng – là sự mong mỏi ngày đêm của ông.
“Trầm mình trong đau khổ khi ngồi im trong sáu tháng (từ Tháng Năm tới Tháng Mười Một 1975), từ đầu 1976 trở đi, hạnh phúc của tôi là ngồi viết thư cho con hay nằm đọc thư của các con. Và từ đó, sự thống khổ chống gậy ra đi dần dần, niềm tin yêu từ từ khập khiễng trở về lòng tôi… cho tới ngày tôi thét to như vỡ tung lồng ngực (chữ của Hoàng Cầm) khi ôm các con vào lòng, đầu tháng ba năm 1979”, Phạm Duy kể lại.
Khi chạy hối hả đến máy bay ra khỏi Sài Gòn, gia đình nhạc sĩ Phạm Duy bị thất lạc hành lý. Ông kể khi đến Mỹ, ông chỉ có vỏn vẹn $20 trong túi và phải nghĩ đến chuyện đi làm để nuôi gia đình. Ở Việt Nam ông có thể dễ dàng sống với âm nhạc nhưng nơi đây thật bế tắc. Chính vì vậy mà ông đành phải cho đứa con gái cưng là Thái Hiền đi làm thêm ở một quán ăn, từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng.
Phạm Duy nhớ lại, thời gian đó, nước Mỹ tỉnh giấc với chiến thắng của quân Bắc Việt. Khắp nơi báo chí đều đánh giá lại cuộc chiến Việt Nam. Đặc biệt là vấn đề tị nạn Đông Dương đang nóng bỏng. Phóng viên báo chí, truyền hình tới tấp đi tìm người tỵ nạn làm phóng sự. Vốn là cái tên quen thuộc với làng văn nghệ Hoa Kỳ, Phạm Duy cũng được nhiều tờ báo tìm đến. Một trong câu nói nổi tiếng của ông sau này được nhiều người nhắc lại: “Tôi sinh ra để hát về nước tôi! Nước tôi đâu rồi?”. Nhắc lại chuyện này, nhạc sĩ Phạm Duy nói ông đã thốt ra với sự buồn bã tột cùng. Là một nghệ sĩ tự do nhưng giờ đây Phạm Duy cảm thấy, có hát hay mơ về tự do cũng vô nghĩa, khi ông cùng hàng triệu người Việt Nam khác đã bị bứng khỏi gốc rễ của mình.
Muốn gửi tiền về cho bốn đứa con đang kẹt trong nước cũng như trang trải cho đời sống gia đình ở Mỹ, Phạm Duy dù không muốn dính líu âm nhạc nhưng cuối cùng phải quay lại. Đó là nghiệp, là đời của ông, dù có lúc ông nghĩ đến chuyện lưu ẩn và chọn nghề bán nhà hàng kiếm sống. Khởi đầu với số vốn nhỏ $200 do một người Mỹ gửi tặng, nhạc sĩ Phạm Duy in các album nhạc của mình ra băng cassette và quảng bá bán trên báo.
Mỗi cuốn băng giá $5 ông gửi bán qua bưu điện đã giúp ông có những đồng tiền dư dả đầu tiên. Nhờ vào số người Việt tỵ nạn ngày càng nhiều, cùng với nỗi nhớ nhà muốn nghe lại những âm điệu quen thuộc, Phạm Duy bắt đầu có thể sống bằng nghề nhạc. Đó là thời gian ông soạn tập tự học guitar, kèm băng cassette hướng dẫn, được nhiều người Việt gửi thư đặt mua.
Nhạc sĩ Phạm Duy gọi cuộc đời ở Mỹ là tạm dung. Những chương trình lưu diễn của ông sau này cũng được đặt tên là “Hát trên đường tạm dung”. Trong trái tim ông, nước Mỹ bình yên và tự do vẫn là nơi để ngồi chờ một ngày được thấy lại quê hương, được thấy lại Sài Gòn và những kỷ niệm yêu dấu. Sau khi gia đình người Mỹ bảo trợ cho nhạc sĩ Phạm Duy tổ chức vận động với chính quyền để ông được trả tiền cho các buổi diễn phục vụ tại các trại tỵ nạn người Việt, Phạm Duy bắt đầu ôm đàn hát, và dần dà lấy lại cảm hứng sáng tác để cho ra đời nhiều tập ca khúc lưu danh. Ông vẫn là ngọn cổ thụ kiêu hãnh của âm nhạc người Việt, vẫn vươn cao ở vùng đất mới, vẫn là “Bố già” – từ mà nhà báo Trường Kỳ đặt cho ông – được kính trọng và mến yêu…
Ông Nguyễn Đình Bin, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, tại khu nghỉ dưỡng Đại Lải, Vĩnh Phúc – Hình: Facebook
LTS.: Đúng ngày 30 Tháng Tư 2022, một cựu thứ trưởng ngoại giao, đảng viên Cộng sản Việt Nam, công bố bài viết, trong đó ông nói đảng Cộng sản phải “đổi mới thật sự về chính trị”.
Tầm nhìn của ông vẫn đứng trên quan điểm của người cộng sản, tuy nhiên, ông Bin lại có những ý kiến đi ngược lại với quan điểm chính thức của đảng ông đã theo hơn 50 năm. Một vài quan điểm của ông Bin lại đối chọi trực tiếp với quan điểm của ông nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN.
Đặc biệt, trong bài viết của ông Nguyễn Đình Bin nhân ngày 30 Tháng Tư năm nay, ông còn đưa ra năm kiến nghị, trong đó có một kiến nghị liên quan những nhà đấu tranh dân chủ, và hai kiến nghị liên quan đến người lính VNCH.
Đây là một sự kiện lạ, mang tính đột phá tư tưởng, vì từ trước đến nay, không đảng viên nào dám bày tỏ ý kiến khác với quan điểm của đảng, và quan điểm của Tổng Bí thư.
Trân trọng mời Quý Độc giả đóng góp ý kiến.
Chỉ vài giờ sau khi đăng lên trang Facebook cá nhân, bài viết đã được gỡ xuống. Độc giả muốn đọc toàn bộ bài viết, vui lòng xem phần cuối. Phần đầu là bài trên trang BBC tiếng Việt.
Bài viết không nhất thiết thể hiện quan điểm của Saigon Nhỏ.
Đi ngược lại quan điểm chính thức của Đảng CSVN
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin nói cuộc chiến 30 năm tại Việt Nam (1946-1975) vừa là ‘chiến tranh vệ quốc vĩ đại’ nhưng đồng thời cũng là ‘cuộc chiến huynh đệ tương tàn’.
Đây là quan điểm đi ngược lại quan điểm chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, vẫn nói về ‘kháng chiến chống Pháp’ và ‘kháng chiến chống Mỹ cứu nước’.
