Vợ chồng nhiếp ảnh gia Maciej Margas dành nhiều năm bay trực thăng, chụp ảnh trên cao ở các thành phố lớn và điểm đến thiên nhiên của Ba Lan.
Trung tâm Krakow, thủ đô cũ của Ba Lan và cũng là một trong những thành phố đẹp nhất ở đất nước Trung Âu này. Bộ ảnh do vợ chồng nhiếp ảnh gia Maciej Margas và Aleksandra Łogusz thực hiện.
Maciej, 28 tuổi, sinh ra ở Warsaw, Ba Lan. Đam mê với nhiếp ảnh trên cao, từ năm 16 tuổi anh đã bắt đầu tập chụp từ mái các tòa cao ốc. Nhờ vậy, Maciej gặp được vợ tương lai Aleksandra, một nhiếp ảnh gia chụp trên các mái nhà. Một lần Aleksandra rủ Maciej đi trực thăng để chụp ảnh Warsaw và từ đó họ bén duyên trong cả cuộc sống và công việc.
Vào mùa thu, Maciej có thể chụp cảnh thủ đô Ba Lan mơ màng giữa biển mây. Thành phố tuy gần như bị phá hủy trong Thế Chiến thứ hai nhưng nhờ sự nỗ lực của người dân mà những tòa nhà dần được xây dựng trở lại.
Warsaw lung linh ánh đèn về đêm. Đây là bức ảnh panorama chụp đêm, trong ảnh bạn có thể thấy ít nhất 30 tòa cao ốc, một nửa số đó cao trên 150m.
Vợ chồng Maciej thực hiện dự án nhiếp ảnh “Poland from the sky” (Ba Lan từ trên cao). Họ đã mắt sách ảnh cùng tên đồng thời tổ chức triển lãm tại tầng 35 của một tòa cao ốc ở Warsaw vào đầu năm nay.
Khi bay vượt qua tầng mây, nhiếp ảnh gia có thể ngắm nhìn dãy núi Peniny rõ ràng hơn. “Đây là một trải nghiệm độc đáo, cuốn hút. Nhìn Peniny như một quần đảo chứ không còn là núi nữa”, Maciej nhận xét.
Vài năm qua, vợ chồng Maciej thực hiện nhiều chuyến bay trực thăng để chụp ảnh Warsaw, vùng Silesia và các thành phố lớn khác ở Ba Lan. Tuy vậy, với họ những chuyến đi vẫn chưa đủ, họ mong muốn có thể chụp lại hình ảnh của một Ba Lan vừa hiện đại vừa còn nét cổ kính. Họ đã tìm kiếm nhiều điểm đến từ di sản nổi tiếng cho đến nơi độc đáo ít người biết.
Trên hình là Gdansk – một thành phố lớn và cũng là thương cảng sầm uất của vùng biển Baltic. Nhìn từ trên cao có thể thấy các thành trì quân sự mà khi ở dưới mặt đất rất khó nhận ra.
Những hình khối trừu tượng được tạo nên từ tro thải của nhà máy điện Belchatow.
Lâu đài Łańcut là khu phức hợp các tòa nhà lịch sử bao quanh bởi một công viên xây theo phong cách Anh. Đây là di tích lịch sử quốc gia của Ba Lan.
Đập giữ nước trên hồ nhân tạo Solina, một trong những hồ đẹp nhất ở Ba Lan. Vừa thích bay vừa yêu nhiếp ảnh, Maciej nỗ lực kết hợp hai đam mê. Bộ ảnh được chụp từ máy bay, khinh khí cầu, drone… nhưng vợ chồng Maciej thích ngồi trên trực thăng để sáng tác nhất. Nhiều khi rất khó tìm được phi công ở gần địa điểm chụp để thuê, hoặc có những lúc họ phải đi từ đêm để tới nơi trước bình minh…
Biebrzanski là vườn quốc gia lớn nhất Ba Lan, nằm ở phía đông nam nước này. Dòng sông lớn uốn quanh tạo nên một vùng đất bùn lầy khiến con người rất khó di chuyển, nhưng đây lại là nơi trú ngụ hoàn hảo cho các loài chim.
Ostrów Lednicki – hòn đảo của những vị vua, nằm ở phía nam hồ Lednica, giữa hai thành phố Gniezno và Poznań. Tàn tích của một thành trì thời trung cổ ở đây nay trở thành Bảo tàng của Triều đại Piast. Đây là bảo tàng ngoài trời lớn nhất cũng là di sản quốc gia của Ba Lan, đón khách từ năm 1969.
Khu vực Silesia có rất nhiều lâu đài, cung điện cổ. Trên hình là lâu đài Czocha, từng làm bối cảnh của hàng chục bộ phim Âu – Mỹ.
Lâu đài Malbork phủ tuyết trắng. Công trình thế kỷ 13 này được UNESCO công nhận là di sản thế giới, hiện là lâu đài lớn nhất thế giới tính theo diện tích đất.
9 lối tư duy giúp bạn tránh đi đường vòng, lãng phí thời gian, đường tới thành công theo đó mà nhanh chóng, thuận lợi hơn.
1. Tư duy thuyết phục
Tục ngữ có câu “quân tử động khẩu không động thủ”, nếu thật là vậy thì Quỷ Cốc Tử đúng là một chân quân tử thực thụ nhất rồi. Bởi vì chủ trương của ông là “nói người, nói nhà, nói quốc gia và thiên hạ”, Quỷ Cốc Tử có thể dàn xếp ổn thỏa mọi việc bằng miệng mà không cần động chút tay chân nào. Vì thuyết phục là phương pháp ít tốn kém, ít rủi ro nhất mà hiệu quả mang đến lại cao nhất.
Theo quan điểm của Quỷ Cốc Tử, mục đích của việc nói chuyện không phải chỉ là để trò chuyện, mà là để moi tin từ lời nói của người khác. Muốn nói giỏi, trước hết bạn phải học cách lắng nghe. Tại sao phải học nghe? Vì thứ mà Quỷ Cốc Tử chủ trương là thuyết phục chứ không phải tranh luận. Chúng ta có thể hiểu một cách khái quát rằng mục đích của thuyết phục là để có thêm một người bạn, còn tranh luận thường là thêm một kẻ thù.
Mục đích của giao tiếp không phải để tranh luận đúng hay sai mà là để thuyết phục đối phương, đồng thời giúp mình có thêm một người bạn, bạn nhiều thì đường đi ắt cũng sẽ rộng hơn.
2. Tư duy liên minh
Một sợi tơ thì không thể đan thành vải, một cái cây thì không thể biến thành rừng, con người là cá thể mang thuộc tính xã hội nên phải có tinh thần liên minh, đặc biệt ở môi trường công sở thì lại càng nắm rõ tư duy liên minh này. Một người muốn leo lên vị trí cao, cần phải thỏa mãn được 2 điều kiện, 1 là có người ở trên kéo, 2 là có người ở dưới đẩy. Nếu chỉ có người kéo bạn, hoặc chỉ có người đẩy bạn, thì xác suất bạn leo lên được chỉ là 50%. Còn nếu không có ai kéo hay đẩy bạn, thì xác suất leo lên được của bạn hầu như sẽ là 0%.
Người kéo bạn là thủ lĩnh của bạn, hậu phương của bạn. Người đẩy bạn là cấp dưới hoặc đồng nghiệp của bạn, là chỗ dựa của bạn, tất cả những thứ này chính là liên minh.
3. Tư duy quan hệ
Tục ngữ có câu “nhà ở ven hồ hưởng trước ánh trăng”, nếu có quan hệ thân thiết với cấp trên thì ngày thăng quan tiến chức của bạn chắc chắn không còn xa. Không thể phủ nhận rằng năng lực là quan trọng, nhưng các mối quan hệ cũng quan trọng không kém.
Thế phải làm cách nào mới có thể kéo gần mối quan hệ với cấp trên? Tất nhiên, chiến lược của Quỷ Cốc Tử không chỉ là dựa vào những lời tâng bốc mà còn phải dựa vào những lời khuyên và góp ý hữu dụng nữa. Có nghĩa là nói những gì cấp trên thích nghe và cung cấp cho họ chiến lược tốt để giải quyết vấn đề.
4. Tư duy lựa chọn
Đường đua khác nhau thường quyết định cuộc đời khác nhau, vì vậy có câu “lựa chọn quan trọng hơn cố gắng”. Trong cuộc sống, rốt cục là lựa chọn cố gắng hay cố gắng để lựa chọn?
Tôi e rằng ưu tiên hàng đầu là phải cố gắng chọn cho mình một đường đua thích hợp. Khi đã biết rõ mục tiêu của bản thân, biết rõ bản thân muốn điều gì và nên đi đâu, thì đồng nghĩa là bạn đã giành được 50% chiến thắng.
Có một câu ngạn ngữ như thế này: “Một con tàu không có phương hướng thì dù đi về hướng nào cũng sẽ là chiều ngược gió mà thôi.”
5. Tư duy ngược chiều
Quỷ Cốc Tử cho rằng, muốn nói, trước tiên hãy im lặng. Muốn phát biểu thì trước tiên hãy kiềm chế bản thân. Nếu bạn muốn leo lên cao hơn, thì trước hết hãy hạ thấp bản thân mình xuống. Cho nên, nếu muốn đạt được lợi ích thì trước hết hãy làm ngược lại, hãy rèn luyện một tinh thần sẵn sàng cho đi. Nhất là ở thời đại hiện nay, có quá nhiều người hi vọng không làm mà có ăn, tay không bắt cướp. Thật là mơ giữa ban ngày, không có gieo trồng, chăm bón thì thu hoạch ở đâu mà ra? Không có cho đi thì làm sao mà nhận lại?
Quỷ Cốc Tử dạy chúng ta học cách “làm ngược lại”, hãy để tư duy phát triển theo chiều hướng ngược lại của sự vật, suy nghĩ sâu sắc từ mặt đối lập của vấn đề, từ đó tìm ra giải pháp.
6. Tư duy luồn cúi
Trên đời này có thứ gì là hoàn hảo không? Quỷ Cốc Tử nói không có, ông cho rằng chắc chắn sẽ có những mâu thuẫn và kẽ hở trong sự thay đổi và phát triển của vạn vật trên thế giới. Tương tự thế, trên đời này cũng không có người hoàn hảo, chỉ cần đã là con người thì nhất định sẽ có điểm yếu. Vậy bạn có biết nên làm gì khi phát sinh xung đột với một ai đó không?
Câu trả lời của Quỷ Cốc Tử chính là hãy “luồn cúi”, ý gì đây? Chính vì đối phương không hoàn hảo cho nên bạn phải tích cực luồn cúi, tựa như một chiếc máy khoan, bạn càng cúi người thấp đến cỡ này thì càng dễ đào được điểm hiếu từ sâu bên trong đối thủ đến cỡ ấy, sau đó hãy nắm lấy sơ hở và lợi dụng điểm yếu đó để giành lại thế chủ động cho mình, đó mới là thượng sách.
7. Tư duy hiểu người
Mục đích của kế hoạch là gì? Là để chiến thắng. Mọi người có xu hướng tập trung vào kế hoạch, xem nó là thứ quan trọng nhất. Nhưng Quỷ Cốc Tử không nghĩ như thế, vì nền tảng của kế hoạch là “hiểu người”. “Hiểu người” nghĩa là gì? Nghĩa là hiểu rõ tình huống thực sự của đối thủ.
