QUẢNG NAM – Căn nhà vừa truyền thống vừa hiện đại nằm giữa cây xanh, hồ cá và khoảng sân trống cho gia chủ chỗ “trốn phố” như mong muốn.
Ngôi nhà trên khu đất 1.450 m2 được xây dựng ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) được dùng làm nơi nghỉ ngơi mỗi cuối tuần của một gia đình sáu người.
Mục tiêu của nhóm thiết kế là tạo ra không gian sống thư giãn và gần gũi với thiên nhiên nên công trình được đặt ở phía cuối cạnh dài của khu đất để tạo khoảng sân rộng phía trước với cây xanh, hồ cá.
Bốn mặt nhà đều được tiếp xúc với sân vườn. Tất cả không gian đều có cửa mở ra khoảng xanh, luôn nhận được ánh sáng, gió trời và kết nối con người với thiên nhiên.
Về hình thức, công trình gợi lại những ngôi nhà ở nông thôn qua mái dốc, hàng hiên. Các khối nhà đều chỉ một tầng nhưng lại có độ cao khác nhau, tạo nên nét hiện đại và khác biệt cho công trình.
Bên trong, các không gian chức năng chính được bố trí ở hướng gió chính của ngôi nhà.
Phòng khách và phòng ăn là khối nhà trung tâm, kết nối các không gian chức năng phụ. Khu giặt phơi và kho nằm cuối hành lang.
Thay vì những đường nét thẳng, cứng bên ngoài, các ô cửa trong nhà có dạng vòm với mục đích làm mềm không gian và tạo sự tương phản.
Vật liệu, nội thất và đồ trang trí cũng được tiết chế nhằm đem tới cảm giác sáng sủa, gọn gàng.
Một điều khác biệt so với nhiều công trình khác là hồ bơi được đặt cạnh phòng ngủ lớn cuối nhà.
Nhờ đó, căn nhà mở nhưng vẫn đảm bảo riêng tư cho người ở. Công trình hoàn thiện năm 2020.
Minh Trang /Ảnh: Quang Dam /Thiết kế: K.A.N Studio
Jack London là một trong những nhà văn hiện đại Mỹ có tác phẩm được dịch in nhiều nhất đồng thời cũng là một trong số những nhà văn Mỹ được mến mộ nhất ở Việt Nam.
Ông tên thật là John Griffith Chaney, sinh ngày 12.1.1876 tại San Francisco, Mỹ trong một gia đình nghèo. Thuở nhỏ, ông bị xem là “con hoang”. Mãi tới khi đã lớn, ông mới biết cha đẻ của mình chính là nhà chiêm tinh William Chaney. Ông bèn viết thư cho cha, song Chaney nhất quyết cự tuyệt. Cuộc sống vốn đã túng bấn của Jack London vì thế càng thêm khốn khó.
Nhà văn Mỹ Jack London
Jack London đã phải trải qua một tuổi thơ đói khát. Trong một cuốn tự truyện, ông từng kể năm lên 7 tuổi, ông đã phải ăn cắp một chiếc bánh sanwich của cô bé hàng xóm. Tới năm lên 9, ông mới có chiếc áo sơmi đầu tiên trong đời. Năm lên 10 tuổi, ông phải đi giao báo. “Tôi phải dậy từ lúc trời còn mờ tối để kịp giờ học đầu tiên sau khi phát hành báo xong”. Mặc dù ham mê đọc sách từ nhỏ, song tới năm 14 tuổi, do hoàn cảnh, Jack phải bỏ học. Từ đây, ông bắt đầu cuộc sống phiêu bạt với đủ thứ nghề: làm công nhân nhà máy đồ hộp, nhà máy điện, nhà máy đay. Năm 17 tuổi, Jack London trở thành thủy thủ. Ông theo tàu sang Nhật Bản; đi săn hải cẩu ở Thái Bình Dương. Ông từng bị bắt vì tội “lang thang”, từng bị giam giữ vì tham gia các hoạt động kêu gọi đình công…
Với ý chí mãnh liệt, qua bao vất vả tự học, cuối cùng Jack London cũng được vào học tại Trường đại học Berkeley. Tại đây, ông đem lòng yêu một nữ sinh cùng trường tên là Meibl Epplgart.
Dưới cái nhìn của Jack, Meibl là một cô gái thật “hoàn hảo”: Xuất thân trong một gia đình trí thức, cô có lối phát âm thật chuẩn, biết chơi đàn piano. Tóc cô vàng óng, bồng bềnh như mây. Vòng eo thon nhỏ tuyệt mỹ… Hai người thường gặp nhau vào ngày chủ nhật mỗi tuần, trên một chiếc du thuyền. Trong bối cảnh thơ mộng vậy, Meibl khẽ khàng đọc những bài thơ tình buồn cho người bạn trai của mình nghe. Không biết có phải xuất phát từ khung cảnh nên thơ đó và được tình yêu chắp cánh mà một ngày nọ, Jack bỗng tuyên bố với Meibl về mơ ước trở thành nhà văn của mình. Có lẽ Meibl là người duy nhất nghe với thái độ nghiêm túc và tin tưởng khi Jack thổ lộ nguyện ước.
Được người yêu khích lệ, Jack sáng tác và khi thấy một tờ báo đăng tin họ sẽ tổ chức chấm giải cho những truyện ngắn hay nhất, ông gửi truyện dự thi và đã thành công. Tuy nhiên, mức thù lao được trả có vài đôla khiến Jack cảm thấy khó có thể giải quyết được một số việc hệ trọng trong cuộc sống bằng viết văn.
