Miền quê đưa khách ‘du hành’ về quá khứ

CẦN THƠ – Nơi này như một miền quê thu nhỏ, với mái nhà tranh, đồ vật xưa cũ hàng chục năm về trước.

Cần Thơ nổi tiếng với các điểm du lịch sinh thái miệt vườn đậm chất Nam Bộ. Muốn có không gian trải nghiệm nét xưa miền Tây, bạn có thể ghé khu sinh thái ẩm thực Quê mình, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều. Nơi này có diện tích khoảng 7.000 m2 gồm không gian cây xanh, ao hồ, nhà vườn trưng bày các món đồ xưa cũ cách đây hàng chục năm.

Trong khu sinh thái có nhiều công trình tái hiện nét xưa Nam Bộ. Ngôi nhà ba gian theo kiến trúc truyền thống, bộ bàn ghế gỗ, bức tranh kiếng, đèn măng-xông, tủ thờ, lư hương đồng… được gìn giữ cẩn thận, mang nét trang nghiêm, hoài cổ.

Một góc trưng bày tivi, quạt gió, bình thủy, đồ gốm… Tại đây cũng có những bộ sưu tập hiện vật thú vị, như hơn 100 máy cát-sét, thu băng vẫn còn sử dụng được.

Ấn tượng nhất là bộ sưu tập máy Kohler 4 với hơn 100 chiếc. Cách đây khoảng 50 năm, chiếc máy là tài sản lớn của nhiều người miền Nam khi còn di chuyển chủ yếu bằng ghe, xuồng trên sông. Hiện còn rất ít người sử dụng chiếc máy này. Máy được xếp thành hàng dài ở khu sinh thái, đi đâu du khách cũng có thể bắt gặp.

Dụng cụ để đong lúa gạo ở Nam Bộ thời xưa. Thùng có hình trụ được gọi là cái táo, còn gọi là thùng quan. Một táo bằng 20 lít.

Bộ đèn dầu đủ sắc màu, kích thước được cất kỹ lưỡng trong tủ kính.

Một góc nhỏ hàng quán quen thuộc với trẻ em Nam Bộ bán nước giải khát, đồ chơi, bánh kẹo.

Nơi này cũng không gian sang trọng như phòng Hội đồng được trang trí bằng những hiện vật quý hiếm. Khu sinh thái mở cửa từ 8h đến 22h hàng ngày, ngoài thưởng cảnh, khách có thể dùng bữa với các món ăn đặc trưng Nam Bộ.

Huỳnh Nhi / Vietnam Express

Chồng ngốc

Trong làng có một người đàn ông tên là Hám Nhị, bản tính thường ngày ngốc nghếch, ngây độn nhưng nhờ vào sự giàu có của gia đình mà cưới được một cô vợ xinh nhất làng.

Vợ anh ta tên là Phượng Anh, không bao lâu sau khi kết hôn, coi thường Hám Nhị là người ngốc nghếch nên âm thầm kết giao với một người hàng xóm ở cách nhà Phượng Anh chỉ một bức tường, rất thuận tiện để lén lút đi lại, hú hí với nhau.

Hôm đó, Phượng Anh tranh thủ lúc Hám Nhị đi làm để đưa tay người tình hàng xóm đến nhà “ăn vụng”. Hai người đang quấn lấy nhau, cuộc mây mưa trên chiếc giường lò, đang vào lúc cao trào thì Phượng Anh lạnh người khi thấy Hám Nhị đột ngột vác cuốc về nhà.

258250819_378538860624756_5805476273014093598_n.jpg -0
Minh họa trong trang của Lê Tâm

Cấp trung sinh trí, khi thấy Hám Nhị quay sang đặt cuốc, Phượng Anh nhanh tay vốc mấy vốc lớn hạt lạc trong cái mẹt đặt trên góc giường lò và ném qua cửa sổ vãi xuống khắp sân. Cô ta tin chắc chắn rằng việc Hám Nhị sẽ phải làm trước tiên là bận rộn đi nhặt lạc.

Quả nhiên, Hám Nhị vừa buông cuốc xuống, quay lại đã thấy hạt lạc rơi vãi đầy một góc sân liền vội vàng cúi xuống nhặt, vừa nhặt vừa bất mãn lẩm bẩm: “Đồ đàn bà hoang toàng, không muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn nữa sao?”.

Khi Hám Nhị nhặt hết lạc thì tay hàng xóm đã biến mất qua cửa sổ sau từ bao giờ. Lúc này, Phượng Anh đã nằm gác chân lên bệ cửa sổ, cười dịu dàng với Hám Nhị: “Ông xã, bộ dạng nhặt lạc của anh thật đáng yêu, em nhìn mãi mà không biết chán!”.

Một buổi sáng, hai vợ chồng trẻ dắt nhau đến nhà bố vợ. Cánh cổng vừa mở ra đã thấy ông bố vợ đang ngồi xổm dưới đất, hí húi nhặt những hạt đậu xanh vung vãi khắp sân. Bố vợ cười nói với Phượng Anh: “Hi, mẹ con bảo thích xem bố nhặt đậu xanh vì trông bộ dạng của bố rất đáng yêu. Chỉ cần nhìn thấy thế này thôi đã khiến bà ấy cảm thấy hết tức giận rồi”.

Linh tính mách bảo Phượng Anh chợt hiểu chuyện gì đã xảy ra liền vội vã chạy thẳng vào nhà, Hám Nhị thấy vậy cũng vội chạy theo vợ. Vào trong nhà, anh ta nhìn thấy một người đàn ông đang hốt hoảng nhảy khỏi chiếc giường lò và vội vàng chạy về phía cửa sổ phía sau.

Phượng Anh kịp lao đến và tát người đàn ông hai cái. Người đàn ông nọ nhanh nhẹn đẩy Phượng Anh ra và ngay lập tức biến mất khỏi cửa sổ phía sau, nhìn sang bên thấy bà mẹ vợ đang cuống quýt, lóng ngóng mặc lại quần áo.

Đến lúc đó, Hám Nhị dường như đột nhiên đã hiểu ra chuyện gì, anh ta im lặng nhìn chằm chằm Phượng Anh một lúc lâu, còn Phượng Anh cũng nghĩ ra điều gì đó và rụt rè nhìn Hám Nhị với vẻ sợ hãi.

