Dừng chân trước những địa danh nơi thời gian ‘ngừng trôi’

12 địa danh nước Mỹ dưới đây mang trong mình một vẻ đẹp cổ kính với những kiến trúc xưa cũ, đem lại cho du khách ghé thăm một cảm giác như được đắm chìm vào chiều không gian đầy hoài niệm của một thời đã qua.

1. Chagrin Falls, Ohio

Con phố nhộn nhịp nhất tại Chagrin Falls như bất biến trước thời gian với những tòa nhà, nhà hàng mang nét đẹp của hơn một thế kỷ trước. Chính sự độc đáo này đã thu hút nhiều thực khách cũng như du khách tìm đến nơi đây để trải nghiệm “chiều không gian” từ quá khứ này.

2. Cooperstown, New York

Được biết đến với tên gọi “Đại sảnh Danh vọng Bóng chày Quốc gia”, không ít du khách ghé thăm Cooperstown bởi sự “quyến rũ” đầy hoài niệm của thế giới cũ, với mong muốn được thoát khỏi sự sự xô bồ của các siêu đô thị. “Cái nôi của bóng chày” vẫn giữ được những nét đẹp xưa cũ vào chính ngày ra sân đầu tiên diễn ra vào năm 1920.

3. Galena, Illinois

Với 85% các tòa nhà trong thị trấn được xây dựng bằng đá và gạch, du khách ghé thăm có thể dành nhiều ngày để chiêm ngưỡng những kiến ​​trúc thế kỷ 19 được bảo tồn nguyên vẹn.

4. Garnet, Montana

Thời kỳ hưng thịnh của Garnet trong thế kỷ 19 được biết đến là mỏ vàng cực kỳ nổi tiếng. Sau đó, bốn khách sạn và vô số quán rượu từng đón vô số khách du lịch cho đến khi trữ lượng vàng và thạch anh ở nơi đây dần cạn kiệt vào năm 1917. Bị bỏ hoang trong ba mươi năm tiếp theo, thị trấn ma Garnet được bảo tồn hoàn hảo như một di tích của thời kỳ hoàng kim.

5. Lancaster, Pennsylvania

Với hơn 50 cộng đồng người Amish – tộc người “chối bỏ thế giới hiện đại” của Pennsylvania, quận Lancaster là nơi có bề dày lịch sử lâu đời nhất và lớn nhất. Du khách ghé thăm Lancaster để trải nghiệm phong cách sống từ chối mọi tiện nghi của xã hội hiện đại của người Amish.

6. Mineral Point, Wiscosin

Những thợ mỏ đã sinh sống tại nơi đây vào năm 1840 khi khu vực này nổi tiếng với trữ lượng chì dồi dào. Diện mạo của thị trấn đã không thay đổi kể từ đó, nhiều toà nhà bằng đá vẫn được bảo tồn cho đến hiện tại.

7. New Orleans, Louisiana

Được thành lập như một thị trấn vào năm 1718, New Orleans sẽ đưa du khách tới một thế giới hoàn toàn mới, mang âm hưởng của châu Âu 300 năm trước các tòa nhà thấp tầng. Thị trấn nổi tiếng nhất với khu phố French Quarter – trung tâm lịch sử của thành phố, nổi tiếng với cuộc sống về đêm sôi động và các tòa nhà đầy màu sắc có ban công bằng gang.

8. Salem, Massachusetts

Các phiên tòa xét xử phù thủy Salem khét tiếng diễn ra vào cuối thế kỷ 17 mang lại cho thị trấn một bầu không không khí ma quái. Du khách sẽ được tham quan nhiều bảo tàng, đặc biệt là bảo tàng phù thủy Salem với những câu chuyện về sự xuất hiện, phép thuật và cuộc thảm sát phù thủy Bên cạnh các cửa hàng du lịch truyền thống là những cửa hàng “đặc sản” phù thủy, nơi du khách có thể dạo quanh để nhớ về câu chuyện đẫm máu thời xưa và niềm tin siêu nhiên thời hiện đại tại thành phố Salem.

9. Santa Fe, Mexico

Là thủ phủ lâu đời nhất của đất nước, Santa Fe có một bề dày lịch sử vô cùng phong phú, được thể hiện bởi sự pha trộn giữa các nền văn hóa Anh, Tây Ban Nha và người dân bản địa sống ở đó. Lịch sử 400 năm tuổi của thị trấn hiện lên qua các tòa nhà gạch nung, với lối kiến ​​trúc adobe và gothic.

10. Savannah, Georgia

La thành phố cổ kính nhất của tiểu bang Georgia, Savannah được biết đến nhiều nhất với kiến trúc antebellum mê hoặc và khu rừng sồi thơ mộng, khiến du khách như lạc vào một chiều không gian của quá khứ. Không chỉ vậy, Savannah còn còn được nhắc đến với vô và câu chuyện ma. Những câu chuyện ấy có sức mời gọi đến nỗi hàng triệu khách du lịch tìm đến mỗi năm chỉ để được tham gia tour săn ma ở nơi này.

11. Solvang, California

Solvang là một thị trấn luôn tràn đầy nắng ấm, như tên gọi của nó trong tiếng Ðan Mạch: “Cánh đồng đầy nắng”. Solvang được một nhóm nhà giáo Ðan Mạch thành lập năm 1911 với mục tiêu xây dựng một ngôi làng Ðan Mạch điển hình tại đây. Mọi thứ ở đây, từ kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, và cả cách sống của người dân đều “đậm chất” Đan Mạch.

12. Tombstone, Arizona

Ở góc Đông Nam của Arizona là Tombstone, thị trấn Wild West nổi tiếng của sự bùng nổ bạc. Thị trấn đã bảo tồn nhiều tòa nhà nguyên bản và trên thực tế đã khôi phục lại chúng đến mức chúng không còn nhìn vào lịch sử nữa. Các diễn viên ăn mặc theo phong cách phương Tây đi bộ qua thị trấn và tổ chức các trận đấu súng nổ trên đường phố. Tombstone được biết đến với lịch sử của nó nhưng ngày nay nó có một cảm giác thương mại hơn nhiều, chứ không phải là lịch sử.

