Đưa sân vào giữa nhà

BẾN TRE – Không chỉ thỏa mãn nhu cầu gần gũi thiên nhiên, thiết kế một tầng với khoảng sân giữa nhà giúp gia chủ dễ tương tác với con cái dù đứng ở vị trí nào.

Chủ nhân căn nhà cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 10 km là đôi vợ chồng trẻ với hai cậu con trai nhỏ. Sau những giờ làm việc căng thẳng, họ muốn trở về không gian ấm áp và yên tĩnh, có thể nhìn ngắm cây xanh, ánh nắng, mây trời và cảm nhận làn gió mát mỗi buổi chiều.

Đặc biệt, hai vợ chồng muốn tận dụng khoảng thời gian ít ỏi buổi chiều tối để trò chuyện, chơi đùa và học cùng các con. Vì thế, khi chọn giải pháp bố cục không gian, kiến trúc sư đã ưu tiên tính kết nối.

Căn nhà rộng 170 m2, mặt tiền hướng Tây, xây một tầng. Cửa chính quay về hướng Bắc, phía trước có sảnh đệm lớn nhằm tránh ánh nắng trực tiếp. Sảnh này cũng là khoảng thư giãn của gia chủ vào mỗi buổi chiều tối.

Hệ thống thông gió tự nhiên gồm lớp gạch thông gió và lớp cửa kính lùa xuyên suốt công trình. Giải pháp này tránh nắng gắt, đảm bảo sự thông thoáng và sự kín đáo cần thiết cho gia đình.

Bên trong, không gian chia làm khu vực sinh hoạt chung và khu vực nghỉ ngơi.

Không gian liên thông, tiết chế vách ngăn để đem tới cảm giác rộng rãi, cởi mở.

Khu vực sinh hoạt chung và khu vực nghỉ ngơi ngăn cách nhau bằng khoảng sân giữa nhà.

Khoảng sân giữa nhà có chức năng linh hoạt. Nó vừa là nơi thư giãn, tập thể dục, vui chơi vừa là góc làm việc, nhờ đó tăng cường sự kết nối giữa bố mẹ và con cái.

Phòng ngủ của hai trẻ em được bố trí hệ cửa sổ kính hướng ra sân.

Nhờ đó, dù ở không gian nào, bố mẹ vẫn dễ dàng quan sát, trò chuyện và chơi đùa với con cái.

Để các thành viên gia đình thêm thư thái khi ở nhà, các phòng đều nhìn ra hướng có cây xanh.

Mảng xanh kết hợp với gạch thông gió bằng đất nung và nền sơn trắng tạo nên không gian hiện đại pha chất thô mộc hòa lẫn với thiên nhiên.

Công trình hoàn thiện năm 2022 với chi phí 2,2 tỷ đồng.

Minh Trang /Ảnh: Quang Trần /Thiết kế: 90odesign

Tolstoy và Gorky – những điều không tưởng khác nhau

Sự khác biệt không thể hòa giải giữa những người khổng lồ như Lev Tolstoy và Maxim Gorky giúp chúng ta hiểu rõ hơn về con đường hủy diệt của Nga trong thế kỷ 20 – theo tác giả một bài trên cổng điện tử Big Think của Mỹ. Cũng theo ý kiến ​​của tác giả này, mặc dù các tác phẩm của hai cây đại thụ không thể cứu đất nước của họ khỏi những tai họa chính trị, nhưng vẫn có thể hy vọng rằng các tác phẩm ấy sẽ định hướng cho sự phát triển của nhân loại trong tương lai.

Đối với giới trí thức Nga, bị tước đi cơ hội bày tỏ sự lo lắng của mình theo một cách khác, văn học được coi như một diễn đàn để thảo luận về các vấn đề xã hội và chính trị. Mặc dù trên thực tế hầu hết các nhà văn đều muốn làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, nhưng mỗi người đều thể hiện điều không tưởng cụ thể của mình. 

Khi hầu hết các chế độ quân chủ ở châu Âu được thay thế bằng các nền dân chủ lập hiến, thì nước Nga vẫn nằm dưới ách thống trị của chế độ chuyên quyền. Các nhà tư tưởng Nga không thể nói trước công chúng, vì vậy trong nỗ lực tìm cách cải thiện xã hội hiện đại, họ đã chuyển sang dùng bút, giấy và máy in. Kết quả của những nỗ lực chung của họ, cái gọi là trường phái xã hội học đã hình thành. Sách từ thời kỳ ấy hiếm khi được viết đơn giản chỉ để giải trí. Tác giả của chúng đã chẩn đoán các căn bệnh xã hội và cố gắng đưa ra một phương pháp chữa trị khả thi.

Bước đầu tiên trong quá trình này hóa ra là dễ dàng nhất. Vào thời điểm đó, so với châu Âu, thậm chí ngay cả với Hoa Kỳ mọi điều vẫn còn chưa chín muồi, hình thức điều hành của Nga bị coi là lạc hậu và vô giá trị. Tất cả quyền lực đều thuộc về một người, mà sự lựa chọn không dựa trên tài năng và kỹ năng của cá nhân ấy, mà dựa trên dòng máu. Người dân Nga bị chia thành một hai nhóm không cân xứng: nhóm nhỏ gồm những quý tộc giàu có một cách khó hiểu và nhóm thứ hai bao gồm một số lượng lớn hơn nhiều là những người nghèo khổ. Trước khi được giải phóng vào năm 1861, nhiều người trong số những người nghèo này là nông nô và thậm chí không có các quyền cơ bản.

Tuy hầu hết các nhà tư tưởng Nga gặp nhau ở chỗ  đất nước họ rất cần sự thay đổi, nhưng họ đã đưa ra các giải pháp khác nhau, thường là mâu thuẫn. Trong bài báo “Cuộc đụng độ của điều không tưởng”, Giáo sư Hugh McLean – một học giả Nga và Slav, đã minh họa quan điểm này bằng cách so sánh những điều không tưởng của những bậc thầy tư tưởng có lẽ ngang nhau: nhà văn Lev Tolstoy và nhà hoạt động chính trị Maxim Gorky. Sự đối lập không thể cưỡng lại giữa quan điểm của hai nhân vật sừng sững này giải thích cho sự phát triển bị kìm hãm của Nga và dự đoán tương lai mờ mịt của nó.

Maxim Gorky và Lev Tolstoy tại Yasnaya Polyana vào năm 1900.

Không tưởng của Tolstoy.