Đột nhiên, Hám Nhị thở phào nhẹ nhõm, nói với Phượng Anh: “Này, thật may là hôm trước em đã ném lạc chứ không ném đậu xanh ra sân. Nếu không, anh đã nghĩ rằng lúc đó em đã để người lạ vào trong nhà chúng ta!”.

Bảo Châu (dịch)

Truyện vui của Trật Danh (Trung Quốc)/ Văn Nghệ CA

Lý do khiến Trung Quốc có thể không bao giờ trở thành nền kinh tế số 1

Khủng hoảng nợ, tách biệt với bên ngoài và dân số ngày càng giảm là một số yếu tố có thể cản trở Trung Quốc trên con đường trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo xu hướng hiện tại, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ và giành vị trí đầu tiên trong các nền kinh tế toàn cầu sau khoảng một thập kỷ nữa. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo cho kết quả đó.

Theo Bloomberg, các yếu tố kể trên có thể khiến Trung Quốc mãi mắc kẹt ở vị trí số 2 sau Mỹ. Bloomberg Economics đã lập mô hình ba kịch bản có thể diễn ra ở Trung Quốc.

Kịch bản thứ nhất là kịch bản khả quan nhất với Trung Quốc: Nước này sẽ vượt qua Mỹ vào đầu những năm 2030.

Đổi mới, sáng tạo là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển và với nguồn đầu tư lớn cho ngành nghiên cứu, phát triển, Trung Quốc đang vượt trội hơn hẳn. Nhờ đó, Trung Quốc có khả năng vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kịch bản thứ hai là khủng hoảng tài chính. Khi Nhật Bản tìm kiếm vị trí nền kinh tế hàng đầu, nước này đã chìm trong cuộc khủng hoảng nợ. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với Trung Quốc. Tình trạng vay nợ tăng mạnh kể từ năm 2008 là một dấu hiệu đỏ.

Các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ có nợ cao, nhưng họ đã đạt được mức thu nhập cao. Ấn Độ và các nước thu nhập thấp khác có nợ thấp, tạo cho họ đòn bẩy để phát triển. Còn thu nhập thấp và nợ cao của Trung Quốc khiến Trung Quốc rơi vào tình thế khó khăn.

Tình trạng vỡ nợ của tập đoàn Evergrande và những rắc rối với các nhà phát triển bất động sản khác ở Trung Quốc cho thấy nền tảng không vững chắc. Kết quả là Trung Quốc có thể rơi vào khủng hoảng tài chính, kéo tụt tốc độ tăng trưởng, có thể khiến Trung Quốc bị mắc kẹt ở vị trí thứ hai.

Kịch bản thứ ba là kinh tế giảm tốc. Không cần đến một cuộc khủng hoảng tài chính mới có thể làm chậm sự trỗi dậy của Trung Quốc. Kết hợp các yếu tố như tách biệt với thế giới, cản trở về nhân khẩu học và điểm yếu trong quản trị có thể gây ra tác động tương tự.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã không còn nóng như trước, nhưng mức thuế mà Mỹ áp với hàng hóa Trung Quốc vẫn còn cao. Tình trạng tự cô lập quốc tế, đặc biệt là do COVID-19, cộng với những rào cản đối với thị trường toàn cầu và công nghệ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc.

Chương trình nghị sự thịnh vượng chung của Trung Quốc nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng, nhưng nó đã giáng một đòn mạnh vào các doanh nhân.

Chấm dứt chính sách một con là tia sáng hi vọng, nhưng dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm sẽ là lực cản đối với tăng trưởng.

Kết quả là Trung Quốc có thể đi vào con đường tăng trưởng chậm hơn, luôn phải đuổi kịp Mỹ nhưng không thể bỏ xa.

Theo BÁO TIN TỨC / BLOOMBERG

Điều cần biết về chứng ái kỷ – căn bệnh tinh thần tràn lan thời đại này

“Bệnh ái kỷ” – hội chứng quá yêu bản thân – đã trở thành một từ thông dụng và là căn bệnh được nhanh chóng chẩn đoán, nhưng chúng ta thực sự hiểu về tình trạng này đến đâu?

Text sign showing Me Myself And I. Conceptual photo selfish self-independent Taking responsibility of actions View card messages ideas love lovely memories temple dark colourful

Bản tóm tắt cuốn sách The Narcissist You Know (2015). Dịch bởi Tomtatsach.co.

Ái kỉ không chỉ là một bệnh rối loạn tâm thần nghiêm trọng, nó còn là một phần của cuộc sống – tất cả chúng ta đều có một vài xu hướng như thế. Bằng việc phân tích những bệnh nhân ái kỉ – rất nhiều trong số họ là người nổi tiếng – Joseph Burgo đã tiết lộ những hổ thẹn che giấu đằng sau tất cả những nỗi đau của họ.

Cuốn sách này dành cho bất cứ ai quan tâm đến tâm lý học và đặc biệt là muốn học cách giải quyết vấn đề với những người quá yêu bản thân.

Về tác giả

Tác giả của cuốn sách này là tiến sĩ Joseph Burgo, một nhà tâm lý học trị liệu, nhà phân tích tâm lí và đồng thời là nhà văn. Ông đã làm trong ngành hơn 30 năm và là tác giả của nhiều cuốn sách khác như Tại sao tôi làm như vậy? Những bộ máy tâm lí tự vệ và cách bí mật mà chúng tác động cuộc sống của chúng ta.

Học cách chỉ điểm những người mắc bệnh ái kỷ

Khi tin tức rộ lên vào năm 2009 rằng người vợ của Tiger Woods đã đuổi anh ra khỏi nhà với một cây gậy đánh golf và sau đó tiết lộ hàng loạt sự dối trá của anh ta, rất nhiều người đã sốc và vô cùng ngạc nhiên. Tại sao một người đàn ông thành đạt có tất cả mọi thứ và có vẻ tử tế lại làm một điều như vậy?

Có lẽ chúng ta không nên quá ngạc nhiên, bởi vì đằng sau tâm lý chiến thắng, động lực không ngừng nghỉ và uy tín của những người thành công như Tiger Woods, Donald Trump và Madonna luôn là căn bệnh ái kỷ ẩn giấu. Và tâm lý học chỉ ra rằng ái kỷ có thể gây ra những hành động thậm chí không đáng ca ngợi cho lắm.

Vậy tại sao một số người lại mắc căn bệnh đó? Bạn sẽ tìm được câu trả lời sau khi đọc cuốn sách này.

