QUẢNG NAM – Đình Chiên Đàn, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh 550 tuổi đã nhiều lần tu sửa song vẫn giữ được kiến trúc cổ kính
Theo truyền thuyết cũng như truyền khẩu, đình Chiên Đàn được xây dựng vào khoảng 1471-1473 trên một khu đất bằng phẳng 1.500 m2, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh để thờ thành hoàng và các bậc tiền hiền đã có công khai khẩn vùng đất này. Nơi đây còn dành để thờ tự các vị có công với nước, với địa phương đã được vua phong chức sắc, hoặc đỗ đạt cao trong làng.
Người dân Quảng Nam có câu “Nhất La Qua, nhì Thành Mỹ, ba Chiên Đàn” truyền tai nhau về các ngôi đình có quy mô hàng trăm năm tuổi. Cho đến nay, đình Chiên Đàn trở thành ngôi đình lớn nhất ở địa phương, vì hai ngôi đình kia đã bị tàn phá do chiến tranh.
Đình được lợp mái ngói âm dương, phía trên đỉnh thiết kế hình dáng hai con rồng trong thế bay lượn và quay đầu lại với nhau.
Đình rộng 440 m2, xây hình chữ nhất, mặt xoay về hướng đông nam, nóc trang trí hình “lưỡng long triều nguyệt”, mái hiên đắp hai con kỳ lân; trước đình có cổng tam quan.
Đình gồm năm gian hai chái, có 30 cột gỗ mít, đường kính cột lớn nhất hơn 40 cm và nhỏ nhất là 37 cm.
Ba gian chính là nơi dành để thờ tự. Phía trước điện thờ gắn ba bức hoành phi, có bức ghi rõ “Chiên Đàn xã đình”.
Trong đình ở nhiều kèo, kiện được chạm trỗ tinh xảo, uyển chuyển do những người thợ tài hoa của làng mộc Văn Hà, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh làm nên.
Dưới một kèo gỗ được chạm trổ.
Một cột gỗ được trùng tu. Từ khi xây dựng cho đến nay, đình đã trải qua nhiều lần tu sửa, gần đây nhất là vào các năm 1932, 1955, 1967, 1972, 1996, 2006 nhưng các yếu tố gốc của ngôi đình vẫn được bảo tồn tính nguyên vẹn của một công trình kiến trúc cổ.
Đình là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá của địa phương. Trong ảnh dịp Tết Nhâm Dần, gần 100 kỳ thủ tập trung về đình Chiên Đàn tham gia giải thi đấu cờ tướng huyện Phú Ninh.
Năm 2002, đình Chiên Đàn được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Hàng năm vào ngày 15/7 Âm lịch người dân mở hội đình để tưởng nhớ công ơn cha ông. Đình nằm cách quốc lộ 1A, đoạn ngã ba Kỳ Lý, xã Tam Đàn đi theo đường DT 615 về hương tây khoảng 500 m.
Đối với nhiều người yêu thích du thuyền, được định cư trên một con tàu là điều mà họ mơ ước, nhưng ước mơ này có phần khá xa xỉ. Dù các chuyến du ngoạn thế giới dài hạn đã trở nên phổ biến hơn, tuy nhiên, những trải nghiệm như vậy có xu hướng đi kèm với một mức giá cực kỳ cao, do đó không nhiều người có khả năng lên tàu dù rất yêu thích cuộc sống trên biển.
Nhưng một “cộng đồng dân cư trên biển” mới có tên là Storylines đang hy vọng sẽ thay đổi điều đó bằng cách cung cấp chỗ ở trên một con tàu du lịch trong thời gian dài hoặc thậm chí vĩnh viễn, với giá cả hợp lý hơn.
Dự kiến ra mắt vào năm 2024, Storylines cung cấp các căn hộ từ một đến bốn phòng ngủ đầy đủ tiện nghi, cùng với căn hộ studio và căn hộ penthouse hai tầng, trên con tàu sắp ra mắt của mình, với giá khởi điểm 400.000 USD và lên đến 8 triệu USD, tùy theo bạn thuê hay mua.
