Vẻ đẹp trên biển Thái Bình

THÁI BÌNH – Mùa hè là dịp lý tưởng để các nhiếp ảnh gia săn ảnh bình minh, dải ngân hà trên các bãi biển Đồng Châu và Quang Lang.

Biển Đồng Châu thuộc xã Đông Minh, huyện Tiền Hải cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 35 km và cách Hà Nội khoảng 140 km. Đây là một trong những điểm gần Hà Nội được nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến săn ảnh vào mỗi mùa xuân – hè. Nhờ có bầu không khí trong lành, các tay máy có thể chụp và ngắm dải ngân hà từ tháng 3 đến hết mùa hè.

Đoàn Ngọc Anh là một nhiếp ảnh gia tự do hiện sống và làm việc tại Tiền Hải, Thái Bình. Khi trời chuyển dần sang hè, ngoài công việc chính, anh chàng 9x lại đem máy ảnh chụp phong cảnh quê hương. Để săn ảnh dải ngân hà, Ngọc Anh đến biển Đồng Châu từ nửa đêm.

Trong khi đó để bắt được những khoảnh khắc bình minh, Ngọc Anh dậy sớm từ 4h30 để tới biển khoảng 5h và chờ đợi. Những ngày đầu tháng 4 này, bình minh lên khoảng 5h45 thì anh bấm máy trước đó chừng 30 phút. Những gam màu rực rỡ dần xuất hiện cùng với hừng đông trên biển Đồng Châu.

Khu vực các chòi cá, nơi neo đậu thuyền bè của dân đánh cá ở biển Đồng Châu là nơi thu hút du khách và các nhiếp ảnh gia chuyên lẫn không chuyên tới ngắm bình minh nhất.

Khoảng 7h – 8h trở đi mặt trời nhô dần lên cao, nhuộm màu cả bầu trời và mặt biển.

Biển Đồng Châu có bãi tắm dài khoảng 5 km còn giữ nhiều nét hoang sơ. Ngoài ra, du khách có thể đi tàu, xuồng gắn máy ra thăm và tắm ở Cồn Thủ, Cồn Vành cách đất liền 7 km. Ngọc Anh chia sẻ: “Hiện trời dần vào hè nên biển Đồng Châu đang đón khách du lịch trở lại. Chiều mát khách có thể ghé ăn uống và tắm biển”.

Ngọc Anh còn đi săn ảnh bình minh ở biển Quang Lang ở thị trấn Diêm Điền, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, cách biển Đồng Châu khoảng 30 km.

Bãi biển này có đặc điểm khi triều xuống, mặt nước trên bãi cát pha lẫn phù sa ngang tầm mắt cá chân trải dài mênh mông trông như một tấm gương khổng lồ phản chiếu mọi thứ.

Biển Quang Lang cũng là nơi tạo nguồn lợi mưu sinh hàng ngày cho dân địa phương. Sáng sớm đi biển du khách dễ bắt gặp người dân lội bùn cát đi đẩy te bắt tôm cá, hay mò cua cáy, ốc móng tay… Dưới ánh bình minh rực rỡ, cuộc sống mưu sinh lại trở nên thơ mộng như một bức tranh nghệ thuật.

Khánh Trần / Ảnh: Đoàn Ngọc Anh / Vietnam Express

“Chân dung văn học” của một kẻ hiếp dâm

Lương Ngọc An (Facebook nhân vật)

Câu chuyện của nhà thơ Dạ Thảo Phương – nạn nhân một vụ hiếp dâm được gây ra bởi Lương Ngọc An, người hiện ngồi ghế Phó Tổng biên tập tờ Văn Nghệ – đang gây sóng gió mạng xã hội trong nước. Tính đến thời điểm này, bài viết trên Facebook cá nhân Dạ Thảo Phương, sau 23 tiếng, đã nhận được hơn 40,000 lượt tương tác; hơn 5,000 bình luận và hơn 8,900 lượt chia sẻ. Đây là một phản ứng dữ dội, với phần đông ủng hộ nạn nhân, chưa từng có trên mạng xã hội Việt Nam đối với một sự kiện liên quan cưỡng hiếp. Lương Ngọc An là ai? Tài năng nhân vật này như thế nào mà có thể từ một anh tài xế trở thành một Phó Tổng biên tập như hiện nay?