Bởi mức học phí quá cao, Jack phải vừa học vừa kiếm tiền. Ban ngày lên lớp, tối ông làm thêm cho một số nhà hàng, thậm chí còn làm thêm một ca nữa ở xưởng giặt.
Cuộc mưu sinh quá vất vả, Jack từ bỏ trường đại học đi Alaska với hy vọng nhanh chóng “đổi đời” bằng việc đào đãi vàng, từ đó ông sẽ cưới được Meibl. 16 tháng trời biền biệt không một hồi âm, một ngày kia Jack lầm lũi trở về, không một đồng xu dính túi. Để giải quyết “nguồn sống trước mắt”, Jack xin vào làm một chân đưa thư. Với cái túi thư đầy ních bên mình, Jack như chú ngựa chạy khắp vùng. Và khi đồng lương đã đủ đảm bảo, Jack bắt đầu để dành thời giờ chăm chút cho việc sáng tác.
Thời gian đầu, những tốn phí cho việc mua giấy bút, phong bì và tem thư coi như “lõm”. Những tạp chí danh tiếng từ chối không đăng truyện của Jack London. Nhưng ông không nản lòng. Một thời gian sau, khi mà Jack dường như không còn trông chờ thì đột nhiên tạp chí Xuyên lục địa thông báo sẽ đăng truyện ngắn về Alaska của ông. Cũng tương tự vậy là thông báo của một vài tạp chí khác.
Quá xúc động, ngay ngày hôm sau, trên một ngọn đồi có thể nhìn thấy toàn cảnh San Francisco, Jack đã ôm chầm lấy Meibl, tới tấp hôn lên má cô và ngỏ lời cầu hôn. Meibl đáp lại trong niềm hân hoan hạnh phúc, rằng cô đồng ý.
Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế chưa đảm bảo, cho nên sau gần một năm rưỡi ngỏ lời, sự việc chẳng tiến triển được là bao. “Hay là anh quay lại với công việc của người đưa thư?” – Meibl một ngày nọ đã phải sốt ruột thốt lên.
Song, con ngựa đang đà phi nhanh làm sao có thể dễ dàng bắt nó dừng ngay được. Jack nói với người yêu rằng, ông không thể trở lại làm nghề đó, vì mong ước lớn nhất của ông là phải trở thành một nhà văn, hơn thế, một nhà văn danh tiếng và giàu có. Ông mong cô hãy thông cảm mà nán chờ thêm một thời gian nữa.
Meibl bật khóc. Có ai hiểu được nỗi lòng cô bấy nay? Và trong giây phút không làm chủ được mình, cô đã thốt lên cái lời cay nghiệt mà đáng ra trong bất kỳ cảnh ngộ nào cũng không nên phát lộ, ấy là việc cô cho Jack biết cô chưa bao giờ thích những sáng tác của ông, rằng thì nó rất thô lỗ, rằng thì cô yêu ông nhưng không muốn ông là một người mơ tưởng hão.
Cuộc tình của họ đến đây coi như chấm dứt.
Nếu như ở những truyện ngắn đầu tiên, Jack London chỉ được các tòa báo trả cho vẻn vẹn 4 đôla mỗi truyện, thì về sau, mức nhuận bút đã là 8 đôla. Cho đến khi ông trở thành tác giả “quen hơi bén tiếng” và được độc giả yêu thích, mức nhuận bút của ông đã tăng vù vù, có lúc lên tới 30, 50 rồi 100 đôla cho mỗi truyện. Đã có thời kỳ, Jack London là nhà văn Mỹ có mức nhuận bút được trả cao nhất tính theo số chữ.
Năm 1900, Jack London cho xuất bản tập sách đầu tay “Con trai của loài sói”. Một năm sau là cuốn “Con gái vùng băng tuyết”. Năm 1903, tác phẩm “Tiếng gọi nơi hoang dã” ra đời, được ghi nhận là cuốn sách best-seller đầu tiên của ông. Tên tuổi Jack London nhanh chóng được người đời chú ý. Ông không còn biết đến nợ nần. Để cải thiện cuộc sống của mình, nhà văn trẻ đã mua một trang trại tại Glen Ellen, gần San Francisco.
Từng một thời phải bán sức lao động một cách rẻ rúng, đã tới lúc Jack có thể tự hào tuyên bố, ông là nhà văn duy nhất của nước Mỹ biết kiếm sống một cách đàng hoàng chỉ nhờ ngòi bút của mình. Thậm chí, trong cơn phấn khích, ông từng phát biểu rằng ông sẽ “bòn rút chủ nghĩa tư bản tới đồng đôla cuối cùng”.