Các nhà lý luận của Đảng vẫn nói chiến thắng năm 1975 “không phải là cuộc “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn” như có người từng lầm tưởng hoặc cố tình xuyên tạc”.
Ngày 30 Tháng Tư 1975 ‘chấm dứt thế kỷ đau thương’
Nói về sự kiện lịch sử 30 Tháng Tư 1975, ông Nguyễn Đình Bin viết:
“Đó là ngày chấm dứt vĩnh viễn trên một thế kỷ đau thương, đất nước và dân tộc ta là nạn nhân của ách thống trị và chiến tranh xâm lược của ngoại bang. Tổ quốc đã hoàn toàn độc lập. Nguyên nhân thứ nhất tạo ra cuộc chiến nồi da nấu thịt đã bị xóa bỏ!
Đó là ngày thống nhất Tổ quốc, sau hơn hai thập kỷ bị chia ly xé lòng!
Đó cũng là ngày kết thúc cuộc chiến huynh đệ tương tàn!”
Chủ nghĩa Marx-Lenin ‘lỗi thời’
Trong bài viết, ông Nguyễn Đình Bin tiếp tục bày tỏ quan điểm trái với lập trường chính thống của Đảng khi nói về chủ nghĩa Marx-Lenin.
“Mặt khác, sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCN ở Đông Âu cũng như cải cách mở cửa của Trung Quốc từ 1978 và đổi mới về kinh tế ở Việt Nam từ 1986 đã chứng minh hùng hồn là mô hình kinh tế XHCN theo quan điểm Marx – Lenin đã thực sự lỗi thời, đã bị lịch sử đào thải.”
“Trong khi đó, tất cả các quốc gia phát triển nhất, giầu có nhất, văn minh nhất trên thế giới mà nước ta đang ra sức phát triển quan hệ hợp tác, tranh thủ vốn đầu tư, khoa học, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý, chẳng có một nước nào theo con đường Marx – Lenin và CNXH cả.”
Trong khi đó, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được xem là văn bản thuộc hàng quan trọng nhất gần đây về nền tảng lý luận của Đảng, ông Trọng khẳng định: “Đảng ta kiên trì lấy chủ nghĩa Marx- Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.”
Nhưng bài của ông Nguyễn Đình Bin nói: “trên thực tế, Đảng đã từ bỏ các quan điểm Marx-Lenin, XHCN trên hai lĩnh vực kinh tế và đối ngoại rồi.”
‘Đảng trị, độc quyền’
Trong bài viết dài ngày 30 Tháng Tư 2022, ông Nguyễn Đình Bin nói: “dù đã có nghị quyết về đổi mới toàn diện và đồng bộ, Đảng CSVN vẫn chưa thực hiện đổi mới thật sự về chính trị, vẫn kiên trì níu giữ mô hình quản lý đất nước cũ – hệ thống chính trị hiện hành – theo quan điểm Mác – Lênin, XHCN, thực chất là Đảng trị, độc quyền, không dân chủ, đã quá lẻ loi, lạc lõng, lỗi thời trên thế giới.
Đây chính là điều đã và đang ngăn cản dân tộc ta hàn gắn vết thương nội chiến, thực hiện hòa giải, hòa hợp, đại đoàn kết.”
Năm kiến nghị ông Bin gởi Đảng CSVN
Ông Nguyễn Đình Bin nêu ra năm kiến nghị:
– Khẩn trương chuẩn bị và tổ chức các “Hội nghị Diên Hồng” rộng mở, tập hợp tất cả chuyên gia, trí thức tâm huyết và tài năng ở trong và ngoài nước.
– Trả lại tự do cho những người đang bị giam giữ chỉ vì bất đồng chính kiến, phê phán các chủ trương, chính sách cũng như lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; thực sự tôn trọng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí.
– Truy phong Liệt sỹ và khen thưởng xứng đáng các sĩ quan, binh lính, viên chức của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa, tháng 1 – 1974.
– Chấm dứt chính sách phân biệt đối xử, thực hiện chính sách xã hội hiện hành đối với cả các thương, phế binh, viên chức cũ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và thân nhân.
– Xây dựng một Tượng đài xứng đáng, đặt tại Thủ đô Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh, để tưởng niệm tất cả con dân Việt đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh đã diễn ra trên đất nước ta hơn một thế kỷ qua.
Ông Nguyễn Đình Bin (SN 1944), đã nhận huy hiệu 55 năm tuổi Đảng vào năm 2017,
Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII.(1996-2001).
oOo
Bài viết của ông Nguyễn Đình Bin đăng trên trang Facebook cá nhân (đã bị gỡ xuống):
HÀN GẮN VẾT THƯƠNG HUYNH ĐỆ TƯƠNG TÀN VẪN CÒN RỈ MÁU!
THỰC HIỆN HÒA GIẢI, HÒA HỢP, ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC!
Hôm nay, 30 tháng 4, một ngày kỷ niệm cho đến nay mỗi lần đến thì “CÓ HÀNG TRIỆU NGƯỜI VUI MÀ CŨNG CÓ HÀNG TRIỆU NGƯỜI BUỒN”, như cố Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói.
Vì sao lại như vậy?
Là con dân Việt, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật lịch sử, cùng nhau suy ngẫm, tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Tôi cho rằng: cần phấn đấu đạt được nhận thức đồng thuận và thực hiện những việc cơ bản sau đây:
1)- ĐÁNH GIÁ BẢN CHẤT 30 NĂM CHIẾN TRANH CHỐNG THỰC DÂN PHÁP RỒI ĐẾ QUỐC MỸ (1946 – 1975).
Chính sử và công luận đều đã nhất trí là CUỘC CHIẾN TRANH VỆ QUỐC VĨ ĐẠI!
Song, tôi nghĩ đồng thời cũng là CUỘC CHIẾN HUYNH ĐỆ TƯƠNG TÀN!
Tại sao lại như vậy?
Có hai nguyên nhân đã làm cho dân tộc ta rơi vào cuộc nội chiến này.
Nguyên nhân thứ nhất là do đại họa ngoại xâm. Cũng giống như đối với nhiều dân tộc khác, ngoại bang đến thống trị, rồi xâm lược liên tiếp nước ta, suốt hơn một thế kỷ liền, đã làm cho dân tộc ta bị đẩy vào thảm cảnh đó, theo cả nghĩa đen đối với rất nhiều gia đình. Bởi vì, chiến lược cổ điển của các thế lực thực dân, đế quốc, bành trướng đi xâm lược và thống trị nước khác luôn là “chia để trị”, “dùng người bản địa đánh người bản địa”, mà Mỹ còn nói toạc móng heo là “Việt Nam hóa chiến tranh”, tức rút quân Mỹ về nước, chỉ dùng người Việt đánh người Việt, với vũ khí, viện trợ và cố vẫn Mỹ, giống như “chiến tranh đặc biệt” trong giai đoạn đầu. Cho nên, lồng vào cuộc chiến tranh ái quốc của dân tộc ta chống ngoại xâm là cuộc nội chiến.
