Màn đêm trên các thị trấn nhỏ bé của Mỹ

Daniel Freeman đã rong ruổi khắp các bang mà không có hành trình dự kiến và những bức ảnh của ông trong cuốn “Midnight on Main” ghi lại những không gian tĩnh lặng của nước Mỹ.

Ảnh: Daniel Freeman.

Thời gian ban đêm luôn quyến rũ những ai muốn nhìn thế giới một cách khác biệt. Khi mọi thứ đã nghỉ ngơi, đèn tắt, điện thoại im lặng và cửa khóa, vẻ đẹp của thế giới được truyền tải qua sự yên tĩnh về đêm.

Niềm đam mê với cách mọi thứ xuất hiện vào ban đêm đã ăn sâu vào nhiếp ảnh của Daniel Freeman.

Ông đã di chuyển quanh 22 tiểu bang khắp nước Mỹ và đã chạm được tới cuộc sống về đêm của các thị trấn nhỏ.

Những trải nghiệm này đã đưa nhiếp ảnh gia người Anh đến quyết định ra mắt cuốn Midnight on Main tháng 1/2020.

Sự đa dạng về không gian trong tác phẩm này cũng góp phần thể hiện những ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa đại chúng Mỹ.

Rời xa nhịp sống cuồng nhiệt của các thành phố lớn không bao giờ ngủ, Daniel Freeman khám phá không gian yên tĩnh hơn của nước Mỹ khi về đêm, khắc họa nét quyến rũ của các thị trấn nhỏ và của một nước Mỹ vắng vẻ hơn.

Dưới ánh trăng và ánh sáng của các vì sao, Freeman theo dõi những gì còn sót lại của Giấc mơ Mỹ và những nét độc đáo của văn hóa đại chúng Mỹ, điều lâu nay luôn thu hút sự tò mò của người dân khắp thế giới.

Daniel Freeman, sinh năm 1984, sống tại Buckinghamshire, Anh và chuyên chụp ảnh không gian buổi đêm trong hơn một thập kỷ.

Hiện anh giảng dạy về nhiếp ảnh và thay mặt cho các viện nhiếp ảnh tổ chức các hội thảo và sự kiện về nhiếp ảnh ban đêm.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Chuyện tình giữa cô gái nghèo và “vị khách tồi tàn”

“Có nhân ắt có quả”. Khi chúng ta tạo nên thiện duyên trong cuộc đời thì khi duyên phận đến sẽ có được kết quả tốt đẹp. Ngược lại, nếu một người tạo nên ác duyên, sau này ắt sẽ phải tự chịu ác báo do mình đã gây ra. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng cho quy luật trên.

Thiện niệm là phong thủy tốt nhất cho cuộc đời bạn. (Ảnh: Pixabay)
Nhân vật chính trong câu chuyện này là một cô gái nghèo, với tấm lòng lương thiện làm điều tốt không hề tính toán mà tạo nên sự thay đổi to lớn trong cuộc đời của cô sau này…

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2012, cô gái mỗi ngày phải đẩy chiếc xe ba bánh để đi bán hàng trên vỉa hè kiếm tiền nuôi người mẹ bị bệnh nặng và cậu em trai đang học đại học của mình. Cô gái bày 2-3 cái bàn bên đường rồi bắt đầu buôn bán. Gặp những lúc bán đắt hàng thì cô còn kiếm được vài trăm ngàn, khi ế khách thì chỉ đủ tiền ăn. Nếu ngày hôm đó không may bị đội trật tự đuổi thì phải cố chạy trốn vào mấy con ngõ nhỏ.

Có một chàng trai thường hay đến hàng của cô gái để ăn mì và anh luôn gọi mì thịt bằm rẻ nhất. Thỉnh thoảng anh cũng có trò chuyện với cô, hỏi cô hôm nay buôn bán được không. Do anh ăn mặc rất bình thường và cũng luôn đi bộ đến ăn mì nên cô còn tưởng anh là người nghèo mà còn cực kỳ lười, không chịu nấu ăn cho nên mới thường xuyên đến ăn mì ở chỗ cô.

Cứ như thế cho đến một ngày nọ đột nhiên chàng trai hỏi cô gái có bạn trai hay chưa. Cô trả lời rằng mình nghèo thế, nhà lại còn có mẹ bị đột quỵ cần chăm sóc và một cậu em trai cần cô nuôi ăn học, làm gì có ai dám thích cô chứ. Không ngờ chàng trai lại đáp: “Tôi thì dám đấy”, sau đó hai người đều ngây ra một lúc, đương nhiên cô cũng không dám trả lời. Nhưng bắt đầu từ ngày hôm đó, cứ vào 6 giờ sáng mỗi ngày anh đều đến giúp cô.