Có khá ít thông tin về Lương Ngọc An. Theo nhiều nguồn, nhân vật này sinh ngày 10 Tháng Mười Một 1965, quê Hà Nội. Trong bài viết về việc Lương Ngọc An được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập tờ Văn Nghệ vào Tháng Chín 2021, trang vanvn.vn cho biết, Lương Ngọc An “đã có 30 năm công tác tại Báo Văn Nghệ, từng đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau và đã hết sức nỗ lực, nhiệt tình, trách nhiệm để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao”. Và trong một bài giới thiệu thơ của Lương Ngọc An, tờ Thanh Niên lược ghi vài hàng về nhân thân nhân vật này:

“Sinh năm 1965, hiện sống tại Hà Nội Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm thơ đã xuất bản: Phác họa – 1993, Trở mình – 1995, Thơ bốn người (in chung) – 2000. Được tặng Giải thưởng thơ báo Tiền phong năm 1993, 1994, Hội Nhà văn Hà Nội năm 1995, tạp chí Sông Hương năm 1996, tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996 và Giải thưởng bút ký báo Lao động năm 2002, tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2004”.

Và trong bài viết gần đây nhất, đăng trên tờ Đại Đoàn Kết ngày 24 Tháng Một 2022, tác giả Phùng Văn Khai cho biết, Lương Ngọc An từng là lính xe tăng, bắt đầu vào làm việc tại báo Văn nghệ sau khi giải ngũ (1990) với nghề tài xế; sau đó đương sự học trường Viết văn Nguyễn Du khóa 5 (1993-1997) rồi sau đó về làm bộ phận hành chính của tờ Văn nghệ trẻ… Nói tóm lại, nếu không có vụ phanh phui chấn động của nhà thơ Dạ Thảo Phương, chẳng ai biết Lương Ngọc An là “thằng quái” nào. Tên tuổi nhân vật này trên diễn đàn thơ văn Việt Nam gần như không ghi lại dấu vết gì. Nói cách khác, Lương Ngọc An không phải là một “nhà thơ” có tiếng vang nhờ tài năng. Thế mà đương sự vẫn có thể được cất nhắc lên Phó Tổng biên tập Báo Văn Nghệ kiêm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Dạ Thảo Phương lúc trẻ

Tìm trên Google, tất cả những gì từng được viết về Lương Ngọc An chỉ vọn vẹn ba bài đáng chú ý và tất cả đều viết với giọng điệu vuốt ve nịnh bợ bằng lối hành văn “bốc thơm” rất… nặng mùi. Chẳng hạn trong Những cung đường Lương Ngọc An, tác giả Đào Đức Tuấn viết về Lương Ngọc An với giọng văn “cực kỳ đặc trưng” của “nền báo chí cách mạng Việt Nam” (khi khen ai thì bốc họ lên tận mây xanh và khi vùi dập ai thì ghì đầu họ xuống bùn), với những câu chữ tâng bốc nâng niu khăm khẳm:

An có giọng đọc thơ mê hồn và một vẻ phong trần… Cái vẻ ngoài bụi bặm và hơi phớt đời của An lại mềm mại và da diết đến nao lòng trong thơ. Ngẫm về bạn, đôi lúc tôi tự nhủ: “Trời phú cho ông này nhiều thứ thật. Dáng vẻ khỏe mạnh và một tâm hồn dạt dào như thế, con gái nào không yêu hắn được chứ… Bút pháp là tài sản riêng của nhà văn. Đổi mới đến đâu thì cũng còn phải xem anh có gì để đổi mới và bắt đầu từ đâu mà đổi mới. Nếu anh là người giàu có thì chẳng cần đổi mới, cứ tự nhiên như anh vốn có thì cũng đã là quá độc đáo và sang trọng rồi…”.

