10 phong cách thiết kế nhà nổi bật năm 2021

10 xu hướng về cách bố trí không gian, lựa chọn vật liệu và màu sắc được tổng kết từ hơn 120 công trình đăng trên VnExpress năm 2021.

Gần gũi với thiên nhiên

Do đại dịch, con người có xu hướng thiết kế nhà ở gần gũi với thiên nhiên hơn để khi được không ra ngoài vẫn tiếp xúc với ánh sáng, gió trời, cây xanh. Thay vì sử dụng toàn bộ diện tích để xây dựng, nhiều gia chủ Việt giờ đây sẵn sàng dành đất làm giếng trời, sân vườn.

Nhằm đảm bảo riêng tư, một số công trình bố trí vườn ở phía sau như công trình ở Hà Tĩnh do văn phòng Dom Architect Studio thiết kế hoặc đặt các khu vườn nhỏ xen kẽ không gian sống như ngôi nhà trên mảnh đất 24 m2 ở Hà Nội do văn phòng ODDO architects thiết kế.

Cũng hướng đến thiên nhiên, căn nhà Nam Trung Yên (Hà Nội) được Văn phòng kiến trúc VUUV đưa vào ba giếng trời. Với căn nhà ở Đà Nẵng, văn phòng Hinzstudio kết hợp thang bộ với giếng trời dạng phễu.

Không gian linh hoạt, đa năng

Khi gia chủ ở nhà nhiều, các hoạt động bên trong không gian sống của họ cũng tăng lên. Để tối ưu hóa khả năng sử dụng của nhà ở và giúp gia chủ biến hóa nơi ở tùy nhu cầu tại từng thời điểm, nhiều công trình đã đưa ra giải pháp thiết kế linh hoạt, đa năng.

Ví dụ, phòng ngủ trong căn hộ 65 m2 ở TP HCM được văn phòng ROOM+ Design & Build bố trí cửa trượt và nội thất thông minh để khi cần có thể biến thành phòng làm việc, phòng xem phim hoặc kết nối với phòng khách tạo nên chỗ tụ họp rộng rãi.

Căn nhà kiểu “bình thường mới” tại quận Gò Vấp (TP HCM) do văn phòng UX Space thiết kế thì tích hợp khu nấu nướng, giặt giũ vào hành lang bằng cách đặt hệ kệ dài 14 mét, chứa đủ các thiết bị như tủ lạnh, bếp, máy rửa chén.

Đường cong

Đường cong làm mềm, tăng tính thẩm mỹ và độc đáo cho không gian. Năm 2021, đường cong được các kiến trúc sư và gia chủ Việt dùng cho cửa, tường, trần, cầu thang và cả đồ nội thất như bàn, ghế, đèn. Ví dụ điển hình là căn hộ ở Huế do văn phòng Limdim House Studio thiết kế và căn nhà quấn “ruy băng thép” ở Khánh Hòa do văn phòng Chơn.a thiết kế.

Không chỉ người độc thân, các gia đình cũng thích đưa đường cong vào tổ ấm như ngôi nhà như công viên thu nhỏ ở Hà Nam của văn phòng Dim Studio hay ngôi nhà giữa phố chợ Sài Gòn của văn phòng H2.

Đôi khi, đường cong được đưa vào để tạo điểm nhấn như thư viện trong căn nhà ở Sài Gòn do văn phòng G+architects thiết kế.

Cầu thang xuyên sáng

Một trong những nhược điểm lớn nhất của nhà ống là thiếu sáng. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc bố trí giếng trời, nhiều văn phòng còn làm cầu thang có bậc rỗng, bậc bằng lam gỗ hoặc kim loại đục lỗ để tạo khoảng hở, đưa ánh sáng xuống sâu bên dưới. Ngoài mục đích lấy sáng, bậc thang hở cũng giúp không gian nhà nhẹ nhàng, thoáng đãng hơn.

Một số công trình sử dụng cầu thang xuyên sáng là ngôi nhà ở Hà Đông của văn phòng ae studiooo, căn nhà tại Đà Lạt của văn phòng Tad.atelier, căn nhà ở Hải Phòng của KTS Tạ Đình Hưng, căn nhà ở Vĩnh Long của văn phòng AD+.

Bê tông thô

Bê tông thô đem tới cảm giác mộc mạc đồng thời tiết kiệm chi phí cho gia chủ, dùng được cho trần, sàn, tường, cầu thang và phù hợp với cả nhà đất lẫn căn hộ. Đặc biệt, với căn hộ chung cư, việc bỏ lớp thạch cao, để lộ bê tông thô trên trần giúp không gian cao, rộng hơn.

Bê tông thô thường được kết hợp với vật liệu gỗ để đem tới sự ấm cúng như căn hộ 68 m2 ở Sài Gòn do văn phòng Tropical Space thiết kế và căn hộ 105 m2 cũng ở Sài Gòn do văn phòng Nhabe Scholae thiết kế.

Với căn nhà ở Thanh Trì, văn phòng Nguyen Thanh Trung Architects tăng sức sống cho công trình bằng cách thêm nhiều cây xanh. Căn nhà cho bốn thế hệ tại Sài Gòn thì được văn phòng 6Atelier sơn vàng, nhờ đó sinh động hơn.

Bề mặt phản chiếu

Nội thất với bề mặt phản chiếu tạo nên hiệu ứng kính vạn hoa, khiến không gian rộng rãi và sang trọng hơn. Một thiết kế hay gặp là lắp gương trên trần như văn phòng Indust Design áp dụng cho căn hộ ở quận Hai Bà Trưng và căn hộ ở Bắc Từ Liêm.

Ngoài vật liệu kính, nhiều công trình lấy kim loại làm nội thất. Ví dụ, văn phòng Dao&Ho Studio bố trí đảo bếp bằng đồng nguyên khối sáng bóng cho căn hộ ở Cầu GiấyCăn hộ phong cách vũ trụ ở Sài Gòn được gia chủ cùng văn phòng Puzzle Studio bố trí hệ tủ kính, ghế inox. Căn hộ ở Đồng Nai do Skylight Studio thiết kế thì kết hợp cả đồng lẫn mặt kính cho bàn trà.

Nội thất tối giản

Phong cách nội thất tối giản sử dụng những đường nét đơn giản, giảm thiểu đồ đạc, ít chi tiết nhằm tạo ra một không gian hài hòa, thông thoáng nhất. Nhờ phong cách nội thất tối giản, căn hộ ở quận Đống Đa do văn phòng Flat6 Atelier thiết kế trông rộng ra dù thêm phòng ngủ.