Những căn hộ trên du thuyền này có thể được sở hữu vĩnh viễn, bên cạnh đó, Storylines cũng cung cấp các hợp đồng thuê 12 hoặc 24 năm nhưng chỉ có số lượng hạn chế.
Theo nhà sáng lập kiêm CEO Alister Punton, nhiều căn hộ trong tổng số 547 căn đã được bán và các căn hộ đang trên đà bán hết vào cuối năm 2022.
Du thuyền MV Narrative của Storylines sẽ mang đến cho cư dân một “lối sống du mục” trong khi họ làm việc hoặc thư giãn trên biển. Con tàu được trang bị bến du thuyền, chợ nông sản và thậm chí là trường học trên tàu.
Con tàu được thiết kế để có 20 quán ăn và quầy bar, một nhà máy bia nhỏ và ba hồ bơi, cũng như thư viện đủ chứa 10.000 cuốn sách, rạp chiếu phim, trung tâm chăm sóc sức khỏe hiện đại, sân chơi bowling và trang trại vườn thủy canh năng lượng mặt trời.
MV Narrative dự kiến bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên kéo dài 1.000 ngày qua sáu châu lục vào cuối năm 2024, trung bình con tàu ở mỗi cảng từ ba đến năm ngày.
Ngoài các điểm dừng theo lịch trình, hàng tháng cũng sẽ có một số ngày “cư dân lựa chọn”, khi những người trên tàu có thể chọn cảng đến.
Punton cho biết những người có hợp đồng thuê sẽ nhận được quyền sử dụng trong một thời hạn nhất định cho đến hết tuổi thọ của con tàu – 12 hoặc 24 năm.
“Với việc mua hoàn toàn căn hộ, cư dân nhận được điều khoản sử dụng vĩnh viễn, có nghĩa là họ có thể chuyển đến một nơi ở mới trên một con tàu trong tương lai mà không cần mua thêm, khiến đây là một khoản đầu tư dài hạn”, Punton giải thích rằng những ngôi nhà có thể được cho thuê hoặc bán “giống như bất kỳ khoản đầu tư bất động sản nào khác.” Theo Punton, một phần phí hàng năm của cư dân sẽ được chuyển thành quỹ cho mục đích này.
Ngoài giá mua hoặc thuê, cư dân sẽ phải trả một khoản “phí sinh hoạt”, dao động từ $65,000 đến $200,000 cho mỗi căn hộ hàng năm và bao gồm các chi phí như thực phẩm và bảo trì.
Mặc dù con số này chắc chắn sẽ không phải phù hợp đối với tất cả mọi người, nhưng các khoản phí này là thấp hơn đáng kể so với các khu phức hợp nổi khác như The World, nơi có giá bắt đầu từ 2 triệu USD và cao nhất là 15 triệu USD, với phí hàng năm không được tiết lộ.
Punton cho biết thêm: “Sau khi thanh toán phí, bạn có thể an tâm cất ví hoặc thẻ tín dụng của mình đi.”
Mặc dù du lịch biển từ lâu đã gắn liền với thế hệ cũ, điều này đã thay đổi trong những năm gần đây, với ngày càng nhiều người trẻ tuổi bị thu hút vào cuộc sống trên biển. Theo Punton, độ tuổi của những người đã đặt cọc rất đa dạng và rất nhiều gia đình đang tham gia, trong đó nhiều người ở độ tuổi 30, 40. Các chuyên gia trẻ, trong bối cảnh đại dịch, đã nhận ra rằng giờ đây họ có thể “làm việc từ bất cứ đâu”, Punton nói.
Để phục vụ những gia đình có trẻ em, Storylines cung cấp một chương trình giáo dục đầy đủ, cũng như nhiều không gian dành cho giáo dục. Trên tàu cũng sẽ có đội nhân viên y tế, bao gồm bác sĩ, y tá và nhà vật lý trị liệu, cùng với nhà thuốc và bưu điện.
Chủ sở hữu có thể tự do mời khách lên tàu và có tùy chọn cho thuê chỗ ở của họ khi không sử dụng.
Tác động môi trường là một chủ đề nóng trong những năm gần đây, và Punton nhấn mạnh rằng con tàu đang được thiết kế để giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, chẳng hạn như hệ thống thủy canh 500m2 chạy bằng năng lượng mặt trời trên tàu sẽ tạo ra một số thực phẩm được sử dụng trên tàu, cũng như các công nghệ biến chất thải thành năng lượng.