Ái kỷ không chỉ là một căn bệnh mà còn là một chuỗi rối loạn liên tục

Ái kỷ được nhắc đến rất nhiều ngày nay. Với sự gia tăng của các phương tiện truyền thông xã hội và trào lưu selfie, dường như việc quá yêu bản thân trở nên bình thường.

Nhưng ái kỷ không chỉ là một từ bình thường để buột miệng nói ra. Nó thực sự là một xu hướng nguy hiểm tồn tại trong tất cả chúng ta. Ai rồi cũng có lúc thiếu sự cảm thông đối với người khác và hành động chỉ vì cái tôi của mình. Và trong khi xu hướng này chỉ tồn tại một chút trong chúng ta, có rất nhiều bệnh nhân ái kỉ ngoài kia – một vài trong số họ rất nguy hiểm.

Thực tế, có một chứng rối loạn tâm thần đã chính thức được nhận biết gọi là “rối loạn nhân cách ái kỷ”. Chứng bệnh này đã khẳng định 1% dân số thế giới mắc bệnh ái kỷ. Đó là những kiểu người thường bị bỏ tù vì những tội ác như giết người hay hiếp dâm.

Nhưng cũng có một phần khác của thế giới thường vượt qua bộ lọc: 4% được xem là những người yêu bản thân thái quá (Extreme Narcissists) – họ không phù hợp với định nghĩa của tâm thần học nhưng vẫn nguy hiểm hơn rất nhiều so với những người có mức độ ái kỷ thấp hơn như bạn và tôi.

Trong khi họ có thể không phạm tội, nhóm người này thường sợ hãi khi bị coi là thua kém người khác và sử dụng những mưu mẹo xấu xa và tinh vi để gìn giữ hình ảnh tốt đẹp hơn của bản thân. Rất nhiều người nổi tiếng thành công thuộc nhóm người yêu bản thân thái quá. Bạn cũng có thể biết một vài người như thế.

Đó là lý do tại sao học cách nhận diện và đối xử với những người tự yêu bản thân rất quan trọng: bạn cần phải bảo vệ mình. Nhưng không chỉ vậy – bạn cũng cần nhận diện được những xu hướng ái kỷ của bản thân.

Tại sao?

Bởi vì chỉ cần một chút ái kỷ có thể kích động xu hướng ái kỷ của người khác.

Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn sống trong một ngôi nhà với người khác. Nếu bạn hành động một cách ích kỷ và ăn hết đồ ăn trong nhà mà không mua thêm, người khác sẽ bắt đầu hành động tương tự. Kết cục là, mọi người đều càng ngày càng ích kỷ.

Chúng ta sẽ hiểu thêm về những người yêu bản thân thái quá trong những chương sau. Nhưng trước khi đánh giá họ quá khắt khe, hãy nhớ rằng họ luôn sợ trở thành kẻ thua cuộc.

Đằng sau sự ái kỷ là nỗi xấu hổ

Chúng ta nói về những cảm xúc như xấu hổ suốt ngày, nhưng khi được hỏi ta thường không thể diễn tả chúng. Xấu hổ không chỉ là một cảm giác tồi tệ khi chúng ta cảm thấy mình vừa làm một điều sai trái. Đó là một cảm xúc sâu sắc hơn nhắc nhở rằng chúng ta đang bị lộ và gặp nguy hiểm.

Một loại xấu hổ đặc biệt nằm ở trung tâm của sự ái kỷ: “Sự xấu hổ trong thâm tâm” (core shame).

Sự xấu hổ trong thâm tâm được tạo ra khi điều gì đó xảy ra trong mối quan hệ giữa đứa trẻ và bố mẹ chúng. Theo nhà tâm lý học người Anh D.W. Winnicott, những đứa trẻ bẩm sinh đã cảm giác được bố mẹ nên chăm sóc chúng như thế nào – ví dụ bằng việc chú ý đến nhu cầu và cảm xúc của chúng.

Khi bố mẹ thờ ơ và vắng mặt, những đứa trẻ nghĩ rằng cơ bản là có gì đó không đúng với chúng. Chúng cảm thấy không được yêu thương, và nếu không hiểu được tại sao, chúng nghĩ rằng đó là lỗi của chúng. Đây là nguồn gốc của sự xấu hổ sâu trong thâm tâm.

Sự xấu hổ sâu bên trong này được đánh thức bất cứ lúc nào một người ái kỷ trải nghiệm tổn thương: nỗi đau ta cảm nhận khi lòng tự tôn bị lung lay bởi sự chỉ trích của người khác. Chúng ta trải nghiệm điều này bởi vì chúng ta đều là những động vật xã hội, xây dựng cảm giác về bản thân theo cách mà người khác nhìn chúng ta. Nhưng trong khi lòng tự tôn trở nên mạnh mẽ hơn qua thời gian, những người yêu bản thân thái quá lại mắc kẹt với sự xấu hổ trong thâm tâm của họ. Điều này có nghĩa là sự chỉ trích nhẹ nhàng nhất cũng gây hại sâu sắc đến lòng tự tôn của họ. Một sự xúc phạm nhỏ cũng có thể gây ra nỗi đau lớn lao và một sự kiện lớn hơn, như ly dị hay sự nhục nhã là không thể chấp nhận được.

Vậy nên những người yêu bản thân thái quá phát triển những bộ máy phòng vệ mạnh mẽ để bảo vệ chính họ khỏi sự tổn thương. Họ đổ lỗi những người khác cho sai lầm của họ, thuyết phục bản thân tin rằng họ hoàn hảo và tạo ra một hình ảnh hoàn hảo hơn của bản thân để che giấu bản chất thật trước những người khác.

“Bởi vì sự xấu hổ của họ sâu sắc hơn và đau đớn hơn, những người ái kỷ sẽ bằng mọi giá tránh việc cảm nhận nó”.

Những ông bố bà mẹ ái kỷ và quá nuông chiều thường khiến con cái mắc bệnh tương tự

Chúng ta đã biết rằng những ông bố bà mẹ thờ ơ thì nuôi dạy nên những đứa trẻ ái kỷ. Nhưng có tới hai nhóm riêng biệt khi tìm hiểu về bố mẹ của trẻ ái kỷ: loại ái kỷ, không quan tâm đến con cái và loại quá nuông chiều, không biết chăm sóc con cái thế nào cho phù hợp.