Thú thật là tôi, người viết bài này, đã tìm đọc một số “thi phẩm” của Lương Ngọc An để tìm hiểu “văn tài” của một “nhà thơ” trở thành “viên chức lãnh đạo” và thấy rằng cái gọi là thơ của Lương Ngọc An chẳng có gì “quá độc đáo và sang trọng”. Nó là thứ thơ tuổi học trò. Nó là thứ tán hươu tán vượn thành thơ. Nó là thứ thơ “sang trọng” hơn… thơ con cóc.

Bài thứ hai tán dương Lương Ngọc An là Lương Ngọc An – Nhà thơ ‘thả thính’ siêu ‘dính’. Bài này, tác giả Đào Nguyên viết: “Chưa hỏi anh có bao nhiêu bài thơ tình song cứ xem những gì anh “bắn” trên “nhà ảo” của mình, có thể tạm đoán con số ấy khó mà tính được. Viết cực nhiều thơ tình nhưng không viết vội, viết ẩu. Cho nên, mỗi lần Lương Ngọc An thả thính,chị em “tỉnh” người, hào phóng “bắn tim”...

Tuy nhiên, phải đọc bài Lương Ngọc An: Khúc đời thường văn chương cay mắt sóng mới thấy hết mức độ… bi thảm của cái gọi phê bình văn học Việt Nam và mức độ thô thiển của việc viết về “chân dung văn học”. Nó không phải là vẽ nên chân dung theo cách chúng ta từng đọc những bài của Tạ Tỵ hay Võ Phiến về những nhân vật văn học được miêu tả. Nó chỉ là sự vuốt ve nịnh nọt đặc sệt phong cách tự sướng với nhau, của những kẻ ít học ngồi chung bàn nhậu và khen nhau lấy lòng. Gọi đó là những bài phê bình văn học chẳng khác gì bỉ bôi và sỉ nhục làng phê bình và giới phê bình văn chương.

Trong bài viết trên, với cách dùng từ lổn ngổn như thể ráng… “rặn”, tác giả Phùng Văn Khai viết:

“Tôi thấy ít người ghềnh thác như anh. Có thác ghềnh mới sỏi nấu thành cơm được. Chơi với anh trên ba mươi năm, từ khi tôi nhập học Viết văn Nguyễn Du khóa 6 (1998-2002) đã được gặp, nhất là được nghe thơ anh. Tôi đã thấy sẵn ở đó sự quyết liệt, tự trẫm mình, tìm tai ách trong ngang tàng, ngạo nghễ… Những năm gần đây, Lương Ngọc An đằm tính một cách khác thường. Ngày xưa, lúc nào cũng hăm hở ra đi, đi để tan sông nát bến cũng chỉ vì gương mặt thơ, gương mặt anh em bầu bạn. Nay vẫn còn đó một Lương Ngọc An, nhưng đã trầm hậu và thanh thoát, luôn tìm theo nguồn ngọn để trở về. Phải đâu ngọn núi lửa đã tìm cho mình một khúc du ca riêng tĩnh lặng…”

“Một hôm, khi đoàn nhà văn quân đội vượt đèo Hải Vân (khi đó còn chưa có đường hầm xuyên đèo), tới giữa đỉnh đèo trời nắng như đổ lửa, ai nấy trố mắt dõi nhìn một thanh niên cưỡi chiếc xe phân phối lớn siết ga máy nổ đoành đoành như xe tăng khói tuôn mờ mịt vượt dốc tay áo lên đèo. Có lúc, tưởng chừng dốc đứng cua gấp, nhựa đường nóng chảy lóa nhóa trơn trượt sẽ hất văng cả xe và người xuống vực mà ái ngại, thì đoành đoành đoành, chiếc xe đã đỗ xịch ngay giữa đỉnh đèo. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, vốn người Quảng Bình mắt sáng tiếng vang nói như reo lên: Trời đất! Lương Ngọc An!…”

…………….