Một điểm mới trong phong cách nội thất tối giản năm 2021 là tiết chế hoặc bỏ hẳn tay nắm tủ. Thay vì tay nắm, cánh tủ có thể được thiết kế với chốt đẩy từ tính bên trong hoặc kẽ hở bên trên để gia chủ dễ mở. Giải pháp này đem tới cảm giác liền mạch, gọn gàng, được văn phòng W2D Studio và Da Vàng Studio lần lượt ứng dụng cho căn hộ dành cho gia chủ chỉ thích làm việc ở nhà và nhà phố Sài Gòn 24 m2.

Tái sử dụng nội thất cũ

Thay vì làm mới hoàn toàn nội thất, các gia chủ Việt có xu hướng tận dụng lại đồ cũ. Không chỉ tiết kiệm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn do Covid-19, những món đồ cũ còn gợi lại các kỷ niệm xưa cho người ở như cảm nhận của gia đình KTS Phạm Đức Minh khi cải tạo ngôi nhà cũ thành resort tại gia.

Ký ức từ nội thất cũ cũng khiến không gian ấm áp hơn ngay cả khi gia chủ sống một mình như căn nhà trong hẻm ở Khánh Hòa do văn phòng LaDesignStudio thiết kế và căn nhà “mặc áo mưa” ở Hà Nội do văn phòng S.LA architecture thiết kế.

Màu trắng

Màu trắng làm rộng không gian và tạo cảm giác sạch sẽ. Năm 2021, màu trắng không chỉ dùng cho trần, tường mà còn được ứng dụng cho nội thất.

Căn hộ 110 m2 ở Hà Đông do văn phòng Combo Home thiết kế sử dụng sofa trắng và rèm trắng cho phòng khách. Với căn hộ gần 100 m2 ở Gia Lâm của gia chủ “ám ảnh gọn gàng”, văn phòng MUST Design chọn màu trắng cả sofa lẫn mặt bàn, cánh tủ.

Ngoài căn hộ, nhiều công trình nhà đất cũng lấy màu trắng làm tông màu chủ đạo như villa ở Đông Triều của văn phòng Sun Concept, ngôi nhà bên bờ sông Đuống của văn phòng Vn-a (visual network art architecture).

Màu sẫm

Bên cạnh xu hướng chuộng màu trắng, một số gia chủ, đặc biệt là người trẻ, thích thể hiện cá tính bằng những màu sậm như xanh lá, xanh dương, nâu, xám, thậm chí là đen.

Ví dụ, căn hộ penthouse ở Sài Gòn được văn phòng APS Concept thiết kế một bức tường mô phỏng vách đá đen; nội thất như tủ, bàn, ghế cũng chủ yếu dùng màu đen. Căn hộ của gia đình Hà Nội do văn phòng Kooperchitect thiết kế thì sử dụng tông màu tối nhằm đáp ứng sở thích của gia chủ và che đi những vết bẩn khi em nhỏ nghịch ngợm. Căn nhà hai trong một mà Khuôn studio và KTS Phan Khắc Tùng làm cho gia đình năm người ở Sài Gòn lại chọn gam màu xanh lá đậm.

Minh Trang / Vienam Express

NHỮNG BÍ MẬT “TẾ NHỊ” CỦA THÁI GIÁM

Việc tiến hành cắt của quí của nam giới để biến họ thành hoạn quan phục vụ trong cung cấm ở các triều đại phong kiến Trung Quốc đã có nguồn gốc từ rất lâu đời. Loại trừ những người bị khiếm khuyết khi sinh ra, đa phần hoạn quan đều phải qua những thủ thuật hết sức đau đớn gọi là tĩnh thân. Việc tĩnh thân được diễn ra cụ thể như thế nào, sử sách Trung Quốc xưa ghi lại cũng bất nhất. Nhưng tựu chung, để biến một nam giới bình thường thành một quan hoạn, người này phải trải qua giai đoạn được coi là đau đớn đến tàn khốc nhất trong cuộc đời của họ.

Thái Giám Cung Đình Cuối đời Thanh

“Khi bước những bước chân đầu tiên của cuộc đời quan hoạn, sự đau đớn như từng vết dao cứa vào thân thể và xuyên lên tận óc. Mồ hôi cùng với nước mắt đã hoà vào nhau và ướt đẫm trên đôi chân đó” – một hoạn quan đã miêu tả lại những ngày tháng được cho là cực hình nhất của ông, trước khi trở thành người giúp việc cho hoàng đế Quang Tự- vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Trung Quốc. Vị thái giám này kể tiếp về cuộc tĩnh thân của mình: “Đi được là một điều may mắn, bởi vì có những người đã không thể đứng lên để bước đi sau lần phẫu thuật tàn khốc đó. Họ đã chết do không thể tiểu tiện được sau 3 ngày hoặc do bị nhiễm trùng quá nặng. Đó là những tháng ngày đau đớn và bi thảm nhất trong cuộc đời tôi”

Dụng cụ tĩnh thân

Dụng cụ “tĩnh thân “

Ba cực hình tĩnh thân

Ngay từ xa xưa trong lịch sử Trung Quốc, người ta đã ghi lại một số cách thức để tạo ra một hoạn quan cho triều đình.
Cách thức đầu tiên được gọi với tên: Cắt tận gốc. Có nghĩa là dùng dao sắc hoặc một vật dụng kim loại như kiếm hoặc rìu cắt đứt tận gốc dương vật của nam giới. Cách thức này được miêu tả như một hình thức vô cùng tàn bạo, vì những người sau khi sử dụng phương pháp này đều rất đau đớn, thậm chí có thể bị hôn mê kéo dài.
Cách thứ hai mà người Trung Quốc sử dụng đó là chỉ cắt bỏ dịch hoàn bằng một con dao sắc. Cách thức này nhân đạo ở chỗ, sẽ không cắt hết toàn bộ cơ quan sinh dục của bệnh nhân, mặc dù vậy họ cũng sẽ không thể quan hệ tình dục và có con. (Thực ra cách này ứ có nhân đạo đâu, mà là vô nhân đạo nhất trong các cách)
Sau khi thực hiện một trong hai cách thức vô cùng đau đớn này, thái giám sẽ lập tức được dìu đi quanh phòng trong hai ba giờ liền trước khi được quyền nằm nghỉ. Điều đặc biệt là trong ba ngày tiếp theo, họ không được ăn uống hoặc tiểu tiện. Sau thời điểm 3 ngày, vải băng được cởi ra và nếu bệnh nhân có thể đi tiểu được ngay thì vụ giải phẫu thành công và qua được thời kỳ nguy hiểm. Còn nếu như người thái giám không tiểu tiện được có nghĩa là đường sinh thực khí đã bị thu hẹp hay bịt kín và chỉ còn đường nằm chờ chết.
Ngoài hai phương pháp tĩnh thân trên, có nhiều gia đình chuẩn bị việc tĩnh thân cho con mình tương lai sẽ làm thái giám ngay từ khi còn nhỏ. Một bà mụ được gia đình thuê để có thể chăm sóc đặc biệt cho đứa trẻ ngay từ khi còn nằm trong nôi. Bà mụ này có một thủ thuật riêng, mỗi ngày ba lần nắn bóp dịch hoàn đứa trẻ. Lực bóp cũng tăng thêm khi đứa trẻ đó lớn, vì thế cơ quan sinh dục của đứa bé dần dần bị hủy hoại. Khi lớn lên không những mất khả năng sinh dục mà dương vật còn teo dần khiến đứa trẻ có nhiều nữ tính, không có yết hầu, hai vú nhô cao, mông nở, giọng nói lanh lảnh, dáng điệu ẻo lả và trở thành “ái nam, ái nữ”.