Nguyên nhân thứ hai là thật bất hạnh, đất nước ta đồng thời lại đã trở thành chiến trường ác liệt của cuộc đối đầu trực tiếp, quyết liệt giữa hai hệ tư tưởng trên thế giới – cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa – trong giai đoạn lịch sử ấy. Tức là người Việt chúng ta đã bị chia thành hai bên trực tiếp đánh nhau, một bên vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, bên kia chống lại chủ nghĩa cộng sản.
Hai nguyên nhân này hòa quyện vào nhau đã làm cho cuộc chiến huynh đệ tương tàn càng thêm khốc liệt.
Thực tiễn lịch sử đau thương này đã diễn ra như thế nào mấy thế hệ người Việt đã phải trực tiếp nếm trải! Và, thật đau buồn, dù gần nửa thế kỷ đã trôi qua rồi mà các di chứng để lại vẫn còn nhức nhối!
2)- ĐÁNH GIÁ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA NGÀY 30 – 4 – 1975.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua là thời gian quá đủ để nhìn nhận đúng ý nghĩa trọng đại của ngày lịch sử này:
Đó là một thắng lợi vĩ đại, một mốc son chói lọi trong lịch sử, không chỉ của dân tộc Việt Nam mà của cả thế giới hiện đại; là niềm tự hào của cả dân tộc ta. Lần đầu tiên, và cho đến nay vẫn là lần duy nhất trên thế giới, siêu cường quốc hùng mạnh, giầu có nhất hành tinh đã thất bại thảm hại trong một cuộc chiến tranh quy mô chưa từng thấy khi can thiệp, xâm lược một nước nghèo, nhỏ bé hơn! Chính nghĩa đã thắng phi nghĩa! Độc lập, Chủ quyền, Quyền dân tộc tự quyết đã thắng ngoại bang can thiệp, áp đặt, xâm lược trắng trợn, bạo tàn!
Đó là ngày chấm dứt vĩnh viễn trên một thế kỷ đau thương, đất nước và dân tộc ta là nạn nhân của ách thống trị và chiến tranh xâm lược của ngoại bang. Tổ quốc đã hoàn toàn độc lập. Nguyên nhân thứ nhất tạo ra cuộc chiến nồi da nấu thịt đã bị xóa bỏ!
Đó là ngày thống nhất Tổ quốc, sau hơn hai thập kỷ bị chia ly xé lòng!
Đó cũng là ngày kết thúc cuộc chiến huynh đệ tương tàn!
Trong cuộc xung đột lịch sử kép này,
Chỉ có bên thắng cuộc duy nhất là dân tộc Việt Nam; là đại nghĩa “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”; là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam; là hòa bình.
Bên thua cuộc duy nhất là các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược nói trên; là phi nghĩa; là chiến tranh!
Còn, giữa con cháu các Vua Hùng với nhau, không có bên thắng, bên thua, mà với tư cách người Việt tất cả đều thắng!
Vậy, lẽ nào, là người Việt Nam lại không vui mừng và tự hào về ngày lịch sử vẻ vang ấy của cả dân tộc, dù mỗi người, mỗi gia đình đều có những nỗi đau, mất mát riêng?
3)- PHẢI KHÉP LẠI QUÁ KHỨ ĐAU THƯƠNG ĐỂ CÙNG NHAU XÂY DỰNG TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG!
Bởi vì: Những gì đã qua đều là quá khứ, không thể thay đổi, không thể làm lại, phải tôn trọng! Nhân vô thập toàn! Con người suy nghĩ, hành động khác nhau, đúng, sai là lẽ thường tình.
Gần nửa thế kỷ chúng ta đã để mất! Quyết không thể để mất mát thêm! Không thể để cho vết thương dân tộc này tiếp tục rỉ máu nữa!
Không có con đường nào khác là phải xuất phát từ thực tế hiện tại!
Tổ quốc và dân tộc đang khẩn thiết đòi hỏi:
3) a – Về phía Đảng CSVN, người đang gánh vác trọng trách lãnh đạo đất nước:
Sau khi chiến tranh chấm dứt, nguyên nhân thứ nhất gây ra cuộc nội chiến đã được loại bỏ. Với truyền thống khoan dung, hòa hiếu và thực hiện đổi mới về đối ngoại, nước ta đã bình thường hóa quan hệ và kết bạn, trở thành đối tác chiến lược, đối tác hợp tác toàn diện với tất cả các nước đã đến thống trị và xâm lược nước ta.
Còn nguyên nhân thứ hai thì sao?
Với sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, cục diện thế giới đã sang trang. Mâu thuẫn chủ yếu, nổi trội nhất đang chi phối mạnh nhất quan hệ quốc tế ngày nay và tác động trực tiếp đến nước ta đâu còn là cuộc đối đầu giữa hai hệ tư tưởng Đông – Tây, cộng sản chủ nghĩa – tư bản chủ nghĩa nữa, mà là mâu thuẫn giữa Mỹ, siêu cường số 1, tuy đã suy yếu tương đối, nhưng vẫn là, và trong một tương lai có thể nhìn thấy, sẽ vẫn là số 1 thế giới, và nhất định không từ bỏ vị thế này, với Trung Quốc, siêu cường đã đạt được ngôi vị thứ 2, đang ra sức tiến lên chiếm vị trí thống soái toàn cầu, mà siêu cường này, thực chất đã và đang chỉ dùng chủ nghĩa Mác- Lênin, chủ nghĩa xã hội như một chiêu bài, một bình phong và một công cụ để che đậy và thực hiện tham vọng bành trướng, bá quyền thâm căn cố đế của họ mà thôi.
Mặt khác, sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCN ở Đông Âu cũng như cải cách mở cửa của Trung Quốc từ 1978 và đổi mới về kinh tế ở Việt Nam từ 1986 đã chứng minh hùng hồn là mô hình kinh tế XHCN theo quan điểm Mác – Lênin đã thực sự lỗi thời, đã bị lịch sử đào thải. Trong khi đó, tất cả các quốc gia phát triển nhất, giầu có nhất, văn minh nhất trên thế giới mà nước ta đang ra sức phát triển quan hệ hợp tác, tranh thủ vốn đầu tư, khoa học, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý, chẳng có một nước nào theo con đường Mác – Lênin và CNXH cả. (Còn sự phát triển kỳ diệu về kinh tế của Trung Quốc, từ khi cải cách, mở cửa, thì đâu có phải là thành quả của chủ nghĩa Mác – Lênin và CNXH, mà là của kinh tế thị trường TBCN Trung Quốc đã học tập và vận dụng; và, lợi dụng quy chế được ưu đãi dành cho nước đang phát triển, Trung Quốc đã tranh thủ được tối đa các lợi ích của toàn cầu hóa cũng như các thành tựu của thế giới TBCN về vốn, khoa học, công nghệ và kinh nghiệm quản lý).