Vào ngày lễ tình nhân năm 2013, anh lại không đến ăn mì, cô buồn lắm, cô đoán có lẽ anh đã có hẹn rồi. Không ngờ anh xuất hiện vào lúc 8 giờ tối hôm đó, trong tay cầm một bó hoa và tỏ tình với cô. Và họ đã đến với nhau. Trong thời gian hẹn hò, anh từng nhiều lần đề nghị đưa cô về gặp gia đình, nhưng vì áp lực tâm lý quá lớn, cô cứ luôn tìm cớ né tránh.

Đến tháng 4/2014, sau khi sức khỏe của mẹ khá hơn nhiều, cô mới quyết định về nhà cùng bạn trai để gặp cha mẹ anh. Thế nhưng khi đến nhà bạn trai, cô đã rất kinh ngạc. Thì ra anh sống trong một căn biệt thự, nhưng từ trước đến giờ anh chưa từng nói với cô. Cô bắt đầu đấu tranh tâm lý, cô cho rằng mình không xứng với anh, muốn từ bỏ tình cảm không có kết quả này.

Khi đó, anh cầu xin cô hãy tin tưởng anh một lần. Vào đến nhà chàng trai, cha mẹ anh nhiệt tình đón tiếp cô. Sau này cô mới biết mình đã gặp cha của anh vào năm 2012 rồi. Thì ra cha của anh mắc chứng đãng trí, bệnh tình lúc ổn lúc không, có khi ra ngoài rồi thì sẽ không nhớ đường về nhà. Trùng hợp có một lần ông bị lạc đường, tìm đến hàng mì của cô và ăn ngấu nghiến bát mì mà người ta bỏ dở. Khi đó cô không hề trách móc ông mà chỉ dọn dẹp và sau đó nấu một bát mì mới cho ông ăn. Ngày hôm đó, tận cho đến sau khi dọn hàng, ông ấy vẫn không đi, cô hỏi ra mới biết thì ra ông bị lạc đường nên cô đã đưa ông đến đồn cảnh sát.

Cô không ngờ một việc bình thường như vậy thôi mà lại là bước ngoặt trong đời cô. Sau khi quay về nhà, ông đã kể cho gia đình chuyện về cô, sau đó con trai ông bắt đầu thường xuyên đến chỗ cô ăn mì, muốn giúp cô kiếm thêm chút tiền xem như là báo đáp. Sau này không biết vì sao anh bắt đầu cảm thấy mì của cô nấu ngày càng ngon.

Bây giờ, khi đã là chồng của cô, anh giúp cô mở quán để cô tự mình kinh doanh. Cha mẹ chồng cũng rất yêu thương cô, cô vô cùng cảm kích cuộc sống hiện tại. Em trai của cô cũng đã tốt nghiệp, còn cô thì đang mang trong mình kết tinh tình yêu của hai người, cuộc sống tươi đẹp bây giờ mới bắt đầu.

Mỗi khi nhớ lại việc này, cô cảm thấy vô cùng ấm áp, vì vậy cô đã viết ra câu chuyện này để chia sẻ cùng mọi người cũng như để nói một lời “cảm ơn” đến chồng mình.

Khi giúp đỡ bố chồng, cô không hề nghĩ gì nhiều, đơn thuần xuất phát từ thiện ý của mình mà thôi. Chính vì cô đã gieo thiện duyên nên cô có được thiện báo sau này!

Ngọc Trúc (sưu tầm và biên dịch) / Trí thức VN

Ngày Valentine, điểm danh những cặp vợ chồng tỷ phú giàu có nhất Việt Nam

Các gia đình tỷ phú giàu nhất Việt Nam hầu hết là những cặp vợ chồng cùng sở hữu tài sản thông qua nắm giữ cổ phiếu định giá giàu nhất sàn chứng khoán

Vợ chồng tỷ phú giàu nhất Phạm Nhật Vượng – Phạm Thu Hương

Giàu có và nổi tiếng nhất phải kể đến vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Phạm Thu Hương, một người là Chủ tịch HĐQT, người còn lại là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam.

