Năm nay lượng khách đổ về chùa Tam Chúc (Hà Nam) giảm nhiều nên người dân thảnh thơi hơn trong việc đi lễ, không còn cảnh chen chúc như một số năm trước đó.
Chùa Tam Chúc (Hà Nam) được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, xây dựng trên nền ngôi Tam Chúc cổ tự với niên đại hơn 1.000 năm. Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, nơi đây là địa điểm thu hút nhiều người dân từ mọi miền tới du xuân và đi lễ đầu năm.
Ghi nhận vào ngày mùng 4 Tết Nhâm Dần (ngày 4/2), hàng nghìn người dân đã đổ về quần thể khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc, tuy nhiên lượng khách này so với những năm chưa có dịch Covid-19 thì còn khá khiêm tốn.
Theo Ban quản lý chùa Tam Chúc, ngay từ sáng mùng 4 Tết, lượng khách từ nhiều địa phương đã đổ về khu du lịch tâm linh Tam Chúc khiến một số thời điểm bị ùn ứ đoạn đường vào cổng hoặc quầy bán vé tàu.
Người dân lưu lại những khoảnh khắc đầu năm trước khu vực thủy đình chùa Tam Chúc.
Khu vực bãi xe dành cho khách tham quan dù còn ít chỗ trống nhưng không chật kín, quá tải như những năm trước.
Để kiểm soát lượng khách, tránh tình trạng chen chúc khi khách tham quan tại chùa Tam Trúc, năm nay BQL chùa đã lên phương án cho khách di chuyển bằng thuyền hoặc đi bộ khi đi từ khu vực thủy đình vào bên trong. Với chiều ngược lại khách sẽ được hỗ trợ ra bằng xe ô tô và xe điện.
22 thuyền công suất lớn và 60 thuyền nhỏ được bố trí để phục vụ khách tham quan di chuyển qua hồ nước khi vào khu chùa chính.
Các biện pháp phòng dịch như quét mã QR, khai báo y tế, các máy rửa tay nước sát khuẩn cũng được bố trí tại nhiều khu vực cửa ra vào. Nhân viên tại đây liên tục khuyến cáo du khách phòng dịch qua loa tay.
Hành khách xếp hàng mua vé để ra khu bến thuyền. Do lượng khách không quá đông , tình trạng thường xuyên quá tải, chen lấn đã không còn.
Dù đã có hàng nghìn khách tới tham quan trong ngày nhưng bến thuyền vẫn chưa hoạt động hết công suất, một số thuyền lớn vẫn nằm chờ, không sử dụng đến.
Hàng trăm xe điện cùng 20 xe 29 chỗ được điều động, tăng cường để đưa khách từ bên trong chùa ra cổng, tránh đi ngược với dòng người ở chiều vào.
Ghi nhận bên trong điện Tam Thế, năm nay lượng khách giảm nhiều nên người dân thảnh thơi hơn trong việc đi lễ, không còn cảnh chen chúc như một số năm trước đó.
Phía bên ngoài, khu vực tháp Ngọc năm nay không còn tình trạng chất kín người trên cầu thang và ban công.
Quần thể chùa Tam Chúc năm nay đã mở cửa đón khách tham quan chùa khuôn viên Ba Sao nhưng cũng thưa thớt.
Đây là địa điểm mới với không gian thoáng rộng, có thể tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật thường niên.
Trên thế giới này, sinh mệnh nào cũng đều rất quan trọng, do đó cần phải biết cách trân quý người khác. Còn những ai tự cho mình là người quá quan trọng thì thường hay phải chuốc lấy sự xấu hổ. Dưới đây là một vài câu chuyện ngụ ngôn hài hước (chưa hẳn đã có thật) về những bài học như thế.
Lúc cần cúi xuống thì nên cúi Benjamin Franklin được xưng là một trong những vị Cha lập quốc của Hoa Kỳ. Có một câu chuyện kể về ông như thế này:
Một lần, Benjamin Franklin đến thăm một vị tiền bối đáng kính. Lúc ấy ông tuổi trẻ, khí thế mạnh mẽ nên cứ ngẩng cao đầu mà sải bước đi rất nhanh.
(Tranh: Họa sĩ David Martin, Wikipedia, Public Domain) Không ngờ vừa bước đến cửa thì đầu của ông bị đập mạnh vào cái khung bên trên. Đau điếng cả người, ông không ngừng dùng tay mà xoa xoa, lại vừa nhìn cái khung cửa thấp hơn thân thể mình.