Trời ơi, Lương Ngọc An, Lương Ngọc An, Lương Ngọc An!… Cả ba tác giả trên, cũng như tất cả những kẻ tai to mặt lớn trong giới lãnh đạo làng văn nghệ Việt Nam, có biết chuyện “trời ơi” của Lương Ngọc An với nạn nhân Dạ Thảo Phương? Có kẻ nào “mắt sáng tiếng vang nói như reo” từng lên tiếng về vụ án hiếp dâm đồi bại của Lương Ngọc An đối với nhà thơ Dạ Thảo Phương? Ai đã bao che cho Lương Ngọc An? Ai đã có một thời gian dài buộc Dạ Thảo Phương phải giữ kín chuyện này lúc sự kiện xảy ra cách đây hơn 20 năm?

Câu chuyện Lương Ngọc An còn cho thấy một thực tế: Trong mọi hệ thống ở Việt Nam, không phải có tài là được cất nhắc và không phải bất tài thì thành thằng vô dụng. Một thằng vô dụng biết luồn cúi và biết phục vụ hệ thống thì nó luôn trở thành thằng hữu dụng. Và một khi có thể nhìn thấy sự hữu dụng của nó thì phải bảo vệ và che chắn nó. Cái “thiết chế” này ngay từ khi mới “lọt lòng” đã mặc định có “chức năng” như vậy.

Đâu phải chỉ xảy ra trong làng văn nghệ. Nó hiển hiện trong mọi hệ thống trong hệ thống cai trị nói chung. Bi kịch Dạ Thảo Phương không phải là bi kịch cá nhân và chỉ liên quan Lương Ngọc An. Trong tất cả hệ thống ở Việt Nam, còn có vô số Lương Ngọc An bẩn thỉu khác, còn có vô số Lương Ngọc An có thể tiến thân và leo cao từ nghề hoạn lợn, y tá đến tài xế…, khiến cả nước này hàng chục năm qua ngày càng “tan sông nát bến”!

Mỹ Anh / Saigon Nhỏ

Làm thế nào để đảo chính Putin?

(ảnh: Pierre Crom/Getty Images)

Liệu một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể xảy ra? Có! Nếu dò lại lịch sử Nga để tìm manh mối. Trong hơn hai thập niên nắm quyền, Vladimir Putin chưa bao giờ đối mặt với thách thức nghiêm trọng nào cho quyền lực. Nhưng cuộc chiến thảm khốc ở Ukraine có thể thay đổi điều đó…

Nhìn lại lịch sử

Cơ hội xảy ra một cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại Kremlin là rất thấp. Tháng Ba, một cuộc thăm dò từ Trung tâm Levada độc lập của Nga cho thấy 83% người Nga tán thành những gì Putin đang làm trong cương vị tổng thống, tăng so với 71% trong Tháng Hai. Rất ít người Nga có khả năng tiếp cận tối thiểu với thông tin độc lập ngoài sự tuyên truyền của nhà nước, và bất kỳ ai dám xuống đường chống Putin đều đối mặt với những hình phạt hà khắc.

Putin, với sự tàn bạo cố hữu không bao giờ để chuyện đó xảy ra. Như các nhà độc tài trước Putin, mối đe dọa đối với sự cai trị của ông ta chỉ có thể đến từ bên trong chế độ. Lịch sử của Nga cho thấy điều này từng xảy ra. Đã có hai cuộc đảo chính thành công kể từ khi những người Bolshevik giành được chính quyền từ năm 1917. Vụ thứ nhất là cuộc lật đổ trùm mật vụ Lavrenti Beria tàn bạo của Stalin vào Tháng Sáu 1953; và vụ thứ hai là lật đổ Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev vào Tháng Mười 1964. Ngoài việc Beria và sáu cộng sự của ông bị hành quyết, hai cuộc đảo chính diễn ra khá suôn sẻ và không đổ máu. Trong cả hai trường hợp, sự hỗ trợ của các cơ quan an ninh và quân đội Liên Xô là yếu tố chính quyết định thành công.