Ngày Valentine, điểm danh những cặp vợ chồng tỷ phú giàu có nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Vợ chồng Phạm Nhật Vượng – Phạm Thu Hương

Ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương cùng tốt nghiệp đại học tại Đông Âu và lấy nhau năm 1993, cùng nhau khởi nghiệp bằng việc mở nhà hàng tại thành phố Kharkov, Ukraine, nơi có nhiều người Việt sinh sống vào những năm 1990.

Giai đoạn những năm 1990, do khủng hoảng kinh tế tài chính, những kệ hàng trong siêu thị Kharkov trống không và người dân buộc phải mua nhiều loại sản phẩm bằng tem phiếu. Tận dụng cơ hội, ông Vượng sản xuất mỳ ăn liền hiệu Miniva, bán cho dân bản địa. Sản phẩm của Technocom (tên doanh nghiệp sản xuất mì gói của vợ chồng ông Vượng) hoàn toàn xa lạ với Ukraine nhưng lại nhanh chóng được đón nhận. Technocom ra đời ngày 8/8/1993, ngày 8/8 sau này cũng được chọn là ngày thành lập tập đoàn Vingroup.

Sự xuất hiện của mỳ Mivina rất đúng thời điểm nên nhanh chóng trở nên phổ biến ở đất nước Ukraine. Chỉ trong vòng một năm, doanh số cán mốc 1 triệu gói mỳ. Đến năm 2004, mức tiêu thụ mỳ Mivina ở Ukraine đạt mức cao kỷ lục, 97% người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này. Thương hiệu Mivina sau đó trở thành tên gọi chung cho tất cả đồ ăn nhanh ở Ukraine.

Từ thành công tại Ukraine, vợ chồng ông Vượng mở rộng nhà máy, tiếp đó đưa thương hiệu Mivina tới hơn 30 quốc gia khác trên toàn thế giới như Estonia, Litva, Latvia, Moldova, Ba Lan, Đức, Israel… Ngoài sản phẩm đầu tiên là mỳ ăn liền, họ còn sản xuất khoai tây nghiền, thành lập nhà máy chuyên sản xuất gia vị, nhà máy chuyên đóng gói, là các công ty con của Tập đoàn Technocom, tiền thân của Vingroup hiện nay.

Từ năm 2000, song song với việc điều hành công việc kinh doanh ở Ukraine, ông Vượng bắt đầu đầu tư về nước với việc mở 2 công ty bất động sản ở Việt Nam là Vinpearl năm 2000 và Vincom năm 2002.

Năm 2010, ông Vượng bán Technocom cho tập đoàn Nestle với mức giá không được tiết lộ. Thời điểm đó Technocom vẫn là một tên tuổi lớn trên thị trường hàng tiêu dùng nhanh của Ukraine, có hai nhà máy ở Kharkov với doanh thu lên tới 100 triệu USD/năm.

Năm 2011, 2 công ty cổ phần Vinpearl và công ty cổ phần Vincom được sáp nhập lại bằng cách hoán đổi cổ phần. Đến giữa tháng 2/2012, cổ phiếu Vingroup (mã: VIC) phát hành thêm cho mục đích sáp nhập được chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Cũng kể từ đó, vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng chính thức có tên trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Hiện tại, ông Vượng vẫn là người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản trị giá hơn 176 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, bà Phạm Thu Hương hiện đứng thứ 11 với tài sản trị giá gần 14 nghìn tỷ đồng.

Điều đặc biệt ở bà Phạm Thu Hương đó là việc bà trực tiếp tham gia sâu vào công tác điều hành của Vingroup trong suốt giai đoạn hình thành và phát triển của tập đoàn này. Đây là sự khác biệt lớn của bà so với vợ của nhiều đại gia khác tại Việt Nam.

Vợ chồng tỷ phú Trần Đình Long – Vũ Thị Hiền

Ông Trần Đình Long và bà Vũ Thị Hiền đều là cổ đông lớn của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và lần lượt nắm giữ vị trí thứ hai và thứ 10 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay. Tổng giá trị tài sản tạm tính của hai vợ chồng thông qua cổ phiếu HPG lên tới 70.500 tỷ đồng.