Như chúng ta đã biết, con người là một loài động vật biết nói dối và rất giỏi ngụy trang, vì vậy Quỷ Cốc Tử chủ trương phải giấu kỹ tình huống của bản thân, và đồng thời phải nắm rõ những thông tin mà đối thủ cố tình muốn che giấu. Trong binh pháp, chiêu này còn được gọi là “biết người biết ta”, chỉ cần bạn chú tâm đi tìm hiểu kỹ đối thủ thì mới có thể lập ra kế hoạch tác chiến hữu hiệu. Trong cuộc chiến này, bạn không thua vì kế hoạch, bạn thua vì không biết rõ đối thủ của mình.
8. Tư duy cương và nhu
Thế nhân luôn có xu hướng thích hùa theo người khác. Họ cho rằng muốn thành công thì bắt buộc phải thế. Trên thực tế, nếu một người ăn theo thái quá thì rất dễ bị mọi người gắn nhãn là ba phải, nịnh bợ, không thành thật. Vậy liệu bạn có muốn ở gần một người như thế không?
Một số người cho rằng Quỷ Cốc Tử chủ trương nói hùa theo, nhưng điều đó không đúng, điều mà Quỷ Cốc Tử chủ trương là có cương có nhu, khi cần phải nói thẳng thì nên nói thẳng, khi cần đưa đẩy thì nên đưa đẩy theo người.
Cụ thể là khi chưa hiểu rõ tình hình cụ thể thì phải biết khéo léo trong hành động và lời nói, đừng nói quá tuyệt đối một vấn đề nào đó mà hãy chừa đường lui cho mình. Còn khi bạn đã hiểu được tình hình thực tế của sự việc rồi, thì hãy làm một người có nguyên tắc và giới hạn, đường đường chính chính mà nói ra ý kiến của riêng mình.
9. Tư duy công chính
Tư Mã Quang cho rằng có đức mà không có tài thì cùng lắm cũng chỉ được xem là một quân tử mà thôi, nghe thì cũng hay đấy, nhưng thực tế người như vậy, làm người thì không chỗ nào chê, còn nếu làm việc thì đúng là tệ không thể nói.
Làm người có thể dựa vào đạo đức, nhưng làm việc nhất định phải biết vận dụng tốt quyền lực và mưu kế. Thực ra thì Quỷ Cốc Tử không phản đối 2 từ “nhân nghĩa”, chỉ là ông cho rằng một người không thể chỉ có nhân nghĩa đạo đức, mà còn phải có tài thao lược, biết dụng quyền mưu tính.
Cái gọi là công chính, nghĩa là tay trái có lương tri, tay phải có mưu lược, 2 vế này không hề mâu thuẫn lẫn nhau, vì lương tri có thể giúp người ta đi xa hơn, còn mưu lược thì giúp con người trèo cao hơn.
Công an được điều động đến 8 thành phố ở 7 tỉnh thành để lục soát cùng lúc 5 “mật khu”, thu giữ hàng trăm máy vi tính, điện thoại di động…
Vụ án rúng động
Theo thống kê, hiện có khoảng 150 triệu người Trung Quốc đang nắm giữ cổ phiếu trong tay, như vậy trung bình cứ 10 người ở nước này thì có 1 người chơi cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán cung cấp một nền tảng tốt để các nhà đầu tư chia sẻ thành quả của tăng trưởng kinh tế và thu được lợi nhuận từ đầu tư. Tuy nhiên, vì lòng tham không đáy, một số người đã bắt đầu “nghĩ ra những ý tưởng” quanh co để kiếm nguồn lợi nhuận khổng lồ từ các sàn giao dịch. Đơn cử như vụ thao túng thị trường chứng khoán rúng động Trung Quốc dưới đây.
Hiện trường vụ xử án thao túng thị trường cổ phiếu. Hình ảnh: Sina
Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải vốn sở hữu công cụ cảnh báo có thể xử lý hàng trăm triệu dữ liệu giao dịch mỗi ngày, phân tích dữ liệu khổng lồ của hơn 20 năm để tìm ra chính xác các tài khoản bị nghi ngờ là bất hợp pháp.
10 giờ sáng tháng 8 năm 2017, hệ thống cảnh báo của Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải bất ngờ phát hiện một điểm bất thường trên sàn giao dịch.
Cổ phiếu SHA của công ty ZheJiang DiBay Electric, mới được niêm yết vào tháng 5 năm 2017, bất ngờ tăng vọt. Trong 3 tháng sau khi giá cổ phiếu lên sàn, tỷ lệ tăng tích lũy đã vượt quá 40%. Nhân viên của Sở giao dịch nhanh chóng điều tra và phát hiện ra hơn 400 tài khoản đang giao dịch cổ phiếu cùng một lúc, trong đó có nhiều tài khoản mới được mở gần đó.
Mã cổ phiếu SHA tăng vọt. Hình ảnh: Sina
Các tài khoản đồng thời mua vào với số lượng lớn cổ phiếu, sau đó bán theo đợt, ngấm ngầm hợp tác cùng thực hiện nhiều hành vi bất thường gây ra biến động lớn về giá cổ phiếu.
Các điều tra viên từ Đội Thanh tra CSRC phát hiện hơn 400 tài khoản này được vận hành trên hàng chục máy tính, đôi khi 30 tài khoản được giao dịch trên cùng một máy tính.
Vào tháng 7/2018, sau khi xác định được vị trí giao dịch, các cơ quan công an đã huy động hơn 280 cảnh sát và hơn 30 điều tra viên chuyên nghiệp của cục quản lý chứng khoán. Họ đã được điều động đến 8 thành phố ở 7 tỉnh bao gồm Thành Đô và Vũ Hán để tiến hành bắt giữ cùng lúc 5 “mật khu”, thu giữ hàng trăm máy vi tính, điện thoại di động…
Cơ quan công an đã bắt giữ 26 tên tội phạm chính, bao gồm La Sơn Đông và Cung Thế Uy.
Băng đảng phạm tội và cái kết
La Sơn Đông từng là chủ tịch của tập đoàn Đông Năng Hồ Nam, làm việc trong lĩnh vực bất động sản và khai thác than. Hắn đã dày dạn kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán và kiếm lợi bất hợp pháp 187 triệu NDT chỉ riêng bằng việc cách thao túng cổ phiếu ZheJiang DiBay Electric.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là La Sơn Đông gần như trắng tay khi thao túng số tiền lớn như vậy, lợi nhuận hầu như về tay chủ mưu đằng sau là các công ty phân bổ vốn tư nhân. Các công ty đó cung cấp cho La Sơn Đông một khoản tiền lớn và hắn nhận hoa hồng hành vi bất chính.
Chân dung kẻ phạm tội chính La Sơn Đông. Hình ảnh: Sina
Điều tra sâu hơn, các thanh tra viên phát hiện thêm rằng băng đảng của La Sơn Đông đã huy động được tới 1,08 tỷ NDT thông qua nhiều trung gian tài chính. Các quỹ này sử dụng các kỹ thuật giao dịch bất thường như đẩy giá cổ phiếu trong ngày và nhanh chóng “xả” để kiếm tiền.
Không chỉ DiBay Electric mà còn có 7 mã cổ phiếu của 7 công ty khác cũng bị nghi thao túng.
Băng đảng này có sự phân chia chuyên nghiệp bao gồm kẻ phạm tội chính – La Sơn Đông, chịu trách nhiệm về hoạt động của tài khoản chứng khoán, chỉ đạo việc mua và bán tập trung; Cung Thế Uy chịu trách nhiệm chính trong việc phân bổ dòng tiền và phối hợp thao túng các giao dịch; Hạ Chí Hoa đóng vai trò “cò đen” trên thị trường chứng khoán và có nhiệm vụ khuyến nghị mã cổ phiếu, thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua vào.
Chân dung kẻ đồng phạm Cung Thế Uy. Hình ảnh: Sina
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể “mù tịt” về thị trường chứng khoán, họ không biết cổ phiếu nào sẽ tăng và cổ phiếu nào không tăng.
Đây là cơ hội cho những kẻ “cò đen” trên thị trường chứng khoán, chúng loan tin “tương lai cổ phiếu sẽ tăng vọt” và những nhà đầu tư không biết sự thật thường bị lỗ sau khi bị lừa mua. Hạ Chí Hoa vốn kinh doanh trà sữa, nhưng chính vì không chịu nổi sự cám dỗ của những khoản hoa hồng khủng mà anh trở thành “cò đen”.
Kể từ tháng 5/2017, băng nhóm này đã sử dụng hơn 400 tài khoản chứng khoán để thao túng một cách ác ý 8 mã cổ phiếu, thu lợi hàng tỷ NDT.
Chân dung kẻ “cò đen” Hạ Chí Hoa. Hình ảnh: Sina
Vào tháng 9 năm 2019, những kẻ cầm đầu băng đảng được đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân Trung cấp của thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang. Trước tòa, các nghi phạm chính và đồng phạm đã thú nhận hành vi phạm tội của mình.
Vu Giang – Phó Chánh án Phòng Hình sự thứ hai của Tòa án Nhân dân Trung cấp Kim Hoa kết luận: Bị cáo La Sơn Đông, bị phạt 5 năm 6 tháng tù và 30 triệu nhân dân tệ về tội thao túng thị trường chứng khoán; bị cáo Cung Thế Uy bị phạt 5 năm 3 tháng tù và 20 triệu NDT.
Các bị cáo khác cũng phải trả giá đắt cho hành vi bất chính của mình.
Theo SCMP, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây nói rằng các cuộc đàm phán với các nhà đàm phán Nga đã cho thấy một số tín hiệu tích cực nhưng tuyên bố rằng “Nga không thể tin cậy được”.
Sau cuộc hội đàm hôm 29/3 giữa các phái đoàn Ukraine và Nga tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ Nga thông báo rằng nước này sẽ giảm đáng kể các hoạt động quân sự gần thủ đô Kyiv của Ukraine và thành phố Chernihiv ở phía bắc Ukraine.
Mỹ và những nước khác trước đó bày tỏ sự hoài nghi trong thông báo của Nga.
Trong một bài phát biểu trên video vào 29/3, ông Zelensky cho biết “những hành động dũng cảm và hiệu quả” của quân đội Ukraine đã buộc Nga phải giảm quy mô tấn công xung quanh Kyiv và Chernihiv.
Ông cho biết Ukraine sẽ tiếp tục quá trình đàm phán “tùy mức độ” nhưng nhấn mạnh sự ngờ vực trong “lời nói đến từ các đại diện của đất nước tiếp tục tấn công để tiêu diệt chúng tôi”.
Ông Zelensky cho biết các nhà đàm phán của Ukraine sẽ không thỏa hiệp “về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Phản ứng của Mỹ và đồng minh
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đang chờ xem cách Moscow điều chỉnh sự hiện diện của quân đội ở Ukraine trước khi đánh giá ý định thực sự của Nga.
Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Biden được hỏi liệu việc rút quân có phải là một dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán đang cho thấy tiến triển hay chỉ là một dấu hiệu cho thấy Nga chỉ đang cố câu giờ để tiếp tục tấn công Ukraine.
“Chúng ta sẽ sớm biết,” ông nói. “Tôi sẽ không nói bất cứ điều gì về nó cho đến khi tôi thấy hành động của họ”.
Đối với các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, ông Biden cho biết các đồng minh phương Tây đều đồng thuận là “xem Nga có thể đề nghị điều gì”.
Quân đội Mỹ trước đó cho biết họ đã phát hiện “một số lượng nhỏ” lực lượng mặt đất của Nga đang di chuyển khỏi khu vực Kyiv.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby hôm 29/3 cho biết động thái này dường như là nhằm bố trí lại vị trí lực lượng Nga, “không phải là một cuộc rút lui thực sự”.
Ông cho biết vẫn còn quá sớm để nói các chiến dịch của Nga có thể trải dài đến mức nào hoặc quân đội sẽ được bố trí lại tại đâu.