Hãy xem xét loại quá nuông chiều trước. Những bậc cha mẹ này thường có mục đích tốt, nhưng không nhận ra rằng quá nhiều sự chú ý tích cực thực sự rất xấu cho đứa trẻ. Trong khi những đứa bé cần tình yêu để não bộ phát triển, chúng cũng cần những giới hạn để tự hình thành cái nhìn thực tế về bản thân và thế giới.

Điều này là một thử thách, bởi vì bố mẹ cần phải vừa yêu thương con cái vô điều kiện, vừa phạt chúng khi chúng làm điều sai trái. Nhưng điều nguy hiểm là nếu không có giới hạn phù hợp, những đứa trẻ sẽ tin rằng thế giới chỉ xoay quanh chúng, và dần dần chúng trở thành những người tự yêu bản thân thái quá.

Trong khi những ông bố bà mẹ nuông chiều điển hình quan tâm đến con cái của họ, những bậc cha mẹ ái kỷ lại sử dụng con cái để tăng lòng tự tôn mong manh của họ. Một vài bố mẹ điều khiển con cái, ép chúng vào khuôn khổ để phù hợp lí tưởng của họ để họ cảm thấy tốt hơn những cha mẹ khác. Nhưng khi đứa trẻ không thể sống như kì vọng quá xa vời của họ, một cảm giác xấu hổ dần phát triển trong thâm tâm – điều này lại dẫn tới sự ái kỷ.

Những đứa trẻ này thường cuối cùng sẽ có những sự nghiệp đặt chúng vào con mắt của công chúng, để cả bố mẹ và đứa trẻ có thể nhấn chìm sự xấu hổ không nhận thức được trong một bầu không khí chú ý tích cực. Tiger Woods là một ví dụ điển hình của một đứa con trai tự yêu bản thân thái quá do ảnh hưởng bởi bố của mình. Người bố thích cạnh tranh biểu hiện lòng kiêu hãnh của ông qua người con trai bằng việc tạo ra một vận động viên thể thao nổi tiếng thế giới – và cũng là một trường hợp ái kỷ nổi tiếng thế giới.

Những bậc cha mẹ ái kỷ khác thì giữ gìn hình ảnh bản thân bằng cách luôn nhấn chìm con cái họ, để họ có được cảm giác chiến thắng. Điều này khiến cho đứa trẻ cảm thấy vô dụng, và nó lại dẫn đến sự xấu hổ trong thâm tâm.

Trong cả hai trường hợp, những bố mẹ không nâng con mình lên với tình yêu và sự cảm thông một đứa trẻ cần. Thay vào đó, họ tận dụng con cái như những công cụ để cảm thấy tốt hơn về bản thân.

Bây giờ chúng ta đã hiểu sự ái kỷ đến từ đâu, tiếp theo chúng ta sẽ xem xét những kiểu người tự yêu bản thân khác nhau.

Những kẻ ái kỷ bạo lực là kiểu hung hăng nhất

Tất cả những bệnh nhân ái kỉ đều chia thế giới ra thành người thắng cuộc và kẻ thua cuộc. Nhưng những người có xu hướng bạo lực ám ảnh nhất với việc tranh đấu – và với việc luôn luôn muốn thắng cuộc. Họ chỉ có thể gìn giữ được hình tượng tự mãn của mình bằng cách luôn luôn trở thành người đứng đầu.

Sự ám ảnh với chiến thắng này khiến họ săn lùng bất kỳ ai yếu đuối để bắt nạt.

Họ tìm kiếm những người yếu đuối họ có thể hạ bệ để tự cảm thấy mạnh hơn. Nhưng thú vị là những kẻ ái kỷ bạo lực và các nạn nhân của họ rất giống nhau: một cách vô thức, họ đều cảm thấy cực kỳ không an toàn và yếu thế.

Những giai đoạn sau đó, nhu cầu để trở thành người thắng cuộc quá mạnh đến nỗi những kẻ ái kỷ bạo lực tấn công cả những người thành công hơn họ. Những người thành công hơn khiến họ cảm thấy như mình thua cuộc khi so sánh – vậy nên họ tấn công để giữ hình tượng kẻ chiến thắng.

Thực tế, sự ám ảnh của họ quá mạnh mẽ đến nỗi họ sẽ sử dụng bất kì cách nào để giữ ảo tưởng về chiến thắng.

Lance Armstrong là một ví dụ. Sự xấu hổ trong thâm tâm ông bắt nguồn từ việc lớn lên trong nghèo đói, không thể mua được những thứ người khác dễ dàng chi trả. Vậy nên ông đã làm mọi cách để trở thành người thắng cuộc – bao gồm sử dụng thuốc để gian lận – và bào chữa cho hình ảnh của ông với những lời nói dối và cả bạo lực.

Khi những thành viên trong đội buộc tội ông sử dụng thuốc, ông nói rằng họ là những kẻ thua cuộc đáng thương, ghen tị với tài năng của ông. Và khi báo chí viết về sức mạnh đáng nghi của ông, ông đã lợi dụng sự giàu có của mình để kiện những nhà báo dám chỉ trích ông.

Những kẻ ái kỷ quyến rũ lôi cuốn bạn để tăng lòng tự tôn của họ

Trong khi những kẻ ái kỷ bạo lực cố gắng dìm bạn xuống để cảm thấy tốt hơn, những kẻ ái kỷ quyến rũ lại mang đến cho bạn sự chú ý, không phải bởi vì họ yêu bạn, mà bởi vì họ muốn bạn yêu họ.

Những người lôi cuốn này lợi dụng sự ái kỷ của bạn để nuôi lớn lòng tự tôn của bản thân. Họ tôn thờ bạn, vờ như lắng nghe bạn sâu sắc, khiến bạn cảm thấy được khao khát và quan trọng, nhưng chỉ cần thế bạn cũng sẽ làm điều tương tự. Và khi bạn yêu họ, họ sẽ kiểm soát bạn. Họ khen ngợi bạn chỉ khi nào bạn làm điều họ muốn, và luôn khiến bạn cảm thấy không an toàn và phụ thuộc vào họ. Một khi bạn bị vướng vào lưới của họ, bạn sẽ theo đuổi họ bởi vì bạn sợ hãi sự xấu hổ trong thâm tâm khi tình yêu không được đáp trả.

Thực sự thì những người không được yêu thương trọn vẹn hay đánh mất tình yêu hoặc đã từng yêu thường trở thành những kẻ ái kỷ quyến rũ. Trải nghiệm của họ khi đánh mất người yêu thương (hoặc không được yêu thương đủ) quá đau đớn đến nỗi họ thề sẽ không bao giờ yêu lần nữa.