Giống như nhiều bà vợ tỷ phú khác, bà Vũ Thị Hiền là người kín tiếng và không xuất hiện công khai trước truyền thông. Người phụ nữ đang nắm trong tay khối tài sản hơn 15.000 tỷ đồng này hiện sở hữu hơn 328 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 7,3% vốn điều lệ tập đoàn. Mặc dù vậy bà không trực tiếp tham gia điều hành công việc tại tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam. Thay vào đó, bà Hiền âm thầm lui lại phía sau, nhường sân khấu lớn cho chồng.

Trong khi đó, ông Trần Đình Long (sinh năm 1961) hiện nắm giữ 26,08% vốn điều lệ của HPG. Thông qua Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Đại Phong, nơi ông Trần Vũ Minh (con trai ông Long) là giám đốc thì gia đình ông Long còn sở hữu 2,1 triệu cổ phiếu HPG. Như vậy, khối tài sản sở hữu của gia đình ông Long tại Tập đoàn Hòa Phát giờ ở mức trên 1,500 tỷ cổ phiếu, tương đương 35% vốn doanh nghiệp này. Tính theo mức giá hiện tại của HPG, gia đình ông Long – bà Hiền đang sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.

Vợ chồng tỷ phú Bùi Thành Nhơn – Cao Thị Ngọc Sương

Ngày Valentine, điểm danh những cặp vợ chồng tỷ phú giàu có nhất Việt Nam - Ảnh 2.
Bà Cao Thị Ngọc Sương (áo đen bên trái) cùng chồng là ông Bùi Thành Nhơn.

Ông Bùi Thành Nhơn hiện là Chủ tịch HĐQT Nova Group, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Novaland (NVL). Với khối tài sản trị giá hơn 32 nghìn tỷ đồng thông qua việc sở hữu 21,57% vốn điều lệ tại NVL, ông Nhơn đang là người đứng thứ bảy trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Bà Cao Thị Ngọc Sương, vợ ông Nhơn, hiện đang đứng thứ 17 trong danh sách này vì cũng đang sở hữu lượng cổ phiếu NVL trị giá 8.200 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện tại.

Bà Cao Thị Ngọc Sương còn là cổ đông lớn tại Nova Consumer Group, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuốc thú y, vaccine cho vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.

Nova Consumer có vốn điều lệ 1.088 tỷ đồng, trong đó bà Sương là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 8,77 triệu cổ phần, tương đương 8,06% vốn điều lệ công ty. Các cổ đông khác là những doanh nghiệp do bà Sương làm đại diện pháp luật cũng đang sở hữu hơn 80% vốn điều lệ tại Nova Consumer, doanh nghiệp đang chuẩn bị IPO vào đầu tháng 3 tới.

Vợ chồng tỷ phú Hồ Hùng Anh – Nguyễn Thị Thanh Thủy

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, là người giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán với khối tài sản trị giá 39.700 tỷ đồng thông qua việc sở hữu cổ phần tại Techcombank và Masan Group.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cũng là cổ đông lớn của Techcombank. Với khối tài sản trị giá 10.000 tỷ đồng, bà Thủy và đang đứng thứ 13 trong danh sách những người giàu nhất. Khối tài sản này đến từ việc bà sở hữu hơn 5,5 triệu cổ phiếu MSN và 174 triệu cổ phiếu TCB.

Bà Thủy cũng là một người phụ nữ kín tiếng, lần xuất hiện hiếm hoi gần đây là vào năm 2019, Cổng thông tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, vào ngày 8/3/2019, tại chùa Huê Nghiêm, Hoà thượng Thích Trí Quảng đã có buổi trò chuyện, gặp gỡ với phật tử Hạnh Đặng – pháp danh của bà Nguyễn Thị Thanh Thủy. Tại buổi gặp mặt, với tư cách là một Phật tử, bà Thanh Thuỷ đã công đức số tiền 5 tỷ đồng vào quỹ đời sống tăng ni dành tặng cho các học sinh nội trú đang theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM.

Đây cũng là lần thứ hai bà Thanh Thủy cúng dường với ý nghĩa như trên. Theo đó, vào tháng 3/2018, bà Thủy đã từng đóng góp 5 tỷ đồng cho quỹ tăng ni tại Học viện, với tâm nguyện là tăng ni sinh viên có thể chuyên tâm tu học.

Vợ chồng tỷ phú Nguyễn Đăng Quang – Nguyễn Hoàng Yến

Ngày Valentine, điểm danh những cặp vợ chồng tỷ phú giàu có nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Song hành trên bước đường kinh doanh với ông Hồ Hùng Anh không thể thiếu ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group, nhưng song hành trên đường đời với ông Quang không thể thiếu bóng dáng vợ ông, bà Nguyễn Hoàng Yến.

