Cặp vợ chồng trẻ Hà Nội tự decor cho ban công diện tích 2,2m² ngập sắc xanh của cây cối chỉ với 1,8 triệu đồng

Cặp vợ chồng trẻ Hà Nội tự decor cho ban công diện tích 2,2m² ngập sắc xanh của cây cối chỉ với 1,8 triệu đồng
Mùa dịch ở nhà, hai vợ chồng chị Nguyễn Hằng đã có một màn cải tạo và decor lại ban công. Kết quả thu lại khiến cặp vợ chồng trẻ này vô cùng hài lòng.

Tự làm một khoảng ban công cây xanh nho nhỏ đơn giản tiết kiệm tại căn hộ của gia đình để có góc thư giãn, nhâm nhi tách cafe vào mỗi buổi sáng trước khi đi làm hoặc bữa sáng khi thời tiết mát mẻ.

Gia đình chị Nguyễn Hằng cũng như vậy. Chị cho biết: “Ban đầu khi về chung cư ở và mình lướt mạng nghiên cứu xem ban công ngập cây xanh đẹp thấy thật mê và cũng mong muốn được sở hữu nhưng thấy cũng tốn kha khá tiền. Do tính thích mày mò tự làm và cũng để thay đổi không gian, có 1 nơi chill trong mùa dịch nên hai vợ chồng mình quyết định bắt tay vào làm”.

Cặp vợ chồng trẻ Hà Nội tự decor cho ban công diện tích 2,2m² ngập sắc xanh của cây cối chỉ với 1,8 triệu đồng - Ảnh 1.

Không gian ban công sau khi decor của gia đình chị Nguyễn Hằng.

Cặp vợ chồng trẻ Hà Nội tự decor cho ban công diện tích 2,2m² ngập sắc xanh của cây cối chỉ với 1,8 triệu đồng - Ảnh 2.
Cặp vợ chồng trẻ Hà Nội tự decor cho ban công diện tích 2,2m² ngập sắc xanh của cây cối chỉ với 1,8 triệu đồng - Ảnh 3.

Chậu cây tuyết sơn có giá 150k.

Ban công của gia đình chị Hằng có diện tích chiều rộng là 1 mét, dài khoảng hơn 2 mét. Hai vợ chồng đã tự đo bức tường trắng sau đó tính toán và đưa kích thước cho đơn vị bán tấm composite cắt từng tấm theo ý mình. Chi phí cho phần này hết khoảng 800k.

Để tiết kiệm 500k tiền lắp đặt thì chồng chị Hằng đã tự bỏ công sức cải tạo và decor lại toàn bộ từ dây điện tới cây xanh. Chị Hằng cho biết, khâu tạo hình chính là khó nhất để tìm được phong cách thiết kế cho phù hợp. Còn với các loại cây xanh thì hai vợ chồng lại khá đơn giản. Miễn xanh mát là được nên vừa mua vừa xin và sau thời gian sẽ tách cây trồng thêm sang các chậu. Tổng cây và chậu hết khoảng 1 triệu đồng.

Cặp vợ chồng trẻ Hà Nội tự decor cho ban công diện tích 2,2m² ngập sắc xanh của cây cối chỉ với 1,8 triệu đồng - Ảnh 4.
Phần cây cối hai vợ chồng mua hết chi phí là 1 triệu đồng.
“Để trông thêm thiên nhiên hơn nên trong 1 chuyến đi chơi suối ở Đà Bắc, Hòa Bình thì vợ chồng chị Hằng đã huy động 2 con của mình là 6-7 tuổi nhặt sỏi về. Chị Hằng thấy con rất thích thú chọn những viên sỏi đẹp sắc màu nên đã chuyển về căn hộ để decor hết.
Tới thời điểm hiện tại đã được gần 1 năm kể từ khi hai vợ chồng chị Hằng bắt tay vào cải tạo. Chị Hằng cho biết, mình cũng khá hài lòng với kết quả này. “Nhà mình còn 1 ban công sau bếp nơi để máy giặt, tủ đông, phơi quần áo, các thứ lung tung và ngồi giặt đồ khi cần. Sau khi dọn dẹp gọn gàng hơn, tách cây từ ban công trước nên mình lại có thêm 1 chỗ thư giãn mỗi khi ngồi giặt giẻ lau hay bóc hành bóc tỏi”.
Cặp vợ chồng trẻ Hà Nội tự decor cho ban công diện tích 2,2m² ngập sắc xanh của cây cối chỉ với 1,8 triệu đồng - Ảnh 5.
Ở ban công còn đủ chỗ bày 1 chiếc bàn gỗ để gia đình có thể ăn sáng.
Nếu hiện tại gia đình bạn cũng đang có 1 ban công mà chưa biết làm thì hãy thử decor và cải tạo lại như gia đình của chị Hằng xem. Biết đâu thành quả bất ngờ sẽ đến và bạn có thêm một góc sống ảo thật vui vẻ, hạnh phúc và an toàn phòng chống dịch khi ở nhà.
Cặp vợ chồng trẻ Hà Nội tự decor cho ban công diện tích 2,2m² ngập sắc xanh của cây cối chỉ với 1,8 triệu đồng - Ảnh 6.
Góc trồng cây xanh.
Cặp vợ chồng trẻ Hà Nội tự decor cho ban công diện tích 2,2m² ngập sắc xanh của cây cối chỉ với 1,8 triệu đồng - Ảnh 7.
Kệ gỗ đóng tường giúp treo được rất nhiều cây xanh.
Ảnh: NVCC / Theo Hồng Nhung / Nhịp sống Việt

Một thế kỷ thơ trào phúng Việt Nam

 Bước qua thế kỷ XXI, nhìn lại văn học trào phúng thế kỷ XX vẫn là điều cần thiết và cũng là yêu cầu chính đáng. Tiếng cười của thế kỷ đó tồn tại được là do sự xuất hiện của những cây bút trào phúng sáng giá. Thử hỏi, họ đã cười những gì trong thời đại mà họ đang sống?

Trước hết, “kính lão đắc thọ”, xin được mở đầu bằng nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909), quê ở Nam Định. Ông xứng đáng là bậc “tiên chỉ” trên vuông chiếu của nền văn học trào phúng thế kỷ XX. Tiếng cười của ông thâm trầm và kín đáo. Tưởng là cười cợt, bông lơn nhưng ẩn sau từng dòng chữ là những giọt nước mắt đau đời. Khi đất nước mất vào tay giặc Pháp, nhân cách lớn của Nguyễn Khuyến là không cộng tác với chúng, lấy cớ mắt lòa.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909)

Có lần, ông được mời vào trình diện công sứ Hà Nam, thực chất là để hắn kiểm tra thái độ chính trị. Cũng khăn áo chỉnh tề bước vào dinh, thay vì chào hắn, ông hướng vào mấy cây cột vái mấy cái rồi nói: “Lạy cụ lớn ạ!”. Mọi người bật cười. Ông xin lỗi mắt lòa, không trông thấy gì rõ cả. Viên công sứ giận tím người, nhưng làm sao bắt bẻ được.

Khi chứng kiến Hội Tây được tổ chức hằng năm trên đất nước ta thuở ấy – nhằm mừng ngày cách mạng Pháp (14.7.1789) ông chỉ thấy: “Bà quan tênh nghếch xem bơi trải/ Thằng bé lom khom ghé hát chèo/ Cậy sức cây đu nhiều chị nhún/ Tham tiền cột mỡ lắm anh leo” (Hội Tây).

Những câu thơ trào lộng này khiến ai đọc cũng ngậm ngùi, cũng tủi nhục, cũng đớn đau khi nhìn lại một giai đoạn bi đát của lịch sử nước nhà. Phải thấm nỗi đau, nỗi nhục ấy, Nguyễn Khuyến mới có thể hạ những câu như từng đường gươm sắc bén.