Vị tiền bối chứng kiến cảnh này liền nói: “Rất đau phải không? Nhưng mà đây có lẽ là thu hoạch lớn nhất của chuyến thăm ta ngày hôm nay của cậu đấy! Một người muốn sống bình an vô sự trên đời thì lúc nào cũng phải ghi nhớ rằng: Lúc nên cúi đầu thì phải cúi đầu.”
Đừng quá tựcoi trọng mình George Bernard Shaw là nhà soạn kịch người Anh gốc Ireland, đạt giải Nobel Văn học năm 1925. Trong cuộc đời ông có một câu chuyện như thế này.
(Ảnh: Alvin Langdon Coburn, Wikipedia, Public Domain) Một ngày nọ khi George Bernard Shaw nhàn rỗi, không có việc gì để làm, ông đã chơi đùa cùng một bé gái nhỏ tuổi. Lúc mặt trời đã lặn, George nói với bé gái: “Cháu hãy về nhà và nói với mẹ cháu rằng, con và ông George Bernard Shaw đã chơi cùng nhau một buổi chiều!”
Không ngờ, bé gái lập tức nói: “Ông cũng về nhà và bảo với mẹ ông là Mary đã chơi đùa cùng ông một buổi chiều nhé!”
Về sau này, nhà soạn kịch thường nói với người khác rằng: “Nhất định không được quá tự xem trọng mình!”
Đôi khi cần phải lùi một bước Tô Đông Pha là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời Tống. Lúc còn trẻ, ông là một người rất kiêu căng ngạo mạn. Một hôm, ông đang đi trên con đường nhỏ ở cánh đồng thì gặp một cô gái đi ngược chiều.
Cô gái đang gánh một gánh bùn nhưng Tô Đông Pha nhất định không nhường đường. Hai người không ai chịu nhường đường cho ai. Cuối cùng cô gái đưa ra một điều kiện rằng, nếu Tô Đông Pha đối được câu của cô thì cô sẽ nhường đường. Tô Đông Pha cao hứng đồng ý.
Tô Đông Pha là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng nằm trong Bát đại gia Đường Tống. (Tranh: Họa sĩ Triệu Mạnh Phủ, Wikipedia, Public Domain) Cô gái bèn nói: “Nhất đam trọng nê đáng tử lộ” (Một gánh bùn nặng ngăn cản đường).
Tô Đông Pha nghe xong, đột nhiên cảm thấy xấu hổ, nhất thời không đối lại được. Những người nông dân đang cấy lúa dưới ruộng thấy vậy thì cười lớn. Dưới tình thế cấp bách, Tô Đông Pha cũng đưa ra vế đối: “Lưỡng bàng phu tử tiếu nhan hồi” (Hai bên phu tử cười đáp trả).
Cuối cùng, Tô Đông Pha chịu cởi giày, cởi tất, lội xuống ruộng nhường đường cho cô gái.
Trên thực tế, sự sang quý hay hèn hạ, trọng hay khinh của một người không được quyết định ở tiêu chuẩn mà người ấy tự đặt ra. Bình tĩnh, khiêm tốn, không khoa trương, không cho mình là quan trọng thì mới có thể trở thành người quan trọng trong mắt mọi người.
Không tự cho mình là người quá quan trọng kỳ thực là một loại tu dưỡng, một loại phong độ, một loại cảnh giới cao thượng, một thái độ xử thế lạc quan, một sự trưởng thành về tâm tính.
Người có thể dùng tâm thái “không quá xem trọng mình” để đối đãi với người khác sẽ khiến bản thân mạnh mẽ hơn, phong độ hơn. Cuộc sống của người ấy cũng trở nên dễ dàng hơn, kiên định hơn. Nếu như trong xã hội, ai ai cũng dùng loại tâm này để xử thế thì sẽ khiến cho xã hội hài hòa hơn rất nhiều.
Theo Vision Times tiếng Trung / An Hòa biên tập / Trí thức VN
Trên bàn ăn phê bình tham nhũng, nhưng lỡ bị cảnh sát bắt vì chạy nhanh thì cười hì hì kiếm cách xì tiền cho qua chuyện…
Đàn ông Việt có tính thích đọc sách báo rồi ra đường bàn bạc, nên trên phương diện ý thức công dân có lẽ trên thế giới ít có dân tộc nào hiểu biết rộng hơn. Nhưng lạ một điều là cái kiến thức đó lại không được dùng để xây dựng cho cá nhân hay xã hội cho nên chúng ta mới thua kém các sắc dân khác.