“Nó không có nghĩa là mối đe dọa đối với Kyiv đã kết thúc,” ông nói. “Họ vẫn có thể gây ra các đợt tấn công lớn tại Ukraine, bao gồm cả Kyiv.”
Ông cho biết Nga vẫn tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào Kyiv.
Các quan chức phương Tây cho biết Nga đang tăng cường quân đội ở miền đông Ukraine, nhưng còn quá sớm để nói liệu tuyên bố của Moscow về việc thu hẹp các hoạt động xung quanh Kyiv có đúng hay không.
Các quan chức quân sự cho rằng Moscow đang tăng cường quân đội ở Donbas trong nỗ lực bao vây các lực lượng được đào tạo tốt nhất và được trang bị tốt nhất của Ukraine – vốn đang tập trung ở khu vực phía đông.
Moscow cho biết giành quyền kiểm soát Donbas hiện là mục tiêu quân sự chính của họ ở Ukraine.
Một quan chức phương Tây giấu tên cho biết rõ ràng là Nga “thay đổi chiến thuật và chiến lược” nhưng vẫn chưa rõ Nga đang thực sự muốn làm gì.
Chính phủ Anh cũng bày tỏ sự hoài nghi về những tuyên bố về việc Nga đang thu hẹp quy mô và cam kết chấm dứt chiến tranh thông qua các cuộc đàm phán.
Max Blain, phát ngôn viên của Thủ tướng Boris Johnson, cho biết: “Chúng tôi sẽ đánh giá ông Putin và chính quyền của ông ấy bằng hành động chứ không phải bằng lời nói”.
Rủi ro xung đột không phải không được lường trước, nhưng điều thực sự làm bất ngờ chính là những gì đang diễn biến trong cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine.
Điều người ta những tưởng có thể chỉ là một hành động quân sự giới hạn, như ở phần biên giới phía đông Ukraine sát với Nga, thì nay đã bùng nổ trên toàn tuyến ở Ukraine, kéo theo những thiệt hại về người và vật chất, cùng một cuộc khủng hoảng nhân đạo, đến nay đã kéo dài hơn một tháng, diễn biến còn phức tạp và chưa rõ sẽ “ngã ngũ” thế nào.
Rủi ro xung đột không phải không được lường trước, nhưng điều thực sự làm bất ngờ chính là những gì đang diễn biến, cả ở quy mô chiến sự quân sự, cũng như phản ứng của các bên và hệ lụy to lớn của cuộc chiến này.
Lường trước nhưng vẫn nhiều bất ngờ
Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine vốn đã được cảnh báo. Đó là một quá trình dài, nhất là từ đầu năm, khi Nga nhấn mạnh “lằn ranh đỏ” và dồn quân áp sát biên giới với Ukraine (100.000, đến 160.000 rồi 190.000 quân). Đa phần khi đó vẫn nghĩ đây là đòn “ngoại giao bên miệng hố chiến tranh” của Nga, mặc dù phía Mỹ, theo tin tình báo, đã liên tục cảnh báo nguy cơ về một cuộc tấn công quân sự lớn.
Nhưng, chiến sự đã bùng nổ, ngày 24/2, khi Nga quyết định tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Tranh chấp dẫn đến xung đột quân sự kéo theo và bất ổn, nhiều hệ lụy và tổn thất, không có lợi cho bất kỳ ai, kể cả các bên liên quan, đến Châu Âu và thế giới. Rõ ràng, khi hoà bình bị phá vỡ, người ta lại càng cần phải đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, của Hiến chương LHQ.
Nhìn lại sau hơn một tháng, tuy rủi ro có thể lường trước, nhưng những gì đang diễn ra của cuộc khủng hoảng này, hàm chứa nhiều điều bất ngờ.
Thứ nhất, là ở quy mô của chiến dịch. Điều Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, trên thực tế, bao gồm các cuộc tấn công trên nhiều hướng, cả trên bộ, trên không và trên biển, nay đã lan rộng ra nhiều nơi ở Ukraine, bao gồm các thành phố lớn và cả thủ đô Kiev. Mục tiêu của chiến dịch, theo Nga, cũng được điều chỉnh, mở rộng. Thực sự đó là một chiến dịch tấn công quân sự lớn.
Thứ hai, là phản ứng của các bên. Trước hết là ý chí quyết liệt phản đối và sự kháng cự từ Ukraine. Dù thế nào, chiến sự theo kiểu “đánh nhanh thắng nhanh” nay cũng đã kéo dài cả tháng và hiện vẫn chưa rõ hồi kết. Tiếp đó, chính là sự phản ứng nhanh, mạnh, đồng bộ của Mỹ và phương tây, với một loạt các biện pháp trừng phạt chưa từng có, nhất là đánh vào kinh tế-tài chính, hệ thống giao dịch và thanh toán của Nga với bên ngoài, làm đình trệ cả việc đi lại, vận chuyển hàng không, đường biển.
Thứ ba, là hệ lụy của cuộc chiến. Thực sự cuộc chiến đã đem đến những hệ lụy lớn và chưa thể lường hết, về địa chiến lược chung với thế giới, trước hết là với châu Âu, cả về chính trị, an ninh và kinh tế. Trước mắt, là việc kiểm soát không để xung đột gia tăng, mở rộng, và xử lý cuộc khủng hoảng nhân đạo dẫn tới hàng triệu gia đình Ukraine phải ly tán, trong đó có gần 4 triệu người phải tị nạn sang các nước láng giềng.
Thứ tư, là giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Có thể thấy, giải pháp không chỉ còn nằm trong tay Nga, dù là nước phát động cuộc chiến, mà cần những khuôn khổ rộng hơn, bao gồm cả NATO, EU và châu Âu, trong đó không chỉ Nga, mà cả Ukraine cũng sẽ có vai trò. Đã có thể thấy, biện pháp quân sự thuần tuý khó có thể là giải pháp, ngay cả với lợi ích của Nga, nước có ưu thế quân sự. Thương lượng Nga-Ukraine, dù còn phức tạp, vẫn được duy trì và đã có những tín hiệu bước đầu. Tuy nhiên, diễn biến cuộc chiến vẫn rất phức tạp và hàm chứa nhiều nguy cơ, rủi ro.
Liệu có dẫn tới cục diện “Chiến tranh Lạnh 2.0”?
Xung đột nổ ra càng làm bộc lộ những căn nguyên bất ổn và dồn nén từ lâu. Có vấn đề NATO lấn lướt hướng sang đông, sát tới biên giới với nước Nga, có quan ngại an ninh của Nga và việc Nga trỗi dậy, muốn lấy lại vị trí và khu vực ảnh hưởng của mình, cũng có lịch sử thăng trầm quan hệ Nga-Ukraine.
Do vậy, khủng hoảng Nga-Ukraine hiện nay, không chỉ gói trong quan hệ hai nước, mà đan xen địa chiến lược nhiều chiều phức tạp, giữa các nước lớn và các trục chính là NATO, Nga, Ukraine, cả về chính trị và an ninh, có cả yếu tố hiện tại và yếu tố lịch sử.
Trở lại câu hỏi, liệu tình hình có dẫn tới “chiến tranh lạnh 2.0”, tức là hiểu việc này ở tầm thế giới, hay không. Thế thì, cần nhìn nhận nó tác động đến châu Âu và thế giới ra sao, rồi soi vào những đặc điểm của chiến tranh lạnh trước đây, mới có thể kết luận được.
Với châu Âu, chắc chắn là hệ lụy rất lớn, phức tạp và lâu dài, như đã nói ở trên. Trước hết, đó là sự phân cực của đa số châu Âu ở phía tây, cùng với Mỹ, NATO, EU, với bên kia là Nga và một hai nước ở phía đông, trên các mặt về cả chính trị, an ninh và kinh tế. Việc Nga phát động cuộc chiến đã trở thành nhân tố để Mỹ, NATO, EU và nhiều nước khác đoàn kết, tập hợp trở lại, tăng chi phí quốc phòng và đề ra chiến lược an ninh mới, ứng phó với mối đe dọa từ Nga.
Nhiều nước, đã từ bỏ sự “mập mờ chiến lược” vừa cạnh tranh vừa hợp tác với Nga, như Đức, hay Baltics, có những nước gần Nga cũng đang cân nhắc lại chính sách trung lập của mình. Quan hệ Nga-Ukraine và an ninh phía tây nước Nga, kể cả sau xung đột, trái vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn. Cuộc chiến và các cấm vận hiện nay càng làm cho sự phân cực và những bất ổn này thêm sâu sắc.
Châu Âu, sau cuộc chiến, chắc chắn không thể không có Nga, nhưng những chuyển động và sự phân cực hiện nay sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, phần nhiều bất lợi hơn cho Nga và khó có thể sớm được loại bỏ.
Nếu không tìm cách đi tới những giải pháp phù hợp, cân đối và tính đến lợi ích các bên, bao gồm cả Ukraine và Nga, thì Châu Âu vẫn sẽ tiềm ẩn các nguy cơ, rủi ro bất ổn. Đây sẽ là thách thức lớn đối với cấu trúc an ninh ở khu vực sắp tới.
Châu Âu bất ổn chắc chắn đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thế giới và các khu vực khác. Về kinh tế, thương mại, đã thấy rõ những tác động tiêu cực, nhất là nguy cơ khó khăn về nguồn cung dầu khí và khi Châu Âu, EU, bạn hàng lớn của thế giới, gặp khó khăn. Về chính trị an ninh, người ta cũng lo ngại về nguy cơ cạnh tranh, chính trị cường quyền nước lớn cũng gia tăng, có thể dẫn đến các bất ổn ở các khu vực khác.
Dù có những hệ lụy phức tạp, nhưng cuộc chiến ở Ukraine chắc chắn không thể dẫn một cuộc “chiến tranh lạnh 2.0” được.
Trước hết, nước Nga không đủ mạnh và không thể tự mình tập hợp thành một cực trên thế giới, để hình thành một cực đứng về phía Nga. Mặt khác, Nga dù đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng về năng lượng dầu khí, hay nguyên vật liệu, quốc phòng, nhưng nếu đặt chung trong tổng thể kinh tế thế giới, thì tỉ trọng thương mại của Nga không phải là con số lớn, khó có thể gây khó khăn và tạo ra phân cực cho thế giới.
Thứ hai, trong tam giác Mỹ, Trung, Nga, có thể có ít nhiều xáo trộn, nhưng cặp Mỹ-Trung vẫn là quan trọng và chi phối nhất. Mỹ-Trung cạnh tranh chiến lược nổi lên, nhưng vẫn quan hệ tuỳ thuộc và đan xen lợi ích, cần tranh thủ nhau và tránh xung đột trực diện, khó có thể dẫn đến sự phân cực trên toàn tuyến, thành hai hệ thống biệt lập và đối nghịch nhau như thời Mỹ-Xô trước đây được.
Thứ ba, cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể đưa Nga đến gần hơn với Trung Quốc, nhưng hai nước sẽ khó có thể gắn hẳn với nhau thành một cực đối đầu với Mỹ, mà sẽ tập hợp theo hình thức linh hoạt.
Trung Quốc cũng có những tính toán lợi ích và chiến lược riêng, tuy cần tranh thủ Nga, nhưng Trung Quốc cũng rất cần Mỹ và phương Tây, cả về kinh tế và chiến lược. Đơn cử về thương mại, hiện Trung Quốc với Nga là khoảng 147 tỉ USD, trong khi với Mỹ hơn 700 tỉ và với EU trên 800 tỉ, tức là cộng lại, hơn mười lần so với Nga. Ngay về cấm vận, dù phản đối và tiếp tục quan hệ với Nga, nhưng Trung Quốc cũng đã nói không muốn bị liên luỵ và vạ lây vì các cấm vận này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải xét nhiều chiều các hàm ý từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, để soi vào lợi ích của mình, như về các nguyên tắc không can thiệp, hay toàn vẹn lãnh thổ, vì Trung Quốc cũng cần những điều này, chứ không chỉ về tập hợp để cạnh tranh với Mỹ hay gia tăng ảnh hưởng.