MINH TUẤN (THEO WORLD ATLAS) / ĐẠI ĐOÀN KẾT

Sự kết hợp đặc biệt giữa nghệ thuật Chèo với Rap trong MV chào xuân

Với giọng hát ngọt ngào và cách xử lý tinh tế, nghệ sĩ chèo Thanh Huyền đã để lại dấu ấn cá nhân trong MV “Yếm đào chào xuân”.
MV không chỉ tái hiện không khí chợ xuân xưa mà còn đem đến cho khán giả cảm giác trở về với tuổi thơ qua những trò chơi dân gian.

Là một trong những nhân tố sáng giá của làng chèo Việt Nam hiện nay, Thanh Huyền liên tục được giao các vai chính trong các vở diễn từ chèo cổ đến hiện đại. Cô cũng từng đoạt Huy chương vàng, Huy chương bạc các cuộc thi, hội diễn chèo chuyên nghiệp toàn quốc những năm qua. Nữ nghệ sĩ trẻ này hiện đang thuộc quân số Nhà hát Chèo Hà Nội.

Sự kết hợp táo bạo giữa Chèo và Rap đem lại một trải nghiệm thú vị.

Mới đây, nhân dịp chào đón năm mới, nghệ sĩ trẻ Thanh Huyền đã có một ý tưởng táo bạo đó là sự kết hợp giữa nghệ thuật Chèo với Rap trong MV “Yếm đào chào xuân”.

Toàn bộ ý tưởng từ lời cho tới âm nhạc và dựng cảnh quay do Thanh Huyền tự nghĩ: “Nếu để trong chèo mọi người làm thì mọi ng hay bị cổ điển. Vì mình luôn luôn có khát khao tìm đến những điều mới mẻ vì thế Huyền đã  quyết định đêm nghệ thuật truyền thống chèo kết hợp với Rap hiện đại. Và cũng chính vì thế cách mà Huyền cùng cả đoàn tả về không khí và khung cảnh chợ xuân truyền thống cũng khác hơn”, Thanh Huyền chia sẻ.

Không khí sôi động lần đầu tiên được thấy trong một sản phẩm của nghệ thuật Chèo.

Ngay sau khi ra mắt, MV đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của những người làm trong nghệ thuật truyền thống mà cả các bạn trẻ bởi sự kết hợp thú vị này.

Khi nói về sự kết hợp táo bạo này, Thanh Huyền chia sẻ: “Với nền nhạc đương đại với chèo thì nhiều rồi. Nhưng lần này mình đã chọn một làn điệu chưa ai làm với nền nhạc đương đại để thử đó là Ráp. Với tính cách ngoài đời cũng thích sự nhí nhảnh nên mình cũng đã bàn ý tưởng với tác giả về một cô gái yếm đào lẳng lơ mà vẫn duyên dáng trong ngày hội xuân. Ý tưởng về quay thì mình cũng tự lên cho mình một kịch bản rồi nhờ sự hỗ trợ của toàn bộ Ekip. Hy vọng sự mới mẻ và vẫn mang đậm chất dân gian này sẽ được khán giả công nhận”.

Phạm Sỹ / Đại đoàn kết

Hồ Xuân Hương – nàng là ai ?

Có thể nói thơ Hồ Xuân Hương là một lễ hội. Trước hết mỗi bài là một lễ hội ngôn ngữ với mọi âm thanh, màu sắc, trò chơi và trò diễn. Sau đó là thơ mang bản chất hội hè.

“Ví đây đổi phận làm trai được”

Vào thời Lê mạt – Nguyễn sơ, chiến tranh liên miên vì “lợi ích nhóm” của các tập đoàn thống trị. Nho giáo suy đồi. Tầng lớp quan binh và thương nhân trỗi dậy. Tư tưởng thị dân làm nảy sinh một tầng lớp trí thức mới, coi trọng cả tài lẫn tình: nhà nho tài tử. Hồ Xuân Hương là con một đồ Nghệ, theo cha đi “bán chữ” khắp thiên hạ, rồi định cư ở kinh đô Thăng Long, một đô thị mà chất thị đang dần dần lấn át chất đô, thương mại lấn át hành chính. Xuân Hương là thị dân một trăm phần trăm, đồng thời cũng là một nhà nho tài tử chính hiệu. Nhưng điều đặc biệt, người đóng cả hai vai trò xã hội này là nữ, là đàn bà. 

Chỉ riêng việc Xuân Hương mở Thi xã Khán Xuân, một salon văn chương dân sự đầu tiên ở Việt Nam để chiêu mộ tao nhân mặc khách, đã nói lên nhiều điều. Nhất là việc lựa chọn đường lối cách tân thi ca. Bấy giờ, văn học Nho giáo đã xơ cứng, cạn nguồn. Các nhà nho tài tử phải đi tìm cho nó một nguồn sống mới. Các nam tài tử như Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự đi theo con đường của văn học đô thị Minh – Thanh, phóng tác các tiểu thuyết tài tử giai nhân, đề cao tình yêu tự do. 

Thi sĩ Hồ Xuân Hương –  tranh của họa sĩ Lê Lam.


Hồ Xuân Hương ngược lại, quay về với lễ hội dân gian, với tín ngưỡng phồn thực. Tìm ở đấy nguồn sống mới cho thơ mình. Mà ở Việt Nam, dân gian lồng vào dân tộc, còn tư duy dân tộc thì lại rất gần với vũ trụ luận cổ sơ. Mã tình dục, tình yêu ở họ vì thế hoàn toàn đối nghịch nhau: một đằng là bác học với những chim xanh, đáo trà mi, ngậm gương, một đằng là bình dân với những ốc nhồi, quả mít, hang động… 

Với Xuân Hương có thể đây là lựa chọn của bản năng, của thiên tính nữ Việt. Cũng may, vì không đổi phận làm trai được, nên Việt Nam mới có một kỳ nữ, một nhà thơ thiên tài, độc đáo.