Không nói đâu xa chỉ cần bước vào một tiệm nhậu hay quá cà phê vốn đầy rẫy trên mọi nẻo đường đất nước là người ta có thể nghe đủ mọi câu chuyện từ Tây sang Tàu đến Việt Nam: áp phe, mánh lới làm ăn, lạm phát, tham nhũng, đại học Úc-Mỹ, tranh chấp Biển Đông, cách mạng Ai Cập, khủng hoảng kinh tế toàn cầu v.v…Nhờ đọc nhiều báo mạng, báo giấy lại thích xem tivi, nghe radio nên nhiều người biết rất rỏ tình hình thời sự.
Chẳng hạn khi bàn về môi trường ai cũng hiểu nhiệt độ trái đất nóng khiến tan băng làm nước biển mặn dâng cao tràn vào ruộng lúa – nhưng rồi sau đó thì quăng rác ngay xuống lề đường như xem chuyện bảo vệ môi trường là do ai đó lo chứ không phải chuyện của mình.
Hay nói về xã hội văn minh thì nhiều người sau khi so sánh cách sống của Mỹ – Tây rồi bước ra đường cứ mặc tình chen lấn.
Hoặc trên bàn ăn phê bình tham nhũng, nhưng lỡ bị cảnh sát bắt vì chạy nhanh thì cười hì hì kiếm cách xì tiền cho qua chuyện.
Các phường xóm treo biển đề cao Nếp Sống Văn Hoá ngay bên cạnh những quán ăn nhậu ồn ào, rồi đến tối xì ke ma tuý. Sơn chữ Cấm Đái Bậy thì đêm khuya ăn nhậu sương sướng rồi cứ tiện đâu thì xì đó.
Người Việt lại hay châm biếm các dân tộc khác: xem thường người Tàu cho dù Trung Quốc đang chiếm lĩnh kinh tế và lấn chiếm biển Đông; cười dân Mỹ vì bên đó đi làm cực quá chớ không biết hưởng như ở Việt Nam.
Còn tại hải ngoại, câu nói đầu tiên suốt 30 năm là ra nước ngoài rồi phải đoàn kết lại lo cho cộng đồng và đất nước; ngay sau đó quay lại đả kích lẩn nhau.
Cái khó là người Việt nào cũng tài giỏi về lý luận, thích tranh luận nhưng thường là nói thì hay mà làm thì dở, thậm chí không chịu làm. Vậy nên từ xưa cha ông ta đã có câu: nói một đàng làm một nẻo!
Cái tật này nếu là ở một người dân bình thường đã là không hay ho gì, nếu là một người có vị trí cao trong xã hội thì nguy hại vô cùng. Công việc không thành là do cái tật này. Và mất lòng tin lẫn nhau cũng từ đó mà ra.
Khắc phục cái tập tính không hay ho gì này quả là việc không đơn giản tý nào, phải rèn từ nhỏ thì may ra mới bỏ được.
Dòng tiền ngàn tỷ USD vẫn đều đặn đổ vào khu vực nhưng Trung Quốc chứng kiến sự suy thoái kinh tế nhanh hơn dự kiến và điều đáng lo ngại là sự thay đổi quan điểm của khối ngoại về các thị trường mới nổi.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á, trong đó đánh giá cao thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực Đông Á mới nổi, bao gồm: Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Theo ADB, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực Đông Á mới nổi đã mở rộng đều đặn trong quý 2/2019 bất chấp những rủi ro sụt giảm do tình trạng xung đột thương mại vẫn tiếp tục, suy thoái kinh tế diễn ra nhanh hơn dự kiến ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại.
Tổng giá trị trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành trên thị trường Đông Á mới nổi đạt 15,3 ngàn tỷ USD vào cuối tháng 6, cao hơn 3,5% so với thời điểm cuối tháng 3 năm 2019 và nhiều hơn 14,2% so với cuối tháng 6 năm 2018, tính theo giá trị của đồng đô-la Mỹ.
Bắc Kinh chỉ đạo chính quyền địa phương đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu đặc biệt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ kéo dài.
Trung Quốc vẫn là thị trường trái phiếu lớn nhất của Đông Á mới nổi, chiếm tới 75,3% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành của khu vực này, tương đương 11,5 ngàn tỷ USD. Mức tăng trong quý 2 khoảng 500 tỷ USD.