McLean bắt đầu xem xét điều không tưởng của Tolstoy với một sự thật mà nhiều người đã nhận thấy trước đây: “Khả năng phê phán của tác giả, khả năng nhìn ra những sai sót trong lý luận của người khác, hóa ra mạnh hơn vô hạn so với khả năng hình thành hệ thống quan điểm tích cực của chính mình”. Tolstoy đã viết nhiều cuốn sách và hàng trăm luận thuyết về sự bất mãn với trật tự xã hội – từ lạm dụng rượu và ma túy đến nghèo đói bất tận – nhưng thường không tìm ra câu trả lời thuyết phục cho những câu hỏi được đặt ra.

Mặc dù Tolstoy luôn quan tâm đến những câu hỏi nghiêm túc, tác phẩm của ông chỉ bộc lộ  tính chất không tưởng một cách rõ rệt vào cuối sự nghiệp viết văn của mình. Các tác phẩm của thời kỳ này, bao gồm các tiểu luận “Lời thú tội” và “Vương quốc của Chúa ở bên trong bạn”, cũng như cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Tolstoy “Phục sinh”, nổi bật lên tính cách giáo lý và chủ đề Cơ đốc giáo. Thoát khỏi trầm cảm nhờ sự thức tỉnh về tôn giáo, nhà văn đã chọn bất bạo động là con đường khả thi duy nhất dẫn đến hòa bình và công lý.

Tin rằng tất cả mọi người xét về bản chất đều tốt, Tolstoy đã đổ lỗi cho nền văn minh và các thể chế thối nát của nó là nguyên nhân cho tất cả những điều xấu xa. Tự cho mình là một người sùng đạo sâu sắc, chí ít ra văn hào vẫn tránh xa nhãn mác này. Từ chối tôn giáo có tổ chức và việc tôn kính các vị thánh, văn hào đã giải thích Đức Chúa Trời là một hình ảnh biểu tượng của tình yêu và khẳng định rằng một điều không tưởng sẽ được tạo ra vào thời điểm mọi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em trên hành tinh này tin vào sự thôi thúc cơ bản của con người.

Từ quan điểm kinh tế xã hội, điều không tưởng của Tolstoy chỉ có thể thành hiện thực thông qua quá trình phát triển chứ không phải quá trình tiến hóa. Nếu giả như mỗi cư dân trên Trái đất yêu nhau không vụ lợi, thì không cần biên giới hay quân đội để bảo vệ họ. Các cư dân cần tuân thủ các thể chế của nền văn minh – theo ý kiến ​​của Tolstoy – đó là điều không cần thiết và không thể chấp nhận được; và các thành phố sẽ tự tan rã. Sau đó, tất cả mọi người sẽ định cư ở nông thôn, nơi họ sẽ cày bừa, tham gia vào các hoạt động xã hội và cống hiến hết mình cho sự hoàn thiện về mặt tinh thần.

Câu trả lời của Gorky với 

Mặc dù Maxim Gorky được biết đến rộng rãi và nổi tiếng ở Nga, ông còn xa mới đạt tới tiếng tăm toàn cầu của Tolstoy. Vì vậy, Gorki phải trình bày quan điểm của mình chi tiết hơn. Gorky sinh năm 1868. Ông bắt đầu sự nghiệp với những câu chuyện mang âm hưởng xã hội. Ông là một trong số ít tác giả đóng vai trò tích cực trong Cách mạng Nga, trở thành đồng minh và cố vấn của con người uyên bác Vladimir Lenin và chính phủ Bolshevik của ông này.

Gorky không chỉ đưa ra một tầm nhìn khác trên cơ bản về những điều không tưởng, mà còn cả những phương tiện để đạt được điều đó. Lập luận rằng giai cấp công nhân Nga đã phải chịu đựng quá lâu, ông đồng ý với Lenin hiện trạng đó cần phải bị phá hủy, kể cả bằng vũ lực. Ngay cả khi các chủ đất và quý tộc lúc này lúc khác đe dọa trả thù để duy trì quyền lực, Gorky vẫn không thấy sự hấp dẫn trong việc trả nợ cho họ một xu nhỏ.

Theo quan điểm xã hội chủ nghĩa thực sự, Gorky không đồng ý với quan điểm của Tolstoy rằng điều không tưởng đạt được tốt nhất bằng cách tự hoàn thiện bản thân. Theo ý kiến ​​của ông, lập luận ấy sẽ chỉ có ý nghĩa nếu mọi người sinh ra đều có cơ hội bình đẳng, điều này chắc chắn không phải là trường hợp của nước Nga thế kỷ 19. Trong khi đồng ý với Tolstoy rằng nhiều thể chế xã hội đã suy tàn và không hoạt động, ông vẫn tin rằng chúng có thể được sửa chữa.

Trong bài báo công bố vào năm 1909 “Sự hủy diệt của nhân cách”, Gorky mô tả Tolstoy và Fyodor Dostoevsky – người đương thời với ông là “những thiên tài vĩ đại nhất của vùng đất nô lệ”: “Họ nói với cùng một giọng: ‘Hãy kiên nhẫn’, ‘Đừng chống lại cái ác bằng bạo lực’. Tôi không biết trong lịch sử nước Nga có thời điểm nào khó khăn hơn thời điểm này và tôi không biết có khẩu hiệu khác lay động con người hơn khi dám tuyên bố đối mặt với cái ác, tham gia vào cuộc chiến đấu cho mục đích của mình.

Điều không tưởng của Gorky

Quan điểm của Gorky – theo McLean là “một lý tưởng xã hội chủ nghĩa ít nhiều chuẩn mực tồn tại ở nhiều trí thức Nga”. Đó là một thế giới mà tư liệu sản xuất thuộc về người lao động chứ không thuộc về người sử dụng lao động, nơi tài sản tư nhân bị xóa bỏ phần lớn; thế giới mà các quyết định của chính phủ được thông qua bằng phổ thông bầu phiếu hoặc bởi các đại biểu nhân dân – những người chăm sóc lợi ích của quần chúng; và thế giới ấy là nơi việc giáo dục và khai sáng sẽ phải được suy nghĩ lại để truyền cho học sinh ý thức vững vàng về trách nhiệm xã hội.

Đồng thời, Gorky còn đặc biệt ở chỗ ông không trở thành vật hy sinh của chủ nghĩa bè phái đang chia rẽ các đảng xã hội chủ nghĩa theo khuynh hướng trên khắp nước Nga vào thời điểm đó. Cho đến khi những người Bolshevik còn chưa xây dựng nhà nước độc đảng của họ, ở Nga vẫn tồn tại hàng chục tổ chức xã hội chủ nghĩa, và mỗi tổ chức đều thu hút mọi người bằng cách đọc của riêng mình về Karl Marx. Hiểu rằng tất cả những người theo chủ nghĩa xã hội đều phấn đấu cho một mục tiêu chung và chỉ khác nhau về phương thức đạt được mục tiêu đó, Gorky đã nỗ lực vì sự thống nhất thông qua một cuộc đối thoại văn minh.