Tàu MV Narrative sắp ra mắt của Storylines hiện đang được xây dựng ở Croatia với sức chứa tối đa hơn 1.300 hành khách.
Theo Punton, nhóm liên tục thăm hỏi ý kiến những người đã mua căn hộ về các kế hoạch thiết kế, cũng như các cơ sở trên tàu, để đảm bảo rằng họ hài lòng với kết quả cuối cùng.
Ông giải thích: “Bởi vì cuối cùng con tàu thực sự là của họ. Họ là những người sẽ sống trong đó, và nó cần được thiết kế dành cho họ.“
Bạn có thể tham quan thiết kế mẫu của MV Narrative trên website của Storylines.
Năm 2022, đại văn hào Pháp Molière tròn 400 tuổi và cũng đánh dấu 102 năm vở kịch nói đầu tiên được diễn tại Việt Nam. Vở hài kịch Bệnh tưởng (Le Malade imaginaire) của Molière, được ông Nguyễn Văn Vĩnh (15/06/1882 – 02/05/1936) dịch trước đó, đã được diễn tại Hà Nội ngày 25/04/1920, mở đường hình thành nghệ thuật kịch nói ở Việt Nam
Trong những thập niên đầu thế kỷ XX, chữ quốc ngữ trở thành công cụ nhanh nhất và hiệu quả nhất để du nhập những kiến thức mới vào Việt Nam và Nguyễn Văn Vĩnh ý thức rõ được điều này. Cùng với nhiều học giả đương thời (Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố trong “Tứ Hổ Tràng An”), Nguyễn Văn Vĩnh tìm thấy trong văn học Pháp nguồn khai thác vô hạn để làm giầu văn học Việt Nam, cũng như để khuyến khích người dân học quốc ngữ, mà ông từng khẳng định : “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ !”
CHỌN HÀI KỊCH ĐỂ DỄ PHỔ BIẾN CHỮ QUỐC NGỮ
Sau thời gian đầu chọn những tác phẩm kinh điển của Pháp để dịch sang tiếng Việt, như những tiểu luận của Rousseau (Du contrat social – Bàn về khế-ước xã-hội), Montesquieu (L’Esprit des Lois – Vạn-pháp tinh-lý) hoặc Helvétius (Le Traité de l’esprit), Nguyễn Văn Vĩnh hiểu ra rằng những tác phẩm đó quá cao siêu, vượt trình độ của phần đông dân chúng. Ông chuyển hướng dịch những tác phẩm văn học bình dân, dễ hiểu hơn. Và táo bạo hơn, Nguyễn Văn Vĩnh đưa ra ý tưởng “diễn kịch”, một cách để khẳng định khả năng diễn tả của chữ quốc ngữ trong những loại hình nghệ thuật mới.
Bệnh tưởng, do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, đã được trình diễn ngày 25/04/1920 tại Nhà hát thành phố (Nhà hát lớn Hà Nội), nhân kỷ niệm một năm ngày thành lập Hội Khai-trí tiến-đức (AFIMA). Phó giáo sư Nguyễn Phương Ngọc (1), giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á (IrAsia), đại học Aix-Marseille, phân tích ý nghĩa sự kiện này :
“Vở kịch đó có cái hay ở điểm đây là lần đầu tiên một vở kịch, gọi là “thoại kịch”, có nghĩa là kịch nói, chứ không phải hát, được trình diễn. Người diễn mặc trang phục theo kiểu châu Âu, đi lại, nói năng như người bình thường. Ngoài ra, những người diễn không phải là diễn viên chuyên nghiệp, vì lúc đó đâu có diễn viên chuyên nghiệp, cho nên các vai nam đều do các hành viên của Hội Khai-trí tiến-đức diễn. Còn hai vai nữ là mời hai diễn viên ở một đoàn tuồng ở Hà Nội tham gia. Bản thân Nguyễn Văn Vĩnh là người đóng vai ông lang ế, tức là ông bác sĩ ở trong vở kịch đó”.