Ở Trung Quốc, lượng trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ đã tăng 5,4% so với quý trước. Đây là mức tăng nhanh nhất so với các loại trái phiếu khác tại Trung Quốc, sau khi có chỉ thị cho các chính quyền địa phương phải đẩy nhanh việc phát hành và sử dụng các trái phiếu đặc biệt nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và dự án phát triển khác.
Tuy nhiên, rủi ro cũng tăng lên. Tính tới cuối tháng 6, tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là 84,6%, so với mức 78,8% vào cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: “Đầu tư nước ngoài tại khu vực Đông Á mới nổi vẫn ổn định, song có những rủi ro tiềm tàng đáng kể. Sự ổn định tài chính trong khu vực có thể bị xói mòn nếu các nhà đầu tư toàn cầu thay đổi quan điểm về những thị trường mới nổi. Các chính phủ trong khu vực sẽ cần nỗ lực để tiếp tục làm sâu sắc thêm các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ, để chúng có thể đóng vai trò là nguồn vốn trong nước đáng tin cậy”.
Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp thúc đẩy kinh tế.
Bất chấp những rủi ro, đầu tư nước ngoài tại các thị trường trái phiếu Đông Á mới nổi vẫn được duy trì ổn định trong quý 2. Tỷ lệ nắm giữ trái phiếu bằng đồng nội tệ của khối ngoại gia tăng tại Trung Quốc với kỳ vọng về những kích thích kinh tế bổ sung từ chính phủ, và ở Indonesia trong bối cảnh xếp hạng tín dụng được nâng lên. Tỷ lệ này sụt giảm tại Hàn Quốc, Malaysia và Philippines do rất nhiều yếu tố trong nước.
Lượng trái phiếu phát hành tại khu vực Đông Á mới nổi trong quý 2 là 1,6 ngàn tỷ USD, cao hơn 12,2% so với quý I nhờ việc phát hành mạnh trái phiếu chính phủ và sự phục hồi trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tính tới cuối tháng 6, đã có 9,4 ngàn tỷ USD trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ đang lưu hành, cao hơn 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp là 5,8 ngàn tỷ USD, cao hơn 15% so với thời điểm cuối tháng 6 năm 2018.
Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam tiếp tục mở rộng trong quý 2 năm 2019 với mức tăng 2,6% so với quý trước lên 52,9 tỷ USD. Mức tăng trưởng này chủ yếu là nhờ mức tăng 3,2% của thị trường trái phiếu chính phủ lên tới 48 tỷ USD. Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp giảm 3,4% trong quý 2 năm 2019, xuống còn 5 tỷ USD.
Ngoài sự nghiệp thành đạt, điểm chung giữa những người bạn của tôi có phần khác thường: Họ thường xuyên rơi vào trạng thái lạc lõng, cô đơn và stress nặng.
Tác giả: Peter Sims, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và từng là cố vấn cao cấp cho GoogleX. Ông cũng là tác giả của một số đầu sách bán chạy tại Mỹ.
Hai người là đồng sáng lập một công ty bất động sản mới được mua lại với giá hơn 3 tỷ USD. Một người khác được Google trả 100 triệu USD để níu chân lại với công việc hiện tại. Số còn lại dù không nổi tiếng bằng thì cũng là những nhà đầu tư hái ra tiền.
Đó chỉ là vài gương mặt trong số nhiều người bạn đồng môn của tôi đang sở hữu sự nghiệp đình đám và thường được nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ.
Trong một buổi họp mặt kỷ niệm 10 năm tốt nghiệp, tôi có dịp gặp lại nhiều người bạn cùng khóa. Chúng tôi là những cựu sinh viên của trường Kinh doanh Stanford, ngôi trường danh giá và trong suy nghĩ của nhiều người, đó là cái tên bảo chứng cho tấm vé vào đời thành công và tốt đẹp.
Thế nhưng, ngoài sự nghiệp thành đạt, điểm chung giữa những người bạn của tôi có phần khác thường: Họ thường xuyên rơi vào trạng thái lạc lõng, cô đơn và stress nặng.
Ở độ tuổi 40, trong số 390 con người học chung khóa với nhau ngày ấy, chỉ một vài người cảm thấy thật sự hài lòng với cuộc sống và sự nghiệp của mình.
Nếu thành công đơn giản chỉ là đạt được những mục tiêu lớn lao tự đặt ra, hẳn tôi và các bạn mình đã là người thành công đúng nghĩa.