Với vốn sống phong phú, lại chịu đọc, chịu viết, chỉ trong ít năm hoạt động văn học, Jack London đã có được một khối lượng tác phẩm đồ sộ, gồm đủ các loại, từ những chuyện tình giản dị, đến truyện khoa học viễn tưởng; từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, ấy là chưa kể mảng báo chí với những bài tường thuật các sự kiện chính trị, xã hội, những trận đấu quyền Anh… Jack ham viết đến mức, ngày nào ông cũng phải viết ít nhất 1.000 từ. Vợ ông có nhiệm vụ đánh máy bản thảo thành nhiều bản. Ông cũng sẵn sàng nhận lời đặt hàng của bất kỳ tờ báo nào có mức chi trả hậu hĩnh. Bởi thế mới có giai thoại: Một lần, do chậm nộp bản thảo cho một tạp chí ở New York, Jack London đã bị ông chủ của tờ tạp chí “tống đạt” một bức thư có nội dung hăm dọa như sau: “Ngài Jack London thân mến! Xin thông báo với ngài rằng, nếu trong vòng 24 tiếng nữa, ngài không có bản thảo nộp cho tôi, tôi buộc phải đến tận buồng ngài ở và dùng chân đá ngài lộn nhào xuống cầu thang. Chẳng là, tôi vẫn có thói quen buộc mọi người phải giữ lời hứa bằng cách ấy đấy”. Xem xong thư, Jack hóm hỉnh viết mấy dòng phúc đáp: “Ông bạn quý mến! Để giữ đúng lời hứa với ông bạn, chắc tôi phải sáng tác bằng cả… đôi chân nữa”.
Trong 18 năm sáng tác không mệt mỏi (từ 1898 đến năm ông mất – 1916), Jack London đã để lại một văn nghiệp đồ sộ với 19 tiểu thuyết, 150 truyện ngắn, 3 vở kịch. Ông chia tác phẩm của mình ra làm hai loại: Loại viết để kiếm tiền và loại viết vì lý tưởng. Tuy nhiên, dẫu có tuyên bố công khai vậy song có lẽ, những năm tháng cơ hàn đã ảnh hưởng không nhỏ tới cách suy tính của ông.
Nhà văn Anh gốc Ireland Bernard Shaw từng kể lại câu chuyện lạ lùng: Lần ấy, ông bất ngờ nhận được từ Mỹ một lá thư với mấy dòng như sau: “Tôi đã viết 33 cuốn sách, một khối lượng khổng lồ truyện ngắn và bài báo, nhưng vẫn không biết rõ các văn sĩ khác được trả thù lao là bao nhiêu. Ngài có thể nói thật cho tôi biết không, nhuận bút của ngài ra sao?”.
Tác giả bức thư là nhà văn trẻ Jack London, bấy giờ tên tuổi đã được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Điều mà Bernard Shaw lấy làm ngạc nhiên là tại sao Jack London lại quá quan tâm tới vấn đề nhuận bút như vậy, khi mà mức nhuận bút người ta dành cho ông đã ở mức đáng ao ước đối với nhiều tác giả. Điều ngạc nhiên nữa là chỉ sau khi ông nhận được bức thư nói trên vài tháng, Jack London đã… tự vẫn. Chẳng lẽ một người không biết nuối tiếc cuộc sống của mình lại quan tâm đến những thứ nhỏ nhặt như vậy sao?
Sự thực thì, theo nhiều nhà nghiên cứu văn học, vào những năm cuối đời, Jack London đã gặp phải những khủng hoảng về tinh thần. Cuộc sống gia đình gặp nhiều trắc trở, sức khỏe suy sụp bởi bệnh tật. Bản thân việc sáng tác, thời kỳ này cũng không đáp ứng được những gì ông mong muốn (chỉ có cuốn “Sói biển” là đáng kể). Về tài chính, là người kiếm tiền nhanh, song Jack tiêu pha cũng hoang phí. Ông vung tiền vào các vụ mua sắm, tậu đất đai, máy móc. Ông sở hữu hàng trăm hécta đất tại một vị trí đẹp ở California. Ông có một mảnh đất lớn tại San Francisco và dự định biến mảnh đất sỏi đá này thành mảnh đất phì nhiêu, song công việc bị ách lại vì lý do sức khỏe.
Ngày 23.11.1916, Jack London uống thuốc độc tự tử. Cái chết của ông làm người ta liên tưởng tới nhân vật Eden trong cuốn tiểu thuyết có tính chất tự thuật “Martin Eden” của ông. Cuốn tiểu thuyết viết về một nhân vật Eden – nạn nhân của sự tha hóa giai cấp, vì anh ta không thuộc về giai cấp lao động nữa, trong khi nhân vật này lại chối bỏ những giá trị vật chất của tầng lớp quý tộc mà vì nó anh ta đã phải lao động cật lực. Trên chuyến tàu tới Nam Thái Bình Dương, Eden đã nhảy xuống biển tự vẫn.
Mặc dù, hiện xung quanh cái chết của Jack London vẫn còn nhiều giả thiết, song cuốn tiểu thuyêt nói trên cũng giúp người đọc nắm bắt dược phần nào những suy nghĩ thực trong những năm tháng cuối của đời ông
Phan Sào Nam không chỉ khiến tướng Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hoá (cựu Thiếu tướng, Cục trưởng C50 – Bộ Công an) lĩnh án, mà còn khiến một loạt cán bộ lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo cấp phòng thuộc Công an tỉnh Phú Thọ “ngã ngựa”.
Ngày 7/2, trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, ngay khi nhận được quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội về việc hủy hai quyết định giảm án phạt tù, thân chủ của ông là Phan Sào Nam đã gửi thư đến Cục Cảnh sát quản lý trại giam Bộ Công an và một số cơ quan để xin hướng dẫn thi hành án.