Tuy nhiên, trong tất cả các biến thái của chủ nghĩa xã hội, Gorky dường như thích chủ nghĩa Bolshevik hơn. Trong những năm trước cách mạng, nhà văn đã hào phóng ủng hộ đảng trong những lúc khó khăn, thậm chí còn tổ chức các cuộc họp tại nhà riêng để rèn giũa những người cách mạng có ý thức từ những người công nhân và phụ nữ. Gorki cũng đóng một vai trò quan trọng trong phong trào xây dựng niềm tin vào Đức Chúa Trời, khi những người tham gia phong trào này cố gắng minh chứng những người Bolshevik cũng có niềm tin tương tự vào thiết chế xã hội mới như Nhà thờ Chính thống Nga đã từng làm.

Gorky- trước hết là một trí thức được giáo dục kinh điển, và chỉ sau đó mới là một người cộng sản nhiệt thành. Do đó một vực thẳm sớm mở ra giữa Gorky và những người Bolshevik khác, chính vì nền tảng giáo dục mà nhà văn nhận được. Nếu Lenin, Leon Trotsky và Joseph Stalin hình dung nhà nước cộng sản như một hình thức chính quyền hoàn toàn mới, khác hẳn phương Tây, thì Gorky-không nghi ngờ gì-không khỏi thán phục các nước châu Âu-những quốc gia được coi là đỉnh cao của sự phát triển nhân loại, văn minh và mục tiêu cuối cùng của quá trình chuyển đổi chính trị của Nga.

Sự va chạm nhau của những điều không tưởng

Nhưng nếu Gorky chỉ ra những khuyết điểm của chủ nghĩa Tolstoy, thì chính Tolstoy – dù vô thức và gián tiếp – cũng đã chỉ ra những khuyết điểm trong thế giới quan của Gorky. Mặc dù tác giả của “Chiến tranh và Hòa bình” và “Anna Karenina” chưa bao giờ mô tả về tương lai độc tài của nước Nga một cách chi tiết như Dostoevsky đã miêu tả trong truyện vừa “Ghi chú từ lòng đất”, Tolstoy dẫu sao vẫn hiểu được sức nóng của những dục vọng dẫn đến sự ra đời đẫm máu của Liên bang Xô viết, và sau đó là sự phát triển chậm chạp cùng sự sụp đổ đau đớn của nó.

Tolstoy biết rằng để chủ nghĩa xã hội không tưởng có thể hoạt động, các công dân của nó không buộc phải hợp tác cùng nhau. Để một thử nghiệm như vậy thành công, những người tham gia dường như sẽ cần phải có trải nghiệm sâu sắc cá nhân và được tham gia vào việc thực nghiệm ấy theo ý muốn của riêng họ. Ngoái nhìn lại hàng triệu triệu công dân Xô Viết – những người đã chết vì đói, vì chiến tranh và vì sự đàn áp – không thể phủ nhận rằng thiệt hại từ thể chế theo chủ nghĩa Lenin đã lớn hơn rất nhiều những lợi ích mà thể chế mang lại.

Nhưng tuy vậy, trong cách tiếp cận của Tolstoy chắc chắn là tốt hơn về phương diện lý thuyết, thì nó lại không thực tế và thậm chí có phần ngây thơ. Ví dụ, cho dù Tolstoy có nói về sức mạnh của tình yêu một cách thi vị đến đâu, McLean cũng không bao giờ tìm thấy bằng chứng nhận thức luận cho các giả thuyết của ông. McLean viết: “Tolstoy tìm thấy thứ luật khắc sâu trong trái tim ông, và kết luận rằng thứ luật ấy phải có trong mỗi chúng ta”. Với sở thích xem xét nội tâm, Tolstoy đã không đánh giá hết tầm quan trọng của những biến đổi xã hội, và lý thuyết kinh tế của ông là một kế hoạch không hoàn chỉnh và do đó vô dụng.

Tuy nhiên, thay vì chỉ trích giới trí thức Nga về cái chết và sự tàn phá đã gây ra do sự bất đồng giữa họ, chúng ta nên biết ơn về sự nghiêm túc mà những người này tiếp cận các vấn đề của xã hội họ. Nhiều người trong số họ đã sẵn sàng đi đến cùng và đứng lên bảo vệ chính kiến của mình dù họ có thể bị tẩy chay, bị bỏ tù hoặc thậm chí bị giết chết. Mặc dù các tác phẩm của họ không cứu được nước Nga trong thế kỷ 20, nhưng người ta có thể hy vọng rằng những công trình ấy vẫn sẽ đóng vai trò định hướng cho sự phát triển của nhân loại trong tương lai.

TÔ HOÀNG  / (Chuyển ngữ qua tiếng Nga) / Van Nghe VN 

Chiến tranh Ukraine, ai thua?

Người Ukraine tập trung trước Nhà Trắng ở Washington, Mỹ để biểu tình phản đối cuộc tấn công của Nga ở Ukraine.
Chụp lại hình ảnh,WASHINGTON 24/2/2022: Người Ukraine tập trung trước Nhà Trắng biểu tình phản đối cuộc tấn công của Nga ở Ukraine.

Tổng thống Nga Putin đã tiến hành cuộc chiến tranh với Ukraine trên thực địa bằng sức mạnh của bom đạn và uy lực của một cường quốc hạt nhân.

Dù đã tiên đoán trước là xung đột sẽ xẩy ra, nhưng tôi vẫn bàng hoàng khi nghe tin những đơn vị quân đội Nga vượt biên giới tiến vào lãnh thổ mà tổng thống Nga vừa gọi hôm trước :

” Ukraine không chỉ là một quốc gia láng giềng đối với chúng tôi. Đó là một phần không thể tách rời của lịch sử, văn hóa và không gian tâm linh của chính chúng ta. Đây là những người đồng đội, những người thân yêu nhất của chúng tôi – không chỉ là đồng nghiệp, bạn bè và những người đã từng phục vụ cùng nhau, mà còn là những người thân, những người gắn bó máu thịt, gắn bó gia đình”.