Xu hướng chống lại này khiến họ ngại phải gắn bó với người khác, nhưng họ vẫn cần sự chú ý. Vậy nên họ khiến người ta yêu họ mà không được hứa hẹn.

Madonna là một ví dụ điển hình của trường hợp này: cô mất mẹ khi vừa mới 5 tuổi. Lớn lên, cô trở thành một kẻ quyến rũ hàng loạt, bắt đầu những mối quan hệ mà không thực sự có cảm xúc. Và mặc dù cô rất yếu đuối, cô giấu điều đó đằng sau một vẻ ngoài đầy tự tin – điển hình của những người ái kỷ.

Cách tốt nhất để đối mặt với những người này là hãy nghi ngờ những người say mê bạn ngay từ giây phút đầu họ gặp bạn. Hãy tự hỏi: Họ thực sự muốn gì từ mình?

Những người ái kỷ phô trương tin rằng họ đặc biệt; những người ái kỷ biết tuốt nghĩ rằng họ đã tìm ra sự thật được che giấu

Tất cả những người yêu bản thân thái quá thường mắc kẹt trong thế giới kì diệu của chính họ và nghĩ rằng mình là giỏi nhất. Nhưng những kẻ ái kỷ phô trương sống trong một không gian hoàn toàn khác.

Họ tin rằng họ quá đặc biệt đến nỗi họ không phải tuân theo những lề lối của xã hội như chúng ta. Một vài người trong số đó nhìn việc nổi tiếng như một cơ hội để phô diễn những hình ảnh tưởng tượng bởi họ biết rằng xã hội rất khoan dung với hành vi xấu xa của người nổi tiếng. Khi họ xuất hiện trước công chúng, họ có thể diễn một cảnh, đánh nhau, phạm luật – và thu hút sự chú ý.

Những con người ấy quá chìm đắm trong thế giới tưởng tượng của họ đến nỗi họ nghĩ rằng mình đặc biệt thậm chí ngay cả khi chẳng đạt được gì cả. Những người ái kỷ phô trương này thường là những kẻ cô đơn, tin rằng mình là những thiên tài chưa được công nhận, mặc dù họ không có thành tựu nào để bàn đến.

Mặc dù kết cục khác nhau, cả người ái kỷ thành công và người ái kỷ phô trương đều có vài điểm chung: Họ đều có một nỗi sợ hãi sâu sắc về sự tầm thường tiềm tàng trong họ. Để chống lại sự tầm thường của mình, họ tạo cho bản thân hình ảnh về một người có vị trí quan trọng.

Julian Assange là một ví dụ hoàn hảo của một kẻ ái kỷ phô trương. Mặc dù anh ta có vẻ là một chiến binh quên mình, anh ta thực ra bị ám ảnh với hình ảnh công chúng của mình và một cách kiêu ngạo không chịu chia sẻ danh tiếng cho tổ chức Wikileaks của anh ta.

Liên quan mật thiết với những kẻ ái kỷ phô trương là những kẻ biết tuốt. Họ luôn luôn khoe khoang kiến thức hơn người của họ với thế giới. Trong khi việc chia sẻ kiến thức có thể đáng giá, những kẻ ái kỷ này sử dụng nó để khai thác người khác – trên diện rộng.

Họ lợi dụng nhu cầu của chúng ta đối với những người dẫn đầu về học thức và tinh thần để hình thành tôn giáo và đảng phái. Bằng việc sử dụng lượng kiến thức uyên thâm của mình, họ có thể thuyết phục nhiều người rằng chỉ có họ biết sự thực.

Hãy xem xét Bikram Choudhury, người sáng lập nên Bikram Yoga. Những người đi theo ông, có cả người nổi tiếng như George Clooney xem ông như Chúa – như điều hư ảo. Nhưng trong những năm gần đây, ông đã bị vướng vào lời buộc tội về lạm dụng tình dục từ những người phụ nữ trong tổ chức của ông.

Những người ái kỷ ngoan đạo tin rằng họ có đạo đức hơn cả, còn những người ái kỷ thù hằn không biết đến giới hạn của việc trả thù

Trong khi hầu hết chúng ta tin rằng chúng ta đều có những quan niệm đạo đức của riêng mình, những người ái kỷ ngoan đạo tin chắc rằng họ là người duy nhất biết điều gì là sai và điều gì là đúng. Họ tin rằng bạn hoặc đứng về phía họ, hoặc là một kẻ thù của tất cả những điều linh thiêng và tốt đẹp. Và bất cứ khi nào bạn tranh cãi với họ, lỗi luôn thuộc về bạn và họ là kẻ vô tội.

Khi bạn gặp họ lần đầu tiên, họ thường có vẻ là những người có đạo đức. Họ có thể tham gia vào một tôn giáo có tổ chức hoặc chiến đấu vì những vấn đề xã hội. Nhưng đằng sau mặt nạ của đạo đức là ước muốn thực sự của họ: luôn được cảm thấy có đạo đức hơn người khác. Bằng cách đó, họ có thể duy trì ảo tưởng rằng mình hơn những người khác.

Hãy xem xét một số người ăn chay. Cái nhìn đen trắng của họ về thế giới chia con người ra bên tốt và bên xấu – và họ chắc chắn thuộc bên lẽ phải. Họ không hứng thú với việc tranh cãi hay sự thật – như sự thật rằng việc trồng cây giết chết nhiều động vật không ăn được hơn là việc nuôi gia súc thịt đỏ – và đánh giá bạn gay gắt nếu bạn không đồng ý với quan điểm của họ. Dĩ nhiên điều này không áp dụng đối với tất cả những người ăn chay, hầu hết họ có những niềm tin chân thành.

Những người ái kỷ thù hằn còn đi xa hơn khi bạn bất đồng với họ: họ xem đó là sự tấn công cá nhân – và tìm cách trả thù. Họ phản ứng dữ dội với sự mâu thuẫn dù là nhỏ nhất. Và một khi bạn trở thành kẻ thù của họ, họ sẽ làm mọi cách để hủy hoại bạn – thậm chí là nói dối trong phiên tòa.

Sarah Palin là một ví dụ điển hình. Khi chị gái cô ấy Molly li dị với người chồng đi lính Mike Wooten, Sarah tìm mọi cách để anh ta bị sa thải. Cô bắt đầu một chiến dịch bôi nhọ danh dự anh ta và nói dối trước tòa về hành vi cố ý ngược đãi của anh ta.