Hơn nữa, từ hơn ba thập kỷ nay, ngoài đổi mới cơ bản về kinh tế, Đảng CSVN cũng đã đổi mới cơ bản về đối ngoại. Nước ta đã thực hiện đa dạng, đa phương hóa quan hệ, làm bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt lập trường tư tưởng, chế độ chính trị; bình thường hóa và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác toàn diện với tất cả các nước đã từng đô hộ, xâm lược nước ta, như đã nói trên. Tức là, trên thực tế, Đảng đã từ bỏ các quan điểm Mác- Lênin, XHCN trên hai lĩnh vực kinh tế và đối ngoại rồi. Cũng chính nhờ vậy mà đất nước mới thoát khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và thu được những thành tựu rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử về đối nội và đối ngoại như đến nay.
Như vậy, cơ sở tạo ra nguyên nhân thứ hai đã không còn tồn tại!
Thế mà, dù đã có nghị quyết về đổi mới toàn diện và đồng bộ, Đảng CSVN vẫn chưa thực hiện đổi mới thật sự về chính trị, vẫn kiên trì níu giữ mô hình quản lý đất nước cũ – hệ thống chính trị hiện hành – theo quan điểm Mác – Lênin, XHCN, thực chất là Đảng trị, độc quyền, không dân chủ, đã quá lẻ loi, lạc lõng, lỗi thời trên thế giới.
Đây chính là điều đã và đang ngăn cản dân tộc ta hàn gắn vết thương nội chiến, thực hiện hòa giải, hòa hợp, đại đoàn kết.
Đồng thời, đây cũng chính là cội nguồn đẻ ra đặc quyền, đặc lợi, các nhóm lợi ích vị kỷ, nạn tham nhũng và các quốc nạn khác đã và đang hoành hành, phá hoại Đảng và đất nước; là nguyên nhân làm cho kinh tế thị trường ở nước ta bị méo mó, không phát huy được đầy đủ các mặt ưu việt, ngược lại tạo điều kiện cho các mặt tiêu cực tác oai, tác quái.
Mặt khác, đây cũng chính là hàng rào đang ngăn cản đất nước ta thực sự độc lập, tự chủ, hòa nhịp bước với tuyệt đại đa số các quốc gia đang phấn đấu xây dựng một thế giới thực sự hòa bình, tự do, dân chủ, phồn vinh, văn minh, bền vững.
Vậy thì, Đảng CSVN phải loại bỏ cội nguồn đã và đang tạo ra ba hậu họa nói trên. Tức là Đảng phải thực hiện đổi mới chính trị thật sự và triệt để. Cụ thể là, cũng như năm 1986, Đảng đã chiến thắng chính mình, dũng cảm từ bỏ quan điểm xây dựng kinh tế XHCN theo quan điểm Mác – Lênin đã lỗi thời, để chấp chấp nhận và vận dụng vào nước ta thành tựu chung của nhân loại cho đến nay về phát triển kinh tế là kinh tế thị trường, mà trước đó Đảng kiên quyết chống lại, thì giờ đây, Đảng cũng phải dũng cảm từ bỏ mô hình quản trị quốc gia – hệ thống chính trị – hiện hành theo quan điểm Mác – Lênin đang cản trở sự phát triển của đất nước, để vận dụng mô hình phổ cập mà tuyệt đại đa số các nước trên thế giới đang áp dụng.
Đây là thành tựu của loài người trên phạm trù này, phải sau mấy thế kỷ đấu tranh quyết liệt, với biết bao máu, mồ hôi và nước mắt, mới đạt được, vẫn không ngừng được đổi mới, hoàn thiện theo quy luật phát triển khách quan, và đã mang lại những thành quả tốt đẹp về các mặt, điển hình là tại các nước Bắc Âu, các thành quả mà chính nước ta đã và đang phải tranh thủ, nghiên cứu và học tập.
Mô hình này mới là nhà nước pháp quyền thực sự, một bộ máy quản trị quốc gia bảo đảm thực hiện và phát huy được dân chủ thực sự trong toàn xã hội, tức là quyền và trách nhiệm thực sự làm chủ đất nước của nhân dân, là thực hiện đúng tư tưởng Hồ Chí Minh “ lấy dân làm gốc”, để bảo đảm khơi dậy và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết tổng hợp của toàn thể dân tộc, như một bài học chính Đảng đã đúc kết. Mô hình này cũng chính là cái lồng kiểm soát quyền lực tốt nhất cho đến nay đã được chứng minh trên thế giới.
Để thực hiện cuộc đổi mới chính trị thật sự và triệt để này, trước mắt, cần triển khai mấy việc chủ yếu sau đây:
+ ). Trung ương Đảng ban hành sớm nhất có thể Nghị quyết đặc biệt về đổi mới chính trị toàn diện và triệt để theo tinh thần nói trên.
+ ). Đồng thời, Trung ương Đảng và Quốc hội ra Tuyên bố đặc biệt về hòa giải và hòa hợp dân tộc theo tinh thần khép lại quá khứ đau thương, tất cả vì tương lai tươi sáng của đất nước, của dân tộc.
Để thể hiện rõ quyết sách mới này của Đảng về “đổi mới chính trị toàn diện và triệt để” và “hòa giải, hòa hợp dân tộc” thật sự, lấy lại niềm tin của đồng bào trong và ngoài nước, tạo đà và khí thế mới hàn gắn vết thương nội chiến, thực hiện hòa giải, hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc, cũng như các nhiệm vụ đổi mới trọng đại khác đang đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, tranh thủ tốt nhất sự đồng tình, ủng hộ của thế giới, cần làm ngay 5 việc cụ thể sau đây:
– Một là: Khẩn trương chuẩn bị và tổ chức các “Hội nghị Diên Hồng” rộng mở, tập hợp tất cả chuyên gia, trí thức tâm huyết và tài năng ở trong và ngoài nước, chỉ để bàn và đề xuất những sáng kiến, những giải pháp, những việc cần và có thể làm, nhằm khơi dậy, tập hợp và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tâm, trí, tài, lực của hơn 100 triệu đồng bào ở trong và ngoài nước, nắm bắt được các cơ hội trong bối cảnh tình hình thế giới mới, để đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bứt phá vươn lên, vượt qua các khó khăn, thách thức, nguy cơ hiện nay, bước vào một kỷ nguyên mới phát triển nhanh chóng, toàn diện, hùng cường, bền vững, sớm đuổi kịp các nước tiên tiến. Tuyệt đối không tranh cãi về quá khứ, không phê phán, công kích bất cứ ai, bất cứ điều gì.