“Một đố giương ra biết mấy ngoàm”

Vấn đề nổi cộm của thơ Hồ Xuân Hương là dâm tục. Có người coi thơ nàng là toàn – tục, có người coi thơ nàng có bài tục ít, tục nhiều, thậm chí dâm tục có tư tưởng và không có tư tưởng. Nhưng lại có người coi thơ Xuân Hương không hề dâm tục, vì cái ấy, chuyện ấy là tự nhiên, như đói ăn khát uống, có gì đâu mà dâm tục. Nhưng cả thanh phái và tục phái đều không ai chịu ai, và quan trọng hơn, đều lúng túng. 

Bỏ lối tư duy theo nguyên lý loại trừ hoặc là… hoặc là, tôi tư duy theo nguyên lý bổ sung: thơ Hồ Xuân Hương vừa là thanh vừa là tục. Tôi tìm ra một hệ pháp (paradigme) lần ngược lịch sử: thơ Hồ Xuân Hương -> lễ hội phồn thực -> thờ cúng phồn thực -> tín ngưỡng phồn thực. Ở sự tôn thờ sinh sôi nảy nở này thì thiêng và tục là một, trong thiêng có tục, trong tục có thiêng. Thơ Xuân Hương là ảnh xạ, là hoài niệm phồn thực, nên ở đấy thanh và tục cũng là một, như hai mặt của một tờ giấy.

 Thơ Hồ Xuân Hương tôn thờ sự sống. Nàng ca ngợi tình yêu, tình dục, sự sinh đẻ, chống lại cái chết và những gì cản ngăn dòng sống.

Nếu Nguyễn Du chủ yếu nói về tình yêu, thì Hồ Xuân Hương chủ yếu nói về tình dục. Tình yêu là câu chuyện cá nhân, tình dục là câu chuyện chủng loại. Giống loài, để duy trì được, phải sinh sôi nảy nở. Thơ Hồ Xuân Hương tôn thờ sự sống. Nàng ca ngợi tình yêu, tình dục, sự sinh đẻ, chống lại cái chết và những gì cản ngăn dòng sống. Hồ Xuân Hương chế giễu sư mô không phải vì chống tôn giáo mà vì họ diệt dục: ngăn trở sự sống một cách nhân tạo. Nàng cũng chế giễu người nữ vô âm, nhưng đằng sau nụ cười là nước mắt, vì đây là lỗi của tự nhiên.

Người đàn bà trong thơ Hồ Xuân Hương, là người duy trì và bảo vệ sự sống. Đây là cội nguồn sâu xa của ý thức nữ quyền trong thơ nàng. Hồ Xuân Hương không chỉ chống bất bình đẳng giới, bất bình đẳng xã hội (Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng), mà quan trọng hơn cả, mới mẻ hơn cả là nhìn vấn đề tính dục bằng con mắt phụ nữ. Và, từ đó có một viết nữ.

Hồ Xuân Hương cũng là người đặt nền móng cho văn học tính dục ở Việt Nam. Nơi vốn không có một giai tầng thống trị giàu có, một tầng lớp thương nhân biết ăn chơi, nên không có truyền thống văn học hoa tình (érotique). Mà khởi đầu cho văn hóa tình dục phải có một quan niệm mới về tình dục, tình dục vị tính dục. Hồ Xuân Hương, một mặt ca tụng thứ tính dục để duy trì nòi giống, mặt khác vượt thoát quan niệm chính dâm này, để chuyển sang một quan niệm về dâm khác, mà Nho giáo gọi là tà dâm, dâm hưởng thụ khoái cảm.

Có lẽ Hồ Xuân Hương là người đầu tiên trong văn học Việt Nam “xướng tên” thứ tính dục ấy. Nàng gọi đó là “thú vui” (Thú vui quên cả niềm lo cũ/Kìa cái diều ai nó lộn lèo, hoặc Còn thú vui kia sao chẳng vẽ/Trách người thợ vẽ khéo vô tình). Đây là chỗ Hồ Xuân Hương, người đàn bà ấy, đã cất tiếng chống lại ý thức hệ chính thống của xã hội đương thời.

“Qua cửa mình ơi nên ngẫm lại”

Cuối cùng, cái làm cho Hồ Xuân Hương trở thành Hồ Xuân Hương, là thiên tài ngôn ngữ của nàng. Tiếng Việt Hồ Xuân Hương, quả thật, rất tài tình. Nàng làm một thứ thơ Đường luật mới, khác hẳn với “hồn Đường” của Bà Huyện Thanh Quan: thơ của động từ, tính từ chỉ phẩm chất và trạng từ chỉ cách thức, mức độ, của từ láy ba và gieo vần hiểm hóc (tẻo tèo teo, hỏm hòm hom…). Đó là thứ ngôn ngữ đối lập và song song, hài hước để nghiêm túc, hồng hào da thịt để lộ ra cốt tủy. Chính thứ ngôn ngữ này đã tạo ra tiếng cười khúc khích thanh tân của nàng, và phong cách ngôn ngữ lệch chuẩn, đúng hơn lệch chuẩn là phong cách của Hồ Xuân Hương.

Một ấn bản thơ Hồ Xuân Hương bằng Pháp văn của Viễn Đông Bác Cổ năm 1968.


Có thể nói thơ Hồ Xuân Hương là một lễ hội. Trước hết mỗi bài là một lễ hội ngôn ngữ với mọi âm thanh, màu sắc, trò chơi và trò diễn. Sau đó là thơ mang bản chất hội hè. Freud bảo: lễ hội là sự vi phạm cấm kỵ một cách nghiêm trang. Ở lễ hội, vào thời gian thiêng và ở không gian thiêng, người hành hương trẩy hội tha hồ thực hiện các hành vi tục tĩu mà ngày thường bị cấm kỵ. Bởi lúc này tục là thiêng, nên không bị phạt vạ. Điều này tạo ra niềm vui, vui như hội vậy. Đây cũng chính là bản chất xả láng của lễ hội. Cũng như vậy, sự thích khoái của đọc thơ Hồ Xuân Hương là ăn quả cấm mà không sợ bị trừng phạt. Niềm vui thẩm mỹ vì vậy mới thật trọn vẹn! 

Hiện nay, cái tên Hồ Xuân Hương đã trở thành một danh từ chung hoặc một tính từ. Ai hay làm thơ dâm tục, ai dám nói to lên vấn đề tình dục, thì người ta gọi người ấy, thơ ấy là “rất Hồ Xuân Hương”. Nhà thơ nữ nào ở ngoại quốc nổi tiếng về viết tình dục, như Murasaki, hoặc gần đây Dimitrova, thì được gọi là “Hồ Xuân Hương của Nhật Bản,” “Hồ Xuân Hương của Bulgaria”. Thực ra cách thậm xưng đó không chính xác.

Hồ Xuân Hương so với họ không bạo dạn tình dục bằng, không trực diện tình dục bằng. Bởi, người thơ này nói về dâm tục một cách gián tiếp: lấp lửng hai mặt. Càng tục bao nhiêu thì càng thanh bấy nhiêu. Quả thực, lấp lửng hai mặt ở mọi cấp độ (ngôn ngữ, tư duy nghệ thuật và triết luận phồn thực) mới chính là bản thể thơ Hồ Xuân Hương. Chỉ ở thực chất này, thì Hồ Xuân Hương mới “trao giải nhất chi nhường cho ai” cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới. 

Đỗ Lai Thúy / Người Đô Thị

“Xóm Nhà giàu”, tình gia tộc cũng giàu

Xóm nhà giàu Thanh Phú Long là cụm di tích lịch sử của Long An được quy hoạch bảo tồn. Trong đó, ngôi nhà từng được TFS mượn quay phim “Nàng Hương” là nhà ông Nguyễn Hữu Hoanh, ông cố – ba của bà nội – tôi. Dù chỉ cách nhà ông gần 4km nhưng hơn 60 năm qua, số lần tôi về đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi gia tộc đó quá giàu.

Thật ra nhà tôi cũng không nghèo. Ngôi nhà gỗ lợp ngói bề thế nhất xóm do bà nội tôi tạo dựng nay cũng gần trăm tuổi. Tôi sinh và lớn lên ở đó mà không thắc mắc bà nội lấy đâu ra tiền xây nhà vì ông nội tôi suốt đời chỉ là thầy lang bắt mạch, ra toa thuốc miễn phí. Do nhiều nguồn tác động chừng như trong tôi định hình tạp niệm, kẻ giàu đến thiên đường khó như lạc đà chui qua lỗ kim.

Năm rồi, có người nhờ hướng dẫn đến Xóm nhà giàu tham quan, chụp ảnh. Bối rối vì không rành rẽ, tôi nhờ cháu Nguyễn Hữu Phong, “người chép sử” của tộc dẫn đường. Cháu vui mừng tặng tôi quyển gia phả và hào hứng kể chuyện thâm cung về dòng tộc.

Ba anh em Nguyễn Hữu khởi phát xóm Nhà giàu

Xóm nhà giàu xưa thuộc làng Thanh Thủy, nay nhập với làng Tân Long, Phú Tây thành xã Thanh Phú Long, Châu Thành – Long An. Xóm có hơn 10 ngôi nhà cổ của gia tộc Nguyễn Hữu, trong đó bề thế nhất là nhà ba anh em ông Cai Hiệp, Hội đồng Hoanh và Phủ Hùng. Cai Tổng là chức danh hành chính thật, điều hành Tổng Thạnh Mục Hạ, gồm phân nửa huyện Châu Thành ngày nay. Chức hội đồng địa hạt và đốc phủ của hai ông em là chức hàm, chức danh dự (honor) do chính quyền thuộc địa bán cho những người giàu có để trang trải ngân sách của Pháp sau Thế chiến thứ hai.

Đất đai dòng tộc Nguyễn Hữu có đến hàng ngàn mẫu, gồm trọn Xóm nhà giàu và có ở nhiều tỉnh khác từ Tân An, Gò Công, Mỹ Tho xuống tận Cà Mau. Kiến trúc nhà cửa của họ chẳng đáng giá gì so với phủ đệ của đại gia thời nay về quy mô, sự xa xỉ nhưng cung cách cư xử trong tộc và với chòm xóm cộng đồng của họ có nhiều chuyện đáng ghi. Cả xóm nay đã phá vườn trồng thanh long nên tầm nhìn thoáng đãng, lộ rõ lên trong quần thể ấy, nhà ông cố tôi và con trai cả (Hội đồng Quyền) là to nhất. Hơn 100 tuổi, nhà chỉ hư tường, mái do bom đạn, nền móng, cấu trúc không hề suy suyển.

Ba anh em (từ trái): Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Hữu Hoanh, Nguyễn Hữu Hùng.


Hồi nhỏ, vài lần nội dắt tôi về ăn giỗ. Ngôi nhà quá lớn so với kích cỡ trí óc và hình thể của đứa bé mới hơn 10 tuổi. Nền nhà cẩn đá xanh cao quá đầu. Gian trước cao, rộng mênh mông. Mỗi cột nhà vòng tay người ôm không hết. Người ta thường ví cái gì to nhất với cột đình, nhưng so với cột nhà ông cố thì cột đình thấp hơn nhiều. Bên mỗi chân cột có lục bình bằng sứ đặt trên đôn sứ cao quá đầu người lớn.

Kết cấu ngôi nhà cũng đặc biệt: phần chính gồm hai khối nhà ba căn hai chái, ở giữa là khoảng sân thiên tỉnh đặt lu chứa nước mưa. Hai khu nhà nối liền nhau bởi hai nhà cầu (lối đi có mái che bằng ngói). Kết cấu này có ưu điểm là nhà rộng, an toàn mà chỗ nào không gian cũng sáng sủa thoáng mát, không bị tối, ẩm thấp như những ngôi nhà chữ đinh theo truyền thống Việt Nam.

Nhà ông cố xây ròng rã hơn ba năm trời. Mua cây súc ở Campuchia chở bằng bè theo đường sông về đây đẽo gọt. Thợ thầy rước từ miền Bắc, Trung vô làm. Một số người thợ xây nhà đã cưới vợ và an cư lạc nghiệp tại đây. Phong nhấn nhá với tôi: “Tuổi trẻ sớm tạo tác nhà bề thế, chuẩn mực nhất định trong ứng xử, ba anh em ông cố đã tạo ra tiếng tăm và càng giàu có hơn”. Tôi giật mình hiểu ra ngôi nhà mình ở chắc hẳn là từ khoản tiền hồi môn của ông cố. Chuyến đi ấy giúp tôi làm cuộc hành trình trong tâm thức về Xóm nhà giàu, tìm hiểu quá khứ thăng trầm.

Tính từ vị thủy tổ rời Thanh Hóa vào đây khẩn hoang, ông cố thuộc đời thứ tư. Từ thế hệ này họ Nguyễn Văn đổi thành Nguyễn Hữu. Năm 1900, ba anh em Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Hữu Hoanh, Nguyễn Hữu Hùng làm tờ tương phân chia di sản là 63 ha đất ruộng và hơn 2 ha đất thổ. Theo đó ông Hiệp, trưởng nam hưởng 13 ha ruộng và toàn bộ đất thổ làm hương hỏa, 50 ha ruộng còn lại chia đều cho ba người. Ở miền Nam thời đó có 50 ha chưa gọi là nhiều nhưng chỉ 25 năm sau, ba anh em ông cố đã nhân số ruộng lên hàng chục lần. Có ý chí, cần cù, giỏi tính toán nhưng cũng có phần quan trọng là từ hôn nhân. Trong dòng tộc đã có hai cuộc hôn nhân làm nhân đôi tài sản.

Giàu nhanh, suýt chết cũng vì “môn đăng hộ đối”

Bà cố tôi mất sớm lúc mới 23 tuổi, ông cố vừa nuôi con vừa xây nhà, khi ngấp nghé 30 ông tục huyền với con gái vị điền chủ lớn ở Tiền Giang. Thời ấy hầu hết hôn nhân đều là mai mối và môn đăng hộ đối. Gia sản ông cố tôi lép vế so với phía nhà gái, lại góa vợ có con riêng, nhưng bù lại chí thú làm ăn tạo lập nhà cửa.

Vị nhạc gia hỏi chàng rể thật nhẹ nhàng: “Mày có hết thảy bao nhiêu mẫu ruộng?”. Ông cố tình thiệt trả lời: “Nhờ trời nên ngoài phần cha mẹ để lại có mua thêm ba bốn trăm mẫu”. Ông cha vợ cười hớn hở: “Được! Cha sẽ cho con số ruộng y như vậy!”. Tài sản của ông cố đã nhân đôi sau cuộc hôn nhân và dù mãn phần khá trẻ (chỉ hưởng dương 54 tuổi), ông kịp để lại di sản hơn 1.000 ha ruộng.

Mặt tiền nhà ông Nguyễn Hữu Trà vừa được con cháu phục dựng.


Cuộc hôn nhân thứ hai còn thú vị hơn. Gia đình họ Huỳnh Đình ở Gò Công, rất giàu nhưng không có con trai nối dõi, đánh tiếng gả con gái cho nhà họ Nguyễn. Chú rể đầu tiên được giao kết là Nguyễn Hữu Tân, con ông Cai Hiệp. Chẳng may, chưa đến ngày cưới thì ông Tân bị bệnh qua đời. Hai họ thu xếp để người em chú bác là Nguyễn Hữu Đỏ thay thế. Bên gái xin bắt rể, cải họ cho chú rể sang Huỳnh Đình Đỏ và hai con ông Đỏ (Châu, Khôi) lúc nhỏ cũng lấy họ Huỳnh Đình, khi trưởng thành mới lấy lại họ gốc. Một trong hai người chính là luật sư Nguyễn Hữu Châu, Tổng trưởng Nội Vụ kiêm Đổng lý văn phòng Tổng thống Ngô Đình Diệm, là anh em cột chèo (đồng hao) với cố vấn Ngô Đình Nhu.

Ông nhạc Huỳnh Đình không chỉ cho con rể ruộng đất mà còn giúp vốn liếng, phương tiện để ba anh em họ Nguyễn sui gia cùng làm ăn phát triển. Chính nhờ vậy, gia tộc Nguyễn có hàng trăm héc-ta ruộng ở Gò Công. 

Sân thiên tỉnh giữa hai nhà ông Nguyễn Hữu Hoanh.


Thời ấy phương tiện giao thông chủ yếu là đường thủy, tất cả các ngôi nhà đều cất dọc theo sông. Khi chính quyền Pháp mở ra con lộ Tân An đi Rạch Lá thì nhà của gia tộc Nguyễn cách đường này hơn 2km mà không có đường ra. Bên sui gia Huỳnh Đình đã cho họ Nguyễn mượn tiền mua cả dãy ruộng để mở đường ra lộ cái. Ngay đầu ngõ vô xóm nhà họ Nguyễn là một đoạn đường cong, người Pháp gọi là La cua (la courbe) và khu vực này là “Quartier de riche” có nghĩa là Xóm nhà giàu. La Cua, Xóm nhà giàu thành địa danh dân gian cho tới ngày nay.

Cuộc hôn nhân cũng rất môn đăng hộ đối của ông Nguyễn Hữu Châu và bà Trần Lệ Chi không được may mắn như thế hệ trước. Bà Chi yêu một người Pháp, ông Châu muốn ly dị. Bà Trần Lệ Xuân đã đưa ra Luật Gia đình có những quy định rất nghiệt ngã là cấm ly hôn, mỗi cặp hôn nhân phải đăng ký nơi ở chung và không được đi khỏi nơi này quá 6 tháng…. mà dư luận thời ấy cho rằng luật này nhằm ngăn ông Châu không được ly hôn. 

Gian trước nhà ông Nguyễn Hữu Hoanh.


Ông Châu phải từ chức tổng trưởng và trốn qua Campuchia. Quốc vương Sihanouk là bạn học đã giúp ông Châu bay qua Pháp để tránh sự truy đuổi của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông Châu đã định cư suốt đời ở Pháp. Khi Bác Hồ qua đời, ông Nguyễn Hữu Châu đã dẫn đầu một phái đoàn nhân sĩ Việt Nam tại Pháp đến sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa viếng tang.

Nếp gia phong

Trở lại với ba anh em ông cố Nguyễn Hữu, điều đáng trân trọng không là sự giàu có mà là sự đoàn kết yêu thương giúp đỡ từ trong gia đình ra cả ngoài cộng đồng. Trường hợp ông Nguyễn Hữu Trà, con trai cả của ông Nguyễn Hữu Hiệp là điển hình.

Do lý do nào đó, bà mẹ ông Trà thôi chồng, ôm con về nhà cha mẹ đẻ. Một thời gian sau, bà tái hôn, ông Hiệp cũng tái hôn. Chú bé Trà có đủ mẹ cha nhưng lại sống với ngoại như trẻ mồ côi. Hai ông Hoanh và Hùng bàn nhau “cháu mình thì mình phải lo, lá rụng phải về cội”. Hai ông cùng đi tìm và đích thân cõng bé Trà về với tộc Nguyễn nuôi dạy đến trưởng thành. Khi ông Hiệp qua đời, bà vợ sau dù có nhiều con vẫn chủ động làm giấy sang tên cho ông Trà 12 ha ruộng ở Gò Công.

Ông Nguyễn Hữu Trà. Ảnh tư liệu gia phả


Ông Trà làm thôn trưởng làng Thanh Thủy và tạo lập nhà cửa khang trang, chi tộc của ông con cái đều thành đạt và đầm ấm thương yêu với các chi tộc Nguyễn Hữu anh em. Mới đây, con cháu của ông đã trùng tu phục chế nhà từ đường khang trang bề thế không kém nhà ông Hội đồng. Không biết theo quy ước từ bao giờ, các thế hệ con cháu xưng hô với các ông bà theo thứ hoặc theo chức danh chứ không phân biệt trực hệ hay bàng hệ. Tất cả các cháu ngang hàng dù thuộc chi nào cũng đều gọi ông Cố Hai (Cai Hiệp), Cố Năm (Hội đồng Hoanh), Cố Bảy (Phủ Hùng).

Chính nhờ vậy, tình thân thành viên đại gia đình rất bền chặt dù xa nhau về trực hệ mà theo luật pháp đã có thể kết hôn từ tám hoánh. Một thí dụ là tôi (cháu ông cố Năm) với bác sĩ Nguyễn Hữu Phước (nguyên trưởng khoa ICU bệnh viện Chợ Rẫy) cháu ông cố Hai trực hệ cách nhau đến năm đời, xa đến mấy tầm đại bác. Thế nhưng ba tôi cần khám bệnh, tôi gọi điện nhờ giúp cách thức sao đỡ phải chờ đợi, anh trả lời gọn lỏn: “Khi nào chú Bảy đi khám, em gọi điện báo trước một ngày”. Tôi làm theo, không dám hỏi lý do. Hóa ra hôm ấy anh xin nghỉ phép năm và trực tiếp đưa ba tôi đi từng phòng khám, xét nghiệm. Khi ba tôi nằm viện, anh đến thăm, chỉ thấy đám cháu mà không có tôi, anh ra lệnh: “Tụi con về kêu ba và bác Ba vô đây! Tụi nó phải trực tiếp chăm sóc ông nội chứ không thể giao cho tụi con!”. Thân mật trách nhiệm và nghiêm khắc đến như vậy.

Truyền thống gia đình quý báu đó theo tôi là di sản lớn hơn cả tiền bạc.

Trách nhiệm của người giàu với cộng đồng

Thanh Phú Long gần biển nên mùa khô nước sông bị mặn, thiếu nước uống. Ông Nguyễn Hữu Hoanh khi xây nhà đã có ý làm một hồ chứa nước mưa rất lớn, dân nghèo làng Thanh Thủy đã sống nhờ hồ nước mùa này gần trăm năm qua, gần đây có nước giếng khoan mới thôi. 

Đối với con lộ từ xóm ra đường cái, ba anh em không chỉ vay tiền mua đất làm đường mà còn tự lãnh trách nhiệm duy tu. Trong di ngôn, ông cố Năm tôi lập một phần hương hỏa 4 ha ruộng để con trai là Nguyễn Hữu Vĩnh trích huê lợi bảo dưỡng, duy tu. Hiện nay con lộ ấy đã được cư dân địa phương, mà đa phần là con cháu họ Nguyễn Hữu, bỏ tiền đổ bê tông rộng 4 m và các đường nhánh rộng 2m tỏa khắp làng.

Các cháu của ông Nguyễn Hữu Trà (ông Nguyễn Hữu Phong ngồi bìa phải) tự đóng góp phục dựng nhà thờ.


Năm 1909 ba anh em ông cố hùn nhau xây chùa Tam Khánh trên phần đất của gia đình khá khang trang, cột gỗ, mái ngói trên khuôn viên rộng hơn 5.000m2 và cắt ra một phần đất ruộng lập hương hỏa để chi dụng cho công việc của chùa, sinh hoạt của sư trụ trì. Sau năm 1975, chính sách đất đai không còn chế độ đất hương hỏa thừa tự, các hậu duệ của tộc Nguyễn Hữu từ trong ngoài nước vẫn đóng góp công đức, tiền của cho chùa.

Năm 2007, đại đức Thích Huệ Nghiêm, Viện chủ chùa Tam Khánh làm tờ cẩn bạch kêu gọi đóng góp xây dựng lại chùa đã ghi rõ công đức tạo tác của ba anh em Nguyễn Hữu. Ba anh em ông cố cũng đã góp tiền lập đình Thanh Thủy, hiện nay là đình chính của xã Thanh Phú Long.

Sau hơn trăm năm biến thiên của lịch sử, tài sản, ruộng đất của dòng tộc Nguyễn Hữu còn lại không đến 1% thời hưng thịnh, chủ yếu là di sản kiến trúc, nhưng tại Xóm nhà giàu giá trị sống về tình tương thân gia tộc và trách nhiệm với cộng đồng xã hội vẫn sinh sôi phát triển trong các thế hệ cháu con.

Đọc lại gia phả và những câu chuyện sống về tộc Nguyễn Hữu, tôi nhận ra giàu không  phải xấu, nghèo không phải hay. Xấu tốt hay dở là do cách đối nhân xử thế. 

Bài và ảnh: Lê Đại Anh Kiệt / Người đô thị.

‘Bắt mạch’ kinh tế năm 2022

Khó có thể dự báo chính xác những gì sẽ diễn ra đối với nền kinh tế toàn cầu năm 2022 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Việt Nam cùng chung bối cảnh ấy. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng có cái nhìn khá lạc quan về bức tranh kinh tế đất nước. Cuộc trao đổi về dự cảm kinh tế năm 2022, cùng nhìn nhận các động lực tăng trưởng mà Việt Nam đã tích luỹ trong thời điểm khó khăn vừa qua, cho phép chúng ta an tâm hơn để làm việc, sản xuất, kinh doanh trong năm Nhâm Dần.
Nền kinh tế đang có những dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ.  Ảnh: QUANG VINH

Bàn tròn thực hiện với các chuyên gia: TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; TS Huỳnh Thanh Điền – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính.

Một năm mới với những khó khăn không có tiền lệ

PV: Năm 2021 là năm đầy thách thức của nền kinh tế Việt Nam với những khó khăn chưa từng có, đó là sự tàn phá của dịch Covid-19 trên tất cả các “mặt trận”. Ý kiến của các ông?

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền: Năm 2021, kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng trưởng so với năm 2020. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư tại các tỉnh thành phía Nam mà TP Hồ Chí Minh là “điểm nóng” nhất đã “vô hiệu hóa” hầu hết các cơ hội tăng trưởng mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang có.

Việc bắt buộc phải áp dụng chính sách chống dịch nghiêm ngặt như cách ly tập trung, phong tỏa “vùng đỏ”, chốt chặn bảo vệ “vùng xanh”… gây nhiều khó khăn cho sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nước. Các nguồn lực của DN bị đóng băng, không thể lưu thông, thậm chí bị bào mòn do chi phí cố định vẫn phải chi, thậm chí tăng thêm để đáp ứng quy định phòng, chống dịch trong khi doanh thu giảm mạnh hoặc bằng không.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền.

Những DN có chi phí cố định lớn và vay ngân hàng càng nhiều thì rủi ro càng cao, việc “lệch pha” trong chiến lược “Zero Covid-19” khi thế giới đã chuyển sang thích ứng để phục hồi khiến kinh tế Việt Nam trong quý III/2021 suy giảm nghiêm trọng chưa từng có. Rất may, Chính phủ và các bộ, ngành đã kịp thời điều chỉnh chiến lược ứng phó với dịch Covid-19 theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Ngay khi được “cởi trói”, các DN đã nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự lưu thông hàng hóa trong nước cũng như tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Điểm đặc biệt của đợt bùng phát dịch trong năm 2021 là tại các thành phố lớn có mật độ dân cư đông và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp đang là động lực tăng trưởng của cả nước như: Thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long. Để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều DN ở một số tỉnh, thành đã thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” là “sản xuất – ăn uống – nghỉ ngơi tại chỗ”, nhưng gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao.

Các DN vốn đã bị tổn thương từ năm 2020, lại càng gặp nhiều khó khăn hơn khi thị trường tiếp tục ngưng trệ vì giãn cách xã hội ở năm 2021. Đặc biệt, trong khi nguồn lực dự trữ đang cạn dần, các DN vẫn phải mang gánh nặng chi phí như thuê mặt bằng, lương nhân viên, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị… và hàng loạt chi phí sản xuất kinh doanh khác. Chúng ta không chỉ thấy DN nhỏ phá sản, mà nhiều DN lớn cũng bị tác động.

Nhưng thực tế, thời gian qua, bên cạnh chống dịch quyết liệt, Chính phủ đã và đang khẩn trương xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch lớn đa dạng, mục tiêu là dồn các nguồn lực bao gồm cả ngân sách để tạo cú hích mạnh giúp phục hồi kinh tế.

Tiến sĩ Võ Trí Thành.

Tiến sĩ VÕ TRÍ THÀNH: Tác động tiêu cực lớn nhất của dịch Covid-19 là sự “dịch chuyển ngược” khi hàng triệu người lao động di chuyển từ thành thị, khu công nghiệp về nông thôn. Năm 2021, là năm đầy thách thức với nền kinh tế Việt Nam với những khó khăn chưa từng có, đã làm bộc lộ những vấn đề về thị trường trong nước, chuỗi cung ứng.

Lên kịch bản để khôi phục kinh tế

PV: Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn lực tài khoá hạn hẹp, sức khoẻ DN suy yếu, nhiều thách thức với vấn đề an sinh, vậy kịch bản phục hồi nên xây dựng ra sao trong năm 2022 thưa các chuyên gia?

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền: Việc khôi phục kinh tế phụ thuộc vào chính sách ứng phó với dịch bệnh. Khi Nhà nước đã xác định thích ứng, chung sống an toàn, tạo điều kiện để các nguồn lực, dòng vốn của DN được lưu thông thì kinh tế sẽ nhanh chóng phát triển theo quy luật thị trường. Các chính sách hỗ trợ DN gặp khó khăn thời gian qua đã đi đúng hướng và từng bước phát huy được hiệu quả. Điển hình như chính sách giãn nợ, khoanh nợ, không để DN rơi vào nhóm “nợ xấu”; hỗ trợ về chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội giúp DN giảm bớt phần nào áp lực về tài chính.

Việc khôi phục kinh tế phụ thuộc vào chính sách ứng phó với dịch bệnh. Khi Nhà nước đã xác định thích ứng, chung sống an toàn, tạo điều kiện để các nguồn lực, dòng vốn của DN được lưu thông thì kinh tế sẽ nhanh chóng phát triển theo quy luật thị trường. Các chính sách hỗ trợ DN gặp khó khăn thời gian qua đã đi đúng hướng và từng bước phát huy được hiệu quả.

Về chiến lược phục hồi và phát triển bền vững kinh tế thời gian tới, cần đẩy mạnh đầu tư công bởi việc thực hiện các dự án đầu tư công sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho DN, kể cả DN nhỏ và vừa tham gia vào các gói thầu phụ. Đầu tư công cũng kích cầu, thu hút đầu tư từ DN vào các lĩnh vực khác, thúc đẩy chi tiêu của xã hội.

Song song đó, Nhà nước cần mở rộng nguồn vốn tín dụng cho DN tiếp cận phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, cần có giải pháp để hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất thay vì đầu tư chứng khoán hay bất động sản dễ dẫn đến tình trạng đầu cơ, tăng trưởng nóng nhưng không tạo ra hàng hóa cho xã hội.

Theo tôi sẽ có 4 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Kịch bản 1 là: Mức độ ổn định của các quy định kiểm soát dịch bệnh đúng hướng và chính sách tài khoá tiền tệ triển khai đúng hướng thì tăng trưởng GDP có thể đạt 6 – 7%. Kịch bản 2: Mức độ ổn định của các quy định kiểm soát dịch bệnh chệch hướng và chính sách tài khoá tiền tệ triển khai đúng hướng thì tăng trưởng GDP đạt từ 5 – 6%. Kịch bản 3: Mức độ ổn định của các quy định kiểm soát dịch bệnh chệch hướng và chính sách tài khoá tiền tệ triển khai thay đổi nhiều thì tăng trưởng GDP dưới 4%. Kịch bản 4: Mức độ ổn định của các quy định kiểm soát dịch bệnh đúng hướng và chính sách tài khoá tiền tệ triển khai thay đổi nhiều thì tăng trưởng GDP đạt 4 – 5%.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Phục hồi kinh tế, tạo điều kiện để kinh tế quay lại guồng tăng trưởng tốt, trước hết vẫn phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Cần đưa ra các điều kiện an toàn và lộ trình phù hợp để từ đó xây dựng các kịch bản cụ thể.

Về các gói hỗ trợ trong năm 2022, cơ quan chức năng cần lựa chọn các DN, các lĩnh vực ngành nghề để thực hiện hỗ trợ, trở lại sản xuất phù hợp. Theo đó, đối với ngành nghề sản xuất nhu yếu phẩm, sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu…, nên ưu tiên để hàn gắn lại không bị vết nứt đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu tác động, đảm bảo DN có cơ sở tốt nhất để thực hiện đàm phán, ký kết các hợp đồng với bạn hàng trong nước cũng như nước ngoài.

Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thống nhất các thủ tục, giấy tờ, hóa đơn, chứng từ để giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian, chi phí vận chuyển, logistics, bến bãi, kho tàng…

Tiền đề cho sự tăng trưởng

PV: Nền kinh tế được nhìn nhận là đang vận động nhanh hơn với trạng thái bình thường mới, đồng nghĩa với việc người dân chi tiêu nhiều hơn, nhu cầu tiêu dùng sẽ đi lên. Năm 2022, theo các ông, nền kinh tế sẽ có những tiền đề gì để tăng trưởng?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trong năm 2022, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng. Các nhóm hàng điện thoại và linh kiện; máy tính, linh kiện và sản phẩm điện tử; máy móc, phụ tùng; dệt may; da giày; gỗ và sản phẩm từ gỗ; sắt thép… tiếp tục đóng vai trò chủ lực để xuất khẩu của Việt Nam lập kỷ lục mới.

Để tận dụng cơ hội này, chúng ta cần tập trung các sản phẩm, hàng hóa chủ chốt đang có lợi thế xuất khẩu, nhất là các mặt hàng công nghệ cao như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác. Cơ quan chức năng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp trong đó chú trọng hỗ trợ DN khai thác tối đa các Hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền: Điều chắc chắn chúng ta có được ở năm 2022 là xuất khẩu sẽ tốt. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, thứ nhất khi kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn thì đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng. Thứ hai là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là cơ hội tăng thị phần sản phẩm Việt Nam vào Mỹ, kèm với đó là các hiệp định thương mại các FTAs luôn mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu.

Trân trọng cảm ơn các vị đã tham gia bàn tròn!

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Tái cơ cấu kinh tế để phục hồi nền kinh tế

Nhìn lại giai đoạn 2016-2020 chúng ta thấy, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực. Mặc dù vậy, việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 ở nước ta vẫn còn một số hạn chế. Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm. Tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao, đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp. Khu vực tư nhân phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế. Mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm…

Hiện tồn tại không ít cơ chế, chính sách gây khó khăn cho việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Do đó, để đạt được các mục tiêu dự kiến đặt ra, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cần được đẩy nhanh hơn và thực sự bứt phá. Muốn trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất phải đạt 6,5% hàng năm, cao hơn so với kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020 là 5,8.

Hiện nay trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên thế giới đã xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng… Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viên trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Cần thúc đẩy chuyển đổi số

Để phục hồi kinh tế, DN, người dân và người lao động vẫn rất cần những gói hỗ trợ. Theo đó sẽ cần gói củng cố hệ thống y tế (dự kiến cần khoảng 76.000 tỷ đồng) ; Tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội, dự kiến cần khoảng 58.000 tỷ đồng; Cần gói hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn, trong đó gói hỗ trợ doanh nghiệp cần khoảng 244.000 tỷ đồng cùng với việc hạ mặt bằng lãi suất là rất cấp thiết; Tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh gói hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số là giải pháp hiệu quả để phục hồi nền kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Phát triển kinh tế số giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành/lĩnh vực mới, tạo việc làm, thay đổi cơ cấu việc làm, nâng cao chất lượng lực lượng lao động, tăng chất lượng dịch vụ công.

Với doanh nghiệp, lợi ích là tăng năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng thị phần, thay đổi linh hoạt hơn, kết nối với khách hàng, nhân viên, đối tác và nhà cung cấp nhanh hơn, đẩy nhanh quá trình ra quyết định. Còn với người tiêu dùng, kinh tế số giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tiện ích được cải thiện do ứng dụng công nghệ tiên tiến; mua hàng mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nội mạng Internet. Giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn; thuận tiện trong thanh toán do không phải sử dụng tiền mặt.

H. Hương (ghi) / Đại Đoàn Kết