Thái Giám – Bức ảnh nổi tiếng nhất thế giới về thái giám TQ

Số người bị nhiễm trùng dẫn tới tử vong do tĩnh thân trước khi trở thành quan hoạn không phải là ít. Vào đời vua Tuyên Đức thời nhà Minh, khi tiến hành tĩnh thân cho 1565 nam giới để thành hoạn quan phục vụ trong triều đình, đã có gần 400 người chết ngay sau đó do bị nhiễm trùng hoặc không cầm được máu. Cũng vào những đời vua tiếp theo, rất nhiều trẻ em nam đã không được sống đến ngày trở thành những viên quan trong nội đình như bố mẹ chúng mong muốn. Theo sử sách ghi lại, trung bình có ít nhất 20% số người được tĩnh thân đã chết trước khi nhìn thấy lầu son gác tía nơi cung vua, phủ chúa.

Cam kết và chuẩn bị

Ở những đời hoàng đế sau này, người ta đã bắt người làm tĩnh thân cùng gia đình phải cam kết về mạng sống và không kiện cáo nếu cuộc phẫu thuật thất bại. Không những thế trước khi tiến hành, người có ý định tĩnh thân được đặt nằm nghiêng trên một cái giường thấp và được hỏi lần cuối cùng có hối hận gì với quyết định trở thành hoạn quan hay không. Nếu cả gia đình và bản thân người tĩnh thân đều đồng ý thì cuộc tĩnh thân mới được tiến hành.
Tuy nhiên, có hai thứ bắt buộc gia đình người tĩnh thân phải đem đến cho đao phủ, thứ nhất là một cái đầu lợn hoặc gà kèm theo rượu. Hai là ba mươi cân gạo, vài chục bắp ngô, vài cân hạt vừng và vài tờ giấy to bản. Trong những vật phẩm này, gạo và ngô để những người tĩnh thân ăn đủ trong vòng một tháng khi nghỉ ngơi tại chỗ. Vừng được rang lên rồi nghiền nhỏ, trở thành một thứ thuốc giữ ấm cho cơ thể theo bài thuốc cổ xưa. Còn giấy to bản sẽ được dùng để bịt kín cửa sổ, tránh gió lùa khi bệnh nhân vẫn phải nằm một chỗ.
Còn đối với đao phủ, trước khi tiến hành tĩnh thân cho bất kỳ ai, họ đều phải chuẩn bị 2 quả mật lợn tươi và một ít cần sa thối. Mật lợn có tác dụng chống sưng viêm, được đao phủ bôi vào vết thương ngoài của người tĩnh thân. Còn cần sa thối được cho bệnh nhân uống trước khi tiến hành tĩnh thân, có tác dụng như một chất gây mê khiến con người sẽ không cảm thấy đau đớn khi quá trình tĩnh thân diễn ra. Khi “phẫu thuật” tiến hành xong, các đao phủ cũng sẽ cho bệnh nhân uống tiếp cần sa thối để giảm thiểu sự bài tiết qua đường sinh dục.

Nợ vay – trả” hậu tĩnh thân

Chi phí cho việc tĩnh thân đều phải do gia đình của thái giám tương lai chi trả. Tuy nhiên, thường thì những gia đình nguyện tiến con trai vào cung đều là người nghèo. Vì thế nếu không có tiền chi trả ngay cho đao phủ, khoản nợ này sẽ được ghi lại, để đến khi thái giám tương lai vào cung sẽ trả dần.
Một điều đặc biệt nữa là, tất cả dương vật bị cắt của người tĩnh thân đều được đao phủ giữ lại, và gọi với cái tên hai chữ: “Bảo vật”. Những “bảo vật” này được bảo quản cẩn thận và được bán lại cho chủ nhân khi có yêu cầu, thường thì bảo vật sẽ trở về với chủ trước khi các thái giám xuống mồ. Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, sở dĩ các quan thái giám muốn lưu lại “bảo vật” của mình do nguyên nhân sau: Một là, khi chết những quan thái giám muốn được toàn thây để khi đầu thai vào kiếp khác, nếu trở thành đàn ông họ cũng sẽ vẫn được nguyên vẹn. Hai là, theo truyền thống của người Trung Quốc, việc cắt đi một phần thân thể do cha mẹ sinh ra sẽ mang tội bất hiếu. Vì thế, để tỏ lòng thành kính và hiếu nghĩa với cha mẹ, khi chết những vị thái giám cũng không muốn thân thể mình thiếu bất cứ bộ phận nào.

Cùng với triều dài của thời đại phong kiến Trung Quốc, thủ thuật tĩnh thân để trở thành quan thái giám trong triều đình cũng đã có lịch sử hàng nghìn năm. Năm 1996, thái giám Tôn Diệu Đình, vị hoạn quan cuối cùng của triều đại phong kiến Trung Hoa đã qua đời, đặt dấu chấm hết cho hiện tượng hoạn quan của Trung Quốc.