Trùm mật vụ một thời hét ra lửa Lavrenti Pavlovich Beria (1899-1954) (ảnh: Hulton Archive/Getty Images)

Sau khi Stalin qua đời vào Tháng Ba 1953, các thành viên Đoàn Chủ tịch của Beria, do Khrushchev lãnh đạo, trở nên lo lắng về quyền lực ngày càng tăng của Beria và các chính sách chống chủ nghĩa Stalin của ông ta. Nhưng loại bỏ Beria là một thách thức, vì ông ta cầm đầu Bộ Nội vụ (MVD) đầy quyền lực. Bộ này gồm cả cảnh sát thường và mật vụ. Những kẻ âm mưu chỉ còn cách nhờ đến các lãnh đạo quân đội, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Nikolai Bulganin và Nguyên soái Georgy Zhukov, những người có mối thù sâu sắc với Beria và MVD, để hỗ trợ bắt ông ta tại một cuộc họp lãnh đạo được triệu tập vội vàng mà ông ta không chút nghi ngờ.

Nikita Khrushchev và Joseph Stalin (ảnh: Universal History Archive/Getty Images)

Dù cuộc đảo chính thành công (Beria bị xử bắn vào Tháng Mười Hai năm sau) nhưng rủi ro vẫn rất cao và nhóm Khrushchev phải đối mặt với nguy hiểm đáng kể khi tìm cách trấn áp sự phản đối tiềm tàng từ các thuộc cấp của Beria sau khi đương sự bị bắt. Nhưng Khrushchev đã xoay sở được với những lời hứa thăng chức để thuyết phục hai cấp phó trung thành của Beria, Sergei Kruglov và Ivan Serov, phản chủ và khống chế được các sĩ quan MVD cấp bậc cao.

Việc Khrushchev bị lật đổ 11 năm sau đó cũng là một kế hoạch nguy hiểm không kém đối với Leonid Brezhnev và những người khác trong Bộ Chính trị, ở thời điểm mà người ta tin rằng Khrushchev “đang vượt quá giới hạn, không tôn trọng vai trò của sự lãnh đạo tập thể”. Brezhnev vô cùng lo lắng khả năng kế hoạch bị thất bại. Ông yêu cầu người chỉ huy đội cảnh vệ cá nhân phải túc trực canh gác nhiều đêm bên ngoài nhà riêng với vũ khí tự động sẵn sàng. Trước khi đồng ý theo Brezhnev, hai thành viên Bộ Chính trị chủ chốt là Aleksei Kosygin và Mikhail Suslov yêu cầu âm mưu này phải được sự hậu thuẫn của cả quân đội và KGB.

Tổng giám đốc KGB Vladimir Semichastny đóng vai trò rất quan trọng. Semichastny đích thân ra gặp Khrushchev tại sân bay khi ông ta trở về từ một kỳ nghỉ ở Biển Đen và thông báo… “ông không còn việc gì để làm”! Được hỗ trợ bởi cảnh vệ KGB với súng ống lên nòng, Semichastny cảnh báo Khrushchev không nên chống cự. Khrushchev, người đã bổ nhiệm Semichastny nắm giữ KGB như một đồng minh thân cận, tức tối và cảm thấy bị phản bội nhưng không còn chọn lựa nào khác hơn là chấp nhận chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ.

Quay lại Putin

Các nỗ lực nhằm hạ bệ Putin, nếu có, cũng cần sự hỗ trợ tích cực hoặc thụ động từ ba lực lượng chủ chốt: Quân đội, FSB (kế nhiệm KGB) và Vệ binh Quốc gia (Rosgvardiya). Putin có các đồng minh vững chắc tại tất cả ba cơ quan này. Đó là Giám đốc FSB Aleksandr Bortnikov thuộc “gia tộc Leningrad/St. Petersburg của Putin” (gồm các cựu sĩ quan KGB) được Putin trực tiếp cất nhắc; và Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Nikolai Patrushev.