Nhà thơ Tú Xương (1870-1907) là người đời truyền tụng: “Kìa ai chín suối Xương không nát/ Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn”. Lời tiên đoán ấy không sai. Tú Xương nổi tiếng đến độ, người ta cho rằng đất Nam Định có hai đặc sản: “Đọc thơ Xương, ăn chuối ngự”.

Tú Xương đã để lại một bản lĩnh thơ, một sự nghiệp văn học để tạo nên cốt cách trào phúng và trữ tình – sau này, nhiều người cũng bắt đầu sự nghiệp văn học bằng chữ “Tú” của Tú Xương. Có lẽ, ông là người có nhiều “môn đệ” nhất: Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Tú Quỳ (Phan Quỳ), Tú Xơn (Tout seul: chỉ có một mình – Phan Khôi), Tú Nạc, Tú Sụn, Tú Trọc, Tú Da… rồi Tú Kếu (Trần Đức Uyển), Tú Lơ Khơ (Nguyễn Nhật Ánh), Tú Hợi (Lê Minh Quốc)…

Tiếng cười của Tú Xương sâu cay, phản ánh rõ nét những nhố nhăng của cái xã hội buổi giao thời Pháp-Việt. Chẳng hạn, đây là cảnh lễ xướng danh của khoa thi năm 1897: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ/ Ậm ọe quan trường miệng thét loa/ Cờ kéo rợp trời quan sứ đến/ Váy lê quét đất mụ đầm ra/ Nhân tài đất Bắc nào ai đó/ Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà”. Nghe mà ứa nước mắt.

Nhà thơ Tú Xương (1870-1907)

Trong số các “môn đệ” của Tú Xương, người nối danh không hổ danh thầy là Tú Mỡ (1900-1976). Tiếng cười độc đáo của ông là biết kế thừa cái hay của các sư phụ đi trước và từ ca dao, tục ngữ. Điều làm nên tên tuổi Tú Mỡ là ông đã cười rất ác vào cái ông nghị… gật mà trước và sau ông chưa có ai vượt qua nổi! Ông đã vẽ những bức chân dung bằng thơ với đường nét tiêu biểu nhất, không lẫn lộn với ai khác.

Chẳng hạn, đây là một đoạn trong cảnh khuếch trương của các ông nghị trước khi ra bầu cử, ta thấy có giọng châm biếm hài hước của Tú Xương: “Lẳng lặng mà nghe họ diễn thuyết/ Công tâm, công ích, lời tâm huyết/ Phen này mở hiệu viết văn thuê/ Dẫu chẳng làm giàu cũng đỡ kiết/ Họ quẳng tiền ra để cạnh tranh/ Nghe đâu mỗi vé một “rồng xanh”/ Phen này có lẽ mưa ra bạc/ Mà nghị viên ta khỏi phỗng sành” (Bầu cử). “Rồng xanh”: giấy bạc thời Pháp thuộc.

Không rõ, phong thổ của từng vùng đất có ảnh hưởng đến tâm tính hay không, chứ giáp tỉnh Nam Định ở phía Nam là huyện Lý Nhân (Hà Nam) lại có nhà thơ trào phúng nổi tiếng Kép Trà (1873-1923), tên thật Hoàng Thụy Phương, kém Tú Xương 3 tuổi. Hầu như không một quan tham nào ở Hà Nam thoát khỏi ngọn bút phê phán sắc bén của ông.

Sự kiện đáng kể nhất của Kép Trà là đã công khai tấn công bọn “áo mão” mị dân trong lễ kỷ niệm thi hào Nguyễn Du, tối ngày 10-8-1924 tại Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội). Bài thơ được truyền tụng nhiều nhất của ông là thuật lại buổi lễ đó: “Mấy chị đào non cười khúc khích/ Một đoàn mặt trắng huýt lung tung/ Tiên Điền, cụ hỡi hay chăng tá?/ Giỗ cụ, hương trầm bỗng thối hung” (Hỏi cụ Tiên Điền).

Phan Điện (1874-1945) là cây cười tiêu biểu của Hà Tĩnh. Giống như đàn anh Tú Xương, dù ông văn hay chữ tốt, nhưng khoa thi nào cũng… rớt vì phạm trường quy! Người đầu tiên cười vua bù nhìn Bảo Đại có lẽ là Phan Điện.

Khi nhà vua ra Bắc, đi ngang qua huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cùng với Nam Phương hoàng hậu, quan lại địa phương cho nam thanh nữ tú xếp hàng đầu rồi giàn hương án để rước đón. Con nít trong làng rủ nhau đi xem “mặt rồng” ầm ĩ nên làm đổ một bức tường, đè chết mấy trẻ nhỏ.

Trước sự kiện này, Phan Điện có bài thơ sâu cay: “Xiếc vùng Đức Thọ có vui không?/ Cóc nhái hôm nay được thấy rồng!/ Gái đạo phát tài cười tủm tỉm/ Trai lương phải tội chạy long đong/ Mề – đay xiết kể ơn hoàng thượng/ Tường đổ thương thay lũ tiểu đồng/ Đố biết vì ai nên nỗi thế?/ Vì quan sở tại khéo tâng công!” (Vì ai?).

Đi du lịch miền Trung, đến xứ Huế mộng mơ, chắc hẳn chúng ta sẽ nhớ đến hai câu thơ viết về Huế thuở nước nhà còn nô lệ: “Núi Ngự không cây cu ngủ đất/ Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời!”.

Đó là thơ của cây bút trào phúng đất Thần kinh: Nguyễn Khoa Vy (1881-1968), hiệu Thảo Am. Tương truyền, thuở nhỏ, có lần ông lẻn vào Tịnh tâm hái trộm trái cây, gặp lúc vua Thành Thái và thị vệ đang ngồi chơi. Biết đây là cậu học trò thuộc dòng khoa bảng Nguyễn Khoa nên nhà vua mới ra đề thử tài.

Làm thơ xong, vua khen hay và thưởng cho vài chiếc kẹo, Nguyễn Khoa Vy nhận ngay rồi quay lưng chạy. Lính lệ bắt lại ghép vào tội vô lễ với Hoàng thượng, Nguyễn Khoa Vy liền đọc bài thơ tạ tội: “Đang nghịch không ngờ lại gặp vua/ Còng lưng mà chạy rớt càng cua/ Bây giờ lại được vua ban thưởng/ Cảm tạ đâu nào dám “bonjour”! (Không đề).

Tiếng Pháp xen lẫn vào bài thơ tiếng Việt thật tự nhiên- cũng là phong cách cười kín đáo, tế nhị của người Huế vậy.

Vượt qua đèo Hải Vân vào Quảng Nam, có lẽ ta nên dừng chân lại tâm tình với nhà thơ Tú Quỳ (1828-1926). Thơ trào phúng của ông khá nhiều, tựu trung là đả kích cường hào ác bá và bài trừ mê tín dị đoan…

Chẳng hạn đối với những tên Việt gian, cộng tác với giặc Pháp thì ông chưởi xéo qua bài thơ Vịnh con bò khá độc đáo: “Vũ trụ không qua đồng cỏ tốt/ Sơn hà khó sánh miếng ăn no/ Thâm sơn ruộng thẳm dơ lưng cạch/ Cắm cổ lôi cày mặc kẻ lo”.

Đi dần vào phương Nam, ta ắt gặp Phan Văn Trị (1830-1910) không chỉ là một nhà thơ bút chiến số một của Nam kỳ, ông còn là cây bút trào phúng có bản sắc độc đáo. Ông đả kích không khoan nhượng với cái xấu, sự lươn lẹo của bọn Việt gian ngoi lên bằng con đường nịnh nọt giặc Pháp.

