Đã mắt với vẻ đẹp của các loài chim vành khuyên Việt Nam

Trong các loài chim ở Việt Nam, họ Vành khuyên (Zosteropidae) được biết đến với các loài chim vành khuyên có màu sắc tươi vui cùng các loài khướu mào mang dáng vẻ ngộ nghĩnh đặc trưng.

Ảnh: eBird.

Vành khuyên Nhật Bản (Zosterops simplex) dài 10-11 cm, là loài định cư phổ biến tại Đông Bắc, trú đông tại Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc và Bắc Trung Bộ. Loài chim này sống trong rừng thứ sinh, nơi canh tác, công viên, vườn nhà, có thể gặp ở độ cao lên đến 2.600 mét, thường ghi nhận di chuyển theo đàn số lượng lớn và liên tục.

Vành khuyên sườn hung (Zosterops erythropleurus) dài 11-12cm, là loài chim trú đông không phổ biến tại khu vực Tây Bắc và Đông Bắc, di cư qua Đông Bắc Việt Nam. Chúng sống ở các khu vực rừng mở, rừng thứ sinh, có thể gặp ở độ cao lên đến 2.600 mét, thường di chuyển theo đàn hỗn hợp với vành khuyên Nhật Bản.

Chùm ảnh: Đã mắt với vẻ đẹp của các loài chim vành khuyên Việt Nam

Vành khuyên họng vàng (Zosterops palpebrosa) dài 10-11 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Tây Bắc, Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Chúng sống trong rừng rụng lá, rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh, rừng cây gỗ và các khu canh tác, rừng ngập mặn, công viên, vườn, có thể gặp ở độ cao tới 1.550 mét.

Khướu mào khoang cổ (Yuhina torqueola)dài 14-15 cm, là loài định cư phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc và Trung Trung Bộ (dễ gặp tại VQG Hoàng Liên Sa Pa, Tam Đảo, ba Vì, bạch Mã). Loài chim thuộc họ Vành khuyên này sống ở rừng lá rộng thường xanh, bìa rừng, cây bụi, độ cao từ 350-1.800 mét, thường kiếm ăn theo đàn.

Khướu mào cổ hung (Yuhina flavicollis) dài 12-13 cm, la loài định cư tương đối phổ biến tại Tây Bắc, Bắc Đông Bắc và Bắc Trung Bộ (VQG Hoàng Liên Sa Pa). Sinh cảnh của chúng là rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh, bìa rừng, độ cao từ 1.800-2.650 mét, thường di chuyển theo đàn nhỏ đến các cây có hoa và quả.

Khướu mào họng đốm (Yuhina gularis) dài 14-15 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Tây Bắc và Trung Trung Bộ (VQG Hoàng Liên Sa Pa). Sinh cảnh của loài này là rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh, rừng hỗn giao rụng lá, bìa rừng ở độ cao từ 1.800-3.100 mét, thường di chuyển theo đàn nhỏ.

Khướu mào cổ trắng (Yuhina diademata) dài 17-18 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Tây Bắc (VQG Hoàng Liên Sa Pa). Chúng sống ở rìa của rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh, cây bụi và trảng cỏ, độ cao từ 1.650-2.750 mét.

Khướu mào đầu đen (Yuhina nigrimenta) là loài định cư tương đối phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc, bắc và Nam Trung Bộ (VQG Hoàng Liên Sa Pa, Tam Đảo). Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh, độ cao 450-2.315 mét.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG 

Cái nhìn quốc tế về nguồn lợi dầu khí hàng nghìn tỉ USD ở Biển Đông

Các tổ chức trên thế giới đưa ra nhiều con số ước lượng khác nhau về các trữ lượng dầu khí ở Biển Đông nhưng dù với con số nào thì giá trị cũng lên đến hàng ngàn tỉ USD.

Trải dài từ Singapore và eo biển Malacca về phía Tây Nam đến eo biển Đài Loan về phía Đông Bắc, Biển Đông là một trong những tuyến giao thương đường biển quan trọng bậc nhất của thế giới, nắm giữ tầm quan trọng lớn về chiến lược, chính trị. Mỗi năm, ước tính có khoảng 5.300 tỉ USD hàng hóa đi qua Biển Đông.

Song khu vực biển với hàng trăm đảo nhỏ, bãi đá, bãi cát ngầm này cũng là nơi chứa các trữ lượng khổng lồ về các tài nguyên hydrocarbon, đặc biệt là khí tự nhiên.

Trong một báo cáo năm 2013, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính Biển Đông nắm giữ trữ lượng xác minh (proved reserve) và trữ lượng khả năng (probable reserve) khoảng 11 tỉ thùng dầu và 190.000 tỉ foot khối (5.340 tỉ m3) khí tự nhiên. Trữ lượng xác minh tương ứng xác xuất 90% khai thác được, còn trữ lượng khả năng tương ứng xác xuất 50% khai thác được.

11 tỉ thùng dầu trị giá tương đương khoảng hơn 600 tỉ USD nếu tính theo giá dầu Tây Texas hiện nay khoảng 56 USD/thùng. Trong khi đó, giá khí tự nhiên hiện nay khoảng 10 USD/1.000 foot khối. Như vậy, 190.000 foot khối khí tự nhiên có giá trị khoảng 1.900 tỉ USD.

Trong khi đó, hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie (Anh) ước tính Biển Đông chỉ có trữ lượng xác minh của dầu khí ở mức tương đương 2,5 tỉ thùng dầu. Tuy nhiên, các con số này chưa tính toán đến các nguồn tài nguyên hydrocarbon tiềm năng ở các khu vực khác trên Biển Đông chưa thể khai thác hoặc chỉ mới khai thác hạn chế hoặc do chưa đủ điều kiện và trình độ công nghệ.

Trong dự án thẩm định các tài nguyên dầu mỏ thế giới công bố vào năm 2010, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính Biển Đông có các trữ lượng dầu và khí tự nhiên chưa khai thác vào khoảng 5-22 tỉ thùng dầu và 2.000-8.200 tỉ m3 khí tự nhiên. Tuy nhiên, các con số này không phản ánh trữ lượng thương mại vì vẫn chưa rõ liệu có khả thi về kinh tế để khai thác chúng không.

USGS cũng chỉ ước định các trữ lượng này ở một số khu vực ở Biển Đông, chứ không phải toàn bộ Biển Đông nên nguồn tài nguyên dầu khí chưa khai thác có thể còn lớn hơn.

Năm 2012, trong một báo cáo, USGS đưa ra các con số thẩm định cụ thể hơn, với khoảng 12 tỉ thùng dầu và 4.500 tỉ m3 khí tự nhiên chưa khai khác.

Hồi tháng 11/2012, Tổng Công ty dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ước tính Biển Đông nắm giữ các trữ lượng dầu khí chưa khai thác lên đến 125 tỉ thùng dầu và hơn 14.000 tỉ m3 khí tự nhiên). Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các con số thẩm định này là quá cao và các nghiên cứu độc lập khác không xác nhận chúng.

Theo VIETTIMES / CSIS; OIL PRICE

Trúc Thông – ‘người đi đầu trong các nhà thơ đổi mới ở miền Bắc’

Nhà thơ Trúc Thông – ‘người đi đầu trong các nhà thơ đổi mới ở miền Bắc’ theo đánh giá của chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều – vừa qua đời sáng 26.12 tại Hà Nội sau nhiều năm chống chọi với bệnh nặng, hưởng thọ 81 tuổi.

Theo đánh giá của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – Trúc Thông là một trong những người tiên phong trong việc đổi mới thơ ngay trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Ông nêu quan điểm mỗi nhà thơ phải tự trả lời câu hỏi về thơ ca và không được phép đi lại con đường người khác đã đi.

Nhà thơ Trúc Thông – Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ông Thiều cho rằng bài thơ Bờ sông vẫn gió được nhiều người yêu thích là một bài thơ lục bát hay của Trúc Thông nhưng không phải là bài thơ đại diện tiêu biểu cho thơ Trúc Thông, mà đại diện phải là những bài thơ tự do đầy cách tân.

Chia sẻ với phóng viên, ông Thiều cho biết, thời đó, sự đổi mới trong thơ ca của Trúc Thông đã khiến ông thành đơn độc trên con đường thi ca riêng của mình. Nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà Trúc Thông sau này rất hào hứng ủng hộ thế hệ trẻ.

Trúc Thông luôn quan sát người trẻ, mở rộng lòng đón những người trẻ, luôn trìu mến và hết lòng ủng hộ thế hệ đàn em như nhà thơ Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Trần Hùng và cả ông Nguyễn Quang Thiều.

Đặc biệt, Trúc Thông là một người vô cùng đắm đuối với thơ.

“Ông coi thơ như một ngôi đền thiêng liêng không một sự thô thiển nào được chạm tới. Thơ ca chìm đắm trong ngôi nhà ông từ những năm tháng xa xưa rất khó khăn. Điều này thể hiện trong chữ nghĩa, hình ảnh thơ ông, trong thái độ của ông khi đọc thơ người khác và nêu ý kiến về thơ.

Ông là một người sống rất bình lặng nhưng máu ông lúc nào cũng vang lên rền rĩ những chuyển động của thi ca. Ông để lại ấn tượng rất mạnh trong thế hệ những nhà thơ như tôi”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

***

Nhà thơ Trúc Thông tên thật là Đào Mạnh Thông, sinh năm 1940 ở Bình Lục, Hà Nam, tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trước khi nghỉ hưu, ông làm việc tại Ban văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam.

Ông từng xuất bản nhiều tập thơ: Chầm chậm tới mình (1985), Ma-ra-tông (1993), Một ngọn đèn xanh (2000), Vừa đi vừa ở (2005), Trúc Thông thơ (2014), cuốn bình thơ Mẹ và em (2006), Trúc Thông tiểu luận bình thơ (2013), lý luận phê bình Văn chương ngẫu luận (2003)…

Trong đó, bài thơ Cao Bằng của ông được in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, tập 2. Là một nhà cách tân thơ, nhưng bài thơ được nhiều người biết tới và yêu thích của ông lại là một bài thơ lục bát là bài Bờ sông vẫn gió.

THIÊN ĐIỂU/TTO

Trịnh Vĩnh Bình – người hạ ‘bên thắng cuộc’ (kỳ cuối)

Kỳ 3: Tôi sẽ cho Việt Nam thấy ‘để lâu cứt trâu hoá… vàng!’

Trong những cuộc phỏng vấn với VOA giữa lúc đang chuẩn bị cho những vụ kiện tiếp theo sau chiến thắng lịch sử trước chính phủ Việt Nam tại toà án quốc tế ở Paris năm 2019, doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình nhiều lần khẳng định việc ông quyết tâm giành lại công bằng ở tuổi “thất thập cổ lai hy” này không chỉ đơn thuần là vì mục tiêu vật chất, mà trên hết, là để chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh pháp lý, tạo thành một “tiền lệ” hay “án mẫu” cho những nạn nhân cũng bị mất đất đai, tài sản như ông; và để chính phủ Việt Nam phải nhìn nhận, thay đổi não trạng và cung cách hành xử với người dân khi đã gia nhập vào sân chơi toàn cầu.

Một trong những kinh nghiệm nho nhỏ nữa mà ông chia sẻ là vấn đề quốc tịch Việt Nam của Việt kiều. Nhiều người có tâm lý muốn giữ quốc tịch Việt Nam như một phần danh tính cội nguồn, và quan trọng hơn là để dễ dàng, thuận lợi trong những chuyến đi trở về quê hương. Nhưng theo triệu phú Trịnh Vĩnh Bình, cái nhãn “quốc tịch Việt Nam” đã suýt trở thành bẫy khiến ông thua trắng tại toà án quốc tế.

Mời quý vị theo dõi chi tiết trong cuộc phỏng vấn sau.

VOA: Thưa ông Trịnh Vĩnh Bình, mặc dù ông từng chia sẻ rằng ông đã có một sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng thời cuộc trước khi quyết định bán toàn bộ tài sản để về Việt Nam đầu tư, nhưng sau nhiều mất mát và bây giờ nhìn lại, ông có thấy mình thiếu sót gì trong những tính toán đó hay không?

Trịnh Vĩnh Bình: Sự thật khi tôi trở về Việt Nam lần đầu, như tôi nói, tôi đã có một sự chuẩn bị về thành công và cả có thể thất bại, tức là mình chấp nhận rủi ro. Thứ hai là vì đã có ký một thoả thuận với những điều khoản. Tôi cũng không ngờ là chính phủ Việt Nam, mình phải xài từ “lật lọng” là đúng hơn. Lật lọng đến nỗi mà tất cả những điều khoản đem về đều thay đổi, tức là trở mặt đó. Tôi có những tài liệu trên tay như Bộ Tư pháp họp làm sao, liên ngành họp làm sao, họ dùng những câu như “tiêu chí” gì gì đó… một đống như vậy, phịa ra rồi cùng nhau suy nghĩ để đưa ra những cái không đúng cả về lý và luật cũng không đúng.

Tôi trả lời vừa rồi không phải là vì vấn đề trả thù hoặc căm hận chuyện của mình rồi phát biểu. Không phải. Tôi nói vừa rồi là có hai ngụ ý.

Một, tôi muốn đưa lên một sự thật cho chính phủ Việt Nam, những người tốt (trong chính phủ) thấy được.

Thứ hai, đây là một sự thử thách. Như tôi nói, “thuốc đắng giã tật”, có lẽ khi mình nói lên một sự thật đôi khi nó có đụng chạm, có chua xót một tí, nhưng nó là sự thật. Tôi sẵn sàng chấp nhận đối thoại nếu chính phủ Việt Nam cử một vị hay bao nhiêu vị chất vấn tôi về những câu nói của tôi không có căn cứ, tôi sẽ trả lời trực tuyến. Bây giờ là thời buổi hiện đại rồi, internet rồi, Việt Nam đừng nghĩ với những đạo luật về mạng này kia rồi cứ bịt miệng, cứ ém được. Trong câu chuyện của tôi bây giờ, tài liệu của tôi bây giờ đã tung ra tùm lum… Tôi cho phơi bày hết. Cái gì có để cho mọi người tự đăng, tự phơi bày. Bây giờ không nên bịt nữa. Vì mình cứ đóng cửa, mình ở trong bóng tối rồi mình giết người hay hại người hoài đâu có được.

Việt Nam bây giờ một trong những cái đau đớn nhất hàng ngày đang xảy ra là vấn đề đất đai bị chiếm. Biết bao nhiêu cuộc dân xuống đường người ta phản đối, người ta bị hành hung, bị đàn áp đều là vì vấn đề tài sản, đất đai của người ta.

Tôi xin hỏi anh chị em nào sống thời Đệ nhị Cộng hoà có nghe chính phủ đi đàn áp dân lấy của dân không, chiếm đất dân không? Người ta có dự luật 57 phát đất cho dân. Tới thời Đệ nhị Cộng hoà là có Luật “Người cày có ruộng”, cấp đất cho dân. Đâu có bao giờ lấy của dân. Mà cũng không đi lấy của địa chủ nữa: Mua lại. Mua xong phát cho dân.

Do đó, về vấn đề đất, bây giờ mình đừng có giấu nữa.

“Để lâu cứt trâu hoá… vàng!”

VOA: Nhiều độc giả VOA sau khi theo dõi các bài viết liên quan đến các vụ kiện của ông thì cho rằng mặc dù ông có lợi thế được luật pháp quốc tế bảo vệ vì là công dân Hà Lan, nhưng với thời gian kéo dài nhiều chục năm, vấn đề tuổi tác của ông lại đang dần trở thành lợi thế cho chính phủ Việt Nam theo kiểu “để lâu cứt trâu hoá bùn”. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Trịnh Vĩnh Bình: Tôi không hy vọng chính phủ Việt Nam giữ cách hành xử thường ngày là “Để lâu cứt trâu hoá bùn”. Tôi không nghĩ vậy. Bây giờ tôi phải đảo ngược lại “Để lâu cứt trâu hoá vàng” mới được.

Là vì trước đây khi tôi đòi đền bù thì giá đất còn thấp. Lúc đó, cả (đền bù) giá đất và vấn đề về nhân thân, nhốt tù oan, là trên 1,25 tỷ đô la. Nhưng bây giờ, giá đất cao thì nó đã trên 4 tỷ đô la rồi. Nhưng căn bản là, tôi muốn nhấn mạnh, về pháp lý, chính phủ Việt Nam không chối cải được. Bảo đảm không chối cãi được và phải trả. Trả bằng cách nào cũng phải trả: bằng tài sản hoặc đền bù, nhưng phải trả. Chuyện này chúng tôi khẳng định rõ ràng như vậy.

Tôi hy vọng chính phủ Việt Nam giải quyết vì đây là cơ hội hai bên win-win. Tại sao? Chính phủ Việt Nam không phải lấy tiền đền bù cho tôi, mà chỉ cần bán một phần tài sản của tôi thôi. Phần khác, chính phủ Việt Nam còn có thể bỏ vào ngân sách, thừa sức bỏ vào ngân sách. Tôi cũng không đòi bắt buộc phải trả hết 100%.

Nhưng nếu ra toà thì khác. Khi ra toà thì lý ai nấy giữ, phần ai nấy giữ. Chúng tôi sẽ đòi tối đa, mà có thể luật sư họ còn đòi hơn nữa, là vì trong đó còn nhiều loại phí mà cũng phải đền bù nữa.

Nha hàng bờ biển của khách sạn Long Beach mà ông Trịnh Vĩnh Bình đầu tư ở Phú Yên.
Nha hàng bờ biển của khách sạn Long Beach mà ông Trịnh Vĩnh Bình đầu tư ở Phú Yên.

VOA: Như vậy, cho đến lúc này, thái độ và phản hồi của chính phủ Việt Nam đối với ông ra sao?

Trịnh Vĩnh Bình: Sau phán quyết 10/4/2019, đây là theo lời của “con thoi” (người chịu trách nhiệm liên lạc giữa chính phủ Việt Nam và ông Trịnh Vĩnh Bình), quan chức này khá lớn và nói chuyện rất đàng hoàng. Nhân vật con thoi này là do Bộ Chính trị cử, theo lời người đó, thì ở Việt Nam lúc đó có hai khối người. Phần đông là muốn phải giải quyết cho ông Trịnh Vĩnh Bình, nhưng một thiểu số nhỏ không chịu, nói là “Chơi tới cùng vì ông Bình giờ cũng lớn tuổi rồi, chưa chắc gì ông đeo đuổi vụ này được”.

Tôi đã trao đổi và nói với anh này rất rõ rằng một khi công lý có rồi, mà vụ này tôi đã chuẩn bị rồi, tôi sẽ giao cho một nhóm về luật pháp để người ta đeo đuổi, kể cả tới đời con tôi.

Tôi cũng nói rằng trong vấn đề này tôi đã thấy Việt Nam xuất hiện tiếp cận luật sư, chơi màn đi cửa sau cửa trước. Hễ tiếp cận mà tôi ngửi thấy là tôi đổi luật sư. Thứ hai, tôi có một nhóm người đeo đuổi về luật pháp và họ ở trong bóng tối. Không bao giờ chính quyền Việt Nam có thể biết và tiếp cận được. Chuyện này tôi đã làm. Nhóm người này điều hành tất cả và hễ họ thấy luật sư làm việc không được là đổi bỏ. Mỗi một lần đổi như vậy thì chính phủ Việt Nam phải nói là “lấy gai lễ gai”, tức là cứ lấy một cái gai để lễ thì gãy cái gai và cái gai thứ hai lại nằm trong chân, và như vậy tất cả những hệ luỵ chính phủ Việt Nam phải gánh.

Tôi sẽ làm công khai, bạch hoá hết. Tôi không giấu gì hết. Tại sao? Để cho chính phủ Việt Nam phải sửa lại. Phải nhờ những vụ như vậy để sửa lại cách hành xử của mình. Chính phủ Việt Nam không thể cứ bịt lại, ém nhẹm lại. Tôi sẽ không đi theo chiều hướng này.

Án mẫu

VOA: Ông từng nói rằng mục tiêu của các vụ khởi kiện của ông chống lại chính phủ Việt Nam ở toà án quốc tế không chỉ là giành lại công bằng về mặt vật chất, mà trên hết là để tạo ra một “tiền lệ” cho những người dân mất đất tại Việt Nam để họ cũng có cơ hội giành lại công bằng cho mình. Liệu rằng ông có lạc quan quá không khi hoàn cảnh của ông (là Việt kiều) hoàn toàn khác với những người dân trong nước?

Trịnh Vĩnh Bình: Tôi sẽ trở thành một điển hình vì hoàn cảnh tôi khá thuận tiện là vì tôi ở ngoài. Tôi dựa vào Hiệp thương, vào luật quốc tế. Nhưng dân ở trong nước không phải không có hiệp thương thì làm không được. Nên nhớ Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị, trong quyền dân sự có quyền về tài sản. Tôi nghĩ những cái đó trong thời gian tới chính phủ Việt Nam sẽ phải đối mặt.

Riêng chuyện của tôi, tôi đã có tâm nguyện và tôi lặp đi lặp lại, là tôi sẽ mở một con đường đấu tranh về vấn đề chiếm đoạt tài sản. Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam nên lấy đây là một sự việc báo cho mình thấy được những góc tối, những sai trái. Đừng để tham quan cứ ngày càng làm tới hoài, vì những cuộc biểu tình trong nước của dân oan đã kéo dài suốt mấy chục năm. Tôi nhớ vào những 1990, lúc tôi đi làm đơn cầu cứu ở miền Bắc. Tôi nhớ chính miệng chú Sáu Khải (Thủ tướng Phan Văn Khải) nói với tôi: “Trời rét như thế này, mà bà con người ta sáng sớm đã chầu chực trước nhà rồi”. Người ta chờ đầy hết để người ta đưa đơn. Người ta cầm tận tay tới nhà các lãnh đạo, không phải chỉ nhà chú Sáu Khải. Tất cả (nhà) những lãnh đạo lớn đều có dân bu đầy hết để đưa đơn. Ở một đất nước thực sự nhìn thấy mấy cái đó mình thấy đau lòng.

Lúc đó tôi đã thấy đau lòng, tại sao tôi còn trở về nữa? Như tôi nói, tôi muốn khi tôi đã nhảy lên chiếc tàu rồi thì tôi muốn quăng những viên đá đi, tức là làm sao cho tàu nổi lên. Nhưng hoàn cảnh không cho phép thì mình đành bó tay, nhưng ý chí của mình lúc nào cũng vẫn còn.

Việc tranh đấu ở ngoài này của tôi cũng vậy. Kỳ trước tôi đã nói, tôi đã mở một con đường cho chính phủ Việt Nam. Tức là tài sản tôi đang ở đó, đừng để cho (mọi người) phải hiểu lầm rằng nhà nước phải tốn một số tiền để trả cho tôi để đền bù. Không phải. Tài sản của tôi 8 triệu m2 đất, chỉ cần lấy bán một phần để trả tôi thôi. Phần kia các vị có thể bán để bỏ vào ngân sách quốc gia hay gì đó. Chuyện đó coi như tôi cam tâm. Không cần chính phủ, quý vị phải bỏ tiền ra trả cho tôi. Không phải như vậy…

Từ câu chuyện của tôi, tôi mường tượng ra ở bên ngoài hằng hà sa số những câu chuyện như vậy. Chỉ có điều người ta chưa có cơ hội để có được một tiếng nói trọng thôi, chỉ làm ở cục bộ rồi bị dẹp, bị đàn áp…

Phán quyết của Toà án quốc tế tại Paris năm 2019 tuyên bố ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện và yêu cầu chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho ông.
Phán quyết của Toà án quốc tế tại Paris năm 2019 tuyên bố ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện và yêu cầu chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho ông.

Tôi xem những vụ (của mình) là những vụ án mẫu, điển hình để để cho chính phủ Việt Nam một là phải nên sửa. Còn nếu chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục để cho các quan chức địa phương hay những bàn tay lông lá phe con ông cháu cha nhắm đến tài sản của người ta rồi tìm cách “thịt” để chia với nhau, thì tôi sẽ làm đến cùng vấn đề này và tôi sẽ công bố để cho người dân trong nước cũng biết cách để đấu tranh để bảo vệ tài sản của mình.

‘Chưa và không bao giờ làm công dân CHXHCN Việt Nam

VOA: Trong tư cách là một Việt kiều với nhiều trải nghiệm làm ăn tại Việt Nam, ông còn có lời khuyên hay lưu ý gì dành cho các kiều bào khác hay không?

Trịnh Vĩnh Bình: Về vấn đề passport, tôi xin nói một điển hình của tôi. Lúc vụ kiện của tôi tại Paris, 1 trong 3 vũ khí mà chính phủ Việt Nam tính vô hiệu hoá vụ kiện của tôi là cho rằng tôi có hai quốc tịch: quốc tịch Việt Nam và quốc tịch Hà Lan. Nếu tôi có quốc tịch Việt Nam thì toà án quốc tế không có quyền xử. Chính phủ Việt Nam nghĩ như vậy. Nhưng (ở đây) tôi chỉ nói những gì để khuyên người Việt mình hãy coi chừng thôi. Tôi không muốn nói sâu tới những mặt khác.

Lúc đó, phía luật sư của chính phủ Việt Nam buộc rằng: “Ông Trịnh, xin ông trả lời, ông đang có hai quốc tịch. Ông có quốc tịch Hà Lan, và đương nhiên ông có quốc tịch Việt Nam”. Tôi chờ nói hết tôi mới nói: “Ông nhầm lẫn. Và chính phủ Việt Nam nhầm lẫn”. Những gì tôi nói còn thu băng của phiên toà. Tôi nói: “Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam. Việt Nam thời đó chia làm hai miền: Nam và Bắc, có hai chế độ khác nhau. Sau 1975, khi miền Nam mất, thì tôi đi tị nạn. Tôi chưa bao giờ một ngày là công dân của chính phủ CHXHCN Việt Nam”. Bữa đó tôi nói trắng luôn. Tôi nói: “Tôi chưa từng và cũng sẽ không bao giờ là công dân của CHXHCN Việt Nam”, tức chế độ Cộng sản. Không có vấn đề đó! Họ rất ngỡ ngàng.

Sở dĩ tôi nói ra là vì tôi thấy rất nhiều người, có một số người quen của tôi, cũng vì vấn đề muốn về Việt Nam cho tiện lợi nên xin thêm một passport thứ hai tại toà đại sứ, mà đây là lén. Vì có những quốc gia anh không được có passport thứ hai nếu anh đã có quốc tịch, chẳng hạn như Đức. Ở Đức, nếu anh có passport Đức rồi, mà anh có passport thứ hai là anh về không được. Nó không cho. Mà làm lén như vậy thì thứ nhất, có chuyện gì thì không bao giờ than van gì được, là vì anh có passport Việt Nam, chỉ vì muốn tiện lợi, muốn đi qua phi trường không cần xin visa, chỉ đóng dấu là đi. Tôi nghĩ đây là một cảnh báo. Quý vị nào đang sử dụng cách đó nên coi chừng.

Và toà đại sứ Việt Nam cũng kỳ! Những cái này là không đúng. Đúng ra không được khuyến khích. Anh phải làm một thủ tục tương đối tốt, an toàn cho người Việt mình đi về để được bảo vệ. Thí dụ, những vị đó có mua nhà cửa, đất đai, khi dùng passport đó đi làm thì nhanh hơn. Nhưng khi đụng đến vấn đề về pháp lý, tranh chấp, thì chừng đó mới biết. Chừng đó là gay cấn đó! Rồi còn ở cả quốc gia mà mình đã lén lút làm passport thứ hai thì đó cũng là vấn đề lớn lắm. Có đôi khi mất cả quốc tịch ở nước sở tại luôn.

VOA: Cám ơn doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình đã dành thời gian cho VOA.

“Bên thắng cuộc” là tựa đề cuốn sách nổi tiếng của nhà báo Huy Đức viết về chính trị và nhân vật chính trị Việt Nam từ giai đoạn 1975 đến nay.

Theo VOA

10 vấn đề đáng chú ý nhất Việt Nam 2021

Sự lúng túng và thất bại thảm hại của chính quyền trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã làm bùng lên sự tháo chạy của hàng vạn người cố thoát khỏi Sài Gòn (VnExpress)

1./ Đại dịch với số người chết tại Việt Nam đã hơn 31,000 người. Trong đó phần lớn là dân miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, theo cách tính của nhiều tổ chức quốc tế, con số này nếu tính đúng theo hiện trạng y tế bất lực và các chính sách chống dịch không khoa học và duy ý chí của chính quyền, số người chết thực tế còn cao hơn nhiều.

Số người chết vì COVID-19 ở Việt Nam trong thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số được truyền thông Việt Nam công bố (HCDC)

2./ Lượng kiều hối đổ về Việt Nam, từ người Việt khắp nơi trên thế giới đã lập kỷ lục với hơn $18 tỷ. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Theo World Bank, lượng kiều hối về Việt Nam năm nay chiếm 4.9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước.

3./ Yếu kém và bất nhất, thủ đoạn và bất minh…, đó là những từ mô tả về cách mà nhà nước CSVN hành động chống dịch COVID-19, từ vận động quỹ quyên góp mua vaccine từ người dân, cho đến việc lập trại cách ly và bỏ mặc người dân sống chết trong trại. Đó là chưa nói đến các gói cứu trợ được quảng bá ầm ĩ với cách phân bổ nhập nhèm nhưng không có quan chức chính quyền nào chính thức chịu trách nhiệm

4./ Năm 2021 đánh dấu các cuộc bắt bớ và kết án tàn bạo của nhà cầm quyền CSVN. Nhiều người lên tiếng ôn hòa – dù chỉ là những nông dân cho đến trí thức đô thị – đều bị chụp mũ với những điều luật bị cả thế giới lên án như điều 117, 331… Năm 2021 cũng là năm mà nhà cầm quyền CSVN tập trung kết liễu các cá nhân tranh đấu cũng như các tổ chức cuối cùng đang hoạt động công khai ở Việt Nam để hoàn tất tiến trình xây dựng chế độ độc tài toàn trị núp bóng xã hội cởi mở vì kinh tế.

Cô Phạm Đoan Trang bị kết án chín năm tù (TTXVN)

5./ Bóng đá Việt Nam sau năm 1975 lần đầu tiên đã trở lại đấu trường quốc tế với phong độ cao, lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022. Sự xuất hiện của một lớp cầu thủ trẻ với sự dẫn dắt của huấn luyện viên Hàn Quốc Park Hang-seo đã làm nức lòng người yêu thể thao Việt Nam. Bên cạnh sự vượt trội của bóng đá, cũng là sự phát sinh của việc chính trị hóa bóng đá, đẩy chủ nghĩa dân tộc vào đường chạy của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa gây bất mãn cho không ít người theo dõi.

6./ Tình trạng bạo lực và băng nhóm trong hệ thống quân đội Việt Nam bị lộ diện với nhiều trường hợp quân nhân trẻ bị tra tấn đến chết trong cách trại huấn luyện. Hầu hết sự vụ được che chắn bởi nhiều cơ quan chính quyền, ép gia đình nạn nhân phải im lặng hoặc chấp nhận trong tủi nhục. Cũng như các trường hợp người dân chết bất minh trong đồn công an, các thi thể đầy thương tích của các quân nhân trẻ luôn bị gán cho lý do là “tự chết”.

7./ Vụ Bộ trưởng Công an Tô Lâm với sự kiện “đớp thịt bò dát vàng” trở thành nỗi nhục nhã của cả chế độ nhưng hơn 800 tờ báo, truyền hình của nhà nước CSVN đều im bặt không hé nửa lời, dù câu chuyện đó trở thành câu chuyện đàm tiếu tầm quốc tế. Việc kiểm soát nghiêm ngặt này, cho thấy Tô Lâm và ngành công an đang là một loại chính quyền thứ hai, kiểm soát cả vận mệnh đất nước.

Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm và vụ ngoặm thịt bò dát vàng được xem là sự kiện tồi tệ đáng xấu hổ nhất đối với một đảng cai trị tham nhũng thối nát tận cùng nhưng luôn ra rả “sống đạo đức và liêm khiết”

8./ Vụ án công ty Việt Á và giám đốc là Phan Quốc Việt nâng giá khống các bộ kit test COVID-19 và ăn chia với ngành, quan chức y tế là một vụ bê bối lớn khó tin trong hệ thống. Ngoài việc tha hóa của các cán bộ cộng sản, người ta nhìn thấy một hệ thống cầm quyền mục ruỗng và mê mãi vơ vét. Lớn hơn cả ý nghĩa tham nhũng, sự man rợ của kẻ có quyền trong việc chọn hưởng lợi và bỏ mặc dân tộc và đất nước trong đại dịch khốn đốn, đã cho thấy bộ mặt thật của một đảng cầm quyền.

Phan Quốc Việt và bộ test kit COVID-19 từng được báo chí nhà nước lẫn giới chức quân đội-công an tung hô như “cứu tinh” (báo Công Lý)

9./ Sự kiện cầu Cà Mau có giá 54 tỷ đồng bị sập, đường sắt Cát Linh- Hà Đông có giá hơn 18,000 tỷ đồng vận hành trễ và chập chờn, cùng với nhiều vụ việc khác, cho thấy các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam thật ra chỉ là những sáng tạo ăn chia của giới chức cầm quyền theo giai đoạn. Tiền thuế của người dân Việt Nam bị bóc lột đến tận xương tủy chỉ để phục vụ những dự án bánh vẽ, làm giàu cho các gia đình quan chức và đảng viên, tạo nên một giai cấp khác trong xã hội luôn tự xưng là của giai cấp công nông.

Cầu 54 tỉ đồng chưa xây xong đã sập ở Cà Mau (báo Lao Động)

10./ Bế tắc giáo dục toàn diện trong đợt dịch COVID-19. Suốt gần hai năm, từ 2020 cho đến hết năm 2021, Bộ Giáo dục CSVN vẫn không đưa ra được một đường hướng chung về giáo dục online, mà gần như phó mặc cho thầy cô giáo trong việc níu kéo học sinh. Ngoài việc các bất cập từ chương trình sách giáo khoa luôn bị đặt vấn đề, các chương trình dài và nặng đè trên vai tuổi thơ, giáo dục Việt Nam được nhìn thấy rõ chỉ có hai vai trò: nhồi sọ chính trị và tận thu giới phụ huynh.

Như Hồ / SG Nhỏ

Những công nghệ thất bại lớn nhất 2021

Minh họa: Austin Distel/Unsplash

Đối với nhiều người, năm 2021 là sự đan xen giữa hy vọng và thách thức. Dù vaccine Covid-19 được phổ biến rộng rãi hơn nhưng đại dịch vẫn kéo dài thêm một năm nữa và cả sau đó. Trong khi công nghệ tiếp tục giúp chúng ta giải trí và kết nối thời đại dịch, cũng có lúc nó ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống do thất bại chủ quan hoặc khách quan. Năm 2021, đã có những lúc công nghệ hoạt động sai hoặc không hoạt động hoàn hảo, từ việc mạng internet bị tê liệt trên diện rộng đến tấn công đòi tiền chuộc (ransomware) quy mô lớn và một loạt vấn đề đối với Meta, công ty mới của Facebook, và nhiều công ty khác nữa. Sau đây là một số công nghệ thất bại đáng chú ý nhất năm 2021.

1/ Facebook và LinkedIn bị rò rỉ dữ liệu

Vào Tháng Tư, các chuyên gia an ninh mạng tiết lộ tin chấn động: Thông tin cá nhân của nửa tỷ người dùng Facebook, gồm số điện thoại, ngày sinh và địa chỉ email, đã bị tung lên một trang web của tin tặc. Nhưng theo Facebook đây là những dữ liệu đã bị “những nhân tố độc hại” (malicious actors) thu thập vào năm 2019 và đã được khắc phục cùng năm đó. Một lần nữa, tiết lộ này cho thấy các công ty công nghệ dễ bị kẻ xấu lấy cắp một lượng lớn dữ liệu cá nhân như thế nào!

Cũng trong Tháng Tư, mạng xã hội LinkedIn xác nhận dữ liệu cá nhân công khai của khoảng 500 triệu tài khoản người dùng từng được rao bán trên một trang web của hacker. Linkedin cho biết cơ sở dữ liệu rao bán lúc đó chỉ “là một tập hợp dữ liệu từ một số trang web và công ty” không thuộc dạng mật. Công ty cũng khẳng định đây không phải là một vụ đột nhập lấy cắp dữ liệu của LinkedIn.

Minh họa: Souvik Banerjee/Unsplash

2/ Ứng dụng Citizen phát hiện sai một kẻ cố ý phóng hỏa

Vào Tháng Năm, Citizen, một công ty khởi nghiệp điều hành ứng dụng Signal chuyên gửi cảnh báo tội phạm theo thời gian thực đến người dùng đăng ký, đã đề nghị phần thưởng $30,000 cho những ai giúp chỉ điểm kẻ gây ra vụ cháy rừng ở thành phố Los Angeles. Thông tin truy tìm gồm cả bức ảnh của một người đàn ông được đăng lên Signal, dẫn đến việc cảnh sát bắt giữ một nghi phạm. Nhưng có một vấn đề lớn xảy ra: Người này bị nhận diện nhầm! Lý do, công ty đã sử dụng một sản phẩm mới trong ứng dụng có tên là OnAir để phát thông tin về nghi phạm, nhưng lại không tuân thủ quy trình xác minh chặt chẽ mà đã cung cấp thông tin cho công chúng!

3/ Tấn công đòi tiền chuộc trở thành vấn nạn lớn

Năm 2020, các cuộc tấn công ransomware (trong đó tin tặc cướp quyền truy cập vào hệ thống máy tính của công ty để giữ công ty làm con tin đòi tiền chuộc rồi mới trả lại quyền) đã tăng mạnh đến mức báo động, đặc biệt là những cuộc tấn công nhắm vào các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Một cuộc tấn công lớn trong Tháng Năm vào đường ống dẫn nhiên liệu có từ thời thuộc địa (Colonial Pipeline) tại miền Tây nước Mỹ đã cho thấy rõ tính dễ bị tổn thương của cơ sở hạ tầng công nghệ Mỹ đối với loại tội phạm này.

Colonial Pipeline, một trong những đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất ở Mỹ, đã phải tạm dừng hoạt động khi hệ thống mạng của nó bị tấn công từ các tin tặc đánh cắp mật khẩu. CEO của Colonial Pipeline thừa nhận để sớm lấy lại quyền truy cập hệ thống và trở lại hoạt động bình thường, công ty đã phải trả $4.4 triệu tiền chuộc. Tháng Sáu, các điều tra viên cua Bộ Tư pháp thông báo chỉ mới thu hồi được $2.3 triệu tiền điện tử được trả cho chúng.

4/ Sập mạng cho thấy sự mong manh của Internet

Trong vòng chưa đầy hai tuần, một lượng lớn người dùng internet không thể kết nối mạng vì các công ty công nghệ quản lý đường truyền gặp sự cố: Sập mạng. Đây là một “vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng” mà đa số người dùng chưa bao giờ trải qua. Nguyên nhân mất điện nhanh chóng được phát hiện và khắc phục trong thời gian ngắn, nhưng cũng đủ cho thấy mức độ phụ thuộc vào internet của chúng ta như thế nào và mức độ bấp bênh của đường truyền.

Lần thứ nhất vào ngày 8 Tháng Sáu khi vô số trang web như Reddit, CNN, Amazon phải ngừng hoạt động do mạng phân phối nội dung (content delivery network) Fastly bị tê liệt. Sau đó, vào ngày 17 Tháng Sáu, một sự cố nữa xảy ra tại công ty Akamai Technologies khiến không thể truy cập vào một số trang web hàng không và ngân hàng như Southwest Airlines, United Airlines, Commonwealth Bank of Australia và Hong Kong Stock Exchange. Sự cố nhanh chóng được phát hiện trong một phút và chưa đến một giờ đa số trang web bị ảnh hưởng được phục hồi.

Nhưng đây không phải là hai sự cố internet lớn duy nhất trong năm mà vào Tháng Mười Hai, dịch vụ điện toán đám mây của tập đoàn Amazon đã ba lần phải ngừng hoạt động khiến các dich vụ phim trực tuyến Disney +, Slack, Netflix, Hulu và nhiều hãng khác bị gián đoạn cùng với hoạt động hậu cần của Amazon đúng vào kỳ nghỉ lễ quan trọng.

Minh họa: Glen Carrie/Unsplash

5/ Facebook có một tuần tồi tệ

Thứ Hai, ngày 4 Tháng Mười, là ngày rất tồi tệ trên nhiều phương diện đối với một công ty sắp được đổi tên thành Meta. Đêm trước, người tố giác Facebook Frances Haugen khi công khai danh tính trên chương trình phỏng vấn “60 Minutes” và tố cáo “Facebook biết rõ cách mạng xã hội của nó được sử dụng để lan truyền thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch và bạo lực nhưng vẫn làm ngơ” (từ Tháng Chín, Haugen lúc còn giấu tên đã chuyển hàng ngàn trang tài liệu nội bộ cho tờ The Wall Street Journal trong cái gọi là The Facebook Files).

Cũng ngày này, Facebook, WhatsApp và Instagram phải ngưng hoạt động trong nhiều giờ. Công ty đổ lỗi nguyên nhân cho sự trục trặc khi “thay đổi cấu hình” nhưng cổ phiếu đã sụt giảm mạnh (một phần do Haugen).

Facebook phải chuẩn bị cho sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý sau khi Haugen điều trần vào ngày Thứ Ba trước các thành viên uỷ ban của Quốc hội nhưng công ty yêu cầu bác đơn khiếu nại chống độc quyền do Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đệ trình chống lại nó. Nhiều điều tồi tệ hơn cũng đến.

Vào cuối Tháng Mười, một liên minh gồm 17 tổ chức tin tức của Mỹ bắt đầu xuất bản các câu chuyện của riêng họ về Facebook dựa trên các tiết lộ được gửi cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và được cố vấn pháp lý của Haugen cung cấp cho Quốc hội dưới dạng biên tập lại. Những câu chuyện này bao gồm chi tiết về cách các nhóm bảo thủ phối hợp sử dụng Facebook để kích động bạo lực (chẳng hạn như cuộc nổi dậy ngày 6 Tháng Một) và cách những kẻ buôn người sử dụng mạng xã hội. (Facebook đã nhiều lần cố gắng làm mất uy tín của Haugen, đồng thời cho biết lời khai và báo cáo của cô không đúng với các hành động và nỗ lực mà nó đã làm để cải thiện thực trạng)

6/ Zillow và bài học cay đắng về ước tính giá nhà bằng AI

Vào Tháng Mười Một, công ty Zillow tuyên bố sẽ đóng cửa hoạt động của doanh nghiệp Zillow Offers vì “không thể dự báo đúng giá nhà” khi “thực tế vượt xa với ước tính của công ty”. Quyết định này là sự thừa nhận thất bại đối với một “người khổng lồ” niêm yết bất động sản khi công ty vẫn còn $304 triệu hàng tồn kho trong Quý 3 khiến ​​cổ phiếu lao dốc và phải lên kế hoạch cắr giảm 2,000 nhân sự, tưc một phần tư số nhân viên.

Còn nhớ, vào đầu năm, Zillow tỏ ra rất tự tin vào khả năng sử dụng AI để ước tính giá trị ngôi nhà đến mức nó tuyên bố ‘cái gọi là’ Zestimate “sẽ hoạt động như bước khởi đầu cho một tương lai sáng sủa”! Rõ ràng, mua và bán nhà kiếm lời đã khó; sử dụng AI để đưa ra các quyết định gần đúng như trong thế giới thực cũng không hề dễ!

Minh họa: David von Diemar/Unsplash

7/ “Hoàn toàn tự lái” của Tesla là đáng kinh ngạc nhưng cũng… đáng lo lắng!

Từ lâu, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk rất tự tin về phần mềm tự lái hoàn toàn của công ty xe điện Tesla. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, phần mềm này vẫn chưa hoàn toàn tự động (đúng hơn, nó cung cấp các tính năng hỗ trợ lái xe với điều kiện người dùng phải luôn tỉnh táo đề phòng phải cầm tay lái). Ngoài ra, mới chỉ có một số ít tài xế Tesla được dùng thử, trong đó có những người chịu trả $10,000 USD để thử phiên bản ứng dụng “beta” tự lái hoàn toàn.

Nhưng những người từng trải nghiệm cho biết, ngoài yếu tố “đáng kinh ngạc”, họ không chắc chắn lắm về những gì chiếc xe sẽ tự làm trên đường! Một mối lo đáng sợ khi bạn ngồi sau tay lái của một phương tiện nặng vài trăm ký. Một phóng viên từng chạy thử một chiếc Tesla Model 3 tự lái trên đường phố New York vào Tháng Mười Một cho biết “Trải nghiệm thật đáng sợ: Phần mềm beta đã cố gắng lái chiếc xe vào… một chiếc xe tải UPS để tránh một người đi xe đạp, cố gắng lái xe sang… bên kia đường, và gần như đụng phải hàng rào và một số vấn đề khác”.

Lê Sơn Tây / Saigon Nhỏ