Phụ Lục :

Có gia đình chuẩn bị việc cho con mình tương lai sẽ làm thái giám tử khi còn nhỏ. Một bà vú (bảo mẫu) thuê để đặc biệt chăm sóc cho đứa trẻ ngay từ khi còn nằm trong nôi. Bà vú này có một thủ thuật riêng, mỗi ngày ba lần nắn bóp dịch hoàn đứa trẻ khiến đứa bé đau đến khóc thét lên. Lực bóp cũng tăng thêm và cơ quan sinh dục của đứa bé dần dần bị hủy hoại. Khi lớn lên không những mất khả năng sinh dục mà dương vật còn teo dần khiến đứa trẻ có nhiều nữ tính, không có yết hầu, hai vú nhô cao, mông nở, giọng nói lanh lảnh, dáng điệu ẻo lả và trở thành “ái nam, ái nữ”

Trước khi cát thể, người có định trở thành thái giám được đặt nằm nghiêng trên một cái giường thấp và được hỏi lần cuối cùng có hối hận gì khi bị thiến hay không. Nếu người đó trả lời không thì một người sẽ giữ chặt bụng người đó, hai người khác banh hai chân ra giữ cho khỏi cục cựa. Băng vải được quấn chặt ở bụng dưới và hai đùi và bệnh nhân được cho uống một thang thuốc mê (ma phế thang), bộ phận sinh dục của y được chà xát bằng nước ngâm ớt. Cả dương vật lẫn dịch hoàn được cắt xoẹt bằng một nhát dao sát tận đáy, một nút bằng kim loại cắm ngay vào lỗ sinh thực khí và vết thương được băng chặt bằng giấy bản, bên ngoài quấn vải thật chặt.
Người thái giám lập tức được những “đao tử tượng” dìu đi quanh phòng trong hai ba giờ liền trước khi được quyền nằm nghỉ. Người đó vừa đau đớn, vừa khát nước nhưng không được ăn uống và tiểu tiện trong ba ngày. Sau ba ngày, vải băng được cởi ra và cái nút được rút ra và nếu bệnh nhân có thể đi tiểu được ngay thì vụ giải phẫu thành công và qua được thời kỳ nguy hiểm. Nếu người thái giám không tiểu tiện được có nghĩa là đường sinh thực khí đã bị thu hẹp hay bịt kín và chỉ còn đường chờ chết…

https://ongvove.wordpress.com/

Sự thật tàn nhẫn và đau lòng nhất của thế giới người lớn: 99% nỗ lực của chúng ta trong giao tiếp xã hội là vô ích, tại sao lại như vậy?

Sự thật tàn nhẫn và đau lòng nhất của thế giới người lớn: 99% nỗ lực của chúng ta trong giao tiếp xã hội là vô ích, tại sao lại như vậy?
CUỘC SỐNG NGÀY NAY LÀ MỘT CHUỖI NHỮNG BÀI HỌC MÀ CHÚNG TA PHẢI BUỘC MÌNH CHẤP NHẬN. NGHE THÌ THẬT TÀN NHẪN, NHƯNG KHÔNG TÀN NHẪN THÌ KHÔNG PHẢI LÀ CUỘC SỐNG.

Từng có một câu hỏi trên MXH: Sự thật tàn nhẫn trong cuộc sống là gì?

Có một câu trả lời nhận được rất nhiều lượt thích: “99% nỗ lực của người trưởng thành là vô ích trong giao tiếp xã hội.”

Nếu suy nghĩ kỹ hơn về bình luận này, quả thật thực tế đúng là như vậy. 

Khi tiếp xúc với mọi người, chúng ta luôn mong muốn sự chân thành của mình sẽ được đáp trả, mong muốn những gì chúng ta bỏ ra sẽ được trân trọng.

Nhưng thực tế là hầu hết thời gian, nỗ lực của chúng đều vô ích.

Trên đường đời, chúng ta sẽ gặp đủ loại người, nhưng không phải ai trong số họ cũng xứng đáng để chúng ta thân thiết.

Trong một tiết mục, Nhạc Vân Bằng đã từng kể một câu chuyện của chính mình.

Khi còn đi học, anh có một người bạn rất thân, hai người gần như không thể tách rời, chuyện gì cũng có thể nói với nhau.

Ngay cả khi đã tốt nghiệp nhiều năm, anh ấy vẫn luôn một lòng với người bạn này, và anh sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của người bạn đó.

Mỗi khi người bạn đó gặp chuyện gì thì anh cũng không tiếc công sức giúp đỡ, người bạn bảo cho mượn tiền, dù lý do là gì anh đều không ngần ngại cho mượn.

Kết quả là sau một thời gian dài, anh chợt phát hiện ra người bạn này có một thói xấu: Người bạn đó chỉ trả cho anh một số tiền nhỏ, sau đó sẽ vay thêm số tiền lớn hơn.

Ví dụ, vay 30.000, trả lại 8.000, rồi lại tiếp tục vay 50.000 NDT.

Sau nhiều lần như thế, người bạn đó cứ bảo anh ấy cho vay nhiều tiền hơn và không có ý định trả lại.

Sau nữa, anh phát hiện ra người bạn này suốt ngày không đi kiếm tiền, mà thường xuyên đi đánh bài và làm chuyện không đâu.

Giây phút đó, anh mới nhận ra rằng anh coi người đó là bạn thân của mình, nhưng họ chỉ lợi dụng anh như một lợi ích và chỉ muốn trục lợi từ anh.

Sau khi nhận ra điều này, Nhạc Vân Bằng đã trực tiếp đưa cho người bạn đó 10.000 NDT, coi như mua đứt mối quan hệ giữa hai người và đoạn tuyệt hoàn toàn với hắn ta.

Sự thật tàn nhẫn và đau lòng nhất của thế giới người lớn: 99% nỗ lực của chúng ta trong giao tiếp xã hội là vô ích, tại sao lại như vậy? - Ảnh 1.

Có nhiều lúc tấm chân tình của ta đối với một vài người chỉ là nơi họ để trục lợi. Ảnh: Internet

Không phải tấm chân tình nào trên đời này cũng có thể đổi lại được chân tình.

Không phải sự cố gắng nào cũng có thể đổi lại được sự đền đáp tương xứng.

Có một số người, dù bạn có tốt với họ đến đâu, họ cũng không biết cách trân trọng.

Trên đời có câu: “Nếu bạn có tình, người khác không nhất thiết phải có nghĩa; nếu bạn toàn tâm, người khác có quyền không toàn ý. Bạn cho người khác sự chân thành, không có nghĩa là bạn cũng sẽ nhận lại được như vậy.”

Hãy lấy lòng đo lòng, nếu sự chân thành chỉ đến từ một phía, bạn đừng tiếc quay đi.

Khi đến một độ tuổi nhất định, bạn sẽ hiểu những người bạn giả dối thật sự không đáng để ta đặt tình cảm vào. Và với những mối quan hệ không xứng đáng, ta cũng không cần phải duy trì một cách miễn cưỡng.

Có câu: Bạn bè “vô hiệu” chẳng khác gì món đồ thừa. Nhìn thấy họ tồn tại, nhưng lại vô dụng với chúng ta. Như vậy, mối quan hệ này chỉ tổ chiếm không gian và làm xáo trộn thế giới của mình.

Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng càng nhiều bạn bè thì càng tốt, càng có nhiều mối quan hệ xã hội thì càng tuyệt. Nhưng trên thực tế, hầu hết các mối tương tác xã hội đều vô nghĩa.

Một cư dân mạng trên Weibo đã chia sẻ về trải nghiệm của mình:

Trước đây, anh ấy chỉ cần không đi làm thì sẽ tìm bạn đi chơi cho vui, và bạn bè của anh ấy cũng đưa vài người bạn của họ tới chơi cùng. Cứ như thế, anh ngày càng quen biết thêm nhiều người, mỗi khi muốn ra ngoài chơi, anh đều tìm được người đi cùng.

Lúc đó, theo quan điểm của anh ấy, với nhiều bạn bè và mạng lưới quan hệ rộng như vậy, mọi người đều là những người anh em tốt của nhau.

Cho đến một lần, khi gia đình anh gặp chuyện và cần giúp đỡ, những người thường đi chơi với anh ngày thường đã quay đầu trốn chạy nhanh hơn bất cứ ai khác. Lúc này anh mới nhận ra rằng những cuộc vui trước đây chỉ là những cuộc xã giao không hơn không kém, tốn thời gian và công sức.

Sự thật tàn nhẫn và đau lòng nhất của thế giới người lớn: 99% nỗ lực của chúng ta trong giao tiếp xã hội là vô ích, tại sao lại như vậy? - Ảnh 2.

Thay vì đắm chìm vào những mối quan hệ ảo, những cuộc xã giao không hồi kết… ta hãy tìm cách nâng cao trình độ của mình. Ảnh: Internet

Những người tầm thường lấp đầy sự trống trải bằng sự phấn khích, còn những người xuất sắc sẽ đơn thân độc mã đạt được thành công. Tri thức càng nghèo nàn, càng hăng say với những tương tác xã hội vô bổ, kém chất lượng. Còn với những người thực sự thông minh và trưởng thành, họ luôn biết cách sử dụng thời gian để làm những việc hữu ích.

Người càng giỏi càng biết cách cắt đứt những mối quan hệ xã hội không cần thiết và dành thời gian, tâm trí cho những việc có ý nghĩa. Bởi vì họ hiểu rằng những cuộc xã giao sôi nổi thì thường trống rỗng. Điều đó chỉ làm lãng phí thời gian và tiêu hao năng lượng mà không thu được gì.

Bản chất của giao tiếp xã hội là có đi có lại, khi bạn không giỏi thì quen biết ai cũng vô ích.

Trong chương trình “Listen to Me”, diễn viên Ngạc Tĩnh Văn đã chia sẻ về trải nghiệm đáng xấu hổ của mình:

Một lần, cô quyết tâm phải gặp gỡ một số tên tuổi lớn trong ngành thông qua việc xã giao. Cuối cùng, có lần cô được một người bạn mời tham gia vào một bữa ăn tối với một đạo diễn nổi tiếng. Trong bữa ăn, cô luôn chủ động trò chuyện, mời rượu vị đạo diễn đó và đưa danh thiếp.

Mặc dù đạo diễn không biết Ngạc Tĩnh Văn là ai, nhưng cô cũng được xem là may mắn vì đã thêm được tài khoản WeChat của vị đạo diễn vào bữa tối hôm đó. Lúc đó, không cần nói cũng biết cô vui như thế nào, cô cho rằng việc thêm WeChat của đạo diễn là có được mối quan hệ “vàng” với ông.

Sau đó, để đạo diễn có ấn tượng với mình, cứ đến Tết Nguyên đán, Ngạc Tĩnh Văn sẽ gửi lời chúc mừng năm mới đến đạo diễn. Nhưng đến năm thứ 3 khi cô gửi lời chúc, cô phát hiện ra rằng tài khoản của mình đã bị chặn bởi giám đốc.

Sự thật tàn nhẫn và đau lòng nhất của thế giới người lớn: 99% nỗ lực của chúng ta trong giao tiếp xã hội là vô ích, tại sao lại như vậy? - Ảnh 3.

Gió tầng nào gặp mây tầng đó, chỉ khi chúng ta giỏi, chúng ta mới có thể thu hút lại những người tương xứng. Ảnh: Aboluowang

Chúng ta luôn nghĩ rằng chỉ cần biết một số tên tuổi lớn trong ngành, điều đó có nghĩa là ta đã “thân thiết” với họ và có nhiều con đường thành danh hơn.

Tuy nhiên, chúng ta lại quên rằng khi năng lực có hạn và sức ảnh hưởng không đủ thì việc quen biết những người giỏi nhất cũng là điều vô ích. Vì dù chỉ là xã giao, thì con người ta cũng có xu hướng qua lại với những người “cùng đẳng cấp” với họ.

Những ai có sức mạnh tương đương, thực lực ngang nhau thì có thể hút nhau và hợp tác với nhau lâu dài. Khi bạn đủ mạnh và giá trị của bạn đủ lớn, bạn sẽ tự nhiên thu hút được nhiều người có quyền lực tương xứng đến gần mình. Một chân lý không thay đổi trong xã hội là khi bạn còn có ích, bạn sẽ có nhiều bạn bè nhất.

Trước khi bạn đủ mạnh và đủ giỏi, đừng dành quá nhiều thời gian quý báu để giao lưu và tham gia vào các buổi tụ tập. Thay vào đó bạn nên dành nhiều thời gian để đọc và nâng cao kỹ năng chuyên môn của mình. Hãy từ bỏ những tương tác xã hội vô bổ đó và cải thiện bản thân để mở rộng thế giới của bản thân. 

Trên đường đời, điều quan trọng nhất là nâng cao thực lực của bản thân, chứ không phải ăn chơi sa đọa. So với việc việc hòa mình vào các cuộc xã giao khác nhau hay tìm kiếm cho mình các mối quan hệ “thân thiết” một cách tuyệt vọng, thì giá trị của bản thân luôn là “vũ khí” mạnh hơn cả. 

Sự thật tàn nhẫn và đau lòng nhất của thế giới người lớn: 99% nỗ lực của chúng ta trong giao tiếp xã hội là vô ích, tại sao lại như vậy? - Ảnh 4.

Khi bạn giỏi, bạn không phải chạy theo và lấy lòng người khác, mà những người cùng chí hướng sẽ tự động lao về phía bạn. Ảnh: Internet

Vì vậy, thay vì dành nhiều thời gian để làm quen với những người không liên quan, hay lãng phí năng lượng vào những mối quan hệ vô nghĩa, tốt hơn hết hãy làm việc chăm chỉ để cải thiện bản thân, luôn nhớ trước hết phải khiến bản thân trở nên đủ tốt.