Quy mô của cuộc chiến tranh vượt ngoài khuôn khổ một cuộc động binh như “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Nước Pháp cũng bàng hoàng và bất ngờ, chương trình dự kiến dành cho tranh luận của các ứng cử viên cuộc bầu cử tổng thống đang đứng ở ngưỡng cửa phải tạm dừng trên vô tuyến truyền hình để đưa tin về sự can thiệp quân sự của tổng thống Nga.

Trên truyền hình Pháp, hình ảnh tổng thống Volodymyr Zelensky râu chưa cạo, mặc chiếc áo len như khoác vội trên nền một chiếc phông căng vội, tuột cả một góc như minh họa sự bối rối của cả Ukraine và phương Tây.

Nhiều người đến Ba Lan sau khi chạy trốn khỏi Ukraine
Chụp lại hình ảnh,Nhiều người đến Ba Lan sau khi chạy trốn khỏi Ukraine

Nước Pháp hiện là Chủ tịch liên hiệp châu Âu đã cố gắng thuyết phục tổng thống Nga xuống thang. Những chuyến viếng thăm Moscow cũng như điện đàm hàng giờ liền với nguyên thủ Nga của tổng thống Macron chứng tỏ đường lối ngoại giao bền bỉ của Pháp. Song như đã thấy, súng đã nổ và bom đã rơi.

Ba tháng rưỡi qua, ông Vladimir Putin với khuôn mặt lạnh lùng và bất động vẫn giữ lại kênh đối thoại với phương Tây, đã đánh lạc hướng châu Âu rằng, các nhà ngoại giao có lý với nỗ lực để tránh chiến tranh. Phép lạ đã không xảy ra.

Tác động trực tiếp

Chiến tranh nổ ra buộc Liên hiệp châu Âu (EU) không những phải thống nhất thảo luận về biện pháp trừng phạt, mà còn phải chuẩn bị dư luận về cái giá không thể tránh khỏi đối với nền kinh tế.

Trước hết, EU phải tính đến cán cân thương mại đến 80 tỉ euro vào năm 2020, gồm ba phần tư nguồn tiền đầu tư của Anh, Đức, Ý, Pháp đã rót vào Nga. Điều này sẽ còn được tiếp tục duy trì hay không trong những tháng tới ?

Nước Pháp đã kiệt quệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ hai năm qua. Quỹ bảo hiểm xã hội Pháp vốn rộng rãi và hào hiệp với người dân từ hàng chục năm nay thất thu đến 5 tỷ euro càng bần hàn sau thời gian gắng sức hà hơi tiếp sức cho người dân.

Cả Pháp và Đức đều lệ thuộc khí đốt buôn bán với Nga. Giá xăng dầu tăng vọt, năng lượng dùng trong mùa đông là bài toán đau đầu cho EU.

Trước khi chiến tranh nổ ra, tờ báo Les Echos của Pháp cho biết “nỗi lo chiến tranh xảy ra ở Ukraine đã làm rối loạn thị trường, làm phức tạp thêm công việc của các ngân hàng trung ương hậu Covid trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng lên. Đó không phải là một hạt cát gây trở ngại cho cỗ máy, mà là cả một tảng đá.

Hành khách trong một nơi trú ẩn tạm thời ở nhà ga đường sắt sau khi đi tàu từ Kiev, Ukraine đến Przemysl, Ba Lan hôm 24/2/2022.
Chụp lại hình ảnh,Hành khách trong một nơi trú ẩn tạm thời ở nhà ga đường sắt sau khi đi tàu từ Kiev, Ukraine đến Przemysl, Ba Lan hôm 24/2/2022.

Cuộc khủng hoảng xảy ra làm đảo lộn kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ càng để hỗ trợ kinh tế, xử lý lạm phát qua việc tăng dần lãi suất. Chứng khoán lao dốc, bên cạnh đó là nguy cơ cú sốc dầu lửa: dầu thô có thể lên trên 100 đô la một thùng vì nếu khởi chiến Nga sẽ giảm sản lượng dầu khí. Nguy cơ thị trường mất kiểm soát là không phải bàn cãi.

Raphaël Homayoun Boroumand, tiến sĩ kinh tế và chuyên gia năng lượng nói: “Giá năng lượng ở châu Âu sẽ nhất thiết tăng theo xung đột, vì lục địa này phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga. Moscow đại diện cho 40% lượng khí đốt nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, vượt xa Na Uy (18%) hoặc Algeria (12%). Vì Nga là nước sản xuất lớn nhất và là nước xuất khẩu khí đốt thiên nhiên hàng đầu thế giới. Khí đốt của Nga chiếm 55% lượng nhập khẩu từ Đức, 80% từ Áo so với dưới 20% của Pháp. Đươngnhiên, giá gas có tác động đến một số hóa đơn, đặc biệt là tiền điện”.

Theo các chuyên gia, kịch bản tồi tệ hơn rất có thể xảy ra là nguồn cung khí đốt của Nga bị cắt giảm toàn bộ.

Nghịch lý

Một nghịch lý phát sinh sau khi phương Tây áp dụng trừng phạt Nga sau việc sát nhập Crimea là cán cân thương mại bất bình đẳng nghiêng về phía có lợi cho Nga. Năm 2021, xuất khẩu từ Pháp sang Nga đạt tổng cộng 6,5 tỷ euro. Ở chiều ngược lại, Pháp nhập khẩu 9,7 tỷ euro mỗi năm từ Nga, chiếm 1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Paris, chủ yếu là khí đốt. Hiện tại, 700 công ty con của các công ty Pháp được thành lập trên lãnh thổ Nga.

Hãng ô tô Renault, siêu thị Auchan và hãng dầu khí Total đều có chân ở nước Nga, tuyển dụng đến 200.000 nhân viên ở đây.Trường hợp phải rời Nga các nhà kinh tế Pháp chưa đưa ra con số cụ thể là sẽ cú sốc sẽ gây bị thiệt hại ở mức độ nào. Chưa kể đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ công nghiệp phụ thuộc nhiều vào sự hiện diện của họ ở Nga, lên tới 40 hoặc 50% lợi nhuận của họ.

Tôi nhắc lại ‘Phong trào áo vàng- Gilet jaune ‘ bùng nổ tự phát, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và bất ổn ở Pháp trong hơn 1000 ngày bùng ra chỉ vì giá nhiên liệu tăng thêm 3 centimes. Hậu quả đó còn chưa khắc phục xong thi đại dịch lại ập tới. Bất hạnh với ‘kế hoạch 5 năm dài hơi, không hồi kết’ trong thời gian qua đặt nước Pháp trước tình thế nan giải: trừng phạt nước Nga đồng nghĩa với thắt lưng buộc bụng cho đến cắt đôi cơ thể, hay im thin thít trước những giá trị nhân đạo và hòa bình đang bị xâm phạm? Mà câu trả lời đưa ra không thể ỡm ờ với những từ ngữ mập mờ, vuốt đuôi hay cách nói ‘lưỡi gỗ’ của các nhà ngoại giao.