Hát bội là bài thơ tiêu biểu cho phong cách của ông: “Đứa ghẻ ruồi, đứa lác voi/ Bao nhiêu xiêm áo cũng trơ mòi/ Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc/ Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi/ Trên đỉnh có nhà còn lợp lọng/ Dưới chơn không ngựa lại giơ roi/ Hèn chi chúng nói bội là bạc/ Bôi mặt đánh nhau cú lại thoi”.

Còn có cả Học Lạc (1842-1915) nữa, tên thật Nguyễn Văn Học. Dù học giỏi nhưng thi không đậu, lại gặp lúc Pháp thực hiện chế độ giáo dục Pháp – Việt nên ông không tha thiết gì đến việc tiến thân bằng khoa cử nữa, bỏ về Mỹ Tho học nghề làm thuốc Bắc kiếm sống. Ngòi bút của ông tấn công không trực diện bọn hương chức tham nhũng qua các bài thơ vịnh Con tôm, Con trâu, Con chó chết trôi…

Và đây là một trong những bài thơ tiêu biểu của ông, dù viết về Ông làng hát bội nhưng ai cũng biết là Học Lạc ám chỉ ai: “Trong bụng trống trơn, mang cổ giữa/ Trên đầu trọc lóc, bịt khăn ngang/ Vào buồng gọi tổ, châu đầu lạy/ Ra rạp rằng con, nịt thắt mang”.

Hầu như xuyên suốt thế kỷ XX, ở vùng nào trên đất nước ta cũng có những cây cười tiêu biểu. Sau năm 1945 cho đến năm 1975 ở ngoài Bắc nổi lên những cây thơ trào phúng như Xích Điểu, Thợ Rèn, Nguyễn Đình, Sĩ Giang, Lã Vọng, Búa Đanh, Huyền Thanh, Chính Nghĩa, Búa Tạ, Đặc Công v.v… Tiếng cười của các cây bút này vẫn nặng về xây dựng lối sống  mới và chủ yếu là đánh kẻ thù xâm lược bằng những thủ pháp sắc sảo, có ấn tượng.

Xin giới thiệu một, hai cây bút tiêu biểu nhất, chẳng hạn, nhà thơ Xích Điểu (1913-2003), người Hà Nội. Ngòi bút của ông tập trung châm biếm kẻ thù và phê phán những biểu hiện tiêu cực trong xã hội.

Bài thơ Chống tiêu cực làng ta, ông phê thẳng tay: “Tưởng đâu thuở trước bọn văn nô/ Rơi rớt thời nay vẫn sót lò/ Anh bảo bút đây vì tập thể/ Thật ra bút bợ cá nhân to/ Bút bic anh xài đỏ đỏ đen/ Tô màu thành tích nỏ cần xem/ Chỉ cần đối tượng anh tâng bốc/ Luôn nhớ anh bằng những tiếng khen”…

Nhà thơ trào phúng Thợ Rèn, (1923-2008) tự nhận viết trào phúng để phục vụ nhiệm vụ chính trị kịp thời, phê phán cái xấu trong nội bộ.

Một bài thơ tiêu biểu của Thợ Rèn là Tết Tây: “Chúc trước tết Tây để tết ta/ Các quan liêm chính bớt ăn quà/ Nể lòng cấp dưới nên khôn nỡ/ Lòng vả lòng sung ta với ta/ Gần tết ngược xuôi khắp mọi miền/ Xe hơi rầm rập phố Trường Yên/ Thời trân thức thức trên xe ấy/ Biết chở về đâu? Lẽ tất nhiên!”.

Ngoài ra còn có thể kể thêm các anh tài khác như Bút Châm, Hạt Tiêu, Ong Mật, Mực Đỏ, Dương Quân, Thiện Chí…

Về các cây bút trào phúng miền Nam (1954-1975), hầu như chưa có chuyên luận nào đề cập đến. Có thể kể đến Tú Trọc, Hà Thượng Nhân, Cả Tếu, Ch. Số Zách, Trạng Đớp, Tú Kếu, Cung Văn, Tú Ngang… Thơ trào phúng của họ có lúc dám cà khịa cả chính quyền Sài Gòn. Và tất nhiên đã thơ trào phúng thì họ không thể bỏ qua các sự kiện thời sự.

Lướt qua thế kỷ thơ trào phúng của thế kỷ XX dẫu do dung lượng một bài báo chưa giới thiệu được trọn vẹn nhưng cũng đủ thấy cái kho kiến văn, cái tầm ngạo nghễ của trí thức nước ta quả thật là rộng lớn vô biên.

LÊ BẰNG HỮU / VanVN

Khi không có tiền, không có chống lưng, học ngay tư duy “bán chuối” của người Do Thái: Lật thân không khó, chỉ là bạn DÁM hay không!

Câu chuyện “bán chuối” của người Do Thái tuy đơn giản nhưng ẩn chứa hai cách kiếm tiền.

Tiền quan trọng như thế nào đối với một người? Người ta nói “tiền là vật ngoài thân”, nhưng bao nhiêu người có thể coi tiền như rác? Thực tế cho thấy, trong thời đại ham muốn vật chất quá mức như hiện nay, mọi thứ từ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống đến việc thực hiện ước mơ đều cần phải có tiền. Có thể nói tiền không phải là tất cả, nhưng không có tiền thì không thể làm được gì. Vì vậy, những người chưa bao giờ thực sự nghèo khó không thể đánh giá được tầm quan trọng của đồng tiền đối với một người, bởi đối với hầu hết mọi người, tiền là một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Tuy nhiên, thực tế thì luôn phũ phàng, không ít người làm việc vô cùng chăm chỉ để có cuộc sống tốt hơn, thậm chí cố gắng hết sức để kiếm tiền, nhưng số những người thực sự trở nên dư dả lại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Tại sao có những người lại khó trở nên giàu có, thậm chí còn ngày càng nghèo đi? Đa phần là do họ chỉ biết đánh đổi thời gian của bản thân lấy tiền bạc, mặc dù trong quá trình đó họ cũng có thể đạt được thứ gì đó nhưng quả thực rất khó để đạt được tự do về tài chính. Suy cho cùng, “tư duy nghèo” là lý do cơ bản khiến bạn không kiếm được tiền.

Vì vậy, nếu hiện tại bạn đang ở xuất phát điểm thấp, không có tiền và không có mối quan hệ, đừng vội tuyệt vọng hay từ bỏ bản thân, bài học về tư duy “bán chuối” của người Do Thái có thể sẽ mang lại cho bạn một số gợi ý và cảm hứng.

Trước khi bàn về tư duy “bán chuối” của người Do Thái, hãy nói xem bạn nghĩ gì về người Do Thái? Thực tế, khi nói về người Do Thái, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những từ như giàu có, khôn ngoan, thông minh… Không thể phủ nhận rằng người Do Thái giỏi kinh doanh, rất nhạy cảm với thời gian và con số, không keo kiệt tiền bạc, trong giáo dục, họ đặc biệt coi trọng việc đọc sách, chú trọng phát triển tư duy và trí tưởng tượng, tin rằng kiến ​​thức là món đầu tư tốt nhất, và cũng chính vì có những quan niệm này, nên việc làm giàu và trở thành doanh nhân thành đạt của người Do Thái trở nên dễ dàng hơn.

Khi không có tiền, không có chống lưng, học ngay tư duy “bán chuối” của người Do Thái: Lật thân không khó, chỉ là bạn DÁM hay không! - Ảnh 1.