Vậy nên nếu bạn gặp một kẻ ái kỷ thù hằn, hãy chắc chắn đừng tham dự vào khi họ tranh luận. Bạn không bao giờ biết họ sẽ đi tới đâu để trả thù.

Ái kỷ và nghiện ngập liên quan mật thiết với nhau

Bạn có thể uống một ly khi lòng tự tôn của bạn bị động chạm, như sau khi chia tay người yêu. Ngày tiếp theo bạn cảm thấy tốt hơn và tiếp tục với cuộc sống của mình. Nhưng khi ai đó có lòng tự tôn mong manh – như một người ái kỷ – tìm đến chất có cồn và chất kích thích để giảm nỗi đau, nó có thể nhanh chóng dẫn đến cơn nghiện.

Khi một người tự yêu bản thân chịu một cú đánh vào lòng tự trọng, sự tủi hổ trong thâm tâm họ thức giấc. Và họ lại xoa dịu sự xấu hổ đó bằng chất kích thích – thường là quá nhiều. Ngày tiếp theo, họ cảm thấy xấu hổ vì đã dùng quá nhiều thuốc, và họ lại dùng thêm nữa để bớt cảm giác tội lỗi. Và thế là vòng tròn xấu xa bắt đầu.

Khi sự nghiện ngập tăng dần, họ ngày càng coi bản thân là trung tâm và tập trung để tiếp tục sửa chữa. Thực tế, những kẻ nghiện ngập và người ái kỷ rất giống nhau: cả hai đều thiếu sự cảm thông và nghĩ rằng nhu cầu của họ là quan trọng hơn những người khác.

Có một hiện tượng mới liên quan mật thiết với chứng ái kỷ: nghiện chơi game nhập vai online (MMORPGs).

Trong những trò chơi này, người chơi có thể tạo ra một cái tôi ảo biến đổi, và nếu họ chơi đủ, họ có thể tạo ra nhân vật mạnh nhất trong thế giới trò chơi đó. Điều này hấp dẫn đối với những người gặp khó khăn trong cuộc sống thực tế.

Nhưng cũng như những người ám ảnh về thành công trong thế giới thực, nhiều người chơi game nhập vai đang cố gắng xây dựng một hình ảnh vĩ đại về bản thân để thoát khỏi cảm giác xấu hổ của kẻ tầm thường. Và khi họ đã chơi đủ lâu, họ sẽ cảm thấy cuộc sống ảo tốt hơn thực tế.

Trong khi một vài người nghiện cái tôi ảo có thể biến đổi, những người khác như Michael Jackson nghiện biến đổi bản thân qua phẫu thuật thẩm mỹ.

Ông bị đánh đập bởi cha và những người anh trai, và trở nên xấu hổ vì cơ thể của mình. Sự tủi hổ trong thâm tâm này dẫn đến sự ám ảnh với phẫu thuật thẩm mỹ. Ông đã thay đổi hình dáng gương mặt, miệng, mắt và mũi.

Nếu bạn lo lắng rằng bạn đang nghiện thứ gì đó, hay đang lún sâu vào chứng tự yêu bản thân thái quá, tốt nhất là hãy tìm sự giúp đỡ. Mặc dù khó khăn nhưng sự ái kỷ cũng như nghiện ngập đều có thể vượt qua. Và bước đầu tiên là nhận biết được vấn đề.

Kết luận

Ái kỷ không chỉ là rối loạn nhân cách mà là một đặc điểm tất cả chúng ta đều có. Tất cả chúng ta đều chịu đựng sự xấu hổ và cố gắng chiến thắng để bù đắp, nhưng một vài người – những người ái kỷ – chịu đựng sự tủi hổ trong thâm tâm. Điều này khiến họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để không cảm giác là kẻ thua cuộc. Nhưng thay vì kết án những người ái kỷ, chúng ta nên thấu hiểu và học cách đối mặt với họ.

“Bạn sẽ học được cách cảm thông và yêu thương nhiều hơn khi khám phá được bí mật đằng sau những người có vẻ như ích kỷ, vô tâm, xấu xa mà bạn thấy ở bất cứ nơi đâu”.

Theo TOMTATSACH.CO

Di chứng COVID-19 rất kinh khủng!

Công bố công trình toàn diện đầu tiên, theo dõi tác động lâu dài liên quan đến COVID-19.

Minh họa: Unsplash

Nhóm chuyên gia tại Đại học Washington vừa phát hiện, sau một năm bị nhiễm, bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ mắc các bệnh dễ gây tử vong.

Tạp chí y khoa Nature Medicine vừa công bố kết quả nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Trường Y Đại học Washington thực hiện. Đây là nghiên cứu có quy mô lớn, cho thấy bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ nhiễm bệnh tim trong vòng một năm sau khi khỏi bệnh. Căn bệnh này khiến tỷ lệ hình thành cục máu đông, rối loạn nhịp tim, suy tim, thậm chí đột quỵ, tử vong cao hơn, dù họ đã được chữa trị khỏi bệnh.

Điểm đáng lưu ý của nghiên cứu này, là ngay cả những người trước đó khỏe mạnh, bị nhiễm COVID-19, và dù rất nhẹ, đã khỏi bệnh, họ vẫn gặp phải di chứng về tim.

Bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ nhiễm bệnh tim trong vòng một năm sau khi khỏi bệnh. Minh họa: pcori.org

Nhóm chuyên gia phân tích hồ sơ y tế do Bộ Cựu chiến binh Mỹ cung cấp. Họ đánh giá dữ liệu của 153,760 người có kết quả dương tính với COVID-19 từ ngày 1 Tháng Ba, 2020 đến 15 Tháng Giêng, 2021 và nhóm sống sót sau 30 ngày đầu tiên khởi phát triệu chứng. Rất ít người trong số này được chích vaccine trước khi nhiễm COVID-19. Họ cũng so sánh kết quả thu được với 5.6 triệu người không nhiễm COVID-19 trong cùng thời gian. Một nhóm đối chứng khác cũng được dùng để so sánh dữ liệu là 5.8 triệu người bị bệnh tim trước khi COVID-19 lây lan (từ Tháng Ba, 2018 đến Tháng Giêng, 2019. Nghiên cứu không gồm dữ liệu liên quan biến chủng Delta và Omicron.