Sau đó, Phan Sào Nam đã tự nguyện đến Công an quận Tây Hồ từ ngày 23/12 để xin thi hành án. Theo ông Giang, Phan Sào Nam trú tại quận Tây Hồ nên đến Công an quận Tây Hồ xin thi hành án là đúng quy định. Công an quận Tây Hồ đã đưa Phan Sào Nam đi một trại giam ở gần Hà Nội để thi hành nốt bản án còn lại (22 tháng – PV). Được biết, đến nay, Phan Sào Nam đã nộp hơn 1.384 tỷ đồng và còn phải nộp hơn 10 tỷ đồng.
Trùm cờ bạc Phan Sào Nam
Trước đó, tháng 11/2021, Phan Sào Nam và luật sư đã có buổi làm việc với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) để tìm phương án bán 125m2 đất thuộc dự án Golden Hills City, Đà Nẵng. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục pháp lý nên bất động sản này chưa bán được. Ngoài ra, Phan Sào Nam đề nghị luật sư của mình phối hợp với gia đình và cơ quan thi hành án giải quyết việc bán mảnh đất trên và một căn hộ chung cư tại phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM.
Phan Sào Nam là một trong hai nhân vật cầm đầu đường dây đánh bạc ngàn tỷ qua game bài Rikvip/Tip.Club, bị kết án 5 năm tù về các tội “Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền”. Ngoài ra, ông Nam còn bị buộc thi hành án số tiền 1.475 tỷ đồng.
Cũng theo luật sư Giang Hồng Thanh, Phan Sào Nam không có ý định bỏ trốn hay gây khó khăn cho cơ quan pháp luật. “Phan Sào Nam mong muốn Nhà nước xem xét, đánh giá thái độ thành khẩn, tích cực của Nam để cho Nam được hưởng lượng khoan hồng theo quy định của pháp luật,” luật sư cho hay.
Phan Sào Nam không chỉ khiến tướng Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hoá (cựu Thiếu tướng, Cục trưởng C50 – Bộ Công an) lĩnh án, mà còn khiến một loạt cán bộ lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo cấp phòng thuộc Công an tỉnh Phú Thọ “ngã ngựa” vì tạo điều kiện cho nhân vật này được tha tù trước hạn 22 tháng trái quy định.
Ngày 6/2/2021, ông Phan Sào Nam được tha tù. Nhưng sau đó, vụ việc bị Vụ 8 – Viện KSND Tối cao phát hiện. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, 14/4/2021, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định kháng nghị các quyết định giảm án cho Phan Sào Nam.
Tài liệu xác minh của cơ quan tố tụng thể hiện, Phan Sào Nam không tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Cụ thể, Nam không đồng ý, không tự nguyện khấu trừ 5,3 triệu USD tại Ngân hàng DBS Singapore để thi hành phần nghĩa vụ trên 155 tỷ đồng còn lại theo quyết định của bản án. Ngoài tài sản cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu Nam truy nộp, tại thời điểm đó, Nam còn hơn 253.000 SGD tại Ngân hàng DBS Singapore nhưng không khai báo, không tự nguyện khấu trừ.
Đáng chú ý, khi xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù cho Phan Sào Nam, Trại giam Quảng Ninh còn căn cứ vào đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn của bà Phan Thu Nga (mẹ của Nam). Tuy nhiên, kết quả xác minh tại UBND phường Đa Kao, quận 1, TPHCM cho thấy, gia đình Nam không thuộc trường hợp có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn.
Bắt gần 3.000 đối tượng tổ chức và “con bạc” trong 9 ngày Tết
Trong 9 ngày Tết Nguyên đán, lực lượng công an đã điều tra, khám phá 191 vụ, bắt 279 đối tượng hình sự, bắt 181 đối tượng ma túy và 2.748 đối tượng cờ bạc.
Thông tin trên được Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng cho biết tại hội nghị giao ban trực tuyến diễn ra sáng 7/2. Cụ thể, báo cáo tóm tắt tình hình ANTT dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin, trong 9 ngày Tết, công an các đơn vị, địa phương đã điều tra, khám phá 191 vụ, bắt 279 đối tượng hình sự; bắt 181 đối tượng ma túy, 2.748 đối tượng cờ bạc; thu giữ 851kg pháo các loại, vận động, thu hồi 312 khẩu súng, 9.826 viên đạn, 26 lựu đạn và một số vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ… Bên cạnh đó, tình hình tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí so cùng kỳ năm 2021.
Việc giả vờ là một con người yếu đuối hoặc bộc lộ khuyết điểm của bản thân sẽ làm giảm sự ghen tị của những người xung quanh.
Trong xã hội hiện nay, nếu chúng ta không biết cách sống khôn ngoan thì sẽ bị cuộc đời vùi dập ngay lập tức. Nhiều người cho rằng khôn ngoãn sẽ khiến con người mất đi phần lương thiện trong tâm hồn. Thế nhưng họ đã hiểu sai bản chất của người khôn ngoan.
Người khôn ngoan biết cách sống thông minh để vượt qua những thói xấu trong xã hội. Chúng ta sẽ bị tha hóa chỉ khi mọi thứ vượt tầm kiểm soát.
Muốn sống một cuộc đời dễ dàng hơn, bạn có thể học tập 9 kỹ năng của người thông minh sau đây:
1. Học cách giả vờ để tránh bị người khác gây phiền phức và quấy rối.
Giả vờ là một người xấu xa khiến cho những người mà bản thân ghét phải tránh né. Đặc biệt là những cô gái chỉ sống một mình thì càng phải chú ý hơn trong việc tự bảo vệ mình khỏi những thành phần đáng sợ ngoài xã hội.