Bệnh tưởng (Le Malade imaginaire) là một trong bốn tác phẩm của Molière được Nguyễn Văn Vĩnh dịch, cùng với Trưởng giả học làm sang (Le Bourgeois gentilhomme), Người biển lận (L’Avare), Giả đạo đức (Tartuffe) và được đăng trên Đông-Dương tạp-chí. Sau đó, bốn tác phẩm này được in trong “Série A” của bộ sưu tập Phổ-thông giáo-khoa-thư xã, xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1916, dưới sự chỉ đạo của François-Henri Schneider để cổ vũ giáo dục (2) và sau này, trong bộ sưu tập Danh văn nước Pháp dịch nôm, phụ bản của báo Trung-Bắc tân-văn trong những năm 1920-1921 tại Hà Nội.
Là một người đam mê kịch Pháp, Nguyễn Văn Vĩnh đã bị những tác phẩm của Molière lôi cuốn vì chúng vừa hài hước vừa mang ý nghĩa dạy dỗ. Lời thoại dễ hiểu, dễ nghe là phương tiện hiệu quả để truyền bá chữ quốc ngữ, khác với lựa chọn lúc đó của học giả Phạm Quỳnh. Phó giáo sư Phương Ngọc giải thích tiếp :
“Nguyễn Văn Vĩnh lựa chọn hài kịch, nhất là những vở của Molière là những vở nói về xã hội một cách phê phán, có cái nhìn phê phán, tức là dùng tiếng cười để nói lên những cái xấu, những cái cần phải sửa đổi của xã hội.Còn Phạm Quỳnh không dịch hài kịch. Ông dịch bi kịch, như Le Cid (Lôi-xích) của Corneille chẳng hạn. Theo Phạm Quỳnh, dịch kịch hoặc tiểu thuyết nói chung là phải dịch những tác phẩm có những ý tưởng cao đẹp về Tổ quốc, về yêu nước.
Nguyễn Văn Vĩnh thì rất là khác. Ông có tinh thần phê phán xã hội và dùng cái cười để giúp người xem tự phân tích được những cái xấu trong xã hội. Có lẽ hai lựa chọn đó cũng liên quan đến hai cá tính khác nhau bởi vì Nguyễn Văn Vĩnh có rất nhiều bài báo phê phán xã hội Việt Nam thời đó, những cái gọi là “hủ tục”. Về mặt đó, Nguyễn Văn Vĩnh là người rất gần với tư tưởng duy tân. Trong khi đó, Phạm Quỳnh là người hay nói tới “tồn cổ”, tới “quốc hồn, quốc túy”.
Kể cả trong cách ăn mặc chẳng hạn, Nguyễn Văn Vĩnh phải nói là người rất là trẻ, rất hiện đại, rất là tân học, mặc com-lê, thắt cà vạt. Còn Phạm Quỳnh mặc áo dài theo kiểu truyền thống. Có thể đó là một cách giải thích. Còn các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về kịch nói có thể đưa ra những phân tích, những giải thích khác, thì ý đó tôi không được biết rõ lắm”.