Vladimir Putin và sếp FSB Alexander Bortnikov (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

FSB có đơn vị đặc biệt riêng và một mạng lưới rộng lớn gồm các sĩ quan phản gián để giám sát quân đội. Mặc dù không đến từ St.Petersburg hay là cựu chiến binh KGB, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã là tay chân thân cận với Putin trong nhiều năm như “người trong nhà”, đầu tiên trong cương vị Bộ trưởng Các tình huống khẩn cấp rồi đến năm 2012 nắm giữ Bộ Quốc phòng với 900,000 quân nhân tại ngũ. Putin và Shoigu thể hiện tình bạn của họ một cách công khai, lên sóng truyền hình khi đi nghỉ cùng nhau ở vùng Siberia, quê hương của Shoigu.

Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga vào Tháng Hai, Shoigu đã ủng hộ hoàn toàn cuộc xâm lược Ukraine. Chỉ huy trưởng Vệ binh Quốc gia Nga Viktor Zolotov cũng là người được đánh giá được Putin tin cậy. Zolotov gặp Putin lần đầu tiên vào đầu thập niên 1990 khi đang làm vệ sĩ cho sếp của Putin, Thị trưởng St.Petersburg Anatoly Sobchak. Từ năm 2000 đến 2013, Zolotov đứng đầu Dịch vụ An ninh Phủ Tổng thống, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ cá nhân tổng thống. Khi thành lập Vệ binh Quốc gia vào năm 2016, Putin đã bổ nhiệm Zolotov vào vị trí lãnh đạo. Quân của MVD được chuyển đến cơ quan mới, cùng với các lực lượng đặc biệt khác, biến Vệ binh Quốc gia thành một lực lượng quân số lên đến 340,000 người.

“Ngôi nhà lớn” – từ quen được gọi ở St. Petersburg – trụ sở cơ quan an ninh tình báo nội địa Nga FSB, trước kia là tổng hành dinh cơ quan khét tiếng KGB (ảnh: Ulf Mauder/picture alliance via Getty Images)

Nhưng dù Putin đã lập được các căn cứ vững chắc của lòng trung thành, số phận của Beria và Khrushchev cho thấy lòng trung thành có thể thay đổi theo thời gian khi Kremlin rơi vào khủng hoảng. Có thể Bortnikov sẽ trở thành một Semichastny khác và chuyển phe để cứu lấy chính mình! Ngay cả Shoigu và Zolotov, khi đối mặt với liên minh tầm cỡ đối đầu với Putin, họ cũng sẽ cân nhắc “nhảy tàu”, giống như các phó tướng của Beria đã từng làm. Beria xét về thủ đoạn thì không thua gì Putin nhưng vẫn “chết”.

Có một điều chắc chắn: Bất kỳ nỗ lực đảo chính nào chống lại Putin sẽ nguy hiểm và mang tính rủi ro nhất lịch sử chính biến tại Kremlin và không dễ như đảo chính Beria, Khrushchev hay Gorbatrev, tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên Xô. Hơn ai hết, cáo già nham hiểm Putin đã học thuộc những bài học lịch sử. Theo Andrei Soldatov, một chuyên gia về Nga tại Trung tâm phân tích chính sách châu Âu, từ giữa Tháng Ba 2022, Putin đã thanh trừng phạt các quan chức cấp cao trong FSB vì những thất bại ban đầu của cuộc chiến và cũng vì muốn chặn trước khả năng chống đối trong hàng ngũ cấp cao. Các nguồn tin của Soldatov cho biết Putin đã quản thúc Sergei Beseda, người phụ trách chi nhánh tình báo nước ngoài của FSB.

Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