Người Do Thái có một câu chuyện như này. Nhân vật chính của truyện, Yamer, là một nhân viên bán hàng ở một cửa hàng hoa quả, vì rất nghiêm túc trong công việc và thông minh nhanh nhẹn, nên anh được ông chủ hết mực yêu quý, vừa vào làm không lâu đã được thăng chức lên làm quản lý. Nhờ những phương pháp tiếp thị tuyệt vời của Yamer, thường xuyên phát triển nhiều hoạt động ưu đãi khác nhau để thu hút khách hàng, nên dưới sự quản lý của anh, công việc kinh doanh của cửa hàng trái cây ngày càng phát đạt, không chỉ tiếng tăm của cửa hàng trái cây được lan rộng ra mà những người dân lân cận cũng trở thành khách hàng thường xuyên.

Nhưng không phải lúc nào cuộc đời cũng thuận buồm xuôi gió. Khi cửa hàng kinh doanh trái cây đang rất phát triển, nhân viên vì bất cẩn nên đã để xảy ra hỏa hoạn tại kho chứa trái cây, ngọn lửa thiêu rụi nhiều hàng hóa, sau khi cứu hỏa kịp thời, 15 thùng chuối trong hàng mới được giữ lại. Tuy nhiên, do bị hun bởi lửa nên vỏ chuối thành ra có nhiều đốm đen nhỏ trông rất xấu xí. Yamer không còn cách nào khác là bán chuối với giá thấp hơn so với ban đầu. Giá ban đầu 5$/0.5kg chuối đã giảm xuống còn 3$, nhưng khi nhìn thấy quả chuối, khách hàng không hề mua dù giá có giảm gần một nửa. Thấy vậy, Yamer chỉ có thể tiếp tục giảm giá, nhưng vẫn không có ai chịu mua.

Vì vậy, để bán được chuối càng sớm càng tốt, Yamer đã nghĩ ra một phương pháp khác, anh nhận thấy chuối có mùi vị bình thường ngoại trừ phần vỏ xấu xí, nên anh quyết định cắt chuối thành từng miếng, cho vào các khay trái cây cùng nhiều loại trái cây khác và bán theo khay. Dần dần, một số khách hàng cũng để ý tới, một vài hộp chuối cũng đã được bán thành công, nhưng đáng tiếc là doanh số vẫn không đủ, Yamer cảm thấy tốc độ bán chuối có thể không theo kịp tốc độ chuối hư hỏng. Trong lúc cấp bách, Yamer nghĩ ra một kế hoạch khác, anh nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu nướng chuối, sau khi chuối được nướng, mọi người sẽ chỉ tập trung vào việc chuối nướng có ngon hay không, không còn quá để ý tới vỏ chuối xấu xí nữa. Yamer ngay lập tức bắt tay vào làm.

Bằng cách này, trong mùa đông lạnh giá và khắc nghiệt, chuối nướng của Yamer đã thu hút rất nhiều khách hàng, và ai cũng thấy nó rất ngon, giá chuối nướng cũng từ từ tăng lên 6$ so với giá ban đầu là 1$ một miếng. Sau cùng, Yamer đã kiếm được rất nhiều tiền nhờ món chuối nướng.

Khi không có tiền, không có chống lưng, học ngay tư duy “bán chuối” của người Do Thái: Lật thân không khó, chỉ là bạn DÁM hay không! - Ảnh 2.

Câu chuyện “bán chuối” tuy đơn giản nhưng ẩn chứa hai cách kiếm tiền.

01. Dám đổi mới và phá bỏ tư duy cố hữu

Đại đa số mọi người đều là kiểu “ngựa quen đường cũ”, chúng ta quen dùng tư duy vốn có của mình để nhìn nhận và giải quyết vấn đề, ngay cả khi gặp một vấn đề không giải quyết được, chúng ta vẫn không thể học cách linh hoạt, không thể phá vỡ những suy nghĩ vốn có. Người ta nói “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”, nếu con đường này không dễ đi, hãy chọn một con đường khác. Đừng giới hạn suy nghĩ của bạn. Thực tế, chìa khóa để trở nên giàu có không phải là chăm chỉ mà là sự linh hoạt của bộ não của bạn. Vì vậy, nếu bạn muốn trở nên giàu có, bạn phải dám đổi mới và cố gắng phá bỏ lối suy nghĩ cố hữu, học cách linh hoạt trong ý tưởng, chỉ có như vậy bạn mới có thể đặt ra được nền móng cho thành công.

02. Chuyển bị động thành chủ động

Trong quá trình theo đuổi sự giàu có, trong vô thức, nhiều người sẽ chọn cách trốn tránh khi gặp trở ngại, khó khăn, hoặc thụ động chờ đợi cơ hội xuất hiện, tuy nhiên, làm thế nào để chắc chắn rằng đó phải là cơ hội hay không? Có một câu nói rằng, cơ hội thường dành cho những người chuẩn bị sẵn sàng, nếu bạn muốn kiếm tiền, thay vì thụ động chờ đợi, tốt hơn nên chủ động. Chỉ bằng cách đá phăng sự thụ động, biến cơ hội kinh doanh và khách hàng thành thứ mà bạn có thể chủ động, bạn mới có thể kiếm tiền hiệu quả hơn. Vì vậy, học cách biến bị động thành chủ động, biến bất lợi thành lợi thế là một tư duy có lợi đáng để học hỏi.

Khi không có tiền, không có chống lưng, học ngay tư duy “bán chuối” của người Do Thái: Lật thân không khó, chỉ là bạn DÁM hay không! - Ảnh 3.

Nói tóm lại, khi bạn không có tiền và không có quan hệ, và bạn đang tuyệt vọng thì cũng đừng vội từ bỏ. Hãy học hỏi người Do Thái: dám đổi mới, phá bỏ lối suy nghĩ cố hữu, biết cách chuyển bị động thành chủ động, tự tạo cơ hội làm giàu phù hợp với mình và cuối cùng bạn sẽ gặt hái được thành quả.

Hy vọng bài viết này có thể truyền cảm hứng và giúp ích cho bạn.

Theo Thiên Vy / Doanh nghiệp và tiếp thị

Nguyễn Công Trứ và Minh Mạng: Chơi với vua như đùa với hổ

Có nhiều cách thức khác nhau để đánh giá vai trò của Nguyễn Công Trứ trong lịch sử Việt Nam. Dù là cách nào đi nữa thì dấu ấn và đóng góp của ông cho diễn trình lịch sử sơ kỳ hiện đại là không thể phủ nhận. Bài này gợi ra một góc nhìn khác về vai trò của ông trong cuộc chơi quyền lực và định hình chính trị ở Việt Nam đầu thế kỷ 19: Nguyễn Công Trứ trên bàn cờ quyền lực của Minh Mạng.

Đây là câu chuyện về quyền lực và thực hành chính trị ở Việt Nam đầu thế kỷ 19. Câu chuyện phản ánh cách thức sự thay đổi vương triều dẫn đến việc tái cấu trúc quyền lực ở tầng bậc cao nhất của nhà nước, làm thay máu hệ thống quan liêu trung ương và thay đổi cách thức điều hành nền hành chính. Nhà vua Minh Mạng lên ngôi năm 1820 với tham vọng tập trung hóa quyền lực, ổn định xã hội, thống nhất lãnh thổ và hệ thống cai trị vùng miền. Nỗ lực này thách thức giới quan liêu địa phương và các tướng lĩnh quân sự đầy quyền lực từng phụng sự Gia Long, vì thế Minh Mạng cần những gương mặt mới cho trật tự quyền lực mà ông đang xác lập. Trong khung cảnh đó, ông tìm thấy Nguyễn Công Trứ.