Hai vợ chồng Nguyễn Đăng Quang – Nguyễn Hoàng Yến đang lần lượt đứng thứ năm và thứ 27 trong danh sách các tỷ phú chứng khoán. Tổng tài sản của hai vợ chồng thông qua sở hữu cổ phiếu tại TCB, MSN, MCH lên đến 45 nghìn tỷ đồng.

Ông Quang còn là Phó Chủ tịch Ngân hàng Techcombank, Tổng Giám đốc Masan Group, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo. Trong khi đó, bà Nguyễn Hoàng Yến được cho là người làm nên thành công đế chế nước chấm Nam Ngư hiện nay trong vai trò Phó TGĐ Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan.

Bà Nguyễn Hoàng Yến đóng góp lớn tại Masan Consumer từ những ngày đầu tiên thành lập. Và đến giờ Masan Consumer đã trở thành một ông lớn của ngành hàng tiêu dùng. Hàng loạt các nhãn hàng nổi tiếng gồm: Chinsu, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, VinaCafe, Wake-up, Vĩnh Hảo, Kachi…, đều thuộc quyền sở hữu của công ty Masan Consumer.

Ngoài những cặp vợ chồng giàu có và nổi tiếng kể trên, thị trường chứng khoán Việt Nam còn có nhiều cặp vợ chồng khác, trong đó tập trung chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản.

Theo Hiền Anh / Infonet

Ở đâu, lãnh vực nào của CSVN cũng đầy sâu mọt

Ảnh Lễ hội ở Vietnam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Sai phạm,” “yếu kém” ở tất cả mọi bộ phận của Bộ Y Tế CSVN, theo “kết luận thanh tra” của Thanh Tra Chính Phủ trên mặt báo trong nước.

Tờ Tiền Phong hôm Thứ Bảy 12, Tháng Hai, viết: “Kết luận Thanh Tra Chính Phủ (TTCP) chỉ ra loạt yếu kém, sai phạm xảy ra tại Bộ Y Tế, từ công tác tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, văn bản quy phạm pháp luật cho đến công tác quản lý về trang thiết bị y tế, vật tư y tế, nhập khẩu thuốc.”

Báo Tiền Phong sau khi thuật lại một số vụ việc cụ thể rồi dẫn lời chỉ trích trong bản báo cáo nói “một số cá nhân đã bất chấp tất cả, chạy theo lợi ích cá nhân để vi phạm pháp luật.”

Trong khi đó “các quy định của luật pháp về đấu thầu, về mua sắm trang thiết bị từ ngân sách thực sự còn có những lỗ hổng”.

Quan tham của chế độ hiểu rõ sự vận hành của guồng máy nên tìm cách “lách luật” qua những lỗ hổng, dẫn đến “vi phạm quy định mà không kịp thời bị phát hiện, gây thất thoát của nhà nước nhiều tỷ đồng”.

Thanh Tra Chính Phủ vội vã được đẩy vào thanh tra Bộ Y Tế khi bùng nổ vụ quan chức y tế các cấp toa rập với Phan Quốc Việt, tổng giám đốc công ty Việt Á, “thổi giá” bộ xét nghiệm COVID-19.

Tiếng là công trình khoa học tự nghiên cứu nhưng gần đây lộ ra sự thật là chúng được nhập cảng khoảng mỗi bộ 21,900 đồng (hay gần $1) rồi bán lại cho các cơ quan y tế nhà nước với giá trên dưới 400,000 đồng (hay trên dưới $17).

Năm ngoái, suốt mấy tháng trời, cả hai bộ Khoa Học và Công Nghệ và Y Tế CSVN theo nhau tung hô công trình nghiên cứu khoa học chớp nhoáng của hơn một chục ông bà giáo sư tiến sĩ tại Cục Quân Y.

Người duy nhất có bằng cấp thấp nhất là Phan Quốc Việt với bằng cử nhân sinh học, cũng ké tên vào cái “tổ” nghiên cứu đó. Bộ “kít” xét nghiệm COVID-19 được đem trình làng như “niềm tự hào về những bộ óc thông minh xuất chúng của Việt Nam và đã được Tổ Chức Y tế Thế Giới công nhận.”