Thế nhưng, dù tốt nghiệp trường danh giá, có công việc đáng mơ ước và sở hữu khối tài sản kếch xù, chừng ấy thứ vẫn không thể đem lại hạnh phúc như mỗi người mong đợi.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại về định nghĩa của “thành công”.
PHẤN ĐẤU ĐẾN KIỆT SỨC ĐỂ ĐỨNG TRÊN MỌI NGƯỜI
Thuở đi học, tôi luôn mơ ước được ghi danh vào Stanford. Năm 2002, giấc mơ trở thành sự thật.
Khi hội đồng tuyển sinh gọi điện thông báo tôi chính thức được nhận vào trường, tôi đã òa lên nức nở sau khi gác máy. Những năm tháng liên tục cố gắng, quyết tâm cao độ và không ít căng thẳng đã được đền đáp.
Buồn thay, sau 15 năm tốt nghiệp, điều tôi rút ra là những ngôi trường hàng đầu thế giới lại chính là nơi nuôi dưỡng những cuộc đời hào nhoáng, bóng bẩy nhưng không mấy trọn vẹn.
Vì vậy, tôi buộc phải tự dạy mình một điều mà những năm tháng ở trường, bản thân chưa bao giờ được học.
Trong ý thức của số đông, hai chữ “thành công” chủ yếu xoay quanh các giá trị tiền bạc, vật chất. Cảm giác hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống thường không bao giờ được đề cập đến.
Trong khi đó, yếu tố quan trọng nhất để hình thành cuộc sống lành mạnh, trọn vẹn là các mối quan hệ giữa người với người, theo một nghiên cứu của Đại học Harvard.
Những nghiên cứu tương tự trong lĩnh vực tâm lý học và khoa học thần kinh cũng chỉ ra kết luận tương tự: Con người cần phải vun vén cho các mối quan hệ xung quanh.
Học hỏi không ngừng. Theo đuổi đam mê, tích lũy trải nghiệm. Ngủ đủ giấc và tập thể dục mỗi ngày. Bày tỏ sự biết ơn.
Những điều kể trên có thể đã quá quen thuộc và nằm lòng với số đông khi nhắc đến bí quyết sống hạnh phúc. Thế nhưng vì sao nhiều người vẫn “ám ảnh” với việc phải giàu có, tạo ra thành tích nổi trội, điều chắc chắn khó có điểm dừng cho sự thỏa mãn?
Nguyên nhân cốt lõi là rất nhiều trường, cơ sở đào tạo trên thế giới đều thất bại trong việc chỉ dẫn người học biết tìm kiếm và nuôi dưỡng niềm vui, hạnh phúc thực sự của bản thân.
Thay vào đó là tâm lý so sánh, không muốn thua kém người khác và cần liên tục phấn đấu đến kiệt sức để đứng trên mọi người.
“CON CHUỘT HAMSTER LUẨN QUẨN TRONG LỒNG QUAY”
“Tôi không muốn trở thành một con chuột hamster chạy luẩn quẩn trong cái lồng quay cả đời”.
Tôi vẫn nhớ rõ lời một người bạn cùng lớp khi chúng tôi đang học năm hai tại Stanford. Trước khi đi học, cô từng đảm nhiệm chức cố vấn cho một tập đoàn lớn. Mục đích của cô khi quay trở lại trường là để tìm ra đâu là “thành công” thực sự đối với mình.
Sau nhiều năm học về lãnh đạo và tiến hành nhiều nghiên cứu cho cuốn sách của mình, tôi tin rằng “Thành công là gì?” là câu hỏi mà bất kỳ ai cũng nên thường xuyên tự vấn bản thân, bất chấp khi còn trẻ tuổi hay đã về già.
Đáng tiếc, rất ít trường học danh giá chú trọng vào điều này. Thay vào đó, các ngôi trường kiểu vậy là nơi sản sinh cho thế giới những con người xuất chúng nhưng trong sâu thẳm lại luôn cảm thấy bất an, hoang mang.
Lần đầu tiên tôi biết đến khía cạnh này từ một cựu CEO. Sau đó gặp lại lần nữa khi tập đoàn McKinsey & Company đang tìm kiếm một ứng viên có đặc điểm như vậy.
Hoá ra là trên thực tế, khi tuyển dụng, nhiều “ông lớn” trên thế giới cũng thường nhắm vào và săn lùng những người sở hữu thành tích nổi trội nhưng hay cảm thấy bất an như thế.