Nguyễn Công Trứ và trật tự quyền lực của Minh Mạng

Nguyễn Công Trứ gia nhập vào thế giới chính trị trong khung cảnh đặc biệt của cá nhân, thời đại và triều đại. 41 tuổi ông mới tham gia quan trường. “Hài lòng” với việc đứng hạng nhất ở trường thi Hương Nghệ An (1819), ông tuyên bố trong chính bài thi rằng mình “may mắn sinh vào thời của thánh nhân, nguyện làm nhà Nho quân tử” (Bài Văn sách của ông tại trường thi Hương Nghệ An). Dù đến “muộn” trong thời đại của Gia Long, Nguyễn Công Trứ xuất hiện một cách hoàn hảo trong thế giới của Minh Mạng.

Sự thay đổi triều đại từ Gia Long đến Minh Mạng chính là bước ngoặt quan trọng làm nên vận mệnh chính trị của Nguyễn Công Trứ, biến ông thành một mắt xích quan trọng trên bàn cờ quyền lực đầu thế kỷ 19 giữa một bên là Minh Mạng và những trí thức thân tín mới được đào tạo với một bên là thể chế vùng miền cùng các tướng lĩnh quân sự và khai quốc công thần quyền uy. Thành công của ông là khả năng can dự vào trật tự của Minh Mạng, đặc biệt là trong thập kỷ cầm quyền đầu tiên của nhà vua (1820-1831). Ông thể hiện mình là một trong những quan chức năng nổ nhất của thập kỷ này. Tuy nhiên Công Trứ nhanh chóng mất đi ảnh hưởng ở thập kỷ sau đó khi mà chính trường ở Huế trở nên chật chội, khi mà lớp tiến sĩ mới do chính tay Minh Mạng chọn lựa và đào tạo bắt đầu kiểm soát hệ thống quan liêu thì một người với những ý tưởng táo bạo như Nguyễn Công Trứ đã không thể thâm nhập sâu hơn vào hệ thống ngày càng quan liêu hóa (dù phẩm hàm của ông lên đến nhị phẩm).

Điều này được lí giải vì Nguyễn Công Trứ là một quan chức cấp chiến thuật chứ không phải chiến lược. Dù phẩm hàm cao, ông chưa bao giờ tham dự Nội các hay Cơ Mật Viện, và được Minh Mạng sử dụng chủ yếu trong các nhiệm vụ chiến thuật và thử nghiệm chính trị, quân sự. Vì điều này, trong nhiều năm, Minh Mạng tìm cách giữ Nguyễn Công Trứ ở bên ngoài triều đình, phái ông vào các sứ mệnh hành chính và quân sự địa phương, đồng thời sử dụng công cụ thăng, giáng liên tục để “kiềm chế” cái “ngông” của ông và gắn ông với những điểm nóng và sự vụ đương thời.

Người điều phối các quân cờ này: Nguyễn Phúc Đảm sinh năm 1791, là hoàng tử thứ 4 của Gia Long, là con thứ phi tuy nhiên đến năm 1802, ông là người con trai lớn tuổi nhất còn sống. Đây là diễn biến không ngờ của trật tự kế vị (ĐNLT, 2: 17b-19b; ĐNTL, I, 48: 6a). Từ vị thế số 4 (thậm chí là số 5, sau con trai của hoàng tử Cảnh), Minh Mạng trở thành một trong hai lựa chọn hàng đầu cho ngai vàng. Cuộc chiến năm 1816 cho ngôi vị thái tử phủ bóng đen lên triều đình Huế với cái chết của Nguyễn Văn Thành và sự tan rã của phe trí thức Bắc Hà. Tuy nhiên, với vị vua này, cuộc chiến mới chỉ bắt đầu.

Trong nhiều năm, Minh Mạng tìm cách giữ Nguyễn Công Trứ ở bên ngoài triều đình, phái ông vào các sứ mệnh hành chính và quân sự địa phương, đồng thời sử dụng công cụ thăng, giáng liên tục để “kiềm chế” cái “ngông” của ông và gắn ông với những điểm nóng và sự vụ đương thời.

Khi bước vào điện Thái Hòa ngày 14/2/1802, Minh Mạng ở tuổi 30 và là một trong những ông vua được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất của vương triều này, được những trí thức lớn như Đặng Đức Siêu, Ngô Đình Giới đào tạo, và am hiểu lịch sử chính trị, hành chính Trung Hoa. Tuy nhiên, đối thủ và thử thách đang chờ đón ông cũng không tầm thường. Lịch sử đã không diễn ra một cách dễ dàng như Minh Mạng hình dung. Sẽ phải mất 16 năm (tức ¾ toàn bộ thời kỳ trị vì) để ông thực hiện dự án nhà nước và dự án đế chế của mình nhằm xác lập tập trung quyền lực, thống nhất lãnh thổ, hành chính.

Nhà vua với những ý tưởng chính trị lớn, vì thế bị cô lập trên chính vương quốc của mình và buộc phải đào tạo một thế hệ nho sĩ mới, những người trung thành với ông và hiểu được những ý tưởng chính trị lớn mà ông sắp triển khai. Ông cũng cần “gài người” vào các trung tâm quyền lực ở vùng châu thổ sông Hồng và sông Mekong để từng bước kiểm soát hai hệ thống hành chính tự trị này. Nhà vua tìm thấy Nguyễn Công Trứ một ứng viên sáng giá cho việc cử tới Bắc Hà. Lịch sử gia đình, tuổi thơ, sự nghiệp học hành, các mối quan hệ cá nhân của Trứ là một lí lịch hoàn hảo cho sứ mệnh này.

Tại sao là Nguyễn Công Trứ?

Ông có liên hệ mật thiết với hai nhóm trí thức ở Quỳnh Côi và Nghi Xuân. Cha ông, Nguyễn Công Tuấn (1716–1800) từng làm tri huyện Quỳnh Côi (Thái Bình) và tri phủ Tiên Hưng (Thái Bình) (Lê Xuân Giáo, 1973: 3–4). Nguyễn Công Tuấn và Nguyễn Nghiễm (1708–1775) đều từ Nghi Xuân, giữa hai gia đình vì thế có thể tồn tại các mối liên hệ khi cùng làm quan ở châu thổ sông Hồng. Tuy vậy, khoảng năm 1790, Nguyễn Công Tuấn đưa Nguyễn Công Trứ về Nghệ An và bắt đầu một cuộc sống nghèo khó. Những năm tháng này giúp Công Trứ có được góc nhìn, tầm vóc tri thức, và kinh nghiệm xã hội từ giới tinh hoa cũng như cuộc sống gắn chặt với các làng quê của người nông dân, đặc biệt là gắn liền với những biến động của vùng đất Nghệ An thời Tây Sơn và Gia Long.

Trong vòng 11 năm (1821-1832), Nguyễn Công Trứ được thăng từ Hàn lâm viện Biên tu (7A) lên Tham Tri (2B) và Thự Tổng đốc Hải Yên (2A, 54 tuổi) (MMCB, 3: 122). Chánh nhị phẩm (2A) cũng là phẩm cấp cao nhất trong sự nghiệp của ông. Quá trình này không hề thua kém những “ngôi sao” chính trị hàng đầu thời Minh Mạng. Hà Tông Quyền đỗ Tiến sĩ 1822 (24 tuổi). Được cử đi làm Tri phủ Tân Bình, Tham hiệp Quảng Trị trước khi rút về làm việc tại các bộ và sau đó là Nội các. Sau sáu năm, đến 1828, Hà Quyền lên Hữu Thị lang Lễ bộ kiêm lĩnh Thái thường tự; năm 32 tuổi làm thự Hữu tham tri Công bộ (hàm 2B). Phan Bá Đạt đỗ Tiến sĩ năm 1822 (29 tuổi), lên hàm 2B (tòng nhị phẩm) với chức Tham tri Hình bộ (38 tuổi) và Tả phó đô ngự sử (39 tuổi).