Tuy nhiên, tất cả chỉ là trò đại bịp và màn bịp thần sầu đã giúp Phan Quốc Việt gom được 4,000 tỉ đồng (khoảng hơn $170 triệu) và chia lại cho các quan tham từ 20% đến 30%.

Ngoài Phan Quốc Việt và một số quan chức y tế một số địa phương, mới chỉ thấy có hai ông cấp vụ của Bộ Y Tế bị bắt mà người ta tin rằng những người bị bắt chưa phải là “trùm cuối”.

Khi vụ án Việt Á vẫn còn đang điều tra lòng vòng thì lại bùng nố vụ bắt giam gần lãnh đạo Cục Lãnh Sự của Bộ Ngoại Giao CSVN. Những người này bị cáo buộc ăn hối lộ để “giải cứu” công dân Việt Nam đang kẹt ở nước ngoài vì dịch COVID-19 muốn về nước.

Giá vé máy bay “giải cứu” gồm cả chi phí “lót tay” từ $3,000 đến $10,000, tức là có thể đã bị “thổi” lên gấp chục lần tùy khu vực nước ngoài.

Hơn một năm trời với hàng trăm chuyến bay, số tiền “giải cứu” chui vào túi các quan chức từ các tòa đại sứ, các hãng hàng không, Bộ Ngoại Giao, phải lên hàng trăm triệu đô la. Người ta cũng tin rằng bà Cục Trưởng Cục Lãnh Sự Nguyễn Thị Hương Lan chưa phải là “trùm cuối” tham nhũng tiền của người dân nhân danh “giải cứu”.

Đó là không kể đến hàng loạt các giới chức trong ngành giáo dục tại nhiều địa phương bị khởi tố vì những vụ việc nhỏ hơn nhưng cũng đều đáng xấu hổ cho những người có trách nhiệm dẫn đường cho thanh thiếu niên chuẩn bị vào đời tự lập.

Cuối năm 2020, tờ Thanh Niên thuật lời ông Trương Hòa Bình, khi đó là phó thủ tướng, “phát biểu chỉ đạo” trong một cuộc họp của Bộ Nội Vụ CSVN là “Phải làm sao để cán bộ khi làm sai phải thấy lương tâm cắn rứt”. Nhiều Facebooker cho rằng chúng đâu có lương tâm để bị cắn rứt. (TN) 

Hai cú đột phá của hai ông trùm

Bình luận của blogger Viết Từ Sài Gòn

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong lễ Tịch Điền dịp Tết Nhâm Dần 2022 (trái), Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn bò dát vàng ở London hồi tháng 10/2021

Nói gì thì nói, đến thời điểm này, ngoài ông Nguyễn Phú Trọng là trùm của các trùm, có lẽ hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Tô Lâm là hai ông trùm chỉ dưới một người mà trên triệu người trong hệ thống quyền lực Đảng. Và cũng có thể đoán rằng, chức danh Tổng Bí Thư sẽ nằm trong tầm cạnh tranh giữa ông Lâm và ông Phúc, khả năng rơi vào tay Vương Đình Huệ hay Phạm Minh Chính là rất thấp. Bởi chí ít, đến lúc này, cuộc chạy đua và test thử nghiệm quyền lực của cả hai ông khá là ngoạn mục, khác xa sự mờ nhòa của Huệ cũng như càng làm càng rối của Chính.

Vấn đề hai ông trùm này đã đột phá kiểu gì, đột phá như thế nào? Có lẽ, nói cho đúng thì đến thời điểm này, khi chủ nghĩa Hậu Hiện đại chính thức có mặt ở các quốc gia Cộng sản thì, liền sau đó, chủ nghĩa Hậu Cộng sản cũng ra đời, Chủ nghĩa Hậu Cộng sản một mặt muốn phá vỡ mọi đại tự sự Cộng sản, mặt khác vẫn cố níu giữ cái lõi Cộng sản (kỳ thực là cái lõi quyền lợi đảng và lợi ích nhóm) nhằm bảo đảm một sự an toàn, một thành trì cần thiết cho chế độ. Nói nghe mâu thuẫn, nhưng nhìn vào thực tế Cộng sản Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba và Việt Nam, chủ nghĩa Hậu Cộng sản được thể hiện rất rõ nét.