ĐƯA CÁI MỚI ĐỂ ĐẬP TAN CỔ HỦ
Nguyễn Văn Vĩnh đã được tiếp xúc với nghệ thuật kịch nói ngày từ năm 1906, trong chuyến sang Marseille, miền nam Pháp, dự Triển lãm Thuộc địa (Exposition coloniale de Marseille). Trong thư đề ngày 27/06/1906 gửi cho người bạn Phạm Duy Tốn, ông viết : “Đêm qua, Đ. T. Kim và tôi đi xem diễn kịch Le Cid ở nhà hát lớn, đi xem không mất tiền, vì có ông Vierge mời.Sướng quá, nhất là tại lần đầu tôi được đi xem diễn một tích hát cổ điển mà chúng ta chỉ mới được đọc thôi. Cách họ ngâm thơ làm cho ta hiểu thêm cái hay của văn chương, cái cao thượng của tình cảm thường thường người ta không được thấy rõ lắm trong khi đọc sách…” (3)
Thất vọng vì hai người bạn đồng hành Đ. T. uể oải, thờ ơ trong buổi diễn nhưng vẫn vờ tán dương, Nguyễn Văn Vĩnh phải thốt lên trong thư : “Người mình bướng quá. Muốn làm cho họ thấy sự tiến bộ, thật là khó quá. Chúng ta không bao giờ chịu nhận chúng ta thua kém các dân tộc khác. Vả lại, nhận tội lỗi của mình, có phải là một sự nhục nhã gì cho cam ! Trong cõi đời này, ai lại chẳng có tính xấu ?… Đối với họ, đem giấu những nết xấu của mình đi, rồi lấy đó làm tính tốt, thế là yêu nước, thế là làm vẻ vang cho nòi giống đó ! …
Muốn có một lớp người khá, muốn có một lớp người hướng dẫn quốc dân vào con đường khoa học, ta phải mong ở lớp người đến sau, ở những bọn thiếu niên bây giờ. Óc họ chưa bị những thành kiến cổ hủ đồi bại ăn sâu đục thủng. Ngồi mà nghĩ rằng tôi sẽ là người đầu tiên để làm cái công việc đó để mà gây lấy một tương lai tốt đẹp đó, tôi sung sướng vô cùng. Cha mẹ, anh em, vợ con, tất cả đều phải nhòa trước tư tưởng đó để nhường chỗ cho một lòng vui thích êm ái nhất…”.
Sau 14 năm trăn trở, Nguyễn Văn Vĩnh đã thực hiện được mong muốn. Ông đưa kịch nói vào Việt Nam. Theo ông, đây là một “loại hình nghệ thuật mượn nhiều nghệ thuật khác”, như sử dụng văn học để đối thoại, cần âm nhạc và múa để diễn tả những cấp độ khác nhau và hội họa, điêu khắc để trang trí. Nhưng điều lớn hơn cả, đó là “mục tiêu của nghệ thuật này là cho thấy vẻ đẹp của bản chất con người và thái độ của họ trong cộng đồng” (4). Phó giáo sư Phương Ngọc phân tích tiếp ý nghĩa của buổi diễn kịch nói đầu tiên :
“Cần phải nói là vở kịch đó được diễn ở Nhà hát thành phố, tức là địa điểm văn hóa quan trọng nhất, đẹp nhất tại Hà Nội và tại xứ Đông Dương. Vở kịch Bệnh tưởng, khi được biểu diễn ngày 25/04/1920 là vào dịp, cũng rất đặc biệt, là để kỉ niệm một năm ngày thành lập Hội Khai-trí tiến-đức (AFIMA), tức là hội gồm những người có tên có tuổi trong xã hội thời đó, do Phạm Quỳnh, lúc đó là chủ nhiệm báo Nam Phong, đứng ra làm chủ tịch hội.
Vì thế, sự kiện biểu diễn một vở kịch nước ngoài, dưới một hình thức rất mới, tức là nói chứ không phải là hát, do những người không chuyên biểu diễn, thì đó là một sự kiện văn hóa rất có tiếng vang và rất là mới”.
Những lời bình luận tích cực nhanh chóng xuất hiện trên báo chí. Trong bài “Molière chez les Annamites” trên tạp chí La Revue Indochinoise số 5-6 ra tháng 05-06/1920, tác giả M. G. Dufresne “cảm thấy một sức hấp dẫn mới, không có được trong nguyên bản tiếng Pháp – có lẽ không lớn hơn, nhưng với một chất lượng mới” và hoan nghênh sự lựa chọn xác đáng của ông Nguyễn Văn Vĩnh : “Dịch giả hiểu rằng Molière là nguồn kịch Pháp thực thụ, và đối với các nghệ sĩ, hài kịch có nhiều khả năng thành công hơn bị kịch”.
Ông Phạm Quỳnh, chủ bút Nam-Phong tạp-chí, coi ngày 25/04/1920 là một ngày không thể quên trong lịch sử của Hội Khai-trí tiến-đức (AFIMA), trong lịch sử sân khấu và văn học Việt Nam. Sau buổi biểu diễn, Thượng Chi (bút danh của Phạm Quỳnh) đã dành 19 trang trong số 35 của Nam-Phong tạp-chí để giới thiệu “Lịch sử nghề diễn-kịch ở nước Pháp – Bàn về hí-kịch của ông Molière”. Trong lời nói đầu, Phạm Quỳnh viết : “Vả nước ta bây giờ đương giữa lúc muốn sửa-đổi nghề tuồng trong nước, cần phải nên biết lịch-sử và sự-nghiệp các bậc soạn kịch đại-danh như ông Molière”.