Sau khi phân tích sức khỏe tim mạch của tình nguyện viên trong một năm, kết quả cho thấy nguy cơ bệnh tim (gồm suy tim, tử vong) nhiều hơn 4% ở bệnh nhân COVID-19 so với người không bị nhiễm. Ngoài ra, bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn 72%, nguy cơ đau tim cao hơn 63% và khả năng bị đột quỵ cao hơn 52% người không nhiễm. Nói chung, bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ gặp biến chứng tim mạch nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ, tử vong cao hơn 55% người không bị nhiễm.

Nguy cơ bị rối loạn nhịp tim cũng cao hơn 53-84% tùy từng bệnh nhân. Trong số những bệnh rối loạn nhịp tim, nguy cơ người nhiễm COVID-19 bị rung nhĩ cao hơn 71%, đau tim cao hơn 63% và gần ba lần nguy cơ bị cục máu đông trong phổi. Nhóm bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ bị bệnh viêm cơ tim cao gấp năm lần thông thường. Khi phân tích riêng các trường hợp chưa được chích ngừa, kết quả cho thấy COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ viêm cơ tim.

Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ gặp biến chứng tim mạch nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ, tử vong cao hơn 55% người không bị nhiễm. Minh họa: Unsplash

Giáo sư Ziyad Al-Aly thuộc Đại học Washington – tác giả chính của nghiên cứu cho rằng một số người có thể nghĩ 4% là con số nhỏ, nhưng khi đánh giá về mức độ nghiêm trọng của đại dịch, nó tương đương ba triệu người ở Mỹ gặp biến chứng tim mạch do COVID-19. “Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh những hậu quả tim mạch nghiêm trọng về lâu dài khi nhiễm căn bệnh kinh khủng này và tầm quan trọng của vaccine trong việc ngăn ngừa gặp tổn thương tim ở bệnh nhân COVID-19,” ông nói thêm.

Giáo sư Ziyad Al-Aly cho biết: “Chúng tôi muốn xây dựng nghiên cứu dựa trên tác hại lâu dài của COVID-19 tới trái tim người bệnh. Nhiễm COVID-19 có thể dẫn tới những biến chứng tim mạch nghiêm trọng, tử vong. Tim không thể tái tạo hoặc dễ dàng hồi phục sau tổn thương. Đây là những hậu quả ảnh hưởng đến người bệnh suốt đời”. Ông cũng nhấn mạnh, ngay cả người được coi là có nguy cơ thấp, chưa từng mắc bất kỳ vấn đề nào về tim thì sau khi bị nhiễm COVID-19, cũng có nhiều nguy cơ gặp phải vấn đề này. “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy sự gia tăng nguy cơ tổn thương tim ở cả người trẻ và người già, nam lẫn nữ, người da màu lẫn người da trắng, mọi chủng tộc khác nhau, người bị béo phì và người có cân nặng bình thường, người bị tiểu đường và người không bị, nhiễm COVID-19 nhẹ hay nặng,” ông nói.

Trung bình mỗi ngày có gần 380 trẻ em dưới 17 tuổi phải nhập viện vì COVID-19. Minh họa: Unsplash

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ và thế giới. Đây là thuật ngữ chung chỉ tình trạng các bệnh về tim khác nhau, huyết khối và đột quỵ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính mỗi năm, cứ bốn bệnh nhân bị bệnh tim, thì có một người tử vong.

Ngoài ra, chi phí điều trị bệnh tim khá đắt đỏ, CDC ước tính mỗi năm căn bệnh này tiêu tốn $363 tỷ cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thuốc men.

Cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã lây lan và xâm lấn cơ thể của hơn 410 triệu người trên toàn cầu, giết chết hơn 5.8 triệu người. Riêng tại Mỹ, đã có hơn 79 triệu người nhiễm và gần 950,000 người chết trong đại dịch. Mỹ là quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất. Hiện nay mỗi ngày vẫn có thêm hàng trăm ngàn người nhiễm và hàng ngàn người chết vì COVID-19. Số liệu từ Worldometers.

Vì thế, Giáo sư Ziyad Al-Aly cho răng nhận thức về tác hại của COVID-19 với sức khỏe lâu dài là điều hết sức quan trọng.

(theo Washington Post) / Saigon Nhỏ

Khai bút đầu Xuân : Về Giáo Dục Làm Người

Các gian hàng tại phố đi bộ với lối kiến trúc tường vàng, mái ngói đỏ đặc trưng của Hà Nội xưa. Ảnh: Phú Long
Các gian hàng tại phố đi bộ với lối kiến trúc tường vàng, mái ngói đỏ đặc trưng của Hà Nội xưa. Ảnh: Phú Long

Tôi sống qua 85 mùa Xuân dưới các thể chế chánh trị – xã hội trên đất nước này. Xuân Nhâm Dần 2022 đến, tôi rất vui vì thấy đất nước đang phát triển bền vững, tình người sâu nặng; Nhưng day dứt trăn trở vì tội ác lộng hành, tệ tham nhũng – tiêu cực như con bệnh nan y…

Nay dù đến tuổi “gần đất xa trời” tôi vẫn thấy mình còn nặng nợ với đời. Theo sức mình, tôi cố gắng làm những gì có thể như tham gia hoạt động xã hội – từ thiện cùng cộng đồng chung tay cứu giúp những mãnh đời bất hạnh giảm bớt thương đau! Hay tham gia mạng xã hội góp tiếng nói phản biện trên tinh thần xây dựng, đấu tranh loại trừ cái xấu làm lành mạnh đời sống xã hội.

Khai bút đầu Xuân tôi viết bài này nói về giáo dục làm người – Một chủ đề tôi hằng quan tâm.

*

Trên báo chính thống và mạng xã hội nhan nhản tin bài về tội phạm diễn ra đó đây, có những tội phạm khiến người đọc rùng mình ghê sợ! Như Lê Anh Tuấn sanh năm 1995 ở xã Vinh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đâm chết cha ruột vì không cho mượn xe máy; như Nguyễn Thế Triều sanh năm 1983 ngụ xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang chặt đầu mẹ già chôn xác dưới mương; như Nguyễn Văn Linh sanh năm 1968 ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đâm chết mẹ chỉ vì 400.000 đồng; như một nữ sinh đại học ở Bà Rịa – Vũng Tàu đầu độc cha ruột chết rồi đổ xi măn giấu xác; như vụ cháu bé 3 tuổi bị găm vào đầu 9 cái đinh…; Mới nhất là ngày cận Tết Nhâm Dần tên Chau Đương 23 tuổi ngụ xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang dùng kéo đâm chết mẹ ruột.