Khi bạn giỏi, bạn không phải chạy theo và lấy lòng người khác, mà những người cùng chí hướng sẽ tự động lao về phía bạn.

Như Ý / Theo Nhịp sống kinh tế

Trung Quốc vượt Mỹ: Gã nhà giàu số 1 thế giới ngập trong núi nợ ngầm 8.300 tỷ USD

Liệu Evergrande có biến cái mác “giàu nhất thế giới” của Trung Quốc thành trò cười?

Trung Quốc vượt Mỹ: Gã nhà giàu số 1 thế giới ngập trong núi nợ ngầm 8.300 tỷ USD

Vào tháng 11/2021, hãng tin Bloomberg cho biết Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia nắm giữ nhiều tài sản nhất thế giới với 120 nghìn tỷ USD, cao hơn 90 nghìn tỷ USD của Mỹ. Tuy nhiên tờ The Economist nhận định dù giàu nhất thế giới nhưng Trung Quốc lại ngập trong nợ bởi phần lớn tài sản tăng giá của thị trường này đến từ bất động sản, vốn là mảng đang đứng trên bờ vực đổ vỡ.

Câu chuyện những tập đoàn bất động sản khổng lồ như Evergrande chính thức vỡ nợ đã chẳng còn gì lạ khi nhiều người lo lắng chúng sẽ kích thích một sự sụp đổ dây chuyền trong hệ thống và biến cái mác “giàu nhất thế giới” của Trung Quốc thành trò cười.

Thế nhưng tờ Economist cho rằng hiểm họa của thị trường bất động sản không chỉ nằm ở những tập đoàn ngập nợ như Evergrande mà còn ở núi nợ ngầm 8.300 tỷ USD của các địa phương mà ít người chú ý. Đây là những khoản nợ trái phiếu công của các địa phương mà nguồn trả nợ chủ yếu đến từ bán đất, thế nhưng thị trường ảm đạm khiến nguy cơ đổ vỡ của chúng đáng lo hơn nhiều so với một Evergrande.

Trung Quốc vượt Mỹ: Gã nhà giàu số 1 thế giới ngập trong núi nợ ngầm 8.300 tỷ USD - Ảnh 1.

Trái phiếu của các LGFV tại Trung Quốc

Kỳ lạ nhất thế giới

Tháng 6/2021, thành phố Liuzhou thực hiện đấu giá các lô đất công nhưng chẳng mấy ai đến thầu, chỉ có duy nhất 1/5 lô là có chủ. Tương tự như nhiều nơi khác trên khắp Trung Quốc, sự đi xuống của thị trường bất động sản khiến nhu cầu đất công giảm rõ rệt. Các doanh nghiệp không bán được nhà đồng nghĩa họ không muốn mua thêm đất để triển khai các dự án mới nữa.

Thông tin này chẳng vui vẻ gì bởi đây là nguồn thu chính nhằm trả nợ cho các trái phiếu được phát hành bởi các công ty huy động vốn thuộc chính quyền địa phương (LGFV). Những doanh nghiệp nửa công-nửa tư này là nền tảng cho sự phát triển của kinh tế Trung Quốc thời gian qua, đồng thời góp phần đưa quốc gia này vượt Mỹ để trở thành nước giàu nhất thế giới khi thúc đẩy giá bất động sản tăng mạnh.

Sau thất bại tại Liuzhou, các hãng xếp hạng tín nhiệm đã hạ 2 trong số các LGFV của thành phố vì lo ngại chính quyền không đủ khả năng thanh toán đúng hạn.

Theo The Economist, LGFV là một trong những đổi mới tài chính thuộc hàng kỳ lạ nhất thế giới. Vào giữa thập niên 1990, chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng luật ngân sách nhằm hạn chế nợ công địa phương. Để đối phó, chính quyền các nơi đã xây dựng LGFV nhằm huy động vốn và đây trở thành một trong những công cụ chính thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như kinh tế của các khu vực tại Trung Quốc.

Tất nhiên, số liệu của Goldman Sachs cho thấy dù tài sản có tăng giá nhờ bất động sản thì nợ vẫn còn đó và LGFV đang khiến Trung Quốc nợ tới 53 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 8,3 nghìn tỷ USD hay 52% GDP.

Những khoản nợ này không nằm trong báo cáo tài chính công bởi các công ty trên là nửa công nửa tư nhân, được lập ra nhằm né quy định luật ngân sách từ trung ương. Thế nhưng tờ The Economist nhận định dù có né được báo cáo tài chính công thì cuối cùng chính quyền các địa phương vẫn phải trả nợ.

Trên thực tế Trung Quốc nhận thức rất rõ về LGFV và đã mất nhiều năm để giải quyết, thế nhưng việc trả nợ diễn ra rất chậm khi khoản thu từ những đầu tư công như cầu đường chẳng đáng bao nhiêu. Phần lớn các khoản thanh toán chủ yếu vẫn đến từ bán đất công cho các doanh nghiệp làm dự án nhưng với tình hình hiện nay, nguồn thu này cũng không khả quan.

Số liệu của hãng nghiên cứu Enodo Economics cho thấy trong một vòng đấu giá của 22 khu đất tại các thành phố lớn nhất Trung Quốc trong năm 2021, giá trúng thầu chỉ cao hơn 4,7% so với mức giá được đưa ra, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 16,7% của năm 2020.

Nguồn thu suy giảm khiến địa phương không còn nhiều ngân sách cho đầu tư tăng trưởng. Bình quân 60% lượng trái phiếu LGFV được phát hành để thanh toán nợ đáo hạn thay vì hút vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2020-2021.

Trung Quốc vượt Mỹ: Gã nhà giàu số 1 thế giới ngập trong núi nợ ngầm 8.300 tỷ USD - Ảnh 2.
Đổ vỡ

Nhận thức được tình hình, chính quyền địa phương cũng đang cố gắng chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng mới. Thành phố Liuzhou đã chi tới 20 tỷ Nhân dân tệ ngân sách công để bù lỗ cho LGFV Dongtong, vốn bị Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm từ tháng 8/2021.