Thành công của Nguyễn Công Trứ là dù “xuất phát chậm” nhưng có khả năng tiếp cận nhanh vào hệ thống quyền lực ở Huế, đặc biệt là quá trình thăng tiến nhanh và suôn sẻ trong thập kỷ đầu tiên phục vụ Minh Mạng. Đó là khi vị Hoàng đế đang cần một nhóm văn thần mạnh làm chỗ dựa cho cuộc cải cách chính trị, thay thế dần quyền lực của giới quân sự. Sự chuyển giao thế hệ này là một cơ hội cho Nguyễn Công Trứ bởi Minh Mạng ưa thích những văn quan sẵn sàng xả thân. Chính trong nỗ lực tìm kiếm các văn quan “dấn thân” này, Nguyễn Công Trứ xuất hiện. Minh Mạng gọi ông là “nho tướng” (儒將), tên gọi cho thấy kỳ vọng của Minh Mạng vào Trứ và vị trí mà nhà vua dành cho ông trên bàn cờ chiến lược, hành chính của mình (ĐNTL, II, 219: 21b).

Nguyễn Công Trứ như một cánh tay nối dài của Minh Mạng

Trên ngai vàng, chính sử mô tả vị hoàng đế là một ông vua tự tin, quyết đoán. Tuy nhiên, trong hơn một nửa thời gian cầm quyền đầu tiên, nhà vua cho thấy một gương mặt khác: bất an, thận trọng, thường xuyên bị ám ảnh bởi các thách thức an ninh và quản trị quốc gia (ĐNTL, II, 104: 31a). Xuất thân của ông, cuộc chiến ngai vàng, và cai trị giữa một thế giới các quyền thần để lại dấu ấn lên sự lo lắng của nhà vua, đặc biệt là nỗ lực của ông nhằm tái cấu trúc hệ thống hành chính, tập trung hóa nhà nước, lãnh thổ. Những gì diễn ra sau đó là ngày tháng “mất ăn mất ngủ”, như chính nhà vua tuyên bố vào mùa đông 1833 với bạo loạn, xâm lược của Siam và bùng bổ xung đột xã hội.

Nhà vua cần các quan chức có thể chia sẻ những ý tưởng này, không chỉ ở hoàng cung, mà còn nơi chiến trường, những viên chức có thể đưa vào thử nghiệm các dự án chính trị táo bạo, đặc biệt là những người có thể tạo ra sự thay đổi ở các địa phương.

Đó là mùa thu năm 1825, vị hoàng đế đang tức giận với các viên chức phủ Thừa Thiên, những người để trộm cắp lan tràn ngay tại kinh thành. Nguyễn Công Trứ được chuyển từ Hình bộ về làm Phủ Thừa (hàm 4A) (ĐNTL, II, 34: 11a-b). Chúng ta không biết gì nhiều về điều gì đã diễn ra, tuy nhiên, ba tháng sau, có vẻ như ông đã tạo ra sự khác biệt, và làm hài lòng vị hoàng đế, vì thế được chuyển làm Tham hiệp Thanh Hóa – một điểm nóng an ninh khác với sự nổi dậy của những người ủng hộ nhà Lê và các nhóm dân miền núi dọc theo Thanh Hóa-Ninh Bình. Sau khi Nguyễn Công Trứ nghỉ tang mẹ và quay lại nhậm chức, chính nhà vua tuyên bố: “Trước kia hai trấn Thanh Nghệ trộm cướp nổi nhiều, vì trấn thần vỗ về chống giữ có phương pháp, dân nhiều người ra sức, bắt được 8, 9 phần 10 kẻ phạm, như thế thì dân ta có phụ gì triều đình đâu. Nay ngươi đến bảo rõ đức ý của triều đình, chiêu tập những dân xiêu tán, tiễu trừ những đảng giặc sót để cho biên phương yên lặng lâu dài, ấy là điều trẫm mong đợi” (ĐNTL, II, 41: 17b).

Trải nghiệm của Minh Mạng, Nguyễn Công Trứ với tư cách là các chính trị gia và người làm chính sách chắc chắn đã không chỉ dừng lại ở thế kỷ 19. Việc nhận diện thời cuộc, xây dựng dự án chính trị, quản trị lãnh thổ, nhà nước, tương tác trung ương với địa phương, và sự giám sát của chính quyền nhà nước đối với chính quyền vùng luôn là điều không dễ dàng trên mảnh đất hình chữ S.

Đảm nhận hai chức vụ trong vòng 9 tháng, Ngyễn Công Trứ đã chứng minh là một quan chức có năng lực dẹp loạn, bình định an ninh. Ông cho thấy năng lực giải quyết được vấn đề ám ảnh hàng đầu của Minh Mạng, và là lí do của quá trình thăng tiến nhanh chóng. Mùa đông năm 1826, khi biết tin ông bị ốm ở Quảng Trị, trên đường đi công cán, Minh Mạng đã cử thái y đến chữa bệnh (MMCB, 20: 112). Ông cũng được tặng bạc vào hai lần khác (1826, 1832) mà không có lí do cụ thể (ĐNLT, 20: 8b-9a). Tuy nhiên, điểm đến tiếp theo của ông là không hề dễ dàng: Bắc Thành.

Lập lại trật tự ở Bắc Thành

Sau cái chết của Lê Chất (1826), vùng đất này đang chìm trong bạo lực. Sau nhiều lần vỡ đê từ năm 1824, các cuộc bạo loạn quy mô xuất hiện, đặc biệt là nổi dậy của Phan Bá Vành. Trong sứ mệnh này, Nguyễn Công Trứ được phái ra Bắc, phụ trách Hình tào, tâm điểm của nền hành chính tha hóa. Gần một thập kỷ sau đó, Nguyễn Công Trứ sẽ phục vụ như một cánh tay nối dài của Minh Mạng trong một dự án chính trị, quân sự lớn làm thay đổi toàn bộ cấu trúc hành chính vùng châu thổ.

Những năm 1826 đến 1831 là cuộc chiến của Minh Mạng ở Bắc Thành, nơi mà tính khốc liệt không hề thua kém những gì ông đã trải qua ở Gia Định. Cướp biển ở miền duyên hải, các nhóm dân tộc thiểu số ở phía Bắc và Tây, trong khi các nhóm ủng hộ nhà Lê chiếm giữ dải đất miền núi và trung du từ Thanh Hóa ra Ninh Bình, âm mưu thâm nhập vào vùng châu thổ. Hệ thống quản trị hành chính yếu kém của chính quyền cấp thành ở Hà Nội làm cho tình hình trở nên tồi tệ với thiên tai, nạn cường hào và lũng đoạn thuế khóa. Điều này đẩy hàng vạn dân đói, mất đất và nạn nhân của các trận lụt ở “rốn lũ” Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình chạy xuống duyên hải phía nam (Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình), gây ra những sức ép kinh tế lớn và gia tăng bạo lực xã hội.

Đáp lại, Minh Mạng tự mình xem xét hàng trăm vụ án ở Bắc Thành với số phạm nhân lên tới 800-900 người. Năm 1826 chẳng hạn, có 490 án, 930 người bị giam (ĐNTL, II, 40: 18b-19a). Tình trạng quan chức tha hóa là nỗi ám ảnh của nhà vua. Ông phàn nàn trong một đạo dụ rằng “Gần đây nghe nói viên ty và thư lại các tào bắt chước nhau, liên kết bè đảng, nhiều người ăn của lót mưu lợi riêng, công việc tự ý mình làm nặng mà nhẹ, mà Hình tào càng tệ hơn” (ĐNTL, II, 43: 3b).

Không như kỳ vọng của nhà vua, các viên chức ông cử tới gặp vấn đề lớn trong việc xâm nhập vào hệ thống hành chính địa phương, từ cấp tào cho đến dinh trấn, phủ huyện. Thất bại của các nỗ lực này ở Nam Định là một ví dụ rõ ràng (ĐNTL, II, 45: 2b). Ít nhất có ba lần năm 1827, nhà vua yêu cầu các quan chức Bắc Thành gửi báo cáo mật trực tiếp về hoàng cung về tình hình quân sự, quan lại, và dân chúng (ĐNTL, II, 43: 16b, 25a-b). Minh Mạng đang cần những nhân vật có khả năng kiểm soát vấn nạn chính trị quan liêu này và xác lập lại trật tự tại địa phương. Nguyễn Công Trứ là một trong số ít có đủ khả năng chia sẻ được những ý tưởng của nhà vua, đặc biệt là giúp ông giải quyết các điểm nóng trên vùng châu thổ, như ông đã làm ở Thừa Thiên và Thanh Hóa.

Nhiệm vụ của Nguyễn Công Trứ tập trung vào việc xử lí tệ nạn ở Hình tào, dẹp loạn Phan Bá Vành, giải quyết dân lưu tán ở Thái Bình, Nam Định, tổ chức khai hoang, sắp đặt lại vùng ngập Hải Dương, và cuối cùng là quản lí hệ thống an ninh vùng duyên hải. Lời dụ của Minh Mạng cho Nguyễn Công Trứ đầu năm 1827 viết, “sau này có việc gì khẩn yếu, cho được làm tờ nói thực, niêm phong tâu thẳng” (ĐNTL, II, 43: 24b).

Được nhà vua ‘bật đèn xanh’, Nguyễn Công Trứ đã thực hiện một cuộc thí điểm chính trị quan trọng ở vùng đông nam châu thổ sông Hồng, trong đó tập trung vào ba khía cạnh chính:

Thứ nhất, thúc đẩy một chính quyền mạnh tay với những kẻ nổi loạn, như chính ông đã thực hiện ở Thừa Thiên, Thanh Hóa, Nam Định, và Hải Dương.

Thứ hai, ông coi “lại dịch tham ô” là căn nguyên của nền hành chính yếu kém. Giải pháp của ông có thể làm những người làm chính sách ở Việt Nam hiện tại ngỡ ngàng: “thải bỏ những người hèn kém bớt đi một nửa, và cho thêm lương, để giữ thanh liêm” (ĐNTL, II, 51: 8a-b). Cùng với cường hào lũng đoạn làng xã, ông coi đây là nguyên nhân căn bản của bạo lực xã hội Bắc Kỳ.

Thứ ba là một dấu ấn lớn của Nguyễn Công Trứ trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ 19: khai hoang, xác lập làng cho dân lưu tán. Ông nhận thức lưu dân là vấn nạn lớn ở châu thổ trong nhiều thập kỷ, đặc biệt như ông chứng kiến ở Nam Định, Hải Dương, Thái Bình. Ông đã nhìn thấy tình trạng dân lưu tán là căn nguyên của nhiều vấn nạn xã hội và tìm cách xác lập họ trong những vùng mới khai hoang. Trong địa hạt này, ông đã tìm thấy tiếng nói chung với Minh Mạng, nhờ đó hàng nghìn gia đình được xác lập dọc theo duyên hải đông nam châu thổ sông Hồng (ĐNTL, II, 51: 11a-b).

Trớ trêu là sự năng nổ và các ý tưởng táo bạo của Nguyễn Công Trứ đã tạo ra chướng ngại cho chính ông trong việc gia nhập vào trung tâm của hệ thống quan liêu ở Huế.

Minh Mạng và các quan chức tán đồng với phân tích tình hình của Nguyễn Công Trứ, bao gồm vấn đề dẹp loạn, cường hào, khai hoang. Mặc dù vậy việc can thiệp sâu rộng vào các làng xã dường như quá mạo hiểm đối với Huế. Hệ thống quan liêu ở Huế rất cảnh giác với các làng xã Bắc Hà, nơi có những cư dân “không thân thiện” với triều đình. Theo họ, những vấn đề ông nêu chỉ là cá biệt, do người thực thi chứ không phải tại hệ thống, vì thế không cần thiết xác lập thêm các thiết chế mới.

Minh Mạng tỏ ra tỉnh táo hơn. Ông chia sẻ với Nguyễn Công Trứ nỗi ám ảnh về tình hình an ninh, và vì thế bảo trợ cho vị quan này trong nhiều sáng kiến hành chính. Tuy nhiên nhà vua là một người cẩn trọng, không muốn có bất cứ sự xáo trộn lớn nào về mặt chính sách, vì thế đồng ý cho tiến hành những thử nghiệm quy mô nhỏ, mức độ vừa phải.

Cuối cùng, ý nghĩa lớn nhất của câu chuyện về Nguyễn Công Trứ không nằm ở chỗ vinh danh hay tán dương quá khứ mà là điều chúng ta có thể học được từ tiền nhân trong cách thức quản trị nhà nước và xã hội trong những năm tháng mà một lãnh thổ Việt Nam thống nhất mới được định hình. Trải nghiệm của Minh Mạng, Nguyễn Công Trứ với tư cách là các chính trị gia và người làm chính sách chắc chắn đã không chỉ dừng lại ở thế kỷ 19. Việc nhận diện thời cuộc, xây dựng dự án chính trị, quản trị lãnh thổ, nhà nước, tương tác trung ương với địa phương, và sự giám sát của chính quyền nhà nước đối với chính quyền vùng luôn là điều không dễ dàng trên mảnh đất hình chữ S. ¨

Theo VŨ ĐỨC LIÊM / TẠP CHÍ TIA SÁNG

Việt Nam bất ngờ được gọi là “Con hổ châu Á mới”, Campuchia cũng được xướng danh

Việt Nam bất ngờ được gọi là "Con hổ châu Á mới", Campuchia cũng được xướng danh
Việt Nam và Campuchia có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh như nhóm 4 nền kinh tế từng được mệnh danh là “Con hổ Châu Á” trong thế kỉ trước.
Kinh tế Việt Nam phát triển mạnh

Mới đây, tờ Business Times (Singapore) đã đăng tải một bài viết với tiêu đề “Việt Nam: Con hổ châu Á mới”. Trong bài viết này, BT nêu một số lí do để chứng minh rằng Việt Nam có những điều kiện và tiềm năng để trở thành nền kinh tế có triển vọng trong khu vực.

Theo bài viết, dù từng nằm trong số các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, nhưng nền kinh tế Việt Nam hiện đang phát triển vượt bậc và Ngân hàng Thế giới (WB) mô tả đây là một trong những quốc gia năng động và mới nổi nhất trong toàn bộ khu vực Đông Á.

Việt Nam ghi nhận mức tăng tổng sản phẩm quốc nội 2,6% vào năm 2021 và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch dự kiến sẽ tăng tốc trong năm nay. DBS Group Research dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 8% vào năm 2022, được củng cố bởi chính sách tiền tệ phù hợp.

Báo cáo Tài sản mới nhất của Knight Frank ước tính có khoảng 19.500 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao ở Việt Nam vào năm 2020, được xác định là những người có tài sản ít nhất 1 triệu USD. Đến năm 2025, con số đó dự kiến sẽ tăng gần 25% lên 25.000 người.

Từ xe đạp đến những chiếc ô tô sang trọng, từ những ngôi nhà rơm đến những căn hộ hào nhoáng, cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã trải qua một sự thay đổi ngoạn mục trong 30 năm qua. Nhiều công ty Singapore, bao gồm CapitaLand và Keppel, đã đầu tư mạnh vào quốc gia này khi họ tìm thấy những cơ hội và tiềm năng mới.

Một số nét đáng chú ý nhất về Việt Nam có thể kể tới:

1. Của cải tăng mạnh
Việt Nam bất ngờ được gọi là Con hổ châu Á mới, Campuchia cũng được xướng danh - Ảnh 1.

Số lượng người siêu giàu ở Việt Nam đang gia tăng và có xu hướng tiêu thụ những mặt hàng xa xỉ.

2. Đầu tư cho khởi nghiệp
Việt Nam bất ngờ được gọi là Con hổ châu Á mới, Campuchia cũng được xướng danh - Ảnh 2.

Việt Nam từ lâu đã được biết đến là nơi ngành lập trình phát triển mạnh ở Đông Nam Á. Tại đây, các công ty có thể tìm kiếm những nhân tài với mức lương phù hợp để tăng cường phát triển công nghệ cho công ty của mình.

3. Năng lượng tái tạo
Việt Nam bất ngờ được gọi là Con hổ châu Á mới, Campuchia cũng được xướng danh - Ảnh 3.

Ảnh: PIXABAY

Việt Nam hiện là quốc gia có lượng điện mặt trời nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào hiện nay với 16,6 gigawatt công suất đã đi vào sử dụng tính đến năm 2020.

4. Thiếu người lao động trong ngắn hạn
Việt Nam bất ngờ được gọi là Con hổ châu Á mới, Campuchia cũng được xướng danh - Ảnh 4.

Ảnh: BLOOMBERG

Các doanh nghiệp và nhà máy trên khắp Việt Nam vẫn đang tuyển dụng trở lại để bù đắp tình trạng thiếu lao động do Covid gây ra, làm giảm sản lượng.

5. Thu hút dòng vốn
Việt Nam bất ngờ được gọi là Con hổ châu Á mới, Campuchia cũng được xướng danh - Ảnh 5.

Ảnh: CAPITALAND

Việt Nam đang thu hút vốn từ các công ty bất động sản ở Singapore, bao gồm CapitaLand, Keppel và Mapletree Logistics Trust.

6. Nhu cầu xây dựng
Việt Nam bất ngờ được gọi là Con hổ châu Á mới, Campuchia cũng được xướng danh - Ảnh 6.

Ảnh: AFP

Ngành xây dựng Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2022 khi một số dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn chuyển qua các giai đoạn phát triển khác nhau.

Không chỉ báo nước ngoài, mà công ty trong nước cũng có nhận định khả quan về tương lai kinh tế Việt Nam. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV (BSC) cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ cả về chất và lượng trong năm 2021 và xu hướng sẽ tiếp tục trong năm nay.

Công ty cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi theo con đường của các nền kinh tế được mệnh danh là “con hổ châu Á” cách đây khoảng 25-30 năm, bao gồm Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Theo công ty này, trong năm 2022, thị trường nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng tăng điểm nhờ các yếu tố cơ bản là yếu tố vĩ mô, doanh nghiệp và dòng tiền. BSC cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và gói kích thích kinh tế được thông qua sẽ giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng sau khi kiểm soát được đại dịch COVID-19.

Trong một kịch bản tích cực, GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lần lượt là 6,6% và 7% vào các năm 2022 và 2023. Do đó, lợi nhuận của các công ty niêm yết được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ nhờ hoạt động sản xuất và tiêu thụ phục hồi.

Trong khi đó, việc các nước và khu vực lớn tiếp tục phát triển sau đại dịch sẽ tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phục hồi và mở rộng các hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết.

Campuchia trên đà bứt phá

Không chỉ Việt Nam, mà Campuchia cũng nằm trong tầm ngắm của các tổ chức tài chính và doanh nghiệp thế giới.

Theo Newsweek, Campuchia đang trên con đường trở thành “Con hổ châu Á” tiếp theo.

Ford Motors gần đây đã thông báo rằng họ đang xây dựng một nhà máy lắp ráp trị giá 21 triệu USD tại tỉnh Pursat của Campuchia. Và hội nghị thượng đỉnh kinh doanh trực tuyến đã cho thấy hoạt động kinh doanh ở Campuchia khá dễ dàng đối với các công ty Mỹ trên nhiều lĩnh vực – từ năng lượng đến sản xuất và dịch vụ tài chính đến chăm sóc sức khỏe.

Việt Nam bất ngờ được gọi là Con hổ châu Á mới, Campuchia cũng được xướng danh - Ảnh 7.

Ngân hàng Phát triển Châu Á lần đầu tiên gọi Campuchia là “Con hổ Châu Á mới” vào năm 2016. Hai năm trước đó, Ngân hàng Thế giới cho biết: Từ năm 2004 đến năm 2011, tăng trưởng kinh tế Campuchia là rất lớn, xếp hạng tốt nhất trên thế giới. Hơn nữa, tiêu dùng hộ gia đình tăng gần 40%. Và sự tăng trưởng này hỗ trợ người nghèo rất tốt – không chỉ làm giảm bất bình đẳng, mà còn thúc đẩy mức tiêu dùng của người nghèo nhanh hơn các tầng lớp khác”.

Campuchia đã mở rộng nền kinh tế nước này với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 7%. Tuy nhiên, cũng giống như Những con hổ châu Á ban đầu hồi những năm 1960 – Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore – sự phát triển của Campuchia mang tính chiến lược và ổn định.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry, Campuchia đã không bị suy thoái trong 30 năm qua, kể cả trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990, sự bùng nổ của bong bóng dot-com vào năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Việc Campuchia chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đã được lên kế hoạch tốt, với sự tăng trưởng đi kèm với tiến bộ xã hội đáng kể. Ngày nay, khoảng 13,5% người Campuchia sống dưới mức nghèo, vẫn còn quá cao nhưng khác xa so với cảnh nghèo đói tới khủng hoảng mà thế giới đã biết đến cách đây 40 năm.

Đối với nhiều người, Campuchia là một quốc gia hứng chịu nhiều hậu quả chiến tranh, nhiều người là nạn nhân của chế độ độc tài tàn bạo của Khmer Đỏ – khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng và một triệu người khác bị thương tật vĩnh viễn.

Hiện tại, 37,5% người Campuchia – khoảng 6,2 triệu người – được sinh ra sau khi Khmer Đỏ bị lật đổ vào năm 1979. Đối với họ, Campuchia là một vùng đất hứa và sẽ có sự phát triển vượt bậc.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của Campuchia nhờ phần lớn vào du lịch, hàng dệt may và sản xuất hàng may mặc. Ngành xây dựng đã bùng nổ, tạo ra những công việc chất lượng cao trong các ngành nghề có tay nghề cao.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ xô đến các nhà máy mở tại Campuchia và tận dụng các hiệp định thương mại với Mỹ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc. Tỷ lệ việc làm của Campuchia là hơn 90%, và mức sống đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Campuchia đã phát triển một khuôn khổ pháp lý và quy định khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước. Chính phủ Campuchia đã đưa ra các ưu đãi thuế, các đặc khu kinh tế và giảm chi phí hậu cần, tất cả đều hấp dẫn đối với các doanh nghiệp muốn tiếp cận các thị trường lớn của Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu.

Tại Campuchia, các công ty có thể là 100% vốn nước ngoài, vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài có thể sử dụng lực lượng lao động có trình độ học vấn của Campuchia mà không cần phải tìm đối tác địa phương.

Với những ưu thế và tiềm năng lớn, Campuchia và Việt Nam đều có nhiều yếu tố để bứt phá mạnh trong thời gian tới. Đây chính là tiền đề cho quá trình hiện đại hóa, nâng cao vị thế quốc gia của cả hai nước và tiến gần hơn tới hình ảnh “Con hổ châu Á” thời đại mới.

Theo Doanh Nghiệp & Tiếp Thị