Nghệ thuật kịch Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, theo phó giáo sư Nguyễn Phương Ngọc :
“Buổi trình diễn vở kịch Bệnh tưởng đó có ảnh hưởng rất tới đời sống văn hóa, văn học, cũng như là nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung. Tại như này : Rõ ràng là phải có vở kịch được biểu diễn tại Nhà hát thành phố, hiện giờ là Nhà hát lớn, năm 1920 thì sau đó, hơn một năm rưỡi sau, vào ngày 22/10/1921, mới có vở kịch Chén thuốc độc do một tác giả người Việt Nam, Vũ Đình Long, viết bằng tiếng Việt, về một đề tài xã hội lúc đó.
Chén thuốc độc, trước khi được trình diễn, đã được đăng trên tạp chí Hữu-Thanh, là tạp chí của Hội Bắc-Kỳ Công-Nông-Thương đồng-hội, lúc đó do nhà thơ, nhà văn Tản Đà làm chủ nhiệm. Vở kịch Chén thuốc độc được dàn dựng và trình diễn cũng tại Nhà hát thành phố. Sự kiện sân khấu đó cũng là để kỉ niệm một năm ngày thành lập hội Bắc-Kỳ Công-Nông-Thương đồng-hội.Cũng như trước đó năm 1920, vở kịch Chén thuốc độc có tiếng vang rất lớn và sau đó, có thể nói là kịch nói ở Việt Nam đã được chính thức khai sinh.
Có thể nói ngày khai sinh là năm 1920 khi diễn vở kịch Bệnh tưởng hoặc cũng có thể nói là chính thức khai sinh năm 1921 với vở kịch Việt Nam. Theo tôi, cả hai sự kiện đó đều là sự kiện khai sinh ra nghệ thuật sân khấu kịch nói ở Việt Nam”.
Tham vọng của tỷ phú Việt không còn giới hạn ở mốc doanh thu lợi nhuận tỷ USD mà đã lớn hơn rất nhiều. Các hướng mới được mở ra và doanh nhân Việt tham vọng bước vào cuộc chơi toàn cầu.
Bước vào sân chơi toàn cầu
Tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng 2022 – Consumer Electronics Show (CES 2022), VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức công bố sẽ trở thành hãng xe thuần điện vào cuối năm 2022.
Năm mẫu xe điện mới đã được giới thiệu có thiết kế bởi công ty thiết kế xe hơi bậc nhất nước Ý. Xe được trang bị các công nghệ, tính năng thông minh hàng đầu hiện nay, từ các tiện ích thông minh (Smart Services) cho tới tính năng hỗ trợ lái nâng cao (ADAS).
Nằm trong chiến lược tự chủ về công nghệ và năng lượng cung ứng pin, tháng 12 vừa qua, VinFast đã khởi công nhà máy sản xuất pin VinES tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhằm đảm bảo nguồn cung pin Lithium dành cho các dòng xe ô tô điện và xe buýt điện.
Tập đoàn Vingroup của ông Vượng xác định trọng tâm là công nghệ – công nghiệp, sau đó đó là thương mại và dịch vụ. Bất động sản (Vinhomes) vẫn là trụ cột nhưng không là trọng tâm bứt phá trong tương lai.
Ngay đầu năm mới 2022, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) và đối tác Hàn Quốc khởi công dự án điện khí 2,3 tỷ USD tại Quảng Trị, công suất giai đoạn 1 là 1.500MW, dự kiến vận hành thương mại năm 2026 – 2027.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn T&T Group cho biết, dự án sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,25 tỷ kWh/năm; có thể bù đắp công suất thiếu hụt tức thời cho hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại khu vực miền Trung đang chiếm tỷ trọng lớn và bị biến động theo thời tiết..