Trong khi đó, một LGFV khác tại thành phố Chongqing và Guangxi đã phá sản vào tháng 3/2021. Chính quyền các địa phương như Jiangsu, Yunnan cũng đã phải ban hành quy định những LGFV phải tuân thủ quy định phá sản mà không được giấu nợ.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá việc LGFV bị vỡ nợ dây chuyền chỉ còn là vấn đề thời gian. Tính đến tháng 6/2021, tổng giá trị trái phiếu của các LGFV tại Trung Quốc đã đạt 11,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ, cao gấp 6 lần tổng giá trị trái phiếu phát hành bởi những doanh nghiệp bất động sản và bằng 1/10 giá trị thị trường trái phiếu trong nước.

Trong khi đó, ngân hàng Nomura ước tính các LGFV sẽ phải thanh toán 32,2 tỷ USD trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ đáo hạn vào năm 2022, cao hơn so với mức 26,9 tỷ USD đáo hạn của năm 2021.

Rõ ràng, việc Evergrande vỡ nợ với 300 tỷ USD sẽ chỉ là khởi đầu cho hàng loạt khó khăn tại Trung Quốc-gã nhà giàu số 1 thế giới.

Huyền Băng / Doanhnghiep & Tiepthi

“Dân chủ nhân dân toàn diện” của Trung Quốc là cái gì?

Biểu tình đòi dân chủ của người dân Hong Kong năm 2019. Ảnh minh họa Unsplash.com

Để chống lại hội nghị thượng đỉnh về dân chủ toàn cầu mà Hoa Kỳ vừa chủ trì vừa qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh một chiến dịch tuyên truyền chưa từng có. Bắc Kinh đã huy động các tổ chức truyền thông nhà nước, các viện nghiên cứu và quan chức ngoại giao các cấp đăng tải hàng loạt nghiên cứu, bài bình luận trên hệ thống truyền thông chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc lẫn trên các mạng xã hội toàn cầu như Twitter để lên án những khiếm khuyết của thể chế dân chủ tự do của Mỹ và phương Tây; đồng thời quảng bá cái gọi là “nền dân chủ nhân dân toàn diện”, hay “dân chủ xã hội chủ nghĩa mang đặc điểm Trung Quốc”. 

Luận điểm chính của chiến dịch tuyên truyền này là thể chế của Trung Quốc “dân chủ hơn”, “ưu việt hơn”, “hiệu quả hơn” và tránh được những căn bệnh kinh niên của thể chế dân chủ đa đảng của Phương Tây mà Hoa Kỳ là đại diện. Vậy “nền dân chủ nhân dân toàn diện” hay “dân chủ xã hội chủ nghĩa” của Trung Quốc là gì, có phải đó là “lựa chọn thay thế” cho mô hình dân chủ tự do ở phương Tây hiện nay hay không?

Từ ngày thành lập nước vào tháng Mười năm 1949 đến nay, Trung Quốc là một nước độc tài đảng trị, theo mô hình nhà nước chuyên chế của Lenin-Stalin ở nước Nga, chỉ có một đảng chính trị duy nhất là đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) nắm tất cả các nhánh quyền lực. Tổng bí thư đảng CSTQ Tập Cận Bình kiêm nhiệm Chủ tịch nước Trung Quốc, cùng với Bộ Chính trị của đảng có quyền ban hành mọi quyết định chính sách; người dân Trung Quốc không có tiếng nói nào trong việc đưa các nhân vật này lên đỉnh quyền lực, dù vẫn phải đóng thuế và không được phản đối các quyết định mà những người này đưa ra. 

Bề ngoài, Trung Quốc có hiến pháp, có quốc hội được bầu lên theo kiểu đảng cử dân bầu phi tự do để chỉ để “đóng dấu cao su” vào các quyết định đã được Bộ Chính Trị đảng CSTQ đề ra trước đó trong một quy trình bàn luận bí mật; có hệ thống tòa án các cấp nhưng không có tư pháp độc lập vì tất cả quan tòa đều do đảng bổ nhiệm và làm việc theo chỉ thị của đảng. Đảng đứng trên pháp luật và pháp luật được ban ra chỉ để cai trị người dân. Đất nước này cũng không có báo chí độc lập, tất cả các phương tiện truyền thông đều do đảng kiểm soát, mọi tiếng nói bất đồng đều bị bóp nghẹt cả trong đời sống lẫn trên mạng xã hội. Gần đây, tân dụng tiến bộ của công nghệ điện toán, Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới giám sát kỹ thuật số khổng lồ, nhất cử nhất động của người dân đều bị theo dõi sát.

Một đất nước độc tài toàn trị như vậy có thể là một nền dân chủ hay không?

Hôm Thứ Bảy ngày 4 Tháng Mười Hai, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, tức chính phủ Trung Quốc, công bố một “bạch thư” (sách trắng) có nhan đề: “Trung Quốc: Nền Dân Chủ Hoạt Động Được” (China: Democracy That Works), cùng lúc với việc tổ chức Diễn đàn Dân chủ toàn cầu tại Bắc Kinh. Ngoài nội dung phê phán thể chế dân chủ tự do của Mỹ và phương Tây, “bạch thư” Trung Quốc trình bày những đặc điểm của “dân chủ xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc”.

Tài liệu này cho rằng, cái gọi là “nền dân chủ nhân dân toàn diện” (whole-process people’s democracy) mà Chủ tịch Tập mới sáng tạo ra gần đây là sự kế thừa hợp lý và chính đáng ý tưởng quyền cai trị thuộc về mọi công dân mà người Hy Lạp cổ đại đã thực thi vào khoảng 2,000 năm trước.

Bạch thư cho rằng, thể chế dân chủ đa đảng phương Tây chỉ là dân chủ một phần; dân chủ nhân dân toàn diện của Trung Quốc không tập trung vào một quá trình cụ thể nào, cho dù đó là hệ thống bầu cử phổ quát mỗi cử tri một lá phiếu để trực tiếp bầu ra người lãnh đạo; hoặc hệ thống tam quyền phân lập, kiểm tra và cân bằng giữa các nhánh quyền lực. 

Chỗ dị biệt giữa hai quan niệm dân chủ, theo “bạch thư”, nằm ở chỗ “dân chủ nhân dân toàn diện” của ông Tập tập trung vào kết quả của quản trị quốc gia, vào việc thỏa mãn các nhu cầu của nhân dân. Với một đất nước to lớn và đông đúc như Trung Quốc, việc đáp ứng các nhu cầu cơm ăn áo mặc và phát triển kinh tế để mọi người dân được sống tốt hơn thì quan trọng hơn rất nhiều so với việc để cho người dân được bầu cử người đại diện và thực hiện quyền tự do dân sự. Và để phát triển đất nước, ổn định trật tự xã hội thì một thể chế tập trung quyền lực vào một đảng chính trị, một nhóm quan chức tinh hoa thì quan trọng hơn là phân chia quyền lực giữa các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp hoặc dung nạp các nguyên tắc tự do ngôn luận, tự do lập hội v.v…

Từ đó, bạch thư của Trung Quốc khẳng định, sự cai trị độc đảng – mà truyền thông phương Tây thường gọi là độc tài đảng trị – chẳng những không phải là trở ngại cho công cuộc dân chủ hóa mà còn là nhân tố bảo đảm sự dân chủ đó. “Thật không phải là một việc dễ dàng để một quốc gia rộng lớn và đông đúc như Trung Quốc được đại diện đầy đủ và xử lý những mối quan tâm của hơn 1.4 tỷ người dân. Nó phải có một sự lãnh đạo tập trung và mạnh mẽ,” bạch thư viết.