Đại tự sự Cộng sản đầu tiên bị phá vỡ chính là chủ nghĩa vô thần, thứ chủ nghĩa được những người Cộng sản công thần khai quốc đặt lên hàng đầu và thiết lập chuỗi hành động cụ thể như đập bỏ đền đài miếu mạo, cấm hoạt động tôn giáo bằng kiểu nói trớ “chống mê tín dị đoan”. Để rồi, sau chưa đầy ba mươi năm, khi một thế hệ mới trưởng thành, một thế hệ mà dù đứng ở biên kiến nào, quốc gia nào, chủ nghĩa nào thì khuynh hướng xét lại, khuynh hướng hoài nghi và phá vỡ, đập bỏ các giá trị cũ vẫn lưu cữu, rần chảy trong huyết quản. Để rồi, sự mê tín đồng loạt, sự tín cẩn vào tha lực, thần linh, ma quỉ, mượn các thế lực siêu nhiên để cạnh tranh, đấu đá quyền lực phát triển như nấm sau mưa. Đại tự sự vô thần của người Cộng sản đến lúc này, xem như chấm dứt, nó đã được thay thế bằng một thứ đại tự sự khác, chưa rõ hình dạng và tên gọi, nhưng nó chắc chắn không còn là vô thần về cả hình thức và nội dung.

Khi cái đại tự sự ghê gớm nhất bị phá vỡ, đạp đổ thì các đại tự sự chỉ là sớm chiều, bao giờ nó được đập bỏ và thay thế mà thôi. Đại tự sự kinh tế xã hội chủ nghĩa cũng bị đạp đổ song hành với vô thần. Thay vì kinh tế tập trung bao cấp với chủ trương “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” dưới quyền năng của bàn tay thép – Đảng, người Cộng sản thay đổi kinh tế theo hướng thị trường, kinh tế mở mặc dù vẫn giữ cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Kỳ thực, khi cái đuôi này xuất hiện thì đủ biết nó chỉ còn khả năng ve vẫy để xua ruồi muỗi chứ cơ thể của nó đã hoàn toàn khác. Và khi nền kinh tế thị trường mở rộng dưới sự khống chế của Đảng, liền sau đó là các nhóm lợi ích, các tư bản thân hữu nổi lên như nấm sau mưa. Lúc này, tính kiên trung, liêm khiết hay đạo đức Cộng sản chỉ là trò mèo, che mắt thánh bằng vải thưa, bởi kì thực, người Cộng sản muốn tồn tại, muốn trụ được trong cơ chế thị trường, họ phải mạnh vì gạo bạo vì tiền, tư bản thân hữu giàu thì họ cũng giàu, tư bản thân hữu giàu một, họ phải giàu một rưỡi, hai. Đó là qui luật, và để đảm bảo cái qui luật này tồn tại, vận hành thì người Cộng sản đã khéo tính toán, đẩy các tư bản thân hữu và lợi ích nhóm làm bình phong để thu tư bản về cho họ, đáng sợ hơn là họ vỗ béo tư bản bằng mọi cách để thịt từ từ.

Nói như vậy để thấy rằng khi giá trị tinh thần và giá trị vật chất của người Cộng sản đã thay đổi tận gốc, thì các giá trị còn lại sẽ thay đổi tỉ lệ và sự thay đổi này là không thể khước từ, không thể tránh. Và, khi một thứ chủ nghĩa mới đã hình thành, đã hoạt động như không được định danh, không được đọc đúng với tên gọi của nó cũng như không có giấy khai sinh, đương nhiên sự phát triển tự nhiên của nó sẽ thuộc về bản năng, thứ tư bản rừng rú xuất hiện đầy rẫy, tác oai tác quái tại Việt Nam là một khía cạnh của chủ nghĩa Hậu Cộng sản, một loại Cộng sản đã được phá vỡ để sinh sản nhưng chưa được khai sinh đúng nghĩa. Chính cái thứ chủ nghĩa Hậu Cộng sản này là mảnh đất tốt nhất cho các nhà độc tài, các ông trùm chính trị xuất hiện một cách mạnh mẽ và khác thường, nó vừa mang dấu hiệu của chính thống, của một chính khách nó lại vừa phảng phất khí chất của một tay hảo hán giang hồ, đồng thời nó vừa mang bộ mặt của trí thức nhưng nó cũng ngầm chứa ánh mắt của kẻ sát nhân, dám thách thức mọi giá trị khai sinh ra nó.