Tuy lúc này, quan tâm chú ý có thể dành nhiều cho châu Âu do cuộc chiến ở Ukraine, nhưng về căn bản, trọng tâm địa chiến lược vẫn tiếp tục là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cả về chính trị, an ninh và kinh tế.
Có chăng, điều cần chú ý, là khu vực có thể có những phức tạp mới đổi với một số điểm nóng, hệ lụy từ cạnh tranh nước lớn, có thể nảy sinh như ở châu Âu. Tuy nhiên, những hệ lụy từ cuộc chiến đang đặt ra với nước Nga, cũng sẽ là bài học, mà các nước khác cũng đều phải cân nhắc.
Khủng hoảng Ukraine: Nước nhỏ mắc kẹt giữa cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn
Câu chuyện của châu Âu hiện nay cũng sẽ đặt ra nhiều bài học lớn cho các nước và thế giới.
Trước hết, cần không để bị kẹt vào cạnh tranh nước lớn, điều này không chỉ ở việc không chọn bên, mà quan trọng là đa dạng hoá quan hệ, chơi được với các nước lớn và nhiều bên.
Thứ hai, càng cần phải đề cao luật pháp quốc tế, các nguyên tắc, về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phản đối việc sử dụng vũ lực và nhấn mạnh việc giải quyết hoà bình các tranh chấp.
Thứ ba, cần biết ứng phó, hoá giải các nguy cơ nảy sinh, phù hợp với lợi ích quốc gia và có tính đến lợi ích các bên liên quan. Cuối cùng, cần phát huy tự lực tự cường đi đôi với mở rộng hợp tác, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tạo thế đan xen lợi ích, với các đối tác, khu vực và thế giới.
Bài học tự chủ, đa dạng hoá cũng bao gồm cả về chính trị, kinh tế, an ninh, từ đó, tránh rủi ro, quá phụ thuộc vào một thị trường hay nguồn cung, như về năng lượng, lương thực, hay khí tài, thiết bị.
Các cấm vận hiện nay đặt ra nhiều thách thức, trở ngại, trong các giao dịch thương mại chung và với Nga, do đó cần nắm kỹ, để vẫn làm được những gì không bị cấm và không để bị ảnh hưởng đến thương mại với các đối tác khác. Mặt khác, cũng là lúc tìm kiếm thêm thị trường, về những sản phẩm ta có thế mạnh, như nông nghiệp, với các đối tác bị ảnh hưởng như châu Âu.
Tính rộng ra, thế giới vẫn luôn phải đối diện với cái chung hơn, là chính trị địa chiến lược nước lớn, thì trong đó, không chỉ có thách thức, mà còn cả cơ hội.
Đó là, cần và có thể thúc đẩy quan hệ với các nước lớn khác nhau, dù giữa họ là cạnh tranh, và với các nước khác, từ đó, vừa thúc đẩy môi trường thuận lợi cho an ninh và phát triển, vừa góp phần nâng cao vị thế và hội nhập quốc tế. Song hành với đó là đề cao và thúc đẩy tham gia vào các tổ chức hợp tác ở khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN và các thể chế liên quan.
Ở châu Á – TBD đều có những cạnh tranh nước lớn, đều có những điểm nóng tiềm tàng và đều có những yếu tố mà nước lớn có thể coi là vùng ảnh hưởng của mình.
Vì vậy cần đẩy mạnh vừa quan hệ với các đối tác lớn, vừa có cách ứng xử để nhấn mạnh luật pháp quốc tế, hiến chương LHQ, thúc đẩy cơ chế đa phương, ở khu vực và thế giới, để góp phần giảm thiểu và hóa giải các nguy cơ, thúc đẩy hợp tác, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tránh rơi vào bẫy cạnh tranh nước lớn và chiến tranh.
Kịch bản cho thương lượng Nga – Ukraine
Qua hơn 1 tháng, chiến sự ở Ukraine vẫn diễn biến phức tạp và chưa có lối ra, nhưng giữa Nga và Ukraine vẫn duy trì các cuộc thương lượng và cũng đã có những tín hiệu nước đầu của hai bên. Cũng đã có thêm những nỗ lực ngoại giao giúp tìm giải pháp đối thoại đến từ nhiều bên. Hiện vẫn khó có thể dự đoán chiều hướng của cuộc chiến, nhưng có thể có một vài điểm đáng chú ý sau.
Trước hết, dùng quân sự khó có thể giải quyết được các khía cạnh của cuộc khủng hoảng, ngay cả với Nga là nước phát động tấn công và có lợi thế. Đơn cử như vấn đề trung lập của Ukraine và đảm bảo quốc tế, xử lý vấn đề cấm vận với Nga hay việc giúp đỡ nhân đạo, tái thiết Ukraine. Ngoài ra, một giải pháp quân sự cũng dễ kéo dài và sa lầy.
Như vậy, dù chiến trường có thể quyết định, nhưng khó có thể thiếu một giải pháp thương lượng chính trị nào đó, có thể đáp ứng yêu cầu của các bên, nhất là khi, giải quyết tranh chấp còn liên quan đến các bên khác, ngoài Nga và Ukraine.
Khi cuộc chiến xảy ra, thì cũng phát sinh những yếu tố mới, song phương không thể giải quyết, mà còn cần các yếu tố nhiều bên khác. Đơn cử như câu chuyện cấm vận và tháo gỡ cấm vận, bảo đảm quốc tế khi Ukraine trung lập, hay xa hơn là cấu trúc an ninh châu Âu. Điều này liên qua đến lợi ích của các bên, bao gồm cả với Nga.
Hiện tại, nguy cơ chiến sự diễn biến vẫn rất phức tạp. Việc Nga nói, chuyển trọng tâm chiến dịch quân sự sang tập trung khu vực đông Ukraine, có thu hẹp chiến sự hay chế bớt nguy cơ xung hay không, sẽ còn phải chờ thêm. Hy vọng rằng, vẫn còn có những cánh cửa cho các cuộc thương lượng và các nỗ lực trung gian hòa giải.
Tuy nhiên, nhìn vào yêu cầu của hai phía, có thể thấy một số tín hiệu về vấn đề trung lập và Ukraine không gia nhập NATO, nhưng cũng có những vấn đề rất phức tạp, như liên quan đến lãnh thổ của Ukraine. Khả năng đàm phán sẽ vẫn rất phức tạp, phải đi từng bước, như hướng tới một ngừng bắn và tạo khung, lộ trình cho các đàm phán tiếp theo.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – Cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế (CSSD)
THỪA THIÊN – HUẾ Lăng vua Minh Mạng nằm ở xã Hương Thọ, bên dòng sông Hương thơ mộng.
Lăng vua Minh Mạng hay Hiếu Lăng là nơi yên nghỉ của vua Minh Mạng (1791-1841), vị vua thứ hai của triều Nguyễn. Trong 13 đời vua triều Nguyễn, thời vua Minh Mạng trị vì đất nước được đánh giá là giai đoạn thịnh vượng, hùng mạnh nhất. Trong hai mươi năm trị vì, vua đã thay đổi nhiều việc, từ đối nội, đối ngoại cho đến những cải cách kinh tế chính trị xã hội. Với 142 người con, vua Minh Mạng được xem là vị vua có nhiều con nhất sử Việt.
Lăng vua nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế 12 km. Theo sử sách, đích thân vua Minh Mạng xem xét, phê chuẩn họa đồ thiết kế do các quan Bùi Công Huyên, Trương Đăng Quế và Giám thành vệ dâng lên. Tháng 4 năm 1840, công cuộc kiến thiết Hiếu Lăng bắt đầu.
Hiếu Lăng được khởi công xây dựng từ tháng 9/1840. Công trình đang tiến hành xây dựng thì vua Minh Mạng lâm bệnh và qua đời ngày 20/1/1841. Sau khi lên ngôi, vua Thiệu Trị đã ra lệnh cho Bộ Công huy động gần 10.000 lính và thợ gấp rút xây dựng lăng tẩm cho vua Minh Mạng. Công việc xây lăng đến năm 1943 thì cơ bản hoàn thành.
Theo thiết kế, Đại Hồng Môn là cổng chính và cổng cổng đầu tiên nằm trên đường Thần đạo của lăng. Cổng được xây dựng bằng vôi gạch, cao hơn 9 m, rộng 12 m. Cổng có ba lối đi với 24 lá mái cao thấp cùng các điển tích “cá chép hóa rồng”, “long vân khế hội”.
Hai bên sân Bái Đình là hàng tượng quan văn võ, voi ngựa đứng chầu. Những tượng người và voi ngựa ở đây được điêu khắc theo lối tả chân, gần giống với thực tế.
Phía trên sân Bái Đình là nhà Bi Đình được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của triều Nguyễn. Bộ mái lợp gồm có hai tầng chứa đựng yếu tố âm dương. Trên đỉnh trang trí bình hồ lô và hình rồng.
Trung tâm nhà Bi Đình là tấm bia đá có khắc bài ký ” Ngự chế Thánh Đức Thần Công bi ký” do vua Thiệu Trị soạn thảo. Nội dung tấm bia ca ngợi công đức của vua Minh Mạng và tiếc nuối đau thương của vua Thiệu Trị trước sự ra đi của vua cha Minh Mạng.
Cửa Hiển Đức là cổng chính của khu vực tẩm điện. Đây là cánh cổng thứ hai nằm trên trục Thần đạo, được giới hạn bởi khung thành hình vuông biểu tượng cho mặt đất.
Cửa Hiển Đức được thiết kế như một tòa nhà 2 tầng, 3 gian không có chái nằm trên một mặt nền cao hơn 1m so với tầng sân chầu, xung quanh được bó vỉa đá thanh và lợp ngoái ống tráng men. Toàn bộ công trình được chạm nổi và sơn son thếp vàng.
Bên trong cửa Hiển Đức, hai bên sân có hai tòa nhà là Tả Hữu Tùng Tự. Đây là nhà nhà để văn võ bá quan túc trực mỗi khi có việc lên Hiếu Lăng, đồng thời cũng là nơi thờ các quan văn võ có công dưới triều vua Minh Mạng. Mỗi nhà có 3 gian 2 chái, mái công trình lợp bằng ngói âm dương tráng men xanh.
Chính giữa là điện Sùng Ân, đây là nơi thờ long vị của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa. Điện được xây dựng theo lối “trùng thiềm điệp cốc”, mái lợp ngói Hoàng lưu ly, trang trí rồng trên đầu đao nóc mái. Đây là công trình chính của Hiếu lăng nên được sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Bên trong điện Sùng Ân, nơi thờ long vị của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa. Khu vực này cũng trưng bày nhiều hiện vật thời vua Minh Mạng trị vì.
Minh Lâu được xây dựng theo lối “phương đình” tọa lạc trên ngọn đồi Tam Tài. Đây là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất, cao nhất và đẹp nhất ở lăng vua Minh Mạng, tên của công trình có nghĩa là lầu sáng.
Hai đầu cầu vào khu vực mộ vua Minh Mạng là hai Vũ môn với các cột trụ bằng đồng, trang trí rồng uống lượn từ trên xuống, đỉnh cột đặt búp sen bằng pháp lam. Phía trên phường môn có các lớp liên ba, chia ô hộc trang trí với các tấm pháp lam và các hàng chữ Hán” Chính đại quang minh” và” Thông minh chính trực”.
Ở khu vực mộ phần của Hoàng đế Minh Mạng, phía trước là hồ nước với hình trăng non có tên Tân nguyệt trì ôm lấy Bửu thành. Các học giả cho rằng, đây là hình ảnh của thế giới vô biên. Hồ hình bán nguyệt ví như yếu tố âm bao bọc, che chở yếu tố dương là Bửu thành.
Bửu thành là một vòng thành hình tròn có chu vi 273 m, cao 3,5 m, chỉ có một cửa ra vào. Bên trong Bửu thành trồng nhiều loại cây, chủ yếu là thông. Theo các tư liệu, linh cữu của hoàng đế Minh Mạng được chôn cất sau bên trong quả đồi được bao bọc bởi Bửu thành.
Nhìn tổng thể, lăng vua Minh Mạng là tập hợp các công trình kiến trúc nằm trên một trục dọc. Trong đó, Bửu thành là công trình cuối cùng nằm trong trục Thần đạo.
Một trong những nguyên nhân chính để Nguyễn Bính là nhà thơ của nhiều thời là thơ ông thể hiện rất đặc sắc rất nhiều cổ mẫu kết tinh từ những mô thức tâm lý, “những kinh nghiệm được lặp đi lặp lại nhiều lần của loài người”…
1. Từ khi xuất hiện trong phong trào Thơ mới cho đến nay, Nguyễn Bính đã và chắc chắn vẫn sẽ luôn thuộc các nhà thơ có lượng độc giả đông đảo nhất.Thơ Nguyễn Bính “còn sống mãi, làm việc mãi cho tương lai(1),“người Việt Nam còn yêu thơ Nguyễn Bính mãi, càng văn minh hiện đại lại càng trân trọng” (Vũ Quần Phương)(2)
Nhà thơ Nguyễn Bính
Điều gì làm nên kỳ diệu ấy?
Có nhiều cách trả lời.
Rằng, thơ Nguyễn Bính có “một điều quý vô ngần: hồn xưa của đất nước” (Hoài Thanh)(3).
Rằng, thơ Nguyễn Bính là “Thơ của đồng quê… hình tượng thơ càng ngẫm càng lấp lánh tri thức”(4).
Rằng, “So với các nhà thơ lãng mạn trước đây, Nguyễn Bính đứng riêng một cõi” (Lê Đình Kỵ)(5).
Và rằng, thơ Nguyễn Bính có “cái thi pháp trời cho những bậc thiên tài có tên gọi là tự nhiên như thở” (Nguyễn Duy)(6).V.v…
Xin nói thêm: Thơ Nguyễn Bính không bao giờ cũ. Nguyễn Bính là nhà thơ của nhiều thời. Vì ông luôn là khác biệt. Khác biệt một cách gần gũi. Gần gũi một cách khác biệt. Tầng sâu nhất của thơ Nguyễn Bính không chỉ là hồn dân tộc, mà còn là “giọng nói của toàn nhân loại thức dậy” qua giọng nói của một con người, một cá nhân. Thơ Nguyễn Bính “dường như nói bằng hàng nghìn giọng, mê đắm và thuyết phục, nó nâng cái mô tả từ chỗ ngắn ngủi một lần và tạm thời lên chỗ tồn tại muôn đời”(7).
2. Nguyễn Bính luôn là như thế, trước hết, ngay từ cách nhà thơ đến với hiện đại.
Trong thời kỳ nảy sinh và phát triển của Thơ mới (từ năm 1932 đến năm 1945), “Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỉ”(8). Bấy giờ, vấn đề đặt ra cho quá trình tiếp biến văn hóa với phương Tây, chủ yếu với Pháp, không còn là sự lựa chọn giữa canh tân và thủ cựu, mà là đổi mới thế nào, theo chiều hướng nào. Trong lúc Âu hóa vừa là xu thế vừa là ưu thế của đổi mới cả chiều rộng lẫn chiều sâu, với những nhà thơ rất tiêu biểu như Xuân Diệu “mới nhất trong các nhà Thơ mới”, Hàn Mặc Tử “lạ nhất trong các nhà Thơ mới”, Chế Lan Viên “không thể lấy kích tấc thường mà hòng đo được” (Hoài Thanh), thì “người nhà quê Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường”, thơ Nguyễn Bính vẫn là “tiếng nói vui buồn của tâm hồn dân gian muôn thuở”(9).
Thơ Nguyễn Bính bổ sung một minh chứng rất sâu sắc và lý thú, thuyết phục về quy luật của mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết, văn hóa dân gian và văn hóa dân tộc. Trong mối quan hệ này, văn học dân gian, văn hóa dân gian luôn là nền tảng, cơ sở, là văn học “mẹ”, văn hóa “ mẹ”. Điều ấy đặc biệt rõ vào giai đoạn đầu khi văn học viết hình thành và những giai đoạn, thời kỳ văn hóa, văn học dân tộc đứng trước những bước ngoặt thử thách, biến đổi lớn lao. Trong thời kỳ của Thơ mới, chính văn học dân gian, văn hóa dân gian, đất quê, hồn quê, trực tiếp nhất là ca dao, hát nói, đã dẫn Nguyễn Bính đến với hiện đại một cách đầy thuyết phục. Ca dao, hát nói, lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, luôn mang hơi thở cuộc sống hiện tại. Những bài ca dao-dân ca, hát nói, mỗi lần được diễn xướng là một lần sáng tạo, “mỗi lần biểu diễn đều là một lần sáng tác”(10). Vì vậy, ca dao-dân ca, hát nói luôn song hành cùng hiện đại. “Ca dao hay lưu truyền lại được vì nội dung thiết cốt đến người ta, bổ ích cho người ta; ca dao sinh ra là do thời sự, do phút giây ngày tháng hôm đó cần thiết, nhưng lại nói được chuyện lâu dài, phổ biến được trong thời gian và không gian”(11). Cách Nguyễn Bính đến với hiện đại thêm một lần làm sáng tỏ luận đề triết học: “Truyền thống là người lính canh của tinh thần nhân loại… Không có tâm linh nằm ngoài truyền thống”(12).
Thơ Nguyễn Bính đặc rệt truyền thống, mà vẫn mới, vẫn riêng. Ông đã làm mới mê hồn thơ lục bát và thơ thất ngôn theo cách của ông. Nói về những nhà thơ tiêu biểu cho thơ lục bát, người ta sẽ, ngay lập tức, đi thẳng từ ca dao, Nguyễn Du đến Nguyễn Bính, như một mặc định. Đặc biệt, cùng với các nhà Thơ Mới khác, Nguyễn Bính đã đưa cái tôi cá nhân, cũng là cái tôi của thời đại, cái tôi của nhân loại vào thơ, tự nhiên nhi nhiên. “Như một vụ big bang trong văn học, sự ra đời của cái tôi đã trở thành nhân tố cốt tử để tạo ra một thời đại trong thi ca”(13), góp phần quan trọng đưa văn học Việt Nam “thực hiện một chuyển dịch quan trọng: vượt khỏi phạm vi khu vực để tiến vào thế giới”(14). Cái tôi ấy, vào những năm tháng đất nước dồn tất cả sức mạnh vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, tất nhiên sẽ không phù hợp. Nhưng khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, nó lại tìm được những đồng vọng để hiểu thêm một thời và con người. “Cứ đi sâu vào hồn một người, ta sẽ gặp hồn nòi giống. Và đi sâu vào hồn một nòi giống, ta sẽ gặp hồn chung của loài người”(15). “Thơ Nguyễn Bính thuộc trường hợp hiếm hoi…, bởi vì trong cuộc cọ xát cũ mới ấy, đã bộc lộ những sâu sắc trong tâm hồn không chỉ của một cá nhân, mà cả một dân tộc, không chỉ của một thời, mà, có lẽ, của nhiều thời…”(16). Cũng nhờ đó, Nguyễn Bính có các tập thơ hay (chẳng hạn, những tập thơ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945), những bài thơ hay (Lỡ bước sang ngang, Tương tư, Lòng mẹ, Chân quê, Cô hái mơ, Mưa xuân, Hoa cỏ may, Qua nhà,Thư cho thầy mẹ, Chờ nhau, vv…) và hàng trăm câu thơ tuyệt bút như thể trời đất, quỷ thần cho. Nếu chọn một nhà thơ có nhiều câu thơ thần bút nhất trong phong trào Thơ Mới, chắc chắn Nguyễn Bính sẽ đứng hàng thứ nhất.
3. Một trong những nguyên nhân chính để Nguyễn Bính là nhà thơ của nhiều thời là thơ ông thể hiện rất đặc sắc rất nhiều cổ mẫu kết tinh từ những mô thức tâm lý, “những kinh nghiệm được lặp đi lặp lại nhiều lần của loài người”. Từ điển văn học giải thích: “Cổ mẫu là khái niệm dùng để chỉ những mẫu của các biểu tượng, các cấu trúc tinh thần bẩm sinh, trong tưởng tượng của con người, chứa đựng trong vô thức tập thể của cộng đồng nhân loại”(17). Nói cách khác, cổ mẫu là những biểu tượng bền vững, bắt nguồn từ vô thức tập thể, chất chứa chiều sâu tâm lý, cảm xúc được chiêm nghiệm qua các thời đại khác nhau của cộng đồng. “Kho báu của nhân loại nằm trong tính đa dạng sáng tạo, nhưng nguồn gốc của tính sáng tạo lại nằm trong tính thống nhất sinh thành của nhân loại”(18). Người đọc văn học theo lý thuyết cổ mẫu thường dõi theo những biểu tượng, những motif lặp đi lặp lại nhiều lần, có ý nghĩa phổ quát trong các tác phẩm để thấy những ý nghĩa điển hình của nó trong văn hóa, văn chương nhân loại và dân tộc cũng như những ý nghĩa chuyển dịch, xung năng, tương tác của nó trong các tác phẩm, tác giả cụ thể(19).
Xin chỉ nói về một vài cổ mẫu.
Trước hết là cổ mẫu Hành trình, cụ thể thêm: cổ mẫu Đi và Lỡ bước.
Hành trình, theo cách nhìn của lý thuyết cổ mẫu, “là tìm kiếm, tìm chân lý, sự bất tử và phát hiện một trung tâm tinh thần”. Hành trình “trở thành dấu hiệu và biểu tượng của sự luôn luôn chối từ bản thân…, và cần kết luận rằng cuộc du hành duy nhất có giá trị là cuộc du hành của con người bên trong bản thân mình”(20). Nhân loại đã có bao nhiêu cuộc hành trình, đớn đau và vĩ đại: hành trình của Chúa, hành trình về đất Phật, hành trình về miền đất hứa, hành trình dời Ai Cập, hành trình của Don Quixote,vv…Nguyễn Bính đã đi đâu, về đâu? Trở lại với không khí xã hội thời Thơ mới. Trong “cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ”, hành trình của Nguyễn Bính là hành trình của thi sỹ “giang hồ”, cô đơn, lỡ bước, khi dấu ấn cuối cùng “giấc mơ quan trạng”, “Ngựa bạch buông chùng áo Trạng Nguyên” (Xóm Ngự Viên) – lý tưởng của nho sỹ bình dân một thời, đã vĩnh viễn khép lại: “Khoa cử bỏ rồi, thôi hết Trạng”, “Lỡ duyên búi tóc củ hành, Trường thi Nam Định biến thành trường bay”(Con nhà nho cũ):
Câu hỏi không lời đáp. Nhịp thơ cũng theo cánh buồm, nhỏ dần, rồi mất hút. Đến nhịp thơ cuối, không còn thấy màu nâu của cánh buồm. Nhịp thơ điệp mà không trùng. Đi mà không biết đi đâu! Về không biết về đâu. Như thân phận trên dòng sông cuộc đời mênh mang, hoang vắng: “Giang hồ ai biết đi đâu mà tìm” (Giang hồ). Dễ hiểu vì sao thơ Nguyễn Bính hay nhắc nhiều đến con đò, bến đò, “chuyến đò thân thế”, và sân ga, con tàu: “Đò sang còn một chuyến này, Khách sang còn một người đây hỡi đò!” (Người đi), “Đem thân đi với giang hồ, Sân ga phẳng lặng, bến đò lênh đênh” (Quê tôi). Ấy là con đò quê, ga là ga xép. Cũng có khi là con sông trong tâm tưởng, chảy rất mạnh, rất mênh mang trong văn hóa phương Đông: sông Tương, sông Dịch.Thời gian chủ yếu là buổi chiều và trong đêm: “Càng chiều anh thấy con đường càng xa” (Định mệnh), “Tàu biết bây giờ chạy đến đâu, Đêm sâu hoàn trả lại đêm sâu”(Chuyến tàu đêm). Con tàu, sân ga trong thơ Nguyễn Bính thật buồn:
– Tàu chạy hình như để chở buồn,
Chở người đi nhớ, kẻ về thương (Chuyến tầu đêm).
– Con tàu ngược, con tàu xuôi
Con tàu chẳng đợi chờ tôi bao giờ (Xa xôi).
-Những từ ga lớn, từ ga nhỏ
Đời chẳng làm cho lấy một ga (Chuyến tầu đêm).
– Ở đây…tôi ở riêng đây,
Hoa tim rớm máu rụng đầy sân ga (Rừng mai xa cách).
– Tàu đi để lại ga đơn chiếc
Đường sắt nằm chờ những chuyến qua
Có người lưu lạc bên đường sắt
Mỗi chuyến tàu đi lại nhớ nhà (Nhớ).
Nguyễn Bính cũng là một bóng người giữa những bóng người đổ bóng xuống sân ga: “bóng lẻ”, “Hai bóng chung lưng thành một bóng”, “bóng liêu xiêu”, “bóng nhòa trong bóng tối”, “Một mình làm cả cuộc phân ly” (Những bóng người trên sân ga).
Tường vàng, mái đỏ màu son
Nhà ga lại chứa linh hồn nhà ga.
Cái “hiện đại” tường vàng, ngói đỏ bề ngoài của ga xép ai ngờ không dấu nổi linh hồn cuộc đời, thân phận, chia lìa và nước mắt.Tường vàng, ngói đỏ, những màu sắc bề ngoài tưởng như rực rỡ ấy chẳng những không che được, mà còn tô đậm hơn cái cô độc, buồn bã của cảnh, của người. Nó còn gợi cuộc đời vàng vọt đang ngày càng phôi pha và ánh mắt đỏ hoe, trái tim đỏ máu trước những chia lìa buồn bã, đón và tiễn đưa vô định. Linh hồn nhà ga là linh hồn của kẻ chứng kiến, cũng là của người lưu lạc trong những cuộc hành trình, chia ly không hẹn ngày gặp lại, hành trình và chia ly sâu thẳm ngay chính trong thân và phận con người.
Nguyễn Bính chính là một hành trình cô đơn như vậy, một nhà ga cô đơn như vậy! Trong hai câu thơ ấy, cái không nói ra nhiều hơn và được cảm nhận mãnh liệt hơn rất nhiều cái đã nói ra.
Chẳng ngẫu nhiên, “Lỡ bước sang ngang”, tên một bài thơ lại được đặt tên cho cả một tập thơ! Không chỉ người con gái “lỡ bước sang ngang”, mà chính Nguyễn Bính và cả thế hệ những người như ông “lỡ bước sang ngang”trong hành trình ấy, trên chuyến đò và sân sân ga ấy:
Năm ấy sang sông lỡ chuyến đò
Đò đầy sóng lớn nước sông to
Mười hai bến nước xa lăng lắc
Lầm tự ngày xưa, lỡ đến giờ.
Trong hành trình “dan díu nợ giang hồ”, “Tự mình đắp núi khơi sông, Tự mình đày ải tấm lòng mình đi” (Đêm nay khơi tỏ tim đèn), “tâm hồn tôi”, cái tôi đang tự đi tìm mình của Nguyễn Bính đến với rất nhiều nơi. Địa danh thực là Lạng Sơn, Vinh, Huế, Sài Gòn, ga Kép,vv…Địa danh thực mà ảo, ảo mà thực hoặc hoàn toàn ảo thì nhiều hơn rất nhiều: “Kinh thành”, “Xóm Ngự Viên”“ Mười hai bến nước”, “Mây Tần”, “Một nghìn cửa sổ”, “Lầu hoa”,“ Rừng Mơ”, “Rừng mai”, “Bến mơ”, “Vườn Tiên”, “Suối Thiên Thai”,v.v…Ông phân thân thành cặp đối lập: Tráng sĩ – Thi sĩ. Con người “Tráng sĩ” của Ông, có lẽ, là “cái rớt”cuối cùng của kiểu nhà nho tài tử trong văn học Việt Nam trung đại. Con người ấy vẫn có cái chất hào hoa, kiêu bạc nhưng xuất hiện đã rất lu mờ và đầy cô đơn – cái cô đơn của tráng sĩ không còn hợp thời, không bao giờ có “lúc khải hoàn thân gió bụi”(Lá thư về Bắc):
– Tôi say mơ thấy vì Tiên Trích,
Vua gọi mà không chạy xuống thuyền (Cho tôi ly nữa).
– Sông lạnh thấy đâu người gọi gió,
Trăng tà tìm mãi kẻ mài gươm.
– Thời chưa gặp đó nằm suông mãi,
Suông cả ân tình rượu cũng suông (Xuân vẫn tha hương).
– Hỡi người đi gió cùng mưa
Có xây dựng nổi cơ đồ gì không (Nam Kỳ cùng gió cùng mưa).
– Đem theo cát bụi đường xa lại
Tráng sĩ dừng chân khẽ thở dài (Quán lạnh).
Con người “Thi sĩ” mới thực sự thể hiện “cái tôi”của Nguyễn Bính. Cũng như nhiều nhà thơ khác thời Thơ mới, Nguyễn Bính đến với Tình yêu – tình cảm phổ quát của con người. Nhưng khác với nhiều nhà thơ khác, tiếng vọng của “vô thức tập thể”, của cổ mẫu luôn tự nhiên dệt thành những vần thơ. Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ đã cụ thể hóa được cuộc sống vô thức của toàn nhân loại trong nhiều bài thơ tình yêu. Ông lý tưởng hóa tình yêu trong những bồn chồn, nhớ thương, day dứt. Và, như Platon, nhà hiền triết vĩ đại, trong tác phẩm “Bữa tiệc hay Hội thảo về Tình yêu”, đã nói: “khi tình yêu được chuyển dịch từ một lý tưởng sang một con người bằng xương bằng thịt”, từ ý niệm vĩnh cửu đến con người cụ thể, thì thực tế điều này lại đưa tới sự “bất cân đối với những điều thiêng liêng”(21). Vì thế, thơ tình của Nguyễn Bình cũng là hành trình Đi – Lỡ bước.
Nguyễn Bính có những vần thơ tương tư nổi tiếng:
– Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người (Tương tư).
– Hồn anh như hoa cỏ may
Một ngày cả gió bám đầy áo em (Hoa cỏ may).
– Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình…với nhau (Chờ nhau).
– Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều (Qua nhà).
– Cô hái mơ ơi! Cô gái ơi
Chẳng trả lời nhau lấy một lời!
Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt, lá mơ rơi… (Cô hái mơ).
– Hai tay người đẹp trông mềm quá
Tôi có ngờ đâu khóa được người (Chú rể là anh).
Ông vương quốc hóa, địa đàng hóa tình yêu: “Ví chăng có một nước Tình Ái, Em làm hoàng hậu, anh làm vua” (Ái khanh hành), “Với người trong giấc mơ tiên, Của chàng thi sĩ quê trên mây hồng” (Mười hai bến nước), “Hồ tiên đâu phải hồ trần, Em không thả cá mà thuần thả thơ” (Xây hồ bán nguyệt). Nỗi nhớ, sự chờ mong tình yêu trong thơ Ông được dệt bằng bao cảm xúc, bao biểu tượng, đi thẳng vào trái tim người:
– Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ
Em thử quay xem được mấy vòng?
Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ
Em thử lào xem được mấy thưng? (Nhớ).
– Nhớ người nhớ cả vầng trăng
Đêm đêm trời cứ xây bằng nước mưa (Nghĩ làm gì nữa).
– Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi qua ngõ
Để mẹ em rằng: Hát tối nay? (Mưa xuân).
Nguyễn Bính đi vào chính mình, nhờ đó đã nói được và nói rất hay, rất sâu những biện chứng tâm hồn, những qui luật tình cảm, cái điều của muôn thuở, muôn người: “Mẹ cha thì nhớ thương mình, Mình đi thương nhớ người tình xa xôi” (Thư cho thầy mẹ), “Trời xanh còn khóc nữa là, Nhớ nhà ít, nhớ người ta thì nhiều” (Gặp nhau). Sống trong tâm lý tình yêu, cảm nhận về thời gian, không gian trong thơ Ông rất đặc biệt, theo cách dân gian nhưng vẫn là duy nhất của riêng Ông, độc bản: “Láng giềng đã đỏ đèn đâu, Chờ em ăn dập miếng trầu, em sang” (Chờ nhau), “Chờ mong như suốt đêm qua, Chàng ơi! Một tháng là ba mươi ngày”, “Cách một ngày ngựa với ba ngày đò” (Thư cho chị), “Nhà em cách bốn quả đồi, Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng, Nhà em xa cách quá chừng, Em van anh đấy, anh đừng yêu em” (Xa cách), “Thương như thế, nhớ làm sao, Kinh thành biết có mưa rào đêm nay” (Thương nhớ Kinh thành).
Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính phần lớn là lỡ hẹn, ly biệt. Lỡ hẹn ngay từ chờ đợi bồn chồn, xốn xang của cuộc hẹn tình yêu đầu đời. Ông nhập thân, hóa thân thành cô gái trong “Mưa xuân”. Mưa ấy, từ những bông hoa bụi “ phơi phới bay”, nhanh chóng chuyển thành “mưa nặng hạt”, những hạt mưa sầu tủi, tội nghiệp, bẽ bàng. Con đường đến với tình yêu tưởng gần, hóa ra là xa ngái:
Mình em lầm lũi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với đêm khuya (Mưa xuân).
Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính rất nhiều nước mắt biệt ly. Nỗi cô đơn của Ông đủ lớn để vũ trụ hóa, vô tận hóa những nỗi đau và cô đơn của con người: “Nước mắt là cơm bữa, Hợp tan như bèo trôi” (Đề tặng ảnh), “Đêm nay hai đứa chung tình ấy, Khóc ướt trần gian để biệt nhau”(Bạc tình),“Cửa hàng nghìn khép lại, Tất cả một đêm nay, Có lòng ta rồ dại, Mở ra muôn nghìn ngày” (Một nghìn cửa sổ), “Trời xanh hãy trả lời tôi, Sao người đẹp lại là người…trời xanh”(Người con gái ấy), “Giờ này có lẽ chàng đương khóc, Cả một mùa đông khóc ở ngoài”( Nhớ thương ai), “Có lẽ ngày mai đò ngược sớm, Thôi nàng ở lại để…quên tôi”(Thôi nàng ở lại), “Người cách sông rồi…Tôi cách sông ”. Nhưng, đau khổ, cô đơn nhất của Ông, có lẽ vẫn là hành trình vô vọng đi tìm cái tôi của mình: “Tôi tìm đâu thấy mảnh trời Thần Tiên”, “Nhưng đau lòng biết bao nhiêu, Người tôi yêu chỉ biết yêu như người” (Đào Nguyên), “Thương tôi mình hiểu cho tôi nhé, Mà chỉ mình tôi mới hiểu tôi” (Mười hai bến nước). “Cái tôi là không thể chia sẻ được” (22).Và thực ra, chính Ông cũng không hiểu bản thân mình, vì thê Ông luôn luôn đi tìm mình. Rõ ràng, thơ Nguyễn Bính là“cuộc du hành của con người bên trong bản thân mình”. Hành trình ấy không bao giờ tới đích, bởi vì “con người luôn là câu đố trên thế gian và có lẽ là câu đố vĩ đại nhất…Trong tâm hồn con người có những chiều sâu mà chỉ nghi lễ mới xuống tới được” (23).
Nguyễn Bính là nhân vật điển hình của cặp phạm trù gia đình – không gia đình thời Thơ mới. Đây cũng là cổ mẫu rất tiêu biểu của văn hóa và văn học nhân loại. Gia đình là khái niệm, tổ ấm gần gũi, thiêng liêng, con người lớn lên từ đó và luôn hướng về nó như chỗ tựa tin cậy, an toàn, vững chắc. Bởi vậy, mỗi lần ra khỏi nhà, nhân vật truyện cổ tích thần kỳ đều gặp những tai họa hoặc phải trải qua những thử thách khó khăn. Ở ca dao trữ tình, những cô gái, người con thường mang tâm trạng tủi buồn, xốn xang, bồn chồn thương nhớ mỗi khi “ra đứng bờ ao”, “ra đứng ngõ sau”, “ra đứng bến sông”… Trong văn học nước ngoài, chỉ cần nhắc tác phẩm “Không gia đình”của nhà văn Pháp Hector Malot, thế kỷ XIX, cũng đủ thấy. Trong thơ Nguyễn Bính, mẫu đề Không gia đình luôn song hành với mẫu đề Đi- Lỡ bước. Với Nguyễn Bính, mổ côi mẹ từ ba tháng tuổi, “Mẹ hiền mất sớm, giời đầy làm thơ”, sự bùng nổ của cảm xúc Không gia đình càng nhức buốt.
– Con đi mười mấy năm trời,
Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương.
– Thầy ơi! Đừng bán vườn chè
Mẹ ơi! Đừng chặt cây lê con trồng (Thư cho Thầy Mẹ).
Những câu thơ ấy như được viết bằng cô đơn, bằng nước mắt!
Yêu gia đình, nhưng Nguyễn Bính vẫn là, nói đúng hơn, vẫn phải là “con chim lìa đàn”:
– Lạy đôi mắt mẹ đừng buồn,
Ngày mai con lại lên đường ra đi (Lại đi).
– Hỡi ôi! Những kẻ lên đường
Đang tâm để cả cô đơn lại nhà (Chia tay).
Nguyễn Bính có gần mười bài thơ gửi chị Trúc, về chị Trúc – nhân vật có bóng dáng trong đời thật nhưng cũng là nhân vật văn học (Lỡ bước sang ngang, Một chiều say, Xây hồ bán nguyệt, Xây lại cuộc đời, Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hương, Xuân lại tha hương, Khăn hồng, Chị đã ghen). Phần vì chị Trúc đẹp, duyên dáng, gần gũi, phần nữa, và đây mới là căn nguyên chính, nhà thơ thấy từ đây hình bóng của người mẹ, của những người thân yêu, của điểm tựa tin cậy để gửi gắm, sẻ chia, tỏ bày những tâm sự, niềm khó biết nói cùng ai(24). Con người thiếu thốn tình cảm gia đình và luôn đẫm chất quê hương ấy làm sao không nhớ gia đình, nhớ quê hương: “Em đi non nước xa khơi quá, Mỗi độ xuân về bao nhớ thương!” (Xuân vẫn tha hương), “Chiều ba mươi, hết năm rồi, Nhà tôi, riêng một mình tôi vắng nhà” (Xuân về nhớ cố hương). Chính từ tầng sâu tâm thức của tiếng vọng Không gia đình, ông đã có những vần thơ tuyệt bút của thánh thần:
Từ nay khi nhớ quê nhà
Thấy mây Tần biết đó là thôn Vân (Anh về quê cũ).
Mây quê hương luôn bay trên đỉnh trời tha hương. Đám mây trên bầu trời tha hương đang ngấn lệ trong thơ ông, hay lệ trong thơ ông đã kết thành những đám mây trên đỉnh trời ta hương ấy? Thực mà rất ảo! Ảo mà rất thực!
Các nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Bính phần lớn cũng trong trạng thái tinh thần Không gia đình, cô đơn. Đó là cô sư nữ trẻ đẹp “Có cô sư nữ người mong mỏng, Buông thõng dây gầu xuống giếng thơi” (Chiều quê); cụ sư già ép thân xác đến với cô tịch, vô thường: “Sư già quét lá sau chùa, Để thiêu xác lá trước giờ lên chuông” (Chùa vắng). Đó là tráng sĩ: “Đêm nay tráng sĩ không nơi trọ, Nằm tạm qua đêm quán dọc đường” (Quán lạnh). Đặc biệt, điển hình cho số phận, tâm trạng Không gia đình chính là người phụ nữ trong “Lỡ bước sang ngang”: “Mười năm gối hận bên giường, Mười năm nước mắt bữa thường thay canh”.Tiếng pháo, dây pháo đỏ trong ngày cưới của các cô gái luôn gắn với tiếng thở dài của cả người trong cuộc và người ngoài cuộc. Cả đến người mẹ cũng sống trong bồn chồn, khắc khoải lo âu với trạng thái Không gia đình của người con gái khi đứa con bước chân về nhà chồng. Người mẹ gượng cứng cỏi, chủ động bao nhiêu trước mặt con, thì lại yếu mềm bấy nhiêu ngay khi bàn chân con bước khỏi nhà mình. Những câu thơ dưới đây cũng chính là “Huyền thoại mẹ”:
Đưa con ra đến cửa buồng thôi,
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi.
Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc,
Đêm đêm, mình mẹ lại đưa thoi (Lòng mẹ).
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “Ở cái thời ấy, Nguyễn Bính như phần đông các thi sĩ đều buồn. Nguyễn Bính không những buồn mà còn thêm vị đắng cay của kẻ lưu lạc. Nhưng thơ ông không có cái buồn tan rã, đẩy người ta tới chỗ tuyệt vọng, trong nỗi buồn ấy vẫn thấy ấm nóng, khắc khoải tình yêu sự sống”(25).
Chỉ dẫn một vài cổ mẫu trong thơ Nguyễn Bính, đủ thấy thơ Ông có những tầng sâu, ma lực thế nào! Thơ Nguyễn Bính luôn là độc đáo, của riêng Ông nhưng cũng là tâm trạng phổ quát, tiếng lòng của nhiều cá nhân không hề quen biết. Thơ Nguyễn Bính là thơ của nhiều người, nhiều nhà, nhiều thời. Những cổ mẫu thức dậy, đan dệt độc đáo trong thơ Ông đã góp phần làm cho thơ Nguyễn Bính không chỉ ở tầm dân tộc mà còn thuộc tầm nhân loại.
4. Khi chấm giải cho tập thơ “Tâm hồn tôi”của Nguyễn Bính, nhà văn Thạch Lam thay mặt Hội đồng giám khảo “Giải thưởng văn chương Tự lực văn đoàn, năm 1937”, đã nhận xét: “Ông Nguyễn Bính sẽ trở nên một văn sĩ có tương lai” (26). Còn nhà phê bình Phạm Mạnh Phan, người đương thời Thơ mới, đánh giá: Nguyễn Bính đích thực là thi sĩ, có những câu thơ tuyệt diệu (27). Một số nhà thơ, nhà phê bình sau này, như Nguyễn Duy, Ngô Thảo (28) nhận thấy thơ Nguyễn Bính có những dấu hiệu, đặc điểm của thiên tài. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đặt câu hỏi và tự Ông đã trả lời: “Cho đến tận hôm nay, có nhà thơ lục bát nào mà nhân dân thuộc nhiều như Nguyễn Bính chưa?!”(29).
Bây nhiêu cảm nhận, đánh giá, càng cho thấy thêm: Nguyễn Bính đã và sẽ là nhà thơ của nhiều thời! Với ý nghĩa và tầm vóc mà thơ Nguyễn Bính đã có, việc dịch và giới thiệu rộng rãi thơ Nguyễn Bính với cộng đồng quốc tế là rất cần thiết. Để nhân loại hiểu tầm vóc Việt Nam hơn!
Cuộc chiến do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động nhắm vào Ukraine đã gây ra những hệ lụy bất ngờ với văn hóa và ẩm thực…
Tuần trước, giàn nhạc giao hưởng Cardiff, Xứ Wales, đã quyết định loại bỏ một tác phẩm kinh điển của nhà soạn nhạc lừng lẫy người Nga Tchaikovsky khỏi danh sách tiết mục.
Giải thích cho quyết định này, lãnh đạo giàn nhạc nói họ nghĩ việc trình diễn các tác phẩm của bậc thầy Nga thế kỷ 19 “là không phù hợp ở thời điểm này”.
Hình ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy Putin và Poutine là hai thứ hoàn toàn khác nhau. -Ảnh: Business Insider
Tchaikovsky, cùng Beethoven và Wagner, có lẽ là ba nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng nhất thế giới. Khả năng cao là ngay cả nếu bạn chưa bao giờ đi nghe nhạc giao hưởng, bạn cũng có biết tên họ. Giữa những tuyên truyền của chiến tranh, hiện chưa rõ ông Tchaikovsky có lỗi gì trong chuyện này.
Điểm lại tin tức toàn cầu 3 tuần lễ đẫm máu ở Ukraine vừa qua, cả báo chí Nga lẫn phương Tây, đều không thấy Tchaikovsky bình luận gì về chiến cuộc.
Thật ra, đã gần 130 năm rồi ông không bình luận gì về các sự kiện chính trị – quân sự của thế giới, cụ thể là từ năm 1893. Và suốt hơn 50 năm tồn tại trên cõi đời trước đó, Tchaikovsky cũng chưa bao giờ nổi danh vì tranh đấu cho hòa bình hay cổ vũ chiến tranh.
Đó là một câu hỏi không chỉ khiến nhiều người trong giới âm nhạc đứng hình. Cũng tuần trước, trong nhiều bồi hồi xúc động do những hình ảnh tang thương của cuộc chiến Ukraine, một đại học ở Milan đã quyết định loại các tác phẩm của Dostoyevsky khỏi chương trình giảng dạy.
Chắc là các giáo sư ở Milan thấy rằng những tiểu thuyết của văn hào Nga thế kỷ 19 này quá ảm đạm và hư vô trong một bầu không khí lạc quan vui tươi và đầy mục đích ý nghĩa của cả thế giới hiện nay!
Vấn đề đụng chạm hơn khi không chỉ những người Nga đã chết bị ảnh hưởng. Alexander Malofeev là một nghệ sĩ piano 20 tuổi.
Anh lẽ ra có lịch biểu diễn độc tấu ở Vancouver tuần trước, nhưng với tình hình hiện tại ở châu Âu, như giám đốc nghệ thuật của hội độc tấu Vancouver thông báo, bà cảm thấy “không còn lựa chọn nào khác” ngoài việc gạch tên Malofeev.
Phải nói việc đối xử với một nghệ sĩ piano như vậy có phần khắc nghiệt, nhất là bởi Malofeev thậm chí chưa bao giờ lái xe tải bóp còi inh ỏi ở Toronto, chứ đừng nói là tham chiến ở Ukraine.
Không chỉ người Nga, cả sống lẫn chết, đang phải trả giá cho cuộc chiến, động vật Nga cũng không thoát.
Một hiệp hội mèo ở Pháp đã cấm tất cả các giống mèo Nga tham gia những cuộc thi của họ. Fédération Internationale Féline (Hiệp hội Mèo quốc tế, tức FIFe) nói quyết định này là bởi họ “sốc và kinh hoàng” vì cuộc chiến ở Ukraine.
Chưa hết, cả những thứ vô tri vô giác, như đồ ăn Nga (và những món chẳng hề Nga chút nào) cũng bị tẩy chay.
Nhiều nhà hàng trương bảng chuyên đồ Nga ở thành phố New York, Mỹ – có thể kể Russian Samovar, Russian Tea Room, Tzarevana, Sveta… – đã sụt giảm khách trông thấy, một số nơi còn bị xúc phạm, phá phách và tấn công.
Thật ra, như hầu hết các nhà hàng trương bảng “đặc sản” của một quốc gia cụ thể ở đô thị “thập cẩm” lớn nhất nước Mỹ, các nhà hàng Nga đó đều là “giả cầy”, với không ít cơ sở có chủ là người gốc… Ukraine và các nước Đông Âu khác.
Và không chỉ có nhà hàng Nga. Maison de la Poutine, một nhà hàng Pháp có cơ sở ở Paris và Toulouse, cho biết họ đã nhận được vài cuộc gọi đe dọa và đang cân nhắc sửa lại thực đơn. Lý do là trong thực đơn của họ có món Poutine, một món gồm khoai tây chiên, nước xốt thịt và phô mai.
Là một món quen thuộc trong nền ẩm thực Pháp, tin tức tình báo cho tới nay khẳng định món ăn này không liên quan gì tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, dù cách phát âm Poutine và Putin quả thật na ná nhau.
Cũng liên quan tới ông Putin, một quán rượu 20 năm tuổi ở Jerusalem, Israel, đã phải đổi tên từ Putin thành “Quán trước kia gọi là Putin”. Sở dĩ cần nói tới thâm niên của quán này là do nó được đặt tên từ thời ông Putin mới lên làm tổng thống, và còn được kỳ vọng là cứu tinh của nước Nga.
“Chúng tôi lên án cuộc chiến và ủng hộ đất nước và người dân Ukraine” – chủ quán Leonid Teterin, một người Israel gốc Nga, nói với kênh tin tức Israel Channel 12. Hiện nhân viên của quán đang lấy ý kiến khách hàng về việc đặt một tên mới, và gợi ý họ nhận được nhiều nhất là… Zelensky.
Dưới thời kỳ phong kiến Đại Việt, nhiều vụ án tham nhũng, nhận hối lộ của quan lại đã để lại hậu quả nghiêm trọng.
Trong số những vụ án liên quan hối lộ, tham nhũng thời phong kiến, Tô Hiến Thành được dâng cả mâm vàng, Đỗ Tử Bình khiến vua mất mạng vì lòng tham, 17 viên quan triều Nguyễn cùng nhận án tử.
Hối lộ để đánh tráo ngôi vua thời Lý
Thái phó Tô Hiến Thành (1102-1179) là bậc hiền thần dưới thời vua Lý Anh Tông, văn võ song toàn, từng có công đánh dẹp Ai Lao, Chân Lạp, một số cuộc nổi loạn trong nước. Ông sớm được phong chức lớn và rất được tin dùng. Vua Lý Anh Tông khi sắp mất, đã giao thái tử Long Cán cho ông. Tô Hiến Thành được quyền thay vua nhỏ tuổi nhiếp chính.
Bấy giờ, Đỗ thái hậu muốn phế Long Trát để lập con trai lên làm vua, bèn đem một mâm vàng bạc đưa cho vợ của Tô Hiến Thành. Biết chuyện, Tô Hiến Thành nói rằng: “Ta là đại thần nhận mệnh của tiên tổ, lo giúp đỡ vua còn bé, nay lại lấy của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng”.
Thái hậu lại gọi Tô Hiến Thành đến thuyết phục nhưng ông vẫn một mực nói: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quan hay sao? Thần không dám vâng lệnh”.
Âm mưu phế lập của thái hậu không thành, bà ta vẫn chưa chịu từ bỏ. Năm 1778, khi hết quốc tang, Đỗ thái hậu lại ban yến cho quần thần ở điện của mình và dụ rằng: “Hiện nay, tiên đế đã chầu trời, vua nối ngôi thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc quấy nhiễu. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình, nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì bằng lập lại thái tử, để vận nước được lâu dài, lòng dân được yên”.
Các quan đều chắp tay tâu: “Thái phó nhận mệnh rõ ràng của thiên tử, bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái mệnh”.
Tô Hiến Thành lúc bấy giờ lãnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, quần thần lẫn người trong nước đều hết sức nể phục.
Vua mất mạng vì bề tôi tham nhũng
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư“, năm 1376, chúa Chiêm Thành là Chế Bồng Nga mang quân sang quấy rối biên giới Đại Việt. Vua Trần Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đem quân đi đánh. Chế Bồng Nga dâng 10 mâm vàng cầu hòa.
Nhận sính lễ cầu hòa của địch, lòng tham làm mờ mắt viên hành khiển họ Đỗ. Thay vì tâu lên vua, ông ta giấu đi, làm của riêng mình, rồi nói dối vua Chế Bồng Nga kiêu ngạo, khinh nhờn, vô lễ, khuyên vua nên đem quân đi đánh. Nghe lời, vua Trần Duệ Tông quyết tâm thân chinh.
Tranh vẽ cảnh hối lộ thời phong kiến. Tranh: Sỹ Hòa/Báo Bình Phước.
Cuối năm 1376, Trần Duệ Tông dẫn 12.000 quân đánh Chiêm Thành. Đầu năm 1377, quân Trần tiến đến cửa Thi Nại của Chiêm Thành, lên đến Thạch Kiều, chuẩn bị tiến vào kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành Đồ Bàn, sai viên quan nhỏ Mục Bà Ma đến trá hàng, nói dối Duệ Tông là Bồng Nga đã chạy trốn, chỉ còn thành không, nên tiến quân gấp.
Trúng kế địch, là người nóng nảy, vua Duệ Tông muốn tiến quân ngay. Đại tướng Đỗ Lễ can ngăn không được. Vua thúc quân tiến nhanh vào thành, “quân lính nối gót nhau như xâu cá mà đi. Cánh quân đi trước và cánh quân ở sau hoàn toàn cách biệt”.
Thấy quân Trần rơi vào ổ phục kích, quân Chiêm Thành tứ phía đổ ra đánh. Quân Đại Việt không chống cự nổi, vua Trần Duệ Tông bị hãm trong vòng vây, trúng tên tử trận, trở thành vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam tử trận.
Trốn thoát trở về, Đỗ Tử Bình bị thượng hoàng Trần Nghệ Tông bắt, bỏ trong xe tù, rao đi khắp phố. Khi Tử Bình về qua phủ Thiên Trường, người dân đua nhau chửi mắng, lấy gạch ngói ném vào xe tù.
“Đại Việt sử ký toàn thư” có phần viết về Đỗ Tử Bình: “Nước đến khi sắp mất, tất nhiên trời sinh ra một người để phá hoại. Việc Tử Bình được tiến cử, là lúc mối hấn khích ở biên giới Nhật Nam đã chớm nảy nở, nguy cơ tai họa của Duệ Tông đã ngấm ngầm phục sẵn, mà từ đó, dần dần gây ra mối suy sụp cho cơ nghiệp nhà Trần”.
17 viên quan nhận án tử vì ăn của đút lót
Tháng 12/1854, thương nhân nước ngoài tố giác nhiều quan lại triều đình ăn đút lót của thuyền buôn ngoại quốc ở Quảng Nam. Biết tin, vua Tự Đức lập tức phái quan Quản viện đô sát cầm đầu đoàn thanh tra triều đình đến Quảng Nam điều tra làm rõ. Kết quả, những tố giác là có thật.
Án được trình lên, chiếu theo Hoàng Việt luật lệ, 17 người bị xử tội giảo giam hậu (bắt thắt cổ chết nhưng còn tạm giam đợi lệnh), 25 người bị tội lưu đày, 12 người bị tội làm lao dịch, 8 người bị phạt đánh gậy và cách chức.
Trong vụ án này, nhiều quan lớn bị kết tội như Tham tri Bộ Hộ Phan Tĩnh, nguyên Bố chánh Đào Trí Phú, nguyên đốc học Phan Bật chia nhau 60 lạng bạc bị tội lưu đày. Tri phủ Điện Bàn là Nguyễn Bá Đôn ăn hối lộ 12 lạng bạc, án sát Đặng Kham nhận đút lót 82 lạng bạc. Sau khi bị bắt giam, Đặng Kham lâm bệnh chết trong tù.
Theo các tài liệu lịch sử lưu lại, đây là vụ án xử tội nhận hối lộ lớn nhất ở nước ta thời kỳ phong kiến.
Một quan chức Ukraine ước tính nước này đã thiệt hại khoảng 564,9 tỷ USD kể từ khi Nga phát động chiến tranh xâm lược hôm 24/2. Vị quan chức này cũng nói rằng Ukraine sẽ “yêu cầu quân xâm lược bồi thường”.
Embed from Getty Images
Bà Yulia Svyrydenko, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại của chính phủ Zelensky đã viết trên trang Facebook cá nhân rằng con số thiệt hại ước tính nêu trên là từ những tổn thật về cơ sở hạ tầng, về tổng sản phẩm quốc dân (GDP), về sinh mạng và những mất mát khác.
“Tà ác chắc chắn sẽ bị trừng phạt và Nga sẽ cảm nhận được gánh nặng toàn diện về chính những hành động tội ác mà họ gây ra trên lãnh thổ của Ukraine”, bà Yulia Svyrydenko viết.
Tuyên bố của Phó Thủ tướng Yulia Svyrydenko đến vào thời điểm cuộc chiến tranh xâm lược đã bước sang tháng thứ hai. Từ khi cuộc chiến này bắt đầu hôm 24/2, hàng triệu người Ukraine đã phải rời khỏi nhà do lực lượng Nga bắn phá các thành phố. Quan chức Nga đã đang bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh khi tiến hành tấn công vào những nơi như khu nhà toàn trẻ em và bệnh viện sản nhi.
Cũng theo bài đăng trên Facebook của bà Yulia Svyrydenko, hơn 4.900 dặm đường giao thông, hàng chục trạm xe lửa và cảng hàng không đã bị phá hủy. Chỉ tính riêng thiệt hại về cơ sở hạ tầng đã rơi vào khoảng 119 tỷ USD. Bà Yulia Svyrydenko cũng ước tính những thiệt hại về hơn 10,7 triệu feet vuông nhà ở, 200.000 ô-tô và 5 triệu cơ sở cung ứng thực thẩm, có tổng giá trị khoảng 90,5 tỷ USD.
Bà Yulia Svyrydenko ước tính Ukraine bị thiệt hại 112 tỷ USD tổng thu nhập quốc dân, 80 tỷ USD do “mất đi các doanh nghiệp và các tổ chức khác”, 54 tỷ USD do mất đi các khoản đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế Ukraine và 48 tỷ USD thiệt hại từ ngân sách nhà nước.
“Điều đáng chú ý là con số này thay đổi hàng ngày và không may là chúng đang tăng lên”, bà Yulia Svyrydenko viết.
“Đó là lý do tại sao Ukraine bất chấp tất cả những trở ngại vẫn sẽ yêu cầu quân xâm lược phải bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường này sẽ thông qua cả bằng quyết định của tòa án và chuyển giao cho đất nước chúng tôi những tài sản của Nga đã đang bị phong tỏa”.