Lý do: Những đối tượng này có bộ óc thông minh, giỏi chuyên môn, chuyên nghiệp. Nhưng quan trọng hơn, họ làm việc chăm chỉ đến quá mức vì khát khao gặt hái vị trí, địa vị cao và lo sợ nếu gặp thất bại.
Từ đó, họ có nguy cơ trở thành những chú chuột hamster chạy liên tục trong lồng quay, ngày ngày làm việc để người ngoài công nhận, ngưỡng vọng tài năng, thành tựu của mình.
Vấn đề nằm ở quan niệm sai lầm của chúng ta, rằng các giá trị vật chất, danh vọng có thể lấp đầy những lỗ hổng trong tâm hồn mà quyền lực, tiền tài, danh vọng gây ra.
BẠN BÈ VÀ ĐỐNG GIẤY TỜ
Tôi sống cách ba người bạn cùng lớp ở Stanford chỉ 10 phút lái xe. Chúng tôi gọi nhau là bạn, dù mối quan hệ không thực sự được như vậy. Trên thực tế, tôi không coi ai trong lớp tại Stanford của mình như một người bạn thực sự.
Hiếm khi mọi người gặp nhau vì ai cũng vùi mặt vào công việc ngày này qua tháng khác. Trong vài lần gặp gỡ ít ỏi, nội dung trò chuyện vẫn chỉ là công việc và công việc.
Tất cả chúng ta đều có rất nhiều người quen, nhưng những mối quan hệ thân thiết, quý giá chỉ chiếm số ít. Nuôi dưỡng các mối quan hệ chân chính là cách chắc chắn nhất để có sức khỏe tốt hơn và đem lại hạnh phúc cho bản thân.
Vì vậy, tôi dần chỉ quan tâm, vun vén cho những mối quan hệ mình trân trọng nhất, những người khiến tôi thấy thoải mái và được là chính mình khi dành thời gian bên họ. Đó là những người tôi yêu quý vì bản chất chứ không phải một danh xưng nào đó.
Tôi vạch ra được khoảng 40 cái tên, từ nhiều nơi trên thế giới. Mỗi ngày, tôi cố gắng kết nối với 2-3 người trong số họ.
Mỗi khi đến các thành phố nơi có người tôi yêu quý sống, tôi sắp xếp gặp mặt, trò chuyện trực tiếp. Những tương tác, mối quan hệ đó quan trọng hơn đống giấy tờ hay những cuộc họp chốn văn phòng. Chỉ cần duy trì liên lạc với một nửa trong số đó, tôi đã thấy cuộc đời mình ý nghĩa hơn.
Hãy tự hỏi bản thân: Nếu một người bạn trân quý gọi điện, bạn sẽ chọn công việc hay người đó?
Theo kinh nghiệm của tôi, những người thành công sẽ ưu tiên công việc hơn, mặc dù họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều nếu chọn đi với bạn bè. Điều đó đồng nghĩa với việc những người có sự nghiệp nổi trội đang lặp đi lặp lại những lựa chọn sai lầm trong suốt cả đời.
NHỮNG CHUẨN MỰC XÃ HỘI NGỘT NGẠT
Vài tháng trước, tôi được mời để chia sẻ tại một bữa tối gồm 60 người ở San Francisco. Tôi đã ngạc nhiên bởi cách mọi người đồng cảm mạnh mẽ với những cảm nhận của mình.
Mọi người hôm ấy đều có một tâm lý chung: Cảm thấy ngột ngạt bởi những chuẩn mực phần lớn xã hội theo đuổi ngày nay.
Chúng ta có xu hướng suy nghĩ rằng những người thường xuyên gặp nhau, có chung sở thích, thói quen sẽ có mối quan hệ thân thiết, khắng khít. Có thể đúng vậy, hoặc cũng có thể không.
Có những người bạn chỉ gặp mỗi năm một lần nhưng giá trị cuộc sống của bạn thực sự thay đổi hoàn toàn. Đôi khi bạn phải gạt bỏ các mối quan hệ “rườm rà” để có thể tập trung vào những người quan trọng nhất.
Tại sao lại phải lao đầu vào việc chứng tỏ giá trị bản thân theo những chuẩn mực sai lệch của “thành công”? Thay vào đó, tạo dựng và dành thời gian cho những người trân quý nhất và khi ấy, “thành công” sẽ xuất hiện trong những bữa ăn, tiếng cười, các chuyến phiêu lưu cùng nhau.