Đạo làm con từ xưa lấy hiếu đễ với cha mẹ làm đầu. Những ai hỗn láo xấc xược với cha mẹ, hay bỏ mặc cha mẹ khi về già không phụng dưỡng bị người đời lên án tội bất hiếu nguyền rủa khinh ghét. Ngày nay, xãy ra những vụ con giết mẹ cha tàn độc như trên, quả là tận cùng của tội ác ngày xưa tôi chưa từng nghe thấy. Cùng các loại tội phạm khác diễn ra khắp đó đây!

Còn nhớ, trước chiến tranh hay trong hai cuộc kháng chiến đánh Pháp đuổi Mỹ, nhiều năm tôi sống và hoạt động cách mạng trong vùng giải phóng do Nông hội quản lý xã hội như chánh quyền ngày nay, cuộc sống người dân còn khó khăn nhưng rất an lành, nhà không đóng cửa ngoài đường không mất của rơi, người với người ứng xử nhau trong tình làng nghĩa xóm, tôi không nghe thấy đánh lộn, hay chửi bới nhau bao giờ… Thế nhưng, tôi không hiểu vì sao ngày nay đất nước hòa bình, đời sống vật chất và văn hóa của người dân cải thiện nhiều, dưới sự lãnh đạo – quản lý hệ thống chánh trị từ trung ương đến cơ sở đất nước lại nông nỗi này ?!

Dân ta có câu “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, “Cha mẹ sanh con trời sanh tánh”… Chỉ rõ bản chất con người sanh ra vốn dĩ hiền lành lương thiện. Nhưng khi trưởng thành vào đời không ít người trở nên hiểm ác? phải chăng do môi trường xã hội và do chất lượng nền giáo dục không coi trọng giáo dục làm người? Như lời cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela nói rất chí lý: “Thất bại của nền giáo dục là sự suy vong của một quốc gia. Hủy diệt một quốc gia không cần bom nguyên tử hay tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và dung túng gian lận thi cử. Bệnh nhân mất mạng chỉ vì thầy thuốc học từ đó mà ra – Nhà sập chỉ vì kỷ sư học từ đó mà ra – Tiền của mất sạch chỉ vì nhà kinh tế, nhà kế toán học từ đó mà ra – Nhân tính mất hẳn chỉ vì những nhà tôn giáo học từ đó mà ra – Công lý không còn chỉ vì quan tòa học từ đó mà ra”…

Sau năm 1954 tôi từng làm giáo viên tiểu học ở quê nhà, trong sách giáo khoa môn khoa học xã hội như Giáo dục Công dân có những bài dạy nội dung thiết thực dể hiểu như: “Con ơi muốn nên thân người/Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha/…; Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/…; “Thương người như thể thương thân/Thấy người hoạn nạn thì thương/Thấy người tàn tật lại càng trông nom/ Thương người già yếu ốm mòn/…

Ca dao ngày xưa có câu: “ Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy/Nghĩ sao cho bỏ những ngày ấu thơ”. Cha mẹ sinh con, dưỡng nuôi con nên vóc nên hình, người thầy cùng cha mẹ tiếp tục dạy dổ con trưởng thành làm người có ích. Cha – Mẹ – Thầy là ba ngôi vị cao quí nhất trong cuộc đời mỗi con người, thể hiện trong câu thành ngữ: “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Sách Quốc văn giáo khoa thư xưa có bài về tấm gương một ông quan to nước Pháp, một hôm nhân rảnh việc về chơi quê nhà. Khi ông đi ngang trường học ở làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc bé, bây giờ đã đầu tóc bạc phơ đang ngồi trong lớp dạy học. Ông ghé vào thăm trường và chạy ngay lại trước mặt thầy giáo chào hỏi lễ phép mà nói rằng: “Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?”. Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng: “Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp…”.

Những bài thơ, những câu ca dao, bài văn xuôi ngắn gọn trong sách giáo khoa ngày xưa dạy những điều thiết thực dể hiểu, dể nhớ đi vào tiềm thức con người thuở còn thơ, dần dần hình thành nhân cách làm người khi trưởng thành. Cùng với giáo dục trong gia đình, ông cha răn dạy con cháu nghiêm khắc theo gia phong lể tiết lấy hiếu nghĩa làm đầu; “Gọi dạ, bảo vâng…/Ăn coi nồi, ngồi coi hướng/”…

Các trường phổ thông ngày nay treo khẩu hiệu nơi trang trọng “Tiên học lễ, hậu học văn”, khẩu hiệu nầy tôi thấy ở các trường học từ thời tôi học vở lòng. Không biết các thầy cô giáo ngày nay có dạy học trò chử “lễ” hay không và dạy như thế nào, chứ ngày xưa thầy cô giáo dạy học trò chử “lễ” rất cụ thể, như: Ở nhà phải vâng lời cha mẹ, ông bà, đi phải thưa, về phải trình; ra đường gặp người lớn tuổi hay đám ma phải nhường đường, giở nón cuối đầu; với bạn trang lứa không được xưng hô mầy tao, mi tớ, không được gây gổ, đánh lộn…

Tôi nghĩ, đây là tinh hoa của nền giáo dục nước nhà ngày xưa nhưng ngày nay chúng ta phủ nhận, xem đó là phong kiến, là cổ hủ.

Nhiều thập niên qua nền giáo dục nước nhà từ nhà trường, gia đình và xã hội buông lõng giáo dục làm người, chánh trị hóa nền giáo dục, gây ảnh hưởng xấu đời sống xã hội, nếu không muốn nói làm hỏng một bộ phận thế hệ con người Việt Nam ngày nay, làm cho đời sống xã hội bất an, tội ác lộng hành, đạo đức suy đồi, những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam bị hủy hoại, lòng người phân rẽ,… Là nổi day dứt, trăn trở khôn nguôi với những ai quan tâm đến vận nước và tương lai dân tộc!! Phải chăng bắt nguồn từ “lổ hỏng” của nền giáo dục?!

Tôi nghĩ, đến lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh báo thực trạng nền giáo dục nước nhà, truy tìm căn nguyên, tìm giải pháp tối ưu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp xu thế thời đại, kế thừa và phát huy tinh hoa nền giáo dục ngày xưa, xem giáo dục làm người là trung tâm, ngăn ngừa tội ác, làm lành mạnh hoá đời sống xã hội.

Nguyễn Minh Đào / Long Xuyên, Tết Nhâm Dần 2022 / Viet-studies ngày 10-2-22