Việc giả vờ là một con người yếu đuối hoặc bộc lộ khuyết điểm của bản thân sẽ làm giảm sự ghen tị của những người xung quanh.
Giả vờ bản thân là một người nghèo khổ sẽ tránh được sự dòm ngó của người khác đối với tài sản của mình. Một số người tính nết không ngay thẳng cũng không còn ý định vay mượn tiền, đặc biệt là những lúc tài sản nắm giữ trong tay chúng ta chưa ổn định.
2. Biết chủ động nhận sai để khiến cho đối phương cảm thấy tội lỗi khi lên tiếng trách móc và chỉ trích.
Khi bản thân làm sai việc gì đó, việc chủ động lùi một bước sẽ giúp chúng ta càng có lợi cho bản thân nhiều hơn.
3. Đề cao đối phương và đánh giá thấp bản thân để dẫn dắt họ hành động theo hướng mình muốn.
Ví dụ: Muốn để người khác chủ động thực hiện việc gì đó, chúng ta có thể cố ý thể hiện bản thân làm không thể làm tốt, đồng thời khen họ rất giỏi về lĩnh vực này để tạo động lực. Khi đã thỏa mãn lòng hư vinh của một ai, chúng ta sẽ dễ dàng dẫn dắt họ làm việc theo ý mình muốn.
4. Không cần đôi co hay giải thích vì những cuộc tranh luận vô nghĩa.
Khi bản thân và đối phương không có cùng quan điểm và không thể tiếp tục cuộc nói chuyện thì việc cố chấp tranh luận đến cùng sẽ chỉ làm lãng phí thời gian.
Đồng thời, thật khó để thay đổi tư tưởng của một ai đó trong thời gian ngắn. Vậy nên, chúng ta không cần phải mất thời gian khi đôi bên không có tiếng nói chung. Người không cùng quan điểm thì mối quan hệ cũng nhạt nhòa theo năm tháng.
5. Cố tình nhận phần thiệt thòi để người khác nợ mình về mặt tình cảm.
Biết giả vờ bị thua thiệt, biết cách thể hiện mình là một người đáng tin cậy,… để đối phương muốn duy trì mối quan hệ thân thiết này một cách lâu dài.
Tất nhiên, điều này còn phải tùy thuộc vào bản thân mỗi người cảm thấy phía đối phương có xứng đáng để làm như vậy hay không.
6. Không uống rượu được thì cứ chấp nhận mình là kẻ yếu, không cần phải giả làm anh hùng nhưng thực lực lại không bằng ai.
Điều này cũng đúng đắn trong môi trường xã hội đầy cạm bẫy ngoài kia. Việc nhận mình nhát gan có thể giúp chúng ta giảm bớt những cuộc tranh luận rắc rối hoặc xung đột không cần thiết.
7. Giữ cho mình một trái tim lương thiện.
Luôn giúp đỡ những người yếu thế, nhìn cuộc đời bằng đôi mắt và trái tim thiện lương. Đây cũng là một cách để mang lại may mắn và cơ hội cho mình sau này.
Nhìn thấy người khác đang gặp khó khăn thì ra tay giúp đỡ, làm những chuyện tốt mà không cần họ báo đáp lại tấm lòng của mình. Đối xử tốt với người khác mà không vi phạm những nguyên tắc của bản thân, thái độ sống này có thể mang lại những bất ngờ mang tính tích cực dành riêng cho bạn trong tương lai.
8. Giữ bình tĩnh và im lặng nếu cần thiết, đặc biệt là ở nơi đông người.
Lời nói khi đã ra khỏi miệng sẽ không thể nào thu hồi. “Họa từ miệng mà ra”, cả đời người đa phần sẽ hối hận vì những lần vạ miệng trong quá khứ. Vậy thì để giảm tránh tiếc nuối cùng hối hận, chúng ta hãy học cách giữ bình tĩnh và im lặng.
9. Chủ động cho đi.
Bạn nên biết rằng nếu muốn được nhận lại thì trước hết phải học cách cho đi.
Đặc biệt, những người đang mang ơn người khác phải học được cách chủ động trả ơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải giữ vững sự chân thành, chứ không thực dụng và làm méo mó lòng tốt của chính mình.
Eileen Gu với huy chương vàng (ảnh: Li Jun/China News Service/Getty Images)
Mạng xã hội Trung Quốc đang “lên đồng” với chiến thắng của Eileen Gu (tên tiếng Hoa là Cốc Ái Lăng). Được dân Trung Quốc gọi là “nữ hoàng tuyết”, Eileen Gu, 18 tuổi, dân Mỹ gốc Hoa, đã giành huy chương vàng trong cuộc thi ngày 7 Tháng Hai tại Thế vận hội Mùa Đông 2022. Việc Eileen Gu, sinh đẻ và trưởng thành ở Mỹ, mang quốc tịch Mỹ, lại thi đấu dưới màu cờ sắc áo Trung Quốc, đang gây ra nhiều tranh cãi.
Người hâm mộ Eileen Gu trên mạng xã hội Weibo, nơi cô có 2.6 triệu người theo dõi, đã ào vào “thả tim” với hơn 90,000 bình luận bày tỏ sung sướng trong vòng chưa đến 30 phút sau khi có tin Eileen Gu giật được huy chương. Hashtag ‘Cốc Ái Lăng giành huy chương vàng’ nhận được hơn 300 triệu lượt xem trong vòng một giờ. Khỏi phải nói, giới chức trách Trung Quốc cũng nhảy dựng vỗ tay. Chính quyền thành phố Bắc Kinh phát biểu: “Chúng tôi rất vui mừng khi Cốc Ái Lăng, một vận động viên Bắc Kinh, đã giành chiến thắng huy chương vàng quý giá cho đoàn thể thao Trung Quốc và vinh danh đất nước với sự thể hiện tuyệt vời ở vòng chung kết môn trượt tuyết tự do tại Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh”.
Khắp các thành phố lớn Trung Quốc, đâu đâu cũng có hình Eileen Gu (ảnh: Xing Yun/Costfoto/Future Publishing/Getty Images)
Người được gọi là “một vận động viên Bắc Kinh” – Eileen Gu – sinh ngày 3 Tháng Chín 2003 tại San Francisco trong gia đình với mẹ người Hoa và bố người Mỹ. Mẹ của Eileen Gu – bà Gu Yan (Cốc Yên) – đến Mỹ du học ở độ tuổi 20. Bà học Đại học Auburn, Đại học Rockefeller; và lấy bằng MBA Đại học Stanford. Eileen Gu học tại trường tư University High School nơi có học phí $54,130 (thời điểm hiện tại). Báo chí Trung Quốc viết rằng Eileen Gu đạt điểm SAT gần như tuyệt đối (1,580/1,600). Tháng Mười Hai 2020, Eileen Gu post lên Instagram một video ngắn cho biết khoảnh khắc mình nhận được thông báo đậu vào Stanford. Được mẹ tập trượt tuyết từ nhỏ, Eileen Gu trở thành vận động viên chuyên nghiệp từ niên thiếu. Xinh đẹp, Eileen Gu còn là người mẫu thời trang của vô số nhãn hàng danh tiếng…
Tháng Một 2019, khi 15 tuổi, Eileen Gu – dưới màu áo đại diện Mỹ – giành được cúp tại Giải Thế giới tổ chức ở Ý. Một tháng sau, người ta thấy Eileen Gu ngồi hàng ghế đầu cùng các vận động viên Trung Quốc chụp hình với Chủ tịch Tập Cận Bình. Vài tháng sau, Eileen Gu tuyên bố mình sẽ thi đấu dưới màu áo Trung Quốc. “Đây là một quyết định cực kỳ khó khăn đối với tôi” – Eileen Gu viết trên Instagram – “Tôi tự hào về di sản mình, và cùng lúc cũng tự hào về môi trường giáo dục Mỹ”. Phát biểu của Eileen Gu đã gây thất vọng đối với các huấn luyện viên Mỹ, những người từng giúp Eileen Gu lên đài danh vọng.
Trẻ trung và xinh đẹp, Eileen Gu hiện là người mẫu cho nhiều nhãn hàng danh tiếng (ảnh: Eileen Gu dự chương trình ‘2021 Met Gala Celebrating In America: A Lexicon Of Fashion’ – John Shearer/WireImage)
Câu chuyện Eileen Gu không đơn giản là câu chuyện “đổi cờ, thay áo”. Eileen Gu đang mang lại niềm tự hào dân tộc ở một đất nước “lừng danh” thế giới về vi phạm nhân quyền. Học ở Mỹ, tiếp nhận và được “bồi bổ” bằng những giá trị Mỹ từ lúc lọt lòng, Eileen Gu lại phớt tỉnh trước vô số cáo buộc nhân quyền mà đảng cai trị Trung Quốc gây ra. Ở một góc độ, Eileen Gu chẳng khác gì con cờ chính trị của Trung Quốc, nơi luôn thèm khát “hơn người” ở mọi lĩnh vực, nơi mà khi mang lại chiến thắng thì được xem là “niềm tự hào cho tổ quốc” nhưng khi thất bại thì bị chửi rủa là “nỗi nhục quốc gia”, như trường hợp Zhu Yi (Chu Dị).
Trước chiến thắng của Eileen Gu chỉ một ngày, vận động viên trượt băng nghệ thuật Zhu Yi đã bị cộng đồng mạng Trung Quốc “làm thịt” sau khi cô thi hỏng. Không như “niềm tự hào Eileen Gu”, cộng đồng mạng Trung Quốc gào thét rằng, “bộ Trung Quốc hết người rồi sao lại dùng một con bé người Mỹ!”. “Con bé người Mỹ” Zhu Yi cũng là người Mỹ gốc Hoa, sinh ra (2002) và trưởng thành tại Mỹ (Los Angeles), trong gia đình bố mẹ người Hoa. Zhu Yi thật sự là một đứa “Mỹ con”. Không như Eileen Gu – có thể sử dụng tiếng Quan Thoại tốt, Zhu Yi nói không rành tiếng Hoa.
Zhu Yi bị chửi không tiếc lời sau khi thất bại (ảnh: Jean Catuffe/Getty Images)
Đều cùng thế hệ, đều sinh trưởng ở California và lớn lên hoàn toàn trong môi trường giáo dục Mỹ, Zhu Yi và Eileen Gu là hai hình ảnh phản chiếu nhiều mặt. Nó cho thấy sự giằng co không chỉ trong nhận thức về quê hương cội nguồn của những người như Eileen Gu và Zhu Yi mà còn là nhận thức giằng xé về sự chọn chỗ đứng, giữa các giá trị phổ quát trong đó có nhân quyền và giá trị con người. Cả Eileen Gu lẫn Zhu Yi đều ít nhiều là “nạn nhân” của chính trị hóa, đặc biệt tại Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn chứng minh họ đang thắng Mỹ, ít nhất ở khoản giành được nhân tài, dù họ không tốn một xu trong việc đào tạo những tài năng như Eileen Gu. Khó có thể kết luận Eileen Gu gặt hái được vinh quang như ngày nay không, nếu cô sinh đẻ và lớn lên ở Trung Quốc. Chẳng phải tự nhiên mà Fox News gọi Eileen Gu là “đứa trẻ vô ơn của nước Mỹ”…
Vì luật Trung Quốc không chấp nhận người hai quốc tịch nên Zhu Yi phải từ bỏ quốc tịch Mỹ (Eileen Gu thì chưa bao giờ công khai cho biết điều này). Có một điều gần như chắc chắn: Vì lý do “cội nguồn” hay “ý thức dân tộc”, những người như Eileen Gu hoặc Zhu Yi có thể khoác áo Trung Quốc cho các cuộc thi đấu mang lại vinh quang cho cố quốc nhưng họ chắc không bao giờ rời bỏ nước Mỹ để sống vĩnh viễn trên quê hương của họ.
Cuốn sách thứ hai viết về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được báo Nhân dân và Nhà xuất bản Sự thật xuất bản (Ảnh chụp màn hình báo Nhân dân)
Mặc dù là lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời cố Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn nhưng việc Đảng Cộng sản Việt Nam tôn sùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như hiện nay là ‘điều rất xấu’ cho đất nước, một nhà quan sát chính trị từ trong nước nhận định với VOA.
Nhà quan sát này cũng cho rằng cần phải có khảo sát khoa học, khách quan mới biết chính xác lòng dân nghĩ gì về ông Nguyễn Phú Trọng và chỉ trích ông Trọng là ‘bảo thủ, kiềm hãm sự phát triển của đất nước’ và rằng ông ‘tham nhũng quyền lực’.
‘Niềm tin yêu của nhân dân’
Trong một hành động hiếm hoi dành cho một tổng bí thư đương chức, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản những cuốn sách đồ sộ ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng.
Cuốn sách dày 620 trang có tựa đề ‘Niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng’ đã được Báo Nhân dân phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho ra mắt trong một buổi lễ long trọng hôm 18/1 tại Hà Nội.
Theo lời giới thiệu của báo Nhân dân thì cuốn sách này ‘mang đến nhiều thông tin, tư liệu quý, chân thực với những góc nhìn phong phú, đa dạng, không chỉ là tình cảm trân quý dành cho Tổng Bí thư mà cũng là niềm tin của nhân dân và bạn bè quốc tế đối với Ðảng, Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới đất nước’.
Đây là cuốn thứ hai ca ngợi ông Trọng chưa đầy ba năm sau khi cuốn thứ nhất có tựa đề ‘Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế’ được xuất bản hồi tháng 6/2019.
Cuốn sách được cho là ‘tổng hợp các bài viết trên các trang mạng xã hội, báo điện tử của những người dân bình thường, không phải là cây bút chuyên nghiệp bày tỏ sự ngưỡng mộ, lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc và gửi gắm sự tin tưởng tuyệt đối’ đối với ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh đồng thời là phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương được dẫn lời nói tại lễ ra mắt cuốn sách.
Ông Minh cũng nhân đó ca ngợi ông Trọng là ‘nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, chỉ biết hy sinh, cống hiến cho Đảng, cho dân, cho nước mà không hề màng quyền lực, bổng lộc, vun vén cá nhân hay gia đình’.
Các tổng bí thư khác như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu hay Nông Đức Mạnh cũng từng được bộ máy tuyên truyền của Đảng ra sách ca ngợi nhưng sách được xuất bản sau khi các vị này không còn nắm quyền nữa.
Chẳng hạn như bộ ‘Nông Đức Mạnh tuyển tập’ được cho in vào năm 2018, 7 năm sau khi ông Mạnh rời ghế tổng bí thư, còn ‘Lê Khả Phiêu tuyển tập’ ra mắt vào năm 2015, 14 năm sau khi ông bị mất chức lãnh đạo cao nhất Đảng.
Nhưng hai cuốn sách đồ sộ trên dành cho ông Trọng vẫn chưa hết. Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật sắp sửa cho ra mắt vào tháng 2 năm 2022 cuốn ‘Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam’ dày 460 trang do chính ông Trọng viết.
Trước đó, hồi tháng 11 năm 2021, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã chủ trì buổi lễ ra mắt cuốn ‘Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng’.
Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, và Thông tấn xã Việt Nam còn được trao giải đặc biệt về thông tin đối ngoại vì đã tuyên truyền bài viết của ông Trọng về chủ nghĩa xã hội đến với thế giới.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng do Đảng nắm giữ, những lời phát biểu của ông Trọng được trích dẫn dày đặc, thậm chí còn nhiều lần được các vị lãnh đạo khác như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn lại trước công chúng như khuôn vàng thước ngọc.
Những thành tích của đất nước được cho là ‘nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng’ và bản thân ông Trọng cũng nhiều lần ca ngợi là đất nước dưới sự lãnh đạo của ông ‘chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay’.
Để so sánh, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng dành những hành động tôn sùng hiếm thấy đối với Tổng bí thư-Chủ tịch Tập Cận Bình khi đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào điều lệ Đảng và ra nghị quyết lịch sử thứ ba của Đảng để tôn vinh ông Tập là ‘nòng cốt của Đảng’ và tư tưởng của ông là ‘bản sắc văn hóa và tinh thần của Trung Quốc’. Ông Tập lâu nay được xem là nhà ‘lãnh đạo hạt nhân’ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc xoay quanh.
‘Muốn được ca tụng’
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, nhà quan sát chính trị đồng thời là nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Quang A cho rằng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam thì ‘ông nào làm lãnh đạo cũng muốn được ca ngợi cả’. “Vấn đề là đội ngũ cận thần có ca ngợi hay không mà thôi,” ông nói.
Nhận định về hai cuốn sách ca ngợi ông Trọng, ông A nói: “Họ lấy một số bài viết của người này người kia và bảo đấy là nhân dân.”
“Nếu có thăm dò dư luận nghiêm túc, ví dụ hỏi ngẫu nhiên khoảng một ngàn người ở khắp đất nước không nêu danh tích thì bức tranh sẽ hoàn toàn khác,” ông khẳng định và nói ông phỏng đoán ‘có đến 99,9 % người dân Việt Nam không đọc và không muốn đọc sách viết về ông Trọng’.
“Tôi đi trên xe buýt, tôi đi gặp những người trẻ hay đi ăn ở đâu đó hay đến những nơi đông người tôi nghe người ta nói những lời không hay về ông ấy rất nhiều,” ông A giải thích cho phỏng đoán của ông.
Bên cạnh việc in sách giấy, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng có kế hoạch ra phiên bản điện tử các cuốn sách của ông Trọng để mọi người có thể đọc miễn phí trên mạng. Song song đó cũng có đề xuất dịch sách sang tiếng Anh để ‘giới thiệu đến quốc tế’, theo tường thuật của báo Nhân dân.
Ông A cho rằng tệ sùng bái lãnh tụ không có gì lạ ở các nước cộng sản vì ‘lãnh đạo độc tài thì luôn muốn được sùng bái’ nhưng điều này ‘rất xấu cho bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam và cho đất nước’.
‘Tham nhũng quyền lực’
Nhận định về đương kim tổng bí thư, ông A cho rằng ‘còn tệ hơn các vị tiền nhiệm’ vì ‘bảo thủ, kìm hãm sự phát triển của đất nước’. “Ông ấy rất trung thành với tư tưởng Mác-Lê nin và đã tham gia soạn thảo cương lĩnh phát triển đất nước vào năm 1991’.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A cũng phản bác lập luận của ông Trọng cho rằng nhờ sự lãnh đạo của ông mà Việt Nam ‘có được cơ đồ như ngày nay’.
“Đúng là Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay nếu so với 40 năm trước,” ông nói. “Nhưng nếu không có những ông ấy thì Việt Nam bây giờ sẽ không kém gì Hàn Quốc hay Đài Loan cả.”
“Chính sách của Đảng đã làm cho nền kinh tế Việt Nam lụn bại, làm cho người dân thực sự đau khổ,” ông lập luận. “Cái gọi là đổi mới từ năm 86 cho đến nay chẳng có công gì cả mà chỉ là trao lại một phần quyền tự do kinh tế cho người dân.”
“Toàn bộ thành tích tăng trưởng là do người dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam tạo ra,” ông A khẳng định.
Nhà bất đồng chính kiến này cũng không cho rằng ông Trọng là người trong sạch vì, theo lời ông, ông Trọng ‘tỏ ra vô cùng liêm khiết, đạo đức nhưng làm mọi cách để giữ ghế của mình’.
“Tham nhũng quyền lực, tham nhũng danh vọng còn kinh khủng hơn tham nhũng tiền bạc rất nhiều,” ông A nói và chỉ trích ông Trọng đã ‘bất chấp tuổi tác, bất chấp sức khỏe và bất chấp luôn điều lệ của Đảng để giữ ghế Tổng bi thư thêm nhiệm kỳ thứ ba.
Ông Trọng là tổng bí thư đầu tiên nắm quyền nhiều hơn hai nhiệm kỳ kể từ thời cố Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, vượt qua những người tiền nhiệm khác như Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh.
Mặc dù nhìn nhận ông Trọng là vị tổng bí thư quyền lực nhất sau nhiều đời tổng bí thư, ông A chỉ ra việc ông Trọng không thể ngăn ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai đối thủ chính trị một thời của ông là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lên làm Bộ trưởng Xây dựng để cho thấy ông Trọng ‘không hoàn toàn kiểm soát hết mọi thứ trong Đảng’.
Ông A cho rằng cho dù ông Trọng có muốn theo bước ông Tập Cận Bình trở thành ‘lãnh đạo hạt nhân’ của Đảng nhưng ‘tình hình nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam khác Đảng Cộng sản Trung Quốc’.
Hiện tại có thể không thấy rõ ràng có ai là đối thủ của ông Trọng trong Đảng như ông Nguyễn Tấn Dũng trước đây nhưng ‘có những người có thể là đối thủ thật sự của ông Trọng nhưng bây giờ dưới quyền ông Trọng thì gió chiều nào họ phải theo chiều ấy và tâng bốc ông Trọng hết lời’, cũng theo lời Tiến sỹ Nguyễn Quang A.