Trên nền tảng tư tưởng “dân chủ là hiệu quả”, “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, Bắc Kinh ra sức biện hộ cho những chính sách đàn áp phản dân chủ của họ: việc giam hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ vào trại tập trung ở Tân Cương là “phương thức mới để loại trừ chủ nghĩa khủng bố”, việc bỏ tù hàng ngàn luật sư nhân quyền và nhà báo của Trung Quốc cũng như ban hành luật an ninh quốc gia khắc nghiệt để đập tan phong trào dân chủ Hồng Kông là để củng cố “nhà nước pháp quyền”; việc theo dõi toàn bộ dân chúng bằng camera có tính năng nhận diện khuôn mặt và công nghệ xử lý dữ kiện bằng trí tuệ nhân tạo là để duy trì sự ổn định chính trị và đoàn kết quốc gia, chống bạo loạn và khủng bố v.v…

Với công chúng phương Tây, quan niệm “dân chủ nhân dân toàn diện” của Trung Quốc chỉ là xảo thuật  ngôn từ để che giấu bản chất độc tài toàn trị, không lừa bịp được ai. Bảng xếp hạng toàn cầu các định chế dân chủ 2020 của Viện V-Dem Institute thuộc Đại học Gothenburg xếp Trung Quốc vào vị trí thứ 174 trong 179 quốc gia được khảo sát và cho rằng đây là một nước độc tài chuyên chế. Trong bảng Chỉ số Dân chủ (Democracy Index) 2020 do Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU) của báo The Economist (Anh) – xếp hạng 167 quốc gia dựa trên 60 tiêu chuẩn trong năm nhóm vấn đề lớn: quy trình bầu cử và đa nguyên chính trị, quyền tự do dân sự, hoạt động của chính phủ, sự tham gia chính trị của người dân và văn hóa chính trị – Trung Quốc đứng ở vị trí 151 trong nhóm nước độc tài chuyên chế. 

Nhưng mô hình dân chủ giả hiệu của Trung Quốc có sức hấp dẫn mạnh mẽ với các nước nhỏ, đang tìm một mô hình phát triển giữa một thế giới đa cực mà trọng lực đang nghiêng dần về phía châu Á. Các nhà lãnh đạo độc tài còn tìm thấy ở mô hình Trung Quốc những yếu tố giúp cho họ duy trì sự độc quyền cai trị và tước đoạt những quyền tự do căn bản của công dân – yếu tố tạo nên một thể chế dân chủ. 

Ở Đông Nam Á, quan niệm về dân chủ của Trung Quốc được các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam, Philippines, Miến Điện, Cambodia và Lào tán thành. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính chẳng hạn, trong chuyến công du Anh Quốc vừa qua, đã cao ngạo tuyên bố: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới này về vấn đề nhân quyền. Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho một trăm triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau”. Chính phủ của ông Chính có lo được cơm ăn áo mặc, không bỏ ai lại phía sau hay không thì thực tế hằng ngày ở Việt Nam hiện nay là một lời phản bác mạnh mẽ. Các nhà cầm quyền cộng sản còn luôn miệng nói, chưa thể thực hiện dân chủ hóa – ví dụ để người dân trực tiếp bầu ra người đại diện cho mình – vì dân trí còn thấp! Thực tế cho thấy quan trí mới thấp và sự trì hoãn dân chủ hóa chỉ nhằm duy trì ách áp bức bóc lột của thiểu số cầm quyền kiểu cha truyền con nối.

Mô hình “dân chủ xã hội chủ nghĩa” Trung Quốc có sức thu hút các nước đang phát triển một phần do đà suy thoái của thể chế dân chủ ở Mỹ và phương Tây, gây thất vọng cho người dân. Những cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp xảy ra theo chu kỳ; sự phân liệt đảng phái gay gắt làm cho guồng máy chính phủ bị tê liệt – chính phủ Hoa Kỳ nhiều lần đứng trước tình trạng bị đóng cửa vì ngân sách hoạt động không được phân bổ kịp thời chẳng hạn, việc quản trị xã hội ngày càng rối rắm với tệ nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị vùng miền v.v… Sự kiện cựu Tổng thống Donald Trump và các chính trị gia đảng Cộng Hòa liên tục tố cáo cuộc bầu cử năm 2020 là “gian lận”, nhiều tiểu bang đưa ra các đạo luật hạn chế quyền bầu cử, làm mọi cách cản trở đảng Dân Chủ cầm quyền, từ việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tới đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng; cũng như sự đối lập không khoan nhượng giữa hai đảng đã làm cho chính phủ Mỹ gần như không thể hoạt động hiệu quả, xã hội chia rẽ sâu sắc và đặt ra nguy cơ nền dân chủ Mỹ có thể sụp đổ trong tương lai.

Tổng thống Biden nhiều lần nói rằng, thách thức lớn nhất của thế kỷ 21 là cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa dân chủ và độc tài, phần thắng sẽ thuộc về thể chế nào đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, không chỉ về đời sống vật chất mà cả về tinh thần và phẩm giá. Việc tổ chức hội nghị toàn cầu về dân chủ nhằm kết nối nỗ lực của các quốc gia “cùng chí hướng” để bảo vệ nền dân chủ có thể là một bước khởi đầu tốt, nhưng vấn đề khó khăn hơn nằm ở nội bộ nước Mỹ và các thể chế dân chủ lớn khác như Ấn Độ. Nếu nước Mỹ không vượt qua được sự chia rẽ đảng phái gay gắt hiện nay để quay lại với một xã hội đoàn kết, một chính phủ hiệu quả thì sẽ không có triển vọng thắng cuộc trong cuộc cạnh tranh ý thức hệ với Trung Quốc dù thể chế dân chủ của Bắc Kinh chỉ là một món giả cầy!

Hiếu Chân / Saigon Nhỏ