Ở đây, sự thách thức là những hành động cụ thể, những hành động không giống ai, ngáo, nhưng nó muốn khẳng định rằng bất kì sự ngáo oạp nào khi vào tay nhà lãnh đạo, vào tay ông trùm cũng sẽ thành điển cố, điển tích và đương nhiên đến một lúc nào đó, nó sẽ thành chuẩn mực, mẫu mực và khuôn thước… Đó là điều tất yếu, là những cú nhảy, là cuộc chơi li kì của nhà kĩ trị, nhà độc tài, của các ông trùm quyền lực. Chính vì vậy mà không phải ngẫu nhiên, Putin cố gắng ve vãn vợ của Tập Cận Bình ngay trước mặt Bình, rồi Tô Lâm đi ăn bò dát vàng để người ta quay video bỏ lên tik-tok hoặc gần đây nhất là Nguyễn Xuân Phúc đi dự lễ tịch điền, sau đó xuống ruộng cày với một con trâu vẽ vằn vện vàng như cọp mà trâu chẳng ra trâu, cọp chẳng ra cọp… khiến dư luận xôn xao mấy ngày nay. Và cả hai lượt xôn xao, từ vụ Tô Lâm ăn bò dát vàng cho đến Nguyễn Xuân Phúc cày trâu vẽ cọp đều tạo ra những cơn chấn động dư luận mà hầu hết đều chê.

Nhưng, hình như chúng ta không đoán ra hoặc chẳng muốn đoán ra rằng thứ họ cần chính là những luồng dư luận chê bai, cười cợt, giễu nhại, chế nhạo. Tại sao họ lại cần những luồng này? Có ba vấn đề để thấy rằng đó là cái bẫy dư luận của họ. Thứ nhất: họ muốn khẳng định vị thế ông trùm quyền lực của họ; Thứ đến, họ muốn chơi cuộc chơi tạo chú ý và; Họ muốn thể nghiệm cuộc chơi Hậu Cộng sản của họ.

Ở khía cạnh thứ nhất, xác tín vị thế ông trùm quyền lực, điều này Tô Lâm đã làm một cách ngoạn mục, ông ung dung ăn bò dát vàng của thánh rắc muối, sau đó ông ung dung phát biểu ở các cuộc họp và kế đến, ông ung dung, đủng đỉnh bắt giam tất cả các tay đạo đức giả, tham lam và bất chấp mạng người trong hệ thống Đảng… Tất cả những hành vi của ông, xét theo góc độ Hậu Hiện đại, vừa có chất ngầu đời, vừa giễu nhại vào gương mặt liêm khiết vốn nhem nhuốc của đảng Cộng sản thủ cựu và đương nhiên ném thẳng vào những qui ước vốn cũ rích của người Cộng sản về đạo đức, hành trạng của đảng viên. Nhưng trên hết, tiếp theo hành vi của ông Lâm là một nhà hàng bò dát vàng xuất hiện tại Việt Nam, và quan trọng hơn nữa là điều đó chứng minh rằng quyền lực của ông đủ để thách thức dư luận, ông vẫn nghiễm nhiên trở thành ứng viên của cái ghế Tổng Bí thư.

Bây giờ đến ông Phúc, không phải ông ta ngu hoặc đội ngũ của ông ta ngu đến độ không biết mình đang bước vào một cái sân khấu đầy chất Tàu và làm như vậy là chọc giận nhân dân, chọc giận những trí thức. Nhưng, vấn đề ở đây lại là sự dám thách thức, ai không cày con trâu quái dị, tao cày! Ý nghĩa hả? Nó nằm trong những chiếc lưỡi biết nịnh, và khi cả kẻ nịnh ta và kẻ chửi ta đồng loạt lên tiếng mà cái ghế của ta không hề hấn gì, cộng với chuỗi các công việc của ta phía sau, chắc chắn, ai là trùm quyền lực đã rõ. Hơn nữa, việc cày con trâu vẽ cọp này chẳng đụng chạm tới đối thủ Tô Lâm, điều đó vô cùng có lợi, giả sử chức Tổng bí thư rơi vào tay ta hay tay đối phương, đều có thể bắt tay nhau trước sân khấu nhân dân.

Và, cho đến lúc này, có thể nói rằng cuộc trình diễn, hướng dư luận, thách thức dư luận, test ghế quyền lực và khẳng định vị thế ông trùm trong hệ thống đảng của hai ông trùm Tô Lâm và Nguyễn Xuân Phúc khá là ngoạn mục. Điều này dự báo về một tương lại Hậu Cộng sản rõ nét hơn là một trò cười ngẫu nhiên!

Theo RFA / Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.