Trong khi đó, nhiều DN tham gia cuộc chơi toàn cầu bằng những con đường khác, khi trở mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuối 2021, Tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương tổ chức lễ xuất khẩu 15,5 nghìn sơ mi rơ moóc sang thị trường Mỹ, sau khi đã thành công trong việc xuất khẩu xe du lịch Kia sang Myanmar, Thái Lan; xe bus sang Philippines, Thái Lan, Singapore và xe tải sang Campuchia.
Thaco cũng đã cung ứng linh kiện OEM cho các đối tác sản xuất ô tô trong nước như: Toyota, Isuzu, Hyundai, Piaggio và nhận gia công cơ khí các sản phẩm công nghiệp và dân dụng cho các đối tác như: General Electric, Doosan, Makitech…
Việc xuất khẩu sơ mi rơ moóc sang Mỹ là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Thaco mà còn với cả ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, bởi điều này nói lên khả năng hội nhập và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở một mảng khá mới mẻ, dự án tiền mã hóa game Axie Infinity của một người Việt cuối năm ngoái đạt mốc vốn hóa hơn 9 tỷ USD, lọt top 20 trên bảng xếp hạng các dự án tiền số có vốn hóa lớn nhất thế giới.
Những năm qua, nhiều DN Việt đã bước chân ra thị trường thế giới và đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, để tăng cường sự tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu và có thể cạnh tranh với các DN quốc tế, vấn đề nhân lực là yếu tố quyết định.
Nguyên Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, công nghệ thì có thể mua, nhưng về quản trị và nguồn nhân lực thì khó có thể khỏa lấp. Đây chính là lỗ hổng lớn nhất của các DN và nền kinh tế nước ta.
Mở rộng ‘chiếc bánh’
Mặc dù đang rất thành công với bất động sản và du lịch, nhưng cơ hội phát triển của Vingroup được xem bị giới hạn nếu bó gọn ở thị trường trong nước.
Để phát triển một hãng xe điện thành công, VinFast có kế hoạch huy động vốn trên thị trường tài chính thế giới với định giá khoảng 50 tỷ USD. Nếu thành công, tài sản của tỷ phú Vượng có thể lên tới 30 tỷ USD, đứng trong top 50 người giàu nhất thế giới.
Tại buổi nói chuyện giữa Chủ tịch Vingroup và cán bộ quản lý của Viettel vào năm 2016, ông Phạm Nhật Vượng từng đề cập đến cách tập đoàn này định hướng đầu tư ở nước ngoài. Và Chủ tịch Vingroup đã chọn VinFast để hiện thực hoá giấc mơ, khi hiện diện trên đất Mỹ với những chiếc xe điện đầu tiên tại triển lãm Los Angeles Auto Show. Không chỉ Mỹ, VinFast cũng chào sân hàng loạt thị trường lớn khác gồm Canada, Anh, Pháp và Hà Lan. VinFast có kế hoạch đặt một nhà máy ở Mỹ vào nửa cuối năm 2024.
Hoàng Anh Gia Lại – HAGL (HAG) của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) gần đây hồi phục mạnh mẽ và có tín hiệu trở lại thời hoàng kim sau 10 năm đầu tư vào lĩnh vực nông sản với định hướng trở thành một đế chế trong khu vực.
HAGL đã phát triển được tổng diện tích trông cây ăn quả rộng khoảng 10.000ha tại cả Việt Nam, Lào và Campuchia. Mảng chăn nuôi cũng phát triển mạnh mẽ với hàng trăm nghìn heo thịt và hàng nghìn heo nái.
CTC Đầu tư Thế giới di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài là đại diện ngành bán lẻ Việt Nam bước chân ra thị trường khu vực với hệ thống Bluetronics tại Campuchia. Với 50 cửa hàng, Bluetronics đang có số lượng cửa hàng lớn nhất xứ chùa tháp.
Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc MWG, doanh thu của chuỗi tới cuối 2021 đạt khoảng 500 tỷ đồng. MWG đã thành công tại Campuchia và sẽ tiếp tục hành trình chinh phục thị trường Đông Nam Á.
Trước đó, Vinamilk đã thành công ở một số thị trường quốc tế, trong đó có Trung Quốc và đang tập trung xây dựng thương hiệu toàn cầu, đặc biệt ở các khu vực trọng yếu.