Bởi vì: Những sự thật lịch sử lớn nhất trong sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng CSVN, như thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống thuộc địa trên toàn cầu, rồi chiến thắng oanh liệt chống xâm lược Mỹ, siêu cường giầu mạnh nhất thế giới, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước, Việt Nam trở thành biểu tượng của ý chí độc lập, tự do, của chủ nghĩa anh hùng, lương tri của nhân loại v.v…, là niềm tự hào của toàn thể dân tộc ta, đã được công luận ngợi ca và ghi nhận trong lịch sử thế giới hiện đại, thì nhất định không ai có thể bóp méo, xuyên tạc, phủ nhận được.
Những gì còn bất đồng (cũng là lẽ tự nhiên) … thì để lại cho các thế hệ tương lai, không dính dáng gì với qúa khứ, vào thời điểm thích hợp, phán xét thật khoa học, khách quan, chỉ nhằm rút ra những bài học cần thiết cho dân tộc.
Mặt khác, các ý kiến phản biện đúng đắn chỉ giúp cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện đường lối, chính sách. Còn,
đường lối, chính sách mà đúng đắn thì lo sợ gì. Những ý kiến phản biện sai trái chỉ càng làm sáng tỏ hơn tính đúng đắn đó, giống như hòn ngọc chỉ càng thêm ngời sáng giữa những cục đá, viên sỏi.
– Hai là: Trả lại tự do cho những người đang bị giam giữ chỉ vì bất đồng chính kiến, phê phán các chủ trương, chính sách cũng như lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; thực sự tôn trọng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí như đã được quy định tại hiến pháp và khẳng định rõ ràng trong các văn kiện chính thức, trong các phát biểu lâu nay của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; khuyến khích phản biện xây dựng, đóng góp ý kiến theo tinh thần đã nói trên.
– Ba là: Truy phong Liệt sỹ và khen thưởng xứng đáng các sĩ quan, binh lính, viên chức của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa, tháng 1 – 1974. Đó là những người con đích thực của dân tộc Việt Nam. Thực hiện đầy đủ chính sách người có công hiện hành đối với họ và thân nhân, cũng như tất cả sĩ quan, binh lính, viên chức khác của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và đồng bào miền Nam đã có công tham gia phục vụ cuộc chiến đấu lịch sử này. Xây dựng Tượng đài xứng đáng về sự kiện lịch sử này.
Làm việc này còn để khẳng định dứt khoát chủ quyền không thể tranh cãi của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa, rất cần thiết trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay.
– Bốn là: Chấm dứt chính sách phân biệt đối xử, thực hiện chính sách xã hội hiện hành đối với cả các thương, phế binh, viên chức cũ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và thân nhân.
– Năm là: Xây dựng một Tượng đài xứng đáng, đặt tại Thủ đô Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh, để tưởng niệm tất cả con dân Việt đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh đã diễn ra trên đất nước ta hơn một thế kỷ qua. Lòng Mẹ Việt mênh mông hơn biển cả, lồng lộng hơn trời cao, tràn ngập yêu thương, bao dung, độ lượng, vị tha, luôn hy sinh tất cả cho các con, vì các con… Con dù có hư quấy hay lầm đường, lạc lối vẫn là con của Mẹ. Con nào mất đi lòng Mẹ cũng đau như cắt, vì đều do Mẹ rứt ruột đẻ ra; đều là máu, là thịt của Mẹ. Ngày giỗ con nào Mẹ cũng thắp nén nhang cầu cho con được an nghỉ vĩnh hằng! Và, như tôi đã bầy tỏ ở phần trên, tất cả các con Lạc cháu Hồng đã ngã xuống trong các cuộc chiến này, dù ở bên này hay bên kia, cũng như cả dân tộc ta, đều là nạn nhân của những thế lực ngoại bang đã đến thống trị và xâm lược nước ta và của cuộc xung đột trực tiếp giữa hai hệ tư tưởng Đông – Tây.
Các việc làm nói trên sẽ lay động mọi trái tim Việt, khơi dậy và thổi bùng nhiệt huyết yêu nước, tình nghĩa đồng bào, kết nối mọi con cháu các Vua Hùng, ở trong cũng như ngoài nước thành một khối, đồng lòng sát cánh cùng nhau chung sức đạp bằng mọi chông gai, trở ngại, đưa non sông gấm vóc bật dậy, đuổi kịp và sánh vai tiến bước cùng các quốc gia giầu mạnh, tiên tiến trên thế giới, bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc đã và đang bị Trung Quốc vi phạm, xâm lấn nghiêm trọng.
3) b- Về phía tất cả con Lạc cháu Hồng:
Nếu thực sự có lòng yêu nước, thương nòi, thì chúng ta phải cùng nhau vứt bỏ mọi hận thù, thành kiến, định kiến, cố chấp, cực đoan, mặc cảm, nghi kỵ, ngộ nhận, hiểu lầm …! Phải dẹp bỏ mọi bất đồng, chấm dứt đả kích, lên án, bài xích, đay nghiến, trách móc, đổ lỗi cho nhau, đang hàng ngày, hàng giờ ngoáy vào vết thương chung, sau gần nửa thế kỷ, vẫn còn tiếp tục rỉ máu, hủy hoại sức mạnh của dân tộc ta!
Phải cảm thông, bỏ qua, tha thứ cho nhau tất cả! Phải tôn trọng, thương yêu nhau…; Cùng nhau khép lại quá khứ đau thương, hàn gắn lại tình nghĩa máu mủ, đồng bào, để sát cánh bên nhau dưới mẫu số chung: Bảo vệ và phát huy thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nay đã hòa bình, thống nhất, tổ ấm chung của tất cả mọi người, thật sự độc lập, tự chủ, giầu mạnh, tự do, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các quốc gia tiên tiến trên thế giới, nói gọn là tương lai tươi sáng, rực rỡ cho Tổ Quốc – Dân tộc Việt Nam ta, cho các thế hệ mai sau, trong đó có chính mình, gia đình mình, con cháu mình, trước các nguy cơ hiện hữu, cục diện thế giới đang biến đổi khôn lường; Mỹ – Trung cạnh tranh nhau rất quyết liệt, tác động trực tiếp đến nước ta; đặc biệt là thực trạng đất nước vẫn đang tụt hậu; đạo đức xã hội chưa bao giờ lại băng hoại như hiện nay; tài nguyên, môi trường thiên nhiên của đất nước bị xâu xé, khai thác bừa bãi, cạn kiệt, hủy hoại ngày càng nghiêm trọng; lãnh thổ và chủ quyền quốc gia đã và đang bị Trung Quốc xâm hại ngày càng nghiêm trọng ở Biển Đông; không gian sinh tồn chính đáng của dân tộc đang bị thách thức; độc lập, tự chủ, an ninh của đất nước cũng đang bị đe dọa về nhiều mặt.
Đồng bào ở trong nước, nhất là các bậc lão thành cách mạng, các thương, bệnh binh, cựu chiến binh, gia đình liệt sỹ…, những người lâu nay coi là thuộc “bên thắng cuộc” phải chủ động đi bước trước, phải mở lòng, dang rộng hai tay chào đón, ôm hôn những người anh em của mình ở hải ngoại.
Còn đồng bào ở hải ngoại, những ai vẫn còn hận thù, nuối tiếc, cố chấp, mặc cảm, nghi kỵ…thì phải rũ bỏ đi tất cả, để đón nhận vòng tay của những người anh em trong nước!
Các thế hệ tiền bối của chúng ta đã bao lần hành xử như vậy trong bối cảnh tương tự, và để lại cho các thế hệ hậu sinh những lời răn vô giá:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng!”
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài hoài đá nhau”.
“Một cây làm chẳng nên non;
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao!”
Hồ Chí Minh cũng đã dạy:
“Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết!
Thành công, Thành công, Đại thành công!”
Đương nhiên, cuộc đổi mới chính trị thật sự và triệt trể này đòi hỏi phải được tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, then chốt nhất, quyết định nhất là phải xây dựng lại Đảng Cộng sản Việt Nam thành một Đảng thực sự của dân, do dân, vì dân, thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự xứng đáng là Đảng tiên phong lãnh đạo toàn dân tộc trong thời đại mới.
Song, tôi tin tưởng rằng chỉ cần thực hiện được các việc cơ bản nói trên thì mỗi dịp kỷ niệm ngày 30 tháng 4, cũng như các ngày lịch sử vẻ vang khác của đất nước, chắc chắn tất cả mọi con dân Việt sẽ đều vui, chẳng còn một ai buồn nữa./
Giai đoạn 2 cuộc chiến giữa Nga và Ukraine được cho sẽ rất quyết liệt với sự can dự ngày càng mạnh mẽ từ phương Tây, nhưng các chuyên gia cho rằng, chỉ đàm phán mới có thể mang lại ổn định lâu dài.
Ngày 24/2, Nga mở chiến dịch quân sự với mục tiêu là phá hủy các cơ sở quân sự bằng vũ khí chính xác để “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine. Sau khoảng một tháng giao tranh quyết liệt trên nhiều khu vực, Nga thông báo khép lại giai đoạn một của chiến dịch. Giờ đây, khi chiến sự sắp bước sang ngày thứ 60, Nga đang tiến hành giai đoạn 2 của chiến sự, khi tập trung vào khu vực Donbass, Đông Ukraine.
Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, chiến dịch ở Donbass có vai trò “rất quan trọng trong toàn bộ chiến dịch quân sự của Nga”.
Giờ đây, câu hỏi được đặt ra là liệu trong giai đoạn 2 của chiến dịch, Nga có đạt được những kết quả tốt hơn giai đoạn một hay không, và liệu Ukraine có đủ quân và vũ khí để cản trở Nga, hoặc giành lại quyền kiểm soát những khu vực Moscow đang nắm giữ hay không? Và đâu mới là giải pháp tốt nhất để khép lại chiến sự giữa 2 nước?
HAI THÁNG CHIẾN SỰ “CĂNG NHƯ DÂY ĐÀN”
Nga cho đến nay đã đưa ra một loạt đề xuất để chấm dứt xung đột, trong đó Ukraine phải cam kết trung lập (không gia nhập NATO), không sở hữu vũ khí hạt nhân, công nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập của vùng ly khai Donbass.
Cả Nga và Ukraine đều gặp thiệt hại đáng kể trong giai đoạn đầu của chiến sự. Trong ảnh: Xác xe quân sự Nga ở khu vực Sumy (Ảnh: Reuters).
Cuối tháng 3, lực lượng Ukraine, với sự trợ giúp về mặt quân sự từ phương Tây, đã ngăn chặn đà tiến của Nga tại một số khu vực chủ chốt. Nga thông báo đã hoàn tất mục tiêu giai đoạn một của chiến dịch và chuyển hướng tập trung sang “giải phóng” vùng ly khai Donbass. Ngoài ra, theo CNN, mục tiêu của Nga cũng là giành được quyền kiểm soát thành phố cảng chiến lược Mariupol để thiết lập một hành lang trên bộ nối đất liền Nga với bán đảo Crimea. Đây được xem là mục tiêu quan trọng vì nó sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho Nga về mặt hậu cần.
Để đạt được điều này, lực lượng Nga đã rút quân khỏi các khu vực quan trọng tại phía bắc như Kiev, và tái triển khai đơn vị quân sự về hướng đông bắc. Mỹ ước tính, Nga hiện đã huy động khoảng 78 tiểu đoàn chiến thuật ở miền đông Ukraine – tương đương 75.000 quân. Ngoài ra, Nga cũng đang triển khai lượng lớn quân ở khu vực biên giới Ukraine.
Theo các chuyên gia quân sự, chiến thuật của Nga hiện đang theo đuổi là: “Sử dụng lượng lớn pháo, hệ thống rocket và tên lửa phóng vào mục tiêu quân sự của Ukraine để mở đường cho lực lượng thiết giáp tiến vào kiểm soát lãnh thổ”.
Tình hình chiến sự tới ngày thứ 57 (21/4) được thể hiện qua đồ họa sau:
Tình hình chiến sự tới ngày 21/4 (Ảnh: ISW).
Theo các chuyên gia và nhà phân tích, trong giai đoạn 2, Nga hiện đang tiến theo 3 hướng chính. Nếu tưởng tượng Donbass là một hình vuông, thì Nga đang ở 3 cạnh của hình và chỉ để lại hướng phía tây cho phía Ukraine thực hiện hoạt động tiếp viện và nếu cần thiết là rút quân.
Từ hướng nam và hướng đông, các đơn vị tiền phương của Nga đã tiến được vài km ở Zaporizhzhia, tỉnh giáp với Donetsk.
Theo các chuyên gia, Nga đang tiến hành việc định hình lại chiến trường để có thể đảm bảo vấn đề hậu cần không bị gián đoạn. Trên thực tế, với việc rút chiến dịch quân sự về Đông Ukraine, Nga đang có lợi thế về mặt hậu cần khi khu vực này gần lãnh thổ Nga, và nó có địa hình đồng bằng thuận lợi cho Nga, khác với việc phải cận chiến trong đô thị và tác chiến trong rừng trước đó tại các khu vực khác ở Ukraine.
Tổ chức Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định rằng, trong giai đoạn một của chiến dịch, Nga vẫn tồn tại một số vấn đề như sự hợp tác giữa các nhánh trong quân đội chưa đủ mạnh mẽ dẫn tới việc phối hợp chưa được nhịp nhàng làm ảnh hưởng tới hiệu quả tác chiến.
Quân nhân Ukraine ở khu vực Bucha, ngoại ô Kiev (Ảnh: Reuters).
Về phía Ukraine, theo các chuyên gia, Kiev trong giai đoạn một đã thể hiện lợi thế của việc hiểu biết địa hình và sử dụng chiến thuật du kích cũng như các vũ khí hiện đại (ví dụ máy bay không người lái – UAV) để gây thiệt hại và cản đà tiến của quân đội Nga.
Giờ đây, trong giai đoạn 2, Ukraine sẽ phải đưa ra quyết định liệu họ có nên bố trí hệ thống phòng thủ tĩnh hay không vì điều này có thể dẫn tới kịch bản các khí tài này có thể bị lực lượng pháo binh, rocket, tên lửa và thiết giáp hùng hậu của Nga phá hủy. Nga trong những ngày qua đã tăng cường nhắm hỏa lực vào mục tiêu của Ukraine, với trung bình hơn 1.000 mục tiêu bị phá hủy mỗi ngày.
Vì vậy, phương án thay thế mà các chuyên gia cho rằng Ukraine có thể áp dụng là sử dụng các hệ thống phòng thủ di động để tạo sự linh hoạt hơn trong hoạt động tác chiến và rút lui khi cần thiết.
Ngoài ra, nếu lợi thế của Nga giờ đây là gần nguồn hậu cần, thì Ukraine có thể sẽ cân nhắc tới việc thách thức đường dây tiếp tế của Nga ở Donbass.
Đã có một số bằng chứng về việc Ukraine có thể đang tìm cách chặn tuyến tiếp tế của Nga. Tuần trước, một cây cầu trên tuyến đường hậu cần của Nga bị cho nổ tung trên lãnh thổ Ukraine. Trước đó, một cầu đường sắt của Nga ở thành phố giáp biên giới Ukraine Belgorod cũng bị phá hủy. Đây đều là các tuyến đường quan trọng với Nga trong việc chuyển khí tài tới Ukraine.
Nhìn chung, theo Washington Post, Ukraine vẫn đối mặt với rủi ro nhất định khi Donbass đang có nguy cơ bị bao vây lại. Ukraine sẽ phải linh hoạt chiến thuật để ngăn kịch bản bị Moscow siết chặt vòng vây. Ví dụ, tại Mariupol, Ukraine đang mất đi lợi thế vì bị Nga vây chặt ở nhà máy Azovstal. Nga muốn kiểm soát nhà máy luyện kim này, từ đó hướng tới kiểm soát toàn bộ Mariupol để giành được lợi thế lớn. Cục diện chiến sự lúc này có thể sẽ được đẩy nhanh hơn nữa nếu hành lang đường bộ giữa Nga và Ukraine đã được thiết lập.
NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG TỚI GIAI ĐOẠN 2
Trên thực tế, dù Nga bị thiệt hại không ít trong giai đoạn đầu của chiến sự, nhưng về năng lực quân sự họ vẫn áp đảo so với Ukraine về khí tài quân sự, trang bị. Bảng dưới đây mô tả sự chênh lệnh rõ ràng giữa 2 bên:
Tương quan lực lượng Nga – Ukraine năm 2022 (Đồ họa: Statista).
Tuy nhiên, bảng so sánh trên hiện chưa thể cập nhật hết những hỗ trợ mà Ukraine đã nhận được từ phương Tây. Bắt đầu từ giai đoạn 2, khi Mỹ và NATO xác định rằng, chiến sự ở Ukraine có thể kéo dài nhiều tháng và nhiều năm, họ đã đẩy mạnh viện trợ vũ khí cho Kiev.
Theo Reuters, Mỹ ngày 13/4 đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 800 triệu USD cho Ukraine. Gói viện trợ này bao gồm 11 trực thăng Mi-17, 18 lựu pháo Howitzer, 300 máy bay không người lái Switchblade, 500 tên lửa chống tăng Javelin, 200 xe thiết giáp chiến đấu, cùng các hệ thống radar có khả năng theo dõi hỏa lực và nhiều loại vũ khí khác. Gói viện trợ này được chú ý nhiều hơn so với các gói viện trợ trước đó, một phần vì có thêm các loại vũ khí tinh vi hơn và hạng nặng hơn.
Các đồng minh của Mỹ cũng đang đưa vũ khí hạng nặng, phức tạp hơn tới Ukraine trong khi ở giai đoạn trước đó, họ chỉ đưa vũ khí hạng nhẹ, thiết bị phi sát thương, đồ bảo hộ.
Nguồn cung vũ khí từ nước ngoài chính là yếu tố quan trọng tác động tới tình hình chiến sự ở Ukraine trong giai đoạn kế tiếp. Hồi đầu tháng, Ukraine thừa nhận Nga đã phá hủy gần như hoàn toàn nền công nghiệp quốc phòng của nước này, vì vậy, Ukraine trong suốt tháng này liên tục phát đi những thông điệp về vũ khí và họ tuyên bố rằng vũ khí thì không bao giờ là đủ.
Theo CNN, việc phương Tây cấp vũ khí cho Ukraine đang là cuộc đua về mặt thời gian vì nếu thiếu khí tài, Nga sẽ đẩy nhanh tốc độ trên chiến trường và Kiev có thể sẽ lỡ thời điểm quan trọng.
Một lô vũ khí Mỹ chuyển cho Ukraine (Ảnh: AP).
Việc phương Tây quyết định cấp vũ khí cho Ukraine chỉ là một chuyện, việc chuyển vũ khí tới miền Đông an toàn và hiệu quả lại là một chuyện khác. Với các vũ khí hạng nặng, việc ngụy trang như vũ khí hạng nhẹ trước đó là không khả thi và Nga đã nhiều lần tuyên bố họ coi các vũ khí phương Tây là “mục tiêu hợp pháp”.
Trong những ngày qua, Nga tuyên bố, lực lượng tên lửa đã phá hủy nhiều kho vũ khí Ukraine, bắn rơi máy bay vận tải chở vũ khí phương Tây. Phương Tây có thể chuyển vũ khí ồ ạt tới Ukraine, nhưng những khí tài này có thể an toàn ra tới chiến trường hay không là câu hỏi khác.
Thêm vào đó, chính Mỹ dường như cũng thừa nhận, khi khí tài của họ được chuyển vào Ukraine, họ không thể theo dõi đường đi của chúng trong Ukraine và nguy cơ các vũ khí này rơi vào tay đối thủ là có thể xảy ra. Đây là một rủi ro đáng kể có thể tác động mạnh tới kết quả cuộc chiến.
Hồi đầu tuần, một quan chức Mỹ nói rằng, họ đang liên tục cấp vũ khí cho Ukraine với tốc độ chưa từng có tiền lệ. Kể từ ngày 24/2 tới nay, Mỹ đã chuyển cho Ukraine lượng vũ khí với tổng trị giá 2,3 tỷ USD. Mỹ cũng cho biết, họ dự kiến sẽ cung cấp tiếp cho Ukraine vũ khí cần thiết.
Ngoài vấn đề vũ khí, một điều mà chuyên gia quân sự Tim Lester cũng đặc biệt chú ý là “mục tiêu” của Nga.
Nhiều nguồn tin nói rằng, Nga muốn một bước tiến rõ rệt trên chiến trường trước ngày 9/5 – thời điểm họ sẽ kỷ niệm Ngày Chiến thắng (khi lực lượng Đồng minh đánh bại phát xít Đức trong Thế chiến II). Đây có thể sẽ là yếu tố thúc đẩy Nga trong những ngày tới tăng tốc cuộc chiến, đặc biệt là sau khi kịch bản họ kiểm soát được Mariupol xảy ra.
Nga có thể sẽ phải thúc đẩy chiến lược mới để đẩy nhanh tốc độ hơn nữa của chiến sự so với hiện tại, đồng thời suy xét tới các yếu tố khác như khả năng chống cự của Ukraine trên chiến trường và lượng vũ khí mà phương Tây đổ về Ukraine.
Chuyên gia Jack Watling thuộc Viện Royal United Services nhận định, sự phản kháng của Ukraine có thể giúp họ có thêm thời gian để kêu gọi phương Tây đổ thêm vũ khí vào, cũng như là thực hiện các biện pháp kinh tế để gây áp lực lên Điện Kremlin.
PHƯƠNG ÁN NÀO ĐỂ THÁO GỠ XUNG ĐỘT?
Đoàn xe quân sự của lực lượng dân quân thân Nga di chuyển tại Mariupol, Donbass hôm 21/4 (Ảnh: Reuters).
Trên thực tế, các dự đoán từ trước tới nay về chiến sự Ukraine có nhiều điểm khá sát, nhưng có những điểm hoàn toàn sai khác thực tế. Ví dụ, ban đầu, giới quan sát cho rằng, Nga sẽ đẩy nhanh tốc độ chiến dịch quân sự và kiểm soát Ukraine nhanh chóng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà trong giai đoạn đầu, Nga tiến quân tương đối chậm so với dự đoán ban đầu.
Vì vậy, việc đưa ra một dự đoán chính xác hoàn toàn không phải là điều dễ, nhất là trong bối cảnh chiến sự đang xảy ra nhiều yếu tố tác động lên tới cả 2 phía.
Trong bài phân tích trên Asia Times, chuyên gia Philipp Kastner từ đại học Tây Australia đã đưa ra nhận định về cách mà chiến sự giữa 2 nước có thể khép lại.
Theo chuyên gia này, chiến dịch quân sự của Nga khó có thể chỉ giải quyết trên chiến trường. Chắc chắn các diễn biến trên chiến trường sẽ mang lại lợi thế hoặc điều bất lợi trên bàn đàm phán cho các bên, nhưng ông Kastner cho rằng, để có thể đạt được một kết quả bền vững, các bên vẫn sẽ cần thương lượng một giải pháp đầy đủ.
Ông Kastner nhận định, các nỗ lực đàm phán, thương lượng, trung gian giữa Nga và Ukraine trong 60 ngày qua “chưa thực sự thành công” và chưa có bước tiến đáng kể. Hai bên vẫn mắc kẹt trong những bất đồng về vấn đề Crimea, Donbass hay thậm chí cơ chế cụ thể cho tình trạng trung lập trong tương lai của Ukraine. Sự “lệch pha” ngay cả trong việc thống nhất về điều khoản hòa bình, hay thậm chí là mở hành lang nhân đạo khiến cho các nỗ lực đàm phán đình trệ, không hiệu quả.
Ông Kastner cho rằng, các vấn đề Crimea và Donbass khá “gai góc” và có thể khó giải quyết nhanh chóng chỉ trong một lệnh ngừng bắn hay một hiệp ước hòa bình. Vấn đề chủ quyền là khá nhạy cảm và không thể được đồng ý một cách vội vàng, vì vậy nó đặt Ukraine vào thế khó khi họ vừa muốn giữ lãnh thổ, vừa muốn hòa bình lập lại.
Các chuyên gia kêu gọi, việc đàm phán có thể chia theo giai đoạn và các bên cần hướng tới những điểm mà họ có thể thống nhất được để tạo ra những bước tiến trong quá trình đàm phán. Hòa bình là cả một quá trình, theo ông Kastner.
Chiến sự gây ra sự tàn phá tại Ukraine (Ảnh: Reuters).
Chuyên gia Jeffrey Sachs từ Đại học Columbia (Mỹ) cũng có đồng quan điểm với ông Kastner khi cho rằng, thỏa thuận hòa bình được thương lượng là điều mà Nga và Ukraine cần nhất để khép lại chiến sự và nó có thể là phương án duy nhất. Ông Sachs cảnh báo, chiến lược hiện tại của Mỹ tập trung vào cấp vũ khí cho Ukraine và trừng phạt mạnh mẽ với Nga có thể sẽ không đủ hiệu quả.
Mặt khác, chuyên gia trên nhấn mạnh, một thỏa thuận hòa bình có thể được cả Nga và Ukraine đồng thuận là điều có thể xảy ra, nhưng nó sẽ buộc Mỹ và phương Tây cũng phải có thỏa hiệp nhất định về NATO, điều mà Mỹ lâu nay vẫn không đồng thuận.
Thêm vào đó, ông Sachs cho rằng, phía Nga cũng có thể sẽ cần phải thể hiện sự nhượng bộ cần thiết để tạo điều kiện cho việc đàm phán thành công.
Chuyên gia Sachs nhận định, các nỗ lực của phương Tây để cô lập, trừng phạt Nga đang bộc lộ những điểm chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Chúng dường như chưa làm lay chuyển quyết tâm của Nga dù những biện pháp quyết liệt chưa từng có tiền lệ đã được đưa ra. Thực tế cho thấy, các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ hướng tới Venezuela, Triều Tiên, Iran khiến cho các nước này khó khăn về kinh tế, nhưng vẫn chưa làm xoay chuyển đáng kể được quan điểm của họ theo cách Mỹ muốn.
Ngoài ra, các lệnh trừng phạt dù cứng rắn nhưng rất khó để kín kẽ và Nga có thể tìm ra các kẽ hở để né tránh. Thêm nữa, các lệnh trừng phạt cũng đang gây ra hiệu ứng ngược, không chỉ làm tổn hại tới kinh tế Nga mà còn tác động tới Mỹ và phương Tây cũng như toàn cầu.
Đức Hoàng / Dân Trí / Theo Reuters, Asia Times, Washington Post, Guardian