Trong Liên hiệp châu Âu còn tồn tại vấn đề nội hàm đau đầu không kém là các quốc gia thành viên không tôn trọng các giá trị chung của EU và Nhà nước pháp quyền, tiền thì nhận nhưng nghĩa vụ thì lờ. Căng thẳng giữa Liên hiệp châu Âu với Hungary và Ba lan đã nảy sinh ít nhất từ 5 năm nay cho thấy sự khinh nhờn của các nước tân dân chủ, cựu cộng sản với vai trò của Pháp và Đức cố vực dậy nền kinh tế châu Âu. Không có sức nặng với chính các thành viên cùng chung dưới một mái nhà, vậy Pháp và Đức có khuyên răn nổi nước Nga ? Theo tôi là không.

Nguyên lý trong chương Mathew, Kinh Tân ước nói rằng: “Ai đã có được thì cho thêm và sẽ có dư thừa, còn người nào không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất”.

Trong mọi cuộc chiến tranh, kẻ thua luôn luôn là những người dân. Và hôm nay, người dân Nga, người dân Ukraine, người dân toàn thể châu Âu và thế giới đang cùng gánh chịu số phận của kẻ bại trận.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Phạm Cao Phong, nhà báo tự do tại Paris, Pháp.

Phạm Cao Phong / Gửi tới BBC Tiếng Việt từ Paris

TIN TỔNG HỢP

(AFP) – Ukraina: Cựu thủ tướng Pháp Fillon bị chỉ trích vì “bênh” Nga. Là người hiện trong hội đồng quản trị của hai tập đoàn lớn tại Nga, ông François Fillon vào hôm qua, 24/02/2022 lại bị chỉ trích sau khi tỏ ý tiếc rằng phương Tây đã “từ chối xem xét những yêu cầu của Nga liên quan đến NATO”, để xẩy ra “một cuộc đối đầu nguy hiểm mà lẽ ra có thể tránh được”. Theo nghị sĩ châu Âu Raphaël Glucksmann, “François Fillon là nhân viên của Vladimir Putin” và cần phải “chấm dứt mọi hành vi phản bội” như vậy. Nữ dân biểu Pháp Yaël Braun-Pivet, thuộc đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM, cũng cho rằng tuyên bố của ông Fillon đáng xấu hổ. Aurélien Pradié, nhân vật số 3 trong đảng Những Người Cộng Hòa LR, đảng của ông Fillon, thì khẳng định ông François Fillon “không còn tham gia sinh hoạt chính trị”, do đó “không nên có bình luận gì về tình hình”. 

(AFP) – Nhạc trưởng người Nga, cộng sự thân thiết của Putin, không được diễn ở New York, Mỹ. Nhạc trưởng Valery Gergiev, một trong những nhạc trưởng được săn đón nhất thế giới, bị loại khỏi một loạt các buổi hòa nhạc vào cuối tuần này tại Mỹ. Giám đốc hòa nhạc của Carnegie Hall ở New York cho biết việc thay thế nhạc trưởng tạm thời là do các sự kiện xảy ra gần đây. Trên thực tế, ông Valery Gergiev trở nên thân cận với Putin từ những năm 1990. Nhạc trưởng còn được biết đến với quan điểm trung thành với Putin trước vụ sáp nhập Crimée vào năm 2014.

(AFP) – Tác động chiến sự Ukraina đối với hội chợ triển lãm xe hơi thế giới Barcelona-Tây Ban Nha. Ban tổ chức hôm 25/02/2022 thông báo các gian trưng bày xe của Nga sẽ bị bỏ trống. Hội chợ triển lãm xe hơi Barcelonna khai mạc vào thứ Hai tuần sau (28/02/2022). Sự kiện này thu hút từ 40.000 đến 60.000 khách tham quan và là điểm hẹn của 150 hãng xe trên thế giới.

(Reuters) – Mạng xã hội Facebook và Twitter thiết lập tính năng đặc biệt cho người dân Ukraina. Cơ quan bảo mật của Facebook hôm 25/02/2022 cho biết tính năng mới cho phép người dùng trong một cú nhấp chuột có thể khóa tài khoản của họ để ngăn chặn những người không nằm trong vòng bạn bè tải hoặc lan truyền ảnh hay video mà họ đã đăng tải. Mạng xã hội Twitter đã chia sẻ mẹo để bảo mật tài khoản, để chế độ riêng tư và hủy tài khoản của họ dễ dàng hơn. Cuộc xâm lược của Nga làm dấy lên lo ngại về việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

(Reuters) – Với 142 bệnh nhân Covid, Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ gần 2 năm nay. Bộ Y Tế Trung Quốc hôm 25/02/2022 nhấn mạnh phần lớn các ca nhiễm do lây từ Hồng Kông. Cùng ngày, chính quyền đặc khu bật đèn xanh cho tập 1 đoàn xây dựng của Hoa Lục xây dựng 8 trung tâm y tế nhằm cách ly các bệnh nhân Covid-19 tại Hồng Kông.

(AFP) – Phim « Illusions perdues – Đánh mất những ảo vọng » của đạo diễn Xavier Giannoli được đề cử 15 lần tranh giải César. Trong buổi lễ trao giải César, giải thưởng cao quý nhất của làng điện ảnh Pháp đêm nay 25/02/2022 mọi chú ý hướng về tác phẩm dựa trên tiểu thuyết La Comédie Humaine của văn hào Balzac được đề cử trong 15 hạng mục khác nhau, trong đó có giải thưởng dành cho tác phẩm, kịch bản xuất sắc nhất, diễn viên phụ tài hoa nhất.  

Theo RFA

Ukraina: chế độ ‘‘phát xít’’ hay trở lực cho tham vọng đế chế của Putin ?