Đi đầu trong xu hướng tìm hướng mới ở trên thị trường quốc tế là FPT và Viettel. Hai tập đoàn này gặt hái được nhiều thành công. FPT đặt mục tiêu trở thành một trong 50 công ty chuyển đổi số hàng đầu thế giới. Và theo chủ tịch FPT Trương Gia Bình, FPT sẽ tập trung mạnh vào những hướng đi chiến lược như điện toán đám mây (Cloud), trong đó có sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với các đơn vị lớn trên thế giới, tương tự Office 365 của Microsoft.
Hiện tại, doanh thu chuyển đổi số của FPT chủ yếu đến từ nước ngoài, trong đó hợp đồng tại thị trường Mỹ mỗi năm khoảng 40-50 triệu USD. Dự báo, doanh thu và lợi nhuận mảng công nghệ của FPT sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 20%/năm, đến từ cả thị trường trong nước và quốc tế.
Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang cũng dần khẳng định tên tuổi và vị thế trên hành trình vươn ra toàn cầu, với tầm nhìn tới 2025 là một trong 50 công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới do Tạp chí Fortune bình chọn. Trong đó, Masan High-Tech Materials đặt mục tiêu trở thành đối tác số 1 của các ngành công nghiệp công nghệ cao trên toàn thế giới.
Hướng đi mới cùng chiến lược xây dựng DN lớn mạnh, có tầm cỡ quốc tế được các chuyên gia đánh giá rất cao, dù có ý kiến cho rằng sẽ có nhiều thách thức và rủi ro. Tuy nhiên, nếu không có sự quyết đoán, táo bạo như vậy thì cơ hội bứt tốc để bắt kịp các tập đoàn lớn thế giới là rất khó khăn. Và đó là con đường đầy triển vọng để mở rộng ‘chiếc bánh’ lợi ích kinh tế cho DN và cả quốc gia
Một báo cáo về môi trường của Liên Hợp Quốc được công bố hôm 15/2 cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường đang góp phần gây ra nhiều ca tử vong trên toàn cầu hơn cả đại dịch Covid-19.
Theo hãng thông tấn Reuters, báo cáo cho biết ô nhiễm từ thuốc trừ sâu, rác thải nhựa và điện tử đang gây ra ít nhất 9 triệu ca tử vong mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề này hầu như không được chú ý rộng rãi. Trong khi đó, theo công ty tổng hợp dữ liệu Worldometer, đại dịch Covid-19 đã gây ra gần 5,9 triệu ca tử vong tính đến thời điểm hiện tại.
David Boyd, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc và là tác giả của báo cáo trên, nêu rõ: “Các cách tiếp cận hiện nay để quản lý rủi ro do ô nhiễm và các chất độc hại gây ra rõ ràng đang thất bại, dẫn đến việc vi phạm rộng rãi quyền có một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững của con người”.
Báo cáo dự kiến sẽ được trình bày vào tháng tới trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cơ quan từng tuyên bố môi trường trong sạch là một trong những quyền của con người.
Hội đồng cũng kêu gọi cấm sử dụng polyfluoroalkyl và perfluoroalkyl, những chất hóa học được sử dụng trong các sản phẩm gia dụng như đồ nấu nướng chống dính, vì chúng có liên quan đến bệnh ung thư và không dễ bị phân hủy.
Báo cáo còn đề nghị các quốc gia tìm cách làm sạch các địa điểm bị ô nhiễm và tái định cư các cộng đồng sinh sống tại những nơi bị ô nhiễm nặng đến mức không thể ở được.
Bà Michelle Bachelet – Cao ủy nhân quyền của Liên Hợp Quốc, đã gọi các mối đe dọa về môi trường là thách thức lớn nhất với các quyền trên toàn cầu, và ngày càng có nhiều vụ kiện đòi nhân quyền thành công liên quan tới ô nhiễm môi trường trên thế giới.
Chất thải hóa học cũng là một phần trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị môi trường của Liên Hợp Quốc ở Nairobi (Kenya), bắt đầu từ ngày 28/2 tới. Nội dung các cuộc đàm phán sẽ bao gồm đề xuất thành lập một hội đồng chuyên trách để giải quyết vấn đề môi trường, tương tự Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu.