Những ngôi nhà được yêu thích nhất nửa đầu 2021

Bảy công trình độc giả xem nhiều nhất trong số gần 100 căn nhà và căn hộ đã được giới thiệu trên VnExpress.

Vườn Nhật Bản trong nhà ống Hà Nội

Trong một con ngõ ở quận Đống Đa (Hà Nội), ngôi nhà ba tầng trên mảnh đất 5,8 x 9 m xây từ năm 1995 được gia chủ mới cải tạo theo phong cách “Vườn trong nhà” (Viên lâm Á Đông).

Khu vườn 12 m2, chia làm hai khu vực là khu khô và khu ướt, chỉ trồng bốn loại cây mang khí chất thanh nhã gồm tùng, cúc, trúc và thạch xương bồ. Ô cửa sổ tròn và tường vôi trắng, gạch hoa gió màu ghi, được phối theo phong cách Tô Châu, Trung Quốc.

Không chỉ đem tới mảng xanh cho căn nhà, khu vườn kết hợp thông tầng, giúp các tầng trên thông thoáng.

Xem thêm hình ảnh của công trình tại đây.

Căn hộ khiến gia chủ không còn muốn du lịch

Do dịch bệnh, đôi vợ chồng đam mê xê dịch ở Hà Nội quyết đầu tư một căn hộ làm “chốn nghỉ dưỡng giữa thành phố”. Căn hộ nằm ở quận Bắc Từ Liêm, rộng 123 m2, có ba phòng ngủ, thiết kế theo tiêu chí tiện nghi và sang trọng như phòng khách sạn.

Để đáp ứng sở thích yêu công nghệ và giúp gia chủ bớt cảm giác “phải động tay động chân” giống như đi nghỉ dưỡng, căn hộ được trang bị nhiều tính năng thông minh. Ví dụ, toàn bộ đèn và rèm đều có thể điều khiển từ xa thông qua ứng dụng điện thoại, tường ngăn phòng ngủ con làm bằng kính điện có thể điều chỉnh độ trong – mờ.

Các phòng ngủ được bố trí khu vực thư giãn theo nhu cầu từng thành viên, như em bé có khu vui chơi còn bố mẹ có rạp chiếu phim tại gia.

Xem thêm hình ảnh của công trình tại đây.

Nhà ống có ba giếng trời

Ngôi nhà ống liền kề có kích thước 6 x 15 m trong khu đô thị mới ở Nam Trung Yên được thiết kế cho một gia đình gồm vợ chồng cùng ba đứa con. Lúc được bàn giao thô, không gian nhà bị chia cắt bởi những bức tường ngăn phòng và chỉ có một giếng trời ở đầu nhà nên thiếu sáng ngay cả vào ban ngày.

Ngoài việc cấu trúc lại công trình cho không gian rành mạch hơn, các kiến trúc sư thuyết phục gia chủ giữ lại giếng trời có sẵn ở đầu nhà cùng khoảng sân sau (thực chất cũng là một giếng trời) và bổ sung một giếng trời giữa nhà. Ba giếng trời giúp các phòng đều được nhận ánh sáng tự nhiên và gió trời, đồng thời tạo ra điểm nhìn thú vị.

Xem thêm hình ảnh của công trình tại đây.

Ngôi nhà không có phòng khách

Gia chủ tìm đến kiến trúc sư để chuẩn bị xây nhà vào đầu năm 2020, đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Trong bối cảnh các trường học, trung tâm vui chơi đóng cửa để thực hiện cách ly xã hội, chủ nhà mong muốn căn nhà trên diện tích 117 m2 ở quận 7 (TP HCM) có đủ không gian để người vợ và hai con trai nhỏ thoải mái sinh hoạt, thư giãn.

Các kiến trúc sư đã đưa giải pháp: Căn nhà gần như không có phòng khách. Khu vực tiếp người đến thăm chỉ gồm hai cái ghế và một bàn uống trà. Bên cạnh đó, thay vì làm hai phòng ngủ riêng cho trẻ con, kiến trúc sư thiết kế phòng ngủ với giường tầng để hai bé ngủ chung. Nhờ thế, căn nhà có chỗ trồng cây xanh, tạo khoảng thông tầng và làm hồ bơi, nhà trên cây cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ giải tỏa tinh thần.

Xem thêm hình ảnh của công trình tại đây.

Ông bố biến căn hộ thành ‘vương quốc’ cho con gái

Bên trong căn hộ 68 m2 ở quận 8, khối hộp gỗ với xích đu và nhiều khoảng trống tạo nên không gian như sân chơi.

Căn hộ là tổ ấm của một ông bố và con gái tám tuổi. Tâm niệm cuộc sống “phải chất, phải vui” và muốn xây nên những kỷ niệm đẹp về tuổi thơ, người bố cho con tự quyết định thiết kế của công trình.

Ở trung tâm căn hộ, các kiến trúc sư bố trí một khối hộp bằng gỗ thông ép kích thước 3 x 3 m, cao 2,2 m. Khối hộp trông như một tác phẩm điêu khắc song mang nhiều chức năng. Với giường ngủ hai tầng cùng các tủ kệ và ô cửa, đây là nơi người ở ngủ, nghỉ, chơi, làm việc, cất chứa đồ đạc.

Xem thêm hình ảnh của công trình tại đây.

Nhà như resort của gia chủ không có thời gian du lịch

Bận rộn và không có thời du lịch, nữ chủ nhân căn nhà trên mảnh đất 113 m2 giữa phố chợ Sài Gòn muốn tổ ấm như resort với đầy cây xanh và vật liệu thô mộc. Sau hơn một năm thi công, ngôi nhà hoàn thiện với sáu tầng, trong đó ba tầng dưới cho thuê còn ba tầng trên là nơi ở của gia đình.

Mặt tiền nhà tối giản, có mảng che bằng cây xanh kết hợp tường thông gió bằng khung sắt và các tấm cemboard để tạo điểm nhấn. Bên trong, các mảnh vườn nhỏ được bố trí khắp nhà để gia chủ ở đâu cũng có thể nhìn ra mảng xanh như khi ở resort.

Xem thêm hình ảnh của công trình tại đây.

Căn nhà dành nửa diện tích làm thông tầng

Căn nhà 72 m2 nằm trong con hẻm rộng 3 m ở quận Tân Bình là nơi ở của đôi vợ chồng 29 tuổi vừa đón đứa con đầu lòng.

Từng ở những ngôi nhà nhỏ tối tăm và bí bách, gia chủ mong muốn tổ ấm dù bé và trong hẻm vẫn đầy ánh sáng và cây xanh nên kiến trúc sư đưa ra thiết kế nhà ba tầng với 50% diện tích dành cho thông tầng cùng không gian thư giãn.

Miếng đất xây nhà không quá lớn nhưng đều chừa một phần ở trước và sau làm sân. Sân trước rộng 10 m2, làm chỗ để xe máy của gia đình. Sân sau rộng hơn 7 m2, lấy sáng và gió cho các khu vực ở cuối nhà.

Quan trọng nhất là khoảng thông tầng dạng khe ở hông nhà. Ngoài nhiệm vụ giúp các phòng thông thoáng, nó tạo sự kết nối giữa các tầng để những thành viên trong gia đình có thể gọi nhau mà không cần di chuyển hay dùng điện thoại.

Xem thêm hình ảnh của công trình tại đây.

Minh Trang / Vietnam Express

Thế giới đã hiểu sai về Covid-19?

Các nhà khoa học Israel cho rằng đã đến lúc xem xét lại quan điểm Covid-19 là bệnh về đường hô hấp vì nghiên cứu mới cho thấy căn bệnh này thực ra tấn công vào hệ miễn dịch và hô hấp.

Nhóm nghiên cứu cho biết ý tưởng này có thể giúp giải thích bản chất bất thường của Covid-19 và thậm chí mở đường cho việc sử dụng các chất chống oxy hóa không kê đơn giúp điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Các nhà di truyền học thuộc Trường ĐH Ben Gurion đã nghiên cứu về ti thể, thường được gọi là “nhà máy điện” của tế bào, chúng tạo ra hầu hết năng lượng hóa học cần thiết để cung cấp năng lượng cho các phản ứng sinh hóa của tế bào.

GS Dan Mishmar, trưởng nhóm nghiên cứu và là chủ tịch của Hiệp hội Di truyền Israel, cho biết: “Chúng tôi đã mong chờ ​​sẽ thấy sự thay đổi trong ti thể ở phổi chứ không phải ở máu bởi vì suy cho cùng, Covid-19 được cho là một bệnh về phổi. Nhưng thật ngạc nhiên, chúng tôi thấy điều ngược lại. Chúng tôi không thấy có sự thay đổi nào đối với thi thể trong phổi nhưng lại thấy sự thay đổi đáng kể trong máu, với sự giảm biểu hiện gien của ti thể”.

Thế giới đã hiểu sai về Covid-19? - Ảnh 1.

Các nhà khoa học Israel cho rằng đã đến lúc nghĩ lại về quan điểm Covid-19 là một căn bệnh về đường hô hấp. Ảnh: AP

Ông Mishmar cho rằng máu được xem là một chỉ báo mạnh mẽ về trạng thái của hệ miễn dịch và nghiên cứu của ông cho thấy sự suy yếu miễn dịch xảy ra trước bất kỳ vấn đề hô hấp nào.

Giả thuyết của ông Mishmar là các ti thể hoạt động bất thường gây ra một số tác động đáng lo ngại nhất của Covid-19, bao gồm cả cơn bão cytokine, một phản ứng quá mức của hệ miễn dịch có thể gây ra tử vong nhanh chóng.

GS Mishmar cho biết nếu ông ấy đúng, tình trạng của bệnh nhân Covid-19 có thể được cải thiện với các chất chống oxy hóa hiện có.

GS Mishmar nói: “Cho đến nay, ti thể gần như bị bỏ qua và giờ chúng tôi đang xác định chúng là nhân tố trọng tâm, đồng thời bắt đầu tìm hiểu cách cải thiện chức năng của ti thể, từ đó làm suy giảm các triệu chứng”.

Chuyên gia này lập luận: “Có những loại thuốc không kê đơn, hay nói một cách nghiêm túc là thực phẩm bổ sung, có thể hỗ trợ chống Covid-19, chúng là chất chống oxy hóa. Chúng làm giảm các tín hiệu do ti thể tạo ra và có thể ngăn chặn cơn bão cytokine, về cơ bản là một cơn bão báo hiệu”.

Ông Mishmar nhấn mạnh: “Chúng tôi đã tự hỏi tại sao lại phát hiện những thay đổi trong ti thể của máu chứ không phải ở phổi. Điều này khiến chúng tôi phân tích sâu dữ liệu của các tế bào đơn lẻ mà chúng tôi thu thập từ bệnh nhân. Nhiều khả năng chính những rối loạn chức năng trong hệ miễn dịch đã dẫn đến cả cơn bão cytokine và các bệnh về phổi”.

Theo Xuân Mai / Người lao động

Mùa Giáng Sinh, nghe bài Thánh Ca Tự Do của một người tù

Tuấn Khanh / Saigon Nhỏ

Một ngày trong giai đoạn Sài Gòn bị phong tỏa vì dịch bệnh, tôi nhận được lời nhắc mà anh Phạm Chí Dũng phó thác từ trại giam: Anh viết một bài thơ về niềm tin nơi Thiên Chúa, và mong được nghe nó vang lên như một bài hát.

Trong phiên xử Tháng Một 2021, Phạm Chí Dũng đã nhận bản án 15 năm và im lặng không kháng án – sự im lặng mà bà Renate Künast, dân biểu Liên bang Đức, mô tả là “bàng hoàng” khi nghe tin. Dường như thay vì dành thời gian kháng án, Phạm Chí Dũng đã tận dụng để nghiền ngẫm sáng tác thơ. Có lẽ xuân này, đó là bài thơ mà anh không chỉ hát cho mình mà cho cả những người đang chia sẻ không gian ngục tù cùng anh. Vậy thì tôi nghĩ mình cũng không được phép chậm trễ hơn để giới thiệu về bài hát này

Ghi chép trong trí nhớ về Phạm Chí Dũng

Có một Phạm Chí Dũng rất khác mà tôi biết, kể từ khi nghe tin anh bị bắt cho đến hôm nay, nhất là khi biết anh lặng lẽ chọn Thiên Chúa làm người dẫn đường tinh thần cho mình. Trong suy nghĩ riêng, tôi luôn thấy Phạm Chí Dũng là người duy lý. Điều đó khiến anh trở thành là một người tranh luận đáng gờm, từ khi anh còn làm công việc kiểm soát báo chí ở Sài Gòn, cho đến khi anh trở thành người phản tỉnh và đốt lên ngọn đuốc với việc thành lập một tổ chức truyền thông tự do ngay trong lòng một thể chế độc đảng.

Tôi nhớ thời còn làm báo, có lần thấy anh Dũng vào tòa soạn Tuổi Trẻ, tay mang theo chiếc cặp tài liệu và lạnh lùng chất vấn những người chịu trách nhiệm nội dung. Anh hỏi gằn, có lúc đập bàn lớn tiếng: “Các anh không thấy những điều này là dẫn đến nhà tù à?”. Cả đám phóng viên mới vào đều xanh mắt, thì thào về những điều cấm kỵ không thành văn của chế độ. Lúc đó, Dũng quả thực là một nhân viên cần mẫn, đắc lực, tận tụy phục vụ cho hệ thống báo chí một chiều.

Thế rồi Phạm Chí Dũng đột nhiên thay đổi với những bài viết bình luận không thuận đường lối quan điểm nhà nước độc tài cộng sản và sau đó còn tuyên bố ra mắt Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Điều này khiến không ít người nghi ngờ là “trò chim mồi”. Phạm Chí Dũng đã thể hiện bản lĩnh để đi qua những điều đó. Còn nhớ trong lần gặp mặt mừng Tân niên 2016 do Tổng Lãnh Sự Anh tổ chức tại Sài Gòn, tôi đến và gặp Phạm Chí Dũng (buổi họp mặt qui tụ toàn “thành phần phản động”, có giáo sư Hoàng Dũng, ông Hạ Đình Nguyên, ông Huỳnh Kim Báu, nhà báo Mạnh Kim…).

Tại cuộc gặp, Dũng hào hứng nói với mọi người về Hội Nhà báo Độc Lập và những dự kiến. Đột nhiên anh nhìn tôi, cười và hỏi nhanh: “Tuấn Khanh có nghe người ta nói gì về mình hay Hội Nhà báo Độc lập không?”. “Anh muốn em nói thật à?” – tôi hỏi lại. “Ừ, thì mình cần thông tin thật mà”. Tôi ngần ngừ rồi cười: “Không ít người nói anh giống như chim mồi trong cuộc chơi dân chủ thông tin này!”. Phạm Chí Dũng cau mày nhưng không nói gì. Chắc chắn anh đã nghe những điều này, nhưng để nghe trực tiếp như vậy, cũng không dễ chấp nhận. Dù vậy, anh không đặt lại câu hỏi chất vấn phủ đầu, cũng không đập tay dữ dội như trước. Anh đã thật sự bước vào con đường tôn trọng tiếng nói đa chiều và biết lắng nghe chứ không còn thói quen thể hiện quyền lực thị uy người khác.

Tôi bắt đầu theo dõi anh Phạm Chí Dũng nhiều hơn, từ những bài phân tích thời sự đến các cuộc trò chuyện trực tuyến… để có thể hiểu anh rõ hơn. Không thể không nhận ra ở Phạm Chí Dũng có ba điểm đặc biệt đáng nể: trí nhớ kinh khủng về các dữ kiện, lập luận phân tích tại chỗ với mọi vấn đề, và sự hiểu biết sâu sắc về hệ thống mà anh từng phục vụ và rời bỏ. Điều mà Phạm Chí Dũng làm được, gây khó chịu không ít với những người kiểm soát báo chí Việt Nam, là thực hiện loạt bài nhận dạng và bình luận đúng các vấn đề trọng yếu xảy ra ở Việt Nam, từ Luật An ninh mạng, Luật Xã hội Dân sự, đến Luật Công đoàn Độc lập… Tất cả đều xoáy thẳng vào vấn đề và trực tiếp chỉ thẳng vào hệ thống chứ không phản biện lan man.

Phạm Chí Dũng đã để lại giá trị gì từ những gì mình làm? Có lần nghe anh tâm sự: “Chính đảng viên là những người theo dõi thường xuyên nhất các bài viết của mình. Thậm chí cánh công an cũng vậy. Những công an về hưu tiết lộ cho mình biết như thế. Không đâu xa, ngay  một sĩ quan công an về hưu ở phường mình cư trú cũng nói rằng ông theo dõi thường xuyên bài vở trên Việt Nam Thời Báo và đồng tình với những luận điểm khách quan của Hội Nhà báo Độc lập”.

Dù vậy, tôi có lần lại làm anh chựng một lần nữa khi nói với anh: “Có những kẻ hoặc tổ chức chọn cách phản biện để nhận được sự chú ý, sau đó tìm đến thỏa hiệp với chính quyền, khác biệt với những gì họ khởi đầu”. Tôi nhớ lúc đó anh chỉ cười rồi trả lời: “Sự chỉ trích mang tính ôn hòa không có nghĩa Hội Nhà báo Độc Lập đang tìm con đường thỏa hiệp với Đảng cộng sản. Hội Nhà báo Độc Lập không bao giờ có quan điểm đó”. Năm 2018, anh gọi điện mời tôi tham gia Hội. Tôi từ chối: “Để em đứng một mình đi, tính em điên điên kiểu văn nghệ và vô kỷ luật, lại hay nói thẳng dễ gây bất hòa. Cho nên để em ủng hộ anh từ bên ngoài thì tốt hơn”. Anh không vui nhưng cũng bày tỏ sự tôn trọng quyết định của tôi.

Đó là thời điểm mà cuộc đời cựu đảng viên Phạm Chí Dũng, xuất thân từ gia đình truyền thống cộng sản, bắt đầu gặp lao đao. Anh liên tục bị chặn cửa, ép quay về mỗi khi thành phố có biểu tình chống Trung Quốc, khi có hội họp, khi có các phái đoàn nhân quyền quốc tế đến Sài Gòn… Anh cũng không khác gì bạn bè tôi hay cá nhân tôi vào lúc đó. Anh là một phần của những người muốn cất lên tiếng nói khác biệt. Anh đã là một con người thật sự khác. Nói theo kiểu nhà văn Dương Thu Hương là “chọn ngồi bệt xuống cỏ với nhân dân và đối diện với chính quyền”.

Tôi tin vào những đổi thay và sự chọn lựa nên tôi thấy ở Phạm Chí Dũng một hình ảnh mới mẻ nhưng quen thuộc: quyết liệt và tự giành phần chủ động nơi suy nghĩ và lý tưởng mà mình chọn phục vụ. Lịch sử hiện đại Việt Nam đã cho thấy nhiều điều “khác” thú vị như vậy. Chẳng hạn trường hợp một số cán bộ tôn giáo cấp cao như ông Đỗ Trung Hiếu (với Phật Giáo) hoặc ông Nguyễn Hoàng Đức (với Công Giáo).

Nếu vài năm trước, nghe tin anh bị bắt, có lẽ tôi sẽ ngạc nhiên, bởi vẫn mơ hồ suy nghĩ ngớ ngẩn rằng sau lưng anh có “thế lực” nào đó chống đỡ. Nhưng Tháng Một 2021, khi biết cái án 15 năm tù mà anh không buồn kháng cáo, tôi thấy mình như hiểu anh nhiều hơn. Đến khi đọc được bài thơ mà anh chọn Thiên Chúa là người dẫn dắt đời mình, mọi thứ bắt đầu hiện ra như là điều diệu kỳ nhưng hợp lý của cuộc đời. Anh chọn Chúa làm lý tưởng, đối lập với con đường vô thần đã qua thì rõ ràng anh đang khát khao nối dài con đường mình đã thay đổi, đã chọn, với một niềm tin mới.

Tôi điểm lại, thấy mình cũng được dẫn vào một cung đường lạ lùng. Tất cả những cái tên như Trần Huỳnh Duy Thức, Tô Hải, Phạm Chí Dũng… đều gửi gắm tôi những tiếng hát không thành lời của họ. Lại nhớ Phạm Đoan Trang. Trước khi đi tù, cô ấy nói: “Em không sáng tác được nhưng anh có bài nào cho em thì đưa em hát với”. Tôi chưa kịp đưa thì Trang đã không còn ở bên ngoài. Tất cả những con người ấy, chẳng phải họ đã hợp thành một dàn hợp ca cất lên bài ca lớn, âm vang mỗi ngày, với khát khao thức tỉnh trong niềm hy vọng hay sao?

_____________

Ghi chú:

* Đỗ Trung Hiếu: Cán bộ cấp cao thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, có trách nhiệm kiểm soát Phật Giáo sau năm 1975, trở thành người bất đồng sau khi chính quyền cộng sản hủy bỏ Giáo hội Phật Giáo Thống Nhất. Cuối cùng ông xin ra khỏi hệ thống vào năm 1990.

* Nguyễn Hoàng Đức: Cán bộ đặc phái Phòng Tôn giáo, Cục Chống Phản Động của Bộ Công an, người trực tiếp kiểm soát Đức Cha – Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trong thời gian bị cầm cố ở miền Bắc (1976-1989). Ông đã được cảm hóa, xin theo đạo, và ra khỏi ngành.

10 tỷ phú kiếm tiền giỏi nhất 2021: CEO LVMH, ông chủ TikTok góp mặt

Để đưa ra danh sách này, Forbes đã đánh giá sự thay đổi giá trị tài sản ròng của 2.660 tỷ phú trong khoảng thời gian từ 31/12/2020 đến 10/12/2021. 1.800 tỷ phú có tài sản tăng lên so với đầu năm. Elon Musk là người kiếm được nhiều tiền nhất năm 2021 với gần 110 tỷ USD.

10 tỷ phú kiếm tiền giỏi nhất 2021: CEO LVMH, ông chủ TikTok góp mặt - Ảnh 1.

1. Elon Musk

Quốc gia: Mỹ

Giá trị tài sản ròng: 265,4 tỷ USD

Tăng trong năm 2021: 109,8 tỷ USD

2021 là một năm đầy thăng hoa trong sự nghiệp của Elon Musk. Cổ phiếu Tesla tăng mạnh đưa vốn hóa của hãng xe điện này vượt mốc 1.000 tỷ USD. Công ty công nghệ vũ trụ SpaceX của Musk cũng đạt định giá 100 tỷ USD. Nhờ đó, tài sản của tỷ phú 50 tuổi tăng mạnh và từng có thời điểm vượt 300 tỷ USD. Elon Musk cũng được Time chọn là “Nhân vật của năm” 2021. (Ảnh: Bloomberg)

10 tỷ phú kiếm tiền giỏi nhất 2021: CEO LVMH, ông chủ TikTok góp mặt - Ảnh 2.

2. Gautam Adani

Quốc gia: Ấn Độ

Giá trị tài sản ròng: 81,1 tỷ USD

Tăng trong năm 2021: 52,5 tỷ USD

Những nhà đầu tư lạc quan tại Ấn Độ đã kéo chỉ số BSE SENSEX của nước này lên 23% năm nay. Tập đoàn Adani – kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, hàng hóa, sản xuất điện và bất động sản – đã thu được lợi nhuận từ hàng loạt vụ đặt cược táo bạo. Cổ phiếu của Adani Gas tăng 400% trong năm nay; công ty điện lực Adani Transmission tăng 330%; trong khi đó Adani Enterprises tăng 250%. (Ảnh: Bloomberg)

10 tỷ phú kiếm tiền giỏi nhất 2021: CEO LVMH, ông chủ TikTok góp mặt - Ảnh 3.

3. Larry Page

Quốc gia: Mỹ

Giá trị tài sản ròng: 126,3 tỷ USD

Tăng trong năm 2021: 49,1 tỷ USD

Cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của Google đã tăng 71% trong năm nay nhờ báo cáo tài chính khả quan và các đợt mua cổ phiếu quỹ. Đây là tin tốt cho Larry Page – người đồng sáng lập gã khổng lồ tìm kiếm cùng Sergey Brin vào năm 1998. Hiện cả hai vẫn là cổ đông lớn và là thành viên HĐQT Alphabet. (Ảnh: Reuters)

10 tỷ phú kiếm tiền giỏi nhất 2021: CEO LVMH, ông chủ TikTok góp mặt - Ảnh 4.

4. Larry Ellison

Quốc gia: Mỹ

Giá trị tài sản ròng: 135,7 tỷ USD

Tăng trong năm 2021: 47,5 tỷ USD

Ellison đã kiếm bộn tiền từ hai công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Cổ phiếu của hãng phần mềm Oracle – do ông đồng sáng lập và hiện đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch và Giám đốc công nghệ – đã tăng 61%. Ellison cũng là cổ đông cá nhân lớn thứ hai của Tesla và là thành viên HĐQT của công ty từ năm 2018 sau khi mua 3 triệu cổ phiếu năm đó với giá chưa đến 1 tỷ USD. Ông nắm 1,5% cổ phần hãng xe điện với giá trị hơn 15 tỷ USD tính đến 10/12. (Ảnh: Getty Images)

10 tỷ phú kiếm tiền giỏi nhất 2021: CEO LVMH, ông chủ TikTok góp mặt - Ảnh 5.

5. Sergey Brin

Quốc gia: Mỹ

Giá trị tài sản ròng: 121,7 tỷ USD

Tăng trong năm 2021: 46,7 tỷ USD

Đồng sáng lập Google Sergey Brin khá kín tiếng kể từ khi rút lui khỏi việc điều hành kinh doanh vào năm 2019. Ông hiện hậu thuẫn cho một công ty kinh doanh khí cầu bí mật có tên là LTA Research & Exploration và tài trợ cho việc nghiên cứu về bệnh Parkinson. Tháng 5 năm nay, ông đã bán cổ phiếu Alphabet lần đầu tiên kể từ năm 2017. (Ảnh: Getty Images)

10 tỷ phú kiếm tiền giỏi nhất 2021: CEO LVMH, ông chủ TikTok góp mặt - Ảnh 6.
6. Bernard Arnault và gia đình
Quốc gia: Pháp
Giá trị tài sản ròng: 193,9 tỷ USD
Tăng trong năm 2021: 43 tỷ USD
Ông trùm hàng xa xỉ của Pháp đã nhanh chóng trở thành người giàu nhất thế giới vào đầu năm nay, nhờ giá cổ phiếu LVMH tăng vọt, trước khi bị Jeff Bezos và Elon Musk vượt qua. Arnault hiện đang đứng thứ ba trên bảng xếp hạng của Forbes. Cổ phiếu LVMH – tập đoàn sở hữu Louis Vuitton, Moët và Hennessy, cộng với các thương hiệu như Fendi, Christian Dior và Givenchy – đã tăng 29% năm nay trong bối cảnh nhu cầu hàng xa xỉ tăng mạnh. (Ảnh: Bloomberg)

7. Steve Ballmer
Quốc gia: Mỹ
Giá trị tài sản ròng: 107,5 tỷ USD
Tăng trong năm 2021: 32,3 tỷ USD
Đội bóng rổ Los Angeles Clippers của ông có giá trị ước tính cao hơn 20% so với năm ngoái, nhưng đó không phải là lý do chính khiến Ballmer trở nên giàu có như vậy. Ông là nhân viên thứ 30 và giữ chức CEO Microsoft từ năm 2000 đến 2014. Cổ phiếu hãng công nghệ này tăng 57% trong năm nay giúp Ballmer có thêm hàng chục tỷ USD.
10 tỷ phú kiếm tiền giỏi nhất 2021: CEO LVMH, ông chủ TikTok góp mặt - Ảnh 7.
(Ảnh: Getty Images)

8. Zhang Yiming
Quốc gia: Trung Quốc
Giá trị tài sản ròng: 59,4 tỷ USD
Tăng trong năm 2021: 31,7 tỷ USD
ByteDance, do Zhang Yiming thành lập vào năm 2012, đã chiếm lĩnh thế giới với ứng dụng video TikTok. Nhờ đó, Zhang nằm trong số ít các tỷ phú Trung Quốc có tài sản tăng mạnh trong năm qua. Tháng 5 năm nay, ông từ chức CEO của ByteDance và tiếp tục rời ghế chủ tịch vào tháng 11 vừa qua. Ông hiện sở hữu 22% cổ phần công ty.
10 tỷ phú kiếm tiền giỏi nhất 2021: CEO LVMH, ông chủ TikTok góp mặt - Ảnh 8.
(Ảnh: Bloomberg)

9. Robin Zeng
Quốc gia: Trung Quốc
Giá trị tài sản ròng: 57,6 tỷ USD
Tăng trong năm 2021: 26,8 tỷ USD
Công ty CATL của Robin Zeng là một trong những nhà cung cấp pin cho xe điện lớn nhất thế giới, với các khách hàng như BMW, Volkswagen, Geely và Tesla. Cổ phiếu CATL đã tăng 58% trong năm nay giúp Zeng có thêm hàng chục tỷ USD. Công ty gần đây công bố kế hoạch huy động 9 tỷ USD để mở rộng sản xuất pin.
10 tỷ phú kiếm tiền giỏi nhất 2021: CEO LVMH, ông chủ TikTok góp mặt - Ảnh 9.
(Ảnh: Reuters)

10. Bill Gates
Quốc gia: Mỹ
Giá trị tài sản ròng: 139,2 tỷ USD
Tăng trong năm 2021: 18,9 tỷ USD
2021 là một năm khó khăn đối với Gates. Ông đã ly hôn với bà Melinda sau 27 năm gắn bó đồng thời phải đối mặt với những lời chỉ trích vì mối quan hệ với Jeffrey Epstein và một cuộc tình trong quá khứ. Dù rớt khỏi vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng Forbes 400 lần đầu tiên sau 30 năm và phải chuyển một phần tài sản cho vợ cũ, tài sản của nhà đồng sáng lập Microsoft vẫn tăng gần 19 tỷ USD so với năm ngoái.
10 tỷ phú kiếm tiền giỏi nhất 2021: CEO LVMH, ông chủ TikTok góp mặt - Ảnh 10.
(Ảnh: Bloomberg)

Theo Linh Lam / Người đồng hành

Trung Quốc chuẩn bị chiến dịch “cải tạo tư sản” – dân tình mất ăn, mất ngủ!

Minh họa: 偉宗 勞/Unsplash

Với lá bài “thịnh vượng chung” giúp giảm khoảng cách giàu nghèo, Tập Cận Bình đang chuẩn bị chiến dịch “cải tạo tư sản” sặc mùi cộng sản thời Mao. Hàng triệu người dân Trung Quốc đang mất ăn mất ngủ khi nghĩ đến điều này…

Cho đến thời điểm này, dù sắp đến lúc được thực hiện thí điểm tại một số thành phố (cũng chưa biết thành phố nào!), người dân Trung Quốc vẫn chưa rõ cụ thể luật thuế tài sản được tính ra sao. Theo luật, bất động sản có người ở hoặc không người ở sẽ bị đánh thuế dựa trên giá trị, trừ các hộ nông thôn. Chưa rõ mức thuế đề xuất bao nhiêu, nhưng nếu là 1%, các khoản nộp thuế trong tương lai sẽ tương đương 20-40% giá trị một bất động sản hiện nay, dựa theo thời hạn qui định 70 năm quyền sở hữu chủ. Sở hữu tư nhân đối với bất động sản ở Trung Quốc bắt đầu vào năm 1998.

Các chính quyền địa phương kiếm được đáng kể doanh thu từ việc bán đất – 8.4 nghìn tỷ nhân dân tệ ($1.3 nghìn tỷ) vào năm ngoái, so với 10.1 nghìn tỷ nhân dân tệ từ thuế. Bất động sản từ lâu là cột sống kinh tế Trung Quốc, chiếm 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nếu tính luôn những ảnh hưởng gián tiếp, vì nó có thể tác động đến nhu cầu thép và xi măng. Sự phụ thuộc này vẫn không thay đổi kể cả khi Trung Quốc tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tiêu dùng nhiều hơn. Với tốc độ đô thị hóa, đầu tư bất động sản là “món ngon” nhiều thập niên nay. Giá trung bình ở bốn thành phố được gọi là cấp một đã tăng gấp ba trong thập niên qua, lên khoảng 55,500 nhân dân tệ ($8,693) mỗi mét vuông, từ khoảng 18,000 nhân dân tệ vào năm 2009, theo dữ liệu từ cơ quan Thông tin bất động sản Trung Quốc.

Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của dân Thượng Hải, cao nhất trong các thành phố đại lục, là 72,000 nhân dân tệ vào năm ngoái. Trên toàn quốc, thu nhập trung bình đã tăng gấp đôi so với năm 2010 nhưng chỉ đạt 32,000 nhân dân tệ vào năm ngoái, theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS). Tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến, nơi giá bất động sản tăng chóng mặt, chi phí trung bình để mua một căn hộ cao gấp 43.5 lần mức lương trung bình hàng năm của người địa phương vào năm 2020. Thành phần công nhân bình thường – lực lượng lao động đông nhất Trung Quốc – gần như quanh năm đi ở thuê chứ không thể mua nhà. Tuy nhiên, thay vì điều chỉnh lại chính sách tiền lương, sự mất cân bằng xã hội lại được gắn tội chủ yếu vào (đầu cơ) bất động sản, dù ở góc độ nào đó thì điều đó không hẳn sai.

South China Morning Post mới đây đã thực hiện một phóng sự, cho thấy việc đánh thuế bất động sản sẽ làm xã hội biến dạng mạnh hơn. Lập trình viên máy tính Zheng Wenxuan có hai căn hộ ở Bắc Kinh – một căn cho gia đình mình và một căn cho bố mẹ chuyển đến từ Hắc Long Giang. Người đàn ông 42 tuổi này chi 25,000 nhân dân tệ ($3,900) mỗi tháng cho các trả khoản góp gộp lại. Gánh nặng tài chính này sẽ nặng nề hơn khi Trung Quốc áp dụng thuế bất động sản ở một số thành phố trong tương lai gần trong 5 năm, trước khi được triển khai toàn quốc. “Giá trị thị trường các bất động sản của tôi đã giảm 10% kể từ khi công bố chính sách mới. Nếu chúng tôi trả thuế khi sở hữu căn hộ thứ hai, việc đánh thuế hàng năm sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho tôi” – Zheng nói – “Hôm rày tôi mất ăn mất ngủ”.

Thuế bất động sản được tính như thế nào? Một số nhà kinh tế dự đoán các hộ gia đình sẽ bị đánh thuế nếu diện tích bất động sản thứ nhất của họ vượt quá ngưỡng mét vuông tính trên đầu người được qui định, trong khi có người cho rằng chủ sở hữu chỉ bị đánh thuế nếu họ sở hữu nhiều bất động sản. Theo một khảo sát trên 30,000 hộ gia đình vào năm 2019 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, có đến 70% tài sản mà các hộ gia đình thành thị nắm giữ, chiếm phần lớn tầng lớp trung lưu Trung Quốc, là bất động sản. Khoảng 58% hộ gia đình thành thị sở hữu một căn nhà, 31% có hai căn nhà, trong khi 10.5% có từ ba căn nhà trở lên, với tiền trả góp chiếm 76% tổng nợ hộ gia đình – theo khảo sát của Ngân hàng Trung ương năm 2019.

Lập trình viên Zheng nói rằng mình cảm thấy như bị “bắt cóc tống tiền” khi có hai căn nhà. “Tôi đã làm việc ngày đêm để còng lưng trả góp tiền mua hai căn hộ. Trong lần kiểm tra sức khỏe gần đây, tôi được bác sĩ cho biết trái tim của tôi hoạt động như một cụ già 70 tuổi sau nhiều năm làm việc quá sức” – đương sự nói – “Tôi vốn là đối tượng chịu mức thuế thu nhập cá nhân cao rồi, bây giờ ôm thêm thuế bổ sung thì làm sao chịu nổi”. Thời điểm hiện tại, Trung Quốc chỉ đánh thuế người mua trong các giao dịch bất động sản.

Thị trường bất động sản đã hạ nhiệt đáng kể gần đây sau gần hai thập niên nóng hừng hực, bởi những tin tức liên quan chiến dịch “cải tạo tư sản”. Tháng Mười 2021, giá nhà trên toàn quốc đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, tại 64 trong 70 thành phố, so với 52 thành phố vào Tháng Chín. “Mọi người đều tin Thâm Quyến là một trong những thành phố thí điểm áp dụng thuế tài sản mới. Nhưng tất cả đều bối rối không biết tiêu chí nào được áp dụng, theo diện tích sinh sống bình quân đầu người, hay theo tổng giá trị tài sản. Điều này khiến chúng tôi lo lắng” – Jade Zeng, người sở hữu một căn hộ ba phòng ngủ và hai căn hộ rộng 70 mét vuông (753 sq ft) ở Thâm Quyến, cho biết.

Theo Zeng, giá thị trường của căn hộ tương tự như căn hộ mà cô sở hữu ở Thâm Quyến đã giảm từ 10 triệu nhân dân tệ ($1.6 triệu) xuống 9 triệu nhân dân tệ trong vài tháng. Zeng nói thêm: “Nhiều người đã vay nặng lãi để đầu tư bất động sản, thậm chí sử dụng các khoản vay tiêu dùng và chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để mua nhà mua cửa”. Phần Zeng, với ba căn hộ mua “trả dần”, mỗi tháng đương sự phải nộp tiền góp 60,000 nhân dân tệ ($9,387) cho “một đống” ngân hàng. Bây giờ gồng thêm tiền thuế thì có nước Zeng… “tự tử”.

Mỹ Anh / Saigon Nhỏ