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi ký văn kiện công nhận hai nước cộng hòa tự phong vùng Donbass (Ukraina), Matxcơva, ngày 21/02/2022. © REUTERS

Ngay sau bài diễn văn hơn 20 phút của tổng thống Nga mờ sáng 24/02/2022, quân Nga bất ngờ oanh kích hàng loạt vị trí tại Ukraina. Cuộc chiến tranh tình báo Mỹ dự báo, rút cục đã diễn ra. Truyền thông đặc biệt chú ý đến một bài diễn văn khác dài hơn một giờ ngày 21/02 của tổng thống Nga – công nhận hai nước cộng hòa tự phong vùng Donbass, lên án Kiev là « phát xít mới », tay sai của phương Tây – được nhiều người nhìn nhận như hành động tuyên chiến với Ukraina.

QUẢNG CÁO

Cuộc đối đầu vũ trang giữa Nga và Ukraina không thể tách khỏi trận chiến về truyền thông. Đêm ngày 24/02, ít giờ trước diễn văn khởi động chiến tranh của ông Vladimir Putin, tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky có bài nói chuyện ngắn, hướng tới người dân Nga, như một nỗ lực mong manh sau cùng hy vọng vãn hồi hòa bình. Bài nói chuyện của tổng thống Ukraina được tuần san Pháp Courrier International gọi là « một bài học về lịch sử Zelensky dành cho Putin ».

Tạp chí Đặc biệt của RFI tuần này về can thiệp quân sự Nga tại Ukraina trước hết xin giới thiệu hai bài diễn văn, cho thấy cái nhìn của lãnh đạo hai bên chiến tuyến.

Ukraina là sản phẩm của Liên Xô: « Bài giảng lịch sử » của Putin

Bài diễn văn dài 65 phút trên truyền hình của tổng thống Nga Vladimir Putin được nhiều người ví với một bài giảng về lịch sử, điểm lại những cội rễ trong lịch sử, cụ thể là lịch sử của chế độ cộng sản Xô Viết, đã dẫn đến những mâu thuẫn không thể dung hòa giữa Matxcơva và Kiev. Điểm chung toát lên từ bài diễn văn được chú ý nhiều là luận điểm của tổng thống Nga, khẳng định Ukraina chỉ là một quốc gia nhân tạo, ra đời cùng với chế độ cộng sản Liên Xô, sau khi đế chế Nga sụp đổ.

Trả lời đài France Inter, nhà báo Pierre Haski nhận định : « Đối với người Ukraina, bài phát biểu này là một sự phủ định bản sắc Ukraina, thậm chí cả quyền tồn tại của quốc gia này. Đây là một cách thuật lại lịch sử mang tính phủ nhận, với mục tiêu biện minh rằng: nếu một nước Ukraina không tồn tại, hoặc không hợp nhất với Nga, thì Matxcơva được phép hành xử tùy ý với người Ukraina, kể cả bằng vũ lực. Đối với tổng thống Nga Vladimir Putin, ‘‘nước Ukraina hiện đại đã hoàn toàn là do Nga tạo ra, chính xác hơn là bởi những người cộng sản Bolshevik và nước Nga cộng sản’’. Lênin, Stalin, Khrushchev đã kế tiếp nhau định hình nên nước Ukraina ngày nay bằng cách ‘‘cắt bớt’’ ‘‘những phần lãnh thổ lịch sử’’ của Nga, theo cách nói của tổng thống Putin.  

Mọi cách thuật lại lịch sử mang tính bịa đặt đều chứa đựng một phần sự thực. Cụ thể ở đây là đã có sự nhào nặn lãnh thổ của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, bởi những người nắm quyền lãnh đạo Liên Bang Xô Viết, mang đầy tư tưởng phiêu lưu. Nhưng gạt sang một bên chủ đề phức tạp nói trên, điều chủ yếu ở trong chuyện này là việc tổng thống Nga đã không nhìn nhận là ý thức dân tộc của người Ukraina đã trưởng thành trong một quá trình lâu dài, để chỉ giữ lại phần mô tả lịch sử Ukraina, theo quan điểm Liên Xô.  

Trong một cuốn sách được xuất bản vào mùa thu năm ngoái, chuyên gia về Ukraina, ông Alexandra Goujon, nhấn mạnh rằng : “chủ nghĩa dân tộc Ukraina đã phát triển vào thế kỷ 19, tương tự như sự thức tỉnh dân tộc của nhiều cộng đồng dân cư khác ở châu Âu. Nhưng đến tận cuối thế kỷ 20, dân tộc Ukraina mới bắt đầu thực sự có được một nhà nước của mình’’. Năm 1991, khi Liên Xô tan rã, một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức về nền độc lập, với tỷ lệ hơn 80% ủng hộ độc lập ở khắp mọi nơi thuộc Ukraina – nước Cộng Hòa Liên Xô cũ, ngoại trừ bán đảo Crimée. Donbass, trung tâm của cuộc khủng hoảng hiện tại, một vùng tuy đa số dân nói tiếng Nga, cũng đã ủng hộ nền độc lập của Ukraina » (Bài « Poutine ou la dangereuse négation de l’identité ukrainienne », ngày 22/02/2022).

« Diệt chủng 4 triệu người Ukraina »: Sự vu cáo của Putin ?

Về hệ quả của quan điểm này, nhà báo Pierre Haski nhấn mạnh : « Chúng ta có thể thấy rõ ràng, chính quyền Putin đã đi từ yêu cầu ban đầu đòi hỏi “được đảm bảo an ninh”, đến chỗ chống lại một nước láng giềng, mà chính quyền Putin phủ nhận bản sắc dân tộc của họ. Điều này đặt ra một vấn đề nghiêm trọng. Bởi trong con mắt của chính quyền Nga, một nước láng giềng như vậy sẽ không có chủ quyền về lãnh thổ, nguyên tắc được coi là nền tảng của hệ thống luật pháp quốc tế đương đại ». 

Bài diễn văn 65 phút của ông Putin lên án chính quyền Ukraina trước đây tham nhũng, chọn chính sách đi dây cơ hội chủ nghĩa giữa Nga và phương Tây trong một thời gian dài, từ khi độc lập cho đến chính biến Maidan, cuộc nổi dậy năm 2014 mà chính quyền Putin cho là do phương Tây giật dây. Tổng thống Nga cũng nhắc lại nhiều chỉ trích lâu nay về việc Hoa Kỳ, Liên Âu, khối NATO đã không thực sự mở rộng cánh cửa để Nga hội nhập với châu Âu. Chính quyền Kiev giờ đây bị Matxcơva cáo buộc do phương Tây chi phối.

Điều đặc biệt gây sốc với nhiều phương tiện truyền thông Pháp bên cạnh việc phủ nhận bản sắc quốc gia của Ukraina, đó là việc bài diễn văn của Putin tố cáo chính sách « diệt chủng 4 triệu dân cư » Ukraina sau cuộc chính biến 2014. Điều mà nhiều người cho là hoàn toàn bịa đặt. Chúng ta biết, tổng dân số của hai nước cộng hòa tự phong Donesk và Lugansk (vùng Donbass) là gần 4 triệu, và dân số toàn Ukraina là hơn 40 triệu người. 

Nhiều nhà quan sát nhìn thấy trong bài diễn văn của ông Putin tham vọng phục hồi lại vị thế của đế quốc Nga, với uy lực và ảnh hưởng như của siêu cường Liên Xô trước đây, nhưng loại trừ những gì bất lợi của mô hình toàn trị Lênin và Stalin, mà chính ông Putin đã có những lời lẽ phê phán rất gay gắt. Phải chăng Ukraina chính là trở lực lớn đầu tiên cho dự án tái lập giấc mơ siêu cường của « Sa hoàng Putin » ?

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky phát biểu, Kiev, ngày 25/02/2022, ngày thứ hai cuộc can thiệp quân sự Nga. © REUTERS/UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SE
Ukraina « tự do »: Người dân Nga cần biết « sự thật »

Hai ngày sau bài diễn văn dài của tổng thống Nga lên án, tổng thống Ukraina có bài phát biểu ngắn  gần 10 phút. Bài phát biểu được đưa lên mạng trong đêm ngày 24/02, ít giờ trước cuộc tấn công của Nga. Tổng thống Zelenski nói bằng tiếng Nga, tiếng mẹ đẻ của ông. Đối tượng hướng đến của ông là người dân Nga.

Tổng thống Zelenski phản bác luận điểm quy kết chính quyền Ukraina là phát xít, phản bội lại lịch sử, phổ biến trên truyền thông Nhà nước Nga từ nhiều năm nay :

« … người dân Ukraina đang được hưởng tự do. Họ nhớ về quá khứ của mình, và đang xây dựng tương lai cho mình. Họ đang xây dựng nó chứ không phải phá hủy nó, như quý bạn vẫn được nghe kể hàng ngày trên truyền hình Nga. Ukraina mà bạn được biết qua tin tức hàng ngày trên truyền thông và Ukraina trong thực tế là hai đất nước hoàn toàn khác nhau. … Bạn được nghe nói rằng chúng tôi là phát xít. Làm thế nào mà một dân tộc có thể là phát xít sau khi đã hy sinh 8 triệu sinh mạng để tiêu diệt chế độ Quốc xã ? Làm thế nào mà tôi có thể là phát xít, khi ông nội tôi đã từng trải qua toàn bộ chiến tranh trong lực lượng bộ binh của Quân đội Liên Xô, và đã qua đời ở cương vị đại tá tại một đất nước Ukraina độc lập.  

Bạn được nghe nói rằng chúng tôi ghét văn hóa Nga. Nhưng làm sao một nền văn hóa lại có thể bị ghét bỏ? …  Hàng xóm láng giềng luôn làm giàu cho nhau về mặt văn hóa. Tuy điều đó không làm cho chúng ta trở thành một thực thể, nhưng cũng không khiến chúng ta trở thành đối thủ của nhau… Nhiều người trong số các quý bạn đã đến thăm Ukraina trong quá khứ. Nhiều bạn có người thân ở đây. Một số bạn đã theo học tại các trường đại học của chúng tôi. Kết bạn với người dân Ukraina. Bạn đã quen thuộc với tính cách của chúng tôi, với con người của chúng tôi, với các nguyên tắc của chúng tôi. Bạn biết những gì mà chúng tôi trân trọng nhất ».  

Tổng thống Ukraina hướng đến người dân Nga, nói với họ như những người bạn :

« Hãy đối diện với lương tri của bạn, hãy lắng nghe tiếng nói của lý trí, của lẽ phải ! Hãy lắng nghe tiếng nói của chúng tôi ! Người dân Ukraina muốn hòa bình….  Đúng là Ukraine được nhiều quốc gia hỗ trợ. Tại sao? Bởi vì chúng tôi không nói về hòa bình bằng bất cứ kiểu gì. Chúng ta nói về hòa bình, và về cả các nguyên tắc, về công lý. Về quyền của mọi người được xác định tương lai cho chính mình, về sự an toàn và quyền sống của mọi người không bị đe dọa. Tất cả điều này là quan trọng đối với chúng tôi. Tất cả điều này là quan trọng cho hòa bình. Tôi biết chắc rằng điều này cũng quan trọng đối với bạn. Chúng tôi biết chắc rằng chúng tôi không muốn chiến tranh. Dù chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng, hay chiến tranh lưỡng hợp… Tôi biết rằng thông điệp của tôi sẽ không được phát trên truyền hình Nga. Nhưng người dân Nga cần biết được điều đó. Họ cần biết được sự thật ».  

Zelensky ở lại với Kiev

Nhật báo Thụy Sĩ Le Temps, bất ngờ với bài diễn văn đầy tính riêng tư, và chứa chất cảm xúc của tổng thống Ukraina, nhận xét : tổng thống Zelensky quả đã « nhập vai », « vai diễn của cuộc đời ông ». Báo Le Temps ngụ ý nhắc đến quá khứ làm diễn viên hài của vị tổng thống 44 tuổi, vốn bị không ít người lấy ra để chê cười.  

Tối hôm qua, 25/02, ngày thứ hai của chiến dịch quân sự Nga, có nhiều tin đồn về việc tổng thống đã lẩn trốn. Ông Zelensky, cùng với nhiều lãnh đạo cao cấp của chính quyền Ukraina, có mặt trong một đoạn video quay trên đường phố thủ đô Kiev. Nguyên thủ Ukraina khẳng định ông ở đây sát cánh cùng quân đội và nhân dân kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Zelensky kêu gọi những người châu Âu có « kinh nghiệm chiến đấu » đến hỗ trợ Ukraina, bởi cuộc chiến của Ukraina cũng là cuộc kháng chiến « bảo vệ châu Âu » chống lại các thế lực độc tài.

Phần Lan, Thụy Điển tiếp tục chính sách không vào NATO

Phản ứng của hai quốc gia Bắc Âu trung lập, Thụy Điển và Phần Lan trước cuộc tấn công của Nga là chủ đề đáng được chú ý. Hồi tháng Giêng, hai quốc gia Bắc Âu dự kiến khởi động tiến trình gia nhập NATO để đối phó với đe dọa từ Nga. Hôm thứ Năm, ngay sau khi tổng thống Nga phát động cuộc tấn công, trong một cuộc họp báo, thủ tướng Thụy Điển Magdalena Anderson nhận định « chúng ta đang bước vào một chương mới đen tối trong lịch sử châu Âu », đồng thời lên án hành động « chà đạp lên luật pháp quốc tế » của chính quyền Nga. Nhưng Stockholm nhấn mạnh : « Thụy Điển vốn đã đứng ngoài các liên minh từ rất lâu, và điều này phục vụ cho các lợi ích của Thụy Điển », chính sách an ninh của Thụy Điển « không thay đổi », bất chấp thảo luận được dấy lên về vấn đề gia nhập NATO.

Về phần mình, Phần Lan cũng tuyên bố loại trừ khả năng gia nhập NATO trong thời gian trước mắt. Trong một cuộc họp báo được triệu tập khẩn cấp, tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö nhấn mạnh là Phần Lan đã có một chiến lược an ninh quốc gia trong thời gian khủng hoảng hiện nay, và tăng cường hợp tác với các đối tác NATO. Sau khủng hoảng Helsinki sẽ xem xét « các hành động  cần thiết khác ». AFP dẫn lời nữ thủ tướng Sanna Marin cho hay, trái ngược với Thụy Điển, Phần Lan có biện pháp, « khả năng gia nhập NATO », trong trường hợp an ninh quốc gia đòi hỏi.

Matxcơva không bỏ qua dịp để một lần nữa răn đe Thụy Điển và Phần Lan, về ý định gia nhập NATO. Hôm qua, 25/02, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, đe dọa « các hậu quả quân sự », nếu hai quốc gia trung lập Bắc Âu gia nhập NATO.

Phần Lan không ủng hộ giải pháp « Phần Lan hóa » với Ukraina

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Đức Die Zeit, tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, bác bỏ các đòi hỏi của tổng thống Nga Putin, về việc yêu cầu NATO ngừng mở rộng phạm vi trên lục địa châu Âu. Theo nguyên thủ Phần Lan, quốc gia này sẽ tự định đoạt việc có tham gia vào một liên minh hay không.

Về khả năng « Phần Lan hóa » (hay trung lập hóa) Ukraina, trên Financial Times ngày 22/02/2022, tức hai ngày trước cuộc tấn công của Nga, ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nhấn mạnh : Ukraina cũng như tất cả các quốc gia khác có quyền tự quyết định lựa chọn có đề nghị gia nhập NATO hay không. Lãnh đạo ngoại giao Phần Lan khẳng định vai trò của ngoại giao để giải quyết căng thẳng hiện nay, nhưng phê bình khái niệm « Phần Lan hóa », mà theo ông là một sản phẩm của lịch sử, ra đời trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hiện giờ không nên coi là một hình mẫu cho việc giải quyết khủng hoảng trong quan hệ Nga – Ukraina. Ngoại trưởng Phần Lan cũng tố cáo mưu đồ phục dựng lại đế chế Xô Viết, mà tổng thống Nga đã thể hiện rõ qua bài diễn văn hơn một giờ đồng hồ ngày 21/02.

Trung Quốc : Đồng minh của Nga, kẻ giật dây hay « ngư ông đắc lợi » ?

Vai trò của Bắc Kinh trong cuộc can thiệp quân sự Nga tại Ukraina đặt ra nhiều dấu hỏi. Chế độ cộng sản Trung Quốc là đồng minh của Nga, là kẻ giật dây trong hậu trường, hay là ngư ông đắc lợi. Ngày 04/02/2022, Bắc Kinh và Matxcơva ra thông cáo khẳng định tầm nhìn chung về an ninh thế giới, chống lại Mỹ và các đồng minh, trong bối cảnh Nga đưa hơn 100 nghìn quân áp sát biên giới Ukraina. Ngày 24/02, Nga tấn công Ukraina, ngay sau khi Thế Vận Hội mùa đông do Trung Quốc đăng cai vừa khép lại. Bắc Kinh không lên án, mà tỏ ra thông cảm với các quan ngại của Nga. Ngày 25/02, Trung Quốc vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu một dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An lên án Nga xâm lược.

Tham vọng lãnh thổ và thái độ quá hung hăng của Nga tại Ukraina có thể đặt Trung Quốc vào thế khó xử, tạo điều kiện cho Trung Quốc nối lại đối thoại với Mỹ, như giả thiết của cựu cố vấn của tổng thống Obama, Ryan Hass hay không ? Chưa kể các trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga có thể gây khó cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá Trung Quốc có thái độ cơ hội chủ nghĩa và thâm hiểm hơn rất nhiều.

Trả lời RFI, sử gia Pháp François Godement, chuyên gia về Trung Quốc (cố vấn về châu Á viện Montaigne) nhận định :

« Có thể thấy Trung Quốc có một ứng xử mang tính cơ hội chủ nghĩa. Tôi cho rằng đây là một tính toán mang tính toàn cục của Tập Cận Bình : đó là mọi sự suy yếu của phương Tây, mọi mặt trận bổ sung mới chống lại phương Tây đều cần được coi là điều tốt. Liệu Trung Quốc có hoàn toàn thoải mái với cuộc xâm lăng Ukraina đang diễn ra hay không ?

Tôi cho rằng cần phải tách thái độ của Bắc Kinh thành hai mặt. Một mặt, Trung Quốc không sẵn sàng gánh chịu các mạo hiểm của chính quyền Nga (trong cuộc can thiệp hiện nay), hay cùng gánh chịu với Nga. Bắc Kinh sẽ chọn một quan điểm mang ‘‘tính trung lập’’. Có quan điểm trung lập tại Hội Đồng Bảo An không phải là điều dễ, nhưng ‘‘bỏ phiếu trắng’’ cũng có thể chính là một cách. Phần còn lại, cần chấp nhận một thực tế là, không nên trông đợi gì ở việc Trung Quốc sẽ có một thái độ khác biệt (với Nga), và có được sự hỗ trợ của Trung Quốc trong chuyện này. Trừ phi nước Nga rơi vào tình trạng suy yếu trầm trọng, thì từ đó, Trung Quốc có thể sẽ có một lựa chọn mang tính cơ hội khác. Tuy nhiên tình hình hiện nay thì lại hoàn toàn không phải như vậy ».

Trong một phân tích trên Les Echos, chuyên gia về Trung Quốc François Godement nhấn mạnh là, Bắc Kinh chắc chắn sẽ « vui mừng » khi Putin thành công, nhưng « không sẵn sàng trả giá cho các rủi ro trong cuộc phiêu lưu của tổng thống Nga ».

Trọng Thành / RFA